Giảng Ký A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận (A Tỳ Đàm – Vi Diệu Pháp – Duy Thức Pháp Tướng) – Tạo Luận: Tôn giả Thế Thân – Dịch và Chú Thích: Tam tạng Pháp sư Huyền Trang – Bài 25: Phẩm 1 – Phân Biệt Giới – Buổi 25.
Giảng giải: Thầy Thích Thiện Trang
Giảng ngày: 08.01.2025
Phát trực tiếp trên Kênh YouTube Thích Thiện Trang
https://www.youtube.com/watch?v=VaUdRSie1X0
mạng xã hội Facebook, Fanpage Thích Thiện Trang:
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Nam Mô A Mi Đà Phật!
Kính chào toàn thể quý vị đồng tu! Hôm nay là thứ Tư, chúng ta gặp nhau trong loạt bài chia sẻ về A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận (Luận Câu Xá). Hôm nay là bài thứ 25. Nội dung ở đây chúng ta học ba phần, một là phần từ trong Đại tạng kinh của Nam truyền và của Bắc truyền, chủ yếu là Kinh A Hàm và Kinh Nikaya. Đó là nội dung thứ nhất. Nội dung thứ hai là chúng ta học phần A Tỳ Đàm (Vi Diệu Pháp) hay còn gọi là Thắng pháp của Phật giáo Nam truyền. Phần thứ ba là chúng ta học Luận Câu Xá của Bắc truyền. Hai nội dung này tương tự nhau. Chúng ta đem ba nội dung này gộp làm một để chúng ta học, để có nền tảng. Học một bộ thôi là đủ để tu tập luôn cho những người muốn tu tất cả các Pháp môn. Vì đây là nền tảng căn bản về Duy Thức Học, về các pháp chi tiết nhất mà chúng ta có thể học được. Cho nên Thiện Trang cố gắng chia sẻ như vậy, quý vị nghe qua 24 bài rồi thì chắc quý vị cũng sẽ thấy có nhiều sự lợi ích.
Có một số đồng tu nói: từ khi nghe được bộ này thì bây giờ cảm thấy tu rất nhẹ nhàng, khỏe, không có gì khó khăn, thấy sự an lạc. Còn hồi xưa tu cảm thấy có rất nhiều áp lực, mệt mỏi, rất căng thẳng, bởi vì thấy điều gì cũng không làm được. Bây giờ học bộ này, thứ nhất là thấy tiêu chuẩn để vào Thánh nhân dễ hơn. Ví dụ như chúng ta thấy tiêu chuẩn để vào Sơ quả dễ hơn, hoặc cho dù chưa vào Sơ quả thì mình cũng có những địa vị đằng trước đó dễ hơn. Rồi những Tâm sở, học kỹ thì chúng ta thấy chúng sanh tất nhiên là có Phiền não thôi, chứ mình là phàm phu [làm sao] mình không có Phiền não. Cho nên nói mình không có Phiền não [thì] mình làm không được, nhưng mình ít Phiền não là được rồi. Tại vì A-la-hán hoặc Tam quả A-na-hàm thì mới hết được rất nhiều Phiền não. Còn chúng ta phàm phu, tất nhiên phiền não là bình thường, quan trọng là nhận diện Phiền não để làm giảm bớt mỗi ngày. Và Chánh niệm tức là mình phải quán được Tứ niệm xứ để chúng ta tu tập. Như vậy theo thời gian thì Phiền não [của] mình bớt, tự nhiên bất chợt ngày nào đó chúng ta sẽ vào được dòng Thánh.
Hôm nay đầu tiên, [để] an ủi quý vị cũng như Thiện Trang, chúng ta giới thiệu một đoạn kinh văn như sau:
Hai Hạng Người Khó Được
Tôi nghe như vầy: Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có hai hạng người xuất hiện [ở] thế gian, rất khó gặp được. Hai hạng người ấy là ai? Người hay thuyết pháp xuất hiện ở thế gian, thật là khó gặp được (điều này là Thiện Trang an ủi Thiện Trang. Thứ nhất là người hay thuyết pháp xuất hiện ở thế gian, thật là khó gặp được); người hay nghe pháp, thọ trì phụng hành, thật là khó gặp được. Tỳ-kheo, đó là hai hạng người xuất hiện thế gian, thật khó gặp được.
Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy học thuyết pháp. Hãy học nghe pháp. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này”.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
(Kinh Số 10 – Phẩm Khuyến Thỉnh – Kinh Tăng Nhất A Hàm).
Quý vị thấy [hai hạng người] ở đây: Một là những người hay thuyết pháp, hai là người hay nghe pháp, thọ trì phụng hành, thật là khó gặp được. Điều này tuyệt vời đúng không? [Đây là] hai [hạng] người khó được. Chúng ta rất may mắn, chúng ta là những người thích nghe pháp, chúng ta là những người cũng thích giảng pháp, chia sẻ pháp. Đó là những hạng người khó gặp được.
Ở đây không có nói, nhưng trong kinh cũng có chỗ nói (Thiện Trang không nhớ là ở đâu), đức Phật nói những người thường thâm nhập trong kinh, coi kinh, nghe kinh, giảng kinh, thì con đường vào được dòng Thánh của họ gần [rồi]. Nói cách khác, cơ hội để mình ra khỏi sanh tử rất gần. Quý vị thấy rất may mắn cho chúng ta, chúng ta vào được, hạng người này thì khó được. [Quý vị hãy] cố gắng! Chúc mừng quý vị!
Thứ hai là một đoạn khai thị về Vô thường. Thiện Trang thôi không khai thị, để đức Phật khai thị hay hơn. Mời quý vị xem.
Khai Thị Về Vô Thường
Tôi nghe như vầy: Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà (vườn của Trưởng giả Cấp Cô Độc và rừng cây của Thái tử Kỳ Đà), nước Xá Vệ. Bấy giờ, Tôn giả A Nan đi đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi đứng qua một bên. Sau đó không lâu, lại lấy hai tay sờ chân Như Lai, rồi dùng miệng hôn lên chân Như Lai, mà nói như vầy: “Thân thể của đấng Thiên Tôn vì sao thế này? Thân nhăn quá vậy! Thân Như Lai không như xưa”. Đoạn này nói về ngàiTôn giả A Nan là thị giả đến đảnh lễ [đức Phật]. Theo nghi thức từ thời Ấn Độ, đảnh lễ là chúng ta dùng hai tay úp xuống, sờ lên chân của Như Lai (đức Phật Thích Ca Mâu Ni). Ngài cũng rất cung kính, dùng miệng hôn lên chân của Như Lai. Nhưng ngài phát hiện ra rằng: thân thể của đức Phật vì sao thế này? Thân nhăn quá vậy, thân Như Lai không như xưa.
Đức Thế Tôn bảo: “Thật vậy, A Nan! Như những gì ông nói. Nay thân Như Lai, da thịt đã nhăn, thân thể hiện tại không như xưa. Sở dĩ như vậy là vì: phàm có thân thể là bị bệnh thúc ép. Đáng bệnh, chúng sanh bị bệnh vây khốn; đáng chết, chúng sanh bị chết bức bách. Nay Như Lai tuổi đã suy vi, đã hơn 80”.
Đoạn này nói một điều là ngay cả đức Phật [cũng không tránh được]. Chúng ta học Đại thừa, ăn rồi mình cứ tưởng thân [Như Lai] là kim cang bất hoại v.v… nhưng thực tế không phải. Thiện Trang muốn dẫn cho quý vị thấy rằng, ngay cả đức Phật vào thời hiện tại (thời chúng ta) hoặc 3.000 năm trước, thì Ngài cũng có nỗi [khổ] thân thể già và bệnh. Đây muốn nói về già, bữa nào Thiện Trang sẽ dẫn cho quý vị [về] bệnh.
Điều này có nhiều người sẽ thắc mắc rằng: trong kinh nói thân Như Lai [là] kim cang bất hoại thân là sao? Có điều đó! Thực ra điều này cũng có lý, trong kinh nói là tùy thời. Ví dụ thời của đức Phật sau này (đức Phật Di Lặc), lúc đó tuổi thọ loài người ở trên nhân gian chúng ta là 80.000 tuổi. Với tuổi thọ thời đó, người dân thời đó cũng không có các bệnh, thì thân Như Lai quả thật là không bệnh. Do thân Như Lai (đức Phật Thích Ca) ra đời vào lúc tuổi thọ loài người có 100 tuổi thôi. Cho nên với thân thể vật chất giống như chúng sanh, cũng từ cha mẹ sanh ra, từ vật chất ăn uống, v.v… cho nên không khác, cũng phải chịu những nỗi khổ như chúng ta.
Ở đây để thấy chúng ta học kinh điển Đại thừa là không có trái, kinh điển Đại thừa nói đúng rồi, thân Như Lai là như vậy, nhưng ở Thế giới khác, ở thời kỳ khác. Còn thời kỳ này không được như thế. Quý vị phải hiểu điều này, nhiều khi mình không hiểu, mình học rồi mình cứ chấp trước. Do những người nói thân không bệnh, cả đời không bệnh, v.v… Đó là những người chỉ học kinh điển Đại thừa, không học hết giáo lý A Tỳ Đàm, không học hết Kinh tạng Nikaya và Kinh A Hàm. Cho nên đem tiêu chuẩn ở Thế giới khác, ví dụ như Thế giới Tây Phương Cực Lạc “thanh hư chi thân, vô cực chi thể”, hoặc ở trong thời các đức Phật khác, [áp vào]. Nên nhớ là tùy thời đức Phật, đức Phật ra đời trong thời kỳ nào thì đoạn này cũng có nói sơ sơ.
Ngài A Nan nghe những lời này, buồn khóc nghẹn ngào không tự nén được lời liền nói lời này: “Than ôi! Sự già đã đến đây rồi”! Tức là đức Phật lúc này đã 80 tuổi, Ngài chuẩn bị nhập Niết-Bàn cho nên thân thể thực sự là không tốt.
Bấy giờ, đã đến giờ, đức Thế Tôn khoác y mang bát vào thành Xá Vệ khất thực. Đức Thế Tôn đi khất thực, lần hồi đến cung vua Ba Tư Nặc. Trong lúc đó, trước cửa của vua Ba Tư Nặc có vài mươi chiếc xe hư cũ bị bỏ một bên. Tôn giả A Nan thấy những cỗ xe bị vất ở một bên như vậy, liền bạch đức Thế Tôn: “Đây là những chiếc xe của vua Ba Tư Nặc. Ngày xưa, lúc mới làm thật là tinh xảo, nhưng ngày nay trông chúng cũng như màu gạch đá”.
Đức Thế Tôn bảo: “Thật vậy, A Nan! Như những gì ngươi đã nói. Những chiếc xe như đang được thấy đây, xưa kia thật là tinh xảo, làm bằng vàng bạc. Ngày nay đã hư hỏng, không thể dùng được nữa. Vật bên ngoài còn hư hoại như vậy, huống chi là bên trong”.
Đây là khai thị về Vô thường. Ngay cả những vật như những chiếc xe, xe ngày xưa không phải như xe ô tô bây giờ, chỉ là những cỗ xe ngựa nhưng làm bằng vàng, bằng bạc, v.v… rất là tốt. Vì thời xưa vàng bạc rất nhiều, nhưng rồi cũng vứt bỏ vì cũ kỹ. Những vật ngoài còn như thế, huống chi là bên trong. Tức là bên trong cơ thể chúng ta thì tất nhiên phải có những nỗi khổ của già, bệnh, chết. Điều đó là không thể tránh khỏi.
Trong Kinh A Hàm và Kinh Nikaya, quý vị thấy cuối cuộc đời đức Phật cũng có những bệnh. Cho nên đừng có thần thánh hóa quá, thần thánh hóa không đúng vào thời kỳ này. Thời kỳ này nghiệp chúng ta nặng hơn, tuổi thọ loài người bây giờ giảm hơn nữa, thì chắc chắn chúng ta không thể nào tránh được. Quý vị có tu giỏi cỡ nào, trừ khi phước báu quý vị lớn. Phước báu của quý vị lớn mới không bị bệnh thôi, còn phước báu của quý vị thiếu chút là bị bệnh. Ở trên đời, quý vị nên nhớ Chuyển Vương Thánh Vương mới không bệnh, mà Chuyển Luân Thánh Vương không ra đời vào thời kỳ này. Nên nhớ là vậy! Cho nên là không có đâu.
Chúng ta phải hiểu như vậy, đừng ảo tưởng, học Đại thừa rồi ảo tưởng là tôi tu Bồ-tát, “Bồ-tát niên niên thập bát”. Đó là Bồ-tát thật. Đúng! Bồ-tát thật thì tuổi nào cũng là tuổi 18. Nhưng đó là ở Thế giới khác, hoặc Thế giới này vào thời kỳ khác. Còn ở Thế giới hiện nay chúng ta vào thời này thì không có chuyện đó, để quý vị thấy cho dù vị nào đó tu có tốt cỡ nào, mai mốt mà lỡ đau bệnh thì quý vị cũng không thoái tâm. Chứ không nhiều đồng tu do học không đủ, không hiểu [rồi] bị thoái tâm. Và chính những người giảng cũng vậy, cứ tưởng là mình sẽ làm được nhưng cuối cùng không làm được đâu. Bởi vì thực tế không phải như vậy, đức Phật còn không làm được mà.
Bấy giờ, đức Thế Tôn liền nói kệ này:
Ôi! Già, bệnh, chết này,
Hoại người sắc cực thịnh.
Lúc đầu tâm hoan lạc,
Nay bị chết bức bách.
Dù tuổi thọ trăm năm
Đều qui về cái chết.
Không ai thoát khổ này;
Hết thảy về đường này.
Những gì có trong thân,
Bị chết rượt đuổi đi.
Bốn đại ở bên ngoài
Đều quay về gốc không.
Cho nên cầu không chết,
Chỉ có về Niết-Bàn;
Nơi không chết không sinh
Đều không các hành này.
Nghĩa là gì? Chúng ta chỉ có một con đường thoát khỏi thôi, gọi là con đường bất tử. Đó là con đường đi vào Niết-Bàn, hay chúng ta nói nhập Niết-Bàn, [cũng] chính là nói con đường bất tử, con đường để làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Đó là con đường tu để ra khỏi sanh tử. Con đường để chúng ta thoát sanh tử, không cách gì khác chính là học Phật pháp, tu theo Phật pháp. Chỉ cần vào địa vị A-la-hán là hết, từ A-la-hán trở lên là hết sanh tử.
Tuy nhiên nếu chúng ta không làm được địa vị đó, thì ít nhất quý vị cũng tu để làm sao đến Sơ quả Tu-đà-hoàn. Sơ quả Tu-đà-hoàn còn tối đa bảy đời nữa thôi [là chứng A-la-hán]. Mà Sơ quả Tu-đà-hoàn thật ra còn nhiều bậc lắm, còn bậc dưới nữa, ví dụ như Tùy tín hành v.v… Hoặc là chúng ta thấy còn có bậc thấp hơn nữa, quý vị chỉ cần tới Nhẫn vị trong Tứ gia Hạnh vị, chưa tới Sơ quả Tu-đà-hoàn, thì quý vị không đọa ác đạo nữa rồi, chỉ có lên cõi Trời, cõi Người và đường thiện đường lành trong cõi A-tu-la. Thiện Trang xin nhắc lại, ngoài cõi Trời, cõi Người, còn có đường thiện đường lành trong cõi A-tu-la. Vì trong kinh đức Phật nói trong cõi A-tu-la có đường lành đường thiện, và trong cõi A-tu-la cũng có đường ác.
Cho nên phải nói rõ, chứ không là chúng ta sẽ mâu thuẫn với một bộ kinh nói về cha của vua A Xà Thế. Sau khi bị vua A Xà Thế trói chân, cho người cắt chân v.v… thì sau khi [vua cha] chết, mặc dù đã chứng Sơ quả Tu-đà-hoàn, nhưng vẫn sanh vào làm loài Dạ-xoa của trời Tứ Thiên Vương. Nghe như vậy thì người ta tưởng ông bị đọa ác đạo, nhưng không phải. Dạ-xoa thuộc thống lĩnh của Tứ Thiên Vương vẫn là thiện đạo, vẫn là con đường thiện, cho nên vẫn được tính là sanh vào đường thiện. Nên nhớ như vậy, do sự sân một chút mà sanh vào cõi đó. Cõi đó cũng tính là A-tu-la, nhưng A-tu-la của đường lành. Chứ không thì chúng ta lại nghĩ tại sao kỳ vậy? [Sơ quả] Tu-đà-hoàn không đọa ác đạo mà sao sanh làm Dạ-xoa.
Quý vị coi trong Kinh Nikaya có câu chuyện đó, chúng ta phải hiểu là đức Phật có nói là: Trong các cõi A-tu-la, giống như Dạ-xoa, cũng có đường lành, không phải A-tu-la nào cũng ác đâu, cho nên có lành có thiện và có ác ở trong đó. Nên là mình phải hiểu, học kinh phải học cho rốt ráo. Không học rốt ráo, học giữa chừng [rồi] nghi điều này, nghi điều kia, rồi nói đức Phật nói mâu thuẫn. Không! Đức Phật không bao giờ nói mâu thuẫn. Chỉ có những người học chưa kỹ, những người học không tới mới [thấy] mâu thuẫn thôi.
Chúng ta thấy đoạn này là đức Phật khai thị về Vô thường.
Bấy giờ, đức Thế Tôn liền tới chỗ vua Ba Tư Nặc. Vua Ba Tư Nặc bày biện đồ ăn thức uống cúng dường Thế Tôn. Thấy đức Thế Tôn đã ăn xong, vua liền lấy một ghế nhỏ ngồi trước Như Lai, bạch đức Thế Tôn: “Sao vậy, Thế Tôn, hình thể của chư Phật đều là kim cương, mà cũng phải chịu già, bệnh, chết sao?”
Đây là chúng ta rất thắc mắc đúng không ạ? Chính vua Ba Tư Nặc hỏi cho chúng ta: “Hình thể của chư Phật đều là kim cương, mà cũng phải chịu già, bệnh, chết sao?”
Đức Thế Tôn bảo: “Thật vậy, Đại vương, như lời Đại vương. Như Lai cũng phải có sinh, già, bệnh, chết. Nay Ta cũng là người, cha tên Chân Tịnh, mẹ tên Ma Da, thuộc dòng Chuyển luân Thánh vương”.
Có nghĩa là đức Phật giải thích là tại vì Ngài cũng là sanh ra ở cõi Người. Ở đây giải thích rõ, [có] chỗ khác giải thích rõ hơn. Như lúc nãy Thiện Trang nói, Ngài cũng là con người, có cha [tên] là Chân Tịnh (vua Tịnh Phạn), mẹ [tên] là Ma Da. Cho nên là dù có thuộc dòng Chuyển luân Thánh vương đi chăng nữa (thuộc dòng thôi, chứ Ngài không phải là Chuyển Luân Thánh Vương, vì Ngài đã xuất gia thành Phật), cho nên Ngài cũng chịu nỗi sinh, già, bệnh, chết.
