Giảng Ký A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận (A Tỳ Đàm – Vi Diệu Pháp – Duy Thức Pháp Tướng) – Tạo Luận: Tôn giả Thế Thân – Dịch và Chú Thích: Tam tạng Pháp sư Huyền Trang – Bài 32: Phẩm 1 – Phân Biệt Giới – Buổi 32.
Giảng giải: Thầy Thích Thiện Trang
Giảng ngày: 05.03.2025
Phát trực tiếp trên Kênh YouTube Thích Thiện Trang
https://www.youtube.com/watch?v=R26XTdCn-jc
mạng xã hội Facebook, Fanpage Thích Thiện Trang:
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Nam Mô A Mi Đà Phật!
Kính chào toàn thể quý vị đồng tu! Hôm nay [là] thứ Tư, chúng ta học bài A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận thứ 32. Chúng ta học phần này có ba nội dung chính: Một là Luận Câu Xá; Hai là A Tỳ Đàm; Ba là phần kinh tạng. Kinh tạng gồm có cả kinh Nam truyền lẫn kinh Bắc truyền. Nói chung chúng ta học bộ này vừa có cả Nam truyền lẫn Bắc truyền. Mục tiêu Thiện Trang chia sẻ bộ này, là để cung cấp cho quý vị một lộ trình tu chứng theo đúng giáo lý của Phật. Nếu là người mê, thì chúng ta mới đem những lý luận mà chúng ta học, để tranh cãi với người khác, để thuyết phục người khác. Còn nếu là người giác ngộ, thì người ta dùng sự tu tập của mình để nhiếp phục người khác đến với Chánh đạo. Ở đây chúng ta học để có lý luận, có một nền tảng kiến thức, thì chúng ta mới tu được. Thiện Trang cũng mong cung cấp cho quý vị những điều đó.
Do có một số đồng tu nói là nội dung của thầy chia sẻ trong bộ này nhiều quá, học không nổi. Mong thầy có thể giảm tải bớt, có thể nhẹ nhàng hơn, bớt kiến thức xuống, mà dẫn dắt nhiều câu chuyện hơn, để cho tụi con học theo kịp. Chứ nội dung quá cô đọng, quá nhiều kiến thức, [tụi con] học không nổi.
Thiện Trang nói nội dung của bộ này giảng là dành cho nâng cao, mà đã nâng cao thì học vậy mới đã. Nếu quý vị cảm thấy không chịu nổi thì cứ từ từ, chúng ta thỉnh thoảng sẽ có những buổi giảm giảm chút, còn lại là có những buổi tăng tốc. Hôm nay giới thiệu cho quý vị một phần trong kinh tạng.
8 Hạng Người Lưu Chuyển Sinh Tử Mà Không Trụ Sinh Tử
Đây là lời của đức Phật, chúng ta dẫn từ kinh.
Tôi nghe như vầy: Một thời, đức Phật ở trong vườn ông Cấp Cô Độc, rừng cây Thái tử Kỳ Đà, nước Xá Vệ.
Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: “Có tám hạng người lưu chuyển sinh tử mà không trụ sinh tử. Sao gọi là tám? Ở đây chúng ta cũng mong muốn dự vào hàng những người ở trong vòng sanh tử (chưa ra khỏi sanh tử), mà không bị lưu chuyển sanh tử, không bị trụ ở trong đó, tức là không ở luôn. Là những hạng người nào? Đức Phật nói có tám hạng người thôi. Chúng ta coi thử tám hạng người nào?
Là hướng Tu-đà-hoàn, đắc Tu-đà-hoàn; hướng Tư-đà-hàm, đắc Tư-đà-hàm; hướng A-na-hàm, đắc A-na-hàm; hướng A-la-hán, đắc A-la-hán.
Tức là ở đây có tám địa vị của bậc Hiền Thánh, không kể Phật và Bích-chi-phật. Tất nhiên Bích-chi-phật và Phật thì không nói rồi. Ở đây nói tám hạng, bắt đầu tính từ Tu-đà-hoàn hướng (hướng Tu-đà-hoàn). Có nghĩa là những bậc này, yên tâm là không còn trụ trong sanh tử nữa, tức là sẽ có thời gian ra khỏi sanh tử. A-la-hán thì ra ngay trong đời, còn những bậc khác thì cần nhiều thời gian hơn, Tu-đà-hoàn hướng cũng vậy.
Ở đây có một số người thắc mắc: Địa vị nào là Tu-đà-hoàn hướng? Điều này [là] lời Phật thôi, Thiện Trang coi nhưng cũng không thấy trong [kinh] rõ, mà trong các bộ luận như Luận A Tỳ Đàm hay những bộ luận thuộc về Vi Diệu Pháp (A Tỳ Đàm), thì có phân những quả vị như Tùy tín hành, Tùy pháp hành, là Tu-đà-hoàn hướng. Còn có chỗ thì nói là ngay cả địa vị như Nhẫn vị hay Thế đệ Nhất vị trong Tứ gia hạnh, cũng thuộc về Tu-đà-hoàn hướng. Những người đó là vào dòng này rồi. Chúng ta thấy những địa vị đó sẽ nhẹ nhàng hơn trong vòng sanh tử. Ở đây chúng ta hiểu tám địa vị này, mình cố gắng vào một trong những địa vị này.
Này Tỳ-kheo, đó gọi là có tám hạng người lưu chuyển sinh tử mà không trụ sinh tử. Cho nên, Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện thoát nạn sinh tử. Đức Phật luôn luôn khuyên chúng ta hãy tìm cầu phương tiện để thoát nạn sanh tử. Tất cả giáo pháp của đức Phật, chỉ khuyên chúng ta là làm sao ra khỏi sanh tử luân hồi. Chứ nếu chúng ta ở trong sanh tử thì khổ thôi.
Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy”.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
(Kinh Số 10 – Phẩm 43 – Kinh Tăng Nhất A Hàm).
Quý vị thấy, như vậy là khẳng định rõ. Có nghĩa là từ Tu-đà-hoàn hướng là ngon rồi. Yên tâm! Chứ không phải [như] hồi xưa mình cứ sợ, mình phải cố gắng đến Tu-đà-hoàn. Nhưng học dần dần thì mình rõ ràng ra, Tu-đà-hoàn hướng cũng được rồi.
Thiện Trang xin giới thiệu tiếp một bài nữa, phần này quan trọng:
Tác Dụng Của Tu Thiền Chỉ Và Thiền Quán
Đây cũng là trong kinh. Người đời không biết, người ta cứ vô ngồi xếp bằng, để hai tay thế này hoặc thế kia v.v… người ta tưởng đó là Thiền. Nhưng thực tế Thiền đó là Thiền gì? Nhiều người không biết Thiền nào là Thiền chỉ, Thiền nào là Thiền quán. Thật ra trong kinh, đức Phật chia ra Thiền chỉ và Thiền quán. Trong các bộ luận như Luận A Tỳ Đàm thì đều có Thiền chỉ và Thiền quán rất rõ ràng. Nếu như tu Thiền chỉ, thì chúng ta có 40 đề mục tu Thiền chỉ. Những pháp tu nào nằm ngoài đề mục đó thì không phải là pháp Thiền chỉ của nhà Phật. Cho nên nhiều người tu bị gặp nạn, bị ma nhập, bị này bị kia, là do tu không đúng. Họ vào thì họ không biết tu như thế nào. Cho nên ngay cả học Thiền chỉ cũng không đúng. Còn Thiền quán thì thế nào? Hầu như xuyên suốt các bộ giảng của đức Phật luôn luôn là Thiền quán. Ở đây chúng ta sẽ coi thử tác dụng của hai loại này như thế nào, theo trong kinh:
Có hai pháp này, này các Tỷ-kheo, thuộc thành phần minh. Thế nào là hai? Chỉ và Quán. Quý vị thấy đây là lời của đức Phật nha. Đức Phật nói có hai pháp thuộc về thành phần minh; #minh tức là làm sáng. Thế nào là hai? Là Chỉ và Quán. Bây giờ chúng ta coi Chỉ tu tập được gì, và Quán tu tập được gì, theo đoạn kinh này.
Chỉ được tu tập, này các Tỷ-kheo, chờ đợi lợi ích gì? (Nếu mình tu Thiền chỉ, như đã giới thiệu ở những bài trước thì có 40 đề mục tu Thiền chỉ. Thiện Trang đã giới thiệu quý vị chắc gần được một nửa rồi. Tại vì những đề mục quan trọng đều được giới thiệu. Chúng ta tu theo đó được lợi ích gì, thì ở đây đức Phật nói:) Tâm được tu tập (tu Thiền chỉ là tu được tâm). Tâm được tu tập, chờ đợi lợi ích gì? (Nếu mình tu Thiền chỉ thì đầu tiên tâm mình được tu tập. Sau khi tâm mình được tu tập thì được lợi ích gì nữa?) Cái gì thuộc về tham được đoạn tận.
Như vậy là mình sẽ đoạn tận về Tham, cho nên Thiền chỉ giúp mình đoạn Tham. Tại sao? Đây là do đức Phật nói. Chúng ta biết Thiền chỉ, thực ra đắc định từ Sơ thiền đến Tứ thiền, thậm chí các tầng thiền cao hơn, thì những điều này giúp mình đoạn được Tham. Từ Sơ thiền trở đi là phục được Tham (không hết tham hoàn toàn), nên Thiền chỉ này tu rất quan trọng. Nhiều đồng tu do không tu Thiền chỉ, mà chỉ tu Thiền quán, nên dễ tham. Mà tham không được thì sân. Cho nên tại sao từ Sơ thiền trở đi thì người ta không có tham [và] không có sân, còn mình thì tham sân đầy luôn, do mình ăn rồi lo tu Thiền quán không thôi.
Quán được tu tập (tức là nếu mình tu Thiền quán), này các Tỷ-kheo, chờ đợi lợi ích gì? Tuệ được tu tập (tức là nếu tu được Thiền quán, thì mình sẽ được tu tập về tuệ (trí tuệ). Một cái là tâm, một cái [là] tuệ. Từ từ, đằng sau quý vị sẽ thấy nói rõ hơn). Tuệ được tu tập, chờ đợi lợi ích gì? (Nếu mình tu được Thiền quán thì tuệ được tu tập. Mà tuệ được tu tập thì được lợi ích gì?) Cái gì thuộc vô minh được đoạn tận. Tức là đoạn tận về Vô minh. Vô minh là mình không sáng suốt, không rõ biết về Tứ đế. [Tu Thiền quán] [giúp] mình rõ ràng, sáng suốt về Tứ đế.
Bị tham làm uế nhiễm, này các Tỷ-kheo, tâm không thể giải thoát (quý vị nhớ nha, bị tham làm uế nhiễm, thì tâm không thể giải thoát). Hay bị vô minh làm uế nhiễm, tuệ không được tu tập. Do vậy, do ly tham, là Tâm giải thoát. Do đoạn vô minh, là Tuệ giải thoát.
Quý vị nhớ nha! Ly Tham là Tâm giải thoát, đoạn Vô minh là Tuệ giải thoát. Điều này quý vị nghe cũng quen rồi, ai học từ đầu thì chúng ta biết. Ví dụ chúng ta nói về có hai bậc A-la-hán (có nhiều bậc, nhưng [ở đây] mình nói có hai): Một là A-la-hán Tâm giải thoát, một là A-la-hán Tuệ giải thoát. Nếu quý vị lo tu Thiền chỉ thì sẽ đạt đến Tâm giải thoát, nhưng không có được Tuệ giải thoát. Còn tu Thiền quán là có Tuệ giải thoát.
Trong Luận Tỳ Bà Sa hay chính ngay trong [bộ] chúng ta đang học đây, thì A-la-hán Tâm giải thoát vẫn bị thoái chuyển, trong kinh tạng nói như vậy. Cho nên phải tu Thiền quán. Chính vì vậy, Thiền quán đắc rồi thì không có thoái chuyển, nhưng Thiền chỉ đắc rồi thì vẫn có thoái chuyển. Mà muốn không thoái chuyển, là [phải] có vừa Thiền chỉ vừa Thiền quán, Thiền quán giữ lại cho Thiền chỉ. Đó là lý do tại sao chúng ta phải tu Thiền chỉ và tu Thiền quán. Chúng ta càng học thì càng sáng tỏ vấn đề như vậy.
((2.31) (EA 20.7*) Trích Từ Kinh Tăng Chi – Phẩm Hai Pháp).
Thiện Trang tóm lại thành một bảng nhỏ nhỏ như thế này:
Tu tập | Đoạn được | Đạt được |
Thiền chỉ | Tham | Tâm giải thoát |
Thiền quán | Vô minh | Tuệ giải thoát |
Nếu tu Thiền chỉ thì đoạn được Tham, và đạt được Tâm giải thoát. Còn tu Thiền quán thì đoạn được Vô minh, và đắc được Tuệ giải thoát. Quý vị biết A-la-hán có hai hạng: A-la-hán Tâm giải thoát và A-la-hán Câu giải thoát (Câu giải thoát là được cả hai). Cho nên nếu chỉ lo tu thiên về Thiền chỉ, mà chưa đắc Thiền quán, thì chỉ đắc được Tâm giải thoát. [A-la-hán] Tâm giải thoát thì vẫn bị thoái chuyển, có thể thoái chuyển về Sơ quả Tu-đà-hoàn. Đó là trong Luận Đại Tỳ Bà Sa.
Vì vậy phải tu cả hai, tùy thời tu Thiền chỉ và Thiền quán. Sở dĩ người ta thích tu Thiền quán hơn, ở chỗ là nếu đạt được Tuệ giải thoát thì không thoái chuyển. Nhớ là Tuệ giải thoát thì không thoái chuyển. Nhưng nếu mình không đắc được [Thiền chỉ] thì mình không có Tâm giải thoát. Cho nên phải tu Thiền chỉ.
Có 40 đề mục tu Thiền chỉ, chúng ta hãy cố gắng học để tu. Thiện Trang mới giới thiệu sơ sơ, thực ra quý vị phải có thời gian trải nghiệm. Nhiều đồng tu nói khó quá. Thiện Trang nói không khó, khó là tại vì: Thứ nhất là mình chưa quen, thứ hai là mình chưa thực tập bao giờ, thứ ba là không ai chỉ mình trực tiếp. Mình chỉ học qua lý thuyết, rồi mình vô thực hành, nên có thể không đúng. Trong môi trường để tu Thiền chỉ (Các bước để tu Thiền chỉ), quý vị thấy toàn là phải kiếm nơi thanh tịnh, vắng vẻ, rồi dụng công. Còn mình ở nhà, ở trong gia đình, thì đâu có thời gian đâu mà dụng công. Cho nên là không [tu] được.
Thiện Trang tóm tắt lại, quý vị nhớ giùm bảng trên là được. Mục tiêu tu tập được lợi ích trong bộ kinh này nói, là nếu mình tu Thiền chỉ thì đoạn được Tham và được Tâm giải thoát, còn tu Thiền quán [thì] đoạn được Vô minh và được Tuệ giải thoát. Trong các bậc A-la-hán, quý vị thấy có A-la-hán Tâm giải thoát và có A-la-hán Câu giải thoát (là được cả hai [Tâm giải thoát và Tuệ giải thoát]). Có khi có chỗ nói có A-la-hán Tuệ giải thoát nữa.
Nhân Duyên Khởi Lên Chánh Kiến
Tôi nghe như vầy: Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ.
Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: “Có hai nhân, hai duyên khởi lên Chánh kiến. Những gì là hai? Nhận pháp giáo hóa, bên trong tư duy chỉ quán (ở đây nhớ là tư duy tu tập phải có Chỉ, Quán, liên quan đến ở trên. Muốn có Chánh kiến, Chánh kiến này chắc là Chánh kiến giải thoát (Chánh kiến xuất thế gian), thì quý vị phải: Một là nhận được giáo pháp, tức là người ta dạy và mình tiếp nhận; Hai là bên trong mình phải tư duy về Thiền chỉ và Thiền quán). Tỳ-kheo, đó gọi là có hai nhân, hai duyên này khởi lên Chánh kiến. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này”.
(Kinh Số 10 – Phẩm Hữu Vô – Kinh Tăng Nhất A Hàm).
Ở đây Thiện Trang muốn giới thiệu lại tầm quan trọng của Thiền chỉ và Thiền quán. Chứ không phải quý vị nghĩ là thôi, mình chẳng cần [Thiền chỉ], mình chỉ cần tu Thiền quán thôi. Không phải! Để có được Chánh kiến, mà Chánh kiến là quan trọng nhất trong Bát chánh đạo, không có Chánh kiến thì những điều sau bỏ. Không có Chánh kiến thì làm gì có Chánh tư duy, làm gì có Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Cho nên để tu thì chúng ta phải có Chánh kiến. Mà để có Chánh kiến thì đầu tiên phải nhận giáo hóa pháp của người khác, đó là bên ngoài. Thứ hai bên trong là mình phải tự tư duy về Chỉ và Quán (Thiền chỉ và Thiền quán).
Quan trọng ở bài này, Thiện Trang [muốn] nhấn mạnh sự cần thiết của tu Chỉ và tu Quán. Thông thường mọi người chỉ tu Thiền quán không [thôi], nên [Thiền chỉ] yếu. Cho nên mình phải học, mình phải biết.
Và Chánh kiến cực kỳ quan trọng, chúng ta đã học rồi, Thiện Trang cũng giới thiệu rồi. Chúng ta có hai loại Chánh kiến: Chánh kiến thế gian và Chánh kiến xuất thế gian. Chánh kiến thế gian giúp mình sinh cõi Người, cõi Trời. Chánh kiến xuất thế gian giúp mình đắc đạo. Bao giờ mình có Chánh kiến? Thực sự là Sơ quả Tu-đà-hoàn mới có Chánh kiến. Mình học là để mình biết thôi, còn bao giờ biết như thật về Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế, người nào biết như thật thì người đó có Chánh kiến. Chánh kiến đó thì Tu-đà-hoàn mới có, còn mình chỉ cần biết thôi, biết về Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Đó là Chánh kiến xuất thế gian.
Còn Chánh kiến thế gian, là mình phải tin nhân, tin quả, tin có nghiệp báo (nói chung là tin sâu nhân quả), tin có cha có mẹ, ở đời có bậc A-la-hán, có người tu có thể đắc đạo A-la-hán, v.v… Mình tin những điều đó thì gọi là có Chánh kiến thế gian.
