Khai thị đối với đại chúng
chùa Cực Lạc – Đài Nam
Chủ giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không
Giảng ngày: 01-11-2018
Giảng tại: Chùa Cực Lạc, Đài Nam, Đài Loan.
Chuyển ngữ: Thích Thiện Trang.
Kính thưa chư vị pháp sư, chư vị đại đức,
chư vị đồng học. Kính chúc mọi người buổi sáng tốt lành. Hôm nay, chúng ta có
duyên rất là thù thắng, có cơ hội này gặp gỡ vào sáng nay ở nơi đây. Mọi người
muốn tôi nói vài lời, tôi cũng rất hoan hỷ.
Tôi sẽ đàm đạo với chư vị bốn chữ, có
quan hệ rất lớn đối với sự học Phật thành tựu hay không của chúng ta. Chữ thứ
nhất là tín “tín tâm”, chữ thứ hai là giải,
chữ thứ ba là hành và chữ thứ tư là chứng, tín giải hành chứng, bốn chữ này.
Chúng ta đã tin Phật rồi, nhưng niềm tin này là thật hay giả? Tin thật thì sẽ
thành tựu, giả tin thì đời này không thể thành tựu, chỉ là kết duyên với Phật
mà thôi. Duyên này rất thù thắng, tuy nhiên đời này không thể thành tựu, nhưng
làm thành nhân duyên của đời sau kiếp sau, rồi rốt cuộc có một đời một kiếp quý
vị sẽ thành tựu. Thời gian dài ngắn thì chúng ta không thể biết được, đương
nhiên tốt nhất là đời này chúng ta đầy đủ bốn chữ ấy.
Làm thế nào để kiến lập tín tâm? Đặc biệt
là trong thời đại hiện nay, rất khó! Chúng tôi thấy nhiều đồng tu học Phật rất
nghiêm túc, xuất gia rồi, xa cách một hai năm, nghe nói họ lại hoàn tục rồi, họ
lại thay đổi cách tu của họ, có niệm Phật, có trì chú, có học giáo. Vậy thì
không có cách nào thành tựu ngay trong đời này, từ đầu đến cuối nhất môn thâm
nhập, vậy thì có thành tựu. Nếu như học quá nhiều quá tạp, thì niềm tin của
chính mình dần dần tan mất, đến sau cùng một chút thành công cũng không có. Điều
này không thể không chú ý, tín không dễ dàng. Thành tựu của Tịnh-độ-tông là dựa
vào ba chữ: Tín, Nguyện, Hạnh. Đầy đủ ba chữ ấy, thì quyết định đời này quý vị
sanh Tịnh-độ, quá thù thắng, quá dễ dàng, quá đơn giản rồi! Với pháp môn này sợ
rằng quý vị có hoài nghi, thì đem cơ hội bỏ lỡ rồi. Nếu như không có hoài nghi,
một mạch thẳng tiến, thì đời này quý vị quyết định vãng sanh thành Phật, vãng
sanh đến thế giới Cực Lạc là không khác với thành Phật. Đến được Thế giới Cực Lạc,
tức là đầy đủ trí huệ đức tướng của Như Lai, chính là có năng lực giáo hoá
chúng sanh như Bồ-tát Quán Âm, Bồ-tát Thế Chí. Vấn đề này có quan trọng hay
không? Quan trọng rất lớn.
Pháp môn này khó tin. Lúc trẻ, tôi cũng
tiếp xúc với tất cả các tôn giáo, nhưng tôi không tin, đặc biệt là đối với Phật
giáo càng khó hơn. Vì sao vậy? Những tôn giáo khác từ ngoại quốc truyền đến, họ
có giáo hội ủng hộ. Tôi cũng tham gia, cũng đi xem thử. Khó khiến tôi tin tưởng
nhất là Phật giáo. Vì những điều Phật giáo bày ra trước mắt là mê tín, không
khác những nhà quỷ thần, nên rất khó bảo người tin tưởng. Làm sao tôi tin được?
Vì khi tôi học Triết học với Tiên sinh Phương Đông Mỹ, thầy Phương đem Phật
giáo giới thiệu cho tôi, tôi từ đó mà nhập môn. Ngài dạy Triết học cho tôi, đã
giảng về Nho Thích Đạo. Ngài nói với tôi: “Triết học Kinh Phật là đỉnh cao của Triết
học trên toàn thế giới”, tôi từ triết học mà nhập môn. Là triết học của Kinh Phật.
Sau đó, tôi rất để ý xem: lão sư Phuơng là học Phật thật hay giả, vì ngài không
có đến chùa miếu, nhưng ngài đọc Đại Tạng Kinh. Chúng tôi mỗi tuần gặp mặt một
lần, không phải ở trên lớp học mà tại nhà của ngài. Mỗi tuần học một buổi, từ
chín giờ rưỡi đến mười một giờ rưỡi, là hai tiếng đồng hồ.
