Responsive Menu
Add more content here...

Bát Quan Trai Giới Giảng Yếu – Tập 2

BÁT QUAN TRAI GIỚI GIẢNG YẾU

                                   Tập 2

 

Chủ giảng: Pháp sư thượng Định hạ Hoằng

Thời gian: Ngày 12 tháng 9 năm 2017

Giảng tại: Chùa Thiện Quả Lâm Tịnh Độ – Đài Loan

 

Trì giới là gốc,

Tịnh Độ là nơi trở về.

Quán tâm là điều quan trọng,

Bạn lành là nơi nương tựa.

 

Kính chào Pháp sư Pháp Liên từ bi, chư vị Pháp sư, chư vị liên hữu, kính chào mọi người. Mời bỏ tay xuống.

Chiều nay chúng ta chính thức bắt đầu học tập giới tướng của “Bát Quan Trai giới”. Sáng nay, mọi người đã cùng nhau nhận biết tính quan trọng của việc học tập giới luật; học giới, ngoài việc phải thọ giới như pháp, còn phải tùy thuận giới thể để hành trì. Hành trì ắt phải y theo giới tướng, mỗi điều giới đều có những giới tướng khai, giá, trì, phạm. Phạm giới cũng có giới trọng, giới khinh khác nhau, tội nặng tội nhẹ làm sao sám hối xuất tội, những điều này chính là nội dung của việc học tập giới tướng.

Quyển sách mà chúng tôi sẽ sử dụng là Sa Di Thập Giới Oai Nghi Lục Yếu mà Đại sư Ngẫu Ích đã biên soạn, quyển này có thể nói là quyển tốt nhất trong giới bổn Sa-di. Đại sư Ngẫu Ích là một vị Tổ sư Tịnh tông chuyên nghiên cứu Luật học, cả đời Ngài từ sau khi thọ giới, hơn 30 năm đều thâm nhập nghiên cứu Luật tạng, trước tác có Trùng Trị Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu, 17 quyển của bộ trước tác này, đã trích yếu từ năm bộ luật của Luật tạng. Quyển thứ 17 trong đó, chính là quyển Sa Di Thập Giới Oai Nghi Lục Yếu này, chuyên dành cho Sa-di học tập. Vậy người tại gia chúng ta cũng có thể học theo, đặc biệt là người phát tâm thọ Bát Quan Trai giới, đối với mười giới của Sa-di, nhất là chín điều phía trước, thì nhất định phải học tập, bởi vì Bát Quan Trai giới là chín điều giới đầu của Sa-di. Vì vậy, hôm nay chúng tôi chọn dùng quyển này. Nhưng trước kia chúng tôi đã giảng qua quyển này rồi, đề tài lần này của chúng tôi là “Bát Quan Trai Giới Giảng Yếu”, do đó không phải là giảng về quyển này, nên không giảng theo thể lệ của quyển sách này. Thông thường thì trước tiên phải giảng “văn đề”, lại giảng “nhân hiệu”, tức là phải giới thiệu Đại sư Ngẫu Ích, bài văn này tương đối dài, thời gian của chúng ta có hạn, nên đều lược qua, bắt đầu giảng trực tiếp từ phần “Thập Giới Môn” của quyển này, phần “Oai Nghi Môn” phía sau có 26 oai nghi, phần này cũng lược bớt. Chúng tôi chỉ dựa vào chín điều giới để giảng thuật.

Bát Quan Trai giới là chín điều giới nào? Thứ nhất là không sát sanh”, thứ hai là không trộm cướp”, thứ ba là không dâm dục”, thứ tư là không vọng ngữ”, thứ năm là không uống rượu”, thứ sáu là không đeo tràng hoa thơm, không thoa ướp hương vào mình”, thứ bảy là không làm trò ca, múa, hòa tấu, biểu diễn và đi xem nghe”, thứ tám là không ngồi và nằm giường cao rộng lớn”, thứ chín là không ăn phi thời”. Chín điều giới này, tám điều phía trước là giới, điều thứ chín gọi là trai, hợp lại gọi là “Bát Quan Trai”. Điều thứ mười chúng tôi cũng không nói đến, đó là “không được nắm giữ sanh tượng (vàng bạc) bảo vật”, đây là giới mà người xuất gia phải trì, người tại gia thì không cần trì. Mỗi điều giới này, chúng tôi đều dựa theo trình tự sau để giảng giải.

Đầu tiên là giảng chế ý”, ý nghĩa của Phật chế điều giới này là gì, vì sao phải chế điều giới này. Thứ hai chính là thích văn”, dựa vào văn tự quyển này của Đại sư Ngẫu Ích giải thích từng câu một. Thứ ba là cụ duyên thành phạm”, điều giới này phải đầy đủ bao nhiêu duyên, tức là bao nhiêu điều kiện, mới thành phạm giới. Bao gồm nếu như thiếu duyên, thiếu mất một duyên, hai duyên, điều kiện này không đủ, tất nhiên là sẽ không phạm phải tội căn bản, đó thuộc về không phạm hoặc là phạm nhẹ, phạm phải tội phương tiện, là tình trạng như vậy. Biết được tội nặng hay nhẹ, chúng ta mới biết làm sao sám hối, bởi vì cách thức sám hối của phạm tội nặng khác với phạm giới khinh.

Thứ tư là tiêu cảnh tưởng”, chính là nói rõ cảnh giới đối diện khác nhau, và khi tâm tưởng phạm giới của mình không như nhau, sẽ dẫn đến phạm giới trọng và khinh cũng khác nhau. Đây là dựa theo Tổ luật Đạo Tuyên tại núi Chung Nam đã nói rõ và phân loại như vậy đối với mỗi điều giới. Ví dụ như sát sanh, nếu đối tượng giết là người, hoặc là phi nhân, cảnh giới khác nhau thì tội cũng có nặng có nhẹ khác nhau. Suy nghĩ của tôi, nếu tôi nghĩ đối phương là người, hoặc là nghĩ đối phương là phi nhân mà giết họ, tâm tưởng này khác nhau, tội phạm phải cũng có nặng có nhẹ khác nhau. Tâm của quý vị muốn giết người, cho dù là chặt đứt khúc gỗ, nhưng cũng phạm phải tội tương đối nặng; nếu tâm quý vị muốn giết một con vật, không nghĩ giết người, cho dù thật sự giết một người, cảnh giới đối diện là người, nhưng quý vị nghĩ là súc sanh mà giết họ, như vậy cũng sẽ không phạm tội căn bản. Cho nên đây là “tiêu cảnh tưởng”.

Thứ năm thuộc về khai duyên”, mỗi điều giới đều có khai duyên. Khai duyên là không phạm, trong trường hợp nào mới thuộc về khai duyên không phạm? Vào lúc nào thuộc về giá chỉ? Ví như uống rượu, có nguyên nhân bệnh, không có rượu thì chẳng thể chữa trị, như vậy có thể khai duyên, tức là quý vị mắc bệnh nặng, ngoài uống rượu làm thuốc dẫn ra, không còn phương pháp nào có thể trị liệu, như vậy gọi là khai duyên. Nhưng trong khai có giá, giá là gì? Không thể khai duyên quá mức. Quý vị không thể nghĩ: Hôm nay tôi không khỏe, có bệnh, uống rượu thôi. Như vậy thì không được. Trong khai có giá, giá chính là không uống rượu thì chẳng thể chữa trị, ngoài rượu ra thì không còn phương pháp nào khác để chữa trị cho quý vị, vả lại đây thuộc về nguyên nhân bệnh nặng, quý vị không uống rượu thì phải chết, như vậy mới được. Quý vị không thể nói: Hôm nay tôi đau đầu, rất muốn uống rượu, tôi đã bệnh rồi, thèm rượu thèm đến bệnh rồi. Sau đó thì khai duyên, như vậy cũng không được. Vì thế, giới đều có khai có giá, cần phải học tập những điều này. Cho nên mỗi điều giới, chúng tôi phân chia thành năm phần như vậy: Chế ý, thích văn, cụ duyên thành phạm, tiêu cảnh tưởng, khai duyên; sẽ giảng giải từng phần.