Vậy là rõ ràng rồi đúng không quý vị? Chúng ta học càng về sau càng rõ, từ từ Thiện Trang sẽ giới thiệu các chánh sau. Mấy chánh sau thực ra cũng đã giới thiệu sơ qua rồi, nhưng từ từ chúng ta sẽ học kỹ. Học đủ Bát chánh đạo, chi phần của Bát chánh đạo, rồi ta học đầy đủ những vấn đề khác, chúng ta cần những kiến thức đó. Bữa nay giới thiệu sơ qua như vậy.
Để cho quý vị đỡ bị choáng thì Thiện Trang xin giới thiệu một câu chuyện. Hôm nay giới thiệu câu chuyện hay để quý vị nghe, qua câu chuyện này cũng có nhiều đạo lý.
Câu Chuyện Đức Phật Độ Một Vị Bà-La-Môn Có Thần Thông Đặc Biệt
(Chuyện này có ngầm nhiều đạo lý về y dược, nghiệp tái sinh đời sau, công đức giữ giới).
Hy vọng quý vị sẽ đỡ căng thẳng. Quý vị nói là những bài vừa qua nhiều kiến thức quá, học căng thẳng quá, học không kịp. Hôm nay giới thiệu một câu chuyện sẽ dễ nhớ hơn rất nhiều.
Tôi nghe như vầy: Một thời, đức Phật trú tại núi Kỳ Xà Quật, thành La Duyệt, cùng chúng năm trăm đại Tỳ-kheo. Bấy giờ, đức Thế Tôn từ tịnh thất ra, đi xuống núi Linh Thứu cùng với Bà-la-môn Lộc Đầu, lần hồi du hành đến bãi tha ma đáng sợ.
Đây là một câu chuyện rất quen thuộc, nếu như đồng tu nào nghe trong Kinh A Hàm. Đó là [câu chuyện] thời đức Phật, [Ngài] đi ra từ Tịnh thất, đi xuống núi Linh Thứu (Ấn Độ) cùng với một vị Bà-la-môn tên là Lộc Đầu. Hai người đi tới chỗ bãi tha ma (chỗ mà người ta bỏ mấy xác chết v.v…) ở Ấn Độ. Ngôn ngữ bây giờ chúng ta gọi là nghĩa địa (nghĩa trang). Chỗ đó đáng sợ, để coi thử như thế nào:
……1
Khi ấy, đức Thế Tôn cầm đầu lâu của một người chết trao cho Bà-la-môn và nói:
“Này ông Bà-la-môn, ông giỏi xem tinh tú, lại kiêm cả y dược, có thể trị mọi thứ bệnh, hiểu rõ tất cả các định hướng tái sinh, và cũng còn có thể biết nhân duyên người chết. Nay Ta hỏi ông, đây là đầu lâu của người nào? Là nam hay là nữ? Do bệnh gì mà qua đời?”
Quý vị thấy, vị này cũng rất giỏi đúng không ạ? Đức Phật nói là ông này giỏi lắm, ổng xem được tinh tú, rồi kiêm cả y dược nữa. Ổng có thể trị được mọi thứ bệnh, rồi hiểu rõ định hướng tái sanh, tức là người ta chết sanh về đâu thì ổng cũng biết luôn, rồi biết nhân duyên gì mà người ta chết. Chính vì vậy đức Phật đưa cho ông một cái đầu lâu. Tại vì [ở đó là] bãi tha ma mà, bãi xác chết. Ở Ấn Độ người chết không có chôn, người ta bỏ nhiều lắm. [Đức Phật] lượm một cái đầu lâu đưa cho ổng và hỏi: “Đây là đầu lâu của người nào? Là nam hay nữ? Do bệnh gì mà qua đời?” Một câu hỏi khó như vậy.
Bà-la-môn liền cầm lấy đầu lâu, xoay qua xoay lại quan sát, lại dùng tay gõ vào nó, và bạch đức Thế Tôn: Tức là ổng dùng tay cầm lấy, xoay qua xoay lại, rồi dùng tay gõ vào đầu lâu đó và bạch với đức Phật.
“Đây là đầu lâu của người nam, chẳng phải người nữ”. Ổng cũng giỏi ghê, ổng nói ra được ngay.
Đức Thế Tôn bảo: “Thật vậy, Bà-la-môn, như lời ông đã nói. Đây là người nam, chẳng phải người nữ”.
Đức Thế Tôn hỏi: “Do đâu mà qua đời?” Tức là [hỏi] do nguyên nhân gì mà qua đời.
Ông này giỏi thật, cầm cái đầu lâu mà biết được đó là người nam hay người nữ. Thật ra người nam hay người nữ thì mình có thể đoán. Ví dụ như trong Kinh Vu Lan, quý vị thấy đàn ông thì xương trắng và nặng, còn người phụ nữ thì xương đen và nhẹ, chắc mình cũng đoán được. Nhưng bây giờ [đức] Phật hỏi là do đâu mà qua đời, thì càng khó hơn rất nhiều.
Bà-la-môn lại dùng tay gõ vào đầu lâu. Bạch đức Thế Tôn: “Đây do nhiều bệnh tập họp. Trăm đốt xương đau buốt quá mà chết”. Tức là ổng biết luôn, nguyên nhân là người này bị nhiều bệnh quá, trăm đốt xương đau buốt quá, người ta chịu không nổi nên người ta chết.
Đức Thế Tôn bảo: Phải trị bằng phương thuốc nào? [Đức Phật] hỏi ổng cách trị bệnh, tại ổng kiêm về y dược mà.
Bà-la-môn Lộc Đầu bạch đức Phật: Phải dùng quả ha-lê-lặc hoà chung với mật, sau đó cho uống, bệnh này sẽ lành.
Đức Thế Tôn bảo: Lành thay, như những lời ông nói, nếu người này được thuốc này, đã không qua đời. Nay người này lúc mạng chung, sinh về nơi nào?
Thiện Trang xin dừng một chút, tại vì chỗ này có nhiều chi tiết mà chúng ta phải chậm chậm, thì chúng ta mới nhận ra. Đó là bệnh như vậy thì chữa bằng cách dùng quả ha-lê-lặc. Chúng ta không biết quả ha-lê-lặc là quả gì. Ở trong này có chú giải, nhưng chúng ta cũng chẳng biết trái đó là trái gì. Qua Ấn Độ hỏi thì may ra có thể biết, còn không thì chúng ta cũng chẳng biết trái đó. Trái đó hòa chung với mật, sau đó uống trị bệnh thì sẽ lành. Đó là một phương thuốc để chữa bệnh.
Đức Phật nói là người này nếu được uống thuốc thì đã không qua đời. Điều đó nói lên điều gì, quý vị biết không? Đạo lý nhân quả. Nhiều người nói mạng hết thì chết. Đức Phật nói không phải. Đức Phật nói là nếu uống thuốc thì không chết.Do không được uống thuốc đó nên chết. Đạo lý nhân quả trong đạo Phật, không phải là cố định. Có nghĩa là nếu mạng hết, thì mình uống thuốc hay không uống thuốc cũng sẽ chết. Không phải như vậy! Mà nếu uống thuốc thì sẽ không chết.
Đó là một đạo lý. Vì sao? Đức Phật nói Chánh kiến của chúng ta là gì? Phải hiểu rằng là đạo lý nhân quả là nhân cộng duyên ra quả, chứ không phải là cứ nhân như thế rồi ra quả [như thế]. Không phải nói là đời đó tôi tới với [quả] như vậy, thì tôi chết. Thực ra nhiều người nói mạng hết thì chết, có đúng không? Chưa chắc! Tại vì theo giáo lý A Tỳ Đàm nói, chúng ta từ vô lượng kiếp tới giờ, tích tập [nghiệp] nhiều lắm rồi. Tuổi thọ chúng ta có thể sống được dài hơn, nhưng do nghiệp nào đó dẫn tới, nên mình chết ngang, chứ không phải thọ mạng mình hết. Và nếu như do nhân duyên nào đó v.v… thì sẽ kéo dài được.
Chúng ta lấy một ví dụ điển hình là một vị A-la-hán. Đức Phật nói trong kinh, A-la-hán có thể trụ thế được một kiếp. A-la-hán nha, không phải Phật, Phật cũng có thể [trụ thế] một kiếp. Cho nên đừng nghĩ rằng số mạng là cố định. Quý vị nên nhớ là không phải là mạng này hết, mà hết có nghĩa là gì? Quý vị sẽ rơi vào đường ác à? Không có! Đời sau quý vị đáng lẽ còn mạng, quý vị sống được dài dài nữa, miễn là nghiệp tiếp nối. Tức là do các duyên đủ thì chúng ta sẽ sống tiếp, mà khi duyên hết thì tự nhiên chết thôi, chết đời này. Tại vì [duyên hết] thì thân Tứ đại phải tan rã thôi.
Trái ha-lê-lặc này, [dưới] đây có chú thích. Trái này là trái gì thì chúng ta cũng không quan tâm lắm, tại vì trái đó không có ở đây, từ từ [rồi] tìm. Nhưng quý vị biết phương thuốc này.
Bấy giờ, đức Phật hỏi là người này mạng chung thì sinh về nơi nào.
Bà-la-môn nghe rồi, lại cầm đầu lâu gõ, và bạch đức Thế Tôn: Người này mạng chung sinh về ba đường dữ, chẳng sinh về nơi lành. Họ chết vì bệnh, họ sanh về đường dữ, tức là ba đường ác Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh.
Đức Thế Tôn bảo: Thật vậy, Bà-la-môn, như những lời ông nói, sinh vào ba đường dữ, không sinh về nơi lành.
Đó là người thứ nhất. Với cái đầu lâu như vậy thì ổng tiên đoán đó là người nam, không phải người nữ, do nhiều bệnh tập họp lại, trăm đốt xương đau buốt mà chết. Rồi nếu chữa bệnh thì dùng quả ha-lê-lặc hòa chung với mật, sau đó uống. Quý vị thử đánh lên mạng xem ha-lê-lặc là trái gì. Nếu như [chúng ta] có quả đó thì mình có một phương thuốc để chữa bệnh. Sau khi chết thì ổng sanh vào đường dữ: Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh. Đó là câu chuyện thứ nhất.
……2
Bấy giờ, đức Thế Tôn lại cầm một đầu lâu nữa, trao cho Bà-la-môn. Hỏi Bà-la-môn: Đây là người nào? Là nam hay nữ? Tiếp theo thì [đức Phật] thử thách ổng thêm lần nữa. [Vì] ổng giỏi quá, nên đưa thêm cái đầu lâu nữa để ổng đoán, thử coi trình độ tới đâu. Quý vị thấy hay lắm.
Lúc này Bà-la-môn lại dùng tay gõ, và bạch đức Thế Tôn: Đầu lâu này là thân người nữ. Là thân người nữ, tức là ổng cũng biết được luôn. Người kia là nam, còn đây là nữ.
Đức Thế Tôn bảo: Do bệnh tật gì mà mạng chung? Hỏi vậy [xem] ổng biết không.
Ở đây có chú giải quả ha-lê-lặc (呵梨勒; Pāli: harīṭaka, harītakī (Skt. đồng), kha tử 柯子), chữ Hán và chữ Pali. Quý vị có thể đánh chữ Pali dễ tra [tìm] hơn, còn chữ Hán là kha tử. Chúng ta nên đánh theo Pali, thường tiếng Sanskrit hay Pali thì dễ ra thực tế hơn.
Lúc này, Bà-la-môn Lộc Đầu lại dùng tay gõ, và bạch đức Thế Tôn: Người nữ này mạng chung khi còn mang thai.
Đức Thế Tôn bảo: Người nữ này do đâu mà mạng chung? Tức là tội cho người nữ này, khi đang mang thai mà chết, rất là đáng thương! Đức Phật hỏi nguyên nhân tại sao người nữ này chết.
Bà-la-môn bạch đức Phật: Người nữ này do sinh con chưa đầy tháng nên qua đời. Tức là sinh con chưa đầy tháng (chưa đủ tháng), là sinh non, cho nên qua đời. Cũng tội cho thân người nữ.
Đức Thế Tôn bảo: Lành thay! Lành thay! Bà-la-môn, như những lời ông đã nói. Vả lại, người nữ mang thai kia nên trị bằng phương thuốc gì? Quý vị thấy, bây giờ nền y học của chúng ta hiện đại rồi, chứ hồi xưa không có y học tốt như vậy, không biết thuốc là chết. Người này nếu có uống thuốc thì không chết. Vậy uống thuốc gì?
Bà-la-môn bạch đức Phật: Như người bệnh này, phải cần tô đề hồ để uống thì khỏi. Tô đề hồ thì không có gì [lạ] đúng không? Đây là sản phẩm từ sữa thôi, chúng ta có thể tìm thấy. Uống được tô đề hồ thì khỏi, còn không có thì chết, quý vị thấy không!
Đức Thế Tôn bảo: Thật vậy, thật vậy, như những gì ông đã nói. Nay người nữ này sau khi mạng chung sinh về nơi nào? Đức Phật hỏi là người nữ đó khi chết như vậy thì sinh về nơi nào? Quý vị đoán là người nữ đó sanh về nơi đâu, đường lành hay là đường dữ?
Bà-la-môn bạch đức Phật: Người nữ này sau khi mạng chung sinh vào trong Súc sanh. Tức là sinh vào loài Súc sanh, quý vị thấy tội không?
Đức Thế Tôn bảo: Lành thay, lành thay, Bà-la-môn, như những gì ông đã nói.
Tức là đức Phật khẳng định ổng có Thần thông tuyệt vời. Ổng biết được luôn là người này do bệnh gì mà chết. [Đầu tiên ổng biết] là nữ, rồi sau khi chết thì sanh vào loài Súc sanh. Ở đây không nói nguyên nhân tại sao sanh vào loài Súc sanh, có thể là do phước của người này hết, hoặc là do người ta chấp niệm mê mờ về điều gì đó, cho nên sinh vào loài Súc sanh. Ở đây không nói, cho nên chúng ta cũng không biết nguyên nhân gì, chỉ nói là bệnh. Và thật ra nguyên đoạn văn này chúng ta thấy là những người bệnh tật mà chết, thì thông thường đi vào đường ác.
……3
Rồi đức Thế Tôn lại cầm một đầu lâu nữa trao cho Bà-la-môn, và hỏi Bà-la-môn: Là nam hay là nữ? Thêm một cái đầu lâu thứ ba, cho nên Thiện Trang đánh số 3.
Bà-la-môn lại dùng tay gõ, và bạch đức Thế Tôn: Đầu lâu này là của thân người nam. Hồi nãy là một nam, một nữ rồi, bây giờ là nam tiếp.
Đức Thế Tôn bảo: Lành thay! Lành thay! Như những gì ông đã nói. Do tật bệnh gì mà mạng chung? Tức là đức Phật hỏi người này chết do [nguyên nhân] gì.
Bà-la-môn lại dùng tay gõ, và bạch đức Thế Tôn: Người này mạng chung do vì ăn uống ngộ độc, bị thổ tả mà mạng chung.
Có một chứng bệnh gọi là ăn uống bị ngộ độc, bị thổ tả mà mạng chung. Vậy thì chắc chắn là đức Phật sẽ hỏi phương pháp để trị bệnh đúng không? Vậy mình bị ngộ độc thì trị như thế nào. Cho nên Thiện Trang nói [trong] kinh Phật, [quý vị] chịu khó học đi, học [là] có hết các phương thuốc chữa bệnh (y dược là chữa bệnh), rồi đời sống là xài tiền làm sao, làm gì làm gì đều có cả. Cho đến tu đạo giải thoát, cho đến chọn bạn (có bữa giới thiệu cách chọn bạn), rồi [chọn] vợ chồng cũng có hết luôn. Cho nên trong kinh điển không thiếu một điều gì hết, mà tại sao mình đi học ngoại đạo? Học chi cho mệt. Mình học trong kinh Phật cho chắc ăn.
Cho nên đời nay có rất nhiều người đáng thương. Họ thích học những gì ở ngoài, họ không có duyên để học vào kinh Phật. Vì không có duyên thôi. Đó cũng là do chủng tử của họ. Có nhiều người hỏi Thiện Trang: “Thưa thầy, tại sao bây giờ có nhiều người cuồng tín, theo những người phỉ báng Sư Minh Tuệ hay là chống đối Sư Minh Tuệ, chống đối những người tu hành chân chánh v.v… nguyên nhân là vì sao?”
Thiện Trang nói là do thiện căn của họ không đủ. Họ nhiều đời kết nghiệp với những người đó, có nghĩa là họ kết nghiệp với nghiệp tà thì họ sẽ đi theo tà. Đây là nói theo trong kinh, đức Phật nói là chúng sanh thì đi theo giới, tức là tụ họp theo giới, giới là nhóm. Chúng sanh theo tâm tà thì sẽ đi theo nhóm tà, chúng sanh theo tâm tốt thì sẽ theo nhóm tốt. Cho nên ai thích điều nào thì tự nhiên chiêu cảm cảnh giới đó, nói ngôn ngữ Đại thừa là như vậy.
Thật ra đơn giản là tại vì mình có xu hướng như thế, mình có tâm như thế. Ví dụ như mình là một người có tâm chánh trực, có tâm ngay thẳng, thì chắc chắn mình sẽ đi theo con đường ngay thẳng, mình tụ họp với những người ngay thẳng. Bởi vì có ba nguyên nhân quyết định. Quý vị nhớ ba nguyên nhân quyết định là gì? Một là tiền nghiệp. Hai là khuynh hướng tâm lý. Ba là môi trường hoàn cảnh sống. Môi trường hoàn cảnh sống là một phần rồi, nhưng do tiền nghiệp đời trước mình gây [ra]. Mình gây nghiệp đó cho nên mình mới chạy vào [nhóm] kiểu đó.
Và quan trọng là xu hướng tâm lý của mình. Khuynh hướng tâm lý của mình rất quan trọng. Mình là người ngay thẳng, mình không thích những việc xấu xa, không thích những người nói một đường làm một nẻo. Mình không thích những người dua nịnh, mình không thích người như thế này thế kia, thì tự nhiên mình không đi vào những [nhóm] kiểu đó. [Còn] mình thích những người dối trá, trước mặt thì ngọt ngào, nhưng sau lưng thì làm những chuyện xấu xa, thì tự nhiên kéo mình vô nhóm người như thế. Cho nên không có gì hết. Có gì thì cũng là nhân quả, nhân duyên trong đó hết, do mình tạo mà thôi.
