Responsive Menu
Add more content here...

Khéo Tu – Khéo Ngộ Trong Đời Sống

TU HÀNH KHÉO LÀ TRONG MỌI HOÀN CẢNH CÓ THỂ CHUYỂN PHIỀN NÃO THÀNH BỒ-ĐỀ

Các pháp sanh diệt đang chuyển động, thế gian này đang chuyển, nhìn lên bầu trời cũng vậy, các ngôi sao trên trời đang chuyển động qua lại.
Thực tế cả vũ trụ là giả không thiệt, hoàn toàn biến đổi. Bây giờ chúng ta nhìn thấy ánh sáng, chúng ta biết đó là “bất tương ưng hành pháp”. Mặt trời chiếu ánh sáng mất hơn 8 phút mới tới đây, nhìn mặt trời đó chúng ta biết đó là mặt trời quá khứ, không phải mặt trời hiện tại. Vì chúng sanh mê cho nên cho đó là mặt trời hiện tại, thực tế là mặt trời trong quá khứ. Bây giờ khoa học nghiên cứu, cách đây mấy ngàn năm, mấy trăm năm, bao nhiêu triệu năm ánh sáng, quá khứ đó xa xưa lắm rồi, đâu có thể là vũ trụ bây giờ. Hoàn toàn nghiên cứu là vũ trụ quá khứ, không phải vũ trụ bây giờ, vũ trụ bây giờ đâu có giống vậy. Cho nên đó là “bất tương ưng hành pháp”, thời gian không có thật, hay trên Kinh Kim Cang gọi là “Vô thọ giả tướng”, không có tướng về thời gian, không thật đâu. Nhìn một sự việc nhỏ như vậy, quý vị ngộ được một chút, có thể mới đầu phải mấy tháng quý vị mới ngộ ra được một điều. Dần dần có thể một tháng quý vị ngộ ra được mấy điều, dần dần một tuần quý vị ngộ ra được mấy điều, dần dần một ngày quý vị ngộ ra mấy điều thì mình được “hoạch đại hoan hỉ”. Đọc Kinh Vô Lượng Thọ cũng vậy, một câu Kinh nào đó trong Kinh Vô Lượng Thọ ngộ ra một điều nào đó là “hoạch đại hoan hỉ”. Đó gọi là tiểu tiểu ngộ, tích nhiều tiểu tiểu ngộ gọi là tiểu ngộ, sau khi tích được nhiều tiểu ngộ thì được trung ngộ, trung ngộ rồi đại ngộ, đại ngộ rồi đại triệt đại ngộ.
Cho nên hoàn toàn sống như vậy, nếu như quý vị là người biết tu hành, thì mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh đều là tu cả. Một đêm nằm một giấc mơ nào đó, có thể là ác mộng hay là giấc mơ đẹp. Khi tỉnh dậy, người mà biết tu, tỉnh mộng thấy: ôi cuộc đời cũng như giấc mộng. Mình thấy trong mộng như vậy, bây giờ cuộc đời cũng như vậy, còn người không biết tu thấy vậy, thì thấy hoang mang, trong giấc mộng thấy cảnh gì đâu mà ghê quá, vẫn sợ giấc mộng, nếu người biết tu thì chuyển ngay. Có cô đó kể câu chuyện, đi vào mua đồ đạc, thấy rẻ nên mua quá nhiều đồ, mua một hồi ra tính tiền nghĩ lại mình tham quá, lại sám hối, hối hận. Đó là giác ngộ, nhưng giác chậm, chưa được. Được hơn là chúng ta chuyển phiền não thành Bồ-đề, đừng có thiếu tự tin như vậy. Mình mua tiết kiệm tiền cũng tốt mà, có tiền cũng vậy. Bây giờ mình chuyển phiền não thành Bồ-đề, bữa nay giả sử mình mua thứ đó ở hàng khác tiền nhiều hơn. Mình tính ra chênh lệch bao nhiêu thì mình đem tiền đó đi bố thí, cúng