Responsive Menu
Add more content here...

Tập 7 – Bát Quan Trai Giới Giảng Yếu

BÁT QUAN TRAI GIỚI GIẢNG YẾU

Tập 7

 

Chủ giảng: Pháp sư thượng Định hạ Hoằng

Thời gian: Ngày 15 tháng 9 năm 2017

Giảng tại: Chùa Thiện Quả Lâm Tịnh Độ – Đài Loan

 

Trì giới là gốc,

Tịnh Độ là nơi trở về.

Quán tâm là điều quan trọng,

Bạn lành là nơi nương tựa.

 

Kính chào Pháp sư Pháp Liên từ bi, chư vị Pháp sư, chư vị liên hữu, kính chào mọi người. Mời bỏ tay xuống.

Buổi học này, chúng tôi bắt đầu giảng điều giới thứ ba: “không dâm dục”. Điều giới “không dâm dục” này, trong Bát Quan Trai giới là đoạn dâm dục hoàn toàn, khác với giới “không tà dâm” trong Ngũ giới. Bởi vì Ngũ giới là người tại gia thọ trì, Phật cho phép giữa vợ chồng được chánh dâm, đây là tùy thuận phàm phu trong cõi Dục như chúng ta, cho nên đối với cư sĩ tại gia sơ cơ có sự khai duyên như vậy. Nhưng thật sự muốn cầu đạo giải thoát, thì nhất định phải đoạn dâm dục. Trong Kinh Viên Giác dạy: “Nhất thiết chúng sanh, giai nhân dâm dục nhi chánh tính mạng”, điều này đã nói ra căn bản của sanh tử luân hồi. Gọi là ái bất trọng bất sanh Ta Bà, niệm bất nhất bất sanh Tịnh độ”, chúng ta phải yểm ly Ta Bà, hân cầu Cực Lạc, vậy thì phải buông xả được ái dục của Ta Bà này. Vãng sanh Tịnh độ, cũng cần phải buông xả điều này. Cho dù là người tại gia, đến sau cùng, nếu không buông xả tâm ái nhiễm này, đó cũng là sự chướng ngại vãng sanh. Vì vậy, trong Kinh Vô Lượng Thọ nói đến chánh nhân vãng sanh, có nhắc đến tu thập thiện nghiệp, mà đề pháp của thập thiện nghiệp này, có chút khác biệt với điều trong Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo đã nêu ra, không biết mọi người có để ý tới không, khác biệt ở điều nào? Chính là điều này, sở vị nhất bất sát sanh, nhị bất thâu đạo, tam bất dâm dục”. Trong Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo nói: Ba là bất tà hạnh”. Không tà hạnh chính là không tà dâm, đó là chỉ hành vi nam nữ ngoài vợ chồng, đó gọi là tà dâm. Đây là bởi vì thập thiện nghiệp đạo cũng thông với thiện pháp của thế gian, cho nên không thể đưa tiêu chuẩn này lên quá cao. Mà trong Kinh Vô Lượng Thọ lại nói rất rõ ràng, giống như trong Bát Quan Trai giới vậy, không dâm dục.

Vì vậy, nếu chúng tại gia như mọi người có vợ chồng, vợ chồng đôi bên đều học Phật là tốt nhất, từ từ làm phai nhạt tập khí này, sau cùng có thể buông xả. Vậy thật sự có một bên không thể buông xả, đương nhiên chúng ta cũng đành phải hằng thuận chúng sanh, không thể vì điều này mà khiến gia đình bất hòa. Bởi vì suy cho cùng, đã có nghiệp quả như thế, vậy thì chúng ta đành phải tùy thuận, nhưng nội tâm của chính mình phải buông xả, không sanh nhiễm trước, dần dần chán lìa. Khi chán lìa cũng đừng não hại người khác, nếu không thì điều này lại dẫn đến ác nghiệp khác hiện hành. Bản thân thật sự có thể từ từ buông xả, nhân duyên sẽ càng ngày càng thanh tịnh, cầu Phật Bồ-tát gia trì nhiều hơn, hy vọng đôi bên cùng nhau buông xả. Cho nên đối với người tại gia mà nói, Bát Quan Trai giới là vô cùng phương tiện, chỉ yêu cầu một ngày một đêm, đương nhiên muốn thọ nhiều ngày nhiều đêm cũng được, thậm chí là thọ trọn đời đương nhiên là càng tốt, nhưng điều này cũng không thể cưỡng cầu. Thọ trọn đời thì trên cơ bản là giống như người xuất gia vậy, chín điều giới đầu trong mười giới Sa-di của người xuất gia chính là Bát Quan Trai giới.

Vì vậy, trước tiên chúng tôi nói đến chế ý” của điều giới này, vì sao Phật phải chế điều giới này. Căn cứ vào Giới Bổn Sớ, đây là một trong ba bộ luật lớn của Tổ luật Đạo Tuyên, giải thích Giới Bổn Tỳ Kheo. Giới Bổn Sớ nói rằng: Dâm dục tánh giả, thể thị ác pháp”. Thể tánh của hành vi này là ác pháp. Vì sao vậy? Bởi vì nó có thể chiêu cảm khổ báo của sanh tử, khổ chiêu cảm được là quả, hành vi này là nhân, cho nên thể tánh của nó là ác. Nếu tạo tác thì sẽ tăng thêm nhân khổ của sanh tử, khiến cho nhân quả này mãnh liệt không dứt, không thể đoạn trừ. Mà chúng ta ở trong luân hồi, có thể nói tập khí này là sâu nặng nhất, do đó cũng khó đoạn trừ nhất, nên vô lượng kiếp đến nay đều trầm luân trong tam hữu. Tam hữu chính là tam giới: Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới. Dục giới là bởi vì có ngũ dục, tài sắc danh thực thùy chính là ngũ dục, điều giới này đối trị sắc dục. Người ở Sắc giới, Vô Sắc giới đã tạm thời hàng phục được dục vọng rồi, nhưng gốc của nó vẫn còn, mất đi định lực, thọ mạng hết rồi, vẫn phải trầm luân trong Dục giới, thậm chí là trầm luân trong ba đường ác, không thể nào ra khỏi. Ý niệm và hành vi này là nguồn gốc của việc chướng ngại Thánh đạo. Nói về chướng đạo, điều dâm dục này là nghiêm trọng nhất, không có gì nghiêm trọng hơn. Cho nên tội ác này vô cùng sâu nặng, sao có thể không cứu giúp được? Do đó đức Phật là bậc đại Thánh đã chế định điều giới này, để ngăn chặn chúng ta tiếp tục trầm luân, đây là ý nghĩa tồn tại của chế ý.

Vừa rồi đã nói điều giới này, thể là ác pháp, cho nên nó cũng là tánh tội, nó có nghiệp của tánh tội. Đồng thời lại là điều giới mà Như Lai đã chế đoạn, do đó nếu phạm phải thì cũng có giá tội, cho nên đầy đủ hai nghiệp tánh và giá. Bởi vì dâm dục có tai họa lớn như vậy, cho nên Như Lai chế điều giới này, điều giới này là đối trị phiền não này, cho nên tên gọi của giới là “không dâm dục”. Nói xong “chế ý” của điều giới này, chúng ta xem bản văn của điều giới này, bản văn trong Sa Di Thập Giới Oai Nghi Lục Yếu:

Nhất thiết thế gian, nhược nam, nhược nữ, nhược nhân, nhược quỷ, nhược súc sanh đẳng, tịnh bất đắc nhiễm tâm giao cấu, diệc bất đắc dữ tha nhân dâm. Đãn hữu can phạm, giai phạm trọng tội, thất Sa-di giới, bất thông sám hối. Nhược dục dâm vị hòa hợp nhi tức chỉ, phạm trung phương tiện tội, tu ân trọng sám hối. Nhược khởi dâm tâm, tức ưng thống tự ha trách”.

