Responsive Menu
Add more content here...

Khai Thị Tế Tổ Đông Chí ngày 23/12/2018 – Hòa thượng Tịnh Không

VẠN PHÁP DUY TÂM TRIỆT BẢN NGUYÊN

CHÚNG SANH NHẤT THỂ QUY TỊCH QUANG

Khai thị TẠI ĐẠI LỄ ĐÔNG CHÍ TẾ TỔ

HOẰNG HIẾU BÁO ÂN DÂN TỘC NĂM 2018

Chủ giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không

Giảng ngày: 23/12/2018

Giảng tại: Chùa Cực Lạc, Đài Nam, Đài Loan.

Chuyển ngữ: Thích Thiện Trang.

 

        Kính thưa Hòa thượng chủ pháp, chư vị khách quý, chư vị Đại đức, chư vị đồng học. Kính chào mọi người!

Hôm nay, ở nơi đây chúng ta tổ chức “Đại Lễ Đông Chí Tế Tổ Hoằng Hiếu Báo Ân Dân Tộc Trung Hoa 2018”. Đồng tu các nơi về đây để cùng dự sự kiện lớn này, dùng tâm chân thành cung kính để tưởng nhớ và lễ cúng lịch đại tổ tiên, cha mẹ, sư trưởng. Đó là nhân duyên thù thắng vô cùng đáng quý.

Những năm gần đây, mọi người cảm nhận được sâu sắc, thảm họa dồn dập ở các nơi trên thế giới, thiên tai nhân họa không ngừng, gần đây phát sinh nghiêm trọng như: hỏa hoạn, động đất, sóng thần, bão tố, gió lốc, đã gây ra tổn hại rất lớn đối với sự an toàn của con người và tài sản vật chất. Rốt ráo thì những thảm họa đó từ đâu mà đến? Kinh Phật nói: Là do tham sân si của chúng ta mà chiêu cảm ra. Người có tham, sân, si, thì sẽ có nạn nước, nạn lửa, nạn gió, các tai nạn khác. Tức giận căm thù thì cảm nạn lửa, nạn lửa có thể thiêu rụi đến trời sơ-thiền; Tâm tham thì cảm nạn nước, có thể ngập đến trời nhị-thiền; Ngu si cảm ứng nạn gió, có thể thổi tan trời tam-thiền. Còn trời tứ-thiền là ‘bất động thiên’, quên cả hai thứ khổ vui, là xả niệm thanh tịnh, tâm như gương sáng không động, vì vậy không có tam tai.

Do đó có thể biết rằng, bệnh tật và tai nạn đều là do ý niệm bất thiện, hành vi bất thiên của nhân loại, mà chiêu cảm ra. Nếu muốn tránh khỏi, chỉ có đoạn ác tu thiện, tâm hạnh tịnh thiện, thì sẽ không bị những thảm họa ấy. Kinh Vô Lượng Thọ nói: 身行所作,心自趣向“thân hạnh sở tác, tâm tự thú hướng”(Việc làm của thân, bởi tâm dẫn hướng). Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, y chánh trang nghiêm của mười pháp-giới đều là do từ tâm mà sanh ra. Một niệm sân giận, thì là địa ngục; từ bi hỷ xả, thì là thiên đường; cho đến chư Phật và cõi Tịnh-độ chư Phật, cũng đều là duy tâm sở hiện, duy thức sở biến. Tạo tác của thân khẩu ý chúng ta, sinh ra nghiệp thiện ác, nên nghiệp là do tâm mà sanh, cho nên nói ‘bởi tâm dẫn hướng’.