Trước tiên, điều thứ nhất là không sát sanh”. Không sát sanh, vì sao Phật phải chế điều giới này? Bởi vì đối với đệ tử Phật như chúng ta mà nói, lẽ ra phải dùng từ bi hỷ xả làm hoài bão, cần phải dùng từ bi đến cứu giúp nhiếp hóa tất cả chúng sanh, yêu quý sinh mạng của vạn vật. Nhưng nếu bây giờ chúng ta làm ngược lại, bởi vì nội tâm đã chứa các phiền não sân độc hoặc tham lam như thế, để đoạn mạng căn của đối phương, như vậy là trái ngược với tâm từ bi của chúng ta một cách nghiêm trọng, mà còn não hại đối phương rất nghiêm trọng, não hại chúng sanh không gì bằng đoạn mạng căn của họ. Lúc nãy đã nói, dùng tâm sân hoặc tham cũng có thể sẽ giết đối phương, dùng tâm tham cũng giết đối phương sao? Bởi vì quý vị muốn ăn chúng, nên cũng sẽ đoạn mạng căn của chúng.

Trong giới sát, giết người là phạm tội nặng. Vì sao vậy? Bởi vì con người là đạo khí, một khí cụ tu đạo, khí cụ này ví như có thể chứa đựng Thánh đạo vậy. Chúng sanh ở những cõi khác tu đạo tương đối khó khăn, ba đường ác chủ yếu là đền trả nghiệp báo, cho nên họ rất khó tu đạo, quá khổ rồi; mà chúng sanh trong cõi trời thì quá vui sướng, quá hưởng phước, nên họ cũng không muốn tu đạo. Như xưa kia khi Phật còn tại thế, có một vị thần y tên là Kỳ Bà, bởi vì ông chữa bệnh cho Phật, và còn chữa bệnh cứu người, cũng giống như Hoa Đà của Trung Quốc chúng ta, thần y, phước báo rất lớn, sanh lên cõi trời hưởng phước. Kết quả là sư phụ quy y của ông là Tôn giả Mục Kiền Liên, có một hôm dùng thần thông lên trời để thăm đệ tử của mình, Ngài nhìn thấy Kỳ Bà cùng vui đùa với một số người trời, ngồi trên chiếc xe trời vô cùng đẹp đẽ, đi qua trước mặt Ngài Đại Mục Kiền Liên cũng không xuống xe, nhận ra Ngài, chào một tiếng, gật gật đầu thì đi rồi. Quý vị xem, ngay cả sư phụ của mình cũng không nhận nữa, quá vui vẻ rồi, chơi đến không còn thời gian học Phật, cho nên chúng sanh cõi trời cũng không cách nào tu đạo.

Vì vậy, đạo khí thật sự chính là cõi người, chúng ta ở trong cõi người có khổ cũng có vui, đương nhiên là khổ nhiều vui ít, nhưng có khổ nhiều hơn đi nữa cũng không bằng chúng sanh khổ trong ba đường ác, cho nên chúng ta còn có thời gian nghỉ ngơi, có thể ngẫm nghĩ đời người vì sao khổ, không, vô thường như thế, dễ dàng giác ngộ. Thỉnh thoảng chúng ta có một chút niềm vui, nhưng niềm vui này cũng rất có hạn, trong lúc hưởng thụ niềm vui, chúng ta luôn gieo trồng nhân khổ, niềm vui không lâu dài, thoáng chốc lại trôi qua, không còn nữa. Khi không còn niềm vui, thì đặc biệt cảm nhận được khổ, không, vô thường, lúc này học Phật thì rất dễ lãnh hội. Tôi tin có lẽ các vị ở đây cũng có những thể nghiệm này, cho nên khổ cũng là thầy tốt của chúng ta, cả đời quý vị đều rất thuận lợi, không có chút trắc trở nào, ngược lại như vậy thì tu đạo rất khó khăn, gọi là “giàu sang học đạo là khó”. Đạo khí như vậy dễ dàng thành tựu Thánh đạo, vậy mà chúng ta lại giết hại họ, thì tội phạm phải là rất nặng. Ngoài ra, giết trời, rồng, quỷ thần phạm tội trung phẩm, giết súc sanh phạm tội hạ phẩm, tương đối nhẹ. Tiếp theo chúng tôi giải thích đoạn văn này. Một là không sát sanh:

Phàm hữu mạng giả, bất đắc cố sát. Nhược tự sát, giáo tha sát, phương tiện sát, chú sát, đọa thai, phá noãn, dữ tha độc dược, linh mạng đoạn giả, tịnh đắc sát tội. Nhược sát sanh thân phụ mẫu, La-hán Thánh nhân, phạm nghịch tội, đọa A Tỳ ngục. Nhược sát nhân, phạm trọng tội, thất Sa-di giới, bất thông sám hối. Nhược sát thiên long quỷ thần, phạm trung tội, do hứa sám hối, diệt phạm giới tội, nhi tánh tội bất diệt, chung tu thường báo. Nhược sát súc sanh, trùng nghĩ, văn sắt đẳng, phạm hạ tội, diệc hứa sám hối diệt phạm giới tội, nhi tánh tội nhưng tu thường báo. Nhược sát nhân bất tử, phạm trung phương tiện khả hối tội. Sát thiên thần súc trùng đẳng bất tử, giai phạm hạ phương tiện khả hối tội. Trợ tha linh sát, giai đắc bổn tội. Kiến sát hoan hỷ, đắc phương tiện tội. Nhược kiến tha sát, hữu lực ưng cứu, thiết bất năng cứu, ưng khởi từ tâm, niệm Phật trì chú, chúc linh giải oan thích kết, vĩnh đoạn ác duyên”.

Phàm là chúng sanh có sinh mạng thì không được cố ý giết. Hoặc tự mình giết, hoặc bảo người giết, hoặc dùng phương tiện giết, dùng chú giết, phá thai, phá trứng, đưa thuốc độc cho người khác, làm chấm dứt sinh mạng thì đều bị tội sát sanh cả. Nếu giết cha mẹ, La-hán, Thánh nhân thì phạm tội nghịch, phải đọa địa ngục A Tỳ. Nếu giết người thì phạm tội nặng, mất giới Sa-di, không thông sám hối. Nếu giết trời, rồng, quỷ thần thì phạm tội trung, còn cho sám hối để diệt tội phạm giới, nhưng tánh tội không diệt, cuối cùng vẫn phải trả báo. Nếu giết súc sanh như sâu bọ, kiến, muỗi, chấy, rận v.v… thì phạm tội hạ, cũng cho sám hối để diệt tội phạm giới, nhưng còn tánh tội nên vẫn phải trả báo. Nếu giết người không chết, thì phạm tội trung phương tiện có thể sám hối; giết trời, thần, súc sanh, côn trùng v.v… không chết, đều phạm tội hạ phương tiện có thể sám hối. Giúp người khác giết thì đều phạm tội căn bản; thấy giết mà hoan hỷ thì phạm tội phương tiện. Nếu thấy người khác giết, mình có sức thì nên cứu giúp; nếu không thể cứu, thì nên khởi tâm từ vì chúng niệm Phật trì chú, cầu mong chúng tháo gỡ oan kết, vĩnh viễn đoạn ác duyên”.

