Cải Vãng Tu Lai,
Sái Tâm Dịch Hạnh (Sửa xưa
tu nay, rửa tâm đổi hạnh)– Khai
Thị Tân Xuân Âm Lịch 2020 của lão Hòa thượng Tịnh Không
Giảng tại: Viện Hán Học Malaysia
Kính
thưa chư vị Pháp sư, chư vị đồng học, chúc mọi người năm mới tốt lành!
Năm mới,
chúng tôi xem được trong Kinh Thọ Tân Tuế, sự sám hối của đức Phật Thích Ca Mâu
Ni, là khai thị rất lớn cho chúng ta, đó là sự giáo dục tốt nhất. Phật nói
chính Ngài: 我今欲受新歲,我無過咎於眾人乎?又不犯身口意耶?“Ngã kim dục thọ tân tuế, ngã vô quá cửu
ư chúng nhân hồ? Hựu bất phạm thân khẩu ý da?”(nghĩa là: Ta nay sắp nhận tuổi mới,
Ta có lỗi với mọi người hay không? Lại có phạm lỗi của thân khẩu ý hay không?)
Năm mới, Phật Thích Ca Mâu Ni giảng khai thị cho mọi người, Ngài dẫn đầu phản tỉnh:
Thứ nhất, trong năm nay đây Ta xử việc đối người tiếp vật có sơ suất hay không?
Hay nói cách khác, có việc nào mắc lỗi lầm đối với người khác hay không? Thứ
hai, Ta có phạm lỗi thân khẩu ý hay chăng? Chính là Ta có tạo 10 ác nghiệp hay
không? Thân: Sát, đạo, dâm; Khẩu: Vọng ngữ, lưỡng thiệt, ỷ ngữ, ác khẩu; Ý:
tham, sân, si. Thân ba, khẩu bốn, ý ba, Ta có phạm hay không? Khai thị năm mới ấy,
chúng ta liền lãnh hội được Thích Ca Mâu Ni Phật ngày ngày đều là phản tỉnh như
thế, năm mới thì càng đặc biệt cảnh tỉnh. Đó là Ngài thành Phật rồi, là quả vị
rốt ráo viên mãn, mà còn phải làm như vậy, ngày ngày kiểm điểm, ngày ngày phản
tỉnh, huống hồ phàm phu chúng ta? Chúng ta suy xét, chính mình là phàm phu sanh
tử, mà không biết phản tỉnh, không biết sửa lỗi lầm, thì chúng ta ở trong lục đạo
luân hồi là ngày càng đi xuống, không thể đi lên, phải biết điều này. Không phải
là đi lên, thì là rớt xuống, vậy nguy hiểm biết bao! Tiền đồ là một màu tối
đen, còn có thể phóng dật sao? Còn có thể giải đãi ư? Phó mặc cho vô thường đến,
luống cuống tay chân, lúc đó thì muộn rồi, không còn kịp nữa. Phải nhân lúc
thân thể chúng ta còn khỏe mạnh, đầu óc còn sáng suốt, phải nghiêm túc sám hối,
phải triệt để sửa lỗi làm mới chính mình. Học Phật, được bao nhiêu phần giống với
Phật, đó mới người thật sự là thông minh. Đấy là Phật làm ra tấm gương cho
chúng ta lúc năm mới.
Tôi nhớ có một lần đón năm mới, thầy
Lý vì đại chúng Liên Xã mà khai thị, vừa bắt đầu liền nói: Năm mới mọi người đều
vui mừng hớn hở, gặp nhau thì câu đầu tiên là chúc mừng chúc mừng, suy xét kỹ
càng, thì có gì đáng mừng? Thọ mạng giảm mất một năm rồi, nghiệp chướng tăng
thêm không ít, nghiêm túc mà nói là đáng buồn, nào có gì đáng mừng đâu chứ! Người
thế gian điên đảo, đem việc buồn làm thành việc vui, còn sự việc đáng mừng thì
sớm quên sạch sành sanh rồi. Nếu tình đời chúng ta năm sau tao nhạt hơn năm trước,
đạo niệm năm sau nồng hậu hơn năm trước, vậy thì đáng mừng! Vẫn đang làm danh
văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, không đem câu Phật hiệu này làm thành một sự
việc, vậy thì có gì đáng mừng đâu?