Quý vị là một người ngay thẳng chánh trực. Quý vị là một người tha thiết với đạo. Quý vị muốn tu hành, quý vị tôn trọng những người có đức hạnh, những người chân tu, thì quý vị sẽ đi theo hướng những người chân tu. Còn quý vị ngược lại, thì tất nhiên đi theo nhóm ngược lại thôi. Vì chúng sanh tụ họp theo giới mà.
Trong kinh đức Phật nói giới giống như nhóm. Đức Phật nói: “Này Tỳ-kheo, các ông có thấy không? Xá Lợi Phất đi như vậy ([đi] kinh hành), và nhóm người đi theo Xá Lợi Phất toàn là những người trí tuệ. Người nhiều đời tu trí tuệ cho nên đi chung với nhau. Rồi đằng kia, các ông có thấy A Nan dẫn những người đi chung không? Những người đi chung đó toàn là những người đa văn. Và đằng kia Đề Bà Đạt Đa dẫn những người đó đi, toàn là những người xấu”. Tức là tâm giống nhau. Cho nên chúng sanh tụ họp theo loài (loại/giới) giống nhau. Chúng ta hiểu như vậy, nên không có gì lạ. Và chúng ta thương những người đó vì căn lành không đủ. Căn lành tốt thì tự nhiên họ sẽ nhận ra được vấn đề.
Bây giờ chúng ta trở lại. Câu chuyện thứ ba là đức Phật đưa cho một cái đầu lâu. Ông Bà-la-môn gõ và nói là thân này người nam. Do bệnh gì [mà mạng chung]? Ổng nói là do người này vì ăn uống ngộ độc, bị thổ tả mà mạng chung. Đây là một bệnh mà chúng ta cũng rất quan tâm. Chúng ta hãy cố gắng nghe để coi thử nếu chúng ta bị ngộ độc thì làm sao chữa. Quý vị nhớ ghi nha.
Đức Thế Tôn bảo: Bệnh này dùng trị bằng phương thuốc gì?
Bà-la-môn bạch đức Phật: Nhịn ăn trong vòng ba ngày, trừ khỏi được liền.
Quý vị thấy không? Phương pháp rất đơn giản để trị ngộ độc là nhịn ăn ba ngày. Hồi xưa Thiện Trang cũng bị ngộ độc một lần. Thiện Trang cũng không biết trị làm sao, nhưng cơ thể Thiện Trang tự bảo trì, tức là ăn gì vào thì ói ra hết. Cho nên suốt ba ngày chẳng ăn được gì, và cuối cùng [thì] hết. Quả thật là đúng như trong kinh đức Phật dạy.
Hồi xưa mình không biết, kêu ba ngày mình không ăn được gì, ăn cháo cũng ói nữa, cho nên là không ăn được gì. Sau này đọc đoạn kinh này thì biết: À, may quá, không ăn [được] gì, chứ không thì nặng hơn rồi. Rõ ràng phương thuốc để trị bệnh này cực kỳ quan trọng, quý vị thấy không?
Cho nên bài kinh tuy ngắn gọn, không bao nhiêu hết, một bộ Kinh A Hàm rất ngắn, toàn là đoạn kinh ngắn ngắn, nhưng trong đó chứa bao nhiêu kiến thức, nào là y học, nào là đời sống, nào phương pháp, nghiệp, giáo lý. Từ từ rồi chúng ta nghe, đoạn kinh này có nhiều chi tiết hay lắm.
Đức Thế Tôn bảo: Lành thay! Lành thay! Như những gì ông đã nói. Người này sau khi mạng chung sinh về nơi nào? Rõ ràng, đức Phật khẳng định là trị bệnh ngộ độc bằng cách nhịn ăn ba ngày. Bây giờ Ngài hỏi thêm, là sau khi chết thì người bị ngộ độc đó sanh về đâu. Tất nhiên, những bệnh này thông thường là sanh vào đường ác. Chúng ta coi thử coi.
Lúc này, Bà-la-môn lại dùng tay gõ, và bạch đức Thế Tôn: Người này mạng chung sinh vào trong Ngạ quỷ. Sở dĩ như vậy là vì ý chỉ tưởng đến nước. Quý vị thấy chưa? Tại vì sao? Vì họ thiếu nước. [Họ] bị ngộ độc, ói ra nước hết, họ chỉ nghĩ đến nước cho nên sanh vào Ngạ quỷ.
Quý vị thấy không? Đa số chết không tốt là sanh vào đường ác. Ở đây chết ba người rồi đó. Người nào cũng sanh vào đường dữ. Người nam đầu tiên sanh vào đường dữ, không nói là đường nào. Người thứ hai là cô kia mang thai, đẻ non nên chết, là cũng sanh vào Súc sanh. Còn ông này bị ngộ độc chết nên sanh vào Ngạ quỷ, vì chỉ nghĩ tưởng đến nước.
Cho nên hằng ngày, sống tu tập quan trọng lắm. Dù chúng ta có thể bị bệnh như vậy, nhưng sắp chết thì đừng nghĩ đến nước, mà phải chấp nhận xả thân này. Ý niệm nhớ đến Phật, Pháp, Tăng, Vô thường, thì mình sẽ sanh vào cõi lành. Còn nếu mình toàn nghĩ đến nước, cơ thể tôi đang thiếu nước, tôi cần uống nước v.v… thì chết sanh vào Ngạ quỷ. Đói quá thì cũng sanh vào Ngạ quỷ.
Cho nên đừng nghĩ bộ kinh này không có đạo lý gì, mà rất có đạo lý trong từng chi tiết, từng lời. Phải nghe cho kỹ, phải lắng nghe. Chứ [chỉ] nghe qua thì giống như câu chuyện thôi. Chúng ta phải đọc từ từ và ghi chú lại. Học kinh điển là phải từ từ, bình tĩnh. Đừng có kiểu nuốt trọng quả táo.
Đức Thế Tôn bảo: Lành thay! Lành thay! Như những gì ông đã nói. Như vậy ba [câu] chuyện, ba người này đều sanh vào đường dữ, rất là đáng thương.
……4
Bấy giờ, Thế Tôn lại cầm một đầu lâu nữa, trao cho Bà-la-môn, hỏi Bà-la-môn: Là nam hay là nữ?
Phạm chí lúc này dùng tay gõ, và bạch đức Thế Tôn: Đầu lâu này là của thân người nữ.
Đức Phật cũng đưa ra cân bằng ghê, hai nam một nữ, bây giờ thêm người nữ nữa là đủ hai nam hai nữ. Quý vị thấy không? Nhiều khi mình nghe kinh, quý vị mở kinh nghe, quý vị không để ý những chi tiết này. Nhưng Thiện Trang chia sẻ thì mới nhấn cho quý vị những điểm này. Đó là khác biệt giữa người biết học kinh với người chưa biết học kinh. Học kinh, mình nghe câu chuyện vui vui, lọt tai này qua tai kia. Cũng nhớ câu chuyện vậy thôi, chứ mình không nhớ đạo lý nào [là] chữa bệnh v.v… đủ các kiểu… nghiệp báo ở trong này. Như nghiệp báo là bị bệnh chết như vậy thì sanh vào đường dữ. Bây giờ thêm câu chuyện này coi người này chết sanh vào đâu.
Đức Thế Tôn bảo: Lành thay, lành thay, như những gì ông đã nói. Người này mạng chung do bệnh tật gì? Tức là đức Phật khẳng định đúng, đây là đầu lâu của người nữ, và người này mạng chung do bệnh gì.
Bà-la-môn lại dùng tay gõ, và bạch đức Thế Tôn: Lúc đang sinh thì mạng chung. Lại thêm một nỗi khổ của người nữ nữa. Thời xưa, không có y học như bây giờ, cho nên dễ chết khi sinh đẻ. Người nữ này lại bị bệnh là lúc sinh thì chết, rất là đáng thương. [Thời xưa] đó là bình thường. Người nữ bây giờ may [hơn], khoa học tiến bộ rồi, chứ hồi xưa là thập tử nhất sinh, lúc đó rất nguy hiểm. Người nữ kia sanh non [mà] chết, còn người nữ này đang sinh thì chết.
Đức Thế Tôn bảo: Tại sao lúc đang sinh thì mạng chung?
Bà-la-môn lại dùng tay gõ, và bạch đức Thế Tôn: Thân người nữ này khí lực hư, cạn kiệt, lại đói quá nên mạng chung. Điều này rõ ràng, thân người nữ này khí lực hư, cạn kiệt, lại đói quá nên mạng chung. Đố quý vị, người nữ này sanh vào cõi nào? Nghe nói là đói quá nên chết, thì chắc chắn là sanh vào Ngạ quỷ rồi đúng không? Chúng ta đoán thử coi có đúng vậy không.
Đức Thế Tôn bảo: Người này mạng chung sinh về nơi nào?
Lúc này, Bà-la-môn lại dùng tay gõ, và bạch Thế Tôn: Người này mạng chung sinh vào loài Người. Mình đoán sai rồi đó. Quý vị nghe đức Phật nói cho mình, đức Phật bảo vệ mình.
Đức Thế Tôn bảo: Phàm người chết đói mà muốn sinh nơi lành, việc này không đúng. Phải sinh vào ba đường dữ mới hợp lý chứ? Quý vị thấy không? Chết đói sanh vào đường dữ mới đúng, đức Phật hỏi luôn. Phải hỏi vậy chứ! Chứ người chết đói mà sanh vào nơi lành, việc này không đúng. Cho nên chúng ta suy đoán đúng rồi. Nhưng tại sao lại như vậy? Ông kia đoán sai à? Đức Phật vặn lại để hỏi. Quý vị thấy hay chưa! Ở trên thì toàn khen, là thuận. Nhưng tới đây thì có nghịch, có bất ngờ xuất hiện. Bất ngờ nằm ở chi tiết nào? Đức Phật hỏi như vậy để cho ổng nói.
Lúc này, Bà-la-môn lại dùng tay gõ, và bạch đức Thế Tôn: Người nữ này trì giới hoàn hảo mà mạng chung. Quý vị nhớ: nguyên tắc là trì giới, giữ giới hoàn hảo, tức là giữ được trọn vẹn giới mà mạng chung. Cho nên đáng lẽ vào đường dữ, mình đoán đói mà chết thì vào Ngạ quỷ, Súc sanh, nhưng không, [cô này] sanh vào cõi Người. Cho nên công đức giữ giới nằm ở đây. Quý vị thấy đức Phật đưa ra chi tiết quá hay. Ngài đã sắp xếp các đầu lâu để dẫn dắt người ta vào đạo, để dần dần ổng tin được Giới luật của Phật, trì giới hoàn hảo. Câu chuyện này hay lắm!
Đức Thế Tôn bảo: Lành thay, lành thay, như những gì ông đã nói. Thân người nữ kia trì giới hoàn hảo đến khi mạng chung. Sở dĩ như vậy là vì phàm có người nam người nữ nào mà trì hoàn toàn cấm giới thì lúc mạng chung sẽ về hai đường, hoặc lên trời hay là loài người.
Dòng chữ đỏ, Thiện Trang để chốt luôn: ‘Phàm có người nam người nữ nào mà trì hoàn toàn cấm giới thì lúc mạng chung sẽ về hai đường, hoặc lên Trời hay là loài Người’. Vậy thì chúng ta cố gắng giữ giới. Giữ giới được thì chắc chắn, dù có hoàn cảnh khốc liệt, dù bị bệnh, đáng lẽ người nữ này sanh vào ba đường ác nhưng do giữ giới [nên sanh vào cõi Người]. Cho nên giữ giới sanh lên cõi Người, cõi Trời. Đạo lý nằm trong này, từng chi tiết một rõ vậy đó. Hay chưa!
Tức là nghiệp nhân quả báo thì chạy theo dòng đó, nhưng do có giữ giới nên chạy ngược. Công đức giữ giới lớn cực kỳ. Cho nên ai chưa giữ giới thì ráng học [để] giữ giới. Đây là trì hoàn toàn cấm giới.
……5
Bấy giờ, đức Thế Tôn lại cầm đầu lâu nữa trao cho Bà-la-môn, hỏi: Nam hay là nữ? Đây làngười thứ 5. Bây giờ chắc là nam, [vì đã] hai nam hai nữ rồi. Đức Phật sắp xếp theo thứ tự hay, cứ từ từ. Cho nên không phải [ngẫu nhiên] đâu quý vị. Đức Phật có trí tuệ tuyệt vời lắm, Ngài đưa ra [thứ tự câu chuyện] hay lắm. Giờ coi thử người này thế nào.
Lúc này, Bà-la-môn lại dùng tay gõ, và bạch đức Thế Tôn: Đầu lâu này là của thân nam tử. Tức là thân của người nam.
Đức Thế Tôn bảo: Lành thay, lành thay, như những gì ông đã nói. Người này do bệnh tật gì khiến phải mạng chung? Đa số là do bệnh mà phải mạng chung, chứ chẳng ai chết [do] hết tuổi thọ. Quý vị thấy nãy giờ có trường hợp nào hết tuổi thọ mà mạng chung đâu. Toàn bị gì đó nên chết, cho nên không phải hết tuổi thọ mà bị nguyên nhân gì đó. Bây giờ coi thử người này chết vì điều gì. Đây là người nam.
Bà-la-môn lại dùng tay gõ, và bạch đức Thế Tôn: Người này không bệnh, bị người hại khiến mạng chung. [Đây là] một chi tiết mới. Nãy giờ toàn là bị bệnh [mà chết], còn người này không bệnh, [không] ngộ độc, không bị do sinh mà chết. Những ví dụ đức Phật đưa ra hay thật. Đức Phật đưa ra đầu lâu có lựa chọn hết, chứ không phải đưa ngẫu nhiên. Người này không bệnh, mà là bị người ta hại khiến mạng chung. Ví dụ như người ta ám sát, bị người giết v.v… Vậy [trường hợp] này thế nào? Nếu bị hại mà mạng chung thì sanh về đâu? Theo quý vị, chúng ta đoán luôn đi. Thường những người chết như vậy thì sanh vào đường ác, bởi vì tâm họ sân hận, tâm họ tức tối v.v… Những tâm đó thông thường không buông xả được, thì sẽ sanh vào đường ác, có phải như vậy không, mình đoán thử coi.
Đức Thế Tôn bảo: Lành thay, lành thay, như những lời ông đã nói, bị người hại khiến mạng chung. Đức Phật khẳng định ổng nói đúng rồi, ổng giỏi quá mà.
Đức Thế Tôn bảo: Người này mạng chung sẽ sinh nơi nào? Đây là vấn đề chúng ta đang quan tâm.
Lúc này, Bà-la-môn dùng tay gõ, và bạch đức Thế Tôn: Người này mạng chung sinh lên trời, xứ thiện. Ủa, sao ngược đời vậy? Bị người ta hại mà sanh lên trời, thiện xứ, mình thấy có vẻ không hợp lý. Có phải vậy không? Hay là ta đoán sai. Để coi đức Phật có khẳng định giống mình không.
Đức Thế Tôn bảo: Như những lời ông đã nói, lời bàn trước, bàn sau mâu thuẫn nhau. Như chúng ta đoán, bị người hại thì làm sao sanh lên cõi Trời được. Đức Phật mới nói ổng: Những lời ông đã nói, lời bàn trước, bàn sau mâu thuẫn nhau.
Bà-la-môn bạch đức Phật: Căn bản do duyên gì mà mâu thuẫn nhau? Chúng ta thấy dòng chữ đỏ đây. Đức Phật nói [vậy] giống như mình [đoán]. Cho nên mình học nhân quả giỏi rồi đó.
Đức Thế Tôn bảo: Những người nam, nữ mà bị người hại khiến mạng chung, đều sinh hết về ba đường dữ. Sao ông nói là sinh về xứ thiện, lên trời?
Quý vị thấy chúng ta học nhân quả cũng giỏi đấy chứ. Chúng ta nắm được rồi: người bị hại, thông thường tâm họ không an, họ hận, họ thù, họ ghét v.v… cho nên đều sanh hết vào ba đường dữ. Cho nên mình tu tập phải làm sao vượt qua những điều này. Không vượt qua những điều này thì sao? Bây giờ tâm mình vẫn ghét người ta, vì bị hại, bị giết. Khó! Đâu thể làm như ngài Phú Lâu Na được. Ngài Phú Lâu Na nói: “Người ta giết con cũng không sao, cũng giúp cho con giải thoát sớm”. Hay là như Sư Minh Tuệ, thì [mình làm] đâu có được. Mình không có tâm đó, thì sao?
Nhưng người này làm được. Người này không biết làm sao mà họ lên được cõi Trời đó. Bị người khác hại mà vẫn lên cõi Trời. Không chỉ lên cõi Người, mà lên cõi Trời luôn. Không biết tại sao? Hay là ông Bà-la-môn nói sai? Đức Phật vặn lại. Hay là có gì bất thường trong đó. Chúng ta coi thử.
Bà-la-môn lại dùng tay gõ, và bạch đức Thế Tôn: Vì người này vâng giữ Năm giới kiêm hành Thập thiện, nên đến khi mạng chung sinh lên Trời, xứ thiện.
Đáp số là dòng chữ màu đỏ. Người này giữ Năm giới, nhưng hành luôn Thập thiện nữa, thì sanh lên cõi Trời. Như vậy, chúng ta biết luôn nhân lên cõi Trời. Nhân lên cõi Trời là Năm giới với Thập thiện. Còn như người nữ ở trên, giữ được Năm giới thì được sanh lên cõi Người.
Cho nên nhiều đồng tu, học cao siêu cho đã vô, [nhưng] giới không làm được, Thập thiện không làm được. Nói dối, nói lưỡi đôi chiều, nói lời thêu dệt, nói lời thô ác, rồi trộm cắp đủ thứ các kiểu, mà muốn sanh về cõi lành, cõi Người cõi Trời, thì vô lý. Còn muốn giải thoát, muốn đắc đạo A-la-hán, còn muốn vãng sanh về Tây Phương Tịnh Độ nữa chứ. Có thấy mâu thuẫn không?
Cho nên quý vị thấy bài này tuy là ngắn, không dài. Nãy giờ tại Thiện Trang phân tích nên mình thấy dài, chứ còn [kinh] ngắn lắm, đọc nghe qua chút mà bao nhiêu đạo lý trong này. Đạo lý vẫn là đề xướng tầm quan trọng của giữ giới và Mười thiện. Rõ ràng chưa! Kinh Phật hay lắm! Cho nên tại sao Kinh A Hàm hay vậy mà không học?
