Responsive Menu
Add more content here...

Bát Quan Trai Giới Giảng Yếu – Tập 3

BÁT QUAN TRAI GIỚI GIẢNG YẾU

                                                         Tập 3 

 

Chủ giảng: Pháp sư thượng Định hạ Hoằng

Thời gian: Ngày 13 tháng 9 năm 2017

Giảng tại: Chùa Thiện Quả Lâm Tịnh Độ – Đài Loan

 

Trì giới là gốc,

Tịnh Độ là nơi trở về.

Quán tâm là điều quan trọng,

Bạn lành là nơi nương tựa.

 

Kính chào Pháp sư Pháp Liên từ bi, chư vị Pháp sư, chư vị liên hữu, kính chào mọi người. Mời bỏ tay xuống.

Chúng ta tiếp tục học tập điều thứ nhất “không sát sanh” trong Bát Quan Trai giới. Hôm qua chúng ta đã học nguyên văn Sa Di Thập Giới Oai Nghi Lục Yếu của Đại sư Ngẫu Ích, hôm nay chúng ta tiến thêm một bước để phân tích giới tướng của điều giới này, sẽ phân tích về ba phương diện. Một phương diện là “cụ duyên thành phạm”, tức là điều giới này đầy đủ bao nhiêu duyên (duyên chính là điều kiện) trở thành phạm giới. Trong trường hợp nào sẽ phạm tội nặng, tức là tội nặng căn bản thượng phẩm, trường hợp nào là tội trung phẩm, tội hạ phẩm; trung phẩm, hạ phẩm là tội có thể sám hối, có thể thông qua tác pháp sám với Pháp sư để xuất tội. Nội dung của phương diện này, trong Luật Nam Sơn của Luật sư Đạo Tuyên nói rất tường tận, chúng ta có thể chọn tham khảo. Chúng tôi y theo sách Tỳ Kheo Giới Tướng Biểu Ký của Đại sư Hoằng Nhất đã biên soạn sao lục, còn có Tỳ Kheo Ni Giới Tướng Biểu Ký của Tỳ-kheo-ni Thắng Vũ đã biên soạn sao lục, nội dung của hai bộ này trên cơ bản là nhất trí, Tỳ Kheo Ni Giới Tướng Biểu Ký thì nội dung nhiều hơn một chút, chúng ta tham khảo hai quyển này để học tập. Bởi vì hai quyển này chỉ có người thọ giới Cụ Túc rồi mới có thể đọc, cho nên ở đây không phát tài liệu cho mọi người, nhưng tôi sẽ giảng giải những phần chúng ta có thể học được trong này. Đương nhiên muốn thâm nhập hơn để hiểu rõ giới tướng này, người có tâm học luật, tức là luật tại gia, có thể nghiên cứu đọc bộ sách Nam Sơn Luật Tại Gia Bị Lãm này của Đại sư Hoằng Nhất. Bộ sách này hoàn toàn biên soạn sao lục từ Nam Sơn Tam Đại Bộ của Luật sư Đạo Tuyên, bao gồm chú giải của Luật sư Nguyên Chiếu, nhưng văn tự tương đối sâu, nội dung tương đối sâu rộng, người mới học có thể sẽ cảm thấy có chút khó khăn. Cho nên lần giảng giải này của chúng tôi, là trích dẫn nội dung tương đối đơn giản của Giới Tướng Biểu Ký, Trì Phạm Thiên trong Nam Sơn Luật Tại Gia Bị Lãm thì sẽ tường tận hơn.

“Cụ duyên thành phạm” của giới sát này, nếu nói về tội nặng giết người, là cụ ngũ duyên thành phạm, đầy đủ năm điều kiện thì trở thành phạm tội:

Thứ nhất: Là người;

Thứ hai: Nghĩ là người;

Thứ ba: Khởi tâm giết hại;

Thứ tư: Khởi phương tiện;

Thứ năm: Mạng đoạn

Đầy đủ năm điều kiện này rồi, thì phạm tội nặng căn bản, tội thượng phẩm không thể sám hối. Nếu trong đó thiếu mất một duyên, đương nhiên sẽ không phạm phải tội căn bản, tội đó sẽ giảm xuống, trở thành trung phẩm, thậm chí là hạ phẩm, hoặc là không phạm. Duyên đầu tiên, đối tượng đã giết là người, chúng sanh cõi người. Duyên thứ hai là chúng ta cũng tác nhân tưởng, tôi biết đối phương là người, bất luận họ là Trương Tam, Lý Tứ hay Vương Ngũ, dù sao họ cũng là người. Tôi lại có tâm giết hại đối phương, không phải ngộ sát, biết được đối phương là người, cũng không phải là cho rằng đối phương là khúc gỗ, súc sanh, hay là chúng sanh khác như trời, rồng, quỷ thần, v.v… đây là “tác nhân tưởng”.

Như vậy để khởi phương tiện, phương tiện này thì có rất nhiều. Ví dụ như tự mình dùng tay để giết, đây là dùng nội sắc; hoặc là dùng dao gậy, v.v… để giết, đây là dùng ngoại sắc; hoặc “khiển sử sát”, tức là bảo người khác hoặc là phái một sát thủ đi giết; hoặc kêu bản thân họ đi tự sát. Ví dụ ca tụng rằng “sau khi anh chết thì nhất định sanh lên cõi trời, mau chóng chết đi”, kêu họ đi chết, tự sát. Họ nghe lời của quý vị xong, thật sự cho rằng chết rồi thì sanh lên cõi trời, liền tự sát, vậy thì quý vị phạm tội giết người. Còn có khiển sử sát”, cũng không chỉ là sai sứ giả thứ nhất (tức là sát thủ), có thể vãng lai sử hoặc là trùng sử, triển chuyển sử v.v… Ví dụ như phái một tên sát thủ đi giết họ, giết không thành, trở về bẩm báo với quý vị, sau đó quý vị kêu người đó đi thêm lần nữa, cho đến khi giết chết họ mới thôi, như vậy gọi là “vãng lai sử”. Hoặc là tên sát thủ này, họ không đích thân ra tay, họ lại kêu một sát thủ khác đi giết, sát thủ khác cũng có thể không đích thân làm, lại phái sát thủ thứ ba đi giết, như vậy gọi là sai khiến triển chuyển. Tóm lại, tên sát thủ cuối cùng giết chết đối phương rồi, thì tôi phạm tội giết người. Đương nhiên là tất cả những sát thủ bảo người khác giết trong đây, hết thảy đều phạm tội giết người; còn có các kiểu như dùng thân nghiệp, khẩu nghiệp, đủ các phương thức để khiến cho họ tử vong. Ví dụ như “thân tác tướng”, người khác đang đứng bên vách núi, quý vị hung tợn vung tay hù dọa họ, họ lùi về phía sau, kết quả là rơi xuống vách núi chết rồi. Tuy rằng tôi không đánh họ, nhưng đã tác tướng làm họ tử vong. Miệng nói, lúc nãy cũng nói rồi, khuyên họ chết hoặc là nói một số lời ép họ tự sát, hoặc là dùng cách thức viết thư khuyên họ chết, hoặc là dùng cách thức viết thư bảo sát thủ giết chết, hoặc là thiết lập những cơ quan, cạm bẫy v.v… để giết chết đối phương. Trong bài văn của Đại sư Ngẫu Ích đã nêu ra một điều, chính là “tự mình giết, hoặc bảo người giết, hoặc dùng phương tiện giết, dùng chú giết, phá thai, phá trứng, đưa thuốc độc cho người khác” v.v…, những việc này đều là khởi phương tiện. Mạng của đối phương đoạn rồi, như vậy thì phạm tội căn bản. Mạng vẫn chưa đoạn, thì phạm tội phương tiện trung phẩm, lúc này vẫn có thể sám hối, mạng đoạn rồi thì không thể sám hối nữa.

