PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ,
TRANG NGHIÊM, THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG, GIÁC KINH.
Tập 8
Chủ giảng: Cô Lưu Tố Vân
Giảng ngày 17/3/2018
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Hoa Tạng
Huyền Môn
Chủ giảo chánh: Thích Thiện Trang
Diễn đọc: Kiều Hạnh
Chư
vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người. A Di Đà Phật!
Tiếp
theo, chúng tôi xin giảng tiếp nội dung của buổi học trước.
Mời
mọi người xem hai câu Kinh văn: “Phá phiền não thành, hoại chư dục tiệm”.
Hai câu Kinh văn này, chính là giúp đỡ tất cả chúng sanh hàng phục ma oán.
Tiếp tục xem câu kế tiếp: “Tẩy trạc
cấu ô, hiển minh thanh bạch”. Hai câu Kinh văn này, phần đầu là phá mê,
phần sau là khai ngộ. “Cấu ô” chính là nhiễm ô. Ngày nay, thân tâm nhân loại ô
nhiễm, đến mức chưa từng có. Tâm địa ô nhiễm, tinh thần ô nhiễm, thể chất ô
nhiễm, chẳng thiếu thứ nào. Những ô nhiễm này không ngoài hai loại lớn: một là
phiền-não-chướng, hai là sở-tri-chướng. Phiền-não đến từ tham sân si mạn nghi.
Sở-tri là tri kiến, tà tri tà kiến. Ví dụ như cách suy nghĩ, cách nhìn của
chúng ta vân vân…Những thứ này đều thuộc về tà tri tà kiến. Trong tâm thanh
tịnh vốn chẳng có một vật, đâu ra nhiều thứ như vậy! Cái này của tôi, cái kia
của tôi, cần tẩy trừ sạch sẽ những thứ này, khôi phục Tự-tánh thanh tịnh.
Câu Kinh văn “hiển minh thanh bạch”
nghĩa là cần làm cho chân-tâm Bản-tánh của chúng sanh: được hiển lộ ra. Đó là
mục đích giáo học của kinh Phật. Nếu có người hỏi quý vị, nội dung mà đức Thích
Ca Mâu Ni Phật: giảng Kinh thuyết Pháp là gì? Quý vị hãy nói những câu này với
họ, thì một chút cũng chẳng sai.
Mục đích giáo học của Kinh Phật chính
là: “Giác chư thế gian, phá phiền não thành, hoại chư dục tiệm, tẩy trạc cấu ô,
hiển minh thanh bạch”. Những câu này chính là mục đích giáo học của Kinh Phật.
Mọi người nghĩ xem, trong câu nói này chẳng có gì mê tín.
Bây giờ chúng ta quay lại, đem đại ý
của cả đoạn Kinh văn lớn phía trước: tổng kết một chút. Trong đoạn Kinh văn
này, thiên nhân biết Bồ-tát thị hiện thành Phật, họ hết sức ngưỡng mộ, hoan hỉ,
kiền thành cung thỉnh Đức Phật diễn thuyết chánh pháp. Đức Phật tiếp nhận lời
thỉnh cầu của thiên nhân, vì đại chúng thuyết pháp 49 năm, giúp đỡ tất cả chúng
sanh giác ngộ.
Những lời dạy và đạo lý mà Phật nói,
có thể giúp đỡ chúng sanh: phá trừ phiền não kiên cố như tham sân si v.v.. hàng
phục hết thảy dục vọng sai lầm của chúng sanh, trừ khử ô nhiễm trong tâm, tư
tưởng và kiến giải, hiển bày sự thanh tịnh vốn có của Tự-tánh. Đây là mục đích
thuyết Pháp giáo hóa chúng sanh của kinh Phật. Đoạn tổng kết khái quát này,
chính là ý nghĩa đoạn Kinh văn phía trước mà chúng tôi đã nói.
Mời mọi người tiếp tục xem đoạn Kinh
văn:
調 眾 生,宣 妙 理,貯功 德,示福田。以諸法藥,救療三苦。“Điều
chúng sanh, tuyên diệu lý, trữ công đức, thị phước điền, dĩ chư pháp dược, cứu
liệu tam khổ” (điều phục chúng sanh, tuyên thuyết diệu lý, tích
công lũy đức, chỉ thị phước điền. Dùng các pháp dược cứu chữa ba khổ).
Tiếp theo tôi sẽ giảng những từ ngữ cụ
thể. Chữ “Điều” trong “điều phục chúng sanh” là điều phục, dạy dỗ. “Tuyên”
trong “tuyên diệu lý” nghĩa là diễn thuyết. “Diệu lý” là chân tướng của vũ trụ
nhân sanh. “Trữ” trong “trữ công đức” là tàng trữ, tích lũy. “Công đức” là chỉ
cho tâm thanh tịnh có được từ tu Giới Định Huệ. “Thị” là chỉ thị. “phước điền”
nghĩa là có thể sanh phước. “Chư Pháp” chỉ cho tất cả Pháp mà Phật nói. “Dược”
là tỉ dụ. “Tam khổ” là ba thứ khổ nào?
Khổ
thứ nhất là khổ khổ. Thế nào gọi là khổ khổ? Là nỗi khổ phiền-não do sự khổ
sinh ra. Xin nói lại lần nữa, “khổ khổ là nỗi khổ phiền-não do sự khổ sinh ra”.
Thứ
hai là hoại khổ: là sự khổ não sinh ra từ việc mất đi niềm vui.
Thứ
ba là hành khổ: là khổ não sinh từ sự biến hóa vô thường. Đây là ý nghĩa về ba
loại khổ trong “cứu liệu tam khổ”.
Tiếp
theo nói về “điều chúng sanh”. “điều chúng sanh” tức là giúp đỡ chúng sanh đoạn
phiền-não. Dùng phương pháp gì để điều? Theo Tịnh tông chúng ta mà nói, phương
pháp Tịnh tông dùng là đọc Kinh. Mục đích của đọc Kinh là điều phục thân tâm,
đọc Kinh không phải để cầu giải, đọc Kinh là hoàn thành Tam học Giới Định Huệ
trong một lần. Đọc Kinh nhất định không được cầu giải, đây là điều lão Pháp sư
nói với chúng ta, “đọc Kinh nhất định không được cầu giải”. Nếu quý vị vừa đọc
vừa suy nghĩ: câu Kinh văn này nghĩa là gì, đó là đọc sách của thế gian.
Đọc
Kinh chính là Tam học: Giới Định Huệ. Nếu quý vị đọc Kinh: theo kiểu vừa đọc
vừa suy nghĩ ý nghĩa của Kinh văn, đọc Kinh kiểu như vậy, thì Tam học Giới Định
Huệ đều không có. Quý vị vừa đọc vừa suy nghĩ, chính là khởi vọng tưởng. Kết quả
là không có Giới, không có Định, cũng không có Huệ.
Cho nên đọc Kinh cần phải lão thật mà
đọc, nhất định không được suy nghĩ: đoạn này có nghĩa là gì, chữ này có nghĩa
là gì, không được khởi vọng tưởng như thế. Nếu trong lúc quý vị đọc Kinh, ý
nghĩa đột nhiên xuất hiện, thì không phải do quý vị nghĩ ra, không phải do quý
vị suy tư ra, không liên quan đến việc này, đó là tương ưng, quý vị đã có chỗ
ngộ. Như tôi thường nói với mọi người: giống như một bóng đèn nhỏ đột nhiên
sáng lên, dù có chỗ ngộ nhưng cũng đừng để ý đến, trong tâm không được dính mắc
đến, cứ tiếp tục lão thật mà đọc. Nhất định không nên cho rằng ý nghĩa này rất
hay, đó cũng là vọng tưởng, lại sai rồi. Căn bản là không được để ý nó, một mực
lão thật đọc tiếp, vậy thì đúng rồi. Đồng tu Tịnh tông chúng ta, chọn đọc tụng
Kinh Vô Lượng Thọ. Bộ kinh này dài ngắn vừa phải, thuộc rồi thì sẽ đọc nhanh
hơn, nửa giờ là đọc xong, chậm hơn một chút thì một giờ cũng đọc xong. Tôi đọc
Kinh Vô Lượng Thọ tương đối chậm, ước chừng tốc độ thông thường, là khoảng 70
phút thì đọc xong bộ kinh.
