Responsive Menu
Add more content here...

Luận Câu Xá – Phẩm 1 – Buổi 9

Giảng Ký A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận (A Tỳ Đàm – Vi Diệu Pháp – Duy Thức Pháp Tướng) – Tạo Luận: Tôn giả Thế Thân – Dịch và Chú Thích: Tam tạng Pháp sư Huyền Trang – Bài 9: Phẩm 1 – Phân Biệt Giới – Buổi 9.

Giảng giải: Thầy Thích Thiện Trang

Giảng ngày: 21.08.2024

Phát trực tiếp trên Kênh YouTube Thích Thiện Trang

mạng xã hội Facebook, Fanpage Thích Thiện Trang:

https://www.facebook.com/suthaythichthientrang

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

          Nam Mô A Mi Đà Phật!

          Kính chào toàn thể quý vị đồng tu! Hôm nay là thứ Tư hàng tuần, chúng ta đang chia sẻ chuyên đề về Luận Câu Xá, hay còn gọi là Duy Thức của bên Đại thừa. Nhưng bên Bắc truyền phân bộ này vào Tiểu thừa, còn bên Nam truyền thì bộ tương tự gọi là bộ A Tỳ Đàm. Nội dung chúng ta học, là những kiến thức căn bản đối với Phật pháp. Thiện Trang cũng cố gắng dành ít thời gian, để chúng ta kết hợp song song, với bộ A Tỳ Đàm của bên Phật giáo Nam truyền. Mục tiêu là để cho chúng ta học được cả hai bên, học bao nhiêu sự tinh hoa nhất, để mình có thể lãnh hội được, tất cả những gì tinh túy nhất của đức Thế Tôn, để lại cho chúng ta. Đó là Thiện Trang cố gắng dẫn dắt quý vị, để chúng ta cùng là những người học. Quý vị học, Thiện Trang cũng học. Qua mỗi buổi như vậy, thì chúng ta sẽ học được rất nhiều.

           Đầu tiên Thiện Trang xin giới thiệu một chút về các nhân, để ra đời gặp được đức Phật Di Lặc trong tương lai. Hôm nay sẽ giới thiệu phần này. Bởi vì ở đây là một lớp mang tính hàn lâm hơn, tức là dành cho nhiều đối tượng, nhiều người. Ai cũng muốn mình có thể được nhiều lợi ích trong Phật pháp. Trong đó có nhiều người mong rằng tương lai gặp Phật Di Lặc. Được [gặp] Phật Di Lặc ra đời trong tương lai, thì phải làm sao? Chúng ta coi [phần] “Các Nhân Để Ra Đời Gặp Đức Phật Di Lặc”. Đây là Thiện Trang trích một đoạn, từ trong một bộ kinh từ Kinh Tăng Nhất A Hàm, vì bộ kinh này rất là dài, nói về đức Phật Di Lặc thế nào. Đây là lời của đức Phật Di Lặc, khi Ngài thành Phật vào thời tương lai. Có đoạn Ngài nói như thế này:

Các Nhân Để Ra Đời Gặp Đức Phật Di Lặc

“Trong đại chúng này, (1) hoặc có người vốn là Đệ tử của Phật Thích Ca Văn, thời quá khứ đã tu phạm hạnh, nay đến chỗ Ta. (2)Hoặc phụng trì pháp của Phật Thích Ca Văn, nay đến chỗ Ta. (3) Hoặc ở nơi Phật Thích Ca Văn cúng dường Tam Bảo, nay đến chỗ Ta. (4)Hoặc ở nơi Phật Thích Ca Văn mà tu hành gốc rễ thiện trong khoảng chừng búng ngón tay, nay đến chỗ Ta. (5) Hoặc ở nơi Phật Thích Ca hành bốn vô lượng tâm, nay đến chỗ Ta. (6)Hoặc ở nơi Phật Thích Ca Văn mà thọ trì năm giới, ba tự quy y, nay đến chỗ Ta. (7) Hoặc ở Phật Thích Ca Văn khởi dựng tháp miếu, nay đến chỗ Ta. (8) Hoặc ở nơi Phật Thích Ca mà tu sửa chùa, nay đến chỗ Ta. (9) Hoặc ở nơi Phật Thích Ca Văn mà thọ trì tám pháp quan trai, nay đến chỗ Ta. (10) Hoặc ở nơi Phật Thích Ca Văn mà cúng dường hương hoa, nay đến chỗ Ta. (11) Hoặc ở nơi Phật ấy nghe Phật pháp mà buồn khóc rơi lệ, nay đến chỗ Ta. (12) Hoặc ở nơi Phật Thích Ca Văn chuyên ý nghe Pháp, nay đến chỗ Ta. (13) Hoặc suốt đời khéo tu phạm hạnh, nay đến chỗ Ta. (14) Hoặc chép, đọc tụng, thọ trì, nay đến chỗ Ta. (15) Hoặc người thừa sự cúng dường mà nay đến chỗ Ta.

(1) Hoặc có người vốn là Đệ tử của Phật Thích Ca Văn thời quá khứ đã tu phạm hạnh, nay đến chỗ Ta: #vốn là Đệ tử của Phật Thích Ca Văn:là chúng ta, hay là Đệ tử đức Phật Thích Ca. Nếu Đệ tử này thì chắc là Đệ tử trong thời quá khứ đã tu phạm hạnh; #đến chỗ Ta chính là đến chỗ đức Phật Di Lặc.

(2) Hoặc phụng trì pháp của Phật Thích Ca Văn, nay đến chỗ Ta: hoặc là phụng trì giáo pháp của đức Phật Thích Ca, cũng đến chỗ Ta. Mình thấy hai điều kiện này, [mình] có vẻ cũng có hy vọng.

(3) Hoặc ở nơi Phật Thích Ca Văn cúng dường Tam Bảo, nay đến chỗ Ta: điều này thì có nhiều người được nữa. Tức là cúng dường Tam Bảo trong [thời] đức Phật Thích Ca.

(4) Hoặc ở nơi Phật Thích Ca Văn mà tu hành gốc rễ thiện trong khoảng chừng búng ngón tay, nay đến chỗ Ta: điều này thì càng hấp dẫn nữa đúng không? Mình tu có một chút thiện thôi, chừng trong khoảng búng ngón tay thôi, cũng đến được chỗ của đức Phật Di Lặc trong tương lai.

Điều này rất mừng cho mọi người đúng không? Dù tu ít, tu nhiều, cũng có khả năng gặp được đức Phật Di Lặc trong tương lai. Tất nhiên đó là một cơ hội [được] độ thoát rất lớn. Như vậy coi ở đây, [thì chúng ta] có niềm vui hơn, chứ bình thường chúng ta thấy không có hy vọng gì trong Phật pháp cả. Thì ở đây [đức Phật] nói, gốc rễ thiện (căn lành) chỉ trong khoảng chừng búng ngón tay thôi, mà cũng đến thời đức Phật Di Lặc và gặp Phật Di Lặc.

 (5) Hoặc ở nơi Phật Thích Ca hành bốn vô lượng tâm, nay đến chỗ Ta: tức là hành Tứ vô lượng tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả, thì cũng đến chỗ Ta.

(6) Hoặc ở nơi Phật Thích Ca Văn mà thọ trì năm giới, ba tự quy y, nay đến chỗ Ta: cho nên Tam quy y (Quy y Tam Bảo) và thọ trì Ngũ giới, thì nay đến chỗ Ta.

Ở đây sẵn nói thêm một chút, nếu như chúng ta chỉ quy y Tam Bảo, không thọ trì Ngũ giới thì có lợi ích không? [Chúng ta] vẫn có lợi ích, nhưng lợi ích không lớn. Có một vị Sư bên Nam truyền nói thế này: “Nếu như quý vị thọ Tam quy Ngũ giới, rồi quý vị tu được nhiều điều, thì quý vị được lợi ích là 100. Còn nếu quý vị chỉ thọ Tam quy Ngũ giới, [thì] quý vị được lợi ích là 10. Và nếu như quý vị chỉ quy y thôi, quý vị không thọ Ngũ giới thì quý được vị lợi ích là 1. Nếu quý vị không quy y luôn, thì quý vị được lợi ích rất ít, không đáng gì!”.

Cho nên có quy y còn đỡ hơn là không quy y. Nhưng nếu như giữ giới nữa, thì tốt hơn. Nếu như chúng ta giữ được Năm giới và thọ được Bát quan Trai giới nữa, thì lợi ích càng lớn hơn. Cho nên ở đây cần phải để ý điều này.

Sẵn nói về Quy y, Thiện Trang chưa có thời gian [chia sẻ], nhưng Thiện Trang xin nói thế này. Ở trong Kinh A Hàm, Thiện Trang đã tìm ra được một bộ kinh, nói về sự Quy y và cho thọ trì bao nhiêu giới. Đức Phật cũng cho phép, là quý vị không giữ năm giới, thì giữ một giới cũng được, hai giới cũng được, ba giới cũng được, bốn giới cũng được, nếu giữ được năm giới thì tốt. Đấy là trong Kinh A Hàm, để bữa nào Thiện Trang sẽ trích ở một bộ giảng khác, hoặc ở bộ giảng này [nhưng] vào buổi khác, Thiện Trang sẽ lấy nguyên văn. Nhưng nói cho quý vị như vậy, để quý vị thấy Phật pháp là rất tuyệt vời, không ép quý vị phải thọ hết năm giới, mà chỉ cần thọ một giới cũng được. Thậm chí chỉ quy y Tam Bảo, không thọ giới cũng được, như thế thì thực sự lợi ích của mình không lớn.

Như vậy ở đây, điều kiện thứ sáu là ở nơi Phật Thích Ca, mà thọ trì năm giới, ba quy y thì cũng gặp được Phật Di Lặc.

(7) Hoặc ở Phật Thích Ca Văn khởi dựng tháp miếu, nay đến chỗ Ta: quý vị nghe cho kỹ, khởi dựng tháp miếu, nay cũng đến chỗ Ta, tức là đến thời Phật Di Lặc. Cho nên đừng chê những người [chỉ] lo đi xây dựng chùa chiền, [mà] không chịu tu hành. Không có [nên như vậy]! Họ cũng gieo nhân để đắc độ, gặp được đức Phật Di Lặc.

(8) Hoặc ở nơi Phật Thích Ca mà tu sửa chùa, nay đến chỗ Ta: quý vị thấy, có tu sửa chùa cũng có lợi ích, cũng sẽ được đến gặp đức Phật Di Lặc. Phật pháp hay như vậy đó! Miễn là tu hạnh nào cũng được, hiện tại chưa được lợi ích, nhưng tương lai cũng được lợi ích.

(9) Hoặc ở nơi Phật Thích Ca Văn mà thọ trì tám pháp quan trai, nay đến chỗ Ta: điều này thì tốt hơn nữa đúng không? Quý vị tu được càng nhiều thì càng tốt. Ở nơi Phật Thích Ca, chúng ta thọ trì Bát quan Trai giới. Những người tu học pháp với Thiện Trang, thì Thiện Trang khuyên rất nhiều, hãy cố gắng thọ trì Bát quan Trai giới, để giải thoát cho nhanh. Nếu mà lỡ lọt lại, thì quý vị cũng có cơ hội gặp được đức Phật Di Lặc.

(10) Hoặc ở nơi Phật Thích Ca Văn mà cúng dường hương hoa, nay đến chỗ Ta: mấy người đi chùa, chỉ có cúng hoa không thôi, dâng từng bó hoa lên cúng dường. Như vậy có được [lợi ích] không? Cũng có lợi ích! Cũng được gặp đức Phật Di Lặc. Quý vị thấy [đều] có lợi ích, nên đừng có chê bai. Mình học rộng ra, [thì] mình bớt chê bai người, thấy người ta không tu gì hết. Không! Người ta cũng có cơ hội gặp được đức Phật Di Lặc đó.

(11) Hoặc ở nơi Phật ấy nghe Phật pháp mà buồn khóc rơi lệ, nay đến chỗ Ta: điều này thì cũng có những người, nghe Phật pháp mà buồn thương, khóc rơi lệ, thì họ cũng có căn lành. Ở đây không nói tu gì hết, nghe [Phật pháp] mà buồn khóc rơi lệ thôi, thì cũng đến chỗ Ta. Những người này cũng có căn lành lớn đúng không?

(12) Hoặc ở nơi Phật Thích Ca Văn chuyên ý nghe Pháp, nay đến chỗ Ta: mấy người thích nghe pháp [như] chúng ta đây. Chúng ta chuyên ý nghe pháp, thì tương lai cũng được gặp Phật Di Lặc. Như vậy lợi ích quá lớn rồi còn gì nữa!

(13) Hoặc suốt đời khéo tu phạm hạnh, nay đến chỗ Ta: suốt đời khéo tu phạm hạnh, tức là giữ được giới không dâm dục. Đó là [một] nhân nữa để được gặp [Phật Di Lặc].

(14) Hoặc chép, đọc tụng, thọ trì, nay đến chỗ Ta: hoặc chép, đọc, thọ trì kinh điển đó, thì nay đến chỗ Ta. Ai chép kinh, ai đọc tụng kinh, thọ trì, cũng đến được chỗ của đức Phật Di Lặc.

(15) Hoặc người thừa sự cúng dường mà nay đến chỗ Ta.

Đây là Thiện Trang đã kể ra 15 điều.

          “Rồi đức Di Lặc nói bài kệ này:

“Tăng trưởng đức giới, văn,

Nghiệp thiền và tư duy,

Khéo tu hành phạm hạnh,

Người ấy đến chỗ Ta”.

Tức là tu được giới đức, nghe pháp, tu Thiền, rồi tư duy trong pháp, tu hành phạm hạnh, thì đến chỗ đức Di Lặc.

“Khuyên thí, tâm hoan hỷ,

Tu hành cội nguồn tâm,

Ý không sai biệt tưởng,

Người ấy đến chỗ Ta”.

Khuyên người ta bố thí, tâm mình hoan hỷ, tùy hỷ cúng dường, tùy hỷ bố thí, v.v… tu hành các cội gốc của giáo pháp, #nguồn tâm tức là giáo pháp, với ý không sai biệt tưởng, thì người ấy cũng đến gặp được đức Phật Di Lặc.

“Hoặc phát tâm bình đẳng,

Và thừa sự chư Phật,

Thức ăn cúng Thánh chúng,

Người ấy đều đến Ta”.

Quý vị thấy không, mình phát tâm là có cơ hội.

“Hoặc tụng giới, khế kinh,

Khéo tập, thuyết cho người,

Nhiệt hành nơi gốc pháp,

Ngày nay đến chỗ Ta”.

Những người mà tụng giới, những người tụng kinh, hoặc khéo tu tập, thuyết pháp cho người, #nhiệt hành tức là mình hết lòng, #nhiệt là nhiệt huyết, mà tu hành ở nơi gốc pháp, thì ngày nay đến chỗ Ta. Tức là tương lai những người như vậy thì gặp Phật Di Lặc. Chúng ta cũng có nhiều cơ hội lắm, đúng không quý vị?

                 “Họ Thích khéo giáo hóa,

Cúng dường các xá-lợi,

Thừa sự pháp, cúng dường,

Ngày nay đến chỗ Ta”.

Những người khéo cúng dường tháp miếu, xá-lợi, v.v… thì cũng đến [gặp được đức Phật Di Lặc].

“Nếu ai sao chép kinh,

Ban bố trên lụa trắng.

Những ai cúng dường kinh,

Nay đều đến chỗ Ta”.

Những người sao chép, in ấn kinh điển, thì cũng có cơ hội gặp được Phật Di Lặc.

“Lụa là và các vật,

Cúng dường nơi chùa tháp,

Tự xưng Nam mô Phật,

Thảy đều đến chỗ Ta”.

Tức là họ cúng dường các nơi chùa tháp, và tự xưng “Nam mô Phật” thôi, thì cũng có cơ hội gặp được đức Phật Di Lặc.