Ở đây nói đến cụ duyên thành phạm, nếu đối tượng giết không phải là người, là trời, rồng, quỷ thần, mà tôi lại tưởng là người hoặc nghi là người, việc này xét theo tội giết người, thuộc về cảnh sai, đối tượng sai lầm, tôi vốn dĩ muốn giết người, kết quả là giết trời rồng quỷ thần rồi. Vậy thì nói về tội giết người, đó là một tội phương tiện, giết không thành. Cụ duyên thành phạm, thiếu đi duyên thứ nhất: Đối tượng là người, họ không phải là người. Hoặc là đối với súc sanh cũng như vậy, đối tượng tôi giết là súc sanh, nhưng tưởng là người, vốn dĩ tôi muốn giết người, kết quả là giết súc sanh rồi, điều này đối với tội giết người mà nói là tội phương tiện, đều thuộc về tội trung phẩm. Đây chính là mục thứ tư, gọi là tiêu cảnh tưởng”, đối tượng có sai lầm. Đương nhiên nếu muốn giết người, tưởng là người, nhưng đã giết khúc gỗ, khúc gỗ tất nhiên là không giết được, nó không phải là chúng sanh hữu tình, tôi chặt một đao xuống là chặt khúc gỗ, không phải chặt đứt cổ của con người, đây chính là cây gỗ, tưởng là người, như vậy cũng căn cứ vào tội giết người mà nói, là tội phương tiện, tội trung phẩm. Đây là nói đến cảnh sai. Cảnh sai còn có một trường hợp là như thế nào? Nếu quý vị muốn giết Trương Tam, kết quả là giết Lý Tứ, nhưng bởi vì đối phương là người, quý vị cũng biết họ là người, “thị nhân, tác nhân tưởng”, tuy là giết sai đối tượng, nhưng cũng là tội căn bản thượng phẩm, chỉ cần đối tượng trước mặt quý vị là người, quý vị cũng muốn giết người. Còn có một trường hợp là tâm giết hại thông mạn, bất luận là giết ai, giết người cũng được, giết trời, rồng, quỷ thần cũng được, giết súc sanh cũng được, giết toàn bộ, đây là đại mạn tâm (mạn chính là chữ mạn trong “thủy mạn kim sơn”, chữ mạn có bộ thủy). Thông mạn, hễ là chúng sanh hữu tình tôi đều giết, như vậy thì tôi chém một đao xuống, nếu chém trúng người chính là tội giết người, tội thượng phẩm không thể sám hối; nếu giết trời rồng quỷ thần, đây là tội trung phẩm; nếu giết súc sanh, chính là tội hạ phẩm, vậy thì xét theo đối tượng quý vị giết thực tế là ai. Đây là trong đối tượng có sai lầm. Đối tượng quý vị [muốn] giết không hiện tiền, là một đối tượng khác thay thế, đây là “cảnh sai”.

Nếu là “tưởng sai”, tâm của tôi muốn giết người, hoặc là nghi ngờ rốt cuộc đối phương có phải là người không, tâm tưởng này có sai khác, không nhất định. Hoặc là thậm chí nghĩ đối phương không phải là người, nghĩ là phi nhân, nghĩ là súc sanh, như vậy thuộc về “tưởng sai”, tức là tuy đối tượng đã giết là người, nếu tôi có tưởng sai, tội nghiệp đó sẽ giảm xuống. Cho nên ví dụ như đối tượng đã giết là người, nếu tôi nghĩ là người thì đương nhiên phạm tội thượng phẩm không thể sám hối, nhưng tôi có nghi ngờ, khi giết tôi nghi ngờ đối phương có phải là người không? Như vậy gọi là trực nghi, không nghĩ điều gì khác, nghi ngờ trực tiếp đối phương có phải là người không, nhưng vẫn chém một đao xuống giết chết họ, kết quả phát hiện họ thật sự là người. Trong sát-na giết đó, tâm có nghi ngờ, không phải chắc chắn lắm, tội đó cũng tương đối nhẹ. Cho nên Phật phán tội là xét về nhân quả, nhân quả chính là nghiệp của tâm quý vị, nếu tâm quý vị chắc chắn cho rằng họ là người, giết rồi, thì tội này nặng; tâm quý vị nghi ngờ là tương đối yếu ớt, tội này thì khá nhẹ. Cho nên đối tượng giết là người, cảnh giới là người, nghi là người, giết rồi, là tội trung phẩm. Cũng có thể là “hỗ nghi”, hỗ nghi chính là có hai cảnh giới, bản thân do dự không chắc, là người sao? Hay là phi nhân? Đây là hỗ nghi. Hoặc nói là người sao? Hay là súc sanh? Hỗ nghi. Trực nghi là chỉ nghi ngờ cảnh giới thứ nhất này, là người sao? Hỗ nghi là có hai cảnh giới do dự không chắc, là người hay là súc sanh? Hai trường hợp này đều thuộc về “nghi là người”. Trường hợp có nghi ngờ này giết rồi là tội trung phẩm.

Nếu tác phi nhân tưởng, ví dụ như quý vị nghĩ đối phương là trời, rồng, quỷ thần, hoặc là súc sanh, mà đối tượng giết lại là người, mà tưởng là phi nhân, phạm tội trung phẩm. Như vậy là tâm tưởng đó không phải nghĩ đến người, cho nên tội đó càng nhẹ. Nếu nghi là phi nhân, mà đối tượng giết lại là phi nhân, cảnh giới phi nhân, nếu tôi nghi họ là người hay là phi nhân, tác phi nhân nghi, vẫn kết tội giết người, bởi vì họ có một nửa tâm tưởng là người, nghi ngờ, có một nửa nghĩ người, một nửa nghĩ phi nhân. Đối tượng giết là phi nhân, phi nhân bao gồm trời, rồng, quỷ thần hoặc súc sanh, nhưng tâm tưởng của quý vị có nghi ngờ, một nửa cho rằng có thể là người mà đi giết họ, lúc này cũng phạm tội trung phẩm, vẫn kết tội về tội giết người, kết tội phương tiện. Tức là thiếu đi tâm tưởng này, tâm tưởng cũng thiếu, đối tượng cũng thiếu, tức là thiếu mất hai duyên là duyên thứ nhất và duyên thứ hai, gọi là song khuyết. Thứ nhất: Đối tượng “là người”, thiếu đối tượng này rồi, chúng không phải người, mà là súc sanh; thứ hai là “nghĩ là người”, duyên này cũng thiếu rồi, tôi có phi nhân nghi, đó là phi nhân sao? Cho nên đó cũng thiếu cảnh, cũng thiếu tâm, nhưng vẫn có một nửa tâm là tâm giết người, cho nên kết tội dựa trên tội giết người.

Đây là “tiêu cảnh tưởng”. Cho nên phân tích tội tướng này ra thì tương đối vi tế. Mọi người về nhà không ngại cũng có thể liệt kê bảng biểu, thông thường là liệt kê năm câu. Năm câu nào? Chính là cảnh và tâm kết hợp với nhau, tổng cộng có năm câu. Đối tượng là người, tôi nghĩ là người, nghi là người, tưởng là phi nhân, ở đây có ba câu. Đối tượng giết là người, nghĩ là người, tội thượng phẩm; nghi là người hoặc nghi là phi nhân, tội trung phẩm, đối tượng là người thì có ba câu. Đối tượng không phải là người, là phi nhân, hoặc là trời, rồng, quỷ thần hoặc là súc sanh, thậm chí là khúc gỗ, đều bao hàm trong đó, có hai câu: Một là tưởng là người mà giết rồi, tội trung phẩm; hoặc nghi là phi nhân, “rốt cuộc họ có phải là người hay không?”, giết rồi, cũng là tội trung phẩm. Có hai câu, hợp lại tổng cộng là năm câu, tự mình có thể liệt kê bảng biểu. Câu thứ nhất là tội thượng phẩm, ngoài ra đều là tội trung phẩm. Đây là cảnh tưởng, cho nên vào lúc phán tội, bản thân biết được lúc đó dùng tâm gì, là đối tượng nào, như vậy thì sẽ phán tội được khá chính xác.

