Responsive Menu
Add more content here...

Tập 11 – Bát Quan Trai Giới Giảng Yếu

BÁT QUAN TRAI GIỚI GIẢNG YẾU

Tập 11

 

Chủ giảng: Pháp sư thượng Định hạ Hoằng

Thời gian: Ngày 18 tháng 9 năm 2017

Giảng tại: Chùa Thiện Quả Lâm Tịnh Độ – Đài Loan

 

Trì giới là gốc,

Tịnh Độ là nơi trở về.

Quán tâm là điều quan trọng,

Bạn lành là nơi nương tựa.

 

Kính chào chư vị Pháp sư, chư vị liên hữu, kính chào mọi người. Mời bỏ tay xuống.

Sáng nay là buổi học giới cuối cùng của chúng ta, phần sau vẫn phải giảng bốn điều giá giới. Tiến độ phải nhanh hơn một chút.

Điều thứ sáu trong Bát Quan Trai giới là “không đeo vòng hoa thơm, không thoa ướp hương vào mình”. Điều giới này chủ yếu là giúp chúng ta buông xả “thân kiến”. Phàm phu chấp trước thân của mình là ta, không biết nó là tứ đại giả hợp, mà còn là túi da hôi thối dơ bẩn chịu không nổi, cho nên dấy khởi vọng tưởng, cho rằng thân thể huyễn hóa này là bản thân. Vì thế, nảy sinh sự đối lập giữa người và ta, nảy sinh sự huyễn thọ vui và khổ, cảm thọ hư ảo, do đó tùy theo vọng tình này mà tạo nghiệp, “buông lung cái ta mà làm quấy”, vậy thì sẽ chiêu cảm khổ báo vô cùng. Cho nên Bồ-tát Long Thọ nói: Thân này là gốc của khổ, dục là gốc của khổ. Phải buông xả hết thảy những điều này. Phật chế điều giới “không đeo vòng hoa thơm, không thoa ướp hương vào mình” này, chính là giúp chúng ta buông xả thân kiến, đừng nghĩ đến việc làm đẹp cái thân này. Làm đẹp thế nào thì nó cũng hôi thối, không khả ái, “dơ bẩn hôi thối bất tịnh, không có gì đáng ưa”. Điều giới này cũng là cư sĩ học theo giới của Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni. Đặc biệt là giới Tỳ-kheo-ni, đây thuộc về giới ba-dật-đề, Tỳ-kheo là giới đột-cát-la, tương đối nhẹ hơn một chút.

Vì sao Phật phải chế điều giới này của Tỳ-kheo-ni nặng vậy? Đạo lý này cũng dễ hiểu. Thông thường thì người nữ tương đối thích trang điểm, tương đối thích làm đẹp thân mình, thoa son đánh phấn, thoa hương lên người, từ xưa đến nay, về phương diện này thì nữ chúng đều chú trọng nhiều hơn nam chúng. Cho nên Phật chế giới này cho Tỳ-kheo-ni là nặng, ba-dật-đề, Tỳ-kheo thì đột-cát-la, Sa-di cũng học theo, cư sĩ thọ Bát Quan Trai giới cũng học theo giới này. Trong giới ba-dật-đề của Tỳ-kheo-ni thì đây thuộc về điều 150: “Giới thoa hương vào mình”; đương nhiên còn có điều giới khác, “giới thoa dầu mè vào mình”, điều 151; “giới bảo Tỳ-kheo-ni thoa vào mình”, điều 152; “giới bảo thức-xoa-ma-na thoa vào mình”, điều 153; “giới bảo Sa-di-ni thoa vào mình”, điều 154; quý vị xem nhiều điều liên tục như vậy, còn có “giới bảo cư sĩ nữ thoa vào mình”, điều 155. Tổng cộng sáu điều đều chế việc này, có thể biết giới này rất quan trọng. Dựa vào Tứ Phần Luật Sớ và Khai Tông Ký nói sự chế ý này, trong Tỳ Kheo Ni Giới Tướng Biểu Ký trích dẫn chế ý của Tứ Phần Luật Sớ. Lại trích dẫn Khai Tông Ký để nói về điều 177 trong giới Tỳ-kheo-ni, chính là “giới dùng đồ trang sức của phụ nữ, thoa hương vào mình”, điều này cũng vậy, còn có “giới bảo nữ ngoại đạo thoa hương vào mình”, những điều này cũng vậy, điều 177, 178. Hợp lại thì loại giới này có tám điều giới rồi.

Chế ý trong đây, hợp lại là nói như vậy: “Xuất gia tu đạo, quán thân bất tịnh, chỉ sanh chán ghét xa lìa, phải dứt tâm tà”. Đây không chỉ là người xuất gia, cư sĩ thọ Bát Quan Trai giới cũng là làm người xuất gia một ngày một đêm, gọi là “đội tóc xuất gia”, thọ Bát Quan Trai giới rồi. Phải “quán thân bất tịnh”, thân thể này có năm thứ bất tịnh.

– Trong Đại Trí Độ Luận nói “chủng tử bất tịnh”, là sanh ra từ tinh cha huyết mẹ, ra đời từ âm đạo của mẹ, bất tịnh;

– Thứ hai trụ xứ bất tịnh”, thân này là túi da dơ bẩn hôi thối, không phải sanh ra từ hoa sen, mà khi mới bắt đầu đã ở trong tử cung thai mẹ, chỗ ở cũng bất tịnh.

– Còn có thứ ba “đương thể bất tịnh”, lục phủ ngũ tạng trong thân thể này, mỗi ngày đều chế tạo liên tục những thứ dơ bẩn hôi thối, thức ăn mà quý vị đã ăn dù có thơm ngon đến đâu, nhưng khi thải ra ngoài đều hôi thối. Mỗi ngày đều tắm rửa, tắm suốt 100 năm, hôm nào không tắm thì lại hôi thối, “nghiêng biển rửa thân này, không thể làm thân thơm tho sạch sẽ”. Mọi người nghĩ thử xem có đúng không? Dùng hết cả nước biển, cũng không thể rửa sạch.

– Thứ tư “ngoại tướng bất tịnh”, thường chảy ra vật bất tịnh, “chín lỗ thường chảy thứ bất tịnh”, mắt chảy nước mắt, mũi chảy nước mũi, trong miệng có nước bọt, lỗ chân lông trên thân thể ra mồ hôi, còn có đường đại tiểu tiện bên dưới càng hôi thối hơn, thật sự không sạch sẽ.

– Thứ năm “cứu cánh bất tịnh”, đến khi chết đi, thân thể này sưng phù chảy máu mủ, thối rữa, thu hút loài ruồi, chó hoang cũng không đến ăn, quá hôi rồi. Vì thế, thân thể như vậy, có gì đáng để yêu quý mà phải làm nô lệ cho nó? Vả lại đó không phải là ta, cho nên quán thân bất tịnh, phải sanh tâm chán ghét xa lìa. Túi da thối này là khổ, là không, là vô thường, phải chán ghét xa lìa. Chán ghét xa lìa, thì phải đoạn dứt tâm tà. Vì thân thể mà nảy sinh các dục vọng, những dục vọng nam nữ, ăn uống, thảy đều đoạn tuyệt.

Chớ dùng trang sức của phụ nữ, thoa hương làm thân thể thơm tho, mê đắm tình thâm, có ý buông lung, như vậy sẽ làm mất tâm tôn kính, dẫn đến cơ hiềm, làm tổn hại đạo. Sự lo âu tột cùng, chẳng gì hơn điều này”. Đối với túi da thối không sạch sẽ này, mà chúng ta vẫn nghĩ đến việc dùng các đồ dùng trang sức, những thứ như nữ trang, dây chuyền để làm đẹp nó, còn dùng các loại hương, hương phấn, son, nước hoa để thoa ướp vào nó, muốn làm cho nó thơm tho sạch sẽ, đây là người ngu. Đương nhiên là điều này chúng ta đóng cửa lại để nói, quý vị đừng đi nói khắp nơi, Pháp sư Định Hoằng nói chị xịt dầu thơm là người ngu, vậy thì những công ty mỹ phẩm sẽ gây phiền phức cho tôi. Điều này đóng cửa lại nói, đối với người chân thật muốn tu đạo, đối với người thọ Bát Quan Trai giới mới nói những lời này, những lời này đều là lời Phật nói, phá đi sự ái dục của chúng ta đối với thân thể. Đương nhiên là không chỉ có trang sức của người nữ, người nam cũng có các món trang sức. Quý vị xem, hiện nay người nam cũng đeo dây chuyền, cũng đeo bông tai, còn đeo một chiếc bông tai, thậm chí là trên mũi cũng đeo một chiếc bông tai, khuyên mũi. Thật sự là nghĩ đủ mọi cách để làm đẹp cho túi da thối này, cũng dùng nước hoa nam, đủ các loại, “khiến thân thể thơm tho sạch sẽ”. Đây là “mê đắm tình thâm”, mê đắm thân thể này.

