PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ, TRANG NGHIÊM, THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG, GIÁC KINH.
Chủ giảng: Cô Lưu Tố Vân
Giảng ngày 14 tháng 3 năm 2018
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Hoa Tạng Huyền Môn
Giảo chánh: Thích Thiện Trang
Tập 4
Chư vị đồng tu tôn kính! Xin chào mọi người. A Di Đà Phật. Hôm qua tôi giảng đến “Nhất thiết đại Thánh thần thông dĩ đạt”. Thế nào là đại Thánh? Hôm qua tôi giải thích bằng một câu: là người đã đoạn vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, người như vậy được xưng là “đại Thánh”.
Trong kinh điển chúng ta thường thấy câu “tam Hiền thập Thánh”. Tam Hiền chỉ cho ai? Chỉ cho Thập-trụ, Thập-hạnh, Thập-Hồi-hướng. Thập Thánh chỉ cho Bồ-tát từ Sơ-địa đến Thập-địa, Địa thượng Bồ-tát được xưng là Thánh nhân. Chỉ có Đẳng-giác Bồ-tát mới được xưng là đại Thánh.
Tiếp theo, chúng ta sẽ nói về: núi Kỳ Xà Quật, đây là tên ngọn núi: ở phía ngoài thành Vương Xá, còn được gọi là núi Linh Thứu. Vì sao gọi là núi Linh Thứu? Bởi vì ngọn núi này có linh khí, rất nhiều bậc tu hành đều ở núi này. Do đó được gọi là núi Linh Thứu. Một điểm đặc biệt quan trọng là Kinh Pháp Hoa và Kinh Vô Lượng Thọ: đều được Phật Thích Ca Mâu Ni tuyên giảng tại nơi đây. Đồng thời số người tham gia hai pháp hội này đều là 12.000 người. Có thể thấy được tầm quan trọng của hai bộ kinh này.
Hiện giờ, đã giảng xong đoạn kinh văn ngắn ở phía trước. Chúng ta hãy quay lại: làm quy nạp và sửa sang cho đoạn kinh văn này. Đoạn kinh văn này chủ yếu là giới thiệu cho chúng ta: thời gian và địa điểm của Phật Thích Ca Mâu Ni tuyên giảng Kinh Vô Lượng Thọ, cho đến số người tham dự đại hội, và thân phận của quý ngài.
Đây là bộ kinh như thế nào? Là kinh điển dựa trên chân tướng sự thật mà thuyết. Do Tôn giả A Nan: đích thân nghe Thích Ca Mâu Ni Phật giảng. Khi đó, Đức Phật ở tại núi Kỳ Xà Quật ngoài thành Vương Xá, chúng đại Tỳ-kheo tham dự pháp hội lần này là 12.000 người. Các ngài đồng quy tụ về một nơi, thảy đều là bậc đại Bồ-tát, đều là Thánh nhân. Các ngài đều có trí huệ vượt hơn người thường, có năng lực vượt hơn người thường. Những bậc đại Thánh này đối với tất cả người, vật, sự, lý ở thế gian đều hiểu rõ, đều thông đạt vô ngại. Đây là điều mà đoạn kinh văn này nói với chúng ta.
Tiếp theo, xin mọi người xem đoạn kinh văn kế tiếp: 其名曰:尊者憍陳如、尊者舍利弗、尊者大目犍連、尊者迦葉、尊者阿難等,而為上首。 “Kỳ danh viết: Tôn giả Kiều Trần Như, Tôn giả Xá Lợi Phất, Tôn giả Đại Mục Kiền Liên, Tôn giả Ca Diếp, Tôn giả A Nan đẳng, nhi vi thượng thủ”(Trong đó quý vị: Tôn giả Kiều Trần Như, Tôn giả Xá Lợi Phất, Tôn giả Đại Mục Kiền Liên, Tôn giả Ca Diếp, Tôn giả A Nan v.v… là những bậc thượng thủ).
Tôi sẽ nói một chút về vị đầu tiên là Tôn giả Kiều Trần Như. Do có nhiều bản kinh không giống nhau, nên tên gọi được phiên dịch không như nhau. Có bản dịch thành Kiều Trần Như, có bản phiên dịch là Kiêu Trần Như. Mọi người biết 2 cách gọi này, quý vị đọc thế nào cũng được, miễn biết đều chỉ cho một người là được rồi. Ở đây tôi gọi là Kiều Trần Như.
Trước tiên xin nói về ý nghĩa của từ “Tôn giả”. Tôn giả có nghĩa là tôn kính, là cách xưng hô đối với người có trí huệ và đạo đức. Cách nói thông thường hiện nay của chúng ta chính là tôn kính, chính là biểu đạt ý nghĩa này.
Tiếp theo tôi giới thiệu về ngài Kiều Trần Như, vị đầu tiên. Kiều Trần Như là tiếng Ấn Độ, phiên dịch thành ý nghĩa tiếng Trung nghĩa là “minh liễu”. Tôn giả Kiều Trần Như là vị học trò được Phật Thích Ca Mâu Ni độ đầu tiên kể từ khi Ngài thị hiện thành Phật. Tôn giả Kiều Trần Như là ai? Trước khi Phật Thích Ca Mâu Ni thành Phật, lúc là Nhẫn Nhục tiên nhân, bị vua Ca Lợi cắt đứt thân thể của Nhẫn Nhục tiên nhân, chính là Kiều Trần Như bây giờ. Căn tánh của ngài Kiều Trần Như rất nhạy bén. Khi Phật ở vườn Lộc Uyển thuyết pháp cho 5 vị Tỳ-kheo, Kiều Trần Như là một trong năm vị Tỳ-kheo ấy, ngay khi Phật giảng xong pháp Tứ Đế, Kiều Trần Như liền chứng đắc quả A-la-hán. Ngài là người chứng quả đầu tiên trong 5 Tỳ-kheo, là vị được độ đầu tiên.
Trong bộ kinh này Kiều Trần Như được xếp ở vị trí đầu tiên, ngài nhất định là đại biểu cho điều gì vậy? Ngài đại biểu bộ kinh này là kinh đệ nhất trong tất cả Kinh mà Phật đã thuyết. Kinh này là kinh khai ngộ đệ nhất, là Pháp môn thành Phật đệ nhất. Để Tôn giả Kiều Trần Như lên đầu tiên, chính là biểu thị cho pháp này. Bộ kinh này chính là kinh đệ nhất trong tất cả kinh, là Pháp môn khai ngộ đệ nhất, thành Phật đệ nhất.
Tiếp theo, chúng tôi giới thiệu: vị thứ hai là Tôn giả Xá Lợi Phất.
Theo tiếng Ấn Độ thì Xá Lợi Phất có nghĩa là thân tướng xinh đẹp. Đặc biệt là nói: mẹ của ngài nhất định là người có thân tướng xinh đẹp. “Xá Lợi” nghĩa là thân tướng xinh đẹp, “Phất” nghĩa là con. Ngài là trí huệ đệ nhất trong số đệ tử của đức Phật. Ngài Xá Lợi Phất trí huệ đệ nhất được đặt ở thứ hai. Ở trong đây ngài cũng là biểu pháp, biểu pháp gì vậy? Chỉ có người trí huệ đệ nhất mới có thể thông hiểu bộ kinh này, không có trí huệ đệ nhất, thì không thể hiểu được bộ kinh này. Ngài đại biểu cho trí huệ đệ nhất.