Đương nhiên là thiếu duyên thứ ba, nếu thiếu “sát tâm”, tức là không có tâm giết hại, gọi là ngộ sát, ngộ sát thì đương nhiên là không phạm. Ví dụ như quý vị làm việc ở trên cao, đang lấy gạch xây tường, kết quả không cẩn thận làm rơi gạch xuống, từ tầng ba rơi xuống dưới, bên dưới đúng lúc có một người đi qua, đập trúng đầu của họ, người đó tử vong tại chỗ. Vậy tôi không có tâm giết hại, không cẩn thận, bất cẩn làm rơi viên gạch xuống dưới, đó không thuộc về phạm giới sát, vì thiếu duyên thứ ba, tức là không có tâm giết hại này, tôi không muốn giết đối phương, vậy tất nhiên là không phạm. Tuy ngộ sát không phạm giới, nhưng chắc chắn sẽ có nhân quả, điều này là không thể tránh khỏi. Lại ví dụ như chúng ta nhìn thấy có tên trộm và bắt họ lại, muốn trừng phạt họ, ví dụ như là quý vị đè họ thật chặt, khiến họ không thở được, kết quả là sau cùng họ nghẹt thở tử vong. Chúng ta bắt tên trộm này, vốn dĩ không phải muốn giết tên trộm này chết, chỉ là chế ngự họ, nhưng không ngờ dùng quá sức nên làm họ chết rồi, như vậy cũng không có tâm giết hại, cho nên như vậy cũng không phạm. Đương nhiên là không phạm, tuy không phạm giới, nhưng cũng sẽ phạm phải tội hạ phẩm, không nên làm như vậy. Về pháp luật sẽ phán xét như thế nào, điều này khác với giới luật, đây quyết định bởi luật sư và thẩm phán của tòa án, cuối cùng do họ kết án. Chúng ta xét về giới luật, xét nhân quả, bởi vì họ không có tâm giết hại, cho dù bất cẩn làm cho người khác tử vong, cũng không tính là phạm giới sát. Lại ví dụ khi chúng ta chăm sóc bệnh nhân, nếu bất cẩn, không chăm sóc tốt, làm cho bệnh nhân tử vong rồi, như vậy cũng không phạm giới sát, bởi vì chúng ta không có tâm giết hại, chỉ là do bất cẩn. Đương nhiên trong này, nếu chúng ta xem thường, không quan trọng, qua loa đại khái, tâm này cũng sẽ phạm tội hạ phẩm. Nhưng đã hết sức mình, rất để tâm rồi, họ có quả nghiệp như vậy, thì dù tội nhỏ tôi cũng không phạm, cách phán xét là như vậy.

Lại ví dụ, còn có một trường hợp, điều này trong Luật Tứ Phần có nói đến, nếu có người muốn nhảy xuống vực, nhảy từ đỉnh núi, hoặc là nhảy lầu, hiện nay nhảy lầu tương đối nhiều. Nhảy lầu, từ tầng 19 nhảy xuống dưới, muốn tự sát, kết quả là nhảy xuống rất bất cẩn, đúng lúc bên dưới có một người đi qua, đè trên người của họ, người đó bị đè chết rồi, tôi là người nhảy lầu ngược lại không chết, kết tội này như thế nào? Người nhảy lầu này muốn tự sát, nhưng chưa được như ý nguyện, thuộc về tội phương tiện giết người, tội trung phẩm; đối với người vô tội bị đè chết đó, họ cũng không phạm giới sát, bởi vì không có tâm giết hại, không muốn giết người khác, họ chỉ muốn tự sát, kết quả là nghiệp duyên, đúng lúc người đó đi ngang bên dưới, liền đè chết người đó rồi, trái lại bản thân còn sống. Họ không có tâm giết hại nên không phạm tội, đối với người bị đè chết cũng không phạm giới sát, đối với bản thân thì phạm tội phương tiện giết người, giết người không chết. Hôm trước đã nói, cho dù bản thân chết, cũng là tội phương tiện giết người. Nếu quý vị đã thọ Ngũ giới, trong lúc chết thì giới thể tự nhiên mất rồi, không còn giới thể, cho nên lúc đó không có giới để phạm. Vì vậy chỉ dừng ở trường hợp quý vị phạm giới khi còn sống, khi còn sống đó là giết người chưa chết, tự sát vẫn chưa chết, đó thuộc về tội phương tiện. Trong sát na chết đi, cũng không có giới để phạm rồi, cho nên sẽ không phạm tội căn bản. Nhưng giới Bồ-tát thì không như vậy, nếu quý vị thọ giới Bồ-tát rồi, tự sát thì phạm tội căn bản. Bởi vì giới thể không do quý vị chết mà mất đi, giới Bồ-tát là tận vị lai tế, mang theo đời đời kiếp kiếp, có sự khác biệt như thế.

Tiếp theo chúng ta nói “khai duyên”. Về phần khai duyên, có thông khai, có biệt khai. Ý nghĩa của thông khai chính là thông tất cả các giới, đều có sự khai duyên giống như vậy, tức là trường hợp không phạm; biệt khai chính là chỉ khai duyên riêng biệt cho điều giới này. Thông khai, thông thường trong luật nói “cuồng loạn hoại tâm”, tức là bản thân đã phát cuồng, điên cuồng rồi, tức là vốn dĩ không biết bản thân là ai, bị tâm thần phân liệt nghiêm trọng, hoàn toàn không biết bản thân là một tín đồ Phật giáo đã thọ giới, lúc này thuộc về cuồng loạn hoại tâm. Tâm si cuồng này, “si cuồng, tâm loạn, thống não, bức bách”, hoàn toàn đã mất đi tư duy của một người bình thường, người này phạm giới thì không xem là phạm. Bởi vì tâm lúc đó thuộc về một trạng thái vô ký, tâm mà giới đối trị chính là tâm ác, tâm phiền não, lúc đó họ đã không cách nào tự kiềm chế, nên không phạm. Điều này trong pháp luật cũng phán xét như vậy, một bệnh nhân bị tâm thần phân liệt, cho dù đánh chết người rồi, họ cũng không phạm tội giết người, đó là bởi vì họ không thể tự kiềm chế. Việc này cũng có tiêu chuẩn, không thể tùy tiện, khi tôi giết người thì tôi giả điên, sau đó giết rồi thì không có tội, không phải như vậy. Tiêu chuẩn trong luật là: Kiến phẩn nhi tróc, như chiên đàn vô dị, kiến hỏa nhi tróc, như kim vô dị, nãi danh vi cuồng”. Nhìn thấy đại phẩn (tức là phân), nhìn thấy nó thì cầm lên, giống như cầm gỗ chiên đàn hương vậy, thậm chí có thể đưa vào miệng. Trường hợp của quý vị như vậy chính là cuồng loạn rồi. Còn có một trường hợp là nhìn thấy lửa, thì xem như là vàng mà nắm, tay để trong lửa cũng không hề gì, như vậy cũng là tâm cuồng loạn. Nếu quý vị không phải như vậy, quý vị cảm thấy phân vẫn hôi, phân biệt không bước tới, quý vị cảm thấy lửa đốt tay vẫn đau, không dám để vào, vậy chứng tỏ quý vị vẫn còn lý trí, đó không phải là trường hợp si cuồng tâm loạn, nên không thể khai duyên. Đây là phần thông khai, tất cả các giới đều như vậy.

Phương thức khai duyên thứ hai là biệt khai, chỉ riêng điều giới này. Trong Giới Tướng Biểu Ký nói đến sự khai duyên này: “Nếu ném dao, gậy, gạch, đá trúng nhầm làm chết người thì không phạm”, đây là trường hợp ngộ sát. Hoặc là “nếu xây nhà cửa vô tình rớt đá, cây gỗ, cột trụ làm chết người thì không phạm”. Như vừa rồi nói, quý vị đang làm việc để rơi những đá, gỗ, v.v… dẫn đến chết người thì không phạm, đều là trường hợp ngộ sát. “Nếu chăm sóc người bệnh nặng, đỡ lên xuống, tắm rửa, cho uống thuốc, từ chỗ lạnh qua nóng, từ chỗ nóng qua lạnh, vào phòng, ra phòng, ra vào phòng vệ sinh”, lúc này bệnh nhân chết rồi thì không phạm, tức là trường hợp chăm sóc người bệnh, đột nhiên họ tắt thở rồi, đang dìu họ đi thì tắt thở rồi, như vậy đều không phạm. Cho nên nếu “hết thảy đều không có tâm giết hại nhưng họ chết” thì không phạm. Không nghĩ đến muốn giết hại họ, tự họ chết, việc này cũng không phạm ngộ sát. Giới sát, năm phương diện của điều giới này, chế ý, thích văn, cụ duyên thành phạm, tiêu cảnh tưởng, khai duyên, chúng tôi đều đã nói hết, điều giới này nói đến đây đã viên mãn.

