Responsive Menu
Add more content here...

Tập 6 – Bát Quan Trai Giới Giảng Yếu

BÁT QUAN TRAI GIỚI GIẢNG YẾU

Tập 6

 

Chủ giảng: Pháp sư thượng Định hạ Hoằng

Thời gian: Ngày 15 tháng 9 năm 2017

Giảng tại: Chùa Thiện Quả Lâm Tịnh Độ – Đài Loan

 

Trì giới là gốc,

Tịnh Độ là nơi trở về.

Quán tâm là điều quan trọng,

Bạn lành là nơi nương tựa.

 

Kính chào Pháp sư Pháp Liên từ bi, chư vị Pháp sư, chư vị liên hữu, kính chào mọi người. Mời bỏ tay xuống.

Hôm qua chúng tôi đã giảng “sáu duyên thành phạm” của giới trộm cướp, giới tướng này vô cùng vi tế, trước khi chúng ta thọ trì thì cần phải hiểu rõ. Nếu bây giờ nghe một lần, có vẻ như ấn tượng không sâu sắc lắm, tốt nhất là sau này có cơ hội thì nghe thêm vài lần. Giới luật có rất nhiều điều đều là trên sự tướng, tức là cần phải huân tập không ngừng, mới có thể nhớ kỹ. Cho nên, Luật sư Đạo Tuyên thời trước, Ngài là một vị thiên tài, trong hai bảy mười bốn ngày thì có thể thuộc lòng Kinh Pháp Hoa, nhưng Ngài nghe giới Tỳ-kheo thì vẫn phải nghe 20 lần, điều này có nghĩa là giới tướng thật sự rất phức tạp. Xưa kia cũng có một vị Thiền sư, nói rằng nghe những kinh điển Đại-thừa, nghe một lần thì có thể thấu triệt, nhưng khi nghe giới pháp, nghe 30 lần cũng có vẻ như vẫn còn mơ hồ. Vì vậy, giới luật thật sự phải huân tập nhiều lần.

Tâm của một số đạo hữu có thể nảy sinh cảm giác sợ hãi: Giới luật phức tạp như vậy, tôi học đến năm nào tháng nào mới có thể thông đạt? Tôi lãng phí thời gian vào việc học giới luật, thì không có thời gian niệm Phật nữa, chi bằng cứ niệm một câu Phật hiệu vững chắc hơn. Nếu có tâm niệm này, thì không phù hợp với lời dạy của Đại sư Ngẫu Ích rồi. Đại sư Ngẫu Ích khai thị cho chúng ta: “Trì giới niệm Phật, vốn là một môn. Tịnh giới là nhân, Tịnh độ là quả”. Nếu lo sợ giới tướng quá nhiều mà không chịu học giới, đương nhiên cũng khó mà giữ giới như pháp, khinh mạn giới luật, như vậy đã làm trái với lời dạy sau cùng của đức Phật. Trong Kinh Di Giáo, đức Phật dạy: Ba-la-đề-mộc-xoa (tức là giới luật) là Đại sư của các ông, nếu Phật trụ thế, cũng không khác gì giới luật ấy. Phật khuyên bảo bảy chúng đệ tử chúng ta, bảy chúng lấy Tỳ-kheo làm đầu, dẫn dắt mọi người cùng nhau tuân thủ lời dạy của đức Phật, phải lấy giới luật làm thầy. Phật trụ thế, chúng ta lấy Phật làm thầy; Phật không trụ thế, thì lấy giới làm thầy. Giới như Phật trụ thế không khác, đây chính là lời dạy khi đức Phật sắp nhập Niết-bàn. Chúng ta lại làm trái lời dạy ấy, thì trái ngược với tâm Phật rồi, làm sao có thể được niệm Phật tam muội? Đã không thể niệm Phật thành tựu, mà trì giới cũng không trì thật tốt, đều do tập khí xấu ác làm chủ, quý vị nghĩ thử xem hạng người này lâm chung sẽ đến cõi nào? Không bằng những người chuyên tinh giới luật, chỉ cầu phước báo trời người, cũng không đến nỗi xuống đường ác. Đương nhiên chúng tôi không phải muốn mọi người trì giới chỉ vì được phước báo trời người, điều này không phải là bản ý của Phật, mà là xem trì giới là trợ hạnh tu học Tịnh Độ thành Phật. Có thể trì giới thật tốt, cộng thêm niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tịnh Độ, như vậy thì có thể tương ưng với Phật, mới dễ dàng được niệm Phật tam muội.

Giới tướng của giới luật tương đối nhiều, đối với người tại gia mà nói, có thể học thật tốt Ngũ giới, vậy thì đã khá lắm rồi. Sự nghiên cứu và học tập này của chúng ta, nói về “Ngũ giới” khá là chi tiết, đặc biệt là “bốn giới trọng” phía trước, đây là giới căn bản. Tối thiểu chúng ta phải trì giới được thanh tịnh, vậy quý vị niệm Phật chắc chắn không có ma chướng. Hễ có ma chướng, đều bởi vì giới không thanh tịnh, chủng tử ác nghiệp sẽ hiện hành. Giới luật thông qua sự huân tập liên tục, thật ra cũng không phải là quá khó. Khi mới bắt đầu cảm thấy khó là bởi vì mọi người không quen thuộc, rất mới lạ. Nghe lần đầu tiên mà, giới tướng, danh tướng cũng rất nhiều, sự phân chia trong đó cũng rất vi tế, tội thượng phẩm, tội trung phẩm, tội hạ phẩm, mỗi điều giới đầy đủ mấy duyên thì trở thành phạm giới, thiếu duyên thì giảm xuống, phạm tội phương tiện, phạm tội mức độ khác nhau thì phải sám hối thế nào. Khi mới bắt đầu nghe hình như là đầu óc có chút mơ màng, nhưng nghe nhiều rồi thì không hề phức tạp, dễ dàng hơn niệm Phật tam muội nhiều, tâm của niệm Phật tam muội còn vi tế hơn.

Trước đây, có một vị lão Pháp sư ở tinh xá Chánh Giác nói với chúng tôi rất hay, Ngài nói niệm Phật tam muội, tức là tâm của quý vị càng vi tế hơn, vi tế đến mức không thể vi tế hơn nữa, thì có thể thành tựu niệm Phật tam muội rồi. Tức là sức quán chiếu của quý vị rất mạnh, khởi tâm động niệm thì đều biết được điều này có như pháp không. Giới luật là rất thô, quý vị quán chiếu thân nghiệp, khẩu nghiệp có phù hợp giới luật hay không, như vậy rất thô. Tu hành đến trình độ nhất định, thông qua trì giới, tâm của quý vị sẽ rất vi tế, sức quán chiếu sẽ rất mạnh. Ba nghiệp vừa khởi động, lập tức đề khởi sự quán chiếu: Điều này có đúng như pháp như luật không? Nếu đúng như pháp như luật thì có thể khiến nó tương tục; nếu không đúng như pháp như luật thì phải đoạn tuyệt điều đó ngay lập tức. Sau đó dùng tâm này để niệm A Di Đà Phật, quý vị mới có thể quán chiếu ý niệm hiện tại của quý vị, là đang niệm Phật hay là vọng tưởng? Ngay cả việc này có phải là hành vi đúng như pháp như luật hay không mà quý vị cũng không thể quán chiếu được, quý vị nói quý vị có thể quán chiếu Phật hiệu đó vẫn là vọng tưởng, vi tế như vậy, quý vị rất khó làm được, đều rơi vào trong vô ký. “Vô ký” tức là tùy thuận vọng tưởng tập khí của quý vị rồi, không còn chánh niệm nữa. Cho nên giới chính là cội gốc của việc tu hành, là cơ sở, là cơ sở của Định học và Huệ học. Niệm Phật tam muội chủ yếu là Định học, đến khi khai trí huệ rồi, tâm đó sẽ vi tế đến tột cùng, đó chính là Huệ học. Cho nên đừng sợ học giới, giới chắc chắn giúp ích cho quý vị tu hành, sẽ không ngược lại làm chướng ngại quý vị tu hành. Nếu giới luật sẽ chướng ngại quý vị niệm Phật, vậy Phật tuyệt đối sẽ không đề xướng phải trì giới, sao có thể nói là “giới thị vô thượng bồ-đề bổn, ưng đương cụ túc trì tịnh giới” chứ? Niệm Phật tam muội, trong kinh giáo cũng nói như vậy, trước tiên cũng phải nghiêm trì giới luật làm tiền phương tiện. Giới luật thanh tịnh rồi, mới có hy vọng đạt được tam muội. Vì vậy, bản thân chúng ta đừng vọng sanh chấp trước, dùng niệm Phật để đối lập với trì giới, đó là một môn, càng không thể dùng niệm Phật làm cớ không trì giới, như vậy thì hoàn toàn trái ngược với ý Phật rồi.

