Responsive Menu
Add more content here...

Bản Hoàn Thiện Của Kinh Vô Lượng Thọ

Lời Hòa thượng Tịnh Không viết:

Điều thứ bảy:

清初彭紹升居士曰:「此經闡揚者少,實以無善本故」。蓮公老人悲智雙運,宗說俱通,圓融顯密禪淨於一心,專宏持名念佛攝萬德。冀此無上寶典,饒益當來,乃繼前賢,重行會集。屏棄萬緣,掩關三載,淨壇結界,冥心孤詣,稿經十易,方慶經成。蒙慧明老和尚印證,慈舟專講於濟南,并親為科判。

梅公於中廣播講此經,稱為最善之本。且在序文中讚曰:「精當明確,鑿然有據,無一義不在原譯之中,無一句溢出本經之外,艱澀沉晦使之爽朗,繁複冗蔓歸於簡潔,凌亂俾成整嚴,闕疏悉令圓滿,必期有美皆備,無諦不收…雖欲不謂之善本不可得也」。

是此本問世以來,講說讚揚,流播中外,見者聞者,歡喜信受,行見大經光明,常照世間,無量壽經之善本,於茲慶現,此實為希有難逢之大事因緣也。

(7) Thanh sơ Bành Thiệu Thăng Cư sĩ viết: “Thử Kinh xiển dương giả thiểu, thật dĩ vô thiện bổn cố”. Liên công lão nhân bi trí song vận, tông thuyết câu thông, viên dung Hiển Mật Thiền Tịnh ư nhất tâm, chuyên hoằng trì danh niệm Phật nhiếp vạn đức. Kí thử vô thượng Bảo điển, nhiêu ích đương lai, nãi kế tiền Hiền, trùng hành hội tập. Bính khí vạn duyên, yểm quan tam tải, tịnh đàn kiết giới, minh tâm cô nghệ, cảo kinh thập dị, phương khánh kinh thành. Mông Huệ Minh lão Hòa thượng ấn chứng, Từ Chu chuyên giảng ư Tế Nam, tịnh thân vi khoa phán.

Mai công ư trung quảng bá giảng thử Kinh, xưng vi tối thiện chi bản. Thả tại tự văn trung tán viết: “Tinh đáng minh xác, tạc nhiên hữu cứ, vô nhất nghĩa bất tại nguyên dịch chi trung, vô nhất cú dật xuất bổn kinh chi ngoại, gian sáp trầm hối sử chi sảng lãng, phồn phức nhũng mạn quy ư giản khiết, lăng loạn tỉ thành chỉnh nghiêm, khuyết sơ tất linh viên mãn, tất kỳ hữu mỹ giai bị, vô đế bất thu… tuy dục bất vị chi thiện bổn bất khả đắc dã”.

Thị thử bổn vấn thế dĩ lai, giảng thuyết tán dương, lưu bá trung ngoại, kiến giả văn giả, hoan hỉ tín thọ, hành kiến Đại Kinh quang minh, thường chiếu thế gian, Vô Lượng Thọ Kinh chi thiện bổn, ư tư khánh hiện, thử thật vi hi hữu nan phùng chi đại sự nhân duyên dã.

Tạm dịch: Cư sĩ Bành Thiệu Thăng thời đầu triều nhà Thanh nói: “Người xiển dương Kinh này ít, bởi thật là vì chưa có thiện bản (bản hoàn thiện, bản hay)”. Ngài Hạ Liên Cư đầy đủ cả từ bi và trí huệ, thông cả Thiền tông và Giáo hạ, viên dung Hiển giáo, Mật tông Thiền ttông, Tịnh Độ tông ở nhất tâm, chuyên hoằng dương trì danh niệm Phật nhiếp muôn đức. Mong mỏi Bảo điển vô thượng này, [đem đến] nhiều lợi ích trong tương lai, nên mới tiếp nối bậc Hiền thuở trước, lại làm hội tập. Buông xuống vạn duyên, đóng cửa ba năm, tịnh đàn kiết giới, dung hợp dùng hết tài năng sở học của mình, sửa bản thảo qua mười lần, mới viên mãn thành công. Được sự ấn chứng của lão Hòa thượng Huệ Minh, và ngài Từ Châu chuyên giảng ở Tế Nam, đồng thời đích thân làm khoa phán.

Ngài Mai Quang Hy trong lúc quảng bá giảng Kinh này, đã khen là bản hay hoàn thiện nhất. Vả lại ở trong phần lời tựa còn khen rằng: “Cực kì tương xứng chính xác, rành rọt nhưng lại có căn cứ, không một nghĩa nào không ở trong bản dịch gốc, không một câu nào vượt quá mức ngoài bản kinh, [chỗ] khó khăn trúc trắc sâu kín u ám thì khiến trở thành rõ ràng mạch lạc, [chỗ] phức tạp rườm rà tạp loạn thì thành ra đơn giản trong sáng, [chỗ] lộn xộn khiến thành nghiêm chỉnh, [chỗ] thiếu khuyết không tinh tế đều khiến thành viên mãn, chắc chắn hi vọng có đầy đủ sự tốt đẹp, không nghĩa lý nào mà không thu nhiếp… Dù muốn chê là không hoàn thiện không hay cũng không thể được”.

