Responsive Menu
Add more content here...

Độc Hành

Trích trong bài giảng Kinh Phật Thuyết Đại thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác – Đệ Tứ Thập Thất – Phước Huệ Thủy Văn – Buổi 1 (Bài 147/118 – Thầy Thích Thiện Trang)
Trong đời Mạt pháp có những khổ đau như thế, bây giờ không có người thì mình ráng tự tu. Thiện Trang nghĩ thời nay khó tìm được người trên nhân gian đi cùng đường với mình lắm, rất khó, không nhiều, đôi khi phải tự độc hành, độc bước. Tìm người đúng theo “đồng thử tâm”, đồng với tâm mình, đồng với chí hướng ít lắm. Cho nên Thiện Trang nhớ đến bài kệ trong Chứng Đạo Ca của ngài Đại sư Vĩnh Gia Huyền Giác nói thế này:
常獨行常獨歩、
達者同遊涅槃路
調古神清風自高,
貌悴骨剛人不顧。
Dịch âm
“Thường độc hành, thường độc bộ.
Đạt giả đồng du, Niết-Bàn lộ.
Điệu cổ thần thanh phong tự cao
Mạo tụy cốt cang nhân bất cố”.
Quý vị nghe đọc chắc không hiểu gì hết, phải có kiến thức Hán cổ chút xíu. “Thường độc hành, thường độc bộ” tức là thường đi có một mình thôi; “Đạt giả đồng du, Niết-Bàn lộ” tức là người đạt được sự nghiệp giải thoát rồi mới cùng nhau đi chơi trên con đường Niết-bàn, bây giờ không có ai thì tự mình đi thôi chứ biết làm sao. Ở trên nói nhân ông tu ông đắc, bà tu bà đắc. “Điệu cổ thần thanh phong tự cao”: “điệu cổ” là ý nói phong thái phong cách theo kiểu xưa thanh thoát nhẹ nhàng, tự mình cao, mình có phong cách đó. “Mạo tụy cốt cang nhân bất cố”: “mạo” là hình mạo, thân hình của mình tiều tụy, xương gầy; “nhân bất cố” là nhưng không hối hận, không quay đầu lại, nguyện tu hành phải giải thoát.
Thiện Trang tạm lấy bài dịch của Thiền Sư Như Huyễn (Hòa Thượng Thích Từ Thông) dịch thoát ý rất hay:
“Tôi chấp nhận cô đơn trên đường đạo
Vui một mình, vui theo nhịp bước chân đi
Tôi những mong có pháp lữ chung lòng
Cùng tiến bước vào Niết-Bàn thường lạc
Không như ý, tôi nguyền làm người cổ lỗ
Sống theo mình, sống với gió mát trăng thanh
Dù xương trơ, thân đét, thịt teo gầy
Không ân hận, tôi vui với lập trường kiên định ấy.”
Đây là dịch thoát ý, tức là ở đây tìm người cùng chí hướng giải thoát không có, ở trong nhà không có ai muốn cùng tu giải thoát. Tốt nhất mình tìm cho mình, nên mượn bài Chứng Đạo Ca của Đại Sư Vĩnh Gia Huyền Giác, một trong bốn mươi ba người được độ với thời của ngài Lục Tổ Huệ Năng. Ý ngài nói: “Tôi chấp nhận cô đơn trên đường đạo, Vui một mình, vui theo nhịp bước chân đi”, tức là bây giờ tôi không có ai đi cùng hết thì tôi đi một mình chứ biết sao. Niệm Phật vãng sanh, nói cả nhà không nghe, nói bà con không nghe, không ai chịu tu, thôi tôi tu một mình. Nhưng tôi vui, vui một mình, vui theo nhịp bước chân đi, mỗi bước đi là mỗi bước tiến về Cực Lạc. Mỗi bước đi là mỗi bước gần với liên đài, đài hoa sen, mỗi bước chân vào Tịnh Độ, tự mình vui chứ không tìm niềm vui bên ngoài làm chi.
