Responsive Menu
Add more content here...

Cần Niệm Tụng Bộ Kinh Này

Đoạn 3
Kinh văn:

常念不絕,則得道捷。我法如是,作如是說。如來所行,亦應隨行。種修福善,求生淨剎。

Thường niệm bất tuyệt, tắc đắc đạo tiệp. Ngã pháp như thị, tác như thị thuyết. Như Lai sở hành, diệc ưng tùy hành. Chủng tu phước thiện, cầu sanh Tịnh sát.

Giải:

#Thường niệm bất tuyệt: #thường là luôn luôn; #niệm là nghĩ nhớ; #bất tuyệt là không dứt. Thường niệm không có ngừng dứt.

Ở đây không nói là niệm gì, nên là có hai ý, trong Chú Giải ngài Hoàng Niệm Tổ cũng đưa ra hai ý. Ý thứ nhất là chỉ niệm Kinh này. Trong Kinh này, Phẩm Hai Mươi Lăm nói: “Văn thử Kinh điển, thọ trì độc tụng, thư tả cúng dường, trú dạ tương tục, cầu sanh bỉ sát”.Nên chúng ta hàng ngày tụng Kinh này là đúng rồi, cố gắng không có ngừng nghỉ. Ý thứ hai là thường niệm Phật hiệu không gián đoạn. Nên nói niệm Phật cũng được, niệm Kinh cũng được, đó là ý nghĩa, phải thường xuyên niệm không có gián đoạn.

#Tắc đắc đạo tiệp: #tắc là liền hay thì; #tiệp là khoái tốc, tức là rất nhanh, nhanh chóng.

Nếu chúng ta thường niệm liên tục không gián đoạn đối với Kinh điển, hoặc là đối với Phật hiệu này thì liền mau đắc đạo: vãng sanh Tây Phương Cực Lạc một đời viên mãn thành Phật. Nếu chúng ta tu tốt thì công phu liền được Sự nhất tâm bất loạn, Lý nhất tâm bất loạn. Ở đây nói là “tắc đắc đạo tiệp” là liền mau đắc đạo. Quý vị thấy không cần tu các Pháp môn khác, Pháp môn này cũng được. Nhưng chúng ta không thường niệm bất tuyệt được, chúng ta mau quên lắm.

Thiện Trang để ý thấy nghe Kinh pháp, nghe tới nghe lui mình cũng không nhớ, nhưng nếu nghe đủ số biến nào đó thì sẽ tạo ấn tượng rất mạnh. Ví dụ như khi Thiện Trang dịch tập 154, 155, 330 Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú, lúc đang giảo Thiện Trang nghe đi nghe lại, nghe tới đoạn Hoà thượng nói về Đại Sư Chương Gia hàng ngày ngài rất ít nói, mỗi ngày chỉ nói 200 đến 300 câu và cũng không nói nhiều từ. Ngài luôn nhép miệng gọi là trì Kim Cang niệm Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn tức là thần chú “Om Mani Padme Hum” hay là “Án ma ni bát di hồng”. Ngài luôn luôn niệm như vậy nên công phu ngài đắc lực. Thiện Trang nghe bao nhiêu lần rồi nhưng bữa nay nghe lại thấy mình dở quá, nghe hoài không hiểu. Thực sự cứ hành trì như ngài: ít nói lại, không nói nhiều, cứ niệm Kim Cang trì, chỉ miệng nhép liên tục : A Mi Đà Phật, A Mi Đà Phật hoặc niệm Kinh điển, niệm không ra tiếng thì nhanh đắc đạo thôi. Hoà thượng Hải Hiền cũng vậy, ngài không biểu hiện niệm nhưng ngài luôn luôn niệm. Đó là thường niệm bất tuyệt, tắc đắc đạo tiệp, sẽ nhanh chóng đắc đạo, đắc đạo là đạt đạo là vãng sanh, hoặc chúng ta có thể chứng quả trong đời này, hoặc là niệm Phật thành phiến, niệm Phật tam-muội. Nên đầu tiên là phải học Đại sư Chương Gia cố gắng bớt nói chuyện lại, bớt quan tâm [thế sự].
Quý vị để ý Thiện Trang bây giờ cũng bớt rồi, hồi xưa quan tâm nhiều trên mạng, quý vị đăng gì, bây giờ không biết luôn. Nếu quan tâm chỉ quan tâm vài người đăng pháp thấy chuẩn còn pháp nào thấy tào lao thì thôi. Rồi người ta tìm Thiện Trang có chuyện gì đó cũng không cần biết nữa. Mình bớt biết đi thì bớtphiền não, vì mình không phải Thánh nhân, biết nhiều phiền não nhiều. Thời nay quý vị biết càng nhiều chuyện thấy tư tưởng trái với mình nhiều quá thì mình bị phiền não, nên thời gian về sau này Thiện Trang không quan tâm nữa. Đặc biệt hồi xưa quan tâm Phật Pháp bây giờ quan tâm đến Phật Pháp vẫn thấy phiền não, vì thấy người ta làm không đúng, hoặc là thấy thế này thế kia, chuyện tào lao rất nhiều.