Giả sử trước đây có người nói: Con nghe Pháp sư giảng những giới luật này, mới biết thì ra bản thân đã phạm rất nhiều tội lỗi, thậm chí có lẽ đã tạo ra rất nhiều tội địa ngục, vậy con phải làm sao, còn vãng sanh được hay không? Tôi nói với quý vị, có vãng sanh được hay không chủ yếu cũng không phải là xem xét trước đây quý vị có trì giới hay không. Trong Di Đà Yếu Giải, Đại sư Ngẫu Ích nói: “Được vãng sanh hay không, hoàn toàn do có tín nguyện hay không”. Quý vị có thể vãng sanh Tịnh độ hay không, không phải là xem quý vị có trì giới hay không, cũng không phải xem quý vị niệm Phật nhiều hay ít, hoặc là công phu niệm Phật sâu hay cạn, đều không xét đến những điều này. Là xem quý vị “có tín nguyện hay không”. Thật sự tin sâu 48 nguyện của A Di Đà Phật nhiếp thọ chúng ta, tin sâu Tịnh Độ, phát nguyện vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, cho đến mười niệm, A Di Đà Phật cũng chắc chắn tiếp dẫn quý vị vãng sanh thế giới Cực Lạc. Quá khứ đã phạm tội nghiệp, nhưng do quý vị tin sâu nguyện thiết cầu sanh Tịnh độ, có Phật lực gia trì cho quý vị, nguyện lực nhiếp thọ quý vị, quý vị có thể mang nghiệp vãng sanh. Có thể mang những nghiệp gì? Nghiệp gì cũng có thể mang theo, nghiệp của địa ngục A Tỳ cũng có thể mang theo. Nhưng nghiệp này nhất định phải là chủng tử của quá khứ mới có thể mang theo, hiện hành thì không thể mang theo rồi. Hiện hành, bây giờ quý vị lâm chung mà vẫn khởi tham sân si, vẫn làm việc phạm giới, thậm chí không muốn niệm Phật, như vậy không thể vãng sanh. Nhưng khi lâm chung có thể hối lỗi, cho đến mười niệm thì nhất định được vãng sanh. Cho nên trong 48 nguyện của A Di Đà Phật có “nguyện hối lỗi được vãng sanh”, có nguyện này không? Nguyện thứ 21: Nguyện hối lỗi được vãng sanh”. Phật nói: Nhược hữu túc ác, văn ngã danh tự, tức tự hối quá, vi đạo tác thiện, tiện trì kinh giới, nguyện sanh ngã quốc, mạng chung bất phục canh tam ác đạo, tức sanh ngã quốc, nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh-giác”. A Di Đà Phật có thể nhiếp thọ những người nào? Người hối lỗi.

Quá khứ có tạo ác, có phạm giới, đây là điều khó tránh khỏi, quý vị là phàm phu mà. Phàm phu thì sao có thể không tạo nghiệp, không phạm tội được chứ? Không thể nào. Trong Kinh Địa Tạng đã nói: “Diêm Phù Đề chúng sanh, khởi tâm động niệm, vô bất thị nghiệp, vô bất thị tội”, quý vị chẳng thể không phạm tội. Phạm tội không đáng sợ, đáng sợ là quý vị không chịu hối lỗi, không chịu sám hối. Thế nào gọi là sám hối? Biết được trước đây bản thân sai rồi, có thể thực hiện sám hối đúng như pháp như luật, phát nguyện về sau không tái phạm, như vậy chính là hối lỗi. Bởi vì trước đây chúng ta không học giới, khó tránh khỏi tạo tác rất nhiều lỗi lầm. Bây giờ cố gắng học tập, sau này trì giới thật tốt, về sau không tái phạm, đây chính là biểu hiện của hành động hối lỗi. Nếu quý vị vẫn không chịu cố gắng học, vẫn không chịu nghiêm túc trì giới, thì chứng tỏ quý vị không có tâm muốn hối lỗi. Người không chịu hối lỗi, nguyện này của A Di Đà Phật không cách nào nhiếp thọ họ, A Di Đà Phật chỉ có thể nhiếp thọ người hối lỗi được vãng sanh”. Lời nguyện này chỉ là hối lỗi được vãng sanh, không hối lỗi, điều nguyện này không nhiếp thọ, niệm Phật cũng không thể vãng sanh, không tương ưng với nguyện của A Di Đà Phật. Không phải nhờ tự lực quý vị niệm Phật tam muội mà được vãng sanh, không phải vậy. Với pháp môn này thì quý vị vốn dĩ không thể nhờ tự lực vãng sanh, mà phải nương nhờ nguyện lực của A Di Đà Phật nhiếp thọ quý vị, đây là pháp môn tha lực, không phải pháp môn tự lực. Nếu quý vị không nương nhờ tha lực, không nương nhờ Phật lực thì quý vị không thể vãng sanh. Vậy quý vị muốn nương nhờ tha lực, chỉ có thể tùy thuận nguyện của A Di Đà Phật, quý vị mới được vãng sanh, nghiệp chướng có nặng hơn nữa cũng không thành vấn đề. Đại sư Ấn Quang nói: Nghiệp của chúng ta có nặng hơn nữa, vô lượng vô biên, so với nguyện lực của A Di Đà Phật mà nói, thì chỉ như mảnh tuyết trong lò lửa. Một bông tuyết rơi từ trên trời xuống, tuyết lạnh, rơi vào trong lò luyện thép với nhiệt độ cao, đã tan biến từ sớm rồi, nhỏ nhặt không đáng kể. Quý vị có thể tùy thuận nguyện lực của Phật, chắc chắn vãng sanh. Nguyện của Phật chính là nguyện hối lỗi được vãng sanh”.

Điều này vô cùng phù hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp chúng ta, bởi vì chúng sanh thời mạt pháp, quý vị đã đến đây, thì chỉ có hai hạng người. Thứ nhất, quý vị là Phật Bồ-tát tái lai, đương nhiên quý vị chẳng có ác nghiệp nào, đều là thuần tịnh thuần thiện, vậy đó là một chuyện khác; hạng người thứ hai chính là những người như tôi, do nghiệp lực mà đến, ác nghiệp tày trời, chướng sâu huệ cạn, nghiệp nặng phước nhẹ. Nếu quý vị không chịu hối lỗi thì thôi rồi, bản thân nhất định sẽ đọa lạc, A Di Đà Phật cũng không cách nào nhiếp thọ quý vị. Cho nên tôi làm sáng tỏ vấn đề này rồi, mới nghiêm túc thành thật học giới. Việc học giới này, không phải tôi muốn trở thành một Luật sư, không có suy nghĩ này, tôi chỉ muốn hối lỗi, bởi vì tôi muốn được vãng sanh, đây là một biểu hiện hối lỗi của tôi, cho nên bản thân tôi nghiêm túc học, còn phải chia sẻ với mọi người. Nếu mọi người cũng giống như tôi, cùng một hạng người, không phải là Phật Bồ-tát tái lai, mà là người nghiệp nặng phước nhẹ, chướng sâu huệ cạn, thì chúng ta có thể cùng nhau hối lỗi, tương lai có thể vãng sanh. Nếu quý vị muốn vọng học Phật Bồ-tát tái lai, không cần phải hối lỗi, cũng không cần sám hối, vừa nghe thấy bái sám, sám hối gì đó, hình như là đối lập với pháp môn Tịnh Độ rồi, vậy thôi được, tôi tôn kính quý vị, quý vị là Phật Bồ-tát tái lai, không cần phải sám hối. Tôi thành thật sám hối nghiệp chướng, bởi vì tôi chỉ có thể hối lỗi, nhờ nguyện hối lỗi được vãng sanh” nhiếp thọ tôi. Mọi người hiểu rõ điều này rồi, đừng mang những suy nghĩ nặng nề. Học giới, sám hối đều tương ưng với pháp môn Tịnh Độ, đều là tu Tịnh Độ, đều tương ưng với đại nguyện của A Di Đà Phật, Ngài dạy chúng ta “tức tự hối quá… tiện trì kinh giới”. Quý vị xem, A Di Đà Phật dạy chúng ta thọ trì kinh giới, không dạy chúng ta đừng trì giới. Quý vị hối lỗi chính là trì giới, vậy mới gọi là hối lỗi. Trì giới chính là về sau không tái phạm, vậy khi quý vị mạng chung sẽ không còn đọa ba đường ác, liền sanh cõi nước Phật, nếu không thì e rằng lại đọa ba đường ác.

