Responsive Menu
Add more content here...

Tập 5 – Bát Quan Trai Giới Giảng Yếu

BÁT QUAN TRAI GIỚI GIẢNG YẾU

Tập 5

 

Chủ giảng: Pháp sư thượng Định hạ Hoằng

Thời gian: Ngày 14 tháng 9 năm 2017

Giảng tại: Chùa Thiện Quả Lâm Tịnh Độ – Đài Loan

 

Trì giới là gốc,

Tịnh Độ là nơi trở về.

Quán tâm là điều quan trọng,

Bạn lành là nơi nương tựa.

 

Kính chào Pháp sư Pháp Liên từ bi, chư vị Pháp sư, chư vị liên hữu, kính chào mọi người. Mời bỏ tay xuống.

Sáng nay chúng tôi đã giảng giải tường tận về những tội tướng trộm cắp vật của Tam Bảo, chiều nay tôi muốn nói với mọi người vài công án, để cùng nhau sách tấn, khích lệ. Bởi vì trong Kinh Địa Tạng Thập Luân dạy: Trộm cắp tài vật của Tam Bảo, tội lỗi vô cùng sâu nặng, ngàn vị Phật ra đời cũng không thông sám hối. Trong Kinh Quán Phật Tam Muội cũng dạy: Trộm cắp vật của Tăng thường trụ, chính là vật thường trụ của Tăng thường trụ trong vật của Tăng, tài vật trong chùa, tội lỗi này nặng hơn cả tội giết 84 ngàn cha mẹ. Nghe điều này thật quá đáng sợ, giết một cha mẹ đã là tội nghịch rồi, phải đọa địa ngục A Tỳ ít nhất là một kiếp. Nếu giết 84 ngàn cha mẹ, vậy thì tối thiểu cũng phải ở trong địa ngục A Tỳ 84 ngàn kiếp. Một kiếp là một đại kiếp, thế giới này thành trụ hoại không một lần, gọi là một đại kiếp. Thời gian này, bản thân tôi đã từng tính toán, một đại kiếp khoảng 1,27 tỷ năm, lại nhân cho 84 ngàn, đây thật sự là con số rất lớn. Có người nói, thọ mạng của trái đất chúng ta không thể nào dài như vậy, trái đất cho đến hiện nay, nhà Thiên Văn học nói cho chúng ta biết chỉ có 4,6 tỷ năm, đã đến thời kỳ giữa rồi, trái đất có thành trụ hoại không, tương lai trái đất cũng sẽ nổ tung. Nếu thế giới phương này nổ tung, thì địa ngục cũng theo đó mà nổ tung mất rồi, vậy thời hạn đó của quý vị chưa hết thì phải làm sao? Trong Kinh Địa Tạng nói với chúng ta, địa ngục ở phương này bị hủy hoại rồi, bởi vì không còn nữa, nên phải chuyển đến địa ngục A Tỳ ở phương khác để chịu khổ, địa ngục phương khác hoại rồi, lại chuyển đến địa ngục A Tỳ khác, tóm lại, phải chịu hết nghiệp báo mới thôi. Cho nên việc này thật sự quá nghiêm trọng rồi.

Trong kinh nói như vậy, đúng là có sự thật này. Trong Kinh Đại Báo Ân nói: Có một hôm Tôn giả Đại Mục Kiền Liên, đây là đại đệ tử thần thông bậc nhất của đức Phật, Ngài dùng thiên nhãn thì nhìn thấy có một chúng sanh, trong thân có viên sắt nóng ra vào, viên sắt nóng bị nung cháy đỏ đó vào từ thân của người đó, vào từ thân trên, ra thân dưới, vào từ bên trái, ra bên phải. Mà chúng sanh này, thân hình của người đó cũng rất lớn, đi trong hư không, vừa đi vừa gào thét vô cùng đau khổ. Tôn giả nhìn thấy có một chúng sanh như vậy, đây là chúng sanh từ địa ngục ra, liền thưa thỉnh đức Phật: Rốt cuộc người đó đã tạo tội lỗi gì, mà dẫn đến kết cục như thế? Đức Phật liền nói: Người này trong thời Phật Ca Diếp đã làm Sa-di, ông ấy ở trong Tăng đoàn phụ trách trông coi vườn trái cây, vườn trái cây này là vật thường trụ của chùa. Sau đó thì ông ấy thấy trái cây chín rồi, sanh khởi một chút tâm hiếu, muốn cúng dường cho sư phụ của ông, thế là đã lén hái trộm bảy trái, đem đi cúng dường cho sư phụ ông, bản thân ông không ăn. Kết quả là bởi vì trộm cắp bảy trái cây của vật thường trụ, nên phải xuống địa ngục, mãi luân chuyển trong địa ngục, ra khỏi địa ngục thì biến thành chúng sanh ấy, được Tôn giả Mục Kiền Liên nhìn thấy, vẫn đang chịu khổ. Quá khứ trộm cắp trái cây, đại khái là loại trái cây tròn tròn như táo, anh đào, hiện nay trên thân bị sự đau khổ do viên sắt này ra vào thiêu đốt. Vì vậy, việc trộm cắp vật của thường trụ thật đáng sợ.

Trong Sa Di Luật Nghi Yếu Lược Tăng Chú ghi chép một công án như vậy, ở khu vực Phần Châu trong đời nhà Đường, có một ngôi tự viện là chùa Khải Phước, sư phụ trụ trì là Pháp sư Huệ Trừng, có một hôm Ngài bị bệnh nặng, rống tiếng bò rồi chết. Trong chùa có một vị Pháp sư khác là Pháp sư Trường Ninh, có một hôm, buổi tối nhìn thấy vị Pháp sư trụ trì Huệ Trừng đến, nhìn thấy hình dáng, sắc mặt đều vô cùng tiều tụy, đến nói với Ngài: “Bởi vì tôi dùng lẫn lộn tài vật của Tam Bảo, cho nên mới chịu khổ, khó mà nói hết”. Vị trụ trì nói: “Những tội lỗi khác cũng tương đối nhẹ, chỉ riêng trộm cắp sử dụng tài vật của thường trụ, thì tội này cực kỳ nặng, xin ông cố gắng cứu tôi”, Ngài đến cầu siêu độ. Thế là Pháp sư Trường Ninh liền tụng kinh sám hối tội lỗi cho Ngài, trải qua hơn một tháng, lại nhìn thấy vị Pháp sư Huệ Trừng này đến, nói rằng: “Nhờ có ông tụng kinh cho tôi, nên sự đau khổ đã được dừng lại rồi, hiện nay đã đến một nơi khác, nhưng cũng không biết đến khi nào mới có thể giải thoát”. Cho nên quý vị xem, đây là làm chấp sự trong đạo tràng, tội này thuộc về có lòng tốt dùng lẫn lộn vật của Tam Bảo. Ngài cũng không phải vì chính mình, nếu bản thân lấy trộm vật của thường trụ, đương nhiên là tội rất nặng. Bản thân Ngài cũng không được lợi ích gì, chỉ bởi vì không học giới, không biết về giới luật, dùng lẫn lộn vật của Tam Bảo (dùng vật của Phật thành vật của Pháp, dùng vật của Pháp thành vật của Tăng, dùng vật của Tăng mà không tác pháp yết ma, lại dùng thành vật của Phật, vật của Pháp), sau cùng trở thành kết cục như vậy.

