Responsive Menu
Add more content here...

Tập 124 – Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú 2014

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH KHOA CHÚ 2014 – 2017

(Giảng lần thứ 4)

PHẨM THỨ BA: ĐẠI GIÁO DUYÊN KHỞI

Duyên Khởi Của Đại Giáo

TẬP 124

Chủ giảng: Đại lão Hoà thượng Thích Tịnh Không.

Giảng tại: Hiệp hội Giáo dục Phật Đà Hồng Kông.

Thời gian: Ngày 28 tháng 10 năm 2014.

Dịch giả: Vũ Văn Trà.

Giảo chánh: Thích Thiện Trang.

 

         Kính chào chư vị Pháp sư, chư vị đồng học, kính mời ngồi. Mời mọi người cùng tôi quy y Tam Bảo:

          Bạch thầy A-xà-lê thương xót chứng minh! Con Đệ tử Diệu Âm, kể từ hôm nay, cho đến suốt đời, con xin quy y Phật, bậc lưỡng túc tôn; Con xin quy y Pháp, tôn quý trong pháp ly dục; Con xin quy y Tăng, hàng tôn quý trong tất cả chúng. (3 lần)

          Mời xem Đại Kinh Khoa Chú, trang 355, đếm ngược đến hàng thứ 3:

『寶剎莊嚴』Bảo sát trang nghiêm”(Cõi báu trang nghiêm), câu này là Kinh văn, tiếp theo Niệm lão chú giải cho chúng ta, câu Kinh văn này là 「集自《宋譯》」Tập tự Tống Dịch”(Hội tập từ bản Tống Dịch), Bản Tống Dịch trong năm loại bản dịch gốc. Phía trước có 「面色圓滿」Diện sắc viên mãn”, bảo sát trang nghiêm. Câu ‘bảo sát trang nghiêm’ này, bốn bản dịch khác đều không có, chỉ duy nhất bản Tống Dịch có, câu đó đã được chọn dùng. Trong bản Nguỵ Dịch, tức là bản của ngài Khang Tăng Khải, có 「色身諸根悅豫清淨光顏巍巍」sắc thân chư căn, duyệt dự thanh tịnh, quang nhan nguy nguy”(sắc thân các căn, hoan hỉ hạnh phúc thanh tịnh, dung nhan rực rỡ tối thắng), ý nghĩa của những câu này cũng là sắc mặt viên mãn, sắc mặt viên mãn là nói tổng quát, nói kỹ là ba câu này. Tiếp theo sau là: 「寶剎莊嚴」Bảo sát trang nghiêm”, hiển thị hoá Phật trong quang minh, thù thắng không gì bằng. Trong Chú Giải của Niệm lão nói : 「表佛面容所放妙光明中」Biểu Phật diện dung sở phóng diệu quang minh trung”(Biểu thị trong quang minh vi diệu mà do dung nhan của Phật phát ra), khuôn mặt của Phật phát ra ánh sáng, trong quang minh hiện cõi Phật mười phương. Chữ “sát” chính là cõi nước Phật, Chỗ này không phải hiện ra: Thế giới Cực Lạc, mà là hiện ra tất cả cõi nước chư Phật trong mười phương, giống như chúng ta xem tivi, trên màn hình tivi đều hiển hiện ra, 「映現十方佛土之莊嚴寶剎」ánh hiện thập phương Phật độ chi trang nghiêm bảo sát”(chiếu sáng hiện ra cõi báu trang nghiêm của cõi Phật trong mười phương). 「剎者」Sát giả”(Chữ sát), giải thích ý nghĩa của chữ ‘sát’ này, trong quyển thứ hai của sách Pháp Hoa Văn Cú Ký nói: 「此云田」Thử vân điền” (Nơi này nói đất đai), ‘nơi này’ là quốc gia chúng ta, đất đai mà người nước chúng ta nói, 即一佛所王土也」tức nhất Phật sở vương độ dã”(tức là khu vực thống lĩnh của một vị Phật). Cõi nước mà một tôn Phật giáo hoá, gọi là một Phật sát. Việc làm của Phật chính là sư đạo, Bồ-tát cũng như vậy, vĩnh viễn là lấy thân phận người thầy mà xuất hiện ở đời, trên kinh gọi vương, chữ ‘vương’ này là ẩn dụ, là tôn xưng, giống như lãnh thổ được cai quản của quốc vương, gọi là vương độ. Hiện nay chính là phạm vi mà quốc gia thống trị, vượt ra ngoài đường biên giới này, là vùng thống trị của quốc vương khác. Gọi là một Phật độ, 「故知剎即佛土、佛國之義」cố tri sát tức Phật độ, Phật quốc chi nghĩa”(nên biết ‘sát’ là Phật độ, nghĩa là cõi Phật), cõi nước phương tây của A Mi Đà Phật, nói ý nghĩa đó.