Có người học theo Hoà thượng suốt ngày đăng pháp không phải vì chúng sanh mà đăng pháp theo phiền não. Ví dụ như mình ghét người đó thì đăng lên những bài mà chống người đó hoặc không thích tư tưởng đó. Đăng như vậy không có lợi ích gì mà là đang tạo nghiệp, người ta đâu có đọc, đó là đăng pháp không phải vì để giác ngộ chúng sanh mà vì phiền não của mình. Rồi có những người đăng kêu gọi tùm lum đủ thứ chuyện, nói chung trên đời nhiều chuyện lắm. Thiện Trang dần dần không biết, không theo dõi, chuyện tới ai thì mình theo dõi, không thì thôi, dần dần cũng hết rồi. Còn tin nhắn người ta gửi tào lao cũng khỏi trả lời. Còn thỉnh máy nghe pháp đã thông báo rõ ràng rồi, họ không làm theo thì không trả lời. Chỉ cần làm đúng, bớt tiếp duyên thì phiền não sẽ bớt, không biết chuyện gì hết. Tranh thủ đi đứng nằm ngồi niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, đó là Hoà thượng Trí Tịnh dạy như vậy. Cố gắng lúc nào cũng tranh thủ không để tâm rời Phật Pháp, quý vị làm vậy thì gọi là “thường niệm bất tuyệt, tất đắc đạo tiệp”. Chúng ta cố gắng học hạnh của ngài Đại sư Chương Gia, chứ miệng toàn nói lý rất hay, trong đó có Thiện Trang mà câu Phật hiệu nhiệm màu vô cùng lại không siêng niệm.

Hôm qua trong Phật học vấn đáp, Thiện Trang đưa ra một ví dụ rất dễ: giả sử bây giờ đưa ra một đống tiền, toàn tờ 500 ngàn, là mệnh giá lớn nhất ở Việt Nam, cho quý vị thời gian là một tiếng đồng hồ đếm được bao nhiêu, không có sai sót thì được lấy. Bảo đảm quý vị đếm, sẽ đếm rất chính xác luôn, đó là do tâm mình tham, thấy tiền quý nên tập trung hết cỡ. Vậy thì câu Phật hiệu của chúng ta quý hơn vàng, quý hơn kim cương, sao mình không niệm được như vậy, mình lại niệm lơ là và hay quên, gặp chuyện gì là phóng tâm theo chuyện đó liền. Ai cũng có phiền não tập khí, bây giờ bớt nói lại, nói ít thôi, lên giảng thì nói, quý vị tìm thì Thiện Trang nói, cố gắng tập bớt nói dành thời gian chánh niệm để niệm Phật. Còn bên ngoài chuyện trời, chuyện đất, chuyện gì đó thôi không nói thì bớt khẩu nghiệp.