Chúng ta nghe cho kỹ, đây là lời Phật nha: “Như Lai cũng phải có sinh, già, bệnh, chết. Nay Ta cũng là người, cha tên Chân Tịnh, mẹ tên Ma Da, thuộc dòng Chuyển luân Thánh vương”. Cho nên [Ngài cũng] là người như mình thôi, mình phải hiểu. Còn bây giờ quý vị muốn [không sinh, già, bệnh, chết, thì] quý vị về Thế giới khác, về Tây Phương Cực Lạc đi, thì được thân rất tuyệt vời. Hoặc là quý vị sanh vào thời khác nha, [chứ] thời này không được [như vậy]. Cho nên chúng ta phải chán ngán mà rời khỏi Ta Bà, rời khỏi Thế giới này.
Bấy giờ, đức Thế Tôn liền nói kệ này:
Phật hiện giữa loài người,
Cha tên là Chân Tịnh,
Mẹ tên Cực Thanh Diệu,
Dòng sát-lợi quyền quý.
Đường chết thật là khốn
Đều không xét tôn ti.
Chư Phật còn không khỏi,
Huống chi lại phàm phu.
Quý vị nhớ nha! Đức Phật nói: “Chư Phật còn không khỏi”, cuối cùng cũng không thoát được nạn đó, “huống chi lại phàm phu”.
Ở trong một bộ kinh khác, đức Phật có nói là có nhiều sức mạnh, có đem ra so sánh nhiều sức mạnh, lúc nào đó Thiện Trang đem đoạn trích đó ra, nhưng [hôm nay] Thiện Trang nói đại ý. Mới đầu là lấy sức mạnh của mấy con voi, một hồi tới sức mạnh gì đó, v.v… dần dần lấy một sức mạnh rất là mạnh, đó là sức mạnh của Bích-chi-phật, nào là Chuyển Luân Thánh Vương, một hồi tới sức mạnh của đức Phật. Đức Phật (Như Lai) có thể dùng sức mạnh của Ngài, để đưa một tảng đá to lên đến trời Phạm Thiên. Và Ngài chỉ cần cho một phát là tảng đá đó lại rớt xuống cõi Nam Diêm Phù Đề, người ta sợ quá mà né ra, nhưng Ngài có thể lấy tay ra đỡ. Và Ngài nói là tảng đá lớn đó, giả sử có người ném từ trời Phạm Thiên, và nó rơi một cách bình thường theo tốc độ ném đó, thì sẽ cần thời gian 12 năm mới tới cõi Nam Thiệm Bộ Châu của chúng ta, tức là tới Trái đất của chúng ta.
Quý vị thấy rất khoa học đúng không ạ? Đức Phật rất khoa học luôn. Tức là nếu quý vị lên cõi trời Phạm Thiên, ở đâu đó mình không biết, ở trên cao cỡ nào, nhưng quý vị ném một hòn đá xuống (tảng đá lớn), bay với vận tốc thế nào đó, mà phải 12 năm sau mới tới được cõi Nam Diêm Phù Đề. Cho nên chúng ta thấy rất là khoa học. Khoa học bây giờ nói: Ánh sáng chiếu từ Mặt trời đến Trái đất hơn 8 phút, [là] 8 phút 32 giây thì phải.
Quý vị thấy một hòn đá mà ném từ cõi trời Phạm Thiên, tức là từ trời Phạm Chúng, trời Phạm Phụ và trời Đại Phạm (ba tầng trời Sơ thiền, [là] một tầng trời thôi, nhưng ba phước báo khác nhau), ném một hòn đá xuống, mà tới Trái đất là hết 12 năm. Vậy biết bao giờ tới? Nhưng dù sao 12 năm thì mình cũng còn hy vọng, máy bay bay một hồi cũng tới được. Còn không thì không có hy vọng, bay không tới được. Cho nên chúng ta thấy [đức Phật nói điều] đó rất khoa học. Thiện Trang thấy là có rất nhiều kiến thức khoa học nằm ngay trong Kinh A Hàm và Kinh Nikaya, chứ không cần phải cao siêu gì đâu. Kinh Đại thừa tất nhiên là càng khoa học hơn nữa.
Cho nên ở đây nói là đức Phật còn như vậy, không có xét tôn ti, tôn quý hay là ti tiện gì hết, mà chư Phật còn không khỏi, huống chi là phàm phu. Và có rất nhiều sức mạnh, trong đoạn vừa rồi đức Phật nói có một sức mạnh, mạnh hơn sức mạnh của Như Lai, đó là sức mạnh của Vô thường. Và chính vào đêm nay, đức Như Lai bị sức mạnh đó [mà] phải nhập Niết-Bàn. Quý vị nhớ như vậy!
Cho nên là chúng ta ráng tu thôi, không có cách nào thoát khỏi sanh tử, thoát khỏi cái chết đâu, trước sau gì cũng chết thôi. Cho nên nhớ thường niệm Vô thường thì sẽ mau thành Phật đạo, mau ra khỏi sanh tử. Quý vị cứ nhớ được [đoạn kinh] này. Trong nhiều bài pháp đức Phật nói là người mà thường nhớ Vô thường, thường niệm Vô thường, tâm thường mong ra khỏi sanh tử. Và do nhớ Vô thường nhiều quá, nên dần dần mình chứng đạo lúc nào đó không biết.
Bấy giờ, đức Thế Tôn nói kệ này cho vua Ba Tư Nặc:
Tế tự: tế lửa nhất;
Thi thơ: tụng tối tôn;
Nhân gian: vua là quý;
Các sông: biển là đầu;
Các sao: trăng trên hết;
Ánh sáng: mặt trời nhất.
Tám phương, trên, dưới, giữa
Nơi thế giới vận hành,
Trời cùng người thế gian:
Như Lai là tối tôn
Muốn cầu phước lộc kia
Hãy cúng dường Tam-Phật.
Tam-Phật tức là Tam-Phật-đà, mà do ngắn quá. Tức là ở đây nói là ở trong tế tự, đàn cúng tế, thì thờ lửa là nhất; trong thi thơ thì kệ tụng là nhất; trong nhân gian thì vua là nhất; trong các sông thì biển là nhất; trong các sao thì trăng là nhất; trong các [loại] ánh sáng thì mặt trời nhất; trong tám phương thế giới vận hành, ở trong người thì Như Lai (đức Phật) là nhất. Chúng ta muốn cầu phước lộc thì hãy cúng dường đức Phật.
Đức Thế Tôn nói kệ này rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi, trở về Tinh xá Kỳ Hoàn, đến chỗ ngồi mà ngồi.
Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo (đoạn này là khai thị tu hành đây). “Có bốn pháp được người thế gian ái kính. Thế nào là bốn? (Chúng ta có bốn pháp được ái kính, chúng ta thích đó là gì?) “Tuổi trẻ tráng niên được người thế gian ái kính (điều này rõ ràng, ai chả thích trẻ và khỏe mạnh); không có bệnh đau được người ái kính (điều này ai cũng thích đúng không ạ?); tuổi thọ được người ái kính (ai cũng muốn sống lâu); ân ái tụ hợp được người ái kính (điều này cũng rõ ràng). Tỳ-kheo, đó gọi là có bốn pháp được mọi người thế gian ái kính. Tất nhiên ái kính thì sẽ có bốn pháp ngược lại.
Lại nữa Tỳ-kheo, lại có bốn pháp không được người thế gian ái kính. Thế nào là bốn? Tỳ-kheo nên biết, tuổi trẻ tráng niên đến lúc già bệnh, người đời không thích (không thích nhưng cuối cùng cũng tới); người không bệnh sau lại mắc bệnh, người đời không thích (rõ ràng không bệnh nhưng cuối cùng cũng bệnh. Dù không thích nhưng vẫn bị); được tuổi thọ mà sau lại mạng chung, người đời không thích (ai cũng muốn sống lâu nhưng cuối cùng cũng chết); ân ái hội hợp sau lại chia lìa. Đó là những điều người đời không thích. Tỳ-kheo, đó gọi là có bốn pháp cùng đời xoay chuyển. Chư thiên, người đời cho đến Chuyển luân Thánh vương, chư Phật, Thế Tôn cùng có pháp này (tóm lại là không có ai thoát hết, trong vòng sanh tử, trong vòng luân hồi không có ai thoát. Ngay cả đức Phật, Ngài thành Phật rồi nhưng cuối cùng phải nhập Niết-Bàn). Tỳ-kheo, đó là thế gian có bốn pháp này cùng đời xoay chuyển. Nếu không biết bốn pháp này, phải chịu lưu chuyển trong sinh tử, xoay tròn trong năm đường (bây giờ có nói thêm bốn pháp nữa, mở ra cho chúng ta).
Bài kinh này quý vị hiểu ở trên là nói về Khổ đế, còn bây giờ là nói về Đạo đế, con đường ra khỏi sanh tử. Khổ đế là sự thật về khổ, là ở thế gian này không có gì ngon đâu. [Còn] bây giờ giải quyết cho chúng ta, [nói về] con đường để thoát khỏi khổ, ở đây nói:
Nếu không biết bốn pháp này, phải chịu lưu chuyển trong sinh tử, xoay tròn trong năm đường (nếu mình biết điều này thì mình thoát ra được). Thế nào là bốn? Giới Thánh hiền, Tam-muội Thánh hiền, trí tuệ Thánh hiền, giải thoát Thánh hiền. Như vậy mình phải có Giới, Giới Thánh hiền hay nói là Giới của bậc Thánh. Giới của Thánh hiền là Giới của A-la-hán, Giới của các bậc Hiền như các bậc Hữu học, như Sơ quả đằng trước đó. Rồi Tam-muội là Thiền định, Thiền định của bậc Thánh và bậc Hiền. Thánh hiền chúng ta học rồi, mai mốt tới phẩm thứ sáu của Luận Câu Xá, phẩm Hiền Thánh, chúng ta sẽ hiểu Tam-muội của Thánh hiền là gì. Chúng ta có một phẩm nữa là phẩm Định. Trí tuệ của Thánh hiền, giải thoát của Thánh hiền, mình có bốn điều đó là mình ra khỏi sanh tử đó.
Tỳ-kheo, đó là có bốn pháp này mà ai không giác tri, thì phải thọ nhận bốn pháp trên. Nay Ta cùng các ngươi nhờ giác tri bốn pháp Thánh hiền này mà đoạn gốc sinh tử không còn tái sinh đời sau. Như vậy chúng ta muốn không có tái sinh trong đời sau, không có sanh tử, gọi là con đường bất tử, thì quý vị hãy tu được bốn điều: là Giới, Tam-muội (là Thiền định), Huệ và cuối cùng là Giải thoát. Tất nhiên ba điều đầu có [thì] điều thứ tư [giải thoát] sẽ có thôi.
Nay Ta cùng các ngươi nhờ giác tri bốn pháp Thánh hiền này mà đoạn gốc sinh tử không còn tái sinh đời sau. Như nay thân thể Như Lai suy già, phải chịu báo suy hao này. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu Niết-Bàn vĩnh tịch này, không sinh, không già, không bệnh, không chết; ân ái biệt ly, thường niệm tưởng Biến dịch Vô thường. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy”. Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
(Kinh Số 6 – Phẩm Bốn Ý Đoạn Thứ 26 – Thiên Bốn Pháp – Kinh Tăng Nhất A Hàm).
Quý vị thấy đoạn này chúng ta chỉ cần nhớ điều gì? Cố gắng nhớ ở đời không có gì là bền chặt lâu dài mãi đâu, nói chung là chán thôi đúng không? Đường nào chúng ta cũng chết, đường nào cũng lên bàn thờ ngồi. Cho nên là ráng tu để sớm ra khỏi sanh tử, chắc chắn không có ai sống mãi được đâu, chắc chắn rồi cũng có ngày phải ra đi.
Hôm bữa Thiện Trang có giới thiệu cho quý vị một điều nữa là ở cõi Nam Thiệm Bộ Châu chúng ta tuy là có kém hơn ở những cõi khác, nhưng [cũng] có những điều thù thắng. Hôm nay Thiện Trang sẽ giới thiệu cho quý vị nghe, để an ủi mình được điều gì [ở cõi này].
Sự Thù Thắng Của Người Cõi Diêm Phù Đề Chúng Ta
Người cõi Diêm Phù Đề có ba điều hơn người Câu Da Ni (Tây Ngưu Hóa Châu) (thật ra là cũng hơn luôn các cõi kia, đây là Thiện Trang lấy đại diện thôi. Tại vì có lúc đức Phật so sánh từng châu lục trong bốn châu, thì có Bắc Cô Lô Châu, Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hóa Châu Và Nam Diêm Phù Đề chúng ta (Nam Thiệm Bộ Châu). Ở đây Thiện Trang chỉ trích một đoạn thôi, đoạn này là so sánh với cõi Tây Ngưu Hóa Châu. Chữ Hóa này không phải là biến hóa, mà là trao đổi hàng hóa), đó là: một, dõng mãnh, nhớ dai, có khả năng tạo nghiệp hành (chúng ta ở cõi này cũng hay lắm, [mình có sự] dõng mãnh, có khả năng nhớ dai, có khả năng tạo nghiệp hành); hai, dõng mãnh, nhớ dai, siêng tu phạm hạnh (cõi này siêng tu phạm hạnh, hay không! Phạm hạnh là gì? Chúng ta có thể nói Phạm hạnh tức là không có dâm dục. Nhưng thật ra Phạm hạnh là hạnh của giải thoát, thì tu rất nhiều [điều]. Cho nên cõi này chúng ta có cái hay hơn cõi Câu Da Ni (cõi Tây Ngưu Hóa Châu); ba, vì dõng mãnh, nhớ dai, nên Phật ra đời ở cõi này.
Quý vị thấy trong bốn châu lục thì cõi Nam Thiệm Bộ Châu được đức Phật ra đời, cho nên mình ở đây cũng may mắn đúng không? Thứ nhất là mình có khả năng dũng mãnh, quý vị thấy người ở thế gian dũng mãnh lắm, không có sợ gì hết. Làm việc ác cũng chẳng sợ, mà làm việc lành cũng chẳng sợ, quý vị thấy đâu có sợ đâu. Có những người làm việc ác đâu có sợ chết, có người làm việc thiện cũng không sợ chết. Ví dụ như quý vị thấy bây giờ có đoàn của Sư Minh Tuệ đó, quý vị thấy [các ngài] đi ở ngoài rừng, ở ngoài bụi cây, v.v… đâu có sợ đâu, [rất] dũng mãnh. Cho nên đây là sự lợi ích.
Và [còn] nhớ dai, có tạo nghiệp lành, những nghiệp tốt lành cũng có ở nơi này. [Ngoài] hai điều đó, còn có một điều thù thằng nữa là đức Phật ra đời ở cõi này. Cho nên chúng ta may mắn, chúng ta được ở cõi này.
Do có ba điều này nên hơn người Câu Da Ni. Người Câu Da Ni có ba điều hơn người Diêm Phù Đề (đây là so sánh với Câu Da Ni), đó là: một, nhiều bò (người Tây Ngưu Hóa Châu ở đó giàu lắm, chữ #ngưu này là bò, ở đó bò nhiều lắm); hai, nhiều dê (cũng được nha, hơn cõi mình đó); ba, nhiều châu ngọc. Do có ba điều này nên hơn người Diêm Phù Đề.
Quý vị có cần ba điều này không? Chắc chắn là không. Nhiều bò, nhiều dê với nhiều châu ngọc làm gì. Họ giàu [bò, dê, châu ngọc] nên đó mới gọi là Tây Ngưu Hóa Châu. Cõi đó lấy gì [trao đổi]? Có hai điều: Một là họ trao đổi hàng hóa thông qua bò. Ai có nhiều bò, ai có nhiều dê thì người đó giàu; và có thứ nữa [là] hóa châu, trao đổi bằng châu ngọc. Nên là cõi đó hơn [cõi này, nhưng] hơn mấy điều này không ngon. Hôm nay Thiện Trang so sánh một châu này thôi, hôm nào đó Thiện Trang sẽ dẫn cho quý vị so sánh với Bắc Cô Lô Châu, thử coi mình với Bắc Cô Lô Châu hơn nhau được gì.
(Trích từ Phẩm Đao Lợi Thiên – Kinh Thế Ký – Kinh Trường A Hàm).
Hôm nay Thiện Trang giới thiệu thêm một điều nữa, để chúng ta tu chúng ta [được] yên tâm. Mục tiêu là đưa ra cho quý vị pháp an tâm, để chúng ta yên tâm tu trong Phật đạo. Đó là hôm nay dạy cho quý vị một pháp gọi là không nghèo. Quý vị nghe cho kỹ.
Không Nghèo Nếu Thành Tựu Niềm Tin Bất Hoại
Đây là Thiện Trang đặt tựa đề, chúng ta nghe xem bộ kinh này nói như thế nào.
Tôi nghe như vầy: Một thời, đức Phật ở trong giảng đường Trùng Các, bên ao Di Hầu tại Tì Xá Li. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Thánh Đệ tử nếu thành tựu được bốn bất hoại tịnh, ở giữa loài người không sống cuộc sống nghèo khốn (quý vị thấy không? Quý vị thành tựu được bốn niềm tin bất hoại, thì ở giữa loài người không có sống cuộc sống nghèo khốn đâu, quý vị giàu lắm, yên tâm, đây là đức Phật nói); không bị lạnh rét, xin ăn; mà tự nhiên giàu sang đầy đủ (quý vị nghe điều này ai cũng thích đúng không? Người thế gian muốn không nghèo khổ, không bị lạnh rét, không phải đi xin ăn, mà tự nhiên được giàu sang đầy đủ, thì bữa nay [Thiện Trang] giới thiệu [một] bí quyết, trong kinh nói luôn. Quý vị chỉ cần thành tựu được bốn bất hoại tịnh).
Những gì là bốn? Thành tựu bất hoại tịnh đối với Phật; thành tựu bất hoại tịnh đối với Pháp, Tăng, và Thánh giới. Đoạn này chúng ta nghe hoài, chúng ta thuộc rồi đúng không? Thiện Trang luôn luôn nhấn mạnh điều này. Tức là có bốn niềm tin bất hoại: Niềm tin bất hoại đối với Phật, niềm tin bất hoại đối với Pháp, niềm tin bất hoại đối với Tăng, và niềm tin bất hoại đối với Thánh giới. Nếu quý vị làm như vậy, thì ở đây nói bảo đảm cho quý vị luôn, đức Phật nói là không nghèo, chắc chắn là giàu, giàu sang đầy đủ luôn; không bị lạnh rét, khỏi đi xin ăn, khỏe chưa! Cho nên gia tài trong Phật pháp, mình tu thì tự nhiên mình giàu, quý vị thấy hay không? Điều này chúng ta học hoài rồi. Thật ra quý vị biết, không chỉ là giàu đâu mà còn được Thánh quả, xác định luôn là Thánh quả Tu-đà-hoàn (một hạng trong Sơ quả Tu-đà-hoàn).