Thời cận hiện đại có rất nhiều nhà khoa học cũng đang truy tìm bí ẩn của vũ trụ, rốt cuộc vũ trụ là từ đâu mà đến? Đây là vấn đề mà nhân loại cùng quan tâm. Nghiên cứu của khoa học hiện đại bao gồm cả đại vũ trụ của thế giới vĩ mô, cùng với vật chất duyên khởi của thế giới vi mô, sau này là lĩnh vực nghiên cứu của cơ học lượng tử. Chúng ta biết rằng, trong kinh Phật có một danh từ gọi là ‘sắc-tụ-cực-vi’, sắc là vật chất, cũng chính là lạp tử, hạt quark (hạt vi lượng) mà nhà khoa học đã nói. Lại phân tích sắc-tụ-cực-vi thành cực-vi-sắc, đó là nhỏ trong cực nhỏ, không thể phân chia được nữa. Nhà khoa học hiện nay cũng phát hiện rồi, gọi là neutrino (vi trung tử), thể tích một hạt neutrino này là bằng một phần mười tỷ (1/1010) của điện tử, đó là đơn vị nhỏ nhất của vật chất cơ bản. Sau khi nhà khoa học đã phát hiện ra hạt neutrino, lại phá nó ra, phát hiện không còn vật chất nữa, mà đó gọi là gì? Là hiện tượng chuyển động sóng của ý niệm. Phát hiện này đã vạch trần bí mật của vật chất, vật chất là giả chứ không phải thật, là ảo tướng do ý niệm sản sinh ra.

Trong kinh điển Phật dạy chúng ta, vũ trụ này từ đâu mà đến? là do chân-tâm chúng ta sở hiện, vọng-tâm chúng ta sở biến. Kinh Hoa Nghiêm nói: 若人欲了知,三世一切佛。應觀法界性,一切唯心造“Nhược nhân dục liễu tri, tam thế nhất thiết Phật, ưng quán pháp-giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo”(Nếu người muốn biết rõ, tất cả Phật ba đời, nên quán tánh pháp-giới, tất cả do tâm tạo), lại nói: 心造諸如來“Tâm tạo chư Như Lai”(Tâm tạo các Như Lai). Triều Đường, khi Lục tổ Đại sư Huệ Năng đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh cũng nói: “Nào ngờ tự-tánh, năng sanh vạn pháp”. Chân-tâm là chân-như, bản-tánh, là tự-tánh. Nó không nơi nào mà không có, không lúc nào mà không có, Triết học gọi là bản-thể của vũ trụ vạn hữu. Tất cả cõi nước chư Phật, đại thiên thế giới trong ba đời mười phương, không có một pháp nào không phải là duy tâm sở hiện, duy thức sở biến. Do đó, thọ dụng của ta và thọ dụng của họ, đều là do tự-tánh biến hiện ra, ta và họ là một chẳng phải hai, vì tự-tánh là một thể. Vạn sự vạn vật trong vũ trụ vốn là cùng một thể với chính chúng ta, khắp pháp-giới hư không giới là một thể, đều là do chân-tâm hiện ra.

Chúng ta đã hiểu rõ chân tướng sự thật vũ trụ là một thể, thì mở rộng tâm lượng ra, ‘tâm bao thái hư, lượng chu sa giới’, tức là có thể bao dung vạn sự vạn vật của hư không pháp-giới. Tại sao vậy? Vì là một thể. Tôi yêu thân thể của chính mình, tôi cũng yêu trời đất vạn vật. Trong sách Đệ Tử Quy nói: “Phàm là người, đều phải yêu, trời cùng che, đất cùng chở”, tình yêu lớn này là một thể chứ không phải hai, là bình đẳng với ái của ‘Lễ kính chư Phật’ trong Thập đại nguyện vương của Bồ-tát Phổ Hiền, không hai không khác với tình yêu vị tha của “Thần Ái Thế Nhân” đã thảo luận trong Hội nghị Hòa bình Quốc tế của UNESCO vào tháng 9 năm nay, cũng như tình yêu tự-tánh ‘phụ tử hữu thân’ trong đại lễ tuyên dương Tế Tổ toàn cầu.