Do đó [từ khi] bản này ra đời đến nay, được giảng thuyết khen ngợi, lưu truyền khắp trong ngoài nước, người thấy người nghe, hoan hỉ tin nhận, được thấy quang minh của Đại Kinh, thường chiếu thế gian, bản hoàn thiện của Kinh Vô Lượng Thọ, may mắn xuất hiện từ nay, đây thật là đại sự nhân duyên hiếm có khó gặp.

Giải:

#(7)Thanh sơ Bành Thiệu Thăng Cư sĩ viết: #(7) là điều thứ bảy; #Bành Thiệu Thăng Cư sĩ là Cư sĩ Bành Thiệu Thăng thời kỳ đầu nhà Thanh; #Thanh sơ là thời kỳ đầu, Thanh mạt là thời kỳ cuối của triều nhà Thanh. Ở đây là thời kỳ đầu của triều nhà Thanh. Cư sĩ Bành Thiệu Thăng: buổi trước Thiện Trang có giới thiệu rồi. Cư sĩ Bành Thiệu Thăng nói rằng:

#Thử kinh xiển dương giả thiểu: chữ #giả là người, người xiển dương Kinh này ít.

#Thật dĩ vô thiện bổn cố: chữ #thật: là thật là; bởi thật là vì chưa có thiện bản (bản hoàn thiện, bản hay). Kinh Vô Lượng Thọ chưa có bản hoàn thiện, bản hay.

#Liên công lão nhân bi trí song vận, tông thuyết câu thông: #Liên công lão: là ngài Hạ Liên Cư; lão nhân là người đặc biệt. #bi trí song vận: là đầy đủ từ bi và trí huệ. Tức là cả đức và hạnh, giải của ngài đều đầy đủ, song vận. Chữ song vận nếu dịch nghĩa thì cũng giống như song hành. Tức là đầy đủ, viên mãn cả từ bi và trí huệ. Trong Duy Thức Thuật Ký ở cuối quyển thứ ba có đoạn “sát-na sát-na chân tục song vận”, ý nói trong từng sát-na sát-na đều có đầy đủ cả. Đoạn này ý nói ngài Hạ Liên Cư có đầy đủ cả từ bi và trí huệ.

#Tông thuyết câu thông: đây là một thuật ngữ trong Thiền tông ý nói là đối với Thiền tông rất rõ ràng, rất sáng tỏ, coi như triệt ngộ rồi. Trong tập 1, tập 3 Kinh Vô Lượng Thọ 1992 Hòa thượng nói rằng: “tông thuyết” chỉ cho sự học của ngài. “Tông” là Thiền tông, “thuyết” là giáo hạ. Trong Phậtpháp ở Trung Quốc và Việt Nam chúng ta chia làm mười tông phái, trừ Thiền tông ra gọi là tông môn còn các tông phái khác đều gọi là giáo hạ. “Giáo hạ” là hạ thủ công phu trên giáo lý giống như Tịnh Độ tông cũng xếp vào Giáo hạ. Cả Thiền tông lẫn Giáo hạ ngài đều nắm được hết, đều sáng tỏ thông đạt được hết và tài năng của ngài rất sâu. Như vậy gọi là “tông thuyết câu thông”. Tông là Thiền tông, giáo là Giáo hạ.

Hòa thượng Tịnh Không còn giới thiệu thêm, ngài Hạ Liên Cư còn là Đại đức của Mật tông nữa, hay nói cách khác người hội tập bản Kinh Vô Lượng Thọ này đầy đủ cả Thiền, cả Mật, cả Giáo hạ là đầy đủ tất cả các tông phái khác chứ không phải người bình thường. Tuy ngài Hạ Liên Cư là Cư sĩ nhưng mà ngài có đầy đủ cả đức từ bi và trí huệ. Ngài thông cả Thiền tông và Giáo hạ.

#Viên dung Hiển Mật Thiền Tịnh ư nhất tâm: Tức là ngài viên dung ở Hiển giáo. #Hiển giáo là tông phái học giáo pháp rõ ràng như Duy Thức, chúng ta cũng thuộc Hiển giáo. Mật tông, Thiền tông, Tịnh Độ nhất tâm. Có nghĩa là ngài đã thông tất cả các tông phái rồi; #nhất tâm là ngài đã đạt tới nhất tâm ở tất cả các tông phái.

#Chuyên hoằng trì danh niệm Phật nhiếp vạn đức: chuyên hoằng dương trì danh niệm Phật nhiếp muôn đức. “Muôn đức” là tất cả các đức. Tức là ngài chuyên hoằng dương trì danh niệm Phật.

Mới đầu ngài Hạ Liên Cư tu các tông phái khác cho đến một ngày ngài biết được Pháp môn Niệm Phật một đời có thể ra khỏi sanh tử luân hồi, ngài vui mừng ba ngày không ngủ được. Quên ăn quên ngủ ba ngày, vui đến mức độ không thể tưởng được. Vì bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp luân hồi không tìm ra Pháp môn nào, khi gặp được Pháp môn này ngài thấy hay quá, cho nên khi đó ngài mới xiển dương Tịnh Độ tông và xiển dương phương pháp niệm Phật. Ngài đã học Thiền, học Mật, học giáo pháp khác bao nhiêu năm và Tịnh Độ tông là chỗ quy kết cuối cùng. Sau cùng ngài đứng niệm Phật mà vãng sanh, con chuột của ngài cũng chui vào dép của ngài và cũng vãng sanh. Sau đó thu được rất nhiều xá lợi, cho nên mình tin tưởng rằng người hội tập Kinh này không phải đơn giản, ngài Hạ Liên Cư không phải đơn giản. Có người nói với Hòa thượng: ngài Hạ Liên Cư là Bồ-tát Phổ Hiền, ngài Phổ Hiền tới làm thì yên tâm rồi đúng không.

