Responsive Menu
Add more content here...

Lão Hòa thượng Tịnh Không khai thị sau buổi cơm: Trong Tâm Chỉ Có: Tín, Nguyện, Trì danh.  

Lão Hòa thượng Tịnh Không khai thị sau buổi cơm:

Trong Tâm Chỉ Có: Tín, nguyện, trì danh.

Giảng tại Tịnh Tông Học Viện Australia

Ngày 03 tháng 3 năm 2019  

Dịch giả: Thích Thiện Trang.

         

Kính thưa chư vị Pháp sư, chư vị đồng tu, chúc quý vị năm mới tốt lành! A Mi Đà Phật! Tuổi tôi nay đã lớn, trung khí không đủ, cho nên cố gắng nói ít lời. Hôm nay ở tại nơi đây, là tụ hội của gia đình chúng ta, là người trong nhà nhóm họp, không phải là cư xử như bên ngoài, cho nên cũng cần giảng nói vài lời, giảng điều gì? Tôi học Phật hơn 70 năm rồi, tôi bắt đầu học Phật năm 26 tuổi, hơn 30 tuổi xuất gia. Sau khi xuất gia, thì thời gian ở hải ngoại nhiều, cho dù là quay về đón năm mới, cũng là vội vội vàng vàng. Hiện nay cho dù mọi người không hỏi, tôi cũng phải giảng.

Năm nay tôi đón năm mới ở Đài Loan, đó là mấy năm rồi không về lại Đài Loan. Ngày hôm trước, có một lão bằng hữu, 38 năm trước cùng trên một chiếc thuyền đến Đài Loan, mấy ngày trước đã qua đời rồi, lần về Đài Loan ấy tôi không đến thăm ngài, ngài ở trong phòng điều trị đặc biệt của bệnh viện, nên tôi không đến thăm được. Còn có một lão đồng học, là bạn học thời cấp 2, là Cư sĩ Chu Xuân Đường cũng đã qua đời rồi. Năm mới nhóm họp, bằng hữu đến, thì mỗi năm một ít đi.

Người học Phật chúng ta, thì tính cảnh giác càng cao hơn, khi nào thì đến lượt tôi? Không phải là điều không tốt lành đâu! Đó là sự thật, mà chúng ta cần phải biết, phải sớm chuẩn bị đi nhé! Đồng thời ở trong khoảng thời gian này, chúng tôi thấy được sự vãng sanh, biết trước được thời gian vãng sanh, có một số trường hợp, rất hiếm có, tuổi lớn rồi, thân thể không khỏe, nhưng buông xuống vạn duyên, chỉ một câu Phật hiệu niệm đến cùng, sau cùng đều cảm ứng được A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, thấy được Thế giới Cực Lạc, có người đến kể với tôi tình trạng của họ, chúng tôi nghe xong, rất hoan hỷ.

Điều quan trọng nhất là: chúng ta phải thật sự làm đến được sanh tử tự tại, giống như cô Lưu Tố Thanh vậy, hai chị em cô ấy, cô Lưu Tố Vân giảng Kinh Vô Lượng Thọ, giảng được khá hay. Có đưa đĩa ghi âm đến cho tôi nghe qua, nghe thấy rất hay! Cô ấy thường thường cảm được, pháp môn này hay như vậy, thành tựu thù thắng như vậy. Nếu như đời này bỏ lỡ qua, thì đó gọi là thật đáng tiếc. Vãng sanh thật ra không khó. Cho nên cô ấy muốn: tốt nhất có người phát tâm, biểu diễn cho chúng ta thấy, nhưng không có ai dám biểu diễn làm sự việc này. Chị của cô ấy nghe nói vậy, thì nói với cô, nói rằng: Tiểu Vân à! Để chị biểu diễn, biểu diễn niệm Phật vãng sanh. Thời gian là một tháng thôi, thì đi thật rồi. A Di Đà Phật cho cô ấy một tin tức, chính là thời gian, lúc nào thì đến tiếp dẫn cô vãng sanh, một giây cũng không sai. Chúng ta phải nắm chắc lấy điều này, nắm chắc chính là liễu sanh tử, thì sự việc trong lục đạo luân hồi này, chúng ta tính là được thoát ra hẳn rồi.