Thói quen của những người tri thức là rất thích tìm hiểu đủ thứ chuyện trên đời, đó là bệnh, là nghiệp, gọi là tập khí. Ví dụ người nam thì thích chính trị, hồi xưa Thiện trang thấy người nam ngồi với nhau thường nói chuyện Đông Tây Nam Bắc, người ta nói: ăn khoai mì nói chuyện bên Mỹ. Rõ ràng mình ăn không bao nhiêu, làm tiền không bao nhiêu mà toàn nói chuyện chính trị ở đâu đó. Còn người nữ không quan tâm chính trị mà để ý chuyện nhà người này người kia, đặc biệt là chuyện tình cảm, họ quan tâm dữ lắm. Người nam họ không quan tâm mấy chuyện đó, họ thích những chuyện lớn thôi, còn những chuyện đó nói lướt qua rồi thôi. Bây giờ chúng ta cố gắng bớt những chuyện đó và nói chuyện Phật Pháp nhiều hơn.

Trong nhà Phật có quy luật là khách tới không hỏi chuyện gia đình người ta như thế nào. Hòa thượng nói là đừng hỏi chuyện sức khoẻ, hỏi như vậy là chấp tướng, chấp ngã quá nhiều. Đừng hỏi khỏe không, thấy mặt mày tối tối là biết bệnh, biết phiền não đầy, còn nhìn mặt tươi rói, sáng rỡ, pháp hỷ sung mãn tràn đầy là biết người ta tu tốt, cần gì phải hỏi, nên là bớt đi. Người xưa có câu: mê thì Bồ-đề là vọng tưởng, ngộ thì vọng tưởng là Bồ-đề. Nếu quý vị mê thì chuyện gì mình nói, kể cả Phật Pháp cũng là vọng tưởng. Nhưng mình ngộ là mình biết, giác ngộ, mình hiểu rồi thì dù nói chuyện gì bên ngoài, vọng tưởng mình cũng chuyển đổi lại thành Bồ-đề, thành giác ngộ hết cả.

Thiện Trang lấy ví dụ, ra đường quý vị bị kẹt xe, không chạy được, thì quý vị thấy thế giới này có nạn nhân mãn đông như vậy, ở Tây Phương Cực Lạc không có xe cộ, không có nạn này, đó là chuyển phiền não thành Bồ-đề, còn không thì tức hậm hực v.v… Hoặc là ở nhà mỗi lần nấu đồ ăn, quý vị nhớ trong Kinh Vô Lượng Thọ nói là: ở Tây Phương Cực Lạc có nguyện Y thực tự chí – y thực tự đến, mình cứ liên hệ là sắp về Tây Phương Cực Lạc, sắp hết làm việc này rồi. Và mình chuyển phiền não thành Bồ-đề là mình đang nấu ăn, đang làm việc là phục vụ chúng sanh, là cúng dường chư Phật, đây là cơ hội để mình tu phước, cho nên đó là bố thí Ba-la-mật trong đời sống, chuyển phiền não thành Bồ-đề liền. Còn quý vị thấy hậm hực, ấm ức: tôi nấu thế này không có thời gian để nghe pháp là quý vị phiền não rồi.

Nên đi làm việc công ty hay làm việc gì cũng vậy, quý vị cứ nghĩ là đang phục vụ chúng sanh thì quý vị hết phiền não, còn quý vị làm mà lo lắng không có thời gian nghe pháp, không có thời gian này kia, rồi mong hết giờ cho nhanh thì quý vị phiền não rồi. Đồng ý là mình không có quan trọng hóa việc thế gian, có duyên thì làm, nhưng khi đã vào làm rồi thì phải nghĩ là đang phục vụ chúng sanh, đang cúng dường chư Phật, quý vị phải nhớ điều này, chứ nhiều khi mình bị phiền não mà không biết được. Như vậy nếu chúng ta thường niệm không dứt thì mau chóng đắc đạo thôi.

#Ngã pháp như thị: tức là pháp ta như vậy. Chữ “như thị” nếu nói là “như vậy” thì không hay. Thật ra chữ “như thị” nói đúng ra là Chân Như, nghĩa là pháp này viên mãn rốt ráo đúng như Chân Như Tự Tánh, tức là Chân Tâm Thật Tướng, trong Kinh Vô Lượng Thọ nói là “chân thật chi tế”. “Ngã pháp” là “pháp của Ta” là pháp của Phật Thích Ca nói ra đúng thật thông với Chân Như Tự Tánh, nên là “pháp như thị” không thể nào nói ra được, chỉ nói là “như thị” mà thôi. Quý vị thấy tức là Chân Tâm, là Thật Tướng, là Chân thật chi tế, hay là Chân Như, pháp của Phật nói ra từ Chân Tâm của ngài, từ Tự Tánh lưu xuất ra, pháp ở đây là pháp Kinh Vô Lượng Thọ.