#Kí thử vô thượng Bảo điển, nhiêu ích đương lai: #ký là ký kỳ, nghĩa là mong mỏi, hy vọng; #thử là đây; #vô thượng Bảo điển: tức là Kinh Vô Lượng Thọ này là Kinh điển quý báu mà không gì cao hơn được; #vô thượng là không gì cao hơn được. Mong mỏi Bảo điển vô thượng này; #nhiêu là nhiều, tức là đem đến nhiều lợi ích cho tương lai. Ngài mong muốn đem đến nhiều lợi ích cho tương lai. Bây giờ chúng ta cũng đạt được lợi ích niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ rồi.

#Nãi kế tiền Hiền: chữ kế hay chữ tục cũng được, ý nghĩa giống nhau, nên tiếp tục, tiếp nối những bậc Hiền thuở trước. Sau này chúng ta sẽ biết những bậc Hiền thuở trước là bậc nào, sau có nói. Đây là lời Hòa thượng tóm tắt lại, ngài Hoàng Niệm Tổ nói dài lắm.

#Trùng hành hội tập: chữnày đọc âm trùng, không phải âm trọng (nặng), #trùng là lại, giống như “trùng trùng hối miễn”trong Kinh Vô Lượng Thọ, âm trùng hay trọng phải đọc đúng. Nên mới tiếp nối bậc Hiền thuở trước, lại làm hội tập. Ngài Hạ Liên Cư phát tâm làm hội tập Kinh Vô Lượng Thọ.

#Bính khí vạn duyên: #bính hay bình là bỏ đi, lui về ở ẩn; chữ #khí là bỏ đi, chúng ta hay nói là buông xả vạn duyên, buông xuống vạn duyên. Ở đây dịch ngắn là như vậy. Thực ra chữ bính dịch ra là lui về ở ẩn buông xuống vạn duyên, dịch như vậy mới đầy đủ.

#Yểm quan tam tải: chữ #yểm là đóng; chữ #quan là cửa trong quan sang, đóng cửa ba năm, #tải là năm. Chữ này người xưa Trung Hoa nhà Hạ dùng chữ “tuế” nghĩa là năm, nhà Thương dùng chữ “tự” là năm, nhà Chu dùng chữ “niên” là năm, còn nhà Đường, nhà Ngô thì dùng chữ “tải”. Cho nên ở đây chữ “tải” là dùng theo nhà Đường, nhà Ngô. Đóng cửa ba năm, không tiếp khách ba năm, coi như là nhập thất ba năm để làm bản Hội tập.

Quý vị thấy ngài cung kính, trân trọng như vậy. Thời nay chúng ta làm cẩu thả, không được. Thiện Trang khi đọc tới đây cũng thấy mình thời nay thiếu lòng cung kính, làm gì cũng không nhiếp tâm, mình muốn giảng, muốn dịch nhưng mình còn phải tiếp khách, chạy ra chạy vô, không bằng ngài Hạ Liên Cư được. Ngài Hạ Liên Cư làm như vậy, ngài cỡ đó mới làm ra bản hội tập, người đời nay thì không thể. Người Cư sĩ thậm chí họ không giữ giới nữa, lẽ ra khi dịch Kinh điển, ngày đó phải ráng kiêng cữ, nếu có gia đình vợ chồng phải cố gắng kiêng cữ. Còn mình đem tâm ô nhiễm vào dịch Kinh điển thì làm sao mà đúng được.

Đọc học đoạn này mà không biết ngài Hạ Liên Cư làm như vậy, quý vị nghe cho kỹ đoạn này, ngài làm sạch như băng tuyết. Đầu tiên là ngài ẩn đi, lui ẩn, buông xuống vạn duyên, đóng cửa ba năm. Tiếp theo là:

#Tịnh đàn kiết giới: #kiết giới là không đi ra ngoài, làm đàn thanh tịnh tức là giữ mình rất thanh tịnh.

#Minh tâm cô nghệ: #cô nghệ tạm dịch là dung hợp, dùng hết tài năng sở học của mình. #nghệ là tài nghệ, tức là bao nhiêu tài năng, tài nghệ gom hết lại để mà làm. Nói chung là dùng hết sức, hết tài năng.

#Cảo kinh thập dị: chữ #cảo là làm bản thảo, bản phác thảo; #kinh là trải qua; #thập dị là mười lần sửa chữa. Sửa bản thảo qua mười lần, làm qua mười bản thảo.

#Phương khánh kinh thành: thì mới viên mãn thành công. Có nghĩa là ngài rất cẩn thận, Bồ-tát tái lai còn làm cẩn thận như vậy, làm mười lần, dành ba năm đóng cửa lại không tiếp ai hết “yếm quan tam tải, tịnh đàn kiết giới”. Cho nên tại sao thời nay chúng ta tu hành không bằng các ngài, các ngài trước chúng ta một thời gian thôi, các ngài làm gì cũng rất chu đáo.

