Responsive Menu
Add more content here...

Tập 89 – Học Phật Vấn Đáp

VẤN ĐÁP HỌC PHẬT

Tập 22

(Tập 89 Tịnh Tông)

Chủ giảng: pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 29/02/2008

Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi. Hôm nay có 43 câu hỏi, chúng ta cứ y theo thứ tự để trả lời.

Trước hết là câu hỏi của đồng tu trên mạng.

Hỏi: Câu hỏi thứ nhất, đệ tử tu học Mật tông, phát hiện có rất nhiều đồng tu học tập Tịnh tông có sự bài xích rất mạnh mẽ đối với Mật tông, thậm chí nói lời bất kính. Xin hỏi Mật tông không phải cũng là pháp môn mà Phật truyền xuống sao? Tịnh tông nói niệm Phật vãng sanh, mà Mật tông cũng nói niệm Lục Tự Đại Minh Chú có thể vãng sanh. Vì sao mọi người có tâm phân biệt lớn như vậy?

 Đáp: Câu hỏi này hỏi rất hay. Phàm là có phân biệt chấp trước thì đều không thể vãng sanh, vì sao vậy? Điều kiện vãng sanh, Phật đã nói trong kinh rất rõ ràng, tâm tịnh ắt cõi Phật tịnh. Chúng ta niệm câu Phật hiệu A-di-đà Phật này, mục đích chính là phải niệm cho ra tâm thanh tịnh, niệm cho mất phiền não tập khí. Hôm qua chúng tôi giảng kinh Hoa Nghiêm, giảng đến phương pháp làm sạch tâm địa dơ bẩn của người Hawaii cổ xưa, đó là dùng “tôi yêu bạn, cảm ơn bạn”, vĩnh viễn không ngừng dùng loại tâm thái này với hết thảy người việc vật, thì sẽ dần dần tẩy trừ sạch sẽ phiền não tập khí. Trong Phật pháp, câu A-di-đà Phật còn hữu dụng hơn và có hiệu quả hơn so với câu này. Cho nên pháp môn đều là do Phật truyền, trong kinh Kim Cang nói được rất hay: “Pháp môn bình đẳng, không có cao thấp”, trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, chúng ta chỉ có thể chọn một loại để học tập. Tiêu chuẩn lựa chọn nhất định phải xem căn tánh của chính mình, người căn tánh lanh lợi thì có thể tu học hết thảy pháp môn Đại thừa, người căn tánh thông thường tốt nhất là học pháp môn niệm Phật, vô cùng đáng tin. Cho nên đối với các pháp môn khác nhau thì phải tôn kính, không được bài xích, không được hủy báng, hủy báng thì chính là báng Phật, bài xích chính là bài xích chánh pháp, điều này vô cùng quan trọng.

Thầy hướng dẫn của tôi là đại sư Chương Gia, đây là đại đức Mật tông, tôi theo thầy 3 năm, thầy không truyền Mật pháp cho tôi, thầy cho rằng điều kiện của tôi không đủ, đây là thật không phải giả, cho nên đây là đại đức Mật tông chân thật. Trình độ của họ là tiểu học, nếu bạn truyền khóa trình của lớp tiến sĩ cho họ thì làm sao họ tiếp nhận được? Họ không tiếp nhận nổi. Cho nên đại sư Chương Gia dạy tôi, thứ nhất là nhận thức Thích-ca Mâu-ni Phật, thứ hai là y theo giới luật để xây dựng nền tảng tu học, đây đều là rất như pháp, sau này tôi xem kinh Đại thừa thấy là cách nói như vậy. Mật giáo là xây dựng trên nền tảng của Hiển giáo, không có nền tảng của Hiển giáo thì không thể học Mật. Cho nên Mật pháp tạng truyền, hiện nay tôi không hiểu, trước đây đại sư Chương Gia nói với tôi, trước tiên học Hiển giáo, kỳ hạn là 10 năm, còn phải trải qua thi cử, thi cử đạt tiêu chuẩn thì có học vị gọi là Geshe (gê-xê), sau khi lấy được học vị Geshe thì có thể tiếp nhận truyền thừa Mật pháp, có thể thấy đó là như pháp. Nếu Hiển giáo của chúng ta chưa có nền tảng thì Mật giáo thật sự là khó khăn. Nói tóm lại, tám vạn bốn ngàn pháp môn đều là nương vào giác chánh tịnh để vào cửa, không có ngoại lệ, đi đến sau cùng chính là ba cánh cửa này.

Chúng ta biết Thiền tông, Tánh tông đi cửa giác, giác mà không mê, đây là người thế nào? Là người thượng thượng căn, đây không phải là người thông thường. Loại thứ hai chiếm đại đa số, đây là người bậc trung, học Giáo thì đại khai viên giải, là cửa chánh, chánh tri chánh kiến, từ cửa này mà thành Phật. Thứ ba chính là tu tịnh; hay nói cách khác, bạn không phải là người thượng thượng căn thì học Giáo cũng có khó khăn, kinh điển của Giáo quá nhiều, giống như đi học vậy, bạn học từ tiểu học, trung học, đại học đến nghiên cứu sinh, thời gian rất dài. Loại thứ ba là tu tâm thanh tịnh, cửa này gọi là độ khắp ba căn, lợi độn đều thâu. Hai tông phái chuyên tu tâm thanh tịnh là Mật tông và Tịnh độ tông, hai tông này đều là tu tâm thanh tịnh. Nhưng Mật cao hơn Tịnh. Tịnh là gì? Tịnh là lìa hết thảy ô nhiễm, tránh xa để được tâm thanh tịnh, là dùng phương pháp này. Mật thì không cần, không cần phải tránh xa, ở trong môi trường không thanh tịnh để tu tâm thanh tịnh, pháp này cao! Cho nên đây cũng không phải người thông thường có thể làm được, trong Mật có cạn sâu khác nhau, đó là Mật pháp thậm thâm. Cho nên trong Mật tông có “tu song thân”, trong dâm dục mà đoạn dâm dục, bạn có bản lĩnh này không? Không có bản lĩnh này thì sẽ đọa địa ngục, có bản lĩnh này thì sẽ thành Phật đạo.

Cho nên thanh tịnh của Mật tông không có ở lưng chừng, tức là chỉ có một điểm cao nhất, điểm còn lại là đọa địa ngục. Nó không giống như Tịnh độ, Tịnh độ là ta phải tránh xa ô nhiễm, ta tu thanh tịnh, pháp này có lợi ích rất lớn đối với căn tánh trung hạ. Mật tông không có lợi ích đối với căn tánh trung hạ, nếu căn tánh trung hạ mà đi học Mật thì chắc chắn đọa tam đồ, chúng ta phải biết điều này. Nhưng Mật tông là pháp cao nhất. Ở trong kinh chúng tôi học kinh giáo, chúng tôi hiểu rõ, đúng là Phật nói như vậy, không tu Mật pháp thì không thể thành Phật. Người nào mới thật sự là học trò chính thức của Mật tông? Người minh tâm kiến tánh, chính là chúng ta ngày nay gọi là Bồ-tát từ Sơ trụ trở lên, các ngài phải bắt đầu tu Mật. Vì sao vậy? Các ngài chịu đựng được khảo nghiệm, các ngài là tam luân thể không, các ngài đã buông xuống toàn bộ vọng tưởng phân biệt chấp trước, cho nên các ngài có thể tùy duyên mà không phan duyên. Tùy duyên là trong bất kỳ cảnh giới nào cũng có thể tùy thuận, không mất tâm thanh tịnh, cũng chính là nói các ngài không khởi tâm động niệm, đây là Mật chân thật, đây không phải giả; bạn vẫn còn khởi tâm động niệm thì không được. Tu Tịnh độ, tu Tịnh độ mang nghiệp vãng sanh, chỉ có thể sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư, các vị phải hiểu điều này. Lên đến cõi Phương Tiện, cõi Thật Báo thì càng mang ít nghiệp hơn, rất mỏng nhẹ, đạo lý này không thể không hiểu.

Cho nên chúng tôi đối với hết thảy Pháp môn mà Thế Tôn đã nói, ngay cả pháp môn Tiểu thừa, chúng tôi đều là muôn vàn cung kính tán thán. Một loại phương pháp của ngài là độ cho người thuộc một loại căn tánh, đều là thiện pháp, đều là chánh pháp, không được bài xích, không được hủy báng, không được xem thường. Học Phật phải học Thiện Tài Đồng Tử 53 lần tham vấn, bạn xem 53 vị thiện tri thức là đại biểu cho 53 pháp môn khác nhau, Thiện Tài là tu pháp môn niệm Phật, ngoài pháp môn niệm Phật ra thì tất cả pháp môn ngài đều cung kính, lễ bái, cúng dường, tán thán, không có pháp môn nào mà ngài bài xích, không có pháp môn nào mà ngài không cung kính cả. Cho nên đây là điều mà chúng ta nhất định phải học tập. Nói đến chỗ này, không những là phải cung kính tất cả pháp môn trong cửa Phật, những năm gần đây chúng tôi đoàn kết tôn giáo ở trên quốc tế, đối với bất kỳ tôn giáo nào chúng tôi đều tôn kính, đều lễ bái, bất kỳ kinh điển của tôn giáo nào tôi đều đọc tụng nghiêm túc. Thể hội một cách sâu sắc đó đều là Phật Bồ-tát ứng hóa ở thế gian này, đối với người căn tánh khác nhau mà mở ra pháp môn khác nhau, cho nên hết thảy tôn giáo đều ở trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, không phải ở ngoài, tám vạn bốn ngàn là con số lớn viên mãn.

Hỏi: Câu thứ hai, hiện nay trong nước xuất hiện phong trào quốc học, đệ tử cảm thấy vừa mừng vừa lo, mừng vì người dân đã bắt đầu công nhận văn hóa truyền thống, và khao khát quay về với văn hóa truyền thống. Lo vì khi hoằng dương văn hóa truyền thống có thể xuất hiện một số hiện tượng không như pháp. Ví dụ chỉ như một cơn gió thoảng qua, mưu cầu hư danh, hoặc xuất hiện một số hành vi quá khích, vì hoằng dương văn hóa truyền thống mà kéo theo chướng ngại. Làm thế nào mới có thể khiến cho quốc học đi theo phương hướng chính xác, hoằng dương một cách vững vàng có hiệu quả?