Vì vậy, chúng ta ở trong đạo tràng phải thật sự đề cao cảnh giác. Người tổ chức, quản lý đạo tràng, cho dù quý vị không nhất định sẽ làm trụ trì, quý vị là một chấp sự nhỏ, cũng phải nghiêm túc học tập, học giới. Không nghiêm túc học giới, trộm cắp vật của thường trụ, việc này rất khó tránh khỏi. Cho dù quý vị nói tôi không làm chấp sự, tôi không làm gì cả, chỉ là một Tăng chúng, nếu quý vị không có những sự hiểu biết về giới luật, cũng khó đảm bảo sẽ không tùy tiện dùng lẫn lộn. Ví dụ quý vị lấy đồ vật của thường trụ cứu tế người nghèo, phát khởi một niệm từ tâm, cứu tế người nghèo, tưởng rằng đã làm một việc tốt. Nhưng đồ quý vị lấy là vật của thường trụ, bởi vì không chú trọng giới luật, không nghĩ đến, không đề khởi sự quán chiếu này, như vậy thì tạo tội nghiệp rồi, cho nên nhất định phải học giới. Học giới rồi, đương nhiên là có thể ngăn ngừa. Mọi người đừng nghe xong thì cảm thấy rất sợ hãi: “Tôi không đến đạo tràng nữa, đáng sợ quá!” Quý vị đã nghe buổi giảng hôm nay rồi, sau này chú ý cẩn thận hơn thì không sao, ở trong đạo tràng nghiêm túc tu hành, được nhiều công đức. Đặc biệt là trong đạo tràng như pháp như luật, có thần hộ pháp, thần hộ giới, giúp quý vị vĩnh viễn rời khỏi ma chướng. Oán thân trái chủ của quý vị muốn làm phiền quý vị, quý vị bước vào trong đạo tràng, ở đây có rất nhiều thần hộ pháp, thần hộ giới, bảo vệ rất tốt, họ sẽ không bước vào quấy rối quý vị, vậy thì quý vị tu hành được an ổn rồi. Cho nên học giới luật rồi, thì sẽ được lợi ích rất lớn, đặc biệt là chấp sự, làm công quả, chúng ta đều phải nghiêm túc học tập, chỉ có công đức, sẽ không phạm phải sai lầm, chẳng phải tốt lắm sao!

Nói xong những công án này, chúng tôi tiếp tục nói về “cụ duyên thành phạm”, thứ nhất là “hữu chủ vật”. Vật có chủ, đã giảng về “vật của Tam Bảo” rồi, tiếp theo chúng tôi nói đến “vật của người”. Vật của người, sáng nay cũng đã nói sơ lược, tức là hễ là vật thuộc về con người, trộm cướp mới phạm tội nặng. Nếu trộm vật của phi nhân hoặc vật của súc sanh, sẽ không phạm tội nặng, trừ khi vật của phi nhân và vật của súc sanh đều có chủ là người, vậy chính là phạm trộm cắp đối với người rồi. Vật đã trộm, nó có thể chia thành sáu trần, sáu giới. Bởi vì cảnh giới của những vật phẩm đã trộm là vô cùng rộng lớn, chúng tôi dùng cách phân loại lớn, để biết được một sự khái quát.

Sáu trần mà sáu căn của chúng ta đối diện, chính là sáu trần mà mắt tai mũi lưỡi thân ý đối diện, cũng sẽ phạm trộm cướp, sẽ có trường hợp phạm trộm cướp, là dùng sáu căn để phạm trộm cướp. Vật trộm cướp là sáu trần, ví như sắc trần mà mắt thấy, trong luật đã nói, nếu có một y sư, tức là họ tinh thông y thuật, họ có thể viết sách trường sinh bất lão. Có thể có một loại y tiên, tiên thuật, viết bộ sách này, những chữ viết này. Nếu người bệnh bị bệnh, sau khi nhìn thấy chữ này, thì lập tức khỏi bệnh, hoặc cũng là một loại bùa chú. Nếu nhìn thấy những chữ này thì khỏi bệnh rồi, phải trả tiền. Nếu chúng ta xem trộm, không trả tiền, chính là dùng nhãn căn để trộm, việc này cũng như vậy, đủ năm tiền kết tội nặng, xem họ thu bao nhiêu tiền. Hiện nay, đương nhiên chúng ta cũng có rất nhiều trường hợp này, ví dụ quý vị muốn xem điện ảnh, điện ảnh có vé vào cửa, tôi không mua vé, trà trộn thẳng vào xem điện ảnh, dùng nhãn căn phạm trộm cướp, cũng sẽ có. Xem ca múa, xem kịch, xem giải trí gì đó, dùng nhãn căn phạm trộm cướp. Thứ hai, dùng nhĩ căn phạm trộm cướp, tai đối diện là thanh trần, trộm âm thanh đó. Trong luật nói, ví dụ có y sư, họ có thể dùng chú để trị bệnh, tụng chú. Quý vị nghe chú này rồi, bệnh sẽ khỏi, vậy thì phải trả tiền. Nhưng nếu quý vị bị bệnh, đi nghe trộm chú đó, hoặc là học lén chú đó, tự mình niệm, niệm rồi, nghe rồi thì bản thân khỏi bệnh, không trả tiền như vậy cũng là phạm trộm cướp. Chúng ta hiện nay, ví dụ như âm nhạc, ca khúc có bản quyền, nếu quý vị nghe lén rồi, như vậy cũng là phạm trộm cướp. Cho đến quý vị nghe một buổi diễn giảng, nếu diễn giảng đó cũng có vé vào cửa, quý vị không mua vé mà đi thẳng vào thì phạm trộm cướp.

Còn có mũi, lưỡi, thân cũng như vậy. Cảnh giới đối diện, mũi ngửi hương, ngửi hương, phải trả tiền, không trả tiền thì phạm trộm cướp. Lưỡi nếm vị, ăn thức ăn, quý vị muốn ăn, không thể ăn không, phải trả tiền, không trả tiền thì phạm trộm cướp. Trong tiếng Anh nói là “There is no free lunch”, không có bữa trưa miễn phí. Nhưng Thiện Quả Lâm chúng ta thì có bữa trưa miễn phí, ăn miễn phí, không phạm trộm cướp. Những nơi khác, nếu họ phải thu tiền, thì không thể ăn không, nếu không thì đủ năm tiền cũng sẽ phạm tội nặng. Lưỡi nếm vị, những gì thân tiếp xúc, cũng như vậy. Giống như có cư sĩ muốn cúng dường, kêu tôi đi thủy liệu, thủy liệu chính là xúc, xúc thọ, ngâm trong nước. Tôi chưa từng làm, tôi liền từ chối khéo léo. Họ nói: “Làm thủy liệu rồi, thấy cơ thể nhẹ nhàng, thầy sẽ ngủ rất ngon, rất sâu”. Tôi liền cảm ơn, bởi vì tôi đã ngủ rất ngon, cho nên không cần làm thủy liệu cũng được. Nếu trong trường hợp này, quý vị làm thủy liệu không trả tiền, đều là xúc, trộm sự xúc thọ này, đó cũng là phạm trộm cướp. Còn có ý thức, cảnh giới ý căn đối diện là pháp trần. Dùng ý căn để phạm trộm cướp, là gì? Ví dụ trong luật nói, có một phương thuốc bí mật, chỉ cần tâm nhớ nghĩ đến phương thuốc bí mật này, thì sẽ khỏi bệnh. Nếu có người biết sự việc này, trong tâm họ lén nhớ nghĩ đến phương thuốc bí mật này, cũng là dùng ý căn để phạm trộm cướp. Những việc này đều có khả năng xảy ra, cho nên sáu căn đều có thể tạo tác phạm trộm cướp.