Ở đây tôi muốn nói rằng: Trong quá
trình tôi nghe lão Pháp sư giảng Kinh, ngài từng nói một đoạn thế này, chúng ta
hiện nay đọc Kinh, có người đọc giống như ở Chùa, tức là gõ mõ và tụng rất
nhanh. Lão Pháp sư nói: Cư sĩ chúng ta ở nhà đọc Kinh cùng với phương pháp đọc
Kinh ở Chùa, cần có sự khác biệt nhất định. Bởi vì sao? Lão Pháp sư nói với
chúng ta: khi quý vị đang đọc một bộ Kinh nào đó, thì có rất nhiều chúng sanh
hữu tình, chúng sanh vô tình: có thể đều đang nghe, có thiên nhân khi đi ngang
qua đây cũng dừng chân lại, đến nghe quý vị đọc tụng Kinh điển. Nếu quý vị gõ
mõ và tụng: với tốc độ nhanh như vậy. Họ không nghe rõ quý vị đang đọc điều gì,
nghe không rõ thì: dễ khiến chúng sanh phiền-não. Lão Pháp sư nói với chúng ta,
phương pháp đọc Kinh chính xác: là niệm từng chữ từng câu thật rõ ràng, để
chúng sanh nghe được rõ ràng minh bạch, như vậy là đúng.
Cách nói này của tôi, có thể làm tham khảo
cho chư vị đồng tu. bởi vì hiện nay tôi cũng biết rằng, chung quanh tôi có đồng
tu: đọc Kinh với tốc độ rất nhanh. Dù sao với tôi mà nói tụng Kinh Vô Lượng
Thọ, trong nửa giờ đồng hồ. Bất luận thế nào tôi cũng không đọc được.
Nếu mỗi ngày chúng ta đều nghiêm túc: tu
Giới Định Huệ trong nửa giờ, một giờ, lìa niệm, lìa tướng, không khởi vọng
tưởng, thì được nhiều lợi ích. Nếu mỗi ngày đọc thêm nhiều lần thì đương nhiên
là tốt nhất, đọc từ 3 đến 5 năm thì tâm sẽ định. Sau khi định, thì trí huệ sẽ
hiện tiền, sẽ khai ngộ. Đến khi khai ngộ, thì tất cả pháp thế xuất thế gian,
không có pháp nào mà quý vị chẳng thông đạt. Đây là con đường tu hành mà chư
Phật Bồ-tát, Tổ sư Đại đức ban cho chúng ta, bắt đầu từ đọc Kinh. Đây là phương
pháp tu học rất tốt.
Đương nhiên vẫn có rất nhiều phương
pháp hạ thủ, ví dụ tu Tịnh-độ thì niệm A Di Đà Phật. Thiền-tông thì tham cứu,
tham thoại đầu, quán tâm. Mật-tông thì dùng phương pháp trì chú v.v…Có thể thấy
phương pháp tuy rất nhiều, nhưng mục tiêu vẫn là một, đều phải xả bỏ vọng tưởng
chấp trước khôi phục lại tâm thanh tịnh, đây chính là “điều chúng sanh”.
Nói đến “điều chúng sanh” chúng ta
phải làm rõ chúng sanh là ai? Nhất định không được hiểu lầm, chúng sanh không
phải chỉ cho rất nhiều người, chúng sanh chính là chúng ta. Tôi xin nói lại câu
này: “Nhất định không được hiểu lầm, chúng sanh không phải chỉ rất nhiều người,
chúng sanh chính là chúng ta”. Thân thể của chính mình là do chúng duyên hòa
hợp mà sanh, cho nên “điều chúng sanh” chính là điều phục thân tâm của chính
mình. Điều phục thân mình, điều phục tâm mình, thân và tâm đều là chúng duyên
hòa hợp mà thành. Nếu thân không thanh tịnh, tâm không thanh tịnh, thì quý vị
không tiếp nhận Phật pháp được. Vì vậy Phật pháp rất coi trọng thân tâm khỏe
mạnh. Thân tâm đã được điều phục, thì mới có tư cách tiếp nhận Phật pháp. Cho
nên “điều chúng sanh” ở trước, “tuyên diệu lý” ở sau, thứ tự này không thể đảo
ngược.
Thế hệ học Phật chúng ta đây, số lượng
người đông như thế, vì sao không thể thành tựu? Nguyên nhân là chưa điều phục
được thân tâm, mà đã học tập Phật pháp Đại thừa. Cũng học không ít Kinh điển, nhưng
trí huệ không tăng trưởng, mà tăng trưởng tà tri tà kiến. Thân tâm cần phải
được điều phục, thân tâm được khôi phục khỏe mạnh, rồi tiếp nhận Phật pháp mới
có thể tăng trưởng trí huệ.
Lão Pháp sư nêu lên một ví dụ thế này,
chúng ta thân cận một vị thầy, nếu ban đầu mà vị thầy đó: không dạy chúng ta hạ
công phu từ đức hạnh, mà mỗi ngày giảng Kinh thuyết pháp cho chúng ta, thì đó
không phải là thiện tri thức chân thật, mà là vị thầy hồ đồ. Ví dụ một chén trà
rất dơ, quý vị cầm chén trà này xin thầy nước để uống, thầy rót nước cho quý vị
uống, quý vị uống xong sẽ bị bệnh. Nếu là thầy tỏ ngộ, thì nhất định dạy quý vị
rửa sạch chén trước, sau đó sẽ rót nước cho quý vị uống. “Điều chúng sanh”
chính là rửa chén cho sạch sẽ, sau mới có thể “tuyên diệu pháp”. “Điều chúng
sanh” là đoạn phiền-não, “tuyên diệu pháp” là học Pháp môn. Thứ tự này không
thể đảo ngược.
Đồng tu học giảng Kinh cần chú ý một
vấn đề, đó là nghiên cứu Kinh điển và đọc tụng Kinh điển, nhất định phải phân
nặng nhẹ, chánh trợ. Ví dụ: Nếu quý vị mỗi ngày nghiên cứu Kinh điển: dùng thời
gian 2 giờ, thì thời gian quý vị đọc tụng Kinh điển thế nào? Không được ít hơn
6 giờ. Đọc tụng là chánh, nghiên cứu là trợ. Trước tiên không được vội vàng giảng Kinh, trước phải xây dựng nền tảng giảng Kinh cho
tốt. Điều này hết sức quan trọng, là chỗ mà những Pháp sư trẻ chúng ta dễ khinh
xuất. Chúng ta có một số Pháp sư trẻ tuổi: phát tâm muốn giảng Kinh hoằng pháp,
nóng lòng muốn hiện tại có thể giảng Kinh, tâm ấy khá nóng vội, vậy không được.
Lão Pháp sư nói với chúng ta: trước tiên không nên vội vàng giảng Kinh, mà
trước phải xây tốt nền tảng giảng Kinh. Mọi người nghĩ xem có phải vậy không?
Nếu nền tảng của quý vị không xây tốt, mà quý vị bắt đầu giảng Kinh, một là nền
tảng chưa vững, hai là duyên đã chín muồi hay chưa? Việc này cũng rất quan
trọng. Nếu duyên của quý vị chưa chín muồi, mà quý vị bắt đầu lo giảng Kinh,
thì có thể pháp duyên của quý vị sẽ không thù thắng. Nếu cơ duyên đã chín muồi,
nền tảng của quý vị xây tốt rồi, thì pháp duyên của quý vị sẽ rất thù thắng.