Đáp: Hôm qua chúng tôi cũng bàn đến vấn đề này, chúng tôi được truyền cảm hứng từ giáo huấn của người Hawaii cổ xưa, trong đó họ có một câu nói quan trọng: hết thảy vấn đề không ở bên ngoài mà là ở chính mình. Muốn giải quyết vấn đề thì vẫn là từ việc gỡ nút thắt trong nội tâm, vấn đề bên ngoài tự nhiên sẽ được hóa giải. Vấn đề mà bạn hỏi cũng không ngoại lệ, đây là Phật dạy chúng ta, chỉ có từ trong nội tâm của chính chúng ta hóa giải đối lập với người, với việc, với vật thì vấn đề bên ngoài sẽ không còn nữa. Nếu chính chúng ta vẫn có nhiều đối lập như vậy, đối lập sinh ra mâu thuẫn, mâu thuẫn sinh ra xung đột, vấn đề vĩnh viễn không thể hóa giải; hay nói cách khác, hết thảy phải bắt đầu làm từ chính mình. Trong nước xuất hiện phong trào quốc học là việc tốt, bản thân ta đã nghiêm túc học tập chưa? Bắt đầu học từ đâu? Những năm gần đây, tôi một mực đề nghị mọi người bắt đầu làm từ Đệ Tử Quy, bước đi vững chắc thì sẽ không xuất hiện vấn đề. Nếu không có Đệ Tử Quy, vậy thì giống như bạn đã nói, sẽ xảy ra vấn nạn, việc này không có cách gì tránh được, cái gốc này rất quan trọng! Văn hóa truyền thống Trung Quốc là Nho Thích Đạo, ba cái gốc Nho Thích Đạo, Nho là Đệ Tử Quy, Đạo là Cảm Ứng Thiên, Phật là Thập Thiện Nghiệp, chỉ cần cắm thật tốt ba cái gốc này thì tuyệt đối sẽ không có rắc rối.

Hỏi:  Câu hỏi thứ ba, Quán Thế Âm Bồ-tát tầm thanh cứu khổ, cứu giúp chúng sanh gặp nạn nguy cấp hoảng sợ, mặc dù nguyện lực của Bồ-tát rộng sâu, nhưng liệu có trái với nhân quả tương ứng mà chúng sanh tự làm tự chịu không? Sự giải cứu này là lúc đó thay đổi duyên thọ báo phải không? Sau này còn có hiện hành nữa không?

Đáp: Trong Phật giáo không có mê tín, hy vọng chính mình phải thâm nhập kinh giáo. Kinh giáo rộng sâu không bờ mé, thật sự là sâu không thấy đáy, rộng không thấy bờ, chúng ta phải nghiêm túc nỗ lực mà học tập, đời đời kiếp kiếp cũng học không hết. Sau khi bạn thấu tỏ rồi thì mới biết cầu Quán Thế Âm Bồ-tát, khi gặp nạn nguy cấp hoảng sợ cầu Quán Âm Bồ-tát cứu giúp là cầu ai? Cầu chính mình. Chính mình có thể cầu Bồ-tát, cái tâm này, tâm đó là tâm chân thành, tâm đó là tâm thanh tịnh, tâm đó là tâm từ bi, đây là tự mình cứu mình, là hóa giải nghiệp chướng hiện tiền của chính mình, là đạo lý như vậy. Nếu bạn muốn tin ngoài tự tâm còn có Quán Âm Bồ-tát thì gọi là ngoại đạo. Tự tánh Quán Thế Âm, duy tâm giải tai nạn, tiêu tai nạn, vậy chỗ nào là mê tín! Nếu không bàn điều này thì tôi nói cho bạn nguyên lý chân thật, chính là tâm thanh tịnh có thể hóa giải hết thảy tai nạn, tâm chân thành thì không chịu tai nạn nào, tâm từ bi có thể hóa giải hết thảy độc hại. Cho nên niệm Quán Thế Âm Bồ-tát là phải niệm cho ra tâm thanh tịnh, từ bi, chân thành, vậy thì hóa giải hết thảy tai ương rồi, đây là lý, nếu hiểu lý này thì bạn sẽ không hoài nghi nữa. Bạn hỏi tương lai còn có tai nạn hay không? Sao lại không có? Một niệm của bạn mê thì tai nạn liền đến, một niệm giác ngộ thì tai nạn được hóa giải. Bạn muốn vĩnh viễn không có tai nạn thì niệm niệm giác mà không mê, tai nạn sẽ vĩnh viễn không còn nữa. Cảnh tùy tâm chuyển, hết thảy pháp từ tâm tưởng sanh, đây là tổng nguyên tắc, là tổng y cứ.

Hỏi: Câu hỏi thứ tư, họ hỏi: mặc dù đệ tử biết tri thức thế gian là chướng ngại cho tu hành, nhưng ở nhà vẫn cần làm việc, vẫn tiếp xúc với xã hội, nếu không đọc báo thì không biết những gì xảy ra xung quanh, hơn nữa xã hội ngày nay liên tục có các vụ lừa đảo, nếu không đọc báo thì rất dễ bị lừa. Xin hỏi có thật sự là không được đọc báo hay không?

 Đáp: Cảnh giới của mỗi người không như nhau, duyên phận của mỗi người không giống nhau. Hóa giải vấn đề phải nương vào trí tuệ, tri thức chỉ có thể giải quyết cục bộ, không thể giải quyết toàn bộ. Cách giải quyết của tri thức thì sẽ để lại di chứng về sau, trí tuệ thì không có. Cho nên việc này là thiện căn phước đức nhân duyên, bạn thật sự hiểu rõ thiện căn phước đức nhân duyên thì bạn sẽ không hỏi câu này nữa. Chúng tôi sống trong thế gian này, tôi là học trò tương đối ngoan ngoãn, học trò nghe lời, Thầy dạy tôi đề phòng ô nhiễm, không những không cho tôi xem báo chí, mà ngay cả sách cũng không cho tôi xem. Cho nên trong quá trình tôi cầu học, những sách tôi xem đều là do thầy chỉ định, ngay cả kinh Phật cũng không ngoại lệ, không chỉ định thì không được xem. Vốn ban đầu chúng tôi cũng không hiểu ý nghĩa này, chỉ là tôn trọng thầy nên y giáo phụng hành. Đại khái sau khi học được nửa năm thì hiểu rõ, vì sao vậy? Phiền não ít, tâm được thanh tịnh, giống như có chút trí tuệ vậy, cho nên phải thông qua thí nghiệm thì mới biết. Tôi lìa xa các loại báo chí tạp chí, phim ảnh, truyền hình, phương tiện truyền thông, có lẽ đã hơn 40 năm rồi, không tiếp xúc. Có một số tin tức cần thiết thì chúng tôi có một số đồng học, họ sẽ chép lại những tin tức này, hoặc là cắt một đoạn báo chí để đưa cho tôi xem. Một tuần đại khái tôi dành khoảng thời gian một giờ đồng hồ là đủ rồi, những tin tức nhất định phải biết thì tôi đều biết rồi. Giống như hôm trước có vị đồng học nói với tôi, mấy ngày trước ở Luân Đôn nước Anh có trận động đất lúc 5 giờ sáng, cả quần đảo nước Anh đều có thể cảm nhận được, đây là họ nói với tôi tin tức này.

Hỏi: Câu hỏi tiếp theo, xin hỏi phải nên giúp đỡ người nhà bị bệnh tâm thần như thế nào? Liệu có thể chữa khỏi không?

Đáp: Bệnh tâm thần là thuộc về nghiệp chướng, nghiệp chướng có hai loại, một loại là oan nghiệp, bị oan gia trái chủ tìm đến dựa thân, loại này phải hóa giải, đối với oan gia trái chủ thì phải câu thông với họ, phải giúp đỡ họ, siêu độ cho họ. Hãy nói với họ, oan oan tương báo không phải là phương pháp hóa giải vấn đề, chỉ làm vấn đề càng nặng thêm, vì sao vậy? Kết hận thù này thì đời đời kiếp kiếp báo không xong, hai bên đều khổ sở, không phải là một bên, mà hai bên đều khổ sở. Chẳng bằng hóa giải oán kết, đừng để ở trong tâm nữa, mọi người hãy niệm Phật thật tốt cầu sanh Tịnh độ, tương lai đến thế giới Cực Lạc đều là đồng tham đạo hữu. Tuyệt đại đa số oan gia trái chủ đều có thể tiếp nhận, tiếp nhận thì họ sẽ rời khỏi, bệnh của bạn sẽ khỏi thôi.

Loại thứ hai là nghiệp bất thiện của chính mình, đã tạo quá nhiều, quá nặng, vậy thì chính mình phải thật sự sám hối, nhanh chóng quay đầu, sau không tạo lại nữa, vậy thì có thể xoay chuyển. Thật sự triệt để sám hối thì hồi phục cũng sẽ rất nhanh, cho nên đều có phương pháp, chỉ cần bạn có thể hiểu rõ phương pháp, không hoài nghi, nghiêm túc đi làm. Nếu người trong nhà đều giúp họ thì càng nhanh hơn, hiệu quả càng lớn.

Hỏi: Tiếp theo họ có một câu hỏi, đại sư Ấn Quang nói, thời kỳ mạt pháp, trụ chúng trong đạo tràng khoảng 20 người cộng tu là ổn. Xin hỏi điều đầu tiên, liệu vượt quá phạm vi số người này thì có thuộc về đạo tràng lớn không?

 Đáp: Tôi cảm thấy chúng ta không cần hoài nghi, cũng không cần hỏi những vấn đề này, đạo tràng lớn, đạo tràng nhỏ đều là đạo tràng, đều tốt cả. Bạn xem đạo tràng của chư Phật Như Lai, vừa thấy Bồ-tát, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Thanh văn đều là mấy ngàn người, mấy vạn người, là đạo tràng lớn. Vì sao vào thời đại của đại sư Ấn Quang lại nói như vậy? Trước đây đạo tràng ở Trung Quốc của chúng ta cũng là đạo tràng mấy ngàn người, khi nhiều nhất thì số người ở chùa Thật Tế ở quê hương tôi, trụ đến hơn hai, ba ngàn người. Vì sao hiện nay đề xướng 20 người? Bạn hãy suy nghĩ nhiều xem dụng ý của tổ sư là ở đâu. Ngài nói vào lúc này, vì sao có cách nói như vậy? Trong đây có dụng ý rất sâu! Thế giới này loạn rồi, nghiệp chướng của con người sâu nặng, sức mạnh dụ hoặc ở bên ngoài quá lớn, tâm không dễ gì định lại; đạo tràng nhỏ thì ít người, dễ duy trì, tâm của người hoằng pháp và hộ pháp đều có thể định. Nhiều người thì vấn đề sinh hoạt hàng ngày chính là vấn đề lớn, nếu bạn không tìm được rất nhiều hộ pháp thì làm sao bạn có thể duy trì được? Nếu ngày ngày tâm đều để ở việc hộ pháp thì tâm của người hộ trì đều để ở bên ngoài, người tu hành bên trong xem thấy tâm của người hộ pháp ở bên ngoài thì tâm của họ cũng bất an, sẽ xảy ra chướng ngại đối với việc tiến tu. Hãy suy nghĩ nhiều về việc này thì bạn sẽ hiểu, không cần phải hỏi.