“Ai cúng dường hiện tại,

Và chư Phật quá khứ;

Thiền định, chánh bình đẳng,

Cũng không có tăng giảm,

Cho nên, đối Phật pháp,

Thừa sự nơi Thánh chúng,

Chuyên tâm thờ Tam Bảo,

Tất đến chỗ Vô vi”.

Tức là cuối cùng đều được lợi ích lớn. Đó là đều đến chỗ Vô vi, Niết-Bàn, tức là được gặp đức Phật Di Lặc, được độ thoát.

(Trích từ Kinh Tăng Nhất A Hàm – Phẩm 48 – Mười Bất Thiện).

          Tại sao Thiện Trang giới thiệu đoạn vừa rồi? Tất nhiên đối với chúng ta, đa số là chúng ta mong ra khỏi sanh tử cho nhanh, chứ không đợi đến [thời] đức Phật Di Lặc, theo trong kinh nói là 56 ức 700 triệu năm. Nếu chúng ta tính ra số ức, thì không rõ ràng. Nhưng tính theo tuổi thọ của trời Đâu Suất, nếu mình nhân số ức ra, thì ngày nay tính ra là khoảng 576 triệu năm nữa, tức là gần nửa tỷ năm nữa. Đó là con số trong kinh nói. Con số đó không biết là con số chắc chắn hay không, bởi vì đức Phật nói thời kiếp là không cố định.

Hồi xưa Thiện Trang mới học, thì theo [thuyết] thời kiếp tính là, cứ 100 năm tuổi thọ loài người giảm đi 1 tuổi, cứ giảm giảm như vậy, từ 84.000 tuổi giảm về tuổi thọ còn 10 tuổi, rồi lại tăng từ 10 tuổi đến 84.000 tuổi. Một tăng một giảm, là một kiếp. Chúng ta đang ở thời đức Phật Thích Ca, thì tuổi thọ loài người là 100 tuổi. Bây giờ là 3.000 năm [kể từ thời đức Phật], thì [tuổi thọ] giảm còn khoảng 70 tuổi. Và giảm cho đến khi 10 tuổi, rồi lại tăng lên lại đến 84.000 tuổi, rồi mới giảm xuống còn lại 80.000 tuổi. Khi đó mới có Phật Di Lặc ra đời. Chính cách đó, thì nhiều người tính ra tuổi và thời gian đức Phật Di Lặc ra đời.

Tuy nhiên sau khi Thiện Trang duyệt qua các kinh điển, và đặc biệt coi Kinh A Hàm rất nhiều, thì Thiện Trang phát hiện ra điều đó không chính xác. Tại vì đức Phật nói là tuổi thọ loài người khi tăng, [thì] tăng lên rất nhanh. Loài người khi giữ giới, [thì tuổi thọ] tăng từ 10 tuổi lên 20 tuổi luôn, chứ không có [tăng từ từ]. Rồi tăng từ 20 tuổi lên 40 tuổi, từ 40 tuổi tăng lên gấp đôi, là 80 tuổi. Tăng rất nhanh, tăng một hồi vèo vèo lên liền. Tức là thời gian không cố định.

Hơn nữa theo thời kiếp, sau khi Thiện Trang coi rất nhiều kinh, Kinh A Hàm, Kinh Nikaya, v.v… thì Thiện Trang phát hiện ra là, kiếp số, đức Phật không nói cố định. Tức là có lúc thì đức Phật nói như vậy, [nhưng] có lúc đức Phật nói khác. Nói chung là một con số, mà đức Phật nói là không cố định. Tuổi thọ ở trên trái đất này, có thể rất dài, có thể đến vô lượng, nên là bất biến. Con số đó không cố định, tùy vào thời điểm.

Còn nói từ 84.000 tuổi mà giảm xuống, đó là đức Phật đang nói kiếp này thôi. Còn tương lai thì không chắc như vậy, nó có rất nhiều yếu tố, không có quyết định. Tại vì Phật pháp là bất định pháp.

Cho nên nói kiếp số là thời gian bao lâu, thì đức Phật có nói với ngài A Nan thế này: Kiếp số thì có Đại kiếp và Tiểu kiếp. Đại kiếp là khi thời nào có đức Phật ra đời. Còn thời nào không có đức Phật ra đời, chỉ có các vị Bích-chi-phật ra đời, thì thời kỳ đó được gọi là Tiểu kiếp. Đó là một cách nói khác nữa.

Và Kiếp là gì? Đức Phật có lấy một ví dụ: Có một miếng đất lớn, [giống như] một cái hộc, để toàn là hạt mè(hạt vừng) trong đó. Và cứ 100 năm lấy đi một hạt, lấy đến bao giờ hết chỗ hạt mè đó, thì số kiếp vẫn chưa hết. Như vậy Đại kiếp rất là lâu đúng không? Có khi nhanh hay lâu thế nào, thì không thể ví dụ được. Đức Phật đưa ra nhiều ví dụ là để phá chấp.

 Hồi xưa mình chưa có coi hết những kinh điển, nên có những cách tính không có chính xác lắm. Nhưng nói tóm lại là một thời gian rất lâu dài, không cố định, cho nên tạm ướm ướm thôi. Chứ ai đó tính ra một kiếp mà bằng bao nhiêu ngàn năm đó v.v… thì đều là con số tính tương đối, không phải con số chính xác. Chính xác là không tính được. Vì nghiệp báo của chúng sanh, tùy duyên nghiệp của chúng sanh trong cõi nào đó, như cõi này chẳng hạn, như thế nào đó, mà ảnh hưởng đến thời gian.

Ở một bộ kinh khác, đức Phật cũng đưa ra những nguyên nhân, khiến cho tuổi thọ bị giảm, rồi khiến cho đất đá, chông gai, v.v… đủ các kiểu. Bữa nào đó Thiện Trang sẽ trích cho quý vị nghe, đức Phật nói nguyên nhân hết, không có cố định.

Thiện Trang xin giới thiệu thêm một nền tảng nữa, là những điều mà A-la-hán không làm. Tại vì bây giờ có nhiều người nghi ngờ, không biết người ta có phải là A-la-hán không? Hoặc mình có phải là A-la-hán không? Rồi ai đó xưng người ta là A-la-hán. Vậy chúng ta sẽ xem thử, căn cứ vào Kinh A Hàm, để coi điều A-la-hán không làm là gì, từ đó mình suy ra mình có phải A-la-hán không, hoặc là người khác có phải A-la-hán không. Thiện Trang Trích nguyên văn bộ kinh:

Điều Mà A-La-Hán Không Làm

Tôi nghe như vầy: Một thời Phật trú tại Câu-lưu-sa trong thành Pháp hành, cùng với chúng đại Tỳ kheo năm trăm vị.

Lúc bấy giờ Tượng Xá Lợi Phất trả lại pháp phục, trở về đời sống bạch y. Vào một lúc nọ, ngài A-nan khoác y, cầm bát vào thành khất thực, lần hồi đi đến nhà Tượng Xá Lợi Phất. Trong lúc đó, Tượng Xá Lợi Phất đang đứng tựa trên vai hai người phụ nữ. Ngài A-nan từ xa trông thấy thế, trong lòng buồn rầu, không vui. Tượng Xá Lợi Phất trông thấy ngài A-nan, cảm thấy rất xấu hổ, bèn ngồi xuống một mình.

Quý vị nghe đoạn vừa rồi, Thiện Trang xin nhắc lại, [ở đây] là Tượng Xá Lợi Phất, chứ không phải là ngài Xá Lợi Phất. Tên của vị này có bốn chữ, gọi là Tượng Xá Lợi Phất. Đừng có nói ngài Xá Lợi Phất không, thì mang tiếng nha. Vị này trả lại pháp phục, tức là hoàn tục trở lại đời sống bạch y. Một ngày nọ, ngài A Nan đi khất thực, đi qua nhà thì thấy vị đó đang [đứng] tựa trên vai hai người phụ nữ, hưởng dục. Ngài A Nan thấy thế trong lòng buồn rầu không vui. Và người đó, tức là ngài Tượng Xá Lợi Phất, trông thấy ngài A Nan cũng rất xấu hổ. Bởi vì ngày trước mình xuất gia tu hành, bây giờ trở lại làm người như vậy, cho nên lúc đó bèn ngồi xuống một mình.

Ngài A-nan khất thực xong, ra khỏi thành, đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lạy dưới chân, rồi ngồi xuống một bên.“Vừa rồi con vào thành khất thực, lần hồi đi đến nhà của Tượng Xá Lợi Phất, thấy ông đang đứng tựa trên vai hai người nữ. Thấy vậy, trong lòng con rất buồn rầu”. Quý vị thấy [ngài A Nan] xót xa cho một vị đồng tu trước đây, mà giờ hoàn tục như thế.

Thế Tôn nói:“Ông thấy vậy rồi, có ý nghĩ gì?”

Ngài A-nan bạch Phật:“Con nghĩ, Tượng Xá Lợi Phất tinh tấn, đa văn, tín hạnh nhu hòa, thường thuyết pháp cho các vị đồng phạm hạnh mà không hề biết mệt mỏi, sao nay lại trả pháp phục, trở về đời sống bạch y? Sau khi thấy vậy, trong lòng con rất buồn rầu. Thế nhưng, Tượng Xá Lợi Phất ấy có thần lực lớn, uy đức vô lượng. Con nhớ lại, xưa kia thấy ông đã từng đàm luận với Thích Đề Hoàn Nhân, sao nay lại đuổi theo dục vọng làm điều xấu?”

Quý vị nghe cho kĩ, vị này không phải đơn giản, trước kia là tinh tấn, đa văn, tín hạnh nhu hòa, tốt hết! Rồi thường thuyết pháp cho các vị đồng phạm hạnh (tức là các vị Tỳ-kheo) đó quý vị, không biết mệt mỏi, mà sao này trả lại pháp phục, trở lại đời sống bạch y? Thấy vậy, trong lòng ngài tất nhiên rất buồn. Người tu xấu xấu, thì thôi, không nói gì, đằng này tu ngon mà. Rồi hồi xưa có thần lực lớn, uy đức vô lượng, thấy ông từng đàm luận với Thích Đề Hoàn Nhân (tức là vua trời Đao Lợi), mà sao giờ lại như vậy?

Thiện Trang muốn nói điều gì? Không đơn giản! Mình không học kinh điển thì mình cứ nhầm, mình thấy người ta ghê gớm lắm. Đây là một vị trong thời đức Phật luôn, cũng giỏi lắm, cũng có thần lực lớn (Thần thông). Thế tại sao lại như vậy? Quý vị nghe cho kỹ.

Thế Tôn nói:“Đúng vậy, A-nan, như điều ông nói. Nhưng ông ấy không phải là A-la-hán. Nếu là A-la-hán thì không trả lại pháp phục mà trở về đời sống bạch y (A-la-hán không bao giờ như vậy). Nhưng thôi, A-nan, chớ có sầu ưu. Sau bảy ngày nữa, Tượng Xá Lợi Phất sẽ trở lại trong đây, rồi sẽ dứt sạch các lậu, thành A-la-hán. Bởi vì Tượng Xá Lợi Phất ấy bị nghiệp đời trước lôi kéo nên mới thành như vậy. Nay hành đã đầy đủ, sẽ dứt sạch các lậu”.

Có nghĩa là một người tu hành rất là tốt, nhưng cuối cùng cũng bị nghiệp chi phối,lôi trở lại người bạch y. Nhưng đức Phật biết, là sau bảy ngày nữa ông ấy sẽ trở lại, sẽ thành A-la-hán. Bởi vì bị nghiệp đời trước lôi kéo, nên chưa thành A-la-hán là chưa chắc chắn, nguy hiểm vô cùng!

Bấy giờ, bảy ngày sau, Tượng Xá Lợi Phất đi đến Thế Tôn, cúi đầu lạy dưới chân rồi ngồi xuống một bên. Giây lát, ông đứng dậy bạch đức Phật: “Cúi xin Thế Tôn hứa khả cho con tu hành đời sống Sa-môn ở hàng thấp nhất”

 Mới vô lại, thì tất nhiên phải chấp nhận ở hàng thấp nhất. [Nhưng] cũng tốt rồi, tức là nghiệp kia hết. Cho nên khoan đã, khi cuộc đời chưa chấm dứt, thì vẫn còn cơ hội để sửa. Nên nhớ như vậy! Đừng vội kết luận. Thiện Trang muốn nói câu chuyện này, để đừng vội kết luận, mọi thứ đều chưa chấm dứt, khi nào thành A-la-hán thì mới chắc. Còn chưa thành A-la-hán, thì chưa [chắc].

Khi ấy Tượng Xá Lợi Phất liền được nhận làm Sa-môn, ngay sau đó từ trên chỗ ngồi mà đắc A-la-hán.

          Quý vị thấy không, công hạnh lúc trước tu không uổng, tinh tấn, đa văn, tín hạnh, nhu hòa, thường thuyết pháp cho các vị đồng phạm hạnh không biết mệt mỏi. Cho nên bây giờ xuất gia trở lại, thì ngay chỗ ngồi mà đắc A-la-hán luôn.

Vào một thời Tượng Xá Lợi Phất khoác y, cầm bát vào thành khất thực. Khi ấy có một Bà-la-môn gặp ông, liền có ý nghĩ rằng: “Những ông con nhà họ Thích này, không chỗ nào không có, khắp mọi nơi, làm cắt đứt chú thuật mà chúng ta thực hành. Bây giờ ta hãy vào thành nói cho mọi người biết những cái xấu của Sa-môn.”

Rồi Bà-la-môn này vào thành, nói với mọi người: “Các người có thấy ông Tượng Xá Lợi Phất này không? Xưa ông tự xưng mình là A-la-hán, nửa chừng cởi bỏ pháp phục, trở về đời sống bạch y, hưởng thụ ngũ dục. Nay lại làm Sa-môn, đi khất thực từng nhà làm ra vẻ trong sạch. Nhưng khi nhìn thấy phụ nữ thì ý tưởng dục tình nổi dậy, trở về già-lam mà nhớ tưởng nữ sắc mà trong lòng không dứt. Giống như con lừa hèn yếu không đủ sức mang chở nặng mà lặng lẽ nằm yên. Bọn con nhà họ Thích này cũng vậy, giả trang đi khất thực, thấy nữ sắc thì suy nghĩ trù tính”.

Quý vị thấy thời đức Phật cũng bị phỉ báng. Vị này bây giờ thành A-la-hán rồi, nhưng do ông kia biết được quá khứ lúc trước, đã từng hoàn tục trở về, giờ ổng lôi ra kể. Cho nên quý vị thấy, đó là nghiệp. Bây giờ mình coi, một vị A-la-hán xử lý việc này như thế nào.

Tượng Xá Lợi Phất khi nghe Bà-la-môn này rao truyền tiếng xấu như vậy, bèn suy nghĩ rằng: “Người này rất là ngu si mới khởi tâm tật đố. Thấy người được lợi dưỡng thì tâm tham lam ganh tị nổi lên. Nếu mình được lợi dưỡng thì trong lòng vui sướng. Cho nên ông đến nhà bạch y làm việc phỉ báng. Nay ta nên ngăn lại chớ để làm ác, để người này sẽ không chịu tội báo vô lượng”.

Tội phỉ báng A-la-hán là đọa thê thảm, cho nên ngài Tượng Xá Lợi Phất mới thương tình sẽ giúp.

Rồi thì, Tượng Xá Lợi Phất bay lên hư không, nói với Bà-la-môn:

“Không mắt, không tai khéo,

Khởi ý chê phạm hạnh;

Tự gây nghiệp vô ích,

Địa ngục khổ lâu dài”.

Tức là mắt với tai không khéo, không có biết được, mà khởi ý chê phạm hạnh, tự gây nghiệp vô ích, thì đọa Địa ngục khổ lâu dài. Tội phỉ báng A-la-hán là đọa Địa ngục.

Tượng Xá Lợi Phất nói bài kệ này xong, trở lại bình thường, và quay về chỗ ở của mình.

Bấy giờ người trong thành đã nghe lời phỉ báng của Bà-la-môn, lại nghe bài kệ của Tượng Xá Lợi Phất, họ nghĩ như vầy: “Nếu đúng như lời Bà-la-môn, thì sự thị hiện Thần thông sau đó khó làm được. Nhưng chúng ta đã thấy ông này cởi bỏ pháp phục trở lại đời sống bạch y”.