Phàm là người niệm Phật không thể vãng sanh, không phải do niệm Phật không linh, vì niệm Phật thật sự linh, mà bởi chính quý vị còn có những điều chưa buông xuống, còn có lo lắng, còn có lưu luyến. Chỉ cần có một việc, như danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, có một việc không buông xuống, thì đời này quý vị không có phần đến Thế giới Cực Lạc, là vô cùng đáng tiếc!

          Tôi hy vọng đều buông xuống tất cả. Đạo tràng chúng ta đây, hy vọng đạo tràng này, tương lai là một đạo tràng nhỏ có duyên nhất với Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Người ở đạo tràng này, tất cả đều được vãng sanh, ai ai cũng đều thấy Phật, được Phật đến tiếp dẫn. Bí quyết không có gì khác, tôi ở đời này, khi còn trẻ, chưa rõ việc này! Cho rằng tôn giáo đều là mê tín, cho nên đối với tôn giáo không có cảm tình, đến được với tôn giáo, vào được trong Phật giáo, là do tiên sinh Phương Đông Mỹ. Vì tôi vốn là theo ngài học triết học, ngài đã giảng cho tôi một bộ triết học khái luận. Mục cuối cùng là triết học kinh Phật. Tôi rất kinh ngạc, tôi nói: Phật giáo là mê tín, làm sao lại có triết học được? Ngài nói: tuổi anh còn trẻ, anh không biết, Thích Ca Mâu Ni là nhà triết học vĩ đại nhất trên thế giới, triết học kinh Phật mới là đỉnh cao nhất của triết học thế giới. Ngài nói với tôi: học Phật là sự hưởng thụ tối cao của đời người. Tôi là được thầy tiếp dẫn tôi đến cửa Phật như vậy đó. Tôi theo ngài học ba năm. Vị thầy thứ hai của tôi là Đại sư Chương Gia. Ở đằng kia có hình chụp của chúng tôi, mọi người cũng có thể nhìn thấy được. Thầy Phương đã dẫn tôi vào cửa Phật.

          Làm thế nào mới có thể chứng quả? Niệm Phật vãng sanh chính là chứng quả của Tịnh-độ, nhất định phải đem điều này đặt ở vị trí số một, không buông xuống được như vậy, thì không nắm chắc vãng sanh. Buông xuống lúc nào? Buông xuống ngay lập tức, đây là điều mà Đại sư Chương Gia nói với tôi. 84 ngàn pháp môn, đều không có khác, bất luận là pháp môn nào, nếu quý vị muốn thành tựu, thì cũng phải triệt để buông xuống. Vì thế, tôi là được thầy Phương giới thiệu Phật pháp, còn Đại sư Chương Gia là dạy tôi nhập môn, khi tôi hướng ngài để thỉnh giáo: làm thế nào thì công phu mới được đắc lực? Đó chính là tu hành. Tôi cũng thường thường giảng cho bằng hữu nghe, tôi đưa ra vấn đề này, yêu cầu thầy giải đáp: tu hành trong nhà Phật có phương pháp nào khiến con rất nhanh đạt được hay không? Tôi đã đưa ra vấn đề này, thầy đã nhìn tôi, gương mặt rất nghiêm túc, tôi cũng nhìn ngài, tôi đợi ngài trả lời tôi, đợi cả tiếng đồng hồ, một giờ đồng hồ ngài không nói, hai chúng tôi nhìn lẫn nhau, nhìn một tiếng đồng hồ, ngài đã nói ra một chữ ‘có’, chữ ‘có’ làm chúng tôi bị giao động rồi, lúc đó cần dùng tâm để nghe, thì ngài lại không nói nữa, lại đợi hơn nữa tiếng đồng hồ, lần trước là đợi một tiếng đồng hồ, lần này là đợi nửa tiếng, ngài nói: ‘Nhìn được thấu, buông cho trót’, sáu chữ ấy. 84 ngàn pháp môn, tất cả pháp môn đều phải tuân thủ điều kiện này, cần phải buông xuống triệt để, thì quý vị mới đến Thế giới Cực Lạc được. Tất cả những gì ở thế giới này đều không thể có, bất cứ thứ gì dù là nhỏ nhất, cũng có thể lôi kéo được quý vị, khiến quý vị: không ra khỏi được tam giới, không thoát ly được lục đạo luân hồi, vậy thì quá là đáng thương!