Vật đã trộm cũng bao gồm sáu giới, cũng gọi là sáu đại, sáu đại trong bảy đại mà Kinh Lăng Nghiêm nói đến: Đất, nước, lửa, gió, không, thức. Ba đại đất, nước, lửa này tương đối dễ hiểu. Trộm cướp ruộng đất, đương nhiên là phạm trộm cướp. Trộm cướp nước của người khác, ví dụ dòng nước của người khác, quý vị cố ý đào một con kênh, dẫn nước của người khác vào ruộng của chính quý vị để tưới tiêu; hoặc là ống nước của người khác, quý vị nối ống khác vào, dẫn đến nhà của quý vị rồi, những việc này đều thuộc về trộm nước. Còn có lửa, giống như bể chứa khí than, khí đốt thiên nhiên, đều là nhóm lửa, cần phải thu tiền, không trả tiền, lấy trộm thì phạm trộm cướp. Trộm gió, gió làm sao trộm? Trong luật nói rằng: Nếu cây quạt dùng chú gia trì quạt cho người khác, hoặc là lấy thuốc thoa lên quạt để quạt cho người khác, bệnh của họ sẽ khỏi, vậy thì phải lấy tiền, phải thu tiền. Nếu quý vị lấy trộm để quạt vài cái, trị khỏi bệnh của mình, như vậy cũng phạm trộm cướp. Không, hư không này làm sao trộm được? Trong luật nêu ra một ví dụ, ví dụ quý vị xây nhà ở thôn trang này, nhà này kề sát nhà kia. Nhà của quý vị xây tương đối cao, xây lên lầu ba, nhà bên cạnh chỉ có hai lầu, quý vị xây lên cao, xây đến lầu thứ ba, quý vị liền xây ngang qua, chiếm không gian của người khác rồi. Kết quả là người ta không thể xây lên được nữa, xem như quý vị trộm không của người ta, trộm cướp hư không của người ta rồi, trộm cướp phần không của người ta rồi, đây cũng là phạm trộm cướp. Còn có thức, thức chính là bản quyền tri thức mà chúng ta nói, hiện nay cũng rất phổ biến. Nếu là những tri thức của người khác cũng vậy, kỹ năng cũng vậy, sản phẩm cũng vậy, xin bản quyền rồi, chúng ta lấy trộm để sử dụng, mô phỏng, những việc này đều thuộc về phạm trộm cướp. Đây là vật trộm có rất nhiều rất nhiều trường hợp, khái quát lại có sáu trần, có sáu giới.

Vật có chủ thứ ba thuộc về phi súc vật”, nghĩa là vật của phi nhân hoặc vật của súc sanh. Vậy thì phải xem, ví dụ vật của phi nhân, của quỷ thần, như những vật ở miếu Thổ Địa vậy. Gần chỗ chúng ta có một miếu Thổ Địa, tôi cũng đến đó rồi, nơi đó có người cúng trái cây, cúng dường cho Thổ Địa thần đó. Giả sử miếu đó không có chủ quản, tức là một ngôi miếu ở bên ngoài, vậy thì chúng ta trộm đồ vật của phi nhân ở đó, lấy trái cây để ăn, hoặc lấy trộm những thiết bị trong đó, thì chính là phạm tội trung phẩm. Nếu có chủ quản, có người ở đó làm chủ nhân, vậy thì kết tội với người đó, thì có thể sẽ phạm tội nặng, tội thượng phẩm không thể sám hối.

Có thể có trường hợp như vậy, tuy ở đây là một miếu Thổ Địa, nhưng không biết có quỷ thần ở đây không. Vậy chúng ta không thể tùy tiện cho rằng: Dù gì ở đây chắc là không có quỷ thần, nên ta liền trộm cắp. Trong luật, là phải nghiệm tri thử xem. Nếu thật sự có quỷ thần, trong luật nói dùng gieo quẻ, bói quẻ, gieo thử xem, hoặc là xem có hiện tượng kỳ lạ nào xuất hiện hay không. Ví dụ, trong luật quy định, nếu chúng ta muốn chặt cây xây nhà, trước khi chặt cây, cây có thần cây, tối thiểu chúng ta phải đến đó trước ba ngày để cúng tế. Tức là tụng kinh, niệm Phật, quy y, chúc nguyện cho họ, xin họ dời nhà, nói rõ chúng ta phải dùng cây này rồi. Vậy thì sau ba ngày, trước khi chặt cây, trước tiên vẫn phải xem thử, có hiện tượng kỳ lạ gì xuất hiện không. Nếu lúc chuẩn bị chặt, nhưng lại có hiện tượng kỳ lạ xuất hiện, thì nói rõ vị thần ấy không muốn quý vị chặt, vậy thì quý vị không thể chặt, nói rõ có quỷ thần đang canh giữ. Ngoài ra, nếu là vật quỷ thần đến cúng dường cho chúng ta, thì có thể thọ dụng. Bởi vì họ đến cúng dường, đây không phải là trộm cắp, cũng sẽ có trường hợp này. Cũng giống như năm xưa Luật sư Đạo Tuyên ở núi Chung Nam dụng công tu hành, thiên thần đều đến cúng dường, việc này có khả năng xảy ra.

Vật của súc sanh cũng theo nguyên tắc này, chính là xem nó có chủ hay không. Nếu có chủ, ví dụ đây là một con thú cưng, nó có chủ nhân, đồ vật của thú cưng này chính là vật của chủ nhân. Chó con mèo con hiện nay, có khi còn mặc quần áo, đeo những loại như anh lạc. Nếu quý vị trộm cắp, chính là trộm cắp đối với chủ nhân của nó rồi, vẫn vậy, đủ năm tiền thì kết tội nặng. Nếu súc sanh này không có chủ nhân, là thú hoang dã, hoặc là như con chó lang thang, không có chủ nhân. Nếu quý vị trộm cắp vật của nó, thì cho dù đủ năm tiền cũng sẽ không kết tội nặng, chỉ kết tội hạ phẩm. Nhưng nếu là vật mà súc sanh đã vứt bỏ rồi, không cần nữa, thì cũng có thể lượm lại, vậy thì trở thành vật vô chủ rồi. Ví dụ, giả sử Tỳ-kheo khất thực không được, đi lượm thức ăn còn dư của sư tử. Bởi vì khi Phật tại thế, không quy định Tỳ-kheo không được ăn thịt, cho nên họ nhìn thấy những miếng thịt mà sư tử ăn dư, họ lượm để ăn, ăn những thức ăn dư đó thì không phạm, nhưng phải là thức ăn còn dư mới được. Thức ăn còn dư thông thường phải là “thức ăn nguội lạnh”, thịt đó đã nguội lạnh rồi, sư tử sẽ không ăn nữa. Nếu thịt vẫn còn ấm, vậy quý vị không thể nói sư tử không cần nữa thì tôi lấy ăn, vậy sẽ phạm trộm cắp vật của sư tử, tức là sẽ phạm tội hạ phẩm. Đồng thời cũng có thể tiếp nhận cúng dường của súc sanh, giống như khi đức Phật tại thế, có con khỉ hái mật trên cây để cúng dường Phật, Phật cũng tiếp nhận, như vậy thì được. Đây là nói đến ba trường hợp của “vật có chủ”.

Đặc biệt nói thêm về duyên thứ hai “nghĩ là vật có chủ”. Đó là vật có chủ, vậy nếu ta nghĩ là vật có chủ, như vậy mới phạm trộm cướp. Nếu ta cho rằng đó là vật vô chủ, đương nhiên sẽ không phạm. Cho rằng đó là một vật bị vứt bỏ, phế thải không ai cần, lượm vật đó thì không phạm. Ý nghĩ này, nếu trước sau đều nghĩ là vật vô chủ, không thay đổi ý niệm, đương nhiên là không phạm giới. Nếu có chuyển tưởng, có chuyển tưởng tức là ban đầu nghĩ là vật có chủ, sau đó vào lúc trộm cắp thì chuyển sang nghĩ là vật vô chủ rồi, đã chuyển ý niệm, cho rằng đây là vật vô chủ, lấy đi như vậy thì xem như không phạm trộm cướp. Nhưng xét về ý niệm trước nghĩ là vật có chủ, niệm đó phải kết tội, kết tội gì? Kết một tội phương tiện. Tức là niệm đó của họ vẫn chưa trở thành phạm phải tội căn bản, phạm tội căn bản là chỉ “cử ly bổn xứ”, cầm vật đó lên, dời khỏi chỗ ban đầu mới phạm tội căn bản. Nếu vật này đủ năm tiền thì phạm tội nặng; bốn tiền, ba tiền phạm tội trung phẩm; một tiền, hai tiền phạm tội hạ phẩm; dời khỏi chỗ ban đầu thì phạm tội căn bản. Bởi vì tâm niệm trước của họ nghĩ là vật có chủ, muốn trộm cướp, nhưng vẫn chưa trộm thành công thì chuyển ý niệm rồi, thì thay đổi ý nghĩ thành vật vô chủ rồi, cho nên tâm niệm trước không phạm đến tội căn bản, đã kết thúc rồi, chỉ dừng lại ở tội phương tiện. Tội phương tiện đó, nếu giá trị này là năm tiền, tội phương tiện này chính là tội trung phẩm. Nếu giá trị này là bốn tiền, ba tiền, vậy thì hạ xuống một bậc, tội phương tiện của họ chính là tội hạ phẩm, cách phán là như vậy.