Quyển này của Đại sư Ngẫu Ích, vì sao được gọi là giới bổn Sa-di hay nhất? Chính là vì Ngài đã nói rất rõ ràng về các tướng khai giá trì phạm, trọng khinh của mỗi điều giới, vả lại đều dựa theo luật mà thu thập biên soạn. Ở đây nói là không sát sanh”, sanh là sinh mạng của hữu tình, tội giết hại sinh mạng của hữu tình này, chính là tội nghiệp mà điều giới này đối trị, cho nên gọi là không sát sanh. “Phàm hữu mạng giả, bất đắc cố sát”, chữ “mạng” này là chỉ mạng căn của chúng sanh hữu tình. Mạng căn này, ví như con người, từ lúc nào được xem là có mạng căn? Bắt đầu từ khi trứng thụ tinh. Trong Phật pháp nói, sau khi tinh cha huyết mẹ giao hợp, trạng thái của bảy ngày đầu gọi là “ca-la-la”, dịch thành “ngưng hoạt”, là một mô thịt vô cùng nhỏ bé. Thần thức đã đi vào mô thịt đó, đã có thần thức của một chúng sanh vào đó rồi, đây là một thể sinh mạng có thần thức rồi. Nếu giết hại họ, đó chính là sát sanh, cho nên phá thai tức là giết người, bởi vì cái thai này bắt đầu từ khi trứng thụ tinh, thì đã có sinh mạng rồi, quý vị nạo phá nó, như vậy là xem như giết mạng người. Mãi cho đến sau cùng họ ra đi rồi, chính là sanh lão bệnh tử, khi chết thì tứ đại phân rã. Trước tiên là ngừng hô hấp, “tức”, sau đó “noãn, thức”. Noãn chính là hơi ấm cơ thể, sau khi ngừng hô hấp thì nhiệt độ cơ thể dần dần hạ xuống, không còn noãn xúc nữa, lãnh xúc hiện tiền rồi, cho nên đến sau cùng thi thể lạnh buốt, bởi vì noãn xúc của họ đã rời khỏi rồi; nhưng thức của họ lại ra đi sau cùng, thần thức này mới là chủ nhân của sinh mạng. Nếu lúc này, thần thức vẫn còn ở thân xác đó chưa ra khỏi, mà chúng ta lại dùng tâm giết hại mà phá hủy thể xác này, tuy nó là một thi thể, nhưng nó vẫn có mạng căn, vậy thì lúc này bởi vì sự giết hại của quý vị khiến cho thần thức họ rời khỏi, vậy thì vẫn phạm tội giết người, việc sát sanh này được phán xét như vậy. 

Nếu như có mạng, có mạng căn tồn tại, tức là tức, noãn, thức của họ vẫn còn; thậm chí là lúc hô hấp và noãn xúc không còn nữa, chỉ còn lại thần thức, cũng xem là có mạng căn, cũng “bất đắc cố sát”. Cố sát chính là cố ý giết hại, chữ cố này là có tâm giết hại. Nếu không phải cố sát mà là ngộ sát, như vậy thì sẽ không phạm giới sát, giới chủ yếu là đối trị tâm giết hại. Những giới này, bốn điều sát đạo dâm vọng là tánh tội, năm điều phía sau thuộc về giá tội, không có tánh tội. Tánh tội sát đạo dâm vọng này, nếu có tâm phạm, thì chính thức phạm giới; nếu vô tâm mà lỡ phạm, đó không thuộc về phạm giới. Giới là đối trị với nghiệp của tâm chúng ta, không có tâm, không có tâm cố ý muốn phạm giới này, vậy đương nhiên là không có phiền não đó, không thuộc về phạm giới, nên giới là để đối trị phiền não. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nếu là ngộ sát, có nhân quả hay không? Đương nhiên là có nhân quả. Giống như Đại sư An Thế Cao xưa kia, hai đời trước đều đến Trung Quốc, hai lần bị người khác ngộ sát, đó là vì sao? Bởi vì hai đời trước Ngài An Thế Cao đều có túc mạng thông, biết được chính mình sẽ đến Trung Quốc để hoằng pháp, phải phiên dịch kinh điển, nhưng vẫn còn nợ hai mạng, cho nên trước tiên trả nợ mạng này, do đó đến Trung Quốc hai lần đều bị ngộ sát, sau đó đời thứ ba mới là Đại sư An Thế Cao, mới đến. Bởi vì đời trước ngộ sát người khác, cho nên đời này lại bị đối phương ngộ sát.

Lương Võ đế ở Trung Quốc cũng có một công án như vầy, lúc ấy Lương Võ đế vô cùng kính ngưỡng một vị Khạp đầu sư, một vị Pháp sư. Có một lần ông cung thỉnh vị Pháp sư này đến cung đình để cúng dường, vị Pháp sư đó đến rồi, kết quả là lúc ấy Lương Võ đế đang đánh cờ với người khác, trong khi đang tập trung tinh thần, hoàn toàn thâm nhập, thì quên mất việc mời Pháp sư đến rồi. Lúc đó vệ binh của Lương Võ đế vào bẩm báo, nói rằng: “Vị Khạp đầu sư đến rồi, phải tiếp đãi như thế nào?” Lương Võ đế không nghe thấy lời nói này, chỉ nghĩ đến đánh cờ, nghĩ phải làm sao để giết con cờ đó, liền hô to một câu: “Giết đi!” Kết quả là vệ binh đó nghe thấy, thì ra là phải giết ông ấy, được, liền ra ngoài chặt đầu vị Pháp sư ấy rồi. Sau đó, Lương Võ đế đánh cờ xong, nhớ ra rồi, hôm nay đã mời vị Khạp đầu sư đến để cúng dường, liền hỏi: “Vị Pháp sư đó ở đâu? Mau chóng mời vị đó lên đây”. Vệ binh liền bẩm báo rằng: “Vừa rồi Hoàng thượng nói phải giết ông ấy, nô tài đã giết ông ấy rồi”. Lương Võ đế nghe xong thì vô cùng ân hận, đây chính là ngộ sát. Sau đó vua liền hỏi vệ binh: “Trước khi ngươi giết vị Pháp sư ấy, Ngài nói những lời gì?” Vị Pháp sư ấy nói: “Trong đời quá khứ, khi tôi làm Sa-di, Lương Võ đế là một con giun, khi tôi xới đất vô tình giết chết con giun này, đây là một mạng đền một mạng”. Thì ra vị Pháp sư này là cao nhân đắc đạo, quý vị xem cũng không thể tránh khỏi nhân quả báo ứng, cũng giống như Đại sư An Thế Cao. Cho nên người đại tu hành hiểu rõ nhân quả, các Ngài nhìn thấy tình hình này, các Ngài cũng cam tâm để thọ báo. Tâm này của Lương Võ đế, không phải là tâm muốn giết người, lời hô to không phải là giết người, nhưng trên thực tế đã dẫn đến hậu quả này, đó là thuộc về ngộ sát. Lương Võ đế là tín đồ Phật giáo, nhất định cũng đã thọ Ngũ giới, thậm chí thọ giới Bồ-tát rồi, vậy ông có phạm giới hay không? Không tính, không tính là phạm giới. Bởi vì không phải là cố sát, là ngộ sát, nhưng khẳng định cũng có nhân quả.

Tiếp theo nói, “nhược tự sát, giáo tha sát, phương tiện sát, chú sát, đọa thai, phá noãn, dữ tha độc dược”. Đây đều là một cách thức sát sanh. Lấy giết người để làm ví dụ, nếu “tự sát”, chính là tự mình giết. Đây không phải là nói họ nhảy lầu tự sát, không phải vậy. Chữ “tự sát” này là tự mình ra tay giết, trái ngược với “giáo tha sát”. “Giáo tha sát” là bản thân không ra tay, nhưng bảo người khác giết, tôi mời một sát thủ chuyên nghiệp giết họ, như vậy là “giáo tha sát”. Tội này cũng như vậy, bất luận quý vị tự mình giết, giết chết đối phương, hay là bảo người khác đến giết chết họ, thì chính mình đều phạm tội giết người. Nếu sát thủ chuyên nghiệp đó cũng thọ Ngũ giới, vậy thì họ cũng phạm tội giết người này.