Tiếp theo xem “trữ công đức”, “trữ” là
tích trữ. Công đức này rất khó tích trữ. Nhà Phật thường nói “lửa thiêu rừng
công đức”, nghĩa là công đức giống như một khu rừng, trồng lên rất khó khăn
nhưng thiêu rụi thì rất dễ dàng. Một ngọn lửa là thiêu sạch hết. Đồng tu chúng
ta có thể đều cảm nhận như thế. Vì sao lão Pháp sư lại nhắc nhở chúng ta: nhất
định không được để lửa thiêu rừng công đức? Bởi vì quý vị đã vất vả: tích lũy
những công đức đó, nhưng tức giận một lần, nổi giận một lần, thì tất cả công
đức đều bị đốt hết, đều biến thành số không, quý vị phải làm lại từ đầu. Tiếp
tục tích chứa đến một mức nào đó, quý vị lại nổi nóng một lần, rừng công đức
lại bị thiêu rụi. Đến sau cùng, có thể rừng công đức của quý vị chẳng còn chút
nào, chỉ còn con số không. Quý vị học Phật nửa đời, một đời chẳng phải là uổng
phí sao.
Từ ý nghĩa này mà nói, ý nghĩa chân
thật của công đức “trữ công đức” là muốn chúng ta đoạn trừ sân khuể; đoạn tham,
tu bố thí, trì giới là tu công đức. Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định có thể giữ
gìn công đức. Hai câu sau rất quan trọng, tôi xin nói lại lần nữa: “Đoạn tham,
tu bố thí, trì giới là tu công đức. Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định có thể giữ
gìn công đức”. Nếu quý vị tu công đức, mà quý vị không Nhẫn nhục, không Tinh
tấn, quý vị không có Thiền định, thì công đức của quý vị sẽ mất, không giữ gìn
được.
Phước điền là gì? Phước điền là Bố
thí, là Trì giới. Ở thế gian người thế nào có phước? Người trì giới có phước.
Theo cách nói dân gian, thì người tuân thủ pháp luật có phước, người chịu bố
thí có phước. “Thị phước điền” là trước khi tu huệ phải tu phước. Bắt đầu tu
phước từ đâu? Bắt đầu tu từ Tịnh nghiệp Tam phước. Theo thứ tự này, tu phước
nhất định phải tu huệ. Vậy bắt đầu tu phước từ đâu? Bắt đầu tu từ Tịnh nghiệp
Tam phước. Mọi người đều rất quen thuộc Tịnh nghiệp Tam phước. Tôi xin nói lướt
qua một chút, để mọi người ôn tập lại một lần.
Phước
thứ nhất trong Tịnh nghiệp Tam phước là hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự Sư trưởng,
từ tâm bất sát, tu Thập thiện nghiệp. Phước thứ nhất là phước báo nhân thiên.
Phước
thứ hai là: thọ trì Tam quy, cụ túc chúng giới, bất phạm oai nghi. Phước này là
phước báo của Nhị-thừa A-la-hán, và Bích-chi-Phật.
Phước
thứ ba là phát Bồ-đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại-thừa, khuyến tấn hành
giả. Đây là phước báo của Bồ-tát.
Ba phước này có sự khác biệt. Thứ nhất
là phước báo trời người, phước thứ hai là phước báo của Nhị-thừa: A-la-hán và
Bích-chi-Phật, phước thứ ba là phước báo của Bồ-tát.
Tiếp theo chúng ta xem đoạn Kinh văn
phía trước: biểu đạt điều gì? Ý nghĩa của đoạn Kinh văn này là: điều phục dạy
bảo chúng sanh, vì đại chúng tuyên thuyết chân tướng của vũ trụ nhân sanh.
Phật dạy chúng ta đoạn tham sân si, tu
giới định huệ, xa lìa tất cả vọng-tưởng phân-biệt chấp-trước, tinh tấn nỗ lực,
tích lũy công đức. Ngài nói với chúng ta đạo lý và phương pháp tu phước, Phật
nói tất cả pháp giống như thuốc hay: có thể cứu chữa và điều trị hết thảy khổ
nạn của chúng sanh. Đó là tổng kết khái quát của đoạn Kinh văn trên. Tiếp theo
xin mọi người xem đoạn Kinh văn kế tiếp.
昇灌頂階,授菩提記。為教菩薩,作阿闍黎,常習相應無邊諸行,成熟菩薩無邊善根。無量諸佛 咸共護念。“Thăng quán đảnh giai, thọ Bồ-đề
ký. Vị
giáo Bồ-tát, tác A-xà-lê, thường tập tương ưng vô biên chư hạnh, thành thục
Bồ-tát vô biên thiện căn. Vô lượng chư Phật hàm cộng hộ niệm”. (Lên địa vị quán đảnh, thọ ký Bồ-đề.
Vì giáo hóa Bồ-tát nên làm A-xà-lê, thường tu tập vô biên các hạnh tương ưng,
thành thục vô biên thiện căn cho hàng Bồ-tát. Vô lượng chư Phật đều cùng hộ
niệm).
“Thăng quán đảnh giai” nghĩa là gì? Là
dùng tâm đại từ bi: đem phương pháp tu học cao nhất truyền lại cho chúng ta,
đây gọi là “thăng quán đảnh giai”. “Thăng” là nâng lên, “quán” chỉ cho sự hộ
niệm của tâm đại từ bi. “Đảnh giai” chỉ cho phương pháp tu học tối cao. “Giáo”
là dạy dỗ.
“A-xà-lê” tiếng Hoa nghĩa là
“Quỹ-phạm-sư”, vị thầy dạy thiện pháp thường được gọi là “Quỹ-phạm-sư”. “Thường tập” là học tập kiên trì lâu dài
không gián đoạn. “Tương ưng” là chỉ sự kết hợp giữa lý luận và thực tiễn.
“Thành thục” chính là thành tựu. “Thiện căn”, “thiện” là thân khẩu ý Tam nghiệp
đều không có lỗi lầm, “căn” tỉ dụ có thể sanh trưởng thiện pháp. “Vô lượng” là
không có hạn lượng. “Hộ” là bảo hộ, “niệm” là nhớ niệm. Bên trên đã giải thích
đơn giản: những từ ngữ liên quan cho mọi người.
Tiếp theo chúng ta xem hai câu Kinh
văn đầu “Thăng quán đảnh giai, thọ Bồ-đề ký”. Hai câu Kinh văn này chỉ sự thành
tựu, giảng thành tích dạy học của Phật Bồ-tát. “Thăng” giống như đi học, mỗi
năm đều lên lớp, từ Tiểu học lên Trung học, từ Trung học lên Đại học, từ Đại
học lại lên Nghiên cứu sinh. Tiếp tục lên đến địa vị quán đảnh. Địa vị quán
đảnh này, tương đương với Viện nghiên cứu của Phật giáo, là địa vị cao nhất của
Bồ-tát, “quán đảnh” là tốt nghiệp rồi, thông thường chỉ cho Bát-địa trở lên.
Địa vị quán đảnh nếu nói một cách khắt
khe là Bồ-tát Thập-địa. Phật thọ ký cho họ, nói trước với họ tương lai đến thế
giới nào làm Phật, có danh hiệu là gì, độ bao nhiêu chúng sanh, đó là thọ ký.
Chúng ta nhất định không được hiểu
sai: ý nghĩa chân thật của quán đảnh. “Quán” nghĩa là dùng tâm đại từ bi hộ
niệm chúng sanh. “Đảnh” là đem Phật pháp thù thắng nhất truyền cho quý vị. Cho
nên còn gọi là “đảnh pháp”, đó là quán đảnh. Tức là dùng tâm đại từ bi ban cho
quý vị: Phật pháp thù thắng nhất, đây là quán đảnh thực sự.