#Tác như thị thuyết: #tác là làm; #như thị thuyết là nói như vậy.

Lúc trước Thiện Trang thấy chữ “tác như thị”, “thuyết như thị” là làm như vậy, nói như vậy, đó là trong bản dịch. Nhưng chữ “tác như thị thuyết” là một cụm và trong Chú giải của ngài Hoàng Niệm Tổ cũng nói: “Tác như thị thuyết giả tức Kinh trung khai hoá hiển thị chân thật chi tế”, có nghĩa là câu tác như thị thuyết giống như trong Kinh là „khai hoá hiển thị chân thật chi tế“. Khai là khai thị, hoá là chuyển hoá, hiển thị chân tướng sự thật là chân thật chi tế, là Tự Tánh bày cho chúng sanh như vậy nên gọi là tác như thị thuyết. Tức là phải như vậy, nói đúng theo Chân Như Tự Tánh. Hay chúng ta nói đơn giản, đó chính là khế lý là hợp với lý, thông với Tự Tánh và cũng là khế cơ, nói thêm là khế thời, khế xứ.

Có bốn loại khế lý, khế cơ, khế thời, khế xứ, đó là tác như thị thuyết. Khế lý là phù hợp với chân lý. Khế cơ là phù hợp với căn cơ “tam căn phổ bị phàm Thánh tề thâu”, đó là Kinh này ba căn đều trùm lên được hết. Chữ “bị” có lúc Hoà thượng nói là gia bị, có lúc Hoà thượng nói là trùm lên, hai nghĩa này nghĩa nào cũng đúng. Trùm lên giống như là mặc lên, đắp lên, người ta lạnh quá đắp mền lên cho người ta, đó là “phổ bị” là trùm lên cho họ. “Phàm thánh tề thâu” tức là thu nhiếp được cả phàm lẫn Thánh, nên nói là tác như thị thuyết, gọi là khế cơ. Khế thời là thời này hay thời xưa, thời nào niệm Phật cũng được. Khế xứ là bên Tây, bên Việt nam hay bên Tàu, ở đâu niệm Phật cũng được, cho nên đó là tác như thị thuyết. Pháp này là pháp thông với Chân Như Tự Tánh nên gọi là Ngã pháp như thị. Pháp này phù hợp với bốn chân lý: khế lý, khế cơ, khế thời, khế xứ nên gọi là tác như thị thuyết.
#Như Lai sở hành: là Như Lai đã hành trì rồi
#Diệc ưng tuỳ hành: #diệc là cũng; #ưng là nên; #tùy là theo; #hành là hành trì.

Tức là những gì mà Như lai đã làm, đã hành rồi, mình cũng nên tuỳ theo. Như Lai là đức Phật. Đức Phật nào? Ở đây có nói hai điều. Thứ nhất là đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trong Kinh A Di Đà nói ngài đã tu ba Đại A Tăng Kỳ kiếp: “Các chư Phật khen ngợi ta có thể ở trong đời ác ngũ trược làm việc khó khăn này mà chứng đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề”, tức là đức Phật Thích Ca cũng niệm Phật thành Phật rồi, ngài đã đi con đường đó, thành Phật rồi, ngài cũng tu pháp này thành Phật rồi. Nói “Như Lai sở hành diệc ưng tuỳ hành” chính là nói đức Phật A Di Đà, ngài đã làm và đã thành công. Chúng ta đã học ở Phẩm Thứ Tư – Pháp Tạng Nhân Địa, quý vị thấy Ngài đã phát nguyện, đã lập ra cảnh giới Tây Phương Cực Lạc như thế nào và đã tu vô lượng kiếp tích lũy công đức, Ngài đã thành tựu rồi, thì mình cứ làm theo. Ngài đã xây dựng xong bản vẽ rồi, thay vì mình phải xây dựng lại từ đầu thì ôm bản vẽ đó đi xây dựng nhanh hơn, chứ bây giờ đi thiết kế bản vẽ lâu lắm. Cho nên Pháp môn niệm Phật gọi là từ quả hướng nhân. Có nghĩa là có bản vẽ và đã xây dựng thành công thế giới Tây Phương Cực Lạc rồi.