          Tiếp theo từ bản Tống Dịch, Kinh văn tiếp theo là:「如是功德得未曾有」Như thị công đức, đắc vị tằng hữu”(Công đức như vậy, thật chưa từng có). Đây là nói với chúng ta, đức Thế Tôn muốn nói với chúng sanh: trong tất cả cõi nước chư Phật mười phương, giới thiệu cho mọi người một nơi thoát khổ được vui, thoát tận cùng khổ, tận cùng khổ là Lục đạo luân hồi; Được cứu cánh vui, cứu cánh vui là Thế giới Cực Lạc. Tổng mục tiêu dạy học của tất cả chư Phật, chính là câu đó, lìa khổ được vui. Nguồn gốc của khổ là Lục đạo, đoạ lạc ở trong Lục đạo khổ không thể tả, trong Lục đạo được sanh cõi trời người, đây là rất may mắn, rất hiếm có, rất khó được, phần lớn thời gian đều ở ba đường ác. Chúng ta đã thấy được, ba đường ác là Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh. Những lời dạy này của đức Phật, đồng học chúng ta chút ít bước vào kinh giáo, lắng lòng thì không khó thể hội, vì sao? Bởi Lục đạo là quả báo, quả chắc chắn có nhân. Nhân là gì? Nhân là nghiệp ô nhiễm, nghiệp bất thiện, bị chiêu cảm quả báo.

          Trong kinh giáo đức Phật dạy bảo chúng ta, chân tướng sự thật của Vũ trụ: là 「一切法從心想生」nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh”(tất cả pháp từ tâm tưởng sanh), chúng ta cần nhớ kỹ câu nói này. Tâm thanh tịnh thì hiện Tịnh độ, tâm ô nhiễm thì hiện Uế độ, tâm thiện hiện ba đường thiện, tâm ác thì hiện ba đường ác, cảnh giới bên ngoài: đều là đang chuyển theo ý niệm của quý vị, do đây có thể biết sự quan trọng của ý niệm. Sự nhận chịu của tất cả chúng sanh trong khắp Pháp giới hư không giới: đều là do chính mình tạo, cũng chẳng liên can với bất cứ người nào. Người khác khuyên quý vị, người khác dụ hoặc quý vị, quý vị trong Chánh đạo, họ là bàng môn tả đạo, lệch hướng Chánh đạo, họ đến dụ dỗ quý vị, do quý vị tiếp nhận họ, buông bỏ Chánh đạo, quý vị cam tâm tình nguyện, nên phải tự chịu trách nhiệm. Người dụ hoặc quý vị không gánh trách nhiệm, chính quý vị tình nguyện đi theo họ, nên phải tự mình chịu trách nhiệm, chẳng thể không biết đạo lý này. Những sự thực này quả thật ở trước mắt chúng ta, quý vị từ sớm đến tối mọi lúc có thể gặp phải. Vì sao quý vị có thể: dễ dàng bị người mê hoặc như vậy? Là do Phiền não Tập khí của quý vị đã quá nặng, Chánh tri Chánh kiến của quý vị quá bạc nhược yếu kém, có một chút như vậy, mà không chịu nổi danh văn lợi dưỡng, tài sắc danh lợi, không chịu nổi những dụ dỗ này. Cho nên, tuy người học Phật nhiều, người niệm Phật không ít, nhưng người thật sự có thể lìa khổ được vui rất ít.