Vậy nếu đổi ngược lại, niệm trước nghĩ là vật vô chủ, niệm sau thay đổi ý nghĩ thành vật có chủ rồi, như vậy mà dời nó khỏi chỗ ban đầu, nếu vật đó đủ năm tiền, thì xin hỏi phạm tội thượng phẩm hay trung phẩm? Là thượng phẩm rồi. Bởi vì tâm niệm vào lúc quý vị đang trộm cắp, chính là có ý nghĩ vật có chủ mà phạm trộm cắp, phù hợp với sáu duyên đầy đủ, phán tội nặng. Ý niệm trước vốn không có tội, nghĩ là vật vô chủ, vậy thì không tính. Cho nên sự chuyển tưởng này, chính là xét ý niệm vào lúc quý vị phạm trộm cắp là ý niệm gì, dùng niệm đó để phán tội. Nếu niệm trước là vật có chủ, không phạm đến căn bản, chỉ phán đó là tội phương tiện.

Tiếp theo là duyên thứ ba “có tâm trộm”, phải nói đến tâm trộm này. Căn cứ Luật Tứ Phần chia tâm trộm cướp có năm loại:

– Thứ nhất là “tâm hắc ám”;

– Thứ hai là “tâm tà”;

– Thứ ba là “tâm khúc lệ”

– Thứ tư là “tâm khủng khiếp”;

– Thứ năm là tâm luôn muốn trộm cướp vật của người khác”.

Năm loại tâm này đều thuộc về “tâm trộm”.

Thứ nhất là “tâm hắc ám”, tâm hắc ám chính là tâm ngu si. Cũng tức là không học giới luật, vốn dĩ không biết làm như vậy là không như pháp, nhưng việc này có thể thông qua học tập mà biết được. Nếu chúng ta không học tập, không biết, đây là thuộc về tâm ngu si, ngu muội về giới luật. Gặp phải vật có thể trộm cướp thì khởi lên tâm trộm, rồi đến lấy trộm, bản thân cũng mù mờ không biết như vậy là phạm giới. Nhưng trên thực tế thì họ có tâm trộm, nhưng họ không biết làm vậy là phạm giới, trường hợp này gọi là tâm hắc ám.

Tôi đã gặp rất nhiều người như vậy, sau khi phạm giới rồi rất hối hận: “Con không biết như vậy là phạm giới”. Vậy là không được, đây là tâm hắc ám, không biết là phạm giới nhưng họ cũng phạm rồi, nhân quả không sai chạy. Ví dụ nói đến điều “giới dâm” này, tôi gặp được một đồng tu, học Phật cũng rất tinh tấn. Đến chùa làm công quả, phát tâm thọ Bát Quan Trai giới, thời gian thọ giới ví dụ như một tháng, thọ giới thời gian dài. Trong Bát Quan Trai giới yêu cầu đoạn hoàn toàn dâm dục, giống như người xuất gia vậy. Anh ấy có vợ, kết quả là giữa kỳ anh ấy xin phép về nhà, anh ấy đã quên mất về việc mình đã thọ Bát Quan Trai giới, sau khi quên rồi, trở về nhà rồi cùng vợ làm chuyện vợ chồng. Sau khi quay về chùa nghe giảng giới luật, nghe được rồi, “con không biết thì ra đây cũng là phạm giới”, mà còn phạm tội nặng, tội thượng phẩm không thể sám hối. Kết quả là anh ấy cũng vô cùng hối hận buồn rầu. Như trường hợp này, nếu quý vị về nhà, gặp tình huống này, thì cần phải xả giới, xả điều giới dâm này. Bởi vì trong Ngũ giới có thể cho phép vợ chồng chánh dâm, Bát Quan Trai giới thì không cho phép.

Đương nhiên là công đức thọ Bát Quan Trai giới lớn hơn công đức thọ Ngũ giới rất nhiều. Trong kinh nói: Thọ trì Bát Quan Trai giới một ngày một đêm, hơn cả thọ Ngũ giới trọn đời. Mọi người đã thọ Ngũ giới trọn đời, cũng thọ mấy ngày Bát Quan Trai giới rồi, công đức nào lớn hơn? Căn cứ lời dạy trong kinh, công đức thọ Bát Quan Trai giới một ngày một đêm vượt hơn công đức thọ Ngũ giới. Trong kinh nêu ra một ví dụ, ví dụ như phải tấn công tường thành của quân địch. Giả sử một quân đội tấn công đã rất lâu cũng không tấn công vào thành được, quân địch thủ thành rất vững chắc, năm này tháng nọ cũng không tấn công được. Sau đó, đổi thành một đội là bộ đội đặc chủng vô cùng tinh nhuệ, trong một ngày một đêm đã tấn công phá được tường thành rồi. Bộ đội đặc chủng này đại diện cho Bát Quan Trai giới, quân đội tấn công lâu rồi cũng không được là Ngũ giới, quân địch này chính là ma quân phiền não. Đó là bởi vì Bát Quan Trai giới trực tiếp cầu xuất thế, cầu giải thoát, bởi vì luân hồi lấy dâm dục làm căn bản, đoạn dâm cầu giải thoát, là nhân chân thật của giải thoát. Đây là đối với chúng sanh trong Dục giới chúng ta, có thể trì Bát Quan Trai giới một ngày một đêm, công đức này vô cùng thù thắng. Vì vậy, trong Kinh Vô Lượng Thọ đã nói rồi, có thể trì Bát Quan Trai giới một ngày một đêm, niệm Phật tối thiểu là được trung phẩm trung sanh.

Thật đáng tiếc cho anh đồng tu ấy, có lòng tốt đến thọ giới, kết quả là về nhà đã phá giới, không biết giới luật, mang đến sự hối hận buồn rầu rất sâu. Sau đó anh ấy cũng trở về rồi, không muốn ở trong chùa nữa. Anh ấy hỏi tôi sám hối như thế nào? Tôi chỉ biết nói với anh ấy, trong luật chỉ có thể thủ tướng sám, thủ tướng sám được thấy hảo tướng, mới có thể xuất tội. Đương nhiên là những giới khác chưa phá, tiếp tục thọ trì, những giới thể khác vẫn còn, giới thể của điều giới này không còn nữa, giới dâm này của Bát Quan Trai giới bị phá rồi. Nhưng Ngũ giới thì chưa phá, bởi vì giới dâm trong Ngũ giới là cho phép vợ chồng chánh dâm, chưa phá điều giới này, chưa phá Ngũ giới, phá Bát Quan Trai giới rồi. Nhưng sau khi phá giới thể này, quý vị muốn thọ lại tăng ích giới của Ngũ giới, Bát Quan Trai giới, hoặc là thọ Bồ-tát giới, cho đến muốn xuất gia, thọ giới Sa-di, giới Tỳ-kheo, đều không đắc giới. Những giới đã thọ thì vẫn còn, có thể giữ gìn, thọ thêm thì không đắc giới, sự việc là như vậy. Điều này thuộc về tâm hắc ám, không học giới, cho nên có ảnh hưởng rất lớn đối với tư tưởng của chính anh ấy. Quý vị nói niệm Phật, nếu cứ nghĩ đến bản thân “tôi là người phá giới”, vô cùng suy sụp, bản thân sẽ bị lương tâm khiển trách, vậy thì tâm sẽ bất an.