“Tôi những mong có Pháp lữ chung lòng” tức là tôi cũng rất mong có những người bạn lữ cùng pháp, pháp lữ tức là người bạn tu pháp chung, chung lòng. “Cùng tiến bước vào Niết-Bàn thường lạc” tức là cũng mong đi với những người khác tiến bước vào Niết-Bàn thường lạc, đâu có phải không muốn. Chúng ta đổi lại tôi cũng mong có những bạn pháp lữ cùng tiến về Tây Phương Cực Lạc, nhưng giờ không có thì sao? “Không như ý, tôi nguyện làm người cổ lỗ”, bây giờ không có như ý, không có ai hết thì thôi, tôi làm người cổ lỗ. Cổ lỗ là sống không xa hoa, sống khổ hạnh một chút, giữ giới, ăn chay, làm lành, niệm Phật, đó là người cổ lỗ. Có cô đó nói: chồng con nói con là người lạc hậu, mình chấp nhận thôi, như đoạn này nói đó. “Sống theo mình, sống với gió mát trăng thanh” tức là sống theo ý mình thôi, sống theo gió mát trăng thanh, mình sống theo Kinh Vô Lượng Thọ, mình sống theo Pháp ngữ Tịnh Độ, Pháp môn Tịnh Độ thì tuyệt vời rồi.
Tiếp theo nói về tình trạng thân mạo thì tiều tụy, xương thì teo đi nhưng nguyện không thay lòng đổi dạ, vẫn quyết chí mà tu. “Dù xương trơ, thân đét, thịt teo gầy. Không ân hận, tôi vui với lập trường kiên định ấy”. Dù bây giờ mình sống tu gầy trơ xương, thân tự nhiên tiều tụy, ốm, thịt teo gầy nhưng vẫn không hối hận. “Bất cố” là không quay đầu lại, tức là không hối hận, “tôi vẫn vui với lập trường kiên định ấy”.
Thiện Trang thấy những bài này dịch thoát ý ra mới hay, đặc biệt những văn phong của những bài như: Chứng Đạo Ca,bài ca về chứng đạo gọi là Chứng Đạo Ca. Ngài Đại sư Vĩnh Gia là ngài Huyền Giác, ngài tất nhiên có tên, có pháp danh nên mình đọc luôn một lúc Vĩnh Gia Huyền Giác. Ngài sau khi ngộ đạo khi đến thăm Lục tổ Đại sư Huệ Năng, ngài làm một bài ca gọi là Chứng Đạo Ca là con chứng đạo rồi. Ngài nói như vậy nhưng cuối cùng ngài sanh lên cõi trời Dạ Ma, nguyện lên trời Đâu Suất cuối cùng lên trời Dạ Ma. Nghĩa là thấy đạo, chứng đạo nhưng chứng đạo chưa đủ. Định lực của ngài có thể chứng đến Nhị quả, coi như có thể chứng đến Ngũ tín vị Bồ-tát, nhưng vị trí đó mới thấy Tánh thôi mà tu chưa được, chưa phục được nghiệp. Cuối cùng vẫn lên làm Thiên chủ của cõi trời Dạ Ma.
Cho nên thấy như vậy, nhưng tu không dễ. Thiền tông đâu có dễ quý vị, mình tu nói tới nói lui, nói xuôi nói ngược, nhưng rốt cuộc mình tu có được đâu. Nói rất hay nhưng mình chống lại nghiệp chướng, đối lại nghiệp lực của mình không phải dễ. Nếu mình làm được thì thành tựu rồi, mình chắc chắn thành tựu một cách viên mãn luôn chứ không phải bình thường. Ở đây nói thật, tuy chúng ta nói Thiền, nói Tịnh nghe đã tai lắm nhưng thực sự mình làm không được. Làm không được thì ráng thật thà nghe lời niệm Phật, đời này có vé mà về Tây Phương. Nếu như tu mà nghĩ mình học chút xíu đạo như vậy rồi cho là mình chứng đạo, cống cao ngã mạn thì rớt vào “ác kiêu giải đãi cập tà kiến” thì “nan tín Như Lai vi diệu pháp”, cũng khó tin lắm.
(Trích trong bài giảng Kinh Phật Thuyết Đại thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác – Đệ Tứ Thập Thất – Phước Huệ Thủy Văn – Buổi 1 – Bài 147/118 – Thầy Thích Thiện Trang)

Trả lời 0