Tiếp theo chúng ta xem điều giới thứ hai, chính là “không trộm cướp”. Trước tiên nói phần chế ý, vì sao Phật chế định điều giới này. Bởi vì tiền tài vốn là để chúng ta duy trì thân mạng, không có tiền tài thì chúng ta không thể tiếp tục sinh sống. Cho nên người phàm thông thường rất xem trọng tài vật, tâm niệm chấp trước rất sâu. Nhưng những đệ tử học Phật như chúng ta, phải dùng từ bi làm hoài bão, có thể xả bỏ những thứ mà bản thân quý trọng để cứu giúp chúng sanh. Nếu còn làm ngược lại mà chiếm đoạt của người khác, chiếm tài vật của người khác làm của riêng mình, như vậy thì tổn hại người khác, đồng thời cũng phá hoại giới thể của chính mình rồi. Đây là lỗi lầm rất nghiêm trọng, do đó Phật đã chế định điều giới này. Điều giới này là “không trộm cướp”, trộm cướp là chỉ dùng tâm trộm cướp để chiếm đoạt tài vật của người khác. Điều giới không trộm cướp này chính là đối trị ác nghiệp của trộm cướp, cho nên gọi là không trộm cướp. Chúng ta xem nguyên văn trong Thập Giới Môn của Đại sư Ngẫu Ích:

Phàm hữu chủ vật, bất đắc đạo tâm cố thủ, nhược tự thủ, giáo tha thủ, phương tiện thủ, chú thủ, nhân ký thủ, mê hoặc thủ, cuống thủ, để trái bất hoàn, thâu thuế, mạo độ đẳng, linh tiền nhân thất vật, tịnh danh vi đạo. Sở thủ trực ngũ tiền, tức bát phân ngân phạm trọng tội, thất Sa-di giới, bất thông sám hối; tứ tiền dĩ hạ, phạm trung tội; nhị tiền nhất tiền phạm hạ tội, do hứa sám hối diệt phạm giới tội, nhi tánh tội bất diệt, tu gia lợi thường. Nhược bất thường giả, hậu sanh chuyển trọng, chung vô khả lại chi lý. Nhược đạo nhi vị đắc, phạm phương tiện tội, tu ân trọng sám hối, miễn trí đọa lạc”.

Phàm là vật có chủ thì không được cố lấy bằng tâm trộm cướp, hoặc tự mình lấy, hoặc bảo người khác lấy, hoặc lấy bằng phương tiện, hoặc lấy bằng chú, nhân lúc người khác gửi mà lấy, mê hoặc để lấy, lừa gạt để lấy, chống cự nợ nần không trả, trốn thuế, dối đò, v.v… khiến cho người khác mất đồ vật thì đều gọi là trộm cướp. Những vật đã lấy trị giá năm tiền, tức là tám phân bạc thì phạm tội nặng, mất giới Sa-di, không thông sám hối; bốn tiền trở xuống, phạm tội trung; hai tiền một tiền phạm tội hạ, còn cho sám hối diệt tội phạm giới, nhưng tánh tội không diệt, phải trả thêm lời. Nếu không trả nợ đó thì đời sau chuyển thành nặng, hoàn toàn không có lý nào chối bỏ được. Nếu trộm mà chưa được thì phạm tội phương tiện, phải tha thiết sám hối mới tránh khỏi sự đọa lạc.

Đây là phần thích văn, chúng tôi sẽ giải thích đoạn văn này. Điều giới này với điều giới sát phía trước và giới dâm, giới đại vọng ngữ phía sau đều là tánh giới, cũng có nghiệp của giá tội. Bởi vì Phật đã chế định điều giới này, cho nên bốn điều giới sát đạo dâm vọng đều đầy đủ hai nghiệp tánh và giá. Vậy trong văn nói “phàm hữu chủ vật”, là vật đã có chủ, chúng ta không thể dùng tâm trộm cướp để cố ý cướp đoạt, lấy trộm, cố ý chính là tâm trộm cướp. Biết rõ là vật có chủ, nhưng chưa được sự đồng ý của chủ nhân mà tự ý chiếm làm của riêng, như vậy là phạm trộm cướp. Tiếp theo là nói phương tiện của trộm cướp, dùng phương pháp gì để trộm cướp? Phương pháp thì có rất nhiều, trong này đã nêu ra một số phương pháp.

Nhược tự thủ”, đích thân mình đi lấy. Hoặc giáo tha thủ”, bản thân không ra tay, bảo người khác ra tay. Hoặc là “phương tiện thủ”, dùng phương tiện khác như: gạt người, uy hiếp người khác, hoặc làm ăn với người khác mà dối gạt, v.v… đủ các phương tiện. Còn có “chú thủ”, niệm chú, ví dụ như niệm chú với thi thể, khiến thi thể này trực tiếp đến nơi nào đó lấy trộm đồ vật, cũng có huấn luyện một số con khỉ, súc sanh, chúng giúp quý vị lấy, trộm đồ vật. Còn có “nhân ký thủ”, đồ vật mà người khác gửi ở chỗ quý vị, lẽ ra phải trả cho người khác, sau cùng thì không chịu trả lại, để ở chỗ tôi là của tôi, như vậy là trộm cướp. Còn có “mê hoặc thủ”, mê hoặc đối phương, nói đồ của tôi có giá trị rất cao, trao đổi đồ vật của anh, trên thực tế thì không phải như vậy, mê hoặc đối phương để dối gạt mà lấy. “Cuống thủ” cũng như vậy, dùng cách thức dối gạt, ví dụ như kinh doanh mà bán hàng giả, những điều này đều thuộc về cuống thủ.

Còn có “để trái bất hoàn”, thiếu nợ người khác, thiếu nợ ngân hàng v.v… không chịu trả, khi nào có ý không trả, thì phạm trộm cướp. Ví dụ như quý vị mượn người khác mười ngàn, nếu quý vị không nghĩ đến việc không trả, lúc này vẫn chưa phạm trộm cướp, khi nào quý vị có tâm nghĩ tôi sẽ không trả, trong sát-na đó là phạm trộm cướp. Mười ngàn đồng, vậy thì hơn năm tiền, kết tội thượng phẩm căn bản không thể sám hối. Còn có “thâu thuế”, điều này thì người kinh doanh phải đặc biệt chú ý, trốn thuế là trộm cướp của chính phủ, có người hỏi trốn thuế hợp lý có được không? Đương nhiên là tôi chưa từng kinh doanh, trốn thuế hợp lý rốt cuộc là trốn như thế nào? Rốt cuộc có phải hợp lý không? Có lẽ cần có nhân viên thuế vụ, quan chức của bộ phận thuế vụ quyết định. Tóm lại, tiêu chuẩn này là gì? Trong phạm vi pháp luật của chính phủ cho phép mà trốn thuế hợp lý, như vậy mới gọi là hợp lý. Nếu làm trái pháp luật, vậy thì thuộc về trốn thuế rồi, trộm bao nhiêu? Cũng là đủ năm tiền thì phạm tội nặng. Mạo độ”, đây chính là qua hải quan, cũng như không nộp thuế hải quan, đương nhiên xuất cảnh, nhập cảnh v.v… thường sẽ có vấn đề này. Tt nhiên cũng có trường hợp khác, ví như muốn vào công viên giải trí phải mua vé, quý vị cố ý không mua vé mà lừa dối qua được, đây cũng là mạo độ, đều là trộm cướp. Như nhập cảnh, hải quan của quốc gia nào cũng có quy định, một mình quý vị nhiều nhất chỉ đem bao nhiêu thuốc lá, đem bao nhiêu rượu, đem bao nhiêu hàng hóa xa xỉ, nhiều hơn thì phải đánh thuế, hoặc chỉ có thể đem bao nhiêu tiền mặt, nhiều thì không được, phải tịch thu, nếu chúng ta vi phạm những điều này, cũng có trường hợp mạo độ.

