Responsive Menu
Add more content here...

Chứng Quả Ra Khỏi Sanh Tử Là Nhờ Đà-la-ni

CHỨNG QUẢ RA KHỎI SANH TỬ LÀ NHỜ ĐÀ-LA-NI

又《智度論》曰:「陀羅尼世世常隨菩薩,諸三昧不爾,或時易身則失。」故知陀羅尼一得永得,勝於三昧也。

Hựu Trí Độ Luận viết: “Đà-la-ni thế thế thường tuỳ Bồ-tát, chư Tam-muội bất nhĩ, hoặc thời dịch thân tắc thất”. Cố tri Đà-la-ni nhất đắc vĩnh đắc, thắng ư Tam-muội dã.

Thêm nữa trong Trí Độ Luận nói: “Đà-la-ni đời đời luôn theo Bồ-tát, còn các Tam-muội thì không như vậy, có thể khi đổi thân thì mất”. Cho nên biết rằng một khi được Đà-la-ni thì mãi mãi được, thù thắng hơn Tam-muội.

Giải:

#Hựu Trí Độ Luận viết: Thêm nữa trong Trí Độ Luận ghi:

#”Đà-la-ni thế thế thường tuỳ Bồ-tát: tức là Đà-la-ni thì đời đời kiếp kiếp luôn đi theo Bồ-tát. Có nghĩa là mình đạt được Đà-la-ni là đi theo mình luôn, không có mất đâu.

#Chư Tam-muội bất nhĩ: Tam-muội là các Thiền định thì không như vậy.

#Hoặc thời dịch thân tắc thất”: hoặc khi thay đổi thân liền mất, #dịch là đổi, #dịch thân là đổi thân.

          Có nghĩa là quý vị tu Thiền định giỏi, quý vị chứng đến Tam thiền, Tứ thiền Bát định nhưng khi quý vị chuyển qua thân khác là mình chết là mất hết. Đời sau Tam-muội đó tức thiền định đó, đời này dù quý vị tu tới Tam Thiền, Tứ Thiền, quý vị niệm Phật được cỡ đó nhưng quý vị chưa có nguyện vãng sanh Tây Phương, quý vị không có huệ về Đà-la-ni là huệ của chư pháp Thật tướng, thì đời sau quý vị đổi thân, quý vị có được thân mới thì quý vị có được định đó nữa không? Không có, mất hết, đây là lời nói của Bồ-tát Long Thọ trong Luận Đại Trí Độ.

          Cho nên học pháp Huệ rất quan trọng, vì Huệ cộng với Định đó, mà không có định cũng không được vì Định Huệ đẳng trì mà, phải có Huệ đó với Định đó sẽ sanh ra Đà-la-ni. Đà-la-ni đó coi như huệ về giải thoát thì đời đời kiếp kiếp đi theo [quý vị]. Cho nên tại sao có những người đời này tiếp xúc Phật pháp, họ không tiếp xúc bao lâu hết, họ vô nói pháp tuyệt vời, đọc kinh điển họ hiểu được. Như Lục tổ Đại sư Huệ Năng, nếu như không phải Bồ-tát tái lai thì cũng là người đã đạt được Đà-la-ni rất sâu rồi, cho nên kho tàng công đức tạng trong ngài có sẵn rồi, chỉ cần có duyên tiếp xúc một cái là kho tàng đó bung ra, xài tiếp. Cho nên đừng nói là người ta tu ít hay tu nhiều, tu ít tu nhiều đời này thôi, tu vô lượng kiếp rồi, mà vô lượng kiếp đạt được Đà-la-ni chưa? Nếu đạt Đà-la-ni thì có hiệu dụng.

          Cho nên học Phật pháp Đại thừa, học về Thật tướng các pháp, học về Duy Thức, học về Hoa Nghiêm, Lăng Nghiêm, học về Kinh Vô Lượng Thọ rất quan trọng, đó là chủng tử để đạt được nhiều Đà-la-ni, và cuối cùng mình giải thoát. Giả sử đời này mình không vãng sanh thì đời sau Đà-la-ni đó vẫn đi theo mình, đằng sau nói rộng hơn nữa:

#Cố tri Đà-la-ni nhất đắc vĩnh đắc, thắng ư Tam-muội dã: nên biết rằng Đà-la-ni một khi được thì mãi mãi được, vượt hơn Tam-muội.