Giới luật đối với chính mình mà nói, tốt nhất là phải yêu cầu nghiêm khắc. Ngũ giới là căn bản nhất, Bát Quan Trai giới thì tăng thượng rồi, có điều kiện thì đừng ngại thọ trì, thọ trì nhiều. Một ngày một đêm, nhiều ngày nhiều đêm cũng được, có thời gian thì thọ trì. Ở thế giới này trai giới thanh tịnh nhất nhật nhất dạ, thắng quá Vô Lượng Thọ quốc vi thiện bách tuế”, đây đều là trong Kinh Vô Lượng Thọ dạy, cho nên dốc hết sức thọ trì nhiều ngày, phẩm vị tương lai sẽ cao hơn. Có người hỏi: Nghe nói ngày 18 ở đây sẽ truyền giới Bồ-tát, nếu tôi thọ giới Bồ-tát rồi, vậy có rất nhiều điều ở nhà không giữ được thì sao? Tôi nói với quý vị, “mười giới trọng” của giới Bồ-tát thì mỗi người đều có thể làm, “mười giới trọng” chính là sát”, đạo”, dâm”, vọng”, cô tửu”, nghĩa là quý vị đừng bán rượu. Còn có nói lỗi của bốn chúng”, tự khen mình chê người”, còn có san tham, bỏn xẻn thêm mắng đuổi”, tức là người khác đến cầu xin quý vị, quý vị keo kiệt không cho, còn sỉ nhục đối phương, như vậy là phạm giới trọng của giới Bồ-tát. Ngoài ra, tâm sân không nhận lời sám hối”, người khác xin quý vị tha thứ, quý vị sân hận không chịu chấp nhận sự sám hối của người khác. Còn có giới thứ mười là báng Tam Bảo giới”, hủy báng Tam Bảo. Mười giới trọng này, chúng ta đều có thể thọ trì, mà cũng nên thọ trì. Còn đối với 48 giới khinh, có điều không thích hợp với người tại gia, đương nhiên không cần giữ, có điều người tại gia không giữ được, thì có thể không thọ điều giới đó. Bởi vì 48 giới khinh đối với người tại gia thì có thể thọ từng phần, ngay cả mười giới trọng cũng có thể thọ từng phần, người xuất gia mới yêu cầu thọ toàn phần. Cho đến thọ một điều, đó cũng là công đức của một điều. Vả lại giới Bồ-tát này là dùng phát tâm bồ-đề để cảm phát giới thể, giới thể này là tận vị lai tế, luôn đi theo quý vị. Đời này của quý vị, nếu có thể vãng sanh Tây Phương, vậy thì giới đó sẽ đi theo đến khi quý vị thành Phật. Nếu lỡ như quý vị không thể vãng sanh Tây Phương, cũng được chư Phật hộ niệm, giới thể này là chư Phật làm tôn chứng, mười phương Bồ-tát đến làm đồng học bạn lữ của quý vị, cũng sẽ được chư Phật Bồ-tát âm thầm gia trì che chở.

Cho nên, vì sao không dám thọ? Nếu nói tôi sợ phạm giới, sợ phạm giới mà không chịu thọ, Đại sư Ngẫu Ích đã cho chúng ta câu trả lời rồi, sợ phạm giới thì đừng phạm, quý vị nghiêm túc trì giới thì có công đức, công đức là thù thắng, đó là không gì sánh bằng, nếu người nào thọ giới của Phật, tức là vào hàng chư Phật, đều gọi là người thanh tịnh bậc nhất”. Cho nên chúng ta phải xóa bỏ chứng sợ hãi giới luật, đừng sợ. Giới thị vô thượng bồ-đề bổn”, quý vị sợ gì? Quý vị không muốn vô thượng bồ-đề hay sao? Không chỉ là gốc của vô thượng bồ-đề, mà còn là con đường chân chánh của trời người. Quý vị không chứng được vô thượng bồ-đề, tối thiểu cũng được sanh cõi trời người. Giới luật cũng không cần, thì không sao đến được cõi trời cõi người. Điều tốt như vậy, thuần tịnh thuần thiện, vì sao không cần? Chúng ta phải phát tâm bồ-đề, tức là phải có chí thành tâm, thâm tâm, hồi hướng phát nguyện tâm. Chí thành cầu vô thượng bồ-đề, thâm tâm chấp trì tịnh giới. Thâm tâm này giải thích thông thường là tâm hiếu thiện hiếu đức. Giới luật chính là thiện, chính là đức, vì sao quý vị không ưa thích? Tâm bồ-đề đâu rồi? Tâm bồ-đề mà quý vị cũng không có, làm sao đây? Phải đặt dấu hỏi về việc vãng sanh Tịnh Độ rồi. Bởi vì vãng sanh cũng phải “phát bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”. Có người nói: Trong giới Bồ-tát có thể nấu thịt không? Nấu thịt cho người trong nhà. “Nấu thịt”, trong giới Bồ-tát cũng không nói là không được, chỉ nói không thể “ăn thịt”. Đương nhiên có giới “không sát sanh”. Nếu quý vị không sát sanh, là tam tịnh nhục, không phải đích thân giết, không phải bảo người khác giết, họ cũng không phải vì ta mà bị giết, những tam tịnh nhục này, việc này cũng miễn cưỡng cho qua. Thật sự bất đắc dĩ, chúng ta phải đối với những chúng sanh này, niệm Phật nhiều và quy y giúp đỡ chúng. Cũng như chúng ta đọc được trong văn của giới Sa-di nói: Vì chúng niệm Phật trì chú, cầu mong chúng tháo gỡ oan kết”. Cho nên đừng lo ngại.

Chúng tôi tiếp tục giảng về tội tướng của điều giới trộm cướp này. Trường hợp phạm tội nặng của điều giới này là chỉ trộm cướp năm tiền hoặc hơn năm tiền, nhiều hơn năm tiền. Nếu chính mình trộm cướp năm tiền hoặc nhiều hơn năm tiền, muốn trộm cướp năm tiền hoặc nhiều hơn năm tiền, nếu lấy được vật giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, đương nhiên đó là phạm tội nặng, thượng phẩm không thể sám hối. Nếu quý vị lấy được vật không đủ năm tiền, lấy được vật bốn tiền. Lúc này, tuy quý vị tác ý khởi tâm là trộm năm tiền, nhưng chỉ được bốn tiền, như vậy là thuộc về tội trung phẩm, tức là không đủ duyên “trị giá năm tiền”. Nếu không lấy được, không lấy được tức là trộm không thành, đây cũng là tội trung phẩm, đây chính là thiếu duyên “lấy khỏi chỗ ban đầu”. Hay nói cách khác, nếu quý vị khởi tâm trộm cướp năm tiền, cho dù quý vị không lấy được, hoặc lấy được một tiền, hai tiền, ba tiền, bốn tiền, thì đều là tội trung phẩm. Nếu bản thân quý vị khởi tâm trộm vật bốn tiền, không đủ năm tiền, vậy nếu quý vị lấy trộm được vật năm tiền, vốn dĩ muốn trộm một vật nhỏ, kết quả khi lấy về xem, vật nhỏ này cũng rất có giá trị, ban đầu cho rằng đó là bốn tiền, kết quả nó là năm tiền. Trường hợp này xét theo giá trị của vật thực tế mà quý vị trộm được, vậy thì phạm tội thượng phẩm không thể sám hối, bởi vì trong sáu duyên thành phạm, “có tâm trộm”, trong đó không có quy định nói tâm trộm này chỉ trộm bốn tiền. Chỉ cần quý vị có tâm trộm, vậy tài vật mà quý vị trộm được, thì xét giá trị của nó, xem giá trị thực tế của nó, là vật năm tiền thì phạm tội thượng phẩm không thể sám hối, đương nhiên hơn năm tiền thì chắc chắn là tội thượng phẩm không thể sám hối. Nếu khởi tâm muốn trộm cướp vật bốn tiền, nhưng vật lấy được có giá trị bốn tiền hoặc bốn tiền trở xuống, đều định tội trung phẩm. Nếu khởi tâm trộm bốn tiền, nhưng không lấy được, như vậy cũng phạm tội hạ phẩm. Thậm chí lấy trộm ba tiền trở xuống đều là tội hạ phẩm, chỉ có lấy trộm được bốn tiền, ba tiền mới bị tội trung phẩm. Đây là nói đến trường hợp tự mình trộm cướp.

Còn trường hợp khác là bảo người khác trộm cướp. Bản thân không ra tay, nhưng bảo người khác đi trộm cướp. Nếu bảo người khác trộm năm tiền hoặc nhiều hơn năm tiền, là trộm vật có giá trị. Người nghe theo, người mà quý vị sai khiến, nếu họ trộm được năm tiền rồi, hoặc là hơn năm tiền, vậy thì hai người là người sai bảongười nghe theo đều phạm tội thượng phẩm không thể sám hối. Điều này hôm qua cũng đã nói rồi. Nếu người sai bảo kêu người nghe theo trộm năm tiền, nhưng người nghe theo lấy trộm vật bốn tiền, không đủ năm tiền, vậy tội này phán xét thế nào? Người sai bảo phạm tội trung phẩm, người nghe theo cũng phạm tội trung phẩm, hai người đều như nhau. Nếu người sai bảo kêu người nghe theo đi trộm năm tiền, nhưng người nghe theo không lấy được, không trộm được, vậy có tội hay không? Người sai bảo và người nghe theo cũng phạm tội trung phẩm, đều như nhau. Tiếp theo, nếu người sai bảo kêu người khác đi trộm bốn tiền, nhưng nếu người nghe theo lấy được năm tiền, vậy xin hỏi người sai bảo phạm tội thượng phẩm hay là trung phẩm? Người sai bảo phạm tội trung phẩm. Bởi vì bản thân người sai bảo muốn kêu người khác trộm bốn tiền, bản thân họ không ra tay, nhưng người nghe theo trộm được năm tiền, người sai bảo phạm tội trung phẩm. Nhưng bản thân người nghe theo phạm tội thượng phẩm, bởi vì họ cũng có tâm trộm, mà vật họ trộm được là vật có giá trị, vật hơn năm tiền. Vậy tức là người nghe theo phạm tội thượng phẩm, người sai bảo ngược lại phạm tội trung phẩm. Nếu bảo người khác trộm bốn tiền, mà người nghe theo chỉ lấy được bốn tiền hoặc là không lấy được, nếu người nghe theo trộm được bốn tiền, người sai bảo và người nghe theo đều phạm tội trung phẩm; nếu không lấy trộm được, người sai bảo, người nghe theo đều bị tội hạ phẩm. Thậm chí trộm cướp một tiền, hai tiền, tức là ba tiền trở xuống, hai người này đều bị tội hạ phẩm, tội giảm xuống một bậc.

