Nam Mô A Mi Đà Phật
Kính
chuyển đến chư vị hữu duyên phần ghi chép tóm lược lại bài giảng Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ
Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác – Đức Tuân Phổ Hiền – Đệ Nhị (Tuân tu
theo đức của ngài Phổ Hiền – Phẩm 2)– Buổi 5
Giảng
giải: Thầy Thích Thiện Trang
Giảng
ngày: 29.08.2020 – VLT 036
Phát trực tiếp trên Kênh YouTube Thích
Thiện Trang (Link YouTube tại đây: https://youtu.be/3cfIlN1PHIw) và mạng xã hội Facebook: Fanpage Thích Thiện Trang.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Nam Mô A Mi Đà Phật!
Kính chào quý vị
liên hữu đồng tu đang theo dõi trực tuyến trên mạng xã hội Facebook (Fanpage Thích
Thiện Trang) và kênh YouTube. Thiện Trang tiếp tục chia sẻ buổi thứ
5 của phẩm thứ hai Kinh Vô Lượng Thọ. Hôm nay là bài thứ 36.
Trước khi vào Kinh văn, Thiện Trang muốn
giới thiệu cho quý vị một trong hơn 67 câu đối của Đại sư Ấn Quang, là câu đối
rất quan trọng đối với đồng tu Tịnh Độ chúng ta. Thiện Trang nghĩ là nhiều đồng
tu rất quen thuộc với câu đối này:
“Niệm Phật phương năng tiêu tục nghiệp
Kiệt thành tự khả chuyển phàm tâm”.
Niệm Phật có khả năng tiêu được nghiệp
cũ trong quá khứ. Hết sức chí thành niệm Phật thì tự nhiên có thể chuyển được
tâm phàm của chúng ta thành tâm thánh. Đây là câu đối mà quý vị nên để ý, vì
nhiều người không tin là câu niệm Phật có thể tiêu nghiệp chướng, còn tu thêm
pháp này pháp kia. Trong khi chính Đại sư Ấn Quang có câu này. Nếu chúng ta có
thể niệm Phật được như thế, ở đây quý vị để ý “kiệt thành”, Hòa thượng hay dùng
là chí thành. Cho nên Thiện Trang tạm dịch như sau:
“Niệm Phật có thể trừ nghiệp cũ
Chí thành tự chuyển được phàm tâm”.
Từ từ chúng ta học theo bộ Kinh này, học
theo A Di Đà Phật, dần dần chúng ta có thể chuyển tâm phàm thành tâm Thánh, lúc
nào đó chúng ta trở thành Phật Bồ-tát mà chúng ta không biết. Giống như Hòa thượng
Tịnh Không nói lại lời người xưa: “Mười năm đèn sách, nhất cử thành danh”,
nghĩa là mười năm miệt mài trong một bộ Kinh, một câu Phật hiệu, niệm tới cùng,
tự nhiên một ngày nào đó nhất niệm thành tựu, được đức Phật A Di Đà thọ ký về
Tây Phương Cực Lạc, thành tựu công phu niệm Phật tam-muội. Chúng ta phải tin
như vậy thì mới không bị lay chuyển giữa dòng đời rất nhiều biến cố. Thời kỳ hiện
đại nên có rất nhiều phương tiện để tu. Phương tiện truyền thông rất nhiều,
chúng ta khó mà giữ vững một con đường, một Pháp môn, rất khó. Người ta nói
chút xíu là mình bị chuyển ngay. Cho nên chúng ta cố gắng trụ vào đây.
Chúng ta bắt đầu vào Kinh văn
Đoạn 13
Kinh văn:
得佛辯才,住普賢行。善能分別眾生語言, 開化顯示真實之際。超過世間諸所有法,
Đắc
Phật biện tài, trụ Phổ Hiền hạnh. Thiện
năng phân biệt chúng sanh ngữ ngôn, khai hóa hiển thị chân thật chi tế. Siêu quá thế
gian chư sở hữu pháp.
Giải:
# Đắc Phật biện tài: được biện tài của Phật.
Hòa Thượng chú giải:
+ biện tài là có thể linh hoạt xảo diệu, đối
cơ thuyết Pháp.
Phật có nhiều biện tài, trong đó là khả năng tùy cơ mà
thuyết Pháp, người sâu thì thuyết pháp sâu, người cạn thì thuyết pháp cạn. Biết
căn tánh chúng sanh hiểu gì, thích gì, Phật sẽ thuyết như vậy. Các vị Bồ-tát này,
trong đó chúng ta đang học là 16 vị Chánh sĩ này cũng được biện tài của Phật giống
như vậy.
# trụ Phổ Hiền hạnh: trụ vào hạnh của ngài Phổ Hiền. 16 vị Chánh sĩ này tu theo mười đại hạnh
của Bồ-tát Phổ Hiền. Không chỉ tu không mà trụ vào, như vậy còn sâu hơn là tu nữa,
trụ ở trong đó.
# Thiện năng phân biệt chúng sanh ngữ ngôn: khéo có thể phân biệt ngữ ngôn của chúng sanh. Ngữ là
văn tự (chữ viết), ngôn là lời nói.
Các vị Bồ-tát này khéo có thể phân biệt được từ ngữ, lời
nói, chữ viết của chúng sanh. Các vị Bồ-tát này rất giỏi có thể biết được tất cả
ngôn ngữ của chúng sanh. Lần trước Thiện Trang đã giới thiệu về Đại sư Huyền
Trang, ngài đi đến nước nào thì sử dụng ngôn ngữ của nước đó. Đại sư Cưu Ma La
Thập cũng vậy, ngài An Thế Cao nữa. Các ngài không chỉ thông thạo ngôn ngữ của
loài người, mà ngôn ngữ của các loài khác, các ngài cũng hiểu được hết, có thể
giao tiếp với chúng được.
# khai hóa hiển thị chân thật chi tế: khai hóa là chỉ dạy và giáo hóa. Hiển thị là chỉ ra
rõ ràng. Chân thật chi tế là bờ mé chân thật. Nghĩa là có thể giáo hóa chỉ bày
rõ ràng bờ mé chân thật.
Hòa Thượng chú giải:
+ Chân thật chi tế là tướng chân thật của lý thể hiện tượng tác dụng của tất
cả pháp.
Hay có thể nói là chư pháp Thật tướng. Ở đây là chỉ ra
được Chân Như Tự Tánh của tất cả chúng sanh. Đối với các pháp các ngài thông đạt
cho nên các ngài diễn tả được ngôn ngữ của chúng sanh khác nhau. Các ngài có thể
chỉ dạy rõ ràng sáng tỏ thế nào là tướng của các pháp. Ví dụ như tướng loài người
ở cõi Nam Diêm Phù Đề như thế nào, loài người cõi Uất Đơn Việt như thế nào.
Loài người ở đây có hai mắt, hai tai, mũi… Nhưng người cõi khác chưa hẳn như vậy.
Và biết tướng này là vô tướng như chúng ta đã học trước. Biết rõ lý thể là bản
chất như thế nào. Thể là cấu tạo như thế nào biết rõ. Còn thể trong nhà Phật là
biết lý đó là không. Và biết tác dụng, biết cái này có tác dụng gì. Các ngài
không cần học mà biết hết tất cả.
# Siêu quá thế gian chư sở hữu pháp: siêu quá là vượt qua, nghĩa là vượt qua tất cả các
pháp của thế gian, các ngài không bị dính tướng, luôn luôn an trụ trong bất động.
Đối với mọi việc tự tại tùy ý. Ví dụ như chúng ta xài cái gì thì mắc kẹt vào nó.
Như điện thoại này như thế nào, cần phải đổi điện thoại khác mới hơn. Đó là bị
dính tướng, tham. Còn các ngài đã vượt qua, không bị các pháp thế gian trói buộc,
gọi là siêu quá thế gian chư sở hữu pháp.
Còn chúng ta ví dụ không vượt qua được chữ danh. Tu một
thời gian được người ta khen, mình liền có ngã có danh. Các ngài thì biết thế
gian như mộng huyễn bào ảnh, trong phẩm này thì nói thí thiện huyễn sư, nghĩa
là giống như có thần thông biến ra được các hình tướng. Nhưng các ngài biết rõ
các hình tướng đó không có thật tướng nên các ngài vượt qua hết, không bị nó khống
chế, là vượt qua tất cả pháp thế gian. Qua đoạn này chúng ta thấy là cảnh giới
của chư Phật Bồ-tát, chúng ta làm theo được điều gì thì làm. Không thể dễ dàng
mà vượt qua được như vậy. Chúng ta phải tập từ từ.
Tạm
dịch:
Được biện tài của
Phật, trụ hạnh của Phổ Hiền. Giỏi có thể phân biệt ngôn ngữ của chúng sanh,
khai thị giáo hóa hiển thị bờ mé chân thật. Vượt qua tất cả các pháp của thế
gian.
Hòa Thượng
chú giải:
Chư đại Bồ-tát chứng đắc tương ưng với trí
huệ Vô thượng của đức Phật, đạt được vô ngại biện tài giống như Phật. An trụ
trong đại hạnh của Bồ-tát Phổ Hiền. Dùng mười đại nguyện Vương quy hướng về Tây
Phương Cực Lạc. Đối với ngôn ngữ chữ viết của tất cả chúng sanh, đều có thể tự
nhiên thông đạt, tùy theo căn cơ mà thuyết Pháp. Vì thế có thể phương tiện khai
thị lý, sự, chân tướng của tất cả pháp, giáo hóa tất cả chúng sanh, đều có thể
thông đạt sáng tỏ. Vì vậy ở đây tán thán các ngài vượt qua tất cả các pháp thế
gian.
Vừa rồi Hòa thượng chú giải là các vị Bồ-tát này có được
trí huệ tương đương với trí huệ của Phật, có biện tài giống như Phật. Các ngài
trụ vào mười đại hạnh của Bồ-tát Phổ Hiền. Dùng mười đại nguyện để quy hướng về
Tây Phương Cực Lạc. Đối với ngôn ngữ chúng sanh các ngài đều thông đạt hết, cho
nên có thể tùy căn cơ mà thuyết pháp. Và vì thế có thể khai thị được lý, sự,
chân tướng của tất cả các pháp. Lý là thể bên trong, sự là tướng bên ngoài. Thể,
tướng dụng đôi khi người ta đổi lại là lý sự. Giáo hóa chúng sanh đều có thể
thông đạt sáng tỏ. Cho nên tán thán các ngài là vượt qua tất cả các pháp thế
gian. Nói cách khác là không có thứ gì ở thế gian vượt qua được các ngài. Các
ngài là quý giá nhất.
Ở đây Thiện Trang giới thiệu cho quý vị một chút về vũ
trụ. Gọi là khai thị chân thật chi tế:
Vũ trụ nói theo Duy Thức Học là tam tế tướng của A-lại-da
thức, tức là ba tướng vi tế rất nhỏ của thức A-lại-da biến ra. Chúng ta có tám
thức. Muốn thấy được thật tướng đó của A-lại-da phải từ Bát địa Bồ-tát trở lên.