Giống như ở thế gian, quý vị có một người bạn có bản vẽ và đã xây một căn nhà rất đẹp, quý vị tới đó thấy quả là ngôi nhà ấy đẹp như vậy, kiến trúc ngôi nhà hoàn chỉnh rồi, mình xin bản vẽ, xin tất cả các chi tiết, vật liệu xây dựng… đem về kêu thợ đến làm cho tôi y chang bản vẽ đó là được căn nhà như vậy. Mình niệm một câu Phật hiệu A Mi Đà Phật hoặc là tụng bộ Kinh Vô Lượng Thọ này, chính là mình đã đem bản vẽ, đem tất cả thông tin về ngôi nhà Tây Phương Cực Lạc đó về mình làm. Cho nên Pháp môn này gọi là từ quả hướng nhân, thành tựu rất nhanh chóng. Còn bây giờ, quý vị nghiên cứu lại, không biết ngôi nhà đó như thế nào, bắt đầu thiết kế bản vẽ làm một hồi thành căn nhà rất xấu, rồi mình không biết vật liệu tốn bao nhiêu tiền. Nhà đó người ta đã làm bản vẽ, bao nhiêu vật liệu xây dựng, bao nhiêu đá, bao nhiêu xi măng, bao nhiêu thép… có hết rồi, mình chỉ ôm mô hình đó về làm nhà mới là xong. Chính là làm một cõi nước Tây Phương Cực Lạc giống như vậy. Nên mình chỉ cần lấy quả thôi, niệm một câu Phật hiệu, một bộ Kinh Vô Lượng Thọ là đủ, về Tây Phương Cực Lạc là thành tựu giống như đức Phật A Di Đà, nên gọi là Như lai sở hành, diệc ưng tuỳ hành, tức là đức Như Lai đã làm rồi, mình cũng nên theo đó mà làm.
#Chủng tu phước thiện, cầu sanh Tịnh sát: Chữ種nàycó thể đọc hai âm chủng hoặc chúng. Theo Từ điển âm chúng là trồng, cũng có khi âm chủng là trồng, mà thường người ta đọc chủng, ít khi đọc là chúng. #Chủng là trồng, #chủng tu tức là gieo được nhân để tu hành những phước thiện; #cầu sanh Tịnh sát: Tịnh sát với Tịnh Độ giống nhau tức là cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc. Chủng tu phước thiện chính là Tịnh nghiệp Tam phước của Kinh Quán Vô Lượng Thọ có ba điều và 11 câu.

Điều thứ nhất:
1. Hiếu dưỡng phụ mẫu: Phụng sự sư trưởng
2. Từ tâm bất sát: Tâm từ bi không sát sanh.
3. Tu thập thiện nghiệp: tu mười nghiệp lành.


Điều thứ hai:
1. Thọ trì Tam quy: chúng ta phải thọ trì Tam quy, có nhiều người học rồi nhưng không chịu quy y Tam Bảo, không trì, đó là mình thiếu chỗ này.
2. Cụ túc chúng giới: tức là phải đầy đủ các giới, mình thọ Ngũ giới tại gia, Bát Quan Trai giới hay là giới xuất gia, giới Tỳ-Kheo; Tỳ-Kheo-Ni, v.v…
3. Bất phạm oai nghi: là không phạm oai nghi.