Vì vậy, đệ tử Phật chúng ta phải nghiêm túc giữ gìn giới trộm cướp này, bất luận ở đâu, chúng ta đều tuân thủ pháp luật, như vậy thì đại chúng trong xã hội sẽ khen ngợi. Chúng ta phải trì giới thật tốt, không thể tham lam lấy những lợi ích đó, phải biết lợi ích mà quý vị tham có nhiều hơn đi nữa, thì so với giới thể thanh tịnh của quý vị mà nói, đều là nhỏ nhặt không đáng kể, thậm chí là không thể so sánh. Bởi vì giới thể có thể giúp quý vị được giải thoát trong tương lai, có thể thành tựu Phật đạo, mà lợi dưỡng quý vị có được lúc này, chỉ là mây khói lướt qua, không phải sở hữu của quý vị. Tài là sở hữu của năm nhà, đó là nước, lửa, kẻ trộm cướp, vương phủ, và con bất hiếu. Quý vị tích lũy được vàng bạc đầy núi, đến sau cùng đều không phải của quý vị, bởi vì khi quý vị ra đi là hai bàn tay trắng, không có gì cả, chẳng bận lòng, thứ gì cũng không mang đi. Nhưng sẽ mang theo nghiệp của quý vị, nếu quý vị phạm những ác nghiệp sát đạo dâm vọng này, thì đời sau phải chịu báo ứng, chẳng mang được gì cả, chỉ có nghiệp theo mình”, chúng ta phải tin sâu nhân quả. Chỉ có người tin sâu nhân quả, quý vị mới có thể nghiêm túc trì giới, không tin nhân quả thì rất khó, quý vị không thể trì giới, khi gặp phải cảnh giới khảo nghiệm, quý vị sẽ sử dụng lại tập khí vốn có của mình, tập khí tham sân si.

Cho nên vì sao chúng tôi, còn có lão Hòa thượng khi giảng kinh, đều đặc biệt nhấn mạnh phải cắm chặt ba gốc rễ, ba gốc rễ chính là phước thứ nhất trong tịnh nghiệp tam phước, phước trời người. Trong phước thứ nhất có hiếu thân tôn sư, còn có tin sâu nhân quả, phải tu thập thiện nghiệp. Người tin sâu nhân quả mới có thể đoạn ác tu thiện, có nền tảng này thì quý vị mới có phước thứ hai, trì giới. Nếu là một người bất hiếu, không hiếu thân, không tôn sư, người này không thể trì giới. Trong Phạm Võng Bồ Tát Giới nói: Hiếu thuận phụ mẫu, Sư Tăng, Tam Bảo, hiếu thuận chí đạo chi pháp, hiếu danh vi giới, diệc danh chế ý”. Tất cả giới pháp do Phật Tổ chế định, giới Bồ-tát là bao gồm trần-sa giới pháp, khái quát lại chỉ một chữ “hiếu”, “hiếu danh vi giới”, quý vị bất hiếu thì không thể trì giới. Hiếu với ai? Hiếu thuận cha mẹ, Sư Tăng, Tam Bảo, hiếu thuận cha mẹ, hiếu thuận Sư Tăng. Chữ “Sư” này đặc biệt nói đến Hòa thượng A-xà-lê truyền giới cho quý vị, Ngài truyền trao giới thể cho quý vị, quý vị đắc giới từ Ngài, nếu quý vị không có tâm hiếu kính, thì quý vị không thể tôn trọng giới thể của bản thân, vậy quý vị làm sao có thể trì giới cho tốt được? Nhất định phải tôn trọng giới thể của bản thân hơn sinh mạng của chính mình, mới có thể thà bỏ thân mạng chứ quyết chẳng phạm giới, đây chính là đại hiếu. Hiếu thuận cha mẹ, hiếu thuận Sư Tăng, còn có Tam Bảo. Quy y Tam Bảo rồi, nếu tôi phạm giới, thì có lỗi với Tam Bảo, cũng có lỗi với cha mẹ. Vì vậy đây chính là phước thứ nhất trong tịnh nghiệp tam phước, hiếu thân tôn sư. Còn có tin sâu nhân quả, biết rằng phạm giới chắc chắn đọa vào đường ác, nhất định có nhân quả, thì quý vị không dám phạm. Người hiếu thân tôn sư không dám phạm giới, cho việc phạm giới là nỗi nhục, biết rằng đây là hành vi bất hiếu. Người tin sâu nhân quả không dám phạm giới, biết rằng phạm giới nhất định có quả báo. Cắm chặt gốc rễ của phước thứ nhất rồi, tự nhiên quý vị làm được phước thứ hai.

Cho nên không trộm cướp, điều này là giới, phải thật sự hành trì giới này, điều giới này khó giữ gìn nhất. Trong tất cả các giới thì trộm cướp là khó nhất, bởi vì phạm vi liên quan đến là rộng lớn nhất, quý vị có chút tâm trộm cướp muốn chiếm phần lợi, tâm trộm cướp muốn tự lợi cho mình mà tổn hại người, khó tránh sẽ phạm phải. Mà tâm này là tập khí sâu nặng nhất của chúng ta, quý vị nhất định phải thông qua nghiêm trì giới luật mới có thể đối trị tập khí này, đây là gốc rễ luân hồi từ vô thỉ kiếp đến nay, chính là tự tư tự lợi, tổn người lợi mình. Nếu không học giới, trì giới thật tốt, quý vị nói tôi niệm Phật là được, có lúc sức mạnh của niệm Phật chưa chắc đạt được, bởi vì quý vị không niệm đến nhất tâm bất loạn. Quý vị không hàng phục được phiền não, cho nên trì giới là trợ hạnh tốt nhất trong việc niệm Phật của chúng ta. Trì giới là thật làm, ví dụ như quý vị buôn bán, liền liên quan đến phải nộp bao nhiêu tiền thuế, nộp thuế rồi thì tiền không phải là của mình, có nên nộp không, có xả bỏ được không, như vậy thì có thể kiểm nghiệm ra rồi. Nếu quý vị thật sự giữ giới, phải nộp bao nhiêu thì nộp bấy nhiêu, thà bỏ thân mạng quyết không phạm giới, lại huống chi là chút tiền tài đó. Quý vị tin sâu nhân quả, cho dù bây giờ tôi nộp tiền thuế rồi, nhưng là tiền của mình thì sẽ trở lại, là tiền tài của mình thì không mất, là con cái của mình thì không chết”. Quý vị phải tin tưởng, quý vị có tin nhân quả hay không? Quý vị có thể trì giới thì chứng tỏ quý vị tin nhân quả; không chịu trì giới, miệng nói tin nhân quả là giả.

Thậm chí còn có một hình thức trộm cướp là gì vậy? Trong Luật nói: “Tặc phục đoạt tặc” cũng là trộm cướp. Có nghĩa là gì? Nếu bây giờ có tên cướp giật đồ của chúng ta, tên cướp đó đã sanh tâm quyết định, chiếm tài vật đó làm của riêng rồi, tôi cũng nghĩ rằng đã mất, tài vật này đã thuộc về tên cướp, không phải là tài vật của tôi, tôi đã nghĩ mình mất đi, họ đã nghĩ mình đạt được, thì là của họ rồi. Cho dù họ dùng thủ đoạn phi pháp để cướp về, nhưng họ có thể cướp được tức là ta đã nợ họ, quý vị tin nhân quả. Còn nếu bây giờ tôi không cam chịu, tìm người bắt tên cướp đó lại, đoạt lại tài vật về, như vậy là phạm giới trộm cướp, gọi là “tặc phục đoạt tặc”. Quý vị cũng là tên cướp rồi, quý vị là tên cướp đoạt của tên cướp, bởi vì tài vật đó là của tên cướp ấy, quý vị đoạt lại nó về, vậy quý vị cũng là cướp rồi. Tài vật đoạt lại, đủ năm tiền thì phạm giới trọng, thượng phẩm không thể sám hối. Trong giới luật có quy định, nhân quả được phán định như vậy. Trong pháp luật khẳng định không phán xét như vậy, đó vốn dĩ là tài vật của quý vị, quý vị đoạt nó trở lại là tất nhiên, pháp luật phán xét như vậy, không sai, nhưng nhân quả không phán định như vậy. Họ cướp được thì đó là của họ, không phải của họ thì họ không cướp được. Cho nên đệ tử Phật chúng ta phải tin sâu nhân quả, có người đến cướp của tôi, thật sự bị họ cướp đi rồi cũng đừng hối hận, cũng đừng sân giận, càng không cần phải đoạt lại nó, không cần thiết.

