Responsive Menu
Add more content here...

Bài 8 – Chia Sẻ Kinh Vô Lượng Thọ Lần 1 – Phẩm 3

Nam Mô A Mi Đà Phật

Kính chuyển đến chư vị hữu duyên phần ghi chép tóm lược lại bài giảng Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác – Đại Giáo Duyên Khởi-Đệ Tam(Thánh Chúng Dự Pháp Hội – Phẩm Thứ Ba)

Giảng giải: Thầy Thích Thiện Trang

Giảng ngày: 05.09.2020- VLT 037

Phát trực tiếp trên Kênh YouTube Thích Thiện Trang (Link YouTube tại đây: https://youtu.be/sx3-eNqRx5s) và mạng xã hội Facebook: Fanpage Thích Thiện Trang.

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Nam Mô A Mi Đà Phật!

 

Kính chào quý vị liên hữu đồng tu đang theo dõi thời pháp trực tuyến vào tối thứ bảy hàng tuần trên mạng xã hội Facebook (Fanpage Thích Thiện Trang) và kênh YouTube Thích Thiện Trang! Hôm nay là buổi thứ 37 Thiện Trang tiếp tục chia sẻ tâm đắc học tập Kinh Vô Lượng Thọ. Hôm nay chúng ta bắt đầu vào Phẩm thứ ba Kinh Vô Lượng Thọ – Đại Giáo Duyên Khởi.

 

Trước khi vào Kinh văn, Thiện Trang giới thiệu một bài kệ trong Quy Sơn Cảnh Sách của Thiền Sư Quy Sơn Linh Hựu:

“Vô thường lão bệnh

Bất dữ nhân kỳ

Triêu tồn tịch vong

Sát-na dị thế”

Dịch nghĩa:

“Vô thường già bệnh

Không hẹn chờ ai

Sáng còn tối mất

Sát-na đời khác”

Sát-na là một đơn vị đo thời gian trong Phật môn. Một khảy móng tay có 60 sát-na. Đây là một bài kệ nhắc nhở sự vô thường, để cho chúng ta tinh tấn hơn trong tu học, để một đời này chúng ta về được Tây Phương Cực Lạc. Để trang bị thêm hành trang trên đường về Tây Phương Cực Lạc, chúng ta tiếp tục học phẩm thứ ba.

 

Đề Phẩm

大教緣起第三

Đại Giáo Duyên Khởi, Đệ Tam

 

Giải:

# Đại Giáo Duyên Khởi: Duyên khởi của đại giáo

Hòa thượng chú giải:

Chỉ cho bộ Kinh này là pháp bảo hy hữu, hiếm có, quảng đại (rộng lớn), viên mãn, thẳng tắp, nhanh chóng, phương tiện, cứu cánh.

Tức là đây là đại giáo, không phải tiểu giáo. Bộ Kinh chúng ta đang học là Đại Thừa Vô Lượng Thọ là Kinh đại giáo. Đại giáo là con đường đạo, giáo pháp lớn giúp chúng sanh ra khỏi sanh tử luân hồi.

Duyên khởi là nhân duyên phát khởi. Tức là phẩm thứ ba này sẽ nói về nhân duyên vì sao đức Phật giảng cho chúng ta bộ Kinh này.

# Đệ Tam là phẩm thứ ba

Hòa thượng chú giải:

Phẩm Kinh văn này nói rõ cho chúng ta sự hy hữu của Kinh này là việc Thế Tôn hiện điềm lành phóng quang. Ngài A Nan hoan hỷ thưa thỉnh, từ đó mà phát khởi nhân duyên, vì tất cả chúng sanh mà tuyên thuyết Kinh này.

 

Đoạn thứ nhất

Kinh Văn:

爾時世尊威光赫奕如融金聚現大光明數千百變。

Nhĩ thời Thế Tôn uy quang hách diệc, như dung kim tụ, hựu như minh kính, ảnh sướng biểu lý, hiện đại quang minh số thiên bá biến.

Giải:

# Nhĩ thời Thế Tôn: Chữ nhĩ thời là lúc đó, lúc bấy giờ, chúng ta đã học qua hai phẩm Kinh trước lúc bấy giờ là nói tại núi Kỳ Xà Quật (Linh Thứu), lúc đó đại chúng đang tụ họp để nghe bộ Kinh này. Thế Tôn là đức Thích Ca Mâu Ni Phật. Tôn là tôn quý, Thế là thế gian. Người tôn quý trong thế gian, trong đời thì gọi là Thế Tôn. Thích Ca Mâu Ni Phật là bậc tôn quý cho nên được gọi là Thế Tôn. Đây là cách gọi tôn kính đối với Thích Ca Mâu Ni Phật.

# uy quang hách diệc: âm “hách dịch” nghe không hay, vì nguyên tắc phiên dịch Kinh điển thì không nên để những âm nghe khó chịu, cho nên Thiện Trang tra trong Từ điển, có âm “diệc” đồng nghĩa với âm “dịch”, cho nên đổi thành diệc. Âm này trong Từ điển Khang Hy mới có, trong Từ điển thường không có. Uy quang là uy thần và quang minh. Uy thần của đức Thích Ca Mâu Ni Phật và ánh sáng mà ngài phát ra. Hách diệc: hách là minh diệu, sáng chói, diệc là cường thịnh, tức là mạnh mẽ. Nghĩa là nói giống kiểu thời nay là rất có thần thái. Đức Phật lúc đó có thần thái rất tuyệt vời. Ánh sáng Ngài chiếu ra rất mạnh mẽ, sáng chói.

Hòa thượng chú giải:

+uy quang hách diệc là uy thần quang minh bởi vì trí huệ quang minh của Phật có thể phá tất cả phiền não tối tăm, cho nên xưng quang minh của đức Phật là uy quang.

Sức mạnh này phá đi tất cả phiền não và tối tăm.

Hách là minh diệu, sáng chói. Diệc là cường thịnh, tức là mạnh mẽ. Quang minh của Phật sáng chói mạnh mẽ có đầy đủ uy thần lực hùng mạnh.

Ánh sáng này chiếu tới đâu là chúng sanh được nhiếp thụ tới đó. Kinh Vô Lượng Thọ nói, chúng sanh được ánh sáng của Phật chiếu tới, thì được thân tâm an lạc. “Từ tâm tác thiện”, rồi “lai sanh ngã quốc”, đó là tiếp xúc được quang minh. Còn quý vị niệm Phật, Thiện Trang hay nói là giống như chúng ta mở một đài tiếp sóng. Sóng quang minh từ Tây Phương Cực Lạc chiếu xuống, chúng ta cũng nhận được. Sau khi nhận được, chúng ta cảm thấy an lạc, trí tuệ chúng ta tăng trưởng, công phu lên, mọi thứ đều lên. Lúc này trong hội giảng Kinh Vô Lượng Thọ, đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật chuẩn bị sắp sửa giảng Kinh Vô Lượng Thọ, cho nên Ngài cũng cảm được sự gia trì từ Tự Tánh lưu xuất là vô lượng quang của Tự Tánh, Vô Lượng Thọ của Tự Tánh, A Di Đà của Tự Tánh hiện ra. Cho nên Ngài có một thần thái rất tuyệt vời, là uy quang hách diệc.

# như dung kim tụ: “như” là giống như, “dung kim” là vàng nấu chảy ra, ánh sáng rất đẹp. Ở đây ví dụ là quang minh của Phật phát ra ánh sáng đẹp như ánh sáng của vàng nấu chảy. “Tụ” là quang sắc ngưng tụ, gom tụ, ngưng tụ lại. Quý vị có một khối vàng lớn, nấu ở nhiệt độ rất cao, trên 1000 độ C vàng mới chảy ra, khi đó ánh sáng vàng rất rực rỡ. Đây là thí dụ tượng trưng thôi, ở thế gian không có gì có thể sánh với ánh sáng của Phật, cho nên Phật lấy ví dụ vàng là quý nhất. Ánh sáng của vàng thật, không phải vàng giả, rất là đẹp. Bình thường đã đẹp rồi, nấu lên nung chảy ra còn đẹp hơn nữa. Cho nên là như dung kim tụ.

# hựu như minh kính: “hựu” là lại, “như” là giống như, “minh kính” là gương sáng. Gương sáng chiếu hết tất cả.

# ảnh sướng biểu lý: “ảnh sướng” là ánh sáng. “Biểu” là bên ngoài, “lý” là bên trong. Trong ngoài đều thấy rất rõ.

Hòa thượng chú giải:

+ảnh sướng là ánh sáng trong suốt. Biểu lý là bên ngoài biểu hiện, bên trong biểu lý. Đây là dùng tấm gương sáng rực để biểu lộ cho quang minh bên trong và ngoài thân tâm của Phật.

Ánh sáng rất tuyệt vời, giống như vàng mà nung chảy. Cũng giống như tấm gương rất sáng, chiếu soi hết tất cả bên trong ngoài đều rõ hết. Gọi là ảnh sướng biểu lý.

# hiện đại quang minh: hiện ra ánh sáng từ trường lớn. Phật lúc này hiện ra ánh sáng rất lớn.

# số thiên bá biến: số lượng trăm nghìn biến hóa. Có nghĩa là ánh sáng nhiều màu sắc, biến hóa ra, không phải chỉ có ánh sáng trắng.

Lúc đó đức Phật Thích Ca Mâu Ni chuẩn bị thuyết pháp. Lúc đó tướng của Ngài rất đẹp, thần thái rất đẹp. Ánh sáng rực rỡ phóng quang như vàng nung nóng chảy ra. Rồi giống như tấm gương sáng chiếu thấy rõ hết tường tận bên trong bên ngoài. Lúc đó Ngài phóng ra ánh sáng lớn, hào quang lớn. Có thể thấy được trăm ngàn sắc ánh sáng lớn rất là đẹp, đủ các màu, chiếu khắp nơi. Cảnh giới đó là của chư Phật Bồ-tát, các ngài mới thấy được đủ màu sắc như vậy. Còn chúng ta ở tại thế gian, chỉ thấy sáng sáng bình thường thôi. Nếu ai có cảm ứng thì thấy một ánh sáng màu vàng. Đó là mắt của chúng ta chỉ bắt được bấy nhiêu đó thôi, không bắt được ánh sáng khác nữa. Không phải chỉ có ánh sáng, mà có cả từ trường có năng lượng mang đến cho chúng ta, nhưng chúng ta chỉ cảm nhận được thôi.

Tạm dịch:

Lúc bấy giờ, quang minh uy thần của đức Thế Tôn sáng chói rực rỡ, như ánh sáng vàng được nung chảy, cũng như tấm gương sáng, trong ngoài thông suốt, hiện ánh sáng lớn, trăm ngàn biến hóa.

Nghĩa là màu sắc biến hóa, nhưng cảnh giới chúng ta không thấy được.

Hòa thượng chú giải:

Lúc đại chúng tụ họp tại núi Linh Thứu, đức Thích Ca Mâu Ni Phật thần thái sáng láng, toàn thân phóng đại quang minh, giống như ánh sáng của vàng được nung chảy. Cũng giống như gương sáng trong ngoài sáng tỏ. Đây là dùng ánh sáng của tấm gương để tỷ dụ cho thân tâm của đức Phật, hiện ánh sáng lớn trăm ngàn biến hóa. Màu sắc ánh sáng biến hóa vô cùng, vi diệu, đẹp tuyệt vời, không gì sánh được.

Đây là một cảnh giới rất tuyệt vời, và “tùy chúng sanh tâm, ứng sở tri lượng”. Hoặc là “các các hữu tình tùy loại giải”, mỗi mỗi hữu tình tùy loại thấy, tức là tùy mỗi loại chúng sanh mà thấy được. Đây là diễn tả trong Kinh thì thấy vậy. Bao giờ quý vị thành tựu tới dự hội Linh Thứu, sẽ thấy những điều chúng ta thấy còn đẹp hơn trong Kinh tả, không thể nghĩ bàn được. Vì điềm lành này là đặc biệt cho bộ Kinh này.