Đức Thế Tôn bảo: Lành thay, lành thay, như những lời ông đã nói. Người giữ giới, không xúc phạm, sẽ sinh lên trời, xứ thiện. Nhớ giữ giới. Yên tâm, giữ giới không thiệt thòi đâu, chắc chắn sẽ lên [cảnh giới lành].
Đức Thế Tôn lại bảo: Người này đã trì mấy giới mà mạng chung? Theo quý vị, người này trì bao nhiêu giới? Một giới hay bao nhiêu giới?
Bấy giờ, Bà-la-môn một lòng chuyên chú không nghĩ gì khác, dùng tay gõ, và bạch đức Thế Tôn:
Trì một giới chăng? Chẳng phải. Hai, ba, bốn, năm giới chăng? Chẳng phải. Người này trì pháp Bát quan trai mà mạng chung. Quý vị thấy Bát quan trai [ngon] hơn nha. Trì Bát quan trai được sanh lên cõi Trời. Cô kia trì Năm giới, Thập thiện, còn ông [này] không chỉ trì Năm giới, mà trì cả Bát quan trai nữa. Cho nên dù bị người ta hại, nhưng giữ giới Bát quan trai đủ để đưa mình lên cõi Trời. Quý vị thấy ngon không! Cho nên không học kinh thì làm sao biết. Cứ suốt ngày đề xướng, đặc biệt Tịnh Độ, cứ một câu niệm Phật niệm tới cùng, không lo giữ giới. Cho nên tu hoài không đắc công phu. Rồi khi chết, chưa chắc đã vãng sanh, nên nhớ vậy. Quý vị phải học theo kinh, đây là đức Phật nói mà. Nhớ nha! Câu này quan trọng. Người này trì giới Bát quan trai mà mạng chung, cho nên được như vậy.
Đức Thế Tôn bảo: Lành thay, lành thay, như những lời ông đã nói. Trì Bát quan trai mà mạng chung. [Đức Phật] khẳng định đúng. Ổng giỏi quá mà, ổng nói trường hợp nào là đúng trường hợp đó. Năm trường hợp đúng hết. Đức Phật khẳng định [vậy]. Có những trường hợp bất thường, ổng cũng nhận ra được. Chứ người bình thường mình [nghĩ]: người đó bị hại chết thì sanh vào đường ác rồi v.v… Nhưng mình quên mất người ta tu Bát quan trai, tu giữ giới. Cho nên giới với Bát quan trai, Thập thiện cực kỳ quan trọng.
Chúng ta học bộ này tuy cao, nhưng nếu không có những nền tảng này, thì coi chừng mình tu bị tuột, không được gì. Nên nhớ vậy! Đừng nên khinh thường giới, hay Bát quan trai, hay là Ngũ giới. Đó là năm câu chuyện, chuyện thứ sáu chắc là nữ, chúng ta coi tiếp.
……6
Bấy giờ, trong cảnh giới phương Đông, tại phía nam núi Phổ Hương, phương Đông, có Tỳ-kheo Ưu Đà Diên nhập Niết-Bàn trong Vô dư Niết-Bàn giới. Khi ấy, trong khoảnh khắc như co duỗi cánh tay, đức Thế Tôn đến lấy đầu lâu kia, đem về trao cho Bà-la-môn, và hỏi Bà-la-môn: Là nam hay nữ?
Bây giờ không lấy người thường nữa, lấy một vị A-la-hán, tên là Ưu Đà Diên, vị này đã nhập Vô dư Niết-Bàn rồi. Và bây giờ đức Phật dùng Thần thông, như trong khoảnh khắc co duỗi cánh tay, nhanh như thế này thôi, mà đã lấy đầu lâu đưa cho Bà-la-môn, hỏi là nam hay là nữ, xem ổng có đoán được không. Bây giờ đức Phật chơi chiêu cao hơn, đưa đầu lâu của vị A-la-hán. Mình coi thử xem.
Lúc này, Bà-la-môn lại dùng tay gõ, và bạch đức Thế Tôn: Tôi xem đầu lâu này, nguồn gốc của nó chẳng phải nam cũng chẳng phải nữ. (Ổng thua rồi! Ổng không đoán được, ổng nói không nam không nữ. Đầu A-la-hán mà ổng không biết là nam hay nữ. Vị A-la-hán trước đó là Tỳ-kheo, thì là nam chứ). Sở dĩ như vậy là vì tôi quán đầu lâu này cũng chẳng thấy sinh, cũng chẳng thấy đoạn (tức là không thấy sinh hay thấy đoạn gì, không thấy được ai hết), cũng chẳng thấy xoay vần qua lại (A-la-hán nhập Niết-Bàn rồi thì làm sao thấy. Ổng ở trong luân hồi, thì làm sao thấy người ra khỏi luân hồi). Sở dĩ như vậy là vì quan sát tám phương, trên dưới đều không âm vọng. Nay tôi chưa rõ đầu lâu của người này là ai?
[Ổng] thua rồi đúng không? Đây là câu chuyện, quý vị thấy đức Phật rất là tuyệt vời, đức Phật cho ổng thắng, thách thức cỡ nào cũng thắng hết. Nhưng tới đây, bắt đầu ổng nói là đầu lâu này nguồn gốc này chẳng phải nam, chẳng phải nữ. Ổng thua rồi nhưng cũng cố giải thích cho đỡ quê. Ổng nói: Sở dĩ như vậy, vì tôi quán cái đầu lâu này cũng chẳng thấy sinh, cũng chẳng thấy đoạn, cũng chả thấy xoay vần qua lại. Sao lạ vậy? Và quan sát tám phương trên dưới, tức là mười phương, mà không có âm vọng, bữa nay tôi chẳng rõ đầu lâu này là của ai hết. Ổng thua rồi.
Cho nên từ đó, mình biết đức Phật rất trí tuệ, muốn độ người ta phải từ từ, cứ cho người ta thắng đi, thắng đã một hồi, quất một phát cho bài khó hơn, là bắt đầu phục rồi. Đang trên thế thắng thì bắt đầu thua, nhưng chưa chịu thua hẳn, ổng cũng phải nêu lý do. [Mình] thử xem thế nào.
Đức Thế Tôn bảo: Thôi! Thôi! Bà-la-môn, rốt lại, ông không biết là đầu lâu của ai. Ông nên biết, đầu lâu này không đầu không cuối, cũng không sinh tử, cũng không đi về đâu trong tám phương, trên dưới. Đây chính là đầu lâu của A-la-hán, Tỳ-kheo Ưu Đà Diên đã nhập Niết-Bàn trong Vô dư Niết-Bàn giới, trong cảnh giới phương Đông, tại phía nam núi Phổ Hương. Đức Phật cho ổng đáp án. Vậy là ông ấy thua Phật rồi, và ông thấy mình Thần thông cỡ đó, năng lực cỡ đó, mà cuối cùng thua chuyện này. Cho nên, vậy mới độ được người ta chứ.
Sau khi Bà-la-môn nghe những lời này xong, khen chưa từng có, liền bạch đức Thế Tôn: (Ổng khen đức Phật hay lắm)
Nay tôi quan sát loài trùng kiến này từ nơi nào đến, đều biết tất cả (quý vị thấy ổng giỏi không, những nơi con vật nhỏ như trùng, kiến, mà ông biết chúng từ nơi nào đến, biết được luôn. Ông Thần thông giỏi cỡ đó). Nghe tiếng vọng của chim thú mà có thể phân biết rõ ràng: đây là con đực, đây là con cái (Thần thông quá giỏi đúng không quý vị!). Nhưng tôi quan sát vị A-la-hán này, hoàn toàn không thấy gì, không thấy chỗ đến, cũng không thấy chỗ đi (ổng thua rồi). Chánh pháp Như Lai thật là kỳ diệu. Sở dĩ như vậy là vì gốc của các pháp phát xuất từ cửa miệng của Như Lai, còn A-la-hán phát xuất từ gốc của kinh pháp.
Ông ấy rất có thiện căn, ông hiểu ra vấn đề ngay. Ổng quan sát được các loài [trùng, kiến] chim, thú v.v… nhưng ông thấy Chánh pháp của Như Lai kỳ diệu quá. Tại vì vị A-la-hán này là xuất phát từ kinh pháp, mà kinh pháp từ miệng của Như Lai, tức là từ đức Phật thuyết ra. Ổng có thiện căn như vậy, khỏi cần khai thị là giáo pháp của Ta vi diệu, ổng tự hiểu luôn. Tại ổng giỏi quá mà.
Còn chúng ta thì phải khai thị, nào bài khai kinh kệ: “Phật pháp thâm sâu rất nhiệm mầu, trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu v.v…”, đủ các kiểu. Mà cuối cùng mình vẫn trơ trơ, mình không tiếp nhận được giáo pháp của đức Thế Tôn. Còn ông này, chỉ cần [như vậy là] ổng hiểu ra: giáo pháp của đức Phật hay quá. Tại vì sao? Vì vị A-la-hán này là ngoài tầm kiểm soát của mình rồi. Mà vị A-la-hán này từ đâu? Từ học kinh pháp. Mà kinh pháp từ đâu? Từ giáo pháp của Phật. Mà giáo pháp của Phật từ đâu? Từ miệng của đức Phật nói ra. Ổng thông minh nên hiểu ra ngay được vấn đề. Tại mình căn lành kém quá nên mình không hiểu thôi.
Đức Thế Tôn bảo: Thật vậy, Bà-la-môn, như những gì ông đã nói. Gốc của các pháp phát xuất từ miệng Như Lai. Ngay đến chư Thiên, người đời, Ma hoặc Ma thiên, quyết không biết được chỗ đến của A-la-hán. Có nghĩa là A-la-hán đến chỗ nào, có đến không? Có đến! Đức Thế Tôn nói có đến, nhưng chỗ đến của bậc A-la-hán, người đời không biết, Ma thiên (ma cõi Trời) cũng không biết.
Bấy giờ, Bà-la-môn đảnh lễ sát chân, và bạch đức Thế Tôn: Tôi có thể biết hết nơi thú hướng của 96 loại đạo, thảy đều biết tất cả. Nhưng chỗ thú hướng của pháp của Như Lai, lại không thể phân biệt được. Ngưỡng mong đức Thế Tôn cho con được vào đạo. Ông hiểu ra rồi, cho nên ông đảnh lễ đức Phật và nói: ổng biết chỗ thú hướng của 96 loại ngoại đạo. Thời xưa đức Phật ở tại Ấn Độ, thì ổng biết hết. Nhưng giáo pháp của đức Phật thì ổng thua. Cho nên ngưỡng mong đức Thế Tôn cho con vào đạo, để con học giáo pháp của Phật.
Quý vị thấy, không cần phải dụ, nói pháp Ta hay lắm, này kia. Cho nên lúc đầu, quý vị thấy Thiện Trang nói một câu, cũng xuất phát từ đoạn này, là: khi mình mê, mình toàn đem lý luận ra tranh cãi với người khác, để mong thuyết phục họ vào trong đạo của mình tu tập. Nhưng nếu ngộ rồi, thì thật sự dùng sự tu tập của mình để nhiếp phục được người khác. Và sự tu tập đó phải thể hiện trí tuệ rất tuyệt vời. Câu chuyện này đức Phật quá tuyệt vời. Chúng ta coi vị này được nhận như thế nào.
Đức Thế Tôn bảo: Lành thay, Bà-la-môn, hãy tu Phạm hạnh, cũng sẽ không có người nào biết được chỗ thú hướng của ông. Thú hướng là chỗ hướng về, ổng đi về đâu [thì không ai biết được. Hãy tu Phạm hạnh này là được.
Khi ấy, bà-la-môn được xuất gia học đạo, ở chỗ vắng vẻ tư duy thuật đạo, vì mục đích mà thiện gia nam tử cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, cho đến như thật biết rằng: sanh tử đã hết, Phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau. Lúc đó, Bà-la-môn thành A-la-hán.
Thật ra chúng ta thấy ổng không thành A-la-hán cũng lạ đó. Tại ông giỏi quá, ông tu cỡ đó mà! Không cần Phật mà ổng có thể biết được bao nhiêu thứ, bao nhiêu chuyện như vậy, ông biết hết. Nào là y dược, nào người đã chết, người nam hay người nữ, đưa cái đầu lâu thôi mà biết hết. Rồi bệnh gì, chữa bệnh làm sao, sanh về đâu v.v… ông biết sạch. Ổng biết các [loài] chim thú, con này con kia, con đực hay con cái, ông biết sạch, thì ổng không tu đắc đạo A-la-hán mới lạ đó. Tức là ông đã có Thiền chỉ và trí tuệ của ông tuyệt vời rồi. Cho nên đức Phật cho vào xuất gia, vô tu một thời gian, ở chỗ vắng vẻ, là làm xong nhiệm vụ, Phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau nữa, thành A-la-hán.
A-la-hán này khẳng định phải là A-la-hán Câu giải thoát, [vì] có đầy đủ Thần thông, chứ không thể A-la-hán thường được, vì quá trí tuệ. Cho nên những người quá trí tuệ như vậy, thì phải gặp Phật mới được độ, được độ liền.
Cho nên trong kinh cũng nói, ông Uất Đầu Lam Phất hay là ông A La Lam, hay ông tiên A Tư Đà chẳng hạn, những người đó chỉ cần gặp Phật nói cho họ, thì họ đắc đạo liền. Nhưng [họ] không có duyên. Mỗi lần Thiện Trang nghe những câu chuyện như vậy thì cũng rất cảm động. Mình nghĩ: chắc là mình cũng dạng số bần cùng, tức là nhiều đời nhiều kiếp tu hành, khi xưa thì không nói, chứ sau này có lẽ là không gặp được đức Phật. Tức là các đức Phật ra đời, chúng ta không có duyên để gặp, chứ chúng ta cũng có căn lành.
Quý vị biết nhiều người dở lắm, nhưng gặp Phật là đắc đạo. Chỉ cần có chủng tử thôi, trong bộ Luận Câu Xá chúng ta đang học đây, hoặc Luận Tỳ Bà Sa v.v… một số bộ luận nói rằng: Chỉ cần có chủng tử (chủng tánh) thôi, tức là quý vị có duyên lành, hay gieo được hạt giống đạo thôi, thì nếu như gặp được một vị nào đó thuyết đúng pháp của mình là đắc đạo. Trong vòng 16 sát-na tâm là đắc đạo, ít nhất cũng là Sơ quả Tu-đà-hoàn.
Mà mình có thể đã trồng được căn lành đó rồi, nhưng mình không gặp duyên. Mình toàn sanh ra đời trong thời Mạt pháp, thời Tượng pháp, toàn gặp Phàm phu tăng giảng pháp, nên giảng không đúng. Hoặc gặp A-la-hán giảng cũng không đúng căn cơ nữa. A-la-hán giảng pháp đúng, nhưng không đúng với môn [của] mình. Còn Phàm phu tăng giảng pháp thì sợ sai nữa. Quý vị thấy, chúng ta học những bộ này một thời gian, chúng ta thấy nhiều điều mà bây giờ mình mới ngỡ ngàng ra. Hồi xưa mình học nhiều điều tào lao lắm, nhiều điều sai lắm, mà mình đâu có biết. Cho nên tu rất tinh tấn, rất dũng mãnh, nhưng tu bao nhiêu năm rồi mà không có thành tựu.
Tại vì sao? Bởi mình không học được giáo pháp Chánh giáo của Như Lai. Mà càng về sau này, quý vị thấy thời Mạt pháp, mấy ai giảng những bộ kinh đúng theo Phật, càng ngày càng ít. Toàn là giảng đi cúng dường, đi làm này làm kia v.v… đủ các kiểu. Không giảng cho tu, thì làm sao được. Rồi giảng điều này điều kia v.v… cho nên [mình tu] sai. Đó là do mình không có duyên, mình không gặp thời Chánh pháp, gặp đúng vào thời Phật.
Thiện Trang tin là nếu gặp được Phật thì mình được đắc độ. Điều này Thiện Trang nói có căn cứ. Chính trong kinh nói về đức Di Lặc ra đời, Thiện Trang có dẫn bài ‘Các nhân để ra đời gặp đức Phật Di Lặc’, Thiện Trang dẫn ở bài nào đó rồi [bài 09]. Rõ ràng là chỉ cần những người trồng căn lành nào đó, có người cúng dường Ta, cúng dường giáo pháp, xây dựng chùa chiền, v.v… thì gặp Phật Di Lặc đều được đắc độ hết. Có nghĩa là mình tu, mình chỉ cần trồng căn lành trong giáo pháp Như Lai thôi, thì gặp đức Phật Di Lặc là được độ. Mà vấn đề là mình có gặp được không, vấn đề lúc Phật Di Lặc ra đời, ta có xuất hiện ở đó không.
Trong Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ, quý vị thấy, vào thời đức Phật trụ thế tại Ấn Độ 49 năm, thôi chốt 50 năm cho chẵn. 50 năm theo Phật giáo Bắc truyền, 45 năm theo Phật giáo Nam truyền, (45, 49, hay 50 tùy mỗi người, muốn nhận thế nào cũng được). Quý vị thấy thành lớn nhất là thành Vương Xá, thì chỉ có 1/3 dân số trong thành là được gặp Phật; 1/3 dân số của thành Vương Xá là có nghe đến, có biết đến Phật, nhưng không gặp Phật; và 1/3 là không biết có Phật luôn. Thành Vương Xá là nơi đức Phật thường xuyên xuất hiện, ở đó lâu nhất, mà còn vậy. Còn chúng ta ở đâu, chúng ta sinh ở đất nước nào đó, Nhật Bản, Trung Quốc, rồi Đại Hàn v.v… Châu Âu, ở đâu đâu. Cho nên dù đức Phật có ra đời ở tại Ấn Độ, mà mình như đui như điếc, mình chẳng thấy.
Cho nên đâu có dễ, trong nguyện, ngôn ngữ chữ Hán gọi là ‘sanh phùng trung quốc’; sanh phùng trung quốc không phải sanh ở trung tâm đất nước, mà là trung tâm Phật giáo; ‘ngộ Phật’ tức là gặp Phật, mới gọi là ‘trưởng ngộ Minh sư’. Mình không gặp Phật, lâu lâu mới có đức Phật ra đời. Phải gặp được Minh sư, phải gặp được Thiện hữu, phải gặp những người giảng đúng giáo lý của Như Lai, thì mới đắc độ được.
