Trong Chú Giải ngài Hoàng Niệm Tổ ngài có một đoạn chú giải
Thiện Trang tạm dịch nghĩa: “Hơn nữa ngày nay chúng ta, đối với diệu pháp này,
có thể nghe có thể tin, là chắc chắc đức Di Đà ở trong kiếp xưa, đuổi theo
chúng ta vào trong Địa ngục, dạy bảo chúng ta ở trong nhà lửa. Nhiếp thọ không
xả, khuyên dẫn không ngừng. Không ngại cùng luân chuyển [với chúng ta] trong
sáu đường, chỉ mong chúng ta hồi tâm trong một niệm. Ân đức vô cùng, uy đức vô
tận. Vun trồng thiện căn cho chúng ta, nay may thay [thiện căn ấy] nảy nở lớn
lên. Chú thích đến đây, không ngăn được nước mắt rơi xuống”.
Ở đây ngài Hoàng Niệm Tổ cảm thấy ân đức của đức Phật A Di
Đà rất là sâu. Ý nói đoạn này là ngày nay chúng ta có thể nghe được diệu pháp
này, có thể tin được, chắc chắn do từ kiếp xa xưa, đức Phật A Di Đà đã từng
theo đuổi chúng ta, tức là chúng ta rơi vào Địa ngục thì Ngài cũng vào Địa ngục,
rồi Ngài theo chúng ta trong sáu đường luân hồi Trời, Người, A-tu-la, Địa ngục,
Ngạ quỷ, Súc sanh, mình vào đường nào (bị luân chuyển trong đường nào), Ngài
cũng không ngần ngại theo chúng ta để “nhiếp thọ không xả, khuyên dẫn không ngừng”
tức là theo mình không bỏ. Dù có chút căn lành nào cũng ráng vun bồi, đó là
không ngại luân chuyển cùng với chúng ta và vun bồi. Chỉ mong chúng ta hồi tâm
được trong một niệm thôi (là tâm giác ngộ giải thoát mong ra khỏi sanh tử luân
hồi) là Ngài mừng lắm. Cho nên Ngài vun trồng thiện căn cho chúng ta, ví dụ như
khuyên chúng ta đi cúng dường Trai Tăng, trong đời đó nghe được một bài pháp,
nghe được một câu kinh, niệm được một vài câu Phật hiệu trong đời quá khứ nào
đó. Vun trồng bao lâu như vậy, may thay thiện căn ấy nay nảy nở lớn lên, tức là
thiện căn của chúng ta nhờ đức Phật vun trồng, chắc chắn là đức Phật A Di Đà
cũng đã vun trồng cho chúng ta, chúng ta mới nghe mới tin, mới chịu niệm Phật,
mới chịu vãng sanh. Ngài Hoàng Niệm Tổ chú thích đến đây ngài không ngăn được
nước mắt rơi vì ngài thấy rất tuyệt vời, còn chúng ta nghe xong cứ trơ trơ
không có ảnh hưởng gì. Do thiện căn mình không có đủ, thiện căn mình không có lớn
nên nghe Phật pháp, nghe ân đức sâu dày của Phật mà mình cũng không thay đổi được
nhiều, chỉ có thể nói là một chút cảm động hoặc là hơi phân vân một chút. Sau
đó ngày mai lại theo vòng xoáy của Ta Bà, vui trong dòng đời mà quên mất ân đức
đức Phật A Di Đà, không chỉ đức Phật A Di Đà mà còn các vị Phật khác nữa. Ở đây
ngài Hoàng Niệm Tổ lấy đức Phật A Di Đà làm chính chứ thật ra vô lượng vô biên
Phật Bồ-tát.
Quý vị nghe trong Kinh Địa Tạng, đức Phật Thích Ca nói là:
“Ta hiện ra thân trai, thân gái, thân Trời Rồng, thân Quỷ thần, rừng núi, ao rạch
suối v.v… Cho đến hiện ra thân Thiên Đế, vua Chuyển Luân, thân Quốc vương, hàng
Cư sĩ Ưu Bà tắc,Ưu Bà Di đủ các thân như vậy, để kết duyên với họ, để độ họ được
giải thoát nhưng trong mười phần vẫn còn nhiều chúng sanh quen theo tánh ác nên
không độ được, có những chúng sanh trong đó căn tánh sáng lẹ, nghe pháp của ta
thời liền tin nhận, hoặc là có những người phải ân cần khuyên bảo mới thành tựu
được thiện quả, hoặc có những người vì nghiệp chướng quá nặng nên chẳng đem
lòng kính tin ngưỡng mộ”.