          Đúng như trong Kinh A Mi Đà đã nói: 「不可以少善根福德因緣」Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên, mà được sanh về nước kia, chữ「少」thiểu” đó là xuyên suốt ba câu, “Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên”, không thể ít thiện căn, không thể ít phước đức, không thể ít nhân duyên. Ba điều thiện căn phước đức nhân duyên đều đầy đủ, khó. Một vị Giảng viên Đại học ở Đài Loan là Lam Kiết Phú, khi ông đang học Đại học: tham gia Giảng toà Phật học Từ Quang, chúng tôi rất quen thuộc, ông đã hỏi tôi một câu thế này: vì sao vãng sanh Thế giới Cực Lạc lại khó như vậy? Tôi liền nêu ra lời dạy trong: Kinh A Di Đà để nói với ông, tôi nói chú suy xét, ngay trong cả đời của một người: đầy đủ ba điều kiện này, thiện căn, thế nào là thiện căn? Thật tin là thiện căn, điều thứ nhất trong ba tư lương Tịnh Độ: là tín, không có chút nghi ngờ. Điều thứ hai, phước báu, phước đức, phước đức là gì? Thật mong muốn đến Thế giới Cực Lạc, người như vậy là có phước báu lớn! Họ vẫn lưu luyến với thế gian này, không muốn đi, [là] không có phước báu, họ chỉ có một chút phước nhỏ như vậy, hưởng thụ ở nơi này thì họ đã hài lòng. Niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, là đại phước báu bậc nhất, đại trí huệ đệ nhất của thế gian và xuất thế gian. Tiếp xúc được liền hoan hỷ: là nhân duyên. Ngay trong một đời đồng thời đầy đủ ba điều ấy.

          Hiện nay đồng học Lam là Giảng viên, đã dạy không ít năm, khoảng 40 năm trước, chúng tôi cùng ở Giảng toà Từ Quang Đại chuyên: ông là học trò của mấy khoá trước. Lúc đó ông suy nghĩ một lát, khó, thật không dễ dàng, mấy ai có thể đầy đủ ba điều kiện đó: thiện căn, phước đức, nhân duyên. Đặc biệt là vào ngày nay, duyên của Chánh pháp ít, duyên của tà pháp nhiều, trong tà pháp có chiêu bài đả kích Phật: để mê hoặc quý vị, rất dễ bị dụ dỗ. Vì sao rất dễ dàng? Bởi quý vị không có gốc, tuy quý vị học Phật nhưng không có gốc, nên rất dễ dao động. Gốc là gì? Là Tịnh Nghiệp Tam Phước, đó là gốc. Gốc lớn rễ lớn của Phật pháp: là cắm ở trên đất của hiếu thân tôn sư, không có tâm hiếu thuận, không có tâm cung kính, dù A Mi Đà Phật đến dạy quý vị, thì quý vị cũng không được lợi ích. Vì sao vậy? Bởi quý vị nghe sai, quý vị đã giải sai, quý vị sanh ra hiểu lầm. Trong Kệ Khai Kinh nói: 「願解如來真實義」Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”, nói sao dễ dàng, nhưng mấy ai hiểu được nghĩa chân thật của Như Lai? Từng câu từng chữ của Như Lai: là lưu lộ ra từ trong Chân Như Tự Tánh, ai có thể tiếp nhận? Phải dùng Chân Như Tự Tánh thì có thể tiếp nhận, nói cách khác, dùng Chân Tâm, tâm chân thành thanh tịnh bình đẳng cung kính; Cũng tức là sự cung kính và thành ý đó, được sanh ra từ trong tâm thanh tịnh bình đẳng giác. Họ tiếp thu giáo huấn của Phật Bồ-tát rất nhẹ nhàng, dễ như trở bàn tay, vừa nghe liền hiểu rõ, vừa nghe liền giác ngộ, lập tức liền tiêu hết nghiệp chướng, lập tức liền hiện ra trí huệ.