Chúng ta là loại Bác địa phàm phu cho nên không thể thấy được thật tướng đó.
Nói theo khoa học ngày nay cả vũ trụ này chỉ có ba thứ là năng lượng, tin tức
(tức là thông tin, tín hiệu) và vật chất. Ba thứ này tác động vào nhau. Ví dụ
năng lượng mang theo tín hiệu có thể tác động vào vật chất, cho nên biến ra vật
chất này, vật chất kia. Bỏ nước vô tủ lạnh, nhờ năng lượng của tủ lạnh biến nước
thành đá.
Năng lượng tương đương với Nghiệp tướng của A-lại-da,
tức là tướng của nghiệp. Nghiệp tướng là chúng ta có nghiệp hiện ra, nghiệp có
tác động, sức mạnh của nghiệp gọi là Nghiệp tướng. Tin tức tương đương với Chuyển
tướng của A-lại-da, tức là sự biến đổi trong A-lại-da. Những hạt giống lưu lại
trong A-lại-da chuyển một hồi thành hạt giống khác, đó là Chuyển tướng. Vật chất
chính là Cảnh giới tướng cuối cùng hiện ra. Cho nên nói theo khoa học bây giờ
chúng ta có thể dùng Duy Thức học nói rất rõ. Đó là nói trên phương diện đơn giản.
Nói sâu hơn nữa thì Nghiệp tướng là chứng phần của A-lại-da. Chuyển tướng là Kiến
phần, tức phần nhìn thấy. Cảnh giới tướng là Tướng phần. Trong A-lại-da có bốn
phần là Chứng phần, Kiến phần, Tướng phần và Chứng tự Chứng phần.
Đoạn 14:
Kinh văn:
心常諦住度世之道。於一切萬物隨意自在,為諸庶類作不請之友。受持如來甚深法藏,護佛種性常使不絕。
Tâm
thường đế trụ độ thế chi đạo. Ư nhất thiết vạn vật tùy ý tự tại, vị chư thứ loại tác
bất thỉnh chi hữu. Thọ trì Như Lai thậm thâm pháp tạng, hộ Phật chủng tánh thường
sử bất tuyệt.
Giải:
#tâm thường đế trụ độ thế chi
đạo: tâm thường thực sự
trụ vào đạo độ đời. Thường là luôn luôn. Đế thì có chân đế, tục đế, có pháp Tứ đế,
đế có nghĩa là sự thật. Tâm luôn trụ vào trong đạo độ đời.
Hòa Thượng chú giải:
+ Đế trụ là chân thật an trụ. Độ thế chi đạo
là lý luận và phương pháp giáo hóa chúng sanh.
Tâm các ngài thường an trụ vào đó. Chúng ta tự hỏi
chúng ta có như vậy hay không? Các ngài là “tâm thường đế trụ độ thế chi đạo.
Còn chúng ta là tâm thường đế trụ phiền não chi đạo. Một bên là trụ vào phương
pháp giáo hóa chúng sanh, giúp chúng sanh giải thoát. Một đường là luôn trụ vào
niệm cho bản thân. Các ngài luôn trụ vào đạo làm lợi ích chúng sanh. Còn chúng
ta luôn trụ vào làm lợi ích cho chính mình. Hòa thượng nói cách làm lợi ích cho
chính mình nhiều nhất chính là lợi ích cho chúng sanh. Vì sao vậy, bởi quả báo
mà. Càng làm cho chúng sanh nhiều thì quả báo hồi hướng lại cho quý vị càng nhiều.
Hòa thượng thị hiện cả đời không dùng tiền cho bản thân, dùng hết để ấn tống
Kinh điển, đào tạo nhân tài, mở trường học v.v…
Cho nên từ chỗ trong mạng không có tiền, ngài có được
phước báu rất tự tại, nói về tài sản là siêu nhân giàu có, nhưng ngài không
dùng đồng nào cho ngài. Cho nên làm càng nhiều cho chúng sanh lợi ích càng nhiều.
Ngài nói tiền bạc giống như nước, nếu chúng ta chặn lại thì nước sẽ thành ao tù
sình thối. Còn nếu cho nước chảy, thì nước càng chảy càng trong. Cho nên học đến
đây “tâm thường đế trụ độ thế chi đạo” chúng
ta phải mở rộng tâm lượng.
Luôn luôn có tâm niệm giáo hóa chúng sanh. Muốn giáo
hóa chúng sanh chúng ta phải biết bơi, biết bơi trước rồi mới cứu độ chúng
sanh. Chưa biết bơi mà xuống thì chết chìm luôn. Cho nên tâm như vậy, nhưng nhiệm
vụ trước mắt là hoàn thiện bản thân để ảnh hưởng chúng sanh. Trước mắt chúng ta
phải ráng tu, niệm Phật để có công phu, có trí huệ, làm sao tự tại vãng sanh. “Tâm thường đế trụ độ thế chi đạo” chỉ có
Phật mới làm được thôi, chỉ có các vị Bồ-tát này mới làm được viên mãn.
Trong Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, Hòa thượng
nói, quý vị phải thành Phật mới độ được chúng sanh. Còn chúng ta độ không độ được
mấy. Kinh Vô Lượng Thọ phẩm 34 nói: “Nhân năng tự độ, chuyển tương chẩn tế”. Nghĩa là người có thể độ mình mới có
thể độ người khác. Chúng ta nhớ được lời Kinh thì chúng ta sẽ hành được, rồi từ
từ sẽ khế nhập cảnh giới. Học Phật pháp không gì khác là chuyển đổi tâm và hành
trên sự. Nếu không chuyển tâm mà chỉ hành trên sự thì chỉ là phước báu nhân
thiên mà thôi, vẫn là luân hồi mà thôi. Nếu không hành trên sự mà nói là chuyển
tâm thôi thì đó là giả.
Cho nên là “biểu lý tương ưng”, tức là trong ngoài
phải tương ưng. Tất cả đều có trong Kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta chỉ cần nhớ, hiểu
và làm thôi. Muốn nhớ hiểu thì phải học. Nếu quý vị có căn tánh của Lục tổ thì
khỏi học, chỉ cần niệm một câu Phật hiệu là thành tựu. Căn tánh của ngài Hải Hiền
cũng vậy, khỏi cần học cũng hiểu cũng biết. Còn chúng ta, không thể đi được con
đường đó. Chúng ta phải đi con đường tiệm tu, đi từ từ nhẹ nhàng. Có người đọc
Kinh Vô Lượng Thọ ngàn lần, thuộc luôn rồi đó. “Đọc sách ngàn lần, kỳ nghĩa tự
kiến”, tức là đọc sách ngàn lần, nghĩa kia tự hiểu. Còn mình đọc ngàn lần, tâm
không thay đổi nên không có định, không có huệ. Đành phải đi con đường tiệm tu
này.
# Ư nhất thiết vạn vật tùy ý tự
tại: đối với tất cả vật,
trong nhà Phật thì nói pháp, không nói vật. Pháp thì bao gồm hết luôn động vật
và thực vật, chúng sanh cả hữu tình cả vô tình, theo ý mình mà tự tại. Tự tại
là làm chủ được.
Hòa Thượng chú giải:
+vạn vật chỉ cho tất cả các pháp. Tự tại là
thông đạt vô ngại.
Như vậy các ngài có năng lực là đối với tất cả các
pháp thông đạt vô ngại, không bị dính.
Trong
Kinh Hoa Nghiêm có nói về mười đại tự tại của Bồ-tát.
Mười đại tự tại này chúng ta nên cầu. Trong Kinh đức Bổn
Sư Thích Ca Mâu Ni Phật khuyên chúng ta đừng nên cầu phước báu nhân thiên, mà nên
cầu quả Thánh, cầu Vô thượng Bồ-đề. Đây là những điều mà chúng ta nên cầu. Muốn
cầu phải hiểu, thì mới hâm mộ, thì mới cầu. Chúng ta phải hiểu được chư Phật Bồ-tát
có gì tốt đẹp thì chúng ta mới cầu. Chứng từ địa vị Sơ trụ trở lên thì có 10 đại
tự tại này:
1. Mạng
tự tại: Bồ-tát được thọ huệ mạng dài. Trải qua vô lượng
a-tăng-kỳ kiếp trụ trì thế gian, không có chướng ngại.
Nghĩa là các ngài
có thọ mạng và trí huệ dài, trải qua vô lượng a-tăng-kỳ kiếp có thể trụ trì ở
thế gian. Có nghĩa là các ngài muốn sống ở thế gian bao lâu thì sống, muốn chết
lúc nào thì chết, không có chướng ngại nào hết. Chúng ta có tu giỏi đi chăng nữa
cũng sống tối đa 120 năm, 130 năm mà thôi, rồi cũng đường ai nấy đi. Trong này
chúng ta có người 70, 80 tuổi, có người còn trẻ. Nhưng đời là vô thường, không
biết lúc nào Diêm Vương đến tiếp dẫn. Ba lá thư của Diêm Vương gởi cho chúng ta
mà chúng ta lúc nào cũng quên đọc, quên để ý. Quý vị xem bộ phim Địa ngục ký sự,
có ba lá thư của Diêm Vương. Thực ra ba lá thư của Diêm Vương này là trích đoạn
trong Kinh A Hàm.
2. Tâm
tự tại: Bồ-tát trí huệ phương tiện, điều phục tự tâm, có thể
nhập vô lượng đại tam-muội, du hý thần thông không có chướng ngại.
Tức là các Bồ-tát
có trí huệ phương tiện, có thể điều phục được tâm mình, không cho khởi phiền
não, có thể nhập vào vô lượng đại tam-muội, như mấy tam-muội hôm trước Thiện
Trang đã chia sẻ, Hoa Nghiêm tam-muội, là nhập vào tất cả cảnh giới. Niệm Phật
tam-muội được du hý thần thông, nói theo bây giờ là đi dạo chơi khắp nơi, biến
hóa đủ loại, theo tâm của các ngài, ý nguyện của các ngài. Chúng ta không được
như vậy. Tâm chúng ta bị bức bách bởi phiền não bên ngoài, bị cảnh giới chuyển.
Bị người ta mắng chửi nói xấu là khó chịu. Hoặc thân thể bệnh cũng khó chịu,
tâm bất an. Vì vậy Thiện Trang giới thiệu điều này để quý vị mong cầu quả vị
thánh, mong cầu về Tây Phương Cực Lạc để chúng ta được tự tại như thế này. Mười
đại tự tại của Bồ-tát trên Kinh Hoa Nghiêm thì quý vị về Tây Phương Cực Lạc
cũng được như thế.
3.
Tư cụ tự tại: Bồ-tát có dùng
tất cả vô lượng trân bảo để làm đẹp cho tất cả thế giới thanh tịnh vô ngại.
