Responsive Menu
Add more content here...

Tập 01 – Học Phật Vấn Đáp

VẤN ĐÁP HỌC PHẬT

Tập 14

(Tập 1 Tịnh Tông)

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 23/07/2004

Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông.

 

Quý vị pháp sư, quý vị đồng tu, lần này chúng tôi trở về Hồng Kông giảng kinh, nhìn thấy đồng tu từ đại lục đến càng ngày càng nhiều hơn, sự nhiệt tình cầu pháp của mọi người khiến chúng tôi nhìn thấy rất cảm động. Vì mọi người có rất nhiều nghi hoặc đối với Phật pháp hoặc trong tu học, chúng tôi quyết định thứ sáu hàng tuần, chúng tôi tổ chức một buổi gặp mặt. Vẫn là do đạo tràng quá nhỏ, tôi nghĩ là lầu 9 hoặc lầu 10, chúng tôi nghĩ cách dùng camera giám sát quay lại hiện trường, ở lầu 10 và lầu 9 đều có thể nghe được. Ngoài bình thường mỗi ngày nghe kinh ra, tận dụng thời gian này chúng ta gặp mặt một lát, đặc biệt là đồng tu từ nơi xa tới, đồng tu mấy ngày này sắp phải rời đi. Hôm nay tôi thấy có không ít câu hỏi, câu hỏi đầu tiên của cư sĩ Phùng Huệ Nghi, có mặt không vậy? Cư sĩ Phùng Huệ Nghi có mặt không vậy? Đây vốn không phải là cô ấy hỏi, hình như có người hỏi giúp?

Hỏi: Vị này là pháp sư Đạo Tánh đến từ Hắc Long Giang, ông ấy hỏi đạo tràng pháp hội hoặc là nghĩa công làm việc, có một số cư sĩ không dám ăn cơm thường trụ, nói là vốn không tu được công đức gì, ăn một bữa cơm này, toàn bộ đều không còn nữa, là đói ăn hoàn sắt nóng, tương lai không cách nào trả hết. Xin lão pháp sư khai thị.

Đáp: Ý này rất tốt, nhưng mà không tương ưng với sự thực mà đức Phật giảng. Nếu như nói làm nghĩa công tại đạo tràng thường trụ của chúng ta, ngay cả một bữa cơm cũng không dám ăn, vậy thường trụ chúng ta bố thí cho người nghèo khổ bên ngoài, giống như trước đây chúng tôi ở Singapore, mỗi ngày cúng dường đại chúng đồ ăn thức uống, điểm tâm, 24 tiếng đồng hồ không gián đoạn. Bất kì người nào, người không tin Phật giáo, người phản đối Phật giáo, người mắng Phật giáo, tới chỗ chúng tôi ăn cơm, chúng tôi đều cúng dường. Lúc tôi ở Singapore, đại khái bình quân mỗi ngày có hơn 1000 người, cuối tuần, ngày nghỉ có hơn ba bốn ngàn người, vậy thì phải làm sao? Những người này không có cống hiến với đạo tràng. Mọi người làm nghĩa công ở đạo tràng, tại sao không thể tiếp nhận đồ ăn thức uống của đạo tràng? Đây là chuyện nên tiếp nhận. Nếu như hạn chế nghiêm như vậy, đạo tràng không có nghĩa công làm nữa, chúng ta nhất định phải hiểu điều này. Đạo tràng có khả năng, nhất định phải cứu tế những người khổ nạn bản địa này. Hiện nay chúng tôi ở Úc, cũng có không ít đồng tu từng tới học viện Tịnh tông xây dựng ở Úc. Ở Úc mỗi thứ bảy hàng tuần chúng tôi cúng dường bữa tối, chỉ cần có người tới ăn cơm, chúng tôi luôn chào đón, chúng tôi đều nhiệt tình chân thành tiếp đãi, kết duyên với chúng sanh. Cho nên hy vọng chúng ta nhận thức rõ ràng điểm này.

Đồ thường trụ, đồ thường trụ cúng dường, chúng ta có thể tiếp nhận; thường trụ không cúng dường mà chúng ta lại sử dụng thì mới gọi là phạm giới. Giới trộm cắp trong giới luật, ý nghĩa quan trọng là không được tự ý lấy, không được chủ nhân cho phép, bạn tự mình lấy dùng, đó mới gọi là phạm giới trộm cắp. Nếu như chủ nhân của thường trụ, đạo tràng này, chủ nhân đạo tràng nơi này vẫn là tôi, tôi không ở đây, nơi này vẫn có người quản lý, ông ấy thay mặt tôi phụ trách, ông ấy đồng ý là được; hoặc là chỗ chúng ta có tổ chức hội đồng quản trị, hội đồng quản trị đồng ý, vậy thì đều có thể tiếp nhận. Nếu như nói là thường trụ không cho phép, hội đồng quản trị không đồng ý, nếu chúng ta tùy tiện chiếm dụng đồ vật của thường trụ, tự mình lấy dùng riêng, đây là phạm giới trộm cắp. Cho nên, nhất định phải hiểu rõ, hiểu thấu triệt, nhất định không được để xảy ra sai lầm. Bản thân chúng ta hiểu lầm thì lỗi ấy còn nhỏ, ảnh hưởng tới người khác, sợ người khác cũng hiểu lầm theo, vấn đề này liền nghiêm trọng. Cho nên Phật pháp, nói tóm lại phải hiểu rõ ràng, thấu triệt; bản thân không rõ ràng, không thấu triệt thì phải hỏi nhiều hơn, đoạn nghi sanh tín vô cùng quan trọng.

Hỏi: vị Trần cư sĩ có ba câu hỏi. Câu hỏi thứ nhất là Cục tôn giáo Phước Châu thông báo các chùa lớn đổi giấy chứng nhận quy y, đệ tử muốn giữ lại giấy chứng nhận cũ, không muốn đổi thì có đúng pháp không?

Đáp: chuyện này không thể hỏi tôi, chuyện này phải hỏi Cục tôn giáo Phước Châu, nếu Cục tôn giáo nói không thể, vậy thì bạn phải tuân thủ theo quy định của Cục tôn giáo. Người học Phật quan trọng nhất là trì giới, trì giới là tuân thủ pháp luật, pháp luật quy định của đất nước, chúng ta nhất định phải tuân theo. Thực ra hiện nay quy y đều là hình thức, Phật pháp chú trọng thực chất, không chú trọng hình thức. Hôm nay cho dù là vị pháp sư nào thọ quy y cho bạn, Phật Bồ-tát không thừa nhận, bạn phải hiểu rõ điểm này. Tại sao vậy? Bạn chưa làm được. Quy là quay đầu, y là nương theo. Bạn xem tam quy, chúng ta giảng rất rõ ràng, rất tường tận, quy y Phật, Phật là giác ngộ, tự tánh giác là Phật, từ điên đảo mê hoặc quay đầu lại nương về tự tánh giác, đây gọi là quy y Phật. Nếu bạn làm như vậy, bạn không thọ quy y hình thức, Phật Bồ-tát thừa nhận bạn, bạn thật sự quy y rồi. Thật sự quy y, trong Giới Kinh giảng rất rõ ràng, có 36 vị thần hộ pháp ngày đêm bảo hộ bạn. Hình thức không có tác dụng, cầm giấy chứng nhận quy y cũng không có tác dụng, họ không thừa nhận bạn.

Mấy ngày trước, có một vị cư sĩ từ Quảng Đông tới, tôi thấy cũng còn rất trẻ, cậu ấy họ Đới, gặp tôi ở lầu 10, tôi thấy ít nhất trên người cậu ấy có hơn 4 linh quỷ dựa thân. Cậu ấy là người Quảng Đông, chỉ biết nói tiếng Quảng Đông, lúc gặp mặt tôi, tôi có thể nghe được cậu ấy nói tiếng Anh, tiếng Nhật, còn có văn tự và ngôn ngữ của mấy nước khác, cư sĩ Hồ của chúng ta có thể nghe hiểu, cô ấy từng sống một thời gian dài ở châu Âu, cậu ấy còn biết nói tiếng Tây Tạng. Cho nên chúng tôi đoán rằng cậu ấy không chỉ có một linh quỷ dựa thân, ít nhất phải có từ bốn [linh quỷ] trở lên. Cậu ấy tiết lộ thông tin cho chúng tôi, nói tượng Phật của chúng tôi rất đẹp, rất trang nghiêm nhưng trên thực tế không phải vậy, mỗi ngày Phật Bồ-tát đều rơi lệ, đều đang khóc. Tại sao vậy? Chúng ta học Phật đều là làm giả, không phải làm thật. Phật Bồ-tát đang rơi lệ, Phật Bồ-tát thấy chúng ta là đệ tử Phật giả mạo, không phải là đệ tử Phật chân thật, đều làm không đúng pháp, hoàn toàn trái với những điều trong kinh giáo, trong giới luật, Phật Bồ-tát đang khóc.

Bạn biết được sự thật này, ngạn ngữ thường nói “người cùng tâm này, tâm cùng lý này”, chúng ta thử nghĩ xem, mỗi ngày Phật Bồ-tát đều đang rơi lệ, chuyện này chắc là thật, khởi tâm động niệm, lời nói tạo tác của chúng ta có lỗi với Phật Bồ-tát. Thật hiếm có, cậu ấy tới chỗ chúng ta thị hiện, tôi nói, tới chỗ chúng ta thị hiện, không tới đạo tràng khác thị hiện, đại khái đạo tràng này của chúng ta còn có chút lương tâm. Nếu như một chút lương tâm cũng không còn, thị hiện, thị hiện mà tôi không để ý tới cậu thì cậu ấy sẽ không tới. Thị hiện, chúng ta cảnh giác, chúng ta còn có thể bị cảm động, còn biết phản tỉnh, sửa đổi làm mới, cậu ấy tới đây là đúng rồi. Nhưng mà được mấy người quay đầu? Tôi tin rằng nhất định có người quay đầu. Liệu có người không quay đầu không? Tôi nghĩ người không quay đầu cũng không ít.

Cho nên chuyện này không cần để trong lòng. Bạn muốn đổi thì đi đổi, không muốn đổi thì để giấy chứng nhận quy y cũ ở nhà làm kỷ niệm cũng rất tốt, bạn còn có thể đi nhận giấy chứng nhận quy y mới. Chúng tôi thường ra nước ngoài, hộ chiếu đến thời hạn, phải đổi hộ chiếu mới; đổi hộ chiếu mới, hộ chiếu cũ trả lại cho bạn chứ họ không thu lại. Nhưng mà tôi không biết họ đổi giấy chứng nhận quy y, liệu họ có thu lại giấy chứng nhận quy y cũ hay không, tôi cũng không biết.

Hỏi: câu hỏi thứ hai, nếu như áp dụng câu “phàm những gì có tướng đều là hư vọng” vào trong cuộc sống? Trong quá trình dạy con trưởng thành mà tức giận, khởi phiền não, như vậy liệu có phải cũng chấp tướng không?