Một trường hợp khác vừa đề cập đến, tự sát mà người hiện nay chúng ta nói đến, trường hợp nhảy lầu tự sát thì sao? Tội đó, nếu bản thân thọ giới rồi, tự giết mình, có tội hay không? Vẫn có tội. Vậy có phải phạm tội căn bản của tội giết người không? Trường hợp này thì không. Vì sao vậy? Bởi vì nếu bản thân họ thọ Ngũ giới, họ muốn giết hại chính mình, đương nhiên là giết người, nhưng trong sát-na mà họ chết, giới thể cũng tự nhiên mất đi, không còn giới thể nữa, cho nên họ chỉ bị ác nghiệp giết người, mà không có giới thể để hủy phạm. Bởi vì chúng ta thọ Ngũ giới, đều là tận hình thọ, là [thọ] trọn đời này. Nếu tự giết chết mình rồi, khi chết thì không còn sinh mạng nữa, giới thể cũng theo đó mà mất đi, vậy nên không có giới thể để phạm, không phạm tội căn bản của giới giết người, nhưng họ có tội phương tiện của giết người, tức là có tội giết người vẫn chưa chết. Tự giết mình mà vẫn chưa chết, họ mang theo giới mà phạm tội giết chính mình, gọi là tội phương tiện, vẫn chưa chết là tội phương tiện; chết rồi vốn là phạm phải tội căn bản, nhưng bởi vì họ không còn giới thể nữa, cho nên không xét đến tội phạm giới này của họ. Cũng giống như người đã xả giới rồi mới phạm tội giết người vậy, sẽ không phạm giới giết người, nhưng có ác nghiệp giết người của thế gian. Điều này sáng nay chúng tôi cũng đã nói điểm khác nhau của giới và thiện pháp ở thế gian: Giới có thọ mới có trì, nếu không thọ giới, hoặc thọ giới rồi xả giới, tái phạm cũng không tính là phạm giới, chỉ bị ác nghiệp thế gian. Vì vậy, giết người không chết là tội phương tiện, chính là tội trung phẩm, không phải là tội căn bản thượng phẩm không thể sám hối. Tội không thể sám hối, đó là bởi vì mất giới thể nên không thể sám hối.

Phương tiện sát”, đây là nói đến dùng đủ các phương pháp để giết người. Ví dụ như cầm dao, cầm súng, gài bẫy, trong bẫy để dao nhọn, hoặc là thả rắn độc, đủ các phương pháp như vậy để giết. Hoặc là “chú sát”, chính là niệm những ác chú giết chết người khác. Thời xưa Ấn Độ cũng có một loại chính là niệm chú khởi thi, thi thể (vừa mới chết), niệm chú với nó, sau đó nó sẽ tự mình bật dậy, quý vị để dao vào trong tay của thi thể, sau đó chú nguyện nó “ngươi đi giết người đó”, thi thể này liền giết người đó. Thời xưa cũng có những cách thức như vậy, bây giờ chắc là dùng robot rồi, trực tiếp dùng robot giết. “Đọa thai”, quý vị xem ở đây đặc biệt nói đến giết người. “Phá noãn”, đây là đối với súc sanh, giết súc sanh. Loài gà, vịt đều là động vật đẻ trứng, trong trứng này có sinh mạng, quý vị phá bể trứng đó, khiến cho sinh mạng trong đó không thể tiếp tục nữa, như vậy là phạm tội giết súc sanh, giết súc sanh là phạm tội hạ phẩm. Còn có “dữ tha độc dược”, ví dụ như bản thân họ muốn chết, tìm không được thuốc độc, quý vị liền giúp họ tìm thuốc độc, khiến họ uống vào chết rồi. Quý vị biết rõ làm như vậy có thể giết chết đối phương, mà vẫn đưa thuốc độc cho họ, như vậy là phạm tội giết người, bởi vì quý vị có tâm giết hại rồi. Ở đây cũng đặc biệt nói đến hiện nay có trường hợp chết nhân đạo, một người bệnh nặng, vô cùng đau khổ, họ thỉnh cầu quý vị giúp họ kết liễu sinh mạng, chích cho họ một mũi, để họ chết một cách nhẹ nhàng. Hình như quý vị cũng không nhẫn tâm nhìn thấy họ đau khổ như thế, “được, tôi chích cho anh một mũi”, khiến họ chết rồi. Như vậy là phạm tội căn bản của giết người, như vậy là phạm giới sát sanh, không thể sám hối.

Vậy gặp trường hợp này thì làm thế nào? Đệ tử Phật chúng ta không thể làm như vậy. Nếu có người nói: “Có phải anh tàn nhẫn quá không? Anh có thể đứng nhìn họ chết đi sống lại, đau không muốn sống, anh lại không giúp họ chích một mũi, kết liễu sớm chút sao?” Người học Phật chúng ta biết rằng, nhân quả của mỗi người không phải kết thúc bằng việc này. Họ có tội báo ấy thì phải chịu sự đau khổ đó, là bởi vì ác nghiệp quá khứ của họ chiêu cảm, quý vị chích cho họ một mũi để họ chết nhẹ nhàng, quả khổ của họ chưa dứt, quý vị chỉ làm cho họ kết thúc sinh mạng kỳ này sớm hơn, nhưng khổ báo đó của họ đời sau vẫn phải chịu, vậy thì có thể họ phải xuống ba đường ác. Phần nhiều trong trường hợp này, cuối đời, khi chết rất đau khổ đó là hoa báo, hoa báo không tốt, vậy thì quả báo chắc chắn không tốt, kiểu người này đa phần là xuống ba đường ác, nhất là xuống đường địa ngục. Đó không phải là làm cho họ khổ hơn sao? Vì vậy, phương pháp tốt nhất lúc ấy không gì bằng khuyên họ niệm A Di Đà Phật, giúp họ đề khởi chánh niệm, vì họ mà niệm A Di Đà Phật, niệm Quán Thế Âm Bồ-tát, thắp sáng lòng tin của họ, khiến họ có lòng tin cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Có lòng tin đối với Tam Bảo, đối với Phật Bồ-tát, như vậy thật sự có được cảm ứng, Phật Bồ-tát gia trì cho họ, thì có thể khiến sự đau khổ của họ giảm nhẹ, phương pháp này hiệu quả nhất.

Những phương pháp này, đương nhiên có rất nhiều rất nhiều cách thức giết. Thậm chí, ví dụ quý vị là một quốc vương, giống như Lương Võ đế vừa rồi, người khác hỏi quý vị muốn giết ai đó, quý vị chỉ cần nói một chữ “được”, đó chính là khởi phương tiện giết rồi. Giết chết đối phương rồi, vậy Lương Võ đế cũng phạm tội giết người rồi, bởi vì ông có tâm giết người. Cho nên cách thức giết người này nhiều vô cùng vô cùng, có dễ có khó, dễ đến chỉ nói một chữ đơn giản là “được”; nếu là khó, có lẽ quý vị phải đánh nhau với đối phương, thật khó khăn mới giết chết họ. Dù gì “linh mạng đoạn giả, tịnh đắc sát tội”. “Mạng đoạn” này chính là tức, noãn, thức đều đoạn rồi. Nếu tức, noãn không còn nữa, nhưng vẫn còn thức, như vậy thì chỉ phạm tội phương tiện, vẫn chưa phạm tội căn bản, thần thức của họ phải rời khỏi thân thể, mạng căn đoạn rồi, quý vị mới phạm tội sát căn bản.

Tôi đưa ra một ví dụ đơn giản, ví dụ, nếu tôi thọ Ngũ giới rồi, lúc này tôi muốn giết chết người khác, khi giết thì đánh nhau với đối phương, đánh đến cả hai đều bị thương, tôi đánh không lại anh ấy, đánh nhau đến cuối cùng cả hai chỉ còn một hơi thở. Nếu tôi tắt thở trước, sau đó anh ấy mới tắt thở, vậy thì tôi bị tội gì? Tôi bị tội phương tiện giết người, tội trung phẩm, không phạm tội căn bản. Vì sao vậy? Bởi vì tôi vừa tắt thở, thì giới thể Ngũ giới của tôi không còn nữa. Đương nhiên là tất cả giới thể của Thanh-văn đều là tận hình thọ, bao gồm giới Sa-di, giới Tỳ-kheo đều là tận hình thọ. Mạng căn của tôi vừa đoạn, tội chỉ dừng lại ở tội phương tiện, sẽ không phạm phải tội căn bản, cho nên tương lai xuống địa ngục cũng đỡ một chút, không xét tội căn bản để thọ báo, chỉ xét tội phương tiện, xét tội trung phẩm mà thọ báo. Tội nặng của giết người, chính là sát đạo dâm vọng, nếu phạm tội nặng thượng phẩm không thể sám hối, quả báo đọa địa ngục trong tương lai, trong kinh nói là hơn 92 ức năm, đủ cho quý vị chịu rồi. Nếu phạm tội trung phẩm, không cần nhiều năm như vậy, phán tội nhẹ chút, Diêm La vương sẽ phán nhẹ chút. Sau cùng đối phương cũng chết, đương nhiên là do tôi giết anh ấy chết, nhưng bởi vì tôi chết trước anh ấy, nên tôi chỉ phạm tội phương tiện, không phạm tội căn bản. Vì vậy, nếu thần thức của tôi rời khỏi thân thể sớm hơn anh ấy, vậy thì tôi không phạm tội căn bản; nếu tôi tắt thở trễ hơn anh ấy, thần thức rời khỏi trễ hơn anh ấy, anh ấy chết trước rồi, mạng căn đoạn rồi, vậy thì tôi phạm tội căn bản, tôi phải xuống địa ngục chịu báo ứng của tội căn bản. Cho nên xét về nhân quả là như vậy.