Tu-đà-hoàn này theo Chú Giải trong kinh có nói là Độn căn Tu-đà-hoàn. Có nghĩa đây là một hạng Tu-đà-hoàn, là Tu-đà-hoàn độn căn, ghi nhận rằng không đọa vào đường ác, tức là chỉ có cõi Người, cõi Trời và đường thiện trong A-tu-la. Người đó không còn đọa vào ác đạo, nhưng chưa xác chứng là tối đa bảy lần để thành A-la-hán. Còn Lợi căn Tu-đà-hoàn thì còn tối đa bảy đời, còn lợi hơn nữa là Nhất chủng và Gia gia. Nói chung là có mấy bậc Tu-đà-hoàn, để từ từ Thiện Trang sẽ giới thiệu [cho] quý vị.
Ví dụ như hôm bữa Thiện Trang đã giới thiệu cho quý vị được bốn bậc, đó là: Tùy tín hành, Tùy pháp hành, Thân chứng và Kiến đáo. Đó cũng là Tu-đà-hoàn. Cho nên Tu-đà-hoàn, trên thì có Tu-đà-hoàn mặc định là bảy đời [chứng quả A-la-hán], có Tu-đà-hoàn nhanh hơn là Tu-đà-hoàn một đời, gọi là Nhất chủng; Tu-đà-hoàn giữa giữa chút nữa là Tu-đà-hoàn Gia gia, là đời sau sanh vào nhà tôn quý. Như vậy sơ sơ kể được bảy rồi. Bất hoại tịnh này cũng xếp vào một [hạng] Tu-đà-hoàn nữa, [là] tám. Còn nữa, chưa hết, cứ từ từ chúng ta học, [chia] chẻ quả Tu-đà-hoàn ra nhiều bậc Tu-đà-hoàn lắm. Cho nên có rất nhiều bậc Tu-đà-hoàn, và chúng ta cũng có thể vào một bậc nào đó, ví dụ như bậc này, bậc này là một bậc Tu-đà-hoàn. Quý vị nói: “Ở đâu nói?”. Chút nữa rồi có, từ từ rồi cũng trích ra, đây là Sơ quả Tu-đà-hoàn đó, chứ không phải là ở đâu đâu. Cho nên con đường vào Sơ quả Tu-đà-hoàn, tiêu chuẩn trung bình là bảy đời, còn tối đa bảy đời để thành A-la-hán ra khỏi sanh tử, đó là phải đoạn ba Kiết sử: Thân kiến, Giới cấm thủ và Nghi.
Điều đó là hơi khó, nghe đến Thân kiến là sợ quá, Nghi, Giới cấm thủ thì được, nhưng Thân kiến khó quá. Ở đây không cần, quý vị đoạn hết Nghi là được rồi, hết nghi đối với Phật, Pháp, Tăng và Thánh giới là đủ rồi. Và bữa nay nói thêm một điều nữa, là quý vị không nghèo. Cho nên gia tài trong này có hết mà không chịu học, không chịu tu, cứ đi lo gì đâu không.
Cho nên, Tỳ-kheo phải học như vầy: Ta sẽ thành tựu bất hoại tịnh đối với Phật; sẽ thành tựu bất hoại tịnh đối với Pháp, Tăng, và Thánh giới”.
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
(Kinh 802. Bất Bần (không nghèo) – Tương Ưng Bất Hoại Tịnh – Kinh Tạp A Hàm).
Có nhiều người nói: “Kinh Tạp A Hàm thì có liên quan gì, có Kinh Nikaya không? Ở đây trong Chú Giải này nói, Kinh này tương đương với Kinh Mahaddhana của Kinh Pāli, chứ không phải là không có bên Pāli đâu nha.
Và Thiện Trang vừa nói là làm sao để vào Sơ quả Tu-đà-hoàn, có nhiều cách lắm, đây cũng là một cách mà chúng ta học rồi. Chúng ta rất mong vào [được] Sơ quả Tu-đà-hoàn, cho nên hôm nay Thiện Trang chia chẻ Sơ quả Tu-đà-hoàn ra, chỉ cho quý vị kỹ từng chi tiết, con đường đầu tiên chính là phá ba điều: Thân kiến, Giới cấm thủ, và Nghi. Con đường thứ hai là hãy thành tựu giùm bốn niềm tin bất hoại.
Và tiêu chuẩn Tăng ở đây, nếu trong tạng kinh thì Tăng là Thánh tăng, là Hiền tăng, toàn là bậc từ Tứ gia hạnh trở lên, chứ còn Tăng phàm phu thì không tính. Nên quý vị cứ yên tâm, không đến nỗi nào đâu, mấy Tăng phàm phu thì khỏi cần tin cũng được. Còn bên Giới luật thì Tăng là Tăng phàm phu, Tỳ-kheo thọ giới rồi thì gọi là Tăng. Chúng ta phải hiểu [như vậy].
Vậy hôm nay Thiện Trang tiếp tục giới thiệu một trong nhiều cách để vào Sơ quả Tu-đà-hoàn, Thiện Trang đánh số hai, vì số một chúng ta học rồi, là phá Thân kiến, Giới cấm thủ và Nghi, một bậc Tu-đà-hoàn tiêu chuẩn. Hôm nay giới thiệu cho cách hai, ghi số hai là cách hai. Cách hai là:
Một Trong Nhiều Cách Để Vào Sơ Quả Tu-Đà-Hoàn (2)
Tôi nghe như vầy: Một thời, đức Phật ở trong vườn [ông] Cấp Cô Độc, rừng cây [Thái tử] Kỳ Đà, tại nước Xá Vệ. Bấy giờ, Tôn giả Xá Lợi Phất đi đến chỗ Tôn giả A Nan, sau khi thăm hỏi khích lệ xong, rồi đứng qua một bên, Tôn giả Xá Lợi Phất nói với Tôn giả A Nan: “Tôi có điều muốn hỏi, Tôn giả có rảnh thì giờ trả lời cho không?”
Bây giờ hai ngài Đại Đệ tử là Xá Lợi Phất và A Nan, hôm bữa có người hỏi Thiện Trang: “Tại sao các Đệ tử khác không được xếp vô trong mười (thập) Đại Đệ tử của Phật?” Xin lỗi quý vị, hôm bữa không biết ai hỏi, Thiện Trang có trả lời hay không thì Thiện Trang không nhớ. Nhưng Thiện Trang xin nói với quý vị, đó là tại vì đời sau tôn vinh lên mười vị Đại Đệ tử đó thôi, chứ thực tế quý vị giở giùm Kinh Tăng Nhất A Hàm ra, mở phẩm đầu tiên, Phẩm Đệ Tử, thì đức Phật kể một loạt các Đệ nhất Đệ tử, đủ các hạnh, nhiều lắm, hạnh này hạnh kia v.v… mỗi người một hạnh. Cho nên không phải mười [vị] đó [thôi] đâu, mà nhiều lắm. Tại vì chúng ta thần tượng mười vị đó, nên chúng ta đưa ra mười vị đó, [là] do người đời sau [đưa ra]. Còn đức Phật không có xác chứng rằng ai là nhất, trong mười người nhất. Mà Ngài chỉ xác chứng là ngài Mục Kiền Liên với ngài Xá Lợi Phất là nhất, rồi ngài Ma Ha Ca Diếp là nhất nữa thôi. Còn mấy [hạnh] kia bao nhiêu người nhất nữa, nhất [hạnh] này, nhất [hạnh] kia.
Quý vị coi Kinh Tăng Nhất A Hàm, phẩm đầu tiên là kể về những Đệ tử đệ nhất bên Tăng, đệ nhất bên Ni, đệ nhất [hạnh] này, đệ nhất [hạnh] kia. Rồi tới nam Cư sĩ nhất [hạnh] này, nhất [hạnh] kia, một loạt dài danh sách mấy trang, rồi tới nữ Cư sĩ nhất này, nhất kia, một loạt nữa, nên rất công bằng. Chúng ta không học, [mình] cứ theo đời sau [nên] mình thắc mắc, học trong kinh thì không thắc mắc đâu.
Bây giờ trở lại, hai vị Tôn giả rất nổi tiếng, là Xá Lợi Phất với A Nan hỏi nhau điều gì?
Tôn giả A Nan bạch Tôn giả Xá Lợi Phất: “Theo ý Tôn giả cứ hỏi, nếu biết tôi sẽ đáp”. Ngài cũng khôn lắm, và trả lời rất hay, ngài nói: “Nếu biết tôi sẽ đáp”. Chứ mình thì [ nói]: “Ngài cứ hỏi đi, tôi sẽ đáp” đúng không? [Ở đây ngài Xá Lợi Phất nói] là nếu biết thì tôi sẽ đáp, còn không biết thì tôi không đáp.
Ngài Xá Lợi Phất hỏi Tôn giả A Nan: “Do đoạn được bao nhiêu pháp, mà Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, bậc Tri giả, Kiến giả, ký thuyết rằng người kia đắc Tu-đà-hoàn, không đọa vào pháp đường dữ, quyết định huớng đến chánh giác, chỉ còn bảy lần qua lại trời người, rốt ráo thoát khổ?” Hôm nay [ThiệnTrang] giới thiệu cách hai để vào Tu-đà-hoàn, Tu-đà-hoàn này cũng ngon, chỉ còn bảy lần qua lại trời người, rốt ráo thoát khổ. Đây là Tu-đà-hoàn tiêu chuẩn, tức là trong bao nhiêu bậc Tu-đà-hoàn, thì có Tu-đà-hoàn tiêu chuẩn.
Tôn giả A Nan bạch Tôn giả Xá Lợi Phất: “Do đoạn được bốn pháp và thành tựu được bốn pháp mà Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác ký thuyết cho người kia đắc Tu-đà-hoàn, không còn đọa vào pháp đường dữ, quyết định hướng đến Chánh giác, chỉ còn bảy lần qua lại trời người, mới rốt ráo hết khổ. Những gì là bốn?
Quý vị chắc cũng rất thắc mắc, ở đây có bốn pháp thôi, chúng ta nghe bốn pháp thì chúng ta cũng đoán được bốn pháp đó là những pháp gì. Chắc là bất hoại tịnh đối với Phật, bất hoại tịnh đối với Pháp, bất hoại tịnh đối với Tăng, và bất hoại tịnh đối với Thánh giới. Nếu như vậy là Tu-đà-hoàn này ngon, dễ vô, chắc bảy lần thôi, không đến nỗi nào. Chúng ta coi phải vậy không?
Thánh đệ tử trụ tâm bất tín đối với Phật đã được đoạn, đã biến tri, ([quý vị] nghe kỹ nha, [ở đây nói] ‘Thánh đệ tử’, tại vì sao? [Vì] vô pháp này là dòng Thánh rồi, nên gọi là Thánh đệ tử luôn. Như ở trên, quý vị thấy Thánh đệ tử này thành tựu được bốn niềm tin, xác định cho quý vị là Thánh luôn, chứ không phải bình thường đâu. Thánh đệ tử trụ tâm bất tín đối với Phật đã được đoạn, có nghĩa là người đó có tâm bình thường bất tín đối với Phật, nhưng điều đó được đoạn rồi, trở thành tín rồi, và đã biến tri, tức là biết rõ ràng, biết rộng rãi rồi. Mục tiêu ở đây Thiện Trang đều tô đậm) thành tựu bất hoại tịnh đối với Phật. Bất tín đối với Pháp, Tăng và ác giới đã được đoạn, đã biến tri, (tóm lại dòng đỏ này) thành tựu bất hoại tịnh đối với Pháp, Tăng, và thành tựu được Thánh giới. Như vậy, do đoạn trừ bốn pháp, và thành tựu bốn pháp mà Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, bậc Tri giả, Kiến giả, ký thuyết cho người kia đắc Tu-đà-hoàn, không đọa vào pháp đường dữ, quyết định hướng đến Chánh giác, chỉ còn bảy lần qua lại trời người, mới rốt ráo thoát khổ”.
Quý vị thấy sướng không? Xác định luôn, đây là trong kinh chứ không phải Thiện Trang nói. Trong kinh nói quý vị thành tựu được niềm tin bất hoại đối với Phật, niềm tin bất hoại đối với Pháp, niềm tin bất hoại đối với Tăng [và thành tựu Thánh giới] là vô Tu-đà-hoàn. Và Tu-đà-hoàn này là Tu-đà-hoàn tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn là còn bảy lần qua lại trời người. Chúng ta vô tới chưa? Dễ vô không? Chưa vô nhưng thấy dễ rồi, chứ phá Thân kiến thì nhiều người nói khó quá. Thế nào là Thân kiến đã không hiểu rồi, làm sao phá Thân kiến, bữa nay nói [cho quý vị] con đường này dễ hơn.
Cho nên hôm nay, Thiện Trang giới thiệu cách thứ hai để vào Sơ quả Tu-đà-hoàn. Và hôm nào đó lại giới thiệu cách thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy gì đó, từ từ rồi chúng ta sẽ học. Toàn là trong kinh, không phải ở đâu hết, cho nên cứ căn cứ vào đây, dễ không? Chứ xưa nay nhiều người học, cứ học tiêu chuẩn quá cao, [là phải phá] Thân kiến, Giới cấm thủ và Nghi. Thân kiến khó quá, Sắc, Thọ, Tưởng Hành, Thức khó quá, làm sao vô nổi. Nhưng ở đây nói chỉ cần niềm tin bất hoại thôi.
Thật ra quý vị nói phá Thân kiến, Giới cấm thủ và Nghi là cao, Tu-đà-hoàn đó là Tu-đà-hoàn lợi căn. Còn đây là Tu-đà-hoàn, trong chỗ khác gọi là độn căn, độn căn nên mới còn bảy đời. Còn Tu-đà-hoàn kia không đến bảy đời đâu, thông thường có thể vào Gia gia, Nhất chủng, nên sẽ nhanh. Thậm chí họ lên một phát, lên luôn Nhị quả, Tam quả ngay trong đời đó, cho nên có thể họ ngon hơn. Còn ở đây, Tu-đà-hoàn này hơi bị tệ, nên mới được niềm tin bất hoại đối với Phật, niềm tin bất hoại đối với Pháp, niềm tin bất hoại đối với Tăng. Và ở đây không phải nói niềm tin, mà phải nói rõ là thành tựu được Thánh giới, tức là giữ giới cho được. Quý vị nhớ giữ giới cho được nha! Điều này khó, nói thì dễ, ba điều đầu tiên làm được, nhưng điều cuối cùng là Giới thì không làm được, tức là niềm tin đối với Thánh giới không được. Điều này khó! Cho nên ta phải làm được điều này.
Tôn giả A Nan bạch Tôn giả Xá Lợi Phất: “Đúng vậy, đúng vậy! Do đoạn trừ được bốn pháp, và thành tựu được bốn pháp mà Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, bậc Tri giả, Kiến giả, ký thuyết cho người kia đắc Tu-đà-hoàn, không đọa vào pháp đường dữ, quyết định hướng đến Chánh giác, chỉ còn bảy lần qua lại trời người, rốt ráo thoát khổ”.
Sau khi hai vị Chánh sĩ luận bàn xong, đều tùy hỷ từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
(Kinh 812. Xá-Lợi-Phất (2)84 – Tương Ưng Bất Hoại Tịnh – Kinh Tạp A Hàm).
Và quý vị đừng thắc mắc, ở đây có số 84 chú giải rằng: đây chính là Đại kinh của Pāli, quý vị có thể tìm Kinh Sāriputta là Kinh Xá Lợi Phất, của bên Pāli, có tương ưng hết. Tại vì bản Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh của Nhật Bản [được] làm rất kỹ, khi họ chép lại kinh thì họ cũng tra cứu bên Nikaya, họ ghi chú luôn là tương ưng với kinh nào. Còn nếu không có [kinh] tương ưng, thì họ nói là tìm không ra kinh tương ưng.
Như vậy quý vị yên tâm, có bên Kinh Nikaya, quý vị có thể coi. Dễ chưa? Sau khi giảng một hồi tuyệt vời đúng không? Bây giờ có đồng tu nói là tu Tịnh Độ nữa. Tu Tịnh Độ thì còn ngon nữa, vì sao? Quý vị tu pháp này là quý vị vào Thánh quả, nếu không vào Thánh quả thì quý vị cũng vãng sanh. Còn nếu vào Thánh quả rồi vãng sanh nữa, là càng ngon.
Cho nên con đường dễ đi mà không chịu đi, bây giờ nhớ đến câu trong Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Vô cực chi thắng đạo, dị vãng nhi vô nhân”, con đường đạo thù thắng như vậy, dễ đi mà không có người. Không có người, vì sao? Không có ai dạy, vì sao không dạy? Không chịu học. Cho nên Đại tạng kinh dạy rõ ràng, trong Kinh Nikaya cũng có, Kinh A Hàm cũng có, chỉ cần lấy trong đó [ra xài]. Con đường dễ mà, bây giờ ráng tin, cố gắng học pháp đi, để tin đối với Phật một cách rốt ráo, không còn nghi nữa, đoạn được Nghi.
Ở đây có bốn pháp đoạn: là đoạn Nghi và tin trọn vẹn. Ráng tin Phật, ráng tin Pháp, tin Tăng, và thành tựu được Thánh giới (tức là giữ giới), là xong, là vào Sơ quả Tu-đà-hoàn. Chứ không cần nhiều đâu, chỉ cần tối đa bảy đời nữa thôi là ra khỏi sanh tử, chứng quả A-la-hán, là ngon đó!
Cho nên ở đây còn dễ hơn Tùy tín hành, thật ra Tùy tín hành với chỗ này là chỗ nào, để bữa nào học hết thì Thiện Trang sẽ tổng kết lại, để coi điều này với Tùy tín hành, Tùy pháp hành nằm ở đâu. Điều này là xác định Tu-đà-hoàn luôn, [pháp] này cao hơn Tùy tín hành, tại Tùy tín hành nói: Nếu như giữa chừng không chết, thì mới đắc Tu-đà-hoàn. Còn giữa chừng tuổi thọ hết, thì chưa đắc Tu-đà-hoàn đời đó, nhưng người đó cũng không đọa ác đạo, điều đó thấp hơn.
Chúng ta thấy không? Điều này cao hơn Tùy tín hành, không phải đơn giản đâu, nhưng dễ tu không? Dễ! Từ đó trở đi Thiện Trang thấy dễ quá mà. Chứ gì đâu vô là đè đầu Thân kiến, Giới cấm thủ, Nghi, đoạn không nổi, thấy khó quá, khó quá, hiểu còn không nổi. Nhưng hôm nay coi tiêu chuẩn này dễ hơn rất nhiều, nên Tùy tín hành cũng dễ, Tùy pháp hành cũng dễ, Thân chứng, Kiến đáo, hoặc ở đây có thêm bất hoại tịnh đối với Phật, bất hoại tịnh đối với Pháp, bất hoại tịnh đối với Tăng và bất hoại tịnh đối với Thánh giới, [điều này] dễ hơn.