 

Đoạn 2

Kinh Văn:

尊者阿難即自思惟今日世尊色身諸根悅豫清淨光顏巍巍寶剎莊嚴從昔以來所未曾見喜得瞻仰生希有心。即從座起偏袒右肩長跪合掌

Tôn giả A Nan tức tự tư duy: kim nhật Thế Tôn sắc thân chư căn duyệt dự thanh tịnh, quang nhan nguy nguy bảo sát trang nghiêm, tùng tích dĩ lai sở vị tằng kiến. Hỷ đắc chiêm ngưỡng, sanh hy hữu tâm. Tức tùng tòa khởi, thiên đản hữu kiên, trường quỵ hiệp chưởng.

Giải:

# Tôn giả A Nan tức tự tư duy: Tôn giả A Nan là Thị giả của đức Phật đã được giới thiệu ở phẩm một. Ngài A Nan thấy như vậy, ngài liền tự suy nghĩ. Vì thấy tướng như vậy nên ngài suy nghĩ.

# kim nhật Thế Tôn: hôm nay đức Thích Ca Mâu Ni Phật.

# sắc thân chư căn: thân thể và chư căn là sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.

# duyệt dự thanh tịnh: duyệt là vui. Vui trong thanh tịnh.

Hòa thượng chú giải:

+vui sướng mà không phân biệt, không chấp trước.

Lúc đó Tôn giả A Nan thấy như vậy liền tự suy nghĩ, thân thể và các căn của Thế Tôn sao mà đẹp, mà vui vẻ, mà thanh tịnh như thế.

Chúng ta tu hành rồi, có vui cũng vui trong chánh niệm, vui trong thanh tịnh. Có nhiều người vui mất cả chánh niệm, đó không phải là vui của xuất thế gian. Niềm vui đó coi chừng đọa lạc, vì sau niềm vui sẽ là nỗi buồn. Ví dụ như người thế gian vui thì hò hát, nhảy múa, sau đó rã rời cả thân thể. Đó là niềm vui không thanh tịnh. Còn đây là Phật vui trong niềm vui thanh tịnh, không phân biệt, không chấp trước.

           Chúng ta đọc câu Kinh văn này duyệt dự thanh tịnh, tu hành rồi cố gắng đừng phân biệt, đừng chấp trước. Vui mà giữ được tâm thanh tịnh, Hòa thượng có câu nói đơn giản “ư nhân vô tranh, ư thế vô cầu” tức là không tranh với người, không cầu với đời. Người không tu hành thì không nói, họ rất nhiều phân biệt, chấp trước. Tu hành rồi, đối với gia đình, vợ chồng con cái vẫn có sự chấp trước. Đặc biệt là những người lớn tuổi, họ thường trách sao con mình, chồng mình đối xử mình thế này thế kia. Người xuất gia thì trách Đệ tử sao không đối xử tốt với mình v.v…Người già hay bị bệnh này, trách sao nó đối xử với mình thế này, mình tu đâu đến nỗi nào v.v…Mình là người tu hành rồi, đừng bao giờ để tâm vào những chuyện đó. Gọi là không cầu ở người khác. Cầu người rất khó, cầu mình thì dễ. Mình tự tìm thấy niềm vui thanh tịnh an lạc trong giáo pháp. Suốt ngày ở trong Phật pháp, suốt ngày ở trong giáo pháp thì mình sẽ có niềm vui.

Chuyện thế gian không thể nào mong cầu được. Vì cầu bất đắc khổ. Người ta không hiểu mình, mà mình cũng không hiểu người ta. Có nhiều khi người ta phải lo lắng việc này việc kia. Ví dụ như Thiện Trang hay bị người ta trách, ông thầy Thiện Trang rất vô tình, ông không quan tâm gì tới ai hết. Thực ra quý vị cũng thấy Thiện Trang rất bận bịu công việc. Buổi sáng tu xong thì đi nấu ăn, ăn sáng xong thì lau dọn một hồi, rồi lên phiên dịch, công việc cứ kéo dài. Cả ngày không nhớ gì hết. Ai tìm Thiện Trang mới nhớ, không tìm thì không nhớ. Vì không có thời gian để mà nghĩ. Có người tìm, Thiện Trang mới nhớ, không có thì quên, vì lâu quá rồi. Nhưng mỗi khi ai tìm Thiện Trang thì Thiện Trang luôn hết mình giúp đỡ. Ở đây mình phải tùy duyên diệu dụng. Tập đi “tùy duyên diệu dụng, vô phương đức” (một trong Hành tứ đức của Hoa Nghiêm Áo Chỉ).

Đối với chúng sanh chúng ta tùy duyên, nhưng phải có diệu dụng. Hòa thượng giảng thành bốn câu: tùy duyên bất biến, bất biến bất tùy duyên, tùy duyên tùy biến, không bất biết cũng chẳng bất tùy duyên. Đối với chúng sanh chúng ta Hòa thượng nói là tùy duyên tùy biến, nghĩa là theo duyên bên ngoài, kéo sao mình chạy theo vậy. Bồ-tát là tùy duyên bất biến, các ngài có thể theo các duyên, nhưng trong tâm thanh tịnh, không phân biệt, không chấp trước, không khởi lên phiền não. Đó là tùy duyên bất biến. Đối với A-la-hán là bất biến bất tùy duyên. Vì A-la-hán chứng quả rồi, không dám ra độ sanh, sợ chúng sanh quá. Cho nên giữ tâm thanh tịnh, khỏi tùy duyên luôn. Phật là bất biến trước, tùy duyên sau. Trên đời thì đủ thứ, chúng ta học Phật pháp chúng ta có được nhiệm mầu trong đó. Thiện Trang có một cô học trò khóa 91, cổ có chồng con. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn cũng biết được Phật pháp. Lúc trước cổ gởi cho Thiện Trang tin nhắn của chồng cổ gởi cho cổ, với những lời chửi rất thậm tệ. Nhiều lần như thế, Thiện Trang luôn luôn khuyên, phải Nhẫn nhục Ba-la-mật.

Thiện Trang nghĩ như vậy hết cứu vãn rồi. Gần đây cổ lại gởi tin nhắn của người chồng nói nấu cơm đợi về nha. Mọi lần thì tin nhắn đến mức cô ấy sợ, không dám coi.  Cô ta nghe một bài giảng của Thiện Trang,Thiện Trang giảng 2 tiếng thì cô ta nghe 6 tiếng, tức là nghe ba lần, rồi học thuộc lòng Kinh Vô Lượng Thọ, bây giờ thuộc từ phẩm 32 đến phẩm 48 rồi. Cho nên không có thời gian nghĩ đến chuyện đó nữa, người ta chửi sao không biết, lướt qua rồi không coi nữa. Cho nên nhờ vậy, nhờ dán tâm vào Phật pháp. Phật pháp mầu nhiệm, chuyển đổi. Tự nhiên bây giờ chồng tự nhiên làm lành. Đó là nghiệp tiêu. Ở với nhau là oan gia, vào nhà làm vợ người ta cũng là oan gia. Cho nên bị người ta sỉ nhục là trả nợ. Một thời gian nghiệp đỡ, giảm, người ta thức tỉnh lại. Đó là câu chuyện mầu nhiệm. Cô ấy nhẫn được Ba-la-mật cũng khá khá, tin vào Phật.

Chúng ta hãy tin Phật đi, học một bộ Kinh Vô Lượng Thọ, nghe pháp thôi, vậy cũng chuyển được. Đâu cần niệm Quan Âm Bồ-tát. Cho nên rất là tuyệt vời. Chúng ta tin thì Phật Bồ-tát luôn luôn ở bên cạnh chúng ta. Bồ-tát thường giúp thế nhân, mà thế nhân thường chẳng biết. Bồ-tát thường ở bên cạnh giúp đỡ, mà chúng ta không biết điều đó. Mình cứ tưởng Phật Bồ-tát bỏ rơi. Phật Bồ-tát luôn gia trì mà do chúng ta không đủ sức để cảm. Cho nên phải học bộ Kinh này, phải tin vào bản thân mình, phải tu, trong đó Lục độ Ba-la-mật, Nhẫn nhục Ba-la-mật. Khó lắm, làm được như vậy rất khó.

# quang nhan nguy nguy: quang là ánh sáng, nhan là dung nhan.

 

Hòa thượng chú giải:

+dung nhan của Phật có ánh sáng, có quang minh. Nguy nguy là hình dáng cao lớn, tôn quý, tối thắng.

Tức là hình dáng của Phật rất uy nghi, rất to lớn, rất tối thắng. Hình dáng của Phật giống như phóng quang nên gọi là quang nhan nguy nguy.

# bảo sát trang nghiêm: cõi nước báu trang nghiêm.

Hòa thượng chú giải:

+trong hào quang của Phật chiếu ra thì hiện ra các cõi nước chư Phật, đầy đủ các báu trang nghiêm.

Quý vị tưởng tượng khi Phật phóng ra ánh sáng, thì liền hiện ra rất nhiều cõi nước rất đẹp, có nhiều cõi báu trang nghiêm. Cho nên gọi là bảo sát trang nghiêm.

# tùng tích dĩ lai: “tùng tích” là từ trước, “dĩ lai” là đến nay. Đây là nói về ngài A Nan, từ khi ngài đi theo Phật đến giờ. Nên gọi là tùng tích dĩ lai.

# sở vị tằng kiến: chưa từng thấy. Điều này có nghĩa là, Pháp môn này rất tuyệt vời. Mặc dù ngài A Nan theo Phật bao nhiêu năm, dự biết bao nhiêu pháp hội rồi. Nhưng từ xưa đến nay ngài chưa bao giờ thấy được tướng lành của Phật phóng quang như vậy, tướng đẹp như vậy. Hôm nay thấy rất lạ, cho nên từ xưa đến nay ngài chưa từng được thấy bao giờ. Sở vị tằng kiến dịch là chưa từng được thấy bao giờ. Điều đó chứng tỏ Kinh Vô Lượng Thọ là bộ Kinh đặc biệt, bộ Kinh rất là tuyệt vời cho nên mới có tướng lành tốt như vậy.

# Hỷ đắc chiêm ngưỡng: “hỷ” là hoan hỷ vui mừng, “chiêm” là nhìn, cách nhìn từ dưới lên cao, “ngưỡng” là kính ngưỡng. Chiêm ngưỡng là nhìn một cách cung kính ngưỡng mộ.

# sanh hy hữu tâm: sanh tâm hiếm có khó gặp.

# Tức tùng tòa khởi: liền từ chỗ ngồi đứng dậy.

# thiên đản hữu kiên: thiên là lệch, đản là lộ ra, hữu kiên là vai bên phải. Ở đây Thiện Trang mặc y theo Bắc truyền, nên có thêm áo hậu màu vàng ở trong. Nếu đắp y theo Nam truyền thì không có áo hậu bên trong, phía bên vai phải sẽ trống. Thông thường người ta quấn y để che đi. Nhưng khi làm lễ, Tôn giả A Nan liền kéo ra để lộ vai bên phải. Tức là ngài liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai hữu, hay là thiên đản hữu kiên, để lộ ra vai bên phải để chuẩn bị làm lễ tiết.

# trường quỵ hiệp chưởng: trường quỵ là quỳ dài, chống hai gối xuống đất. Hiệp chưởng là chắp tay. Tức là ngài A Nan liền từ chỗ ngồi đướng dậy, trịch áo làm lộ ra vai bên phải, rồi ngài quỳ xuống chắp tay.

Hòa thượng chú giải:

+Thiên đản hữu kiên đản là làm lộ ra vai phải. Đây là lễ tiết của Ấn Độ cổ biểu thị hành vi kính lễ cao nhất. Hai đầu gối chạm xuống đất biểu thị cung kính. Hiệp chưởng còn gọi là hiệp thập, tức là mười ngón tay phải và trái hợp lại làm một biểu thị cho nhất tâm.

Đoạn này ý nói ngài A Nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch bày vai hữu, quỳ xuống chắp tay, chuẩn bị thỉnh vấn đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Những động tác đó đều biểu hiện sự cung kính, tay xòe ra là tâm tán loạn, chắp tay là biểu hiện sự tập trung tâm, lắng nghe, chắp tay cung kính, là để tập trung tâm. Còn nghi thức trịch áo vai hữu, là để khi mà tới thỉnh vấn, nếu Phật có sai bảo điều gì thì ngài liền đáp ứng được vì cánh tay đã sẵn sàng rồi. Nếu nếu canh tay vẫn quấn theo y của Nam truyền thì sẽ không hoạt động được gì hết. Còn nếu đã trịch xuống rồi thì Phật đưa gì ngài A Nan cũng có thể đáp ứng được.