          Tại vì sao? Cái kia [Tam-muội] hết đời là mất, còn cái này [Đà-la-ni] một khi được là mãi mãi được. Quý vị thấy có người nói Thiện Trang: Sao Thầy tu học sau người ta, (Thiện Trang có 14 năm tu học), người ta học cả đời sao người ta không nói được pháp như thầy? Người ta không hiểu được pháp, kinh điển người ta không hiểu, người ta ngơ ngơ ngác ngác thậm chí có người tu mấy chục năm rồi mà người ta không được, tại vì sao? Người ta không có Đà-la-ni, người ta tu đời này có bao nhiêu đó thôi, còn Thiện Trang có thể tu nhiều đời rồi. Có người nói thầy Thiện Trang tu nhiều đời rồi, cho nên đụng tới kinh pháp trong đầu ông có hết rồi, đó là Đà-la-ni đó quý vị. Cho nên có người rất là giỏi Phật pháp mặc dù tu không bao lâu, còn mình đầu óc khờ quá, tệ quá là thiếu Đà-la-ni. Cho nên tu là phải có Định Huệ; Định là Tam-muội, hay còn gọi là Thiền định, Tam-ma-địa, Tam-ma-đề, Tam-ma-đế v.v… thì chỉ có được trong đời này, một khi mất thì coi như mất, đổi thân là mất. Hoặc là lúc quý vị tâm không tương ưng, tâm bị nổi sân là mất. Còn trí huệ cho dù quý vị có nổi sân lên thì vẫn còn trí huệ đó, Đà-la-ni đó không mất, luôn luôn đi theo mình mà. Đời sau đổi thân có vô loài chó, loài gì đó vẫn thông minh học Phật pháp được nếu có duyên.

          Cho nên phải tu Định Huệ đẳng trì, nên mục ở trên Hòa thượng ghi Định Huệ đẳng trì là vậy. Phải có định, định là các thiền định: Vị đáo định, Sơ thiền, Tam thiền, bằng cách mình niệm Phật cũng được những điều đó. Nhưng mình phải học pháp, thì pháp đó giúp cho mình Đà-la-ni, bằng cách đoạn trên chúng ta học là huệ về Thật tướng các pháp. Cho nên đời này học được Thật tướng các pháp rất quan trọng, ngoài việc học theo Kinh Kim Cang, Hòa thượng luôn luôn giảng Thật tướng các pháp là thế nào, chư pháp Thật tướng là thế nào. Rồi có người học Tam tế tướng, Lục thô tướng đó cũng là chư pháp Thật tướng đó. Những học đó giải cho mình được, mình không phải là tri thức, chỉ cần mình ngộ một chút thôi, thì cái ngộ đó cộng với sức định mình tu trong đời này thì nó trở thành Đà-la-ni. Và một khi đắc là mãi mãi đắc, có nghĩa là Đà-la-ni đó đi theo mình từ đây cho đến khi thành Phật, không bao giờ mất. Thành Phật rồi thì mãi mãi không bao giờ mất nữa, không sanh không diệt mà, cho nên rất là giá trị.

Nhớ nha, đây là tu giải thoát. Người không chịu học Phật pháp Đại thừa, còn chê là học cao, thế này thế kia, học cái đó để làm chi, làm gì. Cuối cùng thì không biết, do không học đoạn này, cho nên là ngơ ngơ ngác ngác. Đoạn này Hòa thượng cũng giảng nhiều, ngài giảng trong Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, giảng trong Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú, v.v…mà mình nghe như đui, như điếc vậy đó. Vì người phiên dịch cũng không hiểu, mình cũng không hiểu luôn, nghe cũng không hiểu. Cho nên ở đây quan trọng Đà-la-ni, thật ra đoạn này Hòa thượng giảng cũng rất nhiều, quý vị nghe cho kỹ. Đà-la-ni tóm lại là chỗ đó, cho nên muốn có Đà-la-ni phải có định, có định rồi, có Đà-la-ni rồi thì quý vị thông cả Phật pháp, thế gian pháp, quý vị có cả kho tàng công đức Tạng, điều đó rất quan trọng. Người tu hành như vậy đời sau họ sẽ bớt mê. Phải học thì mới nhớ, mới tốt, giống như có đồng tu nói: “Thầy ơi sao con học mà con mau quên quá”. Mau quên là gì là nghiệp chướng khiến chướng ngăn, nên mau quên.