Sự ái dục này của phàm phu rất sâu, vả lại trong ý niệm tồn tại sự buông lung, đây là mất đi tâm tôn kính”, đạo tâm này không còn nữa, hằng ngày đều nghĩ đến việc làm sao để tô điểm cho sắc thân này. Nếu người xuất gia còn làm như vậy, thì dẫn đến cơ hiềm, bản thân cũng làm tổn hại đạo nghiệp, quý vị không để tâm trong chánh đạo nữa, mà để tâm trong tà đạo rồi. Phật dạy chúng ta đoạn thân kiến, mà hằng ngày chúng ta tăng trưởng thân kiến, kiến hoặc này đến khi nào mới đoạn được? Khi nào mới có thể ra khỏi tam giới? Cho nên lỗi lầm, tai họa này đạt đến cực điểm, “chẳng gì hơn điều này”. Do đó, Phật chế điều giới “không đeo vòng hoa thơm, không thoa ướp hương vào mình” này. Chúng ta xem bản văn của Sa Di Thập Giới Oai Nghi Lục Yếu, văn rất đơn giản, chỉ có một câu:

Kết hoa vi man, trang nghiêm thân thủ, bội phục hương đại, chi phấn sức dung, tịnh thị sĩ nữ yêu dã chi thái, phi xuất gia nhân sở nghi”.

(Kết hoa thành vòng để làm trang sức trên thân và đầu, đeo mang túi hương, dùng phấn son trang điểm, đều là thói quen làm đẹp của người nam người nữ không đứng đắn, chẳng thích hợp với người xuất gia).

Ở đây nói đến thế nào là “vòng hoa thơm”, “vòng” chính là “kết hoa thành vòng”, người xưa ở Ấn Độ thích dùng hoa kết thành vòng để đeo vào cổ, trước ngực, làm trang sức trên thân hoặc đầu của mình, gọi là “thân thủ”. Còn “bội phục”, tức là đeo mang những túi hương đó, thời xưa không có nước hoa, trên người đeo một túi hương, để hương trong đó, ngửi thấy rất thơm. Người xưa thật sự tốt hơn chúng ta một chút, không xịt trực tiếp hương lên người như vậy, mang túi hương, bây giờ thì xịt trực tiếp lên người rồi. Dùng phấn son để trang điểm, những thứ như son, phấn nước để trang điểm. Có lẽ các nữ Bồ-tát của chúng ta biết rõ hơn tôi, mỹ phẩm trang điểm lên từng lớp một, tôi cũng không biết rõ, rốt cuộc những thứ trang điểm đó là gì, chắc chắn quý vị hiểu rõ hơn tôi. Nhưng chẳng qua chỉ làm cho dung mạo của mình đẹp hơn, làm cho thân thể mình đẹp hơn, đều bởi vì thân kiến mới làm như vậy. Người thế gian làm như vậy đương nhiên là không có gì đáng trách, họ vốn dĩ có thân kiến, vậy người tu đạo chúng ta không thể tùy thuận theo sự phàm tình của thế tục. Những điều này đều là “sĩ nữ yêu dã chi thái”. “Sĩ” chính là người nam, “nữ” chính là nữ chúng, những sự trang điểm diêm dúa, dáng vẻ không đứng đắn, “chẳng thích hợp với người xuất gia”, cũng không thích hợp với một ưu-bà-tắc, ưu-bà-di thọ Bát Quan Trai giới.

Vậy là nói xong bản văn. Tiếp theo chúng tôi căn cứ vào Giới Tướng Biểu Ký của giới Tỳ-kheo-ni, để nói đơn giản về phần cụ duyên thành phạm, tiêu cảnh tưởng và khai duyên. Giới này đủ ba duyên thành phạm:

– Thứ nhất: “là vòng hoa thơm”, là những thứ trang điểm, dùng những thứ này;

– Thứ hai: “không có bệnh”;

– Thứ ba: “tùy trà”, bôi lên hoặc đeo trên người, cũng sẽ phạm.

Nếu có bệnh, ví như những thuốc thoa đó vốn dĩ có hương thơm, nhưng thoa thuốc này thì không phạm, tức là không phải vì trang điểm, mà vì trị bệnh, như vậy thì không phạm.

Về phương diện cảnh tưởng, bởi vì giới này cũng tương đối đơn giản, nên không liệt kê ra nữa, nhưng thật ra mỗi một điều giới đều có thể liệt kê ra cảnh tưởng, câu cảnh tưởng, đều có thể liệt kê ra năm câu. Ví dụ như “hương”, duyên thứ nhất là là hương”, về giới hương này quý vị cũng có thể liệt kê năm câu.

Cảnh này “là hương”, cũng “nghĩ là hương”, cho rằng đó là hương, thoa lên người, đương nhiên là phạm căn bản.  Câu thứ hai “là hương, nghi là hương”. Đây là hương sao? Thoa rồi, lẽ ra tội này thấp xuống một bậc. Nhưng bản thân giá tội là tội hạ phẩm, cho nên giảm xuống cũng là hạ phẩm, vậy thì không bàn luận đến nữa. Nhưng trên thực tế thì mỗi điều giới đều có thể chia thành năm câu cảnh tưởng: là hương, nghĩ là hương; là hương, nghi là hương; là hương, tưởng chẳng phải hương (đây không phải là hương, xoa rồi, phải là vô tội. Hoặc ban đầu nghĩ muốn thoa, nhưng sau đó lại chuyển thành tưởng chẳng phải hương. Chuyển tưởng mới phạm một tội hạ phẩm, xét vào tâm trước mà kết tội); câu thứ tư: chẳng phải hương, tưởng là hương cũng là tội hạ phẩm; chẳng phải hương, nghi chẳng phải hương, cũng là tội hạ phẩm. Công thức này đưa vào mỗi điều giới đều như nhau, “năm câu cảnh tưởng”.

Phần khai duyên có hai điều, đây là riêng biệt, biệt duyên. Thông duyên thì đều như nhau, chính là “cuồng loạn hoại tâm, thống não sở triền”, đây là bản thân đã mất đi bản tâm rồi, đương nhiên không phạm giới.

– Sự khai duyên riêng biệt ở đây là “nhược hữu như thị bệnh”, quý vị có bệnh, trên cơ thể quý vị nổi mụn nhọt rồi, bôi thuốc mỡ. Trong thuốc mỡ có mùi hương, vì trị bệnh thì được, không phạm. Hoặc quý vị đau gân cốt, thoa một chút tinh dầu để thư giãn gân cốt thông kinh lạc thì cũng không phạm. Bởi vì quý vị không có tâm làm đẹp, có tâm này thì sẽ kết tội, tội từ tâm khởi, không có tâm thì không phạm. Nếu quý vị có tâm làm đẹp mà thoa tinh dầu đó, vậy cũng phạm. Cùng là tinh dầu, nhưng phải xem quý vị dùng tâm gì để xoa rồi.

– Khai duyên thứ hai: “Nhược vi cường lực sở chấp”, bị người khác cưỡng ép thoa hương, vậy đương nhiên cũng không phạm, không phải tâm nguyện của chính mình.

Điều giới này chúng tôi cũng nói qua rồi.

Giới thứ bảy: Không ca, múa, hòa tấu, biểu diễn, hay đi xem nghe”.

Tiếp theo, điều giới thứ bảy là “không ca, múa, hòa tấu, biểu diễn, hay đi xem nghe”. Điều giới này cũng có phần chuyên chế cho giới Tỳ-kheo-ni, điều 79 trong giới ba-dật-đề của Tỳ-kheo-ni. Giới “ca, múa, hòa tấu, biểu diễn” này chủ yếu là có thể làm mất chánh niệm của chúng ta, khiến cho thân tâm của chúng ta nảy sinh sự buông lung, nên Phật chế điều giới này để thu nhiếp thân tâm của chúng ta, giúp chúng ta nhiếp trọn sáu căn, tịnh nghiệp tiếp nối. Đại Thế Chí Bồ-tát dạy “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”, trên thực tế thì thông với tất cả pháp môn. Tịnh niệm này chính là chánh niệm, hễ là niệm phù hợp với thật tướng vũ trụ, thật tướng pháp giới, thì đều thuộc về tịnh niệm. Niệm thật tướng tiếp nối cũng tức là tịnh niệm tiếp nối, từ đâu mà đạt được? Trước tiên phải nhiếp trọn sáu căn, thu lại sáu căn trong vọng cảnh của sáu trần, đây chính là “môn trì giới”. Giới chính là đối trị những sự buông lung trong thân tâm, giúp quý vị nhiếp trọn sáu căn, sau đó tịnh niệm của quý vị mới có thể tiếp nối.

Tịnh niệm của người niệm Phật chúng ta, chính là danh hiệu A Di Đà Phật; nếu quán tưởng niệm Phật, chính là tưởng nhớ mà quán tưởng A Di Đà Phật; quán tướng niệm Phật, tức là nhãn căn đối trước tượng Phật mà sinh ra nhãn thức để tiếp nối; nếu thật tướng niệm Phật, thì tịnh niệm của thật tướng trí huệ bát-nhã này tiếp nối, phải xem quý vị niệm Phật thế nào. Bốn cách niệm Phật: Trì danh, quán tưởng, quán tướng, thật tướng đều được. Đương nhiên dùng trì danh niệm Phật là dễ nhất, đó là câu Phật hiệu này phải tiếp nối, làm cho Phật hiệu được tiếp nối, tiền đề chính là nhiếp trọn sáu căn. Cho nên nếu quý vị không trì giới thì quý vị rất khó thu nhiếp sáu căn, quý vị niệm Phật cũng không thể niệm thành phiến. Vì vậy trì giới niệm Phật, vốn là một môn”, chính là đạo lý này. Đây là Đại Thế Chí Bồ-tát dạy chúng ta, nhiếp trọn sáu căn chính là trì giới, niệm A Di Đà Phật chính là tịnh niệm tiếp nối, cho nên trì giới niệm Phật chính là nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối. Nếu xem nghe ca múa, hòa tấu, biểu diễn, vậy thì sẽ làm cho sáu căn của chúng ta chạy vào sáu trần rồi. Đặc biệt là nhãn căn, nhĩ căn, xem là dùng mắt, nghe là dùng tai, đều là duyên theo cảnh giới bên ngoài, tâm đã chạy ra ngoài, đánh mất chánh niệm rồi.