Đáp: là chấp tướng. Hai câu này không dễ dàng áp dụng, “phàm những gì có tướng đều là hư vọng”, đây là cảnh giới của Pháp Thân Bồ-tát. Biết được hết thảy tướng đều là hư vọng, tâm của bạn liền thanh tịnh, bạn sẽ không còn khởi vọng tưởng, bạn cũng sẽ không có phân biệt, cũng không có chấp trước. Chỉ cần bạn còn có phân biệt, chấp trước thì bạn không thể hiểu được “phàm những gì có tướng đều là hư vọng”. Hai ngày nay chúng tôi giảng kinh cũng giảng tới vấn đề này, thật sự hiểu được chân tướng vũ trụ nhân sinh, buông xuống vạn duyên, tâm của bạn liền thanh tịnh. Giúp đỡ người khác, có biểu hiện mừng, giận, buồn, vui, nhưng họ không chấp tướng, tại sao vậy? Cũng giống như vở kịch diễn trên sân khấu vậy, là giả, không phải là thật, là phương pháp. Dùng phương pháp này giúp đỡ người khác giác ngộ, giúp đỡ người khác đoạn ác tu thiện, giúp đỡ người khác phá mê khai ngộ, có thể dùng làm phương pháp dạy học. Ví dụ bạn mắng con trẻ, bạn muốn dạy tốt chúng, nếu bạn thật sự khởi tâm sân hận, bạn liền đọa vào luân hồi, đó là tâm luân hồi tạo nghiệp luân hồi.

Cho nên, Phật Bồ-tát thị hiện trên thế gian này của chúng ta, Thích-ca Mâu-ni Phật cũng có mừng, giận, buồn, vui, có lúc cũng khen ngợi người khác, rất hoan hỷ; có lúc nhìn thấy đệ tử có lỗi lầm, ngài cũng biểu hiện vẻ mặt tức giận, bạn nói xem ngài có phiền não không? Ngài có phân biệt chấp trước không? Không có. Vậy đó là gì? Đó là chúng sanh có cảm, ngài có ứng. Thiện tâm của bạn chiêu cảm báo ứng thiện; ác tâm chiêu cảm, đó là báo ứng đánh mắng, cảm ứng đạo giao, chắc chắn không có tâm. Không có tâm tức là chắc chắn không có tâm phân biệt, không có tâm chấp trước, không có vọng tâm, công phu này là công phu thượng thừa, không phải người bình thường có thể làm được, chúng sanh trong lục đạo, bao gồm người cõi trời cũng không làm được, chúng ta học Phật thì nên học tập, điều này không dễ dàng mà thành tựu được. Cho nên, tổ sư đại đức dạy chúng ta, thời mạt pháp ngoài dựa vào niệm Phật vãng sanh ra, nếu bạn có thể đoạn trừ tập khí trong cảnh giới, e là không có một ai có thể làm được. Đây là thật, cho nên niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, chúng ta chỉ cần khống chế phiền não tập khí, hàng phục, trong lúc giảng kinh chúng ta thường nhắc nhở đồng tu, chúng ta dụng công về mặt này, chỉ cần hàng phục được phiền não thì có thể mang nghiệp vãng sanh. Chúng ta phải hiểu những đạo lý này giảng trong kinh, tâm của chúng ta hướng tới nhưng trên thực tế không dễ gì mà làm được.

Hỏi: câu hỏi thứ ba, người hỏi nói tâm niệm Phật thường duy trì vài ngày rồi lại thoái chuyển, nên làm thế nào để giữ chân tâm lâu dài không thoái chuyển? Hạ quyết tâm lớn, thực hành chưa đến nơi, bản thân cũng vội vàng, có phương pháp xảo diệu nào không?

Đáp: phương pháp xảo diệu đều ở trong kinh điển, hai bộ kinh điển quan trọng nhất mà hiện nay chúng ta căn cứ vào đó là kinh Vô Lượng Thọ và kinh A-di-đà. Tại sao lại thoái chuyển? Phiền não tập khí quá nặng, thông thường chúng ta nói nghiệp chướng quá nặng, một chút công phu mà bản thân tu hành không chống lại được tập khí. Đây là thường tình của con người, lúc chư Phật Bồ-tát mới học cũng không ngoại lệ, cũng là tình trạng như vậy. Nhưng bạn phải bền lòng, phải có nghị lực, phải xem nhẹ hết thảy duyên trên thế gian này, cho dù là người hay là việc, hay là vật, phải xem nhẹ; mỗi năm càng nhạt hơn, vậy thì chúng ta có tiến bộ. Nếu như bạn rất dụng công, mỗi ngày tụng kinh, niệm Phật, nhưng mà bạn vẫn coi trọng duyên thế gian như vậy, vẫn phân biệt chấp trước như vậy, vậy thì bạn không có chút công phu nào. Bạn nghe kinh uổng công, bạn niệm Phật cũng uổng công, chỉ là kết chút duyên với Phật pháp mà thôi, đời này không có được thọ dụng. tình hình như vậy chúng ta biết. Trong đời quá khứ, đời đời kiếp kiếp đều như vậy. Nếu trong đời quá khứ công phu tu học đắc lực thì bạn sớm đã vãng sanh, sao lại còn chạy đến đây? Trước đây sai lầm rồi, hy vọng lần này đừng sai lầm nữa, điều này rất quan trọng.

Người thật sự học Phật chắc chắn không được so đo với tất cả mọi người, nhìn thấy việc thiện của người khác, rất tốt; bất thiện, cũng tốt. Tiếp xúc với hết thảy mọi người, những thứ thiện, tốt của người ta, tiêu chuẩn phải dựa vào kinh luận, tương ưng với điều kinh luận giảng, đó là tốt, mình nghĩ thử xem mình có hay không? Nếu mình có, tốt, mình nên duy trì, không nên thụt lùi đánh mất; mình không có, mình phải mau chóng học tập. Nhìn thấy người khác bất thiện, bất thiện cũng tốt, nhìn thử xem sự bất thiện của họ mình có hay không? Có thì phải sửa lỗi, phải sửa đổi lại. Không có thì sao? Không có thì khích lệ bản thân, đừng nên có ý niệm ác, hành vi ác này, vậy mới đúng. Cho nên, người thiện người ác, thuận cảnh nghịch cảnh, đối với người tu hành mà nói đều có chỗ tốt, không có chỗ xấu; người đều là thầy, hoàn cảnh đều là đạo tràng. Người biết tu hành, tất cả mọi người đều là Phật Bồ-tát, họ không trực tiếp dạy chúng ta thì gián tiếp dạy chúng ta, ta biết cách học thì ngày ngày đều có tiến bộ. Hoàn cảnh, cho dù là thuận cảnh hay nghịch cảnh đều là đạo tràng, người thật sự biết học, người thật sự chịu học, không có chướng ngại. Đây là điều mà chúng ta nên học tập, đặc biệt là trong hoàn cảnh hiện nay, nếu bạn không thể chuyển hoàn cảnh, không thể tùy thuận hoàn cảnh thì bạn sẽ bị hoàn cảnh chuyển, bị hoàn cảnh chuyển thì bạn rất khó có được thành tựu.

Hỏi: đây là [câu hỏi] của cư sĩ Chu của đoàn Bắc Kinh, ông ấy hỏi bố thí cúng dường phải tùy duyên chứ không phan duyên. Thầy nói phải mau chóng, con cũng muốn mau chóng, nhưng mà muốn mau chóng cũng chưa chắc có duyên, vậy thì chỉ có cách để tiền trong ngân hàng chờ đợi. Nhưng có người tới hóa duyên, con lại không muốn đưa cho họ, nếu như là xây chùa chiền; có người tới mượn tiền, con cũng không muốn cho họ mượn, tình huống như vậy phải làm sao? Cho dù họ muốn làm gì cũng cho họ mượn tiền hay sao? Bình thường con muốn in kinh, tùy thời gửi tiền cho chỗ in kinh liệu có phan duyên không? Con tự mình thiết kế những tấm thiệp nhỏ liệu có phải là phan duyên không?

Đáp: có đôi lúc rất khó phân biệt phan duyên và tùy duyên, nói tóm lại, phan duyên là bản thân cố ý muốn làm, hơn nữa là miễn cưỡng đi làm; tùy duyên là duyên chín muồi, cơ duyên đã chín muồi. Ví dụ như xây đạo tràng, đây không phải là chuyện dễ dàng, nếu như hôm nay có người đưa tiền cho bạn, số tiền này đủ xây đạo tràng, như vậy được, duyên này đã chín muồi, nên làm. Nếu như có người đưa cho bạn một số tiền rất nhỏ, muốn mời bạn xây đạo tràng, chuyện này bạn làm không được, bạn đi hóa duyên, đây gọi là phan duyên. Đạo tràng này của chúng ta là do một người tặng, lúc đầu tầng này là tầng 11, là bà Trần ở Hồng Kông phát tâm, một mình bà ấy mua tặng tôi, đây là duyên chín muồi. Nếu như bà ấy nói tặng tôi một triệu, hai triệu, không mua được tầng này, tôi lại phải đi hóa duyên gom góp tiền, đó gọi là phan duyên, chúng ta không làm chuyện này. Hai người, ba người cùng nhau mua tầng này, như vậy có thể. Bạn bảo tôi đi tìm người, vậy không phải mệt chết sao? Tầng thứ hai ở chỗ chúng ta cũng là một cư sĩ nhìn thấy chỗ chúng ta không đủ dùng, tặng chúng ta một tầng. Sau đó tầng 10 muốn bán, lại nằm giữa hai tầng của chúng ta, nếu chúng ta lấy được đương nhiên là tốt nhất, liền có một vị cư sĩ cũng phát tâm, số tiền ông ấy mang tới vừa đủ mua tầng này, đó gọi là tùy duyên. Chúng ta giúp đỡ người khác cũng nên như vậy. Ví dụ bạn in kinh, bạn chỉ có mười đồng, lúc người khác in kinh mình tùy hỷ, đó gọi là tùy duyên, nên làm điều này. Nếu như mình có khả năng lớn như vậy, một lần tự mình đứng ra in, in một bộ kinh, in vài ngàn cuốn, được, điều này có thể.

Năm đó khi Thích-ca Mâu-ni Phật còn tại thế, cả đời chưa từng hóa duyên, phải hiểu chuyện này, chúng ta học Phật tức là học theo Thích-ca Mâu-ni Phật. Người đời sau mới có hóa duyên, hóa duyên rất vất vả, hóa duyên thực tình mà nói cũng phải tùy duyên, người khác bố thí rất vui vẻ, rất hoan hỷ, đừng nên có chút miễn cưỡng nào. Bản thân chúng ta làm cũng như vậy, khả năng có hạn, thu nhập rất ít, làm ít, có thể cố gắng hết sức tiết kiệm trong cuộc sống của bản thân, chút tiền để dư ra dùng làm việc tốt. Như in kinh, phóng sinh, chuyện mà tôi làm chính là ba chuyện, bố thí thuốc men, đời này của tôi chỉ làm ba chuyện này. Tới mấy năm này, các đồng tu cúng dường nhiều, tiền nhiều thì chúng tôi có kế hoạch làm một chút chuyện tốt. Chúng tôi cũng đều tùy phận tùy sức, thu nhập của đạo tràng nhiều thì làm nhiều, ít thì làm ít, không có là tốt nhất, không có thì khỏi phải làm. Nhất định đừng nên có kế hoạch, năm nay tôi phải làm những chuyện gì chuyện gì, không phải mệt chết người sao! Không thể làm vậy. Phật pháp quan trọng nhất là tâm phải thanh tịnh, tâm tịnh tức cõi Phật tịnh, mục tiêu của chúng ta là ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, chúng ta chỉ ở tạm thế gian này. Hoàn cảnh này tốt, rất tốt; không tốt, cũng tốt, tại sao vậy? Đây không phải là nhà của ta, không phải nơi ta sống lâu dài. Bạn có thể coi thế gian này vĩnh viễn là khách sạn, trong này không có thứ nào là đồ của ta, ta có quyền sử dụng, ta không có quyền sở hữu, tự tại biết bao! Phải hiểu được đạo lý này, bạn liền biết tùy duyên như thế nào. Tùy duyên liền tự tại, phan duyên thì vất vả, sự vất vả đó là tạo nghiệp.