Tức là họ thấy cả hai sự kiện, đúng như ông [Bà-la-môn] nói, có chứng cứ là [vị này] trở lại đời sống bạch y, vậy tại sao ổng lại có Thần thông, cho nên là hơi thắc mắc.

Rồi thì, mọi người cùng nhau đi đến chỗ Tượng Xá Lợi Phất, cúi đầu lạy dưới chân, rồi ngồi xuống một bên. Khi ấy, có đông người hỏi Tượng Xá Lợi Phất:“Có vị A-la-hán nào mà cởi bỏ pháp phục trở về sống đời sống bạch y chăng?” (Câu hỏi này quan trọng).

Tượng Xá Lợi Phất đáp:“Không có vị A-la-hán nào cởi bỏ pháp phục trở về sống đời sống bạch y.” Điều này chắc chắn không có.

Mọi người lại hỏi Tượng Xá Lợi Phất:“Có vị A-la-hán nào do duyên đời trước mà phạm giới không?”. Quý vị nhớ, A-la-hán có phạm giới hay không?

Tượng Xá Lợi Phất đáp:“Đã đắc A-la-hán thì không bao giờ còn phạm giới”. (A-la-hán thì không bao giờ phạm giới).

Mọi người lại hỏi:“Những vị trong hàng học địa có ai do duyên đời trước mà phạm giới không?”. Điều này có liên quan đến chúng ta đúng không?

Tượng Xá Lợi Phất đáp:“Có. Những vị ở hàng học địa có khi vì duyên đời trước mà phạm giới”.

Ở đây Thiện Trang xin nói rõ hơn một chút, học địa là địa vị nào? Là những người phàm phu, và những người còn ở địa vị hữu học, tức là chưa có vô học. Chưa vô học thì chưa chứng quả A-la-hán. Tức là còn có Tam quả A-na-hàm, Nhị quả Tư-đà-hàm, Sơ quả Tu-đà-hoàn, thì vẫn còn phạm giới. Tức là địa vị hữu học (hàng Hữu học), thì vẫn còn phạm giới, nên nhớ như vậy! Cho nên ở đây mình phải xác định cho rõ.

Thiện Trang cũng nói rõ luôn cho quý vị, những vị ở hàng học địa, có phạm nhưng chỉ phạm giới nhẹ thôi, không phạm giới trọng.

Sẵn đây, Thiện Trang kể cho quý vị nghe câu chuyện khác, tại vì cũng liên quan đến chỗ phạm giới hay không phạm giới, trì giới hay không trì giới. Đây cũng là một tiêu chuẩn, để chúng ta xác định Chánh pháp, rất quan trọng! Cũng trong Kinh A Hàm, Thiện Trang nhớ có một câu chuyện:

Vào đời đức Phật Ca Diếp, có một vị Cư sĩ tại gia, làm nghề đồ gốm. Vị đó sau này chứng được Tam quả A-na-hàm. Bởi vì chứng Tam quả A-na-hàm, cho nên vị này giữ giới rất là nghiêm, giữ giới gần giống như một vị Tỳ-kheo, tức là gần 250 giới, thì vị Cư sĩ tại gia này đều giữ được. Chỉ có một số giới là không giữ thôi, vì người ta là Tam quả A-na-hàm mà. Tam quả A-na-hàm, [nên] tự động người ta giữ được [những giới] đó.

Vì giữ giới, cho nên ngài rất nghèo, nghèo đến nỗi không có làm được gì hết. Tại vì làm đồ gốm, làm gạch, nung lấy gạch, thì ngài cũng không dám lấy đất ở nơi nào có trùng, mà phải đợi người ta đào sẵn, [họ] bỏ ra, [ngài] coi chỗ nào dư ra đó, mới lấy về làm đất nung. Mà làm như vậy thì đâu [được] bao nhiêu tiền, lại nuôi cha mẹ già nữa, rất là đáng thương! Và như vậy hằng ngày ngài ra ngoài ruộng ngoài đồng, chỗ nào người ta đào sẵn, đất người ta bỏ sẵn, thì mới lấy, chứ còn không có tự đào đất. Tại vì trong Giới Tỳ-kheo [có giới] là không được đào đất, kiểu vậy! Vị này giữ [giới] đến mức độ cỡ đó, thì mới là Tam quả A-na-hàm.

Đúng vào thời Phật Ca Diếp, đức Phật Ca Diếp một ngày nọ muốn giúp đỡ, cho nên Ngài mới tới khất thực. Khi đi khất thực, thì Ngài biết vị này đã phát [nguyện] là: Con không có thời gian để đi cúng dường đức Phật Ca Diếp, nhưng con nguyện rằng tất cả đồ ăn trong nhà con, nếu như đức Phật hoặc là Tăng đoàn, các vị Tỳ-kheo đi qua nhà con, thì có thể tùy ý mà lấy”.

Cho nên đức Phật Ca Diếp ngày hôm đó cũng tự vào trong nhà, và do cha mẹ của [vị Cư sĩ] đó bị mù, cho nên Phật Ca Diếp vào nói là: “Ta lấy đồ ăn ở trong nồi này, đó là con của hai ông bà đã cúng dường cho ta rồi, ta tự lấy nha”. Và [Ngài] nói: “Ta là đức Phật Ca Diếp, hôm nay ta đến khất thực tại nhà, hai ông bà hãy về nói với con trai của hai ông bà”. Như vậy Phật Ca Diếp tự lấy và đi về.

Thiện Trang chưa thấy đức Phật nào làm như vậy hết. Mà Phật Ca Diếp làm vậy luôn, tự mình lấy cơm ở trong nồi, lấy đồ ăn trong nồi, [rồi] ra về. Khi vị đó đi làm về, nghe cha mẹ nói vậy thì rất là mừng, đó là một lần.

Lần thứ hai là khi thất của Phật Ca Diếp bị hư, cần phải sửa lại thất, đức Phật Ca Diếp mới nói: “Các vị Tỳ-kheo, hãy tới dỡ nhà của ông đó, dỡ nhà lấy gỗ đem về mà sửa thất cho ta”. Mọi người nghe như vậy thì rất là ngạc nhiên, tại sao một vị Phật lại bảo dỡ nhà [người khác], lấy gỗ đem về xây thất cho ngài? Một người đã nghèo nổi tiếng trong làng rồi, mà lại làm như vậy nữa. Nhưng đức Phật cứ bảo:“Tới đó làm vậy cho Ta”.

Khi [vị kia] đi làm về, ổng nghe nói bữa nay Phật cho người tới dỡ nhà của mình, lấy gỗ để xây sửa thất cho Phật Ca Diếp, thì rất là vui. Bởi vì [đã là] một vị Thánh giả rồi, thì không bao giờ có tâm nhỏ mọn hay gì cả, rất là thoải mái, rất là vui mừng vì được cúng dường cho Phật, một cách thoải mái như vậy.

Câu chuyện hôm đó tự nhiên lan truyền ra, bởi vì nổi tiếng quá, nên lan truyền ra và đến tai vua. Vua ngay lập tức cho 500 cỗ xe, chở gỗ tới để sửa nhà cho vị đó. Và đem rất nhiều lương thực đồ ăn, đủ thứ vàng ngọc, châu báu tới, để cúng dường cho vị Cư sĩ Tam quả A-na-hàm đó. Nhưng vị ấy chỉ nhận vừa đủ thôi, không có nhận dư. Quý vị biết Thánh giả mà, nhận vừa đủ, không nhận dư, cũng rất hay!

Câu chuyện đó để quý vị biết là đức Phật, Ngài với trí tuệ siêu việt, Ngài có thể làm được những điều mà người ta không nghĩ ra. Quý vị thấy không? Thánh giả Tam quả A-na-hàm đã như vậy, bây giờ mình có phải Thánh giả Tam quả A-na-hàm hay không là biết liền đúng không? Từ câu chuyện đó là biết ngay. Thiện Trang kể để cho quý vị thấy rõ ràng như vậy.

          Như vậy ở đây, những vị ở địa vị học địa (là dưới A-la-hán), vì duyên đời trước mà phạm giới, tất nhiên không phạm giới trọng. Từ Sơ quả Tu-đà-hoàn trở đi thì không phạm giới trọng. Giới trọng, giới nhẹ thế nào, thì quý vị chịu khó nghe [trong] bộ Tại Gia Luật Yếu Quảng Tập.

Mọi người lại hỏi: “Tôn giả trước kia là A-la-hán, rồi cởi bỏ pháp phục trở về sống đời sống bạch y. Nay xuất gia học đạo trở lại. Trước kia ngài có Thần thông, sao lại như vậy?”.

Chỗ này cũng là một điều mà chúng ta cần phải lưu ý. [Trước kia ngài] có Thần thông, sao lại như vậy được? Tại vì nhiều người nghĩ, là có Thần thông thì ghê gớm lắm.

Bấy giờ Tượng Xá Lợi Phất nói bài kệ này:

An trú thiền thế tục

Rốt cuộc không giải thoát,

Chưa được vết diệt tận,

Nên quay hưởng ngũ dục.

Thiện Trang muốn đánh dấu đỏ để quý vị biết “An trú thiền thế tục” là gì? Có Thần thông, là quý vị tu chứng được, Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Những thiền này đều là thiền thế tục hết, thiền thế gian. Cho nên có Thần thông thì có Thần thông, rốt cuộc không có giải thoát. Không giải thoát thì chưa diệt được hết các Phiền não, khi nào hết định thì quay trở lại như cũ. Cho nên cũng quay lại hưởng Ngũ dục nữa, chứ không phải là có Thần thông thì ghê gớm đâu, không phải! Đắc Thiền chưa được, phải đắc quả mới được.

Đắc Thiền là tu về Thiền chỉ. Lát nữa Thiện Trang sẽ chia sẻ cho quý vị, nói lại về Thiền chỉ cho rõ. Thiền chỉ là dừng lại, khi còn định thì còn Thần thông, còn định thì còn khống chế được Phiền não, không có tham dục. [Nhưng] khi hết định thì vẫn như cũ. Đây là một điều để mọi người đừng sai lầm, rất nhiều người học Phật sai lầm ở điểm này. Cứ nghĩ là mình đắc Sơ thiền, đắc Nhị thiền đến Tam thiền, Tứ thiền, hoặc là người khác cũng vậy, đắc Tứ thiền chăng nữa, thì cũng chỉ là trạng thái phục Phiền não. Phục là giống như lấy đá đè cỏ, khi dời đá ra, tức là không đè nữa, thì cỏ lên tiếp.

Còn đắc Thánh quả là tu Thiền quán. Tu Thiền quán là giống như diệt cỏ tận gốc. Diệt cỏ tận gốc là hết rồi, nên không lên cỏ nữa. Đó là sự khác nhau. Nhiều người tu Phật giáo, chỉ biết Thiền chỉ thôi, vô ngồi thiền thôi, không biết phải tu làm sao để đạt được chứng quả. Tất nhiên Thiền chỉ mà tu đến mức độ nào đó, hên thì có thể đắc quả. [Nhưng] Thiền quán, con đường Bát chánh đạo và Tứ niệm xứ chẳng hạn, 37 Phẩm trợ đạo, hoặc là tu bất cứ Pháp môn nào, Thiện Trang sẽ chia sẻ từ từ cho quý vị nghe. Niệm Phật có đắc quả hay không v.v… [Thiện Trang] đều chia sẻ rồi đúng không ạ? Đắc quả hết! Miễn mình tu tới mức nào đó, thì sẽ đắc được quả. Mà đắc quả mới được, chứ đắc Thiền không thôi, thì không được đâu. [Nhưng] Thiền trợ giúp, có Thần thông, trợ giúp để đắc quả. Nếu không có Thiền chỉ thì cũng khó! Đây là phải nói rõ ràng, có nhiều người bị lầm, [do] không học nền tảng. Cho nên câu chuyện này giúp cho quý vị biết được điều đó.

“Hết củi, lửa cũng tắt.

Không rễ, cành không sanh.

Thạch nữ không mang thai.

La-hán không còn lậu”.

Nửa bài kệ sau nói là Hết củi lửa cũng tắt”, là hết Phiền não rồi thì lửa sẽ hết thôi. “Không rễ, cành không sanh”, tức là A-la-hán. Thạch nữ không mang thai, La-hán không còn lậu”, nghĩa là bao giờ thành A-la-hán [thì] hết [lậu].

Khi ấy mọi người lại hỏi Tượng Xá Lợi Phất:“Tôn giả trước kia không phải là La-hán chăng?”

Tượng Xá Lợi Phất đáp:“Tôi trước kia không phải là La-hán. Này các Cư sỹ, nên biết, Năm thông và Sáu thông khác nhau. Nay tôi sẽ nói mười một thứ Thần thông.

Quý vị nên nhớ, đây là người Cư sĩ nên biết, năm thông tức là Ngũ thông, gồm có mấy loại thông [của] thế gian: Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông, Túc mạng thông và Thần túc thông, là năm loại thông. Còn Sáu thông là có thêm Lậu tận thông, thì mới thành A-la-hán. Cho nên Năm thông và Sáu thông không giống nhau. “Nay tôi sẽ nói mười một thứ thần thông”.

“Phàm Tiên nhân đắc năm thứ thần thông, ái dục đã hết, nếu sanh lên trời thì sau cũng rơi trở lại Dục giới.”

 Quý vị thấy đây là năm thông của Tiên nhân. Người nào đắc Thiền, thì gọi là Tiên nhân. Năm thứ Thần thông vừa rồi Thiện Trang nói đó, thì ái dục đã hết, hết này là tạm hết, dùng ngôn ngữ là phục chứ không có đoạn. Nếu sanh lên trời thì sau cũng rơi trở lại Dục giới. Cho nên cuối cùng hết Thiền, hết định, thì cũng rớt [xuống].

“A-la-hán có Sáu thông, Đệ tử của Như Lai, đắc Lậu tận thông (đắc Lậu tận thông thì mới được), tức thì ở ngay trong Niết-Bàn giới vô dư mà Bát-Niết-Bàn”.

Ở đây đắc Lậu tận thông thì mới thành công. Cho nên tu hành Phật giáo, là đắc được sáu thông, còn năm thông ở trên nữa, cộng lại là 11 thông. Ý nói 11 thông là vậy.

Mọi người lại hỏi: “Chúng con quán sát lời nói của ngài Tượng Xá Lợi Phất, biết rằng thế gian không có vị A-la-hán nào mà lại cởi bỏ pháp phục trở về đời sống bạch y”.

Tượng Xá Lợi Phất đáp: “Đúng vậy, đúng vậy. Đúng như các người nói. Không có A-la-hán nào mà cởi bỏ pháp phục trở về sống đời sống bạch y. Có mười một pháp, mà A-la-hán không tập theo.

          Mười một pháp ấy là gì? (1)A-la-hán lậu tận không bao giờ cởi bỏ pháp phục trở lại đời sống bạch y. (2) A-la-hán lậu tận không bao giờ tập theo hạnh bất tịnh. (3) A-la-hán lậu tận không bao giờ sát sanh. (4) A-la-hán lậu tận không bao giờ trộm cắp. (5) A-la-hán lậu tận ăn mà không bao giờ cất giữ đồ thừa. (6) A-la-hán lậu tận không bao giờ nói dối. (7) A-la-hán lậu tận không bao giờ hùa theo phe đảng. (8) A-la-hán lậu tận không bao giờ phun lời hung dữ. (9) A-la-hán lậu tận không bao giờ có hồ nghi. (10) A-la-hán lậu tận không bao giờ sợ hãi. (11) A-la-hán lậu tận không bao giờ nhận ai khác làm Thầy và cũng không bao giờ nhập thai trở lại.

Đây 11 điều mà quý vị nhận xét, nhận định về A-la-hán, quý vị coi người ta có phải là A-la-hán hay không? Mình có phải là A-la-hán hay không?

