Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Mi Đà Phật!
Kính chào toàn thể quý vị đồng tu! Hôm nay là thứ 4, ngày
27.07.2022, chúng ta tiếp tục học Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng, chủ yếu
lấy một phần trong Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú, gọi là Khoa Chú tuyển giảng, tại
vì phần chú giải của ngài Hoàng Niệm Tổ có phần thì đi hết, có phần thì không.
Lần này Thiện Trang chủ yếu lấy phần Khoa Chú của Hòa thượng để chúng ta học lướt
qua, chúng ta biết được học ở trọng tâm thì dễ học hơn và nếu mà học phần chú
giải thì hơi rộng nên lần sau chúng ta sẽ quay lại. Chúng ta đều biết là Hòa
thượng Ân Sư của chúng ta đã vãng sanh vào hôm qua lúc 2 giờ Đài Loan, tức là 1
giờ sáng giờ Việt Nam ngày 26.07, có nhiều đồng tu chắc cũng biết vì nếu lên
Facebook hay là lên mạng xã hội… thì tràn ngập các bản tin [về ngài] và chúng
ta là những người tiếp tục, vì mỗi người đến thế gian này đều có một nhiệm vụ
nhất định. Chúng ta có nhiệm vụ của chúng ta là những người tiếp tục. Hòa thượng
cũng có nhiệm vụ của Hòa thượng, ngài đã xong nhiệm vụ của ngài thì ngài đi. Thực
sự mà nói ngài đã nói với chúng ta ba lần rồi, nếu ai mà mới tu thì có thể
không biết, Thiện Trang nhớ là lúc đó Hòa thượng đang giảng Kinh Hoa Nghiêm vào
năm 2010, chưa giảng đến Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa thì Hòa thượng có giảng
là sang năm tôi đến thế giới Tây Phương Cực Lạc. Lúc đó là Hòa thượng định ra
đi rồi, nếu như Hòa thượng đi năm đó thì chúng ta sẽ không được nghe bộ Khoa
Chú, không nghe được Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa. Nhưng mà lúc đó rất nhiều
đồng tu đã thỉnh ngài trụ thế, đó là một lần. Chúng ta nghe pháp quý vị để ý lần
đó Hòa thượng ở một cảnh giới rất cao, ngài đang ở đỉnh cao nhất thời kỳ hoằng
pháp và lúc đó ngài giảng Kinh Hoa Nghiêm mỗi ngày giảng 8 tiếng, luôn luôn
thâm nhập kinh tạng, không rời Kinh giáo, cảnh giới ngài rất cao. Ngài có thể đạt
được tự tại ra đi bất cứ lúc nào, sau đó thì ngài trụ thế thêm. Những năm sau
thì duyên của ngài lớn quá, ảnh hưởng trên quốc tế, ngài tùy thuận chúng sanh
nên ngài đi làm các công việc đoàn kết tôn giáo đến Unesco, tổ chức Giáo Khoa
Văn của Liên Hợp Quốc và sau này ngài làm đại sứ ở Paris là Tịnh Không Chi Hữu
Xã. Cuộc đời của ngài từ năm 26 tuổi, ngài biết Phật pháp nhờ Giáo sư Triết học
Phương Đông Mỹ, nửa năm sau ngài học được với ngài Đại sư Chương Gia, sau đó 3
năm khi mà Đại sư Chương Gia vãng sanh. Hòa thượng nghe theo lời Đại sư Chương
Gia muốn tìm con đường xuất gia, ngài cũng lên trên am tranh của Đại sư Sám Vân
để tập sự xuất gia nhưng mà trên đó chuyên tu. Pháp sư Sám Vân biết được là Hòa
thượng rất tài năng về giảng pháp cho nên hướng cho ngài xuống Đài Trung để học
giáo với ngài Lý Bỉnh Nam, một thời gian sau ngài mới xuất gia. Năm 33 tuổi Hòa
thượng xuất gia và từ khi xuất gia là giảng kinh thuyết pháp cho đến năm nay là
96 tuổi, như vậy có tất cả là 63 năm xuất gia và giảng pháp. Cho nên nói về cuộc
đời tu học của ngài, chắc cũng không có mấy ai vượt qua ngài, bởi vì số tuổi số