Thật ra nguyên tắc mà nói, trên ý thức Duy Thức mà nói, quý vị học vô là quý vị đã nhét chủng tử vào trong A-lại-da thức rồi, thì nó có chủng tử rồi. Quên là do không lấy ra được, mà lấy ra không được là do Phiền não, nghiệp chướng che. Rõ ràng nhất là dục che, quý vị quá nhiều dục, cho nên trí huệ không sanh, quý vị mau quên. Quý vị để ý đi, Thiện Trang để ý thấy rõ nhất, hồi trẻ mình nhớ ơi là nhớ, hồi mấy đứa nhỏ nhỏ ngây thơ, trong sáng, học cái gì cũng nhớ ơi là nhớ luôn. Nhưng mà càng lớn thì càng ngu, học đâu quên đó, vì sao? Vì dục nó nhiễm nhiều, dục nhiễm thì nó nghĩ tư tưởng không tốt, rồi nó còn làm những việc không tốt, cho nên là nó quên. Quý vị có trí huệ là nhờ giữ, nên là người ta nói là phải giữ giới, đặc biệt sắc dục nam nữ khiến cho người ta mau quên nhất. Điển hình như chư Thiên, chư Thiên mỗi khi mới sanh về cõi Trời họ còn nhớ được đời trước, họ có thể biết. Nhưng mà khi nam nữ gặp nhau ở trên trời, chư Thiên đó, thì họ quên luôn. Cho nên là cái dục khiến cho người ta mau quên, muốn có trí nhớ tốt thì quý vị ráng giữ được thì tự nhiên sẽ nhớ thôi, từ cái nhớ đó nó sinh ra. Thật ra nó không bị chướng ngại, không có mê là được rồi. Cho nên là từ những cái nhỏ nhỏ, mình giữ những cái rất nhỏ, giữ được một phần là thành tựu được một phần. Những cái đó nó hỗ trợ mình đạt đến cuối cùng là Đà-la-ni, được định, được thêm trí huệ nữa.

Cho nên học Phật pháp không bao giờ uổng, vì Đà-la-ni đắc thì mãi mãi đắc, đạt được rồi thì mãi mãi được, và luôn luôn đời đời, kiếp kiếp theo mình, không bao giờ rời mình nữa. Cho nên chỉ cần quý vị đạt được, giả sử không vãng sanh đời sau trở lại là quý vị cũng giỏi lắm, Phật pháp cũng siêu đẳng rồi. Chỉ cần ai giới thiệu là nó đi theo mình à, đâu có mất đâu, cho nên vô học người ta học vất vả, mình thì khỏi, vì nhiều đời nhiều kiếp tu hành Đà-la-ni vun trồng, còn chút xíu nữa thôi là đủ, đủ một cái là ra khỏi sanh tử thôi. Lúc đó Phật pháp cũng được, thế gian pháp cũng được, sung sướng tự tại, giữa thế gian này đúng không ạ.

Cho nên học, Thiện Trang nói có hai điều khuyên quý vị nên làm: Một là quý vị hãy đặt ra điều kiện trong năm nay, chúng ta hãy đặt ra một năm, ba năm, năm năm, thôi đừng đặt bảy năm lâu lắm, đạt được công phu niệm Phật Thành phiến đi. Để cho đức Phật A Mi Đà thọ ký: Con còn bao nhiêu năm nữa, con còn bao nhiêu tuổi thọ nữa, con sẽ về Tây Phương Cực Lạc, coi như lấy được cái visa, đóng dấu định cư tại Tây Phương Cực Lạc gọi là giấy định cư, giấy bảo lãnh, định cư về Tây Phương Cực Lạc cầm cho chắc thì đời này được tự tại.