          Cho nên phải buông xuống, phải buông xuống sự ưa thích, cũng phải buông xuống sự chán ghét. Bất kể là quý vị làm thế nào, chỉ cần có một điều như: mừng, giận, buồn, vui, mà quý vị chưa buông xuống, thì quý vị không đến Thế giới Cực Lạc được. Vì vậy, chúng ta phải dùng tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng trong xử việc, đối người, tiếp vật. Là bạn tốt thì cung kính, là không thiện cũng cung kính, với oan gia đối đầu cũng phải dùng tâm thiện để tiếp đãi.

          Tu hành là: tín, nguyện, hạnh. Có tín, có nguyện. Nguyện là quyết định cầu sanh Tịnh-độ, thân cận A Di Đà Phật. Tín, nguyện, còn có hạnh. Hạnh chính là triệt để buông xuống ở nơi đây, đó gọi là hạnh.

          Buông xuống bằng cách nào? Là không nên để ở trên tâm, không phải là nói: không để ở trên mặt sự, sự vẫn cứ làm, đặc biệt là sự việc phục vụ vì đại chúng, sự việc vì lợi ích của chúng sanh, thì chúng ta nên làm nhiều, phải thật làm, nhưng không để ở trên tâm. Khi sự việc làm xong rồi, bất kể là tốt hay xấu, đều không để ở trên tâm, đó gọi là buông xuống, điều này quan trọng hơn tất cả.

          Trong tâm chỉ để A Di Đà Phật, ngoài A Di Đà Phật ra, điều gì cũng không cần, đó gọi là chân tu hành, đó gọi là thật có đạo. Buông xuống lúc nào? Buông xuống liền lập tức. Căn bản là không để ở trên tâm, thì mới có điều kiện cảm ứng với A Di Đà Phật. Vì bên của Phật thì thông rồi, không có chướng ngại, còn chướng ngại là do chính mình, không thể không biết điều này.

          Đại sư Chương Gia dạy tôi sáu chữ ấy: ‘Nhìn được thấu, buông cho trót’. Nhìn được thấu là hiểu rõ chân tướng sự thật, chân tướng sự thật là gì? Là không, vạn pháp giai không. Mà chính quý vị lại cho giả là có, có là sai lầm rồi. Hiện nay nhà Cơ học lượng tử đã đem lời nói này của Phật chứng minh rồi. Đã một thời gian lâu tôi chưa có lên trên núi, trên núi thấy rõ ràng mặt đất nhất, có một cửa hàng nhỏ, ngày nay tôi quan sát kỹ lưỡng, thấy không còn nữa, thành phố Toowoomba cũng thay đổi rất nhiều, cửa hàng nhỏ ấy không còn nữa, lúc trước chúng tôi có đến nơi ấy, thường ở đó uống một tách trà, ăn một chút điểm tâm. Là giả đó, không phải là thật. Trước đây khá lâu thì cửa hàng nhỏ ấy vốn là không có, hiện nay cũng là không còn nữa, Cơ học lượng tử nói với chúng ta, một búng tay, một búng tay hay một giây, thời gian của một búng tay, thời gian một giây đó có thể còn quay lại được không? Điều gì quay trở lại? Tôi quay trở lại, tôi quay trở lại được không? Không quay trở lại được, vì già thêm một chút nữa rồi. Trong một giây đó có sanh lão bệnh tử, mỗi ngày lại càng gần với cái chết, ai cũng không thể thoát được, dù không thích nghe, nhưng đó là chân tướng sự thật, quý vị không có cách nào kéo lại được.