Tức Bồ-tát có vật chất tự tại. Ví dụ các ngài xuống thế
gian muốn có chiếc xe hơi loại xe xịn nhất thì cũng có thể có được, biến hóa
thì không hợp với thế gian, nhưng các ngài có cách có thể mua được. Các ngài muốn
thứ gì cũng có thể có được, đầy đủ các loại trân bảo, quý báu, làm đẹp cho tất
cả thế giới, cúng dường cho tất cả chúng sanh. Cho nên có một số nhà doanh
nhân, là Bồ-tát thị hiện, xuống nhân gian làm đẹp cho cõi đời này, gọi là trang
nghiêm nhân gian. Nhưng tâm các ngài thanh tịnh, không có chướng ngại. Ai nói
tu không giàu, Bồ-tát rất giàu vô lượng vô biên tài sản. Gọi là tư cụ tự tại, tức
vật chất tự tại, muốn gì có nấy.
4.
Nghiệp tự tại: Bồ tát tùy
theo các nghiệp, muốn lúc nào thị hiện chịu các loại quả báo, không có chướng
ngại.
Chúng ta không có khả năng này, chúng ta là tùy nghiệp
thọ sanh. Nghĩa là chúng ta không biết lúc nào nghiệp đến. Ví dụ như oan gia đối
đầu, chúng ta không muốn nhưng cứ gặp hoài. Gọi là oán tắng hội khổ. Hoặc là
trên thân thể, lúc nào bệnh đến, đó là nghiệp, không tự tại. Còn các Bồ-tát có
thể tự tại, cần thị hiện bệnh nghiệp để độ chúng sanh thì thị hiện bệnh nghiệp,
cần nghiệp nào thì thị hiện nghiệp đó, thích chịu quả báo nào thì chịu quả báo
đó. Phật Bồ-tát thị hiện chịu nghiệp, chịu quả báo cũng là để giáo hóa chúng
sanh. Như ngài Mục Kiền Liên, quả báo cuối cùng là thị hiện bị ngoại đạo chặn
đánh chết. Đánh cho đến bị thương rồi cuối cùng ngài nhập Niết-Bàn. Phật nói là
ngài phải trả nghiệp đó. Hôm nay gần đến ngày Vu Lan chúng ta cũng nói một chút
về chữ hiếu. Trên mạng xã hội và các quý Thầy, quý Cô cũng đã nói nhiều về Vu
Lan báo hiếu rồi.
Thiện Trang chỉ xin nói một chút về ngài Mục Kiền
Liên. Ngài Mục Kiền Liên sở dĩ nhận quả báo đó là dư nghiệp trong tiền kiếp.
Trong một kiếp xa xưa ngài có một người vợ đẹp, nuôi cha mẹ già. Người vợ không
thích nuôi cha mẹ chồng đã già yếu, mắt không thấy đường, ăn cơm đổ suốt ngày
v.v… Cô vợ không thích nên gây ra đủ chuyện. Một ngày ngài đi làm về người vợ
đổ hết cơm rồi than thở trách móc cha mẹ chồng, khiến ngài động tâm, nghe theo
lời vợ, đem cha mẹ bỏ vào rừng. Do nghe lời người vợ nên ngài kiếm chiếc xe
mang cha mẹ vào rừng bỏ. Ngài nghĩ kế bày cho cha mẹ đi về thăm quê, ngài nói
đoạn đường này có nhiều cướp nên con phải đi trước dẫn đường, cha mẹ cầm cương
đi. Ngài đi trước rồi vòng ra phía sau, giả bộ cầm cây tự đánh vào mình, giả giọng
kêu cướp cướp, bày trận đánh cha mẹ. Ngờ đâu cha mẹ ngài tuy bị đánh nhưng nhớ
đến người con nên kêu lên, con mau chạy đi, cướp đánh cha mẹ này. Lúc đó ngài
xúc động, sững sờ, quỳ trước cha mẹ mà sám hối. Ngài đưa cha mẹ quay trở về và
đuổi người vợ đi.
Nhưng do trận đòn hơi nặng, nên sau đó ba mẹ ngài qua
đời. Câu chuyện rất buồn. Lúc đó ngài bèn phát nguyện, từ nay về sau không bao
giờ lập gia đình nữa, nguyện báo hiếu cho cha mẹ trong nhiều đời nhiều kiếp.
Sau khi qua đời thì ngài bị đọa xuống địa ngục nhiều kiếp. Sau này sanh đến
nhân gian đến kiếp đó mới gặp đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Cho nên trận đánh cuối
cùng là để trả nghiệp. Thực ra ngài đã chứng quả A-la-hán, và nếu nhìn tổng
quát thì ngài đã chứng cao hơn, sâu hơn nữa rồi. Đó là thị hiện nghiệp, do đánh
cha mẹ trong đời quá khứ. Đó là thị hiện nghiệp, chịu quả báo, không có chướng
ngại. Rằm tháng bảy là ngày tự tứ, nói theo Kinh Vu Lan. Thực ra đối với cha mẹ
không phải chỉ có rằm tháng bảy đâu. Đối với chúng sanh, chúng ta trong 365
ngày đều là hiếu thuận cha mẹ. Còn rằm tháng bảy là để giới thiệu cho những người
mới có chỗ nương tựa. Còn đối với người tu lâu rồi thì ngày nào cũng phải hiếu
thuận cha mẹ.
Đối với thế gian thì hiếu là chăm sóc cha mẹ. Đối với
xuất thế gian thì hiếu là giới thiệu cho cha mẹ quy y Tam bảo, đến với Phật
pháp, ra khỏi sanh tử luân hồi. Đại hiếu theo Kinh Địa Tạng là không chỉ hiếu với
mỗi cha mẹ trong đời này, mà cha mẹ của nhiều đời nhiều kiếp nữa. Như vậy trong
Kinh Vô Lượng Thọ đoạn sau này nói: các vị Bồ-tát đối với chúng sanh xem như
chính mình, đó cũng là đại hiếu.
5.
Thọ sanh tự tại: Bồ-tát tùy
theo tâm niệm có thể ở trong các thế giới, thị hiện thọ sanh không có chướng ngại.
Nói cách khác các ngài muốn sanh về đâu thì sẽ đi về
đó. Muốn đi Tây Phương Cực Lạc thì đi Tây Phương Cực Lạc, muốn đến Ta Bà thì đến
Ta Bà, không có chướng ngại.
6.
Giải tự tại: Các vị Bồ-tát thành tựu thắng
giải, có thể thị hiện đủ loại sắc thân, diễn thuyết diệu pháp không có chướng
ngại.
Bồ-tát thành tựu được khả năng hiểu rõ rất cả các
pháp. Các ngài có thể thị hiện đủ các loại thân hình. Diễn là làm ra, thuyết là
nói pháp, không có chướng ngại.
7.
Nguyện tự tại: Bồ-tát tùy
theo mong muốn có thể ở trong các cõi, tùy lúc thị hiện thành Đẳng Chánh Giác,
không có chướng ngại.
Nguyện là mong muốn. Mong muốn gì được nấy gọi là nguyện
tự tại. Bồ-tát có thể thành Phật được thì không có gì chướng ngại được nữa.
8.
Thần lực tự tại: Thần thông của
Bồ-tát rộng lớn, uy lực khó lường, ở trong thế giới có thể biến hóa không có
chướng ngại.
Ở đây có thể quý thấy có mâu thuẫn là thần lực của Bồ-tát
như thế, nhưng Phật ở trong Kinh lại không cho sử dụng thần thông. Phật Bồ-tát sở
dĩ không cho đệ tử thị hiện thần thông, đó là đối với loài người. Vì loài người
không có thần thông, nên Phật Bồ-tát hạn chế tối đa việc sử dụng thần thông đối
với loài người. Đối với cảnh giới khác chúng sanh có thần thông nên các ngài
cũng sử dụng thần thông. Thần thông của các ngài quảng đại hơn, rộng lớn hơn,
uy lực hơn, cho nên chúng sanh mới phục Phật Bồ-tát.
9.
Pháp tự tại: Bồ-tát được đại
biện tài, ở trong các pháp rộng nói lượng vô biên Pháp môn không có chướng ngại.
Tức là các ngài đã thông hết các pháp, nói pháp nào
cũng được. Ví dụ như chúng ta tu niệm Phật, mai mốt thành tựu chúng ta có thể
nói thiền được, thiền vipassana, Mật tông v.v…đều thông đạt hết. Vì về Tây
Phương Cực Lạc chúng ta có đại tự tại của Bồ-tát.
10.
Trí tự tại: Trí của Bồ-tát đầy đủ, trong một
niệm có thể hiện mười lực Vô úy của Như Lai không có chướng ngại.
Thập lực vô úy, tức
là mười lực vô úy của Như Lai lần trước Thiện Trang đã chia sẻ rồi.
Đây là mười đại tự
tại giới thiệu trên Kinh Hoa Nghiêm. Không phải là chỉ có Bồ-tát Kinh Hoa
Nghiêm mới có. Mà chúng ta cũng có, nếu chúng ta chứng được địa vị như thế, hay
chúng ta về được Tây Phương Cực Lạc, là Bát địa Bồ-tát, chúng ta cũng sẽ có.
# vị chư thứ loại tác bất thỉnh
chi hữu: vì các chúng sanh
hữu tình, làm bạn không mời mà đến. Phật Bồ-tát không cần đợi chúng sanh mời. Các
ngài thấy nhân duyên đến là các ngài tới. Còn Tiểu thừa A-la-hán, Bích-chi-phật
tự độ mình thôi. Các ngài không lo độ sanh, có duyên gặp ai là các ngài mới độ.
Còn Phật Bồ-tát thì thị hiện thấy chúng sanh căn tánh chín muồi là tới độ. Cho
nên gọi là làm bạn không mời mà đến.
# Thọ trì Như Lai thậm thâm pháp
tạng: tiếp nhận gìn giữ
kho pháp rất sâu của Như Lai.
Hòa Thượng chú giải:
+ thọ là tiếp nhận, trì là bảo trì, giữ gìn
không để mất. Như Lai thậm thâm pháp tạng là chỉ cho tất cả Kinh điển mà Như
Lai đã thuyết.
Ở tại Tông này (Tịnh Độ tông) là chỉ Kinh này và một
câu Nam Mô A Di Đà Phật. Như vậy Như Lai
thậm thâm pháp tạng đối với chúng ta là Kinh Vô Lượng Thọ và câu Phật hiệu A
Di Đà Phật. Nói rộng ra là thọ trì hết các Pháp mà Phật đã thuyết.
# hộ Phật chủng tánh thường sử
bất tuyệt: bảo hộ, hộ trì hạt
giống của Phật.
Hòa Thượng chú giải:
+ tâm Bồ-đề xưng danh hiệu Phật gọi là Phật
chủng tánh.
Các ngài bảo hộ, hộ trì tâm Bồ-đề, xưng danh hiệu Phật.
Ở cảnh giới đó là các ngài tự hành và hóa tha, giúp cho chúng ta, hộ trì cho những
người nào phát tâm Bồ-đề, khiến cho thường sử bất tuyệt. Luôn luôn khiến
cho, bất tuyệt là không dứt.
Thọ
trì Như Lai thậm thâm pháp tạng, hộ Phật chủng tánh thường sử bất tuyệt là thọ trì hết các Pháp mà Phật đã thuyết. Ở trong
tông của chúng ta là Kinh Vô Lượng Thọ và câu Phật hiệu A Di Đà Phật. Các ngài
hộ trì cho những người phát tâm Bồ-đề, xưng danh hiệu Phật, để không bị mất đi,
hay là chúng ta được các ngài che chở.