(Tất cả thế gian, dù nam hay nữ, dù người hay quỷ, hoặc súc sanh, v.v… đều không thể giao hợp bằng tâm ô nhiễm, cũng không được hành dâm với người khác. Chỉ cần có can phạm, đều phạm tội nặng, mất giới Sa-di, không thể sám hối. Nếu muốn hành dâm nhưng chưa hòa hợp mà dừng lại, thì phạm tội trung phương tiện, cần phải tha thiết sám hối. Nếu khởi tâm dâm, thì nên nghiêm khắc tự quở trách mình).

Ở đây cũng đã nói rất rõ về tội tướng phạm giới cho chúng ta biết. Nói đến “nhất thiết thế gian”, thế gian này chủ yếu là chỉ thế gian hữu tình, bao gồm chúng sanh trong sáu đường, đương nhiên cũng bao gồm thánh nhân, tất cả thế gian. Tất cả thế gian ở đây rộng hơn, thật sự bao gồm cả khí thế gian, đối với chúng sanh vô tình cũng không thể hành dâm, phạm vi và đối tượng đã chế của điều giới này rất rộng. “Nhược nam, nhược nữ”, đây là nếu người nam với người nam, đây là đồng tính luyến ái, đối với người nữ, đây cũng là hành dâm; “nhược nhân”, đây là chúng sanh trong cõi người; còn “nhược quỷ”? Quỷ cũng không được, trời rồng quỷ thần, tất cả phi nhân, trên thực tế ở đây bao gồm tất cả thiên nhân, v.v… ngoài cõi người; “hoặc súc sanh”, đều không thể “giao hợp bằng tâm ô nhiễm”, nếu không sẽ phạm giới trọng căn bản. Cho nên điều giới dâm này khác với giới pháp của sát sanh và trộm cướp. Sát sanh, nếu là giết người, trộm cướp là trộm cướp vật của người, thì mới phạm tội nặng căn bản. Nhưng đối với giới dâm, tất cả chúng sanh nam nữ trong sáu đường, hành dâm với họ đều phạm phải giới trọng căn bản, không thể sám hối. Tiêu chuẩn này chính là lấy việc vào đường dâm, vào dâm đạo của đối phương làm tiêu chuẩn.

Nói đến điều này, bởi vì giảng điều giới này có một số danh tướng, thật sự mà nói, nghe ra khá là trược ố, bởi vì nói đến những tướng trạng của hành dâm, để phán định tội tướng. Nhưng sở dĩ Như Lai nói những tội tướng này tường tận như thế cho chúng ta biết, nghe ra hình như là nói lời thô kệch, nhưng đây là lòng từ bi của Như Lai, biết chúng sanh chúng ta từ vô thỉ kiếp đến nay, tập khí này rất là sâu nặng, cho nên nói những tội tướng này vô cùng chi tiết, giúp chúng ta biết làm thế nào để phòng hộ, để đối trị phiền não này. Do đó, chúng ta phải sanh tâm hổ thẹn, nếu bản thân không có những phiền não tập khí này, thì sao Phật lại nói chúng ta biết chi tiết như thế? Đương nhiên chúng ta cũng không thể nào đến Ta Bà để thọ sanh, chúng ta sớm đã vãng sanh đến Tịnh Độ của chư Phật rồi. Cho nên, trong Hành Sự Sao của Nam Sơn Tam Đại Bộ, có lời nhắc nhở như vậy: Nhiên dâm quá thô hiện, nhân tịnh tri phi”. Tội ác của việc dâm dục này, mọi người đều biết đây là một việc sai lầm. Nhưng nếu bàn đến tội tướng của phạm tội, mọi người nhĩ bất dục văn”, đều không thích nghe. Hoặc dẫn đến xem thường chế giễu”, vì sao trong pháp đường trang nghiêm như vậy lại còn nói những lời nói thô tục? Hoặc là sanh nghi sanh lạ”.

Vì vậy trong Luật Thiện Kiến có ghi rằng: “Pháp sư viết: Thử bất tịnh pháp ngữ”, pháp ngữ không thanh tịnh này, nói không thanh tịnh chính là những tội tướng này được nói và miêu tả ra, nghe thấy không thanh tịnh. “Chư văn thuyết giả vật kinh quái”, sau khi mọi người nghe xong đừng sanh ngạc nhiên nghi ngờ, sanh kỳ lạ sanh chê cười. Nên “sanh tâm hổ thẹn, chí tâm hướng đến Phật”, đối với Phật phải sanh khởi tâm chí trọng, tâm chí thành. “Hà dĩ cố”, vì sao vậy? “Như Lai từ bi thương xót chúng ta. Phật là vua của thế gian, lìa bỏ ái nhiễm, đạt đến chỗ thanh tịnh”, Phật là đấng Chí Tôn trong tam giới, bởi vì Ngài đã đoạn trừ tất cả ái nhiễm, đạt đến chỗ thanh tịnh, trụ vào Thường tịch quang. Vị mẫn ngã đẳng, thuyết thử ố ngôn”, thương xót những phàm phu trong Dục giới chúng ta, người ngu si nghiệp chướng sâu nặng, nói ra những lời nghe có vẻ không thanh tịnh. “Vị kết giới cố”, nguyên nhân là vì kết điều giới này. “Hựu quán Như Lai công đức, tiện vô hiềm tâm”, công đức của Như Lai vời vợi, chúng ta không thể sanh khởi tâm cơ hiềm, hiềm nghi kinh ngạc, sao Phật lại nói những tướng trạng không thanh tịnh? “Nếu Phật không nói những việc này”, chúng ta làm sao biết được tội nặng thượng phẩm này, “hữu tiếu giả khu xuất”, nếu ai dám khinh thường chê cười thì đuổi ra pháp đường, không cho phép ở đây nghe giới. Cho nên đoạn văn này nhắc nhở chúng ta, phải khởi tâm tôn trọng giới pháp, sanh tâm hổ thẹn để nghiêm túc học tập, để đối trị phiền não của chính mình.

Nói đến phạm tướng, trong bản văn nói tất cả nam nữ ở thế gian, “giao hợp bằng tâm ô nhiễm”, là chỉ căn dâm của người nam vào ba chỗ của người nữ, hai chỗ của người nam. Ba chỗ của người nữ là chỉ đường đại tiện, đường tiểu tiện, đường miệng. Hai chỗ của người nam là chỉ đường đại tiện, đường miệng. Vào như đầu sợi lông, một chút thôi thì phạm tội nặng, thượng phẩm không thể sám hối. Hai chỗ của người nam, ba chỗ của người nữ, bất luận đó là người, phi nhân, hay súc sanh, cũng bất kể là hành dâm đối với chúng sanh này, vào lúc họ tỉnh hay là ngủ say, thậm chí họ đã tắt thở chết rồi, toàn thân vẫn chưa hoại, chưa thối rửa, tức là đối với thi thể, thậm chí là đối với thi thể nhiều phần chưa thối rửa này, chỉ có ít phần thối rửa, hành dâm như vậy, đều là chỉ vào dâm đạo thì phạm tội nặng, tội thượng phẩm không thể sám hối. Cho nên trong ba bộ luật lớn, “Nam Sơn Tam Đại Bộ” nói tường tận hơn. Không chỉ là đối với người còn sống, hay phi nhân, súc sanh, mà còn bao gồm người, phi nhân, súc sanh đã chết, đều có thể phạm phải tội thượng phẩm không thể sám hối. Chỉ có thi thể chết rồi, bán hoại, hơn một nửa đã thối rửa rồi, hành dâm đối với thi thể này mới gọi là vào phi đạo, thuộc về tội trung phẩm. Đương nhiên cũng bao gồm đối với khí thế gian, ví như làm lỗ xuyên đất, hoặc là dùng bùn đất, v.v… để làm lỗ, hay là dùng bình, v.v… đưa vào trong đó đều thuộc về vào phi đạo, vậy thì sẽ không phạm tội thượng phẩm không thể sám hối, mà chỉ phạm tội trung phẩm.