Tạm dịch: Tôn giả A Nan liền tự suy nghĩ: ngày nay sắc thân và các căn của đức Thế Tôn vui sướng thanh tịnh, dung nhan rực rỡ tối thắng, hiện ra các cõi nước quý báu trang nghiêm, từ trước tới nay, chưa từng được thấy. Ngài vui mừng chiêm ngưỡng, sanh tâm hy hữu, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai phải, quỳ gối chắp tay.

Hòa thượng chú giải:

+Tôn giả A Nan trong tâm nghĩ đến, hôm nay sắc thân và các căn của đức Thế Tôn hiện ra vẻ hoan hỷ, vui mừng đặc biệt, thanh tịnh trang nghiêm, hơn nữa phóng ra quang minh cao lớn tôn quý. Trong hào quang lại hiện ra các cõi báu vô cùng trang nghiêm của chư Phật, từ quá khứ đến nay chưa từng thấy, trong tâm vô cùng hoan hỷ, hôm nay vì được thấy kính ngưỡng, nên sanh khởi ý nghĩ hy hữu khó gặp. Tôn giả A Nan thấy căn lành thù thắng của Phật như vậy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai phải, quỳ gối chắp tay, hướng về Phật kính lễ.

 

Đoạn 3

Kinh Văn:

而白佛言世尊今日入大寂定住奇特法住諸佛所住導師之行住奇特法住諸佛所住導師之行最勝之道。去來現在佛佛相念

為念過去未來諸佛耶? 為念現在他方諸佛耶? 何故威神顯耀光瑞殊妙乃爾願為宣說。

Nhi bạch Phật ngôn: Thế Tôn kim nhật nhập đại tịch định, trụ kỳ đặc pháp, trụ chư Phật sở trụ đạo sư chi hạnh, tối thắng chi đạo. Khứ lai hiện tại Phật Phật tương niệm, vi niệm quá khứ vị lai chư Phật da? Vi niệm hiện tại tha phương chư Phật da? Hà cố uy thần hiển diệu, quang thụy thù diệu nãi nhĩ, nguyện vị tuyên thuyết.

Giải:

Đoạn này nói về tôn giả A Nan sau khi chắp tay.

# nhi bạch Phật ngôn: mà trình bày với Phật. Bạch: người dưới nói với người trên thì gọi là “bạch”. Trưởng bối nói với hạ bối thì gọi là “cáo”. Cho nên quý vị thấy là Phật cáo A Nan, chứ không có Phật bạch A Nan. Còn A Nan thì bạch Phật. Đó là cách dùng từ.

# Thế Tôn kim nhật nhập đại tịch định: Thế Tôn là đức Thích Ca Mâu Ni Phật. Kim nhật là hôm nay. Nhập đại tịch định tức là nhập vào định lớn. Tịch là thanh tịnh, vắng lặng. Đại tịch định là định lớn, thanh tịnh vắng lặng. Nhập vào định lớn như thế.

# trụ kỳ đặc pháp: trụ vào pháp kỳ diệu, đặc biệt.

Hòa thượng chú giải:

+Đại tịch định là thiền định của Phật. Đây là chỉ cho niệm Phật tam-muội.

 

Đại tịch định mà ngài A Nan thấy đó chính là Niệm Phật tam-muội, định lực của Niệm Phật tam muội). Trụ kỳ đặc pháp, phương pháp kỳ diệu đặc biệt, đây là chỉ cho Pháp môn Niệm Phật, kỳ diệu đặc biệt ở chỗ không cần đoạn phiền não, chỉ cần đem phiền não phục lại, đới nghiệp vãng sanh, liền có thể một đời thành Phật.

Lúc đó ngài A Nan đứng lên bạch với Phật Thích Ca Mâu Ni: đức Thế Tôn, hôm nay Ngài nhập vào định Niệm Phật tam-muội, trụ vào pháp đặc biệt, đó là phương pháp có thể giúp chúng sanh vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, một đời thành Phật. Phương pháp này đặc biệt ở chỗ không cần đoạn phiền não. Chúng ta không cần đoạn 88 phẩm Kiến hoặc của tam giới, 81 phẩm Tư hoặc nữa. Những phẩm phiền não đó quá khó. Đoạn được mới chứng quả A-la-hán, mới ra khỏi sanh tử luân hồi. Pháp môn này chúng ta chỉ cần phục phiền não, đới nghiệp vãng sanh. Thế nào là phục phiền não? Tệ nhất là lúc lâm chung (lúc mạng hết), quý vị niệm được một câu Phật hiệu, một đến mười niệm, không bị điều gì khác chen vô, lúc đó không có nghĩ tiền chưa giao được, nhà chưa giao được cho ai, nghĩ con mình chưa về v.v…Không bị những suy nghĩ thế gian xen vô, lúc đó quý vị niệm Phật từ một đến mười niệm, là phục phiền não, là đè phiền não xuống, trong nhà Phật gọi là “lấy đá đè cỏ”. Cỏ nhiều quá, nhổ không hết, nhổ mấy bữa lại mọc lên lại, chúng ta lấy đá đè lên, tạm đi qua được, là thành tựu rồi. Như vậy phục phiền não thôi, không cần đoạn phiền não. Nếu quý vị đoạn được phiền não thì sanh về cõi cao hơn. Tức là trong bốn cõi của Tây Phương Cực Lạc (Thường Tịch Quang độ, Thật Báo Trang Nghiêm độ, Phương Tiện Hữu Dư độ, Phàm Thánh Đồng Cư độ), nếu đoạn được phiền não, quý vị sẽ sanh lên những cõi trên. Hòa thượng nói nếu quý vị đạt được công phu niệm Phật tam-muội thì quý vị sanh vào cõi Phương Tiện Hữu Dư độ, ít nhất là như vậy. Tức là niệm Phật đến Sự nhất tâm Bất loạn. Công phu Lý nhất tâm Bất loạn, quý vị lên Thật Báo Trang Nghiêm độ. Rất tuyệt vời! Cho nên Pháp môn này dành cho những người cao siêu tu cũng được, người thường thường tu cũng được. Đừng nói người ta tài năng tu mới được, còn mình dốt tu không được. Pháp môn này đặc biệt ở chỗ bình đẳng ai cũng tu được. Ai cũng có thể một đời ra khỏi sanh tử luân hồi, ai cũng về Tây Phương Cực Lạc được. Vậy mới gọi là trụ kỳ đặc pháp, là trụ vào pháp kỳ diệu, đặc biệt. Còn nếu như tu phải giỏi như Pháp sư này, Pháp sư kia, còn những người thường thường không tu được, thì đâu có gọi là kỳ diệu.

Như câu chuyện về ông thợ vá nồi, Đệ tử của ngài Pháp sư Đế Nhàn: Pháp sư Đế Nhàn có một người bạn chơi chung từ thuở nhỏ, làm nghề vá nồi. Nồi bị rò rỉ thì ông đến vá, lấy tiền đó để sống, rất là cực khổ. Hơn 40 tuổi mới tìm đến Pháp sư Đế Nhàn mong xuất gia, vì thấy Pháp sư Đế Nhàn, lúc đó chưa trụ trì, nhưng làm Pháp sư cũng sướng. Pháp sư Đế Nhàn biết ông này dốt lắm, không học được, các thời khóa công phu trong chùa như Lăng Nghiêm, Thập Chú v.v… không học được. Ông ta cứ năn nỉ hoài, cuối cũng Pháp sư Đế Nhàn ra cho điều kiện, ông đồng ý thì mới xuất gia cho. Xuất gia xong, ngài cho ông về một ngôi chùa hoang ở quê, kiếm 2 người Phật tử nấu cơm cho ông, mỗi ngày 2 bữa, một bữa ông tự lo. Ngài dặn ông mỗi ngày niệm Nam Mô A Di Đà Phật, niệm mệt thì nghỉ, khỏe lại niệm tiếp, chỉ có vậy thôi. Ông ta khổ quá rồi, cho nên điều kiện như vậy ông chấp nhận. Sau ba năm, một ngày nọ ông nói với bà Phật tử nấu cơm cho ông: hôm nay ông xuống phố thăm người bạn, bà không cần nấu cơm cho ông. Hôm sau ông cũng dặn không cần nấu cơm. Bà Phật tử tưởng ông đi chơi tiếp, buổi chiều bà vô chùa xem, thấy ông chắp tay đứng yên, coi một hồi thì ra ông đứng yên mà đã ra đi rồi. Bà liền kêu mọi người đi báo cho Pháp sư Đế Nhàn, vì ở xa nên đi về hết 3 ngày. Nhìn thấy vậy Pháp sư Đế Nhàn khen ngợi: ông thật là tuyệt vời. Các Trụ trì, các Pháp sư đều không bằng ông. Một câu Phật hiệu, niệm ba năm tự tại đứng vãng sanh, biết trước ngày giờ ra đi, tạm biệt bạn bè. Ông không biết chữ, cả đời cực khổ.

Cho nên Pháp môn này là kỳ diệu đặc biệt. Hay như câu chuyện ông đồ tể Trương Thiện Hòa người đời nhà Đường. Ông làm nghề giết trâu bò, nên khi ông lâm chung trâu bò hiện ra đòi mạng. Ông kêu: cứu mạng cứu mạng. Lúc đó có một người xuất gia đi ngang qua, nghe tiếng kêu cứu, bèn vào xem. Ông ta nói có rất nhiều người đầu trâu đầu bò. Vị xuất gia liền đốt một bó nhang đưa cho ông và nói mau niệm A Di Đà Phật đi. Ông niệm mấy tiếng nói người đầu trâu đầu bò đi hết rồi, A Di Đà Phật đến rồi. Nghiệp chướng cả đời, biết qua Phật pháp một lần vẫn thành tựu. Hòa thượng nói, ông ta không phải may mắn đâu. Đời trước đã từng tu hành niệm Phật rồi, đến lúc lâm chúng mất chánh niệm. Đời này đến lúc thiện căn trỗi dậy trong A-lại-da-thức. A-lại-da-thức giống như một kho tàng, đến lúc chủng tử hiện ra. Nghiệp chướng đến, oan gia trái chủ đến đòi, mà ông đầu óc rất tỉnh táo. Còn nhiều người chết đầu óc mê mờ, làm sao biết được. Cho nên một trong ba điều kiện vãng sanh là đầu óc tỉnh táo. Chúng ta tu hành làm sao đầu óc phải tỉnh táo, vô trong giấc ngủ cũng phải tỉnh táo. Lúc ngủ tỉnh táo thì lâm chung cũng có thể tỉnh táo. Người xưa nói tu trong tịnh được mười thì tu trong động chỉ một thôi.

# trụ chư Phật sở: trụ vào chỗ chư Phật trụ.

# trụ Đạo sư chi hạnh: trụ vào hạnh của Đạo sư, Đạo sư là người Thầy dẫn đường. Ý nói là trụ vào Pháp môn dạy cho chúng sanh ra khỏi sanh tử luân hồi. Hạnh là việc làm. Việc làm của những vị Thầy dẫn đường dẫn chúng sanh ra khỏi sanh tử luân hồi thì gọi là Đạo sư chi hạnh. Đó cũng là chỗ trụ của chư Phật.

Hòa thượng chú giải:

+Chư Phật sở trụ là tượng trưng cho Niệm Phật tam-muội, chỗ chư Phật mười phương cùng trụ. Đức Thế Tôn lúc này là trụ vào Niệm Phật tam-muội. Mười phương chư Phật cũng trụ như vậy. Đạo sư chi hạnh là chỉ cho chúng sanh con đường liễu thoát sanh tử, dẫn dắt cho chúng sanh ra khỏi lục đạo luân hồi mà nhập Phật đạo. A Di Đà Phật là đại Đạo sư, có thể dẫn dắt chúng sanh bình đẳng thành Phật.