          Trí huệ chân thật, thì tin; Phước báu chân thật, thì nguyện sanh Tịnh Độ, là đại phước báu bậc nhất của thế và xuất thế gian, vì sao? Bởi đời này của quý vị: vãng sanh Thế giới Cực Lạc thì thành Phật. Trên thế giới này hơn bảy tỷ người, người nào có thể thành Phật? Tại sao không thể thành Phật? Do không đủ thiện căn phước đức nhân duyên. Có đồng học học Phật hay không? Có. Có đồng học niệm Phật hay không? Có, nhưng không đủ, chỉ có mấy phần mà thôi. Nếu chúng ta nói 6-70 phần đạt yêu cầu, thì họ có một phần, hai phần, cho nên khó. Chúng ta có được thân người nghe Phật pháp, quá khó được cơ hội này, đây là điều kiện tiên quyết của tín nguyện trì danh. Nếu đời này quý vị không được thân người, thì uổng công, nghe không hiểu Phật pháp, vẫn còn muốn làm Lục đạo luân hồi, Lục đạo luân hồi không có tận cùng, không có biên giới, quý vị muốn làm đến đời nào kiếp nào: mới có một lần cơ hội gặp được. Chúng ta cũng là nhiều đời nhiều kiếp, đời này gặp được Phật pháp, không dễ dàng! Thật sự biết chẳng dễ, thì quý vị sẽ quý trọng, không được bỏ lỡ mất cơ hội này, chẳng phải ngàn năm khó gặp, vạn năm khó gặp, mà là một ngày hiếm có khó gặp của vô lượng kiếp đến nay, vô lượng kiếp đến nay, lời này do Cư sĩ Bành Tế Thanh nói.

          Ngày nay đức Phật muốn khai diễn Pháp môn này, 「第一希有之法」đệ nhất hy hữu chi pháp”(pháp hiếm có bậc nhất), phải nhớ lấy câu này. Vì sao? Bởi thật sự nhớ được kỹ, thường luôn ghi nhớ, mới cảm thấy chính mình thật quá may mắn, ý nguyện mới thật sự phát khởi, tôi không thể uổng phí qua đời này, tôi nhất định phải nắm chắc. Chính giống như lời: mà Đại sư Thiện Đạo đã nói: trên chương Thượng Phẩm Thượng Sanh: của Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ, có người đến khuyên quý vị, đó là đại Thiện tri thức, người thiên hạ đều tôn kính, đều hướng đến họ học tập, tôi còn có một pháp, phương pháp này còn thù thắng hơn niệm Phật, niệm Phật không thể tiêu nghiệp chướng; pháp này của tôi tiêu được nghiệp chướng. Tâm họ ngay lập tức dao động, lập tức muốn học theo họ, đó chính là gì? Là đứng núi này trông núi nọ. Họ còn nghi ngờ về Pháp môn hiếm có bậc nhất này, họ không tin đây là Pháp môn hiếm có bậc nhất. Người ta nói vẫn còn Pháp môn khác, họ tin tưởng, họ đã tiếp nhận. Con đường này của quý vị trực tiếp thông đến thành Phật, họ dẫn dụ quý vị qua một bên, lại dụ dỗ quý vị đến luân hồi đi vòng tròn, đáng thương! Trong kinh giáo nói là kẻ đáng thương xót. Là loại người nào? Chính là hạng người đó, thật đáng thương, rất không dễ tìm ra con đường này, mà coi thường bỏ mất rồi. Ai có thể nắm chắc? Người Đồ đệ thợ vá nồi: của lão Hoà thượng Đế Nhàn nắm chắc, lão Hoà thượng Hải Hiền nắm chắc; Hai vị xuất gia, một vị tại gia của chùa Lai Phật, mẫu thân của ngài Hải Hiền không xuất gia, bà cũng là cả đời niệm Phật, vãng sanh tự tại, những người ấy nắm được chắc. Chùa nhỏ đó bình thường là ba-bốn người ở, vị nào cũng có thành tựu, làm ra tấm gương tốt nhất.