Hỏi: Vị cư sĩ Phùng này từ Cát Lâm tới, ông ấy hỏi hiện nay đại lục thịnh hành ngũ hội niệm Phật, niệm một câu vẽ một nét, đây là pháp môn Tịnh độ sao?

Đáp: vấn đề này tôi nghe nói rất nhiều rồi, lần trước tôi viếng thăm Trung Quốc, cũng gặp rất nhiều người hỏi vấn đề này. Trước khi Thích-ca Mâu-ni Phật nhập diệt, vô cùng từ bi, dạy dỗ đệ tử đời sau làm thế nào phân biệt tà pháp chánh pháp, điểm này quá quan trọng, đây là sự từ bi của Phật. Trong hội Lăng Nghiêm đức Phật nói rất hay, “thời kỳ mạt pháp, tà sư thuyết pháp như cát sông Hằng”, phàm phu mắt thịt chúng ta có năng lực gì để phân biệt tà chánh đây? Cho nên Phật đặc biệt khai thị cho chúng ta, ngài giảng bốn câu, thứ nhất là “y pháp bất y nhân”. Thế nào là pháp? Kinh điển. Phương pháp mà họ nói trong kinh điển có hay không? Trong kinh điển có, vậy được, y giáo phụng hành; trong kinh điển không có, để sang một bên, tôi sẽ không để ý tới anh, anh tốt cũng được, không tốt cũng được, tôi phải tuân theo lời dạy của đức Phật.

Vậy thì phương pháp này trong kinh điển không có. Kinh điển Tịnh độ không nhiều, hiện tại tổ sư chỉ dạy chúng ta, “năm kinh một luận”, kinh điển Tịnh độ là ít nhất, lý luận, phương pháp đều phải tuân theo năm kinh một luận. Chúng ta thật sự phải học tập năm kinh một luận, học tập một bộ cũng được, đều có thể thành công, chắc chắn phải y giáo phụng hành. Bạn không thể nghĩ dùng phương pháp của chính mình, như vậy không được, người khác giảng pháp như thế nào cũng không được. kinh ngắn nhất trong năm kinh là “Đại Thế Chí Bồ-tát Niệm Phật Viên Thông Chương”, chỉ có 244 chữ, một đời này bạn có thể tu hành theo kinh này, chắc chắn sẽ thành tựu. kinh dài nhất là kinh Vô Lượng Thọ, mặc dù nói kinh Vô Lượng Thọ dài nhất, nhưng so với điển tịch của các tông phái khác thì thật quá ít. Cho nên năm kinh một luận ghép lại cùng nhau, hiện nay cũng chỉ là một quyển sách mỏng, Tịnh tông dễ dàng là ở chỗ này. Chúng ta phải đọc thuộc lòng, thật sự phải y giáo phụng hành. Cho nên, phương pháp này không có trong Tịnh tông, không có cách nói này.

Phương pháp niệm Phật của Tịnh tông, Đại Thế Chí Bồ-tát giảng rõ ràng nhất, đơn giản nhất, “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”. Niệm Phật, làm gì còn cần niệm một câu vẽ một nét? Như vậy là làm trái với tịnh niệm tiếp nối. Tịnh là tâm bạn thanh tịnh, bạn niệm một câu vẽ một nét, tâm của bạn không thanh tịnh. Vừa phải niệm, vừa phân biệt, vừa chấp trước, vừa vọng tưởng, trong một câu Phật hiệu của bạn xen tạp vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, điều này không phải rất rõ ràng sao? Bạn làm sao có thể đạt tâm thanh tịnh? Điều kiện quan trọng nhất để vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc là tâm thanh tịnh, “tâm tịnh tức cõi Phật tịnh”. Cho nên bạn nói niệm Phật, niệm Phật dùng phương pháp như thế nào, Phật không dạy chúng ta cụ thể, chỉ giảng nguyên tắc, nguyên lý nguyên tắc. “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”, đây là nguyên lý nguyên tắc; “nhiếp trọn sáu căn”, dùng lời thông thường nhất hiện nay của chúng ta mà nói, lời mà mọi người dễ hiểu, đó là buông xuống vạn duyên. Nếu bạn không thể buông xuống, hôm nay thích điều này, ngày mai ghét điều kia, như vậy không được, tâm của bạn sẽ không thanh tịnh. Cho nên dạy bạn phải buông xuống trước, điều gì cũng đều buông xuống, không những buông xuống thế gian pháp mà Phật pháp cũng phải buông xuống. Pháp môn của Phật quá nhiều, tám vạn bốn ngàn pháp môn, tôi chỉ tu Tịnh độ, những pháp môn khác đều buông xuống hết, rất quan trọng!

Trong tứ hoằng thệ nguyện lại nói: “pháp môn vô lượng thệ nguyện học”, hiện tại tôi đều buông xuống toàn bộ, đây có phải là làm trái ngược? Không trái ngược. Phải biết điều này không trái ngược, hôm nay tôi buông xuống toàn bộ pháp thế gian và pháp xuất thế gian, tôi một lòng một dạ muốn tới thế giới Cực Lạc, đi gặp A-di-đà Phật. Tới thế giới Cực Lạc, gặp được A-di-đà Phật, tôi lại pháp môn vô lượng thệ nguyện học. Tại sao vậy? Lúc đó bạn có hoàn cảnh tu học tốt, có thầy tốt; chư Phật là thầy của bạn, Bồ-tát là bạn học của bạn, bản thân lại là vô lượng thọ. Hiện tại thọ mạng ngắn ngủi, tôi muốn học quá nhiều thứ, còn chưa học thành công thì thọ mạng đã hết, phải biết điều này. Cho nên, tôi thường giảng tứ hoằng thệ nguyện, hiện tại chúng ta chỉ thực hành hai nguyện đầu, “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”. Bạn muốn đoạn phiền não, bạn phải nhất tâm, phải một pháp môn, “nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu”, bạn học một môn, một môn đạt tâm thanh tịnh. Thông thường mà nói tức là một môn này bạn có thể đắc định, định có thể khai tuệ; bạn học nhiều thì không có cách nào đắc định.

Trước đây chúng tôi theo học kinh giáo với thầy Lý, thầy Lý dạy học sinh, học sinh chỉ có thể học một thứ, bạn đồng thời muốn học hai thứ, thầy ấy không dạy bạn, thầy ấy không cần người học trò như bạn. Cho nên chúng tôi đều là học phương pháp của trường tư thục, tức là học một môn. Một môn học tốt rồi, thầy giáo đồng ý, tiêu chuẩn học tốt đó là bạn lên bục giảng kinh, thầy giáo ngồi ở hàng ghế cuối cùng nghe. Bởi vì thời đó vẫn chưa có loa, thầy ngồi ở hàng cuối cùng, thầy phải nghe thấy mới được, nếu lời bạn nói mà thầy không nghe thấy thì không được, âm thanh của bạn không được. Thầy ngồi nghe ở hàng cuối cùng, thầy nghe bạn giảng, giảng được, thầy có thể gật đầu, không giảng sai, sẽ không hại người, như vậy mới đồng ý bạn có thể học tiếp một bộ kinh. Một người nhiều nhất không được vượt qua ba bộ, đây là quy tắc mà thầy Lý dạy chúng tôi khi đó.

Mà kinh điển mỗi người học lại không giống nhau, bạn đều có thể tới dự thính, bản thân bạn chỉ tu một bộ kinh, tuyệt đại đa số mọi người đều là một bộ kinh, chúng tôi có thể dự thính, nghe rất nhiều bộ kinh. Nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu, một bộ kinh, hy vọng bạn giảng nhiều, tiêu chuẩn của chúng tôi khi đó là ít nhất phải giảng 10 lần. Ví dụ như tôi học kinh Di-đà, tôi phải giảng kinh Di-đà 10 lần, giảng 10 lần rồi, thầy đồng ý rồi mới có thể chọn thêm một bộ kinh. Đây là giúp đỡ điều gì? Giúp đỡ bạn đạt nhất tâm, giúp đỡ bạn đạt tâm thanh tịnh, đạo lý ở chỗ này, tuyệt đối không cho phép học rộng nghe nhiều. Học rộng nghe nhiều, tinh thông, đây là người như thế nào? Người khai ngộ. Bạn chưa khai ngộ, phiền não tập khí rất nặng, bạn học nhiều thì tri kiến, tư tưởng của bạn hỗn loạn, không có chỗ tốt, chỉ có chỗ hại, cho nên công phu niệm Phật không đắc lực. Đây là thật sự thông qua học tập, bạn mới biết phương pháp đó tốt, lời thầy dạy đúng đắn, chúng tôi khâm phục phương pháp của thầy, nghiêm túc cố gắng học tập.

Tôi giúp đỡ người khác cũng dùng phương pháp của thầy. Trước đây ở Singapore, tôi tổ chức một lớp bồi dưỡng nhân tài hoằng pháp ngắn hạn, thời gian của chúng tôi từ ba đến bốn tháng một khóa. Học tập một bộ kinh, nhưng mà đồng tu học tập, sau ba bốn tháng họ viết rất nhiều tâm đắc báo cáo, đều cảm thấy học tập ba tháng này hơn hẳn bốn năm học tập ở học viện Phật giáo trước đây. Bởi vì bốn năm đó họ học rất nhiều, mỗi ngày đều nghe nhiều môn học như vậy, ba tháng này học một môn, họ liền có cảm nhận này. Thực sự khi họ bước lên bục giảng, đều có thể giảng được những gì họ học; thông thường sau khi học bốn năm ở học viện Phật giáo ra, một bộ kinh cũng không biết giảng. Cho nên thực nghiệm này, chúng ta cũng có thể thấy được hiệu quả rất tốt.

Phương pháp niệm Phật rất nhiều, nguyên lý nguyên tắc chỉ có một, chắc chắn phải đạt tâm thanh tịnh. Cho nên những phương pháp này tự mình có thể thử nghiệm, nếu như bạn thực sự theo phương pháp này tu học, phiền não của bạn ít đi, tức là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước ít đi, tâm của bạn thanh tịnh thì trí tuệ hiện tiền. Trí tuệ hiện tiền tức là cảm thấy thông minh hơn trước đây, trước đây làm việc mơ mơ hồ hồ, hiện tại làm việc đâu ra đấy, tự mình có thể thể nghiệm thấy, vậy thì bạn có tiến bộ. Đặc biệt là ở chỗ nào? Trước khi học Phật, suy nghĩ tự tư tự lợi rất nặng, khi thật sự học Phật có một chút thọ dụng, tâm từ bi hiện tiền, coi trọng lợi ích của người khác, xem nhẹ lợi ích của chính mình, đây là thay đổi rất rõ rệt. Mọi lúc đều có thể suy nghĩ cho người khác, rất ít khi nghĩ tới chuyện của mình, bạn có thể cảm nhận được từ chỗ này.