Bình đẳng là ai cũng thành Phật hết. Như vậy là đức Thế Tôn trụ vào Niệm Phật tam-muội, đó là chỗ trụ của chư Phật, cũng là trụ vào con đường chỉ cho chúng sanh liễu thoát sanh tử, nhập vào Phật đạo.

# tối thắng chi đạo: con đường thù thắng nhất.

Hòa thượng chú giải:

+Tối thắng chi đạo là con đường vãng sanh, bất thoái thành Phật.

# Khứ lai hiện tại Phật Phật tương niệm: quá khứ, tương lai, hiện tại Phật Phật niệm nhau. Phật nào cũng niệm Phật khác hết, nên gọi là Phật Phật tương niệm.

Hòa thượng chú giải:

+Là ba đời quá khứ, hiện tại và tương lai. Phật Phật tương niệm là Phật cùng chư Phật Phật nhớ nghĩ đến nhau.

Đức Thích Ca Mâu Ni Phật, Ngài đang niệm chư Phật. Ngài A Nan rất thông minh, ngài thấy được đức Thế Tôn hôm nay đang trụ vào đại tịch định, trụ vào pháp kỳ diệu đặc biệt, trụ vào nơi chư Phật trụ, trụ vào hạnh Đạo sư, trụ vào đạo thù thắng nhất. Chư Phật quá khứ hiện tại vị lai thì niệm cùng nhau.

# vi niệm quá khứ vị lai chư Phật da: là niệm chư Phật của quá khứ. Ngài A Nan hỏi có phải Thế Tôn đang niệm chư Phật của quá khứ hay không. Thêm chữ vị lai nghĩa là: hay là niệm chư Phật vị lai. Nghĩa là Thế Tôn đang niệm chư Phật quá khứ hay là chư Phật vị lai. Chữ da là để hỏi.

# Vi niệm hiện tại tha phương chư Phật da: hay là niệm chư Phật hiện tai phương khác. Vì một phương chỉ có một đức Phật thôi, không có hai chư Phật. Nguyên tắc là thành Phật một Phật chỉ ở một nơi thôi. Một thế giới chỉ có một đức Phật thôi để chúng sanh biết đường. Chứ nhiều quá, chúng sanh không biết ai giả ai thật. Cho nên nếu Thế Tôn niệm Phật hiện tại thì chỉ có ở phương khác thôi.

# Hà cố uy thần hiển diệu: hiển diệu là sáng tỏ rõ ràng, uy thần là uy đức và thần thông của Phật. Nghĩa là: vì sao uy thần của Thế Tôn lại sáng tỏ như vậy.

# quang thụy thù diệu nãi nhĩ: quang là hào quang, thụy là điềm lành. Quang thụy là ánh sáng hiện ra điềm lành. Thù diệu là thù thắng vi diệu. Hào quang mà Phật phóng ra, hồi nãy Thiện Trang đã mô tả cho quý vị, đó là tướng lành. Tướng lành này rất thù thắng vi diệu. Nãi nhĩ là đến như vậy. Nghĩa là vì sao uy đức thần thông của Phật sáng tỏ rõ ràng, điềm lành (ánh sáng) lại thù diệu đặc biệt như vậy.

Hòa thượng chú giải:

+quang thụy thù diệu nãi nhĩ: quang thụy là tướng lành quang minh của Phật phóng ra, thù diệu là thù thắng vi diệu, nãi nhĩ là không ngờ thiện diệu đến như vậy.

# nguyện vị tuyên thuyết: mong muốn vì chúng con mà tuyên thuyết. Nói ra một cách hùng hồn, gọi là tuyên thuyết. Phật thì tất nhiên là tuyên thuyết rồi, chỉ có chúng sanh nhút nhát, thì mới không tuyên thuyết.

Tạm dịch:

Mà bạch Phật rằng: ngày nay Thế Tôn nhập đại tịch định, trụ pháp kỳ diệu đặc biệt, trụ hạnh Đạo sư mà chư Phật trụ, đạo tối thù thắng. Chư Phật quá khứ tương lai hiện tại niệm nhau. Thế Tôn là niệm chư Phật quá khứ, hay chư Phật vị lai, hay niệm chư Phật hiện tại phương khác? Vì sao uy thần hiển diệu, ánh sáng tướng lành thù thắng vi diệu như vậy, nguyện Thế Tôn vì chúng con mà tuyên thuyết.

Hòa thượng chú giải:

Ngài A Nan hướng đến Phật báo cáo, hôm nay Thế Tôn nhập vào đại tịnh định của Niệm Phật tam-muội, trụ trong pháp kỳ diệu đặc biệt: niệm Phật một đời thành Phật. Đây cũng là Niệm Phật tam-muội, là chỗ của chư Phật cùng trụ. Phật cũng trụ vào niệm Phật. Chính là đạo thù thắng bậc nhất mà A Di Đà Phật giáo hóa chúng sanh bình đẳng thành Phật.

Ngài A Nan lúc đó chắp tay hướng về Phật, thấy Phật nhập vào đại tịnh định, tức là Niệm Phật tam-muội, trụ trong pháp kỳ diệu đặc biệt. Pháp đó là niệm Phật một đời vãng sanh thành Phật. Niệm Phật tam-muội chính là A Di Đà Phật giáo hóa chúng sanh bình đẳng thành Phật. Bình đẳng thành Phật là ai cũng thành Phật hết. Về Tây Phương Cực Lạc là thành Phật hết, cho dù nghiệp chướng nặng cỡ nào, nhưng quý vị đã về được Tây Phương Cực Lạc thì chắc chắn cũng được thành Phật. Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói, dở nhất là Hạ phẩm Hạ sanh. 12 kiếp hoa nở thấy Phật, ngộ vô sanh. Nếu Thượng phẩm Thượng sanh thì liền được Phật thọ ký, liền đi khắp các phương, nhanh chóng thành Phật. Chư Tổ hay nói dở dở ương ương như chúng ta: ba, bốn kiếp là thành Phật rồi. Tu Pháp môn khác thì ba đại a-tăng-kỳ kiếp thành Phật viên mãn. Chúng ta chỉ tu ba đến bốn kiếp thành Phật viên mãn. Đây là thành Phật viên mãn. Về đó là năng lực chúng ta giống như Bát địa Bồ-tát, có nghĩa là đã lên đến địa vị rất cao rồi. Địa vị đó là đủ năng lực thị hiện thành Phật rồi. Tuy nhiên chúng ta chưa chứng được, chúng ta mới có được điều đó thôi, là được gia trì. Cho nên chúng ta chỉ tu ba, bốn kiếp, hay tệ lắm là 12 kiếp nữa thôi.

Con đường tuyệt vời thù thắng như vậy tại sao không đi. Phật nói trong Kinh Vô Lượng Thọ: “Vô cực chi thắng đạo, dị vãng nhi vô nhân”. Nghĩa là con đường đạo tuyệt vời như vậy, dễ đi mà không người. Chúng ta cố gắng đi. Ở đời Ngũ trược Ác thế này càng ngày càng khốc liệt. Quý vị ở Việt Nam không biết cảm giác như thế nào. Các đồng tu ở Âu châu có điều kiện tốt hơn, môi trường tốt hơn. Còn Thiện Trang không mong cầu nhiều, về nơi này nước rất là tệ. Hồi xưa mới về không biết tại sao trúng gió hoài, bệnh suốt, về sau phát hiện ra nước ở đây tệ quá. Bây giờ không dám uống luôn. Ở đây nước khoan xuống 100 mét, múc lên có mùi. Không dám ăn uống bằng nước đó. Phải đi mua nước bên ngoài về xài. Chỉ tắm thôi mà ra người đã cảm thấy khác khác rồi. Anh trai Thiện Trang tới thăm, tắm rồi thấy ngứa hết mình, về nhà bị nổi mẫn hết mình. Thiện Trang nói do nước ở đây có vấn đề.

Thiện Trang nghĩ ra là do gần đây có dòng suối, nghe nói ngày xưa người ta vất xác các con vật chết xuống đó. Thiện Trang ra đó thấy ở dưới nào là mảnh chai, rồi rác đủ các loại. Bây giờ đỡ rồi, có xe rác đi chở nên người ta cũng đỡ vất rác xuống đó. Nghĩa là chuyển được chút rồi đó. Hồi đó không biết tại sao sức khỏe không tốt. Bây giờ không dám uống nước đó nữa, chỉ dùng cho sinh hoạt thôi. Đó đúng là ăn đắng uống độc. Ăn uống thì ở thành phố có siêu thị bán rau sạch. Còn ở đây, hồi mới về Thiện Trang ra chợ mua rau, vì có ăn gì khác ngoài rau đâu, mỗi lần ăn xong đều thấy có vấn đề. Thấy người mệt rũ, ngủ không muốn dậy. Có Thầy ở cùng nói có vấn đề. Như trái khổ qua (miền Bắc gọi là mướp đắng) mua về để 2 ngày là từ xanh chuyển sang chín luôn. Xịt thuốc hóa chất làm cho tăng tưởng nhanh đến như vậy, các loại rau về để là có vấn đề liền. Nên thôi không dám ăn rau ngoài chợ, trồng bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Ước gì có được một hệ thống Bách Hóa Xanh. Cầu gì được nấy. Một thời gian sau cũng có một Bách Hóa Xanh mở ra lúc đầu xa, bây giờ ở gần cách 2 cây số, dù sao cũng có một hệ thống bán rau sạch.

Cho nên rất là khổ. Ở Việt Nam sống như vậy mà trụ thế được lâu dài cũng hay phải không quý vị? Cho nên có ai nói sống ở Ta Bà này tốt đẹp, muốn sống lâu, Thiện Trang nói thôi, rất là sợ. Ăn đắng uống độc, toàn là đồ độc không, có gì đâu mà sướng. Môi trường thì khí bụi ô nhiễm. Cho nên chúng ta phải yểm ly Ta Bà mà hân nguyện Tịnh Độ. Có người nói Thầy sao bi quan, con đâu thấy gì đâu. Đó là quý vị chưa thấy. Quý vị còn thấy nhiều cảnh éo le hơn nữa kìa. Ví dụ vừa rồi ở Đồng Nai có vụ, chính mẹ và cậu bắt mấy đứa con đi ăn xin. Có con nhỏ mới 10 tuổi, cõng đứa em đi ăn xin, không cho đi học, rồi đánh đập. Ngày nào xin được ít quá là đánh đập, chích điện. Chưa bao giờ có người mẹ nào như vậy. Ông cậu còn làm việc loạn luân nữa, làm cho một con của chị có bầu. Mới đây thấy lên báo rồi. Do đứa bé 10 tuổi trốn ra được đi xe buýt, về với nội để trốn, để được đi học. Rồi từ đó lên báo, cho người đóng giả chăn dắt ăn xin, rồi cứu được mấy đứa bé ra. Bây giờ công an đang xử lý. Đời nay mà cũng có dạng nô lệ như vậy. Cho nên Hòa thượng giảng, có người nói với tôi, cõi người bây giờ không thật là cõi người. Có nhiều cảnh không phải là cõi người. Chúng ta dùng Bách giới Thiên như nói, thì là dạng súc sanh trong cõi người. Cùng sanh ra trong gia đình mà không ngờ mẹ và cậu lại đối xử tàn bạo như vậy. Bây giờ có rất nhiều chuyện như vậy.

Rồi sanh ra đời làm người cũng khổ. Cho nên thôi quý vị đừng ham ở lại Ta Bà. Nói một cách tiêu cực bi quan, như ngài Lý Bỉnh Nam nói: “Thế giới này loạn quá rồi. Phật Bồ-tát, Thần Thánh có giáng phàm cũng không cứu được. Chỉ còn môt con đường sống (một sanh lộ) là niệm Phật vãng sanh Tây Phương Cực Lạc”. Hòa thượng nói, ngài Lý Bỉnh Nam chỉ đạo hơi tiêu cực. Lẽ ra chúng ta cũng phải ráng tu, đồng ý là chúng ta vãng sanh, nhưng cũng phải vì chúng sanh, chúng ta biểu dương Phật pháp, làm ra hình dáng tốt đẹp cho chúng sanh. Ra dáng không phải là giả bộ. Ví dụ như trong gia đình, hồi xưa gặp chuyện gì thì mất bình tĩnh, hoảng loạn. Bây giờ rất bình tĩnh, rất điềm đạm, xử lý công việc rất nhẹ nhàng. Đó là quý vị đang tác chứng chuyển, làm cho chúng sanh thấy, rằng bản thân thì đau khổ, còn người thì mặt mày tươi tỉnh, nhẹ nhàng, trong mọi công việc không bị căng thẳng. Đó là mình đang tác chứng chuyển, làm cho họ thấy học Phật có điều tốt, người niệm Phật có điều tốt, rồi từ từ người ta tìm đến mình.