Chúng ta tham khảo điều 79 trong giới ba-dật-đề của Tỳ-kheo-ni, trước tiên nói đến chế ý, trong ni giới đây là điều thứ 79 “giới xem nghe kỹ nhạc”. Trích dẫn Khai Tông Ký, Khai Tông Ký của Luật Tứ Phần, là một bộ chú giải khác. Thông thường hiện nay chúng ta đều xem Tư Trì Ký, cũng có một bộ là Khai Tông Ký. Chế ý được liệt ra là: “Xuất gia chi nhân, ưng tu tĩnh niệm, hệ tâm thủ đạo, phương hợp quỹ nghi. Kim quán kỹ nhạc, phương phế chánh tu, chiêu cơ bất khinh, cố tu Thánh chế”. (Người xuất gia cần phải tĩnh niệm, hệ tâm giữ đạo mới hợp với quy tắc. Nay xem kỹ nhạc, trở ngại bỏ dở chánh tu, chiêu lấy cơ hiềm không nhẹ, cho nên bậc Thánh chế giới này).

Xuất gia chi nhân”, cũng bao gồm những người thọ Bát Quan Trai giới hôm nay của chúng ta, hôm nay xuất gia rồi. Mọi người có phát khởi tâm xuất gia không? Tuy là thân chưa xuất gia, nhưng tâm đã xuất gia. Đức Như Lai cũng đặc biệt chế giới Bát Quan Trai – giới xuất gia cho cư sĩ tại gia chúng ta, để chúng ta trồng thiện căn này. Ngày hôm nay “ưng tu tĩnh niệm”, cả thân tâm phải tĩnh lặng. Nếu tâm quý vị không tĩnh, thì làm sao quý vị tu hành? Cổ nhân cũng nói “tĩnh lặng để tu thân”. Phật nói việc tu hành này đã bao gồm thân tâm rồi. Con người không thể tĩnh lặng, thì ý niệm sẽ biến động, vốn dĩ không có cách nào để quán chiếu sự hoạt động sáu căn của chính mình là thiện hay ác? Không cách nào quán được. Nhất định phải tĩnh lặng, sau đó mới cảm thấy thì ra bản thân xấu ác như vậy. Vì sao? Bởi vì “theo tình tạo nghiệp, buông lung cái ta mà làm quấy”. Cho nên phải thường xuyên cho thời gian bản thân yên tĩnh. Trong thời đại mạt pháp, phàm phu chúng ta tu hành phải có hoàn cảnh. Nếu hoàn cảnh ồn ào, xôn xao thì quý vị rất khó tĩnh lặng, chánh niệm không thể tiếp nối. Cho nên ngay cả thời Phật còn tại thế, Phật cũng không cho phép Tỳ-kheo tùy tiện vào tụ lạc (tụ lạc chính là nơi ở của người thế tục). Sáng sớm ra ngoài cầm bát khất thực, vào tụ lạc một chút, trở về ăn xong rồi, buổi chiều gọi là “phi thời”, không nên vào tụ lạc. Thật sự có duyên sự phải vào tụ lạc, vẫn phải cáo bạch với một vị Tỳ-kheo. Quý vị xem, nghĩa là chúng ta cố gắng hết mức đừng ra ngoài, ở trong đạo tràng an tâm tu đạo. Khi Phật tại thế, dù cho Tỳ-kheo có căn tánh thế nào, Phật cũng không để họ đi. Tỳ-kheo ngủ ở núi sâu, Phật đều vui mừng; Tỳ-kheo ở phố xá náo nhiệt tinh tấn, Phật đều lo lắng, sợ quý vị không thể chống lại sự mê hoặc của cảnh giới. Cho nên cần phải tĩnh lặng.

Đạo tràng Thiện Quả Lâm của chúng ta, định hướng mười năm sau là “đạo tràng tĩnh tu trì giới niệm Phật”, triển khai tĩnh tu, không phải tạo sự náo nhiệt, cho nên nơi này không làm đạo tràng kinh sám. Pháp hội Tam Thời Hệ Niệm là truyền thống từ xưa, vốn dĩ là mỗi tháng tổ chức một lần, sau này sẽ đổi thành hai tháng mới tổ chức một lần. Thật sự tu hành, công đức niệm Phật là lớn nhất, công đức trì giới là lớn nhất, trì giới niệm Phật vốn là một môn. Số người không cần phải đông, chỉ cần người thật tu thật làm đến đây, thật sự có lợi ích là được rồi. Cho nên tôi cũng mời mọi người ở đây, nếu thật sự muốn liễu sanh tử xuất tam giới, thì quý vị hãy đến đây để an trụ tĩnh tu. Bình thường không có xã giao gì, gắng hết sức đừng nói chuyện phiếm. Về tịnh khẩu, thì tôi không dám yêu cầu mọi người, sợ mọi người không làm được. Có thể tịnh khẩu đương nhiên là rất thù thắng, tối thiểu phải dừng lại nói chuyện phiếm. Nói nhiều không bằng nói ít, nói thêm một câu thì phí một câu, niệm thêm một câu thì được một câu. Vậy thì đã giúp đạo tràng tạo ra một đạo tràng tĩnh tu, để mọi người thật sự “hệ tâm thủ đạo”, hệ niệm đức Di Đà, hệ niệm thế giới Cực Lạc, hằng ngày huân như vậy, chắc chắn sẽ có một ngày quý vị có thể nhìn thấy A Di Đà Phật, chắc chắn sẽ có một ngày có thể đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, phải huân tập. Ở đây thì tốt nhất là có thể trì Bát Quan Trai giới, nếu thật sự không thể, thì tối thiểu phải trì Ngũ giới.

Trong Bát Quan Trai giới, yêu cầu như vậy, không ca, múa, hòa tấu, biểu diễn hay đi xem nghe, như vậy mới phù hợp oai nghi chuẩn mực của người xuất gia. Nhưng nếu hôm nay đi xem nghe kỹ nhạc, kỹ nhạc này bao gồm tất cả ca hát tạp kỹ, kịch, xem điện ảnh, xem những bộ phim bom tấn của Mỹ, xem đủ những tiết mục vô vị như thế. Đương nhiên cũng bao gồm những nội dung không lành mạnh, dẫn dắt con người khởi tà niệm, những việc này đều “phương phế chánh tu”, trở ngại bỏ dở chánh tu của chúng ta. Chánh tu của chúng ta là trì giới niệm Phật, mà người xuất gia còn như vậy, thì gây ra sự cơ hiềm không nhẹ. Người tại gia cũng không ngoại lệ, người ta nói anh là người của Thiện Quả Lâm, anh xem ngày nào anh cũng thích xem phim bom tấn Mỹ, xem những phim cảnh sát, vậy thì bị người khác chê cười, cơ hiềm quý vị, thì ra Thiện Quả Lâm là như vậy, còn cơ hiềm cả đạo tràng, tội lỗi này không hề nhẹ. Cho nên Phật phải chế định điều giới này, đây là “giới cơ hiềm”, đồng thời cũng giúp chúng ta thu nhiếp thân tâm. Chế ý của điều giới này đã nói xong, xem bản văn tiếp theo:

Xướng khúc ngâm thi, danh chi vi ca. Điệu tí trịch túc, danh chi vi vũ. Xuy tiêu đàn cầm, song lục vi kỳ, trịch đầu phụ tiền, y bốc tinh tướng, đầu hồ xạ tiễn, trì mã thí kiếm đẳng, tịnh danh xướng kỹ, phi xuất gia nhân sở ưng vi dã. Cúng Phật nghi sử nhân tác nhạc, bất nghi tự tác, tán Phật nghi Phạm bái, bất nghi dụng ca khúc âm thanh, hữu chân thật kiến địa, phương khả tác kệ niêm tụng. Bất đắc tập học thi họa, loại bỉ sơn nhân thanh khách, học tự đãn linh đoan khải, bất đắc vị hảo cố, phương phế xuất thế chánh nghiệp”.

(Hát nhạc ngâm thơ gọi là ca. Khua chân múa tay gọi là múa. Thổi sáo đánh đàn, chơi cờ song lục, cờ vây, gieo súc sắc cá tiền, làm thầy thuốc, thầy bói, chiêm tinh, ném thẻ vào bình, bắn cung, đua ngựa, đấu kiếm v.v… đều gọi là hòa tấu, biểu diễn, không phải là việc mà người xuất gia nên làm. Cúng dường Phật thì nên bảo người khác chơi nhạc, không nên tự mình thực hiện. Tán thán Phật nên dùng kệ, không nên dùng âm thanh khúc hát. Có kiến địa chân thật mới có thể làm kệ, niêm tụng. Không được học tập thơ, vẽ, giống như sơn nhân thanh khách. Học chữ chỉ để viết ngay ngắn, không được vì viết đẹp mà trở ngại bỏ dở chánh nghiệp xuất thế).