1. A-la-hán Lậu tận không bao giờ cởi bỏ pháp phục trở lại sống đời sống bạch y: vậy chúng ta còn ở bạch y, thì [chúng ta] không phải là bậc A-la-hán. Tại vì một người bạch y (Cư sĩ) thì vẫn đắc quả A-la-hán, nhưng quý vị sau khi đắc xong, thì có chỗ nói một ngày, có chỗ nói tối đa bảy ngày, thì quý vị phải xuất gia. Nếu không xuất gia, thì với thân thể của một người bạch y, với vị trí của một người bạch y, không thể đảm bảo cho [địa] vị A-la-hán. Bởi vì không thể giữ trọn 250 giới hay 227 giới của Tỳ-kheo được. Cho nên vị A-la-hán tự biết nhập Niết-Bàn, còn không thì sẽ đi xuất gia. Trong [Kinh] Mi Tiên Vấn Đáp có hỏi: Nếu không có tìm thầy được thì sao? Yên tâm! Lúc đó sẽ có những vị thầy có Thần thông tới, để truyền giới [cho quý vị] xuất gia.

Tại vì những vị A-la-hán ở trên thế gian này nhiều lắm, các ngài biết được, người đắc A-la-hán là chấn động Tam thiên Đại thiên Thế giới, lẽ nào các ngài không biết. Cho nên yên tâm! Quý vị cứ đắc quả A-la-hán đi, rồi quý vị lo chuyện đó sau. Còn bây giờ mình chưa đắc, mà mình cứ lo đắc A-la-hán rồi phải làm sao. Bây giờ đắc được thì đắc nha! Đó là điều thứ nhất, tức là không bao giờ trở lại đời sống bạch y, người ta xuất gia luôn.

2. A-la-hán lậu tận không bao giờ tập theo hạnh bất tịnh: điều này thì rõ ràng, không làm hạnh bất tịnh (hạnh bất tịnh là hạnh dâm dục).

3. A-la-hán lậu tận không bao giờ sát sanh: quý vị nghe kỹ, A-la-hán lậu tận không bao giờ sát sanh.

Có người hỏi: “Vậy thì các quả vị khác có sát sanh hay không?” Theo Phật giáo Bắc truyền, Thiện Trang chỉ nghe thôi, chưa tìm thấy chứng cứ trong kinh, không biết có hay không. Vì Thiện Trang chưa coi qua hết các bộ kinh một cách chi tiết nhất, mới coi qua lược lược thôi, nên có thể mình bỏ sót. Trong Kinh A Hàm chẳng hạn, thì chưa thấy.

Nhưng có một điều truyền, là Sơ quả Tu-đà-hoàn thì không phạm giới sát sanh. Tức là có ly ngộ sát, nếu đi làm ruộng hay làm gì đó, thì chúng sanh né ra cách mấy [lớp] đất v.v… Điều đó thì Thiện Trang nghe một số vị bên Phật giáo Bắc truyền nói. Thiện Trang chỉ nghe nói thôi, bao giờ Thiện Trang coi trong kinh có, thì Thiện Trang mới tin. Vì thấy chỗ này cũng không thông lắm, chưa thấy nói. Mà chỉ thấy nói A-la-hán không bao giờ sát sanh thôi, chứ không thấy nói Tu-đà-hoàn không sát sanh. Vì thật ra Tu-đà-hoàn cũng chỉ có năng lực bình thường thôi, có khi không có Thần thông nữa. Cho nên chưa biết chỗ này thế nào, để từ từ Thiện Trang sẽ trả lời sau. Như vậy thứ ba là A-la-hán Lậu tận thì không bao giờ sát sanh.

4. A-la-hán Lậu tận không bao giờ trộm cắp (hay trộm cướp): bây giờ mình còn trộm cướp, thì chắc chắn mình không phải là A-la-hán rồi.

5. A-la-hán lậu tận ăn mà không bao giờ cất giữ đồ thừa: đây là chi tiết khó. Quý vị thấy không, xét vậy thôi là biết A-la-hán lậu tận ăn mà không bao giờ cất giữ đồ thừa. Ai làm được? Xin giới thiệu với quý vị, Sư Minh Tuệ làm được. Chỉ có Sư Minh Tuệ [làm được thôi]. Trong đời có bao nhiêu người làm được, thì Thiện Trang không biết, nhưng Thiện Trang thấy Sư Minh Tuệ làm được điều này. Là chỉ khất thực thôi, không bao giờ cất trữ đồ thừa, ăn [xong] rồi xả, ngày hôm sau đi khất thực tiếp. Còn Thiện Trang chưa làm được điều này, nên Thiện Trang không phải là A-la-hán, rõ ràng nha!

Đây là một tiêu chuẩn rất quan trọng, quý vị coi biết thầy của mình có phải A-la-hán hay không? Thôi đừng coi người ta, coi mình đi, chắc chắn mình không phải là A-la-hán rồi. Chúng ta có một loại Phiền não rất lớn, là toàn đem tiêu chuẩn để soi người khác, [mà] quên soi mình. Soi người khác, [thì] chứng tỏ là nhân ngã quá cao, tức là mình có quyền gì mà soi người khác. Tất nhiên soi để kiểm tra xem, người ta có đắc A-la-hán không, thì không có vấn đề. Nhưng soi để áp đặt người ta thế này thế kia, hoặc mình nhìn lỗi người ta, thì không nên.

Ở đây Thiện Trang nói rõ ràng, tuy mình biết điều này, nhưng biết [là chỉ] để biết, chứ không phải biết để phỉ báng. Rồi nghe nói vị nào đó, ông thầy đó, chưa đắc A-la-hán đâu, ổng còn cất giữ đồ ăn thừa, ổng còn cả tủ đồ ăn kìa, v.v… Quý vị như thế thì không nên. Đây là chúng ta biết, để chúng ta xác định Chánh pháp.

Quý vị học pháp mà đem mắt nhìn ra mọi người, là Phiền não của quý vị tăng lên, nghiệp chướng của quý vị tăng lên, toàn nhìn lỗi người khác thì thời gian sau quý vị tu không được. Chúng ta học giáo pháp, là để nhìn vào mình, ở đây ai làm được? [Đối với] Cư sĩ thì điều này khó quá, thôi bỏ qua. Thậm điều này đối với Thiện Trang còn khó nữa, chứ đừng nói quý vị. Bây giờ nói đi khất thực, ngày nào cũng đi chợ, ngày nào cũng đi khất thực, thì hơi khó.

6. A-la-hán lậu tận không bao giờ nói dối: điều này thì dễ.

7. A-la-hán lậu tận không bao giờ hùa theo phe đảng: phe đảng đây ý nói là hùa theo phe này, phe kia. Cho nên còn lập bè kéo cánh, theo phe này phe kia, là không phải A-la-hán. Quý vị thấy rõ ràng lắm.

8. A-la-hán lậu tận không bao giờ phun lời hung dữ: không có hung dữ đe dọa người ta, kiểu [nói] lời hung dữ thì không có.

9. A-la-hán lậu tận không bao giờ có hồ nghi: tức là không có nghi ngờ đối với giáo pháp, không nghi ngờ người. Vì sao không nghi ngờ người? Vì có Thần thông, làm sao mà nghi ngờ người.

10. A-la-hán lậu tận không bao giờ sợ hãi: nhiều người bây giờ sợ lắm, người ta hù một chút là rất sợ.

11. A-la-hán lậu tận không bao giờ nhận ai khác làm Thầy, và cũng không bao giờ nhập thai trở lại: không nhận ai khác làm thầy, nghĩa là không nhận ai khác làm thầy ngoài Phật, [chỉ] Phật làm thầy thôi.

Đó là 11 điều cực kỳ quan trọng, để chúng ta xác định được Chánh pháp. Thiện Trang bôi đỏ để quý vị xác định được.

“Này các Hiền sỹ, đó là mười một trường hợp không bao giờ xảy ra đối với một vị A-la-hán.’

Bấy giờ, mọi người bạch Tượng Xá Lợi Phất rằng: “Chúng con nghe những điều Tôn giả nói, và quán sát những người ngoại đạo dị học, giống như quán sát cái bình rỗng, chẳng có gì bên trong cả. Ở đây, quán sát nội pháp, chúng con thấy giống như bình đựng mật, ngọt không thể kể. Chánh pháp của Như Lai ở đây cũng vậy. Bà-la-môn kia sẽ chịu vô lượng tội”.

Quý vị thấy không? Đây là Tập khí của những người Cư sĩ này. Chúng con nghe thấy những điều đó, thì quán sát những người ngoại đạo dị học, tức là học những môn giáo khác, thì giống như quán sát cái bình rỗng, chẳng có gì bên trong hết, thấy lỗi liền đúng không! Còn quan sát giáo pháp Như Lai, thì giống bình đựng mật, ngọt không thể kể hết. Cho nên quý vị thấy đấy là bệnh của người Cư sĩ. Chính vì vậy mới tu hành khó đắc đạo, toàn là nhìn thấy lỗi. Nhưng lời này cũng là lời để thấy giáo pháp của Phật hay.

Khi ấy Tượng Xá Lợi Phất bay lên hư không, ngồi kiết già, nói bài kệ này:

Không hiểu pháp đây, kia,

Mà hành thuật ngoại đạo;

Gây đấu loạn đây kia.

Người trí không làm vậy.

Bấy giờ, những người Câu-lưu-sa bạch với Tượng Xá Lợi Phất rằng: “Những điều được nói là quá nhiều; thật khó sánh kịp. Như người mù mà được mắt sáng. Như người điếc mà được nghe. Nay những điều Tôn giả nói cũng giống như vậy. Ngài đã dùng nhiều phương tiện để thuyết pháp. Chúng con hôm nay tự quy y Như Lai, quy y Pháp, và Tăng Tỳ-kheo. Cúi mong Tôn giả nghe cho, nhận chúng con làm Ưu-bà-tắc, suốt đời không sát sanh”. (Tức là họ cũng quy y Tam Bảo, và họ chỉ giữ một giới là không sát sanh).

Rồi Tượng Xá Lợi Phất nói những pháp vi diệu cho mọi người nghe, khiến họ phát sanh tâm hoan hỷ. Mọi người rời chỗ ngồi đứng dậy, cúi lạy dưới chân rồi cáo lui.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan nghe nói Bà-la-môn báng bổ Tượng Xá Lợi Phất mà không đạt được gì, nên nhìn kỹ Tượng Xá Lợi Phất còn không dám, huống nữa là tranh luận. Nghe vậy, Tôn giả đi đến Thế Tôn, đem nhân duyên này thuật lại đầy đủ lên Thế Tôn. Bấy giờ Phật bảo A-nan:

“Phàm nói về bình đẳng A-la-hán, phải nói đến Tượng Xá Lợi Phất. Vì sao vậy? Nay Tượng Xá Lợi Phất đã thành A-la-hán. Cái danh A-la-hán được truyền tụng trước đó, nay mới đạt được. Năm thứ thần thông của thế tục không phải là hành chân thật, rồi sau sẽ mất. Sáu thần thông mới là hành chân thật. Các ngươi hãy học theo Tượng Xá Lợi Phất. Hãy nhớ nghĩ mà phụng hành ý nghĩa này”.

Bấy giờ ngài A-nan nghe những lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

(Trích từ Kinh Tăng Nhất A Hàm – Phẩm 49 – Chương Phóng ngưu– Kinh Số 4).

[Bản này] có trích dẫn, quý vị có thể tìm. Ở đây có một số lỗi chính tả, vì bản này là Đệ tử [của] ngài Tuệ Sỹ gửi cho Thiện Trang, có lẽ không phải là bản cuối cùng, cho nên có một số lỗi chính tả, quý vị thông cảm Thiện Trang sẽ sửa lại sau. Ở đây Thiện Trang đã chia sẻ xong cho quý vị, đó những điều rất hay, bình thường chúng ta đâu được nghe, thì giờ chúng ta được nghe rồi. Có giáo pháp rồi, và bây giờ chúng ta cũng biết mình tu tới đâu.

Tiếp theo Thiện Trang xin chia sẻ, lâu lâu thay vì chia sẻ lý thuyết, thì mình chia sẻ phần liên quan đến pháp hành, đó là về chi thiền. Thiện Trang cố gắng tranh thủ chia sẻ về các chi thiền. Rồi tâm Nhị nhân, tâm Tam nhân, tâm Vô nhân và tâm Thánh nhân thế nào, thì chúng ta sẽ học. Hôm nay Thiện Trang sẽ chia sẻ phần đó, trước khi vào phần Luận Câu Xá.

Chi Thiền – Tâm Sắc Giới
Chi thiềnTriền cáiNguyên nhânCách đối trịẩn dụ ngườiẩn dụ nước
TầmHôn thụyBiếng nhác, ăn no, chán nản, tâm thụ độngTinh tấn + Như lý tác ýở tù thỉnh thoảng có 1 chút ánh sáng bên ngoài chiếu vàorong rêu
TứHoài nghiKhông như lý tác ýNhư lý tác ýở sa mạc, không biết lối điVẫn đục
HỉSânĐối ngại tướngTâm từ + Như lý tác ýbị bệnh mất vị giácĐun sôi
LạcTrạo hốiTâm không chỉ tịnhTâm chỉ tịnh + như lý tác ýLàm nô lệ; tâm luôn luôn sợ chủBị gió thổi làm xao động
ĐịnhThamTịnh tướngBất tịnh + Như lý tác ýCó món nợ phải trảPha màu

Chi thiền này thuộc về tâm Sắc giới. Nghĩa là bây giờ chúng ta học có tâm Dục giới (Dục giới thì chúng ta dễ [hiểu] rồi). Tâm Dục giới, tâm Sắc giới, tâm Vô sắc giới, tâm của bậc Thánh. Tức là chúng ta học có bốn loại tâm:

Một là tâm Dục giới, là những hàng chúng sanh như chúng ta, ở Dục giới, thì có những tâm nào? Thiện Trang xin giới thiệu, tâm Dục giới gồm có 54 tâm, nhiều lắm! Trong đó có 12 tâm bất thiện gồm: 8 tâm tham, 2 tâm sân và 2 tâm si, là 12 tâm bất thiện. 18 tâm Vô nhân là: 7 tâm quả bất thiện, 8 tâm quả thiện và 3 tâm tố vô nhân, là 18. Và 24 tâm Dục giới tịnh hảo. Bây giờ nhiều quá, mà chúng ta là phàm phu [ở] Dục giới, thì thôi từ từ mình học sau.

Thiện Trang có ý thế này, thay vì chúng ta học mấy tâm phàm phu trước, thì mình cứ từ từ, vì mình là phàm phu mà. [Mình] học [tâm] của Sắc giới, để mình hiểu Sắc giới là thế nào. Và mình học Vô sắc giới và tâm Thánh nhân trước, những tâm đó ít hơn. Chứ bây giờ học tâm Dục giới, [có tới] 54 tâm, nhiều quá! Mà chia 3 loại: là 12 tâm bất thiện, 18 tâm Vô nhân và 24 tâm Dục giới tịnh hảo. #Tịnh là thanh tịnh; #hảo là tốt. Như vậy nhiều quá, nên từ từ học sau.

Còn bây giờ mình tu để đắc Thiền đúng không? Thì mình học tâm Sắc giới. Rồi để đắc Vô sắc giới, thì mình học [tâm] Vô sắc giới. Để làm Thánh nhân, thì học tâm Thánh nhân trước. Quý vị thấy cách học như vậy thì đỡ hơn không? Chứ bây giờ [tâm] phàm phu, mình học trước thì thấy ngán ngẩm, tới 54 tâm, nhiều quá, nên là từ từ học.

 Dục giới gồm những gì? Đầu tiên Thiện Trang xin giới thiệu với quý vị, ở trên bảng này, có liên quan đến chi thiền. Quý vị có nhớ mấy chi thiền không? Về tâm Sắc giới, thì Sắc giới là từ Sơ thiền trở lên. Nếu nói về tầng trời, thì gồm có [những] tầng trời nào? Bắt đầu Sơ thiền thì gồm có ba tầng trời là: trời Phạm Chúng, trời Phạm Phụ và trời Đại Phạm. Đó là ba tầng trời. Nói ba tầng trời bảy, tám, chín, thật ra thì chỉ có một tầng trời thôi, nhưng [mỗi tầng trời] có phước báo khác nhau, cho nên gọi là ba tầng trời. Phước báo làm nhân dân thì gọi là trời Phạm Chúng, phước báo làm quan thì gọi là trời Phạm Phụ, phước báo làm vua thì gọi là trời Đại Phạm.