Nửa cuối năm nay, chúng tôi tại Văn phòng ‘Tịnh Không chi Hữu Xã’ của UNESCO tại Paris, nước Pháp, cùng với các đại sứ và khách quý từ nhiều quốc gia khác nhau dự buổi tiệc trà, cùng chung nghiên cứu thảo luận vấn đề hòa bình của thế giới. Mọi người đều cùng thừa nhận: thông qua khôi phục nền giáo dục tôn giáo, sẽ giúp thúc đẩy sự ổn định và hòa hợp của xã hội, hòa bình vĩnh viễn trên thế giới. Chúng tôi biên soạn ra một quyển sách nhỏ là Thần Ái Thế Nhân, và một bộ sách Tôn Giáo Kinh Điển 360; đồng thời, tại Hội nghị Hòa bình Quốc tế của UNESCO vào tháng 9, lấy Thần Ái Thế Nhân làm chủ đề, để thảo luận với các đại sứ và đại diện của các quốc gia về: ‘Làm sao đem chân ái của Thần Thánh vào thực hiện trong đời sống’. Nhân viên Giáo chức tôn giáo cần đem chân ái của Thượng đế Thần Thánh triển khai vào hành động thực tiễn, thì tinh thần đại biểu Thượng đế ái thế nhân, thần ái thế nhân mới thực sự thực hiện được.

Hội nghị Hòa bình Quốc tế lần này thành công rất viên mãn. Người dự hội nghị đều thừa nhận: nhân loại chỉ có phát huy chân ái của Thần Thánh, thực hiện nội dung của giáo dục tôn giáo, thì mới thực sự hóa giải tai nạn, tránh được xung đột, xây dựng hòa bình. Trong thời gian hội nghị, tại trụ sở chính của UNESCO đã tổ chức trang nghiêm long trọng đại lễ Tế Tổ. Những năm gần đây, chúng tôi đã đề xướng Tế Tổ trên toàn thế giới, ở: nước Anh, nước Pháp, Đông Nam Á, Australia v.v đều tổ chức Tế Tổ thành công, đã đạt được sự đồng thuận của nhà chí sĩ các quốc gia. Tế Tổ là thể hiện đạo hiếu, đã hiếu đối với Tổ tông cả trăm ngàn năm mà vẫn niệm niệm không quên, thì có đạo lý nào đối với cha mẹ hiện nay lại không tận hiếu chứ? Trước khi Phật giáo truyền đến Trung Hoa, thì lão Tổ tông Trung Hoa đã có đủ đại trí đại đức tương thông với Phật pháp rồi. Lão Tổ tông dạy chúng ta, người người vốn đầy đủ thân ái của “phụ tử hữu thân”, là điểm khởi nguồn của tự-tánh ái. Nếu như để mất đi gốc rễ này, thì để mất hiếu đạo, khiến cho toàn xã hội sẽ lâm vào bại hoại luân thường, thiếu khuyết đạo đức, cục diện rối loạn bất an. Do vậy, kinh điển Thần Thánh của các tôn giáo đều dạy người đời coi trọng và thực hiện hiếu đạo.

Phật giáo dạy: 欲生彼國者,當修三福。一者孝養父母,奉事師長,慈心不殺,修十善業“Dục sanh bỉ quốc giả, đương tu tam phước. Nhất giả hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”(Người muốn sanh về nước ấy, cần phải tu tam phước. Một là: hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm không sát hại, tu mười nghiệp thiện).  ((Kinh Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ))

Kitô giáo dạy: “Phải hiếu kính cha mẹ; lại phải yêu người như chính mình”. ((Phúc âm Mát thêu, chương 19))

Nhà Nho dạy: 孝悌之至,通於神明,光於四海,無所不通“Hiếu đễ chi chí, thông ư thần minh, quang ư tứ hải, vô sở bất thông”(Thuận hiếu đến tột cùng, thì thông với thần minh, rạng ngời khắp bốn biển, chẳng gì mà không thông)  ((Hiếu Kinh, chương cảm ứng))

Hồi giáo dạy rằng: “Phải hiếu kính cha mẹ, phải đối xử tốt đẹp với bà con, phải thương yêu cô nhi, phải cứu giúp dân nghèo, phải thân ái láng giềng, bầu bạn với hàng xóm xa, phải tử tế với du khách, phải nhẹ nhàng với đầy tớ”.  ((Kinh Cổ Lang, chương 4))