Tạm
dịch:
Tâm thường an trụ thật sự trong đạo độ
thế. Đối với tất cả vạn vật, tùy ý tự tại. Vì các loại hữu tình, làm bạn không
mời mà đến. Thọ trì Pháp tạng rất sâu của Như Lai, hộ trì dòng dõi Phật khiến
thường không bị dứt.
Ở trong Pháp môn
này là nói những người nào phát tâm Bồ-đề, xưng danh hiệu Phật thì sẽ được các
ngài hộ trì, không để chúng ta tu giữa chừng rớt mất. Tất nhiên những người tu Pháp
môn khác các ngài cũng hộ trì. Thực sự phát tâm Bồ-đề, thực sự xưng danh hiệu
Phật, thì các ngài sẽ hộ trì, để chúng ta không bị rớt giữa đường. Tuổi thọ của
quý vị còn 10 năm thôi, quý ngài gia trì thêm 10 năm nữa chờ quý vị thành tựu.
Quý vị có phước báu nhiều quá thì đánh sập bớt đi, cho nghèo nghèo khổ khổ để còn
lo tu. Có chồng hạnh phúc quá thì cũng đánh tơi tả để không đắm vào đó nữa. Cho
nên “cảnh duyên không tốt xấu, tốt xấu tại tâm ta”. Đây là câu nói của Đại sư
Ngẫu Ích. Cuộc đời nhiều khi phải rơi vào hoàn cảnh khó khăn thì ý chí tu hành
mới kiên cường, mới vững lên. Còn điều kiện thuận lợi quá lại không tu. Thiện
Trang thấy những người hoàn cảnh khó khăn, ý chí tu rất mạnh mẽ. Còn hoàn cảnh
thuận lợi thì thông thường là giải đãi, lười biếng. Hòa thượng nói: trong thuận
cảnh thì dễ đọa lạc, trong nghịch cảnh thì dễ sân hận, thì cũng đọa lạc. Cho
nên tu làm sao để trong thuận cảnh không bị tham đắm rồi rớt xuống. Trong nghịch
cảnh không bị sân hận, không bị nổi nóng để bảo trì được công đức, phải Nhẫn nhục
Ba-la-mật, thì quý vị có công đức.
Nhẫn được thì nghiệp
chướng tiêu, nghiệp tiêu thì trí rạng. Thiện Trang nhờ có một thời gian bị người
ta chửi ghê gớm lắm, vượt qua được nên trí huệ lên được một tầng. Cho nên rất cảm
ơn người ta đã hy sinh thân mình để làm việc đó. Thiện Trang hồi đó thấy vô lý
hết sức, nhưng bây giờ thấy tuyệt vời. Cho nên nhiều khi sự thành tựu của Phật đối
với mình, mình không biết cảm ơn, còn thù ghét nữa.
Cho nên tu lâu
ngày mà không học được câu của Đại sư Ấn Quang: “Xem tất cả mọi người đều là Phật Bồ-tát. Chỉ riêng mình ta là kẻ phàm
phu”. Chúng ta học, nói được, ý thức thứ 6 xử lý, học được, nhưng có hành
được, làm được mới là tu.
Cho nên người mới
tu mới học pháp rất thích nói nhiều. Càng tu lâu tu cao người ta càng ít nói
Pháp. Như người mới học võ thì thích đánh nhau. Học lâu rồi biết đánh võ này làm
bị thương người nên không đánh, bí quá mới đánh. Học Phật pháp cũng vậy, biết
tùy duyên tùy cơ mới nói. Ngày xưa không biết thích thuyết pháp. Hầu như ai mới
học cũng thích thuyết pháp, học lâu rồi không dám nói, vì nói sợ sai, đọa 500
kiếp làm hồ ly.
Hòa Thượng
chú giải:
Tâm của những đại Bồ-tát này thường an trụ
trong sự giúp đỡ tất cả chúng sanh, liễu sanh tử, xuất tam giới, vãng sanh bất
thoái thành Phật. Các ngài đối với tất cả pháp đều không chấp trước, lại có thể
thông đạt vô ngại tùy duyên độ hóa tất cả chúng sanh, mà còn không đợi sự thỉnh
cầu của chúng sanh, đã chủ động đến giúp đỡ chúng sanh, phát tâm Bồ-đề, tu hạnh
Phổ Hiền, chấp trì danh hiệu. Không chỉ tự mình nhất hướng chuyên niệm, mà còn
có thể đem phương pháp tu học của bộ Kinh này giới thiệu cho tất cả chúng sanh.
Đoạn này rất quan trọng. Quý vị nhớ kỹ chủ động đến
giúp đỡ chúng sanh, phát tâm Bồ-đề, tu hạnh Phổ Hiền, chấp trì danh hiệu. Phẩm
24 có một câu “phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”. Đơn giản là như vậy.
Nói rộng ra thì phải tu hạnh Phổ Hiền rồi tu đủ loại hết … Nhưng quy kết lại
đơn giản như vậy thôi.
Đoạn 15
Kinh văn:
興大悲,愍有情,演慈辯,授法眼,杜惡趣,開善門。於諸眾生,
視若自己,拯濟負荷,皆度彼岸。
Hưng đại bi, mẫn hữu tình, diễn
từ biện, thọ Pháp nhãn, đỗ ác thú,
khai thiện môn. Ư chư chúng sanh, thị nhược tự kỷ, chẩn tế phụ hạ, giai độ bỉ ngạn.
Giải:
# Hưng đại bi:
hưng là hưng khởi, hưng khởi lòng đại bi. Từ là ban vui, bi là thương xót. Tức
là khởi lòng đại bi lớn thương xót chúng sanh.
# mẫn hữu tình: mẫn là ai mẫn, tức là thương xót. Chữ bi và chữ mẫn giống nhau. Hữu tình
là những chúng sanh có tình thức, tức là động vật, cõi người, cõi trời v.v…
Hòa thượng chú giải:
+Hưng là hưng khởi. Mẫn là ai mẫn. Tức là Bồ-tát phát khởi tâm đồng cảm,
thương xót chúng sanh, giới thiệu Pháp môn niệm Phật cho chúng sanh. Giúp đỡ
cho tất cả chúng sanh liễu thoát sanh tử. Biểu hiện cụ thể chính là hai câu
này.
Ý nghĩa 2 câu “hưng đại bi, mẫn hữu tình” là các ngài
thương xót chúng sanh, giới thiệu cho chúng sanh Pháp môn niệm Phật để mau ra
khỏi sanh tử.
# diễn từ biện: diễn là diễn thuyết, từ là ban vui, biện là biện tài. Nghĩa là các ngài
có biện tài, sự ban vui, diễn thuyết khiến cho chúng sanh nghe hoan hỷ vui vẻ.
# thọ Pháp nhãn: chữ thọ này (授) có nghĩa là
truyền, khác với chữ thọ (受) trong thọ
nhận không có bộ thủ(手) đằng trước. Thọ Pháp nhãn là truyền Pháp nhãn. Pháp
nhãn là mắt pháp. Tức là dạy học, truyền cho chúng sanh con mắt pháp, tức là
con mắt nhìn các pháp theo góc nhìn của Phật, Bồ-tát, góc nhìn của giáo lý nhà
Phật.
Hòa thượng chú giải:
+diễn là diễn thuyết, biện là biện tài vô ngại, cũng chính là nói Bồ-tát
phát tâm đại bi, không chỉ thuyết pháp mà còn dốc sức nỗ lực làm tấm gương tốt
cho chúng sanh học tập.
Có nghĩa là không chỉ nói. Diễn ở đây là diễn thuyết,
không chỉ nói mà làm ra cho chúng sanh thấy. Rồi truyền thọ, dạy học. Pháp nhãn là Bồ-tát thấy rõ được chân tướng
của tất cả các pháp. Các ngài đem năng lực và trí huệ này, truyền trao cho
chúng sanh. Quý vị nhớ ở đây chữ thọ này (授) khác với chữ thọ kia (受). Ví dụ câu
“nam nữ thọ thọ bất thân”, chữ thọ trước là truyền, chữ thọ sau là nhận. Nghĩa
là nam nữ ngày xưa lễ tiết một người truyền, một người nhận, đưa đồ và nhận
không được chạm trúng tay nhau.
# đỗ ác thú: đỗ
là ngăn chặn, chấm dứt. Quý vị thấy chữ này có hình tượng ở đây có cái cây trồng
dưới đất để chặn con đường lại, gọi là đỗ. Ác thú là con đường ác. Chữ thú
nghĩa là đạo. Con đường ác là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Các ngài chặn con đường
đó lại. Nói rộng ra theo đúng Kinh điển của Phật giáo Đại thừa thì các đường
Thanh văn, Duyên giác cũng là ác thú. Chỉ có thành Phật mới là thiện thú. Ở đây
chúng ta hiểu đơn giản là ngăn chặn chúng sanh rớt vào các đường ác địa ngục,
ngạ quỷ, súc sanh. Ngăn chặn bằng cách dạy cho họ biết đâu là nhân quả, là thiện
ác… để họ khỏi rớt vô đó. Chứ không họ rớt vô đó thì gọi là mở ác thú.
Trong Kinh Phật
có câu chuyện như sau:
Có một vị Tôn giả thấy một con quỷ ở trong rừng đập một
xác chết: mày hại tao! Mày hại tao! Đập xác quá trời. Vị Tôn giả đó, chứng thần
thông, hỏi con quỷ tại sao như vậy. Con quỷ nói: tại nó nên bây giờ tôi khổ như
vầy, phải làm quỷ đói, tôi bây giờ không có cơm ăn, khổ lắm. Nó chính là tôi
khi tôi còn sống, tôi vì thân xác giả này mà tôi phục vụ nó, làm cho nó bao
nhiêu việc. Nào tham ăn, tham đủ thứ, đến bây giờ chết tôi bị đọa vào cảnh ngạ
quỷ rất khổ như vậy.
Vị Tôn giả đó lại cũng thấy một chư thiên rải hoa xuống
một xác chết. Vị Tôn giả hỏi tại sao như vậy, vị chư thiên trả lời: tôi cảm ơn
nó, vì nhờ nó mà bây giờ tôi được ở cảnh sung sướng như vậy. Khi còn ở đời tôi
nhờ thân xác đó làm được rất nhiều việc thiện. Cho nên sau khi mạng chung tôi
được sanh lên cõi trời. Tôi trở lại đây rải hoa để cảm ơn cái xác này. Vị Tôn giả
bèn nói với vị chư thiên và con quỷ rằng, vấn đề không phải ở xác mà là ở tâm.
Mình làm việc gì đều do tâm dẫn đường. Gọi là “tâm tự thú hướng” (Kinh Vô Lượng
Thọ).