          Trong Quán Kinh nói đại Thiện tri thức như thế, họ đến khuyên quý vị, quý vị đảnh lễ cảm ơn họ, con cảm ơn ngài, con chỉ dựa vào trì danh niệm Phật, con không thay đổi nữa, cảm ân sự yêu mến của ngài, cảm tạ, khước từ, không được dao động, [dù là] đại Thiện tri thức. Vậy gặp được một người tu hành chứng quả, đã chứng Nhị quả, Tam quả, đến khuyên quý vị, quý vị cũng từ chối quý ngài. Một vị Bồ-tát đã đến, Bồ-tát khuyên quý vị, quý vị vẫn là như như bất động. Đức Phật Thích Ca đến, cuối cùng A Mi Đà Phật đích thân đến, nói với quý vị, Ta còn có Pháp môn, còn cao hơn tín nguyện trì danh, công đức còn lớn hơn, bảo quý vị buông xuống tín nguyện trì danh, tiếp nhận đại pháp của A Mi Đà Phật. Vị học trò này cảm tạ A Mi Đà Phật, con vẫn là tuân theo phương pháp cũ, tín nguyện trì danh, con không muốn thay đổi. Trong Tứ Thiếp Sớ có một bài văn lớn rất dài [như vậy]. Phật đến khuyên quý vị, quý vị cũng như như bất động, gốc này của quý vị sâu, ăn sâu bén rễ, nào có đạo lý quý vị không thành công? Hiện nay không cần A-la-hán, Bồ-tát, Phật, không cần! Hiện nay Quỷ đến hiện thần thông liền mê hoặc quý vị rồi, đến lúc không nghe lời của Phật nữa, mà nghe lời Quỷ, quý vị nói quý vị có đáng thương không? Cho nên trong Kinh này nói là: pháp hiếm có bậc nhất, bộ Kinh này, quý vị còn muốn làm khác sao?

          Tôi từ Kinh Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Đại Trí Độ Luận, Du Già Sư Địa Luận, đại kinh đại luận, thời trẻ ưa thích, thật sự đã xem hiểu pháp hy hữu đệ nhất, thì tôi hoàn toàn buông xuống những kinh luận đó, trong Kinh Kim Cang đức Phật khuyên tôi, tôi hiểu rồi, tôi đã tiếp nhận, 「法尚應捨,何況非法」Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp”(Pháp còn phải xả, huống chi chẳng phải pháp). Pháp còn phải xả, tôi đã buông xuống Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, huống hồ pháp thế gian? Pháp thế gian, tôi nhiệt tình yêu thích Văn hoá truyền thống  nước ta, vô cùng đáng tiếc là: người hiện nay thấy trong Văn hoá truyền thống, có tinh hoa cũng có cặn bã, tôi nghe xong rất buồn. Vì sao vậy? Cặn bã của cổ nhân cũng rất tuyệt vời, vì sao? Bởi truyền được 5000 năm, cặn bã mà có thể truyền 5000 năm, đó là tuyệt vời. Cặn bã thì sớm đã bị người bỏ đi, từng đời từng đời, 5000 năm không ngắn, nếu quý vị bình tĩnh để suy xét xem, thì quý vị liền hiểu rõ. 5000 năm, những sách ấy: đã trải qua mắt của bao nhiêu người, họ đều không thấy ra khuyết điểm nhỏ, đem điều đó xoá, bỏ đi, từng đời từng đời vẫn truyền đến ngày nay, thì cặn bã cũng là tinh hoa, vì chịu được sự khảo nghiệm của Lịch sử. Những điều này của quý vị có năng lực đó không? Có chịu được sự khảo nghiệm của Lịch sử không? Vào sau 5000 năm nữa, những điều này của quý vị có thể lưu lại không? Có thể cũng không còn một chữ nào.