Vị thứ ba, là Đại Mục Kiền Liên. Tiếng Ấn Độ là Đại Mục Kiền Liên, phiên dịch thành tiếng Trung có nghĩa là Thái Thục. Chữ “thục” này là chữ “thúc” trong từ “thúc phụ”mà thêm bộ thảo trên đầu. Chữ “thục” này có nghĩa là gì? Thục là một loại đậu. Nói rõ nhiều thế hệ gia đình ngài Đại Mục-Kiền-Liên là làm nông, cho nên mang họ là Thái Thục. Chữ “đại” này nghĩa là gì? “Đại” để phân biệt với người cùng tên. Trong số đệ tử của đức Phật, ngài là người có năng lực thần kỳ thông đạt đệ nhất. Nói đơn giản: Đại Mục Kiền Liên là vị có thần thông đệ nhất. Trong bản Kinh này ngài đại biểu nếu học tập bộ kinh này, thọ trì bộ kinh này, thì sẽ đạt được năng lực rất lớn. Không có thần thông đệ nhất, quý vị sẽ không phát nguyện cầu sanh Tịnh-độ. Quý vị có thể phát nguyện tu hành Pháp môn này, thì quý vị chính là thần thông đệ nhất.
Nghĩa gốc của hai chữ thần thông này, chúng ta cần phải hiểu rõ ràng minh bạch, đừng giảng sai nghĩa chân thực của hai chữ thần thông. “Thông” có nghĩa là gì? Là thông đạt vô ngại, thực sự thông đạt chẳng có chướng ngại, thì quý vị đương nhiên sẽ chịu tu bộ kinh này. “Thần” có nghĩa là gì? Là thần kỳ khó lường. Nhằm nói Pháp môn này là pháp khó tin. Quý vị có thể tin tưởng, thì thật là thần kì khó lường. “Thần thông” trong bộ kinh này, cũng chính là “thần thông” được nói ở đây. Tức là nói quý vị đối với lý luận, phương pháp và cảnh giới của bộ kinh này đều rõ ràng, thấu suốt, đều thông đạt rồi. Điều ấy vô cùng hiếm có, đây là thần thông chân thật.
Pháp môn này có biết bao Bồ-tát không tin tưởng, vì sao quý vị lại có thể tin tưởng? Vì sao quý vị có thể phát nguyện cầu sanh? Vì sao quý vị có thể chân thật niệm Phật vậy? Biết bao Bồ-tát không tin tưởng, vì sao quý vị lại tin tưởng như thế? Nói rõ quý vị có trí huệ đệ nhất, thần thông đệ nhất.
Việc này có thể có đồng tu không thể tiếp nhận nổi, “tôi chỉ là một tiểu phàm phu, sao lại có đại trí huệ như vậy? Sao có thần thông lớn như thế được?” Tôi ở nơi đây xin trịnh trọng nói với quý vị rằng, nếu quý vị kiên định không thay đổi, chọn tu Pháp môn này, đọc Kinh Vô Lượng Thọ, niệm A Di Đà Phật thì quý vị chính là thần thông đệ nhất. Bao nhiêu người tu Pháp môn này, thì bấy nhiêu người đều là trí huệ đệ nhất, thần thông đệ nhất. So với trí huệ và thần thông của Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên là không hai không khác, chỉ là quý vị không biết mà thôi, chân tướng sự thật đích thực là như vậy. Cho nên chính quý vị không biết nhưng quý vị chọn tu Pháp môn này thì quý vị là đệ nhất thần thông, đệ nhất trí huệ.
Quý vị thấy những vị Bồ-tát, La-hán thiên nhân, họ có thần thông, thần thông rất lớn, có lẽ quý vị còn rất hâm mộ các ngài. Kỳ thật, so về chọn tu Pháp môn này, thì các ngài ấy kém xa quý vị. Chân tướng sự thật đích thực là như vậy. Quý vị tuyệt đối nên tin tưởng điều này, nên tin vào chính mình.
Bởi vì sao? Bởi vì Bồ-tát, La-hán, thiên thần, các ngài thực sự có thần thông, vả lại thần thông rất lớn. Nhưng có một điều: là họ chưa thể xuất ly tam giới. La-hán, Bồ-tát, có thần thông lớn như thế, nhưng không thể minh tâm kiến tánh. Cho nên: những vị Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát đó nhìn thấy quý vị, sẽ khâm phục năm vóc sát đất. Quý vị có tin không? Những vị Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát ấy vô cùng khâm phục quý vị. Họ tự than là không bằng, cảm thấy còn thua xa quý vị.
Cho nên nếu quý vị phát nguyện cầu sanh Tịnh-độ, thật thà niệm Phật, thì đời này quý vị sẽ vãng sanh Thế giới Cực Lạc làm Phật. Đây là thần thông đệ nhất, so với thần thông của thiên nhân, La-hán, Bồ-tát còn vượt trội hơn, họ không thể sánh bằng quý vị. Quý vị có tin không? Cho nên quý vị mới là đệ tử Phật thật sự. Vì vậy, đệ tử Phật thật sự, thì sau khi tiếp nhận bộ kinh điển này, thật sự rõ ràng minh bạch, thật tu rồi, thật sự sinh khởi tín nguyện hạnh, thì quý vị sẽ được mười phương chư Phật Bồ-tát hộ niệm. Quý vị sẽ được Long thiên Hộ Pháp bảo hộ. Nhưng có điều, quý vị phải thật tu, tu giả thì không được. Nếu quý vị giả tu, hùa theo để được tiếng, làm cho thật giả lẫn lộn, vậy thì không được. Chư Phật Bồ-tát không hộ trì quý vị. Long Thiên Hộ Pháp cũng không bảo hộ quý vị. Chỉ cần quý vị thật tu, thì như trong kinh đã nói “Đều được hết thảy chư Phật hộ niệm”. Quý vị chọn bộ kinh này, thì ắt được mười phương chư Phật hộ trì.
Tiếp theo, tôi xin giới thiệu về ngài Ca Diếp, tiếng Ấn Độ gọi là Ca Diếp, phiên dịch thành tiếng Hoa nghĩa là Ẩm Quang. “Ẩm” trong từ “ẩm thực”, “quang” trong từ “quang minh”, nghĩa là “ẩm quang”. Đây là tán thán quang minh của ngài vượt hơn quang minh của người khác. Quang minh của người khác không thể sánh với quang minh của ngài.
Tôn giả Ca Diếp xuất thân trong một gia đình phú quý, nhưng ngài lại là đệ tử khổ hạnh đệ nhất của Đức Phật. Ngài tu khổ hạnh. Tôn giả Ca Diếp là sơ tổ của Thiền tông. Mọi người đều biết: Đức Phật cầm hoa khai thị cho đại chúng, ngài Ca Diếp tươi tỉnh mỉm cười. Câu chuyện này mọi người đều biết.