Quý vị thỉnh Thiện Trang dịch kinh này kinh kia, Thiện Trang nói thật ra tâm mình xáo trộn quá làm sao dịch. Muốn dịch được kinh điển tâm phải thanh tịnh, lúc nào thấy yên tĩnh, tâm tốt thì vô dịch Kinh Vô Lượng Thọ, còn không thì dịch sẽ coi chừng sai. Phải học ngài Hạ Liên Cư. Cho nên Thiện Trang vẫn hay khuyên những người trẻ mà phát tâm phiên dịch hãy cố gắng, nếu tốt nhất là đừng lập gia đình, mình làm giống như ngài Hoàng Niệm Tổ, ngài Hạ Liên Cư, ngài Lý Bỉnh Nam đều làm như vậy. Tâm thanh tịnh thì mới kiết đàn, nếu quý vị có gia đình quý vị cũng làm được như vậy thì phiên dịch mới tốt. Đằng này vừa muốn theo Ta Bà vừa muốn xuất thế gian làm sao được. Nhiều khi mình nói như vậy đụng chạm đến người thời nay nhiều điều, nhưng mà thật sự là như vậy đó quý vị, để làm được những bản này không phải là người thường, người thường không đủ khả năng. Chúng ta không đủ khả năng chúng ta phải cầu Phật Bồ-tát gia hộ, chúng ta phải làm như vậy, cẩn thận như vậy. Trải qua mười lần sửa bản thảo, nếu dịch ý ra là như vậy mới được viên mãn thành công, sau đó:

#Mong Huệ Minh lão Hòa thượng ấn chứng: tức là sau khi hội tập rồi được lão Hòa thượng Huệ Minh ấn chứng cho. Ấn chứng như thế nào đoạn sau chúng ta sẽ học.

#Từ Châu chuyên giảng ư Tế Nam: nghĩa là lão Pháp sư Từ Châu ngài chuyên giảng ở Tế Nam

#Tịnh thân vi khoa phán: chữ nàycó thể đọc là “tinh” trong tinh chư Bồ-tát Ma-ha-tát (Kinh A Di Đà). Đồng thời đích thân làm Khoa Phán cho bản này. Tức là lúc đó ngài chia đoạn làm Khoa Phán ra, trong bản Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú này Khoa Phán của Hòa thượng là dùng bản Khoa Phán của Pháp sư Từ Châu và phân thêm một chút nữa cho gọn hơn, rõ ràng hơn.

Quý vị thấy khi làm xong thì được hai người ấn chứng, một là Hòa thượng Huệ Minh và Pháp sư Từ Châu chuyên giảng, hai ngài này không phải thường, chút nữa chúng ta sẽ học tiếp.

#Mai công ư trung quảng bá giảng thử Kinh: ngài Mai Quang Hy trong lúc quảng bá giảng Kinh này

#Xưng vi tối thiện chi bản: đã khen ngợi đây là bản hay hoàn thiện nhất, bản hay nhất, chữ #thiện có nghĩa là hay, cũng có nghĩa là hoàn thiện.

Trong các bản Kinh Vô Lượng Thọ, bản đây được khen nhất, được ba người đầu tiên là ngài Huệ Minh, tới ngài Từ Châu (Từ Chu) và đến ngài Mai Quang Hy

#Thả tại tự văn trung tán viết: Vả lại ở trong phần lời tựa còn khen rằng:

#“Tinh đáng minh xác: #tinh đáng, chữ đương này phải đọc là đáng, tinh đáng nói đơn giản là chính xác, phù hợp. #tinh là tỉ mỉ rõ ràng; #đáng là phù hợp, tương xứng; Thiện Trang tạm dịch là “cực kì tương xứng chính xác”. Chữ #minh là rõ ràng, rành rọt; #xác là chính xác.

#Tạc nhiên hữu cứ: #tạc là rành rọt, những chữ này mình tóm lại dịch ý sẽ rõ nghĩa hơn, ở đây Thiện Trang trực dịch nên có hơi trúc trắc chút; #nhiên là nhưng, nhiên hữu có nghĩa là nhưng mà có căn cứ. Hữu cứ là có căn cứ. Cực kỳ tương xứng chính xác, rành rọt nhưng lại có căn cứ.

#Vô nhất nghĩa bất tại nguyên dịch chi trung, vô nhất cú dật xuất bổn kinh chi ngoại: đây là câu mà Thiện Trang rất thích, tức là không một nghĩa nào không ở trong bản dịch gốc, nguyên dịch là bản dịch gốc, không một câu nào vượt ra mức ngoài bản kinh. Nghĩa là hội tập quá tuyệt vời, hội tập mà không có vượt nghĩa ra ngoài, cũng không lấy ở đâu ra hết, hoàn toàn dựa vào năm bản dịch gốc, nghĩa lý như thế nào thì lấy vào nên không có nghĩa nào vượt ra ngoài, không có nghĩa nào phát sinh mới thêm, năm bản dịch có nghĩa đó thì đưa vào. Thứ hai là không có câu nào vượt ra ngoài những bản kinh kia, tức là hội tập không phải là dịch nên lấy hết lại, lời này phải nói là quá hay, tán thán hết mức rồi, tán thán bộ Kinh này. Cho nên mình đang học Kinh này mình quá hạnh phúc, quá may mắn.