Như Thiện Trang mặc dù không có truyền ra những người bạn của Thiện Trang, nhưng dần dần có một số người bạn của Thiện Trang cũng tìm hiểu Phật pháp, có những người vào nghe pháp, đang nghe bài giảng này cũng có. Đó là sức ảnh hưởng. Có những người xin tài liệu để tìm hiểu về Pháp môn Tịnh Độ. Những năm qua Thiện Trang cũng đâu có liên lạc với người ta đâu, là người ta tự tìm đến Thiện Trang thôi. Khi nào mình làm được tác chứng cho người ta thấy có sự đặc biệt, trí huệ mình khác đi, tướng mạo mình tốt lên, điềm đạm hơn, mình có sự bình tĩnh trước mọi việc trong cuộc sống, mình không đau khổ v.v… thì đó là sự thành tựu trước mắt. Bồ-tát ở đâu là mang cho chúng sanh sự an lạc tới đó. Mình muốn độ chúng sanh thì mình phải thị hiên ra được. Đem công đức đó hồi hướng Tây Phương Cực Lạc, hoa sen vàng sẽ nở trên cõi Tây Phương. Tức là chúng ta được phẩm vị Thượng phẩm. Chúng ta tu hành Pháp môn này không tiêu cực. Hướng tâm của chúng ta về Tây Phương Cực Lạc là hướng duy nhất để chúng ta không lạc. Còn tất cả công việc trên thế gian vẫn làm tốt. Chúng ta ráng làm tác chứng chuyển như thế. Chứ bây giờ chúng ta cũng không biết làm gì ở thế gian này.

Thế gian này loạn lắm. Ngày xưa ở Việt Nam đâu có bắn súng. Bây giờ ra đường cũng có bắn chết người v.v…Ở Âu châu có khủng bố thì bình thường, còn ở Việt Nam bây giờ cũng vậy. Cho nên nếu không biết Phật pháp thì sống trong một đời sống bất an. Chúng ta biết Phật pháp, biết nhân quả. Điều gì cũng có nhân có quả. Chúng ta có nghiệp đó, nhưng vì chúng ta tu tốt thì có long thần hộ pháp, có Phật Bồ-tát che chở cho chúng ta, gia trì cho chúng ta vượt qua tai nạn để có thời gian tu mà thành tựu. Nếu chúng ta thật tu, chắc chắn có sự gia trì cảm ứng. Chúng ta phải tin, tin chính mình, tin Phật Bồ-tát, tin bộ Kinh này. Chúng ta đang học Phẩm ba, nói về duyên khởi, nên cũng chưa hay lắm. Vừa rồi chúng ta đã thấy biểu thị tướng lành của đức Thế Tôn tuyệt vời như vậy, chứng tỏ bộ Kinh này rất đặc biệt.

Hòa thượng chú giải (tiếp theo):

Trong tâm ngài A Nan nghĩ là Phật quá khứ, vị lai, hiện tại cùng chư Phật ức niệm lẫn nhau. Nhưng không biết hôm nay, điều mà Thế Tôn niệm là chư Phật quá khứ, hay vị lai Phật, hay là nhớ niệm chư Phật hiện tại ở phương khác. Vì sao hôm nay Thế Tôn hiện ra uy thần, quang minh, tướng lành vi diệu, không ngờ tuyệt đẹp như thế. Nguyện Phật vì con và đại chúng mà tuyên thuyết.

Đây là nói lại đoạn ngài A Nan thấy được tướng lành của đức Thế Tôn, cho nên ngài nghĩ Thế Tôn hôm nay nhập vào đại tịch định rất đặc biệt, đang niệm chư Phật nơi nào v.v…, mà sao được tướng lành như thế, xin Ngài hay nói cho chúng con biết.

 

Đoạn 4

Kinh Văn:

於是世尊告阿難言善哉善哉汝為哀愍利樂諸眾生故

能問如是微妙之義。汝今斯問勝於供養一天下阿羅漢辟支佛佈施累劫諸天人民蜎飛蠕動之類功德百千萬倍。何以故? 當來諸天人民一切含靈皆因汝問而得度脫故。

 

Ư thị Thế Tôn, cáo A Nan ngôn: “Thiện tai, thiện tai! Nhữ vị ai mẫn lợi lạc chư chúng sanh cố, năng vấn như thị vi diệu chi nghĩa. Nhữ kim tư vấn, thắng ư cúng dường nhất thiên hạ A-la-hán, Bích-chi-phật; bố thí lũy kiếp chư thiên nhân dân, quyên phi nhuyễn động chi loại, công đức bá thiên vạn bội. Hà dĩ cố? Đương lai chư thiên nhân dân, nhất thiết hàm linh, giai nhân nhữ vấn nhi đắc độ thoát cố.

Giải:

# Ư thị Thế Tôn, cáo A Nan ngôn: Ư thị là lúc đó. Lúc đó Phật nói với ngài A Nan rằng.

# Thiện tai, thiện tai: Chữ này hay gặp trong Kinh Phật. Dịch theo cách của Hòa thượng Trí Tịnh là: Hay thay tốt thay! Nói chung là những điều tốt thì gọi là Thiện tai, thiện tai!

# Nhữ vị ai mẫn lợi lạc chư chúng sanh cố: Ông vì từ bi thương xót mong mang đến sự lợi lạc cho chúng sanh. Chữ cố nghĩa là nên.

# năng vấn như thị vi diệu chi nghĩa: có thể hỏi điều có ý nghĩa rất vi diệu như vậy.

Ở đây đức Phật nói với ngài A Nan: Hay thay tốt thay! Ông từ bi thương xót, mong cho chúng sanh được lợi lạc, cho nên ông có thể hỏi được điều rất vi diệu như vậy.

Hòa thượng chú giải:

Lợi lạc là lợi ích chúng sanh, ban cho niềm vui khoái lạc. Vi diệu chi nghĩa là nghĩa vi diệu. Chỉ cho Pháp môn này là niệm Phật vãng sanh bình đẳng bất thoái thành Phật, cũng chính là chỉ cho bộ Kinh này.

Vi diệu chi nghĩa chính là bộ Kinh này, bộ Kinh này có nghĩa lý rất vi diệu. Bộ Kinh này là niệm Phật vãng sanh bình đẳng bất thoái thành Phật.

# Nhữ kim tư vấn: nay ông đã hỏi. Tư là thay thế cho những điều đã nói ở trên.

# thắng ư cúng dường nhất thiên hạ: thắng là thù thắng, hơn cả cúng dường một Thiên hạ, A-la-hán, Bích-chi-phật.

Nhất thiên hạ: Trong Kinh Phật hay nói đến tứ Thiên hạ, tứ đại bộ châu. Tức là ở trung tâm của núi Tu Di. Mặt trời mặt trăng quay quanh núi Tu Di. Đó là một Tứ thiên hạ. Gồm có Tây Ngưu Hóa châu, Đông Thắng Thần châu, Bắc Câu Lô châu, Nam Thiệm Bộ châu (Nam Diêm Phù Đề). Quả địa cầu của chúng ta là một trong hơn 200 cõi nước của Nam Diêm Phù Đề (theo Kinh A Hàm). Một vùng như vậy gọi là một Thiên hạ. Một vùng như vậy có hơn 200 địa cầu, lại còn có A-la-hán và Bích-chi-phật. Một Thiên hạ là một châu trong bốn châu đó, gồm có hai trăm mấy chục quả địa cầu như trái đất của chúng ta.

Công đức cúng dường một Thiên hạ đó, so với công đức hỏi của ngài A Nan vừa rồi thì không bằng. Mà công đức cúng dường một A-la-hán, một Bích-chi-phật thôi, quả báo như thế nào? Trong Kinh nói ngài Ca Diếp cúng dường thức ăn cho một vị A-la-hán mà trải qua 91 kiếp luôn sung túc, không bị nghèo đói. Lúc nào cũng giàu có, đầy đủ. Mà đây là cúng dường không phải chỉ một vị A-la-hán, Bích-chi-phật, mà là một Thiên hạ A-la-hán, Bích-chi-phật. A-la-hán, Bích-chi-phật trên một quả địa cầu thôi đã nhiều rồi, nhưng ở đây là A-la-hán, Bích-chi-phật trên hơn 200 địa cầu. Vậy mà không bằng lời hỏi của ngài A Nan.

# A-la-hán, Bích-chi-phật: A-la-hán, Bích-chi-phật.

# bố thí lũy kiếp chư thiên nhân dân: bố thí là bậc trên đem tặng cho bậc dưới. Cúng dường là bậc dưới đem tặng cho bậc trên. Lũy kiếp là nhiều kiếp. Nghĩa là bố thí cho chư thiên trong nhiều kiếp.

# quyên phi nhuyễn động chi loại: quyên là loại côn trùng, phi là côn trùng biết bay, nhuyễn là côn trùng bò trườn. Đây là bố thí cho ba cõi trời, người, súc sanh.

# công đức bá thiên vạn bội: Công đức này cũng không bằng công đức hỏi của ngài A Nan. Nghĩa là bằng hơn trăm ngàn vạn lần.

Công đức hỏi của ngài A Nan vượt hơn trăm ngàn vạn lần công đức cúng dường cho các vị A-la-hán. Bich-chi-phật, và bố thí cho trời người, súc sanh trong một Thiên hạ.

 

Hòa thương chú giải:

+Nhất Thiên hạ là chỉ cho một trong bốn Thiên hạ. Trong Kinh Phật thường nói xung quanh núi Tu Di có bốn châu lớn (Núi Tu Di này không phải là mặt trời) được một mặt trời mặt trăng cùng chiếu rọi nên gọi là Tứ thiên hạ. Một Thiên hạ chính là một châu trong bốn châu.

+Lũy kiếp là thời gian tích lũy rất dài.

+Quyên phi nhuyễn động: quyên là côn trùng nhỏ biết bay, nhuyễn là côn trùng nhỏ biết bò (tiểu bò sát).

# Hà dĩ cố: Vì sao vậy?

# Đương lai chư thiên nhân dân: Nhân dân người trời và người thế gian trong tương lai.

# nhất thiết hàm linh: tất cả chúng sanh có linh tánh.

# giai nhân nhữ vấn nhi đắc độ thoát cố: đều do điều ông hỏi mà được độ thoát.

Tất cả chúng sanh có linh tánh, tất cả cõi trời cõi người… đều do lời hỏi của ông hôm nay mà được độ thoát.

Hòa thương chú giải:

+Độ thoát là giải thoát cứu cánh viên mãn.

Tạm dịch:

Lúc đó đức Thế Tôn nói với ngài A Nan rằng: “Hay thay! Tốt thay! Ông vì thương xót và mong chúng sanh được lợi lạc mà có thể hỏi điều nghĩa vi diệu như vậy. Công đức lời hỏi hôm nay của ông hơn trăm ngàn lần cúng dường một Thiên hạ A-la-hán, Bích-chi-Phật, bố thí nhiều kiếp chư thiên nhân dân các loài bò bay máy cựa trong một thiên hạ. Vì sao vậy? Bởi chư thiên nhân dân, tất cả hàm linh trong tương lai, đều do vì lời hỏi của ông mà được độ thoát”.