Ở đây nói đến tội sát chia ra nặng và nhẹ khác nhau, nặng nhất là “tội nghịch”. Tội nghịch là “sát sanh thân phụ mẫu, La-hán, Thánh nhân”, đây là một trong năm tội nghịch. Năm tội nghịch bao gồm giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, muốn dùng tâm giết Phật để làm thân Phật chảy máu, còn có phá hòa hợp Tăng. Hai điều sau cùng thì người thông thường không thể làm được, Phật không tại thế, chúng ta không thể làm thân Phật chảy máu, nhưng có tội tương đồng với làm thân Phật chảy máu. Ví dụ như ác tâm hủy hoại tượng Phật, đây chính là tội tương đồng, nhưng không thuộc về tội nghịch, nó chỉ thuộc về một tội tương đối nặng, nhưng không đến địa ngục A Tỳ để thọ báo như làm thân Phật chảy máu. Phá hòa hợp tăng, thông thường chúng ta cũng không làm được, điều này chỉ có Đề Bà Đạt Đa năm xưa lập ra năm tà pháp, muốn tự mình làm Phật mới, sau đó phá Pháp luân Tăng, đây là thuộc về tội nghịch. Nếu phá yết ma Tăng, điều này thì hiện nay cũng có thể làm được, trong một đại giới có hai chúng đồng thời tác pháp yết ma là phá Tăng, điều này không thuộc về tội nghịch.

Giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, cũng có khả năng làm được, nhất là hai điều đầu tiên, đây thuộc về tội nghịch, đọa địa ngục A Tỳ. Trong tội phạm giới, cũng gọi là phạm tội căn bản thượng phẩm không thể sám hối, phạm tội này không thông sám hối. Nghĩa là trong pháp Thanh-văn của Tiểu-thừa, không có pháp sám hối, không thể cứu được nữa. Người phạm rồi không thể sám hối tội, đời này không thể thành tựu Thánh đạo, nếu không nghiêm túc sám hối, đời sau chắc chắn đọa địa ngục. Ví như chúng xuất gia phạm tội nặng, khóc lóc, cầu xin sám hối trong Tăng đoàn, không muốn rời khỏi Tăng đoàn, không muốn cởi bỏ cà sa, khẩn cầu Tăng đoàn tác pháp yết ma học hối cho họ, như vậy thì trở thành Sa-di học hối hoặc Sa-di-ni học hối, có thể ở lại trong Tăng đoàn, trọn đời tước đi 35 quyền lợi, phục dịch trong Tăng đoàn để cầu sám hối, như vậy có thể miễn trừ quả báo 92 ức năm ở địa ngục trong tương lai. Nhưng trong pháp Thanh-văn cũng nói, người này trọn đời cũng không thể thành tựu Thánh đạo, chỉ có thể đợi đời sau, cho nên gọi là “bất thông sám hối”. Cư sĩ tại gia cũng chiếu theo điều lệ này, nếu phạm tội nặng, tức là cư sĩ đã từng thọ Ngũ giới, Bát Quan Trai giới, Bồ-tát giới, phạm phải tội nặng, tội thượng phẩm không thể sám hối, cũng cần phải đối trước bốn vị Pháp sư trong Tăng đoàn phát lồ sám hối.

Sau đó làm thế nào? Trong pháp Thanh-văn chỉ có vậy thôi, mà nghi thức sám hối Đại-thừa dạy chúng ta thủ tướng sám, ví dụ như như lạy Pháp Hoa Sám, Đại Bi Sám, Tịnh Độ Sám, v.v… được thấy tướng hảo, thế nào gọi là tướng hảo? Chính là thấy các tướng khác nhau như thấy ánh sáng, thấy hoa, thấy Phật đến xoa đảnh, v.v… cho đến nằm mộng thấy cũng được, nhìn thấy những hảo tướng này rồi mới có thể diệt tội, sau đó thì thọ giới lại, có thể đắc giới thể. Nếu không, không sám hối đến khi thấy được hảo tướng, thì không chỉ mất đi giới thể ban đầu, mà quý vị muốn thọ giới lại cũng không đắc giới. Ví dụ như quý vị muốn xuất gia, thọ giới Sa-di, thọ giới Tỳ-kheo thì không đắc giới, loại này thuộc về “biên tội nạn”, cũng như trôi dạt ở bờ biển lớn của Phật pháp, đời này không thể vào biển lớn của Phật pháp nữa rồi, gọi là biên tội. Trong pháp sám của Đại-thừa, tuy có pháp sám thủ tướng, sau khi thấy hảo tướng mới có thể thọ giới, nhưng thủ tướng sám cũng không dễ dàng.

Pháp chúng tôi giới thiệu là Chiêm Sát Sám, nương theo Địa Tạng Bồ-tát làm sám chủ, đây là pháp mà Đại sư Ngẫu Ích và Đại sư Hoằng Nhất đều cực lực đề xướng, là một nghi thức sám hối để chúng ta sám hối tội nặng và ác nghiệp, sau khi được luân tướng thanh tịnh, mới có thể diệt tội. Có thể quý vị nói: Nếu tôi chuyên lạy A Di Đà Phật có được không? Cũng được. Đều phải chí thành khẩn thiết, nhất tâm chuyên chú, muốn lạy A Di Đà Phật thấy được hảo tướng, có lẽ sẽ khó hơn Chiêm Sát Sám. Căn cứ cách phán định của Đại sư Ngẫu Ích, Chiêm Sát Sám được thấy luân tướng thanh tịnh là đạt được hai trạng thái, một trạng thái là đạt được “Vị-đáo-định”, Vị-đáo-định của Dục giới, ví như trời Dạ Ma, trời Đâu Suất, trời Hóa Lạc, trời Tha Hóa Tự Tại, họ cũng có thiền định, đạt được định lực và chuyên chú lực của Vị-đáo-định, như vậy thì có thể được luân tướng thanh tịnh. Còn một trạng thái là “Danh-tự-hậu-tâm”, Thiên Thai tông nói “Danh-tự-vị” thì đã là khai Phật tri kiến, đã có sự thấu suốt đối với tri kiến của Phật, nhưng chỉ có giải ngộ mà không có công phu định lực, phải tiến thêm một bước tu đến Quán-hạnh-vị. Trước khi đạt đến Quán-hạnh-vị thì đều thuộc về Danh-tự-vị, ở hậu-tâm của Danh-tự-vị, tức là chưa đến Quán-hạnh-vị, nhưng định lực đã sâu hơn so với sơ-tâm, người như vậy cũng có thể được luân tướng thanh tịnh.