Tôi quen biết với ngài là do tôi tự giới
thiệu, tự mình đề cử. Tôi xem lý lịch của ngài, biết ngài là người Đồng Thành,
cách nhà tôi đại khái khoảng 50km, rất gần, là mối quan hệ đồng hương. Ngài là
một nhà triết học nổi tiếng, ngài đã dạy cho tôi một bộ Triết học Khái Luận,
chia ra làm năm mục, mục cuối cùng là Triết học Kinh Phật, tôi nhập môn từ đó.
Tôi hỏi ngài: Phật giáo là tôn giáo, mà tôn giáo là mê tín, thì trong đó làm gì
có Triết học chứ? Tôi nhớ năm đó là tôi 26 tuổi. Ngài nói với tôi: Anh còn trẻ,
anh không biết, Thích Ca Mâu Ni là nhà Triết học vĩ đại nhất thế giới. Thầy
Phương đã giới thiệu như vậy cho tôi, tôi nữa tin nữa nghi. Ngài nói với tôi: Triết
học Kinh Phật là đỉnh cao của Triết học trên toàn thế giới. Mỗi tuần tôi đến
nhà của thầy để học, xem thấy trên bàn của thầy luôn luôn có Kinh Phật, tôi mới
dần dần sanh ra được một chút niềm tin. Ngài đang là một nhà đại Triết học mà
trên bàn của ngài luôn luôn có Kinh Phật, nhất định có. Ngài thật làm, thật đọc,
thật nghiên cứu, thật hạ thủ công phu. Vậy thì lời ấy không thể là giả được.
Nên tôi đối với Phật pháp coi như là một môn đại học vấn, từ đó mà kiến lập niềm
tin. Đó là chuyện của sáu mươi năm về trước.
Hiện nay, tôi làm việc tại Liên Hợp Quốc, làm việc với ai? Với Đại
sứ của mỗi quốc gia tại Liên Hợp Quốc, tôi làm việc với họ. Chúng tôi chính thức đi vào Liên Hợp Quốc, là
một đơn vị của Liên Hợp Quốc. Văn phòng của Liên Hợp Quốc rất khó mà đến được,
nhưng Liên Hợp Quốc đến tìm tôi, vì những việc làm của chúng ta trong khoảng mười
năm gần đây. Họ thấy ra tôn giáo của chúng ta là giáo dục, cùng một tôn chỉ với
họ, chương trình không có mâu thuẫn, hoàn toàn tương ưng. Tổ chức UNESCO gồm ba
mảng: thứ nhất là giáo dục, thứ hai là khoa học, thứ ba là văn hoá. Tất cả ba
môn đó trên toàn thế giới, thành lập thành một tổ chức nhỏ tại Liên Hợp Quốc
chính là tổ chức UNESCO. Chúng tôi là một đơn vị ở trong tổ chức ấy. Chúng tôi
cảm nhận được rất sâu sắc, đây là đức của tổ tông, sự gia trì của Tam Bảo, nên
mới có được cơ duyên này. Nhiệm vụ là gì? Là đoàn kết tất cả tôn giáo trên toàn
thế giới, hoá giải xung đột, hoá giải đối lập. Tôi hy vọng: thật sự làm được
đoàn kết tôn giáo, giúp xã hội khôi phục an định hài hoà.
Cho nên chúng tôi cùng với các Đại sứ tại Liên Hợp Quốc, là bàn bạc
thảo luận về chuyện gì? Là về giáo dục tôn giáo. Trung Quốc không có tôn giáo,
có Nho Thích Đạo. Tất cả Nho Thích Đạo đều giảng về luân lý, giảng về đạo đức,
giảng về nhân quả. Nên có thể khôi phục Nho Thích Đạo, thì có thể khôi phục lại
được: trật tự, sự tôn quý đạo đức của khu vực Thái Bình Dương. Phật giáo cũng
bao gồm ở trong đó. Giáo dục tôn giáo sẽ bổ sung những chỗ còn thiếu của giáo dục
xã hội.
Những năm gần đây chúng ta giao lưu cùng với tôn giáo phương Tây
khá nhiều, chúng ta cũng hướng họ học tập, lý giải sâu thêm một chút. Cho nên
Liên Hợp Quốc tìm tôi. Tôi tin tưởng đó là sự an bài của tổ tông và sự gia trì
của Tam Bảo, khiến chúng tôi có cơ hội này, giúp đỡ những tôn giáo trên toàn thế
giới trở về với giáo dục. Hy vọng những đồng học hoằng dương tôn giáo của chúng
ta, bất kể là tại gia hay xuất gia, điều đầu tiên là phải nâng cao trình độ học
vấn của chính mình. Vì ở Châu Âu hiện nay, họ rất coi trọng việc này, Linh mục,
Mục sư đều có bằng đại học, bằng tiến sĩ, đều có thân phận là giảng viên đại học,
nên chúng ta phải đi con đường đó. Chúng ta cũng bắt đầu có vài vị Pháp sư làm
nhiệm vụ giảng dạy tại Học viện Hán học nước Anh, họ có được học vị, có tư cách
của giảng viên, chúng ta cũng dẫn đầu để làm.