#Gian sáp trầm hối sử chi sảng lãng: #gian là khó; #sáp là tối tăm, khó hiểu, hoặc là không trơn tru, là không rõ ràng, trúc trắc; #trầm là sâu kín; #hối tối tăm u ám; #sảng là rõ ràng sáng suốt; #lãng là sáng rực rỡ. Nghĩa là[chỗ] (thêm chữ chỗ cho dễ hiểu) khó khăn, trúc trắc, sâu kín, u ám (tối tăm) thì khiến cho, chữ “chi” không phải giới từ mà là đại từ nghĩa là “chỗ đó”, khiến cho trở thành sáng suốt, rõ ràng, rành mạch. Tức là năm bản dịch gốc có những chỗ đọc khó hiểu, hoặc là có chỗ đọc trúc trắc, đọc không thuận âm, đọc không suông, hoặc là có chỗ nghĩa sâu xa khó hiểu, ý như vậy, thì bây giờ ngài Hạ Liên Cư hội tập khiến cho những chỗ đó sảng lãng, tức là rất rõ ràng mạch lạc. Ở Việt Nam có hai bản dịch thời đó là bản của ngài Khương Tăng Khải và bản của ngài Bồ Đề Lưu Chí trong Kinh Đại Bảo Tích, quý vị đọc thấy trúc trắc khó hiểu, nhưng quý vị đọc qua bản này, thật sự chúng ta chưa có bản dịch nào hay nhưng nếu căn cứ đọc bản âm Hán quý vị thấy ngọt ngào, rõ ràng lắm. Bản âm Hán quý vị đã đọc, chúng ta đã giảng qua một lần rồi, chúng ta thấy rõ ràng lắm, nếu người dịch có trình độ dịch ra chắc chắn rất là sáng suốt rõ ràng, rất tuyệt vời, đó là khả năng đặc biệt, chúng ta nói ngài Phổ Hiền Bồ-tát làm, làm sao không được như vậy, đúng không.

#Phồn phức nhũng mạn quy ư giản khiết: #phồn là phức tạp, #phức là rườm rà, đây toàn là tính từ, để dịch quý vị phải biết nghĩa đó là gì, đang tả về gì thì dùng tính từ, quý vị tra Từ điển lấy tính từ ra là đúng thôi, còn không biết thì dịch lung tung. Những chỗ phức tạp, rườm rà, tạp loạn; #mạn là lan ra; #nhũng là lộn xộn, tạp loạn. Như vậy [chỗ] phức tạp, rườm rà, tạp loạn thì thành ra đơn giản, trong sáng. Quý vị thấy hội tập hay cỡ đó, giữ nguyên nghĩa, giữ nguyên văn rồi nhưng mà khiến chỗ nào khó hiểu, tạp loạn thành ra đơn giản trong sáng.

#Lăng loạn tỉ thành chỉnh nghiêm: #lăng loạn là lộn xộn, hỗn loạn; #tỉ là khiến cho, giống chữ sử bên trên; quy ư là trở thành, sử là khiến cho, ở đây chữ tỉ này cũng là khiến cho; #thành chỉnh nghiêm là trở thành nghiêm chỉnh, [chỗ] lộn xộn khiến thành nghiêm chỉnh

#Khuyết sơ tất linh viên mãn: [chỗ] nào còn thiếu khuyết, #sơ là thô xấu, không tinh tế, chỗ thiếu khuyết, chưa tinh tế, #tất là đều, chữ này đọc là “linh” không đọc là “lệnh”, bên Tịnh Không Pháp Ngữ hay dịch là lệnh, “lệnh” là danh từ nghĩa là ra lệnh, mệnh lệnh, còn “linh” là khiến cho. Đều khiến thành viên mãn, tròn đầy.

#Tất kỳ hữu mỹ giai bị: #tất là đều, hết thảy, chắc chắn; #kỳ là kỳ vọng, hy vọng; #hữu là có; #mỹ giai bị là đầy đủ sự tốt đẹp. Tức là ngài mong muốn có thành tựu được đầy đủ sự tốt đẹp, bản Kinh này vừa hay, #mỹ là vừa hay, vừa đầy đủ, đầy đủ và tốt đẹp.

#Vô đế bất thu : #vô là không; #đế là thật đế nghĩa lý. Không có nghĩa lý nào mà không thu nhiếp…

#Tuy dục bất vị chi thiện bổn bất khả đắc dã”: #Tuy là tuy rằng, #dục là muốn, muốn nói rằng đó không phải là thiện bổn cũng không thể được, là không hoàn thiện không hay cũng không thể được. Không có chỗ nào để chê được, cho nên Kinh quá hay. Cho nên chúng ta quá hạnh phúc học được bản kinh như vậy mà không chịu học nữa thì uổng phí. Chúng ta học đoạn này thấy lời tán thán quá hay “dù muốn chê là không hoàn thiện không hay cũng không thể được”, hay quá rồi còn chỗ nào để mà chê.

#Thị thử bổn vấn thế dĩ lai: #thị là do đó, #vấn thế là ra đời, xuất bản; #dĩ lai là đến nay. Do đó [từ khi] bản này ra đời đến nay.

#Giảng thuyết tán dương, lưu bá trung ngoại: bản Kinh được (thêm chữ „được“ vào) giảng thuyết khen ngợi, lưu truyền khắp trong và ngoài nước. Trung ngoại là trong và ngoài nước. Hán cổ viết tắt như vậy.

#Kiến giả văn giả, hoan hỉ tín thọ: người thấy người nghe, hoan hỉ tin nhận.