Cho nên mình hiểu được thì dẫn được vào con đường thiện,
dẫn được ra khỏi sanh tử luân hồi. Mượn giả để tu chân. Như vậy “đỗ ác thú” là
ngăn chặn các đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Nhân chính của địa ngục là
sân hận, làm mười việc ác. Nhân chính đọa ngạ quỷ là tham lam. Nhân chính đọa
súc sanh là si mê, ngu si, ham ăn ham ngủ, không biết chánh tà. Đó là con đường
mở vào ba đường ác, khai ác thú.
Hòa thượng chú giải:
+đỗ là ngăn chặn gốc ác thú, tam ác đạo: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Đỗ
ác thú chính là ngăn chặn tận gốc chúng sanh đọa lạc đến cửa vào ba đường ác.
# khai thiện môn: đối với đỗ ác thú là khai thiện môn, tức là mở cửa lành. Tức là mở cửa
cho họ lên tam thiện đạo cõi trời, cõi người. A-tu-la thật ra cũng không phải
tam thiện đạo. Nói rộng ra là cõi Thanh văn, La-hán nữa. Ở đây chúng ta nói rõ
con đường thiện môn của chúng ta là mở cửa lành về Tây Phương Cực Lạc: Con đường
vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc mới là khai thiện môn.
Hòa thượng chú giải:
+khai thiện môn chính là nói rõ đường vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, khiến
trí huệ đức năng của tất cả chúng sanh đều giống như Phật, vậy mới là khai thiện
môn thực sự.
Chúng ta học đoạn này phải có lòng thương xót đối với
tất cả chúng sanh, vừa làm ra tấm gương, vừa nói cho họ, truyền cho họ con đường
giải thoát. Giúp cho họ không đọa vào ác thú, mở cho họ con đường vãng sanh về
Tây Phương Cực Lạc, mới là chân thật thiện môn. Cửa thiện tốt nhất là vãng sanh
về Tây Phương Cực Lạc.
# Ư chư chúng sanh, thị nhược tự kỷ: câu này Thiện Trang đã giới thiệu nhiều lần rồi, là một
trong những câu khó mà nhiều người dịch sai. Ư là đối với. Đối với tất cả chúng
sanh. Thị là nhìn thấy, nhược là như, tự kỷ là chính mình. Nghĩa là: đối với tất
cả chúng sanh xem như chính mình.
Quý vị có làm được như vậy không? Có xem chúng sanh
như chính mình không, hay chúng sanh là chúng sanh, còn mình là mình. Đây là một
trong những câu rất khó, nói thì được nhưng làm không được. Nếu quý vị xem tất
cả chúng sanh như chính mình thì quý vị thành tựu rồi. Phá được Thân kiến, phá
được tất cả mọi thứ [phiền não]. Các vị Bồ-tát biết rõ chúng sanh với mình là một.
Trong Tu Hoa Nghiêm Áo Chỉ Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán, Pháp sư Hiền Thủ tổng kết
lại Kinh Hoa Nghiêm chỉ trong một đoạn ngắn, hôm trước Thiện Trang đã giới thiệu,
trong một quyển sách rất mỏng. Mở đầu ngài chia ra “Từ nhất thể khởi nhị dụng, thỉ tam biến, hành tứ đức, nhập ngũ chỉ, tu
lục quán”.
Từ nhất thể
khởi nhị dụng: từ một thể khởi
ra có ta và người, tức là chủ bạn, hay Y báo và Chánh báo. Ngày xưa chúng ta
cùng chư Phật Như Lai cùng từ một thể, khởi một hồi thành Thầy Thiện Trang đây,
đây là Chánh báo. Y báo là hoàn cảnh xung quanh gồm có quý vị, hoàn cảnh sinh sống.
Từ một mà khởi ra hai, cho nên bản chất là một. Cho nên quý vị làm hại chúng
sanh là hại chính mình. Giống như lấy tay phải đập tay trái chính là đập chính
mình. Nhưng do bây giờ chúng ta mê rồi, cho nên đối với chúng sanh vẫn có tâm
niệm ác, ghét thương v.v…Nếu quý vị hiểu đó là chính mình, do sự mê mà biến ra
thành hai.
Trong Kinh Hoa Nghiêm, Thập Môn Khai Khải hay trong
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ giới thiệu Thập huyền môn của Kinh Hoa Nghiêm có một
môn là Chủ Bạn Viên Dung Tự Tại môn. Tức là đối với Thiện Trang thì Thiện Trang
là chủ, quý vị là bạn. Còn đối với quý vị thì quý vị là chủ, Thiện Trang là bạn.
Hai điều này tự tại nhưng lại viên dung. Có tác động bên này, lại có tác động
bên kia. Bên này chuyển, bên kia chuyển theo. Viên dung nhưng tự tại, bên này
có quyền quyết định, bên kia cũng có quyền quyết định. Đó là Chủ Bạn Viên Dung Tự
Tại môn, một trong Thập huyền môn của Kinh Hoa Nghiêm.
Ở đây đang nói: “ư
chư chúng sanh, thị nhược tự kỷ”, quý vị làm được đối với chúng sanh xem
như chính mình, thì chúng ta cũng khế nhập được một phần của huyền môn vừa rồi
là Chủ Bạn Viên Dung Tự Tại môn. Cho nên Kinh Hoa Nghiêm cũng là Kinh Vô Lượng
Thọ. Chúng ta quan xem chúng sanh như chính mình, bây giờ chưa quán được thì
quán một năm, hai năm, ba năm, bốn năm, dần dần thấy chúng sanh cũng là chính
mình nên đừng ghét chúng sanh, họ đang sai đường, thương họ đi. Cho nên quý vị
hiểu được câu này thôi, quý vị làm được bao nhiêu việc, quý vị có tâm rộng lượng
cứu độ chúng sanh. Vì cứu độ chúng sanh là cứu độ chính mình. Thực ra đây là
Kinh nói phương tiện thôi, chứ đó là chính mình. Nhưng chúng ta không hiểu cảnh
giới đó nên đối với chúng sanh xem như chính mình.
# chẩn tế phụ hạ: gánh nhiệm vụ cứu vớt chúng sanh. Chữ “chẩn” (拯) có bản dịch ghi là “chửng”. Chữ này chư vị tiền bối đổi
âm chửng thành âm chẩn. Chửng là nuốt chửng, tế là cúng. Cho nên có “trai đàn
chẩn tế” (không ai đọc là trai đàn chửng tế). Chửng tế là cúng nuốt, chúng sanh
dễ hiểu lầm. Còn trai đàn chẩn tế, hay làm vào tháng bảy, chẩn tế là cứu vớt,
giúp đỡ. Phụ hạ, phụ là phụ trách, hạ là nhận. Phụ hạ là gánh vác, nhận nhiệm vụ.
Chẩn tế phụ hạ là gánh vác nhiệm vụ cứu vớt chúng sanh.
Tức là các ngài xem chúng sanh như chính mình cho nên
tự gánh vác nhiệm vụ độ chúng sanh, cứu vớt chúng sanh ra khỏi sanh tử luân hồi.
# giai độ bỉ ngạn: đều độ cho họ vượt qua được bờ kia, bờ kia là bờ giải thoát, giác ngộ,
chính là làm Phật.
Hòa thượng chú giải:
+Chẩn tế là cứu độ, giúp đỡ. Phụ hạ là đảm đương, gánh vác, đảm nhận.
Đây là nói Phật Bồ-tát gánh vác nhiệm vụ vĩ đại, nặng nề, gian khổ là giúp đỡ,
cứu độ chúng sanh phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui.
Phật Bồ-tát xem tất cả chúng sanh như chính mình, nên các
ngài gánh vác nhiệm vụ rất vĩ đại nặng nề gian khổ là giúp đỡ, cứu độ chúng
sanh phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui. Nhiệm vụ này khó lắm, vì chúng sanh
cang cường nan hóa.
Tạm
dịch:
Hưng khởi lòng đại
bi, thương xót chúng hữu tình. Từ bi diễn thuyết biện tài để truyền trao Pháp nhãn,
ngăn dứt tận gốc đường ác thú, mở cửa lành. Đối với chúng sanh, xem như chính
mình mà gánh vác nhiệm vụ cứu vớt đều độ sang bờ giải thoát.
Hòa Thượng
chú giải:
Chư Bồ-tát phát khởi tâm đại bi, thương xót
tất cả chúng sanh, không chỉ giảng Kinh thuyết pháp mà còn nỗ lực làm tấm gương
cho tất cả chúng sanh. Đồng thời đem năng lực, trí huệ, hiểu rõ tất cả các pháp
của mình truyền cho chúng sanh, khuyên giải chúng sanh niệm Phật, do đó ngăn chặn
cánh cửa đọa lạc đến ba đường ác của chúng sanh. Mở ra cửa thiện lớn, mang đến
lợi lạc cho chúng sanh. Lại vì Bồ-tát đối với chúng sanh chịu khổ, như chính
mình chịu khổ. Sanh khởi đồng thể đại bi. Tức là lòng yêu thương, thương xót giống
như từ một thân thể vậy. Cho nên phát đại thệ nguyện, gánh vác đảm đương sứ mạng
trọng đại, cứu độ tất cả chúng sanh. Giúp tất cả chúng sanh phá mê khai ngộ, từ
bờ sanh tử này đến bờ an lạc rốt ráo bên kia. Căn cứ vào Kinh này để nói, thì
chính là dạy cho tất cả chúng sanh niệm Phật, rốt ráo cầu nguyện, vãng sanh Thế
giới Cực Lạc.
Tóm lại chúng ta học theo Kinh này đối chúng sanh xem
như chính mình rồi, ráng mà cứu độ tất cả chúng sanh bằng cách đem phương pháp
niệm Phật này giới thiệu cho tất cả chúng sanh để về Thế giới Cực Lạc. Đó là chẩn
tế phụ hạ, gánh vác nhiệm vụ cứu vớt, đều độ cho họ qua bờ giác ngộ. Chúng ta
chỉ có khả năng như vậy thôi. Bây giờ mình chưa được độ, làm sao độ giúp chúng
sanh được. Quý vị chưa chứng quả A-la-hán là sao giúp được chúng sanh chứng quả
A-la-hán, khó chứ không phải là không được.
Có câu chuyện mà Thiện Trang đã kể rồi. Có một bà cụ rất
cung kính các vị Tỳ-kheo, bà rất mong chứng quả nên đến cúng dường cho các vị Tỳ-kheo
đó, nói rằng: Các ngài đã chứng quả rồi, bây giờ các ngài thọ ký cho con chứng
quả. Bốn vị Tỳ-kheo ngồi bốn góc. Một vị nói: Bây giờ tôi giơ tay lên, bà nhìn
thấy cánh tay tôi thì sẽ chứng quả Tu-đà hoàn. Vị đó đưa canh tay lên, bà cụ
nhìn thấy và tin là mình đã chứng được quả Tu-đà-hoàn, niềm tin bất thoái, bà
tin lời các vị Tỳ-kheo đó. Bà bước sang vị thứ hai, vị đó cũng làm động tác gì
đó và nói nếu bà thấy được sẽ chứng Nhị quả Tư-đà-hàm. Bà cũng thấy được như vậy
và tin theo là chứng được quả Tư-đà-hàm. Vị Tỳ-kheo thứ ba cũng làm động tác gì
đó và nói nếu bà thấy được thì chứng quả A-na-hàm, bà cũng rất là tin nên cũng chứng
quả A-na-hàm. Vị thứ tư nói, bây giờ tôi tung quả này lên, nếu bà thấy được sẽ
chứng quả A-la-hán. Bà cũng tin theo và chứng được quả A-la-hán thiệt. Sau khi
bà chứng quả mới biết bốn vị Tỳ-kheo đó đều chưa chứng quả. Bà bay lên thuyết
pháp độ cho 4 người đó.