Hai là học Phật pháp Đại thừa, tu thêm niệm Phật thiền định nữa để được vô định, tại vì Định Huệ đẳng trì mình học là học Thật tướng các pháp, thì mới sanh ra được Đà-la-ni, một khi được thì mãi mãi được. Cho nên là chúng ta nghe pháp được rồi, thì đời sau mình đạt được pháp, mình được giải ngộ Đà-la-ni thì như vậy lúc nào đọc tới pháp nào nó cũng ra. Như vậy mình có được Đà-la-ni về thế gian pháp, thì cũng như thế, về thế gian pháp thì tự nhiên quý vị cũng đạt được những điều rất tuyệt vời. Giống như mình có thể có trí huệ mà người ta không có, mình đụng vô ngành nghề nào cũng có, đời sau mình cũng rất tuyệt vời. Cho nên tu hành Phật pháp được lợi ích lớn như vậy, tại sao không tu uổng quá, đúng không? Quý vị tu được thì thành công rồi, thế gian cũng thành tựu, xuất thế gian cũng thành tựu, tại sao cứ đi tìm những cái nhỏ nhen ở thế gian.

Hòa thượng hay nói chúng ta là tu hành giống như người muốn chặt một cái cây, người biết tu là chặt luôn cái gốc cây đi là cái cây đó xong. Còn người không biết tu cứ chặt hoài vẫn chưa tới gốc cây, chặt hết mấy cái lá, rồi chặt qua mấy cái cành nhỏ, rồi chặt hoài mới tới gốc cây mà vẫn chưa xong nữa. Mệt gần chết rồi mới vô chặt cái gốc cây, thì chặt hết nổi rồi. Cho nên người không biết tu, cứ vô đi cành lá, còn người biết tu người ta đi vào cái gốc, cái gốc của chúng ta là Phật pháp là gốc.

Cho nên Hòa thượng mới nói là Đệ Tử Quy, Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh mấy nền tảng đó học một năm là tốt nhất, hai năm, tối đa ba năm thôi, còn mình cứ sa đà vào học cái đó là pháp thế gian, pháp thế gian nhiều quá. Cho nên Đệ Tử Quy, Thái Thượng Cảm Ứng Thiên cũng là pháp thế gian trong nhân thiên. Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh thì tốt hơn, nhưng mà mình phải học sâu hơn nữa để còn lên. Hòa thượng giảng bao nhiêu năm, bao nhiêu bộ như vậy mà mình không nghe, mình đi nghe đâu đâu, uổng phí cuộc đời. Một đời được thân người đâu phải dễ, một người để mà gặp được Phật pháp như bây giờ khó lắm. Bây giờ mình gặp được rồi, mình không có trân trọng, mình không biết tiếc nuối, mình cứ lang thang, đi vòng vòng rồi cuối cùng qua cuộc đời này. Biết đâu ngày nào thọ mạng mình hết, lại luân hồi nữa, luân hồi muôn kiếp dài lâu, biết bao giờ mới được.

Người xưa nói: “Ngàn năm cây sắt còn trổ hoa, một khi mất thân người khó được tìm lại”, vì cây sắt còn trổ hoa được, ngàn năm nó có thể ra hoa, nhưng mà thân người mất còn khó tìm hơn như vậy nữa, đừng có tưởng. Đâu phải dễ như thế, cho nên là: “Nhân thân nan đắc như ưu đàm hoa”, hoa ưu đàm ngàn năm mới nở, mà thân người thì còn khó được hơn hoa. Cho nên mình biết rồi, mình có cơ hội này, quý vị nghe được Phật pháp này, quý vị nghe được Kinh Vô Lượng Thọ, thậm chí quý vị nghe được Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú hay còn gọi là Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú này, là phước báu của quý vị nhiều đời nhiều kiếp mới được nghe đó. Nhiều người trên thế gian này tuy là học Phật mà không có biết, không có được nghe. Quý vị được nghe đây Kinh Vô Lượng Thọ là phước đức vô lượng, tại sao phước đức vô lượng? Trong Kinh Vô Lượng Thọ nói:

“Nhược bất vãng tích tu phước huệ,

Ư thử Chánh pháp bất nan văn,

Dĩ tằng cúng dường chư Như Lai,

Tắc năng hoan hỷ tín thử sự”.