Chúng ta xem tiếp đoạn văn này, “không thể giao hợp bằng tâm ô nhiễm, cũng không được hành dâm với người khác”, điều này đã nói rồi. Phạm điều giới này chủ yếu là có tâm ô nhiễm, tâm hành dâm, phán tội chính là xét có vào dâm đạo không, để phán có phải là tội thượng phẩm hay không. “Chỉ cần có can phạm, đều phạm tội nặng”, “can phạm này” chính là chỉ vào dâm đạo, “phạm tội nặng”, thượng phẩm không thể sám hối, “mất giới Sa-di”. Nếu là Bát Quan Trai giới thì cũng như vậy, mất giới thể của Bát Quan Trai giới. Nếu đã thọ Ngũ giới, hành dâm với tất cả nam nữ ngoài vợ chồng mình, như vậy cũng mất giới thể của Ngũ giới. Nếu vợ chồng đôi bên đều thọ Bát Quan Trai giới, lại hành dâm, cũng là phá giới thể của Bát Quan Trai giới, nhưng không phá Ngũ giới. Chúng ta phải biết những tội tướng này. Mất giới thể thì gọi là không thông sám hối”, trong giới pháp Thanh-văn không có pháp sự nào có thể tác pháp sám hối. Tác pháp sám hối nhiều nhất chỉ có thể sám tội trung phẩm, đối thú sám với ba vị Pháp sư, đối trước ba vị Pháp sư sám hối, tội hạ phẩm thì đối trước một vị Pháp sư sám hối, phải đối trước Pháp sư mới có thể xuất tội. Cư sĩ với nhau thì không được, chỉ gọi là phát lồ, không thể gọi là sám hối, đối trước Phật càng không thể gọi là sám hối. Cho nên Pháp sư rất quan trọng, nếu không có Tăng bảo, vậy thì tội phạm giới của chúng ta không cách nào sám hối được.

Nếu muốn hành dâm nhưng chưa hòa hợp liền dừng lại”, đây chính là chưa vào dâm đạo, như vậy thì thuộc về phạm tội phương tiện của trung phẩm, không phạm phải tội thượng phẩm căn bản không thể sám hối. Tội trung phẩm này “cần phải tha thiết sám hối”, đối trước ba vị sám hối. “Nếu khởi tâm dâm”, mà có những lời nói, vậy thì thuộc về tội trung phương tiện, đây là tội hạ phẩm, nên đối trước một vị Pháp sư sám hối. Nếu chỉ là bất chợt khởi tâm dâm, tâm dâm này là bởi vì tập khí, ví dụ như nhìn thấy cảnh giới ô nhiễm này, nhìn thấy những hình ảnh không hay đó, hoặc là nhìn thấy người khác giới, đột nhiên khởi tâm dâm, “thì nên nghiêm khắc tự quở trách mình”, chính là tự trách tâm sám hối. Đối trước Phật chí thành đảnh lễ lạy ba lạy, đối trước Phật mà tự trách tâm mình, phải nói ra, phải “tâm niệm khẩu ngôn”, nói ra: “Con tên gì đó phạm tội phương tiện xa của hạ phẩm về khởi tâm dâm, nay xin tự trách tâm hối lỗi”. Sau khi nói xong thì lạy ba lạy, về sau không tái phạm. Chí thành trách tâm sám hối như vậy, thì có thể dần dần hóa giải được phiền não tập khí của chúng ta.

Đương nhiên chỉ trách tâm sám một lần, không thể nào vĩnh viễn không khởi lên nữa, trừ phi quý vị là một bậc đại tu hành, người thông thường thì không thể nào không tái phạm. Lần thứ hai lại khởi lên thì thế nào? Lại trách tâm, lại nghiêm khắc tự quở trách mình; lần thứ ba cũng tiếp tục quở trách. Đừng giải đãi, cũng không nên bỏ cuộc, nói: “Ây da, phiền não tập khí này của tôi nặng như vậy, hằng ngày đều tự trách tâm hối lỗi trước Phật, nhưng ngày nào cũng phạm”. Trước đây tôi đã thưa thỉnh lão Hòa thượng, lúc đó tôi vẫn còn là người tại gia, thời gian đi dạy ở trường Đại Học Úc Châu, thường đến Toowoomba thân cận lão Hòa thượng. Có một lần, tôi đã nói lời thật lòng của mình với lão Hòa thượng, tôi nói: “Con cảm thấy mình tội nghiệp sâu nặng, ngày nào cũng đối trước Phật Bồ-tát phát thệ nguyện cam đoan, phải hối lỗi sửa đổi, về sau không tái phạm, nhưng ngày nào cũng khởi những phiền não tập khí này, như vậy con có phải là gạt Phật Bồ-tát rồi không? Ngày nào cũng nói về sau không tái phạm, nhưng kết quả là vẫn phạm, như vậy chẳng phải là gạt Phật Bồ-tát rồi sao? Như vậy con có phải là thật làm không?” Lão Hòa thượng thường dạy phải thật làm, tôi làm như vậy là giả sao? Bản thân tôi cũng không còn lòng tin nữa. Kết quả là lão Hòa thượng im lặng một chút rồi nói với tôi, nói lời khẩn thiết với tôi: “Con như vậy là thật làm rồi”. Lúc đó tôi nghe xong nước mắt cũng chảy dài.

Bản thân nghĩ lại, sám hối thật sự là việc làm không dừng nghỉ, bởi vì nghiệp của chúng ta quá nhiều, quá nặng rồi. Quý vị xem trong phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện, thập đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ Tát có “sám hối nghiệp chướng”, nói như thế nào? Là nói tận vị lai tế, nghiệp của chúng sanh tận, phiền não của chúng sanh tận, niệm niệm sám hối nghiệp chướng của tôi tương tục, không mệt mỏi, không cùng tận. Mỗi nguyện vương đều như vậy, sám hối nghiệp chướng là không cùng tận. Chúng ta mới sám hối vài ngày, thì sanh tâm nhàm chán rồi, không thể được, vẫn phải dùng tâm chân thành, hằng ngày đối trước Phật hối lỗi sửa đổi. Cho dù khó cam đoan sau này sẽ không tái phạm, nhưng ngay lúc đó quý vị đã chí thành phát nguyện về sau không tái phạm. Tâm sám hối này, có thể giảm trừ được sức mạnh của chủng tử ác nghiệp đó, thời gian lâu dần, thì có thể hàng phục được những chủng tử ác nghiệp đó, khiến nó không sanh khởi nữa. Hiện nay phải thực hiện công phu sám hối này. Muốn hàng phục diệt trừ nghiệp tập của chúng ta, tức là tiêu nghiệp chướng, vậy thì phải siêng năng cầu sám hối, bao gồm chúng ta bái sám, lạy Phật, phát nguyện, v.v…, sám hối, cũng bao gồm chúng ta niệm Phật. Những việc này đều tăng trưởng sức mạnh chủng tử thiện của chúng ta, để hàng phục diệt trừ sức mạnh của chủng tử ác. Công phu sâu rồi, tự nhiên có thể phục diệt được những nghiệp chướng đó. Có thể chế phục tâm dâm này, thì công phu của quý vị mới có thể thành phiến. Chúng ta niệm Phật mong được công phu thành phiến, vậy thì cần phải chân thật hạ thủ công phu đoạn phiền não này. Tiêu chuẩn của công phu thành phiến chính là chế phục được phiền não, không dấy khởi nữa, dùng thiện nghiệp chế phục ác nghiệp rồi. Cho nên trì giới cộng thêm niệm Phật như là đôi cánh của chim, chẳng thể thiếu một. Trì giới chính là chuyên đối trị tập khí ác, cộng thêm công lực niệm Phật, vậy thì quý vị mới có thể chế phục được, nếu không thì ai dám đảm bảo khi lâm chung ác niệm không khởi lên?