Những giới tướng này, mọi người có theo kịp không? Tiếp theo, nếu tôi bảo người khác đi trộm năm tiền, người nghe theo lại lấy trộm vật khác, không phải vật mà tôi bảo họ trộm. Ví dụ như tôi kêu họ trộm một sợi dây chuyền trân châu, nhưng họ trộm được xâu chuỗi mã não, trộm nhầm rồi, lấy nhầm vật khác, xin hỏi định tội hai người này như thế nào? Người sai bảo, theo tôi, bị tội gì? Trung phẩm hay là thượng phẩm? Là trung phẩm, tội trung phẩm. Bởi vì sao? Tâm mong đợi của tôi, vật mà tâm tôi mong đợi là vật A, nhưng người trộm giúp tôi thì họ lấy được vật B, không phải vật tôi mong đợi, không phải vật tôi kỳ vọng, tội đó giảm xuống một bậc, đây là người sai bảo, theo tôi là phạm tội trung phẩm. Còn người nghe theo? Người nghe theo bị tội thượng phẩm. Bởi vì họ biết vật đó cũng là vật có giá trị năm tiền, nhưng họ vẫn lấy, lấy rồi bản thân họ bị tội thượng phẩm. Tuy họ không làm theo ý của người sai bảo, đó là ý của bản thân họ, chính bởi vì bản thân họ có ý này, cho nên bản thân họ bị tội thượng phẩm. Trường hợp này giống như lấy vật ở nơi khác, ví dụ tôi kêu ai đó trộm một sợi dây chuyền trân châu, lấy trộm từ chỗ A, kết quả là người đó đến chỗ B để trộm, cũng là dây chuyền trân châu, trường hợp này cũng phán tội như vậy, người sai bảo bị tội trung phẩm, người nghe theo phạm tội thượng phẩm. Bởi vì vật mà người sai bảo mong đợi là vật ở chỗ A, quý vị trộm ở chỗ B không phải là vật mà tôi mong đợi, cho nên tôi chỉ bị tội phương tiện, trung phẩm; bản thân người nghe theo thì trộm vật ở chỗ B, đó là tội thượng phẩm.

Tiếp theo, nếu người sai bảo có tâm trộm, mà bảo người khác trộm đồ vật trị giá năm tiền hay hơn năm tiền, nếu người nghe theo không có tâm trộm, mà lấy giúp họ rồi. Trong trường hợp này, phán tội hai người này như thế nào? Người sai bảo phạm tội thượng phẩm, điều này dễ hiểu, họ có được đồ vật mình mong đợi rồi, tội thượng phẩm. Người nghe theo không có tâm trộm, cho rằng đồ vật này là của họ, nên không có tâm trộm, liền lấy giúp họ, như vậy có phạm tội hay không? Không phạm tội, người đó không phạm. Vì sao vậy? Người nghe theo không có tâm trộm nên không phạm. Trong sáu duyên thành phạm thì họ thiếu đi duyên “có tâm trộm”, nên không phạm. Nêu một ví dụ, khi chúng ta còn nhỏ ngồi xe lửa, xe lửa đó rất chậm, cửa sổ đều mở ra, bởi vì trước kia không có máy lạnh, không có điều hòa, mùa hè nóng, cửa sổ đều mở ra, cửa sổ đó là đẩy lên trên. Khi xe lửa đến trạm, thường là dừng lại một chút, có người xuống xe, có người lên xe. Vả lại giao thông ngày xưa cũng khá phức tạp, người cũng nhiều, cho nên toa hành khách đều đứng đầy người, khi lên xuống xe rất loạn. Nếu có một tên trộm trên xe đã nhắm vào một cái túi của người khác, sau đó thì họ bước xuống sân ga trước, rồi kêu một người ngồi bên cạnh cửa sổ và nói: “Anh ơi, tôi để quên một túi trên giá hành lý rồi, anh lấy xuống giúp tôi với”. Người kia không có tâm trộm, người nghe theo không có tâm trộm, cho rằng túi kia là của họ, đứng dậy lấy cái túi ném ra ngoài, xe lửa chạy rồi. Sau đó chủ nhân không tìm được túi của mình, khi hỏi chuyện, hóa ra là đã bị người khác ném ra ngoài, tên trộm lấy đi rồi. Trường hợp này thì người sai bảo, tên trộm đó bị tội thượng phẩm; người nghe theo không có tâm trộm, như vậy thì không phạm.

Nếu người sai bảo không có tâm trộm nhưng người nghe theo có tâm trộm, lấy trộm rồi. Ví dụ tôi bảo quý vị lấy giúp tôi một sợi dây chuyền trân châu, tôi không có tâm trộm, tôi chỉ muốn quý vị lấy qua đây giúp tôi, quý vị liền nghĩ: “Người này có phải là muốn trộm sợi dây chuyền trân châu không? Vậy thì tôi lấy trộm giúp anh ấy, rồi chia với anh ấy”. Sau đó họ đã lấy rồi, có tâm trộm mà lấy, lấy khỏi chỗ ban đầu, lúc này thì phán tội hai người như thế nào? Người sai bảo không phạm, bởi vì họ không có tâm trộm, mà người nghe theo phạm tội thượng phẩm. Người này là oan uổng nhất, vì sao vậy? Họ cho rằng người sai bảo đó có tâm trộm, họ cũng không phải lấy trộm cho mình, họ lấy trộm cho người khác, kết quả là người khác vốn dĩ không muốn trộm, họ đã trộm giúp người khác rồi, như vậy là phạm tội thượng phẩm. Cho nên có tâm trộm làm như vậy thì phạm. Cho nên những cảnh, tưởng, chính là những tướng trạng trong cảnh giới và tâm tưởng của chúng ta khi phạm trộm cướp, chúng ta đều cần phải hiểu rõ. Hiểu rõ những tình hình này, chúng ta sẽ dụng tâm rất cẩn thận, rất tinh tế, như vậy chính là tu hành. Tâm đó không thể qua loa cẩu thả, vô tri vô giác, đều là trong vô minh vô ký, như vậy sao có thể gọi là tu hành?

Tiếp theo chúng ta xem cảnh tưởng”, còn có vấn đề liên quan đến vật có chủ, vật vô chủ. Chúng ta biết, nếu đây là một vật vô chủ, tôi biết là vật vô chủ, thì “nghĩ là vật vô chủ”, đó cũng xem như là không có tâm trộm, lấy trộm như vậy thì không phạm giới. Chỉ có tâm “nghĩ là vật có chủ”, hoặc là “nghi là vật có chủ”, tức là có một nửa tâm nghĩ đó là vật có chủ, trường hợp này sẽ phạm trộm cướp. Chúng ta lấy năm tiền làm ví dụ, vật có giá trị. Nếu đó là vật có chủ, tôi tác “hữu chủ vật tưởng”, nghĩ đó cũng là vật có chủ, là của một người, chủ nhân là người, vậy tôi lấy trộm rồi, đương nhiên là phạm tội thượng phẩm. Nếu tác “hữu chủ vật nghi” thì sao? Hữu chủ vật nghi, “đó có phải là vật có chủ không?” Vẫn lấy trộm, có tội hay không? Đương nhiên là có tội. Bởi vì quý vị có một nửa tâm nghĩ đó là vật có chủ, vẫn có tâm trộm. Nhưng bởi vì đây là “nghi”, nghiệp của tâm đó tương đối nhẹ, cho nên phạm tội trung phẩm, không phạm đến tội căn bản thượng phẩm. Nếu là vật có chủ, tôi tác “tưởng là vật vô chủ”, có phạm không? Không phạm. Tưởng là vật vô chủ, nhìn thấy một đồ vật tưởng rằng đó là rác, không ai cần nữa, đồ vật bỏ đi, lượm lên, không phạm, đây là “vô chủ vật tưởng”. Đương nhiên nếu như sau đó có người nói: “Vật này là của tôi”. Vậy thì quý vị phải trả cho người khác. Lúc đó mà quý vị không trả, thì “nghĩ là vật có chủ” rồi, hoặc tối thiểu quý vị có thể sẽ nghi ngờ, “đây là vật của anh ấy sao?”, nghi là vật có chủ. Quý vị vẫn chiếm làm của riêng, đó chính là phạm trộm cướp, nhưng phạm tội trung phẩm. Nghĩ là vật có chủ, tội thượng phẩm; nghi là vật có chủ, tội trung phẩm; tưởng là vật vô chủ thì không phạm.