Tức là nếu mà xa không tu phước huệ thì Chánh pháp này đâu thể nghe được đâu, nghe không vô, mà mình nghe được là chứng tỏ mình cúng dường vô lượng chư Phật rồi. Mình nghe được không chỉ bộ Kinh Vô Lượng Thọ, mà bây giờ mình còn nghe được Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ nữa, gọi là Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú. Mình còn nghe được Thật tướng các pháp, chứng tỏ công đức thiện căn sâu dày, mình hay nói là thiện căn phước đức sâu dày. Cho nên trong Kinh A Di Đà nói: “Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên đắc sanh bỉ quốc”. Như vậy mình học rồi mình thông, thông thì tự tại giữa dòng đời, giống như bây giờ học bao nhiêu năm rồi Thiện Trang hỏi quý vị: Vậy Phật pháp là gì? Tóm lại 49 năm đức Phật thuyết pháp nói gì? Bắt đầu ngơ ngơ ngác ngác hết, không ai biết 49 năm đức Phật thuyết pháp cái gì. Nhớ Hòa thượng nói, ngài nói bốn chữ: “Chư pháp Thật tướng”, mình cũng kêu chư pháp Thật tướng là Thật tướng các pháp, đúng rồi. Đó là nói theo Hòa thượng chứ mình đâu nói được đâu. Nhưng người mà hiểu được hơn thì người ta sẽ nói rằng 49 năm thuyết pháp gom lại thành bốn chữ “Chư pháp Thật tướng”, nếu mà mở rộng ra hết cỡ, thì đó là một bộ Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh. Kinh Hoa Nghiêm chính là nói chư pháp Thật tướng một cách tỉ mỉ rõ ràng nhất. Nhưng mà đem gom Kinh Hoa Nghiêm lại thì bộ Kinh Vô Lượng Thọ, gom lại nhỏ hơn thành Kinh A Di Đà, cũng nói chư pháp Thật tướng thôi, rồi gom lại còn bốn chữ “chư pháp Thật tướng”.

Vậy bây giờ quý vị gom lại ba chữ được không, nếu quý vị nói gom lại ba chữ không được, khó quá. Mà chư pháp Thật tướng bây giờ Thiện Trang đem gom 20 chữ của Đại sư Lục Tổ Huệ Năng, mấy câu “Hà kỳ Tự Tánh”, mấy chữ “hà kỳ Tự Tánh giống nhau nên bỏ đi, lấy năm câu còn lại, 20 chữ. Ví dụ như “Bổn tự thanh tịnh” nghĩa là vốn tự thanh tịnh, “Bổn tự cụ túc”, “Bổn bất giao động”, “Bổn bất sanh bất diệt” là không sanh không diệt, và cuối cùng là “năng sanh vạn pháp”. Đó chính là nguyên bộ Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh gom lại còn lại năm câu đó. Năm câu đó là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, gọn hơn Kinh Vô Lượng Thọ, gọn hơn Kinh A Di Đà, rút xuống còn chư pháp Thật tướng, rồi rút xuống còn ba chữ thôi, ba chữ là gì cho quý vị nói luôn. Ba chữ nói theo Tịnh Độ tông mình cho dễ, rút xuống ba chữ là còn “Thường Tịch Quang” là đủ rồi. “Thường” là mãi mãi, không sanh không diệt; “Tịch” là vốn thanh tịnh của Đại sư Lục Tổ Huệ Năng; “Quang” là trí huệ có thể sanh ra vạn vật, vạn pháp, là quang minh. Như trong Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Quang tinh minh câu xuất”, tức là những cái đó giống như từ ánh sáng chiếu ra tất cả. Hoặc chúng ta có thể nói: “Uất Đơn thành thất bảo, hoành lãm thành vạn vật”, đằng trước câu đó là “chuyển biến tối thắng”, những ánh sáng giao thoa với nhau, chuyển biến tối thắng. Đấy là quang đó, cho nên là gom lại ba chữ thôi, thay vì bốn chữ “chư pháp Thật tướng thì nói “Thường Tịch Quang” là đủ rồi.