Trong kinh luận có nói đến một công án như thế này. Có 500 tiên nhân đã tu được thần thông, công phu đó rất lợi hại, bay trên hư không. Sau đó thì khi bay qua một đỉnh núi, nhìn thấy trong vùng núi hẻo lánh, có quốc vương dắt theo 500 cung nữ, ở đó ca múa tìm niềm vui hưởng lạc, quốc vương này hạ lệnh 500 cung nữ đều lõa thể ở đó ca hát, nhảy múa, tiếng hát rất động lòng người. 500 tiên nhân bay qua vùng trời đó nghe thấy những tiếng hát này, dấy khởi tâm ô nhiễm, kết quả là tâm ô nhiễm vừa khởi lên, thì mất thần thông rồi, từ trên trời rơi hết xuống. Vị quốc vương này vừa thấy, từ trên trời rơi xuống nhiều người như vậy, vô cùng giận dữ: “Ta ở núi này cùng các cung nữ hưởng lạc, các ngươi ở đây nghe trộm nhìn trộm, các ngươi là ai?” Họ nói: “Chúng tôi là tiên nhân, bay trên trời ngang qua nơi này”. “Các ngươi là tiên nhân thì bay lên đi, không bay lên được thì nhất định là giả”. Lập tức hạ lệnh binh sĩ chặt đứt tay chân của họ, quý vị xem, một niệm tâm ô nhiễm vừa dấy khởi, thì quả báo hiện tiền.

Chỉ sợ chúng ta vào lúc lâm chung, dấy khởi một niệm tâm ô nhiễm này, thì không thể vãng sanh, A Di Đà Phật có kéo cũng không kéo nổi, bản thân đã đi theo luân hồi, nghiệp lực làm chủ rồi. Cho nên bình thường về phương diện giới, phải chuyên tâm thọ trì, để đối trị phiền não tập khí của chính mình. Niệm Phật đương nhiên là càng tốt, dùng định lực. Giới này cũng như bắt giặc, bắt giặc phiền não lại. Bởi vì quý vị học giới tướng rồi nên biết, tâm ô nhiễm vừa khởi lên tức là phạm giới, phạm tội hạ phẩm rồi, ngay lúc đó cần phải trách tâm sám thì trách tâm sám, phải đối thú sám thì đối thú sám, đây chính là đối trị phiền não. Niệm Phật tu nhất tâm bất loạn, đây là dùng định, định học là trói tên giặc lại, khiến nó không thể cựa quậy, công phu này càng tốt hơn. Đợi đến khi quý vị thông qua tu quán, khai trí huệ, đoạn trừ phiền não đó, thì xem như là giết giặc rồi, tên giặc đó mãi mãi không thể sống lại.

Khi đang niệm Phật, nếu thông qua việc học tập pháp quán chiếu của Đại-thừa chỉ quán, tức là trong lúc trì danh cộng thêm quán chiếu. Trong A Di Đà Kinh Yếu Giải của Đại sư Ngẫu Ích, đây gọi là “lý trì”. Ví dụ, trong lúc trì danh có thể thông hiểu được “tâm này làm Phật, tâm này là Phật, vạn pháp do tâm, ngoài tâm không có cảnh giới”, đề khởi chánh niệm quán sát này, trì danh như vậy, gọi là “lý trì”. Nếu chỉ niệm Phật hiệu liên tục không gián đoạn, một câu nối tiếp một câu, rõ ràng rành mạch, như vậy gọi là “sự trì”. Đương nhiên là hai công phu này, căn tánh của mỗi người khác nhau đều có thể hành trì. Trong Di Đà Yếu giải nói rằng: Bất luận là sự trì hay lý trì, trì đến nhất tâm bất loạn, thì có thể phục đoạn phiền não. Trì đến sự nhất tâm, thì phục đoạn kiến tư phiền não; trì đến lý nhất tâm, đương nhiên là phục đoạn vô minh phiền não. Phục và đoạn là hai thứ bậc khác nhau, phục chính là không để nó dấy khởi; đoạn chính là đoạn trừ, chứng quả rồi. So sánh với nhau, lý trì và sự trì, đương nhiên lý trì dễ đạt đến lý nhất tâm bất loạn hơn, công phu này đoạn phiền não thì càng thù thắng hơn. Cho nên đều phải học tập tam học giới, định, huệ này. Giới là căn bản, không có giới, thì không thể thiết lập được định huệ thật sự, nhất định là do giới sanh định, do định phát huệ.

Đoạn văn này, chúng tôi đã nói rồi, tiếp theo chúng tôi nói đến “cụ duyên thành phạm”. Điều giới này đầy đủ mấy duyên thì trở thành phạm tội nặng căn bản? Chia thành hai trường hợp: Thứ nhất là “tự dâm”, bản thân muốn hành dâm; thứ hai là “bức dâm”, là bị cưỡng bức, không phải tự nguyện. Hai trường hợp này đủ bốn duyên thành phạm, có điểm khác nhau. Trước tiên nói đến “tự dâm”, bản thân tự nguyện muốn hành dâm, thì đủ bốn duyên, nghĩa là bốn điều kiện, trở thành phạm tội căn bản không thể sám hối. Thứ nhất “thị chánh cảnh”, đây là cảnh giới dâm đạo chính thức, tức là hai chỗ ở nam, ba chỗ ở nữ. Vừa rồi đã nói, hai chỗ của nam là đường đại tiện, đường miệng; ba chỗ của nữ là đường đại tiện, đường tiểu tiện, đường miệng, hành dâm ở cảnh này. Thứ hai là “hưng nhiễm tâm”, khởi tâm dâm dục, tâm phiền não này rồi, như vậy thì khác với tình huống mình ngủ say, không khởi tâm. Nếu hành dâm trong mộng thì không phạm, bởi vì bản thân không có tâm ô nhiễm. Đương nhiên là trong mộng, trong mộng quý vị có tâm ô nhiễm, trong cảnh mộng không phải là ác nghiệp mà giới đối trị, đó là chính quý vị có chủng tử phiền não này, khởi hiện hành trong mộng, nhưng giới chỉ đối trị ác nghiệp mà quý vị phạm phải khi tỉnh táo, trong mộng thì không xem là phạm giới. Nhưng mình cũng phải biết, có chủng tử phiền não này mới có cảnh mộng như thế, vậy thì phải thông qua hết lòng cầu sám hối, bái sám, lạy Phật để tiêu diệt chúng tử ác nghiệp này. Duyên thứ ba là “khởi phương tiện”. Ví dụ như đi đến chỗ đối phương, dùng tay vuốt ve đối phương, làm đủ các hành vi dâm dục như vậy, hoặc là nói những lời dâm ô, v.v… Thứ tư là “dữ cảnh hợp”. Hòa hợp với cảnh của dâm đạo, đây là phạm phải tội căn bản. Trường hợp này khẳng định có một bên là người nam, có nam căn. Nếu đôi bên đều là người nữ, vậy thì sẽ không có trường hợp vào dâm đạo, cho nên như vậy không tính là phạm tội nặng căn bản. Đương nhiên hành vi này đều phá hoại một sự lễ phép thông thường, cho nên bản thân việc đó là phạm tội trung phẩm. Đây là nói đến trường hợp tự dâm.