          Làm sao giải quyết vấn đề này? Phật dạy cho chúng ta, so với Cơ học lượng tử thì Phật nói càng tỉ mỉ hơn, Cơ học lượng tử nói một giây trôi qua thì không tìm lại được nữa, vì từng giây từng giây đi qua rồi, quý vị có học được không? Nó không còn nữa, quý vị học theo nó, nó không có, thì quý vị cũng không có, vậy thì đúng rồi. Nó có, quý vị cũng có, vậy thì phiền phức liền đến rồi, phải bỏ đi sạch sẽ, dùng cách nói của Phật trong Kinh Hoa Nghiêm, dùng cách nói của nhà Phật thì một búng tay, trong một búng tay có bao nhiêu lần sanh diệt? Chính là hiện tượng sanh diệt, có 32 ức trăm ngàn niệm, chính là ý niệm của quý vị, ý niệm của A-lại-da, tức là bao nhiêu ý niệm từ đó đã trôi qua rồi? Bao nhiêu ý niệm? là 320 ngàn tỷ niệm, là một trăm ngàn, nhân với một trăm ngàn, nhiều ý niệm đến như vậy. Những ý niệm ấy đều là sanh tử, đều là luân hồi, quý vị phải biết điều đó.

          Vì vậy, ý niệm tốt nhất của chúng ta là A Di Đà Phật, không có ý niệm nào tốt hơn nữa. Tự nhiên có người thật đã làm ra cho chúng ta thấy, có lúc chúng tôi nghĩ, đó là A Di Đà Phật đến để biểu diễn, tìm những người, không phải là đệ tử Phật, không phải là người tu Tịnh-độ, họ niệm Phật cũng được vãng sanh, là làm ra để chúng ta nhìn thấy, là đến để giúp chúng ta tăng trưởng: tín tâm, nguyện tâm, mà triệt để buông xuống.

          Cho nên, sự việc thế gian, bất luận là người hay việc, dù cho là sự việc gì, hãy để nó đi đi! Không nên rước lấy nó nữa, rước lấy nó thì lại đoạn mất cơ hội này rồi. Đó gọi là thật buông xuống. Nhà Phật nói: tín, giải, hành, chứng. Tín có, giải cũng có, hành chính là triệt để buông xuống, không so đo tính toán với bất kỳ người nào, càng không nên so đo tính toán với chính mình. Hy vọng đồng tu chúng ta, tương lai đều ở Thế giới Cực Lạc, ở liên trì hải hội của A Di Đà Phật. Chúng ta gặp nhau ở nơi ấy, đó là viên mãn công đức rồi. Quê hương ở nơi đâu? Quê hương ở Thế giới Cực Lạc. Thế giới Cực Lạc là vô lượng thọ, Thế giới Cực Lạc không có sanh diệt. Một búng tay có 320 ngàn tỷ niệm, chúng ta ở đây có, nhưng Thế giới Cực Lạc không có. Điều này cần phải biết, vì vậy mới gọi là Cực Lạc. Chúng ta có hay không? Mỗi năm, những lão bằng hữu của tôi, lúc nào cũng có mấy người qua đời rồi, cảm xúc rất sâu, lần lượt ra đi rồi.

          Vì vậy, tôi đến nơi đây, để giúp đỡ mọi người, chúng ta cùng dìu dắt nhau. Người việc thế gian là giả thôi, hãy tùy theo họ đi! Họ thích làm việc gì thì làm việc đó, chúng ta biểu diễn cho họ thấy, mọi người cùng nhau giảng kinh, họ cũng nghe, nghe rồi mà không tin, họ cũng nghe Phật hiệu nhưng họ không chịu niệm, vẫn là niệm những danh văn lợi dưỡng. Vậy thì tùy họ đi. Cuối cùng, họ sẽ rời khỏi thế giới, mất rồi. Đó là chân tướng sự thật, chúng ta nhìn thấy được rồi, thì phải phát đại tâm, niệm A Di Đà Phật để theo kịp, tôi sẽ theo những người đã vãng sanh, tất cả đều có biểu hiện tốt nhất, là thật chứ không phải giả, họ làm tấm gương tốt cho chúng ta, chúng ta cần phải học tập họ.