Hiểu rõ ý nghĩa thực sự của quán đảnh
rồi, liền biết Pháp môn cao nhất, thù thắng nhất là gì vậy? Chính là bộ Kinh Vô
Lượng Thọ này. Bộ Kinh Vô Lượng Thọ này: là đảnh pháp đệ nhất trong tất cả
Kinh: mà đức Thích Ca Mâu Ni Phật thuyết trong 49 năm, là đệ nhất đảnh pháp.
Nhờ tâm đại từ bi của chư Phật Như Lai hộ niệm, mà chúng ta ngày nay may mắn
đạt được bộ Kinh này. Chúng ta đọc bộ Kinh này từ đầu đến cuối một lần, chính
là mười phương chư Phật Như Lai quán đảnh cho quý vị một lần. Chúng ta đọc 10
lần Kinh Vô Lượng Thọ, một ngày đọc 10 lần, thì chính là chư Phật Bồ-tát quán
đảnh cho quý vị 10 lần. Quán đảnh như vậy thật cừ khôi. Đó là quán đảnh thật
sự.
[28:30 – cắt trên Video Lạt-ma của thế gian, Kim Cang Thượng
sư Rinpoche đều không sánh bằng, những quá đảnh đó chỉ là hình thức, không phải
là thật. ] Mười phương Như Lai quán đảnh cho quý vị mới là thật. Về sự
quán đảnh, tình hình chúng ta nhìn thấy trước mắt, là các vị đồng tu: không
biết thế nào là quán đảnh đích thực, nên đã đi sai đường. Hôm nay tôi đem lý
niệm này nói cho mọi người một lần, hy vọng chư vị đồng tu có thể nhận thức
chính xác: thế nào là quán đảnh chân thật. Cho nên Kinh Vô Lượng Thọ: không
những là bộ kinh đệ nhất của Hiển-tông, mà còn là bộ kinh đệ nhất của Mật-tông.
Thế nhưng người có thể nhận thức được như vậy, thật sự không nhiều, hiếm có khó
gặp. Ngày nay chúng ta có thể gặp được sao lại không cảm thấy may mắn chứ.
“Thăng quán đảnh giai, thọ Bồ-đề ký”:
là chỉ chúng sanh có thiện căn có phước đức. Kinh A Di Đà nói rằng, “không thể
với chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về nước đó”. Quý vị
có thể gặp được bộ Kinh này, chứng minh rằng: quý vị có nhiều thiện căn, nhiều
phước đức, nhiều nhân duyên. Tiếp nhận Pháp môn niệm Phật, tín giải phụng hành
chính là “thăng quán đảnh giai, thọ Bồ-đề ký”, quý vị đời này vãng sanh bất
thoái thành Phật. Hai câu này là thành quả giáo học của Phật Bồ-tát.
Tiếp theo là 2 câu: “Vị giáo Bồ-tát,
tác A-xà-lê”, bản thân sau khi thành tựu phải: phát nguyện hành Bồ-tát đạo,
giáo hóa lợi ích tất cả chúng sanh, thay Phật tuyên dương Pháp môn đệ nhất: thù
thắng, cứu cánh, viên mãn. A-xà-lê chính là thầy giáo, cũng gọi là “Quỹ phạm
sư”, lời nói hành vi của họ có thể làm gương cho chúng ta, làm mô phạm cho
chúng ta. Một câu thường được nói trong nhà Phật là: “Trong cửa Phật chẳng bỏ
sót một ai”, chúng ta chân thật phát tâm cầu đạo Vô thượng thì sẽ gặp được thầy
thực sự tốt. Chỉ e rằng chúng ta không có tâm chân thành, gặp được cũng vô ích,
cũng như không. Vì vậy phát tâm chân thành vô cùng quan trọng.
Câu tiếp theo là: “Thường tập tương
ưng vô biên chư hạnh”, phải đem những lời dạy của Phật trong Kinh thực hành vào
cuộc sống thường ngày. Câu Kinh văn này dạy chúng ta: phải đem lý luận liên hệ
với thực tế. Bồ-tát muốn giáo hóa chúng sanh thì phải đa tài đa nghệ, vậy mới
có sức thu hút và sức quy tụ, mới có được pháp duyên thù thắng, mới có thể giáo
hóa nhiều chúng sanh hữu duyên hơn nữa.
Câu Kinh văn tiếp theo: “Thành thục
Bồ-tát vô biên thiện căn”. “thành thục” chính là sắp sửa làm Phật, công đức
viên mãn thì mới thành thục. Vô lượng vô biên thiện-căn, chúng ta ngày nay đã
đạt được. Phật Bồ-tát độ chúng sanh, phải độ đến khi nào mới ngưng vậy? Phải độ
cho đến khi nào quý vị thành Phật. Từ đây chúng ta có thể thấy: ân đức của Phật
Bồ-tát đối với chúng ta lớn biết bao. Cha mẹ chúng ta dù yêu thương chúng ta
đến đâu, thì cũng chỉ chăm lo cho chúng ta được một đời. Duy chỉ có Phật Bồ-tát
chăm sóc cho chúng ta: vĩnh viễn đời đời kiếp kiếp, cho đến khi chúng ta thành
Phật. Ân đức lớn của Phật không gì so sánh được. Ngài chính là một người có đại
ân đại đức đối với chúng ta, mà chúng ta lại hay xem thường, hay sơ xuất bỏ
qua, thường quên mất Ngài, thế nhưng mỗi phút mỗi giây Phật đều không quên
chúng ta. Giống như con cái ở thế gian: thường quên mất cha mẹ, nhưng cha mẹ
vĩnh viễn: ghi nhớ con cái trong tâm.
Câu Kinh văn tiếp theo: “Vô lượng chư
Phật hàm cộng hộ niệm”. Chúng ta đều mong cầu Phật bảo hộ, hy vọng Phật bảo hộ.
Cầu Phật bảo hộ như thế nào? Y giáo phụng hành thì được chư Phật hộ niệm, không
y giáo phụng hành, mà quý vị mỗi ngày dập đầu trước Phật, cúng thứ này cúng thứ
kia, cầu Phật Bồ-tát đến bảo hộ quý vị, Phật Bồ-tát không nhận hối lộ của quý
vị, quý Ngài không bảo hộ quý vị được. Nếu quý vị chân thật y giáo phụng hành,
thì chư Phật Bồ-tát sẽ tự nhiên hộ niệm quý vị. Đoạn này rất quan trọng, làm
thế nào cầu Phật bảo hộ? Hãy y giáo phụng hành.
Nói khái quát về đoạn Kinh văn phía
trước, thì có một số nội dung về các phương diện: Đạo lý và phương pháp tu học
được nói trong bộ Kinh này: là nhằm giúp đỡ phàm phu chúng ta ngay trong đời
này, có thể nâng cao đến địa vị thành Phật; Chuyển đổi đời sống khổ nạn hiện
tiền, thành đời sống đại tự tại, đại viên mãn của Phật Bồ-tát, đồng thời còn
nói với chúng ta, ghi nhận trước khi nào thành Phật. Vì để dạy bảo hàng Bồ-tát,
nên mới biểu hiện làm A-xà-lê mô phạm thiện pháp, thường xuyên học tập không
ngừng: giác mà không mê, chánh mà không tà, tịnh mà không nhiễm của Phật pháp.