dường, phóng sanh, làm việc gì đó. Mình bù lại, vậy cũng là không tham, xả liền, hồi trước mình mê, bây giờ đáp lại. Cho nên là người tu hành khéo là trong mọi hoàn cảnh,có thể chuyển phiền não thành Bồ-đề. Bị người ta chửi không sao cả, mình chuyển phiền não thành Bồ-đề liền, có thể mình giác không kịp, một chút sau mình mới biết. Nhưng mình nghĩ đây là cơ hội để tiêu nghiệp chướng, đây là cơ hội để mình luyện nhẫn nhục Ba-la-mật v.v… thì mình chuyển lại rất nhanh, giác ngộ. Giác ngộ là tâm của người vô thường.
Cho nên Thiện Trang nói người biết tu là tu như vậy đó, mọi hoàn cảnh đều đổi lại, là vô thường. Nếu như chúng ta học Kinh Vô Lượng Thọ chúng ta biết thế gian này toàn là “chư ác nhân câu hội nhân nhất xứ”, ở Tây Phương Cực Lạc là “chư thiện nhân câu hội nhất xứ”, ta sẽ hết nỗi khổ này, ta về Tây Phương Cực Lạc rồi. Cho nên là tu hành ở trong đời sống, từng cử chỉ, từng hành động, từng việc làm. Ngày ngày đều có giác ngộ, chỉ cần quý vị giác ngộ một chút thôi là quý vị phá tan biết bao phiền não. Quý vị giác ngộ rồi, quý vị có ham mê ngũ dục lục trần nữa không, với những thứ tài, sắc, danh, thực, thùy, quý vị bỏ xuống liền. Cho nên nhiều người suốt ngày lên mạng nói đăng pháp toàn cao siêu, nói cho đã đời, thế này, thế kia, nhưng có lìa được sắc dục hay không. Hay là vợ chồng vẫn sắc dục như vậy, thì chứng tỏ là chỉ có học tri thức mà thôi, giống như con vẹt nói thôi, chứ không biết lời đó là gì. Đó thật sự rất là đáng thương, những người đó rất đáng thương.
Tu hành là mình đem điều đó, ứng dụng nhập vào tâm ngay, nhập tâm rồi, thực hành làm theo. Cho nên Thiện Trang nói mỗi ngày ngộ, nếu mà cảnh giới ngày nào cũng có một lần ngộ, hoặc một ngày mấy lần ngộ rồi, thì quý vị sống một ngày rất tự tại. Ở nhân gian này mình sống bao nhiêu năm nữa cũng được, ngày mai mình đi cũng được, không sao hết, tâm này ta đã trụ trong Pháp rồi. Cho nên nhiều khi vào tắm, khi múc ca nước lên, thấy ngộ ra một điều gì đó, Thiện Trang tự nhiên xuất phát ra một bài kệ như thế này, không biết từ đâu. Thiện Trang đọc cho quý vị nghe:
“Thiện học Như Lai vi diệu pháp
Thời thời thường ngộ ư trần trung
Hoàn bất thọ khổ thiên vạn kiếp
Tảo đăng địa vị Thánh Hiền nhân”
Dịch nghĩa:
“Khéo học pháp vi diệu Như Lai.
Thường hay ngộ được trong đời sống
Không còn chịu khổ muôn ngàn kiếp
Sớm lên địa vị bậc Thánh Hiền.”