Hỏi: câu hỏi thứ hai, thường có người tới tìm làm Phật sự, như có người mất, có người bệnh, tìm người tới tụng kinh Địa Tạng hoặc Tam Thời Hệ Niệm, có thể làm được không?

Đáp: đây là kết duyên, có thể, đây là chuyện tốt. Lúc con người bị bệnh cần được an ủi, lúc qua đời cần được giúp đỡ. Trợ niệm vô cùng quan trọng, chúng ta thành tâm thành ý, hoàn toàn giúp đỡ họ, lợi ích họ, chuyện này có thể làm. Lúc làm không thể có danh lợi, tôi niệm một bộ kinh cho anh phải thu bao nhiêu tiền, đây là buôn bán, coi Phật pháp là sản phẩm thương mại, bạn buôn bán Phật pháp, vậy thì có tội, không thể làm vậy. Giúp đỡ người khác vô điều kiện, như vậy tốt, là chuyện tốt.

Hỏi: câu hỏi thứ ba, người này thật sự tu pháp môn Tịnh độ, ăn một bữa giữa ngày, một ngày dập đầu một ngàn cái, một bộ kinh Vô Lượng Thọ, một ngày ba vạn tiếng Phật hiệu, hiện tại Tịnh độ tam kinh kiên trì làm hơn hai năm rồi, nhưng sức khỏe càng ngày càng kém, xin hỏi sư phụ người này nên làm như thế nào?

Đáp: người này có vấn đề, tại sao vậy? Thật sự tu hành, vậy thì hiệu quả là sức khỏe của bạn càng ngày càng tốt, đây là điều chắc chắn. Sức khỏe không tốt, đó là có nghiệp chướng, nhưng mà nghiệp chướng này sẽ tiêu trừ. Bản thân tôi là người từng trải, lúc tôi học Phật, cũng là ăn một bữa giữa ngày, năm năm, lúc bỏ bữa ăn tối thì ốm đi. Cho nên lúc đó cũng khá giống với những gì bạn nói, một ngày tôi không dập đầu một ngàn cái, một ngày tôi lạy tám trăm lạy, sáng sớm thức dậy lạy 300 lạy, buổi tối lạy 300 lạy, buổi trưa sau khi ăn cơm lạy 200 lạy. Con người như thế nào, xanh xao vàng vọt. Đây là gì? Đây là thể chất thay đổi, trước đây bạn ăn thịt, hiện tại ăn chay. Thể chất của tôi thay đổi chậm, đại khái khoảng năm sáu năm mới khôi phục lại bình thường. Năm, sáu năm này bạn phải quyết tâm, nếu bạn nhiều bệnh, thoái tâm thì bạn xong rồi, phải kiên trì. Nhưng tôi có một chỗ tốt, mặc dù nhìn thì rất khó coi nhưng tinh thần, thể lực tốt, không chút suy yếu nào. Có sức lực, những đồ rất nặng tôi cũng nhấc lên được, cho nên không ảnh hưởng chút nào tới tinh thần, thể lực.

Bởi vì lúc đó thầy từng hỏi tôi, thầy nói cách làm của cậu , bởi vì thầy của chúng tôi cũng ăn một bữa giữa ngày, tôi học theo thầy. Học theo thầy được tám tháng tôi mới nói cho thầy biết, tôi nói hiện tại con cũng làm như vậy, cho nên thầy rất quan tâm, hỏi thăm tinh thần, thể lực của tôi. Tôi nói tinh thần, thể lực cũng thế, không bị ảnh hưởng chút nào. Thầy nói: tốt, như vậy thì tốt. Nếu như tinh thần, thể lực có vấn đề, vậy bạn không phải sai lầm về mặt lý luận thì là sai lầm về phương pháp, điều này phải thỉnh giáo người tu hành, người tu hành có kinh nghiệm, phải thỉnh giáo họ giúp đỡ bạn làm thế nào mới có thể làm như lý như pháp. Như lý như pháp, tinh thần, thể lực, sắc tướng của bạn đều sẽ trang nghiêm, đều sẽ tốt. Không thể nào càng tu càng kém, không có đạo lý này, càng tu càng tốt.

Phật Bồ-tát tới tiếp dẫn đại chúng, sắc tướng rất quan trọng, nếu như sắc mặt của Phật Bồ-tát rất khó coi, bộ dạng da bọc xương, ai dám theo các ngài học? Vừa nhìn thấy liền sợ hãi, còn có thể học theo các ngài sao? Ăn chay, ăn rất ít cũng không vấn đề gì, tôi thường nói 95% [năng lượng] đều tiêu hao vào vọng tưởng, mỗi ngày vọng niệm trong đầu tiêu hao năng lượng rất lớn. Đối với bản thân, thật sự mà nói lao tâm lao lực tiêu hao rất ít năng lượng. Vọng niệm tổn hại một người rất nghiêm trọng, cố gắng phải ít vọng niệm, nhu cầu của chúng ta ít, cho nên không có ảnh hưởng tới sức khỏe. Phương pháp này có lợi ích nhất định cho người mới học Phật.

Hỏi: vị đồng tu này hỏi, anh ấy nói từng thọ trì Bồ-tát giới nhiều năm, hiện nay muốn chuyên niệm một câu thánh hiệu A-di-đà Phật, không biết có bị coi là phá giới không? Hoặc có cần phải làm điều gì không?

Đáp: không cần, chuyên niệm A-di-đà Phật là trong quá trình tu học bạn thật sự nâng lên rồi. Câu A-di-đà Phật có thể không gián đoạn, Bồ-tát giới liền ở trong đó, bạn liền làm được Bồ-tát giới một cách viên mãn. Trong kinh giáo đức Phật nói với chúng ta, khắp pháp giới hư không giới, rất nhiều Bồ-tát đều niệm tiếng Phật hiệu này, cầu sanh thế giới Cực Lạc. Sanh tới thế giới Cực Lạc, tam tụ tịnh giới đều đầy đủ, một câu Phật hiệu đều đầy đủ.

Hỏi: vị đồng tu này hỏi, họ hỏi: liệu có thể lễ thỉnh sư phụ giảng hai mươi bốn oai nghi và mười giới Sa-di cho đồng tu xuất gia được không?

Đáp: hiện tại có đồng tu đang giảng, hiện tại pháp sư Ngộ Toàn ở Toowoomba đang giảng nội dung này, mỗi ngày thầy ấy đều giảng.

Hỏi: câu hỏi thứ hai, hiện nay trong nước có một số đồng tu xuất gia, cá nhân sống ở tinh xá hoặc nhà cỏ, chuyên theo lời dạy của sư phụ, nhất môn thâm nhập, nghe kinh, tụng kinh, lễ Phật, niệm Phật, thường tu tịnh nghiệp. Xin sư phụ chỉ điểm khai thị.

Đáp: như vậy rất tốt, chỉ cần tiếp tục không gián đoạn, có thể chịu khổ, có thể trì giới, chắc chắn có thành tựu. Nghe tôi giảng kinh cũng phải nhất môn thâm nhập, công khóa của chính mình vẫn nằm trong năm kinh, chọn kinh Vô Lượng Thọ rất tốt, chọn kinh Di-đà cũng rất tốt, nhất môn thâm nhập tu tập. Bình thường tôi giảng Hoa Nghiêm có thể nghe, Hoa Nghiêm là đại bổn của kinh Vô Lượng Thọ, lời này là đại đức xưa nói, Hoa Nghiêm, kinh Vô Lượng Thọ, kinh A-di-đà là một bộ kinh. Hoa Nghiêm giảng chi tiết nhất, kinh Vô Lượng Thọ giảng đơn giản, thực sự thì nội dung, cảnh giới trong đó đều tương đồng, cho nên Hoa Nghiêm có thể giúp đỡ chúng ta lí giải kinh Vô Lượng Thọ thấu triệt hơn.

Hỏi: vị đồng tu này hỏi, có rất nhiều người lúc xuất gia chưa từng nghe kinh nghe pháp, sư phụ và đạo tràng mà họ nương theo, có nơi chuyên làm kinh sám Phật sự, hoặc kinh doanh buôn bán, sự nghiệp từ thiện. Hiện tại bản thân nghe lão pháp sư giảng kinh, rất muốn tu học thật tốt, nhưng pháp sư thường trụ, đạo tràng đều không cho phép. Vậy hiện tại bản thân nên chọn đạo tràng chuyên tu hay là tiếp tục kiên trì rèn luyện ở thường trụ? Hay là mua một tinh xá nhỏ tự mình nghe kinh, niệm Phật? Nếu thật sự không có nơi nào để đi, chẳng lẽ chỉ còn con đường hoàn tục?

Đáp: đây là nghi hoặc lớn nhất mà đệ tử Phật thật sự hiện nay gặp phải, cho nên Phật Bồ-tát rơi lệ còn không phải vì chuyện này sao. Lúc tôi còn trẻ, điều phản đối nhất là Phật giáo, bởi vì từ nhỏ, chùa chiền khắp nơi đều có, quê nhà của tôi có rất nhiều chùa, không nhìn thấy người xuất gia giảng kinh thuyết pháp, giáo hóa chúng sanh, không nhìn thấy, đều là kinh sám Phật sự, pháp hội, phục vụ người đã mất. Cho nên lúc tôi còn trẻ, tôi tới nhà thờ đạo Kitô, mỗi chủ nhật họ đều giảng đạo, nghe cũng có chút đạo lý. Lúc tôi đi học ở Nam Kinh, bạn học của tôi có vài người theo đạo Islam, tức đạo Hồi, họ có mang một số tạp chí của Hồi giáo đưa cho tôi xem, tôi đọc thấy rất có đạo lý. Chỉ có Phật giáo là không ai giới thiệu. Cho nên tôi cũng có nhận thức giống người bình thường, Phật giáo là mê tín, Phật giáo là đa thần giáo. Đa thần giáo là tôn giáo cấp thấp nhất, vị thần nào họ cũng lạy lung tung cả, thua xa tôn giáo của nước ngoài; tôn giáo nước ngoài chỉ lạy một vị thần, trong vũ trụ chỉ có một vị thần thật sự, họ không lạy lung tung, ai cũng lạy. Cho nên ấn tượng của mọi người đối với Phật giáo đều vô cùng không tốt, đây thật sự là thâm căn cố đế, nếu tôi không gặp tiên sinh Phương Đông Mỹ ở Đài Loan, duyên với Phật giáo [của tôi] sẽ vĩnh viễn đứt đoạn. Thật ra mà nói, vị pháp sư nào đó tới khuyên tôi tin Phật giáo đều không thể nào, tôi đều sẽ không nghe, không thể tiếp nhận.