Bây giờ Kinh Vô Lượng Thọ số một thế giới rồi, trong Tịnh Độ tông, Kinh Vô Lượng Thọ vẫn là số một, không có Kinh nào truyền bá rộng rãi như Kinh Vô Lượng Thọ, là bản Hội Tập Kinh Vô Lượng Thọ này. Ngay cả nước Anh người ta làm luận văn bằng Hán cổ, người ta chọn Kinh Vô Lượng Thọ bản hội tập để làm. Thiện Trang nghe nói ở nước ngoài như Mỹ người ta cũng học, nghiên cứu Hán cổ nhiều lắm, thậm chí thấy rất nhiều tài liệu. Thiện Trang lên mạng tìm thấy những bản mà Việt Nam mình không có nhưng người Đức họ đã dịch ra rồi, dịch sang tiếng Đức luôn. Có vị Thầy xuất gia với người Việt tại Đức làm bản ba ngôn ngữ vừa tiếng Đức, vừa tiếng Việt, vừa tiếng Hán, giỏi thiệt. Thực sự Việt Nam mình dở quá, không có chú trọng, có lẽ là do bận rộn và lo quá nhiều việc bên ngoài nên thua nước ngoài. Thiện Trang tin là ánh sáng hào quang Phật pháp tương lai sẽ rạng chiếu ở phương Tây. Hoà thượng Tuyên Hoá có lời nguyện: ngài đi đến đâu nơi đó sẽ là Chánh pháp. Khi ngài qua Mỹ người tu theo ngài rất đông.

Hồi xưa bên phương Tây, Phật giáo không phát triển như vậy, bây giờ truyền khắp các nước Mỹ, rồi mấy nước Mỹ La Tinh, Châu Phi cũng có Phật giáo, dần dần truyền khắp nơi trên thế giới. Ở nơi chính gốc Phật pháp là Ấn Độ thì diệt mất tiêu rồi, bây giờ có vài ngôi chùa xây dựng để đi du lịch và mấy người ở đâu tới tu, như đức Lạt Ma, Việt Nam v.v… qua đó tu v.v…, còn người Ấn Độ gốc không có mấy người tu Phật pháp. Còn nôi Phật giáo Đại thừa ở Trung Quốc cũng gần như diệt mất, Việt Nam cũng ngắc ngoải, Đài Loan thì còn. Thiện Trang nghe mấy vị thầy ở chùa Vạn Đức đi một chuyến Đài Loan về, hoặc là Hòa thượng Minh Thông, ngài đi Đài Loan về nói là ở bên đó tuyệt vời lắm, vẫn còn những trường phái tu như người xưa, tức là tông phái đó ở trong núi người ta chuyên tu. Ví dụ chuyên tu Pháp Hoa là núi đó chỉ tu Pháp Hoa thôi, không tu gì khác, núi đó chuyên tu Địa Tạng là chuyên Địa Tạng, núi đó chuyên tu Kinh Lăng Nghiêm là chuyên Lăng Nghiêm. Họ không màng thế sự nên không hoằng dương rộng rãi ra bên ngoài, vì thế chúng ta không biết. Những người chúng ta biết như Hòa thượng Tinh Vân của Học viện Phật Quang Sơn là Phật giáo thế gian nhập thế, hoặc là Sư bà Trí Nghiêm chuyên bên từ thiện của Hội từ tế – cứu tế toàn thế giới nên Phật giáo phổ thông nhiều người biết, còn những Phật giáo sâu mầu thì bên đó vẫn còn.

Thiện Trang nghe nói bên đó có một Đạo tràng ở núi, núi đó bị động đất nứt ở trên rồi, nhưng ở dưới người ta làm hang động: làm 48 động, lấy 48 Đại nguyện của đức Phật A Di Đà làm 48 hang động, hiện tại được hai mấy động rồi. Người ta dự kiến cứ khoảng 100 năm mở cửa một hang động mới đón khách, trong đó khắc tất cả Đại Tạng Kinh lên vách đá của hang động để trưng thờ. Lấy 48 Đại nguyện của đức Phật A Di Đà làm 48 hang động, được hai mươi mấy hang động rồi. Nghe nói năm 2037 hay 2038 họ sẽ mở cửa hang động tiếp theo để đón khách. Thiện Trang rất tiếc mình chưa có duyên qua để tận mắt chứng kiến, chỉ nghe nói lại như vậy.

Nên thực sự mà nói Phật pháp không thể diệt được, chỉ có thể diệt ở nơi này, không thể diệt ở nơi khác, các ngài sẽ đưa từ nơi này qua nơi khác. Ví dụ Phật pháp ở Việt Nam bây giờ ngắc ngoải vì người học trên ngọn nhiều, không học gốc. Nền tảng cơ bản của học Phật pháp có ba tạng chính: Một là Sanskrit, hai là tạng Pali, ba là Hán tạng. Bây giờ học tạng Sanskrit thì quá ít; Pali thì Nam truyền bên Myanmar họ học rồi, Việt Nam mình Nam truyền có mấy ai học tiếng Pali, mà tiếng Pali cổ chứ không phải Pali phiên âm, không có ai học được; Chữ Hán thì thua luôn, cho nên đời nay thực sự là buồn.