Do Thái giáo dạy: “Phải hiếu kính cha mẹ, khiến cho nơi con ở mỗi ngày luôn sáng rỡ. Chúa sẽ ban thưởng cho con chỗ ở được lâu dài”.   ((Xuất Ai Cập Ký, chương 20))

Đạo giáo dạy: 積德累功,慈心於物;忠孝友悌,正己化人“Tích đức lũy công, từ tâm ư vật; trung hiếu hữu đễ, chánh kỷ hóa nhân”. (Tích lũy công đức, tâm từ với vật, trung hiếu thuận hòa, sửa mình dạy người).  ((Thái Thượng Cảm Ứng Thiên))

Do đó có thể biết: Kinh điển của các tôn giáo đều là đề xướng hiếu đạo. Nên nói là cây có cội, nước có nguồn, hiếu đạo là gốc rễ của đức hạnh. Nếu để mất gốc rễ rồi, thì nguồn sống của cả cây đại thụ cũng cạn kiệt theo. Ngoài gốc rễ của hiếu đạo ra, vẫn còn một rễ phụ trợ của hiếu đạo nữa, đó chính là sư đạo. Sư đạo là xây dựng trên cơ sở nền tảng của hiếu đạo. Cho nên, Tịnh nghiệp tam phước trong Quán Kinh của Phật giáo trước tiên là ‘hiếu dưỡng cha mẹ’, câu thứ hai là ‘phụng sự sư trưởng’. Cha mẹ là gốc sinh mạng của chúng ta, thầy cô là gốc trí huệ của chúng ta, bỏ đi hai gốc rễ này, thì người đó không có nền tảng đạo đức, khó mà có chỗ đứng trong xã hội.

Tu hành Phật pháp càng phải coi trọng hiếu đạo, hiếu đạo viên mãn thì Phật đạo viên mãn. Vì vậy, cổ đức nói: 親得離塵垢,子道方成就“Thân đắc ly trần cấu, tử đạo phương thành tựu”(Cha mẹ rời được trần cấu, thì đạo của con mới thành). Đầy đủ nền tảng của hiếu đạo, rồi tu hành Phật pháp vẫn phải tuân theo: tín, giải, hành, chứng, bốn giai đoạn như vậy. Ý nghĩa giống như tên gọi, tín giải hành chứng là trước hết phải ngưỡng tin Phật pháp, thứ hai là hiểu rõ Phật pháp, lại chiếu theo lời dạy của Phật pháp mà tu hành, thì cuối cùng nhất định chứng ngộ đạo quả.

Thông thường mà nói, trên thời gian để nói, thì pháp-vận của Phật đã nói thì chánh-pháp là 1000 năm, tượng-pháp là 1000 năm, mạt-pháp là 10 ngàn năm; còn từ trên tu hành mà nói, thì trong mạt-pháp có chánh-pháp, trong chánh-pháp cũng có mạt-pháp. Trong Nhân Vương Bát Nhã Kinh Sớ nói: có người giảng kinh, có người nghe kinh, có người chân tu hành, có người tu hành chứng quả, đó chính là ‘chánh-pháp’ trụ thế. Thông thường mà nói, chứng quả tối thiểu là chứng quả Tu-đà-hoàn; còn người niệm Phật thì lấy vãng sanh làm chứng quả, thật sự sanh sang Thế giới Cực Lạc, thì làm được viên mãn tín giải hành chứng rồi. Bất kể là người thế nào, chỉ cần vãng sanh đến Thế giới Cực Lạc, thì đều thành A-duy-việt-trí Bồ-tát, đó chính là quả vị của Pháp-thân Bồ-tát. Thứ hai, tượng-pháp là có giảng kinh, có nghe kinh, có thật tu hành, nhưng không có chứng quả. Còn mạt-pháp là có giảng kinh, có nghe kinh, nhưng không có thật tu hành; nếu như ngay cả giảng kinh cũng không có nữa, thì đó là diệt-pháp. Do vậy, không thể không giảng kinh, không thể không nghe kinh, sau khi nghe hiểu rồi còn phải thực hành, chân chánh niệm Phật vãng sanh Tây Phương Tịnh-độ, thì dù cho đang trong thời kỳ mạt-pháp, cũng có thể làm được đến chánh-pháp.