Lên Nhị thiền thì gồm có ba tầng trời: trời Thiểu Quang, trời Vô Lượng Quang và trời Quang Âm. Tam thiền có ba tầng trời: trời Thiểu Tịnh, trời Biến Tịnh và trời Vô Lượng Tịnh. Rồi Tứ thiền thì có chín tầng trời, trong đó có bốn tầng trời ngoại đạo, và năm tầng trời gọi là Ngũ Bất Hoàn. Tứ thiền ở đây là Tứ thiền Sắc giới, thì có chín tầng trời gồm: trời Phước Sanh, trời Phước Ái, trời Quảng Quả, trời Vô Tưởng. Đó là bốn tầng trời phàm phu. Có năm tầng trời Thánh nhân Tam quả A-na-hàm, đó là: trời Thiện Kiến, trời Thiện Hiện, trời Vô Phiền, trời Vô Nhiệt, trời Sắc Cứu Cánh. Và ở trên cùng, có bốn tầng trời Vô sắc nữa là: Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Chúng ta nghe hoài rồi, thì chúng ta thuộc lòng các tầng trời đó.

Thiện Trang đọc theo một tên thôi, có một số bộ kinh thì dùng tên khác, và có một số bộ kinh chia theo kiểu khác, [nên] đừng có thắc mắc. Có nhiều vị đồng tu mới học, nói sao thầy Thiện Trang nói kì vậy, bữa sau đọc sách thấy thầy đọc sai rồi. Không phải! Có rất nhiều cách nói, và cách chia. Mình khoan nói, hãy nghe đã! Như hôm bữa Thiện Trang đang giảng về mấy Tâm sở gì đó, rồi có người cũng chen vô nói. Thực ra quý vị mới học một thứ, có rất nhiều cách định nghĩa, mỗi sách định nghĩa mỗi kiểu, mỗi người định nghĩa mỗi kiểu. Vấn đề là mình nắm  nền có phần đó đã, rồi sau đó mình hiểu bản chất bên trong, người ta đang mô tả ở hướng nào. Sau này quý vị coi sách là quý vị hiểu luôn.

Chứ còn vô mà quý vị lấy bộ của quý vị, so với [bộ] của Thiện Trang, hên thì quý vị cầm đúng bộ, mà Thiện Trang dùng làm tư liệu để giảng ở đây, thì giống. Nhưng nếu bộ khác thì không giống, có thể diễn tả khác đi, thế nào là Tâm sở Tư, Tâm sở gì v.v… mỗi bên có mỗi định nghĩa khác nhau.

Vì thật sự có một số điều Phật cũng không đưa ra định nghĩa, mà đời sau mỗi người hiểu sao, thì người ta định nghĩa vậy. Phật chỉ kể ra [thôi], chính vì vậy mỗi bộ sách, mỗi người đưa ra [định nghĩa] khác nhau. Cho nên chưa gì hết mà mình đã chấp trước, thì mình không có học được gì. Thiện Trang chỉ mong là cung cấp cho quý vị nền tảng, để quý vị hiểu, rồi quý vị coi rộng ra.

Về chi thiền, ở đây nhấn mạnh về chi thiền. Để vào Sơ thiền, thì chúng ta có Năm chi thiền, gồm có: Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc, Định. Có khi có Ưu, Xả nữa, là Bảy chi thiền. Nhưng trong cách nói của A Tỳ Đàm, thì thông thường chỉ nói Năm [chi thiền], có khi quý vị học ở chỗ khác nói là Bảy [chi thiền]. Bữa trước Thiện Trang giới thiệu Bảy [chi thiền] rồi, giờ giới thiệu Năm [chi thiền]. Trong bộ A Tỳ Đàm này thì nói Năm [chi thiền], tùy bộ, có bộ nói Bảy [chi thiền], thì chúng ta cứ học Năm [chi thiền] đi, để bộ này thống nhất.

          Tâm Tầm, chúng ta đã biết tâm Tầm rồi, bữa nay có Triền cái. #Triền là quấn quýt và ngăn che, thì gọi là Triền cái. Tâm sở Tầm đối trị với Hôn thụy; #Hôn thụy là hôn trầm, thụy miên. Tức là nếu như buồn ngủ, người cứ lơ lơ, thì hãy dùng Tâm sở Tầm. Tầm là hướng đến một đối tượng nào đó. Chúng ta có thể dùng nhiều cách để giải thích, [như] hướng đến, quan sát hay tập trung vào đối tượng nào đó, tùy theo mỗi người định nghĩa [thế nào].

Hôm nay Thiện Trang kể cho quý vị, thêm nguyên nhân của những người bị Triền cái Hôn thụy. Tức là hôn trầm ngủ gục nhiều, thì [nguyên nhân] là: biếng nhác (lười biếng); ăn no tức là ăn nhiều quá thì buồn ngủ; chán nản, những người hay chán nản cũng dẫn đến buồn ngủ; rồi tâm thụ động. Những người như vậy thì hay buồn ngủ. Quý vị coi, đây là nguyên nhân, mình phải bỏ nguyên nhân thì mới đỡ hôn trầm, thì mình sẽ mạnh được Tâm sở Tầm này.

[Về] cách đối trị, là hãy tinh tấn lên và Như lý Tác ý. Tinh tấn thì dễ hiểu rồi, là mình làm gì cũng mạnh mẽ, hăng hái lên. Như lý Tác ý tức là suy nghĩ, hành động gì đó trong tâm, giống như trong kinh điển, trong giáo pháp, thì gọi là Như lý Tác ý, là đúng như lý mà mình suy nghĩ. Điều này [thì] mình phải học giáo pháp.

Ở đây có đưa ra một ví dụ cho quý vị thấy, là ẩn dụ về người: Người ở tù, thỉnh thoảng có chút ánh sáng bên ngoài chiếu vào. Đây là ví dụ của Phật ở trong một bộ kinh, Thiện Trang nhớ là trong Kinh Đại Kinh Xóm Ngựa. Giống như quý vị ở trong tù, mà thỉnh thoảng có một chút ánh sáng chiếu vào thôi. Lúc nào ánh sáng chiếu vào, thì người tỉnh [táo]. Còn nếu không có ánh sáng chiếu vào, thì buồn ngủ, hôn trầm, gục gà gục gật. Đây là ví dụ.

Tâm sở Tứ thì đối trị được với hoài nghi. Hay nói chính xác là hoài nghi là khiến cho Tâm sở Tứ không hoạt động, ngược lại. Nguyên nhân là do không Như lý Tác ý, tức là mình học giáo pháp có vấn đề. Nói chung là nghi ngờ nhiều, người học giáo pháp chưa hiểu thì nghi ngờ nhiều. Như vậy chúng ta phải học giáo pháp để Như lý Tác ý.

Ví dụ giống như người ở trên sa mạc, không biết lối đi, vì nghi ngờ mà. Người nghi ngờ thì giống như ở trên sa mạc, đường rộng thênh thang, không biết đi về đâu. Đó là nghi ngờ. Giống như [người] học Phật pháp, mà mình không biết đường đi, thì gọi là hoài nghi. Tâm sở Tứ thì đối trị được điều này. Bữa [trước] Thiện Trang giới thiệu Tâm sở Tứ rồi, quý vị có thể nghe lại.

Tầm là giống như con ong hướng đến bông hoa. Tứ giống như con ong quan sát, vờn bên bông hoa, tập trung vào bông hoa rồi. Còn Tâm sở Tầm là hướng tới thôi. Đó là một cách định nghĩa, còn nhiều cách định nghĩa [khác], mỗi người định nghĩa mỗi kiểu.

[Tâm sở Tứ] đối trị được với hoài nghi. Hoài nghi là giống như người ở trên sa mạc, không biết lối đi, không biết đi về đâu. Học giáo pháp cũng vậy, mình nghi ngờ. Bây giờ quý vị học nhiều quá, học Nam truyền, Bắc truyền, nghi ngờ lung tung lang tang. Quý vị rớt vào cái hoài nghi này, thì Tâm sở Tứ này rớt, chi thiền này rớt, thì quý vị không đạt được Sơ thiền.

Về [Tâm sở] Hỉ, Hỉ là vui, thì đối trị với tâm sân, ngược lại với sân. Quý vị [thấy] có người nào vui mà sân đâu. Chỉ có người sân thì không vui thôi. [Nguyên nhân] là Đối ngại tướng. Điều này là do mình đối lại hoặc là chướng ngại với tướng, tức là mình [đối] nghịch lại.

Cách đối trị là chúng ta phải dùng tâm từ (từ trong từ bi), và Như lý Tác ý. Cho nên Như lý Tác ý là lúc nào cũng phải có hết. Mà muốn có Như lý Tác ý, thì chỉ có học thôi. Ví dụ về người tâm sân, là giống người bị bệnh mất vị giác. Tức là quý vị bị bệnh rồi, [thì] ăn không ngon nữa. Người sân cũng vậy, sân là người ta mất đi [niềm] vui, họ không còn biết gì nữa hết, cho nên sân nguy hiểm lắm. Giống như người bị bệnh mà mất vị giác, ăn vô tự nhiên cái lưỡi mình không còn cảm thấy ngon nữa, đồ ăn nhạt nhẽo thế nào đó. Đó là tâm sân. Đây là ví dụ đức Phật lấy trong Kinh Đại Kinh Xóm Ngựa, chứ không phải Thiện Trang nói.

Lạc là đối trị với Trạo hối; #Trạo hối là trạo cử và hối hận. #Trạo cử là tâm lăng xăng; #hối là hối hận những gì đã qua. Nguyên nhân [của Trạo hối], là Tâm không chỉ tịnh. Tức là tâm [Trạo hối] là do thiếu chỉ tịnh, chỉ tịnh tức là thiếu tu định. Những người lăng xăng, lăng xăng, là do hàng ngày không chịu niệm Phật, không chịu ngồi thiền, không chịu ngồi yên, mà cứ lăng xăng chạy khắp đông tây, làm việc này, làm việc kia. Tâm đó là tâm Trạo hối, cho nên không được [an] lạc. Quý vị tu cùng lắm là chỉ được Hỉ thôi, chứ không có Lạc được. Lạc là niềm vui sâu hơn, thì không có được.

[Cách đối trị] là Tâm chỉ tịnh và Như lý Tác ý. Như lý Tác ý thì [phải] học pháp. [Còn] Tâm chỉ Tịnh thì mình phải tu thiền, phải ráng ngồi cho yên, ngồi ngủ gục cũng được, [nhưng] cũng chỉ tịnh lại được, đối trị được Trạo hối.

Ví dụ mà đức Phật đưa ra, là giống như người làm nô lệ, tâm luôn luôn sợ chủ. Giống như quý vị đi làm nô lệ, người làm nô lệ thì tâm luôn luôn sợ chủ, thì tâm đó không yên, cho nên gọi là Trạo hối. Trạo hối là trạo cử và hối hận.

          Cuối cùng là Định. Định là một chi thiền trong Năm chi thiền. Triền cái của nó, là đối trị tâm Tham. Nguyên nhân của Tham là do thấy Tịnh tướng, tức là mình thấy điều gì cũng là tốt đẹp. Ví dụ như thấy người đó xinh đẹp quá, nên mới tham sắc. Thấy quần áo tốt đẹp, thấy điện thoại sang hay gì đó… nói chung là thấy tốt đẹp, [nên] mình không nghĩ đến vô thường, không nghĩ đến những cái dơ bẩn, cho nên mình tham. Và tâm Tham là do thấy được sự tốt đẹp. Bây giờ mình nghĩ ngược lại, tức là hãy quán bất tịnh. Nên là cố gắng quán Bất tịnh và Như lý Tác ý, thì đối trị [được] với tâm Tham.

Đây là Thiện Trang đang chỉ cho quý vị pháp hành, quý vị dùng điều này thì rõ ràng. Nếu lấy ví dụ về tâm Tham, thì giống như người có món nợ mà phải trả nợ. Tức là bây giờ mình có món nợ, thì mình phải trả nợ. Cho nên cứ day dứt, muốn đi trả nợ. Cũng vậy, người tham thì cứ muốn có cho được. Đó là ví dụ về người.

Đức Phật còn lấy một ví dụ về nước nữa, ở trong Kinh SangàravaSutta thuộc Tăng Chi Bộ Kinh, đức Phật nói người mà tâm có sự Hôn trầm, thì giống như nước có rong rêu. Quý vị [lấy] nước để soi mặt thì không được, vì rong rêu đóng, che hết. Tâm Hôn trầm, Hôn thụy cũng vậy.

Còn nếu người có hoài nghi, thì đức Phật lấy ví dụ như nước bị vẩn đục. Tức là nước đục quá, nên soi cũng không thấy gì. Đó là hoài nghi. Hoài nghi cho nên không thấy được Chánh pháp.

          Người [có] Tâm sân thì giống như nước đun sôi, quý vị thấy nước đun sôi thì [có hơi nước] bay bay lên. Bây giờ quý vị lấy nước đó soi mặt mình được không? Không được! Hình ảnh cứ ảo ảo, [hơi nước] bay liên tục thì làm sao mà thấy. Cho nên sân thì không thấy được Thật tướng các pháp, sân cũng là một chướng ngại rất lớn. Nên mình phải dùng tâm từ bi, phải thương người ta.

          Thiện Trang xin chia sẻ bí quyết, hồi xưa Thiện Trang cũng hay tức, [hay] sân lắm. Đặc biệt thấy những người tu mà không giữ giới, họ làm sai là mình hay tức. [Nhưng] sau này Thiện Trang biết cách điều lại. Thiện Trang nghĩ do mình tu lên một tầng mới hay sao á! Sau này Thiện Trang không có nói người ta nữa, [mà] chỉ cảm thấy thương người ta hơn. Thương lắm! Tội lắm! Nhiều khi cùng là người xuất gia với nhau, mình cũng đi xuất gia, người ta cũng đi xuất gia, mà người ta không có duyên để học pháp như mình. Vì người ta bận rộn quá, mới xuất gia được bao nhiêu năm, thì vô [làm] trụ trì chùa. Rồi ngày qua tháng lại cũng không biết giáo pháp, không biết Giới luật gì hết, nên thương cho họ, chứ không có tức.

          Hồi xưa mình thấy sao người ta không giữ giới v.v… Bây giờ quý vị cứ nghĩ đi, một người xuất gia [tầm] 5 năm, [là] đi trụ trì hết. Có quý thầy là bạn của Thiện Trang, bây giờ nhìn qua nhìn lại đi trụ trì hết rồi. Trụ trì thì công việc bận rộn lắm! Sáng tối, lúc nào cũng việc này việc kia, quá nhiều việc! Và khi nhiều việc quá thì bận rộn, dần dần Phật pháp cũng không biết gì hết.

Ví dụ như mình thấy Sư Minh Tuệ, hay chúng ta đây [cũng] cố gắng giữ không ăn phi thời. Thậm chí Cư sĩ cũng ráng giữ không ăn phi thời. Còn có người ăn một bữa nữa, rất là dũng mãnh tinh tấn, qua giữa trưa (tức là mặt trời đứng bóng) thì không ăn nữa, giữ kỹ như vậy cho đến sáng ngày hôm sau. Còn có nhiều vị rất đáng thương, cũng là xuất gia, mà tối khuya rồi còn chụp mấy tấm hình để đồ ăn, uống trà, rồi khoe lên. Nhiều khi họ không biết, [nên] mình thấy rất tội. Tại sao cùng nhau đi xuất gia, cùng học giáo pháp Như Lai, cùng đắp màu y Như Lai, thậm chí là người xuất gia trụ trì, nhưng lại không biết được những điều đó. Thà lén lén [ăn] đi, [đằng này] còn khoe nữa, [nên] nhiều khi thấy thương cho những người ấy.