Đương nhiên quý vị khẩn cầu sám hối, Phật Bồ Tát cũng sẽ thương xót mà gia trì, khiến quý vị mau chóng thấy hảo tướng. Như lạy Chiêm Sát Sám được luân tướng thanh tịnh, thì thấy hảo tướng rồi, vậy thì có thể thọ giới lại. Hoặc quý vị chuyên lạy A Di Đà Phật cũng được, nhìn thấy A Di Đà Phật rồi, đây cũng là thấy hảo tướng, cũng có thể thọ giới lại. Nhìn thấy A Di Đà Phật, đương nhiên cũng rất thù thắng. Trong kinh nói: Niệm đến một ngày một đêm nhất tâm bất loạn mới có thể thấy Phật, vậy khi quý vị lâm chung cũng chắc chắn được vãng sanh. Nhưng niệm một ngày một đêm nhất tâm bất loạn vốn không dễ dàng, còn khó hơn Chiêm Sát Sám được luân tướng thanh tịnh, lãnh hội của tôi là như vậy. Có rất nhiều người nghe tôi đề xướng Chiêm Sát Sám thì họ hiểu lầm, hình như nói tôi đề xướng Chiêm Sát Sám, dạy mọi người đừng niệm A Di Đà Phật, đừng lạy A Di Đà Phật nữa, chỉ lạy Địa Tạng Bồ-tát là được rồi. Thậm chí còn nghe nói có người từ bỏ tượng A Di Đà Phật rồi, thỉnh tượng Địa Tạng Bồ-tát về, nói là Pháp sư Định Hoằng nói, dạy chúng tôi chỉ lạy Địa Tạng Bồ-tát, đừng lạy A Di Đà Phật. Tôi nói trước nay tôi chưa từng nói như vậy, tôi nói Chiêm Sát Sám là một trợ hạnh để mọi người tu thập thiện nghiệp, sám hối tội nghiệp, hỗ trợ quý vị niệm A Di Đà Phật được tốt hơn, giúp quý vị vãng sanh thuận lợi hơn. Không phải kêu quý vị từ bỏ A Di Đà Phật, thờ Địa Tạng Bồ-tát, đây cũng không phải bổn nguyện của Địa Tạng Bồ-tát, Chiêm Sát Sám đến sau cùng cũng là hồi hướng vãng sanh Tịnh Độ, người đã từng lạy đều biết. Cho nên ở đây phải làm sáng tỏ chút, tuyệt đối đừng hiểu lầm, cho nên ở đây làm sáng tỏ chút.

Vì vậy, thứ nhất là tâm hắc ám thuộc về tâm trộm, thứ hai là “tâm tà”, chính là tâm tà mạng, dùng tâm nịnh hót để mưu đoạt tài vật của người khác, dùng tâm tà này cũng phạm trộm cướp. Ví dụ quý vị dùng cách thức hối lộ, mưu cầu được chức quan của quý vị, khi làm chức quan này, quý vị vơ vét của cải xương máu của nhân dân, lấy lại hết số tiền quý vị đưa hối lộ, những việc đó đều phạm trộm cướp. Ngoài ra, chính là người xuất gia, nếu chúng ta dùng tâm tà khúc để phan duyên với người tại gia, với những trưởng giả phú quý tại gia, hy vọng nhận được sự cúng dường của họ, dùng tâm này – tâm tà mạng, thì tất cả lợi dưỡng có được đều là phạm trộm cướp. Phật pháp là phải dùng tâm cầu giải thoát chân thành, tâm từ bi lợi ích chúng sanh để tu học, như vậy tụng kinh cũng được, bái sám cũng được, niệm Phật cũng được, làm tam thời hệ niệm cũng được, vậy mới có công đức chân thật. Nếu chúng ta dùng tâm nịnh hót đó, thông qua kinh sám, thông qua pháp hội này, để có được lợi dưỡng, cúng dường của đại chúng, lợi dưỡng có được đều thuộc về phạm trộm cướp, đây là do tà mạng mà có được. Cho nên cũng đặc biệt phải lưu ý điều này.

Tiếp theo, thứ ba là tâm khúc lệ”. Khúc lệ, “lệ” chính là chữ lệ trong ngận lệ, đó chính là tâm sân hận. Ví dụ khi tôi được chút ít cúng dường của người khác thì tôi nổi giận, sao anh cho tôi ít như vậy? Hiện ra tướng sân hận. Hoặc là thậm chí dùng thế lực để dọa nạt, khiến cho đối phương cảm thấy không hay rồi, mau chóng cúng dường nhiều thêm một chút, quý vị làm như vậy thì trở thành dùng tâm khúc lệ để đoạt lấy, đều thuộc về loại cưỡng đoạt của cải.

Đương nhiên loại thứ tư cũng gần như vậy, tâm khủng khiếp”, tâm khủng khiếp lại càng là cưỡng đoạt của cải. Ví dụ người có quyền có thế này muốn nhận sự cúng dường của người khác, lớn tiếng nói: Nếu anh không cúng dường tôi, anh cứ chờ xem, anh xem anh có kết cục gì, đe dọa họ, những gì có được đều là phạm trộm cướp. Vậy người xuất gia chúng ta, bởi vì không có tiền không có thế, không có thế lực này, nhưng có thể dùng pháp để thực hiện phương thức đe dọa này. Ví dụ như, nếu anh không cúng dường tôi, tương lai anh sẽ xuống địa ngục, đây cũng là tâm khủng khiếp. Hễ có tâm này đều là phạm trộm cướp, đều là tâm trộm.

Thứ năm, tâm luôn muốn trộm vật của người khác”, tâm trộm tài vật của người khác. Trong lòng luôn ẩn chứa tâm thái muốn chiếm phần lợi của người khác, lấy trộm vật của người khác, những tài vật có được đều là phạm trộm cướp. Cho nên năm loại tâm này, tâm hắc ám, tâm tà, tâm khúc lệ, tâm khủng khiếp, tâm luôn muốn trộm vật của người khác, hết thảy đều thuộc về tâm trộm, những điều này giúp chúng ta nhận rõ duyên thứ ba “có tâm trộm”, đây chính là nghiệp mà điều giới này đối trị. Nghiệp từ đâu có? Bởi vì có tâm thì sẽ có nghiệp, cho nên phải đối trị tâm ác này.

Tiếp theo, duyên thứ tư “là vật có giá trị”, tức là năm tiền trở lên. Năm tiền đó giá trị bao nhiêu thì hôm trước đã nói, có ba tiêu chuẩn, đều khác nhau.

– Có trường hợp căn cứ vào luật của nước Vương Xá, khi đó dùng tiền gì, trường hợp này không cách nào tính ra được.

– Trường hợp thứ hai là “tùy theo chỗ có Phật pháp, dùng tiền thế nào”. Ví như ở Đài Loan, thì lấy Đài tệ làm đơn vị tiền, năm tiền chính là năm Đài tệ, đây là cách phán xét tương đối nghiêm khắc.

– Trường hợp thứ ba “tùy theo chỗ có Phật pháp, theo phép nước trộm bao nhiêu thì phán tội chết”, phạm tội tử hình, điều này đương nhiên là khá nới, mỗi quốc gia cũng khác nhau.

Đối với sự nhiếp hộ luật nghi của chúng ta mà nói, với sự hành trì mà nói, cần phải từ cấp”, tức là phải dùng cách phán mạnh nhất, nghiêm nhất. Năm Đài tệ chính là phạm tội nặng, như vậy thì chúng ta không dám, chỉ cần có tâm trộm, vừa dời nó khỏi chỗ ban đầu, xác định vật này trị giá năm tiền, thì phạm giới trọng, cho nên không dám. Trong hành trì phải nghiêm, phải mạnh, cho nên khiến cho tâm trộm được áp chế triệt để. Nhưng khi phán tội cũng nên “thông”, nới, điều này thì phải xem Luật sư rồi. Chúng ta thọ trì không thể nới, “dù gì tôi lấy vật này cũng sẽ không phán tội chết, lấy thôi”, như vậy là sai rồi, tâm này chính là nghiệp nhân địa ngục. Trong luật nói, cho đến cỏ và lá cũng không được trộm, một cây kim, một cọng cỏ, một chiếc lá cũng không thể phạm trộm cắp. Bởi vì tiền tài này có giá trị thay đổi lên cao xuống thấp, hôm trước cũng đã giảng qua. Nếu khi tiền tài này mắc, quý vị lấy trộm, ví dụ như thủ xích này, đúng lúc năm nay thủ xích này rất mắc, mọi người đều kê cao giá, lúc này quý vị phạm trộm cắp, nó trị giá năm tiền. Năm sau thủ xích này được sản xuất rất nhiều, nên giá cả đã hạ thấp xuống, không trị giá năm tiền nữa, nhưng phải xét giá trị vào lúc quý vị phạm trộm cướp.