Tất cả nhờ vào lời hỏi của ngài A Nan mà được độ thoát. Vì sau lời hỏi này, đức Phật sẽ tuyên thuyết một bộ Kinh. Bộ Kinh này có thể cứu tất cả chư thiên nhân dân, cứu tất cả hàm linh, tức là các loài có linh tánh từ súc sanh, địa ngục, ngạ quỷ, A-tu-la v.v…tất cả đều được độ thoát, rốt ráo viên mãn. Đó là niệm Phật vãng sanh, bất thoái thành Phật. Đọc đến đây chúng ta có thể hiểu được là: Pháp môn này chưa nói ra mà Phật đã khẳng định đây là Pháp môn có thể cứu giúp tất cả chúng sanh, cõi trời cõi người, tất cả hàm linh, các chúng sanh có linh tánh đều được độ thoát, nhờ bộ Kinh này. Trong đó có cả chúng ta, thuộc về chư thiên nhân dân. Cho nên là rất tuyệt vời. Bộ Kinh chưa nói ra mà đã thể hiện tuyệt vời rồi.

Hòa thượng chú giải:

Lúc đó Thế Tôn nói với ngài A Nan rằng: Ông hỏỉ thật tốt quá. Rất tuyệt vời, ông đã vì tình yêu thương xót muốn lợi lạc tất cả chúng sanh mà có thể hỏi ra được pháp vi diệu: một đời bình đẳng thành Phật này. Công đức của lời hỏi ông hôm nay siêu vượt hơn việc cúng dường cho một Thiên hạ A-la-hán, Bích-chi-phật, cũng vượt qua trăm ngàn vạn lần bố thí nhiều kiếp cho lục đạo chúng sanh. Vì sao thế? Tương lai chúng sanh trong thập phương thế giới, đều vì lời hỏi này của ông (của ngài A Nan) mà được giải thoát rốt ráo viên mãn.

Ngài A Nan làm được rồi. Còn chúng ta có làm được như vậy không? Chúng ta học ngài A Nan bằng cách đem bộ Kinh này truyền ra, giới thiệu cho chúng sanh Pháp môn Tịnh Độ. Công đức ngài A Nan lớn như vậy chắc cúng ta cũng được một phần trăm hay một phần ngàn. Chỉ cần vậy thôi công đức mình cũng vô cùng lớn rồi, hay một phần triệu thôi. Vì cúng dường cho lục đạo chúng sanh luôn. Cho nên đây là pháp cúng dường. Tương đương với Kinh Hoa Nghiêm nói: “Chư cúng dường trung, pháp cúng dường tối”. Nghĩa là, trong các pháp cúng dường thì pháp cúng dường là tối thắng nhất.

Cúng dường cho A-la-hán, Bích-chi-phật, lục đạo chúng sanh, không bằng lời hỏi để đức Phật khai thuyết bộ Kinh này. Chúng ta không làm được như vậy thì chúng ta cũng truyền Kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta cũng chia sẻ Kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta chia sẻ Pháp môn Tịnh Độ, công đức chúng ta cũng rất thù thắng. Nhờ công đức này chúng ta tương lai đều được độ thoát. Vấn đề là bao giờ, sớm hay muộn. Quý vị thấy Thiện Trang từ khi lên chia sẻ bộ Kinh này cũng thay đổi được rất nhiều. Thiện Trang thấy mọi thứ chuyển đổi rất nhiều. Đó là sự gia trì. Hay là nhờ mình làm được chút xíu nên cũng cảm được công đức, phước đức. Kinh Vô Lượng Thọ phẩm 24, phần trung bối vãng sanh có nói “Tuỳ kỷ tu hành”, nghĩa là tùy theo chính mình, tùy theo bổn phận của mình, khả năng của mình mà tu hành. Miễn làm sao đều hồi hướng về Tây Phương Cực Lạc.

Thực ra nói vậy cho quý vị vui thôi, chứ tu hành đừng chấp tướng công đức thì mới có công đức. Chấp tướng thì trở thành phước đức mà thôi. Khi làm mà không làm, không làm mà làm. Tức là vẫn làm nhưng tâm không nghĩ tới, không vướng bận tới thì đó là công đức. Công đức thì mới giúp chúng ta liễu sanh tử, thoát Tam giới. Còn nếu chấp trước, thì như trong Kinh này nói, không đem được trí huệ Vô tướng, mà tình chấp sâu nặng thì cũng không ra khỏi sanh tử luân hồi được. Cho nên nói đi nói lại, đừng ham mê phước báu thế gian, để rồi lạc vào “thành tựu lao ngục thất bảo”- là tù ngục làm bằng thất bảo. Trong bộ Kinh này ở đằng trước Phật tán thán rất nhiều, rất nhiều điều tốt, nhưng ở đằng sau Phật dạy buông xuống tất cả. Cho nên vẫn là giới thiệu hoành tráng. Chúng ta học hơi ngược một chút, để lúc đầu là phát khởi, phần sau là buông xuống. Một câu Phật hiệu niệm đến cùng, không thay đổi nữa. Nếu còn thay đổi là niềm tin chưa vững. Tín nguyện chưa đủ không thể vãng sanh. Đại sư Ngẫu Ích nói rõ ràng: có tín có nguyện, chắc chắc chắn vãng sanh. Thật tin thật nguyện, không được mơ màng.

 

Đoạn 5

Kinh Văn:

阿難如來以無盡大悲矜哀三界所以出興於世。光闡道教欲拯羣萌惠以真實之利難值難見如優曇花希有出現。汝今所問多所饒益。

A Nan! Như Lai dĩ vô tận đại bi, căng ai Tam giới, sở dĩ xuất hưng ư thế. Quang xiển đạo giáo, dục chẩn quần manh, huệ dĩ chân thật chi lợi, nan trị nan kiến, như Ưu Đàm hoa, hy hữu xuất hiện. Nhữ kim sở vấn, đa sở nhiêu ích.

Giải:

# A Nan: Phật nhắc ngài A Nan, giống như nhắc đại chúng, không là tâm tán loạn đi đâu mất. Nhắc ngài A Nan cũng là nhắc chúng ta, nếu không nghe một hồi quên mất, nghĩ đâu đâu.

# Như Lai dĩ vô tận đại bi: Thành Phật viên mãn gọi là Như Lai. Dĩ là dùng. Nghĩa là dùng lòng đại bi vô cùng vô tận.

# căng ai tam giới: căng ai là thương xót. Tam giới là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Chúng ta đang ở trong Dục giới. Sắc giới là từ tầng trời thứ bảy trở lên. Dục giới là từ địa ngục đến tầng trời thứ sáu. Ở cõi này có sự ham muốn nên gọi là Dục giới. Sắc giới là hết ham muốn (về tài, sắc, danh, thực, thùy). Chúng sanh ở cõi Dục giới chưa đoạn được tham ngũ dục nên gọi là Dục giới. Vô sắc giới là bốn tầng trời cuối cùng.

Đức Phật vì lòng đại bi vô tận thương xót ba cõi, cõi nào cũng khổ Dục giới cũng khổ, Sắc giới cũng khổ, Vô sắc giới cũng khổ, Phật đều thương hết cả.

# sở dĩ xuất hưng ư thế: cho nên xuất hiện ở đời. Phật xuất hiện ở đời vì Ngài vô cùng vô tận đại bi, thương chúng sanh luân hồi hoài, khổ quá, chết đây, sanh kia v.v…Cho nên vì thế mà Ngài ra đời.

# Quang xiển đạo giáo: quang xiển là quang đại xiển dương, quang là ánh sáng, xiển dương là tuyên truyền, làm cho rạng rỡ. Đạo giáo là con đường thành Phật. Hay nói cách khác là Ngài đem giáo dục của Phật dạy cho chúng sanh, để chúng sanh thành Phật.

# dục chẩn quần manh: mong muốn cứu giúp tất cả chúng sanh. Quần manh: quần là nhiều (như Quần Thư Trị Yếu là nhiều cuốn sách), manh là nhân dân. Quần manh có thể dịch là tất cả chúng sanh.

# huệ dĩ chân thật chi lợi: huệ dĩ là ban cho. Chân thật chi lợi là lợi ích chân thật. Trong Kinh Vô Lượng Thọ nói đến ba sự chân thật. Thứ nhất là “chân thật chi lợi” là lợi ích chân thật. Thứ hai là “chân thật chi tế” là rốt ráo của chân thật. Cuối cùng là “chân thật huệ” là trí huệ chân thật. Những bộ Kinh khác không có ba điều chân thật này. Chỉ riêng Kinh Vô Lượng Thọ có đủ ba điều này. Ở đây là chân thật chi lợi là đức Phật muốn ban cho lợi ích chân thật. Đó là niệm Phật vãng sanh bất thoái thành Phật. Chỉ có lợi ích này mới là chân thật. Những lợi ích khác, ví dụ như quý vị đi từ thiện bố thí cúng dường cho chúng sanh xong, một hồi thì hết, hay là nuôi cả đời, sau khi chết rồi vẫn luân hồi. Đó không phải là lợi ích chân thật. Lợi ích chân thật là ra khỏi sanh tử luân hồi, ở đây là về Tây Phương Cực Lạc. Đó là lợi ích chân thật mà Phật ban cho chúng sanh, gọi là huệ dĩ chân thật chi lợi. Phật ban rồi, chúng ta có nhận hay không? Phật ban mà mình không nhận thì cũng như không. Bây giờ mình phải tiếp nhận, Phật cho rồi, mình phải nhận chứ. Người cho mà không có người nhận thì chịu thôi. Cho nên đọc đến câu này chúng ta nhận đi, nhận lợi ích chân thật. Phật cho thì mình nhận.

# nan trị nan kiến: Chữ “trị” còn có âm trực, nhưng người ta quen đọc là trị. Nan trị nan kiến khó gặp khó thấy. Phật ra đời có mấy khi gặp đâu. Ở đây nhắc lại giống như trong Kinh Đại Bát Niết Bàn.

# như Ưu Đàm hoa: như hoa Ưu Đàm. Loài hoa quý hiếm, ít khi thấy. Khi nào hoa này nở thì khi đó có Phật ra đời. Cho nên là rất hiếm có khó gặp. Phật ra đời khó gặp khó thấy, mà Kinh này cũng là khó gặp khó thấy. Lợi ích chân thật này cũng khó gặp khó thấy. Giống như hoa Ưu Đàm chúng ta cũng không thấy, nếu thấy thì thấy Phật rồi. Bây giờ người ta đồn nói hoa Ưu Đàm nở v.v…Điều đó không đúng. Trong Kinh Phật nói, nếu hoa Ưu Đàm nở thì thật sự có Phật ra đời. Bây giờ chỉ có loài hoa na ná, là dòng họ của hoa Ưu Đàm thôi, gọi là hoa Đàm. Hòa thượng giảng trong Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú, nghe nói các nước phương Nam có hoa Đàm, nửa đêm nở ra chút xíu rồi lại tàn. Cho nên 12 giờ đêm có ai canh mà coi đâu, cho nên cũng không gặp, không thấy. Nên gọi là hoa Đàm hiếm thấy nở. Đó là hoa Đàm thôi. Còn hoa Ưu Đàm đúng nghĩa thì chỉ nở khi có Phật ra đời. Chúng ta sẽ không thấy được điều này. Lợi ích chân thật trong đoạn này nói, lợi ích chân thật đó hiếm có khó gặp, như hoa Ưu Đàm vậy. Phật đã đem lòng từ bi vô cùng thương xót chúng ta, trao cho chúng ta rồi, bây giờ chúng ta có nhận hay không! Hoa Ưu Đàm hiếm có khó gặp, lợi ích chân thật này cũng hiếm có khó gặp, nay chúng ta đã gặp rồi, gặp trong bộ Kinh Vô Lượng Thọ.

# hy hữu xuất hiện: hiếm khi xuất hiện.

# Nhữ kim sở vấn: điều ông đã hỏi hôm nay.

# đa sở nhiêu ích: mang lại rất nhiều lợi ích phong phú. Những điều ngài A Nan hỏi ở đây mang lại nhiều lợi ích phong phú và to lớn. Nói đơn giản là như vậy.

Bởi vì bộ Kinh này là tuyệt vời, mang cho chúng ta con đường giải thoát sanh tử luân hồi. Không chỉ chúng ta mà cả chúng sanh nữa. Đó là sự lợi ích rất lớn, nhờ ngài A Nan khải thỉnh Phật mới giảng.

Tạm dịch:

Này A Nan! Như Lai dùng vô tận đại bi, thương xót ba cõi, nên xuất hiện ở đời, làm rạng rỡ xiển dương Phật giáo là mong cứu giúp quần sanh, ban cho lợi ích chân thật, khó gặp khó thấy, như hoa Ưu Đàm hiếm khi xuất hiện. Điều ông hỏi hôm nay, thật lợi ích rất lớn.