Hỏi: Thứ hai, đạo tràng lớn phải chăng không thích hợp để tu hành?

Đáp: Điều này bạn hãy tự đi xem, bạn thấy đạo tràng nhỏ dễ tu hành hay đạo tràng lớn dễ tu hành? Trước đây đạo tràng lớn dễ tu hành, vì sao vậy? Nó có quy củ, lòng người là định, thật sự là do giới đắc định, do định khai tuệ, mấy ngàn người, mấy vạn người đều trì giới. Người hiện nay không trì giới thì làm sao đây? Không trì giới nữa thì đạo tràng sẽ hỗn loạn. Cho nên việc này không cần phải hỏi, lãng phí rất nhiều thời gian, bạn hãy tự suy nghĩ thì bạn mới có thể thật sự tìm được đáp án, tôi nói với bạn thì không có tác dụng, vì sao vậy? Bạn nghe không vào. Người nào nghe điều gì cũng có thể hiểu được, có thể nghe vào? Là người tâm tịnh. Tâm có hoài nghi, có suy tư gọi là tâm khí bao chao. Tôi đã từng báo cáo với các vị rồi, đại sư Chương Gia đối với người tâm khí bao chao thì ngài không nói lời nào, bạn đặt câu hỏi với ngài, ngài nhất định đợi đến khi cảm xúc của bạn hoàn toàn ổn định rồi thì ngài mới nói với bạn. Bạn không thể ổn định được tâm suốt một giờ đồng hồ thì ngài không nói với bạn suốt một giờ, mà chờ đợi, bạn bỏ đi, nếu bạn bỏ đi thì thôi. Cho nên tâm thanh tịnh có thể thọ giáo, tâm không thanh tịnh thì không thể thọ giáo.

Hỏi: Câu hỏi tiếp theo, lão pháp sư đã từng nói, thực vật không có tình cảm, không khởi tâm báo thù. Nhưng đã không có tâm báo thù thì làm sao biết khởi tâm báo ân?

Đáp: Tâm báo ân là tánh đức, là vốn có ở trong tâm của bạn; tâm báo thù không phải là tánh đức, nó là tập tánh, không phải là bổn tánh. Trong bổn tánh không có tâm báo thù, trong tập tánh thì có, bạn hiểu rõ đạo lý này thì vấn đề này của bạn đã giải quyết được rồi.

Hỏi: Câu thứ tám, trong kinh nói “hết thảy pháp thành tựu do nhẫn”, nhẫn sẽ gây ra áp lực nặng nề lên thân tâm, vậy nên khắc phục như thế nào?

Đáp: Nhẫn là có mức độ, có giới hạn, đến giới hạn mà không thể hóa giải nó thì nó sẽ bùng nổ. Cho nên nhẫn là phương tiện tạm thời, sau khi nhẫn rồi thì như thế nào? Sau khi nhẫn thì được định, định khai tuệ, tuệ sẽ tự nhiên hóa giải thói bất bình của bạn. Cho nên nhẫn không thể dừng lại ở nhẫn, nhẫn rồi phải tiến về phía trước, phía sau nhẫn nhục là tinh tấn, phía sau của tinh tấn là thiền định, phía sau của thiền định là trí tuệ. Bạn phải đi thẳng về phía trước, bạn không được ngừng lại giữa chừng, chỉ đến nhẫn thôi mà không có tinh tấn, thiền định, trí tuệ ở phía sau thì nhẫn đó sẽ bùng nổ.

Hỏi: Câu tiếp theo, nếu mắc phải một số bệnh mà bác sĩ không thể nào khám ra được thì có phải là thuộc về bệnh nghiệp chướng không? Nếu là bệnh nghiệp chướng nhưng không biết trong đời quá khứ đã tạo ra những nghiệp gì thì phải nên sám hối thế nào?

Đáp: Không biết nghiệp đã tạo trong quá khứ, nhưng biết nghiệp đã tạo ở đời này, nghiệp đã tạo ở đời này đều là tập khí nghiệp chướng trong đời quá khứ. Cho nên từ ngay trong đời này, xem những nghiệp chướng tập khí nào của chúng ta rất nặng, thì biết đây là sự tiếp nối đời đời kiếp kiếp trong đời quá khứ. Bạn nói ý niệm tham tài rất nặng, đây không phải là đời này học được, chắc chắn là sự tiếp nối trong đời quá khứ. Sân hận rất nặng, đặc biệt nặng, tâm dâm dục rất nặng, đây đều là tập khí trong đời quá khứ. Bạn có thể từ chỗ này mà phản tỉnh kiểm điểm thì bạn sẽ biết được thôi, bạn ở trong đời này, đặc biệt yêu thích thứ gì, đó chính là tập khí trong đời quá khứ. Tập khí thiện thì tốt, là thiện căn, tập khí ác thì sẽ tạo thành nghiệp chướng.

Hỏi: Câu hỏi tiếp theo, xin hỏi làm thế nào để rèn luyện công phu niệm thầm Phật hiệu để có thể thật sự đè phục được ác niệm? Làm thế nào có thể nâng cao giác tánh khiến cho Phật hiệu có thể sanh khởi trước ác niệm để có thể hàng phục được nó?

Đáp: Nếu nói Phật hiệu có thể sinh khởi trước ác niệm để có thể hàng phục được thì đây đã là công phu thành phiến, rất đắc lực rồi. Người thông thường khi ác niệm vừa khởi lên thì ngay lập tức hàng phục nó xuống, đây đã là rất khó rồi, đây gọi là gì? Đây là thật sự biết niệm Phật, một ác niệm khởi lên thì dùng câu A-di-đà Phật đè nó xuống, đây là biết niệm. Ác niệm khởi lên, mặc dù niệm Phật nhưng không đè xuống được, ác niệm khởi lên đồng thời với Phật hiệu thì ác niệm này đã phá hoại mất công phu Phật hiệu rồi, cho nên phải biết điều này. Bình thường niệm Phật, khi không khởi tâm động niệm thì niệm Phật, đây chính là đề phòng, dưỡng thành một loại thói quen. Dùng thói quen này đem ác niệm, tập khí ác, thiện niệm, tập khí thiện ở trong tâm từ vô thủy kiếp đến nay đều phải tẩy trừ sạch sẽ thì tâm thanh tịnh của bạn mới có thể hiện tiền. Tập khí ác chướng ngại tâm thanh tịnh của bạn, tập khí thiện cũng chướng ngại tâm thanh tịnh, cho nên tập khí thiện ác thì không thể thoát khỏi lục đạo luân hồi, tập khí thiện ác đều không còn thì lục đạo luân hồi sẽ không có nữa.

Hỏi: Câu hỏi tiếp theo, nếu đạo tràng mời một vị pháp sư nào đó chủ trì Tam Thời Hệ Niệm, mà trong thời gian pháp sư ở pháp hội, bởi do thân thể không khỏe nên không thể chủ trì. Xin hỏi người phụ trách đạo tràng có nên tuyên bố hoãn pháp hội không?

Đáp: Việc này phải xem tình huống cụ thể, nếu trong đạo tràng có người có thể thay thế thì có thể tiếp tục làm. Nếu thực sự đối với Pháp sự này cảm thấy rất không thông thạo, không tìm được người nào có thể chủ trì, không có cách nào nữa thì có thể tuyên bố hoãn.

Hỏi: Thứ hai, nếu lúc đó tìm được một pháp sư nào đó thay thế thì có cần phải thông báo cho đại chúng là có người khác thay thế cho lão hòa thượng được không?

Đáp: Được.

Hỏi: Nếu pháp trong pháp hội phát hiện pháp sư chủ trì thay thế không thật như pháp thì người phụ trách đạo tràng phải nên làm thế nào?

Đáp: Cũng phải làm cho viên mãn pháp hội. Pháp sư làm pháp hội này, nếu họ rất khiêm tốn thì có thể nhắc nhở họ, khích lệ họ, chỗ nào không như pháp thì cải tiến. Nếu pháp sư không thể tiếp nhận thì lần tới không mời họ nữa là được, cung kính cúng dường.

Hỏi: Tiếp theo là câu hỏi thứ hai mươi, xin hỏi mở máy niệm Phật phát kinh Địa Tạng suốt 24 tiếng đồng hồ thì có lợi ích công đức gì? Liệu có thể lợi ích cho vô lượng chúng sanh không?

Đáp: Có thể. Chân thật có lợi ích công đức, cho dù chính bạn không tin thì trong môi trường xung quanh có rất nhiều chúng sanh ở tầng không gian duy thứ khác nhau mà mắt thịt không thể nhìn thấy, họ có thể nhận được thông tin, họ có thể được lợi ích. Người được lợi ích đều sẽ cảm ơn, tri ân báo ân, cho nên có chỗ tốt, không có chỗ hại.

Hỏi: Câu hỏi tiếp theo, Thích-ca Mâu-ni Phật thị hiện ở phương Đông, Kitô thị hiện ở phương Tây, đến nay đều đã có lịch sử hơn 2.000 năm. Có loại giáo pháp nào có thể liên hiệp hai giáo phái đại biểu này lại, đồng thời nâng lên một tầm cao mới và bắt kịp thời đại, khế hợp với người hiện đại hay không?

Đáp: Người này không phải là ai khác, chính là bản thân bạn. Nếu bạn hy vọng người khác đi làm thì chỉ có nằm mơ, vĩnh viễn không làm được. Chính bạn hãy phát tâm đi làm, tôi tin là Thích-ca Mâu-ni Phật và Kitô đều gia trì cho bạn, bạn nhất định sẽ làm được tốt. Phàm việc gì cũng không thể cầu người, vấn đề không nằm ở bên ngoài.

Hỏi: Câu hỏi tiếp theo, xin hỏi làm thế nào để thoát khỏi sự khống chế của khí công sư hoặc ngoại đạo khác?

