Còn một số người nghĩ rằng mình phải niệm Phật để vào công phu, ngồi Thiền để định công vào công phu. Quý vị coi lại đó là mình vẫn chưa hiểu cách tu hành, giữa tu thiền Chỉ và thiền Quán. Ngồi niệm Phật thực ra mà nói đa số là mình tu Chỉ, mình ngồi đó xếp bằng hay v.v… mình nhập thiền định, đó là tu Chỉ. Quý vị qua bên Phật giáo Nam truyền là thấy rõ nhất, Phật giáo Nam truyền gọi là tu Vipassana, người ta nói như vậy thực ra để tu Thiền nguyên thuỷ. Thiền Vipassana vẫn là tu thiền Chỉ và thiền Quán bằng ba con đường: Con đường thứ nhất là song song thiền Chỉ và thiền Quán một lúc, tức là vô học thì dạy luôn vừa dạy tọa thiền thế nào làm sao, vừa dạy cho học pháp tu Quán như thế nào; Thứ hai là dạy cho phương pháp tu Quán trước, tu Chỉ sau; Thứ ba bây giờ thịnh hành là tu Chỉ trước, tu Quán sau.
Cho nên người nào trước giờ học niệm Phật mà không có căn bản, tu chưa có nền tảng, vô thấy họ dạy cho thiền Chỉ thấy đã lắm, vì thấy an lạc, hiện tại thấy kết quả rõ ràng: ngồi nhập định được. Người khá khá chút tâm không có lao xao là ngồi nhập định được, định Sơ thiền, định Nhị thiền, định Tam thiền. Nhưng khi ai mà đạt tới Tam thiền thông thường người ta không dạy nữa, tới Tam thiền là không hướng lên Tứ thiền. Quý thầy đó mới nói thật: bây giờ bỏ đi, ít ngồi thiền lại, thay vì ngồi 8 đến 12 tiếng mỗi ngày, bây giờ ngồi ít lại hai tiếng thôi, lo qua học pháp đi, học quán đi. Vì sao? Trong thiền Chỉ rõ ràng bên giáo pháp Nam truyền nói: Tu thiền Chỉ tối đa chỉ được đến Tứ thiền Bát định mà thôi, không thể khai ngộ, không thể chứng quả, không đắc được A-la-hán. Trừ khi người đó có nhân duyên gì đó đặc biệt, tự nhiên họ tu thiền Chỉ mà đắc được quả. Quý vị cứ hỏi những người dạy giáo pháp Nam truyền đi [thì biết].
Cho nên nhiều đồng tu không biết như vậy, nghĩ là vô ngồi niệm Phật mình sẽ chứng quả. Không phải! Quý vị niệm Phật ngồi không, hoặc là niệm trong sự tu hành trên thời khoá hai thời công phu, v.v… không thể. Quý vị ngộ được, quý vị chứng quả được là nhờ trong đời sống, nhờ trong thiền Quán. Niệm Phật học pháp cũng là ngộ trong đời sống. Quý vị không tin thì coi thử, quý vị dẫn chứng chư Tổ nào trong Thiền tông, chư Tổ nào trong các vị Tổ ngộ được trong khi ngồi thiền đâu? Tất cả đều không! Quý vị coi lại đi, đem 33 vị Tổ, hoặc là coi tất cả các công án Thiền, đa phần nhờ nghe pháp mà ngộ.
Thời đức Phật cũng vậy, đức Phật giảng kinh người ta nghe xong là chứng được Pháp nhãn thanh tịnh, tức là chứng được Sơ quả Tu-đà-hoàn, hoặc là chứng được A-la-hán. Toàn nghe pháp ngộ, chứ đâu phải ngồi xếp bằng mà ngộ. Nói như vậy không có nghĩa là mình đả phá điều kia mà vẫn phải tu cả hai gọi là “Chỉ Quán song vận”, hai điều phải cân bằng nhau. Nói vậy thì tu trong đời sống cuối cùng có thành không? Rất khó thành! Không phải không thành nhưng mà rất khó thành.
Cho nên mình chưa hiểu Pháp tướng, mình chưa hiểu về phương pháp tu hành thì đôi khi sai lầm, những sự chấp đó gọi là Kiến thủ kiến, Giới cấm thủ, nên tu hoài cả đời không vào được công phu. Cho nên chúng ta mới có thời khoá [niệm Phật], ngoài nghe pháp, Thiện Trang cố gắng chia sẻ ở đây một tuần hai buổi, rồi chúng ta cũng phải có buổi tu để vào định, đó là tu định. Tu định tu huệ gọi là “Định Huệ đẳng trì”, như vậy mới vào được công phu niệm Phật tam-muội.
Hoà thượng cũng giảng rất nhiều lần: Công phu Thành phiến là khi nào quý vị phải có Định Huệ cân bằng nhau, Định Huệ đẳng trì. Huệ quý vị có thể cao hơn một chút cũng được, nhưng ít nhất định cũng phải tới được ngần đó, định đó tương đương với định của Sơ thiền, không là không vào được công phu [Thành phiến]. Cho nên nhiều người tu hành bao nhiêu năm mà không hiểu, không hiểu thì không hành trì được rốt ráo, không rốt ráo thì không ngộ. Thật ra mà nói ngộ mới thành tựu, không ngộ không thành tựu. Hoà thượng giảng rất nhiều lần, chúng ta nghe chư Tổ cũng nói rất nhiều lần: Định để phục phiền não, quý vị vô ngồi niệm Phật đạt được định thì không phiền não, hoan hỷ vui vẻ lắm. Nhưng hết hồi ra gặp chuyện gì vẫn phiền não, vì quý vị không có huệ, quý vị không ngộ. Có ngộ tức là có huệ, có huệ thì soi chiếu được, giống như thanh kiếm cắt đứt phiền não, điều này học trong giáo lý kinh Đại thừa đều nói như vậy cả.
(Trích trong Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng – X Chánh Thích Kinh Văn – Phẩm Thứ Hai – Đức Tuân Phổ Hiền – Buổi 10 – Bài 054.
Giảng giải: Thầy Thích Thiện Trang
Giảng ngày: 30.11.2022)