năm ngài chuyên, còn người khác thì không chuyên. Chúng ta kém duyên một chút
vì biết Phật pháp vào thời cuối của ngài cho nên có người đồng tu vào học thì học
ở trên trời, tức là Hòa thượng ở cảnh giới rất cao rồi nên quý vị học không
thâm nhập được sâu chỉ biết Hòa thượng chứ không nghe được pháp vị thậm thâm. Nếu
chúng ta là người theo Hòa thượng từ đầu thì chúng ta có một nền tảng sâu sắc
nên tuy ngài đã ra đi nhưng chúng ta vẫn không thiếu người kế cận, tức là nhìn
về tổng thể, ngài đã ảnh hưởng và đào tạo được rất nhiều người. Tuy nhiên tìm
được một người giỏi như ngài, tuyệt vời như ngài chắc là không thể. Bữa đó Thiện
Trang nghe tin như vậy thực sự mà nói, mới sáng sớm cũng chưa kịp ăn sáng thì đồng
tu báo, xong rồi hôm đó quên luôn cả việc ăn sáng, không biết phải làm gì. Nhớ
thời xưa khi đức Thế Tôn nhập Niết Bàn thì Tôn giả A Nan cũng không biết làm
gì, Thiện Trang cũng vậy không biết làm gì nhưng mà nhớ đến lời của ngài A Nậu
Lâu Đà hướng dẫn ngài A Nan hãy thỉnh Đức Phật ba điều. Lúc đó Thiện Trang nghĩ
mình phải làm gì… vậy là Thiện Trang đã ráng thiết kế một tấm ảnh nhỏ như thế
này, quý vị thấy ở trên mạng rất nhiều. Thiện Trang viết cũng rất vội, do khoảng
cách về khả năng, hạn chế về khung hình cho nên Thiện Trang chỉ giới thiệu cho
mọi người thấy để những người nào chưa biết thì có duyên với ngài. Vì có duyên
với ngài thì chắc chắn được độ. Nên Thiện Trang viết thế này, ai còn chưa biết
thì Thiện Trang đọc qua. Ở đây chỉ là tổng kết thôi. Thiện Trang không viết
nguyên văn mà viết ngắn lại.
“Phật giáo không phải là tôn giáo, mà là nền giáo dục mỹ mãn
nhất (của đức Phật), có thể giúp người lìa khổ được vui, phá mê khai ngộ, chuyển
phàm thành Thánh.”
Ở đây thiếu một điều thứ tư nữa, Thiện Trang hết chỗ rồi nên
thôi viết bấy nhiêu.
“Mỗi chúng sanh đều vốn là Phật, chỉ do mê mà không thể chứng
đắc, con đường trở về Phật có vô lượng Pháp môn”. Thiện Trang viết như vậy để
không đụng chạm những pháp môn khác, “nhưng Pháp môn niệm Phật vãng sanh Tây
Phương Cực Lạc là phù hợp đa số với chúng sanh thời Mạt pháp.” Thiện Trang viết
đoạn này, ý là phổ biến giáo pháp của ngài.
Rồi Thiện Trang cũng thuận theo thế gian mà viết như thế
này.
“Đại lão Hòa thượng Pháp sư Thích Tịnh Không. Sinh ngày 18
tháng 3 năm 1927, vãng sanh ngày 26 tháng 7 năm 2022. Thiện Trang viết con số ở
đằng trước để mọi người nhìn thấy rõ 96 năm trụ thế, 70 năm chuyên tu học Phật
pháp, 63 năm xuất gia, 63 năm giảng kinh thuyết pháp, cả đời hoạt động đoàn kết
tôn giáo. Là đại sứ của Unesco về hòa bình đoàn kết tôn giáo”.
Đây là kể rất ngắn vì thực sự là không có thời gian kể và
không đủ khung ảnh, chỉ là giới thiệu sơ qua như vậy. Thiện Trang cảm thấy mình
cũng không biết làm gì, thôi thì làm đỡ một bài kệ. Bài kệ như thế này:
Gần trọn trăm năm trụ Ta Bà
Sáu mươi ba năm tướng xuất gia
Cũng chừng năm ấy hoằng chánh Pháp
Nối truyền dòng Pháp đức Thế Tôn.
Chúng con phước bạc sanh Mạt pháp
Duyên lành gặp giáo ngài truyền trao
Mới biết chính mình vốn là Phật
Lối vượt sanh tử về Tây Phương.