Ngày nay, chúng ta đang ở đời ác năm trược. Phật chỉ dẫn ra một con đường tự lợi lợi tha này, là niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, đến Thế giới Cực Lạc để làm Phật, thì mới có năng lực giáo hóa chúng sanh. Tu học Tịnh-độ-tông có lý luận, là Tịnh-độ năm kinh một luận; có phương pháp, là đầy đủ: ‘tín, nguyện, hạnh’, thâm nhập một môn, huân tu lâu dài, lão thật niệm Phật, cầu sanh Tịnh-độ; có hiệu quả, là được Phật tiếp dẫn, tự tại vãng sanh Thế giới Cực Lạc; cuối cùng được lợi ích thật sự, là làm A-duy-việt-trí Bồ-tát, một đời viên mãn thành tựu. Vì vậy, tu học pháp môn Tịnh-độ, cũng là tuân theo bốn giai đoạn: tín, giải, hành, chứng; không ngừng nâng lên cao, để một đời viên thành Phật đạo. Thời đại hiện nay, trong số người tại gia, xuất gia tu học pháp môn Tịnh-độ, có hai tấm gương tốt nhất của niệm Phật vãng sanh là: Cư sĩ Lưu Tố Thanh và lão Hòa thượng Hải Hiền.

  Năm 2012, Cư sĩ Lưu Tố Thanh vì chúng ta mà biểu diễn niệm Phật vãng sanh tự tại. Em gái của cô ấy là Cư sĩ Lưu Tố Vân. Cư sĩ Lưu Tố Vân từng ở trước mặt chị gái của mình mà than rằng: nếu như có người biểu diễn niệm Phật vãng sanh Tịnh-độ, thì sẽ khởi phát niềm tin tốt của mọi người. Chị cô nghe xong, thì quyết định làm biểu diễn, liền ở trước tượng A Di Đà Phật phát nguyện, cầu Phật tiếp dẫn vãng sanh. Chị cô ấy niệm Phật chưa đến một tháng, trước vãng sanh 8 ngày, thì em gái cô là cô Lưu Tố Vân nghe được một âm thanh, là một dãy con số: ‘2012112112’. Cô ấy đã ghi lại, trong tâm nghĩ ‘đây có phải là thời điểm mà chị mình vãng sanh hay không?’, 2012 là năm; 11 là tháng 11; 21 là ngày 21; 12 là 12 giờ. Quả nhiên, chị của cô ra đi ngày hôm đó, trước khi đi vẫn nói chuyện và cười. Đến 12 giờ, chị cô ấy dùng ngôn ngữ và tay ra hiệu cáo biệt với mọi người, nói rằng: ‘Còn mấy phút nữa là tôi sẽ đi, bây giờ tôi đã lên hoa sen rồi, cảm ơn mọi người đã đưa tiễn tôi. Pháp môn Tịnh-độ thù thắng! Pháp môn Tịnh-độ đặc biệt thù thắng!’. Nói xong, nắm tay giống như hoa sen vậy, nhắm mắt tự tại vãng sanh. Cư sĩ Lưu Tố Thanh thật sự là rõ rõ ràng ràng, minh minh bạch bạch, chẳng những sanh tử tự tại, hơn nữa là còn sống mà vãng sanh, không có một chút bệnh khổ, vì chúng sanh và người niệm Phật thời mạt pháp mà làm ra tấm gương tốt như vậy.