Cho nên Hòa thượng nói trong Phật pháp quan trọng nhất
là niềm tin, thì quý vị tu có lợi ích rất lớn. Người thuyết pháp tà, nhưng quý
vị mang tâm chánh để nghe thì pháp đó là chánh. Người ta không khai ngộ, không
chứng quả, nhưng quý vị nghe bằng tâm khai ngộ, tâm chứng quả, thành kính tột
cùng “một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười
phần lợi ích”, thì tự nhiên có được thành tựu lớn như vậy. Học trò thành tựu
trước thầy là vậy.
Xưa nay rất nhiều chuyện như vậy. Ví dụ như Tôn giả Pothila
(tên khác là Trường Trảo Phạm Chí). Hôm trước giảng về ngài Xá Lợi Phất lẽ ra
phải kể câu chuyện này.
Ông Trường Trảo Phạm Chí là cậu của ngài Xá Lợi Phất,
ông có biệt tài biện luận vô ngại, khắp nơi không ai tranh luận được với ông,
ông quá giỏi, nói gì cũng hơn. Nhưng từ khi mẹ của ngài Xá Lợi Phất mang thai
thì có biện tài đặc biệt, biện luận với cậu của ngài Xá Lợi Phất là ông Trường
Trảo Phạm Chí, thì ông ta bị thua. Ông nghĩ sao kỳ lạ vậy. Sau rồi ông nghĩ chắc
do đứa con trong bụng, chắc nó giỏi lắm, ta không còn đất sống nữa. Ông xấu hổ
quá, quyết tâm tu hành, đến mức quên cả cắt móng tay và cạo tóc. Cho nên có tên
là Trường Trảo Phạm Chí, tức là người có trí huệ cao, siêng năng tu hành đến mức
quên cắt móng tay. Nhưng lúc đó là tu theo ngoại đạo. Sau này khi biết ngài Xá
Lợi Phất đi theo đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ông bèn tìm đến xuất gia trong Tăng đoàn,
ông thuyết pháp rất tuyệt lời. Giảng Kinh thuyết pháp suốt nhưng không chứng quả
nào hết. Các đệ tử của ngài nghe ngài thuyết pháp thì chứng được quả A-la-hán.
Một ngày kia, ngài cảm thấy xấu hổ quá, đệ tử thì chứng
quả A-la-hán hết rồi còn mình thì vẫn là người hữu học, không chứng quả nào.
Ngài xấu hổ, nên bỏ đi vào rừng. Ngài gặp các ngài A-la-hán ở trong rừng, đến đảnh
lễ các vị ấy và xin các vị ấy chỉ cho cách tu hành chứng quả. Trong các vị
A-la-hán đó có rất nhiều vị là đệ tử của ngài, thấy Thầy mình đến đảnh lễ nên
chạy hết, chỉ còn lại một vị. Vị ấy nói với ngài, rằng nếu ông muốn tu, tôi sẽ
chỉ cho ông cách tu, để ông có thể chứng được quá A-la-hán. Bây giờ ông hãy
dùng lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), chơi trò đá dế. Giống như con dế
trong hang có sáu cửa (lỗ) bắt cửa này nó lại chạy sang cửa kia. Cho nên rất là
khó. Bây giờ ông hãy bịt năm cửa, chỉ chừa đúng một cửa, con dế bị đuổi sẽ chạy
ra đúng cửa đó, thì sẽ bắt được con dế rất dễ, ông có hiểu được trò chơi đó
không? Tất nhiên là Tôn giả Pothila hiểu. Cho nên tu hành cũng là như vậy, phải
đóng hết các căn lại, chỉ để một ý căn thôi, để quan sát tất cả các căn kia. Giống
như con dế chỉ có một đường để chui ra, ông sẽ không chế nó rất là dễ. Đừng để
tai nghe âm thanh, đừng để mắt thấy sắc… tất cả chỉ dùng ý thức để quan sát, khống
chế xử lý ý thức đó thì cuối cùng ông sẽ thành tựu. Tôn giả Pothila hiểu được
cách tu đó, và sau này cũng chứng được quả A-la-hán.
Quý vị thấy phương pháp đó cũng là đô nhiếp lục căn,
điều nhiếp được sáu căn. Chúng ta tu hành muốn thành tựu cũng phải điều nhiếp
sáu căn, công phu niệm Phật cũng như vậy. Thực ra trong các câu chuyện, rất nhiều
câu chuyện đều giúp cho chúng ta tu hành. Câu chuyện nào cũng liên quan.
Tức là các vị Bồ-tát thấy chúng sanh chịu khổ (ư chư
chúng sanh, thị nhược tự kỷ).
Đoạn 16
Kinh văn:
悉獲諸佛無量功德,智慧聖明,不可思議。如是等諸大菩薩,無量無邊,一時來集。
Tất hoạch chư Phật vô lượng công đức, trí huệ Thánh minh,
bất khả tư nghì. Như thị đẳng chư đại Bồ-tát, vô lượng vô biên, nhất thời lai tập.
Giải:
# Tất hoạch chư Phật vô lượng công đức: tất là đều, hoạch là thu hoạch. Đều thu hoạch vô lượng
công đức của chư Phật.
Hòa thượng chú giải:
+tất hoạch là đạt được toàn bộ. Nghĩa là đạt được toàn bộ vô lượng công
đức của chư Phật.
Mười sáu vị Bồ-tát này đạt được toàn bộ vô lượng công
đức của chư Phật.
# trí huệ thánh minh: trí huệ của bậc Thánh, minh là sáng suốt rõ ràng.
Hòa thượng chú giải:
+ Thánh minh là rõ ràng sáng suốt về sự lý.
Nghĩa là các ngài đạt được vô lượng công đức của chư
Phật, có được trí huệ của bậc Thánh rất rõ ràng sáng suốt đối với sự và lý. Tức
là sự cũng nói được, lý cũng nắm được. Ví dụ như giảng pháp, Thiện Trang giảng
sự nhiều, lâu lâu nói lý một chút. Còn có những người giảng toàn sự. Trong một
câu nói, chúng ta chỉ nói được về mặt chữ nghĩa bên ngoài, gọi là sự. Còn lý
bên trong không nói được.
# bất khả tư nghì: không thể nghĩ bàn. Tức là các Bồ-tát này thu hoạch được vô lượng công
đức của chư Phật, có được trí huệ của bậc Thánh rất rõ ràng sáng suốt đối với tất
cả sự và lý, trí huệ này không thể nghĩ bàn.
Hòa thượng chú giải:
+ bất khả
tư nghì có hai ý nghĩa.
1. Không phải cảnh giới mà tư duy ý thức của
phàm phu có thể tưởng tượng, lý giải được.
Nghĩa là nghĩa lý sâu quá, tư duy phàm phu của chúng
ta không thể lý giải được, không hiểu, không tưởng tượng được.
2. Không phải ngôn ngữ văn tự của thế gian
có thể nói rõ, biểu đạt được.
Nghĩa là suy nghĩ không được, viết ra cũng không được,
nói ra cũng không được. Cho nên thế gian gọi là bất khả tư nghì.
Đây
chính là nói đức năng trí huệ vô lượng vô biên của Phật Bồ-tát, thì chúng sanh
phàm phu chúng ta không thể suy nghĩ tưởng tượng được, cũng không thể dùng ngôn
ngữ văn tự của thế gian mà có thể hình dung biểu đạt được.
Cảnh giới của Phật Bồ-tát bất khả tư nghì, chúng ta
không thể hiểu được nổi, cũng không diễn tả ngôn ngữ của thế gian được. Cho nên
chỉ có thể dùng bốn chữ “bất khả tư nghì” tức là không thể nghĩ bàn.
# Như thị đẳng chư đại Bồ-tát: rất nhiều chư đại Bồ-tát như vậy. Ở đây chỉ kể 16 vị Chánh
sĩ, thực ra là vô lượng vô biên, chư đại Bồ-tát.
# vô lượng vô biên: không có hạn lượng, không có biên giới.
# nhất thời lai tập: nhất thời là cùng một lúc, lai tập là đến tụ tập.
Ở đây kể ra có 16 vị Chánh sĩ từ Hiền Hộ Bồ-tát cho đến
Giải Thoát Bồ-tát, đó là đại biểu mà thôi. Còn thực tế rất là nhiều vô lượng vô
biên những đại Bồ-tát giống như vậy, cùng lúc đến dự pháp hội này.
Đây là nói lên pháp hội này rất là thù thắng, rất là đặc
biệt, cho nên vô lượng vô biên chư đại Bồ-tát đến dự hội. Nếu pháp hội thường
thì đâu ai mà đến. Cho nên pháp hội Kinh Vô Lượng Thọ rất thù thắng, rất tuyệt
vời.
Tạm
dịch:
Đều đạt được vô lượng công đức trí huệ Thánh
minh không thể nghĩ bàn của chư Phật. Vô lượng vô biên những chư đại Bồ-tát như
vậy đều cùng đến tập trung dự pháp hội.
Như vậy kể ra 16 vị Chánh sĩ
đó là tượng trưng, thực tế là rất nhiều, vô lượng vô biên, không thể kể hết. Phật
chỉ kể ra 16 vị tượng trưng để cho dễ hiểu. Và 16 cũng là con số viên mãn của Mật
tông. Cho nên đủ rồi, không cần kể nhiều nữa. Chúng ta hiểu là rất nhiều những
người tương đương như vậy, năng lực như vậy đều đến dự pháp hội để biểu trưng
cho pháp hội này thù thắng đặc biệt, vượt qua những pháp hội khác. Tức là bộ
Kinh này rất quan trọng.
Hòa Thượng
chú giải:
Hễ là những Bồ-tát hướng tới thế giới Tây
Phương Cực Lạc của A Di Đà Phật, các ngài đều có đạt được vô lượng công đức và
trí huệ Thánh minh không thể nghĩ bàn của chư Phật. Ở tại đây có thể thấy được
thân phận địa vị của vô lượng vô biên đại Bồ-tát ngang bằng với ngài Phổ Hiền,
Văn Thù, Di Lặc, đồng thời đều đến tham gia đại pháp hội lần này.