Đáp: Điều này hầu như ở giác ngộ của chính bạn, thật sự giác ngộ rồi thì đừng để ý đến họ nữa, họ sẽ không khống chế được bạn; bạn không giác ngộ, bạn không thể rời khỏi họ thì bạn vĩnh viễn bị họ điều khiển. Năm xưa khi tôi ở San Francisco, có một pháp sư, vị pháp sư này lúc chưa xuất gia thì ông ấy là đạo sĩ của Đạo giáo, trong Đạo giáo có một số phép thuật có thể khống chế người, cho nên sau khi ông xuất gia, cũng dùng phương pháp này để thị hiện thần thông. Có vị Tỳ-kheo ni nói với tôi, cô ấy nói: Thưa pháp sư, pháp sư này gọi điện thoại cho cô ấy, nói lúc này bộ phận nào đó trên thân cô, có phải là đang cảm thấy không thoải mái, đang đau nhức phải không? Cô ấy nói phải, làm sao thầy biết được? Vị Tỳ-kheo-ni này rất thông minh, lập tức nghĩ đến có lẽ là do vị kia làm, cho nên cô ấy lập tức nói: Pháp sư, không có việc này, vị kia nói: Không có sao, có thật là không có không? Đúng thật là không có, tôi rất bình thường. Vị pháp sư kia đành bất lực, sau đó không làm gì được cô ấy nữa, vì sao vậy? Cô ấy không phản ứng gì. Thật ra cô ấy đúng là có phản ứng, nhưng cô ấy chợt nghĩ đến điều đó. Cho nên rất nhiều tín đồ của họ đều nói hòa thượng này rất lợi hại, sư phụ của tôi giỏi, có thần thông, chỗ nào tôi bị đau thầy đều biết. Nhưng hiệu quả của họ đại khái chỉ có 3 giờ đồng hồ, 3 giờ đồng hồ trôi qua thì tự nhiên không còn nữa. Cho nên nếu bạn thừa nhận thì họ sẽ dạy bạn rằng bạn phải uống nhiều nước một chút, ăn một chút gì đó là tốt lên thôi, một lúc sau thì đúng là tốt lên thật. Loại sự việc này xưa nay trong và ngoài nước đều có, chúng ta phải hiểu là họ đang làm những trò này, đây không phải là điều bình thường.

Đương nhiên việc này có liên quan đến công phu cạn hay sâu của thầy luyện khí công, người công phu sâu thì sức mạnh của họ rất lớn. Tôi còn nghe nói, là đồng tu nói với tôi, cũng là bị một thầy luyện khí công khống chế, thầy khí công ở phương Bắc, ông ấy ở phương Nam, khi họ phát công thì có thể sai khiến bạn ném đồ đạc khắp nơi, ném vỡ hết đồ đạc trong nhà, tự mình tông vào tường, không thể khống chế bản thân. Chính họ hiểu là do sư phụ của họ đang làm phép, nhưng không có cách nào thoát khỏi. Nếu hỏi thật sự, bạn tỉnh táo rồi thì bạn biết là phàm cái gì có tướng đều là hư vọng, bạn dùng phương pháp Tam Quán: không, giả, trung của Phật pháp thì hiệu quả của họ sẽ không còn nữa. “Phàm những gì có tướng đều là hư vọng”, “hết thảy pháp hữu vi như mộng huyễn bào ảnh”. Phật và ma là một không phải hai, khi mê thì gọi là ma, khi giác ngộ thì gọi là Phật. Khi giác ngộ thì họ giúp đỡ chúng sanh, họ không làm hại chúng sanh, họ sẽ không khiến chúng sanh chịu khổ chịu nạn. Khi mê thì họ sẽ làm những việc này, làm việc này đương nhiên họ có mục đích của họ, mục đích không gì ngoài việc giữ chắc tín đồ, họ không chịu buông cho bạn đi, bạn phải nghe lời họ. Cho nên vẫn là dục vọng đang tác quái, họ có dục vọng, bạn cũng có dục vọng, điều kiện này thúc đẩy thành mối quan hệ, duyên phận của các bạn. Họ có dục vọng, bạn không có dục vọng thì họ không tìm được bạn. Cho nên phải hiểu là Phật Bồ-tát không có dục vọng, chúng ta có thể hạ thấp dục vọng, làm nhẹ đi dục vọng thì tự nhiên sẽ tương ưng với Phật Bồ-tát. Chúng ta có dục vọng mạnh mẽ, dù Phật Bồ-tát có ở trước mặt thì chúng ta vẫn còn cách các ngài rất xa, đây là đạo lý nhất định.

Hỏi: Câu hỏi tiếp theo, xin hỏi sau khi quyên góp tiền in kinh, nếu người phụ trách không dùng khoản tiền này để in kinh thì người quyên góp có phải đọa địa ngục không? Sư phụ có thể chỉ ra giúp chúng con đâu là phước điền thật sự được không?  

 Đáp: Bạn phát tâm in kinh chính là phước điền thật sự, cho dù người phụ trách in kinh nuốt mất tiền của bạn, họ dùng vào chỗ khác thì họ phải chịu trách nhiệm nhân quả, bạn không chịu trách nhiệm. Người quyên góp không bị đọa địa ngục, người quyên góp chỉ sanh lên thiên đường, không đọa địa ngục. Nếu bạn thường hay nghe kinh, chúng tôi ở trong kinh hình như hai lần, ba lần giảng đến câu chuyện Ngũ Phiến Đề La, bạn xem thời đó người cúng dường được đại phước báo. Người xuất gia nhận cúng dường là giả, không phải người xuất gia thật, là dùng hình dáng bên ngoài để lừa gạt tín đồ. Tín đồ tưởng thật, cho rằng họ là người xuất gia chân chánh nên cúng dường họ, cho nên năm người xuất gia giả mạo này đọa địa ngục; còn người cúng dường này, bà ấy sanh thiên, phước báo của mỗi người không như nhau. Cho nên các vị phải biết trong cửa Phật có câu nói: “Nhân quả của ai, người đó tự gánh”, thiện tâm của bạn nhất định được thiện báo, họ tạo ác nghiệp thì họ sẽ chịu khổ. Việc đền trả quả báo, đó là việc về sau, sau khi thọ xong quả báo địa ngục thì vẫn phải trả nợ, nợ mạng trả mạng, nợ tiền trả tiền, đây gọi là định nghiệp.

Hỏi: Câu hỏi tiếp theo, xin hỏi gửi tiền đến tổ chức phóng sanh nhưng tự mình không đích thân tham gia phóng sanh, ở hai phương diện công đức và phước đức có những chỗ nào khác nhau?

Đáp: Đích thân đi tham gia phóng sanh thì phước đức thù thắng hơn. Ủy thác cho người khác đi vẫn là có phước đức, phước đức lớn nhỏ là ở dụng tâm của bạn, bạn dụng tâm chân thành, dụng tâm thuần tịnh, không kèm theo bất kỳ điều kiện gì thì phước đức này lớn. Phước đức chuyển thành công đức, cách chuyển thế nào? Nếu bạn làm những việc tốt, việc thiện này mà không phân biệt chấp trước thì gọi là công đức, có phân biệt chấp trước là phước đức. Trên sự thì không có công đức hay phước đức, hoàn toàn là ở cảnh giới của bạn, ở trong tâm của bạn. Cho nên thật ra mà nói, tất cả hiện tượng trong toàn bộ vũ trụ đều là sự phản chiếu của ý niệm nhiễm tịnh, thiện ác ở trong nội tâm, nếu không thì bên ngoài đâu có những tướng cảnh giới này? Không có. Cho nên những tướng cảnh giới này là huyễn tướng, mộng huyễn bào ảnh, từ hiện tượng thì biết được tâm địa này của mình là chân vọng, tà chánh, nhiễm tịnh, thiện ác, tỉ mỉ mà quan sát thì bạn sẽ nhìn thấy rất rõ ràng.

Hỏi: Tiếp theo là câu hỏi thứ mười bảy, người phụ trách Cư Sĩ Lâm cùng với tăng nhân thường trụ, khi xử lý vấn đề của tăng chúng thì quyền thi hành có thể là gì?

Đáp: Bởi vì họ là chủ nhân thường trụ, nếu họ không làm thì như thế nào? Nếu người xuất gia đến mà không tuân thủ quy củ của họ thì người phụ trách Cư Sĩ Lâm tốt nhất là cúi mình, phụng hiến Cư Sĩ Lâm cho người xuất gia, chính mình rời khỏi, chỉ có dùng biện pháp này, người xuất gia vừa đến thì nhanh chóng nhường. Bạn thử nghĩ xem, cách làm này có phải là như pháp không? Nếu người xuất gia này không phải là người xuất gia thật sự tốt, họ đến để đoạt đạo tràng của bạn, bạn có phải tặng cho họ không? Bạn tạo nghiệp thì bạn đọa địa ngục. Cư sĩ tại gia có thể chủ trì Phật pháp, đây là khi Thích-ca Mâu-ni Phật còn tại thế có ví dụ, đó là trưởng giả Duy-ma-cật. Cho nên khi đức Phật còn tại thế có hai vị Phật, Thích-ca Mâu-ni Phật thị hiện Phật xuất gia, Cư sĩ Duy-ma thị hiện Phật tại gia. Người xuất gia đến đạo tràng của cư sĩ Duy-ma, bạn hãy xem kinh Duy-ma-cật Sở Thuyết, bạn đi xem kinh thì bạn sẽ nhìn thấy, Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, đây là hai vị đại đệ tử của Thế Tôn, một người là trí tuệ đệ nhất, một người là thần thông đệ nhất, Phật phái hai người họ đến chỗ của cư sĩ Duy-ma để nghe kinh, họ đến đạo tràng thì hướng về cư sĩ Duy-ma đảnh lễ 3 lễ, lại nhiễu bên phải ba vòng, cung kính tiếp nhận giáo huấn.

Sự việc này những năm đầu Dân Quốc, đại sư Âu Dương Cảnh Vô đã nói rất rõ ràng, bạn xem trong “Nội Học Viện Huấn”, ngài đã nói rất tường tận, nói được rất hay, Phật pháp là sư đạo, Phật pháp là giáo dục, là sư đạo, trong giáo dục thì thầy là tôn kính nhất, gọi là tôn sư trọng đạo. Thầy là người tại gia, học trò là người xuất gia thì có phải tôn kính thầy không? Vào thời đại đế vương trước đây, thái tử là hoàng tộc, tương lai sẽ tiếp nhận ngôi vua, họ có phải cung kính với thầy không? Nếu họ bất kính với thầy, không tiếp nhận giáo huấn của thầy thì tương lai họ bị mất nước. Vấn đề này thuộc về vấn đề luân lý, trong tăng chúng cũng có luân lý, bạn phải làm cho rõ ràng điều này. Nhưng người hiện nay rất đáng thương, vì sao vậy? Đã đánh mất giáo dục luân lý 100 năm rồi, cho nên thiên hạ loạn, trong Tăng đoàn cũng loạn. Đạo tràng này là Cư Sĩ Lâm, là đạo tràng chánh pháp Phật giáo, người chủ trì là Lâm trưởng của Cư sĩ Lâm, người xuất gia đến thì có cần phải nghe lời họ không? Phải nghe lời họ. Không được lộn xộn khách lấn át chủ, họ là thầy, bạn là người xuất gia thì bạn cũng phải tôn sư trọng đạo.