Ân ngài sâu rộng hơn bốn biển
Biết bao chúng sanh vượt trần mê
Con nguyện tiếp bước đường ngài mở
Mong báo chút ân ngài độ con.
Nam Mô Ân sư Đại lão Hoà thượng Pháp sư Thích Tịnh Không.
Nam Mô A Mi Đà Phật
Không biết sao bao nhiêu lần đọc qua mà Thiện Trang không cầm
được nước mắt, tại vì thực sự mà nói những gì thành tựu được trong đời này cho
tới hiện tại của quý vị, của Thiện Trang hầu như cũng nhờ vào ngài. Nếu không
có ngài chúng ta không biết được pháp môn tu hành này, nếu không có ngài thì
chúng ta không có thành tựu đời nay. Chúng ta có thể chuyển đổi rất nhiều, đúng
là chuyển khổ đau thành an vui, chuyển mê thành ngộ, hiện tại chúng ta chưa thể
chuyển phàm thành Thánh nhưng chúng ta có thể chuyển được khổ đau thành an vui.
Chúng ta đã được an vui rõ ràng, rất nhiều người đã được tướng lành, quý vị coi
lại đi, trong đó có Thiện Trang hồi xưa tướng rất xấu, không đẹp, rất tệ nhưng
mà sau này tu một thời gian ai cũng đẹp ra, ai cũng được những sự hạnh phúc
ngay đời hiện tại, chứng tỏ là giáo pháp của ngài tuyệt vời. Không có ai chỉ dạy
cho mình từng tầng từng lớp, từng thứ tự như vậy đâu. Cho nên trước khi nói đến
sự kiện vãng sanh thì chúng ta phải nhìn lại cuộc đời của ngài. Ngài đã làm biết
bao nhiêu việc, kể ra cũng không có thời gian mà kể, chúng ta lướt qua một chút
xíu như vậy. Các pháp tùng duyên sanh, các pháp do duyên sanh thì cũng do duyên
diệt, cũng vậy ngài ứng hiện ở thế gian này cũng vậy. Duyên sanh thì duyên diệt.
Còn sự viên mãn khi vãng sanh thì tùy theo phước của chúng sanh, chúng sanh có
phước thì Phật Bồ-tát những người như chúng ta có thể những điều tuyệt vời viên
mãn để mọi người có thể thành tựu lớn hơn. Nhưng chúng ta phước bạc thì ngài chỉ
có thể ra đi, không thể đứng trên pháp tòa mà ra đi, đó là chúng ta không có
phước. Quý vị phải hiểu điều đó, còn quý vị nói tại sao Hòa thượng không ra đi
tự tại như trên pháp tòa thì nếu như năm 2011 Hòa thượng ra đi thì chắc có thể
ngài làm được điều đó. Hoặc năm 2020 Hòa thượng ra đi cũng tự tại khi niệm Phật
ra đi, bảo đại chúng hãy niệm Phật cho ngài. Ngài ngồi đó vãng sanh nhưng rất
tiếc rất nhiều người thỉnh ngài trụ thể thì đó cũng là nghiệp của chúng sanh
thôi, nghiệp cảm như thế. Vì Thiện Trang tin rằng những điều ngài làm cả cuộc đời
riêng về phước thôi, chưa kể công phu tu tập, những việc làm của ngài, phước của
ngài đủ để sanh cõi trời cao nữa. Đó là phước Ấn tống hơn 10 ngàn bộ Đại Tạng
Kinh, rồi ấn tống bao nhiêu Kinh điển, bao nhiêu sách. Hỗ trợ bao nhiêu Tôn
giáo, bao nhiêu bệnh viện, bao nhiêu thứ… Còn công phu tu tập ngài giảng pháp
như vậy, lý thấu triệt như vậy tìm người thời nay dường như không có ai. Mình
do trí của phàm phu nên mình không biết nhưng nếu chúng ta nhìn vào những điều
ngài làm thì chúng ta có thể tin ngài vãng sanh. Cho nên trước đây có người hỏi
Thiện Trang có muốn gặp Hòa thượng không? Thiện Trang nghe pháp Hòa thượng lâu
rồi, thật sự Thiện Trang cũng không cần gặp Hòa thượng. Vì Thiện Trang tin những
điều ngài làm, nghe những điều ngài giảng đủ rồi. Còn nếu có duyên gặp được Hòa
thượng một lần trong đời thì viên mãn. Và quý vị biết Thiện Trang cũng gặp được
Hòa thượng một lần năm 2019, ở Pháp hội tại Đức, như thế là viên mãn rồi.