Quý vị thấy: đó là đức Phật Bồ-tát các ngài từ bi đến mức độ
như vậy, các ngài không ngại vào sanh tử luân hồi theo chúng ta, chúng ta vào Địa
ngục, ngài cũng vào Địa ngục, chúng ta vào Ngạ quỷ, ngài cũng vào Ngạ quỷ. Ngài
vào để kết duyên, vào để dẫn cho chúng ta, đến nay căn lành đó được nảy nở, chúng
ta được sanh lên cõi Người được nghe Phật pháp, phải nói là thiện căn cũng sắp
chín muồi rồi, cho nên mới giới thiệu cho chúng ta Pháp môn một đời ra khỏi
sanh tử, là Pháp môn này, là bộ Kinh này, bộ Kinh Vô Lượng Thọ và Pháp môn Niệm
Phật là một đời có thể ra khỏi sanh tử. Nhưng mà thiện căn ấy cũng giống như là
giọt sương trên lá cây vào buổi ban mai, có thể tiêu tan bất cứ lúc nào khi trời
nắng lên. Một khi nắng lên thì giọt sương cũng có thể tan biến, vì nắng của thế
gian này quá lớn, nắng gì? Nắng của danh lợi, tình tài, tiền bạc v.v… những
dòng xoáy cuộc đời làm cho bao nhiêu người quên mất. Cho nên nếu quý vị nhớ đến
đoạn này, quý vị cố gắng nhớ lại mình cũng được vun bồi nhiều lắm.
Quý vị thấy, ngay cả Pháp sư Định Hoằng, ngài dùng phương
pháp thôi miên, ngài nhớ được nhiều đời, trong đó ngài thấy 14 đời ngài đã theo
Hòa thượng Tịnh Không. Có đời Hòa thượng Tịnh Không làm cha, có đời Hòa thượng
Tịnh Không làm Sư phụ. 14 đời liên tiếp mới có thể kết duyên giúp cho ngài Pháp
sư Định Hoằng có được thành tựu như đời này, mà đời này cũng phải khuyên dạy dữ
lắm, cũng mất bao nhiêu năm, đến năm 39 tuổi Pháp sư Định Hoằng mới đi xuất
gia. Quý vị thấy, rõ ràng đâu có dễ, độ một chúng sanh không đơn giản. Mà ngày
nay chúng ta nghe được rồi, là chúng ta cũng có thiện căn nảy nở rồi, cây vun
trồng hạt giống xưa, do đức Phật gieo cho chúng ta, chúng ta cũng tiếp nhận, mỗi
năm, mỗi kiếp, mỗi đời Ngài cũng chăm sóc cho một chút, chăm cho một chút, hôm
nay cây đó đã bắt đầu lên mầm rồi, lên cây rồi, đừng để cây héo úa. Cây Bồ Đề
chúng ta đã thành cây rồi, đừng để héo tàn, đừng có để giữa chừng bị chặt mất,
hãy ráng trồng để qua mùa đông khắc nghiệt, rồi sẽ tới mùa xuân đơm hoa, rồi sẽ
tới mùa hạ hoa đó sẽ thành trái lớn, rồi tới mùa thu trái sẽ chín. Chín đó tức
là về Tây Phương Cực Lạc. Cho nên nếu chịu khó tu hành, chúng ta sẽ thành tựu
trong đời này, trái cây đó sẽ chín, hoa sen chúng ta thành công. Còn nếu không
thì có thể đời này lại kết duyên lần nữa, cây đó tạm chết khô héo, chúng ta sẽ
đợi đến đời nào đó khi đủ đất, gặp lại đất khác. Hạt giống cây Bồ Đề này hay lắm,
tuy cây chết nhưng hạt giống còn, đem gieo qua miếng đất khác, đợi khi nào đất
đó đúng miếng đất tốt lành, nó lên lại nữa, chăm sóc lại từ đầu, mấy mươi năm
trong cuộc đời là như vậy. Cho nên nếu đến đây để tạo nghiệp thì thực sự rất là
đáng thương, rất đáng phí. Còn nếu như chúng ta mà cố gắng thì chúng ta sẽ đều
vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc gọi là “Câu đắc vãng sanh Cực Lạc thế
giới”.
(TRÍCH VLT150 – TẠM CHIA SẺ KINH VÔ LƯỢNG THỌ – PHẨM 48: VĂN
KINH HOẠCH ÍCH – THẦY THÍCH THIỆN TRANG)