Hòa thượng chú giải:

Phật nói với ngài A Nan, Như Lai dùng lòng đại từ bi vô tận với chúng sanh trong Tam giới, cho nên xuất hiện đến thế gian, mở rộng giáo dục chí thiện viên mãn (nền giáo dục của Phật là vượt qua thế gian, đến điều thiện trên cao nhất gọi là chí thiện, viên mãn là tròn đầy). Mục đích là vì cứu vớt chúng sanh trong lục đạo, ban cho chúng sanh hạnh phúc, lợi ích mỹ mãn, khỏe mạnh trường thọ, tự tại, khoái lạc chân thật. (Lợi ích này là hạnh phúc mỹ mãn, được khỏe mạnh. Về Tây Phương Cực Lạc đâu có bị đau ốm đâu. “Thanh hư chi thân, vô cực chi thể” mà, thân thể khỏe mạnh, vô lượng trường thọ, tự tại, tùy ý, đó là ở phẩm 32 sau này chúng ta sẽ học. Đó toàn là điều chân thật. Còn thế gian này là giả, điều vui của thế gian sớm tàn, không phải là vui thật, là giả). Phật dạy chúng ta thọ trì một câu Phật hiệu, đại sự nhân duyên một đời thành Phật, thật là khó gặp khó thấy, giống như hoa Ưu Đàm hiếm khi xuất hiện. (Phật dạy chúng ta thọ trì câu Phật hiệu này, đây là đại sự nhân duyên một đời thành Phật, thật sự rất khó gặp khó thấy. Không dễ gặp đâu. Chúng ta gặp rồi xin hãy trân trọng. Nhiều người không biết, gọi là tiên nhập vi chủ, tức là họ gặp giáo pháp khác, Pháp môn khác trước, họ không có duyên. Chúng ta đã có duyên rồi, chúng ta phải cố gắng, trân trọng. Đây là đại sự nhân duyên, một đời thành Phật của chúng ta). Điều mà ông hỏi hôm nay mang đến cho chúng sanh nhiều lợi ích phóng phú nhất. (Lợi ích này không đơn giản đâu. Vừa rồi Hòa thượng có kể đó hạnh phúc, khỏe mạnh, trường thọ, tự tại, vui sướng chân thật, phong phú)

 

Đoạn 6

Kinh Văn:

阿難當知如來正覺其智難量無有障礙。能於念頃

無量億劫。身及諸根無有增減。所以者何?如來定慧,究暢無極。於一切法,而得最勝自在故。

A Nan đương tri, Như Lai Chánh giác, kỳ trí nan lượng, vô hữu chướng ngại. Năng ư niệm khoảnh, trụ vô lượng ức kiếp. Thân cập chư căn, vô hữu tăng giảm. Sở dĩ giả hà? Như Lai định huệ, cứu sướng vô cực. Ư nhất thiết pháp, nhi đắc tối thắng tự tại cố.

Giải:

# A Nan đương tri: đương tri là phải biết. Phật bảo ngài A Nan ông phải biết rằng.

# Như Lai Chánh giác: chữ Chánh giác ở đây vì có chữ trí đằng sau nên gọi là trí Chánh giác. Phật có một trí gọi là trí Chánh giác. Chánh giác là giác ngộ chân chánh, giác ngộ thật sự. Hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sanh thì gọi là Như Lai trí Chánh giác.

# kỳ trí nan lượng: trí Chánh giác này của Như Lai khó mà đo lường được.

# vô hữu chướng ngại: không có chướng ngại nào. Gọi là vô sở bất tri, Như Lai không có gì mà không biết.

# Năng ư niệm khoảnh: có thể trong khoảng thời gian một niệm.

# trụ vô lượng ức kiếp: vô lượng ức kiếp là thời gian rất dài. Ở đây nói là Phật có một năng lực rất đặc biệt, Ngài vượt qua thời gian. Chúng ta thì có thời gian, còn Phật không bị khống chế bởi thời gian. Ngài dùng một niệm mà có thể trụ vô lượng kiếp, Ngài kéo dài ra thành vô lượng kiếp. Chúng ta sống vô lượng kiếp rồi, nhưng Ngài thấy một niệm. Ví dụ như chúng ta không biết trong vô lượng kiếp chúng ta trải qua những điều gì, nhưng Phật biết rõ chúng ta tu hành bao nhiêu kiếp, lúc nào, ra sao ở đâu…Ngài thấy rất rõ. Cho nên một niệm của Ngài là trụ vô lượng kiếp. Thậm chí không chỉ thấy mà đến được nơi đó. Trong một niệm Ngài có thể thấy vô lượng kiếp. Ngược lại vô lượng kiếp, Ngài có thể thu lại còn một niệm. Điều này thực ra cũng dễ giải thích. Tất cả những gì chúng ta đang sống giống như một bộ phim đang quay. Chúng sanh trong lục đạo luân hồi không biết bộ phim đó đã được định, nó cũng có biến đổi, nhưng biến đổi trong sự định đó. Quý vị coi trên màn hình là 1 giờ 48 phút mấy giây. Còn Phật thì biết rõ bộ phim đó quay xong rồi, kết cục ra sao rồi, Ngài thích coi nhanh thì tua nhanh, thích coi chậm thì chiếu chậm lại, giống như lúc coi đá banh, họ quay thật chậm, kéo dài ra đó… Cho nên Ngài tự tại đối với thời gian. Chúng ta không nhập được cảnh giới này. Cảnh giới đó là cảnh giới Hoa Nghiêm. Trong những đại tự tại, 10 đại tự tại chỉ là nói tóm tắt thôi, còn thực ra có vô lượng đại tự tại, trong đó có thời gian tự tại. Thời gian đối với chúng ta là thật, đối với Phật thì không phải là thật. Quý vị nhập được cảnh giới đó, quý vị kéo dài một niệm thành vô lượng kiếp, vô lượng kiếp quý vị thu lại thành một niệm.

Đọc đến đoạn nàychúng ta thấy cảnh giới Hoa Nghiêm nằm ở đây. Thiện Trang thích Hoa Nghiêm nên lâu lâu nói một chút. Phật có thể ở trong một niệm trụ vô lượng ức kiếp. Bằng chứng là việc nào trong vô lượng kiếp, Ngài cũng biết. Ví dụ như Ngài thọ ký, bao nhiêu kiếp sau sẽ thành Phật v.v… Trong Kinh Địa Tạng, Ngài thọ ký cho Chủ Mạng Quỷ vương là quá 170 kiếp sau ông đó sẽ thành Phật gọi là Vô Tướng Như Lai, kiếp đó tên là An Lạc, nước đó tên là Tịnh Trụ, đức Phật đó độ vô lượng chúng sanh. Như vậy Phật thấy rất rõ ràng như thật. Giống như coi phim mà hình 3D (three dimension), chúng ta chỉ thấy 2D, nhưng nếu coi 3D thì đi vào trong đó được luôn, sống trong đó luôn. Phim của Ngài không phải chỉ 3D, là vô số D (multiple dimension). Nếu quý vị xem phim 3D, mang kiếng vào, rồi chiếu chậm chiếu nhanh v.v… cảnh giới tương tự như thế. Hoặc như ví dụ trong mơ, mình ngủ có chút xíu, nhưng mơ cả một giấc mơ dài, cả cuộc đời luôn. Tỉnh dậy không biết mình mơ lúc nào. Có khi ngủ ban ngày có 5 phút mà mơ cả cuộc đời. Đó là mơ một niệm kéo dài cả cuộc đời đó. Nó là giả không phải thật. Chúng ta đang sống trong mơ nên chúng ta thấy có thời gian. Tỉnh lại đâu phải cả cuộc đời đâu… Cho nên một niệm kéo dài vô lượng kiếp là hoàn toàn là sự thật.

# Thân cập chư căn: thân thể và các căn khác (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, ý).

# vô hữu tăng giảm: không có tăng giảm. Mặc dầu Ngài nhập định vô lượng kiếp, nhưng thân và các căn của Ngài không có tăng giảm, nghĩa là không sanh không diệt. Hay vậy đó. Phật rất là tuyệt vời. Đây là một trong những điều tự tại trong Kinh Hoa Nghiêm. Trong 10 đại tự tại của Kinh Hoa Nghiêm thì đây là nghiệp tự tại, mạng tự tại, thân tự tại v.v…Trong Kinh Hoa Nghiêm không phải chỉ có 10 đại tự tại. Đó là bản Tiểu Kinh Hoa Nghiêm mang lên nhân gian. Trong thực tế là vô lượng tự tại. Nhưng vì nói trong nhân gian chúng sanh không hiểu, cho nên chỉ nói 10 đại tự tại đó thôi. Bản Đại Hoa Nghiêm Kinh ở Long Cung nói đến rất nhiều đại tự tại nữa. Quý vị bao giờ nhập cảnh giới đó, xuống Long Cung xem Kinh Hoa Nghiêm. Nhưng thôi và Tây Phương Cực Lạc đi, quý vị muốn nghe giảng Kinh Hoa Nghiêm, đức Phật A Di Đà sẽ biến hóa giảng cho quý vị nghe Kinh Hoa Nghiêm, trên đó muốn pháp nào nghe pháp đó mà. Kinh Vô Lượng Thọ nói rõ mà, khỏi cần xuống Long Cung.

# Sở dĩ giả hà: Vì sao như vậy?

# Như Lai định huệ: thiền định và trí huệ của Như Lai

# cứu sướng vô cực: thông suốt tột cùng không gì chướng ngại. Nghĩa là thiền định và trí huệ của Như Lai thông suốt, không gì có thể ngăn ngại được. Trí huệ Ngài biết được tất cả. Định của Ngài hiểu được tất cả thiền định thế gian và xuất thế gian. Đó gọi là định huệ cứu sướng vô cực. Đó là thông suốt tột cùng, không gì chướng ngại được.

# Ư nhất thiết pháp: đối với tất cả pháp.

# Nhi đắc tối thắng tự tại cố: mà được thù thắng tự tại nhất. Nghĩa là nhờ trí huệ Như Lai như vậy nên đối với tất cả pháp luôn luôn được đắc tự tại vậy. Cố là nên, khi dịch đặt lên trước: Đối tất cả pháp nên được thù thắng tự tại nhất.

Phật có năng lực đặc biệt, vượt qua thời gian.

Tạm dịch:

A Nan nên biết, trí Chánh giác của Như Lai rất khó đo lường, không có chướng ngại, có thể trong một niệm trụ vô lượng ức kiếp. Thân và các căn không có tăng giảm. Vì sao như vậy? Định huệ của Như Lai thông suốt vô cùng, nên đối với tất cả pháp, được tối thắng tự tại.

Đối với pháp tự tại thì tất cả đều tự tại: mạng tự tại, nghiệp tự tại, thần thông tự tại, bất cứ thứ gì cũng tự tại. Tự tại với mạng sống, với thời gian, với không gian, không có xa gần. Đoạn này có Kinh Hoa Nghiêm. Tự tại này không phải bình thường, là tối thắng tự tại.

Hòa thượng chú giải:

A Nan ông nên phải biết rằng Như Lai thông đạt các Pháp tướng của vũ trụ nhân sanh. Tất cả đại Bồ-tát không có thể đo lường được trí huệ của Phật, cứu cánh viên mãn, không có chướng ngại. Ngài có thể đem thời gian rất ngắn, kéo dài vô lượng ức kiếp. Cũng có đem thời gian rất dài, thu gọn thành một niệm. Thân cùng các căn không có tăng giảm, không sanh không diệt. Vì sao Phật có trí huệ, đạo đức năng lực lớn đến như thế? Nguyên nhân là Ngài có trí huệ thông suốt tột cùng, không có giới hạn. Cho nên trong tất cả pháp được đại tự tại, tối thù thắng.