Cho nên mình có niềm tin và mình hãy nhìn vào tất cả trí huệ.
Còn những điều khác chúng ta chưa có thần thông, không có thiên nhãn, thiên nhĩ
nên không biết được. Có thể có những điều chưa viên mãn, chúng ta không thể luận
được, hãy đợi về Tây Phương Cực Lạc thì mình sẽ biết được.
Thật ra mà nói người niệm Phật đến công phu thành phiến thì
có thể tự tại vãng sanh. Tự tại có nghĩa là khi đối diện với những đau đớn của
thân thể v.v… vẫn rất đau, nhưng có thể nhiếp tâm vãng sanh được. Công phu tiếp
theo là Sự nhất tâm Bất Loạn, tương đương với cảnh giới của A-la-hán. A-la-hán
có thể tự tại ra đi, có nghĩa là muốn đi lúc nào thì đi, nhưng khi nghiệp tới vẫn
không làm chủ được. Điển hình như ngài Đại Mục Kiền Liên, hoặc câu chuyện về
ngài Tiểu Quân.
Ngài Tiểu Quân đã chứng A-la-hán rồi, khi bị con rắn độc cắn
mà ngài còn la lên: Ôi! Con rắn gì cắn mà sao đau nhức như vậy? Ngài Xá Lợi Phất
mới nói: Sao ông la như vậy? Ngài Tiểu Quân nói: Tôi thấy đau nên la, nhưng thật
ra tôi đã chứng A-la-hán rồi. Nếu như người thường thì thân thể này đã vỡ ra
ngay lập tức thành năm mảnh. Tôi có thể trụ được nhưng không thể nào chống đỡ
được, vẫn phải nhập Niết-Bàn.
Bậc A-la-hán vẫn không được, hay nói cách khác công phu Sự
nhất tâm Bất loạn không đủ. Chúng ta phải đến công phu nào mới tự tại với nghiệp?
Quý vị học rất nhiều kinh, trong đó Kinh Hoa Nghiêm hoặc Kinh Thập Trụ có nói
Mười đại tự tại của Bồ-tát. Kinh Hoa Nghiêm chúng ta phải học đến phẩm Thập Địa,
có nghĩa là phải Bồ-tát Thập địa mới đủ mười đại tự tại của Kinh Hoa Nghiêm,
trong đó có nghiệp tự tại, mạng tự tại. Nghiệp tự tại, mạng tự tại mới thị hiện
được khả năng ra đi dù trong hoàn cảnh nào, nghiệp tới mình có thể chống đỡ
nghiệp được. Nếu không thì không được.
Cho nên nếu chúng ta tu trong đời này, Thiện Trang nói tốt
nhất mình núp bóng đâu đó, người nổi tiếng bên cạnh thường có nhiều quấy nhiễu,
khó an lành. Mình ra đi có thể tự tại an lành đó, giống như Hòa thượng Thích
Trí Tịnh, ngài cũng không muốn vào bệnh viện, nhưng đến lúc cũng có người bắt
ngài vào bệnh viện cho bằng được. Quý vị thấy Hòa thượng Thanh Bích cũng vậy.
Cho nên rất là khó!
Rồi chưa nói sau khi mình vãng sanh, người ta sửa, thay đổi
mình v.v… Nếu quý vị tinh tế nhìn trong video, nếu người vãng sanh thì không
được sửa chữa lại trạng thái. Cho nên ngài (Hòa Thượng Tịnh Không) không thể nằm
trên một cái giường mà được phủ hết, cao như vậy, đó là mình biết người ta đã đụng
chạm đến thân thể.