Còn không thì [quý vị] tu cầm chừng, và tiếp tục trôi lăn trong vòng sanh tử. Cho dù những người tu Tịnh Độ, quý vị thấy hồi xưa nói tu 3 năm đến 5 năm vãng sanh. Bây giờ nhiều người tu mười mấy, hai chục năm, càng ngày càng có vấn đề, danh văn lợi dưỡng, nói xấu người này, nói xấu người kia, rồi tu mà suốt ngày áp đặt người này người kia. Cho nên điều đó tu có đúng không? Mình coi mình tu thế nào, thì tự mình biết. Mỗi người hãy suy xét con đường tu của mình, và suy xét bằng cách nào? [Bằng cách là] hãy học kinh điển, chỉ có coi kinh giáo của đức Thế Tôn. Tuy mới đầu coi khó lắm, nhiều đồng tu nói mới đầu nghe không hiểu. Nhưng sau khi thầy giảng một thời gian, bây giờ coi, nghe thì hiểu rồi, nghe kinh bắt đầu hiểu [và] sáng tỏ ra đúng không?
Như câu chuyện hôm nay, Thiện Trang [giảng] nãy giờ một bộ kinh chưa hết, không dài, nhưng Thiện Trang phân tích cho quý vị thấy bao nhiêu đạo lý ở trong đó. Đừng có tưởng là Kinh A Hàm có một đoạn kinh không có gì, một câu chuyện vui vui, không phải! Quá nhiều đạo lý trong đó và đạo lý quá hay. Cho nên mình học rồi mình sáng tỏ, mỗi ngày mình ôm kinh là mỗi ngày hạnh phúc, mỗi ngày an lạc, và mỗi ngày khai ngộ trong đó. Và khi mình sống được với tâm như vậy, thì mình rất dễ dàng sống trong Chánh giáo đức Thế Tôn, và lâu ngày thì mình sẽ giải thoát thôi. Cho nên hãy cố gắng học kinh.
Bấy giờ, Tôn giả Lộc Đầu bạch Thế Tôn: Nay con đã biết pháp tu hành của A-la-hán.
Bây giờ gọi là Tôn giả Lộc Đầu, tại vì ngài ấy thành A-la-hán rồi. Cho nên ngài nói là con đã biết pháp tu hành của A-la-hán. Tại vì một người đắc đạo A-la-hán rồi, thì nhìn giáo pháp Tứ đế và 12 nhân duyên giống như là nhìn trái amla trong lòng bàn tay. Trái amla thì nhỏ nhỏ thôi, quý vị lên mạng tra trái amla. Có người đồng tu nói là trái me rừng tại Việt Nam, để bữa nào Thiện Trang lấy cho quý vị coi. Hình như giống đó, Thiện Trang chưa thấy trái me rừng, nhưng Thiện Trang thấy người ta chụp hình trái me rừng thì thấy giống, chắc trái amla là trái me rừng. Cho nên thấy trái amla trong vòng bàn tay rõ ràng mồn một. Cũng vậy một vị A-la-hán, một người từ A-la-hán trở lên, thì chắc chắn nhìn giáo pháp Tứ đế và giáo pháp 12 nhân duyên giống như trái amla trong lòng bàn tay.
Còn ai tôn thờ chư Tổ này, chư Tổ kia là Phật, Bồ-tát tái lai, mà giảng giáo pháp Tứ đế trật lất, thì xin lỗi mấy người đó không phải là A-la-hán trở lên, không thể nào là Phật, Bồ-tát tái lai.
Sẵn đây Thiện Trang nói thẳng luôn, không biết đúng hay không. Thiện Trang coi gần hết kinh điển rồi, Thiện Trang thấy không có kinh nào nói có chư Phật, cổ Phật nào tái lai cả. Quý vị coi đi, quý vị dẫn ra giùm cổ Phật nào tái lai, trong kinh nào giùm Thiện Trang. Còn Trung Quốc người ta hay đem người này tái lai, người kia tái lai, chắc để hù dọa quý vị đó. Cho nên là quý vị tin sái cổ, không dám phản ứng luôn. Còn Thiện Trang thấy trong kinh không có dẫn. Mà chỉ có nói những người đó là người ta tu hạnh Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, và chính vì hạnh đó nên họ chưa nhập Niết-Bàn, họ đợi cho đến thành Phật.
Ví dụ như trong Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, Thiện Trang dẫn Bắc truyền luôn cho quý vị thấy. Có ông Trưởng giả tên là Đại Biện, từ lâu đã chứng quả Vô sanh, nhưng hiện thân Trưởng giả để hóa độ chúng sanh. Tức là ông đang tu để cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nhưng ổng chứng quả Vô sanh rồi. Hoặc là vị Chủ Mạng Quỷ Vương, sau 170 kiếp sau thì ổng sẽ thành Phật, như vậy vẫn là tu đó.
Cho nên quý vị hãy coi lại kinh điển, chứ mình cứ nghe người ta nói không thôi. Hãy coi kinh mà suy xét, chứ đừng vội tin một cách sái cổ như vậy. Người ta muốn cho người nào đó nổi tiếng, thì cứ phán cho người đó, tuyên truyền người đó là Phật, Bồ-tát tái lai, là cổ Phật Nhiên Đăng tái lai v.v… quý vị tin sái cổ luôn.
Thực tế quý vị coi lại, nếu là một vị Phật, một vị A-la-hán, thì không thể nào nói sai giáo pháp Tứ đế được, không thể nói sai giáo pháp 12 nhân duyên được. Mà đây giáo pháp Tứ đế, Sơ quả Tu-đà-hoàn có Thần thông thế nào mà nói cũng trật nữa, tu những gì để chứng Sơ quả Tu-đà-hoàn mà cũng nói trật nữa, thì không thể nào [là] một người tái lai. Nên nhớ vậy! Đừng để bị dẫn dụ, quý vị thấy rõ ràng, chú ý giùm cho. Và cố gắng nghe, coi kinh nhiều đi, đừng để bị dụ, quý vị dễ bị lừa quá. Mình tin kinh, không tin người, tức là ‘y pháp bất y nhân’.Bây giờ chúng ta tiếp tục coi:
Đức Thế Tôn bảo: Ông biết thế nào về hạnh của A-la-hán? Bây giờ hạnh của A-la-hán thế nào, ổng ấy trình bày tâm đắc cho nghe.
Ngài Lộc Đầu bạch Phật: Nay có bốn giới. Những gì là bốn? Địa giới, thủy giới, hoả giới, phong giới. Điều này chúng ta cũng học trong Luận Câu Xá rồi, [có bốn giới]: địa, thủy, hỏa, phong. Cho nên ngài tự tu, xong ngài đắc, rồi ngài tự báo cáo luôn, khỏi cần dạy.
Như Lai, đó gọi là có bốn giới này. Khi một người mạng chung, đất trở về đất, nước trở về nước, lửa trở về lửa, gió trở về gió. Điều này thì rõ ràng phải không? Ổng báo cáo tâm đắc vậy thôi, đơn giản.
Đức Thế Tôn bảo: Thế nào, Tỳ-kheo, nay có bao nhiêu giới?
Ngài Lộc Đầu bạch đức Phật: Sự thực có bốn giới. Nhưng nghĩa có tám giới.
[Quý vị] thấy, không cần dạy đâu, khi đắc đạo rồi thì người ta tự thấy. Tại vì thấy con đường mình đi qua, không có người nào mù con đường mình đi qua được hết. Con đường mình đi qua thì tôi phải biết rõ con đường đó chứ. Đạo Phật không có vụ [đức Phật] ôm mình bay đi. Cho nên không có chuyện ôm mình bay đi, nên mình không biết con đường đó ở đâu. Mà mình đi qua con đường đó thì mình phải biết rõ con đường đó.
Cho nên ai mà không thông tỏ con đường vào Sơ quả, thì chắc chắn người ta chưa chứng Sơ quả. Ai chưa rõ con đường A-la-hán, thì người đó chắc chắn chưa chứng A-la-hán. Mà A-la-hán là thông giáo pháp Tứ đế rồi. Không cần nói nhiều, chỉ cần Sơ quả Tu-đà-hoàn là đã có Chánh kiến rồi. Nhiều người bây giờ mình tôn thờ người ta là Phật, Bồ-tát tái lai, A-la-hán v.v… Nhưng người ta có Chánh kiến hay chưa? So với Chánh kiến thì trật lất, người ta giảng Chánh kiến trật lất, thì chứng tỏ là người ta chưa có gì hết. Cho nên đó chỉ là tôn vinh thôi. Bây giờ có chiêu tôn vinh để nổi tiếng, cho nên phải cẩn thận nha. Thời nay mình phải học kinh điển, phải có căn cứ.
Đức Thế Tôn bảo: Thế nào là bốn giới, mà nghĩa có tám giới? Nếu là A-la-hán thì [sẽ] trả lời được. Cho nên ngôn ngữ, chư Tổ Trung Hoa gọi là ‘Minh tâm Kiến tánh’ hay ấn chứng, thầy hỏi để ấn chứng.
Ngài Lộc Đầu bạch đức Phật: Nay có bốn giới. Những gì là bốn giới? Đất, nước, lửa, gió. Đó gọi là bốn giới. Điều này chúng ta cũng học [rồi] đúng không? Chúng ta thấy chúng ta học đâu có ngoài kinh điển của Phật đâu.
Thế nào là nghĩa có tám giới? Đất có hai loại: đất trong và đất ngoài (điều này thì mình chưa học. Quý vị thấy trong kinh các vị A-la-hán báo cáo thì ngoài sức tưởng tượng của mình). Sao gọi đại chủng đất bên trong? (Mình cũng học ngôn ngữ của ngài Huyền Trang, ngài cũng nói là đại chủng đất (đại chủng địa)). Đó là tóc, lông, móng, răng, thân thể, da bọc ngoài, gân cốt, tuỷ não, ruột, bao tử, gan, mật, tỳ, thận (tóm lại là những chất cứng thì gọi là đất, chúng ta học rồi. Ở trong thân thể mình thì gọi là bên trong). Đó gọi là đại chủng đất trong. Thế nào là đại chủng đất bên ngoài? (Điều này thì chúng ta chưa biết) Đó là những gì cứng chắc. Đó gọi là đại chủng đất bên ngoài. Đây gọi là hai đại chủng đất.
Chỗ này là Luận Câu Xá chúng ta đang học, quý vị thấy [ở đây] mở rộng thêm, cho nên Thiện Trang dẫn vào đây, chứ dẫn bữa khác thì chắc chúng ta không hiểu đoạn này. Dẫn ở đây thì chúng ta hiểu. Tức là đất là những gì mà cứng chắc ở trong thân thể chúng ta, gọi là đại chủng đất ở bên trong. Ngoài ra, những gì cứng chắc ở bên ngoài [thì là đại chủng đất bên ngoài].
Quý vị thấy chúng ta giảng ngôn ngữ đâu có sai. Đây là lời của vị A-la-hán mà. Vị A-la-hán nói là những gì cứng chắc, đó là đại chủng đất bên ngoài. Vậy thì chúng ta giảng có sai không? Không thể sai được, đúng không? Chúng ta nói đúng đó.
Sao gọi đại chủng nước? Đại chủng nước có hai: đại chủng nước bên trong, đại chủng nước bên ngoài (điều này cũng rõ ràng). Đại chủng nước bên trong là đờm dãi, nước mắt, nước tiểu, máu, tuỷ (tóm lại là những gì có nước). Đó gọi là đại chủng nước bên trong. Còn các vật mềm ướt bên ngoài. Đó gọi là đại chủng nước bên ngoài. Đây gọi là hai đại chủng nước. Quý vị thấy bữa trước chúng ta giảng được cái chung ở bên ngoài thôi, nhưng ở đây ngài A-la-hán chia ra hai loại. Tại sao chia ra hai loại, thì chúng ta sẽ hiểu được nguyên nhân, mà ngài đó ngộ ra để chứng đạo.
Sao gọi đại chủng lửa? Đại chủng lửa có hai: đại chủng lửa bên trong, đại chủng lửa bên ngoài. Sao gọi là lửa trong? Là sự tiêu hóa tất cả những vật được ăn, không còn dư sót. Đó gọi là lửa bên trong (sự tiêu hóa của chúng ta cần phải có năng lượng, thì mới tiêu hóa được những vật được ăn, đó gọi đại chủng lửa bên trong). Sao gọi là lửa bên ngoài? Những vật giữ hơi nóng, vật ở bên ngoài. Đó gọi là loại lửa ngoài.
Điều này chúng ta thấy rõ ràng, chúng ta giảng về Đất, Nước, Gió, Lửa thời gian qua là đúng, không sai, mình theo kinh. Cho nên phải căn cứ kinh, giảng một hồi mà đối chiếu trong kinh trật lất là thôi rồi đó, là mình giảng tầm bậy.
Thật ra Thiện Trang nói là trong Kinh A Hàm, Kinh Nikaya có hết những vấn đề căn bản này, mà tại sao nhiều người giảng đi đâu, đặc biệt những nhà học giả Đại thừa, cứ phát kiến lên giảng tùm lum tùm la, rồi cuối cùng so trong kinh thì trật lất. Sau đó mình thấy mỗi người dẫn một đường, học rồi bắt đầu cãi nhau chí chóe luôn, nhóm này cãi nhóm kia. Tại vì sao? Do mỗi người giảng mỗi đường, không chịu học trong kinh Phật. Kinh A Hàm, Kinh Nikaya có hết, học rồi thì giảng ra, thì làm sao sai được, ai cũng giống ai thôi.
Cho nên bên Phật giáo Nam truyền hay ở chỗ là họ giảng giống nhau, giảng trong kinh ra. Còn bên Phật giáo Bắc truyền không chịu học kinh, rồi phát tác ra nói. Họ còn bào chữa nữa chứ, kêu là tùy căn cơ chúng sanh, đối với người có thì nói có, đối với người không thì nói không, người chấp có thì nói không, mà người chấp không thì nói có.
Quý vị dẫn coi, kinh điển đâu phải vậy, kinh điển về những kiến thức căn bản là một dòng thôi. Còn bao giờ lên trình độ Bát-nhã thì bắt đầu mới nói kiểu đó. Mà mình chưa học xong trình độ một, mà đòi lên trình độ Bát-nhã. Cho nên là Thiện Trang nói điều đó nguy hiểm.
Rồi Đệ tử đời sau bắt chước nói vậy, rồi thời sau ấn chứng cho nhau ngộ nữa chứ. Không! Cho nên là từ thời Lục tổ trở đi thì không ấn chứng ngộ nữa rồi. Cho nên quý vị thấy Tổ sư Thiền tông Ấn Độ, tới ngài Lục tổ là hết truyền rồi, sau này thì không ấn chứng nữa. Còn đời sau này tự ấn chứng là tự chịu trách nhiệm.
Ở đây sẵn Thiện Trang nói luôn, chúng ta học chúng ta phải rõ ràng, cho dù là Tổ sư của Thiền tông thì vẫn không bằng Phật được. Điển hình là câu chuyện, quý vị lấy 33 vị Tổ của Trung Hoa và Ấn Độ, chúng ta lấy vị Tổ thứ tư của Thiền tông Ấn Độ là ngài Ưu Ba Cúc Đa. Câu chuyện này Thiện Trang đã kể rồi, quý vị nghe câu chuyện đó rất nổi tiếng, là Tổ Ưu Ba Cúc Đa có năng lực chiết phục được Ma vương Ba Tuần luôn. Ngài dùng Thần thông chiết phục được Ma vương Ba Tuần, sau khi chiết phục xong, thì Ma vương Ba Tuần nói: “Con phục ngài lắm, cho nên ngài muốn yêu cầu gì thì con sẽ làm cho”. Ngài là vị Tổ sư thứ tư của Thiền tông, ngài nói: “Ta không có có nhu cầu gì hết, ta chỉ có một điều ước thôi, là ta chưa thấy được Phật. Tại vì thời ta ra đời, đức Phật đã nhập Niết-Bàn rồi, các Tăng đoàn thời đó không còn nữa, cho nên ông có thể dùng Thần thông hóa hiện ra đức Phật và Tăng đoàn để cho ta thấy hay không? Ta mong muốn là thấy được hình ảnh đức Thế Tôn. Bởi vì ông sống từ thời đó tới giờ, ông thấy được hình ảnh đó, ông hóa hiện ra được không?”
Ma Vương Ba Tuần nhận lời: “Được! Con sẽ hóa hiện ra đức Thế Tôn và đủ 1.250 vị Tỳ-kheo, tùy tùng đi theo Phật. Nhưng ngài nhớ nha, ngài đừng lễ”. Ma vương Ba Tuần cũng giỏi lắm, ổng có Thần thông nên biết trước là thế nào [khi ổng] hóa hiện ra Phật, thì Tổ sư thấy Phật là lễ, cho nên ổng dặn. Sau khi ông hóa hiện ra đức Phật và 1.250 vị Tỳ-kheo, đi từ cánh bìa rừng đi ra, thì vị Tổ Ưu Ba Cúc Đa thấy Phật cho nên bất giác đảnh lễ. Vừa đảnh lễ thì Ma vương Ba Tuần thu mình lại, nói: “Con đã dặn ngài rồi, ngài không được lãnh lễ mà. Con làm sao dám nhận lễ của ngài”.
Quý vị thấy câu chuyện đó để nói lên điều gì? Câu chuyện đó, mình tưởng là bình thường, nhưng thật ra có quá nhiều chi tiết trong đó. Thứ nhất, một vị Tổ sư đã Minh tâm Kiến tánh, được xác nhận trao y bát. Tổ thứ tư hồi đó được trao y bát mà. Mà vẫn không có đủ năng lực đi ngược thời gian, để nhìn được Tăng đoàn thời đức Phật, thì có lý do nào mà ngài Thiên Thai Trí Giả Đại sư có thể nhập định để thấy. Ngài Thiên Thai Trí Giả Đại sư hơn ngài Ưu Ba Cúc Đa à? Đó là một điều hơi vô lý, Thiện Trang cũng thắc mắc.
Thứ hai, năng lực của một vị Tổ sư đã Minh tâm Kiến tánh, Kiến tánh Thành Phật, không biết được mà phải nhờ Ma vương hiện hình sao? Rồi thêm một vấn đề nữa, là ngài vẫn còn sự cung kính quá, nên ngài bất giác lễ xuống, đúng chưa?