Oai nghi thì mình phải học, ví dụ Hoà thượng hay đề xướng học 24 thiên oai nghi của Sa-di. Mình phải biết đi vào chùa, tháp đi theo vòng như thế nào, đi theo vòng kim đồng hồ hay ngược kim đồng hồ, đi một vòng, ba vòng hay bảy vòng, tại sao lại đi như vậy, v.v…rồi không được vào chùa, tháp mà xỉa răng, đó là oai nghi. Trong đó có những oai nghi dành cho người xuất gia nhưng cũng có oai nghi cho người tại gia. Nếu quý vị muốn học oai nghi thì quý vị nghe lại bộ Sa Di Thập Giới Oai Nghi Lục Yếu của Pháp sư Định Hoằng mà Thiện Trang đã dịch, quý vị nghe đoạn sau là 24 thiên oai nghi thì sẽ hành đúng được. Không được để tay dơ cầm Kinh điển, khi cầm Kinh không được xá chào người khác. Mình đang cầm cuốn Kinh Vô Lượng Thọ, có người tới mà xá chào là không được, Kinh Phật quý hơn. Vì Phật, Pháp, Tăng nên đang cầm cuốn Kinh là Kinh quý hơn Tăng, không được xá lễ, đó là phạm oai nghi. Nhiều người không học nên đang cầm cuốn Kinh thấy đồng tu đến cúi đầu lễ là không phải, mình đang cầm cuốn Kinh rồi không cần lễ, Kinh quý hơn.
Pháp quý hơn Tăng nên Pháp quý hơn người đồng tu tại gia nữa, đó là oai nghi mình phải biết. Còn cầm Kinh để trên đầu là nghi thức tôn trọng thôi, không nhất thiết đội Kinh trên đầu, để hay không để cũng được. Rồi khi đọc Kinh xong nhớ gấp Kinh lại v.v… Những oai nghi tế hạnh đó mình phải học, không học thì không biết.

Sẵn đây nói chắp tay, theo Bắc truyền thì chắp tay phải nghiêm trang chụm lại như búp sen, để trước ngực, không được cao quá, cũng không thấp quá. Thiện Trang thấy qua nước khác người ta không chắp tay kiểu đó, Nam truyền người ta chắp tay để hổng, mình phải nhập gia tùy tục, mình phải biết. Đồng tu Việt Nam qua Tịnh Tông lễ lạy xuống rồi tay kiết ấn để trên trán, ở Việt Nam quý vị không nên làm như vậy. Nếu ở nhà thì được còn lên chùa mà làm vậy quý thầy không biết, họ ghét, nói làm gì kỳ vậy? Thiện Trang nghe một số thầy phản ánh rồi, vì ở Việt Nam mình không có nghi thức đó. Cách lạy của Việt Nam là chắp tay trước ngực đưa lên đầu rồi đưa xuống và lạy, mình phải nhập gia tùy tục, còn mình qua Trung Quốc, qua bên Tịnh tông thì cứ theo Tịnh tông.

Thiện Trang mặc áo này là áo của Việt Nam, các nghi thức Thiện Trang làm theo Việt Nam không làm theo bên kia. Khi nào đắp y nâu của bên đó, thì Thiện Trang sẽ làm theo bên đó để mình không bị phạm oai nghi. Oai nghi mỗi vùng miền khác nhau, cho nên phải khéo học. Còn người Cưsĩ cũng vậy, quý vị ở nhà muốn làm gì thì làm, nhưng nếu tu ở chùa mà quý vị lễ theo kiểu của mình thì không nên. Còn có người lễ theo kiểu Tây Tạng nữa, là nằm dài lên đó, trong khi người ta không hiểu. Còn bên Tiểuthừa Nam truyền người ta không cho đứng lạy đâu, họ nói là phạm oai nghi. Họ quỳ xuống sát đất xếp hai chân lại, cuối người ngồi lạy rất thấp chứ không đứng lạy. Nên mỗi đất nước, mỗi quốc gia mình phải hiểu biết, nhập gia tùy tục, đó là oai nghi.

Điều thứ ba:
1. Phát Bồ-đề tâm: Tâm Bồ-đề là ai cũng phải phát, đó là tâm giác ngộ, độ mình độ chúng sanh. Muốn làm Phật phải độ mình, độ chúng sanh.
2. Thâm tín nhân quả: là tin sâu nhân quả. Hòa thượng nói: tin sâu niệm Phật là nhân, thành Phật là quả của Kinh này. Chứ tin sâu nhân quả là đằng trước tất nhiên quý vị phải làm Ngũ giới Thập thiện, thọ trì Tam quy, cụ túc chúng giới đó là tin nhân quả rồi.
3. Đọc tụng Đạithừa: là đọc tụng kinh điển Đạithừa. Trong đó Kinh chúng ta là Kinh Đại Thừa Kinh Vô Lượng Thọ, Tịnh Độ Ngũ Kinh.
4. Khuyến tấn hành giả: Là khuyên răn, sách tấn hành giả. Hành giả là những người tu hành.