Trường hợp thứ hai là “bức dâm”. Bị cưỡng bức, tức là tình huống bị hành vi cường bạo, cũng là đủ bốn duyên thành phạm. Thứ nhất “thị chánh cảnh”, cũng là cảnh dâm dục chính thức, hai chỗ của nam, ba chỗ của nữ. Chánh cảnh này “bất vấn tự tha”, đây là ý gì? Nếu tự hành dâm với mình, vậy thì trong luật cũng nói đến trường hợp đặc biệt này, chính là nam căn rất dài đưa vào đường miệng hoặc đường đại tiện của mình. Nếu “tự dâm” cũng là phạm tội căn bản không thể sám hối, đó chính là “bất vấn tự tha”. Nếu “bức dâm” cũng là “bất vấn tự tha”, quý vị bị ép làm như vậy, hoặc là làm như vậy với người nam hoặc người nữ khác. Duyên thứ hai là “vi oán sở bức”. Tức là bởi vì có oán tặc, oán gia của mình ép bức làm như vậy, bản thân không tự nguyện, như vậy mới gọi là “bức dâm”. Thứ ba là “dữ cảnh hợp”, chính là vào hai chỗ của nam, ba chỗ của nữ, bất vấn tự tha. Thứ tư là “thọ lạc”, nếu bản thân cảm nhận được sự thích thú và vui vẻ của việc hành dâm này, như vậy thì phạm tội căn bản không thể sám hối. Cho nên trong tình huống bị cưỡng dâm, chỉ không thọ lạc mới không phạm. Còn nếu trước khi vào dâm đạo, khi hành dâm, và sau khi hành dâm xong, trong ba thời điểm này nếu có thời điểm nào thọ lạc, thì vẫn phạm phải tội thượng phẩm không thể sám hối, tội không thể sám hối. Trường hợp này, Luật sư Đạo Tuyên đã nói, đa phần trường hợp này là người nữ bị cưỡng dâm, đương nhiên cũng có trường hợp người nam bị. Trong Luật tạng cũng có ghi chép lại, có đủ các trường hợp. Trong tình huống này, tốt nhất bản thân tự cắn ngón tay, khiến cho mình rất đau, dùng cảm giác đau để áp chế niềm vui, như vậy thì sẽ không phạm phải tội căn bản không thể sám hối, mà cũng không phạm, ba thời điểm đó không thọ lạc thì không phạm.

Cũng như trong luật cũng có nói, Tỳ-kheo-ni đã chứng đắc A-la-hán, kết quả là bị cưỡng dâm, sau đó đến bạch với đức Phật, Phật hỏi: “Con có thọ lạc hay không?” Tỳ-kheo-ni trả lời: “Dạ không có thọ lạc, chỉ cảm thấy như sắt nóng xuyên thân, vô cùng đau khổ”. Đức Phật nói: “Không thọ lạc thì không phạm”. Bởi vì Tỳ-kheo-ni đã chứng được A-la-hán, sẽ không còn nhiễm trước ái dục trong tam giới nữa, cho nên các Ngài sẽ không phạm giới. Đương nhiên trong tình huống này làm được như vậy là cực kỳ khó. Lỡ gặp phải tình huống này, vậy thì chỉ có cách thức như tổ luật Đạo Tuyên đã nói. Ngoài ra có một cách thức khác, chỉ đành xả giới với họ. Thật sự bị cưỡng bức, như người xưa thì tìm đến cái chết, trường hợp này đương nhiên chúng tôi không khuyến khích, dù sao con người cũng là một đạo khí. Chúng tôi rất tán thán, nhưng nếu quý vị muốn hộ trì giới thể, thì cách làm đó được người khác tán thán. Cách khác là chỉ đành xả giới với họ, xả giới rất đơn giản, hướng về đối phương nói: “Tôi xả giới nào đó”. Vậy thì xả rồi.

Nhưng trong Kinh Hiền Ngu đặc biệt tán thán, có một vị Sa-di, một vị Sa-di trẻ, khi đến nhà của trưởng giả để khất thực, kết quả là trưởng giả vừa đi khỏi, nhưng có thiên kim tiểu thư của ông ở nhà, nhìn thấy Sa-di thì sanh khởi tâm ái nhiễm, liền đóng cửa lại, muốn ép Sa-di hành dâm với mình. Vị Sa-di này liền phương tiện thiện xảo mà nói: “Cô để tôi yên tĩnh một chút, để tôi ở trong phòng yên tĩnh một chút, mới có thể đáp ứng cô”. Kết quả là tiểu thư này nhốt Sa-di trong phòng của mình, không ngờ vị Sa-di này dùng giới đao của mình kết liễu bản thân rồi, tức là tự tử mà chết. Sau cùng thì chảy rất nhiều máu, máu đã chảy ra ngoài phòng, sau khi thiên kim tiểu thư này nhìn thấy thì tâm dâm lập tức dừng lại. Sau đó tin tức này truyền ra ngoài, quốc vương đích thân đưa tang vị Sa-di này, Sa-di vì hộ giới thể, thà chết chứ không thể phạm giới. Trước khi chết, Sa-di hướng về Thích Ca Mâu Ni Phật phát nguyện, nguyện bản thân đời đời kiếp kiếp trong tương lai đều gặp Phật để xuất gia, sau đó mới tự kết liễu.

Trong luật có công án này. Những việc này đều đáng được ca ngợi, nhưng chúng tôi không dám khuyến khích, khuyến khích cũng không phải tốt lắm, mọi người nói chúng tôi có phải làm điều này quá khích không, tình huống này thì đành phải xem bản thân xử lý như thế nào. Nhưng chúng ta nghiêm túc trì giới, chăm chỉ niệm Phật, thật sự giống như tình huống này, thì thông thường sẽ không xảy ra, bởi vì có thần hộ giới, có thần hộ pháp, có chư Phật hộ niệm chúng ta, nếu lúc này chí thành khẩn thiết cầu Quán Thế Âm Bồ Tát, đều có thể thoát khỏi.

Đây là nói đến “cụ duyên thành phạm”, bốn duyên, trường hợp “tự dâm” và “bức dâm”. Trong Tỳ Kheo Giới Tướng Biểu Ký cũng có một số nội dung cần học tập với mọi người ở đây, trong đó nói: Có cách” hay “không cách” cũng phạm tội. Chữ “cách” này giống như mang bao cao su, hoặc là dùng một số y vật, v.v… để cách, nhưng chỉ cần là vào hai chỗ của nam, ba chỗ của nữ, vào dâm đạo chính thức này chính là phạm tội nặng căn bản, bất kể là “có cách” hay “không cách”. Vào như vậy thì chỉ cần vào một chút thôi, nếu là trường hợp “tự dâm”, thì bất luận là có thọ lạc hay không, vào một chút thì phạm tội nặng căn bản, chỉ có trường hợp “bức dâm” mới xét có tình trạng thọ lạc hay không. Vả lại, vào dâm đạo rồi bất luận là có xuất tinh hay không, chỉ cần vào một chút thôi là phạm tội nặng căn bản, không phải là hành dâm xong rồi mới phạm. Nếu phạm tội nghiệp này, thì lập tức mất giới thể, không thể sám hối. Cũng bất kể là quý vị có phát lồ tội lỗi của mình, hay không phát lồ tội lỗi của mình. Tội nghiệp không phải từ việc quý vị có phát lồ hay không phát lồ để quyết định nó có hay không, mà nghiệp như vậy đã hình thành rồi.