Vậy cho nên chúng ta có rất nhiều con đường để vào Sơ quả Tu-đà-hoàn, chứ không phải một con đường đâu. Chúng ta cứ học cho rõ ràng thì sẽ thấy hoan hỉ, nhẹ nhàng, không có gì khó khăn. Ai tu Tịnh Độ nữa thì ngon quá rồi, đúng là như hổ mọc thêm sừng, hổ mọc thêm cánh, [quý vị] yên tâm. Bữa nay Thiện Trang sẽ giới thiệu, vì hôm bữa Thiện Trang có trích trong A Tỳ Đàm nói là các quả vị Thánh chưa chắc có Thần thông. Hôm nay Thiện Trang trích luôn trong kinh, khỏi phải cãi:
Quả Vị Tu-Đà-Hoàn Có Thể Chưa Có Thần Thông
(Thiện Trang đặt tựa đề này, và cũng trích từ trong một bộ kinh).
Ngay lúc đó, một Thượng tọa trong chúng Tăng, tên là Quân Đầu Ba Hán đắc Tu-đà-hoàn, Kiết sử chưa diệt tận, không được Thần túc.
Thiện Trang muốn nói cho quý vị đoạn trích thôi, câu chuyện này dài lắm, thôi không kể, Thiện Trang chỉ trích [đoạn] thôi. Có một người thỉnh chúng Tăng đi thọ thực, nói là [chỉ các vị] A-la-hán mới đi. Vị này là Quân Đầu Ba Hán, mới đắc Tu-đà-hoàn thôi, Kiết sử chưa diệt tận, tức là chưa diệt hết được năm Hạ phần Kiết sử và năm Thượng phần Kiết sử. [Vị này] mới [đắc] Tu-đà-hoàn và không được Thần túc, tức là không có Thần thông. [Quý vị] nhớ nha! Cho nên Tu-đà-hoàn có thể có, hoặc có thể không có Thần thông. Có thể có hay không là tùy thuộc vào tu Thiền chỉ, chứ không phải Tu-đà-hoàn là có hai loại Thần thông.
Thiện Trang xin đính chính lại, hồi xưa Thiện Trang giảng theo người ta, có nói là Tu-đà-hoàn có hai loại Thần thông, nhưng thực tế không phải. Sau này học A Tỳ Đàm, học Luận Câu Xá, học trong kinh [mới] biết là Tu-đà-hoàn không chắc là có Thần thông hay không, thậm chí A-la-hán cũng có thể không có Thần thông, nếu không tu Thiền chỉ.
Hôm bữa có đồng tu nói là tu Thiền chỉ khó quá, quán mấy đề mục đó khó quá. Quý vị không tu được thì thôi, quý vị tu Thiền quán. Quý vị học pháp là tu Thiền quán, rồi hằng ngày quán Vô thường, v.v… nghĩ nhớ đời vô thường, rồi nhớ tâm ta đang sân, tâm ta đang si, tâm đang gì đó. Phải cố gắng để quan sát được tâm. Quý vị cứ tu niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, tu theo Thiền quán, thì ngày nào đó quý vị cũng đắc Tu-đà-hoàn. Đâu cần [Thiền chỉ] đâu, thậm chí nghe một bài pháp mà ngộ ra thì [sẽ] đắc Tu-đà-hoàn, thậm chí đắc tới Nhị quả, Tam quả.
Cho nên điều đó không quan trọng, nếu như quý vị không tu được Thiền chỉ thì tu Thiền quán cũng được rồi. Nhưng không tu Thiền chỉ thì không có Thần thông, ai đắc Thiền chỉ thì mới có Thần thông được. Theo trong Kinh A Hàm nói là đắc Nhị thiền trở lên [mới] có Thần thông. Cho nên chúng ta không đắc Nhị thiền [thì] không có Thần thông. Vị này không đắc Thần thông, vì ngài cũng là Tu-đà-hoàn nhưng chưa có Thần túc, tức là chưa có Thần thông.
Thượng tọa này nghĩ thầm: ‘Nay trong đại chúng, ta là hàng Thượng tọa lớn, mà Kiết sử lại chưa dứt, chưa được Thần túc. Ngày mai, ta không được đến trong thành Mãn Phú thọ thực. Song, trong chúng của Như Lai, vị Sa-di hạ tọa nhỏ nhất tên là Quân Đầu, người có Thần túc, có đại oai lực, được đến đó thọ thỉnh. Nay ta cũng nên đến kia thọ thỉnh”.
Tức là [vị này] hơi bị quê, [vì] vị Sa-di nhỏ tuổi Quân Đầu thì lại có Thần túc ghê gớm lắm, đại oai lực luôn. Trong kinh nói là ngài đến núi Tuyết Sơn, núi Himalaya giặt y, hoặc làm gì thôi mà bao nhiêu chư thiên hộ vệ, [có] Thần thông bay trên trời đã lắm. Vị Sa-di nhỏ tuổi mà như vậy, còn vị này là Thượng tọa trong Tăng, đắc Tu-đà-hoàn rồi nhưng Kiết sử chưa diệt hết, rồi không đắc Thiền chỉ nên không có Thần túc, không có Thần thông gì hết, cho nên hơi quê. Ngày mai đi thọ thực, người ta thỉnh toàn A-la-hán không [thôi], mà mình không được đi, bây giờ làm sao đi đây? Ngài nghĩ như vậy, đây cũng một suy nghĩ thiếu tự tin (hơi hơi xấu hổ).
Bấy giờ, Thượng tọa dùng tâm thanh tịnh, nơi địa vị Hữu học mà nhận thẻ. Nhận thẻ tức là hồi xưa cứ phát thẻ ra, ai là A-la-hán thì nhận thẻ. Ngày mai đi thọ thực có cái thẻ, chứ không phải là ai muốn đi thì đi. Tại vì gia chủ mời có bao nhiêu người thì phát bấy nhiêu thẻ đó, phát theo thứ tự là phát cho Thượng tọa trước. Thượng tọa tức là người có tuổi hạ cao nhất (là [tuổi] vào thọ giới Tỳ-kheo), có bao nhiêu thẻ thì phát trước. Nhưng ở đây không phải phát như vậy, mà kèm thêm điều kiện: ai là A-la-hán thì mới được. Mà vị này không phải A-la-hán thì làm sao được. Cho nên bây giờ ngài nghĩ cách, ngài mới là [địa vị] Hữu học (Hữu Học tức là chưa tới A-la-hán, Vô học mới là A-la-hán). Bây giờ làm sao, địa vị Hữu học mà nhận thẻ, ngài nhận như vậy là sai, nên không được.
Lúc đó, đức Thế Tôn, bằng Thiên nhãn thanh tịnh, thấy Quân Đầu Ba Hán đang tại địa vị Hữu học mà nhận thẻ tức thì đạt được Vô học. Có nghĩa là lúc đó do cố gắng nhận thẻ, và nhận thẻ xong là ngài đắc luôn quả A-la-hán. Cho nên ép bức quá, đôi khi phải khích tướng: Khó quá! Bây giờ mình là Thượng tọa mà thua một vị Sa-di, [vị Sa-di lại] được nhận thẻ đi dự tiệc ngày mai. Ông gia chủ đó mời, bây giờ mình là Thượng tọa mà mình không đi được [thì] quê. Cho nên thôi, lúc đó dùng tâm thanh tịnh nhận thẻ, và vừa nhận thẻ thì đắc A-la-hán luôn, từ Tu-đà-hoàn lên A-la-hán. Đức Phật thấy như vậy nên mới khen ngợi.
Đức Thế Tôn liền bảo các Tỳ-kheo: “Trong Đệ tử của Ta, người nhận thẻ đệ nhất chính là Tỳ-kheo Quân Đầu Ba Hán vậy”. Tức là từ địa vị Hữu học, đang mới là [quả Tu-đà-hoàn] thôi, không có gì hết, mà lúc nhận thẻ thì ngài quán ngài đắc A-la-hán để được đi, để khỏi quê, và ngài đắc thật luôn. Quý vị thấy không? Cuộc đời đôi khi phải có những gian nan, có những điều gì đó thử thách lớn, nhiều khi bị chấn động một phát rồi đắc đạo. Cho nên quý vị thấy đôi khi có những câu chuyện rất hay, áp bức chút có khi đắc đạo.
(Kinh Số 3 – Phẩm Tu Đà Thứ 30 – Thiên 5 Pháp – Kinh Tăng Nhất A Hàm).
Quý vị thấy không? Đôi khi tu hành, ‘tu nhất kiếp ngộ nhất thời’, nhiều khi hoàn cảnh bức bách quá mà đắc đạo, nhiều khi hoàn cảnh sung sướng quá mà đắc đạo. Tùy người, có người hoàn cảnh bức bách quá, là do Phiền não nào đó, chúng ta bị Phiền não chấn động. Tại vì vị này mới là Sơ quả Tu-đà-hoàn nên còn Ngã, lúc đó vì Ngã mà ráng nhận thẻ bằng tâm thanh tịnh, và đắc đạo A-la-hán. Cho nên đôi khi [còn chấp ngã] cũng tốt. Chứ đừng nói ta vô Ngã rồi trơ trơ ra, cũng không tốt đâu.
Cho nên Phật pháp không biết được đường nào, mình đừng có bi quan, đôi khi hoàn cảnh thuận lợi sẽ đắc đạo, nhưng đôi khi hoàn cảnh nghịch duyên, ép mình là đắc đạo, miễn làm sao đắc đạo thôi, tùy mỗi người. Đó là căn cơ nhiều đời, đức Phật khen đây là Đệ nhất Đệ tử. Người nào thắc mắc đây là Đệ tử thế nào, thì đây là Đệ nhất Đệ tử về nhận thẻ để đi cúng dường, nhận cúng dường Trai tăng, chính là Tỳ-kheo Quân Đầu Ba Hán. Bởi vì sao? Vì ngay lúc nhận thẻ thì ngài đắc luôn A-la-hán. Như vậy đây là trích trong Kinh Tăng Nhất A hàm, rất hay!
Thiện Trang xin giới thiệu thêm một trong nhiều cách để vào Sơ quả Tu-đà-hoàn lần thứ ba (cách ba). Hôm nay giới thiệu thêm một cách nữa để quý vị coi. Có nhiều cách vào Tu-đà-hoàn lắm, chứ không phải có bấy nhiêu đó đâu, [không phải] suốt ngày [phải phá] Thân kiến, Giới cấm thủ và Nghi đâu. Đây cũng là trong kinh thôi. Cho nên có nhiều con đường để vào Tu-đà-hoàn. Hôm nay giới thiệu thêm con đường nữa, hồi nãy là con đường thứ hai, bây giờ con đường thứ ba. Hôm sau Thiện Trang sẽ giới thiệu dần dần, bao giờ hết thì thôi.
Một Trong Nhiều Cách Để Vào Sơ Quả Tu-Đà-Hoàn (3)
Tôi nghe như vầy: Một thời, đức Phật trú tại vườn [ông] Cấp Cô Độc, rừng cây [Thái tử] Kỳ Đà, nước Xá Vệ. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: “Nay, Ta sẽ nói về tụ thiện, các ngươi hãy suy nghĩ kỹ”.
Các Tỳ-kheo thưa: “Kính vâng, bạch đức Thế Tôn”.
Các Tỳ-kheo vâng theo lời Phật dạy.
Đức Thế Tôn bảo: “Sao gọi pháp ấy là tụ thiện? Đó là năm căn. Thế nào là năm căn? Đó là Tín căn, Tinh tấn căn, Niệm căn, Định căn, Huệ căn. Này Tỳ-kheo, đó gọi là có Ngũ căn (năm căn) này. Nếu có Tỳ-kheo nào tu hành Ngũ căn, liền thành Tu-đà-hoàn được pháp bất thối chuyển, ắt thành đạo chí thượng. Tu hành thêm nữa sẽ thành tựu Tư-đà-hàm, tái sinh đời này một lần rồi dứt sạch biên tế khổ kia. Tiến tới đạo này nữa, sẽ thành tựu A-na-hàm, không còn tái sinh đời này, liền nhập Bát-niết-bàn. Chuyển tiến tu hành, diệt tận Hữu lậu, thành tựu Vô lậu, tâm giải thoát, huệ giải thoát, tự thân tác chứng, mà tự an trú, như thật biết rằng, sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã xong, không còn tái sinh nữa.
Hôm nay [Thiện Trang] giới thiệu cho quý vị một con đường vào Sơ quả Tu-đà-hoàn dễ nữa. Đó là con đường gì? Đó là con đường quý vị tu giùm Năm căn (hay Ngũ căn). Quý vị nhớ Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ-đề phần, Bát thánh Đạo phần không ạ?Trong 37 Phẩm trợ đạo, ở đây đức Phật nói là quý vị dùng Năm căn: Tín căn, Tinh tấn căn, Niệm Căn, Định căn, Huệ căn. Mấy điều này chắc ai học Phật pháp lâu thì biết hết rồi. Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ, còn gọi là Ngũ quyền hay là Ngũ căn, trong 37 Phẩm trợ đạo, quý vị tu như vậy thôi.
Ở đây đức Phật nói là: Tỳ-kheo nào (thôi mình nói là Đệ tử đi, chứ nói Tỳ-kheo thì quý vị nghĩ là người xuất gia không thôi), Đệ tử nào tu được [pháp] đó thì liền thành Tu-đà-hoàn, được pháp bất thoái chuyển, ắt thành đạo chí thượng. Chắc chắn là thành đạo chí thượng, tức là thành A-la-hán. Còn nếu tu khá hơn nữa thì thành tựu Tư-đà-hàm, [tái sanh] một lần nữa. Nếu tu tiến hơn nữa thì thành luôn A-na-hàm. Cho nên mấy pháp này đều quan trọng hết. Còn tu tốt nữa là thành A-la-hán nhập Niết-Bàn luôn, Phạm hạnh đã lập, sanh tử đã dứt, việc làm cần làm đã làm xong, coi như là hết, không còn gì để làm nữa.
Quý vị thấy con đường này có dễ không? Dễ! Chúng ta có học mấy điều này không? Học hết rồi. Nên là có rất nhiều cách để có thể vào Sơ quả Tu-đà-hoàn, đừng có bi quan, suốt ngày cứ đè đầu Thân kiến, Giới cấm thủ và Nghi. Thật ra có nhiều con đường để vào, miễn quý vị tu điều nào theo giáo pháp của Phật là vào được. Cho nên mình tu mấy [điều] này thì tự nhiên cũng sẽ dứt trừ được Thân kiến, Giới cấm thủ và Nghi, chứ không phải là mình cứ [nhắm] vào ba điều đó thôi. Cho nên có rất nhiều cách để vào Thánh quả, chứ không phải mình bi quan quá, mình thấy khó quá. Con đường đó khó, nhưng con đường này thì dễ hơn.
Gọi là tụ thiện, chính là năm căn. Vì sao vậy? Vì đây là tụ lớn nhất, là vi diệu trong các tụ (tức là đức Phật khen ngợi tu Ngũ căn này, rất quan trọng). Nếu ai không hành pháp này thì không thành tựu Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi-phật và Như Lai Chí chơn Đẳng chánh giác. Nếu ai đạt được năm căn này liền có bốn quả, đạo ba thừa. Nói về tụ thiện, năm căn này là trên hết.
Tóm lại ở đây nói là Ngũ căn, [trong đó] Tín là niềm tin thì cực kỳ quan trọng, lúc nào đó chúng ta sẽ học lại mấy điều này, bây giờ chúng ta chỉ giới thiệu thôi. Đồng tu tu lâu năm thì biết rồi, phải tinh tấn, phải ghi nhớ, phải có Định và có Huệ. Tín, Tấn Niệm, Định, Huệ, ở bên A Tỳ Đàm gọi là Ngũ quyền, thì nắm sự quan trọng để vào được Sơ quả cho đến Tứ Thánh quả, thậm chí là thành Phật.
Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện học những điều này như vậy”.
Các Tỳ-kheo sau nghe Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
(Kinh Số 1 – Phẩm Thiện Tụ Thứ 32 – Thiên Năm Pháp – Kinh Tăng Nhất A Hàm).
Vậy quý vị thấy rõ ràng có nhiều con đường để tu, cho nên đâu có khó đâu quý vị. Mấy điều này không khó, vào Sơ quả cũng không khó đâu, mình tu rồi mình thấy tự tin hơn. Và hôm nay Thiện Trang giới thiệu một pháp học nữa trước khi vào phần A Tỳ Đàm, đó là:
Cúng Dường Bậc Nào Được Quả Báo Hiện Tiền?
Điều này Thiện Trang có nói qua ở một bài giảng nào lâu rồi, nhưng Thiện Trang muốn trích dẫn theo kinh để quý vị thấy, chứ còn Thiện Trang nói không thì quý vị không tin.
Tôi nghe như vầy: Một thời, đức Phật ở trong vườn [ông] Cấp Cô Độc, rừng cây [Thái tử] Kỳ Đà, nước Xá Vệ.
Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: “Có bảy hạng người đáng thờ, đáng kính, là phước điền vô thượng thế gian. Những ai là bảy hạng người? Một là hành Từ, hai là hành Bi, ba là hành Hỷ, bốn là hành Xả, năm là hành Không, sáu là hành Vô tướng, bảy là hành Vô nguyện. Đó gọi là bảy hạng người đáng thờ, đáng kính, là phước điền vô thượng thế gian. Vì sao vậy? Vì có chúng sanh nào hành bảy pháp này thì ở trong hiện pháp được quả báo lớn”.
Bảy pháp này thật ra cũng dễ thôi. Quý vị mà tu được Từ, Bi, Hỷ và Xả, Tứ vô Lượng tâm và tu thêm Không, Vô tướng, Vô nguyện (nhập Không, Vô tướng, Vô nguyện Pháp môn). Thế nào là Không, Vô tướng, Vô nguyện, thì Thiện Trang sẽ giới thiệu sau, chứ bây giờ mà giới thiệu thì nhiều quá, [sẽ làm] quý vị rối. Thiện Trang muốn nói là: nếu quý vị tu được Từ, Bi, Hỷ, Xả, [hoặc] tu một trong mấy [pháp] này thôi, hoặc tu Không, Vô tướng, Vô nguyện thôi, là quý vị trở thành phước điền vô thượng của thế gian, là quý vị ngon lắm đó. Người ta cúng dường quý vị là có phước lắm. Quý vị tu một [pháp] đó thôi đã là như vậy rồi, huống hồ chi nhiều, điều đó rất là tuyệt vời.
Khi ấy, ngài A Nan bạch đức Thế Tôn: “Vì sao không nói Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi-phật, Phật. Mà lại nói bảy pháp này?”