Từng có một nhà doanh nghiệp ở Đại Lục, làm kinh doanh bất động sản, công việc làm ăn rất lớn, anh ấy cũng là người học Phật. Có một hôm anh ấy đến thỉnh giáo tôi một vấn đề, chính là đến than khổ, anh ấy bị một người gạt hết 9 triệu, 9 triệu nhân dân tệ, đó là một số vốn rất lớn, anh ấy hỏi tôi: “Có cần thưa kiện, lấy lại số tiền đó không?” Anh ấy là đệ tử Phật, tôi hỏi anh ấy: “Anh có muốn nghe lời chân thật không?” Anh ấy nói muốn nghe lời chân thật. Tôi nói: “Vậy anh bỏ qua đi, đừng thưa kiện, cho người đó đi. Tiền là của họ rồi, họ có thể gạt được số tiền này, chính là anh đã nợ họ, đời trước anh có nhân quả này với họ, bây giờ trả nợ. Nếu anh lấy lại, vậy thì e rằng lại biến thành tặc phục đoạt tặc rồi. Đương nhiên trong giới luật cho phép, anh báo quan, do quan phủ quyết định, điều này có thể được. Nhưng có cần thiết phải làm như vậy hay không, thì phải xem bản thân anh, anh muốn thưa kiện thì tôi cũng không có ý kiến, nếu anh không thưa kiện thì xem như đã bố thí, vậy thì anh càng bình yên, ‘trong nhà chớ nên kiện tụng, kiện tụng thì kết cục chẳng lành’”. Sau đó anh ấy hỏi tôi: “Nếu đời trước tôi không nợ hắn nhiều như vậy, tôi không thể nào thiếu hắn 9 triệu. Nếu đời trước tôi chỉ nợ hắn 6 triệu, nhưng bây giờ hắn giật của tôi 9 triệu, vậy tôi có thể lấy lại 3 triệu đó không?” Tôi nói với anh ấy: “Nếu họ giật nhiều hơn, thì họ thiếu anh, đời này hoặc đời sau nhất định sẽ trả anh 3 triệu, anh cũng không cần quá để tâm. Tin sâu nhân quả thì tâm an rồi, không có những việc phiền phức đó”.

Vì vậy giới trộm cướp này, nếu không tin sâu nhân quả, rất khó trì được. Quý vị luôn có tâm tự tư tự lợi, luôn có ý niệm ngã sở, đây là ngã chấp, quý vị không buông được. Đương nhiên trường hợp này, tài vật là của quý vị thì chẳng sao, nhưng nếu là vì tài vật của đoàn thể, hoặc vì tài vật của Tam Bảo, dĩ nhiên là chuyện khác, vậy thì phải gắng hết sức giữ gìn. Người xuất gia không được kiện tụng, người tại gia thì không vấn đề gì. Đó là xem sự phát tâm của chúng ta, không phải vì tự lợi, là vì bảo vệ tài vật của đoàn thể, bảo vệ tài vật của Tam Bảo, căn cứ vào pháp luật lấy lại lợi ích một cách hợp tình, hợp lý, điều này có thể được. Đây là quan tòa, pháp luật trừng phạt, phán quyết, chúng ta chỉ cần nói rõ sự việc này, nhưng về việc quyết định như thế nào, chúng ta cũng không cần quá chấp trước. Đây là nói đến phương tiện của trộm cướp.

Linh tiền nhân thất vật, tịnh danh vi đạo”. Khiến cho đối phương mất đi tài vật, chính là tổn thương người khác, như vậy thuộc về trộm cướp. Giá trị trộm cướp này quyết định tội nặng hay nhẹ của họ. Nếu giá trị vật đã lấy là năm tiền, hoặc là năm tiền trở lên. “Năm tiền”, Đại sư Ngẫu Ích chú là tám phân bạc”. Tám phân bạc này rốt cuộc là bao nhiêu, hiện nay đương nhiên rất khó tính toán. Vào đời nhà Minh, thời của Đại sư Ngẫu Ích, Ngài tính là tám phân bạc. Trong luật cũng có nói đến năm tiền là bao nhiêu, như ba bộ luật lớn có nói đến ba trường hợp.

Trường hợp thứ nhất, năm tiền này là khi Phật ở thành Vương Xá, lúc đó có người phạm trộm cắp năm tiền, quốc vương sẽ xử tử người đó, cho nên đây là tội nặng. Do đó, có thể xem năm tiền là giá trị phạm tội cực nặng này để quy định. Như pháp luật hiện nay của chúng ta, tội cực nặng của chúng ta, có tử hình hoặc tù chung thân. Có nơi không còn tử hình, vậy thì tính nặng nhất là tù chung thân. Quý vị trộm cướp bao nhiêu thì sẽ phán hình phạt nặng như vậy, thì tính đó là năm tiền. Đây là trường hợp khoan hồng nhất, thông thường chúng ta rất ít khi phạm phải tội nặng như vậy.

Trường hợp thứ hai là trường hợp nghiêm khắc nhất, nói đến đơn vị năm tiền của bất kỳ quốc gia nào. Ví dụ như ở Mỹ thì 5 USD là năm tiền; ở Đài Loan, rất không may 5 Đài tệ chính là năm tiền rồi; nếu như đến Thái thì rắc rối nhất, 5 Baht lại càng ít, đó là năm tiền. Lấy số tiền này thì phạm tội căn bản không thể sám hối, đương nhiên là trường hợp này quá nghiêm khắc, như vậy là khá nghiêm khắc.

Trường hợp thứ ba, chính là dựa vào giá trị để tính. Tức là vào lúc Phật tại thế, năm tiền có thể mua được khoảng bao nhiêu thứ. Nếu dùng tiêu chuẩn tiền tệ, việc này rất khó ước tính, bởi vì có sự lạm phát. Lạm phát của ba ngàn năm là bao nhiêu? Không biết. Tiền tệ cũng không ngừng biến đổi, năm tiền khi đức Phật tại thế, hiện nay không biết năm tiền này rốt cuộc có giá trị bao nhiêu, cho nên phải xem trong Luật, năm tiền lúc bấy giờ có thể mua được bao nhiêu. Trong Luật tạng có một câu chuyện, nói Tôn giả Ca Lưu Đà Di, Ngài là một trong Lục quần Tỳ-kheo. Khi Phật còn tại thế, Lục quần Tỳ-kheo thường xuyên gây sự, phá phách, thường xuyên phạm giới, Phật liền chế giới. Vì vậy tất cả giới Tỳ-kheo đều là khi có Tỳ-kheo phạm giới, Phật mới chế giới, không có ai phạm thì Phật không chế. Lục quần Tỳ-kheo này trên thực tế là chư Phật sáu phương đến thị hiện, đến chuyên giúp Phật chế giới, nên thị hiện phạm duyên. Nếu các Ngài không thị hiện phạm giới, thì Phật sẽ không chế giới, vậy người đời sau chúng ta sẽ cho rằng không có gì để phạm, bèn tùy tiện, thế thì không được. Cho nên các Ngài thị hiện trước, thị hiện ra tất cả phiền não tập khí của chúng sanh đời sau như chúng ta, khiến cho Phật chế giới, giúp cho chúng sanh đời sau như chúng ta có một khuôn phép.

Ngài Ca Lưu Đà Di là một trong số đó, trong Kinh Di Đà chúng ta cũng thấy có Tỳ-kheo Ca Lưu Đà Di, về sau Ngài cũng chứng A-la-hán. Có một lần Ngài Ca Lưu Đà Di cùng với năm vị khác (Lục quần Tỳ-kheo, tổng cộng sáu vị), năm vị khác đang cùng nhau tắm dưới dòng sông, tắm xong rồi lên bờ, Ngài Ca Lưu Đà Di đã khoác nhầm cà sa của một vị Tỳ-kheo khác, khoác đi rồi, lấy nhầm rồi, cho rằng của mình. Kết quả là Ngài đi trước rồi, lúc sau năm vị còn lại lên bờ, trong đó có một vị không tìm được cà sa của mình, chỉ tìm được cà sa của Ngài Ca Lưu Đà Di. Thế là năm người này cùng nhau tác pháp yết ma, diệt tẫn Ngài Ca Lưu Đà Di rồi. Bởi vì người phạm tội nặng phải bị diệt tẫn, Tăng đoàn tác pháp yết ma diệt tẫn, liền trục xuất khỏi Tăng đoàn, không thể ở trong Tăng đoàn tiếp nhận lợi dưỡng. Kết quả là Ngài Ca Lưu Đà Di cũng không biết mình đã bị diệt tẫn, sau đó năm vị Tỳ-kheo này nói với Ngài: Ông bị diệt tẫn rồi. Ngài không phục, liền đến chỗ đức Phật khiếu nại. Đức Phật bèn hỏi: “Lúc ông lấy y phục là dùng tâm gì?” Ngài nói: “Con tưởng là y phục của con”. “Như vậy thì không có tâm trộm, không có tâm trộm thì không phạm trộm cướp. Nhưng ông không nên chưa nhìn đã lấy, cho nên vẫn có tội hạ phẩm, nhưng không phạm tội trộm cướp căn bản thượng phẩm không thể sám hối”. Phật cũng dặn dò năm vị Tỳ-kheo: “Các ông không thể tác pháp yết ma trong lúc không có người phạm tội ở đó, không thể diệt tẫn như vậy, yết ma này không như pháp”.