Đồng thời có thể vận dụng, vào trong tất cả sự hành trì của cuộc sống thường
ngày. Mục đích đoạn Kinh văn này là gì? Là tán thán những vị đại Bồ-tát, có thể
thành tựu vô biên thiện căn của Bồ-tát sơ học khác. Vì vậy mà được sự hộ niệm
của mười phương chư Phật. Đoạn Kinh văn này giảng xong rồi. Xin xem đoạn Kinh
văn kế tiếp:
諸佛剎中皆能示現。譬 善 幻 師,現 眾 異相,於彼相 中,實無可得。此諸菩薩,亦復如是。 “Chư Phật sát trung, giai năng thị hiện. Thí thiện huyễn sư,
hiện chúng dị tướng, ư bỉ tướng trung, thật vô khả đắc. Thử chư Bồ-tát, diệc
phục như thị.”
(Trong tất cả cõi Phật đều có thể thị hiện như vậy. Như nhà ảo thuật giỏi
hiện ra các hình tướng khác nhau, nhưng các hình tướng ấy thật không đạt được.
Các Bồ-tát này cũng lại như vậy).
Trước tiên xin xem một số từ ngữ.
“Phật sát” là chỉ cõi nước của mười phương chư Phật.
“Thị
hiện” là chỉ tùy loại hóa hiện.
“Thiện
huyễn sư” tỉ dụ cho nhà ảo thuật tài ba.
“Hiện
chúng dị tướng”: nghĩa là có thể biến hóa nhiều loại hình tướng khác nhau.
“Bỉ
tướng” là chỉ cho tất cả các hình tướng khác nhau đã nói ở trên.
“Thật
vô khả đắc” là: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, như mộng huyễn bào ảnh,
liễu bất khả đắc”, nên không được chấp trước.
“Diệc
phục như thị”. Nhằm nói rõ cách nhìn của Bồ-tát đối với tất cả pháp: giống như
một nhà ảo thuật vậy.
Đoạn Kinh văn vừa rồi: hiển thị năng
lực to lớn của Phật Bồ-tát, lớn đến chẳng thể nghĩ bàn. Chúng ta không cách nào
tưởng tượng được, quý Ngài có thể: trong vô lượng vô biên thế giới của chư Phật
mười phương, tùy loại hóa hiện vô lượng vô biên thân tướng, giống như nhà ảo
thuật tài ba: có thể biến hóa ra rất nhiều hình tướng khác nhau. Mặc dầu những
hình tướng này rất giống thật, nhưng đều ‘không thể đạt được’. Đoạn Kinh văn
này: là nói nghĩa như thế. Đây chính là câu nói trong kinh Phật: “Nên dùng thân
nào để độ được chúng sanh thì chư Phật Bồ-tát sẽ hiện thân đó, nên dùng Pháp
môn nào để độ được, thì chư Phật Bồ-tát sẽ nói Pháp môn đó”. Chư Phật Bồ-tát có
thể hiện vô lượng vô biên thân, có thể nói vô lượng vô biên Pháp môn, tuy có
năng lực như vậy, nhưng ‘ở trong các tướng đó, thật không đạt được’, đó là
thật, xác thật là ‘không thể được’. Bởi vì “Phàm những gì có tướng, đều là hư
vọng”. Chẳng những Hóa-thân của chư Phật, mà cho đến Báo-thân của chư Phật,
Pháp-thân của chư Phật đều không đạt được. Thân thể hiện nay của chúng ta:
đương nhiên cũng không đạt được. Không đạt được mà chúng ta phải muốn cho được,
cho nên quý vị mới khổ.
Quý vị nghĩ xem Hóa-thân, Báo-thân và
Pháp-thân của chư Phật đều không thể được, thì thân thể này của chúng ta làm
sao có được chứ! Chúng sanh khổ sở do vì chấp chặt cái thân này, cho rằng thân
này là chính mình. Còn Phật Bồ-tát thì thấy được rất rõ ràng. Đây chính là
nguyên nhân khổ của chúng ta. Hiện nay chúng ta cả ngày: đều làm nô lệ cho cái
túi da thối này, thật là mê hoặc điên đảo, quá đáng thương! Mọi người hãy xem
lại đi, quý vị đối với thân xác thối tha này, có thái độ như thế nào? Tiết học
trước tôi đã giảng rằng: không được chà đạp nó, cũng không thể xem trọng nó một
cách quá đáng. Bởi vì thân thể này của chúng ta cũng không thể được.
Ngoài ra, phàm phu chúng ta nhìn thấy
tất cả: dường như có sanh có diệt, thế nhưng chúng ta thật sự đã nhìn sai rồi.
Kỳ thật là ‘duyên tụ duyên tán’, không có sanh không có diệt, đó mới là thật
tướng của tất cả pháp. Thật tướng là duyên tụ duyên tán, không có sanh, không
có diệt. Cho nên đối với tất cả pháp ‘thật không đạt được’. Nếu chúng ta có thể
buông bỏ: ý niệm được mất, thì chúng ta sẽ rất tự tại, rất hạnh phúc, rất vui
vẻ. Bởi vì phiền não của con người, hơn một nửa là vì lo được lo mất mà ra,
chưa có được thì mỗi ngày muốn có được, có được rồi lại sợ nó mất đi. Kỳ thật
căn bản là không được, cũng chẳng mất. Chúng ta cho rằng có được có mất, đó
toàn là vọng tưởng vọng niệm. Chính vì những vọng tưởng vọng niệm này, mà đã
mang đến rất nhiều tai nạn và đau khổ. Quả thật rất oan uổng! Bồ-tát đối với
tình huống này, nhìn thấy rất rõ ràng. Cho nên Bồ-tát độ chúng sanh, thật sự mà
nói: là không có chúng sanh nào được độ. Bồ-tát không chấp tướng, không kể
công. Cho nên quý Ngài không mất định ý. Tâm thanh tịnh Tự-tánh của quý Ngài
vĩnh viễn được giữ gìn, không bị ô nhiễm. Chúng ta vì không nhìn thấy rõ vấn đề
này, cho nên tâm thanh tịnh của chúng ta đã bị ô nhiễm.
Đoạn Kinh văn này hiển thị: Bồ-tát có
trí huệ chân thật viên mãn, đối với chân tướng của tất cả pháp: rõ ràng, minh
bạch, thấu triệt. Có thể thọ dụng một cách tự tại, nhưng tuyệt đối không có tâm
niệm chiếm hữu. Đối với vấn đề này, nếu chúng ta hiểu rõ ràng, minh bạch, thì
chúng ta được giải thoát, thân tâm đều giải thoát, sẽ không có đau khổ như thế,
thậm chí là tai nạn.
Xin xem đoạn Kinh văn tiếp theo:
通 諸 法 性,達眾 生 相。供 養諸佛,開導群生。化現其身,猶如 電 光。裂魔 見網,解
諸纏 縛。遠 超 聲 聞 辟 支佛 地,入 空,無相,無 願 法 門。善立 方 便,顯示三乘。“Thông
chư Pháp tánh, đạt chúng sanh tướng. Cúng dường chư Phật, khai đạo quần sanh.
Hóa hiện kỳ thân, do như điện quang. Liệt ma kiến võng, giải chư triền phược.
Viễn siêu Thanh-văn Bích-chi-Phật địa. Nhập Không, Vô tướng, Vô nguyện Pháp
môn. Thiện lập phương tiện, hiển thị Tam thừa.” (Thông các Pháp tánh, đạt chúng
sanh tướng, cúng dường chư Phật, khai đạo quần sanh, hóa hiện các thân, mau như
ánh chớp. Phá lưới ma kiến, mở dây ràng buộc. Vượt xa địa vị Thanh-văn
Bích-chi-Phật. Nhập vào Pháp môn: Không, Vô tướng, Vô nguyện. Khéo lập phương
tiện, hiển thị Ba thừa).
“Chư
pháp tánh” chính là bổn thể của tất cả pháp.
“Chúng
sanh tướng” chính là hiện tướng của tất cả pháp.