          Phần tinh hoa của Văn hoá truyền thống  nước ta, từ Tam hoàng Ngũ đế đến cuối triều Thanh, vì sao những điều hay của họ có thể bảo tồn? Bởi những điều tốt mà quý ngài lưu lại: là [từ] trong Tự Tánh vốn thiện mà lưu lộ ra. Bản Tánh vốn thiện mà lão Tổ tông nói, Phật giảng [về] Tự Tánh, Bản Tánh chính là Tự Tánh, những điều từ Tự Tánh đưa ra là thật, do Chân Tâm lưu xuất ra, là thuần chân. Sẽ không biến đổi theo thời gian, cũng sẽ không thay đổi theo không gian, có thể đứng vững được, không sanh không diệt. Đó không phải từ trong Phân biệt Vọng tưởng: mà lưu xuất ra, Phân biệt Vọng tưởng là 51 Tâm sở của tám thức, Phật đều gọi những điều này là Vọng tâm. Những thứ của Vọng tâm là có sanh có diệt, đó chính là cặn bã, cặn bã đó không chịu được khảo nghiệm. Chân lý, định luật của nhà Khoa học nói, nhưng qua mười mấy hai mươi năm, nhà Khoa học mới lại phát hiện ra, lật đổ đi những chân lý đó của họ. Sẽ bị lật đổ thì gọi là cặn bã, không thể bị lật đổ thì đó là chân lý.

          Nhưng ngày nay chân lý đã bị mọi người lật đổ, hiếu là chân lý, người ngày nay phản đối đạo hiếu; Kính là chân lý, ‘thành’ là chân lý, người hiện nay cũng không nói nữa. Nếu tôi thành thật thì không thể kiếm tiền, muốn kiếm lợi nhuận nhất định phải lừa người, ‘thành’ không thích hợp ở thời đại này, ‘hiếu’ cũng không phù hợp thời đại này, nhân nghĩa lễ trí tín không hợp với thời đại này, người thời đại này không nói chữ tín, chuyên môn xem ai có thể lừa ai, bản lĩnh của ai lớn, ai có thể gạt được nhiều. Xã hội đi đến ngày nay, người nào cũng không có cảm giác an toàn, không có cảm giác an toàn đã đến với ăn uống rồi; không có cảm giác an toàn với chữa bệnh; thuốc dùng để chữa bệnh, không cảm thấy an toàn với thuốc, quý vị nói mọi người đáng thương biết bao! Không cần giá trị quan của năng lượng tích cực nữa, muốn dùng năng lượng tiêu cực thay thế điều đó, xã hội này đi đến kết quả là gì? Kết quả là diệt vong. Loại năng lượng chánh thống của nước ta, là an định hài hoà, ổn định hoà bình lâu dài, hạnh phúc tiếp tục lâu dài, mọi người không cần nữa, quý vị nói đáng tiếc biết bao.

          Làm sao cứu vãn thế giới này? Đây không phải do người nước ta nói, người nước ta không có năng lực này, mọi người xem thường, đổi lại do người nước Anh đến nói. Thế kỷ 20, ông là nhà Lịch sử Triết học: của thế kỷ 20, Tiến sĩ Joseph Toynbee người Anh, ông nói: Cứu vãn thế giới này, chỉ có học thuyết Khổng Mạnh của Trung Hoa và Phật pháp Đại thừa. Học thuyết Khổng Mạnh, Phật pháp Đại thừa đều ở nước ta, đây là tinh hoa mà cổ nhân nước ta đã nói, người hiện nay coi là cặn bã. 2-3 năm gần đây: có xuất hiện chút hiệu quả như thế, có một số người nước ta đã quay đầu, đã tin tưởng, sự việc tốt này. Khiến cho chúng ta thấy được một tia hy vọng.