Tiếp theo, vật vô chủ thì sao? Bản thân nó là vật vô chủ, là vật bị vứt bỏ. Nhưng tôi “tưởng là vật có chủ”, lại lấy trộm rồi, như vậy có phạm tội hay không? Phạm. Phạm phẩm nào? Thượng phẩm? Thượng phẩm là đầy đủ sáu duyên mới phạm. Không có duyên thứ nhất “vật có chủ” rồi, cho nên trên thực tế là tội trung phẩm. Nhưng phạm tội trung phẩm này rất oan uổng, vì sao vậy? Đó vốn dĩ là vật vô chủ, lẽ ra quý vị có thể lấy, nhưng quý vị lại “tưởng là vật có chủ”, khởi tâm trộm để lấy nó, oan uổng phạm tội, tiểu nhân oan uổng làm tiểu nhân, rất đáng thương. Cho nên đừng khởi tâm trộm, là của quý vị thì sẽ là của quý vị, không phải thì quý vị tuyệt đối đừng lấy. Nếu chẳng phải sở hữu của ta, thì dẫu một ít cũng không lấy”. Cho nên, với vật vô chủ mà tác “tưởng là vật có chủ” thì phạm tội trung phẩm. Với vật vô chủ mà tác “nghi là vật vô chủ”, nghi ngờ đây có phải là vật vô chủ không? Tức là có một nửa tâm tưởng đó không phải là vật vô chủ. Lúc này lấy vật đi rồi, có phạm hay không? Phạm, phạm tội trung phẩm. Nếu đó là vật có giá trị, thì phạm tội trung phẩm; đương nhiên nếu đó là vật bốn tiền, vậy thì tội giảm xuống một bậc, tội căn bản là trung phẩm, tội phương tiện đó chính là hạ phẩm; nếu là một tiền, hai tiền, là tội hạ phẩm, vậy thì tội phương tiện đó vẫn là hạ phẩm.

Cho nên điều giới này khác với điều giới sát, khác ở chỗ nào? Giới sát cũng có năm câu. Mọi người có nhớ không?

Đối tượng giết là người, sau đó nghĩ là người, giết rồi, tội thượng phẩm. Là người, nghi là người, có phải là người không? Giết rồi, phạm tội trung phẩm. Là người, nhưng tưởng là phi nhân, thậm chí tưởng là ngột mộc, đó là khúc gỗ, chữ ngột trong ngột mộc, chữ ngột này theo giới luật, ngột chính là những cây cối đã bị khô héo rồi, gọi là ngột mộc, bên bộ mộc là chữ ngột trong kim ngột thuật.  Là người, tưởng là phi nhân, giết rồi, có phạm không? Phạm, họ vẫn phạm tội trung phẩm. Điều này khác với giới trộm, giới trộm là vật có chủ, nghĩ là vật có chủ, trộm cướp thì phạm tội thượng phẩm. Là vật có chủ, nghi là vật có chủ, trộm thì phạm tội trung phẩm. Là vật có chủ, tưởng là vật vô chủ, lấy trộm thì không phạm. Cho nên câu thứ ba của giới này khác với giới sát. Giết người, là người, tưởng là phi nhân, giết rồi vẫn phạm tội trung phẩm. Mà trộm cướp, là vật có chủ, tưởng là vật vô chủ, lấy trộm thì không phạm. Câu thứ tư, thứ năm, giới sát, là phi nhân, tưởng là người, giết rồi phạm tội trung phẩm; là phi nhân, nghi là người hoặc nghi là phi nhân, giết rồi phạm tội trung phẩm. Giới trộm này cũng vậy. Là vật vô chủ, tưởng là vật có chủ, trộm rồi, tội trung phẩm; là vật vô chủ, nghi là vô chủ vật, trộm cũng phạm tội trung phẩm, là như vậy.

Cho nên cảnh tưởng có năm câu, thông thường là năm câu, nhưng trong giới trộm có một câu ở giữa không phạm, câu thứ ba không phạm, chỉ còn lại bốn câu. Đây là nói đến trường hợp về trọng vật. Nếu là khinh vật, bốn tiền trở xuống, tội phạm phải của năm câu, toàn bộ giảm xuống, giảm xuống một bậc. Vốn dĩ là vật có chủ, nghĩ là vật có chủ, trộm cướp thì phạm tội thượng phẩm, nhưng là vật bốn tiền thì phạm tội trung phẩm. Vốn dĩ là năm tiền, là vật có chủ, nghi là vật có chủ, lấy trộm rồi phạm tội trung phẩm, nhưng là vật bốn tiền thì phạm tội hạ phẩm. Cứ như vậy mà suy ra, toàn bộ giảm xuống một bậc. Vật vô chủ, tưởng là vật có chủ, trộm cướp, nếu là trọng vật, phạm tội trung phẩm; nếu là khinh vật, phạm tội hạ phẩm. Vật vô chủ, nghi là vật vô chủ, trộm cướp thì phạm tội trung phẩm; nếu là bốn tiền thì phạm tội hạ phẩm. Mọi người theo kịp không? Nếu không theo kịp thì sau này có video rồi, mọi người nghe lần nữa, điều này phải huân tập nhiều lần.

Đây là nói đến nội dung của cảnh tưởng. Nói đến cảnh tưởng này, trong luật còn vi tế hơn một chút, chính là chia “tâm tưởng” đó ra, tâm tưởng có “mạn tâm” và “khắc tâm” khác nhau. Mạn chính là chữ “mạn” trong thủy mạn kim sơn, chữ mạn có bộ thủy. Mạn chính là thông mạn, nghĩa là “khắp”. Mạn tâm này cũng có đại mạn tâm, tiểu mạn tâm. Đại mạn tâm là gì? Trong luật phân chia chúng sanh hữu tình thành ba loài: Loài thứ nhất là người, vậy quý vị giết họ hoặc trộm vật của họ thì phạm tội nặng; loài thứ hai là phi nhân, tức là quỷ thần, trời, rồng, còn có loài súc sanh có thể biến hóa thành hình người, như hồ ly tinh, vậy trộm vật của họ, giết họ thì tội giảm xuống, là tội trung phẩm; loài thứ ba là súc sanh, không thể biến hóa thành hình người, chính là động vật thông thường, giết chúng, trộm vật của chúng, phạm tội hạ phẩm. Đây là ba loài chúng sanh hữu tình. Nếu dùng đại mạn tâm mà giết họ, trộm vật của họ, chỉ cần có chúng sanh đến, cảnh giới của đối phương là loài nào thì kết tội với loài đó. Ví dụ đối tượng tôi giết là người, dùng đại mạn tâm mà giết hết, bất luận là người, phi nhân, hay là súc sanh, thấy thì sẽ giết. Dùng đại mạn tâm này để giết, đối tượng giết là người thì phạm tội nặng; đối tượng giết là phi nhân thì phạm tội trung phẩm; đối tượng giết là súc sanh thì phạm tội hạ phẩm. Dựa vào đối tượng đến là ai, thì kết tội tương ứng với đối tượng đó, đại mạn tâm.

Nếu là tiểu mạn tâm, tiểu mạn tâm là chỉ đối với người, nhưng bất kể người này là người nào, chỉ cần là người thì giết. Như Hít-le, như Nhật Bản chiến tranh xâm lược Trung Hoa vào thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai, thấy người là giết, “chính sách tam quang”: Giết hết, cướp hết, đốt hết. Giết và trộm như vậy là tiểu mạn tâm. Tiểu mạn tâm này, tức là nếu đối tượng là người xuất hiện, bất luận là Trương Tam, Lý Tứ hay là Vương Ngũ, giết và trộm rồi đều phạm tội thượng phẩm. Nhưng đối với phi nhân và súc sanh, với họ mà nói thì không kết tội. Bởi tâm đối ứng này không phải là giết chúng, chỉ là giết người hoặc trộm vật của người, đây là tiểu mạn tâm.

Tâm thứ ba là khắc tâm, là ấn định. Trong mọi người tôi ấn định chỉ giết Trương Tam, không giết Lý Tứ, không giết Vương Ngũ, người khác thì không giết, chỉ giết Trương Tam, ấn định rồi. Trộm cướp cũng vậy, tôi chỉ lấy trộm vật của Trương Tam, vật của người khác thì tôi không trộm, đây gọi là khắc tâm.

Ba loại tâm này sẽ kết tội không như nhau, ở đây tôi cũng nói đơn giản cho mọi người biết, dùng sát sanh, trộm cướp để nói. Nhưng ba tâm này, đại mạn tâm, tiểu mạn tâm và khắc tâm, thật ra đối với giới vọng ngữ và giới dâm dục cũng như nhau, cũng sẽ có trường hợp này, đương nhiên sự kết tội của họ cũng khác nhau, nhưng dùng giới sát sanh và trộm cướp để nói, bây giờ chúng ta huân tập một chút. Chúng tôi nói về giới sát sanh trước. Nếu dùng đại mạn tâm mà giết, vừa rồi đã nói ba đường, tức là người, phi nhân và súc sanh bị quý vị giết rồi, vậy thì đều phạm, giết loài nào thì họ phạm tội đó. Giết người thì phạm tội thượng phẩm, giết phi nhân thì phạm tội trung phẩm, giết súc sanh thì phạm tội hạ phẩm. Giới trộm cướp cũng như vậy. Vật đã trộm cướp là vật của người, đủ năm tiền, hiện nay chúng ta lấy đủ năm tiền làm ước lệ, thì phạm tội nặng; trộm vật của phi nhân, phạm tội trung phẩm; trộm vật của súc sanh, giả sử vật của súc sanh này là vật vô chủ, không có chủ nhân, vậy thì phạm tội hạ phẩm. Nếu dùng tiểu mạn tâm, hai điều giới sát sanh, trộm cướp đều như nhau. Tiểu mạn tâm là chỉ cần là người thì giết, xác định là người, nhưng trong mọi người, bất luận là Trương Tam, Lý Tứ, hay Vương Ngũ thì đều giết. Đương nhiên như vậy cũng phù hợp với năm duyên của giới sát: Là người, nghĩ là người, có tâm giết hại, khởi phương tiện, đối phương mạng đoạn. Đầy đủ năm duyên, phạm tội nặng. Giới trộm cướp cũng như vậy: Là người, vật có chủ, nghĩ là vật có chủ, có tâm trộm, là vật có giá trị, khởi phương tiện, lấy khỏi chỗ ban đầu, phạm tội nặng. Bất luận là Trương Tam, Lý Tứ, hay Vương Ngũ, dùng tiểu mạn tâm mà giết, trộm cũng đều như nhau.