Tất nhiên điều đó đối với ngài không ăn thua, công phu của
ngài cỡ đó, mấy chuyện đó là chuyện nhỏ. Cho nên có nhiều đồng tu hỏi thế nào,
Thiện Trang nói niệm Phật là tốt. Chúng ta nên huy động mọi người niệm Phật, đó
là cơ hội để độ chúng ta. Mọi người niệm Phật là độ chúng ta và giúp ngài tăng
cao phẩm vị mà thôi, và gieo duyên cho bao nhiêu người nữa. Đồng thời khi mình
có nhân duyên gì đó, mình tu rất là tinh tấn. Bình thường mình tu giải đãi lắm,
nhưng mà có ngài, đây là tăng tượng duyên, chứ ngài không cần mình hồi hướng
đâu. Ngài đủ rồi. Cho nên có một vị thầy nói: Đến lúc tôi ra đi, quý vị không cần
đến nói gì cả, không cần khai thị, chỉ cần nói: Thầy hãy nhớ lại những gì thầy
đã giảng trong đời là đủ rồi.
Bởi vì như vậy là khơi lại chủng tử công đức trong giảng
pháp, và pháp từ đó ra là đủ rồi, nếu như người đó ra đi không hoàn toàn tốt.
Quý vị nhớ nha, đối với những người giảng kinh thuyết pháp mà tới đó còn khai
thị thế này thế kia, niệm Phật đi… đó là thừa. Hòa thượng ngài pháp thấm
trong tâm rồi, khỏi cần khai thị. Thật sự là như vậy.
Cho nên có nhiều điều chúng ta không hiểu được, chỉ có người
trong cuộc mới biết được. Đó là Thiện Trang nhìn từ xa, tức là người ta không
cho mình thấy được trạng huống ban đầu khi Hòa thượng vãng sanh như thế nào.
Mình không thấy được, người ta đã sắp đặt ngài lên một cái bàn cao hơn, không
phải cái giường, và thay đổi từ trong phòng ra ngoài phòng. Thiện Trang nghĩ đó
là Hòa thượng thị hiện để khai thị cho chúng ta: tương lai quý vị ráng tu để
làm sao tự tại, chứ không đến lúc ra đi là có người làm như thế. Nếu quý vị
không tự tại là khổ đó.
Chúng sanh thời nay không phải ở bên cạnh mình là ủng hộ
mình đâu, làm đúng như lý như pháp một trăm phần trăm đâu. Điều này chúng ta cần
phải lưu ý. Có nhiều yếu tố, mà thật ra người càng nổi tiếng càng có nhiều tác
động tới. Cho nên thà làm một người không nổi tiếng, một người âm thầm tu, hoặc
là ở trong một đạo tràng nhỏ tu hành, khi ra đi mình sẽ dễ dàng gặp được nhiều
thuận duyên hơn.
Ở đây Thiện Trang xin nói tiếp một chút nữa, trong khi làm lễ
người ta có đăng lên hình Hòa thượng có bài kệ này, Thiện Trang xin giải thích
cho quý vị:
依梵網菩薩心行
修自性覺正淨㳒
入華嚴無碍境界
住彌陀寂光淨土
Y Phạm Võng Bồ Tát tâm hạnh
Tu Tự Tánh Giác Chánh Tịnh pháp
Nhập Hoa Nghiêm Vô Ngại cảnh giới
Trụ Di Đà Tịch Quang Tịnh Độ.
#Y Phạm Võng Bồ Tát tâm hạnh: Chúng ta là nương vào tâm hạnh
ở trong Kinh Phạm Võng Bồ Tát.
#Tu Tự Tánh Giác Chánh Tịnh pháp: tức là tu pháp Giác Chánh
Tịnh trong Kinh Vô Lượng Thọ.
#Nhập Hoa Nghiêm Vô Ngại cảnh giới: nhập Vô Ngại cảnh giới của
Hoa Nghiêm, tức là bốn sự vô ngại của Kinh Hoa Nghiêm.
#Trụ Di Đà Tịch Quang Tịnh Độ: trụ trong Thường Tịch Quang của
Tự Tánh Di Đà.
Đây là một lời tổng kết gần như đủ hết, phát tâm thì giống như
tâm Bồ-tát, tu thì tu Kinh Vô Lượng Thọ, chứng nhập cảnh giới Sự Sự Vô Ngại của
Kinh Hoa Nghiêm, và cuối cùng trở về Tự Tánh Di Đà Thường Tịch Quang Tịnh Độ.