Ở trong đây tôn giả Ca Diếp làm bậc thượng thủ. Ngài đại biểu cho ý nghĩa gì? Đại biểu rằng niệm A Di Đà Phật là công phu Thiền định cao nhất. Vì ngài là sơ tổ của Thiền tông mà. Cho nên trong bộ kinh này tôn giả Ca Diếp đại biểu rằng: niệm A Di Đà Phật là công phu Thiền định cao nhất. Điều này mọi người chắc là nghe qua liền hiểu được, bởi vì ngài là tổ sư Thiền tông đời thứ nhất, nên trong kinh này ngài biểu thị: thiền tịnh là không hai. Nói chính xác: thiền và tịnh là một chẳng phải hai, không cần phân biệt chấp trước. Phật Thích Ca Mâu Ni truyền pháp Thiền cho ngài Ca Diếp. Ngài đại biểu cho Tông môn, không phải nói là Tông môn Giáo hạ, mà ngài Ca Diếp là người truyền pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni, đại biểu cho Tông môn.
Đất nước ta có Phật pháp Đại thừa và Tiểu thừa, tổng cộng có mười tông phái, Thiền Tông thuộc về tông môn. Ngoài Thiền tông ra, 9 Tông còn lại được gọi là Giáo hạ. Giáo hạ được tôn giả A Nan truyền.
Cho nên ở trong đây, chúng ta hiểu rõ ràng rằng: Tôn giả Ca Diếp và tôn giả A Nan, hai vị này đều là người truyền pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni. Cả hai Ngài đều được xếp vào bậc thượng thủ trong bộ kinh này, ý nghĩa rất đặc biệt, đại biểu rằng toàn bộ Phật pháp đều nằm trong kinh này. Câu nói này đặc biệt quan trọng: cả hai Ngài ấy, đều được xếp vào bậc thượng thủ trong bộ kinh này, nhằm thể hiện toàn bộ Phật pháp đều nằm trong kinh này. Bởi vì một vị đại biểu cho Tông môn, một vị đại biểu cho Giáo hạ. Quý vị thấy chẳng phải là đều bao hàm toàn bộ ở trong đó sao!
Tiếp theo chúng tôi sẽ giới thiệu về ngài A Nan. Tiếng Ấn Độ là A Nan, tiếng Hoa nghĩa là Khánh Hỷ, chính là nghĩa hoan hỷ chúc mừng. Vì sao ngài có tên gọi này? Bởi vì khi tin tức Đức Phật thành đạo được truyền đến gia đình ngài, thì đúng lúc ngài A Nan ra đời, A Nan là em họ nhỏ nhất của Phật Thích Ca Mâu Ni, nên ngài được đặt tên là Khánh Hỷ. Sau khi ngài A Nan xuất gia, thì làm Thị giả của Đức Phật. Ngài là “Đa văn đệ nhất”. Trong bộ kinh này, ngài đại biểu cho Giáo hạ. Ngài là tổng biên tập cho kinh Phật, đây là nói theo cách hiện nay của chúng ta. Tổng biên tập kinh Phật là ai? Là tôn giả A Nan.
Phía sau ngài A Nan còn có chữ “đẳng”, xem Kinh đừng quên còn có chữ “đẳng” này. Chữ “đẳng” này có ý nghĩa gì? Có nghĩa là trong Pháp hội này còn có rất nhiều bậc thượng thủ khác, nhưng không nêu tên từng vị ra. 5 vị được nêu tên ở đây để làm đại biểu, cho nên dùng chữ “đẳng” để biểu thị.
Chúng ta nói tiếp về từ “Thượng thủ”. Thượng thủ là người có vị trí cao trong pháp hội. Dùng lời hiện nay mà nói: chính là thính chúng ở hàng đầu. Nói cụ thể một chút chính là khách quý. Nói như vậy mọi người đều có thể hiểu được, thượng thủ chính là vị trí cao trong pháp hội, là thính chúng ở hàng đầu, cũng là khách quý.
Tên của bậc thượng thủ được nêu ra có hàm nghĩa rất sâu. Vì sao chỉ nêu tên năm vị tôn giả thôi? Có ý nghĩa rất sâu. Năm vị tôn giả này, đều là bậc thông gia. chú ý: các ngài đều là bậc thông gia. Mỗi một vị đệ tử đều đại biểu cho một môn. Thông thường ngài Xá Lợi Phất đại biểu trí huệ đệ nhất. Vậy mọi người hỏi: lẽ nào ngài không có thần thông sao? Không phải. Bởi vì ngài đại biểu cho trí huệ đệ nhất, đây là điểm mạnh của ngài. Mỗi vị đệ tử đại diện cho một môn mà. Cho nên ngài Xá Lợi Phất đại biểu trí huệ đệ nhất. Nhưng mọi phương diện thì ngài vẫn đều có đủ thần thông. Chúng ta không nên hiểu lầm ý nghĩa câu nói này. Nêu ra một thế mạnh nào đó để biểu Pháp. Những bậc thượng thủ khác cũng đều như vậy. Ví dụ như có thần thông đệ nhất vân vân, Phật nêu ra những vị này làm thượng thủ, chúng ta vừa nhìn liền thấy được sự đặc sắc của bộ kinh này, không giống với những kinh điển khác. Kinh này có đặc sắc riêng, nét đặc sắc ấy biểu thị địa vị của bộ kinh này trong toàn bộ Phật pháp.
Tiếp theo, lại nói một câu, không biết mọi người có chú ý hay không, việc nêu tên các bậc thượng thủ trong bộ kinh này có chỗ đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ nào vậy? Chính là đặt ngài Kiều Trần Như ở đầu tiên. Trong những kinh điển khác: chưa từng có điều này. Duy chỉ ở kinh này ngài Kiều Trần Như được đặt ở đầu tiên.
Ở đây Đức Phật muốn biểu pháp gì vậy? Mọi người nghĩ xem: Kiều Trần Như là đệ tử thành đạo đầu tiên của Đức Phật, là vị chứng quả A-la-hán đầu tiên, ngài là đệ tử đệ nhất của Đức Phật, là đệ tử bậc nhất. Phật ngầm nói với chúng ta: Kinh Vô Lượng Thọ là pháp môn khai ngộ đệ nhất, là pháp môn thành Phật đệ nhất. Y theo kinh điển này tu học, thì sẽ là đệ tử đệ nhất của Như Lai. Chúng ta nghe điều này xong: có tràn đầy lòng tin hay không? Chúng ta chọn tu Kinh Vô Lượng Thọ, chọn niệm A Di Đà Phật, thì quý vị đừng xem thường chính mình. Hiện nay quý vị chính là đệ tử đệ nhất của Như Lai. Mục tiêu và phương hướng tu hành của Tông môn, Giáo hạ hoàn toàn tương đồng, đều là minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Điều này vốn dĩ thống nhất, chỉ có phương pháp khác nhau, phương thức và phương pháp không giống nhau mà thôi.