Phải đọc Kinh, phải nương theo những Kinh điển mà Phật đã dạy để
thâm nhập. Kinh điển là quá phong phú, quá nhiều rồi! Như Đại Tạng Kinh mà cả đời
này học cũng không hết được. Vì vậy chỉ học một hoặc hai môn, học vài bộ Kinh,
nghiên cứu cả đời, làm chuyên gia, không làm thông gia. Thông gia là tất cả đều
thông, như vậy rất khó, chúng ta làm không được. Nhưng chuyên công với một bộ
Kinh thì chúng ta có thể làm được. Kinh Vô Lượng Thọ, dùng một năm nghiên cứu từ
đầu đến cuối qua một lần, ba năm thì ba lần, mười năm là mười lần. Mười năm đem
Kinh Vô Lượng Thọ nghiên cứu mười lần, giảng giải mười lần, thì quý vị chính là
Vô Lượng Thọ Phật, quý vị chính là Đại đức của Tịnh-tông. Tôi hy vọng đồng học
chúng ta đi con đường đó.
Gian khổ là không thể tránh khỏi, không chịu những gian khổ đó, thì
làm sao chúng ta đạt được Thật quả. Nên chúng tôi hy vọng làm cho Tịnh-tông
hưng thịnh, vì sao vậy? Vì Tịnh-tông là pháp môn đệ nhất mà Như Lai truyền lại,
cần phải biết đều này, chỉ có pháp môn này, thì người người có nắm chắc một đời
thành tựu. Còn tham thiền, thì chúng ta có nắm chắc được khai ngộ hay không? Lắc
đầu, không dám chắc. Có biện pháp nào minh tâm kiến tánh hay không? Không dám
nói. Những tông phái khác, thông thường một tông có Kinh, có Luận, có báo cáo học
tập của Tổ sư Đại đức. Những báo cáo đó chính là trước tác mà các ngài để lại,
rất khó rất sâu, không dễ lĩnh hội. Khi trẻ, tôi không biết, không biết sâu cạn.
Ban đầu từ Kinh Luận Đại-thừa mà nhập môn, tôi đã giảng Kinh Hoa Nghiêm, Kinh
Pháp Hoa đó là những Kinh điển nổi tiếng của những đại tông phái. Đến năm 85 tuổi
thì quay đầu, vì sao vậy? Vì một chút nắm chắc cũng không có, chỉ là một môn học
vấn mà thôi. Quay đầu lại, đem Kinh Hoa Nghiêm buông xuống, buông xuống Kinh
Pháp Hoa, cũng buông xuống Duy thức, tôi chuyên tu Tịnh-độ. Tôi cùng một dòng
phái với lão sư Lý Bỉnh Nam, lão sư Lý là thân cận với Đại sư Ấn Quang, đó là mối
truyền thừa từ trên xuống dưới. Đại sư Ấn Quang truyền cho lão Cư sĩ Lý Bỉnh
Nam, thầy Lý Bỉnh Nam truyền lại cho tôi, là một mạch truyền thừa.
Nếu quý vị hỏi tôi: “Niệm Phật có nắm chắc vãng sanh hay không?”
Tôi nói với quý vị: “Có, có nắm chắc vãng sanh”, khi đã diện kiến A Di Đà Phật
thì học bộ Kinh Luận lớn nào cũng được. Vì sao vậy? Vì vô lượng thọ! Thọ mạng
vô lượng, lại còn có A Di Đà Phật là vị thầy giỏi, Ngài sẽ không dạy quý vị đi
đường vòng. Nên muốn học Đại Kinh Đại Luận thì đến Thế giới Cực Lạc mà học,
không phải học tại nơi đây. Ở nơi này, tôi chỉ nắm giữ Thế giới Tây Phương Cực
Lạc. Cho nên tôi có tín, tôi có nguyện, tín với nguyện là vĩnh hằng, sẽ không
thoái chuyển nữa. Đối với Kinh Luận Tịnh-tông, tôi đã giảng qua không ít, đã giảng
qua Kinh Vô Lượng Thọ năm lần, lý giải đối với Kinh ấy, đó là điểm nương tựa của
niềm tin. Vì sao tin tưởng? Vì có truyền thừa của tổ tông, có thâm nhập của
Kinh điển. Kinh điển cùng với sự truyền thừa của các đời Tổ sư, chúng ta có thể
lấy ra làm tốt hơn, có thể lấy làm y cứ. Lời của lịch đại Tổ sư là chân thật,
không có vọng ngữ. Ngàn vạn lần chúng ta không nên để lỡ qua cơ hội này.