Vi oán sở bức”, trường hợp cưỡng dâm, oán gia này có hai loại oán gia, một loại là “cường oán”, như vua, cướp, v.v… Vua, đại thần, người có thế lực, hoặc là ác tặc, dùng dao, súng, xâm phạm cưỡng bức để hành dâm, đây là “cường oán”. Loại còn lại là “nhuyễn oán”, tức là vợ chồng, hoặc là người yêu, là những người yêu thương nhau. Yêu thương nhau nhưng chưa chính thức kết hôn, thì không thể gọi là vợ chồng, ví dụ như sống chung trước hôn nhân, nếu đã thọ giới, thì cũng là phạm giới, phạm tội thượng phẩm không thể sám hối. Như vậy là bị ái nhiễm trói buộc, cũng là trường hợp bức dâm, điều này thuộc về “nhuyễn oán”. “Nhuyễn oán” là xét nếu thọ lạc thì phạm.

Còn có một trường hợp chính là trường hợp vào phi đạo thì phạm tội trung phẩm. Trong luật nói phi đạo này, ví dụ như khe hở sau đầu gối khi co lại, còn có dưới nách, v.v…, thậm chí là đối với đệm chăn, gối, cạnh gối, còn có tượng, tượng gỗ, chính là những tượng nam nữ, đương nhiên cũng bao gồm hiện nay có một số tranh lập thể, tượng người như thật, hành dâm với đối tượng này, như vậy đều là phạm tội trung phẩm. Nhưng còn một trường hợp đặc biệt nữa là gì? Nếu hành dâm với quỷ thần, giả sử quỷ thần nương vào trong tượng này, vậy thì quý vị hành dâm với tượng này, xem như là hành dâm với quỷ thần, trường hợp này cũng xét vào dâm đạo thì phạm tội nặng căn bản.

Nếu nói bản thân không hành dâm, mà bảo người khác hành dâm, người sai bảo đương nhiên cũng phạm tội, nhưng sẽ không phạm phải tội nặng căn bản. Điều này khác với giới sát sanh và trộm cướp, nếu là giới sát sanh và trộm cướp, tôi bảo người khác giết người, thì tôi cũng phạm tội nặng, người đi giết đương nhiên phạm tội nặng, người sai bảo cũng phạm tội nặng. Giới trộm cướp cũng như vậy, bảo người khác đi trộm cướp đủ năm tiền, người sai bảo, người đi trộm đều phạm tội nặng, không thể sám hối. Nhưng điều giới dâm này thì khác, bởi vì người sai bảo không có trạng thái thọ lạc này, cho nên người sai bảo chỉ phạm tội trung phẩm. Đó là bởi vì người bị sai bảo đi hành dâm rồi, vậy thì người bị sai bảo phạm tội thượng phẩm, người sai bảo phạm tội trung phẩm. Nếu người bị sai bảo không hành dâm, không làm, vậy thì tội của người sai bảo cũng giảm xuống một bậc, phạm tội hạ phẩm; người bị sai bảo không phạm, họ không chịu đi hành dâm đương nhiên là không phạm.

Tiếp theo, chúng tôi nói đến “cảnh tưởng”. Cảnh chính là cảnh giới, khi hành dâm với đối tượng này, chỉ xét có phải dâm đạo chính thức hay không, đây là cảnh; tưởng chính là tâm tưởng của chính mình, là nghĩ đây là dâm đạo chính thức sao? Hay là phi đạo? Đây là tưởng hay là nghi. Ở đây có năm câu: Chính là câu “vào dâm đạo, nghĩ là dâm đạo” này; “vào dâm đạo, nghi là dâm đạo”, đây là dâm đạo sao? Thứ ba: “Vào dâm đạo, tưởng là phi đạo”. Ba câu này khác với giới sát sanh và trộm cướp, ba câu này đều là phạm tội thượng phẩm không thể sám hối. Điều này khác với hai giới sát sanh và trộm cướp. Giới sát sanh, là người, nghĩ là người mới phạm tội thượng phẩm. Nếu là người, nghi là người, đây là người sao? Giết rồi thì phạm tội trung phẩm. Đây là người, tưởng là phi nhân, giết rồi thì phạm tội trung phẩm, tội giảm xuống một bậc. Nhưng giới dâm dục này thì bất luận tâm tưởng của quý vị thế nào, quý vị nghĩ đó là dâm đạo, phi đạo hay nghi, chỉ cần vào dâm đạo, thì phạm tội căn bản thượng phẩm. Vào phi đạo, tưởng là dâm đạo và nghi là phi đạo, đương nhiên đây đều là tội trung phẩm, đều là lấy phi đạo để xét, điều này khác với giới sát sanh và trộm cướp.

Ngoài ra sáng nay chúng tôi cũng nói đến ba loại tâm: Đại mạn tâm, tiểu mạn tâm, khắc tâm. Mọi người còn nhớ không? Thế nào gọi là đại mạn tâm? Chính là bất kể đối phương là người, phi nhân, hay súc sanh, bất luận là loài chúng sanh hữu tình nào, tôi đều phạm sát sanh hoặc trộm cướp, đây là đại mạn tâm. Tiểu mạn tâm chính là hạn định chúng sanh cõi người, nhưng bất luận là Trương Tam, Lý Tứ hay Vương Ngũ, chúng ta đều giết đều trộm, đây là tiểu mạn tâm. Khắc tâm chính là hạn định, trong cõi người tôi xác định người nào đó, chỉ giết Trương Tam, không giết Lý Tứ, Vương Ngũ, tôi chỉ trộm vật của Trương Tam, không trộm vật của Lý Tứ, Vương Ngũ. Trong khắc tâm này chúng tôi chia thành hai trường hợp, một là “thác”, hai là “ngộ”, có hay không? Thác là chỉ cảnh hỗn loạn, ví dụ nói giết người, tôi muốn giết Vương Ngũ, vung dao chém xuống thì bởi vì Trương Tam chết thay rồi, vậy là giết nhầm rồi. Trên thực tế, đối với Trương Tam thì không phạm giới sát sanh, đối với Vương Ngũ thì phạm một tội phương tiện trung phẩm. Giới trộm cướp cũng như vậy, trộm nhầm vật của Trương Tam rồi, đó cũng là tội trung phẩm. Ngộ sát là xét về tâm, tâm có nhầm lẫn, tưởng Trương Tam là Vương Ngũ, muốn giết Vương Ngũ, nhưng tưởng Trương Tam là Vương Ngũ, liền giết Trương Tam, trong tâm có nhầm lẫn. Ngộ là xét về tâm, như vậy cũng phạm tội trung phẩm.

Trong giới dâm thảy đều không xét đến ba loại tâm này, bất luận là đại mạn tâm, tiểu mạn tâm hay là khắc tâm phạm dâm dục, chỉ cần vào dâm đạo, thì phạm tội căn bản thượng phẩm không thể sám hối. Quý vị không thể nói tôi muốn hành dâm với người, kết quả là nhầm rồi, hành dâm với súc sanh, như vậy cũng phạm tội thượng phẩm không thể sám hối. Bất luận quý vị dùng đại mạn tâm, tiểu mạn tâm, hay khắc tâm, quý vị “thác” cũng vậy, “ngộ” cũng thế, mặc kệ, chỉ cần quý vị thật sự phù hợp với bốn duyên này, “đúng dâm đạo, khởi tâm ô nhiễm, khởi phương tiện, giao hợp vào dâm đạo”, vậy thì phạm tội căn bản thượng phẩm. Đây là nói đến cảnh tưởng. Còn có một điều đã nói vừa rồi, vấn đề của tâm tưởng đó cũng vậy. Nếu là nam nhưng nghĩ là nữ, hoặc là nữ nhưng nghĩ là nam, như vậy cũng phạm tội thượng phẩm không thể sám hối. Tức là đối tượng trước mặt quý vị, quý vị nhầm lẫn rồi, cũng đều như nhau. Hoặc là người nữ này nhưng nghĩ là người nữ kia, là người nam này nhưng nghĩ người nam khác, tất cả đều phạm tội thượng phẩm không thể sám hối.