Ở đây nói rất rõ ràng, những gì nên làm những gì không nên làm, phạm vi những việc bao gồm ca múa hòa tấu biểu diễn rất rộng. “Hát nhạc ngâm thơ”, không việc gì mà ngâm nga khúc hát thì phạm giới. Ngâm thơ cũng phạm, đây đều thuộc về ca, những bài thơ của người xưa, ngâm thơ là ngâm theo giai điệu, ngâm nga, ngâm thơ. Còn có “khua chân múa tay”, đây là nhảy múa, cánh tay đung đưa, chân cũng ở đó lắc lư chuyển động, những việc này đều gọi là múa. Người xuất gia đi đường phải có oai nghi, không tùy tiện nhìn qua trái hay phải, mắt chỉ nhìn bảy thước phía trước, ưỡn ngực, ngẩng đầu, cúi đầu, đoan trang mà bước về phía trước. Cũng không thể “khua tay mà đi”, khi mặc áo cà sa không thể đi vung tay, “khua tay” là bỏ cánh tay xuống, thậm chí vung tay mà đi, đó là oai nghi của người xuất gia, không yêu cầu người tại gia. Có người nhìn thấy thì trợn tròn mắt lên, như vậy có bị viêm quanh khớp vai không? Không cần phải lo lắng điều này, bởi vì bình thường quý vị có lạy Phật, có rèn luyện. Thậm chí dùng cách đại lễ bái của Mật tông, hành động đó rèn luyện thân thể, bệnh gì cũng có thể chữa khỏi cho quý vị, ra ngoài đi đường thì đoan chánh là được. Người xuất gia phải đi đường thẳng, không thể đi xiên vẹo, v.v… đây đều là oai nghi. Cũng không thể nhảy chân sáo, chạy cũng không được. Đại trượng phu đi, bước đi như bò chúa, bước đi như voi chúa, quý vị xem con voi đi như thế nào, từng bước từng bước rất trang trọng, “quân tử bất trọng tắc bất oai”.

Tiếp theo là “thổi sáo đánh đàn”, đây là những nhạc cụ diễn tấu. “Chơi cờ song lục, cờ vây”, là chơi cờ, “song lục” cũng là chơi cờ tướng, chơi cờ vây, bao gồm tất cả loại cờ, chơi cờ với nhau, hiện nay còn có đánh bài xì tố, v.v…, còn có gieo súc sắc cá tiền, cờ bạc. Những cách thức cờ bạc của người xưa có rất nhiều, bây giờ còn nhiều hơn. Nếu đến sòng bài Las Vegas ở Mỹ, vậy thì hoa cả mắt, đương nhiên là tôi chưa đi qua, chỉ nghe nói, những nơi này đều là nơi không nên đến, hơn nữa đây là việc không nên làm của người xuất gia.

Còn làm thầy thuốc, thầy bói”, thông thường thì người xưa gộp y thuật và xem bói lại với nhau, cho nên “làm thầy thuốc, thầy bói” này đối với người xuất gia mà nói, đây là một kiểu bói toán, xem bói tương lai người khác, v.v…, những điều này đều không được phép. Nhưng “thầy thuốc” hiện nay, vì trị bệnh cứu người thì điều này nên làm, là việc tốt, không phải đi xem bói, xem quẻ, bói toán, xem tướng, những điều này đương nhiên là không được. Hoặc chiêm tinh, thậm chí dùng việc này để mưu cầu lợi dưỡng, giống như thầy bói ở thế gian vậy, điều này cũng không được. Lại huống gì Phật pháp nói với chúng ta là vạn pháp duy tâm, tất cả pháp đều sanh diệt trong từng sát-na. Bởi nó đều do tâm quý vị sanh ra, tâm đó đang sanh diệt trong từng sát-na, cho nên làm gì có định pháp? Đều có thể thay đổi được. Thay đổi tâm thái thì cảnh giới bên ngoài sẽ thay đổi, vận mệnh sẽ thay đổi. Vì vậy, thật ra xem bói là điều không cần thiết, người chân thật tu hành thì quý vị có xem bói cũng xem không chuẩn, họ đang thay đổi mỗi ngày, vận mệnh thay đổi mỗi ngày, tướng do tâm sanh, tướng cũng thay đổi mỗi ngày, hôm nay xem bói ngày mai xem bói đều khác nhau, không có ý nghĩa. Phật nói với chúng ta là thay đổi trong từng sát-na, vậy quý vị có thể xem chuẩn được sao?

Thật sự muốn xem bói, tôi khuyên mọi người chi bằng dùng cách gieo quẻ của Chiêm Sát Sám, cách này phù hợp với đạo lý vạn pháp duy tâm. Cách này sẽ cho quý vị biết, luân tướng đó là tướng của tâm quý vị, dùng luân để hiển hiện tâm tướng của quý vị là thiện hay ác, có thần lực của Địa Tạng Bồ-tát gia trì, nó có thể hiển lộ. Thiện ác, bao gồm những điều quý vị muốn hỏi, vừa gieo quẻ, nghiệp lực của tâm quý vị là gì, chắc chắn chiêu cảm quả báo đó, cho nên có thể xem ra. Bởi vì có oai thần của Địa Tạng Bồ-tát gia trì, đây là một cách. Nhưng có thể thay đổi không? Nhất định thay đổi được. Kinh Chiêm Sát cũng nói như vậy, nếu quý vị gieo quẻ ra kết quả không như ý, quý vị hãy nghiêm túc bái sám, chăm chỉ xưng tụng danh hiệu Địa Tạng Bồ-tát, gieo quẻ lại sẽ tốt hơn, vậy là thay đổi rồi. Ví dụ như quý vị muốn xem quý vị có thể vãng sanh Tây Phương được không, có thể gieo quẻ không? Đương nhiên có thể gieo quẻ. Nếu gieo quẻ nói không thể vãng sanh, vậy làm sao đây? Ngay trong hiện tại, trạng thái tâm hành của quý vị hiện nay chiêu cảm quả báo, không phải là quả báo vãng sanh, vậy thì phải cố gắng sửa đổi, đây là giúp quý vị tu hành, vậy thì được. Đương nhiên những thuật bói quẻ bên ngoài, đoán mệnh xem quẻ, không tương ưng với đạo lý duy tâm thức quán này, nó đơn thuần chỉ là thuyết định mệnh, không nên tin những điều đó.

Ném thẻ vào bình, bắn cung”, “ném thẻ” chính là lấy gạch ném vào trong bình, cũng là một kiểu so tài, cũng là một hoạt động cờ bạc. “Bắn cung”, người xưa đều so tài xem ai bắn tên vào hồng tâm. Tỉ thí, “đua ngựa đấu kiếm”, đây đều là tỉ thí, những việc này đều gọi là “hòa tấu, biểu diễn”. Cho nên đánh quyền, bao gồm thi đấu, những việc này đều không thể được. “Không phải là việc mà người xuất gia nên làm”.

Nhưng trong đây có nói đến phần khai duyên. “Cúng dường Phật”, nếu chúng ta dùng âm nhạc cũng có thể cúng dường Phật, sáu trần đều có thể cúng dường, sắc thanh hương vị xúc pháp đều có thể cúng dường Phật, trong “Kinh Pháp Hoa” cũng có dùng cách ca hát nhảy múa để cúng dường Phật. Nhưng người xuất gia cũng “không nên tự mình thực hiện”, cho nên cần phải “bảo người khác chơi nhạc”, bảo người khác giúp chúng ta làm một nhạc khúc cúng dường Phật thì được, chứ không thể tự mình làm. Nếu là người thọ Bát Quan Trai giới, hôm đó cũng không nên tự làm, cho dù quý vị là nhà âm nhạc, cũng không nên tự làm.

Vậy còn “tán Phật”? “Ca tụng công đức của Phật”, vậy thì nên dùng “tán xướng tụng niệm”, là những cách tán xướng tụng niệm hiện nay trong nhà Phật của chúng ta dùng, để giúp mọi người điều tâm, tâm có thể an trụ. Thật sự tán xướng hay, có thể theo âm thanh này mà nhập định. Quý vị xem tán xướng tụng niệm đều rất chậm, người mới vào cửa Phật đều không quen lắm, “A Di Đà Phật thân kim sắc, tướng hảo quang minh vô đẳng luân”, tán tụng mấy câu này cả nửa ngày trời, kệ tán Phật, đứng mỏi cả chân, giơ tay lên cũng mỏi rồi mà vẫn chưa tán xong, đều cảm thấy không thích nghi. Vì sao vậy? Bởi vì tâm của người mới bắt đầu nôn nóng bất an, không thể chậm lại được, cũng giống như xe chạy rất nhanh, quý vị muốn nó dừng lại, thắng xe cũng phải thắng một khoảng thời gian rất dài. Vậy thì người tu lâu sẽ cảm thấy rất tốt, theo âm thanh tán Phật mà vào quán tưởng: A Di Đà Phật thân kim sắc, tướng hảo quang minh vô đẳng luân, phóng đại quang minh, chiếu khắp mười phương, quang minh mà lông mày trắng phóng ra có thể uyển chuyển năm núi Tu Di, hám mục trừng thanh tứ đại hải. Quý vị xem, vậy thì họ nhập định rồi, nhập niệm Phật tam-muội rồi, đây là lợi ích của tán xướng tụng niệm.