“Cúng
dường” ở đây được dựa trên hai mức độ mà nói. Mức độ thứ nhất là tài cúng
dường, dùng tài vật trang nghiêm Đạo tràng, lưu thông Phật pháp,cung cấp những vật dụng cần thiết
trong cuộc sống của người tu đạo. Đó là là tài cúng dường.
Mức
độ thứ hai là pháp cúng dường, y giáo phụng hành làm tấm gương cho chúng sanh,
đây là pháp cúng dường.
“Khai
đạo” nghĩa là gì? Nghĩa là khai thị và dạy dỗ.
“Quần
sanh” là chỉ tất cả chúng sanh.
“Hóa
hiện kỳ thân” là hóa ra đủ loại thân hình, tức là một người trong xã hội: hiển
thị đủ loại thân phận khác nhau.
“Do
như điện quang” tỉ dụ cho Hóa thân của Bồ-tát tốc độ nhanh, hình tướng tốt đẹp,
thể tánh không tịch.
“Ma
kiến” chính là tà tri tà kiến, cũng chính là kiến giải không chính xác.
“Võng”
tỉ dụ cho sự đa dạng phức tạp.
“Triền
phược” tỉ dụ dùng dây thừng mà trói lại, là tỉ dụ cho phiền-não.
“Viễn
siêu” là siêu vượt rất xa. “Thanh-văn” chỉ cho loại người nghe âm thanh Phật
giáo hóa, mà giác ngộ, nên gọi là Thanh-văn. Bích-chi-Phật, tiếng Hoa nghĩa là
Duyên-giác, chỉ cho loại người do nghe Phật thuyết giáo pháp: Thập Nhị Nhân
Duyên mà giác ngộ, gọi là Bích-chi-Phật.
“Không,
Vô tướng, Vô nguyện” thông thường được gọi là ba cửa giải thoát. Khi tu học thì
nương theo bất kỳ cửa nào, đều có thể vĩnh viễn đoạn được phiền-não, giải thoát
sanh tử, rốt ráo thành Phật.
“Không”
là dựa trên lý thể mà nói, tất cả pháp đều do nhiều điều kiện hòa hợp mà thành,
vả lại không có một tự thể thật sự. “Đương thể tức không”, cho nên gọi là thể
không, cũng có nói là Tự-tánh không.
“Vô
tướng” là dựa trên sự tướng mà nói, tất cả sự tướng đều do nhiều loại điều kiện
hòa hợp mà thành, vả lại không ngừng biến hóa, hư vọng không thật, nên nói là
Vô tướng. Cho nên nói: không có hiện tướng nhất định, bất biến.
Thế nào gọi là “Vô nguyện”? Vô nguyện
còn gọi là Vô tác, là nói về mặt tác dụng, khi quan sát hiện tượng khởi tác
dụng, tương ưng với tánh không, chẳng mảy may phân biệt, chấp trước thì gọi là
Vô nguyện.
“Thiện
lập” là khéo léo kiến lập.
“Phương
tiện” là phương pháp tiện dụng.
“Tam
thừa” là chỉ Bồ-tát, Thanh-văn, Duyên-giác, đây là ba loại học sinh mà Phật
giáo hóa.
Tiếp theo chúng ta xem câu “thông chư
Pháp tánh”, “chư pháp” chính là vạn pháp, chính là tất cả pháp thế xuất thế
gian. Tánh là Bản tánh, trong Triết học gọi là Bản thể, Phật pháp gọi là Pháp
tánh. Tất cả vạn pháp đều bắt nguồn từ Bản thể, cũng chính là bắt nguồn từ Pháp
tánh. Vũ trụ từ đâu mà có? Hành tinh từ đâu mà có? Sinh vật từ đâu mà có? Người
từ đâu mà có? Đều từ trong Tự-tánh mà đến. Bồ-tát đều hoàn toàn hiểu rõ chân tướng
sự thật này, đó là Nhất-thiết-trí.
“Đạt chúng sanh tướng”, “tướng” này chính là
hiện tướng, chính là biết tất cả thật tướng của hiện tướng, đây là
Đạo-chủng-trí.
“Cúng
dường chư Phật, khai đạo quần sanh”. Đây là giáo hóa chúng sanh. Trước tiên
phải làm gương cho chúng sanh, đó là thân giáo. Cúng dường chư Phật là thân
giáo. Phật đều cúng dường chư Phật, đều lễ kính chư Phật, đều tán thán chư
Phật, dùng điều này để làm gương cho chúng sanh. Phật hiếu thuận cha mẹ, tôn
kính sư trưởng, cũng là đang làm gương cho chúng ta.
“Khai đạo quần sanh” là ngôn giáo,
chính là giảng Kinh thuyết Pháp. Hai câu Kinh văn này ‘cúng dường chư Phật là
thân giáo, khai đạo quần sanh là ngôn giáo’.
Hai câu Kinh văn tiếp theo: “Hóa hiện
kỳ thân, do như điện quang”, hai câu Kinh văn này là tỉ dụ, Phật Bồ-tát không
dính tướng, điện quang có tác dụng nhưng nó bất trụ, tỉ dụ cho không chấp
trước. Phật xuất hiện tại thế gian giáo hóa chúng sanh, thị hiện có tác dụng
nhưng không chấp trước. Không chấp trước chính mình là Phật. “Ta là thầy có thể
dạy các ngươi, các ngươi là học trò của ta, phải tiếp nhận sự giáo dục của ta”.
Nếu có cách nghĩ như thế, thì có năng, có sở, có tự, có tha. Đó chính là phân
biệt chấp trước, thân tâm sẽ không thanh tịnh. Tâm Phật thanh tịnh, trước giờ không
động một ý niệm nào, Ngài đã làm được điều gì? Làm mà không làm, không làm mà
làm. Làm mà không làm, không làm mà làm. Làm với không làm đồng thời phát sinh.
Ví dụ giảng Kinh thuyết Pháp, là thuyết mà không thuyết, không thuyết mà
thuyết. Mượn chính tôi để mà nói, ví dụ như tôi hiện đang giảng Kinh. Tôi chấp
trước vào “tôi đang giảng Kinh”. Điều này tôi là chấp trước, giảng Kinh cũng là
chấp trước. Như thế thì không phải là “thuyết mà chẳng thuyết, chẳng thuyết mà
thuyết”. Bởi vì giáo học của Phật, và giáo học của thế gian có sự khác biệt, là
ở chỗ này. Chính là điều tôi đã nói ở trên, “làm mà không làm, không làm mà
làm; nói mà không nói, không nói mà nói”. Bởi vì vậy, quý Ngài mới không cảm
thấy mệt mỏi chán nản.
Kinh Hoa Nghiêm nói: “Quý ngài sẽ
không có mệt mỏi, sẽ không có chán nản”, vì sao vậy? Bởi vì làm mà không làm.
Phàm phu chúng ta làm việc, làm nhiều thì sẽ chán nản mệt mỏi. Phật mỗi ngày
thuyết pháp: giống như chẳng thuyết vậy, mảy trần chẳng nhiễm, trong tâm thanh
tịnh. Giống như một cái máy không ngừng hoạt động, nhưng nó không mệt mỏi,
không có sự chán nản. Vì sao vậy? Bởi nó không có ý niệm. Trọng điểm ở chỗ này,
bởi vì nó không có ý niệm, phàm phu chúng ta có ý niệm, tâm nghĩ: tôi đã làm
nhiều việc như thế, tôi mệt rồi; Tôi đọc Kinh đã đọc nhiều lần như vậy, tôi
chán rồi. Bởi vì phàm phu chúng ta có ý niệm.
Câu Kinh văn tiếp theo là: “do như
điện quang”. Nói rõ điều gì vậy? Nói rõ có dụng mà không trụ, không chấp tướng.
Bồ-tát trong mười phương thế giới độ hóa chúng sanh, Ngài có thể hóa thân, phổ
biến ứng theo các loại căn cơ khác nhau, tùy loại hóa thân, không chấp tướng.