Hỏi: Tiếp theo là câu thứ mười tám, hiện nay việc tổ chức cấu trúc phần cứng và phần mềm của chùa chiền đều đang theo hướng xã hội hóa, có những người làm công quả vì vấn đề đời sống nên thường trụ cấp cho họ chi phí sinh hoạt cơ bản. Xin hỏi phần tiền này liệu có thể tự mình tùy ý sử dụng giống như tiền kiếm trên thế gian không?

 Đáp: Có thể. Giữa thường trụ và người làm công quả là tạm thời, nhất định phải có nhân viên làm việc lâu dài, đối với nhân viên làm việc lâu dài, nếu bạn không cung cấp chi phí sinh hoạt thì họ làm sao sống được? Phải hiểu đạo lý này. Cho nên không có người xuất gia thì ở đạo tràng phải có người làm công quả lâu dài, đãi ngộ của họ hoàn toàn tương đồng với người xuất gia, người xuất gia tiếp nhận tứ sự cúng dường, họ cũng được tiếp nhận tứ sự cúng dường, vậy mới có thể hộ trì đạo tràng. Nếu không thì họ không thể hộ trì đạo tràng, cũng phải biết đạo lý này. Nhưng bất luận là tại gia hay xuất gia, đã là đệ tử Phật đều phải giữ giới luật, tinh thần quan trọng nhất trong giới luật của Phật là dạy chúng ta lấy giới làm thầy, lấy khổ làm thầy, trì giới không sợ khổ, cho nên đời sống nhất định vô cùng tiết kiệm. Thường hay nghĩ đến “một hạt gạo thí chủ, nặng như núi Tu-di”, không dễ gánh, cho nên khoản tiền không đáng dùng thì phải tiết kiệm lại, giảm tiêu pha xuống đến mức thấp nhất, như vậy rất như pháp.

Hỏi: Câu thứ mười chín, vì sao yêu cha mẹ và yêu con cái, cùng là yêu thương, nhưng một bên là hiếu, một bên là đọa tam đồ?

Đáp: Câu hỏi của bạn có vấn đề, vì sao yêu con cái lại đọa tam đồ? Đâu có đạo lý đó. Yêu cha mẹ là hiếu, yêu con cái là từ, cha mẹ từ ái, con cái hiếu thuận, gia đình này hòa thuận, làm sao họ đọa tam đồ được? Tôi không hiểu. Có thể là bạn đối với chữ yêu này, mỗi người có một cách lý giải khác nhau về định nghĩa trong đây, yêu là phải dạy chúng, là phải nuôi chúng. Nếu bạn không nuôi chúng, bạn không dạy chúng thì chúng sẽ học hư, cha mẹ này phải chịu trách nhiệm. Cha mẹ không làm tấm gương tốt cho con cái, con cái học hư rồi thì thật sự là phải chịu trách nhiệm. Nhưng yêu thương thật sự không phải vậy, yêu thật sự là phải thật tốt, chính là khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều phải làm khuôn mẫu tốt nhất cho con cái, đây là thật sự yêu thương chúng.

Hỏi: Câu hỏi thứ hai mươi, xin hỏi trong môi trường sống hiện đại, đạo tràng làm thế nào để khôi phục lại đạo phong của chùa Đông Lâm ở Lô Sơn, thời gian làm việc và nghỉ ngơi của đạo tràng phải nên như thế nào để phù hợp với người tu hành trong thời kỳ mạt pháp?

Đáp: Điều mà đại sư Ấn Quang đã dạy chúng ta, chính là thích hợp nhất đối với thời đại mạt pháp trước mắt. Các bạn hãy đi xem thử, hiện nay bộ “Văn Sao Toàn Tập” lưu thông rất rộng, những tư liệu này đều rất dễ xem thấy. Bạn xem thử quy củ của chùa Linh Nham Sơn, đó là đặt ra cho người xuất gia, người tại gia thì hơi nới lỏng hơn một chút, là đạo tràng nhỏ, thật sự thành tựu.

Hỏi: Câu hỏi thứ hai mươi mốt, làm thế nào để ức chế được vọng niệm sinh ra? Bệnh nhân bị bệnh trầm cảm sinh ra ảo thính và ảo giác, làm thế nào để tiêu trừ?

 Đáp: Đây là bệnh nghiệp chướng rất nghiêm trọng, dần dần đến khi bệnh nặng thì Phật Bồ-tát cũng bó tay hết cách với họ. Vậy phải làm thế nào? Bệnh của họ chính là tiêu nghiệp chướng của họ, đợi đến khi nghiệp chướng tiêu trừ rồi thì họ sẽ dần dần khôi phục lại bình thường, Phật Bồ-tát sẽ đến giúp họ. Cho nên, con người trước khi bị bệnh trầm cảm, nếu có duyên phận thì nghiêm túc học Phật, vậy sẽ rất có lợi ích, có sự giúp đỡ rất lớn đối với sức khỏe thân thể. Đến khi đã phát bệnh rồi thì không còn kịp nữa, nếu bệnh vừa mới phát còn nhẹ thì vẫn được, rất dễ đối trị, nếu bệnh lâu rồi thì rất khó khăn. Phương pháp phòng bệnh tốt nhất là đọc sách thánh hiền, vì sao vậy? Sách vở, ngôn ngữ, tâm hạnh của thánh hiền là tương ưng với tánh đức, cũng chính là tùy thuận đại tự nhiên, nó là đạo đức, đạo đức thì làm sao sanh bệnh được! Nếu không đi theo thánh hiền thì trái với đạo đức, trái với đạo đức thì rất dễ gần với yêu ma quỷ quái, gần với chúng thì toàn thân tà khí. Việc phát bệnh này chính là quả báo cảm được của nghiệp nhân, nói chung nếu hiểu những sự lý này thì chúng ta sẽ biết được làm thế nào để đề phòng.

Hỏi: Câu hỏi tiếp theo, mạt học ở một cửa hàng bán đồ Phật giáo, nhìn thấy trên đĩa giảng kinh của ngài có dòng chữ “sở hữu bản quyền, sao chép truy cứu”. Đĩa này được xuất bản và bán ra bởi đài vệ tinh Phượng Hoàng. Không biết đài vệ tinh Phượng Hoàng đã được sự đồng ý của ngài chưa mà đã làm như vậy?

Đáp: Bạn nói xem tôi có đồng ý không? Không đồng ý. Người khác làm rồi thì sao? Kệ họ đi! Nói một câu thật lòng, nhân quả của ai thì người đó tự gánh.

Hỏi: Câu hỏi thứ hai mươi tư, học trò làm công quả trong đạo tràng, nhưng vì tính chất công việc nên cố ý hoặc vô ý rất dễ lãng phí tài nguyên của thường trụ. Xin hỏi nếu làm lâu dài như vậy thì có như pháp không? Hay là nên chọn công việc khác không dễ lãng phí của thường trụ để làm?

 Đáp: Đúng vậy, lãng phí của thường trụ thì quả báo tương lai là bần cùng hạ tiện, vì sao vậy? Bạn đã hưởng hết sạch phước báo của mình rồi. Phiền phức nhất là về già không có phước báo thì rất đáng thương, lúc còn trẻ khỏe không có phước báo thì không đáng sợ, bạn có sức khỏe rất tốt, bạn vẫn có thể sống như vậy; khi về già không có phước báo không có người chăm sóc thì rất khổ sở. Cho nên Phật dạy chúng ta tiếc phước, Phật tự mình tiếc phước, trong đời sống không lãng phí một chút nào. Bạn xem truyện ký về đại sư Ấn Quang, đại sư Ấn Quang ăn cơm, ăn xong rồi thì ngài lấy lưỡi liếm sạch bát đĩa, không lãng phí một chút nào. Ngài nhìn thấy người khác ăn cơm, trong bát vẫn còn cơm thì ngài sẽ trách mắng, sẽ giáo huấn họ: “Anh có phước báo lớn như vậy sao?” Tiếc phước chính là bồi phước cho chính mình, lãng phí chính là tiêu hao đi phước của chính mình. Cho nên nếu bạn muốn tiêu hao phước báo, tương lai làm người không có phước báo, vậy thì bạn cứ tiếp tục làm. Bạn muốn phước báo tuổi xế chiều về sau của mình có thể hơn hiện nay một chút thì bạn nhất định phải tiếc phước. Thói quen lãng phí hiện nay là học từ người nước ngoài, người nước ngoài chú trọng về tiêu dùng, người Trung Quốc thì chú trọng về tiết kiệm. Vì sao vậy? Họ không khuyến khích tiêu dùng thì những thứ họ sản xuất ra không bán được, cho nên họ khuyến khích tiêu dùng. Những thứ của Trung Quốc như đồ nội thất bàn ghế giường tủ, Trung Quốc nói nội thất gỗ gụ có thể dùng được bao nhiêu năm? Ít nhất có thể dùng được một trăm năm trở lên, họ không cần phải làm mới.

Người Trung Quốc xây một ngôi nhà, ít nhất phải ở được 300 năm; người nước ngoài không cần, ở mấy chục năm là không muốn nữa, phá đi xây lại cái mới, họ muốn làm cái mới. Cho nên những thứ của họ không chắc chắn, bề ngoài trông rất dễ coi nhưng không chắc chắn, không bền, họ khuyến khích bạn tiêu dùng. Người Trung Quốc gọi là nhà lâu năm, nhà cửa xây dựng có thể dùng được 300 năm, 300 năm là khoảng năm, sáu thế hệ, thật sự là yêu thương con cháu, điều này không như nhau. Dễ lãng phí nhất, bình thường chúng ta xem thấy, bạn xem giấy lau, trước đây không có, trước đây dùng giấy thô, giấy lau hiện nay dùng xong lập tức vứt đi, lau mặt thì dùng cả mấy tờ. Người xuất gia, người nghèo khổ có một thói quen, một tờ giấy lau phải dùng rất nhiều lần, dùng đến khi không thể dùng được nữa thì mới vứt đi. Một lần dùng một chút xong rồi gấp lại, tôi có thói quen này, tuyệt đối tôi không bao giờ lau nước mũi mà dùng cả mấy tờ giấy lau, không thể nào. Đại khái một tờ giấy lau thì tôi có thể dùng trong một ngày, nhiều lắm dùng hai tờ trong một ngày, bởi vì tôi không có phước báo. Về già còn có một chút phước báo như vậy, đây chính là trong mấy chục năm nay, sau khi học Phật hiểu được, càng ngày càng rõ ràng, biết tiếc phước. Tôi có phước thì cho người khác hưởng, phước đó của tôi vẫn còn, càng tích càng nhiều. Có phước mà hưởng, hưởng quá phần, điều này không thể được, đây không phải là việc tốt. Cho nên những giáo huấn này của người xưa vẫn là rất có đạo lý.