Tức là ở đoạn đầu Hòa thượng đã chú giải cho chúng ta
là 16 vị Chánh sĩ này không hề thua kém so với ngài Văn Thù, ngài Phổ Hiền và
ngài Di Lặc. Kết thúc phẩm này, ngài chú giải thêm những vị Bồ-tát mà hướng đến
Tây Phương Cực Lạc của A Di Đà Phật, các ngài đều có đạt được vô lượng vô biên
công đức. Và thân phận địa vị của các ngài cũng ngang bằng ngài Văn Thù, ngài
Phổ Hiền và ngài Di Lặc. Nói cách khác dự pháp hội này là các đại Bồ-tát năng lực
như ngài Văn Thù, ngài Phổ Hiền và ngài Di Lặc. Số lượng các Bồ-tát ấy vô lượng
vô biên.
Các ngài đều hướng về Tây Phương Cực Lạc, đều dùng
tuân tu Phổ Hiền Đại sĩ chi đức, tức là tu theo hạnh của ngài Phổ Hiền, đều quy
hướng về Tây Phương Cực Lạc. Các ngài tự mình quy hướng về Tây Phương Cực Lạc.
Và các ngài làm gương để dẫn dắt chúng sanh về Tây Phương Cực Lạc, trong đó có
chúng ta. Nghĩa là các ngài thừa điều kiện để về Tây Phương Cực Lạc rồi, nhưng
các ngài biểu diễn cho chúng ta noi theo.
Đoạn
17
Kinh
văn:
又有比丘尼五百人,清信士七千人,諸天梵眾,悉共大會。
Hựu hữu Tỳ-kheo-ni
ngũ bá nhân, Thanh tín sĩ thất thiên nhân, Thanh tín nữ ngũ bá nhân, Dục giới
thiên, Sắc giới thiên, chư thiên Phạm Chúng, tất cộng đại hội.
Giải:
# Hựu hữu Tỳ-kheo-ni ngũ bá nhân: lại có 500 vị Tỳ-kheo-ni (Tỳ-kheo-ni là người nữ xuất
gia thọ đại giới, theo Bắc truyền là 348 giới).
Quý vị xem ở đầu Kinh giới thiệu chúng Tỳ-kheo là 12
ngàn người (thập nhị thiên nhân câu). Còn Tỳ-kheo-ni chỉ có 500 người. Bởi vì
thời Phật Tỳ-kheo-ni ít hơn Tỳ-kheo. Người nữ có thân phận thấp kém hơn, được
xuất gia ít hơn. Thiện Trang đã kể cho quý vị nghe ngay cả Đại Á Đạo Tỳ-kheo-ni
Ma Ha Ma Xà Ba Đề xin xuất gia với Phật đến 9 lần (có Kinh nói 3 lần). Năn nỉ
hoài cuối cùng Phật mới cho xuất gia tại thành Tỳ Xá Ly. Đến dự pháp hội này chỉ
có 500 Tỳ-kheo-ni, không cân xứng với 12 ngàn Tỳ-kheo.
Thật ra thân phận người nữ rất tội, nghiệp chướng nặng.
Ở Việt Nam chúng ta là may mắn, có giáo đoàn của Tỳ-kheo-ni. Nhiều nước Nam
truyền hiện nay không có giáo đoàn của Tỳ-kheo-ni. Mặc dù Tỳ-kheo-ni đã xuất hiện
từ thời Phật, nhưng quý vị qua Thái Lan, Myanma (Miến Điện) thì không có Tỳ-kheo-ni.
Nghe nói ở Srilanca (Tích Lan) thì còn Tỳ-kheo-ni. Quý
vị nữ qua đó [Thái Lan, Myanma] đắp y Tỳ-kheo-ni là họ không chấp nhận. Nghe
nói có một vị nữ bên Thái Lan qua Đài Loan thọ giới Tỳ-kheo-ni. Khi trở về được
đón ở ngay sân bay, họ không công nhận là Tỳ-kheo-ni. Thiện Trang có một cô học
trò sanh năm 1993, đi tu ở Myanma, nhắn tin cho Thiện Trang nói, bên đó chỉ
công nhận cô là “Nữ tu” thôi, chỉ thọ được 10 giới, giống như Bát Quan Trai giới vậy, không được gọi là Tỳ-kheo-ni.
Ở trong chùa tu, vẫn có chúng ni riêng, bên Myanma đó, nhưng không được công nhận
là Tỳ-kheo-ni.
Hòa thượng chú giải:
+ Tỳ-kheo-ni là ni chúng, chỉ người nữ xuất gia đã thọ đại giới.
# Thanh tín sĩ thất thiên nhân: Thanh tín sĩ là người có niềm tin trong sạch, chính
Ưu-bà-tắc, tức là nam Cư sĩ tại gia học Phật, hay là nam chúng tại gia. Gồm có
7000 người, nhiều hơn số lượng Tỳ-kheo-ni.
# Thanh tín nữ ngũ bá nhân: Thanh tín nữ là người nữ có niềm tin trong sạch đối với
Phật pháp, còn gọi là Ưu-bà-di, có 500 người. Người nữ tại gia và xuất gia chỉ mỗi
bên chỉ có 500 người. Đúng là thời Phật, người nữ không có thành tựu nhiều. Nam
chúng thì đông, nếu cộng cả hai (nữ chúng tại gia và xuất gia) thì gấp bảy lần,
nếu so với một chúng là gấp 14 lần. Ngoài ra còn chư thiên nữa.
# Dục giới thiên: trời Dục giới là trời Tứ Thiên Vương, Đao Lợi, Tu Diệm Ma, Đâu Suất,
Hóa Lạc và Tha Hóa Tự Tại.
# Sắc giới thiên: là bốn tầng trời tứ thiền từ Sơ thiền đến Tứ thiền, tầng cuối cùng là Sắc
Cứu Cánh thiên. Tầng thứ bảy trời Phạm Chúng, tiếp theo là trời Phạm Phụ và trời
Đại Phạm, trời Thiểu Quang, trời Vô Lượng Quang, trời Quang Âm, trời Thiểu Tịnh,
trời Vô Lượng Tịnh, trời Biến Tịnh v.v… kể ra nhiều lắm. Ở đây không có Vô sắc giới.
# chư thiên Phạm Chúng: còn kể riêng một loại là chư thiên Phạm Chúng. Ở đây
Hòa thượng không chú giải là tại sao kể riêng chư thiên Phạm Chúng.
Theo Thiện Trang biết chư thiên Phạm Chúng ở đây là trời
Đại Phạm, là chỉ cho một trong những chúng sanh ở cõi trời mà có lòng kính tin
với Tam Bảo, và là hộ pháp đắc lực của nhà Phật.
Theo Kinh Đại Tập, trong quá khứ Phật đã từng giao sứ
mạng bảo hộ bốn thiên hạ cho Đại Phạm thiên và Đế Thích thiên (vua trời Đao Lợi).
Ngoài ra Kinh Đại Bi ghi chép, khi đức Thế Tôn sắp nhập Niết-Bàn, Ngài đã phá
trừ tà kiến cho Đại Phạm thiên để ông trở thành một Đệ tử của Phật. Đức Thế Tôn
cũng giao trọng trách bảo hộ Tam thiên Đại thiên thế giới cho Đại Phạm thiên. Cho
nên trong Kinh Phật thường nhắc đến Đại Phạm thiên là người hộ trì, bảo vệ Phật
pháp.
Như vậy chúng ta biết được bộ Kinh này được sự bảo hộ
của Đại Phạm thiên. Nghĩa là tu thì được Đại Phạm thiên bảo hộ. Đáng lẽ ra thì
không kể riêng Đại Phạm thiên vì Đại Phạm thiên nằm trong Sắc giới thiên. Nhưng
ở đây kể riêng để nhấn mạnh: các con tu Pháp môn này, bộ Kinh này, là được Đại
Phạm thiên bảo hộ. Cho nên kinh Phật là có ý nghĩa thâm sâu trong đó. Trong
nhóm đó tự nhiên kéo ra một người đưa ra là phải có ý gì trong đó. Người đó là
đặc biệt, thù thắng.
# tất cộng đại hội: đều cùng đến dự đại hội.
Tạm
dịch:
Lại có chúng Tỳ-kheo-ni
500 người, Thanh tín sĩ 7000 người, Thanh tín nữ 500 người. Và chư thiên
trời Dục giới, trời Sắc giới, trời Phạm Chúng đều cùng đến dự đại hội.
Hòa Thượng
chú giải:
Lại có Tỳ-kheo-ni 500 người, nam Cư sĩ 7000
người, nữ Cư sĩ 500 người, và còn đại chúng người trời Dục giới, trời Sắc giới.
Trong Chú Giải chữ chư thiên ở trên chú giải là chư
thiên cõi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Tuy nhiên Thiện Trang nghĩ rằng người
đánh máy nhầm vì ở đây không có kể đến Vô sắc giới. Vì người trời Vô sắc giới
là họ nhập trong định, họ không quan tâm đến bên ngoài để mà đến dự. Trong Kinh
cũng không nói đến Vô sắc giới, cho nên chỉ có chư thiên cõi Dục giới và Sắc giới,
cũng như cõi người và các cảnh giới khác. Ở đây không thấy nói đến cư dân của địa
ngục, A-tu-la, hay ngạ quỷ. Nhưng ở phẩm 38 Lễ Phật Hiện Quang, cho đến khê cốc,
Nê Lê (là địa ngục), rồi các cảnh giới U minh chi xứ. Các cảnh giới đó đều thấy
nên họ cũng hưởng được Kinh Vô Lượng Thọ. Nhưng họ chỉ được hưởng một cách bị động,
chứ không phải đến để dự. Cho nên pháp hội này rất thù thắng. Nhân thân nan đắc,
Phật pháp nan văn (thân người khó được, Phật pháp khó nghe). Chư thiên thì chỉ
nghe ké thôi, còn người thì được nghe chính thức.
Sau năm buổi giảng Thiện Trang đã chia sẻ hết phẩm thứ
2.
Phẩm thứ nhất và phẩm thứ hai là giới thiệu đại chúng
dự pháp hội. Đầu tiên là kể ra gồm có 12 ngàn Tỳ-kheo, đều đã chứng đại Thánh,
thần thông đã đạt rồi. Rồi kể ra năm vị Tôn giả bắt đầu từ ngài Kiều Trần Như
là đệ tử được độ đầu tiên. Tiếp theo là kể đến ba vị Bồ-tát, đầu tiên là kể
ngài Phổ Hiền, rồi ngài Văn Thù, ngài Di Lặc. Sau đó kể tiếp tục vào phẩm thứ
hai là 16 vị Chánh sĩ, cuối phẩm thứ hai là kể thêm 500 Tỳ-kheo-ni, 7000 nam Cư
sĩ tại gia, và 500 nữ Cư sĩ tại gia. Nếu xét cõi người thôi là có 12000 + 500 +
7000 + 500 = 20000 người ở cõi người. Còn các cảnh giới khác chư thiên, Bồ-tát
vô lượng vô biên. Như vậy pháp hội này rất thù thắng. Pháp hội này sẽ tuyên giảng
điều gì, buổi sau chúng ta sẽ tiếp tục học.
Chúng ta may mắn lắm mới được học Phật, nhiều đời nhiều
kiếp chúng ta đã gieo duyên lành với đức Phật A Di Đà, thì chúng ta nghe mới hấp
dẫn. Nghe hấp dẫn rồi thì ráng tu. Nếu không cố gắng, thì uổng phí một đời qua
đi. Kinh Vô Lượng Thọ, phẩm 35 (Trược Thế Ác Khổ) nói “ai tai khả thương” (thật
đáng thương thay).