Mọi người đều biết: Tông môn bắt đầu trực tiếp từ buông xuống vạn duyên. Họ không đến lớp, cũng không dùng sách giáo khoa, mà thẳng tắt trực tiếp từ buông xuống vạn duyên, khôi phục tâm thanh tịnh của Tự-tánh. Cho nên họ dùng phương pháp quán tâm và tham thoại đầu. Những phương pháp này rất đặc biệt, phải là người căn tánh rất nhanh nhạy, mới có năng lực tu học Pháp môn này. Người căn tánh bậc trung trở xuống, thì không bước vào được cửa Tông môn. Tôi xin nói lại câu này lần nữa: phải là người căn tánh rất nhanh nhạy, mới có năng lực tu học pháp môn này, người căn tánh bậc trung trở xuống, thì không thể bước vào cửa của Tông môn. Đó là phương pháp của Tông môn.
Xem đến Giáo hạ. Giáo hạ dùng sách giáo khoa để dạy học. Kinh điển chính là sách giáo khoa. Như chúng ta hiện nay, Kinh Vô Lượng Thọ chính là sách giáo khoa của chúng ta. Lại còn phải có quá trình dần dần từng bước thâm nhập, từ cạn đến sâu, từ sự đến lý, từ tướng đến tánh, tiến dần theo thứ tự. Như Giáo hạ giảng: A Hàm, Phương Đẳng, Bát Nhã, Pháp Hoa, Niết Bàn, là từng bước từng bước, như leo lên trên bậc tam cấp. A Hàm tương đương với Tiểu học của Phật giáo. Phương Đẳng tương đương với Trung học. Bát Nhã tương đương với Đại học. Pháp Hoa, Hoa Nghiêm tương đương với Nghiên cứu sinh. Đây là phương pháp dạy học theo thứ tự. Giáo hạ là do Tôn giả A Nan truyền, cho nên tất cả kinh điển là do tôn giả A Nan kết tập. Phần trước chúng tôi đã giảng qua rồi. Ngài A Nan còn là Tổ sư thứ hai của Thiền tông. Mọi người nghe điều này phải chăng cảm thấy có chút kỳ lạ? Ngài A Nan vì sao lại là Tổ sư thứ hai của Thiền tông? Quả thật là như vậy. Có thể trước đây chúng ta nghe kinh không chú ý đến, vì Thế Tôn đem pháp Thiền truyền cho Tôn giả Ca Diếp. Khi nãy chúng tôi giới thiệu về Tôn giả Ca Diếp đã nói rồi. Ngài Ca Diếp lại truyền Thiền cho ngài A Nan. Cho nên Tông môn và Giáo hạ là một chẳng phải hai. Phương hướng mục tiêu hoàn toàn tương đồng, chỉ có cách thức, phương thức, phương pháp dạy học khác nhau mà thôi. Pháp môn bình đẳng không có cao thấp. Tông môn, Giáo hạ quy hướng một nơi, quy về pháp môn niệm Phật đệ nhất. Nói như vậy thì thứ lớp đều rõ ràng, mọi người đều hiểu được. Đoạn kinh văn này, là kể ra những vị Tôn giả thượng thủ, chúng tôi đã giới thiệu xong.
Tiếp theo chúng tôi sẽ khái quát lại đoạn kinh văn này. Khái quát đoạn kinh văn này như sau: Tên của các ngài là: Trưởng lão Kiều Trần Như tôn kính, ngài đại biểu kinh này là pháp môn đệ nhất; Trưởng Lão Xá Lợi Phất tôn kính, ngài đại biểu kinh này là trí huệ đệ nhất; Trưởng lão Đại Mục Kiền Liên tôn kính, ngài đại biểu bộ kinh này là thần kỳ thông đạt đệ nhất. Tôn giả Ca Diếp tôn kính, ngài đại biểu cho Thiền tông. Trưởng lão A Nan tôn kính, ngài đại biểu Giáo hạ ngoài Thiền tông. Đoạn kinh văn này nêu 5 vị Tôn giả làm thượng thủ, nói rõ Kinh Vô Lượng Thọ xác thực thể hiện sự toàn diện của Phật pháp. Đây chính là tổng kết khái quát cho đoạn kinh văn phía trên.
Mời chư vị đồng tu tiếp tục xem kinh văn: 又有普賢菩薩、文殊師利菩薩、彌勒菩薩,及賢劫中一切菩薩,皆來集會。“Hựu hữu Phổ Hiền Bồ-tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát, Di-lặc Bồ-tát, cập Hiền kiếp trung, nhất thiết Bồ-tát, giai lai tập hội”(Lại có các ngài Phổ Hiền Bồ-tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát, Di Lặc Bồ-tát và tất cả Bồ-tát trong Hiền kiếp đều đến tham dự đại hội).
Trước tiên xem Phổ Hiền Bồ-tát. Từ “Phổ” trong Phổ Hiền Bồ-tát nghĩa là biến nhất thiết xứ. Thông thường chúng ta gọi là phổ biến phổ biến. Đây là cách nói thông thường của chúng ta. Từ “phổ” này nghĩa là phổ biến khắp mọi nơi. Chữ “Hiền” nghĩa là tối diệu tối thiện. Tâm, nguyện và hạnh của Bồ-tát và thân khẩu ý thảy đều bình đẳng, phổ đến đối với hết thảy người, sự và vật đều chân thành, thuần nhất, diệu thiện, nên Ngài được gọi là Phổ Hiền.
Bồ-tát là tiếng Ấn Độ, là nói người hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sinh, thì mới được xưng là Bồ-tát. Bồ-tát là tiếng Ấn Độ, là người hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sinh, thì mới được xưng là Bồ-tát. Bồ-tát Phổ Hiền trong kinh này đại biểu Mật Tịnh không hai. Tôi xin nói lại lần nữa: Bồ-tát Phổ Hiền trong bộ kinh này đại biểu Mật Tịnh không hai.
Từ sự biểu pháp của Bồ-Tát chúng ta có thể thấy được: bộ kinh này như phía trước tôi đã nói, xác thực thể hiện toàn thể của Phật pháp. Ngài Phổ Hiền chẳng những đại biểu cho hành môn của Hoa Nghiêm, mà ngài còn là Tổ sư khai sơn của Mật tông. Mật pháp trong thế gian chúng ta, được truyền thừa như thế nào? Là sáu trăm năm sau khi Phật Thích Ca Mâu Ni diệt độ, do Bồ-tát Long Thọ truyền thừa. Bồ-tát Long Thọ học Mật pháp từ đâu vậy? Khi Bồ-tát Long Thọ mở tháp sắt, thì gặp được Kim Cang Tát Đỏa Bồ-tát. Kim Cang Tát Đỏa Bồ-tát truyền Mật pháp cho Long Thọ Bồ-tát. Sau đó Bồ-tát Long Thọ truyền đến nhân gian. Vậy Kim Cang Tát Đỏa Bồ-tát là ai? Chính là Phổ Hiền Bồ-tát.
Giờ đã nghe rõ rồi: Mật pháp là do Bồ-tát Long Thọ truyền đến nhân gian, là truyền từ Phổ Hiền Bồ-tát. Cho nên Phổ Hiền Bồ-tát không những đại biểu cho Tông Hoa Nghiêm, mà còn đại biểu cho Mật tông. Do đây mà biết: Hoa Nghiêm là hiển thuyết của Mật tông. Mật tông là mật thuyết của Hoa Nghiêm. Hiển Mật không hai.