Đây coi như đúc kết cuộc đời của ngài qua bốn câu này. Tại vì nhiều
đồng tu không biết, nên Thiện Trang nói sơ qua như vậy. Và chúng ta là những
người sau cũng nên biết rằng:
Bao nhiêu bậc hoằng truyền Chánh pháp
Cũng lần lượt khuất bóng trần gian
Chúng con đây bước lên đường ấy
Thẹn với lòng kém bậc tiền nhân.
Thật ra mà nói, tất cả chúng ta rồi cũng phải đến lúc như thế
thôi, những bậc đi trước cũng đi rồi, không thể trụ được lâu, thế gian là vô
thường. Tất cả nhiệm vụ rồi cũng đến tay chúng ta, chúng ta phải cố gắng. Hòa
thượng đi rồi, chúng ta không còn chỗ để nương tựa, nên chúng ta phải cố gắng,
mỗi người như đức Phật nói: “Hãy tự thắp đuốc lên mà đi”. Giáo pháp của
ngài không diệt, không mất, vẫn còn trường tồn, trong đời chúng ta chắc chắn
còn. Chúng ta chỉ cần học, y giáo phụng hành để báo đáp ân sâu.
Ân của ngài thật sự quá lớn, nếu chúng ta không có ngài thì
chắc chúng ta không được. Và bao nhiêu năm mới có một người hoằng dương Tịnh Độ
tông được như vậy. Quý vị thấy ngài Đại Sư Ấn Quang, rồi mới tới ngài, cách
cũng khá lâu. Mà thời Đại Sư Ấn Quang, thời đó cũng chưa phổ biến rộng rãi, Hòa
thượng là phổ độ chúng sanh rộng rãi nhất đó.
Ở đây trong Viên Giác Kinh Đạo Tràng Tu Chứng Nghĩa, quyển
thứ ba, có bài kệ:
《圓覺經道場修證儀》卷3:
Viên Giác Kinh Đạo Tràng Tu Chứng Nghĩa
頓悟雖同佛
多生習氣深
風停波尚湧
理現念猶侵
Dịch âm
Đốn ngộ tuy đồng Phật,
Đa sanh tập khí thâm.
Phong đình ba thượng dũng,
Lý hiện niệm du xâm.
Dịch nghĩa:
Đốn ngộ tuy đồng Phật,
Nhiều đời tập khí sâu.
Gió dừng sóng còn vỗ,
Lý hiện niệm vẫn vào.
Có nghĩa là đốn ngộ tuy giống như Phật nhưng mà nhiều đời tập
khí sâu, gió dừng rồi nhưng sóng vẫn còn vỗ. Lý thì mình đã hiểu, đã thấy rồi
nhưng niệm thế gian vẫn xâm nhập vào. Ở đây ý nhắc nhở chúng ta tu hành tuy
nghe pháp mình ngộ, nhưng nhiều đời tập khí của mình rất sâu, không đơn giản
đâu quý vị. Gió đã dừng rồi, nhưng sóng vẫn còn lên xuống. Lý hiện là mình đã
thấu được lý rồi, nhưng niệm vẫn xâm nhập, “niệm” này là niệm không
chánh, vẫn xâm nhập vào.
Đây là quan trọng tu hành, Thiện Trang muốn nói một điều là
chúng ta hãy cố lên. Tại vì đốn ngộ bằng Phật chưa được, huống hồ gì chúng ta vẫn
buông chưa nổi, nên chúng ta phải nương theo kinh giáo để biết được:
Có đến ắt có đi
Có sanh ắt có diệt
Có buồn ắt có vui
Có nhân ắt có quả
Các pháp xuất thế gian
Vượt ra ngoài đối đãi
Vượt ra ngoài sợ hãi
Vượt ra ngoài có không
Ai biết tùy thuận pháp
Luôn thong thả nhẹ nhàng
Tâm thức luôn được an
Không gì lay động được.
Tại sao Thiện Trang dùng bài này. Vì đây nhắc chúng ta có
sanh ắt có diệt, có buồn ắt có vui. Vui buồn đi chung với nhau vì chúng ta còn
là phàm phu, chưa hết lậu hoặc, A-la-hán mới hết cảm giác đó. Vậy thì bây giờ
chúng ta cố gắng vượt lên các pháp thế gian, vượt ra ngoài đối đãi, vượt ra
ngoài sợ hãi, vượt ra ngoài có không. Nếu chúng ta biết tùy thuận các pháp, thì
trong đời chúng ta sẽ thong thả nhẹ nhàng, tâm thức luôn được an, không gì lay
động được, thì chúng ta niệm Phật sẽ được.