Thông qua công án này có thể suy luận được, Tăng đoàn lúc bấy giờ cũng có tiêu chuẩn, giá trị của một chiếc cà sa là năm tiền, cho nên Ngài Ca Lưu Đà Di lấy nhầm cà sa rồi, mọi người cho rằng Ngài đã phạm giới trọng, cần phải diệt tẫn. Vì vậy, dùng trường hợp này để xét, chính là ước chừng giá trị của một chiếc cà sa. Hiện nay một chiếc cà sao bao nhiêu tiền? Không mắc, cà sa tương đối tốt, một chiếc, tôi thấy 1000 Đài tệ đã có thể mua được, cho nên trước đây Luật sư Đạo Hải dùng điều này để xét. Luật sư Đạo Hải chính là Luật sư y chỉ của Luật sư Quả Thanh chúng ta, đại khái giá trị một chiếc cà sa là năm tiền.

Vào năm 1988, rất nhiều Cao tăng Đại đức Nam truyền cũng cùng nhau thảo luận, giá trị của năm tiền rốt cuộc là bao nhiêu? Mọi người đã đưa ra một suy luận, tương đương với khoảng 20 USD vào năm 1988. 20 USD lúc bấy giờ cũng khoảng 1000 Đài tệ, cho nên chúng ta ước chừng dùng 1000 tệ làm giá trị của năm tiền, tính theo nhân dân tệ là 200, theo đó mà suy ra. 20 USD vào năm 1988, có lẽ bây giờ lạm phát, chắc cũng cao hơn một chút rồi, bởi vì rất khó đoán định, đã không cách nào tính chính xác được. Cho nên chúng tôi kiến nghị trong lúc giữ gìn, giữ giới này mà nói, chúng ta phải nghiêm khắc, nghiêm khắc như giới Bồ-tát, nếu lấy một cây kim một ngọn cỏ cho đến một vật mà người khác không cho, như vậy chính là phạm trộm cướp rồi. Nghiêm khắc mà xét, thì 5 Đài tệ cũng là phạm trộm cướp rồi.

Đương nhiên nếu thật sự vi phạm, chúng ta gắng hết sức xử phạt nhẹ, tức là khi trừng trị và phán tội người khác, chúng ta gắng hết sức cho người khác một con đường sống, ví dụ như họ không phạm lấy 200 nhân dân tệ nhiều như vậy, hoặc là lấy 1000 Đài tệ nhiều như vậy, thì không phạm tội nặng, nhưng sẽ có tội trung phẩm, hoặc tội hạ phẩm. Tội trung phẩm, bốn tiền, ba tiền; tội hạ phẩm, một tiền, hai tiền, trong bản văn có nói. Nếu chia 1000 Đài tệ thành năm phần, mỗi phần là 200 Đài tệ, vậy thì một tiền là 200 Đài tệ, phán định như vậy. Nếu thật sự là phạm tội nặng, như vậy cũng rất khó sám hối, cho nên có lúc cũng có thể châm chước, cân nhắc, dùng tiêu chuẩn đầu tiên trong luật đã nói vừa rồi, chính là giá trị phạm trộm cướp bị tử hình. Nhưng đó thật sự là mở con đường sống cho người khác, khi họ tha thiết sám hối thì cho họ một con đường sống. Đừng phạm tội nặng, nhất là chúng xuất gia vừa phạm tội nặng, thì phải diệt tẫn rồi, hoặc nếu chí ít họ không muốn rời khỏi Tăng đoàn, cũng phải tác pháp yết ma học hối cho họ, vậy thì đời này rất khó ngẩng cao đầu. Cư sĩ phạm tội nặng còn có thể thủ tướng sám, có thể thọ giới lại; nhưng người xuất gia thọ giới Cụ Túc, phạm tội nặng thì không cách nào thông qua thủ tướng sám để thọ giới lại. Tức là cho dù thủ tướng sám thấy được hảo tướng, cũng chỉ có thể làm thân phận học hối, trọn đời bị tước mất 35 điều lợi.

Vì vậy, vào lúc phán tội, do Luật sư phán định. Cho nên nếu phạm bốn tiền trở xuống, tức là bốn tiền, ba tiền, nếu dùng Đài tệ để quy đổi, tức là 200 Đài tệ là một tiền, vậy số tiền từ 600 tệ đến 800 tệ thuộc về ba tiền; trên 800 tệ đến dưới 1000 tệ đều thuộc về bốn tiền, 1000 tệ trở lên thuộc về năm tiền rồi. Bốn tiền, ba tiền phạm tội trung phẩm; hai tiền, một tiền phạm tội hạ phẩm, như vậy còn có thể sám hối diệt tội phạm giới. Cách thức sám hối như chúng tôi đã nói, tội trung phẩm thì đối trước ba vị Pháp sư sám hối, tội hạ phẩm thì đối trước một vị Pháp sư sám hối, không thể đối trước Phật sám hối, cũng không thể sám hối giữa cư sĩ với nhau, vậy chỉ gọi là phát lồ. Nói tội đó ra, nhưng không thành tựu sám hối, sám hối nhất định phải làm như pháp, theo Luật mà làm.

Đã sám hối như pháp rồi, chỉ là diệt tội phạm giới, đây là đã vi phạm chế giáo (giáo pháp chế định) của Như Lai, phải sám hối như pháp. Sám hối rồi, diệt được tội chế giáo, nhưng tánh tội không diệt, tánh tội là tội nghiệp đạo, đó chính là nhân quả báo ứng mai sau. Người trộm cướp, Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo nói là quả báo nghèo khổ, tương lai còn phải trả nợ, đây đều là nghiệp báo của họ, không cách nào diệt được. Phải lúc nào mới có thể diệt tội nghiệp báo? Phải thật sự khai mở trí huệ vô lậu, ít nhất là thành tựu A-la-hán trở lên, mới có thể khiến cho nghiệp báo tiêu diệt. Nhưng nếu trở lại tam giới, nhập Niết Bàn rồi thì đương nhiên không chịu nghiệp báo; nhưng nếu các Ngài hồi tiểu hướng đại, vẫn trở lại tam giới, vậy thì nhân quả báo ứng vẫn tiếp nối. Chủng tử trong thức thứ tám vẫn sẽ khởi hiện hành, các Ngài vẫn có nhân duyên quả báo. Vả lại “tánh tội bất diệt”, mà còn “tu gia lợi thường”, nó cộng thêm lời. Ví dụ hôm nay quý vị thiếu người khác 1000 tệ, đời sau mới trả, tuy là quý vị đã sám hối rồi, sau khi sám hối, vẫn có tội nghiệp đạo, tương lai phải trả nợ. Việc trả nợ này còn cộng thêm tiền lời, ví dụ như đời sau là một trăm năm sau, vậy thì cộng toàn bộ tiền lời của một trăm năm, trả cả vốn lẫn lời. Tiền lời của một trăm năm sau nhiều hơn số nợ, quý vị thử tính thì sẽ biết. Hiện nay dùng lãi suất của ngân hàng, ví dụ như 2%, 3% để tính, tiền lời của 100 năm cũng có thể cao hơn số nợ, cho nên đây đều là tội nghiệp đạo, không ai có thể tránh khỏi.