Cho nên quý vị thấy, Thần thông diệu dụng của một người chứng quả trên A-la-hán, (mình nói là trên A-la-hán đi, vì là một vị Tổ sư Minh tâm Kiến tánh mà), vẫn không bằng [Phật]. Mặc dù đã chiết phục Ma vương rồi, vẫn không đủ năng lực để quán xét những điều quá khứ như vậy, như vậy. Không tự biết được là Phật như thế nào, chưa thấy Tăng đoàn thế nào. Từ đó mình suy nghĩ: ‘Là vị Tổ sư Thiền tông cỡ đó, mà không bằng Phật được, thì làm sao có người nào bằng Phật được’. Cho nên không thể nói Lục tổ Huệ Năng bằng Phật được, không có chuyện đó, chỉ có Tổ Tổ tương truyền. Ngài Ưu Ba Cúc Đa là Tổ thứ tư Thiền tông Ấn Độ rồi. Câu chuyện đó, quý vị mở quyển sách ‘33 vị Tổ sư Thiền tông’, do ngài Thích Thanh Từ dịch mà coi.
Cho nên chúng ta học là phải sáng suốt, đừng có mê muội. Học Phật là sáng suốt, rõ ràng hết mọi chuyện. Cho nên hãy tin Phật, lấy Phật làm chuẩn, đừng bao giờ đặt Tổ hơn Phật. Chúng ta có quyền học chư Tổ. Đúng! Nhưng chúng ta tham khảo, những gì các ngài giảng tương ưng với Phật thì chúng ta học theo. Những gì các ngài giảng không tương ưng với Phật, thì chúng ta xin phép, con chưa đủ khả năng, con gạt các ngài qua một bên để con học Phật, thì mình chắc chắn đúng. Còn không, lỡ mình học sai thì đi theo sai luôn, không biết Tổ nào thế nào, mình đâu có biết. Thôi thì mình tin trong kinh.
Những điều này Thiện Trang nói một lần nữa, tại vì thời nay có truyền phái là tin người hơn tin Phật, và thờ một cách gọi là mê muội. Và khi có ai nói thầy đó giảng sai là nổi khùng lên. Giống như Thiện Trang nói người đó giảng sai, thì bắt đầu quay ra chửi Thiện Trang. Thiện Trang nói sai, [thì quý vị có thể] đối chiếu kinh Phật mà. Kinh Phật nói đúng như thế, thì mình phải tin Phật chứ không tin người, y pháp bất y nhân mà. Quý vị tin người, nghe nói thầy mình giảng sai là nổi sùng, nổi khùng lên, thì làm gì. Vậy mình tu hành dữ chưa? Tu hành như vậy không được. Cho nên quý vị hãy cố gắng coi lại.
Quý vị có thời gian, có trí tuệ, thì quý vị đối chiếu pháp ngữ của các Tổ sư, Đại đức với kinh Phật, duyệt hết Đại tạng kinh, coi Đại Tạng kinh thôi. Quý vị so một hồi rồi quý vị thấy, có rất nhiều vấn đề chưa hẳn tương ương. Cho nên Thiện Trang muốn nói: là có một vài chư Tổ chưa hẳn là Phật, Bồ-tát tái lai đâu, quý vị hãy cẩn thận. Thiện Trang coi nhiều rồi, Thiện Trang phát hiện ra như vậy, và Thiện Trang báo cáo với quý vị. Mình hãy cố gắng tin tưởng [Phật]. Chúng ta học Kinh A Hàm, Kinh Nikaya này là để bổ sung cho nền tảng Đại thừa rất tuyệt vời. Quý vị tu bất cứ Pháp môn nào, Thiền tông, Vipassana hay Đại thừa hay Mật tông, thì quý vị học những nền tảng này đều cần thiết cả. Quý vị học rồi, quý vị áp dụng vào đời sống này, thì quý vị sẽ an vui, và đời sau an vui giải thoát.
Chứ còn không, nhiều khi mình tu, mình rớt vào Tà kiến mà mình không biết. Mà khi đã rớt vào Tà rồi, thì càng tu càng xa mục đích của mình là giác ngộ và giải thoát. Nên nhớ vậy! Giống như con đường, từ điểm A đến điểm B, quý vị đi thẳng đường thì sẽ tới. Mà bây giờ quý vị đi lệch qua một chút, càng lệch thì càng xa thôi, lệch càng nhiều thì càng xa hơn nữa. Càng tinh tấn bao nhiêu, thì Tà tinh tấn sẽ xa với Chánh kiến bấy nhiêu, và càng xa Chánh giải thoát, tại vì mình đã sai đường. Cho nên đừng để sai. Muốn khỏi sai thì phải chịu khó dành thời gian coi giùm Kinh A Hàm, Kinh Nikaya, và học A Tỳ Đàm, học Luận Câu Xá v.v… học những bộ luận về giáo lý giải thoát này, thì chúng ta sẽ không bị lạc đường.
Tại sao gọi là đại chủng gió? Đại chủng gió có hai: gió trong và gió ngoài. Gió trong là gì? Đó là gió trong môi, gió mắt, gió đầu, gió thở ra, gió thở vào, gió trong tất cả các khớp tay, chân. Đó gọi là gió trong. Sao gọi là gió ngoài? Đó là vật khiến lay động nhẹ, nhanh chóng. Đó gọi là gió ngoài (điều này thì rõ ràng. Cái gì làm cho lay động vật nhẹ, gọi là gió ngoài). Bạch Thế Tôn, đó gọi là có hai loại. Sự thật có bốn, mà số có tám.
Điều này là chia chẻ ra. Quý vị thấy hôm bữa mình học Luận Câu Xá không có chia chẻ như thế này, mà ở đây chia sẻ thành tám luôn.
Như vậy, thưa đức Thế Tôn, con quán sát nghĩa này, rằng con người khi mạng chung, bốn đại chủng ấy trở về gốc của chúng. Điều này thì chúng ta biết rồi, đây là đạo lý Vô thường.
Đức Thế Tôn bảo: Pháp Vô thường cũng không cùng chung với pháp Thường (Vô thường không bao giờ đi chung với pháp Thường). Sở dĩ như vậy là vì đại chủng đất có hai, hoặc trong hoặc ngoài. Bấy giờ, đất trong là pháp Vô thường, là pháp biến dịch (biến dịch tức là biến đổi, thay đổi), còn đại chủng đất ngoài thường trụ không biến đổi. Đó gọi là đất có hai loại không tương ưng với Thường và Vô thường. Còn ba đại kia cũng lại như vậy, giữa Thường và Vô thường không tương ưng nhau. Đoạn này hơi khó hiểu, từ từ rồi chúng ta giải thích.
Cho nên, này Lộc Đầu, tuy có tám loại, kỳ thật chỉ có bốn. Lộc Đầu, hãy học điều này như vậy.
Lộc Đầu sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
(Kinh Số 4 – Phẩm Thanh Văn thứ 28 – Kinh Tăng Nhất A Hàm).
Một bài kinh thật ra nếu đọc thì nhanh lắm, nghe chừng khoảng 5 phút là hết bộ kinh, nhưng chúng ta giảng nãy giờ hơn một tiếng mà chưa xong.
Quý vị thấy đạo lý chỗ này, chúng ta cũng không hiểu, đó là pháp Vô thường cũng không cùng chung với pháp Thường. Điều này thì mình hiểu. Nhưng đoạn này thì hình như mơ hồ đối với chúng ta: Sở dĩ như vậy là vì đại chủng đất có hai, hoặc trong hoặc ngoài. Bấy giờ, đất trong là pháp Vô thường, là pháp biến dịch, còn đại chủng đất ngoài thường trụ không biến đổi.Chỗ này thì ngài Tuệ Sỹ đánh dấu luôn, là câu này nên tồn nghi trong Hán dịch, không biết đúng hay không. Tức là ngài cũng không hiểu luôn. Về điều này thì Thiện Trang hiểu sơ sơ, nhưng không biết đúng không, Thiện Trang chia sẻ thôi.
Tức là ở đây nói: Đất, Nước, Lửa, Gió thì chia ra làm 4, rồi mỗi loại chia ra làm 2 nữa (trong và ngoài), thì thành 8. Ví dụ đất, đất bên trong thì vô thường. Tại vì sao? Vì thân thể mình vô thường, biến đổi đúng không? Điều đó là rõ ràng. Và đất bên ngoài cho dù biến đổi, vật chất không tự nhiên sanh ra, cũng không tự nhiên mất đi, mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác, ngôn ngữ là như vậy. Và chính vì hai điều đó, nên cái bên ngoài thì còn hoài, còn cái trong thì thay đổi. Cho nên hai cái đó không tương ưng với nhau. Vì vậy mới có sanh tử. Ba loại còn lại cũng vậy, không tương ưng với nhau, vì vậy mới có sanh tử luân hồi, ngôn ngữ là như vậy.
Chúng ta không có đủ trí tuệ để hiểu điều này, bao giờ thành A-la-hán thì mới hiểu. Chứ bây giờ mình không có Tổ sư, không có ai Minh tâm Kiến tánh thì hỏi kiểu nào đây. Ngôn ngữ Minh tâm Kiến Tánh, thật ra chỉ là địa vị A-la-hán, mà A-la-hán với Tuệ giải thoát thì có thể hiểu được.
Cho nên mình cố gắng mình học từ từ, điều này mình hiểu hay không hiểu thì cũng không sao, từ từ rồi sẽ hiểu. Thiện Trang nghĩ là như vậy, tùy duyên của quý vị thôi.
Như vậy hôm nay đã giới thiệu được vấn đề kiến thức, một câu chuyện [tưởng] rất dài nhưng thật ra là ngắn. Quý vị có thể copy lại từng đoạn từng đoạn để chia sẻ. Thiện Trang thấy rất nhiều đạo lý hay, trong đó nhấn mạnh một lần nữa tầm quan trọng của việc giữ giới, rồi tu như thế nào, và phương tiện độ sanh như thế nào. Rất hay! Thiện Trang nghĩ đây là một những câu chuyện mà Thiện Trang nhớ nhất trong Kinh A Hàm.
Trong Kinh A Hàm, Thiện Trang có ấn tượng với ba câu chuyện nhất, thậm chí là bốn câu chuyện. Câu chuyện thứ nhất là câu chuyện Lão Nam Nữ. Quý vị còn nhớ không? Hai ông bà già đáng lẽ có thể đắc đạo A-la-hán, hoặc giàu nhất thành Xá Vệ, mà cuối cùng không được gì hết. Hoặc là tới Sơ quả Tu-đà-hoàn, hoặc là giàu thứ tư của của thành Xá Vệ, nhưng cuối cùng không được gì hết. Đó là một vấn đề. Vấn đề thứ hai là vấn đề về xài tiền, đó là câu chuyện thứ hai. Vấn đề thứ ba là câu chuyện này. Và vấn đề thứ tư là câu chuyện của ngài Tượng Xá Lợi Phất, một vị có Thần thông nhưng cuối cùng hoàn tục, về cưới hai bà vợ luôn. Rồi cuối cùng quay trở lại tu hành thì đắc đạo A-la-hán.
Cho nên là Thiền chỉ với Thiền quán khác nhau. Thiền chỉ đắc nhưng có thể mất. Còn Thiền quán [một khi] đắc thì không mất. Đó là những vấn đề. Tức là mình chỉ cần căn cứ vào những câu chuyện, từ những câu chuyện đó sẽ gợi cho mình rất nhiều đạo lý trong đó, và mình sẽ nhớ mãi không quên. Đó là những câu chuyện mà Thiện Trang nhớ ra, thật ra là còn nhiều lắm. Kinh A Hàm với Kinh Nikaya, thỉnh thoảng có những câu chuyện mà càng gây sốc cho mình bao nhiêu, thì mình càng nhớ bấy nhiêu. Chính vì vậy [giúp] cho mình nhớ lâu, và các pháp Khổ – Không, Vô thường, Vô ngã ấn trong tâm chúng ta.
Tiếp theo Thiện Trang trở lại với phần giáo lý về tu chứng. Hôm nay giới thiệu đề mục là ‘Làm sao để vào Thế đệ Nhất vị’, tức là nhập Chánh tánh Ly Sanh. Đoạn này Thiện Trang xin trích từ Kinh Nikaya. Có nghĩa là hôm nay sẽ giới thiệu cho quý vị ngay cả Thế đệ Nhất vị, nhưng trong Kinh Nikaya thì không dùng chữ Thế đệ Nhất vị, mà gọi là Quyết định tánh hay là nhập Chánh tánh Ly sanh. Ở trong Tứ gia hạnh vị mà Thiện Trang hay nói, thì đây là địa vị thứ tư, gọi là nhập Chánh tánh Ly sanh. Vậy chúng ta làm sao để vào? Hồi bữa chúng ta đã biết làm sao để vào Tùy tín hành, Tùy pháp hành rồi đúng không? Bữa nay sẽ giới thiệu cho quý vị hạ cấp thêm, là sẽ xuống tới Thế đệ Nhất vị, thậm chí hạ xuống thêm nữa, từ từ mình hạ xuống tới Noãn vị luôn.
[Vậy] mình làm sao để vào? Đây chỉ là đoạn ngắn thôi, nhưng căn cứ trong kinh. Xin giới thiệu với quý vị đây là căn cứ trong kinh. Thiện Trang nói tất cả trong kinh điển có hết, tại vì mấy người không học. Những người không học thì giảng tùm lum thôi. Chứ còn chúng ta [học] rồi giảng, thì có trong kinh hết. Thiện Trang dành thời gian suốt ngày đọc kinh, nghe kinh, cho nên Thiện Trang dần dần [nhận ra]: hóa ra điều gì cũng có trong kinh hết mà.
Làm Sao Để Vào Thế Đệ Nhất Vị (Nhập Chánh tánh Ly Sanh)
Tứ gia hạnh [gồm]: Noãn, Đảnh, Nhẫn, Thế đệ Nhất vị, thì trong Luận Câu Xá này chúng ta sẽ học lại, nhưng ở đây thì giới thiệu kinh.
– Thật vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo nào thấy bất cứ hành nào là thường còn, sẽ thành tựu được Nhẫn nhục Tùy thuận, sự kiện này không xảy ra. Có nghĩa là ai thấy các hành nào mà thường còn (thường còn tức là không Vô thường), mà quý vị thành tựu được Nhẫn nhục Tùy thuận, thì điều này không xảy ra. Tức là không bao giờ có chuyện đó. Tức là quý vị ở thế gian, mà quý vị nhìn điều gì cũng thường còn, gia đình thường còn, điều này thường còn, điều kia thường còn, thì đố quý vị thành tựu được Nhẫn nhục Tùy thuận. Không được đâu, sự kiện không xảy ra.
Không thành tựu Nhẫn nhục Tùy thuận, sẽ nhập vào Chánh tánh Quyết định, sự kiện này không thể xảy ra. Có nghĩa là nếu quý vị không thành tựu được điều đó, quý vị coi các hành đều là thường còn, bất cứ một điều nào đó thôi, mà thường còn, thì sẽ không thành tựu được điều này. Mà không thành tựu được Nhẫn nhục Tùy thuận này, thì quý vị không vào được Chánh tánh quyết định, chính là nhập Chánh tánh Ly sanh (không vô được Thế đệ Nhất vị). Sự kiện này không thể xảy ra.
Mà sự kiện này là gì? Chánh tánh Quyết định (Chánh tánh Ly sanh) này cực kỳ quan trọng, là Thế đệ Nhất vị. Cho nên mình phải [làm] ngược lại, là mình phải xem tất cả các pháp đều là vô thường. Quý vị còn xem gia đình là thường đúng không? Mình còn xem người yêu là thường, tiền bạc là thường đúng không? Thì không có được Nhẫn nhục Tùy thuận. Mà không được Nhẫn nhục Tùy thuận thì không thể nào vào Chánh tánh Ly sanh (hay là Quyết định tánh). Ngôn ngữ ở đây nói là Chánh tánh Quyết định, còn có chỗ nói Quyết định tánh, thật ra cũng là nhập Chánh tánh Ly sanh thôi. Quý vị đọc nhiều kinh luận thì quý vị thấy có Chú Giải này.
Không nhập vào Chánh tánh Quyết định, sẽ chứng ngộ quả Dự lưu, hay quả Nhất Lai, hay quả Bất lai, hay quả A-la-hán, sự kiện này không xảy ra. Nhớ nha! Không đi qua con đường nhập Chánh tánh Ly sanh, thì không chứng được quả Dự lưu đâu, không chứng được quả Nhất lai, tức là quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, không có chuyện đó.
Cho nên là học kiểu gì? Đầu tiên vẫn là học Vô thường trước đã. Bài học Vô thường mà chưa làm xong, thì quý vị không vô Chánh tánh Ly sanh. Mà không vô Chánh tánh Ly sanh thì không chứng Sơ quả Tu-đà-hoàn, Nhị quả Tư-đà-hàm, A-na-hàm hay A-la-hán được. Đây là Thiện Trang trích dẫn từ Kinh Nikaya đó, không phải là Thiện Trang nói đâu. Đoạn này đức Phật nói rõ hơn:
Thật vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào thấy bất cứ hành nào là vô thường, sẽ thành tựu được Nhẫn nhục Tùy thuận, sự kiện này có xảy ra. Mình hãy ráng tu, đầu tiên là thấy tất cả đều vô thường. Bất cứ hành nào cũng đều là vô thường, tức là thấy tất cả đều là vô thường, thì sẽ thành tựu được Nhẫn nhục Tùy thuận. Cho nên tâm xả ly của mình mạnh thì tự nhiên thành tựu được Nhẫn nhục Tùy thuận. Sự kiện này có xảy ra. Thôi mình cứ bỏ qua dòng này đi, mình chỉ nhớ là thành tựu được Nhẫn nhục Tùy thuận.
Thành tựu Nhẫn nhục Tùy thuận, sẽ nhập vào Chánh tánh Quyết định. Quý vị phải qua được bước này. Quý vị thấy có mấy bước đúng không? Cho nên hồi bữa có đồng tu hỏi Thiện Trang, là làm sao vào được mấy quả vị Noãn, Nhẫn, Đảnh, Thế đệ Nhất vị? Thiện Trang nói từ từ, đừng ham. Bữa nay giới thiệu cho quý vị làm sao để vào. Quý vị phải đi qua các bước, [bắt đầu] là từ Vô thường giùm. Thấy tất cả các hành, tức là tất cả pháp, việc gì ở trên đời cũng thấy vô thường. Trái đất này cũng vô thường, rồi sẽ hoại diệt. Tiền bạc, gia đình, anh em, vợ chồng, v.v… là vô thường, thì sẽ thành tựu được Nhẫn nhục Tùy thuận. Sau khi thành tựu được Nhẫn nhục Tùy thuận, thì sẽ nhập vào Chánh tánh Quyết định (tức là nhập Chánh tánh Ly sanh), rồi từ đó mới bước lên Sơ quả được. Sự kiện này có xảy ra.