Lại nữa, giả sử tôi lấy trộm nhiều lần, nếu mỗi một món đồ đều trị giá bốn tiền, ví dụ như có mười món đồ, lần đầu tiên tôi trộm một món, vậy thì phạm tội trung phẩm. Lần thứ hai lại đi trộm một món, lại phạm một tội trung phẩm, cứ thường xuyên lấy trộm như vậy, mỗi lần phạm một tội trung phẩm. Đây là bởi vì sau khi tôi trộm lần đầu, tôi không có tâm nghĩ đến muốn trộm lần thứ hai nữa, khoảng giữa có tâm gián đoạn, cứ lấy trộm nhiều lần như vậy, đều dựa theo mỗi lần mà phán, vậy thì mỗi lần đều kết một tội trung phẩm. Nếu tâm này của tôi là liên tục, tôi lên kế hoạch xong rồi, tôi chuẩn bị trộm liên tục ba lần, mỗi lần chỉ trộm một phần ba, ba món đồ, mỗi lần tôi chỉ trộm một món, trộm đủ ba món mới thôi. Ba món đồ, đương nhiên mỗi món bốn tiền, tổng cộng là 12 tiền, vậy thì hơn năm tiền rồi, tâm này là tâm tương tục đi trộm cắp, vậy thì trộm đến khi nào đủ năm tiền thì kết tội nặng. Tuy cũng là trộm thường xuyên, trộm nhiều lần, nhưng tình huống khác nhau. Tức là xét theo tâm của quý vị, tâm thái đó của quý vị là gì? Là muốn lấy trộm liên tục, hay là tôi trộm một lần, tôi không muốn trộm lần thứ hai nữa, nhưng lần thứ hai tôi vẫn muốn trộm, không muốn trộm lần thứ ba, tâm gián đoạn như vậy, trường hợp này thì định tội theo mỗi lần. Mọi người hiểu không? Cho nên ví dụ như, mỗi lần trị giá bốn tiền, có ba món đồ, vậy nếu tôi có tâm tương tục muốn trộm hết ba món đó mà lấy trộm, trộm đến lần thứ mấy thì phạm tội nặng? Lần thứ hai thì phạm tội nặng, không cần phải trộm hết ba lần, lần thứ hai thì phạm tội nặng, lần thứ ba càng phạm tội nặng. Nhưng tôi có tâm gián đoạn, tôi chỉ lấy trộm một lần, vậy trộm món đồ thứ nhất là bốn tiền. Lần thứ hai nghĩ tôi vẫn muốn một món, lại lấy trộm một lần, đó cũng là bốn tiền. Lần thứ ba suy nghĩ vẫn muốn trộm, lần thứ ba cũng là bốn tiền, ba lần đều là tội trung phẩm, chính là ba tội trung phẩm. Vậy nếu dùng tâm tương tục thì sao? Chỉ phạm một tội thượng phẩm.

Lại có trường hợp phạm trộm cướp, cũng không nhất định là bản thân có được, lấy được, chiếm hữu vật đã trộm được. Trong Luật Tứ Phần nói, nếu là thiêu, chôn, phá hoại; hoặc là bảo người khác thiêu, chôn, phá hoại, trường hợp này cũng phạm trộm cướp. Ví dụ bản thân tôi tuy không có tâm chiếm đoạt nhà cửa của người này, xâm chiếm nhà cửa là chiếm đoạt rồi, đương nhiên là phạm trộm cướp. Tôi không có tâm chiếm đoạt, nhưng tôi muốn đốt căn nhà này, đốt nó rồi, ý nghĩa xâm tổn đối với người khác là như nhau, cho nên cũng là phạm tội thượng phẩm không thể sám hối. Hoặc là chôn rồi, ví dụ như người ta có một bảo vật rất tốt, tuy rằng bản thân quý vị không lấy, nhưng quý vị chôn giấu đi, không cho họ, khiến họ chịu sự tổn hại, cũng như vậy. Còn có phá hoại, chính là đập vỡ. Một quả cầu thủy tinh của người khác rất đẹp, quý vị đập bể nó rồi, bản thân cũng không có được, nhưng sự não hại đối với họ là như nhau, phạm trộm cướp, đủ năm tiền thì kết tội nặng. Tự mình làm như vậy, bảo người khác làm như vậy, cũng đều như nhau.

Lại nữa, nếu nhiều người sai khiến một người, phái một người đi trộm cướp năm tiền, sau khi trộm rồi nhiều người chia cho nhau. Ví dụ, có năm người, nhưng bốn người trong năm người đó phái người thứ năm đi trộm cướp, trộm cướp được năm tiền về, sau đó chia mỗi người một tiền. Mỗi người được một tiền, xin hỏi họ phạm tội gì? Hạ phẩm, trung phẩm hay thượng phẩm? Một người chỉ được một tiền, là tội thượng phẩm, năm người cùng phạm tội thượng phẩm không thể sám hối. Vì sao vậy? Bởi vì năm người cùng trộm cướp, năm người cùng trộm cướp, năm tiền đã trộm cướp về tuy là chia ra mỗi người lấy không đến năm tiền, nhưng tập thể quý vị cùng gây án, trộm cướp được năm tiền, vậy là tất cả mọi người đều phạm tội nặng. Không chỉ là năm người, năm trăm người, năm ngàn người cùng phái một người chỉ cướp được năm tiền, năm trăm người, năm ngàn người này đều phạm trộm cướp năm tiền, đều là tội thượng phẩm không thể sám hối, cách phán là như vậy. Còn có một trường hợp, nếu năm người này, năm người đều đưa một tiền giao cho một người giữ tiền, người giữ tiền này nhận năm tiền rồi. Nếu như lúc này tôi lấy trộm năm tiền đó, vậy thật ra đối với mỗi chủ nhân ban đầu đều chỉ trộm một tiền thôi phải không, vậy xin hỏi tôi trộm năm tiền này, là phạm tội hạ phẩm trộm một tiền, hay là tội thượng phẩm trộm năm tiền? Vẫn là năm tiền. Việc này là kết tội với người giữ tiền, cách phán xét là như vậy. Đây là nói đến trường hợp “là vật có giá trị”.

Duyên thứ năm là khởi phương tiện”, còn có duyên thứ sáu cử ly bổn xứ”, điều này cũng phải nói qua. Nếu khởi tâm trộm rồi, muốn trộm cắp mà chưa lấy trộm, thì phạm tội hạ phẩm. Tội hạ phẩm này nghiêm khắc mà nói, vẫn phải chia làm hai trường hợp. Thứ nhất là bởi vì phiền não tập khí nên không kìm lòng được mà khởi tâm trộm, lúc này lập tức điều phục, bấy giờ có thể trách tâm sám hối là được rồi, tội hạ phẩm này thuộc về tội phương tiện xa của tội nhẹ. Trường hợp còn lại là cố ý khởi tâm trộm, nhìn thấy đồ vật muốn trộm cắp, niệm niệm tương tục, nhưng thân khẩu vẫn chưa hành động, lúc này thì phải tác đối thú sám hối của tội hạ phẩm. Tội hạ phẩm phải đối thú sám hối, là đối trước một vị Pháp sư sám hối, không thể chỉ ở trước Phật trách tâm sám, bởi vì họ cố tâm, tức là cố ý khởi tâm.