Vậy còn khắc tâm? Khắc tâm thì có một chút khác biệt rồi, tội này phán thế nào? Nếu dùng khắc tâm giết Vương Ngũ, trường hợp này có hai tình huống. Nếu đối tượng quý vị giết đúng là Vương Ngũ, đương nhiên là phạm tội nặng rồi, trộm cướp cũng là như vậy. Nhưng nếu người quý vị giết không phải Vương Ngũ, ở đây có hai tình huống, một là thác sát, hai là ngộ sát. Thác có nghĩa là gì? Thác và ngộ khác nhau, thác tức là cảnh đối diện đan xen, rối loạn rồi. Ví dụ như trong một nhóm người, tôi chỉ muốn giết Vương Ngũ, vung dao chém xuống, kết quả là Trương Tam chết thay, đã chém trúng Trương Tam, Vương Ngũ không bị chém, đây gọi là thác sát. Giết lầm Trương Tam, bởi vì tâm của tôi ấn định là giết Vương Ngũ, không giết phải Vương Ngũ thì không phạm tội căn bản, không phạm tội căn bản, mà người đã giết là Trương Tam, tôi không muốn giết Trương Tam, tôi không có tâm giết hại Trương Tam, trong năm duyên này đã thiếu duyên “có tâm giết hại” nên không phạm. Tôi giết Trương Tam rồi cũng không phạm giới, bởi vì tôi không muốn giết anh ấy, tôi chỉ muốn giết Vương Ngũ; đối với Vương Ngũ, vẫn chưa giết được, chỉ kết tội phương tiện, trung phẩm, là như vậy. Cho nên, dùng thác tâm với việc giết Trương Tam mà nói là không phạm giới.

Vậy còn ngộ tâm? Ngộ có nghĩa là gì? Ngộ tức là chỉ tâm của chúng ta, bây giờ tôi muốn giết Vương Ngũ, nhưng Trương Tam mà tôi đã giết, tôi tưởng anh ấy là Vương Ngũ, tâm này nghĩ sai rồi, không phải là cảnh hỗn loạn, ở đây có chút vi tế. Tâm của tôi tưởng Trương Tam là Vương Ngũ, tôi vung dao chém vào người đó, đó không phải là do cảnh hỗn loạn dẫn đến tôi giết lầm, là tâm của tôi nghĩ sai rồi, tưởng anh ấy là Vương Ngũ, giết anh ấy rồi, gọi là ngộ sát. Ngộ và thác, một trường hợp là cảnh hỗn loạn, một trường hợp là tâm loạn, cảnh và tâm khác nhau. Trường hợp này phán tội thế nào? Tôi đã ngộ sát, tôi tưởng Trương Tam là Vương Ngũ, một đao chém xuống, giết anh ấy rồi. Bởi vì trong suy nghĩ của tôi biết đối phương là người, họ là một người, tôi cũng nghĩ là người. Bởi vì đều là người, tức là chúng sanh trong cõi người, vì vậy dù cho tâm của tôi muốn giết Vương Ngũ, nhưng tôi có tâm giết hại, là tâm giết hại người, mà khi tôi giết người, tôi biết rất rõ, đối tượng tôi giết là người, “là người, nghĩ là người, có tâm giết hại, khởi phương tiện, đối phương mạng đoạn”, phạm tội thượng phẩm không thể sám hối. Ngộ sát cũng vậy, đối với người mà nói, tưởng Trương Tam là Vương Ngũ mà giết rồi, phạm tội thượng phẩm. Còn thác sát? Thác sát là đối với Trương Tam thì không phạm, chỉ là đối với Vương Ngũ, với người chưa giết thành, phạm một tội phương tiện trung phẩm. Cho nên sau cùng chỉ bị tội trung phẩm. Mọi người có hiểu được không? Một trường hợp là thác sát, trường hợp kia là ngộ sát, khác nhau.

Vậy còn trộm cướp? Giới trộm cướp thì phức tạp hơn một chút, mọi người chú ý lắng nghe. Nó cũng chia ra hai trường hợp “thác” và “ngộ”. Kiểm tra trí lực của mọi người và độ chuyên chú của mọi người nữa. Dùng khắc tâm để trộm, ví dụ như trộm vật của Vương Ngũ, tôi ấn định tôi chỉ trộm vật của Vương Ngũ, giả sử tôi trộm nhầm rồi, bởi vì rất nhiều đồ vật để ở đó, tình cảnh hỗn tạp, rối loạn, trong lúc vội vàng tôi lấy nhầm rồi, vốn dĩ là tôi muốn lấy vật của Vương Ngũ, nhưng kết quả là lấy vật của Trương Tam, vậy trường hợp này có phạm trộm cướp không? Kết tội như thế nào? Phạm tội trung phẩm hay thượng phẩm? Nếu đây là vật có giá trị, năm tiền trở lên. Không phải tội thượng phẩm, phán xét thế nào? Bởi vì vật tôi muốn trộm là vật của Vương Ngũ, mà tôi lấy nhầm rồi, không lấy được vật của Vương Ngũ, cho nên đối với vật của Vương Ngũ, tôi chỉ kết một tội phương tiện, không lấy khỏi chỗ ban đầu, đúng không, cho nên là tội trung phẩm. Mà lấy vật của Trương Tam, do tôi không có tâm trộm, tôi không muốn lấy vật của Trương Tam, mà tôi lấy nhầm rồi, không có tâm trộm với vật của Trương Tam, lấy nhầm thì không phạm, cho nên hai điều hợp lại chỉ là tội trung phẩm, tội trung phẩm này là đối với vật của Vương Ngũ trộm mà chưa được, kết tội trung phẩm, đây là trường hợp của “thác”.

Thác, còn một trường hợp, tôi muốn trộm vật của Vương Ngũ, vật của Vương Ngũ rất nhiều, tôi chỉ muốn trộm dây chuyền trân châu của Vương Ngũ, nhưng trong lúc vội vàng, tôi đã lấy xâu chuỗi mã não, xâu chuỗi mã não cũng là của Vương Ngũ, đều là hơn năm tiền, vào lúc này, là phạm tội thượng phẩm, trung phẩm hay là không phạm? Như vậy cũng chỉ phạm tội trung phẩm. Giải thích thế nào? Bởi vì tâm của tôi ấn định là trộm dây chuyền trân châu của Vương Ngũ, nhưng tôi trộm không thành. Cho nên đối với vật mà tôi ấn định muốn lấy trộm, tôi chỉ bị tội phương tiện, trộm mà chưa được, tội phương tiện chính là trung phẩm. Tôi không muốn trộm xâu chuỗi mã não, không muốn trộm vật đó, đó là trộm nhầm rồi, đối với xâu chuỗi mã não, tôi không có tâm trộm, cho nên không phạm. Cho dù đó là vật của Vương Ngũ, tôi cũng không phạm, cho nên hợp lại với nhau, chỉ bị tội trung phẩm. Tội trung phẩm là xét về việc trộm dây chuyền trân châu của Vương Ngũ mà không thành, phạm phải tội phương tiện trung phẩm, đây là trường hợp thác”.

Còn trường hợp “ngộ”? Đây là bởi vì tâm, ngộ là bởi vì tâm nhầm lẫn rồi. Thác là trong tình cảnh hỗn loạn, tôi lấy nhầm rồi. Vậy luận về tâm này, nếu như có vật, ví dụ tôi muốn lấy trộm vật của Vương Ngũ, kết quả là tôi tưởng vật của Trương Tam là vật của Vương Ngũ, lấy trộm như vậy là ngộ. Vậy xin hỏi phạm phẩm nào? Mọi người đều im lặng rồi? Việc trộm nhầm này, chúng ta xem sáu duyên thành phạm, thứ nhất, bởi vì tâm ấn định của tôi bây giờ là muốn trộm vật của Vương Ngũ, bây giờ tôi lấy vật của Trương Tam rồi, cũng tức là tôi không trộm được vật của Vương Ngũ, đối với vật của Vương Ngũ trộm mà chưa được, chưa lấy khỏi chỗ ban đầu, tuy có tâm trộm, nhưng chưa lấy khỏi chỗ ban đầu, phạm tội trung phẩm. Mà đối với vật của Trương Tam, căn bản là tôi chưa từng nghĩ sẽ trộm, không có tâm trộm mà trộm, cho nên đối với vật của Trương Tam, tôi thực sự trộm được vật của Trương Tam, không phạm giới trộm cướp, hợp lại với nhau chính là tội trung phẩm.