 Hỏi: Câu hỏi tiếp theo, gần đây nhà khoa học nghiên cứu ra những sự sống mới, tương lai sẽ xuất hiện những người không cần thông qua mang thai trên thân người. Nếu thật như vậy thì những người đó cũng là linh hồn đến đầu thai phải không? Nhưng những người đó đại đa số có thể bị dùng vào phương diện y học, nếu như vậy thì có kết oán thù với họ không?

 Đáp: Bạn không cần phải lo việc này, vì sao vậy? Một khi sự việc này xuất hiện thì thế giới này đã bị hủy diệt rồi, đều quay về con số không. Nhà khoa học nghiên cứu ra sự sống, đây là báo cáo. Chúng tôi nghe báo cáo ở phương diện khác, nói rằng thời hạn mà con người trên trái đất này có thể sinh tồn sẽ không vượt quá 50 năm. Nhà tiên tri của Brazil đã nói vô cùng rõ ràng, ông cho chúng ta thời gian là năm 2043. Số người còn lại trên trái đất này vào năm 2043 chỉ còn hai phần mười, mười người chỉ còn có hai người. Không biết những nhà khoa học này còn sống không? Năm 2043 cách chúng ta, năm nay là năm 2008, hơn 30 năm, rất nhanh. Họ nói trong khoảng thời gian này, mỗi năm đều có tai nạn rất nghiêm trọng, con người từng đợt từng đợt một đều chết đi cho đến lúc trên thế gian 10 người đã đi hết 8 người. Dân số trên toàn thế giới, đại khái còn 1,3 tỷ người bằng với Trung Quốc hiện nay, đại khái dân số trên thế giới chỉ còn như vậy.

Toàn bộ thế giới sẽ xảy ra thay đổi rất lớn, nhà tiên tri người Mỹ đã vẽ một bức họa, chúng tôi có đặt ở tầng 11, các vị đều nhìn thấy. Lục địa, hiện nay gọi là nơi tinh hoa, toàn bộ đều chìm xuống dưới biển. Nơi mà hiện nay gọi là chưa khai hóa, vẫn còn tồn tại; những nơi khai hóa, phát triển, phồn vinh đều chìm xuống đáy biển. Từ trong lý luận của Phật pháp mà nói, mọi việc đều là do tâm tưởng của chúng sanh sanh ra, những gì họ tưởng trái với quy luật tự nhiên, trái với phép tắc đại tự nhiên thì đại tự nhiên sẽ báo thù. Báo thù là gì? Cách báo thù là đảo lộn trời đất, lục địa chìm vào biển, biển lại nâng lên thành lục địa, đây chính là sự báo thù của đại tự nhiên, chúng ta đã làm việc có lỗi với đại tự nhiên. Cho nên những thứ như thế này, về căn bản không cần lo lắng, điều mà chúng ta phải dụng tâm chính là gì? Là câu Phật hiệu A-di-đà Phật. Mọi người không cần lo lắng về điều này, cứ mãi lo lắng những chuyện vặt nhỏ nhoi ở thế gian này quá nhiều, đây không phải là việc tốt.

 Hỏi: Câu thứ hai mươi sáu, nếu điều kiện xây dựng đạo tràng tương đối tốt, chúng thường trụ phải nên giữ gìn và học tập giáo huấn “lấy khổ làm thầy” của đức Phật như thế nào?

 Đáp: Lấy khổ làm thầy là nhận thức của chính mình, nếu không đi học tập giáo huấn của Phật-đà, không y theo mà làm thì bạn vĩnh viễn không hiểu thế nào gọi là lấy khổ làm thầy. Xây dựng đạo tràng rất tốt, người tu hành trụ chúng ở trong đó liệu có thể giống như người xưa, vô cùng quy củ ở nơi đó tu học hay không? Trước khi xuất gia, tôi ở chòi tranh cùng pháp sư Sám Vân, buổi tối 8 giờ đi ngủ, làm được không? Buổi sáng 2 giờ thức dậy, làm được không? Vì sao phải ngủ lúc 8 giờ? Trong chòi tranh trên núi không có đèn điện, cho nên ăn cơm tối xong thì trời tối đen, làm xong thời khóa tối là đi ngủ, 2 giờ sáng thức dậy, trên thực tế là ngủ nhiều hơn hai tiếng đồng hồ. Khi đức Phật còn tại thế, thời gian ngủ là 4 giờ đồng hồ, ngủ vào nửa đêm, 4 giờ đồng hồ chính là mười giờ tối đi ngủ, hai giờ sáng thức dậy. Lúc đó pháp sư Sám Vân quy định cho chúng tôi, chòi tranh của chúng tôi chỉ có năm người, tám giờ đi ngủ, hai giờ thức dậy. Thức dậy rửa mặt, đánh răng xong thì làm công khóa gì? Lạy Phật, lạy hai giờ đồng hồ. Tốc độ lạy hai giờ đồng hồ nhanh chậm khác nhau, tôi lạy được hơn 300 lạy, lạy nhanh thì có thể lạy được 400, 500 lạy. Lúc đó chúng tôi cùng ở với nhau, pháp sư Đạt Tông lạy rất nhanh, một ngày ngài lạy được 1.200 lạy, chúng tôi là một ngày 800 lạy.

Đến 4 giờ thì chúng tôi bắt đầu làm việc, tôi làm công quả cho thường trụ, xuống nhà bếp nấu đồ ăn sáng. Bữa sáng của pháp sư Sám Vân khá công phu, buổi sáng mỗi ngày phải uống sữa đậu nành, cho nên chúng tôi phải đi xay, tự mình xay sữa đậu nành, trong đậu nành phải thêm đậu phộng. Sau khi cháo sôi thì cho cả sữa đậu nành và bã đậu vào cùng nhau rồi đun sôi lại, rất thơm, ăn rất ngon. Tôi thay ngài làm việc bếp núc. Ở trên núi trồng rau, gánh phân, trên núi là dùng bếp củi, mỗi ngày phải đi nhặt củi, quét lá cây làm nhiên liệu. Nước thì trên núi có nước suối, cách cũng tương đối xa, chúng tôi dùng cây tre, đục thông mắt tre để làm thành ống nước, dẫn nước từ trên núi xuống nên không phải đi gánh nước. Chăm sóc ba vị pháp sư xuất gia, còn có lão cư sĩ Chu Kính Trụ, lúc đó tôi 30 tuổi, ông 70 tuổi, đương nhiên không thể để cho ông làm việc được. Cho nên ở trên núi chỉ có mình tôi làm công quả, chăm sóc bốn người vẫn được. Chùa chiền giàu có, cũng có thể trải qua đời sống như vậy được không? Là thật sự như pháp, mỗi ngày học tập kinh giáo, trì giới, giữ quy củ. Điều mà chúng tôi hiện nay đang yêu cầu là phải làm được 100% Đệ Tử Quy, Cảm Ứng Thiên, Thập Thiện Nghiệp thì công phu của chúng ta mới thật sự đắc lực; nếu không làm được thì công phu tự nhiên không đắc lực. Cho nên phải cắm gốc từ trên căn bản.

Hỏi: Câu hỏi tiếp theo, Duy thức nói thức thứ tám a-lại-da là “đi sau, đến trước, làm chủ”, nó ẩn chứa ở trong tâm. Y học hiện đại rất phát triển, có thể làm phẫu thuật thay tim cho bệnh nhân, xin hỏi sau khi bệnh nhân thay tim rồi thì tâm thức của họ có rời đi không?

Đáp: Hy vọng bạn đi đọc duy thức, đọc có nền tảng một chút thì vấn đề này của bạn sẽ không có nữa. Thức thứ tám ở trong tâm, tâm là gì? Tâm ở đâu? Không phải là quả tim. Nếu thay quả tim này mà tâm không còn nữa, a-lại-da thức không còn nữa, vậy không phải là thành vấn đề lớn rồi sao? Phật pháp nói chữ tâm này, bản thể của mỗi một tế bào chính là tâm, bản thể của mỗi sợi tóc cũng là tâm, tâm ở đâu? Tâm ở khắp nơi, có vật chất thì có tâm, có tâm thì có vật chất. Bạn hủy toàn bộ thân thể, hỏa thiêu rồi, thân thể không còn nữa nhưng tâm vẫn có, tâm đó gọi là gì? Tâm đó gọi là linh hồn, nó không có thân thể, không dựa vào thân thể thì gọi là linh. Cho nên thân có sanh diệt, linh không có sanh diệt, a-lại-da không có sanh diệt, cho nên khi đi thì nó rời đi sau cùng, toàn bộ thân thể bị hủy mất rồi thì nó đi, khi đến thì nó đến sớm nhất để đầu thai. Hai câu nói này nói không sai, là do bạn không biết, không hiểu rõ điều này.

Hỏi: Câu hỏi tiếp theo, đệ tử vừa mới bước vào xã hội làm việc, mỗi ngày đi làm, thời gian tu hành vô cùng có hạn, trong tâm phiền não rất nặng, không có cách nào khắc chế. Xin hỏi trong tình trạng thời gian tu hành ít như vậy, phiền não lại sâu nặng thì tiêu trừ nghiệp chướng như thế nào?

 Đáp: Đây là việc khó, khi chưa hiểu Phật pháp thì không biết, hiểu Phật pháp rồi đúng là càng nghĩ càng sốt ruột. Tâm tình này của bạn giống tâm tình của tôi lúc trước, tôi chọn hành động gì? Tôi từ bỏ công việc rồi xuất gia, tôi xuất gia chính là vì nguyên nhân này. Tôi ở dưới hội của thầy Lý, ở đó thầy đã dạy tôi 10 năm, nền tảng của các đồng học đều dày dặn hơn tôi, làm sao tôi có thể đuổi kịp được họ? May mà thầy lên lớp một tuần chỉ có 3 buổi, Thầy là dạy học nhiều năm không gián đoạn. Cho nên tôi đã nghĩ, nếu tôi xuất gia thì mỗi ngày tôi học 3 buổi, tôi chắc chắn hai năm sẽ đuổi kịp, thật sự hai năm đuổi kịp, tôi đã bỏ việc, ngày ngày tôi đi học cái này. Việc này cũng phải có duyên phận, bạn thật sự muốn học như vậy nhưng bạn không tìm ra nơi xuất gia, vì sao vậy? Trong chùa chiền không hoan nghênh hạng người này. Cho nên lúc đó tôi có duyên phận như vậy, trụ trì ngôi chùa này cũng rất trẻ tuổi, còn nhỏ hơn tôi một tuổi, tôi bái thầy làm sư phụ, tôi nói điều kiện này với thầy, Thầy đồng ý. Tôi ở trong chùa không phải làm Phật sự, không phải làm pháp hội, tôi học kinh giáo của tôi, mỗi tháng đến Đài Trung ở một tuần, chi phí đi lại thì thường trụ của chùa cung cấp cho tôi, điều kiện thuận lợi như vậy. Nhưng sau khi thầy ấy rời khỏi chùa, thay đổi trụ trì thì trụ trì mới đổi không đồng ý, tôi không có cách gì, đành phải rời khỏi chùa. Vẫn may mà tôi có giao tình sâu dày như vậy với Đài Trung, thư viện Từ Quang Đài Trung đã thu nhận tôi, tôi ở thư viện làm công quả, dùng thân phận xuất gia để làm công quả. Cho nên không phải là việc dễ dàng, cơ duyên rất hiếm có. Thật sự hạ quyết tâm thì chính mình vẫn có thể chuyển cảnh giới, không phải là không thể chuyển.