Nhập vào Chánh tánh Quyết định, sẽ chứng ngộ quả Dự lưu, quả Nhất lai, quả Bất lai, hay quả A-la-hán, sự kiện này có xảy ra. Quý vị thấy chưa? Nếu mình không vào đây thì mình làm sao vào quả Dự lưu (quả Tu-đà-hoàn), rồi quả Nhất lai (Tư-đà-hàm), quả Bất lai (là A-na-hàm), rồi A-la-hán. Nếu mình không thành tựu thì không có chuyện đó. Cho nên pháp tu đầu tiên là Vô thường. Không có Vô thường thì không ra được đâu. Cho nên bây giờ nhiều đồng tu còn ham, ham gia đình, ham điều này điều kia, tức là thấy các pháp đều là thường. Chỉ cần thấy một pháp nào đó thường còn thôi là không được rồi, chứ đừng nói thấy nhiều.
Cho nên phải thấy bất cứ hành nào là vô thường, tức là thấy tất cả pháp ở thế gian này đều là vô thường hết, thì mình mới thành tựu được Nhẫn nhục Tùy thuận. Nhẫn nhục Tùy thuận này là một khái niệm nữa, nhưng tạm thời dừng ở đây, mình chưa phân tích nhiều quá, [thì sẽ] rối. Mình cứ biết là có bước đó, rồi từ bước đó thì mình bước vào Chánh tánh Quyết định, tức là nhập Chánh tánh Ly sanh (tức là Thế đệ Nhất vị). Từ Thế đệ Nhất vị này mới bước vô Sơ quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán. Nói rõ ra là như vậy.
(6.98) Kinh Vô Thường: Anicca – Kinh Tăng Chi – Phẩm 6 Pháp).
Đây là Kinh Nikaya nha quý vị, không phải Thiện Trang bịa ra đâu. Cho nên Thiện Trang nói trong kinh có hết mà, tại sao phải học ở đâu đâu. Nhưng khổ nỗi không có ai có thời gian đọc hết như vậy. Đọc cũng không hiểu, cứ đọc qua đoạn này giống như kiến thức ở đâu đâu. Nếu quý vị không có Chú Giải ở chỗ Đại Tỳ Bà Sa Luận, hoặc Luận Câu Xá, còn nói là nhập Chánh tánh Ly sanh chính là Quyết định tánh, rồi Chánh tánh Quyết định v.v… Mình không đọc ngôn ngữ đó thì làm sao mình biết, rồi mình cứ tưởng cái này với cái kia không liên quan với nhau. Nhưng do mình đọc nhiều quá nên mình thấy liên quan, mình kết nối với nhau được. Cho nên Thiện Trang thấy may mắn quá, mình học hết rồi.
Cho nên hôm nay, chỉ cho quý vị bí quyết để vào Thế đệ Nhất vị luôn, tức là thấp hơn Tùy tín hành, Tùy pháp hành. Chính là quý vị thấy giùm tất cả các hành đều là vô thường, tức là việc gì ở đời cũng nhìn thấy vô thường hết, lúc nào cũng thấy vô thường, vô thường, vô thường, thì quý vị thành tựu được Nhẫn nhục Tùy thuận, tức là sự nhẫn đối với tất cả mọi thứ. Điều này để bữa sau giảng sau. Rồi từ đó mình sẽ vào được Chánh tánh Quyết định tức là Quyết định tánh, hay là nhập Chánh tánh Ly sanh tức là Thế đệ Nhất vị (địa vị thứ tư trong Tứ gia hạnh). Từ đó mình sẽ vào được, thì mới chứng ngộ được Sơ quả Tu-đà-hoàn trở lên.
Hôm nay Thiện Trang giới thiệu kiến thức đó, càng ngày về sau càng sáng tỏ. Và quý vị cứ kéo từng nội dung này xếp vô một file nào đó, quý vị gom lại, sau này quý vị vẽ thành một cái cây để mình học, là đầy đủ, đi từ quả vị nào tới quả vị nào là có hết. Tại vì bây giờ mình học một lúc thì choáng phải không? Nhưng Thiện Trang cứ cấp từ từ vậy đó, thì không có choáng. Nhưng sau khi mình học xong thì mình gom lại, mình vẽ lại, mình viết lại thành một cuốn sách theo trình tự ngược lại. Tức là theo trình tự từ trên xuống dưới, thì sẽ rõ ràng, dễ học. Sau này Thiện Trang cũng sẽ làm như vậy cho quý vị, hoặc là làm thành Mục lục cho quý vị. Có đồng tu cũng làm Mục lục rồi, dần dần mình sẽ làm được hết, không có vấn đề gì đâu, cứ từ từ. Cho nên pháp Vô thường vẫn là quan trọng nhất. [Quý vị] hãy nhớ giùm Khổ – Không, Vô thường, Vô ngã.
Đó là vào Chánh tánh Ly sanh, bây giờ có pháp nào xuống thấp hơn nữa không? Thiện Trang chưa tìm thấy được [địa vị] Nhẫn vị hay là thế nào, nhưng ở đây có một vị trí cũng trong Tứ gia hạnh, trích trong Kinh A Hàm. Đó là Đảnh pháp và Đảnh pháp thoái. Trong Noãn, Đảnh, Nhẫn, Thế đệ Nhất vị, thì Đảnh pháp là địa vị thứ hai. Thiện Trang chưa tìm thấy được Nhẫn pháp, hay là Thiện Trang nghe qua, đọc qua rồi mà không nhớ. Khi nào tìm được trong kinh thì lôi ra, còn hôm nay thì thấy trong kinh được địa vị Đảnh pháp và Đảnh pháp thoái. Bởi vì ông Đề Bà Đạt Đa là Đảnh pháp thoái, điều này có trong kinh, và rất may mắn là có trong Kinh A Hàm. Đoạn trên là Kinh Nikaya, còn đây là Kinh A Hàm. Cho nên là có hết [trong kinh] đó quý vị, chứ đừng tưởng là không có, có hết, mà tại mình không học.
Đảnh Pháp Và Đảnh Pháp Thoái
Đức Thế Tôn bảo: “Này A Nan! Thật vậy, thật vậy! Thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, Ta nói về Xứ và dạy về Xứ cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Này A Nan! Nếu ông lại hỏi về Đảnh pháp và Đảnh pháp thoái187 từ nơi Như Lai thì ông hết sức tin tưởng, hoan hỷ đối với Như Lai”.
Đây là đức Phật dạy cho các vị Tỳ-kheo còn trẻ tuổi, có nhóm 17 vị Tỳ-kheo nhỏ tuổi, chưa đủ 20 tuổi mà được thọ giới Tỳ-kheo, [điều này thì] thời xưa có. Sau này đức Phật chế ra là 20 tuổi trở đi mới được thọ giới Tỳ-kheo. Tại vì mấy vị Tỳ-kheo này trẻ tuổi quá, nên khi nhịn ăn chiều thì họ đói quá, họ khóc. Cho nên từ đó về sau đức Phật nói là không cho truyền giới cho những người trẻ tuổi nữa, bởi vì họ chưa kham nhẫn được, nên phải để 20 tuổi. Đoạn này thì đức Phật giảng cho những vị Tỳ-kheo [trẻ tuổi] này. Và ngài A Nan [muốn] để cho họ vui, hoan hỷ, tin tưởng đối với đức Phật, cho nên là có đoạn này.
Bấy giờ Tôn giả A Nan chắp tay hướng về đức Phật, bạch rằng:
“Bạch đức Thế Tôn, nay thật đúng thời. Bạch Thiện Thệ, nay thật đúng thời. Nếu đức Thế Tôn nói và dạy về Đảnh pháp và Đảnh pháp thoái cho các Tỳ-kheo niên thiếu thì con và các Tỳ-kheo niên thiếu nghe xong từ đức Thế Tôn sẽ khéo léo thọ trì”. Ở đây chúng ta học được Đảnh pháp luôn. Thậm chí đức Phật còn mở ra Đảnh thoái pháp nữa. Đảnh pháp thoái, có khi đọc là Đảnh thoái pháp, có người dịch ngược dịch xuôi.
Đức Thế Tôn bảo: “Này A Nan! Các ông hãy lắng nghe. Hãy khéo suy nghiệm! Ta sẽ nói về Đảnh pháp và Đảnh pháp thoái cho ông và các Tỳ-kheo niên thiếu nghe”.
Tôn giả A Nan và các Tỳ-kheo niên thiếu thọ trì lắng nghe.
Đức Thế Tôn bảo rằng:188 (Bây giờ để coi thử tu làm sao để vô Đảnh pháp nha. Bữa nay mình học, mình biết được hai địa vị trong Tứ gia hạnh luôn).
“Này A Nan! Đa văn Thánh đệ tử (tức là đệ tử của bậc Thánh) chân thật (nhớ là phải đa văn nha. Đa văn, có khi thì nói đa văn là học nhiều, học nhiều là đa văn. Nhưng Thiện Trang nhớ chữ đa văn này có định nghĩa trong kinh luôn, Kinh Nikaya thì phải. Trong Kinh Nikaya, có vị Tỳ-kheo hỏi đức Phật: ‘Thế nào là người đa văn?’ Đức Phật nói: ‘Người nào nghe qua một bài kệ thôi, mà người ta hiểu được giáo lý trong đó, và tu được (phụng hành theo đó), thì người đó là đa văn’. Tức là mình hiểu sâu sắc, rồi mình tu hành, thuận theo pháp được, tùy pháp, thì người đó đa văn. Chứ mình nghe nhiều mà mình không hiểu gì, thì cũng không phải là đa văn. Đa văn có nhiều nghĩa, có chỗ nói đa văn là phải đọc nhiều, học nhiều. Có hai ý nghĩa), nhân nơi tâm hý luận,189 tư lương, khéo quán sát, phân biệt về Vô thường, Khổ, Không, Phi ngã. Vị ấy khi hý luận như vậy, tư lương như vậy, khéo quán sát, phân biệt như vậy, liền phát sanh nhẫn, phát sanh lạc, phát sanh dục, tức mong cầu nghe, mong cầu niệm, mong cầu quán.190 Này A Nan, ấy gọi là Đảnh pháp.
Đảnh pháp là gì? Thực ra ngôn ngữ hơi khó hiểu đúng không? ‘Nhân nơi tâm hý luận, tư lương, khéo quán sát, phân biệt về Vô thường, Khổ, Không, Phi ngã’. Tóm lại, cũng là bốn pháp: Khổ, Không, Vô thường, chúng ta hay đọc Vô ngã, nhưng ở đây lại thành Phi ngã. Chữ Phi ngã với Vô ngã có khác nhau hay không? Đầu tiên chúng ta phải phân biệt chữ Phi ngã với Vô ngã.
Nhiều người không học chữ Hán, nên cứ tưởng Phi ngã với Vô ngã giống nhau. Nhưng thật ra Vô ngã với Phi ngã khác nhau. Vô ngã tức là nói các pháp, hay tất cả điều gì, đều không làm chủ được, mà do duyên tác động lên. Còn Phi ngã, #phi là chẳng phải, chẳng phải là ta thì gọi là Phi ngã. Tức là đừng cho rằng đây là ta, là thuộc về Thân kiến. Đừng cho thân này là ta, đừng cho tưởng tượng này là ta, đừng cho thọ này là ta, đừng cho hành này là ta. Đừng cho Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức này là ta. Không có điều nào cho là ta hết. Người nào mà xác định được như vậy, đó là Phi ngã. Phi ngã là không phải ngã, đó không phải là ta. Tóm lại bây giờ mình bỏ điều đó.
Cho nên Phi ngã này dễ hiểu hơn Vô ngã, hẹp hơn so với Vô ngã. Bây giờ bốn yếu tố: Khổ, Không, Vô thường và Phi ngã này, thì quý vị phải hý luận như vậy. Tâm hý luận là tâm mình tập trung vào suy nghĩ vấn đề này. Rồi mình tư lương, tư lương là mình suy tư, thẩm xét; rồi quán sát, phân biệt về bốn điều này thôi. Tóm lại vẫn là pháp Khổ, Không, Vô thường, Vô ngã.
Nếu quý vị làm được, thì [một] thời gian sẽ phát sanh được nhẫn. Nhẫn này là khả năng mình kham nhẫn. Rồi phát sanh được niềm vui. Nhẫn có nghĩa là từ đó mình thấy ở đời khổ quá, hồi xưa mình than khổ, còn bây giờ thì không. Bây giờ thì thấy đời Khổ, Không, Vô thường, Vô ngã cũng bình thường đó mà; Phi ngã đó mà, chẳng phải ta. Hồi xưa đau quá chịu không nổi, rên la, còn bây giờ đau thì cũng kham nhẫn được. Tại vì sao? Mình thấy đau là bình thường mà, [vì] thân thể này không phải là ta. Nói đơn giản phát sanh nhẫn là như vậy đó, tức là mình kham nhẫn được.
Rồi phát sanh lạc là mình vui. Vì sao vui? Vì hồi xưa mình thấy đời vô thường nên mình khổ. Nhưng bây giờ mình thấy vui, vì hằng ngày học giáo pháp, Khổ, Không, Vô thường, Vô ngã thấy vui. Hoặc mình thấy mọi việc ở đời diễn biến thế nào mình cũng vui. Cho nên phát sanh được lạc.
Rồi phát sanh dục, có nghĩa là mong cầu nghe, mong cầu niệm, mong cầu quán. Dục này là mong muốn, mình mong muốn được nghe những giáo pháp như vậy, tức là mình [nghe] giáo pháp về Khổ, Không, Vô thường, Phi ngã. Rồi mình mong muốn niệm. Niệm có hai ý (Tâm sở Niệm mình mới học): Một là ghi nhớ; Hai là mình nhớ biết rõ trong đời sống. Ba là [mong cầu] quán, tức là mình quán những vấn đề nào trong đời sống, mình đẩy về Khổ, Không, Vô thường, Phi ngã hết.
Quý vị thấy không? Như vậy bữa rày là chúng ta đều học điều này đúng không? Mình đang tu như vậy và mình làm được như vậy, thì quý vị được vô địa vị Đảnh pháp. Cho nên Thiện Trang nói bí quyết để vô được Tứ gia hạnh, thì đầu tiên [quý vị] ôm giùm bốn chữ: Khổ, Không, Vô thường, Phi ngã hay Vô ngã cũng được; Vô ngã thì rộng hơn, ở đây nói Phi ngã thì nghe hẹp hơn nữa. Mình ôm được [bấy] nhiêu đó, và mình làm cho chắc vô, tâm luôn tập trung trong đó, [suy] nghĩ, quán sát, nhìn thấy mọi thứ Khổ, Không, Vô thường, Vô ngã. Lúc đó mình phát sanh được khả năng nhẫn, phát sanh được niềm vui, phát sanh được mong muốn nghe pháp như thế, mong muốn niệm nhớ, và luôn nhớ như vậy, cầu mong quán được như vậy đối với mọi thứ, thì thành công. Quý vị đã vào được Đảnh vị (địa vị thứ hai) trong Tứ gia hạnh.
Có chỗ nói tu nhân để vào Noãn vị, là tu Ngũ đình Tâm quán. Có chỗ nói thôi, chứ chưa thấy trong kinh nói. Trong luận nói thôi nên Thiện Trang không chắc. Còn tu để vào Đảnh vị thì tu quán về Khổ, Không, Vô thường, Vô ngã hay là Phi ngã. Điều này là kinh nói, chúng ta thấy rõ ràng. Nhẫn vị thì Thiện Trang chưa tìm thấy tu nhân gì để vô Nhẫn vị. Nhưng hình như mạnh hơn nữa thì vô [được] Nhẫn vị thì phải. Còn cuối cùng là Thế đệ Nhất vị thì chúng ta mới vừa học ở trên, chúng ta thấy rõ ràng. Đó là vào được Đảnh pháp rồi đó.
Bữa nay [học để] tu tới Đảnh pháp rồi, cho nên quý vị tu đàng hoàng là quý vị tới đây. Mà Đảnh pháp trong Luận Câu Xá này nói quý vị được gì, quý vị biết không? Trong Tứ gia hạnh thì Noãn không đoạn thiện căn, còn Đảnh thì chắc chắn chứng Niết-Bàn. Có nghĩa là ai vô đây rồi thì chắn chắn sẽ chứng Niết-Bàn, ra khỏi sanh tử. Còn mình lên thêm địa vị Nhẫn thì không đọa đường ác. Và vào Thế đệ Nhất vị thì chắc chắn nhập Chánh tánh Ly sanh, tức là quyết định rằng người đó sẽ chứng đạo trong thời gian không lâu nữa.
Cho nên tới [địa vị] Chánh tánh Ly sanh rồi, cho dù Phật có ra đời hay không có Phật ra đời, quý vị cứ trôi trong vòng sanh tử đến thời nào đó thì quý vị cũng chứng đạo. Chứng gì? Chứng quả Bích-chi-phật. Cho nên ráng tới địa vị thứ tư giùm đi, thì chắc chắn sẽ giải thoát, vì quý vị vô Chánh tánh Ly sanh rồi. Thời gian mình luân hồi có thời hạn, dù không có Phật ra đời thì mình chuyển nguyện thành Độc giác Phật. Và cần thời gian đủ thì mình sẽ tự giác ngộ, không cần Phật nữa. Nếu có Phật ra đời hoặc có giáo pháp ra đời, thì mình sẽ đi nhanh hơn.
Chúng ta học rõ ràng, sáng tỏ lộ trình giải thoát rồi. Còn các đồng tu nói tu Tịnh Độ, quý vị tu Tịnh Độ mà quý vị tới những địa vị này thì càng tốt. Chứ quý vị nói mong cầu vãng sanh, rồi ai vãng sanh đâu, rõ ràng chưa, ai đi chưa? Quý vị đi được chưa? Chắc chắn rồi thì quý vị không cần điều này.
Thật ra Thiện Trang tin rằng những người đi được là những người vô tình cũng đã vào mấy [địa vị] này rồi. Chứ thường là không đi nổi, vì tâm quá ác thì làm sao đi, làm sao mà tới Tây Phương Cực Lạc được. Chẳng qua tâm người ta là tâm hiền thiện, thì người ta phải vô dòng này được rồi chứ.