Từ những đoạn vừa rồi, chúng ta có thể thấy: Phật pháp là một chẳng phải hai. Kinh Vô Lượng Thọ là tinh túy của Hoa Nghiêm. Cổ đức đã từng nói “Hoa Nghiêm áo tạng, Pháp Hoa bí tủy, đều ở trong kinh này”. Lão Cư sĩ Hoàng Niệm Tổ là Kim Cang Thượng sư, là Kim Cang Thượng sư của Mật tông. Khi ngài truyền trao Mật pháp, thì yêu cầu thứ nhất, là yêu cầu người học Mật đọc Kinh Vô Lượng Thọ. Mọi người nghe xong chẳng phải lại thêm một lần kinh ngạc đó sao? Lão Cư sĩ Hoàng Niệm Tổ truyền thọ Mật pháp, yêu cầu thứ nhất chính là: yêu cầu người học Mật là niệm Kinh Vô Lượng Thọ, thọ trì kinh này. Điều này, ngài là có đạo lý, vì đây là tinh túy của Mật pháp mà.
Vì vậy Bồ-tát Phổ Hiền trong bộ kinh này, đại biểu Mật Tịnh không hai. Tôi đã nói mấy lần chữ “không hai” này rồi. Sau khi nghe rồi, mọi người hãy nghĩ lại xem, càng xem thì càng hiểu. Bồ-tát Phổ Hiền trong bộ kinh này, đại biểu Mật Tịnh không hai. Vì sao vậy?
Câu Phật hiệu A Di Đà Phật này là Mật chú vô thượng. Xin chú ý từ “vô thượng”. A Di Đà Phật là Mật chú vô thượng, không có bất kỳ chú ngữ nào, có thể vượt hơn bốn chữ này, đây là tổng cương lĩnh của Mật pháp. Tiếc rằng người biết điều này thật sự không nhiều. Nếu không phải là tổng cương lĩnh của Mật pháp, thì trì danh niệm Phật vãng sanh, làm sao có được thành tựu lớn như vậy? Thời gian lâu như vậy, từ xưa đến nay, niệm Phật vãng sanh, có thể nói là vô lượng vô biên, không thể tính hết. Không vãng sanh thì không thể tức thân thành Phật, vãng sanh: mới là thật sự thành tựu viên mãn Phật quả ngay trong đời này. Vì vậy sau khi thâm nhập kinh tạng, chúng ta mới hiểu được chân tướng sự thật này. Trước đây chúng ta nghe kinh, có thể chưa nghe hiểu hoàn toàn, nếu qua lần giảng giải này, mọi người có thể nắm chắc được điểm quan trọng này, thì quý vị có hy vọng thành tựu trong đời này rồi.
Nhớ năm ấy, vị thầy thứ hai trong nhà Phật chúng ta là Lạt-ma Rama đời thứ 15, bảo chúng ta đọc Kinh Vô Lượng Thọ. Lúc đó tôi không thể hiểu được: một vị Kim Cang Thượng sư Mật tông, vì sao không dạy đệ tử của ngài trì chú, mà lại dạy đệ tử đọc Kinh Vô Lượng Thọ? Lúc đó tôi không hiểu được. Việc này trước đây tôi từng nói đến, hiện nay, tôi rốt cuộc tìm được đáp án. Lạt-ma Rama quả thật là một vị Đại đức trong nhà Phật: có tu có chứng, khiến người tôn kính.
Tiếp theo, sẽ giới thiệu cho chư vị đồng tu về Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi.
Văn Thù Sư Lợi là tiếng Ấn Độ, dịch sang Trung văn là Diệu Kiết Tường. Ý nghĩa của Diệu Kiết Tường, chính là có thể minh tâm kiến tánh. Trong hàng Bồ-tát ngài đại biểu trí huệ đệ nhất, nhằm biểu thị người có thể hoan hỷ tin tưởng đạo lý và sự thật trong bộ kinh này, chính là người có đại trí huệ, ngài đại biểu cho pháp này. Nếu như nói: người có thể hoan hỷ tin tưởng đạo lý và sự thật của bộ kinh này, chính là người có đại trí huệ, thì trong bộ kinh này ngài đại biểu Thiền Tịnh không hai. Lại thêm một từ “không hai” nữa. Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát trong bộ kinh này đại biểu Thiền Tịnh không hai, Thiền chính là Tịnh.
Cổ Đức nói: câu A Di Đà Phật này, bao gồm Giáo, bao gồm Thiền, cũng bao gồm Mật. Đây là những cương lĩnh lớn của việc tu học trong nhà Phật. Những cương lĩnh lớn đều được bao gồm rồi, thì còn thứ nào nữa mà không bao hàm chứ! Cho nên: A Di Đà Phật quả thật là Pháp môn đại tổng trì, không có pháp nào nằm ngoài A Di Đà Phật. A Di Đà Phật là tổng cương lĩnh của toàn bộ Phật pháp. Niệm một câu A Di Đà Phật, là đã niệm tất cả pháp môn, pháp nào cũng chẳng thiếu. Nhất định phải nghe hiểu câu nói này. Tôi xin nói lại lần nữa, A Di Đà Phật quả thật là pháp môn đại tổng trì, không có pháp nào nằm ngoài A Di Đà Phật. A Di Đà Phật là tổng cương lĩnh của toàn bộ Phật pháp. Niệm một câu A Di Đà Phật là đã niệm tất cả các pháp, một pháp cũng chẳng thiếu. Đặc biệt là câu sau cùng: “một pháp cũng chẳng thiếu”.
Trước đây chúng ta từng nói “một tức tất cả, tất cả là một”. Thật sự mà nói, chữ “một” này rốt cuộc là gì? “Tất cả” rốt cuộc là gì? Chúng ta chưa hiểu rõ hoàn toàn, hiện nay chúng ta hiểu rõ rồi, “một” này chính là một câu A Di Đà Phật. Còn “tất cả” nghĩa là gì? Chính là tất cả pháp thế xuất thế gian. Lần này chúng ta xác thực đã hiểu rõ, “một” chính là một câu A Di Đà Phật, còn “tất cả” là tất cả pháp thế xuất thế gian, bao hàm viên mãn tất cả pháp, chính là một câu Phật hiệu A Di Đà Phật.
Nếu nói tường tận hơn một chút, thì chữ “một” này, chính là một bộ kinh Vô Lượng Thọ. Bộ Kinh Vô Lượng Thọ này: đã khái quát tất cả pháp thế gian và xuất thế gian. Đạt được bộ kinh này, có thể nói: chính là đạt được tất cả pháp thế gian và xuất thế gian.