Tiếp theo nói đến trường hợp khai duyên. Khai duyên này là ngoài thông duyên ra, khai duyên của tất cả các giới, tức là tâm cuồng loạn, vốn dĩ không biết bản thân đang làm gì, những người nắm lửa như nắm vàng, cầm phân như cầm gỗ chiên đàn, không bình thường, họ mới không phạm giới. Ngoài ra, khai duyên của điều giới này, thì có những điều sau:

– Thứ nhất: “Nhược thụy miên vô sở giác tri”. Nếu đã ngủ say rồi, kết quả là bị người khác hành dâm, bản thân vốn dĩ không biết, từ đầu đến cuối cũng không tỉnh dậy, như vậy đương nhiên không phạm, bởi vì vốn dĩ không có những tâm này. Thức dậy rồi mới biết, chuyện này đã qua rồi, đương nhiên cũng không phạm, cũng không có vấn đề thọ lạc gì đó, vậy đây đương nhiên là trường hợp “bức dâm” rồi, tức là không phải bản thân tự nguyện.

– Thứ hai, khi bị bức dâm, “nhược bất thọ lạc” cũng không phạm. Tức là từ đầu đến cuối tuy bản thân tỉnh táo, nhưng không có bất kỳ thọ lạc nào, đau khổ như sắt đã nung nóng xuyên vào thân vậy, lúc này không thọ lạc thì không phạm.

– “Nhược nhất thiết vô hữu dâm ý”, cũng không phạm. Mọi lúc đều không có ý dâm, đương nhiên đây là chỉ trường hợp không phải tự nguyện, không có ý niệm dâm dục, như vậy không phạm. Trường hợp khai duyên này tương đối đơn giản, chủ yếu là trường hợp bị bức dâm. Nếu là tự nguyện, thì cho dù quý vị có tình trạng thọ lạc hay không, hết thảy đều phạm.

Bởi vì sự dâm dục này là phiền não tập khí sâu nặng của chúng ta, muốn nghiêm túc đoạn trừ cũng cực kỳ khó,  cho nên trong kinh, Phật đã dạy chúng ta phải thường tu “bất tịnh quán”, chính là quán thân bất tịnh. Trong Luận Đại Trí Độ nói với chúng ta: Thân thể của chúng ta là 36 thứ bất tịnh lấp đầy, “tanh hôi bất tịnh, không gì đáng vui”. Quý vị xem trong Kinh Vô Lượng Thọ cũng dạy chúng ta như vậy, tu bất tịnh quán, sanh tâm chán ghét xa lìa, thì dần dần có thể làm phai nhạt phiền não dâm dục này. Trong thân thể này đều là phân tiểu, hôi thối dơ bẩn không chịu nổi, thịt và máu đều rất dơ thối, quý vị xem thi thể kia trương phình, dịch vàng đều chảy ra hết. Thật ra tương lai khi chúng ta chết cũng đều như vậy, có gì đáng để vui? Nếu quý vị nói yêu thích dung mạo và thân hình của đối phương, giả sử khi họ chết đi, quý vị nhìn thấy tình trạng này, e rằng cũng phải nôn mửa, tuyệt đối sẽ không nảy sinh ái nhiễm nữa. Khi chúng ta nhìn thấy sắc đẹp thì có thể đề khởi sự giác ngộ, chánh niệm như vậy, tự nhiên sẽ làm phai nhạt tâm dâm dục đó, cho nên thường tu bất tịnh tưởng, bất tịnh quán. Trong kinh, Phật cũng đã nói rất nhiều về bất tịnh quán. Trước đây tôi cũng có giảng qua một chút, đã học tập “cửu tưởng quán”, v.v… của Đại sư Tỉnh Am, bài kệ đó cũng có giảng qua. Cho nên các đạo hữu có hứng thú thì có thể thỉnh về nghe, hoặc là đọc nhiều lần những kệ tụng đó, như vậy thì có thể đề khởi những chánh niệm này.

Đương nhiên là ngoài bất tịnh quán ra, còn có rất nhiều phương pháp có thể dừng lại những tà niệm này. Ví dụ chúng ta có thể thường “tác thân tưởng”. Đối với tất cả nam nữ, người tuổi tác cao thì xem như cha mẹ của mình vậy; trẻ nhỏ thì xem như con cái của mình; lớn hơn ta một chút thì xem như anh chị; nhỏ tuổi hơn ta một chút thì xem như em. Sanh khởi tâm từ bi như vậy đối với chúng sanh, làm sao có thể dấy khởi tà niệm đối với họ? Đây là phương pháp thứ nhất. Phương pháp thứ hai là “tác oán tưởng”. Tức là dâm dục là kẻ thù của chúng ta, nó làm tổn hại Pháp thân huệ mạng của chúng ta, khiến chúng ta mãi trôi lăn trong biển khổ của tam giới, cho nên ý niệm này vừa dấy khởi, thì sẽ khiến chúng ta trầm luân, vì vậy chúng ta phải lập tức buông xả ý niệm này, không thể để ý niệm này tăng trưởng, phải ngăn chặn sai lầm ngay từ đầu, quan hệ qua lại giữa nam và nữ, cũng phải có khoảng cách nhất định, không thể quá thân mật, bởi vì quá thân mật, lâu ngày sẽ sanh tình, sanh nhiễm, như vậy thì khó tránh sẽ tạo tác hành vi phạm giới.

Ở đây tôi cũng nói với mọi người một công án, điều này được nói trong bộ Kinh Bát Tuế Sa Di Khai Giải Quốc Vương. Khi vua A Dục mới bắt đầu tin thờ Phật pháp, vua A Dục là một vị quốc vương ở Ấn Độ, sau khi đức Phật nhập diệt thời cổ Ấn Độ. Ông làm hưng thịnh lại Phật pháp ở Ấn Độ, mà còn truyền Phật pháp đến cả thế giới, đến khắp nơi để xây bảo tháp xá lợi để cúng dường xá lợi Phật, ngay cả Trung Quốc chúng ta cũng có. Đây là một vị rất hiếm có, tương truyền ông là Thiết Luân Vương, là một người đại phước đức. Ông tin thờ Phật pháp, lúc đó thật bất hạnh, quốc gia gặp phải nạn ôn dịch, cho nên ông liền thỉnh Tăng chúng đến chú nguyện, mong được tiêu tai miễn nạn. Tiêu tai miễn nạn, người thời xưa của Ấn Độ đều biết việc làm tốt nhất không gì hơn cúng Tăng, họ cũng không làm pháp hội gì, hiện nay truyền đến Trung Quốc thì phát triển biến hóa thành mọi người làm pháp hội lóc cóc leng keng, thật ra vào thời cổ Ấn Độ không có tình trạng này, lúc Phật tại thế càng không có. Công đức thật sự chính là hộ trì Tăng đoàn như pháp như luật, hộ trì các Ngài tu hành thật tốt, công đức tu hành này có thể gia bị cho khu vực đó tiêu tai miễn nạn.