“Thiện hoạch Như Lai vi diệu pháp” là khéo học pháp vi diệu của Như Lai; “Thời thời thường ngộ ư trần trung” tức là luôn luôn, thường hay ngộ được ở trong cảnh giới bụi trần này hay nói trong đời sống; “Hoàn bất thọ khổ thiên vạn kiếp” tức là không còn chịu khổ muôn ngàn kiếp; “Tảo đăng địa vị Thánh hiền nhân” tức là sớm lên được địa vị bậc Thánh hiền. Thiện Trang cũng không biết từ đâu ra bài này, chỉ khi vào múc ca nước tắm, thì tự nhiên bất chợt thấy nước này tẩy, quét trần cấu, bụi trần là phiền não thế tự nhiên ngộ ra bài đó. Chắc đời nào làm bài kệ đó rồi hay sao, hay đã học ở đâu trong trong Kinh nào đó không biết, câu luận nào đó tự nhiên trong đầu tuôn ra vậy.
Thiện Trang nói nếu như mình mà thường xuyên ngộ được trong đời sống như vậy thì đâu cần sợ nhiều kiếp phải khổ đau nữa, đời này mình sắp đi vào địa vị Thánh nhân rồi, đúng không? Quý vị niệm Phật, nếu chúng ta gần đến địa vị Sơ quả gọi là Sơ quả hướng, quý vị niệm Phật vãng sanh tự tại. Hòa thượng nói “niệm Phật công phu thành phiến là tương đương với Sơ quả hướng” mà, thường xuyên ngộ như vậy thì gọi là tiểu ngộ và ngộ rồi sẽ tu, người ngộ là người sẽ tu, chứ không phải là chứng liền đâu quý vị. Đầu tiên ngộ là hiểu, là biết, là thấy, rồi bắt đầu mới tu. Cho nên các chư Tổ thời xưa sau khi ngộ phải lên núi bao nhiêu năm nữa để sống với điều ngộ đó để mà chứng, mới ngộ thôi, chưa có chứng. Cho nên là giải ngộ thôi, còn phải chứng ngộ nữa, chứ quý vị đòi đâu mà nhanh vậy, quý vị đòi đốn tu đốn ngộ, làm như Lục Tổ Huệ Năng không có đâu, xưa nay hiếm lắm, hy hữu!Đặc biệt thời Mạt pháp không có đâu.
Chúng ta chỉ có ngộ được chút xíu, mỗi ngày ngộ được chút. Thiện Trang nói là mỗi mấy tháng quý vị ngộ được một lần, quý vị đọc Kinh Vô Lượng Thọ, cũng câu Kinh đó hoặc là bài giảng đó, nghe qua xong tự nhiên hiểu ra một điều gì đó, quý vị sống được an lạc mấy tiếng đồng hồ là có vốn rồi. Nếu như quý vị thường xuyên ngộ như vậy, cứ mỗi lần ngộ, quý vị sống được nửa tiếng hoặc là một tiếng, mấy tiếng sau. Đó là công phu coi như công phu thành phiến của niệm pháp, chuyển từ niệm pháp thành phiến một đoạn đó qua niệm Phật, chúng ta có thể niệm Phật được thời gian tương đương như vậy. Nghĩa là nếu như mình sống với điều ngộ đó được hai tiếng thì mình niệm Phật cũng được hai tiếng không vọng tưởng. Cho nên nếu mà sống như vậy thì công phu niệm Phật đắc lực thôi, vãng sanh Tây Phương tự tại thôi, chứ đâu đến nỗi khổ. Nếu mà thường như vậy tự nhiên quý vị phá bớt Ngã chấp, Thân kiến bớt đi.
Cho nên nếu ai mànói pháp có giỏi cỡ nào nhưng mà đối với tài, sắc, danh, thực, thuỳ, những điều này bỏ không nổi, đặc biệt sắc dục của thế gian không bỏ nổi, thì nói thật: quý vị vẫn là phàm phu, thật sự không phải là Thánh nhân được.

(Trích trong bài giảng Kinh Vô Lượng Thọ 141 – Phẩm 44 – Thọ Bồ-Đề Ký – Thầy Thích Thiện Trang giảng giải)

Nam Mô A Mi Đà Phật

Trả lời Nguyên Hòa Hủy1

Nguyên Hòa

Nguyên Hòa

_()_ Nam Mô A Di Đà Phật ! _()_
Con xin đảnh lễ Thầy, con xin cám ơn lời giảng pháp của Thầy.
🙏🙏🙏