Sao kì vậy, ngài A Nan thắc mắc tại sao phước điền vô thượng của Thế gian phải là Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi-phật, và Phật chứ. Những ngài đó mới là ruộng phước điền vô thượng của thế gian chứ, tại sao lại nói bảy hạng người tu mấy pháp kia, [những vị đó] chưa có quả chứng gì hết mà, tại sao ngược vậy? Cho nên không học nhiều khi mình thấy sao kì vậy, mình phải cúng dường cho Phật mới có phước chứ. Ở đây Phật giải thích luôn:
Thế Tôn nói: “Bảy hạng người, hành Từ, v.v, hành của họ cùng với Tu-đà-hoàn cho đến Phật không giống nhau. Tuy cúng dường Tu-đà-hoàn cho đến Phật cũng không được báo hiện tiền; nhưng cúng dường bảy hạng người này, ở hiện đời được báo.
Có nghĩa nếu chúng ta cúng dường các bậc Thánh như Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi-phật và Phật, thì quý vị được quả báo rất lớn, nhưng sẽ trổ ở đời sau, không trổ ở đời này. Còn quý vị muốn [phước báo] trổ đời này, thì quý vị phải cúng cho hàng phàm phu, như người tu Từ, Bi, Hỉ, Xả, tu hành môn Không, tu hành môn Vô tướng, môn Vô nguyện. Quý vị thấy ngược không? Tại vì sao vậy? [Điều này] Thiện Trang giải thích rồi, nếu như quý vị cúng dường cho các vị Thánh Tu-đà-hoàn trở lên, thì quả báo mình nhận được lớn lắm, mà thân này không kịp trổ, phải đợi đời sau mới trổ, khổ vậy đó! Còn [cúng dường] cho mấy hạng người kia, [họ còn là] phàm phu, thì quả báo nhỏ hơn, không bằng, nên trổ được liền.
Cho nên quý vị đừng khinh thường, cứ toàn đi kiếm cúng dường cho A-la-hán. Cúng dường A-la-hán, cúng dường cho Phật v.v… [thì cũng] được, có quả báo, quả báo đời sau rất tốt. Nhưng quý vị đời này muốn đổi mạng, tức là muốn trở thành giàu có, v.v… thì quý vị chịu khó cúng cho phàm phu đi. Điều đó ngược đời như vậy đó. Mà hạng phàm phu nào? Là bảy hạng tu: Từ, Bi, Hỷ, Xả, và Không, Vô tướng, Vô nguyện này, chứ không phải hạng phàm phu bình thường. Nhớ nha quý vị!
Cho nên không học Phật pháp, nhiều khi mình sai lầm. Thiện Trang nghĩ nếu mình có dịp thì cúng cho cả hai, để đời này mình cũng được quả báo ngay, mà đời sau mình cũng được quả báo luôn, cho nên nếu có dịp thì cúng. Tranh thủ người ta chưa vô Sơ quả, mình cúng để mình được quả báo đời này. Mai mốt lỡ người ta vô Sơ quả rồi thì mình được quả báo đời sau thôi. Cho nên đừng có chú trọng mà sai lệch nha, phải hiểu như vậy. Đây là pháp hành đấy.
Ở đây [Thiện Trang] sẵn chia sẻ câu chuyện luôn, tại vì có nhiều người nói phải tu Thiền, v.v… mới có quả báo thành Phật… Nhưng thật tế quý vị coi trong Kinh A Hàm, Kinh Nikaya, những chuyện như tiền thân, chuyện này chuyện kia, người ta chỉ cần tu một hạnh nào đó thì người ta cũng có thể đắc đạo được, chứ không phải tu [nhiều] hạnh đâu. Nhưng tất nhiên Thiền định, các pháp quán Tứ Niệm Xứ quan trọng, đó là chính, còn có các pháp khác [là] hỗ trợ.
Thiện Trang cử câu chuyện tiền thân của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Vào thời quá khứ, kiếp xa xưa, Ngài là công chúa Mâu Ni, thời đó có đức Phật ra đời hình như tên là Bảo Tạng Như Lai thì phải. Khi đó có một vị Tỳ-kheo già rồi, có chỗ khác nói là anh của công chúa Mâu Ni, trong Kinh A Hàm không nhắc đến vai trò hai người đó là bà con như thế nào. Vị Tỳ-kheo đó già rồi nên tu Thiền không được, tu định không được, thấy mình già rồi không biết có cách nào để tu không. [Vị Tỳ kheo đó] hỏi đức Phật Bảo Tạng: “Bây giờ con tu không đắc Thiền được nữa rồi, bây giờ có cách nào tu để con có thể thành Phật không?” Đức Phật Bảo Tạng dạy: “Bây giờ ông hãy đi cúng dầu (đèn dầu) cho Phật”.
[Sau đó] hằng ngày vị đó mới đi vô trong thành khất dầu (xin dầu), để thắp đèn cúng dường cho Phật, cúng cho Phật trực tiếp luôn. Công chúa Mâu Ni thì cúng dường rất nhiều. Một ngày nọ, vị Tỳ-kheo đó được đức Phật Bảo Tạng thọ ký là: Do công đức cúng dầu đó mà tương lai sau bao nhiêu vô lượng kiếp sau, ông sẽ thành Phật hiệu là Nhiên Đăng (Minh Đăng Quang). Nghe như vậy nên ngài rất mừng, mặt mày tươi tỉnh, sáng suốt, vì ngài được thọ ký là sau này thành Phật rồi mà, cho nên vui lắm. Khi [thấy] như vậy thì công chúa Mâu Ni mới hỏi vị Tỳ-kheo già: “Sao hôm nay ngài vui vậy?” Vị Tỳ-kheo nói: “Bao lâu nay tôi đi xin dầu cúng dường (vì Tỳ-kheo làm gì có dầu, phải đi xin người ta cho thì mới có đem về cúng), giờ được đức Phật Bảo Tạng thọ ký là tương lai sẽ thành Phật Nhiên Đăng (Minh Đăng Quang), cho nên tôi vui lắm”. Công chúa Mâu Ni nói: “Sao tôi bố thí cho ngài, tôi cũng cúng dường nhiều lắm mà. Còn ngài chỉ đi khất thực thôi mà cũng được thọ ký?”
Sau đó [công chúa Mâu Ni] tới khiếu nại với Phật (mình gọi là khiếu nại): “Sao con cúng dường nhiều dầu như vậy, mà ngài không thọ ký cho con [khi nào] thành Phật?” Đức Phật Bảo Tạng mới nói: “Này công chúa Mâu Ni, phàm thân nữ có năm điều chướng (chúng ta biết năm điều chướng là: 1. Không thể làm Chuyển Luân Thánh Vương, 2. Không thể làm vua trời Đế Thích, 3. Không làm Ma vương, 4. Không làm Phạm thiên vương, 5. Không thể làm Phật), cho nên cô chưa được thọ ký thành Phật”. Lúc đó cổ rất mong phát tâm [làm Phật], nói: “Nếu ngài không thọ ký cho con, thì con sẽ tự vẫn”. Lúc đó đức Phật nói: “Này cô, cô có thể đợi đến vô lượng kiếp sau, sẽ có đức Phật ra đời hiệu là Minh Đăng Quang (chính là vị Tỳ-kheo đó), vị đó sẽ thọ ký cho cô thành Phật”. Quý vị biết đức Phật đó là Phật Nhiên Đăng, và Ngài thọ ký cho đức Phật Mâu Ni là sau này thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Và câu chuyện đó bắt đầu từ việc cúng dường năm đóa hoa sen của cô Da Du Đà La. Sau khi cúng xong thì được thọ ký thành Phật.
Cho nên là phải vô lượng kiếp sau mới được thọ ký thành Phật. Và câu chuyện đó ghi nhận: đó là lần đầu tiên đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni phát tâm thành Phật độ chúng sanh vào thời kiếp xa xưa như thế. Và bên A Tỳ Đàm nói là 20 a-tăng-kỳ kiếp về trước, xa như thế! Cho nên mới đầu ngài chỉ là một người nữ thôi, mà ngài phát tâm, Mâu Ni tức là công chúa Mâu Ni, và qua 20 a-tăng-kỳ kiếp sau ngài trở thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Và từ thời đức Phật Nhiên Đăng cho đến nay, trong kinh khác có nói là 4 a-tăng-kỳ kiếp. Có nghĩa là ngài đã tu 16 a-tăng-kỳ, và đến 16 a-tăng-kỳ mới được thọ ký thành Phật.
Cho nên con đường thành Phật dài xa quá, nghe vậy ngán quá nên khỏi tu luôn, đúng không? Xin lỗi quý vị! Đó là con đường thành Phật, còn quý vị muốn thành A-la-hán hay Tu-đà-hoàn thì nhanh lắm. Đặc biệt là vô [địa vị] Tu-đà-hoàn hay mấy địa vị như Gia gia, Nhất chủng, chúng ta nói là Tứ gia hạnh, thì con đường đó dễ hơn rất nhiều, không có mất thời gian nhiều đâu. Cho nên con đường thành Phật thì xa, còn con đường ra khỏi sanh tử thì gần. Quý vị đừng có lẫn lộn hai con đường đó. Nghe nói 3 đại a-tăng-kỳ kiếp hay 20 a-tăng-kỳ kiếp hoặc là 40 a-tăng-kỳ hay 80 a-tăng-kỳ xa quá, ngán. Đó là con đường thành Phật.
Quý vị thấy hôm bữa chúng ta giảng đến Kinh Quán Vô Lượng Thọ, từ Hạ phẩm Hạ sanh đến Thượng phẩm Thượng sanh là 12 đại kiếp, mới hoa nở thấy Phật, chứ không nói là bao giờ thành Phật. Cả bậc Thượng phẩm Thượng sanh cũng không nói là bao giờ thành Phật. Kinh Vô Lượng Thọ cũng không nói thời gian chính xác bao giờ thành Phật. Còn các cách nói, Thiện Trang nghĩ là chỉ có chư Tổ nói, chứ chưa có kinh nào nói rõ ràng. Thiện Trang thấy Kinh Hoa Nghiêm cũng không có nói rõ [thời gian] là bao nhiêu lâu. Cho nên chúng ta cứ học đi, rồi từ từ mình rõ.
Mà quan trọng Thiện Trang nghĩ mình là sợ sanh tử mà, nên ra khỏi sanh tử đã. Còn việc thành Phật thì từ từ, không sợ, thời gian lâu xa cũng được, đúng không? Giống như người đã biết bơi thì không bao giờ sợ chết đuối nữa, ta cứ xuống sông, xuống biển ta bơi cũng được, không sao. Mình đâu có chết đuối nữa đâu mà sợ, có phao rồi. Phao đó là đắc đạo Sơ quả Tu-đà-hoàn, thì không sợ đọa đường dữ, đường ác là được rồi, con đường thành Phật dài xa thì có sao đâu. Còn ai sợ quá thì nhập Niết-Bàn đỡ đi, theo Nam truyền (đây là theo thuyết chứ Thiện Trang chưa đọc hết kinh, chưa thấy nói), có vị Sư bên Nam truyền nói là thành A-la-hán rồi thì nhập Niết-Bàn luôn, không ra nữa. Còn bên Kinh Lăng Nghiêm của chúng ta thì nói là thành A-la-hán rồi cũng [tiếp tục] cầu Bồ-đề. Dù sao sau này [ai] rồi cũng thành Phật thôi. Chúng ta tin theo Đại thừa thì mình thấy con đường dài xa cũng được, miễn là ra khỏi sanh tử trước đã. Đó là Thiện Trang nói với quý vị như vậy.
Như vậy ở đây nói là cúng dường cho những bậc từ Tu-đà-hoàn cho đến Phật thì không được hiện báo.
Cho nên, A Nan, cần phải nỗ lực dũng mãnh để thành tựu bảy pháp này. A Nan, hãy học điều này như vậy.
A Nan sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
(Kinh Số 4 – Phẩm Bảy Ngày Thứ 40 – Kinh Tăng Nhất A Hàm).
Quý vị thấy Kinh Tăng Nhất A Hàm có rất nhiều chi tiết hay, nếu quý vị có thời gian thì quý vị nghe. Nếu quý vị muốn nghe những đoạn ngắn ngắn thì quý vị nghe Kinh Tăng Nhất A Hàm, có nhiều bộ kinh ngắn. Còn Kinh Trường A Hàm thì dài.
Mình đang học phần Ngũ uẩn, nên hôm nay Thiện Trang giới thiệu luôn cho quý vị phần Ngũ uẩn theo tạng kinh. Chúng ta cũng đã học bên Luận Câu Xá, hôm nay ôn lại một chút.
Ngũ Uẩn Theo Kinh Tăng Nhất A Hàm
Bấy giờ, đức Thế Tôn thuyết pháp cho hàng nghìn vạn chúng trước sau vây quanh; thuyết về khổ của năm thủ uẩn (Ngũ uẩn).[1] Sao gọi là năm? Đó là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức.
Sao gọi là Sắc uẩn? Đó là thân do bốn đại (Tứ đại), là sắc được tạo bởi bốn đại. Đó gọi là Sắc uẩn. Điều này thì dễ rồi, thân của chúng ta là do: Đất, Nước, Gió, Lửa tạo nên, đó là Sắc uẩn. Tại vì hôm bữa Thiện Trang nói Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, mà Thiện Trang coi thấy mệt quá, mỗi người giảng mỗi kiểu. Thiện Trang thì không muốn giảng theo nhiều kiểu không có căn cứ, nên chúng ta căn cứ vào kinh. Đây là một bộ kinh nói về Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, [mời] chúng ta nghe.
Sao gọi là Thọ uẩn? Đó là cảm thọ khổ, cảm thọ lạc, cảm thọ không khổ không lạc. Đó gọi là Thọ uẩn. Chi tiết này thì dễ đúng không? Chúng ta có thể cảm nhận thấy khổ, hay là thấy vui, cảm thấy không khổ không vui tức là trơ trơ, không có tác dụng gì hết. Giống như mình đang ngồi mà thấy đau chân quá, đó là cảm thọ khổ. Còn vô tắm thấy nước ấm áp [hay] mát quá, đó là cảm thọ lạc. Hoặc là có khi đi ngoài mưa, mình thì thấy lạnh, còn người ta quen rồi nên thấy trơ trơ. Người mà thấy trơ trơ, không cảm thấy khổ, không cảm thấy lạc, thì đó là xả thọ. Ba thọ đó gọi là Thọ uẩn. Thọ là cảm nhận, cảm thọ.
Sao gọi là Tưởng uẩn? Đó là sự tụ hội của ba thời. Đó gọi là Tưởng uẩn. Tưởng uẩn là sự tụ hội của ba thời, đó là quá khứ, hiện tại, và tương lai. Điều này đằng sau có nói, nên chút nữa sẽ nói lại. Chúng ta cứ tiếp tục đi, vì nếu Thiện Trang giảng thì sẽ bị lặp lại.
Sao gọi là Hành uẩn? Đó là thân hành, khẩu hành, ý hành. Đó gọi là Hành uẩn. Thân hành là việc làm của thân, khẩu hành là việc làm của miệng, ý hành là việc làm của ý. Ba điều này gọi là Hành uẩn. Chúng ta nghe điều này thấy khác đúng không? Chút nữa chúng ta còn phần đằng sau sẽ giải thích lại.
Sao gọi là Thức uẩn? Đó là nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý. Đó gọi là Thức uẩn. Tức là sự biết của mắt, sự biết của tai, sự biết của mũi, sự biết của lưỡi, sự biết của thân, và sự biết của ý, gọi là Thức uẩn.
Ở đây đức Phật nói lại một lần nữa:
Sao gọi là Sắc? Sắc bao gồm lạnh cũng là sắc, nóng cũng là sắc, đói cũng là sắc, khát cũng là sắc. Điều này thì hơi sâu một chút. Sắc uẩn là do bốn đại, nhưng cảm nhận đói là mình cảm thấy đói, rồi nóng, lạnh, khát, cũng là sắc.
Sao gọi là Thọ? Thọ là giác biết. Giác biết điều gì? Giác biết khổ, giác biết lạc, giác biết không khổ, không lạc. Đó gọi là giác biết. Điều này thì rõ ràng là giải thích cho cảm nhận ở trên. Sự biết này là biết về điều gì? Biết về khổ, biết về vui, và biết không khổ không vui. Sự biết đó gọi là thọ. Quý vị thấy chúng ta học tạng kinh thì rõ ràng đúng không? Còn người ta cứ dẫn đi, Thiện Trang thấy mệt quá, mỗi người dẫn mỗi kiểu, biết đường nào mà lần. Cũng đúng, nhưng không có căn cứ, Thiện Trang thấy căn cứ theo kinh là rõ ràng nhất. May mắn là Thiện Trang cũng đã duyệt rất nhiều kinh, nên Thiện Trang biết là chỗ nào có hết. Thiện Trang nói thôi trong kinh có hết, nghe người ta giảng mệt, người ta giảng theo ý của người ta, thôi coi trong kinh cho nguyên gốc.
Mà quý vị thấy coi trong kinh nguyên gốc thì tu dễ lắm, Thiện Trang thấy tất cả các pháp tu nào mà coi trong kinh, mình tu theo đều thấy hiệu quả, an lạc, nhẹ nhàng. Giống như niệm Phật mà niệm theo Kinh Quán Vô Lượng Thọ chỉ phương pháp quán tưởng v.v… hoặc là tu theo Thượng phẩm Thượng sanh, mấy phẩm cao đó quý vị, thì tu rất đơn giản, tu Lục niệm thôi: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên, v.v… tu nhẹ nhàng lắm. Hoặc là quán tưởng niệm công đức của Như Lai thì thấy dễ. Còn tu theo người ta, người ta chỉ trì danh, ăn rồi cứ A Mi Đà Phật… thì niệm mệt hơn. Tất nhiên là cũng tốt, nhưng không bằng cách của Phật chỉ. Rồi quán hơi thở v.v… tất cả các pháp mà Thiện Trang coi trong kinh, Phật dạy sao mình làm vậy thì thấy hiệu quả, nhẹ nhàng, mà cũng đơn giản nữa. Còn đời sau này bày vẽ đủ các kiểu, thành ra mệt hơn nhiều.
Cho nên Thiện Trang khuyên là quý vị cứ học theo kinh, học theo kinh sẽ hiệu quả hơn rất nhiều, bởi vì đó là lời của Phật. Lời của Phật thì chắc chắn hơn lời của người thời nay và lời của chư Tổ đời sau [Phật]. Chư Tổ đời sau và người thời nay chắc chắn không bằng Phật. Nên nhớ như vậy! Nếu mình coi một kinh chưa đủ, thì mình coi mấy kinh, đức Phật nói đi nói lại nhiều lần, nên mình coi chỗ này một chút, coi chỗ kia một chút, gom lại là đủ. Khổ nỗi thời nay không có thời gian để coi thôi. Thiện Trang xin phát tâm coi giùm cho quý vị, coi xong thì sẽ trích dẫn lên bài giảng ở đây. Cho nên quý vị nghe được là quý vị đủ rồi. Thiện Trang trích kinh thôi, Thiện Trang đâu có nói theo Thiện Trang đâu, quý vị thấy lời kinh rõ ràng mà. Quý vị thông minh, trí tuệ hơn Thiện Trang, quý vị [coi] là hiểu liền. Có nhiều người giỏi hơn Thiện Trang chớ. Còn người không giỏi thì cũng không sao, nghe Thiện Trang chia sẻ thì quý vị cũng hiểu. Cho nên yên tâm nha! Bữa nay mình hiểu rồi.