“Điện quang” trong “do như điện quang” có bốn hàm nghĩa:
Hàm nghĩa thứ nhất tỉ dụ cho tốc độ
rất nhanh. Mọi người đều biết tốc độ của ánh sáng vô cùng nhanh, cho nên hàm
nghĩa thứ nhất là tốc độ rất nhanh. Nhắc nhở chúng ta đời người ngắn ngủi khổ
sở. Chúng ta bình thường có thể chưa liên tưởng đến điều này. Tia chớp vừa lóe
lên thì vụt qua rồi, đó chính là điện quang. Ánh chớp này nhắc nhở chúng ta đời
người ngắn khổ, sinh mạng vô thường. Chúng ta nghĩ đời này của chúng ta mấy
mươi năm 70-80 năm, 80-100 năm, trên thực tế chỉ như ánh chớp mà thôi, vừa lóe
lên thì vụt qua rồi.
Hàm nghĩa thứ hai tỉ dụ cho tác dụng.
Nó mặc dù ngắn ngủi tạm bợ, nhưng nó có tác dụng chiếu sáng, có tác dụng chiếu
soi, giúp đỡ chúng ta phá Vô minh phiền-não. Đây là hàm nghĩa thứ hai.
Hàm nghĩa thứ ba tỉ dụ cho không trụ.
Trên Kinh Kim Cang giảng: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, không trụ chính là
không chấp trước. Đối với tất cả pháp đều không chấp trước. Đây là hàm nghĩa
thứ ba.
Hàm nghĩa thứ tư tỉ dụ cho không phân
biệt, tia sáng phổ chiếu, tuyệt đối chẳng phải thích vật này nên chiếu sáng vật
này, không thích vật kia nên không chiếu sáng vật kia, nói vậy rất đơn giản, rõ
ràng, mọi người vừa nghe sẽ nghe hiểu được. Cho nên hai từ “điện quang” ngắn
gọn này, bao hàm bốn tầng ý nghĩa.
Tiếp theo nói “liệt ma kiến võng”. Thế
nào là ma? Ma ở đây, chính là khiến cho thân tâm của chúng ta: bị giày vò, bị
thống khổ. Trong tâm của chúng ta có phiền não là khổ. Tâm của chúng ta có
vướng mắc là khổ. Tất cả những sự việc không như ý: đều giày vò thân tâm của
chúng ta. Người xưa nói “lo buồn có thể khiến người già”. Nếu quý vị thường
xuyên lo buồn, thì sẽ già yếu rất nhanh. Sự ưu tư lo buồn này chính là ma. Chữ
ma (魔) này do Lương Võ Đế tạo ra. Vốn dĩ
chữ “ma” ở bên dưới có bộ “thạch” (石), là chữ “ma” (磨) này. Lương Võ Đế đổi bộ “quỷ” (鬼)
ở bên dưới, biến nó thành chữ “ma” (魔) này. Tỉ dụ cho điều gì? Tỉ dụ cho
gặp phải ma còn đáng sợ hơn gặp phải quỷ. Cho nên ma không phải chỉ cho ma quỷ
mặt xanh nanh nhọn, mà chỉ thân tâm của chúng ta: bị tất cả người, sự và vật
giày vò. Phàm tất cả những người, sự, vật khiến thân tâm quý vị bị giày vò thì
đều là ma. Mọi người nói: sao ma lại có sức mạnh lớn đến như thế? Vì sao vậy?
Là ở chữ “kiến”, chữ “kiến” trong từ “tái kiến”, là ở chữ “kiến” này. Có thể
thấy, ma không phải đến từ bên ngoài. Bên ngoài làm gì có ma, mà do kiến giải
sai lầm của chúng ta. Vừa rồi chẳng phải đã nói: Vì sao ma có sức mạnh lớn như
thế? Chính là ở chữ “kiến” này. Vì kiến giải sai lầm của chúng ta, quả thật rất
nhiều, những kiến giải sai lầm này giống như một tấm lưới vậy, lý gì cũng không
rõ ràng.
Chúng ta đối người, đối sự, đối vật có
rất nhiều cách nhìn đều là sai lầm, thế nhưng chúng ta lại không nhận ra được.
Bởi vì đem kiến giải sai lầm: cho là đúng rồi, nên mới khiến thân tâm của chính
mình: bị vô lượng vô biên sự giày vò. Có thể nói những sự thống khổ này: là do
chúng ta tự làm tự chịu, không phải do người khác mang đến, mà do mình tự tìm.
Rất nhiều đồng tu nghe đến đây, trong tâm có lẽ không phục: “Sao lại nói do
chính mình tìm kiếm, ai lại ngốc nghếch mà tìm kiếm ma cho chính mình chứ?” Thật
sự là như vậy, quý vị suy nghĩ kỹ đi, chẳng phải nói “phải cầu ở trong, không
cầu ở ngoài” đó sao, chúng ta tìm ma thì cũng phải hướng vào bên trong mà tìm,
không nên hướng ra bên ngoài tìm ma. Ma là ở nơi chính mình, không ở nơi người
khác.
Phật có phương pháp giúp đỡ chúng ta:
phá trừ tất cả kiến giải sai lầm, đây chính là “liệt ma kiến võng”. Phật giúp
đỡ chúng ta phá trừ “ma kiến võng”. Phá trừ nó, loại bỏ nó, Phật có phương pháp
như vậy.
“Giải chư triền phược”, “triền phược”
là phiền-não. Trong Kinh điển nói có 8 triền, 3 phược. Trước tiên chúng tôi nói
về 8 loại triền.
Loại
thứ nhất là “vô tàm”, “tàm” trong “tàm quý”.
Loại
thứ hai là vô “quý”, “quý” trong “tàm quý”. Đó có nghĩa là gì? Là người không
có tâm hổ thẹn, họ chẳng ác nào mà không làm. Riêng một chữ “tàm” này. Tàm được
giải thích rõ ràng: là bị lương tâm cắn rứt, làm việc xấu, trong tâm bất an thì
gọi là “tàm”. “Quý” là người ngoài phê bình họ, khiển trách họ, cho nên họ
không dám làm việc xấu, sợ người khác lên án. “Vô quý” nghĩa là gì? Đối với sự
khiển trách ở bên ngoài không một chút quan tâm, làm theo ý của mình, vẫn làm
việc ác, không chịu giác ngộ, đó gọi là “vô quý”. Thế nên, kết hợp lại: “vô
tàm, vô quý” chính là ở trước đã nói: người không có tâm hổ thẹn, không ác nào
mà họ chẳng làm, chính là nghĩa như vậy. Đó là loại thứ nhất, và loại thứ hai
là: vô tàm vô quý.
Loại
thứ ba là “tật đố”. Đây là chướng ngại lớn đối với người tu hành, không muốn
thấy người khác giỏi hơn mình, không muốn thấy người khác mạnh hơn mình. Chẳng
những chướng ngại đạo nghiệp của chính mình, mà quý vị còn tạo tác rất nhiều
tội nghiệp. Tạo tác tội nghiệp thì tương lai phải chịu quả báo. Thế nên, nhất
định không được có tâm tật đố.
Loại
thứ tư là “xan lận”, chúng ta thường gọi là keo kiệt. Tất cả những gì mình có,
không chịu đem ra để giúp đỡ người khác, đó gọi là “xan lận”, là loại triền thứ
tư.
Loại
thứ năm là “ác tác”. Thế nào là “ác tác”? Tất cả những hành vi bất thiện: không
hợp đạo lý đều gọi là “ác tác”.
Loại
thứ sáu là “thụy miên”. Là ngủ quá nhiều, hôn trầm. Việc này có lẽ chúng ta
không tưởng tượng rằng: “Ngủ cũng là là một loại trong tám triền ư?”. Đúng là
như vậy! Nó xếp ở vị trí thứ 6. Có người chúng ta ngủ một giấc không đủ, đó
thuộc về một loại của tám triền, quý vị đã phạm phải rồi.