Đối chiếu với nhau, nếu niệm A Di Đà Phật thì niệm đến trình độ nào mới được thấy hảo tướng? Trong Kinh Vô Lượng Thọ bản Hán dịch, bản Ngô dịch có nói: Nếu quý vị có thể niệm A Di Đà Phật, niệm đến một ngày một đêm không gián đoạn, chính là nhất tâm bất loạn rồi (nhất tâm bất loạn này không phải nói quý vị cả đời nhất tâm bất loạn, mà nói quý vị một ngày một đêm nhất tâm bất loạn), vậy thì buổi tối quý vị có thể nằm mộng thấy A Di Đà Phật. Điều này nói rõ quý vị đã niệm đến nhất tâm bất loạn trong một ngày một đêm rồi, lúc này thì biết rằng chắc chắn có thể vãng sanh Tây Phương. Bởi vì một ngày một đêm không gián đoạn, khi mạng chung đều được vãng sanh cõi nước kia, Kinh Vô Lượng Thọ cũng nói rất rõ ràng. Kinh A Di Đà cũng nói như vậy: “Chấp trì danh hiệu, nhược nhất nhật…, nhất tâm bất loạn. Kỳ nhân lâm mạng chung thời, A Di Đà Phật dữ chư Thánh chúng, hiện tại kỳ tiền. Thị nhân chung thời, tâm bất điên đảo, tức đắc vãng sanh A Di Đà Phật Cực Lạc quốc độ”. Cho nên có thể niệm một ngày một đêm không gián đoạn, danh hiệu không xen tạp, nhất tâm bất loạn mà niệm, như vậy thì buổi tối có thể thấy hảo tướng, thấy được A Di Đà Phật, như vậy là giai đoạn sơ cấp nhất của niệm Phật tam muội. Muốn niệm đến trình độ này cũng không dễ dàng, đến trình độ này, tội của chúng ta mới được hàng phục và diệt trừ, mới có thể thọ giới lại từ đầu, như vậy gọi là thấy hảo tướng. Vì vậy không thể vi phạm tội nặng, nói là Đại-thừa sám có thể giúp chúng ta sám hối, nhưng đó là một việc rất khó khăn.

Tiếp theo nói, “nhược sát nhân, phạm trọng tội, thất Sa-di giới”. Giết chúng sanh cõi người, thì phạm tội nặng, chính là tội thượng phẩm không thể sám hối, mất giới thể. Bởi vì đây là giới bổn Sa-di, nên Đại sư Ngẫu Ích nói mất giới Sa-di. Nếu quý vị đã thọ Ngũ giới, giết người thì mất giới thể của Ngũ giới; nếu quý vị thọ Bát Quan Trai giới, cũng đồng thời có Ngũ giới, giết người mất cả giới thể của Ngũ giới và Bát Quan Trai giới; nếu quý vị cũng thọ giới Bồ-tát, vậy thì giới thể của giới Bồ-tát cũng đều mất, sự việc là như vậy. Như vậy gọi là “bất thông sám hối”. Nghĩa là trong pháp Thanh-văn không có cách nào sám hối nữa, nhưng trong pháp Đại-thừa, lúc nãy đã nói là có thể dùng thủ tướng sám.

Nếu “sát thiên, long, quỷ thần”, đây là phạm tội trung phẩm, trung phẩm là tội khả hối, có thể sám hối. Sám hối như thế nào? Trong luật chế, phải đối trước tiểu chúng sám hối. Tiểu chúng tức là hai người, ba người, thông thường tốt nhất là ba người, đối trước ba vị Pháp sư để cầu sám hối. Phần trước nói phạm tội nặng phải đối trước bốn vị Pháp sư trở lên, bốn vị là thành Tăng rồi, phải sám hối trong Tăng; nếu phạm tội trung phẩm, thì đối trước ba vị Pháp sư, không cần đối trước Tăng. Có nghi quỹ sám hối, nghi quỹ này, nếu mọi người có Nghi Quỹ Tụng Giới Ngũ Giới, trong đó cũng có, dạy chúng ta làm sao sám hối, phạm Ngũ giới rồi, phạm Bát Quan Trai giới thì sám hối thế nào. Nếu phạm giới Bồ-tát, giới Bồ-tát cũng có nghi quỹ sám hối, trên cơ bản đều giống nhau, cũng là chí thành khẩn thiết mà phát lồ với Pháp sư, nói tội nghiệp của bản thân, nói ra.

Nói tội đó, phải nói ra tội danh, tội chủng và tội tướng. Tội danh là gì? Tội danh là tội thượng phẩm không thể sám hối, hay là tội trung phẩm, tội hạ phẩm, đây là tội danh. Tội chủng chính là điều giới nào, ví dụ như sát sanh, giết người chính là tội thượng phẩm không thể sám hối, phải nói ra điều giới này, không cần nói quá nhiều. Có người sám hối nói ngày mấy tháng mấy năm mấy, buổi tối đã làm gì trước, sau đó lại làm việc gì, trình bày đầy đủ cả quá trình, nghe họ nói cũng phải nửa tiếng đồng hồ, Pháp sư không có thời gian như vậy. Quý vị muốn sám hối thì trực tiếp nói tội danh, tội chủng, ví dụ như tôi phạm giết kiến, giết súc sanh, tội hạ phẩm. Giết súc sanh là tội chủng, tội hạ phẩm là tội danh. Tội tướng là có bao nhiêu điều. Giết qua bao nhiêu con kiến? Nếu tôi không nhớ được, thì nói bất ức số”, không thể nhớ số lượng là bao nhiêu, gọi là bất ức số. Có thể nhớ đã giết bao nhiêu thì nói ra, tôi đã giết mười con kiến, phải nói rõ ba yếu tố tội danh, tội chủng, tội tướng, mới thành tựu phát lồ sám hối.

Thông thường thì sau đó Pháp sư đều phải quở trách: “Hãy tự trách tâm mình và sanh lòng chán ghét, lìa bỏ!” hoặc là “nhữ kiến tội phủ?”, con đã thấy tội của mình chưa? Bản thân đáp: “Con thấy”. “Sau này có thể giữ tốt các giới không?” “Có thể giữ được”. Phát nguyện sau này không tái phạm. Pháp sư liền đáp: “Tốt”. Quý vị lại đáp: “Nhĩ”, nhĩ chính là y giáo phụng hành. Vậy thì xong rồi. Cho nên cả nghi quỹ chỉ mất một hai phút, hai ba phút thì xong rồi, liền có thể sám trừ sạch sẽ tội trung phẩm, tội hạ phẩm của chúng ta. Nếu quý vị không chịu làm, thì sẽ tích lũy tội, cho đến khi lâm chung tính tổng nợ. Vì vậy, chúng ta có tội thì đừng sợ sám hối, có Pháp sư (Tăng bảo) ở đây, chúng ta nên sanh khởi tâm hoan hỷ, đối trước Tăng bảo nghiêm túc phát lồ sám hối, sám hối được thanh tịnh.

Ở đây nói đến giết trời, rồng, quỷ thần, bản thân rồng là đường súc sanh, nhưng quy về tội trung phẩm, đánh đồng với những chúng sanh cõi trời và quỷ thần, đây là bởi vì tánh linh của rồng cao. Ở đây cũng bao gồm chúng sanh hiểu được tiếng người, súc sanh hiểu được tiếng người, tánh linh của loài súc sanh này cao, chúng có thể hiểu được tiếng người, vậy quý vị giết chúng thì tội này tương đối nặng, cũng gần như giết người rồi. Trong tiểu thuyết thần thoại chúng ta cũng thấy được, có rất nhiều súc sanh đều có thể biến thành người, như chồn, hồ ly, những con này đều có thể biến thành người, thành hồ ly tinh, chồn tinh, chúng có thể biến thành hình người. Vậy thì cũng như những chúng sanh cõi trời, rồng và quỷ thần, giết hại chúng thì phạm tội trung phẩm. Nếu giết trời, rồng, quỷ thần, hoặc là súc sanh có thể biến thành hình người, hiểu được tiếng người thì phạm tội trung phẩm, “còn cho sám hối”, vừa rồi nói đối trước ba vị Pháp sư tác pháp sám hối. Nhưng cách tác pháp sám này chỉ diệt được tội phạm giới, không thể diệt được tánh tội. Tánh tội là tội nghiệp đạo, sát sanh thì phải đền mạng, đây chính là tội nghiệp đạo. Giả sử bách thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong, nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thọ”, đây là không cách nào miễn trừ được. Cho nên tác pháp sám chỉ có thể nói là tội phạm giới của tôi được miễn rồi, tội phạm giới là vi phạm điều chế giới của Phật. Nếu không sám hối tội này, quả báo trong tương lai là địa ngục, tội báo của tội phạm giới luôn sâu nặng hơn quả báo của tội nghiệp đạo. Như vừa rồi đã nói, phạm một tội giết người, quả báo 92 ức năm ở địa ngục. Vậy còn tội nghiệp đạo? Tội nghiệp đạo chỉ là đời sau quý vị cho họ giết lại, đây là tội nghiệp đạo, quả báo khác nhau.