Hy vọng mọi người hãy nghiêm túc thọ trì, đừng để những pháp môn khác làm dao động. Nói đến đây, tôi phải nói thêm vài câu nữa. Nói điều gì đây? Tám vạn bốn ngàn pháp môn cho dù hiện nay bày ra trước mặt chúng ta, thì đồng tu học Phật pháp chúng ta, rốt cuộc lựa chọn thế nào đây? Việc này mỗi người, đều có quyền tự do lựa chọn, bất cứ ai cũng không được can thiệp, không được dùng ý kiến của mình ép buộc người khác. Thế nhưng hiện nay chúng ta xác thực có tồn tại một vấn đề. Vì sao tôi phải nói vấn đề này? Gần 20 năm qua, pháp môn Tịnh-độ niệm Phật của chúng ta, đặc biệt là bản hội tập Kinh Vô Lượng Thọ này, thật sự 20 năm nay, bị phê bình, bị phê phán, chưa có ngừng ngớt. Bởi vì sau khi lão Pháp sư: tiếp nhận bộ kinh Vô Lượng Thọ từ thầy Lý Bỉnh Nam, thì cả đời này của ngài không hề thay đổi. Vì ngài nói: bộ kinh này là do thầy ngài trao lại, thầy sẽ không gạt ngài. Vì vậy Tôi nhớ lão Pháp sư từng nói. Ngài nói: “cho dù tất cả người trên toàn thế giới đều từ bỏ bản hội tập Kinh Vô Lượng Thọ này, tôi vẫn không từ bỏ. Vì đây là bộ kinh mà thầy đã trao lại cho tôi”.
Cho nên bao nhiêu năm qua tôi có sự cảm nhận sâu sắc. Bởi vì vào năm 2000, lần đầu tiếp xúc được bộ Kinh Vô Lượng Thọ, vừa may chính là bản hội tập này. Với lại sau khi tôi nghe xong bộ đĩa giảng Kinh Vô Lượng Thọ, tôi đã bắt đầu nghiêm túc đọc bộ kinh điển này, quả thật là mến chẳng rời tay, mãi cho đến hôm nay. Từ năm 2000 đến nay: là 18 năm, gần 20 năm rồi, tôi chưa từng buông bỏ bộ kinh này. Theo kinh nghiệm của tôi, tôi thọ trì bộ kinh này, và niệm câu Phật hiệu A Di Đà Phật, thân cận lão Pháp sư thượng Tịnh hạ Không, bao nhiêu năm qua cũng nếm đủ mùi gian nan. Nhưng cũng may là định lực của tôi không tệ. Tôi trước giờ chưa từng bị dao động.
Vì sao ở đây tôi phải nói việc này? Bởi tôi cảm thấy con đường phía trước vẫn còn rất dài, vẫn còn rất nhiều người chưa tiếp xúc với Phật pháp. Nếu những người ấy, một khi họ tiếp xúc Phật pháp, thì Phật pháp đó là chánh pháp hay là tà pháp, điều này đối với việc tu học cả đời của họ hết sức quan trọng. Có một số người chúng ta, chính họ đối với Phật pháp không quá hiểu rõ, không quá thấu suốt, nhưng họ lại dùng tri kiến của mình, nếu như gọi đó là tà tri tà kiến, thì có chút không tôn trọng đối với người, nhưng thực sự dẫn đến tác dụng như vậy. Một người chưa vào cửa Phật, hoặc là người chỉ vừa mới bước chân vào cửa Phật, nếu chúng ta dùng tri kiến của riêng mình mà dẫn dắt họ, thì quý vị đã dẫn dắt họ đi sai đường rồi. Quý vị thật sự đã đoạn Pháp thân Huệ mạng của người ta rồi, hơn nữa quý vị còn tạo tội nghiệp cực lớn. Sau cùng quý vị rất có thể sẽ rơi vào địa ngục Kim Cang. Quý vị nói xem việc này hết sức quan trọng, phải chăng chúng ta cần nêu ra để thận trọng hơn.
Bởi vì bao nhiêu năm qua, tôi đã đích thân trải nghiệm, tôi có được cảm nhận sâu sắc, ví dụ như: khi tôi học Phật, thì có người phản đối, họ nói tôi nên học cái này cái kia. Như nói rằng: tôi là Đảng viên, có người khuyên tôi ra khỏi Đảng. Ở đây tôi xin công khai nói với mọi người: đã có 6 lần bị người ta khuyên ra khỏi Đảng. Lần nào tôi cũng nói với họ: từ khi tôi vào Đảng đến nay, tôi chưa từng nghĩ sẽ ra khỏi Đảng.
Sau khi tôi thọ trì Kinh Vô Lượng Thọ, người khác phản đối tôi thọ trì bộ kinh này, vả lại thái độ còn hết sức kịch liệt. Tôi không hề chùn bước, không vì việc này mà dao động. Tôi vẫn giữ vững lập trường của mình. Thế nhưng tôi nghĩ việc này đối với tôi không có sự ảnh hưởng, không có sự phá hoại nào. Còn đối với người ngăn cản tôi đọc bộ kinh này, ngăn cản tôi tu pháp môn này, ngăn cản tôi thân cận với lão Pháp sư thượng Tịnh hạ Không, thì tội nghiệp họ đã tạo quả thật quá lớn.
Cũng có thể hiện nay tôi nói vậy, người khác nghe rồi không phục. Các người là ai? Tôi nói tôi chỉ là một người tu học Phật pháp, là người mong đời này liễu sinh tử thoát luân hồi, những thứ khác thật sự không là gì cả. Cho nên hôm nay tôi ở trước ống kính nói với mọi người lời này: tôi chỉ hy vọng đồng tu chúng ta, không nên tùy tiện chỉ đường cho người khác. Nếu quý vị xác định không nghi biết con đường của mình là đúng, là chính xác, quý vị có chánh tri chánh kiến, thì tôi khuyên quý vị đừng bảo thủ, quý vị có thể dẫn dắt người khác. Nếu quý vị vẫn chưa hiểu rõ toàn bộ, mà quý vị đi dẫn dắt người khác, thì thật sự là khiến chúng sanh lầm lạc. Dẫn người khác đi sai, cũng hại luôn chính mình. Thật sự khởi tâm cảnh giác.
Cho nên mấy năm nay, đã trải qua bao nhiêu sóng gió, mỗi lần sóng gió, đối với các đồng tu Tịnh-độ mà nói: mỗi lần sóng gió, đều có một nhóm người, không phải chỉ vài người, mà là một lượng lớn người bị thổi bay. Có những lão Bồ-tát: đã tu học Pháp môn Tịnh-độ niệm Phật hai-ba mươi năm, thậm chí là ba-bốn mươi năm. Mà không có chống chọi được cơn gió thổi nhẹ này, khi cơn gió thổi đến thì bị dao động, cuốn đi mất, bỏ đi bản hội tập Kinh Vô Lượng Thọ, thậm chí còn bỏ luôn Pháp môn niệm Phật, thậm chí còn thay đổi đường lối, không tu học Phật pháp nữa, đi tu học tôn giáo khác. Không phải tôi phản đối những tôn giáo khác. Mà vì thông qua những buổi nói chuyện, quý vị có thể thể hội được: lời tôi nói là lời chân thật, tôi không chê bất kỳ pháp môn nào, cũng chẳng chê bất kỳ tôn giáo nào. Bởi vì thầy tôi đã dạy cho tôi, lão Pháp sư thượng Tịnh hạ Không đã dạy tôi: tôn giáo trên thế giới là một nhà. Hai ngày trước tôi đã nói: kỳ thật trong câu Phật hiệu A Di Đà Phật đã bao gồm tất cả tôn giáo bên trong rồi.