Quý vị thấy trong Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh của
ngài Huyền Trang, có thêm hai câu nữa so với bản dịch của ngài Cưu Ma La Thập.
Tức là trong bài:
Nhược dĩ sắc kiến Ngã
Dĩ âm thanh cầu Ngã
Thị nhân hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai
Tức là trong Kinh Kim Cang do Đại sư Cưu Ma La Thập dịch nói
rằng: “Nếu mà dùng sắc thấy ta, dùng âm thanh cầu ta, người đó hành tà đạo,
không thể thấy Như Lai”. Chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta trụ trên tướng, thấy
tướng của Hòa thượng mà nói, đó gọi là “nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu
ngã”, lấy lời của Hòa thượng mà không hiểu được đó là “dĩ âm thanh cầu ngã” thì
“thị nhân hành tà đạo – người đó hành tà đạo, “bất năng kiến Như Lai” không thể
thấy Như Lai tức là không thấy được Bổn Tánh của mình. Bây giờ thì sao? Mình phải
hiểu được lý trong từng câu nói của ngài để mình thâm nhập, và đừng chấp hình
tướng. Thiện Trang trích hai câu trong Kinh Kim Cang ngài Huyền Trang dịch:
應觀佛法性
即導師法身
Ưng quán Phật Pháp Tánh
Tức Đạo sư Pháp Thân
Dịch nghĩa:
Nên quán tánh của Phật Pháp
Chính là Pháp thân của Đạo sư.
Thiện Trang có làm bài kệ ngắn:
Ta Bà giả tạm hợp rồi tan
Tiệc vui rồi cũng đến lúc tàn
Còn duyên hoá độ hết duyên diệt
Xả huyễn về chân đổi thuyền từ.
…
Nên quán tánh Phật pháp
Là Pháp thân Đạo sư
Đạo sư không sanh diệt
Chỉ tướng hiện có không.
Quý vị nhớ bài kệ này, chúng ta đủ để hiểu được rồi, hai câu
trên là Kinh Kim Cang, hai câu dưới là ý trong Kinh Đại Bát Niết Bàn. Cho nên
khi mình gặp chuyện gì nhớ dùng Phật Pháp sẽ hóa giải được tất cả. Chúng ta dù
hiểu như vậy, nhưng phải hành phải tu. Ở trong kinh Phật có đưa ra ví dụ: “Giống
như bình chưa có nung”, quý vị nặn đất sét ra hình dáng giống cái bình sành sứ,
tức là mình học pháp bao nhiêu năm nay, hiểu được giống như mình nặn ra cái
bình, tuy nhiên chưa qua lò nung thì cái bình đó chưa xài được, gặp chuyện gì
thì bình sẽ lún, sẽ xẹp. Cho nên chúng ta phải cố gắng tu luyện. Muốn độ chúng
sanh, muốn hoằng dương chánh giáo, muốn làm thế nào đó phải cố gắng tu, mình phải
trở thành bình đã nung xong đã cứng cáp, mới ra chịu được phong ba. Cũng vậy hiện
tại chúng ta trách nhiệm rất lớn. Thiện Trang nghĩ là đồng tu chúng ta ai cũng
biết pháp Hòa thượng, ai cũng có thể giảng được pháp của Hòa thượng, nhưng quan
trọng nhất là chúng ta phải thật chứng được, đó là cách báo đáp công ơn tuyệt vời
nhất. Đây là lời nhắn nhủ của Thiện Trang trong dịp này. Chúng ta cố gắng phải
tu, phải chứng được niệm Phật Tam-muội, ít nhất công phu thành phiến thì chúng
ta mới báo đáp ân sâu của ngài. Còn nếu chúng ta tu kiểu mơ màng đợi đến lúc
lâm chung mười niệm thì còn hên xui, chưa chắc chắn, như vậy vẫn có người đi
người ở. Bây giờ không có cách nào, chúng ta hãy y giáo phụng hành, chúng ta
hãy cố lên! Ngài đi nhưng pháp ngài còn nhiều, chúng ta chưa dịch hết, chúng ta
học pháp của ngài được rồi. Đừng chấp ngài đã vãng sanh, những pháp đó cũ rồi
mà không học, như vậy không nên, mà phải siêng học hơn nữa, siêng tu hơn nữa,
siêng hành hơn nữa thì đó là báo đáp ân của ngài. Thật sự ân của ngài quá lớn.