Tôi theo Phương tiên sinh học triết học, thầy Phương là nhà triết học nổi tiếng thế giới, thầy giới thiệu kinh Phật cho tôi, xem như một môn trong triết học, triết học kinh Phật. Lúc đó tôi cũng thật là, nghe được có môn học như vậy thì nổi da gà, trước giờ chưa từng nghe nói qua, kinh Phật là triết học. Thầy nói với tôi, triết học kinh Phật là đỉnh cao trong triết học trên toàn thế giới, học Phật là sự hưởng thụ cao nhất của đời người, tôi cũng bởi hai câu này của thầy mà bị kéo vào trong cửa Phật. Nhưng mà cảnh giới này trong chùa không có, không tìm thấy, đi đâu tìm đây? Tìm từ trong kinh điển. Từ đó trở đi tôi cũng tới chùa, tới chùa tôi không tham gia pháp hội của họ, tôi tới chùa tìm Tạng kinh. bởi vì thời đó không mua được kinh điển ở bên ngoài, chỉ có tới chùa mới có thể tìm thấy kinh điển. Có một số quyển nhỏ chùa có thể tặng, Tạng kinh thì không cho mượn ra ngoài, cho nên chúng tôi chỉ đành tranh thủ ngày lễ cuối tuần tới chùa để mượn Tạng kinh sao chép. Chúng tôi lúc đầu học Phật pháp, sao chép kinh, không mua được. Không giống hiện nay, hiện nay thuận tiện biết bao! Hiện tại, trong nửa thế kỷ trở lại đây, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, sự phát triển của kỹ thuật in ấn đã mang lại thuận tiện rất lớn cho chúng ta. Trước đây Đại tạng kinh chỉ trong chùa mới có, tại nhà riêng làm sao có thể có Đại tạng kinh cho được!

Chúng ta nhận được lợi ích từ khoa học kỹ thuật, trong mấy năm này, từ năm 1984 tôi bắt đầu tặng kinh sách, tượng Phật cho đại lục. Năm 1984 tôi giảng kinh ở Hồng Kông, pháp sư Hoằng Huân tới tìm tôi, ông nói đại lục trải qua cách mạng văn hóa, kinh sách Phật giáo, tượng Phật dường như đều bị hủy diệt. Ông biết tôi ở Đài Loan có quỹ giáo dục Phật-đà, quỹ này tiếp nhận tứ chúng đồng tu cúng dường, đem số tiền này chuyên dùng để in kinh sách tặng cho toàn thế giới. Chúng tôi làm rất có thành tựu, cho nên cũng nhận được sự yêu mến bảo hộ của các đồng tu, tiền bạc không ngừng gửi tới, cho nên in rất nhiều loại. Pháp sư Hoằng Huân nói với tôi, ngài có thể tặng một ít cho Trung Quốc đại lục không? Tôi hỏi làm sao gửi tới đó? Ông ấy nói ông có phương pháp. Tôi nói có phương pháp gì? Ông nói ông có quan hệ rất tốt với lão cư sĩ Triệu Phác Sơ, có thể xin công văn phê duyệt của Phác lão. Tôi nói vậy tốt, đây là chính thức gửi tặng đi, tôi hỏi ông cần bao nhiêu? Ông ấy nói càng nhiều càng tốt.

Từ đó trở về sau, sách do quỹ của chúng tôi in, bất luận là in sách gì nhất định đều chia làm hai, một nửa đưa cho pháp sư Hoằng Huân tặng cho Trung Quốc đại lục. Cho nên từ năm 1984 trở đi đã tặng rất nhiều rất nhiều. Chỉ tính Đại tạng kinh, cho tới hiện nay, đại khái tặng khoảng 1700 bộ Đại tạng kinh, những sách khác thì không tính, đã tặng 1700 bộ Đại tạng kinh. Gần đây lại có đồng tu phát tâm in Đại tạng kinh, tháng 9 chúng tôi in xong 1000 bộ Đại tạng kinh, bộ Càn Long Đại tạng kinh, chúng tôi tặng 600 bộ cho Trung Quốc đại lục. Ngoài ra, khu vực Hồng Kông, tôi chuẩn bị tặng 100 bộ, đạo tràng của chúng tôi ở đây, hy vọng chúng tôi có thể tặng cho mỗi đạo tràng bên này một bộ. Ba trăm bộ còn lại tặng cho hải ngoại, quốc gia khu vực khác. Tới tháng 9 năm sau, chúng tôi lại có 3000 bộ, hiện nay đã bắt đầu in rồi, tháng 9 năm sau chúng tôi có 3000 bộ, chúng tôi cũng muốn có thể tặng 2000 bộ cho Trung Quốc đại lục, hy vọng rất nhiều chùa trong nước đều có một bộ Tạng kinh.

Vì vậy, Phật pháp thực sự thù thắng, nhưng không có người giảng giải, không có người giới thiệu, trong kinh điển Thế Tôn nói: “Phật pháp không có người nói, thì tuy có trí vẫn chẳng thể hiểu”, đồ tốt như vậy mà không có ai giới thiệu. Chúng tôi vô cùng may mắn, gặp được tiên sinh Phương Đông Mỹ giới thiệu Phật pháp cho tôi. Ở Đài Loan gặp được hai vị thiện tri thức, tôi vừa tiếp xúc Phật pháp, được đại sư Chương Gia chỉ dạy, tôi theo thầy ấy ba năm. Đây là đại đức Mật Tông, thông đạt tông giáo, hiển mật viên dung, thiện tri thức như vậy thật không dễ gì gặp được. Sau khi đại sư Chương Gia viên tịch, tôi theo lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, tôi theo thầy ấy học 10 năm, học kinh giáo, học Phật, học Nho, mới biết môn học này tốt. Tôi học xong những điều này rồi xuất gia, tại sao lại muốn xuất gia? Thành thực mà nói thầy Lý không thích tôi xuất gia, nguyên nhân là gì? Cũng giống như lời bạn nói ở đây, một khi xuất gia, đạo tràng chùa chiền đều là kinh sám Phật sự, pháp hội, sợ tôi sẽ đọa lạc trong đó, sẽ không còn cơ hội tiếp tục nghiên cứu kinh giáo nữa.

Tôi xuất gia cũng là tiếp nhận lời dạy của đại sư Chương gia, xuất gia là đại sư Chương Gia dạy tôi. Lúc đó tôi muốn chọn một ngành nghề nào đó, một đời này, thầy ấy dạy tôi chọn ngành nghề này. Chọn ngành nghề này, thầy ấy nói với tôi: cậu đừng đi tìm sư phụ, cũng đừng tìm đạo tràng xuất gia. Tôi nói: vậy con tới đâu xuất gia được? Thầy nói: cậu cầu Phật Bồ-tát, cầu cảm ứng. Thầy nói rất hay:  nếu cậu đi tìm pháp sư, vị pháp sư đó không đồng ý thì cậu phải làm sao? Không phải cậu sẽ sanh phiền não hay sao? Thật đó. Cậu muốn tìm đạo tràng, đạo tràng này là kinh sám Phật sự, ngày ngày bảo cậu chạy theo kinh sám, cậu phải làm sao? Ngẫm nghĩ cũng thấy đúng, rốt cuộc phải làm thế nào? Cầu Phật Bồ-tát, cầu cảm ứng, thật đó. Tôi xuất gia là hòa thượng trụ trì ở chùa tới tìm tôi, tới mời tôi, hơn một tháng, đại khái khoảng một tháng rưỡi không tới hai tháng, thầy ấy cho người tới tìm tôi chín lần. Tôi thấy thầy ấy rất thành khẩn, cho nên thảo luận điều kiện với thầy, thảo luận điều kiện gì? Đó là không làm kinh sám, không làm pháp hội, sau khi xuất gia tôi phải tiếp tục nghiên cứu kinh giáo. Nghiên cứu kinh giáo, tôi vẫn không thể rời khỏi thầy mình, còn chưa học thành công, tôi nói mỗi tháng tôi sẽ tới Đài Trung ở một tuần, chùa phải đồng ý với tôi; tôi không có tiền, chi phí tới Đài Trung, thường trụ phải đưa cho tôi. Không tệ, vị pháp sư này đều đồng ý, tôi mới xuất gia. Cho nên đây là có điều kiện, không phải không có điều kiện.

Sau khi xuất gia, đương nhiên tôi có thể buông xuống công việc thế gian, chuyên tâm học Phật, nếu như bản thân có công việc, tiến bộ sẽ rất chậm. Cho nên lúc thầy Lý hỏi tôi, tại sao cậu lại muốn xuất gia? Tôi nói nguyên nhân với thầy. Thầy cười nói: tới tìm cậu chín lần? Tôi nói vâng, rất thành tâm thành ý, điều kiện con đưa ra thầy ấy đều đồng ý. Tôi có thể buông xuống công việc, một năm ít nhất có thể bằng năm năm. Bởi vì lúc đó thầy Lý đã dạy ở Đài Trung 10 năm, đã dạy 10 năm rồi, tôi nói mất hai năm tôi sẽ theo kịp, tôi có thể theo kịp, nghe tôi nói như vậy thầy Lý cũng đồng ý. Điều này là thật, hiện nay đúng là mang lại nghi hoặc cho người xuất gia thật sự phát tâm. Nhưng mà tôi dạy bạn, cũng giống như đại sư Chương Gia dạy tôi vậy, cầu cảm ứng, cần cầu cảm ứng. Thật sự phát tâm, Phật Bồ-tát chắc chắn gia trì, bạn sẽ gặp được tri thức rất tốt, gặp được ngoại duyên rất tốt có thể giúp đỡ bạn thành tựu.

Hỏi: vị đồng tu này hỏi, đây là đồng tu xuất gia, thầy ấy nói sau khi thọ giới không có đạo tràng. Bởi vì sau khi chùa Thanh Viễn Phi Lai ở Quảng Đông bị nước cuốn trôi, vẫn luôn không có đạo tràng. Tu hành ở nhờ chùa khác khắp nơi, tâm không định, tu hành khó mà thành tựu. Xin sư phụ từ bi, ban cho con đạo tràng tu hành Tịnh độ, tốt nhất là đạo tràng gần bên cạnh sư phụ, hy vọng Phật lực gia trì.

Đáp: Phật lực sẽ gia trì bạn, tôi giới thiệu cho bạn một đạo tràng, hiện tại tu Tịnh độ ở Trung Quốc có hai đạo tràng tốt. Một đạo tràng ở Đông Bắc, pháp sư Thường Huệ ở đó, chùa Bá Quốc Hưng Long ở Trường Xuân, mặc dù tôi chưa từng tới đó nhưng tôi biết. Còn một đạo tràng nữa đó là Đông Thiên Mục Sơn ở Hàng Châu, hai nơi này đều là chuyên tu. Hơn nữa Đông Thiên Mục Sơn mỗi ngày đều mở đĩa giảng của chúng tôi cho nên mỗi ngày đều có nghe kinh, đều có niệm Phật. Nghe nói hiện nay bên đó có gần hai ngàn người, không dễ dàng, rất hiếm có.

Hỏi: vị đồng tu này hỏi, anh ấy hỏi người bị bệnh tâm thần, thần trí không tỉnh táo, trong tình huống không thể tập trung tinh thần niệm Phật, tụng kinh, có phương pháp gì có thể khiến họ tỉnh táo không? Có một số sư huynh nói có thể đi tìm đồng cốt giúp đỡ, có thể phù hợp không? Người bệnh có lúc sanh ảo giác, lẩm bẩm một mình, cười vô cớ, hành động không thể giải thích được.