Ý nói Phật biết tất cả mọi việc, nên Phật làm chủ được. Tại sao mình không làm chủ được? Ví dụ quý vị có chiếc xe, quý vị không biết chiếc xe đó điều khiển như thế nào nên không làm chủ được xe. Còn quý vị được học bài bản cách điều khiển thì quý vị sẽ biết hết thứ gì có tác dụng gì, nút bấm ở đâu, số như thế nào, đèn bật ở đâu. Quý vị biết rõ rồi thì được tự tại với chiếc xe đó. Ở đây đức Phật đối với tất cả các Pháp, các Ngài biết rõ hết thấu suốt hết, nên các Ngài đều được tự tại. Cho nên Ngài có thể biến thời gian dài thành thời gian ngắn, ngắn thành dài, có thể sống bao lâu thì sống, có thể đến thế giới nào thì đến. Đó là tự tại đối với pháp, do là có trí huệ. Nguyên nhân là trí huệ, cho nên học Phật là học trí huệ. Cuối cùng mình có trí huệ là nhìn thấu được tất cả thật tướng của các pháp, chính là thật tướng của vũ trụ nhân sanh. Vũ trụ từ đâu đến như thế nào, tại sao biến chuyển như vậy, đời sống con người v.v… biết rất rõ. Biết rồi làm chủ nó, điều khiển nó, tự tại đối với nó, tự tại thù thắng nhất.

 

Đoạn 7

Kinh Văn:

阿難諦聽,善思念之,吾當為汝,分別解說。

 

A Nan đế thính, thiện tư niệm chi, Ngô đương vị nhữ, phân biệt giải thuyết”.

Giải:

# A Nan đế thính: nghe một cách thành thực nhất gọi là đế thính.

Hòa thượng chú giải:

+Đế thính: lắng nghe chân thành, tỷ mỉ, cởi mở.

# thiện tư niệm chi: nghe rồi, hiểu rồi, nhớ rồi. Chữ chi ở đây là đại từ biểu thị cho vấn đề sẽ được nói. Những điều Phật nói từ trước, và những điều sẽ được nói trong bộ Kinh này. Tức là chữ chi biểu thị cho những điều Phật đã nói và sẽ nói.

# Ngô đương vị nhữ: Ta (Phật xưng) đang và sẽ vì ông.

# phân biệt giải thuyết: giải nói rõ ràng.

Nghĩa là ngài sẽ nói rõ ràng, tại sao hôm nay có những tướng lành, những điều tốt đẹp như vậy. Ở đây có chữ “phân biệt” là Ngài phương tiện nói. Chứ Phật thuyết mà không thuyết, không thuyết mà thuyết. Ngài ở cảnh giới đó. Ngài phương tiện cho chúng ta hiểu nên nói phân biệt. Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Ngài nói, Ta không có pháp để nói. 49 năm Ta không thuyết pháp. Nếu ai nói Ta thuyết pháp là phỉ báng Như Lai. Tức là Ngài nói mà không nói. Ngài tạm phân biệt để nói cho chúng sanh hiểu, tứ là nói từ Tục đế đến Chân đế, cảnh giới cho chúng ta hiểu. Nếu Ngài nói đúng cảnh giới của Ngài thì chúng ta không hiểu. Thật ra Ngài không cần nói, chỉ cần phóng ánh sáng. Ánh sáng là truyền tin tức, giống như bây giờ chúng ta dùng cáp quang, ánh sáng chiếu tới là xong rồi, hiểu hết rồi. Nhưng chúng ta không hiểu nên Phật phải dùng ngôn ngữ.

Tạm dịch: A Nan lắng nghe, khéo nghĩ nhớ đó, ta sẽ vì ông, phân biệt giải thuyết.

Thực ra chữ “đương“ có hai nghĩa, đang và sẽ. Ở đây chỉ để sẽ cho đúng bản Kinh.

Hòa thượng chú giải:

A Nan ông nên lắng nghe kỹ càng, tỷ mỉ để thể hội, đạo lý cùng phương pháp mà đức Phật giảng, ông mới được thọ dụng thật sự.

Quý vị nghe kỹ Phật nói với ngài A Nan, cũng là nói cho chúng ta nghe. Mình không lắng nghe chân thành, không tỷ mỉ để thể hội thì phương pháp và đạo lý mà đức Phật giảng trong bộ Kinh này tuyệt vời như vậy, nhưng mình cũng không có sự lợi ích lớn. Cho nên nhiều người tu hành lâu năm bị thoái chuyển là lý do như vậy. Họ không có sự chân thành lắng nghe, tỷ mỉ để thể hội. Họ nghe là nghe vậy thôi, mơ màng, cho nên có ai nói phương pháp khác, lập tức chạy mất tiêu. Đó là không đế thính, mà cũng không thiện tư niệm chi, không khéo nghĩ nhớ. Thường thường mình niệm bộ Kinh này để nhớ lại.

Ta nhất định vì đại chúng các ông giải thích kỹ càng tỉ mỉ. Khi Phật nói rõ như vậy, liền thuyết ra Pháp môn niệm Phật một bộ Kinh hy hữu phương tiện tối thù thắng, không gì sánh được. Có thể khiến cho tất cả chúng sanh một đời vãng sanh bình đẳng, bất thoái thành Phật.

 

Phần trả lời câu hỏi

A Mi Đà Phật! Kính nhờ Thầy giải thích giùm con

 

Câu hỏi 1: Đắc thiên hạ anh tài nhi lạc dục chi (Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, tập 467).

Trả lời: Quý vị nghe Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa có nhiều đoạn không hiểu. Đặc biệt Thiện Trang coi phẩm 24 – Tam Bối Vãng Sanh – rất là quan trọng. Mà đoạn đó người ta dịch toàn là âm Hán Việt, nên nghe không hiểu. Cho nên Thiện Trang mới dịch Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú 2014 để lấp vô chỗ đó. Đang dịch mới được gần 20 tập, gần 2 phần 3 rồi. Quý vị nghe Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú 2014 Thiện Trang dịch rất dễ hiểu, từ tập 304 trở đi, đến tập 331 – đó là phẩm 24. Còn phẩm 25 nữa, rất quan trọng. Còn trong Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa dịch âm Hán Việt không, nên nghe rất khó hiểu. Cho nên quý vị nghe Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú 2014 lấp vào đó. Phẩm 24 và 25 ấy cực kỳ quan trọng, cho việc tu hành vãng sanh của chúng ta.

Đây là tập 467 có câu: “Đắc thiên hạ anh tài nhi lạc dục chi” ý nghĩa là gì? Lạc là vui. Phật có niềm vui là được dạy cho những người tài của thiên hạ.

1.    Oán hận não nộ phiền (Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, tập 476): Đây là nói về các loại phiền não. Oán là oán ghét, chữ Hán cổ một chữ là hai chữ. Hận là hận thù. Não là não hại. Nộ là hỷ nộ, là vui mừng tức giận. Sự vui mừng tức giận này không làm chủ được. Phiền là phiền não. Những gì làm cho mình khó chịu bứt rứt.

2.    Hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ (Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, tập 476): Nếu làm việc gì không thành công, phải quay lại nhìn tìm lỗi ở chính mình.

3.    Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ, quốc chi tứ duy (Nho gia): Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ, là 4 rường cột của một đất nước. Tức là dùng Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ.

4.    Tứ duy ký trương, quốc nãi phục hung (Nho gia): Bốn cột Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ, mà được phục hưng. Làm được 4 điều này, giống như 4 cái cột làm cho đất nước hưng thịnh.

5.    Sanh xứ chuyển thành thục, thục xứ chuyển thành sanh, như vậy là thành tựu (Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, tập 490): Nguyên văn trong Chú Giải là “Sanh xứ chuyển thành thục, thục xứ chuyển thành Sanh, như vậy là thành tựu”. Trong bản Chú Giải đang lưu hành dịch như sau: Chỗ sống thành chỗ chín, chỗ chín thành chỗ sống, như vậy là thành tựu”. Nhưng mà không phải như vậy, dịch như vậy là không chính xác. Sanh xứ là chỗ lạ, chuyển thành chỗ quen thuộc, chỗ quen thuộc chuyển thành chỗ xa lạ, như vậy là thành tựu. Chúng ta học Pháp môn Tịnh Độ, quý vị nghe Hòa thượng giảng phần sau trong Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, sẽ hiểu. Ý nghĩa là: Sanh xứ là chỗ xa lạ với chúng ta, là Tây Phương Cực Lạc, là niệm Phật, là tu hành. Thục xứ là chỗ quen thuộc, chính là cõi Ta Bà, những phiền não tham, sân, si, mạn, nghi…. Những thứ trong đời sống chúng ta quá quen rồi. Bây giờ đối với Tây Phương Cực Lạc, với Pháp môn Niệm Phật là sanh xứ. Để thành tựu thì chúng ta phải đổi lại, chỗ xa lạ thành chỗ quen thuộc, chỗ quen thuộc thành xa lạ. Chỗ xa lạ là Tây Phương Cực Lạc, là niệm Phật, là tụng Kinh Vô Lượng Thọ, là nghe giảng Pháp Tịnh Độ v.v… Chúng ta hãy biến đó thành chỗ quen thuộc, hàng ngày tiếp xúc, hàng ngày huân tập. Đó là biến chỗ xa lạ thành chỗ quen thuộc. Còn chuyện đời thế gian hay để nó tao nhạt đi, đó là biến chỗ quen thuộc thành chỗ xa lạ. Thì chúng ta thành tựu.

Cho nên Thiện Trang rất là tiếc, bộ Kinh Vô Lượng Thọ hay như vậy, Chú Giải hay như vậy, Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa rất hay. Nhưng chúng ta thiếu phước quá, nên dịch lúc nào cũng bị trục trặc. Bộ nào cũng bị trục trặc. Kinh Vô Lượng Thọ cũng trục trặc. Chú giải Kinh Vô Lượng Thọ dịch cũng trục trặc, cũng nhiều lỗi sót trong đó. Đến bộ Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa giảng hay như vậy cũng rất nhiều thiếu sót, dịch vừa lộn, vừa sai, vừa thiếu v.v…Nói ra thì bảo là phê bình, nhưng thực tế là như vậy. Quý vị học lớp Hán cổ sẽ thấy như vậy. Rất đáng tiếc!

Cho nên Thiện Trang lật đật lấp vô những chỗ trống. Lấy phẩm 6, phẩm 24 của Kinh Vô Lượng trong Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú 2014 ưu tiên dịch trước. Phẩm 24, 25 quan trọng lấp vô trước. Còn những phẩm sau từ từ lấp sau. Một mình Thiện Trang dịch không nổi. Hiện nay đào tạo cũng khá rồi. Cô Diệu Hiệp bây giờ khá rồi. Sau khi kèm cô hơn 10 tập, tức 20 giờ, bây giờ cổ dịch thì Thiện Trang gần như không sửa mấy. Lâu lâu mới có một vấn đề khó quá. Như vậy là đã hoàn thành được một người. Bây giờ đào tạo người thứ hai. Như bây giờ giảo cho cô Diệu Hiệp khỏe rồi, chỉ cần coi sơ qua, vì cô đã biết dịch, lúc nào để âm, lúc nào dịch nghĩa, lúc nào cần đổi từ… cô đã nắm được phương pháp rồi. Không bị “chết cứng” từ như hồi trước.

Thiện Trang thì rất bận rộn. Ngoài việc đó, bây giờ còn có bộ Văn Sao của Đại Sư Ấn Quang, người ta trích những đoạn, làm thành một bản, để đối chiếu với Kinh Vô Lượng Thọ. Có người gởi nhờ Thiện Trang dịch, vì là Hán cổ nên không đẩy cho ai được, cũng phải dịch thôi, gần 1600 trang. Những phần đó Thiện Trang rất quen vì là Văn sao và Chú giải Kinh Vô Lượng Thọ, dịch được. Nhưng để từ từ để dịch xong bộ Kinh Vô Lượng Thọ của cô Lưu Tố Vân. Rồi trích thời gian dịch thêm bộ đó nữa. Hôm nay chúng ta chia sẻ tới đây. Thực ra hôm nay chia sẻ hơi nhanh, phẩm này nếu chia sẻ kỹ sẽ có nhiều hấp dẫn nữa, nhưng tạm sơ lược vậy thôi. Kính mời quý vị cùng hồi hướng.

Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành!

Nguyện đem công đức này

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử và chúng sanh

Đồng sanh về Tịnh Độ

(Hết phẩm 3)

Trả lời 0