Tu duy tâm thức quán cũng có thể dùng tán xướng tụng niệm. Có người vừa nghe tán xướng tụng niệm thì nghĩ: Tôi không làm kinh sám. Tuyệt đối quá cũng không tốt, kinh sám chắc chắn là do Tổ sư Đại đức lập nên, cũng là một phương thức giúp đỡ việc tu hành. Vả lại, nhĩ căn là lanh lợi nhất, tán xướng tụng niệm phải khéo dùng nhĩ căn. Nghe âm thanh này, nếu có thể hiểu rõ, âm thanh thanh trần đó cũng là duy tâm sở hiện, nhĩ căn đối với thanh trần, thì nhĩ thức sanh khởi, nhĩ thức đó theo thanh trần sanh mà sanh, theo thanh trần diệt mà diệt, cho nên nhĩ thức vốn không phải là chân tâm, nó là vọng tâm sanh diệt, quý vị xem, như vậy chính là quán. Thanh trần chính là sự hiển hiện của thức thứ tám của chúng ta, đó cũng là pháp sanh diệt; tướng phần hiển hiện của thức thứ tám là pháp sanh diệt, kiến phần tương ứng với tướng phần, đó cũng là pháp sanh diệt, cho nên tám thức đều là pháp sanh diệt, đây chính là “duy tâm thức quán”. Mà trong khi nhập định nghe được, âm thanh này sanh diệt sanh diệt sanh diệt, sau khi diệt rồi vẫn chưa sanh khởi, lúc này không có thanh trần. Không có thanh trần thì không có nhĩ thức, bởi vì nhĩ thức ắt hẳn sanh diệt theo thanh trần, vậy thì khi không có nhĩ thức, có phải là nhĩ căn không thể nào nghe được nữa không? Cũng không phải, nhĩ căn còn chức năng nghe. Nghĩa là nhĩ căn có tánh nghe, tánh nghe đó không thuận theo sự sanh diệt của thanh trần mà sanh diệt, nó không sanh không diệt. Thì ra có tánh không sanh không diệt ở đó, vậy thì quý vị tìm được chân như rồi, “chân như thật quán”.

Quý vị xem, chỉ cần nghe tán xướng tụng niệm, thì đầy đủ cả hai cách quán đạo rồi, cho nên nhất định phải chậm. Quý vị tán xướng quá nhanh, như những bài nhạc pop nhạc rock hiện nay, quý vị làm sao quán duy tâm thức quán, chân như thật quán được? Tâm đó đã sớm bị rock xâm nhập vào rồi. Tán xướng tụng niệm rất hay. Cho nên Tổ sư để lại cho chúng ta, cũng đều là những điều tốt, chỉ xem quý vị có biết tu không. Niệm Phật cũng tu như vậy, dùng nhĩ căn để tu. Nhưng tán xướng tụng niệm “không nên dùng âm thanh khúc hát”, bởi vì âm thanh khúc hát sẽ làm tâm ý của chúng ta hỗn loạn, sẽ sanh khởi tình, sanh khởi tình rồi, trí huệ sẽ bị hàng phục. Cho nên hiện nay có rất nhiều người tán Phật, tụng kinh, đều dùng ca khúc, như ca khúc nhạc đại chúng, có tốt không? Không thể nói là không tốt, vẫn tốt hơn những ca khúc đại chúng, nhạc rock hiện nay, dù gì cũng hát về kinh văn. Nhưng nếu quý vị biến đó thành một phương thức tu hành, vậy đương nhiên là không phù hợp rồi. Đây là nói đến vấn đề tán xướng tụng niệm.

Có kiến địa chân thật mới có thể làm kệ, niêm tụng”. Những Thiền sư thời xưa khai ngộ rồi, viết một bài kệ, như vậy thì được. “Bồ-đề vốn không cây, gương sáng cũng chẳng đài, vốn dĩ không một vật, chỗ nào dính bụi trần”. Đây là tâm đắc khai ngộ của các Ngài, có thể viết ra cho người hậu học tham khảo. Người khác cũng ngộ rồi, đối chiếu với bài kệ, thì biết được bản thân cũng đến cảnh giới này rồi. Nếu bản thân chưa khai ngộ, vậy thì viết lung tung, viết thì đương nhiên không có chút giá trị gì, vậy thì trở thành thể loại ngâm thơ đối câu, làm việc ca, múa, hòa tấu, biểu diễn rồi. Cho nên “niêm tụng, làm kệ”, những việc này đều phải đợi sau khi khai ngộ mới có thể truyền lại đời sau. “Không được học tập thi họa”, và nếu chuyên dành thời gian học những văn tự, thơ hoa này thì xao lãng đạo nghiệp rồi, giống như những “sơn nhân thanh khách”. Thời xưa cũng có một số người rất thanh cao, “trước rượu nên hát ca, vì đời người có được bao lâu?” Trên những đỉnh núi cao đó, uống rượu, làm thơ, trên thực tế thì uống rượu, làm thơ đều phạm giới, dùng góc độ của Bát Quan Trai giới. Những người thế gian này, thơ văn thì để những nhà thơ nhà văn làm, người tu đạo chúng ta không làm việc này.

Học chữ chỉ để viết ngay ngắn”, chúng ta viết thư pháp, người Trung Quốc thì phải học viết chữ Trung Quốc, học viết thư pháp thì càng tốt. Học gì? Học viết ngay ngắn là được rồi. Viết cho ngay ngắn, từng nét bút một. Không cần học viết những chữ thảo, rồng bay phượng múa, làm cho người khác đọc không ra, tưởng như viết vậy rất đẹp, không cần như thế, viết chữ là cho người khác đọc được. “Không được vì viết đẹp mà trở ngại từ bỏ chánh nghiệp xuất thế”, tức là xuất gia rồi, tu đạo rồi, đừng nghĩ đến việc muốn làm nhà thư pháp, mà vì tu đạo, viết chữ ngay ngắn là được rồi. Tôi đọc điều này, tôi cũng cảm thấy rất an ủi trong lòng, bởi vì chữ của tôi viết không đẹp, trước nay tôi chưa từng phí quá nhiều thời gian để rèn chữ. Đương nhiên đây cũng là việc không tốt lắm, đây là cớ của tôi. Từ nhỏ không rèn viết chữ đẹp, sau khi lớn lên, nhìn thấy chữ của Đại sư Ấn Quang, trong lòng tôi cảm thấy rất an ủi; đương nhiên là xem chữ của Đại sư Hoằng Nhất, thì tôi rất hổ thẹn. Đại sư Hoằng Nhất là nhà thư pháp, nhưng Ngài không phải rèn chữ sau khi xuất gia, trước khi xuất gia Ngài đã là nhà thư pháp, bao gồm khắc ấn, bao gồm những nghệ thuật này, đều là những nghề nghiệp của Ngài trước khi xuất gia. Sau khi xuất gia thì đã buông xả rất nhiều, trừ phi là vì Tam Bảo, Ngài mới thỉnh thoảng sử dụng, đó là Bồ-tát phát tâm. Quý vị xem, “Bài Ca Tam Bảo”, ca khúc đó là Đại sư Hoằng Nhất sáng tác, đó chính là để giúp mọi người sanh khởi tín ngưỡng đối với Tam Bảo, tiếp dẫn người sơ cơ, như vậy thì được, Bồ-tát phát tâm. Thích văn của điều này chúng tôi đã nói qua.

Tiếp theo, chúng tôi nói đơn giản về cụ duyên thành phạm, còn có khai duyên, v.v… Căn cứ vào Ni Giới Biểu Ký, điều giới này là đủ bốn duyên thành phạm.

– Thứ nhất: “Chủng chủng hí hoán”, tức là thuộc về thể loại ca múa hòa tấu biểu diễn, thích những thứ này, những hoạt động này;

– Thứ hai: “Phương tiện vãng quán”, cũng bao gồm phương tiện đến nghe, quý vị đi qua đó xem, lắng tai nghe, đây đều là sử dụng phương tiện rồi, đây là duyên thứ hai;

– Duyên thứ ba: “Vô chư nạn duyên”, không phải trường hợp nạn duyên, nếu có nạn duyên, ví dụ như nhà bị cháy rồi, bên ngoài chợ còn đang hát nhạc rock, tôi vì trốn tránh nạn duyên, không muốn bị thiêu chết trong nhà, chạy ra ngoài nghe thấy rồi, vậy thì không phạm;

– Thứ tư: “Vãng kiến”, đến xem thấy rồi, hoặc là đến nghe thấy rồi, bởi vì trước đó có khởi phương tiện, có tâm muốn đến nghe đến xem, lần này nghe được rồi nhìn thấy rồi, thì phạm phải căn bản.

Sau khi nói qua cụ duyên thành phạm, chúng tôi không nói cảnh tưởng nữa. Chính là năm câu đó, điều đó tự mình suy ra là được rồi. Giả sử đang đi trên đường, nghe thấy những ca múa hòa tấu biểu diễn đó, nếu không có tâm muốn đến nghe, vậy thì không phạm; nếu có tâm muốn nghe, nghe rồi sẽ phạm. Nếu muốn đến nghe, vừa nhấc bước, đi qua đó, nhưng nửa đường thì quay về, không đến nghe, vậy thì phạm tội phương tiện, đương nhiên tội hạ phẩm xét tội phương tiện cũng là hạ phẩm.

Tiếp theo nói đơn giản về khai duyên. Đây là nói đến nếu bị động, qua đó, dọc đường đi, bên cạnh có những tiết mục ca múa hòa tấu biểu diễn, đến xem đến nghe, quý vị không có tâm muốn nghe, nó đột nhiên vào nhãn căn của quý vị, vào nhĩ căn của quý vị, bị quý vị nhìn thấy, nghe thấy, là vô tâm, như vậy đều không phạm. Hoặc hàng xóm gần nơi ở của quý vị, cả ngày đều mở loa lớn để hát, bị quý vị nghe thấy rồi, vậy thì quý vị đành chịu, đừng đắm nhiễm, vậy thì không phạm. Hoặc bị tên cướp bắt đi, quý vị bất hạnh, ví dụ như bị thổ phỉ bắt cóc rồi, dẫn đến chỗ của họ, ở chỗ của họ chướng khí mù mịt, ca múa gì cũng có, nghe thấy, nhìn thấy đều không phạm. Còn có nhân duyên chướng nạn sinh mạng, chướng nạn phạm hạnh, những điều này đều không phạm. Chúng tôi đã nói xong điều giới này.