Đáp: những người này thật sự rất đáng thương, gần như ở đâu cũng có, ở Trung Quốc, ở nước ngoài, những nơi chúng tôi từng tới đều gặp qua, đây là nghiệp chướng sâu nặng! Phàm là loại bệnh này, đại đức xưa thường nói với chúng ta, căn nguyên của bệnh tật có ba loại lớn. Loại thứ nhất đó là bạn không chú ý ăn uống, có câu bệnh từ miệng mà vào, bạn ăn uống không cẩn thận, không như pháp, bị bệnh do ăn uống mà ra. Đây gọi là bệnh sinh lý, loại bệnh này dễ chữa trị, gặp được phương pháp chữa trị tốt, rất nhanh có thể hồi phục. Loại thứ hai là oan nghiệp, oan gia đối đầu, đây là quỷ thần dựa thân, bản thân bạn không thể làm chủ, thần trí của bạn hoàn toàn bị linh quỷ khống chế, người như vậy rất đáng thương, rất nhiều. Loại bệnh này bác sĩ không có cách nào, đó không phải là bệnh sinh lý, bệnh tâm thần đa phần đều thuộc loại này. Loại bệnh này phải điều giải, điều giải với oan gia trái chủ của người bệnh, nếu như họ đồng ý, họ rời đi thì bệnh sẽ khỏi. Thời nhà Đường, mụn ghẻ mặt người do quốc sư Ngộ Đạt hại cũng thuộc loại này. Tôn giả Ca-nặc-ca điều giải giúp ông, “Từ Bi Tam Muội Thủy Sám” lưu lại như vậy đó. Điều giải nếu họ đồng ý, họ rời đi, bệnh liền khỏi. Phải dùng tâm chân thành, công đức do bản thân tu tập tích lũy được hồi hướng cho họ, như vậy mới được.

Loại thứ ba là bệnh nghiệp chướng của bản thân, hoặc là trong đời quá khứ, hoặc là trong đời này bản thân tạo rất nhiều ác nghiệp. Bệnh này khó chữa trị nhất. Không phải là bệnh sinh lý, cũng không phải là oan nghiệp, cho nên bác sĩ không thể chữa, cũng không thể hóa giải, nhưng mà vẫn có thể sám hối. Thật sự sám hối, tiêu trừ nghiệp chướng, bạn có thể hồi phục được. Cho nên giống như tình huống này, bạn cùng nhau tiến hành, một là dùng phương pháp điều giải, hai là dùng phương pháp sám hối nghiệp chướng. Nhưng họ bị khống chế, thần trí không tỉnh táo, bản thân họ không biết sám hối, bản thân không biết sám hối, người khác cũng không cách nào sám hối thay họ được, điều này vô cùng, vô cùng khó khăn. Cho nên bước đầu phải điều giải, xem có phải họ bị linh quỷ dựa thân hay không, trước tiên hóa giải, để linh quỷ dựa thân rời đi, sau đó lại dạy họ sám hối nghiệp chướng, vậy thì mới có thể hồi phục, nếu không thì rất khó. Một khi đưa tới bệnh viện tâm thần thì không còn cách nào khác.

Ở nước ngoài, tình huống như vậy rất nhiều, học Phật được vài năm trở thành bị bệnh tâm thần, ở trong bệnh viện tâm thần, rất đáng tiếc. Có một số người thân của họ tới tìm tôi, tôi hỏi họ, người bị bệnh tâm thần này có phải là ưa thích thần thông? Họ nói đúng vậy; có phải là ưa thích cảm ứng? Đúng vậy. Ưa thích thần thông, ưa thích cảm ứng là môi giới, rất dễ dàng, vậy thì phiền phức rồi. Không tin chánh pháp, không đọc kinh điển, không thọ trì chánh pháp, ưa thích thần thông, ưa thích cảm ứng, rất dễ đọa lạc. Thật sự làm theo kinh giáo, có thầy tốt chỉ dạy sẽ không xảy ra chuyện này, chúng ta phải biết điều này.

Hỏi: đây cũng là một vị đồng tu xuất gia hỏi, lễ thỉnh sư phụ có thể giảng mười giới Sa-di và hai mươi bốn oai nghi cho đồng tu xuất gia được không?

Đáp: câu hỏi này hình như giống câu trước, chuyện này rất khó. Hiện tại người xuất gia trong chúng xuất gia, cho dù là người tu hành rất tốt cũng không muốn giảng giới luật; những vị đại đức tại gia không muốn giảng lễ. Năm đó thầy Lý dạy học ở Đài Trung, tôi thỉnh thầy giảng Lễ Ký, giảng Lễ Ký cho học trò chúng tôi, tôi thỉnh thầy đại khái khoảng tám, chín lần, thầy mới miễn cưỡng đồng ý, giảng vài lần cho chúng tôi, Lễ Ký có 49 chương. Tại sao lại không giảng? Giảng mà bạn làm không được thì giảng làm gì. Kinh này không phải là lý luận, là hành vi, bạn thật sự làm theo, có tác dụng; bạn không làm theo thì có tác dụng gì?

Mười giới Sa-di và hai mươi bốn oai nghi, đây là chuẩn mực tu học thấp nhất của người xuất gia, tức là bạn nhất định phải làm được, nếu bạn không làm được thì bạn không phải là người xuất gia. Mặc dù nói là vậy, thật sự làm thì rất khó, rất khó. Bạn muốn giảng những nội dung này, đắc tội người khác, những điều bạn giảng không phải là hằng ngày mắng người khác hay sao? Ai muốn hằng ngày nghe bạn mắng chứ? Cho nên, người xuất gia không muốn giảng giới luật, pháp sư giảng kinh rất nhiều, không có một ai giảng giới luật. Pháp sư giảng giới luật, trong tưởng tượng của tôi, người nghe không ai không mắng vị pháp sư đó, đây đều là sự thật, điều này quan trọng. Tại sao lễ và giới lại khó học như vậy? Bạn chưa học căn bản, bạn lơ là giáo dục căn bản. Tại sao thời xưa học những điều này không khó, tại gia, xuất gia đều học rất tốt? Người xưa từ nhỏ đã dạy. Dạy điều gì? Là Đệ Tử Quy mà hiện nay chúng tôi thường đề xướng.

Hiện nay chúng tôi ở Úc, Tịnh tông Học Viện của chúng tôi, chúng tôi đặt ra thời gian hai năm, phải thực hành toàn bộ từng câu từng chữ trong Đệ Tử Quy. Có nền tảng này, bạn lại học “Sa-di Luật Nghi” thì không có vấn đề, bạn sẽ rất thích học. Tại sao vậy? Bạn có thể làm được. Bạn không có nền tảng này, bạn không thể nào sanh tâm hoan hỷ với Sa-di Luật Nghi được, tại sao vậy? Làm không được, không làm được điều nào cả. Lễ không có thì Nho không có, đạo của Khổng tử liền đứt đoạn; giới không còn thì Phật không còn, những gì còn lại là Phật học, học Phật không còn nữa. Cho nên, Nho muốn có thể hưng thịnh trở lại, Phật muốn có thể hưng thỉnh trở lại, không ngoài điều gì khác, thứ nhất vẫn là làm từ Đệ Tử Quy, vẫn là phải nhặt lại những thứ của người xưa, bạn không hạ công phu từ những điều này, thì chắc chắn không thể thành tựu.

Cho nên hiện tại chúng tôi in Đệ Tử Quy thành quyển sách nhỏ, có thể để trong túi, coi Đệ Tử Quy thành giới luật để học tập. Thật sự phát tâm có thể dùng thời gian một đến hai năm thực hành, sau đó bạn lại đọc mười giới hai mươi bốn oai nghi, không khó. Lúc đó tôi tin rằng chư Phật Bồ-tát sẽ không rơi lệ, sẽ mỉm cười. Chúng ta nhất định phải làm thật, phải thật sự thực hành, hạ công phu từ những điều này, những điều này có thể giúp đỡ bạn vãng sanh, do giới đắc định, do định khai tuệ. Hơn nữa bạn thật sự có thể làm, bạn thật sự tích lũy công đức, bạn làm cho người khác thấy, người khác thấy sẽ học theo bạn: họ có thể làm được, mình cũng có thể làm được. Cho nên dạy người khác như thế nào? Bản thân thật sự làm được chính là dạy người khác, tự nhiên có thể ảnh hưởng một số người, rất quan trọng. Đoạn ác tu thiện, tích lũy công đức, gieo nhân thiện nhất định đạt được quả thiện, tạo ác nghiệp nhất định gặp ác báo, nhân duyên quả báo tơ hào không sai. Phật pháp nói nhân quả thông ba đời, có một số báo trong đời này, có một số báo trong đời sau, có một số báo trong đời sau nữa, không có chuyện không báo. Hy vọng chúng ta phải nghiêm túc đối với chuyện này, phải thật sự phát tâm học tập, chắc chắn có chỗ tốt.

Hỏi: vị đồng tu này hỏi, kinh Địa Tạng nói nhân quả báo ứng, con người hiện nay không ai không tạo ác, đều đọa địa ngục, loài người đáng lẽ càng ngày càng ít, tại sao ngược lại càng ngày càng nhiều?

Đáp: câu hỏi này bạn không cần lo lắng, thật đó, con người sẽ càng ngày càng ít. Rất nhiều năm trước, tôi từng thấy lời tiên đoán của nhà tiên tri người Pháp Nostradamus, bản dịch tiếng Trung của lời tiên tri đó gọi là “Chư Thế Kỷ”. Trong đó có nói, thế giới này có tai nạn rất nghiêm trọng, hơn nữa lời tiên đoán của ông ấy, tai nạn này xảy ra vào năm 1999, năm 2000, là vào thời gian này. Sự nghiêm trọng của tai nạn này, nói con người trên trái đất này đại khái sẽ chết gần hết, số người sống sót chỉ còn “đại thất”. Có người nói đại thất chắc là khoảng 700 triệu người, chúng ta biết được hiện nay dân số trên toàn thế giới vào khoảng gần 7 tỷ người, nói cách khác, trong 10 người chỉ còn lại 1 người. Có một số người nói, đại thất này không phải là 700 triệu, mà là 70 triệu, nếu như là 70 triệu, vậy thì trong 100 người chỉ còn lại một người. Cho nên tới lúc đó người còn sống sót, người còn sống sẽ hâm mộ người đã chết, thảm thương như vậy đó!

Nhưng mà năm 1999 đã trôi qua rồi, năm 2000 cũng trôi qua rồi, lúc đó tôi đang ở Singapore. Singapore có một vị hiệu trưởng học viện Thần Giáo của đạo Thiên Chúa, ông cảm thấy rất kỳ lạ, ông nói rõ ràng hai năm này có tai nạn, tại sao lại không có nữa? Đưa ra câu hỏi như vậy. Tôi đoán rằng, tôi nói hai năm này thật sự có tai nạn, tại sao lại không có nữa? Bởi vì người trên toàn thế giới đều thấy qua lời tiên đoán này, đều biết vào thời điểm này có tai nạn, toàn thế giới, điều khác không nói, tín đồ của tất cả tôn giáo, trong khoảng thời gian này mọi người đều thành tâm thành ý cầu nguyện, sức mạnh này lớn! Sự cầu nguyện này có thể hóa giải tai nạn, ít nhất có thể trì hoãn tai nạn này, tôi tin rằng câu trả lời của tôi có thể thỏa mãn ông ấy. Nhưng mà hai năm này trôi qua rồi, hiện tại lòng người càng trở nên xấu hơn; lời tiên đoán đó là giả, không đáng tin! Tạo ác nghiệp càng ngày càng nhiều thêm, nếu tai nạn lại tới nữa, e rằng còn tàn khốc, còn đáng sợ hơn so với những gì tiên đoán nói. Có thể xảy ra, không phải là không có khả năng.