Nhiều người bảo Hoà thượng Lệ Trang làm bản gì đó ngài nói: “Cần gì làm, chư Tổ làm hết rồi, chỉ cần lấy của chư Tổ ra xài là được rồi”. Hán tạng là quá đủ rồi quý vị, thực sự là không thiếu một tư liệu nào, quý vị lục trong Hán tạng coi. Đại Tạng Kinh Hán tạng có 168 quyển, nhiều như vậy, quá nhiều Kinh như vậy. Nếu chúng ta lấy thêm Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, Vạn Tuc Tạng của Nhật Bản nữa thì tư liệu vô lượng vô biên, nếu như ai chịu khó học thêm bên ngoài của nhà Nho, nhà Đạo nữa thì thôi. Tư liệu xưa nay vềdạy tu thân, tề gia, trị quốc bình thiên hạ cho đến tu hành Phật pháp không có thiếu gì hết, nhưng giới trẻ ngày nay Tu sĩ hay tại gia cũng vậy đều không học, đối với Hán cổ không chịu thâm nhập. Không khó đâu quý vị, khó là tại vì mình không học, rồi vô mờ mờ đoán mò dịch nghĩa sai tới sai lui. Không phát tâm hoặc không học tới nơi tới chốn, chứ thật ra học tới nơi tới chốn là được. Không chịu học, không thân cận, thậm chí ngán, thích học thế gian, học cho mau.

Ví dụ quý vị học Đệ Tử Quy nhanh lắm, ba tháng là làm thầy người ta được rồi, nhưng quý vị học Phật giáo, kinh điển, học Kinh Vô Lượng Thọ, kinh điển Đại thừa mất mười năm thâm nhập mới được, không thì Hán cổ không rành, kinh điển không thông thì nói làm sao được, ngôn ngữ nhà Phật nhiều quá. Nên bỏ gốc tìm ngọn đi hái lá ăn trước cho nhanh, chứ không trồng cây để chờ đơm hoa kết quả, mà hái lá, có lá nào ra vặt ăn hết, thời nay là vậy đó. Chính vì vậy những điều hay như thế này dần dần không ai truyền, nên Phật pháp diệt thôi, đây là tâm mình biết như vậy.

Thực sự Thiện Trang nói nếu chịu khó học Hán cổ, không cần giỏi lắm, như những gì Thiện Trang chia sẻ có người học trước rồi. Thiện Trang chia sẻ bấy nhiêu đó, theo bản này nữa quý vị dịch trước đi, Thiện Trang giảng tới đâu Thiện Trang dò theo như vậy, quý vị theo chừng nửa quyển này thôi là giỏi Hán cổ rồi, không cần học gì hết, tự nhiên quý vị biết được. Thiện Trang giảng đây tuy không nói kỹ chỉ nói lược qua, quý vị có học rồi, quý vị nghe là biết chữ này tại sao là danh từ, tại sao là tính từ, biết như vậy dịch mới được. Không biết đâu là danh từ, đâu là tính từ, đâu là phó từ, đâu là đại từ, vô đó dịch mò thì sai, không có đúng được, Hán cổ mà!Không thể đúng được. Quý vị nghe lại những bộ cũ những người trước người ta dịch, thậm chí lúc đầu Thiện Trang dịch theo người ta, nhiều khi đoán mò dịch nên sai. Thực sự mình có học kho tàng của cha ông, rồi Hán Nôm, chữ Nôm của Việt Nam mình đâu thiếu, như của ngài Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Cao Bá Quát, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm v.v… nhiều lắm, có thiếu đâu. Học Hán cổ là vào được hết, mà không học thì thôi.

Thời nay Phật pháp diệt, thế gian pháp diệt, mai mốt không có ai cứu nữa vì dần dần học trên ngọn, “thuật nhi bất tác”- thuật lại mà không sáng tác. Thực sự người đời nay không có chịu khó, cứ hỏi các Tăng Ni trẻ bây giờ, người đi học viện Phật giáo đông đảo như vậy, học những gì? Học bên ngoài, học thế gian thôi, không có chịu học sâu vào phần này. Học để làm gì? Để lên giảng tốt đời đẹp đạo, cũng được! Còn thâm nhập sâu hơn đối với giải thoát sanh tử thì ít người đi, nên con đường chúng ta đi hiếm có. Thiện Trang cũng dở dở không giỏi gì, vô tình vào trong rừng hoa không có cây nào trổ bông hết, mình trổ ra một hoa xấu xấu thì bắt đỡ đem trưng, trưng là giảng Kinh, phiên dịch, hết cách rồi, ít người lắm. Mà những bạn trẻ bây giờ học vậy thôi, học ở trường Phật học thì làm gì được, phải tự mình học mà không chịu học. Rồi không chịu thân cận những Thiện tri thức, những người giỏi mình không dám gần, không chịu gần, tự mình học thôi. Học sợ mang tiếng là Đệ tử người ta, do học lén người ta, nên ngã quá cao, không có học được gì, đó là thời nay, thực sự mà nói: rất đáng buồn.

Thiện Trang nghĩ thôi, Phật pháp tới đâu hay tới đó, thời nay chúng sanh căn cơ như vậy, vì không có cảm nên không có ứng, Phật Bồ-tát chắc cũng có. Thiện Trang tin là có, nhưng trong đó chắc chắn có những người căn lành sâu dày, họ núp bóng trong đó, có những người âm thầm núp bóng, đợi họ học thành tựu, mười năm sau bước ra: họ thành tựu. Còn những người bước ra sớm thì chắc tương lai không có thành tựu, vì không có thời gian để học, không có thời gian để trau dồi. Người học cứ âm thầm học thôi, học một thời gian sau đó thành tựu. Kinh Vô Lượng Thọ cũng vậy, tu hành cũng vậy. Đa số những người ra hoằng dương sớm đều gãy cánh cả rồi. Quý vị thấy Tịnh Độ tông Việt Nam mình thôi, không nói ở đâu, bao nhiêu người ra hoằng dương Chánh pháp cũng nói là đi theo con đường Hoà thượng Tịnh Không v.v…. Cuối cùng có đi theo hay không? Một hồi vẽ con đường mới: tự mình đi.