Phần trả lời câu hỏi
Câu hỏi 1:
A Mi Đà Phật! Kính bạch Thầy, con nghe Hòa thượng giảng:
phàm phu chúng ta là “niệm Pháp thân Phật”, còn từ Sơ địa Bồ-tát trở lên mới thực
là niệm A Mi Đà Phật”. Kính xin Thầy giải thích cho chúng con ạ. Chúng con kính
tri ân Thầy ạ!
Trả lời:
Trong Pháp môn niệm Phật chư tổ có chia ra 4 phương
pháp niệm Phật. Đầu tiên là Trì Danh Niệm Phật. Chúng ta thường tu Trì Danh Niệm
Phật, tức là niệm danh hiệu Phật thôi. Thứ hai là Quán Tưởng Niệm Phật. Thứ ba
là Quán Tượng Niệm Phật và thứ tư là Thật Tướng Niệm Phật. Chúng ta không niệm
theo kiểu Thật Tướng Niệm Phật đâu. Không biết cô này hỏi có nhầm không vì theo
Thiện Trang biết là chỉ có Bồ-tát mới niệm theo Thật Tướng Niệm Phật thôi, tức
là từ Sơ địa Bồ-tát trở lên mới là Thật Tướng Niệm Phật. Còn chúng ta chỉ niệm
kiểu Trì Danh Niệm Phật, hoặc Quán Tưởng Niệm Phật là nghĩ tưởng, nhớ tưởng Tây
Phương Cực Lạc. Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ có chia ra 16 pháp quán.
Thực ra Trì Danh Niệm Phật cũng là một trong 16 pháp quán.
Ví dụ pháp quán đầu tiên là quán mặt trời. Quý vị nhìn về phía Tây, nhìn mặt trời
lặn, quán làm sao thấy được Tây Phương Cực Lạc. Đến khi mặt trời lặn rồi vẫn thấy
được. Có 16 pháp quán như vậy. Pháp quán cuối cùng là Trì Danh Niệm Phật. Chúng
ta là từ tướng niệm Phật chứ không từ tánh niệm Phật được. Còn các vị Bồ-tát là
từ tánh niệm Phật. Các ngài niệm niệm tương ứng với Pháp thân Phật thì mới
đúng, tương ưng với Tự Tánh Di Đà. Thiện Trang nghĩ là cô này nghe nhầm, cô về
tìm lại bài gốc đoạn giảng đó để Thiện Trang coi lại. Có khi người ta dịch nhầm
hoặc là Thiện Trang nghe nhầm. Nhưng mà chỉ có phàm phu chúng ta không phải là
thực sự niệm Phật, không đúng là Thật Tướng Niệm Phật. Chúng ta chỉ là một phần
rất nhỏ, niệm Trì Danh thôi. Trì Danh một đến mười niệm lâm chung thì được vãng
sanh. Ít có người vào được Thật Tướng Niệm Phật lắm, niệm Pháp thân Phật không
được. Chúng ta là được hưởng ké một phần ánh sáng quang minh của Phật, sự gia
trì của Phật. Gọi là “ta niệm Phật thì Phật niệm ta” đó.
Câu hỏi 2:
A Di Đà Phật! Kính bạch Thầy, trong khi giảng con nghe
Thầy nói đến cách quán. Khi niệm Phật chúng ta quán Tây Phương Cực Lạc, tương
ưng với không chấp trước nữa, lúc nào đó chúng ta sẽ quên được thân. Chúng ta quán
là chúng ta không được dựa vào thân này, mà dựa vào hoa sen trên Tây Phương Cực
Lạc, chúng ta hướng đến lúc lâm chung, hoa sen tới là mình lên hoa sen. Quán
như vậy là mình có thể phá chấp thân lúc lâm chung. Thầy có thể giảng rõ hơn về
cách quán này không ạ, vì khi niệm Phật, tâm buộc chặt trong câu A Di Đà Phật,
miệng đọc từng chữ, tai nghe rõ ràng, cộng thêm quán như vậy ạ?
Trả lời:
Thực ra Thiện Trang có chia sẻ. Những chia sẻ này nhiều
khi cũng nguy hiểm lắm. Ý mình nói một đường, người ta hiểu một nẻo. Đúng là
Thiện Trang có nói như vậy, nếu mình quán được thì mình sẽ quên được thân. Quán
Tây Phương Cực Lạc, quán hoa sen sẽ đến, hay quán đức A Di Đà Phật đến. Quý vị
nghĩ như vậy và niệm Phật thì lúc đó đức Phật sẽ đến. Lúc đó quý vị quên mất
thân mình đang đau, quên mất thân sắp hoại. Cho nên thành tựu. Đó là phương
pháp quán. Nhưng cô lại hỏi tâm niệm Phật, tai nghe từng chữ rõ ràng. Như vậy
thì không quán, không nên dùng hai thứ một lúc. Chỉ một trong hai thôi. Vừa
pháp này vừa pháp kia là không ra gì đâu. Chỉ dùng một thứ thôi, nếu thường
xuyên niệm được thì niệm. Thực ra lúc đó niệm cũng là quán rồi.
Quý vị niệm A Di Đà Phật! A Di Đà Phật! A Di Đà Phật!
Hay Nam Mô A Di Đà Phật! Nam Mô A Di Đà Phật! Nam Mô A Di Đà Phật! Lúc đó cũng
như quán rồi, vì quý vị nhiếp tâm vào câu Phật hiệu. Gọi là Trì Danh quán.
Trong 16 pháp quán, Pháp quán cuối cùng là Trì Danh Niệm Phật dành cho người hạng
tệ nhất. Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói, lúc lâm chung người mà tạo Ngũ nghịch Thập
ác. Đến lúc lâm chung họ không thể niệm danh hiệu Phật được mà họ chỉ trì danh,
tức là xưng danh thôi, từ một đến mười niệm, cũng sẽ thấy được đài hoa sen tới,
cũng được vãng sanh.
Cho nên dùng pháp nào chỉ dùng một thôi. Pháp tu rất
nhiều. Tuy là niệm Phật nhưng rất nhiều cách, niệm thứ nào chỉ một thứ thôi.
Còn nếu muốn vừa niệm này vừa niệm kia một lúc thì không được. Lúc dùng pháp
này thì đừng những pháp kia. Hai pháp đó đều có thể dùng được nhưng mà chỉ dùng
một thứ thôi. Thiện Trang thì hay quán, tu quán nhiều hơn. Tức là lúc thì niệm
A Di Đà Phật! A Di Đà Phật! rồi nghĩ đức Phật đến rồi. Pháp quán này rất hiệu
quả. Có một số trường hợp, ví dụ như bị bóng đè, hay cảnh ma, thì cứ quán là đức
A Di Đà Phật đã đến rồi. Niệm mấy câu là cảnh tan liền, rất nhanh. Còn niệm Trì
danh A Di Đà Phật! A Di Đà Phật! Thì không thấy gì hết. Đó là sức quán của Thiện
Trang mạnh, nên Thiện Trang dùng pháp quán nhiều. Còn tùy quý vị, quý vị phải
biết căn tánh của quý vị, pháp nào hiệu quả hơn thì quý vị dùng. Không nên chấp
trước, tu hành có nhiều cách. Hòa thượng nói quan trọng nhất là xả tâm. Tâm
buông xả đối với thế giới này, tâm không dính mắc gì thế giới này thì quý vị niệm
cách nào cũng được vãng sanh. Một đến mười niệm đều được vãng sanh. Còn nếu
chúng ta quán được quên được thân thì phẩm vị có lẽ sẽ cao hơn chút. Vì quên hết
rồi. Niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật. Pháp môn này là Pháp môn từ tướng nhập
tánh. Nghĩa là chúng ta niệm Phật lâu ngày thì trên tướng trì danh thôi, nhưng
dần dần lâu ngày thành thật tướng niệm Phật, tức là tâm mình tương ưng với tâm
A Di Đà Phật. Tức là tâm đồng tâm Phật, nguyện đồng nguyện Phật, giải đồng với
giải Phật, hạnh đồng hạnh Phật.
Như trong Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông
Chương nói: giống như người ướp hương thì thân có mùi thơm. Cũng vậy đó, niệm
Phật chỉ cần nhiếp, không còn phương tiện nào khác, đô nhiếp lục căn, tịnh niệm
liên tục, bất giả phương tiện, tự đắc tâm khai. Không cần phương tiện nào khác,
cứ niệm miết vậy thôi. Nhớ điều nhiếp được sáu căn thì dần dần vào tam-ma-địa
thì tâm tự nhiên khai, tự nhiên vãng sanh. Và quan trọng là phải có tín nguyện.
Không có tín nguyện, niệm Phật mà không nguyện vãng sanh thì không được. Tất
nhiên chúng ta nghe pháp ở đây thì đa số chúng ta có tín và nguyện. Trong đó phải
có niềm tin quyết định. Tin nhất định mình phải vãng sanh, nhất định mình sẽ
vãng sanh. Phải tin như vậy.
Chứ nếu không nghe Hòa Thượng giảng cao quá, rồi Thiện
Trang cũng đòi hỏi cao quá rồi nghĩ: tôi nghiệp chướng nặng chắc không vãng
sanh đâu. Quý vị nghĩ như vậy, là quý vị có nghi, có nghi thì khó mà vãng sanh.
Cho nên chúng ta phải làm sao đó đừng có nghi. Cho dù thân thể có đau rã rời,
cho dù hoàn cảnh khốc liệt đến đâu, mình vẫn tin rằng mình sẽ vãng sanh. Tin rằng
đức A Di Đà Phật sẽ đến. Con đang chờ Ngài, nên đau cỡ nào cũng niệm. Mình tin
như vậy là Phật đến liền. Phật biết mà, niềm tin quyết định. Cho nên Đại sư Ngẫu
Ích nói: có tín có nguyện nhất định vãng sanh. Phẩm vị cao hay thấp là do công
phu trì danh sâu hay cạn. Quý vị làm được tín nguyện thì chắc chắn vãng sanh.
Đó là tiêu chuẩn thấp nhất.
Hôm nay chúng ta kết thúc bài giảng ở đây, chúc quý vị
an lạc, luôn luôn “tâm thường đế trụ, độ thế chi đạo”, nghĩa là luôn luôn có
tâm giúp đỡ đối với chúng sanh, nhưng đối với chính mình thì phải thành tựu trước,
tâm thường an trụ trong câu Phật hiệu. Tự hành chính là hóa tha. Hóa tha chính
là tự hành. Hai chính là một. Hẹn gặp lại quý vị thứ bảy tuần sau. Kính chào
quý vị!
Chúng sanh vô
biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận
thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô
lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô
thượng thệ nguyện thành!
Nguyện đem công
đức này
Hướng về khắp
tất cả
Đệ tử và chúng
sanh
Đồng sanh về
Tịnh Độ
(Hết phẩm 2)