Ở đây nói với mọi người một công án, chính là công án tánh tội không thể diệt trừ. Trong Chư Kinh Tập Yếu, đã nói đến một câu chuyện như vầy, khi Phật Đà tại thế, có một vị trưởng giả rất giàu có, ông có một đứa con trai, con trai trưởng thành rồi cha mẹ cưới vợ cho anh ta, kết quả là ngày thứ bảy sau khi thành hôn, đứa con này trèo lên cây, không cẩn thận té xuống liền chết. Cả nhà trưởng giả vô cùng đau buồn, liền đến hỏi đức Phật: Con có nhân duyên nghiệp báo gì, sao một đứa con yêu quý như vậy mới lấy vợ thì chết? Đức Phật liền nói: Xưa kia có một đứa trẻ, nó lấy cung tên để bắn chim sẻ, bên cạnh có ba người nói với nó rằng: “Nếu cháu bắn trúng chim sẻ này thì cháu sẽ là tráng sĩ ở thế gian”. Khích lệ nó, khen ngợi nó. Kết quả là đứa trẻ này bắn trúng chim sẻ rồi, chim sẻ rơi từ trên cây xuống mà chết, ba người đó cũng rất vui mừng, sau đó thì rời khỏi. Đức Phật nói với vị trưởng giả này: Đứa trẻ giết chim sẻ đó chính là con trai của ông, đầu thai đến nhà ông; ba người đứng bên cạnh khích lệ, khen ngợi sát sanh lúc đó, một người là ông, một người là vợ ông, một người là con dâu ông. Đây đều là nhân duyên nghiệp báo, vì vậy cho dù là sau trăm ngàn kiếp, tội nghiệp cũng không thể tiêu được, “cuối cùng vẫn phải trả báo”.

Nếu “sát súc sanh” cho đến “trùng nghĩ”, trùng nghĩ là súc sanh nhỏ nhất, “văn sắt”, những loài muỗi, bọ chét, thì phạm tội hạ phẩm. Tội hạ phẩm phải đối trước một vị Pháp sư tác pháp sám, cho nên “diệc hứa sám hối diệt phạm giới tội”. Diệt tội phạm giới này cần phải sám hối như pháp, thực hiện theo nghi quỹ của cách thức sám tội đó, vậy gọi là như pháp. Quý vị chẳng thể tự mình nghĩ “tôi sám hối thế nào đây”? Tôi đối trước Phật, thì thầm thì thầm với Phật Bồ-tát bản thân đã phạm tội gì, thì xem như là diệt tội. Vậy thì không được, quý vị không thể tự mình chế định cách thức. Cho nên cần phải sám hối như pháp, phải đối trước Pháp sư sám hối, mà không phải đối trước Phật Bồ-tát sám hối. Đối trước Phật Bồ-tát thì dễ sám hối, cho dù các Ngài nghe được hay không, mình cũng không biết, vậy thì dối gạt qua ải rồi. Sám hối với Pháp sư, thì cảm thấy xấu hổ: Bản thân tôi phạm tội này, còn phải nói ra với Pháp sư, bản thân rất hổ thẹn, ngượng ngùng. Quý vị xem, quý vị có thể sanh tâm hổ thẹn mới có hiệu quả diệt tội. Quý vị đã ngại nói ra để sám hối, vậy thì sao quý vị không biết thẹn mà làm? Quý vị đã không biết thẹn mà làm, vậy thì quý vị đừng ngượng ngùng phát lồ sám hối. Tức là dám phát lồ sám hối với người khác, mới chứng tỏ quý vị dũng cảm sửa sai và làm lại từ đầu. Đối phương cũng có tác dụng là một người giám sát, bởi vì quý vị nói với Ngài rồi, Ngài biết rồi, vậy chúng ta không dễ tái phạm. Tái phạm lần thứ hai, thật sự rất xấu hổ, cho nên về sau không tái phạm, như vậy mới là chân thật sám hối.

Đối trước Phật sám hối, trong Luật chỉ có tội trách tâm sám, chính là phạm tội rất nhẹ, thông thường là gì? Oai nghi nhỏ. Không phải cố ý phạm, lỡ phạm, hoặc là chỉ khởi ý niệm mà không có hành động chính thức, như vậy có thể ở trước Phật trách tâm sám hối. Ý niệm đó cũng là tập khí của chính mình, đột nhiên dấy khởi, lập tức dừng lại, vào lúc này, nó đã dấy khởi rồi, thì đã có tội, có nghiệp rồi, “khởi tâm động niệm vô bất thị nghiệp, vô bất thị tội”, cho nên phải ở trước Phật tự trách tâm hối lỗi. Nghi thức này trong quyển nghi quỹ của chúng tôi đều có: Đối trước Phật lạy Phật ba lạy, quỳ gối chắp tay, nói con tên gì đã khởi niệm gì, phạm điều giới nào, là niệm sát, hay là niệm dâm,… sau đó ở trước Phật tự trách tâm hối lỗi, nói xong thì thành tựu sám hối. Đây là phạm giới khinh, không phải là giới trọng. Nếu đã có hành động rồi, là nghiệp tương đối nặng, vậy phải đối trước Pháp sư sám hối, như đã giết chết súc sanh, đây là tội hạ phẩm, đối trước Pháp sư sám hối. Có thể diệt được tội phạm giới, “nhưng còn tánh tội nên vẫn phải trả báo”, cũng giống như đứa trẻ giết chim sẻ, nó phải trả báo.

Nhược sát nhân bất tử, phạm trung phẩm khả hối tội”, đây là không giết người khác chết, chỉ đánh họ bị thương, thì không cấu thành phạm tội nặng căn bản, đó là tội trung phẩm, thuộc về tội phương tiện. Tội phương tiện, là trước khi cấu thành tội căn bản thì đều thuộc về tội phương tiện. Nếu người kia đã chết rồi; tức, noãn, thức của họ đều rời khỏi thân thể, như vậy là mạng căn đoạn rồi, đó là tội thượng phẩm không thể sám hối. Tội trung phẩm này thuộc về tội phương tiện, có thể sám hối. Tội trung phẩm này, vừa rồi đã nói là phải đối trước ba vị Pháp sư sám hối.

Nếu giết thiên thần, trời rồng quỷ thần, hoặc là cho đến súc sanh và cả sâu bọ, kiến, v.v… không chết, đều phạm tội phương tiện hạ phẩm, có thể sám hối. Nếu giết trời rồng quỷ thần, là tội trung phẩm, giết rồi thì phạm tội căn bản trung phẩm, nhưng nếu họ chưa chết, vậy thì chưa phạm đến trung phẩm, tội nghiệp được giảm xuống, cho nên phạm tội hạ phẩm, thuộc về tội phương tiện. Tội hạ phẩm thì đối trước một vị Pháp sư sám hối. Nếu giết súc sanh, bản thân phạm tội hạ phẩm, cho dù quý vị giết chết chúng, phạm tội căn bản hạ phẩm, phạm tội căn bản rồi, là tội hạ phẩm. Nếu giết chúng vẫn chưa chết, lúc này chưa phạm đến tội căn bản, vẫn thuộc về tội phương tiện. Tội phương tiện này, tội phương tiện hạ phẩm lại giảm cấp bậc xuống thì không còn nữa, cho nên đều liệt cùng tội hạ phẩm để sám hối, đối trước một vị Pháp sư sám hối. Cho nên đây là nói đến những trường hợp này.