Thọ cũng là giác biết, nhưng giác biết về điều gì? Đó là giác biết về khổ, giác biết về lạc, giác biết về không khổ không lạc. Tức là [biết] về vui, khổ, và không vui không khổ là được.
Tiếp theo là nói về Tưởng và Hành. Tưởng và Hành mới khó.
Sao gọi là tưởng? Tưởng cũng là biết (đức Phật nói tưởng là biết; quý vị thấy [thọ] là biết, mà tưởng cũng là biết). Đó là biết xanh, vàng, đỏ, trắng, biết khổ, biết lạc. Đó gọi là biết. Chỗ này hơi khó hiểu. Biết xanh, vàng, đỏ, trắng là mình biết về màu sắc; rồi biết khổ, biết lạc là thuộc về cảm nhận. Nhưng quý vị phải kết hợp với ở trên thì sẽ tương ưng với những điều mà Thiện Trang giảng từ bữa giờ. Ở trên chữ Tưởng uẩn là tụ hội của ba thời, cũng là biết, nên người ta diễn ra thành kinh nghiệm. Kinh nghiệm biết về ba thời: quá khứ, hiện tại, vị lai. Tức là bây giờ mình biết xanh, vàng, đỏ, trắng về quá khứ. Ví dụ mình nhớ là thầy Thiện Trang hồi xưa là Cư sĩ nên thầy mặc áo trắng, hoặc áo lam, cho nên mình tưởng tượng ra ngay. Rồi hồi xưa da của thầy đen đen… mình tưởng tượng ra như vậy. Đó là sự biết về quá khứ, xanh, vàng, đỏ, trắng.
Rồi sự biết này là tụ hội của ba thời, [ví dụ] bây giờ mình biết là da của thầy Thiện Trang trắng hơn hồi xưa, rồi mặt mày cũng đẹp hơn xưa… [Còn] mình tưởng về tương lai là mình nghĩ tương lai chắc thầy già lắm, da dẻ nhăn nheo, tưởng tượng mắt cận, lưng gù gì đó v.v… Những sự biết đó cũng là biết, nhưng sự biết này là tụ hội của ba thời: quá khứ, hiện tại và tương lai dồn chung lại, do kinh nghiệm về quá khứ, do mình thấy những gì ở hiện tại, và mình tưởng về tương lai, mình suy nghĩ, mình đoán được tương lai là như vậy. Và sự biết này sâu hơn, sự biết này gọi là Tưởng uẩn.
Quý vị thấy không ạ? Theo kinh thì chúng ta kết hợp lại chúng ta nói, nên cách nói hôm bữa của chúng ta là đúng, nhưng đó là diễn đạt lại, còn đây là nguyên văn của Phật. Bữa nay chúng ta học về Tưởng rõ ràng rồi đó, chứ không là mơ mơ màng màng, không biết.
Rồi Hành là khó nhất, hôm bữa mình cũng chưa giảng về Hành rõ ràng đúng không? Ở trên này nói: Hành uẩn là thân hành, khẩu hành, ý hành. Hành là hành động; hành động của thân, hành động của miệng, hành động của ý. Còn ở dưới này thì nói thế nào?
Sao gọi là hành? Nó tác thành nên gọi nó là hành. Tác thành những gì? (Tác thành là làm nên thành một việc gì đó) Hoặc thành hành vi ác, hoặc thành hành thiện. Cho nên gọi là hành. Vì vậy cho nên có người giảng là việc thiện ác. Đó là tính chất thiện ác đúng không? Ý nghĩa là vậy. Ở đây nói là hành vi ác, hành vi thiện, ở nơi thân, khẩu và ý. Cho nên nói gọn là tính chất thiện ác, hay suy nghĩ thiện ác. Tại vì nếu trên thân thì đâu có suy nghĩ đâu, miệng thì nói, nhưng ý thì suy nghĩ. Nếu suy tư về ác hay thiện, thì gọi là ý hành; còn miệng nói có tính chất thiện hay ác, thì gọi là khẩu hành; và thân như tay, chân mà làm việc tốt, ví dụ quý vị chép kinh thì đó là việc thiện, hoặc là quý vị đánh người ta thì là ác, nên đó gọi là [thân hành].
Cho nên mình hiểu tính chất là hành vi ác, hành vi thiện của thân, khẩu, ý. Tóm lại là vậy. Cho nên rõ ràng rồi đúng không ạ? Từ đây mình giảng lại Thân kiến là gì, thì mình mới hiểu được. Mình biết Thân kiến là gì, mình bỏ những điều này ra thì mới phá được Thân kiến chứ.
Sao gọi là Thức? (Ở trên nói Thức uẩn là nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý, tức là 6 căn của mình) Thức là phân biệt nhận biết phải hay không phải, cũng nhận biết các vị. Đó gọi là Thức. Tức là quý vị nhận biết phải hay không phải, sự biết này sâu hơn sự biết kia. Sự biết này là phân biệt [nhận biết] phải hay không phải, ví dụ quý vị mở đúng kênh YouTube của thầy Thiện Trang không, đúng trang Facebook của thầy Thiện Trang không. Đó là biết phải hay không phải. Rồi nhận biết đến các vị. Đó là Thức.
Các thiên tử nên biết, có năm Thủ uẩn này, là biết có ba đường: ác đạo, thiên đạo và nhân đạo. Năm thủ uẩn này diệt, biết là có đạo Niết-bàn.
Khi Phật nói pháp này cho các vị trời, có sáu vạn người trên trời được mắt pháp trong sạch.
Sau khi thuyết pháp xong, đức Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy, đến đỉnh núi Tu Di nói kệ này:
Các ngươi hãy siêng học
Nơi Phật, Pháp, Thánh chúng.
Diệt đường đến tử vong,
Như dùng móc dạy voi.
Những ai không biếng nhác
Ở trong Chánh pháp này;
Người ấy dứt sanh tử,
Không có nguồn gốc khổ.
(Trích từ Kinh Số 5 – Phẩm thứ 36 – thiên Sáu Pháp – Kinh Tăng nhất A Hàm).
[Bài kệ nói] chỉ cần tu siêng năng, không biếng nhác thôi, thì người ấy dứt sanh tử. Như vậy ở đây là có căn cứ. Thiện Trang xin không giải thích thêm, để lúc nào đó Thiện Trang sẽ giảng lại cho quý vị về phá Thân kiến. Muốn phá Thân kiến thì quý vị về tìm hiểu cho rõ những điều này, đó là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức theo trong kinh. Rồi sau đó mình tách ra, đừng cho thân thể này có ta trong đó, đừng cho nó là ta. Điều này thì dễ rồi đúng không? Mình biết thân này không phải chỉ mỗi đời này, chết rồi mình có thân khác. Đó là bỏ được Sắc, loại ra [được] Thân kiến trong Sắc. Rồi [đến] Thọ: [Thọ] là cảm nhận, đừng cho cảm nhận đó là ta. Ví dụ như mình cảm nhận ta bị nóng quá. Không phải! Điều đó là do môi trường làm cho nóng quá thôi.
Hình như hôm bữa có đồng tu nói cho Thiện Trang, ngôn ngữ khoa học bây giờ người ta nói là sự biết đó không phải là ta, suy nghĩ đó không phải là ta. Quý vị cứ [nghĩ] vậy, sự biết đó không phải là ta, suy nghĩ đó không phải là ta, Tưởng đó không phải là ta, cảm nhận đó không phải là ta. Tóm lại nói một điều đó thôi, quý vị xác nhận được điều đó thì quý vị phá được Thân kiến.
Bao giờ quý vị thấy thật [được] như vậy [thì phá Thân kiến]. Còn bây giờ quý vị thấy sự biết này là ta, ta biết như vậy, ta biết thầy Thiện Trang như thế. Cho nên không được, thấy hành vi thiện ác đó [là do] ta làm, ta đang làm hành [vi] ác, ta đang làm thiện, thì đó là ta đó. Điều này khó! Ngày nào đó mình kêu hành vi thiện ác (Hành uẩn này) không phải là ta. Vì sao? Nó là do duyên thôi, do duyên mà ta như thế, hoàn cảnh ta như thế, cho nên ta làm việc đó.
Giống như ngày xưa Thiện Trang có cắt cổ một con gà thôi mà nhớ cả đời. Thiện Trang nhớ đó không phải là Thiện Trang làm việc đó, mà do duyên như thế, trong hoàn cảnh như thế, bữa đó không có ai làm, nên bắt mình làm, rồi cuối cùng phải làm thôi. Sau đó bị phạt, bữa đó đi xe bị té chảy máu quá trời, từ đó sợ quá không làm nữa, nghỉ luôn.
Quý vị thấy mình nhớ như vậy, một ngày nào đó mình nói là do mê, không phải mình làm, do nghiệp nên mình mê. Cho nên [phải] bỏ ra, không cho hành vi thiện, hành vi ác là mình, và không làm nữa, đó là bỏ được Hành.
Còn Thức là sự phân biệt, nhận biết được phải hay không phải, nhận biết các vị, nhận biết được mùi, tùm lum hết. Sự nhận biết đó không phải là ta, mà do mắt ta không được tốt lắm cho nên nhìn màu đen thành ra màu khác v.v… Hoặc là màu đó đẹp lắm nhưng mình nhìn thấy xấu, cho nên đó không phải là sự biết (Thức) của mình.
Rồi vô bữa ăn, cùng một món đó dọn lên nhưng mỗi người cảm nhận khác nhau. Người nói tôi thấy món ăn này vừa miệng, ngon quá, ngon quá, người kia thì nói mặn quá, có ngon đâu, còn người kia nói lạt (nhạt) quá, không được. Cho nên sự biết đó không phải ta, do nhân duyên như thế, nhân như thế, quả như thế. Duyên gì? Duyên là từ nhỏ đến lớn mình ở trong nhà ăn mặn quá, toàn ăn nước mắm quá mặn, nên là mình ăn mặn. Cho nên người ta dọn ra, mình ăn thấy vị lạt (nhạt). Còn người kia do từ nhỏ đến lớn ở trong gia đình ăn nhạt quá, nên thấy mặn. Rồi người kia họ thấy vừa, bởi vì họ nấu món đó, ngày nào họ cũng nấu như vậy cho nên họ ăn thấy vừa. Điều đó không phải là sự biết của ta, mà sự biết đó là do hoàn cảnh đó, môi trường đó, cơ thể đó, ta luyện hoài thành quen. Cho nên sự biết đó không phải là chân lý và không phải là ta.
Quý vị làm sao đó [phải] quán [được] như vậy. Cho nên tu trong đời sống hằng ngày phải thường trực hiện tiền, đó gọi là quán Tứ niệm xứ và đó là [cách] phá Thân kiến. Quý vị nghe cho rõ, khi quý vị hành trì một thời gian thì quý vị phá [được] Thân kiến. Quý vị nhớ nha! Bất cứ cảm nhận nào, ví dụ Thiện Trang thấy ở Pháp lạnh quá, bây giờ mùa đông lạnh quá, có 3-4 độ, có bữa xuống âm 2-3 độ luôn, lạnh quá. Vì sao? Thiện Trang thấy lạnh là vì Thiện Trang ở xứ nóng mới qua, còn nếu một người ở đây thì [họ] thấy bình thường mà, ngày nào năm nào chả vậy.
Đó là sự biết, sự cảm nhận, (cảm thọ) của mình, là Thọ uẩn đó, không thật, không phải là ta, mà chỉ do duyên như thế, nhân như thế, quả như thế, và cứ biết như vậy. Khi mình tách được điều đó ra, tách những cái biết, những cảm nhận, những suy nghĩ thiện ác, những việc làm thiện ác, rồi thân này mình tách ra được hết, không phải là ta nữa, mà mình biết là do duyên mà thành. Quán đó là Tứ niệm xứ, và Tứ niệm xứ này giúp cho quý vị phá Thân kiến. Cho nên mình không sân, bởi vì mình không thể nào đem mấy điều giả đó lấp vô mình, cho là mình hết. Vì sao? Món ăn bữa đó đâu phải ngon hay dở, mặn hay nhạt, mà là do mình cảm nhận, do hoàn cảnh đó.
Cho nên người dân miền Tây có một cách ăn rất ngon, quý vị có biết người dân miền Tây [ăn] thế nào không? Người dân miền Tây luôn luôn nấu lạt thôi, và để nước chan ở đó, ai thích chan bao nhiêu thì chan, chan thêm vô cho ngon. Ví dụ nấu cháo vừa vừa, lạt lạt thôi để đó, rồi làm nước chấm gừng, đủ các loại chấm v.v… chan vô thì vừa. Vừa miệng mình là mình thấy ngon, không đổ lỗi cho ai được hết, lỡ chan nhiều quá, mặn thì ráng chịu thôi. Cho nên tại sao quý vị tới miền Tây, [thấy] người miền Tây nấu ăn cực kỳ ngon. Mà Thiện Trang thấy đúng, ai là người miền Tây thì đa số nấu ăn cực kỳ ngon. Tại vì có nghệ thuật nấu ăn, được học bài bản v.v… đủ các kiểu.
Đó là cách để mình thích nghi, và quý vị học như vậy [một] thời gian là quý vị phá được Thân kiến. Cứ thường xuyên biết: ‘À, hôm nay nỗi khổ này không phải là ta đâu, mình biết sự khổ đó là giả’. Chứ người ta cứ thấy vui mà. Giống như người bị bệnh phong cùi, họ thấy gãi mới đã, còn mình thấy gãi thì đau. Điều đó là rõ ràng! Sự cảm nhận, cảm thọ đó không phải thật, không phải là ta. Mình tách ra đi, suy nghĩ đó không phải là ta, cảm nhận đó không phải là ta, thân này không phải là ta, tay chân này không phải là ta, sự biết đó không phải là ta v.v… Quý vị tách ra được một thời gian, cứ thường xuyên nghĩ như vậy. Tách ra được hoài là phá [được] Thân kiến thôi, đến một ngày nào đó là xong, và Thân kiến đã hoàn thành. Còn Nghi và Giới cấm thủ mà quý vị cũng dứt được, thì xin chúc mừng quý vị, quý vị đã vào Sơ quả Tu-đà-hoàn.
[Chỉ] vậy thôi, mình cứ quán. Cho nên tu là tu như vậy, còn quý vị muốn tu Pháp môn nào cũng phải như vậy, mình quán, mình tu thêm, thích Thiền thì thiền, muốn niệm Phật thì niệm Phật. Quý vị tu [Pháp môn] nào cũng vậy thôi.
Như vậy hôm nay Thiện Trang đã nói rõ hơn về phá Thân kiến rồi, quý vị cứ đúc kết đoạn đó lại thì quý vị sẽ hiểu.
Khi Phật nói pháp này cho các vị trời, có sáu vạn người trên trời được mắt pháp trong sạch (tức là đắc Pháp nhãn tịnh).
Đắc Pháp nhãn tịnh cũng là Tu-đà-hoàn, [điều này] ở trong kinh, Thiện Trang đã coi kỹ rồi. Trong kinh có một đoạn, đằng trước đức Phật nói về vị Ni-kiền-tử gì đó, sau khi tới chất vấn đức Phật, đức Phật nói một hồi khai thị về Vô thường, lấy tiêu chuẩn là Chuyển Luân Thánh Vương, cũng bị già bệnh chết. Sau khi [đức Phật] thuyết, thì cuối cùng ổng thua, lúc đó ổng đắc được Pháp nhãn tịnh (tức là mắt pháp trong sạch). Sau khi đắc Pháp nhãn tịnh thì ổng trở về, mời đức Phật và chư Tăng để cúng dường. Cúng dường xong, 500 Đệ tử của ổng thấy ông này phản đạo rồi, nên giết ổng luôn. Sau khi chết, các Tỳ-kheo mới hỏi [đức Phật] là: “Ông ấy bị chết như vậy thì sanh về đâu?” Đức Phật nói: “Ổng đã đắc Tu-đà-hoàn, cho nên sanh về cõi Trời”.
Quý vị thấy rõ ràng, đằng trước thì nói đắc Pháp nhãn tịnh, còn đằng sau lại nói đắc Tu-đà-hoàn. Như vậy trong bộ kinh đó xác chứng là: đắc Pháp nhãn tịnh chính là Sơ quả Tu-đà-hoàn. Cho nên Pháp nhãn tịnh là được mắt pháp trong sạch, vậy thì chúng ta biết thêm [kiến thức này].
Như vậy ở đây nói thêm: có sáu vạn người trên trời (tức là người cõi Trời) đắc pháp Nhãn tịnh. Cho nên lên cõi Trời cũng đắc pháp nha quý vị, quý vị đừng lo là lên trời không có Phật pháp, không đắc pháp. Hồi xưa Thiện Trang thấy, cứ nói cõi Người thù thắng, cõi Người mới đắc đạo v.v… [Thật ra] không phải, mà cõi Trời cũng đắc đạo nha, thậm chí [không chỉ] cõi Trời, mà cõi A-tu-la trong đường thiện cũng đắc đạo.
Ví dụ trong Kinh A Hàm có câu chuyện bốn ông thần: Thần gió, thần đất, còn hai thần nữa Thiện Trang quên tên rồi, đức Phật thuyết pháp cho mấy ổng, mấy ổng cũng đắc đạo. Cho nên chúng ta phải hiểu, chứ không học một hồi mình cứ nói lên cõi Trời không có đắc đạo, đó là sai. Lên cõi Trời cũng đắc đạo, nhưng khó tu hơn thôi. Khó tu là tùy cõi, chủ yếu một nỗi khổ của cõi Trời [mà] trong kinh đức Phật nói: là khi sanh về cõi Trời, mà cõi trời Dục giới thì nguy hiểm ở chỗ: mới đầu lên quý vị có trí nhớ tốt lắm, bắt quý vị quán là quý vị từ đâu tới. Quý vị biết là tôi ở năm hai ngàn không trăm bao nhiêu đó, ví dụ 2050 tôi ở cõi Nam Diêm Phù Đề, tôi chết thì được sanh lên cõi trời Đao Lợi đây. Và do tôi được nghe Sư thầy Thiện Trang thuyết pháp, rồi tôi tu tập, và tu Bát quan trai v.v… nên tôi được sanh lên cõi Trời này, tôi được cung điện như vậy, được bao nhiêu thiên nữ hầu v.v… chẳng hạn, tôi được dự tiệc bàn đào. Lúc đầu thì nhớ, và cũng nguyện rằng [tôi] phải ráng tu nữa.