Quý vị thấy đợt này Thiện Trang cố gắng livestream lên
chương trình của chùa Cực Lạc, để kết duyên, để nhiều người biết đến ngài, người
ta đâu biết kênh của chùa Cực Lạc, nhưng kênh ở tại Việt Nam người ta coi được.
Quý vị thấy rất nhiều người vào coi, họ chỉ cần niệm qua một câu Phật hiệu, thấy
hình ảnh của ngài, thấy chương trình như vậy có chữ “Hòa thượng Thích Tịnh
Không” thì đã gieo duyên với ngài, tương lai họ sẽ được độ. Cho nên tranh thủ
thời gian còn lại trong 49 ngày tiếp theo, chúng ta đăng nhiều bài của Hòa thượng
lên, đăng kể về cuộc đời, thế này thế kia, đó là chúng ta hoằng dương. Đây là
cơ hội tốt nhất để chúng ta truyền pháp ngài. Thiện Trang rất mừng là lên mạng
lúc nào cũng thấy hình ảnh của ngài, đó là chúng ta báo đáp ân của ngài, chúng
ta cố gắng làm như vậy.
Thiện Trang nghĩ rằng Pháp sư Định Hoằng ngài sẽ tiếp nối
Hòa thượng. Sẵn đây Thiện Trang cũng nói luôn, Hòa thượng thật sự ngài cũng nhường
sân. Ngài giảng về sau này lý quá cao rồi, đồng tu chúng ta sự làm chưa tới, mà
hiểu lý thường lấy lý bác sự. Chính vì vậy Hòa thượng không giảng ở những năm
cuối cùng, thậm chí ngài vãng sanh để nhường cho những người mới, những người
sau này giảng thấp xuống lại, để hành trên sự nhiều hơn. Ví dụ như ngài Pháp sư
Định Hoằng giảng giới luật là chấp tướng nhiều hơn tu trên sự. Cho nên tuy hiểu
lý nhưng đừng bỏ sự, đồng tu chúng ta hay lấy lý bác sự lắm. Có nhiều điều, ví
dụ đơn giản Thiện Trang nói: “nghe bộ Kinh Vô Lượng Thọ lần thứ 10 Hòa thượng
giảng là không đủ, vì Hòa thượng giảng đến phẩm 24 chưa xong, còn cả đoạn sau
chưa giảng”. Thì có người lấy lý nói rằng: “Hòa thượng giảng bài nào chẳng viên
mãn, nghĩa là một bài là đủ rồi sao thầy nói thế”. Đó là học lý quá sâu, lấy lý
bác sự, nếu như vậy thì Hòa thượng cần gì phải giảng nữa đúng không quý vị? Cho
nên đôi khi mình học lý mà thiếu sự hành, mình đem lý bác sự. Rồi chấp không cần
trì giới, không cần này không cần kia, rồi cứ ôm câu đới nghiệp vãng sanh mà chẳng
cần tu gì hết, thật sự đó là chúng ta không y giáo phụng hành. Nếu Hòa thượng bảo
như vậy thì cần gì Hòa thượng giảng bao nhiêu kinh, giảng bao nhiêu lần Khoa
Chú: Khoa Chú 2011, Khoa Chú 2012, Khoa Chú 2014, Khoa Chú 2018-2019 và cần gì
giảng Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa. Trong những bộ giảng sau, Hòa thượng đều
khuyên là nên nghe những bộ sau này, những bộ mới nhất vì ngài bổ sung những điều
quan trọng. Cho nên ở đây chúng ta phải hiểu, chúng ta phải tu, bây giờ ngài
vãng sanh rồi không còn ai để hỏi, giờ hoàn toàn phụ thuộc vào chúng ta, chúng
ta hiểu được bao nhiêu thì tu bấy nhiêu.
(TRÍCH KINH VÔ LƯỢNG THỌ KHOA CHÚ TUYỂN GIẢNG 021 – GIẢNG GIẢI
THẦY THÍCH THIỆN TRANG)