Tạm dịch:
Thường niệm không dứt, liền nhanh đắc đạo. Pháp Ta như vậy, đã nói như vậy. Như Lai đã hành, cũng nên hành theo: trồng tu phước thiện, cầu sanh Tịnh Độ .


Đoạn này nói lại cách tu hành của chúng ta là gì? Đầu tiên phải thường xuyên nhớ nghĩ niệm Kinh Vô Lượng Thọ, niệm Tây Phương Cực Lạc, nghe pháp, niệm Phật không có gián đoạn thì mau đắc đạo. Vãng sanh là mau đắc đạo, đó là thấp nhất. Còn không là mình niệm thành tựu trong đời này, chứng quả luôn. Ngã pháp như thị là pháp Ta như vậy, chữ “như” là Chân Như, dịch ra thành “như vậy”. Các đức Như Lai, đức Phật Bồ-tát đã làm rồi, giờ mình cố gắng làm theo các ngài thôi. Trồng tu phước thiện là tu Tịnh nghiệp Tam phước và cầu sanh Tịnh Độ.

Hòa thượng chú giải:
︽解︾佛再次囑咐說:你們應當常常念誦這部經,要常念阿彌陀佛,不能間斷。果能真實發心,念念相續,就能很快的往生不退成佛。我的修行方法就是這樣,所以就如是而說。如來的大願大行,你們也應該隨力隨分去做。要種福修善,以這個標準來求生極樂世界,一定得到成就。

Giải: Phật lại Phó chúc lần nữa rằng: Các ông cần phải thường thường niệm tụng bộ Kinh này, phải thường niệm A Di Đà Phật, không nên gián đoạn. Nếu có thể chân thật phát tâm, niệm niệm tương tục (liên tục), thì được vãng sanh bất thoái thành Phật rất nhanh. Phương pháp tu hành của Ta là như vậy, cho nên là như vậy mà nói. Đại nguyện đại hạnh của Như Lai, các ông cũng cần phải tùy sức tùy phận mà làm. Phải trồng phước tu thiện, lấy tiêu chuẩn này để cầu sanh Thế giới Cực Lạc, nhất định đạt được thành tựu.

Quý vị nghe cho kỹ, đầu tiên là Phật phó chúc lần nữa: các ông cũng phải thường niệm tụng bộ Kinh này và thường niệm A Di Đà Phật. Đó là niệm Kinh, niệm Phật: không có gián đoạn. Thật sự phát tâm niệm liên tục như vậy, vãng sanh bất thoái thành Phật rất là nhanh. Phương pháp tu hành của Ta là như vậy, và cứ như thế mà nói. Đại hạnh đại nguyện của các đức Như Lai các ông cũng phải tùy sức, tùy phận mình mà làm theo. Như Kinh Vô Lượng Thọ nói rất nhiều Bồ-tát ở Tây Phương Cực Lạc tu thế nào v.v… mình cứ tùy sức tùy phận tu theo, tu được càng nhiều càng tốt. Ở phẩm Pháp Tạng Nhân Địa, ngài Pháp Tạng Tỳ-kheo làm thế nào mình cũng cố gắng làm như vậy. Hoặc là đức Phật Thích Ca làm như thế nào mình tùy sức, tùy phận làm theo. Rồi phải trồng phước tu thiện, lấy tiêu chuẩn này để cầu sanh thế giới Cực Lạc thì nhất định đạt được thành tựu.
(Trích trong bài giảng Kinh Vô Lượng Thọ VLT 117/88 – Phẩm 46 – Giảng giải: Thầy Thích Thiện Trang)

Nam Mô A Mi Đà Phật!

Trả lời 0