Phải sanh Thế giới Cực Lạc, phải học A
Di Đà Phật. A Di Đà Phật ở đâu? Kinh Vô Lượng Thọ chính là A Di Đà Phật, quý vị
mỗi ngày đọc tụng, mỗi ngày học tập, là không rời khỏi A Di Đà Phật. Bất luận
là lúc nào, dù cho ở nơi đâu, đều không rời khỏi A Di Đà Phật, đó gọi là thật
niệm Phật. Phải đem đạo lý trong kinh điển biến thành tư tưởng kiến giải của
chính mình, đem giáo huấn trong đó biến thành hành vi đời sống của chính mình,
khiến cho chính mình hoàn toàn tương ưng với kinh điển. Kinh điển và tư tưởng
kiến giải hành vi của chính mình dung hợp thành một thể,
gọi là khế nhập cảnh giới Di Đà. Quý vị có thể khế nhập cảnh giới Di Đà, không
cần hoàn toàn, chỉ khế nhập được ít phần, thì liền nắm chắc vãng sanh. Nếu khởi
tâm động niệm, ngôn ngữ việc làm của chúng ta trái ngược với trong kinh dạy, vậy
thì quý vị ngày ngày niệm tụng cũng vô dụng, quý vị không thể vãng sanh. Cho
nên kinh giáo không phải là niệm, mà kinh giáo là dạy chúng ta phải thực hành.
Kinh Vô Lượng Thọ dạy chúng ta cần làm gì, thì chúng ta nghiêm túc nỗ lực đi
làm; dạy chúng ta không nên làm gì, thì chúng ta chẳng những không được làm, mà
cũng không thể khởi ý niệm. Phật Bồ-tát phù hộ chúng ta thế nào? Giáo huấn
trong kinh điển là phù hộ chúng ta, chúng ta có thể y giáo phụng hành, trồng
thiện nhân được thiện quả, đó là phù hộ.
如來所行,亦應隨行。種修福善,求生淨剎“Như Lai sở hành, diệc ưng tùy hành.
Chủng tu phước thiện, cầu sanh Tịnh sát”(Như
Lai đã hành, cũng nên hành theo. Tu trồng phước thiện, cầu sanh Tịnh-độ), là tổng
kết toàn kinh của Kinh Vô Lượng Thọ. Như Lai đã hành, trên tâm hạnh là hạnh
thanh tịnh, hạnh bình đẳng, hạnh giác, chính là thanh tịnh bình đẳng giác; Trên
sự tướng, chúng ta đem vô lượng vô biên Như Lai hạnh quy nạp thành năm khoa mục
đó là: Tam phước, Lục hòa, Tam học, Lục độ, Thập đại nguyện vương, đó chính là
đang thực hiện A Di Đà Phật vạn đức hồng danh trong cuộc sống chúng ta. Năm
khoa mục này không những là gốc rễ tu học của Pháp môn Tịnh–độ, mà có thể nói
là tổng quy kết của tất cả pháp Đức Thế Tôn đã nói trong 49 năm. Ngay trong đời
sống thường ngày, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều có thể tương ưng với
năm khoa mục đó, thì đấy chính là đã thực hành vạn đức hồng danh; có thể tiếng
tiếng Phật hiệu đều là đầy đủ năm khoa ấy, đó chính là công đức của
Phật.
Quay đầu suy xét chính
mình, chính mình khác biệt với Phật ở nơi nào? Đối với năm khoa mục này, chúng
ta phải làm được, đem biến thành đời sống, hành vi của chúng ta, thì chúng ta mới
là tâm đồng Phật tâm, nguyện đồng Phật nguyện, giải đồng Phật giải, hạnh đồng
Phật hạnh. Chúng ta đã làm được bao nhiêu? Phật hiệu chúng ta đây vì sao niệm
không tốt? Niệm đã nhiều năm như thế, mà ngay cả bóng dáng của Tây Phương Cực Lạc
cũng không có, một chút tin tức cũng không có, nên tu học của chúng ta nhất định
có sai lầm, đó chính là chỗ mà chúng ta đáng nên nghiêm túc để kiểm điểm. Sai ở
chỗ nào? Sai ở không có gốc. Ba tầng phước đầu của Tịnh nghiệp, không phải chỉ
Tịnh-tông đặc biệt coi trọng, mà tu Pháp môn nào cũng coi trọng. Phật nói rất là
rõ ràng, Tam phước đó gọi là “Tịnh nghiệp chánh nhân của ba đời chư Phật”, câu
nói này nói rất nặng! Ba đời, chư Phật quá khứ, chư Phật hiện tại, chư Phật
tương lai, gọi là ba đời. Bồ-tát tu thành Phật đạo, nhất định không thể trái
ngược với ba điều này, trái ngược ba điều này thì không phải là Phật pháp. Ở
trong Phật pháp ba điều này, bất kể là Đại thừa Tiểu thừa, Tông môn Giáo hạ, Hiển
giáo Mật giáo, tất cả chư Phật ba đời đều dùng đó làm nguyên tắc chỉ đạo tu học
tối cao, vậy có thể trái ngược ư? Có thể xem thường được ư? Có thể lơ là ư?