Ví dụ như quý vị thấy Noãn vị không đoạn thiện căn. Hôm bữa chúng ta đã học về thiện căn ở bài Khoa Chú Tuyển Giảng rồi. Thiện căn trong kinh đức Phật nói là không tham, không sân, không si. Còn bây giờ người ta tham sân si đầy rẫy, chứng tỏ người ta chưa có thiện căn. Tham sân si quá nhiều, ác quá mà, thì thiện căn ở đâu ra. Nên từ đó mình biết chưa có thiện căn. Chưa có thiện căn thì làm sao thành tựu được, tu Pháp môn nào cũng không thành tựu được. Nên nói thì nói hay vậy thôi, nhưng tu cũng phải có thành tựu nhất định trong những pháp này. Như vậy đó là Đảnh pháp.
Này A Nan! Nếu được Đảnh pháp này nhưng lại mất đi, suy thoái, không tu thủ hộ, không tập tinh tấn thì này A Nan! Ấy gọi là Đảnh pháp thoái.
Quý vị tu mới đầu được rồi, nhưng [địa vị] này bị thoái chuyển. Nếu không tu thủ hộ, tức là mình phải tu để giữ được lại, thủ hộ là giữ lại. Không tập tinh tấn tức là mình tu tập kiểu giải đãi một hồi là rớt luôn, thì gọi là Đảnh pháp thoái. Rớt lại về Noãn vị, tức là hơi ấm thôi, coi như có thiện căn. Quý vị không mất thiện căn thôi, chứ còn chưa vào được, nên bị rớt xuống.
Ông Đề Bà Đạt Đa tới địa vị này thì bị rớt, và rớt về [địa vị] Đảnh pháp thoái này. Chính vì vậy nên ổng đi suốt thêm 60 kiếp nữa mới thành tựu. Vì ổng phạm tới ba tội Ngũ nghịch, nên ông đọa Địa ngục suốt một kiếp. Hết một kiếp này ra, ổng phải mất thêm 60 kiếp nữa thì mới thành tựu. Hình như ổng không gặp Phật nên mới thành tựu lâu như vậy. Nhưng rõ ràng là cũng có thời hạn.
Còn chúng ta tu, nếu không đến nông nổi như vậy, thì chắc chắn chúng ta sẽ xong sớm hơn. Hãy cố gắng nha! Cho nên nếu vào Đảnh pháp được rồi, nhưng nếu suy thoái, mất đi, không tu thủ hộ (tức là mình không chịu tu để giữ lại), rồi không tu tập tinh tấn, thì sẽ bị thoái. Do là không tu thủ hộ, không tu tập tinh tấn.
Ấy gọi là Đảnh pháp thoái.191 Cũng vậy, đối với thức nội xứ, thức ngoại xứ, xúc, thọ, tưởng, tư, ái, giới, nhân duyên khởi và pháp do nhân duyên khởi192 cũng như vậy.
Thiện Trang không giới thiệu về nội xứ, ngoại xứ v.v… vì rối quá. Bộ kinh này rất dài, nên Thiện Trang chỉ giới thiệu đoạn mình cần học thôi. Thật ra mấy kiến thức này cũng quen thuộc, nhưng giảng ra dài lắm.
Này A Nan! Đa văn Thánh đệ tử đối với nhân duyên khởi và nhân duyên khởi pháp này mà hý luận, tư lương, khéo quán sát, phân biệt về Vô thường, Khổ, Không, Phi ngã, vị ấy khi hý luận như vậy, tư lương như vậy, khéo quán sát, phân biệt như vậy nên phát sanh nhẫn, phát sanh lạc, phát sanh dục, tức mong cầu nghe, mong cầu niệm, mong cầu quán. A Nan, đó gọi là Đảnh pháp.
Nói tóm lại mấy điều này đối với nhân duyên khởi, nhân duyên khởi pháp cũng giống vậy. Điều này là mình học về quán nhân duyên, thì pháp quán nhân duyên nằm ở đây. Cho nên thật ra cũng chỉ cần nắm: Khổ, Không, Vô thường, Phi ngã thì thành công, đó là Đảnh pháp.
Này A Nan! Nếu được Đảnh pháp này nhưng lại mất đi (thật ra ở đây là hai cách, đối với [pháp] quán ở trên [là một cách]. Dưới này thêm cách nữa), suy thoái, không tu thủ hộ, không tập tinh tấn thì này A Nan! Ấy gọi là Đảnh pháp thoái. Đó là Đảnh pháp thoái rồi.
Quý vị thấy ở đây có mấy đoạn Chú Giải, quý vị có thể tua lại để coi. Đoạn này hơi dài, nhưng Thiện Trang xin đọc qua.
Này A Nan! Với Đảnh pháp và Đảnh pháp thoái này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu ông nói và dạy Đảnh pháp và Đảnh pháp thoái này cho các Tỳ-kheo niên thiếu thì họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu Phạm hạnh.
Nghĩa là dạy được pháp này cho họ, thì họ nghe họ mừng lắm, họ yên tâm, họ an ổn, họ có được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, và họ sẽ tu trọn đời không thoái chuyển nữa. Mình nghe đó thì mình thấy cũng dễ, mình sẽ tu.
A Nan, Ta đã nói về Xứ, dạy về Xứ, về Đảnh pháp, Đảnh pháp thoái cho các ông nghe. Như vị Tôn sư vì Đệ tử nên khởi lòng đại từ ái, lân niệm, mẫn thương mà mong cầu sự thiện lợi và hữu ích, mong cầu an ổn, khoái lạc. Ta đã thực hiện như vậy, các ông cũng nên tự chính mình thực hiện. Hãy đến nơi rừng vắng, nơi núi rừng, dưới gốc cây, chỗ an tĩnh khống nhàn (#khống là tính từ của chữ không, là rảnh rỗi, hay có thể dịch là chỗ an tĩnh, nhàn rỗi v.v…), tĩnh tọa tư duy, không được phóng dật, siêng năng tinh tấn, đừng để ân hận về sau. Đây là lời giáo sắc của Ta, là lời huấn thị của Ta.
Phật thuyết như vậy. Tôn giả A Nan và các Tỳ-kheo niên thiếu nghe lời Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
(Trích Từ Kinh 86- Kinh Thuyết Xứ – Kinh Trung A Hàm).
Quý vị thấy Thiện Trang chạy một vòng bao nhiêu bộ kinh đúng không? Thiện Trang coi bao nhiêu bộ kinh mới rút ra được như vậy. Quý vị thấy lúc nào đức Phật cũng nói: ‘hãy đến nơi rừng vắng, nơi núi rừng, dưới gốc cây, chỗ an tĩnh, khống nhàn và tĩnh tọa tư duy v.v… siêng năng tu hành, đừng để ân hận về sau’. Còn bây giờ thì mình thích chui vô thành thị, chùa to, đông người, tu mới hấp dẫn. Ngược đời, cho nên giáo pháp có Tượng pháp với Mạt pháp là vậy. Mà đây là Kinh Trung A Hàm, còn lúc nãy chúng ta thấy Kinh Nikaya, Kinh Tăng Nhất A Hàm, đủ hết các kinh. Cho nên đây là những điều tuyệt vời mà chúng ta [được] học.
Bây giờ cũng gần hết giờ rồi, nếu Thiện Trang giảng tiếp Luận Câu Xá thì dài quá, không đủ thời gian. Thiện Trang xin giải đáp một vấn đề, mà hôm bữa có người hỏi Sư Minh Tuệ trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương. Để Thiện Trang giải cho [quý vị], tại vì có người cũng đọc ra, nhưng bản dịch thì không rõ. Có người đặt [câu] hỏi cho Sư Minh Tuệ là: ‘Cúng dường cho 1000 vị Phật, sao không bằng một vị đạo nhân vô tu, vô chứng?’
Thiện Trang nghe câu hỏi, Thiện Trang không biết người này có cố tình không, họ đọc thiếu rồi. Hay người ta đọc bản dịch thiếu để gài Sư Minh Tuệ. Rất may là Sư Minh Tuệ trả lời đúng. Tại vì Sư Minh Tuệ thấy bất hợp lý, cho nên Sư Minh Tuệ trả lời đúng.
Nguyên văn như sau, chúng ta phải coi trong nguyên văn, chứ kiểu bản dịch hoặc đoạn copy từ đâu ra thì không đúng.
Câu Hỏi Về Cúng Dường Của Phật Tử Với Sư Minh Tuệ
四十二章經註》卷1:「佛言。飯惡人百。不如飯一善人。飯善人千。不如飯一持五戒者。飯五戒者萬。不如飯一須陀洹。飯百萬須陀洹。不如飯一斯陀含。飯千萬斯陀含。不如飯一阿那含。飯一億阿那含。不如飯一阿羅漢。飯十億阿羅漢。不如飯一辟支佛。飯百億辟支佛。不如飯一三世諸佛。飯千億三世諸佛。不如飯一無念無住無修無證之者。」(CBETA 2024.R3, X37, no. 669, p. 662a24-b6 // R59, p. 71a18-6 // Z 1:59, p. 36a18-6).
Tứ Thập Nhị Chương Kinh Chú: Phật ngôn: Phạn ác nhân bá, bất như phạn nhất thiện nhân. Phạn thiện nhân thiên, bất như phạn nhất trì Ngũ giới giả. Phạn Ngũ giới giả vạn, bất như phạn nhất Tu-đà-hoàn. Phạn bá vạn Tu-đà-hoàn, bất như phạn nhất Tư-đà-hàm. Phạn thiên vạn Tư-đà-hàm, bất như phạn nhất A-na-hàm. Phạn nhất ức A-na-hàm, bất như phạn nhất A-la-hán. Phạn thập ức A-la-hán, bất như phạn nhất Bích-chi-phật. Phạn bá ức Bích-chi-phật, bất như phạn nhất Tam thế chư Phật. Phạn thiên ức Tam thế chư Phật, bất như phạn nhất vô niệm vô trụ vô tu vô chứng chi giả.
Tứ Thập Nhị Chương Kinh Chú là Kinh Tứ Thập Nhị Chương; chữ Chú cũng như Chương, ở quyển một. #Phật ngôn là Phật nói; #Phạn ác nhân bá, bất như phạn nhất thiện nhân: chữ phạn này không phải là ăn, mà nghĩa là cho (cung cấp cho người ta ăn). Cho 100 người ác ăn (tức là mình cúng dường cho 100 người ác ăn) không bằng cho một người thiện ăn. Tức là nói về so sánh, quý vị cho 100 người ác ăn (cúng dường cho 100 người ác ăn) không bằng quý vị cúng dường cho một người thiện. Mình bố thí cho người ta một bữa ăn chẳng hạn.
Rồi cho một ngàn người thiện ăn, không bằng cho một người trì giữ năm giới ăn. Quý vị thấy đây là bài kinh quan trọng, mình đừng cắt đoạn, mà mình phải nghe đầy đủ.
Đầu tiên Thiện Trang dịch ý cho ngắn, đức Phật dạy: Cho 100 người ác ăn không bằng cho một người thiện ăn. Mình phải có chọn lọc. Cho nên bây giờ lên mạng toàn thấy người ác, người thiện mà mình không phân biệt là không đúng. Thực ra đức Phật phân biệt, nói cho 100 người ác ăn không bằng cho một người thiện ăn. Nhưng quý vị cho 1000 người thiện ăn, cũng không bằng cho một người trì Ngũ giới ăn. Cho nên phước của người trì Ngũ giới lớn hơn nhiều, một ngàn người thiện không bằng một người trì Ngũ giới.
Cho một vạn người (10.000 người) trì Ngũ giới ăn, thì không bằng cúng dường cho một người chứng Tu-đà-hoàn ăn. Cúng dường cho một vạn người tu Ngũ giới chẳng bằng cúng dường cho một người chứng Tu-đà-hoàn. Cho nên Tu-đà-hoàn ngon hơn.
Cho một trăm vạn người Tu-đà-hoàn ăn, không bằng cho một người Tư-đà-hàm ăn (là cho một bữa ăn đó. Tại vì ngôn ngữ của Kinh Tứ Thập Nhị Chương toàn viết tắt). Quý vị thấy rõ ràng quả vị càng cao thì [công đức] càng lớn.
Cho một ngàn vạn người chứng quả Tư-đà-hàm ăn (mình nói cúng dường cho một bữa ăn), không bằng cúng dường một bữa ăn cho người chứng quả A-na-hàm. Cho nên số này rất lớn.
Cho một ức người A-na-hàm ăn, không bằng cúng dường một bữa ăn cho một người A-la-hán.
Cho mười ức A-la-hán ăn, không bằng cúng dường một bữa ăn cho một vị Bích chi-phật. Bích chi-phật cao hơn A-la-Hán nữa.
Cho một trăm ức vị Bích chi-phật ăn, không bằng như cho một chư Phật ba đời ăn. Chư Phật thì lâu lâu mới xuất hiện thôi, quý vị cúng dường cho một vị Phật thì hơn một trăm ức vị Bích chi-phật.
Tới đoạn cuối cùng là câu mà hôm bữa người ta hỏi Sư Minh Tuệ đây. Cho một ngàn ức (thiên ức) chư Phật trong ba đời (tức là một đời thôi mà quá khứ, hiện tại, vị lai), không bằng cho một vị (giả). Ở đây là chữ ‘giả’ thôi, mà người ta dịch là đạo nhân gì đó, thành ra trật lất.
Cho nên Sư Minh Tuệ phát hiện ra chỗ sai, Sư Minh Tuệ không đọc kinh, nhưng ngài thấy kỳ quá, nên ngài trả lời theo hướng khác liền, chứ không là bị lừa. Người nào đọc tới đó là bị lừa, cứ theo kinh mà quất vô là bị lừa rồi. Thiện Trang thấy câu hỏi đó hình như sai kinh rồi. Thiện Trang thấy bất thường, nên Thiện Trang coi kinh lại thì thấy đúng vậy. Chữ này là chữ giả, chứ đâu phải là đạo nhân gì đâu.
Không như cho một vị vô niệm, vô trụ, vô tu, vô chứng. Có bốn chữ vô (vô niệm, vô trụ, vô tu, vô chứng), hình như họ cắt mất hai chữ. Chỗ này khó hiểu quá. Chữ ‘giả’ này là trong chữ Hán, vì Kinh Tứ Thập Nhị Chương thuộc về Hán tạng. Bộ kinh này thực ra không phải là bộ kinh, mà thời kỳ đầu ngài Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan, hai ngài tới truyền đạo cho Trung Hoa, thì thấy rằng nếu mình dẫn hết kinh Phật thì người ta không hiểu. Cho nên hai ngài gom lại, giảng lời chính thôi. Ví dụ như: ‘Tôi nghe như vầy: Một thời, đức Phật tại đâu…’ dài quá, nên các ngài gom ý chính lại, viết ra những ý chính của lời Phật dạy thôi (Phật ngôn tức là Phật dạy). Như vậy đoạn kinh trở nên có 42 đoạn ngắn như vậy, gọi là Kinh Tứ Thập Nhị Chương.
Thiện Trang nói đoạn trên như vậy là để so sánh công đức của việc cúng dường bữa ăn. Cuối cùng đưa ra một vị (chữ giả này là vị, chứ không phải đạo nhân), quý vị thấy bản dịch kỳ cục không? Người ta dịch là đạo nhân thì mình thấy trật lất. Thật ra ở đây là một vị vô niệm, vô trụ, vô tu, vô chứng, mặc dù bữa đó Thiện Trang nhớ là người ta đọc thiếu hai điều, nhưng ngài Minh Tuệ vẫn phát hiện ra đó là một vị Phật. Tại sao một ngàn ức vị Phật trong ba đời mà không bằng một vị này, lại có vị Phật nào ghê hơn nữa. Vô niệm, vô trụ, vô tu, vô chứng thì người này chính là Phật rồi. Vậy Phật nào?
Ở đây có hai ý nghĩa: Ý nghĩa thứ nhất là mình xét theo địa vị Phật, thì vị Phật kia (vị Phật ba đời) là vị Phật chưa viên mãn, theo tiêu chuẩn của Kinh Hoa Nghiêm. Còn vị Phật sau cùng là vị vô niệm, vô trụ, vô tu, vô chứng là vị Phật viên mãn. Tức là Phật thì có: Một là Phật chưa đủ mười danh hiệu, hai là Phật đủ mười danh hiệu. Vị Phật mười danh hiệu đó là Như Lai, Phật theo tiêu chuẩn Hoa Nghiêm, thì vị Phật đó tất nhiên hơn những vị Phật kia.
Đó là nói theo ý như vậy. Nhưng còn một ý nghĩa nữa, chính là câu trong Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Giả sử cúng dường Hằng sa Thánh; Bất như kiên dũng cầu Chánh giác”. Có nghĩa là quý vị cúng dường cho ngàn ức chư Phật trong ba đời, thì cũng không bằng quý vị tu thành Phật. Quý vị tu thành một người vô niệm, vô trụ, vô tu, vô chứng thì công đức đó mới lớn. Còn quý vị cúng dường người kia thì chỉ là phước báu hữu lậu thế gian thôi. Mặc dù phước báu đó, nếu quý vị hồi hướng về đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì quý vị thực ra chưa thành Phật được, quý vị thành A-la-hán thôi. A-la-hán thì độ sanh không lớn. Nhưng nếu quý vị tu thành Phật, vô niệm, vô trụ, vô tu, vô chứng, thì quý vị ngon hơn cúng dường một ngàn ức chư Phật trong ba đời.
Chúng ta phải hiểu ý này, tại vì Kinh này vẫn là ngôn ngữ kinh điển Đại thừa. Cho nên lâu lâu có những đoạn cao như vậy, thì chúng ta phải hiểu được hai ý như thế. Đó là Thiện Trang giải thích luôn, chứ có người hỏi mà hỏi không đầy đủ. Kiểu [họ] gài bẫy Sư Minh Tuệ hay sao, hay là người ta đọc ba chớp ba nháng rồi hỏi, cho nên không rõ ràng. Thiện Trang đã giải thích cho quý vị rất rõ ràng rồi.
Thời gian hôm nay cũng hết rồi, hy vọng quý vị nghe được những gì thì nghe, Thiện Trang xin hẹn quý vị vào bữa khác. Hôm nay kiến thức cũng vừa phải, hôm sau chúng ta sẽ trở lại với Thiền chỉ và Thiền quán, học tiếp Luận Câu Xá. Bây giờ mời quý vị chúng ta cùng hồi hướng.
“Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”.
“Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử cùng chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo”.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Nam mô A Mi Đà Phật!
#luancauxa #thaythichthientrang