Thực sự mà nói: rất đáng thương cho thời Mạt pháp, gọi là: “sở hận đồng sanh tượng quý, khứ Thánh thời diêu, Phật pháp sanh sơ, nhân đa giải đãi” đây là lời trong Quy Sơn Cảnh Sách. Sở hận là nuốt hận ở trong lòng, buồn thương; đồng sanh tượng quý là sanh vào cuối của thời kỳ Chánh pháp, bây giờ phải đổi lại đồng sanh Mạt pháp; khứ Thánh thời diêu: cách Phật đã xa; Phật pháp sanh sơ: Phật pháp bây giờ xa lạ, lưa thưa lớt thớt rồi; nhân đa giải đãi: người phần nhiều là giải đãi. Chữ „nhân đa“ và „đa nhân“ khác nhau nha quý vị, nhiều người không biết dịch. Đa nhân: chữ đa là số từ đứng trước nên dịch là nhiều người; nhân đa là người phần nhiều nên phải học Hán cổ mới dịch đúng. Nhân đa giải đãi là lòng người phần nhiều là giải đãi, đây là nói chúng ta phần nhiều giải đãi lười biếng. Đó là lời ngài tổ Quy Sơn viết cách đây gần 1200 năm rồi, còn bây giờ tệ hơn nữa, thật là đáng thương.

Chúng ta học được bảo bối Kinh Vô Lượng Thọ mà người nghe ít. Quý vị thấy vào Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú nhiều người ngán rồi, không nghe nổi, chạy mất tiêu, thích nghe thế gian thôi, không lọt lỗ tai. Cho nên là: “tục tình dị trưởng, chí đạo nan văn”. Nghĩa là: những gì mà thế gian dễ lớn mạnh, dễ học lắm nhưng đạo chí cao vô thượng khó nghe. Nên những ai đang nghe ở đây là chí đạo nan văn, quý vị thật tuyệt vời, tán thán quý vị, quý vị có thể học được như vậy là quá giỏi.

Trở lại với lời nói đầu: như vậy đoạn này nói là người thấy, người nghe hoan hỷ tin nhận, ở đây có thể nói là tín thọ phụng hành.

#Hành kiến Đại Kinh quang minh, thường chiếu thế gian: chữ #hành là phó từ là được chứ không phải động từ: làm.Những chữ đứng đầu câu hay là phó từ; phó từ được thấy, #kiến là thấy; #Đại Kinh tức là Kinh Vô Lượng Thọ; #quang minh tức là ánh sáng của Kinh Vô Lượng Thọ thường chiếu khắp thời gian; chữ #thường có nghĩa là thường thường là luôn luôn chiếu. Ở đây nói: được thấy quang minh của đại Kinh thường chiếu thế gian.

#Vô Lượng Thọ Kinh chi thiện bổn, ư tư khánh hiện: #Vô Lượng Thọ Kinh chi thiện bổn: chúng ta dịch ngược lại là bản hoàn thiện, bản hay của Kinh Vô Lượng Thọ; #Ư tư khánh thiện: chữ #ư có nhiều nghĩa nhưng ở đây là giới từ nghĩa là với; chữ#tư là nay, phó từ: bây giờ, chữ #ư tư dịch là từ nay; #khánh hiện có nghĩa là may mắn xuất hiện, #hiện là xuất hiện, #khánh là may mắn hay là hạnh phúc cũng được; may mắn xuất hiện từ đây. Tức là bản hoàn thiện của Kinh Vô Lượng Thọ may mắn, hạnh phúc vô bờ xuất hiện từ nay rồi.

#Thử thật vi hi hữu nan phùng chi đại sự nhân duyên dã: #thử là đây; #thật là thật; đây thật là, #vi là là đại sự nhân duyên, #hi hữu là hiếm có; #nan phùng là khó gặp. Đây thật sự là đại sự nhân duyên hiếm có khó gặp vậy, chữ #dã dịch là vậy cho hay hoặc là kết thúc đoạn (không dịch).

Quý vị thấy đã không? Đọc lại đoạn này quý vị có thấy mình hạnh phúc chút nào không?Do đó [từ khi] bản này ra đời đến nay, được giảng thuyết khen ngợi, lưu truyền khắp trong và ngoài nước (trong ngoài nước cũng được), người thấy người nghe, hoan hỉ tin nhận, được thấy quang minh của Đại Kinh, thường chiếu thế gian, bản hoàn thiện của Kinh Vô Lượng Thọ, may mắn xuất hiện từ nay, đây thật sự là đại sự nhân duyên hiếm có khó gặp.

Chúng ta gặp được rồi, Hoà thượng viết quá hay đúng không ạ.

(Trích trongbài giảng Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng – Lời Tựa Của Ngài Thích Tịnh Không – 004

Giảng giải: Thầy Thích Thiện Trang

Giảng ngày: 18.05.2022)

 

Hoan nghênh phổ biến & chia sẻ!

Trả lời 0