Cho nên hiện tại, trên thế giới đều đang tìm kiếm cách làm thế nào hóa giải xung đột, làm thế nào xúc tiến an định hòa bình. Chỉ cần có cơ hội như vậy, tôi tuyệt đối không bỏ qua, tôi luôn muốn góp một chút sức lực của mình. Làm thế nào hóa giải xung đột? Tôi cũng từng tham gia tọa đàm của một số học giả chuyên gia, hội nghị hòa bình của Liên Hợp Quốc, sau khi tôi tham dự, nghe thử những người này nói xem có thể giải quyết vấn đề không? Không thể giải quyết vấn đề! Vấn đề này tuyệt đối không phải vài người ở trong phòng thảo luận, nghiên cứu thì thế giới hòa bình sẽ tới, xung đột không còn nữa, đây là chuyện không có khả năng. Tôi đưa ra kiến nghị cho họ, vấn đề này thật sự muốn làm, phải dựa vào giáo dục. Là giáo dục gì? Đại sư Ấn Quang vào đầu những năm Dân Quốc, đại khái là khoảng một thế kỷ trước, ngài đã nhìn ra được, chúng ta không thể không bội phục trí tuệ của tổ sư, tầm nhìn của tổ sư, ngài ấy nhìn thấy rất rõ ràng. Bạn xem ngài ấy là tổ sư, cao tăng một đời của Tịnh độ tông, những điều mà cả đời ngài giảng, ngài hoằng dương không phải là kinh Phật, kinh Phật đương nhiên cũng nói, nhưng không toàn tâm toàn lực, ngài toàn tâm toàn lực làm điều gì? Hoằng dương “Liễu Phàm Tứ Huấn”, “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”, “An Sĩ Toàn Thư”.

Vào năm 1977, lần đầu tiên tôi tới Hồng Kông giảng kinh, ở chỗ lão pháp sư Đàm, cũng chính là ở thư viện Phật giáo Trung Hoa ở phố Cửu Long Giới Hạn. Lúc tôi tới, lão hòa thượng đã vãng sanh, người phụ trách thư viện là pháp sư Sướng Hoài, chúng tôi quen biết nhau từ khi đó, cũng kết giao được một người bạn tốt, Sướng Hoài là một vị pháp sư rất tốt. Ở trong thư viện tôi nhìn thấy rất nhiều sách do Hoằng Hóa Xã xuất bản, bởi vì quan hệ của Ấn Tổ với chúng tôi vô cùng mật thiết, thầy của tôi là học trò của Ấn Tổ, chúng tôi gọi ngài là tổ sư, thông thường mọi người gọi là sư công. Có quan hệ mật thiết như vậy, đây là truyền thừa trực tiếp, cho nên tôi vô cùng chú ý những kinh thư, thiện thư mà ngài lưu hành.

Sách ngài in tốt, phiên bản tốt, chữ sai rất ít, được coi là kinh thư tốt nhất lưu hành thời cận đại. Tôi xem trang bản quyền, ba bộ sách này ngài đã in mấy chục lần, mỗi lần ít nhất là 50.000 cuốn, nhiều thì 100.000 cuốn. Tôi đại khái tính toán một chút, ba bộ sách này vào thời đó số lượng ngài in nhiều hơn ba triệu quyển, tôi rất ngạc nhiên. Tất cả sách Phật, kinh Phật, kinh luận, số lượng ngài in nhiều nhất còn chưa tới 10.000 cuốn, nhưng những sách này lại in vượt hơn ba triệu quyển. Điều này có nghĩa gì? Liễu Phàm Tứ Huấn không phải là kinh Phật, coi như là sách của nhà Nho; Cảm Ứng Thiên, nửa đầu của An Sĩ Toàn Thư, “Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn” là Đạo giáo. Cho nên tôi nói lão hòa thượng đã làm văn hóa đa nguyên, đã không còn là một tôn giáo, ngài làm ba nhà Nho Thích Đạo cùng nhau. Tôi suy nghĩ rất lâu, tôi nghĩ tới, đại khái tai nạn của thế gian này vô cùng nghiêm trọng, Nho, Phật muốn cứu thế gian này, không kịp nữa rồi. Tại sao vậy? Bạn phải làm rõ đạo lý Nho và Phật thì bạn mới có thể hồi tâm chuyển ý, bạn mới có thể sửa đổi làm mới. Nhưng mà đây là một môn học vấn, không có công phu 10 năm, 20 năm, không nhận được hiệu quả. Cách tốt nhất là nhân quả, cho nên ba loại sách này gọi là giáo dục nhân quả.

Vào thời mạt pháp lão pháp sư đề xướng giáo dục nhân quả để cứu thế gian, thật đúng đắn! Nếu con người biết nhân quả báo ứng, khởi tâm động niệm của họ sẽ thu liễm, họ sẽ không dám làm chuyện xấu. Cho nên ngài cực lực đề xướng ba loại sách này, chúng ta thể hội được ý của ngài. Nhưng mà thế giới hiện nay càng ngày càng không tin nhân quả, khoa học kỹ thuật phát triển, con người hiện nay tin khoa học. Đạo Kitô, đạo Thiên Chúa rất thịnh hành ở Trung Quốc, không thịnh hành ở nước ngoài, người Trung Quốc tin, người nước ngoài không tin, thậm chí người nước ngoài còn tuyên bố Thượng đế đã chết. Khoa học đứng đầu, bạn xem con người có thể tới mặt trăng, có thể đi tới những hành tinh khác, không tin Thượng đế nữa, chuyện này phiền phức rất lớn. Nếu như thật sự đi theo phương hướng như vậy, thế giới này sau cùng chính là ngày tận thế mà các tôn giáo nước ngoài nói tới, ngày tận thế chính là toàn thế giới hủy diệt, bắt đầu lại từ đầu. Lời tiên tri của Nostradamus đã thành sự thật, cho nên rất đáng sợ.

Chúng ta muốn cứu vớt, dùng phương pháp gì? Vẫn là phương pháp của lão pháp sư Ấn Quang. Nhưng mà hiện nay chúng ta không cần in sách, cả thế giới này 7 tỷ người, bạn có thể in 7 tỷ quyển, mỗi người một quyển sao? Mỗi người một quyển, chưa chắc họ sẽ xem, ba quyển sách này mặc dù là văn ngôn văn rất dễ hiểu, người hiện nay xem có chướng ngại. Cho nên những năm này tôi đề xướng, tốt nhất là chuyển thể sách này thành phim truyền hình nhiều tập, phát trên đài truyền hình để giáo dục mọi người, dùng phương pháp này. Có người hưởng ứng, hưởng ứng sớm nhất là Malaysia, chuyển thể Liễu Phàm Tứ Huấn thành phim truyền hình, hai tập. Thời gian quá ngắn, chỉ có hai tiếng đồng hồ, hai tập, tôi đã xem qua, quay khá hay, tôi cũng rất tán thán. Lần thứ hai là những diễn viên ở Bắc Kinh phát tâm, đã quay sáu tập, nội dung tăng thêm mội chút. Nhưng mà muốn phát trên đài truyền hình, tôi nghe nói ít nhất phải hai mươi tập, hai mươi tập trở lên đài truyền hình mới chào đón; ít nhất không thể ít hơn 16 tập, ít hơn 16 tập thì đài truyền hình không chấp nhận.

Bởi vì vậy, lần này tôi tới Bắc Kinh để làm gì? Chính là làm chuyện này. Tôi tìm Du Bổn Xương, Du Bổn Xương diễn Tế Công, tôi quen ông ấy, trước đây ông ấy từng tới Singapore tìm tôi, tôi cũng từng giúp ông ấy. Tế Công Du Ký phần hai của ông, tôi đã giúp đỡ ông, chúng tôi có giao tình như vậy. Cho nên tôi nói, lần này tôi nói cho ông ấy biết cách nghĩ, cách nhìn của tôi, để ông ấy quay một bộ phim truyền hình 20 tập. Trước đây ông ấy quay phim, đại khái một tập tốn khoảng ba trăm ngàn nhân dân tệ, hai mươi tập là sáu triệu tệ. Tôi nói sáu triệu tệ không thành vấn đề, nhưng tôi yêu cầu ông ấy, bộ phim này của chúng tôi phải đạt đến trình độ quốc tế, trình độ trong nước của ông vẫn chưa được, phải trình độ quốc tế, hướng tới quốc tế, mọi người đều có thể xem, đều hoan hỷ. Tốn kém thêm chi phí cũng không thành vấn đề. Tôi nói có thể tăng thêm chi phí, tìm diễn viên giỏi nhất, chúng tôi tính toán ước chừng tốn khoảng 10 triệu, ông quay bộ phim này cho tôi.

Ông ấy viết hai bản thảo kịch bản, tôi đều không hài lòng, tôi nói không được, đều trả về. Cuối cùng tôi dạy ông ấy điều gì? Nhất định phải là Viên Liễu Phàm người thật việc thật. Cho nên tôi nói với ông ấy, ông phải tới Gia Thiện, tiên sinh Liễu Phàm là người Gia Thiện, đời sau của ông ấy vẫn còn, Viên Bính Khôn. Đời sau của ông ấy vẫn còn. Năm nay hơn 80 tuổi, từng gọi điện thoại cho tôi, viết thư cho tôi, chưa từng gặp mặt. Tôi nói ông ấy đi tìm người này, người này nhất định sẽ cung cấp sự tích của tổ tiên nhà họ để ông tham khảo. Ông ấy tới đó, cũng cúi lạy mộ của tiên sinh Liễu Phàm, tôi nói tương lai phải quay phần mộ này ở đầu phim, người thật việc thật. Ông xem thử vận mệnh của tiên sinh Liễu Phàm được tiên sinh họ Khổng đoán ra? Làm sao gặp được thiền sư Vân Cốc để xoay chuyển vận mệnh trở lại, nhân thiện quả thiện, tiên sinh Liễu Phàm đã làm cho chúng ta thấy. Ông ấy tới đó, hiện tại rất có tín tâm. Sau khi từ Gia Thiện quay về, muốn tới Bảo Trì, bởi vì tiên sinh Liễu Phàm từng làm tri huyện Bảo Trì, trong “huyện chí” nhất định vẫn còn tư liệu, tìm ra hết thảy rồi mới viết kịch bản. Nhóm người này hiện nay rất nhiệt huyết đối với chuyện này, tôi nói được, tôi nói về mặt chi phí tôi toàn lực ủng hộ ông.