Quý vị nói Thường Tịch Quang là được, nhưng có người nói vậy hai chữ được không? Hai chữ cũng được, quý vị nói hai chữ, vậy hai chữ gì? Bắt đầu ngơ ngác không biết hai chữ gì. Bây giờ nói một chữ được không? Được! Hai chữ cũng được, một chữ cũng được, nói kiểu gì cũng được. Bây giờ gom xuống hai chữ, thôi mình không lấy bốn chữ chư pháp Thật tướng, không lấy Thường Tịch Quang, lấy xuống hai chữ, lấy xuống một chữ. Hai chữ, mình lấy hai chữ “Như như”, còn có người lấy một chữ “Như” thôi. Nếu mà không lấy chữ “như”, lấy một chữ khác được không? Người ngộ thì người ta lấy chữ nào cũng được, người ta lấy chữ ‘giác’, chữ Phật đó. Một chữ “Phật” là đủ hết tất cả, Phật là đấng toàn giác, toàn năng, toàn trí, toàn gì hết, cho nên gom lại tóm lại 49 năm thuyết pháp một chữ “Như” hoặc là một chữ “Phật” là đủ rồi. Nếu nói chữ Phật có ý nghĩa khác, chữ “Như” có ý nghĩa khác, nói Tướng hay nói Tánh. Quý vị nói Tánh thì dùng chữ “Giác”, chữ “Phật”. Quý vị nói Tướng thì chữ “Như”.

Như vậy dùng chữ nào chẳng được, khi mình thông rồi thì tất cả các pháp đều thông. Cho nên là Đại sư Lục Tổ Huệ Năng ngài thuyết kinh nào cũng ra hết, đúng không ạ. Quý vị thấy nếu mình thông rồi, thì tất cả đều thông, cho nên kinh pháp là tâm pháp, tại vì nó trong tâm mình mà. Mình học cái trong tâm mình dễ hơn rất nhiều, nên rất dễ dàng thâm nhập vào kinh tạng được, thấy đời này tuyệt vời.

Nếu như không quý vị nói chư pháp Thật tướng thế nào, quý vị nói thôi tôi không biết học gì nhiều, tôi chỉ nói được theo Kinh của tôi thôi. Kinh của tôi là Kinh Vô Lượng Thọ tôi học, tôi lấy tựa đề kinh tôi trả lời. 49 năm thuyết pháp, đức Phật thuyết là “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác”, vậy là đủ rồi. Đó cũng là tổng nội dung đó quý vị. Vậy thì mục tiêu đạt được cái gì? Là Đại Thừa Vô Lượng Thọ, tức là mình sẽ được quả vị để mà đưa đến Đại thừa, và con đường thành Bồ-tát, thành Phật. Vô Lượng Thọ là tánh đức mà mỗi người chúng sanh đều sẽ trở lại. Vô lượng Pháp thân là Vô Lượng Thọ của vô biên, còn nếu mà Báo thân là Vô Lượng Thọ của hữu biên. Đó chẳng hạn, mình đưa ra, rồi thanh tịnh bình đẳng giác. Cho nên là còn lại, nói kiểu gì cũng được đúng không ạ.