Nhưng trong kinh nói, sau khi lên như vậy, ví dụ quý vị là người nam tử (là thiên tử), chứ không phải thiên nữ, mà quý vị thấy thiên nữ đẹp quá là quý vị say mê vào đó, quý vị quên mất quá khứ. Cho nên từ đó dễ [đắm say], không còn tu hành nữa, lo hưởng phước, lo đi chơi với tiên nữ v.v… rồi cuối cùng hết phước, rớt xuống. Tại vì tuổi thọ cõi Trời không cố định, không phải 1.000 tuổi ở trời Đao Lợi đâu.
[Tuổi thọ] các cõi Trời chúng ta đã học ở bài trước rồi, tuổi thọ cõi Trời không cố định, chỉ có một cõi Trời cố định thôi, còn lại trời nào cũng không cố định hết. Cho nên rớt, không biết đằng nào mà lần đâu, hãy cẩn thận. Cho nên lên cõi Trời nguy hiểm ở chỗ đó. Ở nhân gian mình cũng vậy, ở nhân gian mình cũng đâu có biết là mình chết lúc nào đâu.
Sau khi thuyết pháp xong, đức Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy, đến đỉnh núi Tu Di nói kệ này:
Các ngươi hãy siêng học
Nơi Phật, Pháp, Thánh chúng.
Diệt đường đến tử vong,
Như dùng móc dạy voi.
Những ai không biếng nhác
Ở trong Chánh pháp này;
Người ấy dứt sanh tử,
Không có nguồn gốc khổ.
(Trích từ Kinh Số 5 – Phẩm thứ 36- thiên Sáu Pháp – Kinh Tăng nhất A Hàm).
Đoạn này hết rồi, Thiện Trang đã trích dẫn cho nhiều bộ kinh, không biết quý vị nghe nổi không? Bữa nay nhiều kiến thức lắm, nhưng thật ra chỉ có mấy kiến thức quan trọng thôi. Thời gian còn lại, Thiện Trang chia sẻ thêm Tâm sở trong A Tỳ Đàm, chúng ta nghe được bao nhiêu thì nghe. Cứ từ từ nghe, học rồi dần dần sẽ hiểu.
Trong A Tỳ Đàm có 215 pháp, giống như Bách Pháp Minh Môn Luận có 100 pháp. Còn A Tỳ Đàm chia ra 215 pháp, trong đó có 52 món Tâm sở, là 52 pháp. Chúng ta đã học qua 13 Tâm sở Tợ tha, gồm: 7 Tâm sở Biến hành là Xúc, Thọ, Tưởng, Tư, Nhất hành, Mạng quyền, Tác ý. Thiện Trang xin nhắc lại, Tợ tha tức là nó nương vào nhóm Tâm sở Bất thiện, hoặc nhóm Tâm sở Tịnh hảo. Còn Biến hành là tại vì lúc nào nó cũng đi hết, tức là trong các loại tâm, trong 121 tâm đều có các [Tâm sở] này, tức là suy nghĩ của mình lúc nào cũng có những Tâm sở này. Rồi có 6 Tâm sở Biệt cảnh: Tầm, Tứ, Thắng giải, Cần, Hỷ, Dục. Biệt cảnh tức là lúc có lúc không, và [những Tâm sở] này là Tợ tha, vì đi với thằng thiện thì thành ra thiện, mà đi với thằng ác thì thành ra ác.
Chúng ta đã học tới 14 Tâm sở Bất thiện, và đã học được một ít gồm 4 Tâm sở Biến hành. Tức là trong bất thiện luôn có mặt bốn [Tâm sở]: Si, Vô tàm, Vô úy, và Trạo cử. Nếu không có bốn thằng này thì không thể nào bất thiện được, lúc nào bất thiện thì [những Tâm sở này] cũng có mặt. [Còn] 10 Tâm sở Biệt cảnh, thì chúng ta đã học qua Tham, Tà kiến, Ngã mạn và Sân rồi. Bữa hôm nay Thiện Trang chia sẻ Tâm sở Tật, nếu còn thời gian thì thêm [Tâm sở] Lận và [Tâm sở] Hối. Còn không thì chia sẻ được bao nhiêu thì chia sẻ, bữa nay chia sẻ từ [Tâm sở] Tật.
II. Tâm sở Bất thiện gồm 14 chia làm hai nhóm: |
II.A. Tâm sở Bất thiện Biến hành gồm 4: 1. Si; 2.Vô tàm; 3.Vô úy; 4.Trạo cử. |
II.B. Tâm sở Bất thiện Biệt cảnh gồm 10: |
1.Tham; 2.Tà kiến; 3.Ngã mạn; (Nhóm Tham phần) |
4.Sân; 5.Tật (Tật đố); 6. Lận (che giấu); 7.Hối (Hối hận); (Nhóm Sân phần) |
8.Hôn trầm; 9.Thùy miên; 10.Hoài nghi; (Nhóm Trì trệ và Do dự) |
Chúng ta đã quá quen với bảng này, hôm bữa hình như Thiện Trang cắt nhầm, [Tâm sở] Hối nằm ở dưới này, thực tế thì [Tâm sở] Hối phải nằm ở trên. Nhóm Sân phần gồm có 4 Tâm sở: Sân, Tật, [Lận, Hối]; #Tật là tật đố; #Lận là che giấu, và che giấu này là che giấu tài sản; và #Hối là hối hận.
Bây giờ chúng ta sẽ học Tâm sở Tật, là Tâm sở thứ năm trong 10 Tâm sở Biệt cảnh của Bất thiện. Tật là tật đố. Thế nào là tật đố? Quý vị chắc nhiều người cũng biết, trong đầu cũng hình dung được. Ví dụ như đi học, thấy có đứa hơn điểm mình là mình ghét, mình không thích, điều này là tật đố. Tật đố là trạng thái ganh tị với sự thành tựu hay sự phát đạt của người khác, đơn giản vậy thôi. Tức là người ta thành công mà mình ghét, mình không thích. Hay trong Vô Tỷ Pháp Tập Yếu của Hòa thượng Trưởng lão Tịnh Sự nói: Là trạng thái tâm không mong muốn người khác được điều gì, tức là trạng thái tâm không mong muốn người ta thành tựu điều gì. Trạng thái như thế gọi là ganh tị hay là tật đố.
Và hầu như người đời đều có điều này, có rất nhiều. Tật đố là không nhìn vào chính mình, mà nhắm vào tha nhân (tức là nhắm vào người khác). Quý vị thấy rõ ràng, Tật đố là mình nhìn người khác chứ không phải nhìn mình, thấy người khác thành công mình không chịu, mình ghét, mình ganh, đó là Tật đố. Điều này là do nhìn ra ngoài, không nhìn vào trong.
Ở trong Chú Giải của Pali nói là: Không chịu được người khác hơn mình, gọi là Tật đố. Tức là thấy người ta hơn mình là mình chịu không được, điều này cũng rõ ràng. Thông thường [nếu] thấy người ta dở hơn mình thì mình đâu có tật [đố], ta thấy họ dở hơn mà, thành tựu một chút cũng đâu có ăn thua gì.
Thông thường đi học, Thiện Trang thấy có nhiều lớp, có nhiều đứa [ganh] tị lắm. Ví dụ [đứa đó] được 9 điểm, còn mình thi được 8 điểm, thì nó cũng cười bình thường, nó không ghét mình đâu. Nhưng bữa sau nó thấy mình được 9.5 điểm, còn nó 9 điểm là nó không thích. Điều này là Tật đố. Thiện Trang thấy hồi xưa đi học là có.
Và xin nói với quý vị, ai đi học với Thiện Trang, tại trong này cũng có những người bạn của Thiện Trang đang nghe pháp, nên Thiện Trang xin nói là Thiện Trang không có tính này. Hồi xưa những người đi học chung với Thiện Trang có thể thấy là Thiện Trang không có tính này. Mà [Thiện Trang] thấy bạn thành công là mình vui, cũng mừng, cho nên Thiện Trang có tùy hỉ. Và trong Phật pháp nếu quý vị tu giỏi hơn thì Thiện Trang cũng mừng cho quý vị, đấy là sự thật. Điều này là do không biết tùy hỷ công đức, tùy hỷ tức là vui theo [khi thấy] người ta thành tựu. Cho nên những người này dễ sân lắm, vì tức mình khi thấy người ta thành tựu.
Tật đố [vì] ganh tị, thái độ ganh tị, tật đố vì sự lợi lộc, vì sự cung kính, vì tín ngưỡng. Ví dụ như mình thấy lợi, người ta được cho quà, còn mình không được quà, là mình khó chịu. Về sự cung kính: tức là thấy người ta được cung kính, còn mình không được cung kính là mình ghét, mình ganh tị. Về tín ngưỡng: là mình thấy người ta học Phật pháp giỏi hơn mình, người ta học Phật, Pháp môn đó mà mình không học, nhưng mình cũng không chịu. Tật đố về cách lễ bái: tức là mình [được người ta] cúi đầu lễ vậy thôi, còn thấy người ta được [người khác] nằm sấp xuống lễ luôn, là mình cũng khó chịu. Giống như bây giờ Sư Minh Tuệ được nhiều người cung kính, rất nhiều người cũng tật đố, ganh ghét, nên bày đặt nói xấu này kia chẳng hạn.
Rồi tật đố về sự cúng dường của người khác: điều này trong Phật pháp là rõ ràng nhất. Có nhiều người thấy người khác cúng dường nhiều hơn mình thì mình ghét, chùa đó được nhiều người cúng, còn chùa mình không được ai cúng hết nên mình ghét. Đó là Tật đố. Những Tật đố như thế gọi là Tật đố triền, tức là sự quấn quýt, quấn mình vô trong vòng khó chịu.
Ý nghĩa của Tật đố, chủ yếu là tật đố với tài sản, danh lợi của người khác. Phận sự của nó là không vừa lòng với tài sản, danh lợi của người khác. Và thành tựu là tránh mặt với tài sản, danh lợi của người khác. Nhân tố quan trọng nhất là có tài sản và danh lợi của người khác, tức là toàn nhìn vào người khác thôi.
Tâm sở này là Tâm sở Bất thiện Biệt cảnh. Vì sao là Biệt cảnh? Bất thiện Biệt cảnh là lúc có, lúc không có. Bây giờ có thì rõ rồi, ví dụ mình ngã mạn thì tất nhiên có tật đố rồi. Vì do tôi ngã mạn, nên tôi thấy người ta hơn tôi, là tôi không chịu được, thấy như vậy thì tôi sẽ tật đố. Điều đó là đương nhiên. Nhưng bây giờ quý vị lấy một ví dụ, một trường hợp trong những Tâm sở Bất thiện mà không có Tâm sở Tật đố này. Để Thiện Trang chiếu lại cho quý vị những Tâm sở mà chúng ta đã học.
I.A. Tâm sở Biến hành gồm 7: 1.Xúc; 2.Thọ; 3.Tưởng; 4.Tư; 5.Nhất hành (định); 6.Mạng quyền; 7.Tác ý |
I.B. Tâm sở Biệt cảnh gồm 6: 1.Tầm; 2.Tứ; 3.Thắng giải; 4.Cần; 5.Hỷ; 6.Dục |
II. Tâm sở Bất thiện gồm 14 chia làm hai nhóm: |
II.A. Tâm sở Bất thiện Biến hành gồm 4: 1. Si; 2.Vô tàm; 3.Vô úy; 4.Trạo cử. |
II.B. Tâm sở Bất thiện Biệt cảnh gồm 10: |
1.Tham; 2.Tà kiến; 3.Ngã mạn; (Nhóm Tham phần) |
4.Sân; 5.Tật (Tật đố); 6. Lận (che giấu); 7.Hối (Hối hận); (Nhóm Sân phần) |
8.Hôn trầm; 9.Thùy miên; 10.Hoài nghi; (Nhóm Trì trệ và Do dự) |
Tâm sở Bất thiện Biệt cảnh gồm: Tham, Tà kiến, Ngã mạn, bây giờ mình học mấy [Tâm sở] sau, có trường hợp nào mà không có Tật đố hay không? Có rất nhiều. Ví dụ như Hôn trầm, đang ngủ thì tật đố với ai, ngủ gà ngủ gục, Thùy miên thì đâu có Tật đố đâu. Hoặc Tâm sở Hoài nghi, khi quý vị có Hoài nghi thì đâu có Tật đố, đang nghi vấn đề gì thì đâu có tật đố với ai. Hoặc Tâm sở Tham, tham thì có khi có tật đố, vì tham danh cho nên thấy người ta hơn mình thì mình tật đố. Nhưng có khi mình tham một cái gì đó, ví dụ như tham ăn, thì đâu có tật đố với ai trong lúc ăn đó. Nên đó cũng là một trường hợp mà không có Tật đố, nên mới gọi là Biệt cảnh, ý nghĩa là như vậy. Và có thể có trong nhiều [hoàn cảnh] khác nữa, hoặc có lúc có, lúc không. Đó là Tật đố, [Thiện Trang] giảng như vậy thì quý vị hiểu rồi nha.
Tâm sở tiếp theo là [Tâm sở] Lận: Lận dịch ngắn nghĩa là che giấu, nhưng nói rõ hơn Lận là trạng thái che đậy, giấu giếm tài sản của mình, không cảm thông, không chịu chia sẻ tài sản với người khác, hay là đặc ân của mình đối với người khác. Chữ Lận này [đối với] người miền Nam thì dễ hiểu hơn, Lận có ví dụ rất rõ ràng. Có câu chuyện hài, Thiện Trang nhớ là hồi xưa nghèo lắm, có ông đó đào được một ít khoai lang, miền Nam gọi là củ lang, miền Bắc gọi là khoai lang. Bắt đầu ổng đốt lửa nướng, [nhìn khoai] ngon quá. Nhưng có mấy đứa nhỏ tới, ổng kêu ta có mỗi củ khoai lang này, mà chia cho nó hết thì giờ làm sao, mới vừa bóc ra, còn chưa chín. Ổng không biết phải làm sao cho đúng, nên nghĩ cách lận vào trong quần đùi để giấu đi (nên gọi lận tức là giấu). [Ổng] cuốn vô trong cái quần, nhét ra đằng sau lưng để giấu đi. Tất nhiên giấu như vậy là bình thường thôi, ổng giấu sau lưng rồi quay mặt tới tụi nhỏ, thì tụi nhỏ không thấy và không xin được củ khoai lang đó, đợi chút rồi ổng ăn.
Nhưng ổng không nghĩ ra là lận như vậy một lát nó nóng quá. Do nóng quá nên ổng nhảy tưng tưng lên, một hồi củ khoai rớt xuống, tụi nhỏ cười quá trời. Quý vị tự hiểu cảnh lúc đó thế nào. Đó được gọi là lận. Lận nghĩa là che giấu tài sản của mình để không chia cho người khác, điều đó thuộc về Xan tham; Xan là bủn xỉn. Tức là Lận là mang tính bòn rút, keo kiệt, bủn xỉn, không muốn chia tài sản của mình cho người khác, cho nên gọi là Lận, tức là giấu.
Qua câu chuyện vừa rồi chắc quý vị nhớ lắm, vì câu chuyện đó hài thì sẽ dễ nhớ hơn. Cho nên mình bỏn xẻn thì gọi là Lận (ngôn ngữ miền Bắc gọi là bỏn xẻn, ngôn ngữ miền Nam gọi là lận). Thật ra Bỏn xẻn không chỉ mỗi tài sản đâu, mà trong Kinh Tăng Chi có năm loại bỏn xẻn:
1. Bỏn xẻn về chỗ ở, ví dụ như mình có chỗ ở, mà mình nói thôi không cho, bữa nay để bảng nhà có khách hoặc phòng trọ đang có khách, nên hôm nay không tiếp khách nữa v.v… Đó là bỏn xẻn. Tức là mình không muốn cho người ta chỗ ở. 2. Bỏn xẻn về lợi lộc: tức là có gì mình cũng không cho người ta, không chia sẻ với người ta. 3. Bỏn xẻn về sắc đẹp: tức là mình biết bí quyết làm đẹp mà không chia cho người ta, không chỉ cho người ta. 4. Bỏn xẻn pháp: tức là bỏn xẻn về Phật pháp, [hoặc] phương pháp làm. 5. Bỏn xẻn về dòng giống (trong kinh nói bỏn xẻn về dòng giống mình thấy hơi lạ). Dòng giống là sao? Dòng giống chắc là không cho dòng giống. [Ví dụ] dòng mình [là] Sát-đế-lợi ngon quá, nên không chịu chia sẻ dòng giống mình cho người khác. Hoặc là bây giờ nói: Tôi đẹp quá, mà bây giờ lấy người đó xấu thì con [sinh ra] sẽ xấu, cho nên không chịu, hay thế nào đó. Trong kinh nói vậy, chứ Thiện Trang không biết vì sao ở Ấn Độ thời đó tại sao lại bỏn xẻn dòng giống. Có thể do họ phân biệt dòng dõi, dòng Sát-đế-lợi, dòng Bà-la-môn…
Đó là năm loại bỏn xẻn, tức là không chỉ bỏn xẻn về tài sản, mà bỏn xẻn cả về chỗ ở, bỏn xẻn về lợi lộc, bỏn xẻn về sắc đẹp, bỏn xẻn pháp. Bỏn xẻn pháp là tôi biết Phật pháp nhưng tôi keo, tôi không muốn nói rõ, tôi nói mơ mơ màng màng, để quý vị nghe không hiểu chẳng hạn. Tôi cố tình như vậy, hoặc sợ người ta nghe người ta hiểu hết, người ta giỏi hơn mình rồi mình không giảng được cho ai. Hoặc nhốt người ta vô, kêu là học theo tôi thôi, đừng học theo ai hết, v.v… Hoặc là đừng đọc kinh, đọc kinh rồi giỏi hơn tôi, thì làm sao tôi giảng nữa, chẳng hạn. Những điều đó là thuộc về bỏn xẻn pháp.
Cho nên ngược lại [với Lận], là chúng ta phải rộng rãi lên. Những người rộng rãi là không có Lận (bỏn xẻn). Nếu ai tiếp cận với Thiện Trang [thì biết], từ nhỏ cho đến giờ, chứ không phải [khi] biết Phật pháp đâu. Hồi chưa biết Phật pháp thì Thiện Trang cũng rộng rãi rồi. Từ hồi sinh viên Đại học hay hồi Phổ thông thì Thiện Trang đều rộng rãi. Cho nên Thiện Trang không có Tâm sở Tật và Lận, thực sự nếu có thì chắc ít thôi, chứ không nhiều, vì Thiện Trang rất rộng rãi. Quý vị thấy, người nào hay đồng tu tới cần gì là [Thiện Trang] cho hết, tặng cũng được. Rộng rãi là mình bố thí, tâm bố thí ngược lại với [Tâm sở Lận].