Ở đây là tôi nói là: những lão Bồ-tát tu học Pháp môn Tịnh-độ niệm Phật, từ nay trở đi phải xác định. Nếu như tôi nhất định phải thay đổi, thì tôi mong rằng sau khi thay đổi, ví như nói: chư vị chọn học Pháp môn khác, thì quý vị cần phải kiên trì với pháp môn đó, kiên trì đến cùng, giữa không được dao động qua lại. Làm gì có nhiều thời gian để quý vị dao động chần chừ chứ. Đây là lời nhắc nhở, lời khuyến cáo chân thành của tôi đối với chư vị đồng tu, là lời thành thật từ tận đáy lòng của tôi. Cho nên quý vị đã chọn học Pháp môn này, thì tôi khuyên quý vị đừng bị những Pháp môn khác làm dao động nữa.
Tiếp theo, tôi xin tiếp tục giảng. Bồ-tát Văn Thù quá khứ là thầy của 7 vị Phật, việc này mọi người cũng biết. Học trò của ngài: vô lượng vô biên học trò đã sớm thành Phật rồi. Văn Thù Bồ-tát hiện nay vẫn còn giữ ở vị trí Bồ Tát. Thể hiện điều gì? Đại từ đại bi của Văn Thù Bồ-tát, ngài muốn giúp đỡ đại chúng, nguyện lực của ngài chẳng thể nghĩ bàn. Đây phải chăng là tấm gương cho chúng ta học tập! Ngài vốn dĩ đã sớm thành Phật rồi, vì sao hiện nay vẫn còn ở tại vị trí Bồ-tát? Là thể hiện tâm đại từ đại bi cứu độ chúng sanh, nguyện của ngài lực chẳng thể nghĩ bàn, thật đáng để chúng ta kính ngưỡng và học tập.
Tiếp theo xin giảng về Di Lặc Bồ-tát.
Di Lặc là tiếng Ấn Độ, ý nghĩa tiếng Hoa là Từ Thị. “Từ” trong “từ bi”, “thị” trong “thị tánh”. Từ Thị là họ của ngài. Tên của Ngài theo Ấn Độ gọi là A Dật Đa. Ý nghĩa trong tiếng Hoa là gì? Là Vô Năng Thắng. Tên của ngài là A Dật Đa, dịch sang Trung văn là Vô Năng Thắng. Kết hợp lại nghĩa là lòng từ bi của ngài: không ai có thể vượt hơn, không ai chiến thắng được, là ý nghĩa như thế. Bồ-tát Di Lặc đầy đủ đại từ đại bi: không có bất kỳ người nào vượt hơn ngài được.
Hiện nay ngài làm Bồ-tát, tương lai sẽ hạ sanh thành Phật. Tương lai là khi nào vậy? Chính là 5 tỷ 670 triệu năm sau, Bồ-tát Di Lặc hạ sanh thành Phật. đến thế gian của chúng ta, chính là thế giới Ta Bà, trở thành vị Phật thứ 5 trong Hiền kiếp. Ngài là người đương cơ trong Kinh Vô Lượng Thọ, có thể thấy được tầm quan trọng trong vị trí của ngài. Bởi vì ngài là bậc đương cơ, chúng ta đọc Kinh Vô Lượng Thọ đều biết: Phật Thích Ca Mâu Ni bảo Di Lặc Bồ-tát tương lai hộ trì pháp môn niệm Phật. Có thể tưởng tượng: 5 tỷ 670 triệu năm sau, Bồ-tát Di Lặc đến thế giới Ta Bà của chúng ta thành Phật. Quý vị nói xem ngài sẽ hoằng dương bộ kinh nào? Phải chăng nhất định là Kinh Vô Lượng Thọ, điều này chắc chắn không nghi gì nữa.
Trong Hiền kiếp tổng cộng có một ngàn vị Phật xuất thế, Thích Ca Mâu Ni Phật là vị thứ tư, Di Lặc là vị thứ năm. Vốn dĩ theo thứ tự thì Di Lặc là vị thứ tư, Thích Ca Mâu Ni Phật là vị thứ năm. Vì sao vị trí của hai ngài lại thay đổi? Rất nhiều đồng tu đều biết: là vì vua Ca Lợi cắt đứt thân thể của Nhẫn Nhục tiên nhân, khiến sự nhẫn nhục của ngài được thành tựu. Cho nên vị trí của ngài được đưa lên thứ tư. Một ngàn vị Phật xuất thế trong Hiền kiếp, hiện nay đã có bốn vị ra đời, vị thứ năm vẫn chưa hạ sanh. Như vậy còn bao nhiêu? Còn 996 vị đang chờ thành Phật, chính là Hậu Bổ Phật, nên nói như vậy cho chính xác.
Vị nào là vị Phật sau cùng trong một ngàn vị Phật? Là Vi Đà Bồ-tát. Việc này mọi người đều rất quen thuộc. Vi Đà Bồ-tát là đại Hộ Pháp đệ nhất, Vi Đà Tôn Thiên mà. Bồ-tát Vi Đà là vị Phật sau cùng trong một ngàn vị Phật. Tương lai, một ngàn tôn Phật này, không có vị nào mà chẳng hoằng dương Pháp môn Tịnh-độ, không hoằng dương Kinh Vô Lượng Thọ, không hoằng dương Pháp môn niệm Phật.
Cho nên quý vị hiện nay thấy vị Phật thứ 5 vẫn chưa hạ sanh. Tương lai 996 vị Phật ấy đến thế giới Ta Bà thành Phật, hết thảy đều hoằng dương Kinh Vô Lượng Thọ. Toàn bộ đều hoằng dương Pháp môn Tịnh-độ niệm Phật. Từ đây có thể thấy Kinh Vô Lượng Thọ thù thắng biết bao, Pháp môn niệm Phật thù thắng biết bao!
Tiếp theo, chúng tôi giảng thế nào gọi là Hiền kiếp.
Kiếp là đơn vị để tính thời gian của người thời xưa. Có 3 cách tính là đại, trung, tiểu. Lấy thọ mạng của người thế gian chúng ta để nói, tuổi thọ cao nhất là 84 ngàn tuổi làm tiêu chuẩn, cứ 100 năm giảm 1 tuổi, giảm đến 10 tuổi. Sau đó lại từ 10 tuổi, mỗi 100 năm tăng thêm một tuổi, tăng đến 84 ngàn tuổi. Một tăng một giảm như vậy, là một tiểu kiếp. Xin chú ý, một tăng một giảm như vậy: là một tiểu kiếp. Hai mươi tiểu kiếp là một trung kiếp. Bốn trung kiếp là một đại kiếp. Thời gian lâu như vậy, chúng ta giỏi Toán thì tính ra được. Cho nên chữ “kiếp” ở đây chỉ cho đại kiếp,
Thông thường chúng ta gọi là thời đại lớn. Gọi đại kiếp là thời đại lớn, chính là Hiền kiếp. Trong thời đại lớn Hiền kiếp này có một ngàn tôn Phật lần lượt xuất thế. Hiện nay đã có bốn vị Phật ra đời. Đó là bốn vị Phật nào? Tôi giới thiệu cho mọi người. Những vị Phật đã xuất thế gồm: Câu Lưu Tôn Phật là vị thứ nhất, vị thứ hai là Câu Na Hàm Mâu Ni Phật, vị thứ ba là Ca Diếp Phật, vị thứ tư là Thích Ca Mâu Ni Phật.