Loại
thứ bảy là “trạo cử”, vọng niệm trong tâm nhiều, tâm không định được, lăng xăng
lộn xộn, đó gọi là trạo cử.
Loại
thứ tám là “hôn trầm”. Hôn trầm hiện nay chúng ta gọi là: không đề khởi tinh
thần được, gọi là hôn trầm. Ví dụ có người: vừa nghe Kinh là ngủ, đó chính là
hôn trầm, cứ niệm Phật là ngủ, đó chính là hôn trầm. 8 loại trên đây chính là:
8 loại triền phược mà trong kinh Phật đã nói, là Bát triền. Có những thứ này
quý vị có thể tự tại được chăng? 8 loại triền phược kể trên, nếu đã có chúng,
thì chúng ta không thể tự tại.
Tiếp theo lại nói về Tam phược. Phần
trên là Bát triền, phần dưới là Tam phược. Phược là gì? Là trói buộc, giống như
dùng dây thừng trói lại. Tam phược là gì? Chính là ba độc tham sân si. Chúng
tôi luôn luôn đều nhắc đến: ba thứ tham sân si, vì chúng có ảnh hưởng đến chúng
ta: rất nghiêm trọng, rất lớn. Hiện giờ, Bát triền Tam phược đã nói xong rồi. Mọi
người chúng ta xét xem: Bát triền Tam phược phàm phu chúng ta thảy đều có đủ,
chẳng thiếu thứ nào, chỉ là mức độ nhiều ít khác nhau mà thôi. Có phải vậy
không? Ai có thể đứng lên nói rằng: tôi đã hết Bát triền, tôi cũng chẳng có Tam
phược? Tôi thấy không người nào có thể nói như vậy cả. Phật đại từ đại bi không
nỡ để chúng sanh khổ, muốn giúp đỡ chúng ta giải thoát từ trong thống khổ. Giải
Bát triền Tam phược, thoát Lục đạo luân hồi. Nhân duyên của Lục đạo luân hồi
được cởi giải, thì quả báo là được thoát. Quan trọng nhất là làm sao đem nghiệp
duyên của chúng ta, giải trừ được hết. Nếu duyên đó không còn nữa, thì Bát
triền đó cũng hết, Tam phược cũng hết. chúng không tồn tại nữa.
Nếu chúng ta đời này, không muốn liễu
sanh tử, xuất tam giới thì quý vị hãy tiếp tục như vậy. Còn nếu đời này thật sự
muốn cầu sanh Tịnh-độ, thì phải hạ công phu tu hành, không thể tiếp tục như vậy
nữa.
Kinh văn tiếp theo là: “viễn siêu
Thanh-văn, Bích-chi-Phật địa”. Thanh-văn là tứ quả La-hán của Tiểu thừa.
Bích-chi-Phật là Duyên-giác, cũng là Tiểu thừa.
“Nhập không, Vô tướng, Vô nguyện Pháp
môn”, ba Pháp môn: Không, Vô tướng, Vô nguyện ví như cánh cửa, từ đó chúng ta
có thể khế nhập thật tướng. Ba pháp này có thể giúp chúng ta chứng nhập Chân
như Bản tánh. Từ cửa nào khế nhập đều có thể chứng đắc cả. Có thể nói, ba cửa
này: là ba con đường chứng đắc minh tâm kiến tánh. Đó chính là con đường, bắt
buộc phải đi qua ba cửa này. Quý vị lựa chọn cửa nào để khế nhập đều được cả.
Có người bước vào từ cửa “Không”,
nhưng nếu quý vị chấp vào tướng của “không”, thì quý vị không thể bước vào cửa
“Không” được. Vì sao vậy? Bởi chân tâm lìa niệm. Chân tâm không có vọng niệm.
Thấy được chân tướng, “kiến” trong “tái kiến”, “thấy được chân tướng”, sự thấy
đó: Vốn chính là ý niệm. Có ý niệm này, sẽ chướng ngại Tự-tánh, quý vị không
thể vào được cửa “Không”.
Có người vào từ cửa Vô tướng, tướng là
hiện tướng, có tướng, nhưng là tướng giả, chẳng phải thật. Bởi vì những tướng
đó là “đương thể tức không”. Xin nêu một ví dụ. Thời cận đại chúng ta có một
Pháp sư nổi tiếng: tên là Viên Anh Pháp sư. Pháp sư Viên Anh từng kể một câu
chuyện thế này. Ngài kể có một ngày ngài đang tọa thiền ở trong phòng, trong
tâm rất thanh tịnh, đột nhiên nghĩ đến một sự việc, cần phải ra ngoài làm ngay.
Sau khi ngài bước xuống giường, thì đi một mạch ra ngoài. Đến bên ngoài thì ngài
đột nhiên nghĩ: cửa đang khóa, sao mình có thể đi ra được vậy? Ngài quay đầu
lại đẩy cửa, quả thật cửa đã khóa. Trong một ý niệm ngài quên mất là có cái
cửa, cho nên ngài đã không chấp trước vào cái cửa đó, ngài đã đi qua nó. Sau đó
ngài sinh ra ý niệm là có một cái cửa, cho nên ngài không bước vào được, ngài
có thể bước ra được, nhưng quay lại thì không thể bước vào. Vì sao vậy? Khi
bước ra ngài không có ý niệm, không có chấp trước có cửa đó, nhưng khi quay lại
thì ngài chấp trước “cửa ta đã đóng”, cho nên ngài không quay vào trong được.
Câu chuyện này chứng minh điều gì? Chứng minh tướng là giả, không phải thật.
Cho nên có khi, chúng ta chấp là có tướng thì sai rồi, chấp là không có tướng
cũng sai luôn. Phải lìa khỏi hai bên có và không, thì quý vị mới có thể bước
vào cửa Vô tướng. Quý vị thấy việc này khó, phải vậy không? Quý vị đã không
chấp là tướng của có, cũng không được chấp là tướng của không. Hai bên có không
đều chẳng chấp, thì vào được cửa Vô tướng. Đó là cửa thứ hai.
Có người vào từ cửa Vô nguyện, Vô
nguyện chính là Vô tác. Phật độ chúng sanh chính là “làm mà không làm, không
làm mà làm”, còn chúng ta thứ gì cũng chấp tướng. Ví dụ giảng Kinh thì chấp vào
tướng tôi đang giảng Kinh, tôi đang giảng Kinh, có “tôi” tức là đã chấp vào
tướng của ngã rồi, giảng Kinh tức là chấp vào tướng của pháp rồi, ngã chấp,
pháp chấp đều có đủ.
Kinh Phật nói, Phật giảng Kinh: không
chấp vào ngã tướng năng thuyết, cũng không chấp vào pháp tướng năng thuyết, càng
không chấp trước vào tướng chúng sanh đang nghe Kinh, Ngài liền được đại tự
tại. Cho nên trong Phật pháp Đại Tiểu thừa, Phật nói khế nhập thật tướng chính
là qua ba cửa này: “nhập Không, Vô tướng, Vô nguyện Pháp môn”.
Hôm nay thời gian đã hết, tiết học này
xin giảng đến đây. Tiết học sau sẽ giảng tiếp. Cảm ơn mọi người. A Di Đà Phật.
(Hết tập 8)
Nguyện dĩ thử
công đức
Trang nghiêm
Phật Tịnh-độ
Thượng báo tứ
trọng ân
Hạ tế tam đồ
khổ
Nhược hữu kiến
văn giả
Tức phát Bồ-đề
tâm
Tận thử nhất
báo thân
Đồng sanh Cực
Lạc quốc.
Nam Mô A Mi Đà Phật