Phàm là tu hành mà không thể thành tựu, giữa đường thay đổi, đều là không có thực
hiện Tam phước này, quý vị lắng lòng để quan sát, họ không xem trọng đối với
Tam phước. Đây không phải là do một mình Thích Ca Mâu Ni Phật nói, mà là tất cả
chư Phật ba đời đều nói như vậy. Nếu có tâm mong ngay trong đời này siêu vượt lục
đạo luân hồi, niệm Phật vãng sanh Tịnh-độ, thì quý vị nhất định phải tu Tịnh
nghiệp Tam phước; không hạ thủ từ Tịnh nghiệp Tam phước, thì không thể thành tựu
Tịnh-độ. Điều thứ nhất Tịnh nghiệp Tam phước thực hành trên thực tế là ba gốc của
Nho Phật Đạo, hiếu thân tôn sư thực hiện ở Đệ Tử Quy, từ tâm bất sát thực hiện ở
giáo dục nhân quả, sau là tu mười nghiệp thiện. Những điều ấy không phải để niệm,
không phải để giảng, mà là đời sống của chính mình, là khởi tâm động niệm của
chính mình, là lời nói việc làm của chính mình. Khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo
tác có tương ưng với những giới điều cơ bản hay không? Tương ưng là thiện,
không tương ưng là ác. Tiêu chuẩn của đoạn ác tu thiện ở trong đó, ba tiêu chuẩn
này là do Thánh nhân tam giáo định, là Tánh-đức tự nhiên lưu lộ ra, không phải
do ai đó phát minh, không phải do người nào đó sáng tạo. Chỉ có Tánh-đức mới có
thể khai phát Tánh-đức, hiếu kính là Tánh-đức, Phật dạy chúng ta từ nơi đây mà
thực hiện, khai phát Tánh-đức của Tự-tánh viên mãn, A Di Đà Phật chính là
Tánh-đức của Tự-tánh viên mãn. Như vậy mới có thể tương ưng với A Di Đà Phật, gọi
là “nhất niệm tương ưng nhất niệm Phật”, cũng chính là lời mà Đại sư Ấn Quang
đã nói: “Một phần thành kính được một phần lợi ích”.
Cuối cùng chúng tôi cũng tùy thuận thế tục, chúc mừng năm mới
phát tài; phát tài của chúng ta là mong công đức pháp tài, dùng tín tâm chân thật,
nguyện tâm khẩn thiết chấp trì danh hiệu A Di Đà Phật, khai phát Tự-tánh vô lượng
trí huệ, vô lượng công đức pháp tài. Chúc mọi người: 祝福大家改往修來,洒心易行;自然感降,所願輒得“Cải
vãng tu lai, sái tâm dịch hạnh; Tự nhiên cảm giáng, sở nguyện triếp đắc”!(Sửa xưa tu nay, rửa
tâm đổi hạnh, tự nhiên cảm giáng, được như sở nguyện) Kính chúc mọi người: chư ác
mạc tác, tuế tuế bình an; chúng thiện phụng hành, niên niên như ý( Không làm các điều
ác, thì tuổi nào cũng bình an, phụng hành các điều thiện, thì năm nào cũng như
ý). Cảm ơn mọi người!
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Hoa Tạng
Huyền Môn
Dịch giả: Thích Thiện Trang
Nguyện
đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử cùng chúng sanh
Đều sanh nước Cực Lạc
Chóng viên thành Phật quả
Rộng độ khắp chúng sanh.
Nam Mô A Di Đà Phật.