Điều tiếp theo, điều thứ tám “không ngồi và nằm giường cao, rộng lớn”. Giường cao rộng lớn thật sự sẽ khiến thân tâm của mọi người buông lung, cho nên trước tiên nói đến chế ý – vì sao Phật chế điều giới này. “Phàm cao sàng trưởng mạn”, tăng trưởng mạn tâm của chúng ta. “Phi thị đạo nghi”, không phải là oai nghi của người tu đạo. “Sự tu y pháp, bất dung quá hạn”, nếu bản thân chúng ta muốn làm một cái giường, làm cái giường này, trong luật có tiêu chuẩn, không thể vượt mức giới hạn. Chiều cao của chân, chân giường, chân giường không thể cao hơn tám ngón tay của đức Như Lai, tay của đức Như Lai lớn hơn chúng ta, ngón tay to hơn chúng ta, tám ngón tay khoảng một thước sáu của thời nhà Chu, một thước sáu tấc, tức là dùng cen-ti-met hiện nay để đo, một thước khoảng 24cm, vậy thì một thước sáu khoảng 38cm. Chân giường cao như vậy, không thể cao hơn, rất thấp. Cho nên “không được vượt mức giới hạn”.

Việt tắc trưởng tham, vi phản Thánh giáo cố chế”. Vượt giới hạn chiều cao này, quá cao, hoặc chiều rộng của nó quá rộng, vừa cao vừa rộng là quá lớn, đều quá giới hạn, thì sẽ tăng trưởng tâm tham lam ngạo mạn của chúng ta. Thân kiến tăng trưởng rồi, thân này tham hưởng thụ, ngủ trên giường cao rộng lớn, lại cộng thêm nằm trên đó có những gối nệm Simmons vô cùng mềm mại, vừa nằm xuống thì không muốn dậy nữa, tham ngủ rồi. Tâm ngạo mạn cũng dấy khởi, sự ngạo mạn này là tập khí sâu nặng từ vô thỉ kiếp đến nay, tâm ngạo mạn rất khó đoạn, đoạn tham sân si rồi, tập khí của tâm ngạo mạn cũng không dễ đoạn, cho nên A-la-hán vẫn còn tập khí ngạo mạn. Chúng ta cần phải nghiêm khắc đối trị, vả lại điều này trái với quy chế của bậc Thánh, chiêu cảm người đời cơ hiềm, cho nên Phật phải chế giới. Tiếp theo chúng ta xem bản văn này:

Sàng túc đãn cao nhất xích lục thốn, tọa thời cước bất quải không, quá thử lượng giả, tức danh cao. Đãn khả dung hân chuyển trắc, quá thử tức danh quảng. Ký cao thả quảng, tức danh vi đại, phi xuất gia nhân sở nghi tọa ngọa dã. Huống tất thải điêu khắc, sa quyên trướng nhục đẳng da. Tùy chúng ngọa trường liên sàng bất phạm. Thuyết pháp đăng sư tử tọa bất phạm. Bạch y xá trung vô ti tiểu sàng tọa, tạm thời tọa ngọa bất phạm”.

(Chân giường chỉ cao một thước sáu tấc, khi ngồi không hổng chân, quá mức này gọi là cao; chỉ có thể đủ để nghiêng mình, quá mức này gọi là rộng. Vừa cao vừa rộng thì gọi là lớn, chẳng phải chỗ mà người xuất gia nên ngồi và nằm, huống chi là sơn vẽ, chạm trổ và màn nệm bằng sa lụa, v.v…! Theo chúng mà nằm giường liền dài thì không phạm. Thuyết pháp mà lên tòa sư tử thì không phạm. Trong nhà bạch y, không có giường ghế thấp nhỏ mà tạm thời ngồi và nằm giường ghế cao lớn thì không phạm).

Trong giới văn này, bản văn này đã nói đến vấn đề khai, giá, trì, phạm. Trước tiên định nghĩa giường cao, là “chân giường chỉ cao một thước sáu tấc”, “chỉ” tức là chỉ có thể cao như vậy. Một thước sáu tấc, chúng tôi đã nói rồi, khoảng 38cm hiện nay, không đến 40cm, ngồi trên giường đó, không bị hổng chân. Nếu chúng ta không có khái niệm về một thước sáu tấc, bởi vì thước này là thước thời nhà Chu, nhỏ hơn thước hay mét của chúng ta hiện nay. Không có khái niệm này, thì dùng cách đơn giản nhất, quý vị ngồi xuống không hổng chân, bàn chân có thể chạm đất hay không, hơn mức này thì gọi là cao rồi. “Chỉ có thể đủ để nghiêng mình”, quý vị ngủ trên giường, giường đó có rộng quá không? Quý vị ngủ trên đó chỉ có thể đủ cho người của quý vị quay sang một bên. Trong luật chế định, trong Kinh A Hàm nói: Giường của Sa-môn, chân dài một thước sáu chẳng phải là cao, rộng bốn thước chẳng phải là rộng, dài tám thước chẳng phải là lớn. Đều có mức ấn định, chiều cao của chân giường, chân giường cao một thước sáu, điều này đã nói qua rồi, dưới 40cm. “Rộng” tức là chiều ngang, bề rộng, là dưới bốn thước, bốn thước thì khoảng 96cm, không đến một mét, giường đó không đến một mét. Giường đơn thông thường của chúng ta hiện nay đều là một mét hai, vậy đều là rộng rồi. Độ dài của giường, tám thước chính là 1m92, vậy là chúng ta vừa nằm xuống, nó dài hơn chiều cao của chúng ta một chút, nếu quý vị cao 1m92 trở lên, người bị đưa ra ngoài, đây là nói đến thước tấc của giường.

Vừa cao vừa rộng thì gọi là lớn”, cho nên giường cao rộng lớn đều có định nghĩa. Đây đều chẳng phải “chỗ mà người xuất gia nên nằm và ngồi”, cả ngồi cũng không được, huống chi là nằm? Huống nữa là “sơn vẽ, chạm trổ và màn nệm bằng sa lụa”, đây là nói đến chất liệu của giường cao rộng lớn. Phía trước là nói về kích thước, bây giờ nói đến chất liệu của nó. Giường “sơn vẽ, chạm trổ”, giống như long sàng của hoàng đế thời xưa, đều có hình rồng bay trên đó, chạm trổ rất tinh xảo, chất lượng sơn cũng rất tốt. Còn có màn sa quyên trướng nhục, những màn nệm làm bằng chất liệu sa lụa. Nệm chính là tấm trải trên giường, màn tức là mùng. Các loại mùng để chống muỗi hiện nay, đó không phải là vải lụa gì cả, vậy thì còn được, có muỗi thì có thể giăng mùng. Trước đây là dùng để trang trí lộng lẫy, những thứ này đều không nên. Người xuất gia chân chánh nên ngồi ở đâu? Ngồi dưới gốc cây, ngồi nơi đất trống, ngồi ở trủng gian. Biết trủng gian không? “Trủng” tức là mộ phần, qua đêm ở mộ phần, trước đây Tăng đoàn chúng tôi ở Sán Vĩ,  sau núi là mộ phần, cho nên chúng ta đã ngồi nơi mộ phần mấy lần, vào buổi tối. Đây là chỗ mà người xuất gia nên ngồi và nằm, người xưa tu hành như vậy, đây là hạnh đầu đà. Tôn giả Ca Diếp cả đời tu hạnh đầu đà, tuyệt đối không ngồi giường cao rộng lớn, đều ngồi nơi mộ phần, ngồi dưới gốc cây, ngồi nơi đất trống, không ngại mưa gió. Quý vị xem Ngài tu hành như vậy, “lấy khổ làm thầy”, thì rất dễ phá trừ thân kiến.

Tiếp theo nói khai duyên. “Theo chúng mà nằm giường liền dài”, đó chính là giường ghép lớn trong đạo tràng thông thường, đó gọi là quảng, gọi là “quảng đơn”. Nhưng mỗi người một chỗ, một tấm nệm nhỏ, tấm nệm đó không rộng hơn 1m, không dài hơn 1m92, như vậy thì được. Nếu sau này đạo tràng muốn làm giường, làm nệm, đều có thể cân nhắc. Đài Loan có một loại là hai mặt, mặt bên này là chiếu, mặt bên kia là kiểu nệm, không quá rộng không quá dài, loại đó cũng rất tốt. Trên quảng đơn thì mỗi người một chỗ, ở giữa có một chút khoảng cách, như vậy rất tốt, đều không phạm giới. “Thuyết pháp mà lên tòa cao”, như chúng tôi hiện nay là lên tòa cao. Tòa cao đó là long ỷ, đó là tòa đẹp được sơn vẽ và chạm trổ. Giường này không nhất định là giường nằm, giường thời xưa cũng bao gồm giường ngồi, như long sàng của vua thời xưa, hoàng đế ngồi long sàng thì đều là ngồi, giường ngồi. Khi thuyết pháp mà lên tòa sư tử thì không phạm, đương nhiên ở chỗ tôi không có tòa sư tử, tôi và mọi người ngồi như nhau, đều là ngồi lên bồ đoàn. Nhưng vì thuyết pháp, tôn trọng pháp, nên thỉnh Pháp sư lên tòa cao, điều này đương nhiên không phạm.