Khi mình hiểu rồi, mình thấy các pháp liên hệ với nhau, cho nên kinh này cũng là kinh kia. Cho nên “Nhất tức thị đa, đa tức thị nhất”, đó là lý luận của Kinh Hoa Nghiêm: “Một là tất cả, tất cả là một”. Và đồng thời to cũng là nhỏ, nhỏ cũng là to, cho nên Quảng Hiệp Tự Tại Vô Ngại môn cũng có, trong Mười huyền môn có hết. Cho nên khi mình hiểu rồi đó, mình là một Phật pháp sống. Và như vậy mình tiếp xúc với bất cứ hoàn cảnh nào, việc gì mình cũng sống được trong Phật pháp. Còn không ở thế gian cứ sống khổ miết, đời này qua đời kia khổ. Khổ vì sao? Vì ở thế gian chúng sanh gọi là: “Thế nhân cộng tranh bất cấp chi vụ”, họ tranh nhau. Mà thế gian thì sao? Gọi là thế gian chứ không phải thế ngây, người đời nói là thế gian, không phải thế ngây. Cho nên mới có câu nói: “Sơn trung hữu trực thụ; Thế thượng vô trực nhân”. Nghĩa là ở trong rừng thì còn có cây thẳng, nhưng mà ở trên đời chẳng có người tâm thẳng đâu. Dịch ý là: “Núi rừng còn có cây mọc thẳng; Ngay thẳng trên đời chẳng mấy ai”.

Người đời do không ngay thẳng cho nên mới tạo ra đấu tranh, tạo ra sự thị phi, tạo ra sự khổ đau. Chứ nếu mà người đời ai nấy đều ngay thẳng thì cõi trần bỗng biến thành Thiên đường. Dễ thôi, người đời ai nấy đều ngay thẳng thì cõi trần bỗng biến thành Thiên đường thôi chứ gì đâu. Vì người ta không ngay thẳng cho nên là mới tệ vậy đó. Cho nên khổ đau là do người ta mang lại cho nhau chứ ai, nếu mà ai cũng sống tốt làm sao có khổ đau. Đó là xong phần Đà-la-ni và Tam-muội.

Thiện Trang rất thích đoạn này, quý vị nhớ là Đà-la-ni một khi được là mãi mãi được, là thù thắng hơn Tam-muội. Tam-muội là thiền định, quý vị có được [Tam-muội] chăng nữa thì đời quý vị chuyển thân lại là bị mất, có tu lại cũng nhanh nhanh hơn chút thôi chứ cũng không có. Còn trí huệ về giải thoát, Phật pháp giải thoát, là đi theo chúng ta mãi mãi, và đó chính là nguyên nhân chứng quả đó quý vị, chứng quả ra khỏi sanh tử là nhờ Đà-la-ni này. Cho nên là phải để ý Đà-la-ni. Đà-la-ni muốn tu thế nào, đoạn trên nói rất rõ: Phải có sức định, tức là Tam-muội, mình phải tu định và cộng thêm trí huệ về Thật tướng các pháp, cho nên phải học Đại thừa là vậy đó. Mấy người không học Đại thừa là không có điều này, cho nên tu thì tu vậy nhưng mà đường [vòng]. Thiện Trang nói có đi thì ắt có đến, cho dù con đường thành Phật dài xa, nhưng mình có đi sẽ có đến. Nhưng mà mình đi trên con đường chính thì mau đến vì mình học Phật pháp Đại thừa, mình có trí huệ của Bát Nhã Ba-la-mật, tức là mình có trí huệ về Thật tướng các pháp thì coi như mình đi trên đường chính, đường lớn và mình mau đến. Còn quý vị mà học vô các pháp khác, các pháp không có Thật tướng mà học toàn thế gian như bây giờ người ta giảng dạy, nhiều người toàn dạy thế gian thôi đó, thì quý vị không thể có Đà-la-ni được, thì cũng “đi là sẽ đến” nhưng mà quý vị đâm vào đường hẻm, đường gì đó, đi hoài vòng vòng trong đó, lâu tới. Cho nên phải hiểu, mình tu hành phải lấy rốt ráo làm chính, đừng có chạy theo những cái không rốt ráo.

(Trích trong bài giảng Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng – X Chánh Thích Kinh Văn – Phẩm Thứ Hai – Đức Tuân Phổ Hiền – Buổi 24 – Bài 068.

Giảng giải: Thầy Thích Thiện Trang

Giảng ngày: 28.01.2023)

 

 

Trả lời 0