Hỏi: Câu hỏi tiếp theo, “Ấn Quang Đại Sư Văn Sao” có một đoạn nói rằng:  “Lần chuỗi niệm Phật chỉ nên làm trong hai lúc đi và đứng. Nếu tĩnh tọa dưỡng thần, do tay động nên thần chẳng an, lâu ngày thành bệnh”. Xin hỏi nếu gõ mõ nhắm mắt thầm tụng kinh điển thì liệu có phải là tay động nên thần chẳng an không?

 Đáp: Bạn phải hiểu là việc gõ mõ, đánh khánh, đánh địa chung, đó không phải là chính mình tu hành, đó là cúng dường đại chúng. Đây là gì? Bạn ở niệm Phật đường làm công quả, đại chúng đang tu hành, không phải bạn tu hành, bạn phải giữ từng nhịp thật rõ ràng để cho họ có trật tự, hòa âm đồng đều, không sai chút nào, vô cùng mạch lạc. Đây là bạn đang tu phước, bạn đang giúp mọi người; khi thật sự tu hành, bạn là thanh chúng, bạn phải buông xuống toàn bộ, thân tâm thanh tịnh. Phật hiệu đều tương ưng với thân khẩu ý, Phật hiệu sinh ra từ trong tâm, niệm từ trong miệng, nghe lọt vào tai, không có tạp niệm, đây là tu hành.

Hỏi: Câu hỏi tiếp theo, xin hỏi lão pháp sư, vì sao muốn rộng khuyên đồng học Tịnh tông toàn cầu cứu trái đất thì trì niệm thánh hiệu Quan Âm, không phải là chuyên niệm A-di-đà Phật? Kinh Vô Lượng Thọ có nói “những thiện nam tử thiện nữ nhân ở thế gian nếu có cấp nạn ngặt nghèo hoảng sợ, chỉ cần hướng tâm về Bồ-tát Quán Thế Âm thì không có nạn gì mà không được cứu thoát”. Đây có phải là vì người không có tín tâm kiên định trì niệm A-di-đà Phật mà nói không?

 Đáp: Bạn là đồng tu Tịnh tông lâu năm, bạn biết rất nhiều thì bạn dùng một câu A-di-đà Phật hồi hướng là được rồi, không cần phải đổi sang niệm Quán Thế Âm Bồ-tát. Nhưng trên thế giới này người học Phật không đến 1 tỷ người, ước tính chung trên toàn thế giới đại khái chỉ có 500 đến 600 triệu người là tín đồ Phật giáo. Trong các tín đồ Phật giáo thì người thật sự tu Tịnh tông niệm A-di-đà Phật, trong tưởng tượng của tôi chỉ có một phần mười, là một phần mười, người niệm Phật trên toàn thế giới chỉ có 50 đến 60 triệu người. Hiện nay thế giới có tai nạn, người không học Phật nhiều, người không học Phật, bạn nói A-di-đà Phật với họ thì họ không tin, bạn nói từ bi, nói tâm yêu thương với họ thì họ gật đầu. Cho nên Phật dạy chúng ta có thể niệm Quán Thế Âm Bồ-tát, có thể thúc đẩy phong trào từ bi, phong trào nhân ái như vậy thì có thể cứu được thế giới, đây là đại từ đại bi, đây là trí tuệ chân thật. Con người không nên dùng tình cảm để làm việc, dùng tình cảm làm việc thì thế giới này sẽ bị hủy diệt. Hiện nay chúng ta xem thấy, đã đến bờ vực hủy diệt rồi, gần đến tận cùng, nếu chúng ta vẫn có nhiều nghi vấn như vậy thì chúng tôi cảm thấy rất bi ai.

Thế giới thật sự còn cứu được không? Biết bao người đưa ra vấn đề này, người không học Phật, người không tin tôn giáo, họ đều cảm thán, thế giới này còn có thể an định hòa bình không? Đây là âm thanh của người trên toàn thế giới. Bạn nghe thấy rồi, bạn có cảm thấy gì không? Cho nên Phật pháp không dễ, có thể tín, có thể giải đâu có dễ, người thật sự có thể tín có thể giải thì đâu có đưa ra vấn đề? Tổ sư của Tịnh tông thường nói, câu Phật hiệu này không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn, chúng ta lại đưa ra vấn đề này để hoài nghi, xen tạp, gián đoạn. Có người tu hành thật sự hay không? Có, người tu hành thật sự đang ở trên núi, họ không có vấn đề. Vì sao vậy? Trong tâm của họ chỉ có một câu A-di-đà Phật, tự hành hóa tha, câu Phật hiệu này niệm tốt rồi thì tự nhiên hồi hướng cho chúng sanh khắp pháp giới, tự nhiên làm lợi ích cho vô lượng chúng sanh.

Hỏi: Câu hỏi tiếp theo, xin hỏi phát đĩa tam thời hệ niệm ở trong nhà, phải nên làm thế nào mới như pháp?

 Đáp: Như pháp hay không như pháp là ở chỗ bạn có tâm cung kính hay không, có tâm chân thành hay không. Nếu có tâm chân thành, có tâm cung kính thì hãy đem nghi thức Tam Thời Hệ Niệm niệm một lượt cho tốt, một mặt niệm một mặt phải tùy văn nhập quán, công đức này thù thắng không gì sánh được. Không thể tùy văn nhập quán mà chỉ y theo văn tự để niệm thì không liên quan gì đến tâm hạnh của chính mình, lợi ích này rất mỏng nhẹ. Chính là nói: bạn nghe mà tâm không hành, thân tâm không đi làm; khi tùy văn nhập quán thì niệm đến cảnh giới trong tâm của họ sẽ chuyển biến, công đức đó lớn, lợi ích chân thật.

Hỏi: Câu hỏi thứ ba mươi ba, có một số người vừa bước vào chùa, thấy thánh tượng của Phật Bồ-tát, đang cung kính lễ bái thì rất khó chịu, luôn muốn khóc, nếu trong tâm có việc thì càng nghiêm trọng hơn, khóc không thành tiếng, nước mắt dàn dụa. Xin hỏi đây là tội nghiệp trong đời trước quá sâu nặng phải không?

 Đáp: Không hẳn như vậy, tội nghiệp đời trước quá sâu nặng thì căn bản không bước vào chùa, bước vào chùa thấy hình tượng Phật Bồ-tát, nghe thấy tiếng niệm Phật Bồ-tát mà cảm động thì đời trước của họ là người tu pháp môn này. Trong a-lại-da thức của họ có những chủng tử này, cho nên vừa tiếp xúc thì bị cảm động, đây không phải là tội nghiệp quá nặng, đây là thiện căn hiển lộ, là nhân duyên được độ.

Hỏi: Câu hỏi tiếp theo, làm thế nào mới có thể buông xuống phân biệt chấp trước?

Đáp: Hôm qua tôi đã giảng qua, phương pháp của người Hawaii cổ xưa, là bảo bạn nói lặp đi lặp lại không ngừng với tất cả người việc vật: “tôi yêu bạn, cảm ơn bạn”, không ngừng nói như vậy thì có thể buông xuống được phân biệt chấp trước của bạn. Trong Phật pháp thì là một câu A-di-đà Phật, bạn có thể không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn, A-di-đà Phật, A-di-đà Phật, A-di-đà Phật, thì có thể buông xuống phân biệt chấp trước, bạn niệm câu A-di-đà Phật này thì được oai thần của Tam bảo gia trì. Nhưng điều này không dễ, vì sao vậy? Vì có hoài nghi, xen tạp, gián đoạn, rất khó làm được, có thể làm được thì buông xuống sẽ vô cùng nhanh.

Hỏi: Liên quan đến câu “thấy việc nghĩa dũng cảm mà làm, giúp người là niềm vui” có một số nghi vấn, họ đưa ra ba điều, thứ nhất, nhìn thấy kẻ trộm đang ăn cắp nơi công cộng, hoặc cướp tài sản của người khác, liệu có cần phải ra ngăn cản không? Nếu bước ra ngăn cản thì lại lo sức mình không đủ, kẻ trộm đánh lại khiến mình bị thương, lúc này làm thế nào mới đúng?

Đáp: Bạn có thể không cần phải ngăn chặn, bạn nhìn thấy thì hãy nói to ra “nơi này có kẻ trộm, mọi người hãy đề phòng”. Bạn kêu lên mấy tiếng, âm thanh lớn một chút thì họ sẽ không dám ra tay, có phương tiện khéo léo. Cho nên nhà Phật nói phương tiện, phương tiện này chính là phương pháp phù hợp nhất, hai bên đều không bị tổn hại, kêu như vậy thì kẻ trộm có tâm cảnh giác, không dám ra tay. Người khác cũng không biết ai là kẻ trộm.

Hỏi: Thứ hai, nhìn thấy người khác hoặc tài sản quốc gia sắp hoặc đang bị tổn hại lớn, ví dụ như thấy người đuối nước hoặc hỏa hoạn mà chính mình lại không biết bơi, hoặc không có năng lực cứu hỏa, nếu thật sự đi cứu giúp thì có thể không những không cứu được mà trái lại còn tổn hại đến chính mình, mà không cứu thì lương tâm lại bất an, gặp tình huống như vậy thì phải nên làm thế nào?