Còn “trong nhà bạch y”, là ở trong nhà của cư sĩ, nếu làm khách, thậm chí qua đêm ở đó, trong nhà không có giường nhỏ, không có chỗ ngồi thấp, người ta là trưởng giả giàu có, giường ghế đều làm bằng gỗ trắc, nội thất cao cấp. Cái ghế lớn đó cũng đẹp vô cùng, tòa cao. Giường đó đều rộng hai ba mét, giường lớn, mà còn rất đẹp. Lúc đó quý vị không thể nói chân giường này quá cao, lấy cái cưa cưa bớt, cưa đi một nửa, không thể làm vậy. Cho nên nếu không có “giường ghế thấp nhỏ”, thì “tạm thời ngồi nằm” cũng không phạm. Đặc biệt là người xuất gia đến nhà người tại gia để ứng cúng, cư sĩ tại gia phải lễ kính người xuất gia, luôn để chỗ ngồi tốt nhất cho Pháp sư ngồi. Vào lúc này không nên chấp trước, đây không phải là chỗ ngồi của tôi, tôi phải ngồi chỗ thấp bé nhất, lấy cái ghế nhỏ cho tôi, các vị ngồi tòa cao. Quý vị ngồi thấp mà thuyết pháp cho người ngồi cao cũng phạm giới, trong giới Bồ-tát có nói: Khi Pháp sư Tỳ-kheo thuyết pháp nên ngồi tòa cao, hương hoa cúng dường, tất cả người tại gia ngồi ở dưới đều dùng tâm hiếu thuận cha mẹ, kính thuận sư trưởng. Đây là điều cần thiết để tôn kính pháp, điều này không phạm. Không chỉ không phạm mà còn có công đức, làm ngược lại thì phạm giới, phạm giới Bồ-tát, cũng phạm giới Tỳ-kheo. Trong giới Tỳ-kheo cũng có một điều, chính là “người khác ở tòa cao, bản thân ở chỗ ngồi thấp, không được thuyết pháp cho họ”.

Tiếp theo chúng tôi nói đơn giản một chút, cụ duyên thành phạm, khai duyên, v.v… Phần cụ duyên thành phạm này, bản thân chúng ta cũng có thể nghĩ ra: Là giường, giường cao, bản thân khởi phương tiện muốn ngồi, vậy thì không bị bệnh hoặc không có sự khai duyên khác, nếu không có nhân duyên, ngồi xuống hoặc nằm xuống cũng sẽ phạm, đây là bản thân tôi nghĩ ra, thật ra là dùng công thức này có thể suy xét tất cả các giới. Thiếu duyên thì đương nhiên là không phạm, hoặc phạm tội nhỏ hơn. Khai duyên chính là những điều đã nói trong giới văn vừa rồi, “theo chúng mà nằm giường liền dài”, “thuyết pháp mà lên tòa sư tử”, ở “trong nhà bạch y không có giường ghế thấp nhỏ, tạm thời ngồi nằm”, đều không phạm.

Giới sau cùng là “không ăn phi thời”, điều giới thứ chín thuộc về “trai”, chúng tôi cũng sẽ nói qua. Trước tiên nói chế ý, vì sao Phật chế định điều giới này, quá giữa trưa không ăn? Quá giữa trưa, quá một khắc, quá một giây, cũng không thể ăn thức ăn nữa, đây là “ăn phi thời” rồi. Thời gian “phi thời” này, là sau khi quá giữa trưa rồi, mãi cho đến trước khi minh tướng của ngày hôm sau xuất hiện, đều gọi là phi thời. “Minh tướng xuất hiện” là ở ngoài trời lúc sáng sớm, xòe bàn tay ra trong tình trạng không có ánh đèn, mà nhìn thấy được chỉ tay. Nhìn thấy chỉ tay chính là minh tướng xuất hiện. Khoảng thời gian này không nên ăn thức ăn, ngoại trừ có bệnh, uống tương phi thời, uống thuốc cả đời, v.v…

Chế ý của điều giới này, thức ăn là dùng để nuôi dưỡng cơ thể, vốn dĩ phải tiết kiệm, nếu ăn thường xuyên, ăn rất nhiều lần, vậy thì sẽ có tai họa. Cho nên Phật chế định chúng ta có lượng ăn nhất định, thời gian nhất định. “Thủy ư thanh đán”, minh tướng xuất hiện, như vậy là bắt đầu một ngày mới rồi, “chung chí trung tiền”, trước khi đến giữa trưa, đây là “ứng pháp”, thời gian có thể ăn thì gọi là “thời thực”, như vậy “không sanh tội lỗi”, đây gọi là “thời”, thời gian có thể ăn cơm. Vậy ăn sau giờ đó, thì không phù hợp với oai nghi của người xuất gia, cũng là phá trai giới rồi, vậy thì sẽ “tăng trưởng lòng tham trở ngại đạo, dẫn đến cơ hiềm hủy báng, làm không đúng pháp”, đây cũng là vi phạm giáo chế của Phật. Cho nên điều này không được, Phật phải chế định điều giới này. Trong kinh nói: “Chư thiên ăn vào buổi sáng, ba đời chư Phật ăn vào giữa trưa, súc sanh ăn vào buổi chiều, quỷ thần ăn vào buổi tối”. “Thiên” là thức dậy vào sáng sớm, chư thiên ăn cơm vào buổi sáng; ba đời chư Phật ăn cơm trước giữa trưa; buổi chiều mặt trời sắp xuống núi, chiều tối, lúc này súc sanh ăn cơm; đến buổi tối, mặt trời xuống núi rồi, quỷ thần ra ăn cơm. Vậy quý vị muốn làm loài nào? Cho nên “Phật chế đoạn nhân của sáu đường”, không cho chúng ta làm súc sanh, ngạ quỷ, cũng không để chúng ta chỉ nghĩ đến sanh thiên, muốn giúp chúng ta học Phật, ăn giữa trưa, “giống như ba đời chư Phật”. Chúng ta xem bản văn của điều giới này:

Tùng minh tướng xuất chí nhật chánh ngọ, danh chi vi thời. Tùng nhật sảo trắc nãi chí thứ nhật minh tướng vị xuất, danh vi phi thời. Phi thời nhi thực, danh vi phá trai, yến yến kết tội. Nhược phi thời tương, hàm tiêu dược, chung thân dược, tịnh giai vô phạm. Phi thời tương giả, quả tương, mật tương đẳng, thanh vô tra chỉ. Hàm tiêu dược giả, mật đường, đường đường, tô, du, diệc vô tra chỉ. Chung thân dược giả, khương, quế, tiêu, mai cập nhất thiết hoàn dược, nhất thiết thang dược, nhất thiết tán mạt, kỳ vị toan sáp khổ lạt, bất nhậm vi thực giả, hữu bệnh nhân duyên, tận thọ thính phục”.

Từ lúc minh tướng xuất hiện cho đến giữa trưa, gọi là thời. Từ lúc mặt trời hơi nghiêng cho đến minh tướng của ngày hôm sau chưa xuất hiện, gọi là phi thời. Ăn phi thời, gọi là phá trai, mỗi miếng nuốt vào đều kết tội. Nếu dùng tương phi thời, thuốc hàm tiêu, thuốc trọn đời, thảy đều không phạm. Tương phi thời là nước trái cây, nước mật, v.v… màu trong và không có bã. Thuốc hàm tiêu là đường mật, đường mạch nha, bơ, dầu, cũng không có bã. Thuốc trọn đời là gừng, quế, tiêu, mơ và tất cả thuốc viên, tất cả thuốc thang, thuốc tán mạt, vị của nó chua, chát, đắng, cay, không thể dùng làm thức ăn; có bệnh thì cho dùng suốt đời.

Ở đây trước tiên định nghĩa thế nào là thời, thế nào là phi thời. Từ sáng sớm, khi minh tướng xuất hiện đến giữa trưa, tức là thời khắc mặt trời đến giữa trưa, đây gọi là “thời”, thời gian có thể ăn cơm. Thời điểm giữa trưa của mỗi ngày đều khác nhau, thời điểm ở mỗi khu vực cũng khác nhau, chuẩn mực nhất là dùng thông tin do Đài Thiên Văn công bố, thời điểm giữa trưa của ngày nào tháng nào năm nào, là mấy giờ mấy phút mấy giây, đều có thể công bố. Hiện nay có điện thoại thì tiện lợi rồi, vừa lên mạng thì tra google, tra bách độ thì lập tức có thể tra ra thời khắc giữa trưa của bất kỳ một nơi nào trên toàn thế giới. Hiện nay thọ trì rất tiện lợi, xưa kia phải lấy cây cột nhìn bóng mặt trời, quá giữa trưa thì không được ăn, hiện nay đã rất tiện lợi. “Từ lúc mặt trời hơi nghiêng”, tức là qua một giờ một khắc giữa trưa rồi, mãi cho đến khi minh tướng của ngày hôm sau xuất hiện, thời gian này gọi là “phi thời”. Nếu ăn cơm lúc phi thời thì gọi là “phá trai”, “mỗi miếng nuốt vào đều kết tội”, ăn một miếng nuốt vào thì phạm một tội, không phải là ăn hết bữa cơm mới phạm, mà ăn một miếng phạm một tội.

Nếu dùng tương phi thời”, đây là phần khai duyên, “tương phi thời” chính là phần sau có nói đến tương phi thời là nước trái cây, nước mật, v.v… Tất cả nước trái cây, ngoài sữa bò, sữa đậu nành, trong những thức uống đó có khá nhiều tinh bột, uống vào tương đối no, không được. Nước táo, nước cam thông thường, đương nhiên phải lọc lại, “màu trong và không có bã”, trong giống như nước vậy, có màu cũng không sao, nhưng đừng có bã là được. Còn có các loại nước trái cây, nhưng có sự riêng biệt, nước ép cải thì không được, có quy định riêng biệt là không được dùng.