Tiếp tục, tôi vẫn trộm vật của Vương Ngũ, trong tâm tôi nghĩ là trộm dây chuyền trân châu của Vương Ngũ, ấn định là trộm dây chuyền trân châu của Vương Ngũ. Kết quả là do sự hỗn loạn trong tâm, tưởng rằng xâu chuỗi mã não của Vương Ngũ là dây chuyền trân châu, có lẽ đều đựng trong cái hộp, cái hộp này cũng gần như nhau, lấy trộm một cái hộp, không nhìn kỹ, lấy nhầm xâu chuỗi mã não của Vương Ngũ, không trộm được dây chuyền trân châu của Vương Ngũ. Xin hỏi tôi kết tội gì? Vẫn là tội trung phẩm. Mọi người theo kịp rồi. Phân tích thế nào? Bởi vì tâm ấn định của tôi là trộm dây chuyền trân châu của Vương Ngũ, trộm mà chưa được, tội trung phẩm. Đối với xâu chuỗi mã não của Vương Ngũ thì vốn không có tâm trộm, lấy nhầm rồi không phạm, hợp lại với nhau là tội trung phẩm. Giới sát sanh và trộm cướp này, có đại mạn tâm, tiểu mạn tâm, khắc tâm. Trong khắc tâm có hai trường hợp thác và ngộ, những tội tướng này đều phải hiểu rõ trong tâm, sau đó quý vị mới biết làm sao để phán tội. Đương nhiên thật sự nghiêm trì, tâm gì cũng đừng nên có, tức là đừng có tâm trộm là được rồi. Nắm chắc nguyên tắc này, không có tâm trộm thì tuyệt đối không phạm, “ngộ” hay “thác” mà lấy cũng không phạm.

Vậy là nói xong tội tướng của tâm tưởng khác nhau của hai giới sát sanh và trộm cướp, tiếp theo chúng tôi nói khai duyên. Sự khai duyên này, trong giới trộm cướp chủ yếu chính là không có tâm trộm thì không phạm”. Đương nhiên thông khai đều như nhau, giống như giới sát sanh, chúng tôi đã nói rồi, si cuồng, tâm loạn, thống não, bức bách”, cả người phát điên lên, tâm thần phân liệt rồi, vốn dĩ không biết bản thân đang làm gì, các giới sát đạo dâm vọng đều không phạm. Đây là thông khai, mỗi điều giới đều như nhau, bao gồm giới ăn phi thời v.v…, những giới này đều như nhau. Thần kinh rối loạn rồi, buổi tối ăn cơm cũng không phạm. Tất cả các giới, đây là sự khai duyên thông tất cả các giới, vậy bây giờ chúng ta chỉ đặc biệt nói đến khai duyên của điều giới này.

Thứ nhất là “nhược dữ tưởng”, “dữ” tức là cho đi, có suy nghĩ tưởng rằng đối phương cho tôi. Họ cho tôi dây chuyền trân châu này rồi, thật ra có thể họ cho tôi đeo thử, không phải thật sự muốn cho tôi, tôi tưởng họ cho tôi rồi, chiếm làm của riêng không trả nữa, như vậy thì không phạm. Vì sao? Vì không có tâm trộm. Nhưng nếu người khác yêu cầu quý vị trả, thì quý vị nhất định phải trả, nếu quý vị không muốn trả, thì lúc ấy có tâm trộm rồi. Vừa khởi một ý niệm không muốn trả, lập tức thành “tội nặng”, tội thượng phẩm. Cho nên tốt nhất là làm cho rõ, vật mà người khác cho quý vị, quý vị hỏi: “Bạn cho tôi hay cho tôi mượn?” Cho tôi mượn, tôi nhất định phải trả, mượn đồ người, trả đúng hẹn. Sau có cần, mượn không khó”. Nếu đối phương nói với quý vị: “Tôi cho bạn đó”. Được, vậy thì không thành vấn đề.

Thứ hai là “nhược kỷ hữu tưởng”, tưởng là vật của mình. Giống như hôm trước tôi nêu ví dụ của Ngài Ca Lưu Đà Di mặc nhầm cà sa, Ngài cho rằng cà sa đó là của mình, mặc nhầm của người khác, vậy đương nhiên là không có tâm trộm, Ngài Ca Lưu Đà Di không phạm giới trộm cướp. Đương nhiên là trong luật quy định, chẳng thể không xem có phải áo của mình không mà lấy đi. Đặc biệt là mọi người sống trong đời sống tập thể, áo hải thanh cũng vậy, quý vị đừng tùy tiện lấy mặc, phải xem có phải của mình không. Nếu không thì cũng phạm tội hạ phẩm, đây là oai nghi, không phù hợp oai nghi, bởi vì cũng có ý não hại chúng sanh. Cho nên tuy là bản thân không có tâm trộm, nhưng cũng phải chú ý về oai nghi, đừng não hại người khác, là như vậy. Bao gồm giới sát sanh, tuy là không có tâm giết hại, ngộ sát, từ lầu trên làm rơi gạch xuống, “tôi không muốn giết, họ chết rồi, tôi không phạm giới”. Nhưng quý vị cũng phải cẩn thận, quý vị cũng phạm tội hạ phẩm, không cẩn thận. Mạng người vô cùng quan trọng, quý vị không thể dùng sự không cẩn thận thì cho qua chuyện. Cũng phải chú ý cẩn thận, bởi vì mọi việc đều có nhân quả.

Thứ ba là “nhược phẩn tảo tưởng”, “phẩn tảo” tức là vật bị bỏ đi, để trong đống rác, tưởng không ai cần, không ngờ là người ăn xin tạm thời để đó, đó là vật thuộc về người ăn xin, tôi lấy nó đi rồi, đây là “nhược phẩn tảo tưởng”, không có tâm trộm, không phạm. Đương nhiên người ta xin lại quý vị thì quý vị phải trả lại cho người ta, người ăn xin đuổi theo nói: “Sao anh lấy đồ của tôi?” “Nè, trả lại cho anh đây”. Như vậy thì không phạm. Quý vị không thể tranh cãi với họ: “Đây là tôi nhặt được trong đống rác, đây là của tôi”. Vừa tranh cãi, vậy thì tối thiểu cũng phạm tội trung phẩm, bởi vì tâm quý vị sẽ có nghi ngờ: Có phải của anh ấy không? Nhưng bởi vì quý vị quá chấp trước, không chịu trả, nhưng việc làm này cũng có tội, nghiệp của tâm rất vi tế, cho nên người khác đòi thì tốt nhất là trả lại cho họ.

Thứ tư “nhược tạm thủ tưởng”. Lấy dùng một lúc, mượn dùng, như vậy không muốn chiếm làm của riêng, không phải có tâm trộm, vậy thì không phạm. Ví dụ như chúng ta sống trong tập thể, đồ dùng đều để ở liêu phòng, có khi dùng đồ của người khác một lúc, trong tâm quý vị không muốn trộm cắp, dùng đồ của người khác một lúc, như vậy không phạm giới trộm cướp. Mượn dùng thì sau đó phải trả lại, đương nhiên quý vị cũng phải được sự đồng ý của người khác mới được, nếu không thì cũng sẽ có ý tổn hại người khác, phạm tội hạ phẩm. Nếu lấy dùng một lúc rồi không trả lại, vậy là phạm giới trộm cướp. Chỉ cần có ý niệm muốn trả lại, cũng đều không phạm. Chúng tôi cũng đã nghe qua không ít án lệ, như ông cha đã mượn tiền nhau, ông cha đã mượn tiền, mãi cho đến đời cháu vẫn trả, vì sao vậy? Họ không có ý không trả, như vậy đều không phạm giới trộm cướp. Nếu ông nội của tôi đã thiếu tiền đối phương, đương nhiên ông nội thiếu tiền thì cháu trả, điều này tốt. Nếu khi lâm chung ông nghĩ: Tôi cũng sắp chết rồi, không trả nữa, thôi đi. Như vậy thì ông đã phạm giới trộm cướp, mang theo tội trộm cướp mà chết, như vậy rất đáng thương. Nếu ông không có ý niệm này thì không vấn đề gì. Còn cháu, bởi vì là tiền ông đã mượn, cháu nên trả thay cho ông, nhưng bởi vì không phải tiền mà cháu đã mượn, nhưng nếu cháu kế thừa số tiền này rồi, cũng biết là tiền này thuộc về đối phương, nếu cháu cũng tác ý không trả, vậy thì người cháu cũng sẽ phạm giới trộm cướp. Bởi vì đó là vật có chủ, quý vị nghĩ là vật có chủ. Nhưng nếu đứa cháu không biết số tiền đó là ông mượn của người khác, vậy thì thuộc về “kỷ hữu tưởng”, vậy thì không phạm. Cho nên những điều này đều là theo tâm của chúng ta mà kết tội nghiệp. Quý vị có tâm trộm thì kết nghiệp, không có tâm trộm thì không kết nghiệp. 