Đặc biệt hiện nay, tai nạn trên thế giới này rất nhiều, tai nạn từ đâu mà đến? Người học Phật chúng ta rất là rõ ràng, rất là sáng tỏ, Phật nói với cho chúng ta, Tổ sư chứng minh cho chúng ta, thế giới này là “do tâm mà hiện, do thức mà biến”, tâm là chân thật, còn thức là giả, thức là vọng-tâm, vọng-tâm có sanh có diệt, chân-tâm thì không sanh diệt. Hiện tượng trong chân-tâm ấy, như vừa mới nói, Kinh Hoa Nghiêm nói là: một búng tay có 320 ngàn tỷ niệm, từng niệm từng niệm, nên nếu không có công phu, thì không đem nó buông xuống được. Mà niệm niệm đều là nghiệp nhân của sanh tử, chúng ta tu như thế nào? Ngày nay đã trôi qua rồi, thì cũng không lưu lại một chút ấn tượng nào, đó là cao minh! Sự việc tốt, hay việc xấu, hãy để nó đi đi, rồi sẽ qua thôi. Một giây thì trôi qua, một niệm thì qua rồi, hãy để nó đi đi! Không nên cứ suy nghĩ, dù tốt, hay không tốt cũng không nên suy nghĩ, tốt cũng là không, xấu cũng là không, quý vị suy nghĩ để làm gì? Đem ý niệm này nghĩ nhớ đến A Di Đà Phật, vậy thì đúng rồi. Hy vọng câu A Di Đà Phật này không gián đoạn trong sáu thời, thì nhất định chúng ta có phần vãng sanh.

          Vậy là năm nay, chúng ta có duyên, tụ họp ở nơi đây, hy vọng chúng ta ở đời này, ngay trong mấy năm ngắn ngủi này, tuổi tác chúng tôi đều đã quá lớn rồi, ngay trong năm tháng ngắn ngủi này, nương theo sự đưa đường của lão sư Phương và chỉ thị của Đại sư Chương Gia cho chúng ta, và rất nhiều rất nhiều người đã từng vãng sanh, làm ra tấm gương rất tốt cho chúng ta thấy được. Chúng ta nắm được những tấm gương tốt ấy, từng phút từng giây không buông lơi: tín, nguyện, trì danh. Vậy thì đúng rồi, không sai lầm. Tương lai, quê hương chúng ta là Thế giới Cực Lạc, trên kinh nói rất rõ ràng ở Thế giới Cực Lạc, người là vô lượng thọ, tất cả vạn vật cũng là vô lượng thọ, hơn nữa biến hóa của thế giới ấy, là theo tâm mong muốn. Tôi tin tưởng: sanh đến Thế giới Cực Lạc, lựa chọn quyết định số một là lựa chọn nghe A Di Đà Phật giảng kinh thuyết pháp, khẳng định đó là sắp đặt ở vị trí hàng đầu. Vì vậy, sanh đến Thế giới Cực Lạc, thì giống như thành Phật vậy, một chút lo lắng cũng không có. Hễ mà có sự chướng ngại của sự vãng sanh, thì cẩn thận, đừng để chúng lừa gạt, nên phải thật sự triệt để buông xuống, không nên để ở trên tâm. Việc tốt, không để ở trên tâm, vì giả thôi, việc xấu, cũng là giả thôi, thiện ác đều không để ở trong tâm, vậy thì đúng rồi. Trong tâm chỉ có: tín nguyện, trì danh. Đây là chút lễ vật năm mới của tôi, xin dâng đến quý vị đồng tu, cảm ơn mọi người!

( Hết khai thị)

Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử cùng chúng sanh
Đều sanh nước Cực Lạc
Chóng viên thành Phật quả
Rộng độ khắp chúng sanh.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Trả lời CON TUYỀN Hủy1