Vậy thì sẵn tiện đề cập một chút, không phải là làm càng náo nhiệt, người ở Pháp hội càng nhiều thì công đức càng lớn, không phải như vậy. Thiền sư Bách Trượng, Thiền sư Bách Trượng đời nhà Đường lập thanh quy đã nói rằng: Nhà Phật lấy vô sự làm hưng thịnh. Đạo tràng càng thanh tịnh càng vô sự thì càng tốt, công việc trong đạo tràng rất nhiều, rất sôi nổi, mọi người bận rộn chẳng phải vui lắm sao, thì không có thời gian tu đạo rồi, vậy công đức từ đâu có? Công đức là gì? Giới định huệ là công đức. Tăng đoàn có thể trì giới, mọi người bao gồm đồng tu tại gia chúng ta, đều có thể nghiêm túc trì giới, siêng năng tu định, chúng ta tu định bằng cách niệm Phật, thông qua nghiên cứu học tập kinh giáo để khai trí huệ, tác quán như lý thì có thể khai trí huệ, tu tam học giới định huệ mới là công đức chân thật. Cho nên chúng ta phải phản bổn thanh nguyên, phải quay về công đức chân thật.

Cho nên lúc đó vua A Dục đã mời Tăng chúng đến để cúng Tăng, thật ra trong Tăng đoàn lúc đó cũng không có nhiều người đi lắm, chỉ cử một người đi. Dựa theo tăng thứ, bắt đầu từ người đầu tiên trong Tăng đoàn, lần lượt mỗi người đi một ngày, để phụ trách chú nguyện. Hôm đó đã cử một chú tiểu Sa-di tám tuổi đi, chú tiểu này rất dễ thương, phước báo cũng rất lớn, vả lại chú tiểu Sa-di này đã tu được thần thông rồi, cho nên chú ấy không đi bộ đến hoàng cung, mà bay vào hoàng cung, sau đó từ trên không bay xuống. Phu nhân của vua A Dục nhìn thấy chú tiểu Sa-di dễ thương như vậy, như một chú chim lớn bay từ trên không xuống, liền sanh tâm hoan hỷ, tất cả cung nữ đều rất thích chú tiểu Sa-di này. Phu nhân muốn dùng tay ôm chú tiểu Sa-di, chú tiểu Sa-di này tên là Sa-di Diệu Nhan, kết quả là Diệu Nhan liền đẩy phu nhân ra, không cho gần gũi. Phu nhân nói: “Tuổi của chú nhỏ như vậy, cũng lớn như con trai của ta, chúng ta gần gũi một chút thì có vấn đề gì?” Sau đó Sa-di Diệu Nhan liền nói: “Bà phải biết rằng mọi việc đều dấy khởi từ việc nhỏ, cũng như một ít lửa thì có thể thiêu đốt cả đồng hoang vạn dặm, một giọt nước có thể nhỏ xuyên qua hòn đá cứng, đều là từ ít dẫn đến nhiều, từ nhỏ thành lớn. Cho nên người có trí huệ, luôn tránh khỏi hiềm nghi, cơ hiềm, vả lại đối với chính mình cũng phải phòng ngừa khi chưa xảy ra tai họa”.

Quý vị xem chú tiểu Sa-di tám tuổi, đã là thánh nhân chứng quả rồi, chú tiểu Sa-di có thể khai thị như vậy cho phu nhân, cũng khai thị cho quốc vương. Lời nói của chú tiểu Sa-di là nói đến phải ngăn chặn sai lầm ngay từ đầu, không thể cảm thấy là việc nhỏ nên chẳng hề gì, giới nhỏ thì không cần trì, kết quả đều là bởi không trì giới nhỏ, sau cùng dẫn đến phạm giới lớn; không giữ giới khinh, thì giới trọng khó mà giữ được. Giới đều như nhau, giới khinh như con sông giữ thành, giới trọng là tường thành, những quân địch, ma quân phiền não chắc chắn là qua con sông giữ thành trước mới có thể tấn công tường thành. Nếu chúng ta bảo vệ vô cùng nghiêm mật, ngay cả con sông giữ thành mà quân địch cũng không thể qua, vậy thành trì đó vô cùng yên ổn. Nếu quân địch đã qua sông giữ thành rồi, bây giờ chuẩn bị tấn công vào thành, vậy e rằng giới trọng cũng khó giữ được. Vì vậy, chúng ta trì giới phải vâng theo Hòa thượng Quả Thanh, Luật sư thượng Quả hạ Thanh dạy rằng “khinh trọng đẳng trì”, không chỉ phải trì giới giọng, mà giới khinh cũng không thể tùy tiện vi phạm. Ví dụ như vừa khởi tâm dâm thì lập tức phải tự trách tâm hối lỗi.

Đối với cơ hiềm, đương nhiên trong giới luật không có chế định giới luật cơ hiềm cho người tại gia. Bởi vì sợ người tại gia vốn đã rất bận rồi, chế ra quá nhiều giới, 250 giới, là giới Tỳ-kheo, giới Tỳ-kheo-ni là 348 giới, thì sẽ dồn ép đồng tu tại gia chúng ta không thở nổi. Cho nên Phật chỉ chế định năm giới, nhiều nhất là cho những người muốn trai giới, thọ Bát Quan Trai giới một ngày một đêm, đây là sự từ bi của Phật, phương tiện tiếp dẫn. Nhưng bản thân chúng ta thọ trì nghiêm khắc thì tốt hơn, đây là phòng hộ. Đặc biệt là trong xã hội có sự ô nhiễm rất nặng hiện nay, trên internet đều là ô nhiễm. Sự qua lại giữa người và người, nếu không cẩn thận, rất dễ rơi vào trong vòng xoáy của ái dục, không thể thoát khỏi. Điều này đối với việc tu hành của chúng ta mà nói, sẽ hình thành chướng ngại cực kỳ lớn, cho nên có mục tiêu chân thật muốn tu hành giải thoát, đời này mong được liễu sanh tử, quy Tịnh Độ, về phương diện giới cơ hiềm này, chúng ta cũng nên chú trọng một chút. Ví dụ như nam và nữ gắng hết sức không đơn độc ở chung với nhau, đặc biệt là thanh niên, thêm một người bạn sẽ tốt hơn, nhiều điều tương tự như vậy. Đây là người xưa có rất nhiều lễ pháp lễ giáo, thật ra đều có ý ngăn chặn sai lầm ngay từ đầu. Ví dụ như trong giáo học trẻ thơ, có dạy rằng: Nam nữ năm tuổi thì không cùng tịch rồi. Nghĩa là năm tuổi trở lên thì không thể ngủ chung với nhau, ăn cơm thì gắng hết sức cũng không ngồi chung với nhau, đây đều là giúp chúng ta đối trị phiền não tập khí.

Đây là nói đến phương pháp đối trị, đương nhiên bình thường tốt nhất là bái sám nhiều, niệm Phật nhiều. Niệm Phật, bái sám đều có thể tiêu trừ những phiền não, nghiệp chướng của chúng ta một cách ngấm ngầm, không hay không biết. Đặc biệt là phải niệm Phật hiệu cho thành thục, đây là cách đơn giản nhất phương tiện nhất, những phiền não tập khí vừa dấy khởi, mau chóng dùng một câu A Di Đà Phật áp chế phiền não. Phải đề khởi chánh niệm cho nhanh, không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”, sợ quý vị mê hoặc không giác ngộ, tùy thuận theo phiền não tập khí, niệm niệm đều xoay vòng trong đó. Có thể đề khởi chánh niệm, đề khởi một câu A Di Đà Phật, thì tùy thuận Phật hiệu, không tùy thuận phiền não, như vậy thì tâm tự nhiên sẽ thanh tịnh.

Điều giới dâm này đã nói xong rồi, thời gian bây giờ cũng đã hết, chúng tôi giảng đến đây thôi, cám ơn mọi người.

 

HẾT

Cẩn dịch: Diệu Hiệp

Trả lời 0