Sau khi làm xong bộ này, tôi nói tiếp theo chúng ta làm bộ thứ hai, “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”. Thái Thượng Cảm Ứng Thiên dễ làm hơn bộ này, bởi vì câu chuyện trong đó rất nhiều. Cảm Ứng Thiên chuyển thể thành 30 tập, An Sĩ Toàn Thư chuyển thể thành 30 tập, tổng cộng làm 80 tập. Đây là một số tiền rất lớn, tôi toàn lực ủng hộ ông, ông làm thật tốt cho tôi, đạt tới tiêu chuẩn quốc tế. Sau khi làm xong, chúng ta dùng phim cổ trang hoa ngữ để diễn, tiếp theo thì giống như chúng ta xem phim nước ngoài hiện nay, trong đó có phụ đề tiếng Trung. Chúng ta thêm phụ đề tiếng nước ngoài, chúng ta thêm phụ đề tiếng Anh, phụ đề tiếng Tây Ban Nha, phụ đề tiếng Ả Rập, chúng ta chiếu trên tivi toàn thế giới. Nguyện vọng của đại sư Ấn Quang! Hy vọng giáo dục nhân quả có thể dạy người trên toàn thế giới, thế giới này sẽ được cứu. Chuyện này gấp, vô cùng gấp! Mau chóng làm, còn trì hoãn, trì hoãn 5 năm nữa e rằng thế giới này không còn nữa, phải mau chóng làm, tôi tới Bắc Kinh làm chuyện này. Chúng tôi họp ba lần với cư sĩ Du Bổn Xương, khích lệ ông ấy, dạy ông ấy cách làm. Nếu như không làm, con người hiện nay thật sự giống như lời bạn nói, trong kinh Địa Tạng nói: “Tất cả những cử chỉ động niệm của chúng sanh trong cõi Nam Diêm-phù-đề không có điều gì chẳng phải là tội lỗi”, thật sự đọa lạc, thật nguy cấp!

Hỏi: câu hỏi thứ hai, đây là tu niệm Phật Tịnh độ đa dạng, có bốn chữ, sáu chữ, đi, ngồi nhanh chậm v.v… cho dù niệm như thế nào, sư thừa không giống nhau, ở đây có phân biệt tà chánh hay không?

Đáp: có phân biệt tà chánh, nhưng mà tà chánh y theo kinh giáo là chánh, làm trái kinh giáo là tà. Tiêu chuẩn tà chánh là kinh giáo, quý vị nhất định phải nhớ kỹ điều này, trong tứ y pháp nói “y pháp bất y nhân”. Y nhân bất y pháp thì e rằng sẽ đi đường tà, chúng ta không y nhân, chúng ta y pháp thì chắc chắn đúng đắn. Y theo một bộ kinh điển, cả đời đều không cần thay đổi. Từ xưa đã có rất nhiều tổ sư đại đức cả đời chuyên giảng kinh Vô Lượng Thọ, chuyên giảng kinh A-di-đà, điều này tốt! Giảng lâu rồi sẽ quen thuộc, cảnh giới Tây Phương đều quen thuộc, khởi tâm động niệm đều là thế giới Tây Phương Cực Lạc, làm gì có đạo lý không vãng sanh! Chắc chắn được vãng sanh.

Còn về niệm Phật, bốn chữ cũng được, sáu chữ cũng được, đều tốt, chuyện này không có nhất định, chỉ cần niệm khiến bản thân hoan hỷ, điều này rất quan trọng, không được sanh phiền não. Niệm khiến bản thân rất thoải mái, đi cũng được, ngồi cũng được, đứng cũng được. Ấn Tổ nói với chúng ta, ngủ trên giường vẫn phải niệm Phật, không niệm ra tiếng, nằm trên giường niệm ra tiếng sẽ tổn khí, cũng không cung kính. Mọi lúc mọi nơi, lúc không thuận tiện, lúc ở trong nhà vệ sinh cũng không được gián đoạn câu Phật hiệu, không được niệm ra tiếng, niệm ra tiếng không cung kính. Bạn hiểu được nguyên tắc này, bạn liền biết niệm Phật là phương tiện nhất, pháp môn phương tiện nhất. Không có nghi thức nhất định, mọi lúc mọi nơi, rất thành khẩn niệm là được thì sẽ có cảm ứng.

Hỏi: vị đồng tu này hỏi, ông nói người thọ Bồ-tát giới, từ bỏ thói quen tụng kinh Bồ-tát Giới vào giữa tháng và cuối tháng, đổi thành tụng kinh Vô Lượng Thọ, kinh A-di-đà và trì danh niệm A-di-đà Phật, niệm thánh hiệu Phật thì có được không?

Đáp: có thể, đối với bản thân bạn chắc chắn được lợi ích. Nhưng mà mỗi tháng bạn tụng giới, nửa tháng tụng giới cũng có chỗ tốt. Tại sao vậy? Con người hiện nay bỏ quên giới luật, mỗi nửa tháng bạn tụng một lần, tụng cho người khác thấy, chúng ta không quên giới luật. Đây là độ tha, đây là khổ tâm của Bồ-tát, hiện tại mọi người đều từ bỏ, chúng ta vẫn có thể duy trì. Cho dù hiểu hay không, cho dù làm được hay không, dáng vẻ vẫn còn đó, bạn có thể duy trì dáng vẻ này thì cũng rất hiếm có. Công phu thật sự là tụng kinh, là niệm Phật.

Hỏi: vị đồng tu này hỏi, anh ấy hỏi con người chết đi, không còn hơi thở, ngoài trợ niệm ra, còn phải tụng kinh niệm Phật 49 ngày, cách bố trí linh đường đúng pháp nhất là như thế nào? Bàn thờ Phật để ở phương hướng nào? Linh vị đặt ở phương hướng nào?

Đáp: những điều này bạn không cần hỏi tôi, thông thường pháp sư ở chùa đều biết, nơi làm kinh sám Phật sự họ đều biết. Có thể giúp đỡ người mất 49 ngày, đây là chuyện tốt nhất, bởi vì trong kinh đức Phật nói với chúng ta, sau khi con người chết đi, đa phần 49 ngày này vẫn ở thân trung ấm, ở trung ấm. Trung ấm mỗi bảy ngày người mất sẽ có một lần biến đổi, tức là nói có một lần chịu khổ, cho nên đạo lý cúng thất là ở đây; mỗi bảy ngày tụng kinh hồi hướng cho người mất, giảm bớt sự đau khổ của họ, đây là chuyện rất cần thiết. Đại đa số sau 49 ngày, người mất sẽ đi đầu thai. Chuyện này ở thế gian thông thường đều căn cứ theo những điều mà Đạo giáo nói, bạn xem Địa Ngục Biến Tướng Đồ mà cư sĩ Giang Dật Tử của Đài Loan vẽ lần này, là dựa theo Ngọc Lịch Bảo Sao, vẽ theo Ngọc Lịch Bảo Sao của Đạo giáo.

Điều này cũng vô cùng hiếm có, mang lại gợi ý rất lớn cho chúng tôi, chúng tôi không để ý tới chuyện này, trong kinh điển đức Phật chắc chắn giảng giải về địa ngục rất rõ ràng, nhưng mà chúng tôi không để ý tới. Lần này bức tranh của ông ấy đã nhắc nhở chúng tôi, chúng tôi tìm trong Đại tạng kinh, thật sự tìm được 25 bộ kinh. Trong kinh điển Thế Tôn nói về tình hình của địa ngục, còn rõ ràng hơn Đạo giáo nói, nội dung vô cùng phong phú. Cho nên hiện tại chúng tôi hội tập lại những kinh văn mà đức Phật nói về địa ngục trong 25 bộ kinh này, in thành một quyển. Nếu không bạn đi tìm, tìm nhiều kinh điển như vậy bạn cũng không tìm được, chúng tôi in thành một quyển. Hiện tại in ở Đài Loan, chúng tôi đặt tên là “Phật Thuyết Chư Kinh Địa Ngục Tập Yếu”.

Chúng tôi hy vọng tương lại có thể có cơ duyên, tìm được người có thể vẽ tranh ở Trung Quốc Đại Lục, căn cứ theo tình hình của địa ngục mà trong kinh Phật nói mà vẽ một bức tranh Địa Ngục Biến Tướng Đồ của Phật giáo. Hiện tại lưu hành là của Đạo giáo, vậy thì càng có thể giúp con người cảnh giác. Cho nên thật sự, giống như thầy Giang tự mình nói, tung gạch nhử ngọc, thầy ấy tung ra bức tranh này hy vọng có thể dẫn ra Địa Ngục Biến Tướng Đồ trong kinh Phật, có thể dẫn dắt ra. Đây đều thuộc về giáo dục nhân quả, đối với lòng người hiện nay thật sự có gợi ý, có giúp đỡ. Mọi người nhìn thấy có thể thật sự phản tỉnh, ác hạnh ác niệm nhất định có ác báo, ít nhất có thể thu liễm một chút khởi tâm động niệm, lời nói hành vi, đây là chuyện tốt, không những có thể cứu bản thân, cũng có thể cứu kiếp nạn này.

Hỏi: câu hỏi thứ hai là người đã ngừng thở nhưng chưa đưa đi chôn, liệu có cần đốt đèn dưới chân?

Đáp: đốt đèn này là tập tục, là tập tục của thế gian, nếu làm theo Phật pháp, Phật pháp không cần, cũng có thể làm theo Phật pháp. Nếu không thể làm theo Phật pháp, bất đắc dĩ cũng phải làm theo thế gian pháp. Bởi vì sao? Anh em trong nhà bạn nhiều, chưa chắc tất cả đều học Phật, bạn làm theo Phật pháp, họ không đồng ý, bạn cũng không có cách nào, cho nên vẫn phải tùy duyên, gọi là gia hòa vạn sự hưng.

Hỏi: câu thứ ba hỏi, trong năm đầu tiên của người mất, mùng 6 tháng 6 là qua cầu, khâu này liệu có cần phải làm không? Làm như thế nào? Làm như thế nào mới như lý như pháp?

Đáp: chuyện này trong Ngọc Lịch Bảo Sao có, trong kinh Phật cũng có, theo đó mà làm là được. Thật sự thì một năm, ba năm, đa phần đều thuộc tính chất kỷ niệm, đây là “thận trọng lo tang lễ cha mẹ, kính thành lo cúng tế tổ tiên, ắt phong tục dân tình sẽ quay về thiện lương”, ý nghĩa thực sự là ở chỗ này. Nghi thức có thể làm theo thế tục, nhưng mà phải làm đơn giản, không nên quá phức tạp, không nên lãng phí. Làm nhiều việc từ thiện xã hội lợi ích chúng sanh, đem công đức này hồi hướng cho người mất là được.

Hỏi: câu hỏi thứ tư, trong quan tài người mất thêm một ít tháp hương, trầm hương, hoa tươi hoặc thêm chỗ để tiền giấy riêng, cách làm nào như lý như pháp? Xin lão pháp sư khai thị cho những câu hỏi trên.

Đáp: trong quan tài có thể không cần thêm tiền giấy, thêm củi khô, trầm hương thì có thể, mấy thứ này tốt, thêm mấy thứ này được. Lúc pháp sư xuất gia qua đời, trong quan tài dùng những thứ này, không dùng tiền giấy.

Hỏi: mấy người đồng tu chúng con cùng nhau học Phật, trợ niệm, lập ra một đạo tràng nhỏ vẫn chưa có tên.

Đáp: gọi là Niệm Phật Đường là được rồi.

Được, những câu này chúng ta để đến thứ sáu tuần sau. Tôi thấy những câu hỏi này tích lũy càng ngày càng nhiều.

 

Trả lời 0