Đáp: Vấn đề không ở bên ngoài, vấn đề ở trong nội tâm. Nhìn thấy những vấn đề này, đây đều là đang nhận giáo dục, giáo dục có chánh diện, có phản diện. Chánh diện là để cho chúng ta học tập, phản diện là để chúng ta cảnh giác, giúp chúng ta nhìn thấy nhược điểm của mình mà sám hối và sửa lỗi đổi mới. Nhìn thấy vấn đề của xã hội, vấn đề của quốc gia thì chính chúng ta phải tu hành thật tốt, như lý như pháp, cá nhân thì làm ra tấm gương tốt nhất cho cá nhân, gia đình thì làm ra tấm gương tốt cho tất cả gia đình. Nếu bạn có công ty cửa hiệu thì công ty cửa hiệu cũng phải làm thành tấm gương tốt cho công ty cửa hiệu khác, đó chính là giúp xã hội hóa giải vấn đề, giúp đất nước hóa giải vấn đề. Nói chung phải tự mình đích thân nỗ lực làm, nếu không thì bạn nói không có tác dụng, nói không có ai nghe, không có ai tin. Cách làm như thế nào? Bạn xem vua Thuấn thời xưa chính là tấm gương tốt nhất, hiếu thuận cha mẹ, yêu thương anh em, giúp đỡ hàng xóm láng giềng, xả mình vì người, được mọi người trong xã hội tán thán, như vậy tự nhiên sẽ cảm hóa được một phương, đây là phương pháp giải quyết vấn đề.

Hỏi: Sau cùng họ lại hỏi, ra khỏi cửa thường gặp người ăn xin, không dễ phân biệt rõ những người này là thật sự cần hay là lấy việc này làm thủ đoạn kiếm tiền, gặp phải tình huống này thì bố thí tốt hơn hay là không bố thí tốt hơn? Thỉnh thoảng tùy ý bố thí một chút, thỉnh thoảng lại không bố thí, bố thí rồi lại cảm thấy chính mình bố thí quá ít, không bố thí thì lương tâm lại cảm thấy bất an, gặp phải tình huống như vậy, phải nên làm thế nào mới như pháp?

  Đáp: Đây đều là do tâm của chính mình không thanh tịnh, tâm không chân thành, nếu là tâm chân thành thanh tịnh thì bạn sẽ không cần suy nghĩ xem họ là thật hay giả, tâm của bạn đã an rồi. Nếu không thì bất an là gì? Là do nghi ngờ của bạn khiến tâm bạn bất an. Nghi ngờ của bạn là phiền não tâm sở, không phải là chân tâm, trong chân tâm không có nghi ngờ. Cho dù sử dụng thủ đoạn này để kiếm tiền thì có nên cho họ không? Cũng nên cho họ, bạn phải để cho họ dần dần thức tỉnh lương tâm và quay đầu. Trước đây khi tôi giảng kinh đã từng giảng qua mấy lần về câu chuyện của pháp sư Đạo An, tôi học được ở ngài một chiêu, rất cừ khôi, tín đồ lừa ngài, ngài làm thế nào? Ngài cứ cho, mỗi lần đến lừa đều cho. Người lừa đảo ngài không biết, cho rằng lão hòa thượng không biết gì, mỗi lần đều bị lừa, họ tự cho mình thông minh. Họ là đệ tử quy y của lão hòa thượng. Buổi sáng nọ tôi đi thăm pháp sư Đạo An, gặp lão hòa thượng, lão hòa thượng hỏi tôi, ngài hỏi có một người nào đó vừa mới đến lừa ta, đi rồi, ông có nhìn thấy họ không? Tôi nói nhìn thấy, gặp họ ở cổng chính, khi tôi bước vào thì họ đi ra. Ngài nói hôm nay lại đến lừa ta, ngài có đưa cho họ không? Cho họ rồi. Lão hòa thượng hay! Đến khi nào họ biết mỗi lần lừa lão hòa thượng, Lão hòa thượng đều biết cả, người ta sẽ thức tỉnh lương tâm, sẽ quay đầu là bờ. Lão hòa thượng không vạch trần họ, đây là độ chúng sanh, lợi ích chúng sanh. Để cho lương tâm của chính họ thức tỉnh, tự mình quay đầu, đây gọi là phương tiện, khéo léo. Cho nên đừng hoài nghi, người ăn xin trên thế gian này, bạn hoài nghi họ làm gì? Hoài nghi thì dứt khoát không cho, cho rồi thì không hoài nghi.

Ngoài ra còn có một ví dụ, pháp sư Đàm Thiện ở Singapore, vãng sanh rồi. Pháp sư này chân thật là lấy khổ làm thầy, thầy ấy ở một tinh xá nhỏ, tôi chưa qua, tôi từng gặp thầy mấy lần, đều ở miếu Thành Hoàng. Thầy ở miếu Thành Hoàng mở một sạp hàng nhỏ, bán tiền vàng, bán nhang đèn, những thứ đó giá chỉ một đồng, hoặc mấy hào, thầy cứ vậy mà gom góp. Đời sống của chính mình, thầy ăn uống vô cùng đơn giản, chỉ một món, thật sự là lấy khổ làm thầy; thầy uống nước thì dùng cốc giấy lấy nước máy uống; Singapore bốn mùa đều là mùa hè, quần áo đều vô cùng đơn giản. Chúng tôi đến là khách quý, vì là khách quý nên thầy mới tiêu một hai đồng để mua một chai nước suối, đây là thầy chiêu đãi khách quý. Nhưng thầy thật sự có tiền, thầy giữ không ít tiền, có những ngôi chùa, đạo tràng đến thỉnh thầy đi giúp, thầy vô cùng hào phóng rộng lượng. Tôi nghe nói một người, tôi vẫn chưa gặp mặt họ, là ở San Francisco, “Đại Giác Liên Xã” ở San Francisco, lúc đó có cơ hội mua một nơi để làm một đạo tràng vĩnh cửu. Pháp sư Đàm Thiện là người Phúc Châu, nhóm kia cũng là đồng hương, đã bàn với thầy về việc này, mua một căn nhà cần 700.000 đô-la Mỹ, bản thân họ chỉ quyên góp được 300.000, lão hòa thượng rất hoan hỷ lập tức lấy ra 400.000. Cả đời chính là vô cùng hào phóng giúp người như vậy, từ trước tới nay chưa từng keo kiệt. Sau khi đưa tiền rồi thì thầy chỉ nói một câu “nhân quả của ai, người đó tự chịu”, từ đó về sau không hề hỏi qua. Cho nên tâm của thầy thanh tịnh, thầy không có phiền não. Các vị làm như thế nào là nhân quả của các vị, tâm của tôi phát ra là thiện tâm, không liên quan đến tôi, đây là chính xác, vĩnh viễn giữ gìn tâm chân thành, thanh tịnh, từ bi của chính mình. Bạn có những nghi ngờ này là tâm chân thành của bạn không có nữa, tâm từ bi của bạn không có nữa, cho nên những gì bạn làm đều không như pháp, cho thì không như pháp, không cho thì cũng không như pháp.

Hỏi: Điều sau cùng, nguồn gốc của thần thông là gì? Vì sao không có cách gì phân biệt thần thông của Phật và ma?

 Đáp: Thần thông là năng lực, từ trên thần thông mà nói không có cách gì phân biệt được Phật và ma. Thần thông là bản năng của tự tánh, chúng ta mê mất tự tánh, khôi phục lại một chút năng lực nhỏ thì có ba loại lớn, một loại là báo đắc, bạn nói xem người chết rồi, người chết rồi đến cõi quỷ, cõi quỷ là thần thông báo đắc, cõi trời là thần thông báo đắc, bạn vừa sanh lên trời, vừa biến thành ngạ quỷ thì lập tức đầy đủ năm loại thần thông, đây gọi là báo đắc.

Một loại khác là tu đắc, đều là tu thiền định, tu tâm thanh tịnh, có thể khôi phục thần thông, sự khôi phục đó lớn hay nhỏ là do định công của bạn sâu hay cạn. Chúng tôi từng nói rất nhiều lần, bạn chứng quả Tu-đà-hoàn thì khôi phục được hai loại, thiên nhãn và thiên nhĩ; bạn chứng được quả vị thứ hai là Tư-đà-hàm thì lại có hai loại là túc mệnh và tha tâm; bạn chứng đến quả vị thứ ba, lại khôi phục một loại là thần túc, thần thông biến hóa; chứng đến quả vị A-la-hán thì lậu tận thông xuất hiện. Lậu tận thông là gì? Chính là chấp trước đoạn sạch sẽ, không còn kiến tư phiền não, không còn lục đạo luân hồi nữa, bạn thoát khỏi tam giới, bạn đến tứ thánh pháp giới, Thanh văn, Duyên giác.

Phương pháp đắc thần thông thứ ba là dùng thuốc thang, điều này gần như là gì? Tiên đạo, ma đạo, có dùng phương pháp thuốc thang, giúp bạn khôi phục, năng lực này đều không lớn lắm. Biết tương lai, đại khái sự việc trong vòng ba tháng, sẽ rất chính xác, nói ngoài ba năm trở lên thì không đáng tin.

Ngoài ra chính là có linh quỷ gia trì cho bạn, loại thần thông này không phải là của chính bạn, là linh quỷ dựa vào thân của bạn, họ rời khỏi thì không có nữa. Giống như ông Casey ở nước Mỹ, đó là linh quỷ dựa thân. Việc này rất phổ biến, chúng tôi gặp được rất nhiều, linh quỷ dựa thân, linh quỷ rất tốt, linh quỷ rất thiện thì họ đến để truyền các tin tức cho bạn, đặc biệt là tin tức về tai nạn, tin tức về bệnh tật, để bạn biết mà đề phòng. Linh quỷ ác thì họ sẽ trêu chọc bạn, họ sẽ khiến bạn chịu khổ chịu nạn, việc này cũng rất khó nói.

Cho nên riêng từ trên thần thông mà nói thì ma và Phật không thể phân biệt, cho nên Phật không dùng thần thông để làm Phật sự, nếu dùng thần thông để làm Phật sự thì ma cũng có thể giả làm Phật, vậy thì bạn không có cách gì phân biệt. Ma vương lớn thì thần thông quảng đại, bạn xem  kinh Lăng Nghiêm thì xem thấy, cho nên Phật dùng dạy học, ma không thể dạy học, ma không hiểu những đạo lý này, họ có phép thuật. Cho nên Phật tuyệt đối không dùng thần thông để làm Phật sự, nhất định phải biết điều này. Phật Bồ-tát thị hiện thần thông, nếu bị lộ thân phận thì các ngài lập tức đi ngay, nhất định không ở lại thế gian; thân phận bị bại lộ rồi mà còn ở thế gian này thì chắc chắn là giả, không phải là thật.

Hôm nay thật hiếm có, đã hết thời gian rồi, những câu hỏi này toàn bộ đều được giải đáp cả.

Trả lời 0