Còn có “thuốc hàm tiêu”, phần sau nói đến là những thứ như đường mật, đường mạch nha, bơ, dầu, trong luật nói là “thuốc bảy ngày”. Tỳ-kheo tác pháp thất nhật dược, thì có thể dùng trong bảy ngày, có bệnh. Cư sĩ thì không cần tác pháp này, có thể sử dụng bất kỳ lúc nào. Ăn ở đây nghĩa là ngậm trong miệng để nó tự tan, không có bã. Tất cả các loại đường, đường mật, còn có những thứ như bơ, dầu; bơ và dầu để trị bệnh phong. Ấn Độ thời xưa đều dùng để trị bệnh nên sử dụng, đây cũng là có bệnh nên có thể cho phép.

Thuốc trọn đời” cũng gọi là “tận hình thọ dược”, những thứ như gừng, quế, tiêu, mơ; có vị cay, chua, đắng, những thứ này dùng để trị bệnh. Còn có tất cả thuốc hoàn, thuốc Bắc, thuốc Tây, thuốc viên đều được; còn có tất cả thuốc thang, để uống; còn có tất cả thuốc tán mạt, thuốc tán v.v…, thuốc bột. Những thứ này có vị chua, chát, đắng, cay, không phải để cho chúng ta ăn, mà cần thiết cho việc trị bệnh, có bệnh, “cho dùng suốt đời”, thì đều có thể dùng. Vậy chúng xuất gia chúng ta còn phải tác pháp tận hình thọ dược, mới có thể ở chung với mọi người trong liêu phòng, có thể dùng bất kỳ lúc nào, người tại gia thì không cần thiết. Những thức uống đắng ở đây, bao gồm trà, cà phê, thậm chí là socola cũng đắng. Hiện nay trong Socola có chút sữa, chút đường. Căn cứ vào Luận Tát Bà Đa, cũng có thể cho phép dùng thứ khác, tức là thời dược, sữa, những thứ này gọi là “thời dược”, có thể hỗ trợ thành thuốc trọn đời. Nhưng bản thân của thuốc trọn đời, thành phần đắng phải chiếm đại đa số mới được. Theo hàm lượng mà nói thì phải nhiều phần, cũng tức là tối thiểu là 50% trở lên. Cho nên quý vị phải xem socola thành phần là 50% trở lên mới được. Thức ăn cay như gừng, tiêu, ớt, những thứ này đều có thể dùng.

Đương nhiên nếu không có bệnh, ăn như vậy cũng sẽ phạm giới. Nếu dùng thuốc trọn đời, thì sẽ phạm nhẹ một chút. “Tương phi thời” là vì mắc bệnh tiểu đường, người xuất gia cũng phải tác pháp, cư sĩ tại gia thì không cần. Không có bệnh mà uống vào thì sẽ phạm, uống nước thì không sao. Đây là “không ăn phi thời”, nguyên văn chúng tôi đã nói qua.

Tiếp theo chúng ta nói đơn giản về cụ duyên thành phạm. Giới này đủ bốn duyên thành phạm:

– Thứ nhất: Là phi thời;

– Thứ hai: Nghĩ là phi thời;

– Thứ ba: Thời thực;

– Thứ tư: nuốt vào, phạm.

Thứ nhất, thật sự vào lúc phi thời, quá giữa trưa rồi mới ăn. Sau đó quý vị nghĩ là phi thời, quý vị cũng biết đã quá giữa trưa rồi. Nếu là thời dược, tức là thời thực, thức ăn mà buổi sáng mới có thể ăn, như cơm, cải, dưa, trái cây, những thứ như sữa bò, đậu nành, chỉ có thể ăn buổi sáng, nhưng buổi chiều quý vị ăn, “nuốt vào phạm”, ăn một miếng thì phạm một tội.

Tiếp theo là cảnh tưởng, tức là lúc phi thời, nghĩ là phi thời. Hai duyên phía trước, “phi thời, nghĩ là phi thời”, phạm, đây là tội hạ phẩm, tội căn bản là tội hạ phẩm. “Phi thời, nghi là phi thời”, tội giảm một bậc. Trong giới Tỳ-kheo, “ăn phi thời” là tội ba-dật-đề; “phi thời, nghi là phi thời” giảm xuống một bậc là tội đột-cát-la. Nhưng cư sĩ thọ Bát Quan Trai giới chúng ta thì không phân chia nữa, toàn bộ gọi là tội hạ phẩm. “Phi thời, tưởng là thời”, nếu đã quá giữa trưa rồi, tôi còn tưởng là chưa tới giữa trưa, ăn vào lúc này, cũng phạm tội hạ phẩm, tức là tội hạ phẩm giảm xuống một chút. Còn có “trong thời, tưởng là phi thời hoặc nghi là phi thời”, cũng sẽ phạm, nhưng cũng là tội hạ phẩm, Tỳ-kheo là tội đột-cát-la. Cũng tức là nói bây giờ chưa đến lúc, quý vị tưởng đã đến lúc rồi, vẫn đang ăn, như vậy là đã có tâm phạm giới. Cho nên vẫn sẽ phạm, quý vị không nghi thì không phạm. Đây là nói qua câu cảnh tưởng, sau cùng nói về khai duyên.

Trong phần khai duyên, trong bản văn cũng đã nói, ba loại thuốc có thể dùng, có bệnh thì có thể dùng.

– Thứ nhất là “tương phi thời”, mắc bệnh tiểu đường thì dùng được;

– Thứ hai là “thuốc bảy ngày”, thuốc bảy ngày cũng là mắc bệnh phong, v.v… thì có thể dùng;

– Thứ ba là “thuốc trọn đời”, tứ đại không điều hòa cũng có thể dùng.

– Trong khai duyên còn nói, nếu “hắc thạch mật”, trong đó tuy có bỏ chút gạo để làm, hắc thạch mật là đường mía và gạo nếp sắc thành, tương đối cứng, có thể dùng làm thuốc bảy ngày, tức là thuốc hàm tiêu. Nhưng bởi vì trong đó có gạo, gạo vốn dĩ là thuốc đúng thời, buổi sáng mới có thể dùng, nhưng trở thành thuốc bảy ngày, không thành vấn đề, cho phép dùng, nhưng hàm lượng không thể quá 50%.

Ngoài ra, nếu quá giữa trưa, muốn nấu lúa mạch nguyên vỏ, vậy thì được, tức là nước lúa mạch, có thể uống nước lúa mạch, nhưng nấu nước lúa mạch đó không thể bỏ vỏ. Hiện nay ngoài thị trường có bán nước lúa mạch đen, chúng tôi đã nghiên cứu qua một chút, cho rằng nước đó cũng có thể uống, làm tương phi thời. Vì sao vậy? Bởi vì có thể trong quá trình sản xuất họ không dùng lúa mạch thật để làm, đương nhiên cụ thể còn phải tiến thêm một bước, nghiên cứu thêm thì mới có thể chuẩn nhất. Tôi đã từng thấy nên nhớ, chắc là không vấn đề gì. Nếu quá giữa trưa mà ăn rồi, nhưng đột nhiên nghĩ đến bây giờ đã quá giờ rồi, không thể ăn nữa, từ trong cổ họng nhả ra, vậy thì không phạm. Nếu là buổi trưa ăn xong rồi, vẫn chưa hoàn toàn nuốt hết mà lại quá giờ, lúc này xem như là trào ngược ra rồi. Như con bò nhai lại vậy, trào ngược ra, sau đó nuốt vào lại, trong luật cũng không phạm. Quá giữa trưa, từ trong dạ dày trào ngược ra, rồi nuốt vào lại, không phạm. Đương nhiên là nhả ra thì càng tốt. Đây là nói đơn giản về khai duyên của ăn phi thời.

Chín điều giới này, cũng tức là toàn bộ giới tướng của Bát Quan trai giới, chúng tôi giảng đến đây đã viên mãn rồi. Sau cùng cũng dặn dò mọi người một chút, phải lấy “trì giới là gốc, Tịnh độ là nơi trở về, quán tâm là điều quan trọng, bạn lành là nơi nương tựa”. Đây là “Tịnh Xã Minh” của Đại sư Ngẫu Ích, cũng tức là cương lĩnh tu học mà tất cả đạo tràng Tịnh tông đều cần phải tuân thủ. Việc trì giới của chúng ta là căn bản, có thể trì thật tốt Ngũ giới, thậm chí một ngày một đêm thọ Bát Quan Trai giới, tín nguyện trì danh niệm Phật vãng sanh như vậy, tối thiểu cũng trung phẩm trung sanh trở lên. Lại có thể phát tâm bồ đề để tu học thâm nhập, niệm Phật được nhất tâm bất loạn, được niệm Phật tam muội, thành tựu đó càng thù thắng hơn, vậy thì nhất định vãng sanh thượng phẩm. “Giới là gốc của vô thượng bồ-đề, cần phải trì đầy đủ tịnh giới”, chúng ta cắm chắc, buộc chặt gốc rễ giới luật này thật tốt, vậy chúng ta tu hành sẽ không có chướng ngại.

Chúc quý vị trong tương lai, khoảng mười năm sau, mới có thể gặp lại, chúc mọi người tu đạo đều thành tựu, trì giới niệm Phật thật tốt, tương lai đều thượng phẩm thượng sanh. A Di Đà Phật.

 

HẾT

Cẩn dịch: Diệu Hiệp

Trả lời 0