Một tấm gương niệm Phật thành Phật khác, là lão Hòa thượng Hải Hiền ở Lai Phật tự Nam Dương, Hà Nam. Ngài 20 tuổi xuất gia, sư phụ chỉ dạy ngài một câu Phật hiệu ‘Nam Mô A Di Đà Phật’, căn dặn ngài một mạch mà niệm, khi sáng tỏ rồi thì không được nói, không được nói lung tung. Cả đời ngài tuân thủ nghiêm ngặt lời dạy của sư phụ, nên đã đạt được thành tựu thù thắng không thể nghĩ bàn. Công phu ngài thành phiến cần phải ba đến năm năm, lúc 24, 25 tuổi thì nắm chắc được vãng sanh rồi. Ở trong cảnh giới đó, thì A Di Đà Phật sẽ thường xuyên giúp đỡ ngài, giúp niềm tin của ngài kiên cố. Sau khi công phu thành phiến, tối đa 5, 6 năm thì đạt được sự nhất tâm bất loạn; lại qua 5, 6 năm nữa thì chứng được lý nhất tâm bất loạn, trước sau 40 tuổi thì có thể tự tại vãng sanh rồi. A Di Đà Phật khen ngợi ngài tu hành rất tốt, mong muốn ngài trụ ở thế gian thêm vài năm, thay chúng sanh khổ, niệm Phật không gián đoạn, làm ra tấm gương tốt nhất cho chúng sanh thấy. Ngài tiếp nhận lời dặn dò của Phật, nên niệm Phật 92 năm, một mạch đến 112 tuổi tự tại vãng sanh.

Từ trên tổng kết lại, chúng ta hiểu rõ đạo lý: ‘vạn pháp duy tâm, chúng sanh là một thể’, thì tu hành ở trong Phật pháp, cần nắm lấy ái và hiếu kính là một thể chứ không phải hai, tuân theo bốn giai đoạn: tín, giải, hành, chứng; không ngừng nâng lên cao, để đạt được lợi ích chân thật nhất của Phật pháp. Cư sĩ Lưu Tố Thanh và lão Hòa thượng Hải Hiền đã vì chúng ta mà làm tấm gương biểu pháp và thị hiện tốt nhất rồi, vì pháp môn Tịnh-độ mà làm tác chứng chuyển, vì Kinh Vô Lượng Thọ mà tác chứng chuyển. Chúng ta đã có lý luận, có phương pháp, có hiệu quả, có tấm gương rồi, thì hãy cố gắng một đời này phải noi theo biểu pháp của những vị Đại đức ấy, làm ra tấm gương tốt của niệm Phật thành Phật! Đời này chúng tôi đến thế gian đây là vì việc lớn nhất ấy, nguyện cùng với chư vị đồng tu đang ngồi đây cùng học cùng nỗ lực!

Nhân dịp tiến hành ‘Đại Lễ Đông Chí Tế Tổ Hoằng Hiếu Báo Ân Dân Tộc Trung Hoa 2018’ này, kính chúc chư vị Pháp sư, Đại đức thân tâm an khang, sáu thời kiết tường! Kính chúc quý quốc gia trên thế giới, vận nước hưng thịnh, quốc thái dân an, thế giới hòa bình, bền vững thống nhất! Cảm ơn mọi người!

 

惑盡情忘,諸法不生;究竟涅槃、常寂光土、清淨法身毗盧遮那佛、阿彌陀佛,無非空劫以前自己本來面目也.但於當念絕思惟,唯心淨土唯心現. (釋淨空)

Hoặc tận tình vong, chư pháp bất sanh; cứu cánh Niết-bàn, thường-tịch-quang-độ, thanh tịnh pháp-thân Tỳ Lô Giá Na Phật, A Di Đà Phật, vô phi không kiếp dĩ tiền tự kỷ bản lai diện mục dã. Đản ư đương niệm tuyệt tư duy, duy tâm Tịnh-độ duy tâm hiện.  (Thích Tịnh Không)

 

Trả lời 2

TUYỀN

TUYỀN

cON TUYỀN XIN THỈNH PHÁP LUÂN TẢI VỀ VÀ CHIA SẺ CHO ĐỊA CHÚNG ĐƯỢC LỢI LẠC TỪ PHẬT PHÁP Ạ