Mình hãy thương, hãy dùng tâm từ bi để nghĩ đến chúng sanh, thì mình sẽ không có sân. Và tâm từ càng lớn, thì công phu của quý vị càng đắc lực. Còn tâm sân, suốt ngày nghĩ người này thế này, người kia thế kia, là mình chưa có lòng từ bi, vì mình chưa hiểu người ta. Không phải người tu là ngu dốt, không biết gì. Tức là mình biết đúng sai rõ ràng, nhưng mình không có chấp ở trong tâm. Mình không ghét người, mà mình phải thương người, cố gắng nghĩ lại đi.

Ở đây Thiện Trang xin chia sẻ một điều nữa, mà Thiện Trang nghĩ là một điều rất khác, sau này Thiện Trang mới nhận ra. Đó là hồi xưa Thiện Trang coi kinh, [lúc] mới tu thích coi Địa ngục lắm, thích coi mấy phẩm kinh nói về Địa ngục hành hình, thấy đã lắm, vì kiến thức mới. Thời gian sau coi thấy sợ quá, không dám coi, coi sợ mình đọa Địa ngục, vì lưu ấn tượng trong A-lại-da thức, nên sợ, không dám coi nữa. Nhưng thời gian sau này Thiện Trang lại thích coi. Sao kỳ vậy, tại sao sau này lại thích coi?

Bởi vì mỗi lần coi, thấy những chúng sanh trong Địa ngục, bị hành hình như vậy v.v… lòng thương xót [của] mình tăng lên. Từ đó [mình] phát tâm lớn: Nguyện cho tất cả chúng sanh đều không rơi vào Địa ngục. Và nguyện [nếu] họ ở trong Địa ngục rồi, [thì] mau ra. Nguyện con sớm thành đạo để cứu họ ra.

Rồi thấy vua Diêm La phát nguyện, là cho tội quá khứ của ông hết đi, trong Kinh Tăng Nhất A Hàm có nhắc lại, hồi trước Thiện Trang có dẫn trong Kinh Trường A Hàm rồi. Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm, nói là ổng nguyện rằng: các tội nghiệp trước kia [của] ổng được diệt hết, khi hết đời ở Địa ngục đó, được sanh lên cõi Người để được mặc ba pháp y, xuất giathành tựu Bồ-đề.

Mình nghe như vậy mình rất thương ổng, bởi vì mình thấy một ông vua ở trong Địa ngục cũng khổ, rất là đau xót. Cho nên mình có lòng từ hơn, mình nguyện tương lai sẽ giúp ổng, để ổng sớm được thành tựu nguyện đó. Có lẽ mình tu lâu rồi, [nên] mình có lòng từ như vậy, [nên] dù coi chúng sanh ở trong Địa ngục thì mình vẫn thương, không có sợ Địa ngục nữa. “Ta không vào Địa ngục, thì ai vào Địa ngục?”, có câu nói này đúng không quý vị? Tức là mình vào trong đó, mình coi thấy như thế thì mình thương, chứ không còn sợ nữa.

Hồi xưa mình coi vì tò mò, đó là người mới tu, thì đúng rồi! Người tu lâu lâu [một chút], thì sợ quả báo rớt vào Địa ngục, cho nên không dám coi, sợ đọng trong A-lại-da thức những chủng tử Địa ngục, khi đủ duyên thì sẽ hiện ra. Nhưng người mà tu lâu rồi, [thì] quý vị có lòng từ lớn, quý vị ở trong Địa ngục, thấy cảnh Địa ngục, quý vị cũng phát tâm Bồ-đề. Như vậy có phải là chuyển Phiền não thành Bồ-đề không? Như vậy quý vị không còn sợ Địa ngục [nữa], vì quý vị có vào Địa ngục [thì] cũng ra ngay. Vì một niệm giác là ra khỏi Địa ngục.

Quý vị nên nhớ, đức Phật Thích Ca có kể về tiền thân của Ngài. Có lần Ngài rơi vào Địa ngục Hỏa Xa (tức là xe lửa), thấy từng chiếc xe chạy qua, cán lên người của từng tội nhân, từng người một. Ngục tốt cứ đẩy [tội nhân] ra, rồi xe cán lên, nát người như vậy, tới từng người một, từng người một. Ngài thấy rất là thương, [vì] Ngài cũng rơi vào Địa ngục mà. Ngài mới nói với con quỷ tốt là: “Ở trong Địa ngục này còn bao nhiêu người? Bây giờ hãy cho tôi chịu [thay] hết”. Tức là Ngài nói tôi chịu thay hết cho họ.

Ngài phát tâm như vậy, thì ngay lập tức con quỷ Dạ xoa, cầm chày đánh lên đầu Ngài. Ngài chết và ra khỏi Địa ngục ngay. Quý vị thấy không? Một niệm tâm từ bi vì chúng sanh, thì thoát khỏi Địa ngục. Nếu như mình tu học, đến lúc mình có niệm như vậy, thay vì bị hành hình, mình đau đớn, mình căm thù người hành hình mình, mà quý vị có được tâm từ cỡ đó, thì quý vị có vào Địa ngục cũng không có vấn đề. Vì vào Địa ngục là ra ngay, thì còn gì mà sợ ác đạo nữa.

Cho nên Địa Tạng Bồ-tát [nguyện rằng]: “Địa ngục vị không thệ bất thành Phật, chúng sanh độ tận phương chứng Bồ-đề”. Mình có tâm như vậy, thì mình mới là Bồ-tát được, mới là người giác ngộ được. Còn bây giờ mình còn sợ, thấy chỗ đó khổ quá, thôi con tránh đi. Cho nên A-la-hán [thì] không còn sợ hãi nữa, quý vị nhớ không, đoạn hồi nãy ở trên đó.

Mình tu hành, phải tu làm sao mà tâm tâm niệm niệm [đều] vì chúng sanh, nghĩ đến nỗi khổ của chúng sanh, nghĩ đến tất cả vì chúng sanh, thì con đường giác ngộ [của] quý vị đi gần tới đích rồi. Có nghĩa là quý vị sẽ thành một vị A-la-hán, một vị Bồ-tát, một vị Bích-chi-phật, một vị Phật Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác trong tương lai rất gần. Bởi vì quý vị đã làm được những điều mà không ai làm được, hoặc ít người làm được.

Và quý vị đã tu với tâm như vậy, thì ngay cả trong hoàn cảnh khốc liệt nhất là Địa ngục, quý vị cũng phát được tâm như vậy, thì lẽ nào quý vị làm hại chúng sanh, lẽ nào quý vị lại cướp của chúng sanh, lấy trộm của chúng sanh, chửi bới gây ác cho chúng sanh đâu, đúng không? Trừ khi quý vị vì lòng từ, tất cả đều vì lòng từ, vì sự nghiệp giác ngộ.

Cho nên tu hành, cuối cùng là tu ở đâu? Là tu ở đổi tâm, đổi tâm đi là con đường giải thoát giác ngộ, quý vị đi rất nhanh. Đây là bí quyết mà Thiện Trang phát hiện ra, sau bao nhiêu năm trường thâm nhập kinh tạng, hôm nay chia sẻ cho quý vị. Chỉ cần đổi tâm thôi, thấy hoàn cảnh gì cũng nghĩ cho chúng sanh, cũng nghĩ vì lòng từ, thì sân hận mình không có nữa. Dần dần [sẽ] hết, và từ đó mình tiến lên, tiến lên, dần dần công phu của mình đắc lực, trí huệ khai mở rất nhiều. Quý vị cứ nhớ nha! Tự nhiên các Phiền não khác bớt, tự nhiên tâm hoài nghi hay tâm Tham v.v… không còn nữa. Đấy là pháp tu rốt ráo, tu có lòng từ bi, quý vị nghĩ vậy đi.

Cho nên đừng sợ những điều mà người khác sợ, mình không sợ gì cả. Mình chỉ sợ mình thôi, chỉ sợ mình không phát được tâm từ bi, không phát được tâm Bồ-đề giác ngộ. Nếu quý vị luôn luôn có tâm từ bi, luôn luôn có tâm Bồ-đề giác ngộ, thì đời này quý vị ra khỏi sanh tử rất gần rồi. Quý vị không đắc đạo, thì đời này hay đời sau, quý vị cũng sớm đắc đạo thôi. Tại vì lòng giác ngộ, lòng từ bi đó là tâm của bậc Thánh nhân. Sau này chúng ta học rồi thì chúng ta thấy.

Bây giờ chúng ta trở lại với các chi thiền và tâm của Sắc giới. Tâm Sắc giới là tâm của 18 tầng trời Sắc giới. Bây giờ đưa ra ví dụ thứ hai, là người có tâm Trạo hối (tức là Trạo cử và Hối hận), thì giống như nước bị gió thổi làm xao động. Cho nên cũng không nhìn thấy được gương mặt của mình, khi mình soi [trong] nước.

Còn người có tâm Tham, thì đức Phật đưa ra ví dụ là giống như nước bị pha màu. Nước pha màu vô, cho nên thấy cũng không có chính xác. Đây là một trong những ví dụ mà quý vị có thể nhớ. Một bên này [ẩn dụ người] là ví dụ từ Đại Kinh Xóm Ngựa, còn bên này [ẩn dụ nước] thì thuộc một bộ kinh khác. Quý vị nhớ đây là tâm Sắc giới. Nếu như quý vị muốn có chi thiền đầu tiên, thì [xem] tâm Sắc giới ở đây. Thiện Trang xin giới thiệu các bảng tâm như sau:

4 loại tâm
1.Tâm Dục giới2.Tâm Sắc giới
3.Tâm Vô sắc giới4. Tâm Thánh nhân
Có tất cả 54 tâm Dục giới: * 12 tâm bất thiện ( 8 tham + 2 sân + 2 si) * 18 tâm Vô Nhân (7 tâm quả bất thiện + 8 tâm quả thiện + 3 tâm tố vô nhân) * 24 tâm Dục giới tịnh hảo (kāmasobhaṇacitta)
Tâm Sắc giới: (5 tâm thiện Sắc giới + 5 tâm quả Sắc giới + 5 tâm tố Sắc giới).
Tâm thiện Sắc giớiChi thiền
Sơ thiền5: Tầm, tứ, hỉ, lạc, định
Nhị thiền4: tứ, hỉ, lạc, định*
Tam thiền3: hỉ, lạc, định
Tứ thiền Sắc giới2: lạc, định
Ngũ thiền Sắc giới2: định, xả
Tâm quả Sắc giới và Tâm tố Sắc giới: tương tự

Bốn loại tâm: Tâm Dục giới có tất cả 54 tâm Dục giới, trong đó có 12 tâm bất thiện gồm: 8 tâm tham, 2 tâm sân và 2 tâm si. Còn 18 tâm Vô nhân, mà hôm bữa Thiện Trang nói là đầu thai bằng tâm Vô nhân, thì trong đời này không có hy vọng đắc quả, đắc Thiền. Tức là chứng Sơ thiền trở lên thì không có, mà đắc quả cũng không có luôn. Tâm này gồm có: 7 tâm quả bất thiện, 8 tâm quả thiện, và 3 tâm tố vô nhân. Điều này chúng ta sẽ học sau, ở đây chỉ giới thiệu thôi. Và 24 tâm Dục giới tịnh hảo, tức là tâm Dục giới tịnh và tốt. Điều này theo A Tỳ Đàm, thì chúng ta sẽ học sau. Bây giờ quan trọng [là] chúng ta học Sắc giới trở lên, học làm Thánh nhân. Học tâm Sắc giới, học tâm Vô sắc giới, và học tâm Thánh nhân trước.

Tâm Sắc giới gồm có: 5 tâm thiện Sắc giới, 5 tâm quả Sắc giới, và 5 tâm tố Sắc giới. Quý vị nhớ nha! 5×3 là 15 tâm Sắc giới. Cũng không sao hết! Nói vậy thôi, chứ mình chỉ cần nắm điều cốt [lõi] thôi, [vì] nó giống nhau hết.

Thứ nhất, tâm thiện Sắc giới gồm: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, Ngũ thiền Sắc giới. Ở đây chúng ta chỉ cần nắm được điều này. Tâm quả Sắc giới và tâm tố Sắc giới thì tương tự, cũng chỉ có mấy chi thiền này thôi. Và ở đây quý vị phát hiện ra có một điều bất ngờ, là Ngũ thiền Sắc giới. Từ xưa giờ mình chỉ nghe đến Tứ thiền Sắc giới, bây giờ [nghe] có Ngũ thiền Sắc giới nữa.

Có người nói thầy giảng sai, thầy giảng bậy rồi! Không phải vậy đâu! Ở trong đây là cách chia theo A Tỳ Đàm, thì chia thành năm tầng Thiền. Còn ở trong kinh tạng, Kinh A Hàm, Kinh Nikaya thì quý vị coi chỉ có bốn tầng Thiền thôi. Thật ra là đem Sơ thiền trong kinh tạng chia đôi ra, cho nên Sơ thiền và Nhị thiền này [trong A Tỳ Đàm] chính là Sơ thiền ở trong kinh tạng. Còn Tam thiền này chính là Nhị thiền trong kinh tạng. Tứ thiền chính là Tam thiền trong kinh tạng. Ngũ thiền chính là Tứ thiền Sắc giới trong kinh tạng.

Quý vị nhớ giùm Thiện Trang, thực ra là chia đôi [Sơ thiền] ra, điển hình chúng ta nhìn chi thiền thì biết. Ở chi thiền [của] Sơ thiền, gồm có năm Tâm sở: Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc, Định. Chúng ta đã học hết năm Tâm sở này rồi. (1) Tầm là hướng về. (2) Tứ là quan sát cho kỹ. (3) Hỷ là vui, mà vui bên ngoài thôi. Người ta nói là sung sướng. (4) Lạc là vui trong tâm, niềm vui sâu hơn. (5) Định là mình tập trung vào một đối tượng nào đó.

Ở đây Thiện Trang giảng luôn Định là gì. Định còn gọi là nhất tâm, là quý vị chuyên chú vào một đối tượng nào đó. Ví dụ ở bên A Tỳ Đàm hay trong Phật giáo Nam truyền, đưa ra 40 đề mục để có thể chuyên chú. Ví dụ như chúng ta có một đề mục là niệm Phật, [thì] chúng ta chuyên chú vào danh hiệu Phật. Đó cũng là một đề mục. Người tu Thiền chỉ [thì] thường có 10 đề mục là: đất, nước, gió, lửa, hư không, ánh sáng, xanh, vàng, đỏ, trắng. 10 đề mục đó, thì mình tập trung [vào] một đề mục thôi. Ví dụ như chuyên chú vào đề mục đất, để tâm mình chỉ nghĩ đất thôi, không có nghĩ gì khác hết, thì một hồi sẽ nhất tâm được (chú tâm được), nên quên hết mọi thứ đi. Như vậy thì không bị các tâm khác chạy lên, [tâm] tham hay [tâm] gì đó [sẽ] hết.

Ví dụ như quý vị niệm Phật, cũng là một cách trong 40 đề mục để tu Thiền chỉ. Quý vị niệm Phật, quý vị chỉ lo niệm danh hiệu Phật [thôi]. Bên Nam truyền, thì họ niệm Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Còn bên Đại thừa thì người ta niệm A Di Đà Phật; A Mi Đà Phật. Do chuyên chú như vậy, [nên] không còn hiện những điều khác.Đó cũng là một cách để tu Thiền, và đó là Định. Lâu ngày thì thành Định. Thiện Trang [chỉ] nói sơ qua thôi, mỗi lần nói một chút để quý vị hiểu, chứ bây giờ nói sâu quá thì quý vị không hiểu được.

          Ở đây là Sơ thiền của A Tỳ Đàm, thì có Năm chi thiền: Tầm, Tứ, Hỉ, Lạc, Định.Như vậy quý vị phải có Tầm; Tầmcó nghĩa là đừng có hôn trầm; Tứ là đừng hoài nghi; Hỉ là đừng có sân; Lạc đừng có Trạo hối; và Định là đừng có tham.

