Responsive Menu
Add more content here...

Câu Chuyện Về Họa Sĩ, Nhà Văn Khi Mãn Kiếp Sẽ Đi Về Đâu?

Thời nhà Tống có một họa sĩ tên là Lý Bá Thời, vị họa sĩ này vẽ rất đẹp. Khi đó có Hòa thượng tên là Thiết Diện Tú quở trách ông Lý Bá Thời: “Ông là Sĩ phu nhưng lại nhờ vào vẽ tranh, vẽ ngựa rất nổi tiếng, khiến người khác đều khen ông vẽ rất đẹp. Hằng ngày ông vẽ ngựa vẽ trúc thì trong lòng phải có trúc mới có thể vẽ đẹp, vẽ ngựa thì trong lòng có ngựa. Hằng ngày ông đều nghĩ đến ngựa, niệm niệm đều nghĩ đến ngựa, đến khi chết rồi sẽ vào bụng ngựa để đầu thai”. Vì sao vậy? Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “Thị tâm thị Phật, thị tâm tác Phật”, ở đây đổi lại “thị tâm tác mã” tức là tâm này làm ngựa. Vì sao không niệm Phật, tâm này là Phật, tâm này làm Phật. Vị họa sĩ này là tín đồ Phật giáo nên sau khi nghe Hòa thượng quở trách xong, ông hối lỗi sửa sai, gác bút từ đó không vẽ nữa. Quý vị thấy người ta tuyệt vời không?

 

Về công án vẽ ngựa này Hòa thượng Tịnh Không hay nhắc đến câu chuyện cũng ở thời Tống, có một người tên là Triệu Tử Ngang, cũng là họa sĩ chuyên vẽ ngựa, ngày ngày ông chỉ vẽ các tư thế, động tác của ngựa. Có một ngày ông ngủ, vợ ông vén mùng ra thấy một con ngựa nằm trên giường. Do đó có thể thấy là mình nghĩ gì thì thành đó, nếu biết chuyện này là thật, tại sao không niệm Phật? Cho nên tâm chúng ta phải cố gắng niệm Phật.

 

Cũng trong thời đó, có một người nữa là Hoàng Đình Kiên, là nhà văn, văn học của ông rất hay nên viết nhiều tác phẩm nổi tiếng. Ông cũng đến gặp Hòa thượng Thiết Diện Tú, ngài vừa quở trách ông Lý Bá Thời xong thì ông này đến hỏi: “Vậy tương lai con sẽ đọa vào đâu?”. Ông chỉ hỏi đùa với Hòa thượng như vậy, nhưng kết quả là Hòa thượng quở trách ông còn nặng hơn: “Văn học của ông rất hay, thường viết những ngôn từ diễm lệ giữa nam nữ, viết rất tài tình, kết quả đều dẫn dắt người khác khởi tà niệm, nhiễu loạn tâm dâm loạn của người trong thiên hạ, e rằng ông không chỉ đọa vào trong bụng ngựa mà tương lai nhất định đọa địa ngục”. Sau khi được nghe vị Cao tăng Đại đức nói như vậy, ông Hoàng Đình Kiên vô cùng sợ hãi, mau chóng sám hối tội lỗi, sau đó không dám viết những ngôn từ diễm lệ nữa.

 

Quý vị thấy người xưa tu hành tuyệt vời, chỉ cần nghe qua là biết sửa đổi, còn chúng ta ngày nay tập khí phiền não nặng, biết sai vẫn cố phạm. Ví dụ người nữ nghe Hòa thượng giảng ăn mặc hở hang, mặc đồ ngắn là bị đọa địa ngục, nhưng vì đẹp vẫn thích mặc, nhiều người không bỏ được. Nhiều người biết tâm tham bị đọa ngạ quỷ, nhưng vẫn không bỏ tâm tham được. Biết giữ giới là tốt, giữ giới để lên các cõi lành, phá giới sẽ bị đọa vào đường hiểm, nhưng mà cứ phá giới. Tập khí mình quá nặng, cho nên đời này mình học kém, kém ở chỗ không làm được, chỉ cần một ngày mà làm được thì ngày hôm sau sẽ đỡ hơn. Tu hành quan trọng vẫn là thực hành.

 

(TRÍCH KINH VÔ LƯỢNG THỌ KHOA CHÚ TUYỂN GIẢNG – THẬP MÔN KHAI KHẢI- BUỔI 4 – MÔN THỨ 2: THỂ TÁNH CỦA KINH NÀY – 010)

Trả lời 0