Sau cùng, “nhược thân hậu tưởng”. Tức là hai người vô cùng thân mật, thân thiết, đồng cam cộng khổ cùng chung hoạn nạn, sống chết có nhau, hai người dùng đồ của nhau, lấy đồ của nhau, cả hai đều rất vui vẻ, tuyệt đối không phân biệt tôi và người, như vậy gọi là thân hậu tưởng. Lấy đồ của người khác mà chiếm làm của riêng như vậy, đều không phạm giới  trộm cướp, bởi vì việc này không có tâm trộm, tác thân hậu tưởng, ví dụ như cha con, vợ chồng, bạn bè rất thân thiết, anh em. Nhưng trong luật cũng nói cho chúng ta biết: Bất đắc phi thân hậu tác thân hậu ý thủ”. Quý vị không thể tùy tiện cho rằng, tôi và anh ấy là anh em, tôi lấy đồ của anh ấy không phạm thì cứ lấy đồ vật của người khác, kết quả là người khác vô cùng giận dữ, như vậy không phải là thân thiết. Quý vị lấy đồ của họ, họ rất vui vẻ, mới gọi là thân thiết. Điều này có khi vợ chồng cũng không làm được, cho nên giữa vợ chồng với nhau lấy đồ của nhau cũng phải được đối phương đồng ý, nếu không thì cũng phạm giới trộm cướp. Quý vị không thể không thân thiết mà tác ý thân thiết, như vậy là không được. Nếu quý vị có tâm gạt mình gạt người, tôi muốn lấy trộm đồ của người khác, cố ý nói: “Trong luật nói là thân thiết mà lấy thì không phạm giới trộm cướp, vậy tôi tác ý thân thiết”, liền trộm rồi, trên thực tế vẫn là tâm trộm, vẫn kết tội, đủ sáu duyên trở thành phạm tội nặng. Nếu tôi không có tâm gạt mình gạt người, tôi thật sự xem họ rất thân thiết, nhưng trên thực tế thì không thân thiết, như vậy có tội không? Tôi lấy đồ vật của bạn tôi, tôi với anh ấy rất thân thiết, tôi liền lấy, nhưng anh ấy không xem quý vị là người thân thiết với anh ấy, quý vị lấy đồ của anh ấy thì anh ấy rất giận dữ, xin hỏi nếu tôi lấy đồ của anh ấy, tôi có phạm giới trộm cướp không? Trên thực tế thì tôi cũng không phạm. Vì sao vậy? Bởi vì trên thực tế tôi tác ý thân thiết, trên thực tế là tôi không có tâm trộm, vậy chính là kiểu “là vật có chủ, tưởng là vật vô chủ”, không phạm giới trộm cướp. Nhưng Phật nói “bất ưng nhĩ”, không được như vậy, quý vị vẫn tổn thương người khác, cho nên vẫn kết quý vị một tội hạ phẩm, nhưng không phạm phải tội căn bản.

Đây là phần khai duyên, đương nhiên trong luật còn có rất nhiều khai duyên, tôi nêu ra vài điều để nói rõ hơn, mọi người có thể từ đây mà suy rộng ra. Ví dụ dĩ từ tâm giải phóng ngưu, bất phạm, đãn bất ưng nhĩ”. Đây là điều trong Luật Tứ Phần nói, dùng tâm từ bi để phóng thích, tức là phóng sanh, nhìn thấy người ta muốn giết bò rồi, tôi dùng tâm từ bi thả bò. Trước đó tôi đã nói, nếu quý vị dùng tâm trộm để dắt con bò này đi, cởi hết dây thừng, bốn chân nó rời khỏi vị trí, rời khỏi chỗ ban đầu, vậy là cử ly bổn xứ rồi, thì phạm tội căn bản, tội thượng phẩm rồi. Nhưng bây giờ tôi dùng tâm từ bi, tôi vì cứu con bò này, phóng sanh, tôi phóng thích nó, đương nhiên cũng không đưa tiền cho người ta, như vậy là phạm hay không phạm? Không phạm. Vừa rồi đã nói, dùng tâm từ bi phóng thích bò thì không phạm, nhưng không nên như thế. Phật nói “không nên như thế” tức là phạm oai nghi, thuộc về tội hạ phẩm. Cho nên từ đây mà suy luận, xưa kia trước khi Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ xuất gia đã làm một chức quan nhỏ, Ngài lấy tiền trong quốc khố để phóng sanh hết rồi, trên thực tế dùng Luật Tứ Phần để phán trường hợp này, Ngài không phạm tội nặng căn bản. Nhưng không nên như thế, tức là làm như vậy là phạm oai nghi. Nhưng Bồ-tát chẳng thà xả bỏ oai nghi nhỏ để cứu độ chúng sanh, đây là hành trì của Bồ-tát, Ngài thật sự có thể bỏ mạng làm như vậy, hoàng thượng muốn chém đầu, sắc mặt Ngài vẫn không thay đổi, một mạng của tôi đổi lấy ngàn vạn sinh mạng khác, xứng đáng. Việc này Bồ-tát hành trì thì được, vì độ chúng sanh thì được, nhưng quý vị không thể tự mình gạt mình. Cho nên lúc này tốt nhất chúng ta nên trả tiền cho người khác. Bởi vì Tỳ-kheo không có tiền, cho nên phóng thích bò rồi, không trả tiền thì không phạm, chỉ là phạm oai nghi mà thôi.

Còn nữa, nếu tên cướp đã cướp đứa con đi rồi, gạt đem bán rồi, nếu chúng ta đã biết, đoạt nó về lại, điều này hôm qua chúng tôi nói có vấn đề “tặc phục đoạt tặc”, có hay không? Như vậy có thuộc về tặc phục đoạt tặc không? Đứa trẻ này đã cử ly bổn xứ, nó rời khỏi chỗ ban đầu rồi, đây là cướp người, nếu tôi dùng tâm tư lợi, muốn đoạt đứa trẻ này về làm đệ tử của tôi, như vậy là phạm giới trộm cướp, tặc phục đoạt tặc, tội thượng phẩm không thể sám hối. Nếu dùng tâm từ bi để cứu, tìm lại đứa trẻ đó, trả về cho ba mẹ của nó, như vậy thì không phạm, không phạm nhưng không nên như thế, vẫn phạm một tội hạ phẩm về oai nghi. Cho nên trong luật nói: Nếu là đệ tử của sư phụ, đệ tử mà sư phụ thế độ, bị cướp mất rồi, sư phụ không thể trực tiếp đoạt về, đoạt về thì thuộc về phạm tội thượng phẩm. Vì sao vậy? Bởi vì quý vị là vì bản thân mà đoạt lại. Có thể làm thế nào? Có thể báo cáo với người có thế lực lớn, để họ sắp xếp cứu chuộc, như vậy thì được. Hoặc là bản thân đệ tử chạy về, như vậy cũng không vấn đề, tôi không thể cướp đoạt trở lại. Nhưng vì chúng sanh, quý vị xem trong Luật Tứ Phần cũng có thể khai duyên, dùng tâm từ để giúp người khác cứu đứa trẻ trở về, như vậy không phạm tội căn bản.

Cho nên, tuy Luật Tứ Phần là luật Thanh-văn, nhưng trên thực tế trong đây cũng hiển lộ sự tương ưng với giới Bồ-tát, giới Bồ-tát vì độ chúng sanh, những giới nhỏ tôi có thể khai duyên. Khai duyên nghĩa là không phải là tội gì cũng không phạm, Bồ-tát tôn trọng giới pháp của Thanh-văn, còn tôn trọng hơn cả Thanh-văn. Cho nên Bồ-tát gặp trường hợp này, nên cứu thì phải cứu, nhưng bởi vì phạm một tội hạ phẩm về oai nghi, họ cũng phải sám hối như pháp về oai nghi này, họ không thể nói “dù gì tôi cũng không phạm tội căn bản, tội nhỏ thì tôi không cần sám hối”, không có. Quý vị không sám hối tức là không tôn trọng giới pháp Thanh-văn, vì độ chúng sanh thì quý vị sợ gì sám hối? Ngay cả xuống địa ngục cũng không sợ, quý vị còn không chịu sám tội, vậy thì không phải là Bồ-tát. Cho nên quý vị xem, Bồ-tát vì độ chúng sanh nên khai giới sát, giết người rồi, sau khi giết rồi bản thân phạm tội thượng phẩm, y theo tội thượng phẩm sám hối. Nếu là một Tỳ-kheo, thì làm học hối Sa-di. Vì độ chúng sanh sợ gì bản thân làm học hối Sa-di? Có tâm như vậy mới gọi là Bồ-tát. Quý vị nói tôi giết người rồi, vậy tôi vì cứu người, không cần trừng phạt tôi rồi, tâm này chính là tự tư tự lợi, không phải là Bồ-tát. Cho nên Bồ-tát đã cứu hộ chúng sanh, cũng tôn trọng giới pháp, phạm phải tội hạ phẩm đều sám hối như pháp.

Hôm nay chúng tôi giảng đến đây. Cám ơn mọi người.

 

HẾT

Cẩn dịch: Diệu Hiệp

 

Trả lời 0