 Quý vị cứ đối trị lại, cách đơn giản Thiện Trang nói với quý vị, là bỏ là giùm năm loại: Hôn thụy, Hoài nghi, Sân, Trạo hối, và Tham. Và nguyên nhân thì có hết trên bảng rồi. Mình bỏ được năm loại [Triền cái] này, thì tự nhiên sẽ đắc được năm [Tâm sở]. Quý vị làm được như vậy, thì mình mới vào được chi thiền đầu tiên, [là] mình vào được Sơ thiền. Sơ thiền này là Sơ thiền của A Tỳ Đàm. Và từ Sơ thiền này, bắt đầu bỏ Tâm sở Tầm, thì còn Tứ, Hỉ, Lạc, Định thôi, thì gọi là Nhị thiền. Nhị thiền này vẫn là Nhị thiền của A Tỳ Đàm. Thật ra là Sơ thiền trong kinh tạng.

Trong kinh tạng, thì Nhị thiền chỉ còn Ba chi thiền: Hỉ, Lạc, Định thôi, đó là Nhị thiền. Nhị thiền này chính là Tam thiền trong A Tỳ Đàm: Hỉ, Lạc, Định. Cho nên còn ít Tâm sở hơn nữa. Quý vị còn quan sát đối tượng, còn tìm kiếm, còn hướng đến đối tượng, thì quý vị chỉ ở Sơ thiền này thôi.

Còn quý vị bỏ được Tầm (là hướng đến đối tượng), bỏ đi [những đối tượng] lung tung rồi, quý vị chỉ tập trung vào một đối tượng, [thì] quý vị có niềm vui trong tâm mình, và niềm vui bên ngoài cơ thể. Và tâm quý vị nhất tâm, định vào cảnh, định vào đề mục mà mình đang tu, người [nào] muốn tu [đề mục] gì đó thì tu. Giống như hồi nãy Thiện Trang nói có [10 đề mục] là: đất, nước, gió, lửa, hư không, ánh sáng, rồi bốn màu sắc: xanh, vàng, đỏ, trắng. Hoặc là chúng ta tu đề mục về niệm Phật, thì cũng là một đề mục. Niệm Phật thì niệm có nhiều cách niệm, hoặc là niệm Pháp v.v… Thì ở đây mình niệm vào đó, mình tập trung được, nhất tâm được (gọi là tâm chuyên chú, tập trung vào đó được), thì quý vị không còn cảnh gì hiện ra nữa. Mình có được bốn loại này [Tứ, Hỉ, Lạc, Định], thì mình ở Nhị thiền của A Tỳ Đàm, [hay] là Sơ thiền của kinh tạng.

[Nếu] mình bỏ luôn Tâm sở Tứ này, thì quý vị sẽ lên Nhị thiền của kinh tạng, tức là Tam thiền của A Tỳ Đàm, [thì còn]: Hỉ, Lạc, Định thôi.

Tứ thiền Sắc giới của A Tỳ Đàm, sẽ còn hai Tâm sở là Lạc, Định. Ngũ thiền Sắc giới, thì loại này chia làm đôi, nên là Định, Xả, có khác một chút! [Về] tâm Xả, bữa trước chúng ta có nói là Ưu, Xả. Tâm Xả này là chi thiền ở đây [Ngũ thiền Sắc giới]. Nhưng thật ra [tâm] Xả này không quan trọng lắm đối với mình, [vì] mình tu không tới. Mình cứ tạm thời lo tu trước mấy chi thiền này đi.

Năm tâm thiện Sắc giới [thì] như vậy, [còn] năm tâm quả Sắc giới thì cũng tương tự như vậy, năm tâm tố Sắc giới cũng như vậy, cũng là mấy chi thiền này.

Nói chung quý vị cứ để ý, càng lên cao thì tâm mình càng đơn giản. Càng ít Tâm sở, thì càng đơn giản, ít Tâm sở thì mới lên cao. Còn người tu mà phức tạp quá, tâm suốt ngày buồn, thương, giận ghét, rồi thế này thế kia, đủ thứ tính toán trong tâm. Thì xin lỗi quý vị, quý vị không đắc Thiền nào hết, thì quý vị ở dưới Dục giới. Dục giới thì quý vị tu giỏi lắm là lên làm Ma vương, [ở tầng trời] Tha Hoá Tự Tại Thiên. Thật ra càng lên trên, vì là cận định (tức là gần với định rồi), thì mấy chi thiền này phải mạnh lên một chút rồi, là mình cũng phải bớt bớt rồi. Cho nên mình mà [có] nhiều tâm nhỏ mọn, nhiều tâm phức tạp quá, [như] dễ buồn, dễ thương, dễ giận, dễ ghét, dễ yêu gì đó … quá nhiều tâm đó, thì xin lỗi quý vị, quý vị [chỉ] ở Dục giới. Chỉ có ở [trời] Tứ Thiên Vương, Đao Lợi Thiên, hoặc là trở xuống cõi Người, cõi Súc sanh, cõi Địa ngục, cõi Ngạ quỷ thôi, chứ không thể nào mà ở trên được. Còn Sắc giới là không có phần.                     

Cho nên đó là cách tu, làm sao tu để tâm mình càng đơn giản. Người tu hành đừng phức tạp quá, người mà hay giận, hay ghét, hay buồn, hay thương v.v…. thì [không tốt]. Nên phải là bình thường tâm, tâm bình thường là đạo. Trong Kinh Vô Lượng Thọ gọi là “tâm thường đế trụ, độ thế chi đạo”, đó là tâm của mình thường thật sự trụ ở trong đạo xuất thế Vô vi. Phải như thế mới có hy vọng, còn không thì mình tu một hồi không biết tới đâu luôn.

Thiện Trang giới thiệu như vậy là hết phần này, mỗi bữa giới thiệu chút thôi, chứ giới thiệu nhiều quá thì quý vị rối. Hôm sau Thiện Trang sẽ nói tiếp. Hôm nay giới thiệu sơ sơ như vậy, là quý vị biết đó là Tâm sắc giới. Nhưng như vậy là đủ rồi, quý vị muốn lên Sắc giới phải dùng những điều này thôi, còn những tâm khác thì bỏ đi, [như] tham, sân, si v.v… bỏ hết đi. Còn bao nhiêu đó thôi, làm được không? Chắc khó! Có bao nhiêu Tâm sở, 51 món Tâm sở hoặc 52 món Tâm sở. Trong bộ Luận này là 46 món Tâm sở, mà mình dùng có năm loại, thì mới được lên Sơ thiền, mình dùng bốn loại thì lên Nhị thiền. Nhị thiền này là Nhị thiền của A Tỳ Đàm thôi, vẫn là Sơ thiền [của kinh tạng]. Mình dùng ba loại thì mới lên Tam thiền, rồi còn hai loại thôi thì lên [Tứ thiền].

Cho nên khó! Đâu có dễ đâu quý vị. Mình tu một hồi rồi nói mình tu đắc, đắc nỗi gì, khó quá! Mình còn bao nhiêu tâm tham, sân, si đầy rẫy. Cho nên mới có Thiền chỉ thôi, là rớt hết rồi. [Còn] Thiền Quán, thì tất nhiên là mình ở trong cảnh mà quán, mình giác được dần dần, thì tự nhiên cũng đắc Thiền chỉ thôi. Trong kinh nói tu Thiền chỉ một hồi, rồi cũng được Thiền quán. Tu Thiền quán [mà] đúng, thì một hồi cũng sẽ thành Thiền chỉ. Hai bên bổ trợ lẫn nhau. Nhưng tốt nhất là mình tu cả hai. Chúng ta nắm được cốt lõi đã, rồi mới nói tới vấn đề khác.

Thiện Trang đã giới thiệu xong về A Tỳ Đàm, tạm giới thiệu vậy thôi, bây giờ Thiện Trang xin giới thiệu vào phần Luận Câu Xá. Luận Câu Xá, quý vị nhớ hôm bữa mình đang học về Hữu vi pháp và đang học Sắc pháp, bây giờ sẽ tiếp tục.

Thiện Trang xin đọc lại bài kệ số 10 để quý vị nhớ:

Bài Kệ 10

Sắc nhị hoặc nhị thập色二或二十,Sắc thì gồm hai loại, Hoặc gồm có hai mươi.
Thanh duy hữu bát chủng聲唯有八種,Thanh chỉ có tám loại
Vị lục hương tứ chủng味六香四種,Vị thì gồm có sáu, Hương thì gồm có bốn
Xúc thập nhất vi tánh觸十一為性。Xúc gồm mười một loại Đó mà làm thành tánh.

          Sắc chia ra [làm] hai, gồm 2 loại hoặc 20 loại. Còn Thanh thì chỉ có tám loại, Vị thì gồm có sáu, Hương thì có bốn, Xúc thì gồm 11 loại. Đó mà làm thành tánh. Mình chỉ cần hiểu bài đó thôi.

          Nói về Sắc thì có hai loại: một là Hiển sắc, hai là Hình sắc. Hiển sắc có bốn loại: xanh, vàng, đỏ, trắng. Còn Hình sắc có tám loại gồm: dài, ngắn, vuông, tròn, cao, thấp, bình đẳng, không bình đẳng (bằng phẳng hay không bằng phẳng), rồi mây, khói, bụi, sương, bóng, ánh sáng, sáng, tối. Nói vậy là quý vị sẽ nhớ thôi.

          Tiếp theo, Sắc thì có Hiển sắc và Hình sắc. Ở trên thì nói có Hiển sắc và Hình sắc, ở đây thì lại nói có Hiển sắc mà không có Hình sắc (là vô Hình). Có nghĩa là xanh, vàng, đỏ, trắng, là Hình sắc hay Hiển sắc quý vị? #Ảnh là bóng; #quang là ánh sáng; #minh là sáng; #ám là tối, những thứ này thuộc về Hiển sắc, chứ không [phải] là Hình sắc. Hoặc có bộ phận sắc xứ có Hình sắc mà [không có] Hiển sắc. Bây giờ mình nhớ lại ở trên, Hình sắc với Hiển sắc mình chia đôi ra, nói luôn một lần là giải thích được ở dưới, khỏi mất thời gian.

Hiển sắc là xanh, vàng, đỏ, trắng. Hình sắc là dài, ngắn v.v…. Nhưng quý vị thấy, có [những] cái chỉ [có] xanh, vàng, đỏ, trắng thôi, đâu có dài đâu. Không có dài, [tức là] chỉ có Hiển sắc, chứ không có Hình sắc. Có cái gì mà chỉ có [màu] xanh không thôi, hay có màu vàng, đỏ, trắng thôi, mà không có dài ngắn không? Có! Có rất nhiều vật trong thế gian, giống như quý vị thấy ánh sáng màu vàng không, ánh sáng màu đỏ không, ánh sáng màu trắng không. Giống như ánh sáng mặt trời [thì] có [màu] vàng hết. Thì mình chỉ thấy vàng thôi, chứ mình đâu thấy nó dài hay ngắn, vuông hay tròn đâu. Mình đâu có phân biệt, đâu có cao thấp hay là bình đẳng, hay mây khói, sương, bụi. Không có! Cho nên nó chỉ có Hiển sắc, chứ không có Hình sắc. Ngược lại một số thứ chỉ có Hình sắc, chứ không có Hiển sắc. Ví dụ như quý vị thấy có một số thứ đâu có xanh, vàng, đỏ, trắng, không có màu, nhưng nó có dài, ngắn, v.v….

Đó là giải thích kỹ hơn cho chúng ta thôi, chứ có những vật có cả hai yếu tố đó, cũng có những vật chỉ có một yếu tố thôi. Thì mình hiểu như vậy là được.

或 有 色 處 有 顯 無 形,謂 青 、黃、赤、白、影、光、明、闇。或 有 色 處 有 形 無 顯。謂 長 等 一 分 身 表 業 性。或有 色 處 有 顯 有 形,謂 所 餘 色。

Hoặc hữu sắc xứ hữu Hiển vô Hình, vị thanh, huỳnh, xích, bạch, ảnh, quang, minh, ám. Hoặc hữu sắc xứ hữu Hình vô Hiển. Vị trường đẳng nhất phần thân biểu nghiệp tánh. Hoặc hữu sắc xứ hữu Hiển hữu hình, vị sở dư sắc.

Giải:

#Hoặc hữu sắc xứ hữu Hiển vô Hình, vị thanh, huỳnh, xích, bạch, ảnh, quang, minh, ám: tức là hoặc có bộ phận của sắc có Hiển sắc mà không có Hình sắc, là gồm: xanh, vàng, đỏ, trắng, bóng, ánh sáng, sáng, tối.

#Hoặc hữu sắc xứ hữu Hình vô Hiển: hoặc có bộ phận sắc có Hình sắc mà không có Hiển sắc.

#Vị trường đẳng nhất phần thân biểu nghiệp tánh: [đó là dài v.v…] một bộ phận thân thể biểu thị tính chất của nghiệp.

          Tức là ở đây có Hình sắc, là xanh, vàng, đỏ, trắng, mà không có dài, ngắn, cao, thấp. Có một số loại như vậy, điều đó biểu hiện tính chất của nghiệp. Ví dụ chúng ta [đi] ra biển, nước mênh mông như vậy. Mình chìm vô trong đó, [thì mình thấy] toàn là nước không, mênh mông, [có] một màu thôi, đâu có cao, thấp v.v… Đó là biểu thị tính chất nghiệp. [Hoặc là] ở trên thế giới này, mình nhìn lên bầu trời, [thì] có xanh, vàng, đỏ, trắng, nhưng nó có hình dài, ngắn, to, nhỏ không? Trời xanh rộng mênh mông, hư không như vậy, [mình] đâu có thấy tròn hay vuông gì đâu. Đó là chỉ có Hiển sắc, không có Hình sắc.

          Còn có một số thứ có Hình sắc, mà không có Hiển sắc. Ở đây người ta đảo lại, có Hình sắc mà không có Hiển sắc. Tức là có to, dài v.v… có những thứ to lớn, nhưng mình không thấy màu sắc, không có xanh, vàng, đỏ, trắng. Có những vật gì đó không màu, đâu có xanh, vàng, đỏ, trắng đâu.

Bây giờ có nhiều chất không màu lắm, mình đổ ra thành khối, khối đó tròn hay vuông gì đó. Bây giờ hình như có những con sứa ở đại dương, không màu, thì đó là không có Hiển sắc, [vì] đâu có màu. Quý vị nhìn kĩ, may ra mới nhìn thấy con mắt của nó, thì mới thấy mới biết đó là con sứa. Như vậy nó không có màu, không màu là không có Hiển sắc, mà chỉ có Hình sắc thôi, thật sự là nó có hình. Có những loại như vậy. Bộ A Tỳ Đàm này hay lắm, giải thích được tất cả mọi hiện tượng trong thế giới này, giải thích được hết.

#Hoặc hữu sắc xứ hữu Hiển hữu hình, vị sở dư sắc: hoặc là có những sắc xứ; #sắc xứ là bộ phận của sắc. Tức là những vật chất nào đó, mà có cả Hiển sắc và Hình sắc, là những sắc còn lại, những sắc khác. Trên thế gian thì những thứ này nhiều nhất. Quý vị cầm lên bất cứ vật gì, thì nó đều vừa có Hình sắc, vừa có Hiển sắc.

Ví dụ Thiện Trang cầm lên một con chuột [máy tính], thì đầu tiên là quý vị thấy Hiển sắc, màu đen đen, đó là Hiển sắc. Và quý vị thấy Hình sắc, là nó tròn tròn, bầu bầu giống như con rùa, đó là Hình sắc. Hiển sắc là màu, còn Hình sắc thì nhiều hơn. Như vậy [con chuột này] có cả hai.