Căn cứ vào ý nghĩa của cử ly bổn xứ”, tức là trở thành phạm tội trộm cướp căn bản, cũng có thể chia thành nhiều trường hợp khác nhau.

– Thứ nhất, văn thư thành biện ly xứ”, căn cứ lúc văn thư thành tựu để phân biệt có phải là lìa chỗ ban đầu hay không, tức là trở thành phạm tội căn bản giới trộm cướp. Ví dụ như xâm chiếm ruộng đất của người khác, vậy quý vị viết khế ước, văn thư, khi mới bắt đầu đặt bút chính là tội hạ phẩm rồi. Cứ viết cứ viết, viết đến khúc giữa chính là tội trung phẩm. Viết cho đến câu cuối cùng, chấm hết, vừa viết xong thì chính là tội thượng phẩm, đó xem như là lấy khỏi chỗ ban đầu rồi, chiếu theo văn thư hình thành, chính là phạm tội thượng phẩm.

– Thứ hai là lập ngôn giáo” để biện ly xứ, không nhất định dùng văn thư, mà dùng ngôn ngữ cũng được. Ví dụ như quý vị xâm chiếm ruộng đất của người khác, quý vị trực tiếp dùng miệng nói: Đây là đất của tôi. Dùng tâm trộm để xâm chiếm như vậy, lớn tiếng nói: Đây là đất của tôi. Lúc này chủ nhân của miếng đất đó, nếu cho rằng chắc chắn mất rồi, vậy thì hình thành tội thượng phẩm không thể sám hối. Ví dụ quý vị là vị quan hô mưa gọi gió, xâm chiếm ruộng đất của người khác mà người khác không dám nói, dám giận chứ không dám nói, quý vị nói đất của quý vị thì đành phải chịu đất của quý vị rồi, họ sanh tâm quyết định, đây chính là của quý vị rồi, lúc này thì phạm tội nặng, lời nói vừa thốt ra thì phạm tội nặng. Chủ đất này, nếu chủ đất sanh lòng nghi: Anh nói là đất của anh, có thật không? Sanh nghi, lúc này vẫn chưa kết tội thượng phẩm, chỉ kết tội trung phẩm. Nếu vào lúc này, bởi vì chủ đất có lòng nghi, họ liền thỉnh giáo một người có uy quyền. Ví dụ như có tranh chấp về ruộng đất, không biết ranh giới của ruộng đất này rốt cuộc là ở đây, hay là ở kia? Thỉnh giáo một người có uy quyền phán định, đến thỉnh giáo quý vị rồi. Hoặc là người muốn cướp đất đó đã sớm liên kết với quý vị rồi, điều này có khả năng, nếu có thể gạt được miếng đất, họ sẽ cho quý vị một phần quà, trước đó mọi người đã giao ước rồi. Sau đó chủ đất đến hỏi quý vị: “Ranh giới đất rốt cuộc là ở đây sao?” Quý vị nói: “Đúng vậy, là thuộc về anh ấy”. Vừa nói “đúng vậy”, người đó không sanh nghi nữa, quý vị cũng đã nói như vậy, thế thì đất thuộc về anh ấy rồi, miếng đất đã bị anh ấy gạt, bị gạt mất rồi. Lúc này, người phạm giới trộm cướp đó bị kết tội nặng. Quý vị là một người có thẩm quyền trong việc phán định, đồng thời cũng bị kết tội nặng. Vậy quý vị nói tôi rất oan uổng, tôi không có được miếng đất đó, thậm chí có thể tôi không được lợi ích gì từ anh ấy, chỉ là tôi cảm thấy cho anh ấy một ân tình. Không được, ý não hại của quý vị đối với chủ đất cũng là như nhau, đều phạm tội nặng.

– Tiếp theo nói di tiêu tướng” để biện ly xứ. Ví dụ cột mốc ranh giới, quý vị muốn chiếm nhiều một chút, mở rộng cột mốc ra, bao quanh cả miếng đất của người khác rồi, giây phút dời cột mốc đó là phạm tội nặng. Việc dời cột mốc này, trong luật quy định vô cùng vi tế, bởi vì ranh giới đất có sợi dây buộc lại hai đầu. Nếu quý vị chỉ dời một đầu, là tội trung phẩm; dời cả hai đầu thì trở thành tội thượng phẩm, phạm tội căn bản rồi. Chỉ dời một đầu, là tội phương tiện của trung phẩm.

– Còn có một trường hợp dị sắc”. Ví dụ như quần áo và đồ dùng của người khác, quý vị hủy hoại phi lý, biến nó thành màu khác. Một chiếc áo rất quý giá của người khác, chiếc áo hàng hiệu, một chiếc áo sơ mi trắng, vậy quý vị dùng tâm ác hoặc tâm sân, tâm khúc lệ mà vừa rồi đã nói, hoặc là tâm gì đó, tâm hắc ám, tâm gì cũng được. Chiếc áo sơ mi trắng hàng hiệu của người khác, quý vị chấm mực vào, vậy thì người ta không dám mặc ra đường, không đáng giá nữa, vậy phải xem giá trị mà quý vị phá hoại là bao nhiêu, đủ năm tiền thì kết tội nặng.

– Còn có chuyển xỉ”, tức là đánh bạc, như người xưa gieo súc sắc, quý vị có biết không? Gieo súc sắc, gieo xí ngầu, cờ vây. Ví dụ như đánh bài, quý vị gian lận, như hiện nay vẫn dùng bài xì tố, gian lận rồi người ta không nhìn thấy, đánh bài như vậy mà gạt được tiền người khác, vậy thì phạm trộm cướp.

Lại nữa, nếu là trộm cắp bò, ngựa; bò, ngựa là loài bốn chân. Vậy nếu quý vị muốn trộm con bò này, tháo dây thừng cho chúng, chúng bị cột vào khúc gỗ, tháo sợi dây ra rồi, lúc này phạm tội trung phẩm. Vậy chúng đi rồi, bốn chân đều rời khỏi chỗ ban đầu, chính là cử ly bổn xứ. Nếu ba chân bước đi rồi, vẫn còn một chân chưa rời khỏi chỗ ban đầu, quý vị đột nhiên “dừng lại dừng lại, đừng động đậy nữa”, lập tức cột sợi dây trở lại, lúc này quý vị chỉ phạm tội trung phẩm, không phạm đến tội căn bản, chỉ bị tội phương tiện. Tôi khảo quý vị một chút, tôi đã làm bốn chân của con bò này đều rời khỏi chỗ cũ rồi, tôi dùng tâm trộm muốn dắt chúng đi, bốn chân của chúng đã đi rồi, đột nhiên nghĩ đến “không được, tôi đã thọ Ngũ giới rồi, không thể phạm trộm cướp”, lập tức dắt nó trở về, dắt về, cột lại sợi dây rồi đi. Xin hỏi quý vị có phạm phải tội thượng phẩm không thể sám hối không? Có. Mọi người cũng rất khá, vì sao có? Bởi vì đầy đủ sáu duyên rồi. Nó là vật có chủ, quý vị nghĩ nó là vật có chủ, quý vị có tâm trộm, nó là vật giá trị, giá trị con bò là năm tiền trở lên, quý vị dùng phương tiện tháo sợi dây dắt nó đi rồi, bốn chân đều rời khỏi chỗ ban đầu, cử ly bổn xứ, phạm tội căn bản, thượng phẩm không thể sám hối, nghiệp này đã hình thành rồi. Cho dù quý vị quay đầu nghĩ lại hối hận rồi, dắt nó trở lại, xin lỗi, nghiệp phía trước đã hình thành, chỉ là quý vị trả về, quý vị không nợ chủ nhân của chúng, không nợ người chủ đó mà thôi. Nhưng nghiệp trộm cướp của quý vị đã hình thành, thượng phẩm không thể sám hối, 92 ức năm ở địa ngục đang đợi. Trừ phi khẩn thiết sám hối, đây là thủ tướng sám, được thấy hảo tướng. Hoặc khi lâm chung nếu có bạn lành giúp quý vị nhất tâm niệm Phật, cầu sanh Tây Phương đới nghiệp vãng sanh, nếu quý vị không đới nghiệp vãng sanh, vậy thì chảo dầu bên dưới đang đợi quý vị. Cho nên nghĩ xem, thật sự không vãng sanh thì quá đáng sợ. Trường hợp này, tôi nêu ra một ví dụ, đương nhiên không nhất định là con bò, vậy đổi thành vật khác. Trước đây quý vị làm việc ở cơ quan công chức, có thể đã phạm mà quý vị cũng không biết, quý vị đều quên hết rồi, nhưng nghiệp đó cũng sẽ hình thành. Cho nên nhất định phải thật sự cầu sanh Tịnh Độ, vả lại, sau này không tái phạm giới này nữa.