Vị tương lai xuất thế, như đã nói là Phật Di Lặc, cùng với những Bồ-tát tham gia pháp hội này, tương lai sẽ lần lượt xuất thế tại thế gian này, là 996 vị Phật. Cho nên nói trong thời đại lớn này, có nhiều vị Phật xuất hiện như thế. Hiện tượng ấy vô cùng hi hữu, nên được gọi là Hiền kiếp.
Tiếp theo, tôi xin quy nạp và tổng kết những phần kinh văn vừa giảng phía trước cho mọi người. Đoạn kinh văn này biểu đạt ý nghĩa gì?
Có đồng tu có thể hỏi rằng: “Cô Lưu, chẳng phải cô nói Kinh do Phật thuyết không có ý nghĩa sao?” Đúng vậy. Nhưng hiện nay tôi giảng bộ kinh này cho mọi người, thì phải dùng lời thông thường dễ hiểu để nói. Cho nên tôi đem đoạn kinh văn vừa rồi diễn giải một chút cũng tốt, quy nạp tổng kết một chút cũng tốt.
Đoạn kinh văn này vô cùng quan trọng. Vì sao lại vô cùng quan trọng? Để sau khi tôi quy nạp tổng kết xong rồi, tôi sẽ nói tiếp với mọi người.
Đoạn kinh văn này biểu đạt rằng, còn có Phổ Hiền Bồ-tát, trong đại hội này biểu thị Mật-Tịnh không hai, Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát biểu thị Thiền Tịnh không hai, Di Lặc Bồ-tát biểu thị sự truyền thừa của tương lai, cho đến trong thế kỷ lớn gọi là Hiền kiếp, có 996 vị Bồ-tát, sẽ xuất thế ở thế gian này lần lượt thành Phật, đều đến tham gia đại hội này.
Vừa rồi tôi đã nói một câu: đoạn kinh văn này vô cùng quan trọng. Phẩm kinh này là phần mở đầu, là chương đầu của bộ kinh, vô cùng quan trọng. Từ đây có thể thấy: quy mô Pháp hội Kinh Vô Lượng Thọ này, chúng ta dùng lời hiện nay gọi là “quy mô”. Quy mô hoành tráng. Từ đâu có thể thấy được? Thứ nhất là số người tham dự: 12 ngàn người. Quý vị đồng tu chúng ta thường đọc kinh Phật có thể biết: những bộ kinh Phật khác, đa phần đều có 1250 người tham dự. Trong những kinh Phật tôi đã đọc, thì Kinh Vô Lượng Thọ có 12 ngàn người, Kinh Pháp Hoa cũng có 12 ngàn người tham dự. Dựa trên quy mô số người tham dự pháp hội để nói, thì pháp hội này là một pháp hội vô cùng thù thắng. Kinh Vô Lượng Thọ được tuyên thuyết trong pháp hội này, đó chính là: cơ duyên thành Phật của chúng sanh đã chín muồi. Nếu không, Phật Thích Ca Mâu Ni sẽ không chọn thời cơ này để tuyên giảng bộ kinh này.
Lại nói, từ những vị tham gia pháp hội này, ví dụ như: chư vị Bồ-tát thượng thủ được nêu tên, cho đến những vị Bồ-tát tôi vừa nhắc đến. Mọi người đều biết rõ: các ngài đều là đại Bồ Tát, đại Thánh giả nổi tiếng, phải vậy không? Cho nên từ phần mở đầu của kinh, có thể thấy được: bộ kinh này là bộ kinh cực kỳ quan trọng.
Sau đó chúng tôi sẽ tiếp tục giảng đến: những phần cụ thể hơn như lý niệm cũng hay, sự thật cũng hay, sẽ khiến mọi người tâm phục khẩu phục. Nếu hiện giờ vẫn có đồng tu vẫn còn chút bị dao động, thì tôi tin rằng: sau khi tôi giảng xong hoàn chỉnh bộ kinh này, có lẽ định lực của quý vị sẽ nâng lên rất nhiều, sẽ không còn bị dao động do dự nữa. Tôi thật sự mong rằng: quý vị đồng tu đã lựa chọn bộ kinh này, thì nhất định trì tụng đến cùng, nhất định phải thành thật niệm câu Phật hiệu A Di Đà Phật này.
Ở đây tôi xin nhắc nhở quý đồng tu: hãy dành thời gian nghe Sư phụ giảng gần nhất là Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú lần thứ năm, hiện nay ngài giảng đến tập thứ bảy. Tốt nhất là nghe từ đầu đến cuối một lần, hoặc là nghe nhiều lần. Tôi cảm thấy lần giảng này của Sư phụ: không những giảng thấu vấn đề mà còn giảng rất triệt để thấu suốt nữa. Nếu chúng ta vẫn không trân quý, nghe vẫn không hiểu, thì đã bỏ lỡ cơ duyên rất tốt đẹp rồi. Nếu bỏ lỡ mất thì thật sự là việc vô cùng đáng tiếc.
Vì sao hiện nay mỗi lần tôi đều nhấn mạnh việc đọc Kinh Vô Lượng Thọ, niệm A Di Đà Phật. Tùy theo lựa chọn khác nhau của đồng tu, ví như nói: thời gian nghe kinh của tôi là tương đối nhiều. Nghe kinh cũng được, niệm kinh cũng được, niệm Phật cũng được, quý vị nhất định cần phải nắm chắc được những vấn đề tối quan trọng này, nhất định không được buông tay, không được lơ là, không được giải đãi.
Thời gian còn lại của mỗi người chúng ta không còn nhiều nữa. Ví dụ như tôi: năm nay tôi 74 tuổi, giả như tôi sống được đến 100 tuổi, như vậy tôi vẫn còn hơn 20 năm, có phải không? Thời gian 20 năm, chỉ là một khảy móng tay. Quý vị đừng nghĩ: mình còn hai-ba mươi năm nữa. Nghĩ vậy sẽ làm lỡ mất đại sự.
Hy vọng chư vị đồng tu nghiêm túc đọc kinh, thật sự niệm Phật. Nhất định phải ở trong đời này: liễu sanh tử, thoát luân hồi, trở về quê hương vốn có của chúng ta là thế giới Tây Phương Cực Lạc. Hôm nay thời gian đã hết, tôi xin giảng đến đây. Cảm ơn mọi người. A Di Đà Phật.
(Hết tập 4)
Nguyện dĩ thử công đức
Trang nghiêm Phật Tịnh-độ
Thượng báo tứ trọng ân
Hạ tế tam đồ khổ
Nhược hữu kiến văn giả
Tức phát Bồ đề tâm
Tận thử nhất báo thân
Đồng sanh Cực Lạc quốc.
Nam Mô A Mi Đà Phật