Nhược bất thường giả, hậu sanh chuyển trọng”. Nếu chúng ta không trả nợ, qua một đời sau, thì tiền lời càng cao. Bởi vì chúng ta tính tiền lời, số nợ của năm nay cộng thêm tiền lời thành số nợ của năm sau, nó là quả cầu tuyết, càng lăn càng lớn, cho nên quý vị trả càng trễ thì sẽ trả càng nhiều. Tiền tài như vậy, mạng người cũng như vậy, thiếu nợ phải trả tiền, nợ mạng phải đền mạng, trả sớm tốt hơn trả muộn. Cũng giống như nhà doanh nghiệp tôi vừa nói, có thể đời trước anh ấy chỉ thiếu người ta 3 triệu, đời này phải trả cả vốn lẫn lời là 9 triệu. Cho nên càng về sau thì tiền lời càng nặng, điều này chúng ta cũng dễ hiểu. Trên thực tế thì trường hợp này, dùng góc độ Duy thức để nói, chủng tử đó, nó có thể nhậm vận tăng trưởng. Trừ phi quý vị diệt trừ nó, thì chủng tử đó không tăng trưởng thêm, bằng không thì nó sẽ nhậm vận tăng trưởng, giống như quả cầu tuyết vậy, càng lăn càng to. Thiện nghiệp như vậy, ác nghiệp cũng như vậy, cho nên chúng ta nỗ lực hành thiện tích đức, chủng tử thiện nghiệp cũng nhậm vận, không ngừng tăng trưởng. Ví dụ như quý vị thọ giới có được giới thể rồi, đó chính là một chủng tử thiện, chỉ cần quý vị không hủy hoại giới thể, giới thể này của quý vị sẽ ngày đêm tăng trưởng, công đức càng ngày càng thù thắng. Nếu chúng ta phạm tội nặng, quý vị không nghiêm túc sám hối chủng tử ác nghiệp này, chủng tử cũng sẽ dần dần, không ngừng tăng trưởng. Cho nên “đời sau chuyển thành nặng, hoàn toàn không có lý nào chối bỏ được”, sau trăm ngàn kiếp vẫn phải trả.

Nhược đạo nhi vị đắc, phạm phương tiện tội”. Đây là nếu trộm đồ của người khác, muốn trộm nhưng chưa được, chưa thật sự lấy được, thì trường hợp “thuộc kỷ” vẫn chưa hình thành, vẫn chưa thật sự thuộc về mình, trộm mà chưa được, đó là thuộc về tội phương tiện. Trong Luật có một tiêu chuẩn, chính là nói cử ly bổn xứ”. Ví dụ như thủ xích này không phải của tôi, đây là của thường trụ. Tôi nhìn thấy nó để ở trên bàn, tôi khởi tâm trộm, muốn chiếm nó làm của riêng, tôi vừa giơ tay ra, đây chính là tội phương tiện, muốn lấy trộm, trước khi lấy được đều thuộc về tội phương tiện, từ lúc khởi lên tâm trộm, chính là tội phương tiện rồi. Tội phương tiện cũng có nặng có nhẹ: Khởi một tâm niệm trộm cướp muốn chiếm làm của riêng, như vậy là tội phương tiện nhẹ; bắt đầu giơ tay ra rồi, đây chính là tội phương tiện xa, bắt đầu giơ tay ra, tội phương tiện xa; cứ đưa tay tới đó, càng ngày càng gần, tội phương tiện trung; cho đến sờ vào đối phương, sờ đến miếng gỗ này rồi, vẫn chưa cầm nó lên, tội phương tiện gần, tức là khi tiếp xúc gần với vật thể này nhất; lấy khỏi chỗ ban đầu, lúc này hình thành tội căn bản rồi.

Cho nên lấy khỏi chỗ ban đầu, thuộc về phạm tội căn bản của giới trộm cướp. Như vậy là có được rồi, không phải là quý vị thật sự mang về nhà mới là có được, từ chỗ ban đầu quý vị cầm lên trên không, rời khỏi chỗ ban đầu của nó rồi, như vậy là phạm căn bản rồi. Chưa lấy khỏi chỗ ban đầu thì đều thuộc về tội phương tiện, cách phán định là như vậy. Tội phương tiện còn có thể sám hối, quý vị nhìn thấy đồ vật rồi rất muốn lấy, vừa đưa tay ra thì đột nhiên nhớ rằng: Không được, tôi đã thọ giới rồi, đã thọ Ngũ giới, Bát Quan Trai giới, thậm chí cũng thọ giới Bồ-tát rồi, vừa lấy khỏi chỗ ban đầu, thì phạm cả ba giới. Cho nên lập tức rút tay về không trộm nữa, nhưng tội phương tiện đã hình thành rồi, vậy thì phải tha thiết sám hối tội phương tiện, đó thuộc về tội trung phẩm. Nếu là tội phương tiện gần, tội phương tiện trung đã nói vừa rồi, đều thuộc về tội trung phẩm; tội phương tiện xa, thuộc về tội hạ phẩm. Nếu vật này là năm tiền trở lên, thì xét tội như vậy. Nếu vật này là bốn tiền, ba tiền, cho dù tôi lấy khỏi chỗ ban đầu rồi, phạm phẩm nào? Phạm tội trung phẩm, không phải mới học xong lúc nãy rồi sao? Cho dù là phạm tội căn bản, nhưng chỉ là tội trung phẩm. Nếu tôi không phạm đến tội căn bản, đưa tay muốn lấy, vẫn chưa lấy khỏi chỗ ban đầu, đây thuộc về tội phương tiện, chính là tội phương tiện của tội căn bản trung phẩm, vậy thì hạ xuống một cấp bậc. Tội phương tiện này thuộc về tội hạ phẩm rồi, cho nên vẫn cần phải xét giá trị của vật thể là bao nhiêu. Nếu vật này chỉ trị giá một tiền, hai tiền, vậy khi tôi lấy khỏi chỗ ban đầu, là phạm phẩm nào? Hạ phẩm, đúng không? Tội căn bản hạ phẩm này, lấy khỏi chỗ ban đầu là phạm căn bản, nhưng khi chưa lấy khỏi chỗ ban đầu đều thuộc về tội phương tiện, tội phương tiện là phẩm nào? Cũng là hạ phẩm, bởi vì dưới hạ phẩm thì không còn nữa, vẫn là hạ phẩm. Tội phương tiện của trung phẩm là hạ phẩm, tội phương tiện của thượng phẩm là trung phẩm, như vậy thì mọi người biết phải phán quyết như thế nào.

Nếu tôi khởi tâm trộm, muốn trộm cướp, như vậy thuộc về phương tiện xa, hoặc là phương tiện nhẹ. Đây là chỉ dấy khởi tâm niệm, vẫn chưa chuyển sang thân và khẩu, thân nghiệp, khẩu nghiệp vẫn chưa động. Bởi vì khẩu nghiệp cũng có thể phạm trộm cướp, quý vị có thể bảo người khác lấy giúp quý vị, họ lấy vật khỏi chỗ ban đầu rồi, không phải tôi lấy, mà họ lấy, vẫn phạm tội trộm cướp căn bản, cho nên thân nghiệp, khẩu nghiệp cũng có thể phạm trộm cướp. Tôi vẫn chưa động thân khẩu, chỉ là khởi tâm trộm, liền sám hối: “Không được, tôi không thể khởi ý niệm này, lấy một ít vật thường trụ, trong Kinh Địa Tạng nói, tương lai sẽ đọa địa ngục Vô Gián, nghìn muôn ức kiếp không lúc nào mong ra khỏi”. Lập tức ngăn lại ý niệm này, đây là tội phương tiện xa, không cần đối thú sám với Pháp sư, chỉ cần ở trước Phật tự trách tâm sám hối, chí thành khẩn thiết đối trước Phật tự trách tâm mình mà nói: “Con tên gì phạm tội phương tiện xa trộm cướp, nay hướng về Phật tự trách tâm hối lỗi”. Nói một lần thì được rồi, lạy Phật ba lạy, về sau không tái phạm, đây chính là trách tâm sám, trong trường hợp này mới có thể đối trước Phật sám hối, tội nhẹ mới được. Tội nặng thì quý vị phải đối trước Pháp sư sám hối, tội hạ phẩm, tội trung phẩm đều phải đối trước Pháp sư sám hối, tội thượng phẩm thì ngoài việc đối trước bốn vị Pháp sư sám hối ra, tức là đối trước Tăng đoàn (bốn vị thành Tăng đoàn), ngoài việc đối trước Pháp sư sám hối ra, còn phải thêm vào thủ tướng sám, sám hối tội thượng phẩm chính là tội căn bản không thể sám hối.

Cho nên đây là nói đến văn của không trộm cướp, phần thích văn chúng tôi đã giảng rồi, thời gian đã hết, buổi chiều chúng ta tiếp tục học tập. Cám ơn mọi người.

 

HẾT

Cẩn dịch: Diệu Hiệp.

Trả lời 0