Tại vì sao? Thật ra do học không hiểu Chánh pháp và nhiều đời mình học không tới, bây giờ có nhiều người học Phật pháp rồi nhưng Lận (bỏn xẻn) vẫn còn nhiều. Cho nên trong kinh, đức Phật khuyên chúng ta hãy bố thí, hãy xả, chứ không phải mình giấu hết.
Ở đây, Tâm sở Lận thực ra là quan điểm cá nhân, tức là quan niệm về mình, nhìn về tài sản của mình, nhìn về những gì của mình. Còn Tâm sở Tật thì nhìn về đối phương, nhìn về người khác, ngược nhau. Nhìn ra ngoài là ghét sự thành tựu của người ta, tài sản của người ta, những gì của người ta mà mình không hài lòng, đó gọi là Tật. Còn Lận thì ngược lại, là nhìn vào mình, mình thấy có của mình, mình có thành tựu này kia, nhưng không muốn chia sẻ thành tựu của mình cho người khác. Hai [Tâm sở] đó ngược nhau, [quý vị] hiểu như vậy cho dễ.
Cả Tâm sở Tật và Tâm sở Lận đều làm cho chúng sanh buồn, mà không cần pháp hỗ trợ từ những pháp khác. Nghĩa là chúng sanh sẽ buồn, vì sao? Quý vị thấy có ai vui vì hai Tâm sở này không? Có ai vui khi ganh ghét với người khác không? Chắc chắn ghen ghét là tức (là sân), nên [hai Tâm sở này] đi kèm với Sân, cho nên xếp vào nhóm Sân phần. Tật thì tất nhiên là ghét, có người tu tinh tấn lắm nhưng tại sao mặt không tươi tỉnh mà sân? Là do có Tật đố này, [vì] không muốn người khác hơn mình. Hoặc là có keo (keo kiệt, bỏn xẻn) là Lận, tức là che giấu. Cho nên không hài lòng, sợ mất, sợ gì đó nên sân, khó chịu khi người ta tới, mình đang ăn mà không muốn chia sẻ như trong ví dụ đó. Hoặc mình có pháp hay mà không chia sẻ, sợ người ta hơn mình, v.v… điều này là Lận. Điều đó cũng thuộc về Sân, vì làm chúng sanh buồn, khó chịu, cho nên đi với nhóm Sân. Quý vị hiểu đơn giản vậy thôi.
Vậy khi nào chúng sanh vui? Quý vị tu tuỳ hỷ công đức đúng không? Vậy quý vị hãy bỏ giùm hai Tâm sở Tật và Tâm sở Lận này, thì quý vị sẽ vui. Cho nên người thường thường pháp hỷ sung mãn, thường vui, là do họ bỏ được hai [Tâm sở] đó. Từ nhỏ Thiện Trang tự hào về điều này, [Thiện Trang] nói hơi ngã mạn chút điều này, tại vì Thiện Trang từ nhỏ đến lớn hay cười, vui. Thiện Trang nhớ năm học lớp 7, có một lần cô giáo nói là: “Sao em cười suốt vậy, lên kiểm tra bài cũng cười nữa?”Chắc bữa đó cô cũng hơi buồn nên cô cũng khó chịu với mình, [cô] đang buồn mà thấy mình cười miết. Thiện Trang tâm xả nên lúc nào cũng rộng rãi với mọi người, và không ganh tị, cho nên Thiện Trang không có gì hết.
Quý vị chỉ cần bỏ được hai Tâm sở này, thì Tâm sở Sân ít hiện hơn, như vậy quý vị được vui nhiều hơn, mặt mày của quý vị sẽ sáng hơn, đời sống sẽ bớt [phiền não] hơn. Thiện Trang thấy ngay cả những người đồng tu với nhau vẫn có sự ganh tị, thấy người ta hơn mình chút là bắt đầu nói đồng tu đó thế này, đồng tu đó thế kia. Rồi kêu đồng tu đó nói điều đó hay nhưng thực tế làm không được v.v… Toàn là như vậy, thì đó là Tật đó.
Rồi về Lận, có nhiều cái Lận lắm. Lận mở rộng ra là che giấu những yếu điểm của mình. Ngoài che giấu thành công của mình, sợ người ta hơn mình, hoặc chia sẻ những tài sản của mình. Cho nên coi vậy chứ xét hai Tâm sở này, ngay cả những đồng tu lâu năm cũng rớt rất nhiều. Điều này là thiện căn nhiều đời. Thiện Trang thấy không phải giàu là họ sẽ rộng rãi đâu, có nhiều người giàu mà keo kiệt, bỏn xẻn, rồi có nhiều người nghèo nhưng rộng rãi. Cho nên [quý vị] ráng rộng rãi đi. Thiện Trang thấy có những người không rộng rãi được, họ thấy mình rộng rãi là họ khó chịu, thì làm sao họ rộng rãi được, nên là khó.
Tật đố là gì? Tật đố là không mong người ta thành tựu, điều này cũng khó. Không phải người giỏi là họ không có Tật đố đâu, họ vẫn có Tật đố, vẫn ganh tị. Mà không phải người dở là họ sẽ có Tật đố, có nhiều người dở nhưng họ luôn tùy hỷ với sự thành công của người khác. Tất nhiên có nhiều người dở cũng có Tật đố. Cho nên [quý vị] cố gắng nha! Tu nằm ở đây, và bỏ được hai [Tâm sở] này là giảm được Sân rất nhiều.
Cho nên bỏn xẻn này thì cũng là bỏn xẻn đủ thứ hết, trong đó nói bỏn xẻn về chỗ ở, bỏn xẻn về dòng dõi, sắc đẹp v.v… Mình giấu giếm tài sản, không cho người khác dính líu đến tài sản của mình. Giống như có cái điện thoại hoặc có gì mà không đưa cho người ta xài. Nhân thân cận (tức là nhân gần nhất) là do tài sản hay những thành công về điều gì đó.
Tâm sở này là Biệt cảnh, vì sao? Vì có những lúc không có. Ví dụ Tâm sở nào, mình giấu cái gì mà không có. Bây giờ coi trong mấy ví dụ, xem Tâm sở nào không có Tâm sở Lận. Ví dụ lúc chúng ta hoài nghi, thì chúng ta không có Lận. Hoặc lúc ngủ thì thời gian đâu nghĩ đến tài sản hay gì nữa, ngủ mơ mơ màng màng, cho nên không có Tâm sở này. Vì vậy Tâm sở này mới là Tâm sở Bất thiện Biệt cảnh. Thông thường nhóm dưới không đi kèm với nhóm trên (thông thường chứ không phải tất cả). Cho nên tu hãy cố gắng bỏ hai Tâm sở này thì bớt Sân.
Thật ra còn một Tâm sở nữa là Tâm sở Hối. Hối là hối hận. Hối hận là trạng thái đau buồn, ăn năn về những ác pháp đã làm và những thiện pháp chưa làm. Tức là có hai điều: mình hối hận, ăn năn, đau buồn vì những pháp ác mình đã làm, mình làm chuyện nào xấu rồi mình hối hận. Ví dụ tiếc rằng hồi xưa mình vô minh quá, người nữ thì phá thai, hoặc người nam hối hận vì hồi xưa không biết học bộ Tại Gia Luật Yếu Quảng Tập, cho nên lỡ phạm tà dâm rồi. Vì nhớ miết, ray rứt như vậy, thì đó là đau buồn, ăn năn với pháp ác đã làm.
Ngoài ra còn đau buồn, ăn năn với các pháp thiện chưa làm, tức là mình chưa làm pháp thiện [nên] mình ăn năn. [Ví dụ] như hồi đó biết vậy thì tôi đã tu sớm rồi, năm đó biết thầy Thiện Trang giảng pháp hay như vậy, vô nghe sớm là được rồi. Bây giờ nghe không kịp, nghe không nổi v.v… Những điều đó là pháp thiện mà đáng lẽ mình làm. Hoặc mình nhớ, bữa đó gặp Sư Minh Tuệ, biết Sư Minh Tuệ đi qua nhà mình, bữa đó mà mình cúng dường, thì biết đâu là cúng dường được một vị Thánh nhân rồi, được phước báu lớn rồi. [Lại] bữa đó đi qua nhà mình, mà mình không cúng dường, thậm chí [vào] nhà xin mà mình không cho. Như vậy đó là hối hận vì thiện pháp mình đã không làm, hay chưa làm.
Những gì đã qua rồi mà mình hối hận về việc đó; hối là quay trở lại, hận là tức về những gì đã qua, hướng về quá khứ, ăn năn, đau buồn, đó là hối hận. Điều này thuộc về Tâm sở Sân. Tức ai? Tức [chính] mình.
Hai Tâm sở ở trên: Tật đố và Lận, (là tức người). Tật đố là tức vì người khác thành công. [Lận (che giấu)] là tức vì mình phải chia sẻ tài sản, chia sẻ thành công, hay chia sẻ những gì của mình cho người khác, vì tham mà tức. Còn Hối hận là tức vì chính mình, cũng là sân luôn. Cho nên ba [Tâm sở: Tật, Lận, Hối] này điều này thuộc về nhóm Sân, và làm cho [Tâm sở] Sân mạnh lên. Nên ai có ba điều này là sân nhiều lắm. Tại sao tu hành nhiều mà mặt mày tối thui, mặt mày sao sân vậy, thì quý vị chịu khó bỏ giùm ba Tâm sở: Tật, Lận, Hối ra.
[Thứ nhất] muốn buông bỏ được Tật, thì mình phải tùy hỷ tán thán sự thành công của người ta, vui với sự thành công của người ta. Tán thán sự thành công của người ta bằng sự tán thán thật lòng, mình thấy người ta thành công mình phải mừng vui. Thứ hai mình đừng có lận, mà phải rộng rãi lên. [Cho nên] ki bo, keo kiệt quá, không muốn chia sẻ thì sẽ có sân thôi. Thứ ba là không nhớ về những điều quá khứ. Trong A Tỳ Đàm nói: Việc khóc than một ly sữa đã đổ rồi, là một điều vô ích. Bởi vì sữa đã đổ đi thì không thể hốt lại. Giống như hồi xưa người ta nói ‘ly nước đã đổ rồi thì không hốt lại được đâu’, một cái ly đã vỡ không thể nào gắn lại được đâu. Cho nên những gì đã qua thì hãy bỏ đi, và bài kinh nói về điều đó chính là Kinh Nhất Dạ Hiền Giả.
Bữa nay Thiện Trang giới thiệu luôn Kinh Nhất Dạ Hiền ở bên Kinh A Hàm. Trong Kinh A Hàm có Kinh Nhất Dạ Hiền, [xin] giới thiệu luôn cho quý vị đoạn kinh này, bài kệ để quý vị học luôn:
Đức Thế Tôn đọc bài tụng:
Cẩn thận, đừng nghĩ quá khứ;
Tương lai cũng chớ mong cầu.
Quá khứ đã qua, đã mất,
Tương lai chưa đến, còn xa.
Hiện tại những gì đang có
Thì nên quán sát suy tư.
Niệm niệm mong manh không chắc,
Người khôn biết vậy nên tu.
Nếu có làm theo hạnh Thánh,
Ai hay nỗi chết ưu sầu.
Nhất định tránh xa sự chết;
Hiểm nguy, khổ lớn dứt trừ.
Như vậy thực hành tinh tấn,
Ngày đêm không chút biếng lười.
Vì vậy phải thường tụng đọc
Bạt-địa-la-đế kệ này
(Trích từ Kinh Ôn Tuyền Lâm Thiên – Kinh 165 – Trung A Hàm).
Kinh 166 của Trung A Hàm cũng có bài kệ này, bài kệ này gọi là Bạt Địa La Đế, thực tế là tương đương với Kinh Nhất Dạ Hiền Giả bên Kinh Nikaya.
Quý vị chỉ cần nhớ: Cẩn thận, đừng nghĩ quá khứ; tương lai cũng chớ mong cầu.Diễn nghĩa khác thôi, nhưng thực tế là đừng nghĩ về quá khứ, cũng đừng mong cầu hướng về tương lai. Vì sao? Quá khứ đã qua, đã mất; còn tương lai thì chưa đến, còn xa; hiện tại những gì đang có thì nên quán sát suy tư. Cho nên mình hãy nghĩ về hiện tại thôi. Niệm niệm mong manh không chắc; người khôn biết vậy nên tu; nếu có làm theo hạnh Thánh; ai hay nỗi chết ưu sầu; nhất định tránh xa sự chết.Từ đó mình xa lìa được hiểm nguy, và từ đó thực hành tinh tấn đừng có lười biếng. Nhớ thường xuyên đọc tụng bài kệ này.
Đây là Kinh Ôn Tuyền Lâm Thiên – Kinh 165 (Kinh 166 cũng có bài kệ này) – Trung A Hàm. Quý vị thấy hai bộ Kinh đều rất rõ ràng. [Quý vị] cố gắng đừng nghĩ về quá khứ, đừng vọng về tương lai. Nếu nghĩ về quá khứ thì dễ bị hối hận, hối hận ngày xưa tại sao như thế. Ngày xưa có nhiều hối hận lắm, trên đời có rất nhiều sự hối hận, vì sao? Vì chúng ta có quá nhiều thứ mà mình làm không đúng. Vì sao không đúng? Vì hồi đó nghiệp che, vì hồi đó trí tuệ chưa đủ, vì hồi đó tầm nhìn chưa đủ. Và sau khi mình có tầm nhìn, mình có trí tuệ, hoặc mình thoát ra khỏi nghiệp đó thì mình thấy mình ngu, mình khờ, v.v… Những điều đó khiến cho mình hối hận, vì những việc làm không tốt, và những việc tốt mình bỏ qua.
Bây giờ lấy một ví dụ cơ bản thôi, như đi phỏng vấn 100 cặp vợ chồng, [hỏi]: “Có hài lòng với người chồng, người vợ đó không?” Thiện Trang đảm bảo đa số [trả lời] là không, chẳng ai hài lòng hết, biết vậy lấy người khác. Nhưng thực tế lấy người khác cũng vậy thôi, tại vì chưa vô đó cho nên nghĩ là tốt đẹp, thế gian gọi là ‘tình chỉ đẹp khi còn dang dở’, dang dở cho nên đẹp, tưởng tượng đẹp. Bằng kinh nghiệm thời mộng mơ, mình tưởng như vậy, ai ngờ sau này người ta cũng xấu hoắc.
Cho nên đừng hối hận vì những chuyện đã qua, vì nếu hối hận đó là mình đang tức chính mình: Tại sao ngày xưa tôi lựa chọn sai, tại sao hồi đó tôi không đi xuất gia cho rồi v.v… Những tâm này khiến mình sân. Hối hận cũng thuộc về Sân, Sân phần mà. Cho nên cố gắng tránh. Hối hận là sân, sân này là bất mãn với chính mình.
Cho nên ba Tâm sở: Tật đố, Lận, Hối hận là ba Tâm sở đồng hành, hay bầu bạn với Tâm sở Sân. Chúng cùng sanh khởi để tạo cho sân mạnh hơn. Sân là chính, còn mấy thằng kia giống như là phụ tá đi theo, hoặc mấy thằng kia khởi lên châm lửa cho thằng Sân. Cho nên muốn diệt Sân, muốn giảm Sân, thì cố gắng làm từ mấy Tâm sở: [Tật, Lận, Hối hận], tại vì mấy [Tâm sở] này trợ duyên.
Cho nên học bộ Duy Thức hay học bộ A Tỳ Đàm rõ ràng lắm. Chứ mình cứ đè đầu nói đừng có sân. Quý vị muốn đừng sân thì đừng tật đố, hãy tùy hỷ công đức với mọi người. Quý vị muốn đừng sân thì cố gắng rộng rãi, đừng keo kiệt bỏn xẻn, đừng che giấu tài sản, đừng che giấu tài năng hay che giấu gì đó, mà hãy rộng rãi lên là được. Hãy bố thí nhiều cũng bớt sân, cố gắng đừng hối hận về những gì đã qua, hãy giữ Chánh niệm. Đừng hối hận nghĩ về quá khứ: sao hồi đó lấy ông đó, sao hồi đó thế này thế kia, sao hồi đó không đi xuất gia, sao hồi đó [không] học Phật pháp sớm hơn. Toàn là hối hận, [tức] là đang sân với chính mình. Và ba [Tâm sở] Sân đó gộp thành một Sân lớn, là Sân bự này (Tâm sở Sân). Tức là mấy Sân nhỏ gộp thành Sân lớn.
Giống như nhà quý vị có một cái sân nhỏ, nhà hàng xóm có sân nhỏ, ba nhà hàng xóm gộp lại thành cái sân lớn (sân của sân vườn). Còn ở đây là sân giận, sân tức. Cho nên học đến đây ta thấy rõ lắm, nên phải học vào bộ A Tỳ Đàm, bộ Duy Thức này thì mới hiểu được nguyên nhân, khi hiểu rồi thì mới tu được. Còn trước giờ nói đừng sân, đừng sân, nhưng [không] biết sân từ đâu. Bữa nay [Thiện Trang] chỉ cho quý vị Sân có nhiều nguyên nhân: do Ngã mạn mà sân, do Tà kiến mà sân, do Tham không được mà sân, do Tật đố, do Lận, do Hối hận mà sân. Cho nên người nhiều vọng niệm là sân nhiều, còn người ít vọng niệm là vui vẻ hoan hỷ. Sống ở đời phải theo tiêu chuẩn tích cực thì mới bớt sân.
Chắc cũng hết giờ rồi, để bữa khác chúng ta chia sẻ tiếp. Hôm nay Thiện Trang xin chia sẻ tới đây. [Bộ này] kiến thức nhiều thì quý vị phải học đi học lại, nghe đi nghe lại. Hôm nay là bài thứ 25, quý vị nghe nhiều lần, rồi quý vị nhớ chép ra, in ra, coi tới coi lui thì mới nhớ được. Quý vị nhớ, để có nền tảng lúc trước thì sau mới học được, vì Thiện Trang mở rộng ra dần. Có những điều trước giảng rồi, thì đằng sau giảng lướt qua, để có thời gian mở rộng thêm.
Quý vị cố gắng học như vậy, chứ bộ này không học là tu hành thiếu sót rất lớn. Hy vọng quý vị học. Thiện Trang không có mong gì, chỉ mong quý vị thành tựu. Quý vị không thành tựu cũng là chuyện của quý vị, Thiện Trang lo phần sanh tử của Thiện Trang. Đường sanh tử của ai người nấy lo, và chúng ta nguyện đời đời là đồng vi pháp lữ (bạn pháp). Chúng ta sẽ còn đi trên con đường giải thoát, mong quý vị cũng sẽ sớm ra khỏi sanh tử, ít nhất đời này chúng ta sẽ vào vòng bất thoái, ít nhất không đọa ác đạo nữa. Mong quý vị được như vậy .
Hôm nay thời gian đã hết, kính chúc quý vị an lạc. Mời quý vị chúng ta cùng hồi hướng.
“Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”.
“Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử cùng chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo”.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Nam Mô A Mi Đà Phật!
#luancauxa #thaythichthientrang