Có một trường hợp chính là nếu tôi giết người rồi, nhưng họ vẫn chưa chết, tôi đột nhiên nhớ ra tôi đã thọ giới, nếu họ thật sự chết đi, thì tôi sẽ phạm tội căn bản không thể sám hối. Nhưng tôi cũng không muốn tự sát, tôi tự sát chỉ bị tội phương tiện, tôi phải chết trước họ, mới phạm tội phương tiện, tôi lại không muốn tự sát. Tôi có thể xả giới, xả giới rồi sau đó họ mới chết, vậy tôi chỉ bị tội phương tiện giết người không chết, sau đó không còn giới thể nữa, thì không có tội phạm giới, là trường hợp này. Trường hợp này không thích hợp với giới Bồ-tát, bởi vì giới Bồ-tát, vừa rồi đã nói là nếu tôi chết trước, tôi giết họ rồi tự sát, như khi Hitler chết, ông giết chết tình nhân của mình trước, sau đó lại tự giết chết chính mình. Nếu Hitler đã có giới thể của Ngũ giới, ông giết chết đối phương, “đối phương vẫn chưa chết, bản thân ông chết rồi”, vậy thì ông chỉ bị tội phương tiện giết người không chết. Nhưng nếu ông đã thọ giới Bồ-tát, cho dù bản thân ông đã chết, nhưng giới thể không mất đi, bởi vì giới thể của giới Bồ-tát là tận vị lai tế, không phải tận hình thọ. Vì thế, cho dù lúc này ông chết rồi, sau đó đối phương mới chết, vào lúc đối phương chết, tôi đã luân hồi đến cõi khác rồi, nhưng ở cõi đó vẫn bị tội căn bản giết người. Giới Bồ-tát là thông cả ba đời, thông đến vị lai tế, sự khác nhau ở chỗ này. Cho nên giới thể sẽ không vì sinh mạng của chúng ta kết thúc mà mất đi, giới thể đó vẫn trường tồn, luôn theo chúng ta.

Tiếp theo nói đến “trợ tha linh sát, giai đắc bổn tội”, giúp người khác giết cũng như tự mình giết. “Bổn tội” là gì? Nếu giết người, thì phạm tội giết người, phạm tội nặng, không thông sám hối; nếu giết trời, rồng quỷ thần, thì phạm tội trung phẩm; nếu giết súc sanh thì phạm tội hạ phẩm, chính là “giai đắc” đối tượng quý vị giết là ai, thì phạm phải bổn tội đó. “Kiến sát hoan hỷ” là “đắc phương tiện tội”. Tức là tôi không giúp họ giết, nhưng tôi nhìn thấy họ giết mà tôi đứng bên cạnh vỗ tay, như án lệ đã nói vừa rồi, đứa trẻ đó muốn bắn chết chim sẻ, ba người ở bên cạnh khen ngợi, vui theo, nhưng không ra tay giúp nó, đây thuộc về tội phương tiện thấy giết hại mà vui mừng. Tội phương tiện này, Đại sư Hoằng Nhất nói đó là phạm tội hạ phẩm có thể sám hối, đều thuộc về tội hạ phẩm, cho dù là giết người, thấy người khác giết mà vui mừng, đều là tội hạ phẩm. Nhưng nếu quý vị thấy giết hại mà vui mừng, còn ra tay giúp họ, cùng nhau giết, giúp người khác giết, đây là phạm bổn tội rồi. Nếu đối tượng giết là người, thì phạm tội thượng phẩm không thể sám hối. Cách phán xét là như vậy.

Nhược kiến tha sát, hữu lực ưng cứu, thiết bất năng cứu, ưng khởi từ tâm, niệm Phật trì chú, chúc linh giải oan thích kết, vĩnh đoạn ác duyên”, đây là đệ tử Phật như chúng ta nên có tâm từ bi. Khi thấy người khác giết súc sanh, nên dùng phương tiện cứu giúp bảo vệ, giải trừ khổ nạn của chúng, cứu sanh. Trong Kinh Độ Cẩu đã nói đến một câu chuyện như vậy, nói rằng có một vị Sa-môn, nhìn thấy đồ tể dắt con chó đi giết hại, thế là Sa-môn muốn mua con chó này lại để phóng sanh, nhưng đồ tể không chịu. Lúc ấy, vị Sa-môn này đưa thức ăn trong bát cho con chó này ăn, sau đó thuyết pháp cho nó. Con chó này ăn cơm xong rồi, lại được nghe Phật pháp, vô cùng hoan hỷ, liền quy y vị Sa-môn này. Bởi vì có công đức quy y, cho nên sau khi nó bị đồ tể giết, liền tái sinh làm người. Sau đó, có một lần vị Sa-môn này đi khất thực, gặp được anh ấy, người chuyển kiếp từ con chó kia, nhìn thấy vị Sa-môn này thì vô cùng hoan hỷ, liền theo vị Sa môn này xuất gia, đây đều là có duyên, làm đệ tử của Sa-môn, sau đó không lâu ông ấy cũng chứng quả A-la-hán. Chứng được A-la-hán thì có túc mạng thông, biết được thì ra đời trước mình là con chó, bị người khác giết rồi, cũng may là vị Sa-môn này thuyết pháp và quy y cho ông, ông mới được thân người, mới gặp được Phật pháp, mới chứng Thánh đạo. Vì cảm kích ơn thầy, ông liền phát nguyện trọn đời phụng sự vị Sa-môn này.

Nếu không có khả năng cứu chuộc sinh mạng này, chúng ta cũng nên khởi tâm từ bi, hoặc niệm Phật, hoặc trì chú. Trì chú gì tốt nhất? Chú vãng sanh, để gia trì chúng. Phật hiệu cũng là chú, câu Phật hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật” này, sáu chữ đều là tiếng Phạn, không có một chữ Trung Hoa nào. Nghĩa tiếng Trung của “Nam Mô” là “cung kính, quy y”, “A” dịch sang tiếng Trung là “vô”, “Di Đà” dịch sang tiếng Trung là “lượng”, “Phật” dịch sang tiếng Trung là “giác”, cho nên “Nam Mô A Di Đà Phật” hoàn toàn là âm tiếng Phạn. Cho nên bản thân Phật hiệu cũng là một câu chú, quý vị niệm A Di Đà Phật cho chúng, niệm chú cho chúng, hoặc tam quy y cho chúng, đơn giản nhất là “quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng”, đọc ba lần là được rồi, trong tâm “cầu mong chúng tháo gỡ oan kết”, tâm của chúng sanh bị giết hại này đừng kết oán thù nữa, đời này họ giết tôi, đời sau tôi báo thù giết lại họ, oan oan tương báo khi nào mới dứt. Chúng sanh ở trong luân hồi, chính là đền trả nghiệp báo cho nhau như vậy, quá khổ rồi. Mong rằng “tháo gỡ oan kết, đoạn dứt ác duyên”, cầu chúc như vậy. Tốt nhất là cầu chúc chúng niệm A Di Đà Phật, vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Như vậy thì cho dù chúng vẫn bị giết, là bởi vì nghiệp báo, định nghiệp khó tránh khỏi, nhưng bởi vì chúng ta niệm Phật, trì chú, thuyết tam quy y, v.v… những pháp lực này cũng khiến chúng tiêu trừ nghiệp chướng, tăng trưởng thiện căn, có thể giúp chúng sau cùng được thân người, giống như con chó kia được thân người vậy. Trong Kinh Địa Tạng nói: Khi lâm chung, có thể nghe được một danh hiệu Phật, một danh hiệu Bồ-tát, thậm chí một danh hiệu Bích-chi-phật, bất luận là có tội hay không, cũng đều được giải thoát. Tối thiểu là được thân người, có thể tiếp tục nghe Phật pháp, thù thắng hơn là vãng sanh thẳng đến Tây Phương, như vậy càng tốt. Cho nên đây chính là khi chúng ta gặp phải trường hợp sát sanh, cần phải khởi tâm từ bi cứu giúp bảo vệ. Trong giới Bồ-tát, cũng đặc biệt có nói: Nếu thấy trường hợp sát sanh, không khởi tâm cứu giúp bảo vệ, không tận lực để cứu giúp bảo vệ, vậy thì phạm Bồ-tát khinh cấu tội.

Phần thích văn của giới này, giải thích bản văn xong rồi. Còn ba phương diện: Cụ duyên thành phạm, tiêu cảnh tưởng, khai duyên, thì để dành sáng mai chúng ta tiếp tục học tập, hôm nay chỉ nói đến đây, cám ơn mọi người.

 

HẾT

 

Cẩn dịch: Diệu Hiệp

Trả lời 0