Còn có một trường hợp, chính là như vừa rồi nói về con bò. Quý vị đã làm con bò này dời bốn chân khỏi chỗ ban đầu rồi, nhưng tâm của quý vị, giả sử vẫn chưa có suy nghĩ chắc chắn đạt được. Tuy là bốn chân của chúng đã rời khỏi chỗ ban đầu rồi, quý vị vẫn không phạm phải tội căn bản, chỉ bị tội phương tiện, trong luật có sự khai duyên này. Trường hợp tôi vừa nói, là bởi vì khi quý vị dắt con bò đi, quý vị có ý nghĩ chắc chắn có được con bò này, vậy thì đã hình thành rồi. Một tâm niệm sau quý vị hối hận trả về, nhưng một niệm trước đã hình thành nghiệp quả rồi. Nhưng trường hợp này là khi quý vị dắt bò, trong tâm quý vị vẫn chưa chắc chắn nghĩ rằng mình đã có được, vẫn chưa chắc chắn, lúc này sẽ không phạm phải tội căn bản. Vẫn còn một trường hợp, chính là ở nơi hoang vắng, ở vùng ngoại ô không có người ở đó, đột nhiên quý vị phát hiện một đồng hồ hàng hiệu ở dưới đất, nó là vật có chủ, quý vị biết, nhất định là có chủ, không thể nào là một chiếc đồng hồ hàng hiệu vô chủ để ở đây, quý vị cũng nghĩ là vật có chủ. Sau đó có tâm trộm, bây giờ xung quanh không có người, thật đúng lúc. Tiếp đó nó là vật có giá trị, năm tiền trở lên, quý vị dùng phương tiện, không cần lấy khỏi chỗ ban đầu, quý vị chỉ cần đụng đến nó, mới đụng đến nó một chút, chạm một cái thì phạm tội nặng, phạm tội căn bản rồi. Bởi vì đây là nơi hoang vắng, bởi vì không có người nhìn thấy quý vị, cho nên vật đó chắc chắn là của quý vị rồi. Quý vị vừa đụng, đụng nhẹ nó thì đã phạm tội nặng rồi, không cần phải lấy khỏi chỗ ban đầu, cách phán là như vậy. Cho nên trong luật vô cùng vi tế, cách phán của mỗi trường hợp đều không như nhau. Tuy là không lấy khỏi chỗ ban đầu, nhưng vẫn có thể phạm tội nặng. Còn có một trường hợp, đương nhiên không cách nào lấy khỏi chỗ ban đầu, ví dụ như nhà cửa ruộng đất, quý vị phá hoại, công kích, v.v… làm tổn hại, đây đều là phạm trộm cướp.

Ở chỗ này, trong Giới Bổn Sớ, đã nói đến 13 trường hợp, có thể nói từng trường hợp một. Thứ nhất là vật ẩn tàng, bảo tạng trong đất, nó là vật có chủ, vậy chúng ta lấy trộm rồi, đương nhiên chính là trộm những vật như tài nguyên khoáng sản, đây đều là phạm trộm cướp. Nếu trộm bảo vật trên đất, đó cũng là phạm trộm cướp. Còn có vật vận chuyển trên xe, đồ vật trên xe, điều này phải xem quý vị dùng tâm gì. Ví dụ như chúng ta dùng xe ôtô hiện nay, chính là một chiếc xe hơi 4 chỗ, xe taxi, chỗ ngồi phía sau trong xe taxi có để một túi tiền, quý vị lên xe rồi, biết là của người trước sót lại, nhưng bây giờ quý vị khởi tâm trộm mà lấy rồi, khi xuống xe tiện tay lấy trộm đi, vậy thì giây phút món đồ này rời khỏi xe, chính là cử ly bổn xứ. Giả sử như đây không phải là xe taxi, đây là một chiếc xe hơi nhỏ trong bãi đậu xe. Quý vị ở bên ngoài từ cửa sổ xe nhìn thấy bên trong có một túi tiền, quý vị nảy sinh ý xấu, thử xem xe có đóng cửa chưa? Vừa mở ra, thì ra cửa xe đang mở, chìa khóa xe vẫn ở trong đó, trực tiếp lái xe đi rồi, như vậy vừa là trộm xe, vừa là trộm vật báu trên xe. Nếu xe rời khỏi chỗ ban đầu, bốn bánh xe vừa khởi động lăn bánh, rời khỏi chỗ ban đầu rồi, vậy là phạm trộm cướp.

Còn có tài vật trên không, ví dụ như chim, một con chim đẹp bay vào nhà của quý vị. Nếu con chim đó là vật có chủ, có chủ nhân, quý vị cũng nghĩ nó là vật có chủ, nhưng quý vị bắt nó lại rồi, bắt nó lại từ trên không, trộm cắp, cũng là trộm cắp, chính là trộm vật trên không. Trộm vật trên không trung, khi con chim này đang bay lượn, làm sao phán là lấy khỏi chỗ ban đầu? Nếu từ cánh bên trái đến cánh bên phải, hoặc là từ đuôi đến đầu, lấy khỏi khoảng cách đó thuộc về phạm trộm cắp. Đừng nói là quý vị bắt được, quý vị lấy một cái lồng chụp nó lại, nó vẫn đang bay,  từ bên trái bay sang bên phải, đúng lúc từ cánh trái đến cánh phải, tức là khoảng cách dang đôi cánh của chúng, quý vị dời chúng khỏi khoảng này, chính là phạm trộm cướp. Hoặc là chúng đang bay lên đằng trước, đuôi của chúng bay đến chỗ của đầu, thân chim dài như vậy, một khoảng cách từ đuôi đến đầu như vậy, đây cũng là phạm trộm cướp.

Còn có vật treo trên giá. Ví dụ như trên giá áo treo một chiếc áo hàng hiệu rất đẹp, quý vị muốn phạm trộm cướp. Nếu quý vị chỉ muốn trộm chiếc áo đó, không phải muốn trộm cái giá treo áo, nhưng quý vị muốn thuận tiện, ngay cả giá treo cũng lấy luôn, đến khi nào phạm tội nặng? Bởi vì áo còn treo trên giá, trước khi nó rời khỏi giá treo, thì chưa phạm đến tội căn bản. Lấy luôn cả giá treo, phạm tội trung phẩm, tội phương tiện. Lấy về nhà quý vị rồi, lấy chiếc áo đó từ trên giá treo xuống, lúc này lấy khỏi chỗ ban đầu, thì phạm tội nặng. Đây là tâm của quý vị chỉ nghĩ đến lấy áo, mà không phải là lấy giá treo. Nếu quý vị vừa lấy áo vừa lấy giá treo, vậy thì khi giá treo dời khỏi chỗ ban đầu, thì phạm tội nặng rồi. Những trường hợp khác, bởi vì thời gian sắp hết nên không nói nữa, đại khái là “cử ly bổn xứ” có những trường hợp như vậy.

Thời gian hôm nay cũng hết rồi, chúng tôi giảng đến đây trước, giới trộm cướp này vẫn chưa giảng xong, vô cùng vi tế, sáng mai chúng ta tiếp tục học tập. Cám ơn mọi người.

 

HẾT

Cẩn dịch: Diệu Hiệp.

Trả lời 0