Còn một cái trong hai cái, thì hơi khó tìm, vì đa số mình sống ở trong cảnh giới của mình, là cảnh giới mà giao tiếp thì phải thấy cả hai thứ đó. Còn ở một số cảnh giới khác, vô hình, đâu có [thấy] đâu. Giống như chư thiên hay gì đó, nhiều khi mình đâu có thấy, không thấy Hình sắc gì hết, nhưng họ có đó. Hoặc là ánh sáng mặt trời chiếu, thì mình chỉ thấy được Hiển sắc thôi, nhưng không thấy Hình sắc của ánh sáng mặt trời. Hoặc bây giờ quý vị cứ thử [nhìn] những [đám] khói bay bay, quý vị có thấy [bụi] không? Nhiều khi đám khói bay nhiều, [nhưng] mình không thấy có bụi bay [trong đó]. Nhưng [khi] có ánh sáng chiếu vô hoặc có lửa đốt, thấy nó long lanh, thì mình mới phát hiện ra là nó có Hình sắc, chứ thực tế thì mình đâu có biết, [mình nói] nó không có. Cho nên nhiều khi hạt bụi bay nhỏ quá, [nhưng] mình không thấy, [chứ thực tế] có rất nhiều.

Tạm dịch: Hoặc có bộ phận của sắc có Hiển sắc mà không có Hình sắc, là gồm: xanh, vàng, đỏ, trắng, bóng, ánh sáng, sáng, tối; (những loại này đã đưa ra ví dụ rồi). Hoặc có bộ phận sắc có Hình sắc mà không có Hiển sắc, đó là dài v.v… (mấy loại đó không có Hiển sắc) một bộ phận thân thể biểu thị tính chất của nghiệp; Hoặc có bộ phận của sắc có Hiển sắc vừa có Hình sắc, đó là gồm các sắc còn lại (đây là loại nhiều nhất mà chúng ta hay làm).

有 餘 師 說:唯 光 明 色 有 顯 無 形,現 見 世 間 青 等 色處 有 長 等 故。 如 何 一 事 具 有 顯 形?由 於 此 中 俱 可 知故。此 中 有 者 是 有 智 義,非 有 境 義。若 爾,身 表 中 亦 應 有 顯 智。

Hữu dư sư thuyết: Duy quang minh sắc hữu Hiển vô Hình, hiện kiến Thế gian thanh đẳng sắc xứ trường đẳng cố. Như hà nhất sự cụ hữu Hiển Hình? Do ư thử trung câu khả tri cố. Thử trung hữu giả thị hữu trí nghĩa, phi hữu cảnh nghĩa. Nhược nhĩ, thân biểu trung diệc ưng hữu Hiển trí.

Giải:

#Hữu dư sư thuyết: là có vị Sư khác nói.

#Duy quang minh sắc hữu Hiển vô Hình: vị Sư này nói rõ hơn, chỉ có sắc ánh sáng là có Hiển sắc mà không có Hình sắc.

          Điều này hồi nãy Thiện Trang đã lấy ví dụ [rồi], tức là ánh sáng chỉ có Hiển sắc, có màu thôi, nhưng không có hình. Đố quý vị tìm ra được ví dụ nữa, nên vị Sư này nói chỉ có một ví dụ này thôi. Và Thiện Trang cũng may mắn lấy đúng luôn ví dụ này.

#Hiện kiến Thế gian thanh đẳng sắc xứ hữu trường đẳng cố: bởi vì hiện bày ra các loại sắc như xanh, vàng, đỏ, trắng, của Thế gian thì có dài v.v…. Tức là những cái gì ở Thế gian, nếu có màu sắc như xanh vàng đỏ trắng, thì cũng sẽ có dài, ngắn, to, nhỏ, cao, thấp, tròn, vuông hết. Nói chung ở Thế gian, nhìn thấy cái gì cũng vậy. Cho nên vị Sư này nói chỉ có một cái này thôi [là ánh sáng], bởi vì các pháp khác luôn luôn có Hình sắc đi theo.

#Như hà nhất sự cụ hữu Hiển Hình: thế thì có một việc thế nào vừa có đủ cả Hiển sắc và Hình sắc.

#Do ư thử trung câu khả tri cố: do với trong đây thì đủ có thể biết. Điều này chúng ta thấy nhiều, tất cả Thế gian đều có cả hai: Hiển sắc và Hình sắc.

#Thử trung hữu giả thị hữu trí nghĩa: chữ ‘có’ ở trong đây là ý nghĩa của trí.

#Phi hữu cảnh nghĩa: chứ không phải ý nghĩa của cảnh. Tức là ở đây dùng ý nghĩa sâu hơn, là ý nghĩa của trí.

#Nhược nhĩ: nếu mà như vậy.

#Thân biểu trung diệc ưng hữu Hiển trí: trong sự biểu thị của chính mình cũng cần có trí của Hiển sắc.

          Ở đây ý là nói ý nghĩa của trí thôi, chứ thực tế quý vị tìm ra một cảnh nào để có được như vậy, tức là vô Hiển [sắc] vô Hình [sắc] thì cũng khó lắm! Quý vị tìm không ra đâu. Nên mình nói ý nghĩa thôi, lấy ví dụ này cho đầy đủ, chứ thực ra những cảnh ở Thế gian của mình thì khó. Hồi nãy Thiện trang cũng nghĩ ra được [ví dụ về] con sứa, thì cũng là dạng đấy. Thật ra dưới đại dương, nhiều khi mình thấy có những động vật, mình tưởng là vô hình, nhưng thực tế là nó cũng có hình, chẳng qua là mình không thấy thôi.

          Giống như [ví dụ] về con sứa, nó không có Hiển sắc hay không có Hình sắc. Thật ra đó là mình lấy ví dụ tương đối thôi. Tại vì con sứa thực tế cũng có màu đấy chứ, nó có màu nên mình nhận diện một hồi thì mới thấy, nhưng chẳng qua là mình thấy không rõ thôi. Cho nên nó vẫn có Hiển sắc. Rồi nó có Hình sắc không? Có! Nhưng tại vì nó gần với màu nước, nên mình không thấy. Giả sử con tắc kè đi vào chỗ nào đó, nó biến thành màu y chang như vậy, mình nhìn không thấy nên mình tưởng không có. Cho nên đấy là lấy ví dụ về ý thôi.

          Còn nếu trong cảnh Thế gian thì khó, bao giờ quý vị có Thần thông thì quý vị thấy rõ. Điều này là vì bộ Luận này nói một cách rốt ráo, nói cho rõ ràng. Và quý vị đừng nghĩ những con vật nhỏ nhỏ như vậy là không có, ở Thế gian này có nhiều điều gọi là không tưởng lắm.

Trong Kinh A Hàm, đức Phật đưa ra một ví dụ: Có một ông đó, đang ngồi tư duy về Thế gian. Ông nghĩ liệu Thế gian này có những việc gì có, việc gì không có? Ổng nghĩ nhiều như vậy. Tức là ổng có trí tuệ, ông cố gắng nghĩ. Đức Phật nói ông đó vào thời xa xưa, ổng ngồi bên hồ nước, ông nhìn hoa sen, nhìn nước, ông nghĩ như vậy về Thế gian, có những điều kỳ lạ thế nào đó. Ổng đang nghĩ thì đột nhiên thấy nguyên đoàn quân rất lớn, có bốn đạo binh, là quân ngựa, quân xe, quân gì đó. Họ đi một hồi, rồi chui hết vô một lỗ nhỏ, trên một ngó sen. Tức là hoa sen có hột, có lỗ nhỏ nhỏ, ổng thấy đội binh đông như vậy, mà chui vô hết trong đó. Ông mới dụi dụi mắt, ổng nghĩ ổng bị điên, phát khùng rồi. Tại sao ta thấy cảnh tượng kỳ lạ như vậy, tại sao nguyên đội quân đông lớn như vậy, mà chui vô được cái lỗ [bé] xíu trên ngó sen được, nên ổng nghĩ ổng bị khùng rồi. Ổng kêu chắc do mình tưởng tượng, suy tư về những chuyện Thế gian, [nên] bị khùng rồi.

Ổng muốn kiểm tra xem điều đó có đúng không, ông nhìn ra gần đó thì cũng có mấy người đang ngồi, cho nên mới chạy tới hỏi mấy người đó: “Mấy người có thấy cảnh vừa rồi, nguyên đoàn quân lớn mạnh đông như vậy, mà một hồi họ chui vô hết cái lỗ của ngó sen không?” Mọi người nói: “Ông bị khùng rồi, phát điên rồi, tự nhiên lại thấy được chuyện đó”. Khi người ta nói như vậy, thì ông cũng cho là ông [bị] điên.

Nhưng đức Phật nói: “Này các Tỳ-kheo, đừng cho là ông đó bị phát khùng, bị phát điên. Vì những điều gì mà ông ấy thấy là sự thật. Bởi vì ở gần chỗ của ông đó, đang có chiến tranh, một cuộc chiến giữa A-tu-la và chư thiên. Lúc đó chư thiên thắng lợi, nên A-tu-la kéo quân chạy trốn, và cả một đoàn quân lớn thâu người trốn vào lỗ của một ngó sen”. Tức là cảnh giới đó không phải là cảnh giới tư duy tầm thường [của] thế gian, cho nên ổng nghĩ ổng bị khùng, thực tế là ổng không bị khùng.

Quý vị thấy, đức Phật xác nhận có những điều lạ kỳ như vậy, và đó là cảnh giới mà mình cũng không nghĩ được, làm sao có một cái ngó sen nhỏ xíu, mà nguyên đoàn quân A-tu-la đông như vậy chui qua được. Nhưng trong kinh có những câu chuyện như vậy. Có những chư thiên có tình chấp, nên họ chấp nhận sống ở trong một viên đá nhỏ. Cõi Người mình thấy viên đá, nhưng họ thấy cả không gian rộng lớn, cung vàng điện ngọc của họ ở trong đó.

Cho nên có những điều gọi là tư duy phi thế gian, tức là ở thế gian, với con mắt phàm tục của phàm phu, thì mình thấy không thể có điều đó. Nhưng ở cảnh giới khác họ có điều đó. Cho nên có nhiều điều mình tưởng không là có. Cho nên cảnh giới chư thiên có khi cũng ở đây, nhiều khi hoa nở ra, mình kêu hoa thôi mà, ai biết là trong hoa đó là nguyên cung điện vàng ngọc của người ta. Và nhiều khi mình đụng tới, mình bưng đi nơi khác, thì [khiến] họ sợ.

Giống như cuốn sách nào đó, hồi xưa Thiện Trang đọc lâu rồi: Có một ngày nọ, ông đó ra kiếm hòn đá, ổng kêu lấy hòn đá này đẹp đem về để làm nhà. [Khi] ông đang lay lay hòn đá, thì có một ông già tóc bạc phơ hiện ra nói với ông:Ông có thể không dời hòn đá này đi nơi khác được không?” [Ông đó hỏi]: “Tại sao vậy?” Ông già nói: “Nếu ông không dời, thì tôi sẽ cho ông một số tiền. Ông cần làm nhà, thì tôi cho ông tiền làm nhà. Miễn là ông đừng dời hòn đá này. Lý do là cách đây mấy trăm năm trước (hình như 300 năm trước), tôi cúng hòn đá này cho một ngôi chùa, để họ cất ngôi chùa ở đây. Bây giờ ngôi chùa đó không còn nữa, nhưng nhờ phước tôi cúng hòn đá này, để xây dựng ngôi chùa, mà tôi được sanh lên cõi Trời. Bây giờ [nếu] ông lấy hòn đá này đi chỗ khác, là phước trời của tôi hết. Cho nên ông mới lay lay [hòn đá], mà cung điện của tôi ở trên đó rung chuyển, sắp sập rồi. Nếu ông lấy đi, thì [cung điện của tôi] bị sập luôn. Vì vậy xin ông đừng lấy đi, để đó thì phước của tôi còn, thì tôi còn ở cõi Trời”.

Quý vị biết chư thiên ở trên trời, trong Kinh A Hàm đức Phật nói rõ ràng: Thọ mạng của cõi trời Tứ Thiên Vương, trời Đao Lợi, v.v… những tầng trời đó có giới hạn. Có nghĩa là không cố định là 1000 tuổi ở trời Đao Lợi đâu, có thể kết thúc sớm, nên trong đó có nguyên nhân là hết phước sớm.

Quý vị thấy bao giờ mình tu hành, mình tin được những chuyện thần kỳ như vậy, đó là một điều khó. Chúng ta nghe vậy, chúng ta toàn kêu không biết có hay không? Cho nên bao giờ quý vị tu phải đắc Thiền, có Thần thông, thì mới tin được. Mà đắc Thiền, có Thần thông rồi vẫn chưa đủ, phải chứng quả mới chắc ăn.

Như câu chuyện ở đầu bài, Tượng Xá Lợi Phất là vị Tôn giả có Thần thông, giỏi ghê gớm như vậy, mà cuối cùng cho dù đắc Ngũ thông vẫn thoái chuyển. Nên học giáo pháp Như Lai quan trọng lắm! Mình phải học giáo pháp Như Lai, học Phật pháp để hiểu, hiểu rồi hành, chứ mình học không hiểu rồi mơ mơ màng màng, thì nghi nhiều lắm. Còn tu nữa quý vị! [Nên] quý vị ráng tu đi, theo năm tháng dần dần, việc học sẽ giúp cho mình giải được những nghi ngờ, rồi việc tu của mình sẽ tăng lên. Mỗi năm, [mỗi] tháng, dần dần những điều mà mình chứng nghiệm qua việc tu hành của mình, từ từ đến lúc nào đó, thì mình sẽ tin như những gì mình tin.

Giống như hôm bữa Thiện Trang coi trên mạng, có một đoạn người ta cắt pháp của Sư Giác Khang. Sư Giác Khang nói: “Có người hỏi tôi, là hồi xưa tôi có tin có Tây Phương Cực Lạc không?” Ngài nói ngài tu Thiền, nên ngài không tin. Nhưng sau này ngài nói ngài tin, bởi vì ngài thấy rõ như vậy, chứ không cần phải nói tin hay không tin nữa. Có nghĩa là mình xác nhận đó là sự thật.

Thiện Trang nói với quý vị, với những gì Thiện Trang trải nghiệm trong cuộc đời này về Phật pháp, Thiện Trang cũng không còn nghi ngờ gì đối với Phật pháp [nữa], hết nghi. Chỉ còn nghi về kiến thức thôi, tức là có những kiến thức, mình không biết đúng hay sai, so với kinh điển của Phật thôi. Chứ không nghi ngờ gì về giáo pháp của Phật, không còn nghi ngờ về những cảnh giới như vừa rồi nói. Thiện Trang nghe là sẽ tin, còn quý vị chưa tin đó là chuyện bình thường. Và Phật pháp phải cố gắng tự mình tu, gọi là tự tác, tự tri, tự chứng, thì mình có thể tin được. Còn không, thì nghe người khác nói một hồi cũng vậy thôi. Không được!

Do hôm nay thời gian cũng đã hết rồi, nếu Thiện Trang nói nữa thì cũng không có thời gian. Hôm nay chia sẻ cho quý vị chủ yếu về phần A Tỳ Đàm. Còn phần Luận Câu Xá thì trình bày được có một chút. Nhưng không sao! Hẹn quý vị bữa khác chúng ta sẽ học từ từ. Thiện Trang mong mỗi bữa, sẽ cung cấp cho quý vị một chút nền tảng. Vì ở đây Thiện Trang nghĩ rằng: đa số đồng tu đều học bộ này để tu, chứ không phải học để lấy lý thuyết. Cho nên Thiện Trang cũng cung cấp nhiều kiến thức hơn so với trong bộ này. Nếu chỉ kể trong bộ này, thì mình học rất nhanh. Nhưng Thiện Trang muốn cung cấp một số điều như: Những việc không làm của A-la-hán, những dấu hiệu đó v.v… những điều đó bình thường học đâu có, mình phải cung cấp vào. Những Tâm sở và cách đối trị với những Tâm sở, năm Triền cái, v.v… những [kiến thức cơ] bản đó rất quan trọng, quý vị coi đó để mình hành trì.

Hẹn quý vị vào buổi khác. Bây giờ chúng ta hồi hướng:

“Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”.

“Nguyện đem công đức này

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử cùng chúng sanh

Đều trọn thành Phật đạo”.