Hành môn chính là một câu Phật hiệu A Di Đà Phật, hy vọng niệm đến
suốt cả ngày đêm không có gián đoạn Phật hiệu, bất kể là ở nơi đâu trong tâm
luôn Nam Mô A Di Đà Phật. Chúng ta chỉ một phương hướng, một mục tiêu, nhất định
đến Thế giới Cực Lạc, nhất định thấy A Di Đà Phật. Niệm Phật là hành. Nên có giải,
có tín, có hành, khi nào vãng sanh? Hôm nay, tôi đây nói với quý vị đồng học lời
trọng điểm quan trọng nhất là: Tùy lúc có thể vãng sanh! Chỉ có một pháp môn
này thôi. Những môn khác đều cần rất nhiều thời gian, phải tích luỹ công đức,
chỉ có pháp môn này là không cần. Tín, nguyện, trì danh. Trên Kinh nói rất rõ
ràng, hơi thở sau cùng lúc lâm chung là A Di Đà Phật thì được vãng sanh.
Hiện nay, thiên tai tai nạn trên thế giới rất nhiều, mặc dù chưa phải
là đao binh kiếp của nhân loại. Đài Loan chúng ta thuộc khu vực vành đai động đất,
chịu động đất nhiều, nhiều bão lớn, khu vực rất không ổn định. Từ Bắc đến Nam:
Đài Loan, Hồng Kông đều thuộc khu vực đó. Nếu như chúng ta nắm chắc một câu A
Di Đà Phật này, thì không sợ nữa, dù bão đến, xảy ra động đất, thì chúng ta đến
thế giới Cực Lạc. Vấn đề là có thật hay không? Thật. Có nắm chắc hay không? Có
nắm chắc, quyết định nắm chắc. Chỉ cần quý vị có quyết tâm như vậy, thì có chắc
chắn rồi.
Kinh thì chỉ một bộ Kinh, chúng ta dùng bản hội tập của lão Cư sĩ Hạ
Liên Cư. Bộ Kinh đó là bản hội tập, là năm xưa khi tôi ở Đài Trung với lão sư
Lý, Ngài đã tặng cho tôi. Sau khi tôi xem qua, vô cùng hoan hỷ, đã giảng năm lần.
Kinh thì nương tựa vào một bộ. Với Luận thì dùng Luận mà Tổ sư Đại đức đã truyền.
Mọi người phải nghiêm túc học tập Ấn Quang Đại Sư Văn Sao, là thù thắng hơn tất
cả, hãy đọc bộ sách ấy, hãy đọc Văn Sao, sẽ giúp đỡ cho tín nguyện hạnh của
chúng ta. Ở trong đó, có rất nhiều khai thị quan trọng, cần phải nghiêm túc học
tập, không được lơ là.
Về thực hành thì học theo lão Hoà Thượng Hải Hiền, ngài không biết
chữ, chưa từng đi học, một câu A Di Đà Phật niệm cả đời, 112 tuổi vãng sanh. Ngài
biết trước ngày giờ, thật sự là vãng sanh thượng-thượng-phẩm. Đó là tấm giương
cho chúng ta. Khi ngài xuất gia, sư phụ ngài chỉ dạy ngài một câu Nam Mô A Di
Đà Phật, căn dặn ngài hãy một mạch mà niệm, khi sáng tỏ rồi thì không nên nói,
không nên giảng, khi tới lúc Phật sẽ tiếp dẫn con. Ngài làm được rồi. Ngài là tấm
giương tốt cho chúng ta. Còn một tấm giương tốt nữa, ở vùng Đông Bắc, là chị
gái của cô Lưu Tố Vân, chỉ một tháng thì vãng sanh. Cô ấy là phát nguyện cầu
vãng sanh, chỉ qua một tháng thì A Di Đà Phật đến tiếp dẫn cô, đó đều là tự tại
vãng sanh. Làm chứng minh cho chúng ta: tuỳ lúc có thể đi được. Chị gái cô ấy
làm ra tấm giương được quá hay. Đặc biệt là trong lúc địa cầu nhiều thiên tai,
nhiều tai nạn, chúng ta muốn vãng sanh lúc nào thì vãng sanh lúc đó. Tập sách
nói về cô ấy lưu thông rất rộng, rất dễ dàng tìm thấy, ở bên chúng tôi cũng có.
Hôm nay, tôi cống hiến cho đồng tu chúng ta mấy lời này thôi, cám
ơn mọi người!