          Trị quốc, bình thiên hạ, chữ “bình” này: là đối xử bình đẳng, chung sống hoà mục, chữ “thiên hạ” này tức là chỉ quốc gia, dân tộc. Trên đất này rất nhiều quốc gia, rất rất nhiều chủng tộc khác nhau, đều có thể đối xử bình đẳng, chung sống hoà bình, đó gọi là “bình thiên hạ”. Ở trên Lịch sử nước ta đã từng xuất hiện, không chỉ một lần, nhà Hạ Thương Chu trong thời đại xưa, nước ta khi đó chưa thống nhất hoàn toàn, toàn bộ là nước nhỏ, Chư hầu, thậm chí một thôn, một thị trấn nhỏ: đã tính là một nước, thuộc về chủ quyền quốc gia. Trong Lịch sử ghi chép, thời nhà Chu có 800 Chư hầu, hơn 800 nước nhỏ. Nhà Chu không lớn, phạm vi 100 dặm, nhà Thương Thang càng nhỏ hơn, nhà Thương chỉ có 70 dặm, khiến cho tất cả nước Chư hầu trong thiên hạ: đều bội phục ông, đều tôn trọng ông, đều hướng đến ông học tập, xưng ông làm vua. Nhà Hạ Thương Chu không phải thống nhất thực tế, mà là thống nhất văn hoá. Cho nên Tiến sĩ Joseph Toynbee nói, thế giới tương lai cũng vậy: Văn hoá truyền thống nước ta thống nhất toàn thế giới, là giống như Tam đại, Tam đại chính là Hạ Thương Chu. Sau này đó là thống nhất trên chính trị, sau khi Tần Thuỷ Hoàng đã diệt sáu nước, thống nhất toàn Trung Hoa. Trung Hoa từ sau khi thống nhất, mãi đến nay vẫn duy trì đại thống nhất, đây là Tiến sĩ Joseph Toynbee: vô cùng khâm phục, vô cùng tôn trọng. Thống nhất thì sẽ không có loạn nội bộ, sẽ không có chiến tranh trên quốc tế, sẽ không có, sẽ có thể miễn trừ “kiếp đao binh”.

          Sự phục hưng của Trung Hoa, sự phát triển của Trung Hoa, tương lai khẳng định giống như ba thời đại cổ xưa, nhà Hán nhà Đường về sau này, là dùng văn hoá mà đạt được thiên hạ hoà thuận. Quốc gia, chủng tộc, Tôn giáo của thế giới: chung sống hoà mục, đối xử bình đẳng, thì mọi người có thể trải qua: đời sống hạnh phúc thật sự, tôn trọng lẫn nhau, kính yêu lẫn nhau, quan tâm lẫn nhau, hỗ trợ hợp tác, nền chính trị đại đồng. Dùng phương pháp nào? Dùng giáo dục, sự thống trị của nhà Hạ Thương Chu là dùng giáo dục, Trung Hoa thời xưa: mãi đến cuối nhà Thanh vẫn là dùng giáo dục, không thay đổi. Có tâm tự tin dân tộc vô cùng kiên cường, tôn kính với lão Tổ tông, không dám tuỳ tiện thay đổi giáo huấn: của lão Tổ tông. Vì sao vậy? Bởi đó là kinh nghiệm tích luỹ mấy ngàn năm. Thay đổi thì sanh ra vấn đề, nảy sinh vấn đề không cách nào giải quyết, thật sự giải quyết vẫn phải lấy ra những điều như cũ. Đây là do chúng ta làm trái giáo huấn của lão Tổ tông, nên tai hoạ sẽ hiện tiền.

          Cần phải trở về Văn hoá truyền thống, mục đích của Văn hoá truyền thống, là dạy chúng ta quay về Tự Tánh, tức là hồi quy Bản Tánh vốn thiện. Một câu trong chương Khai Tông Minh Nghĩa: của sách Đại Học đã nói rõ ràng, 「明德、親民、止於至善」Minh đức, thân dân, chỉ ư chí thiện”(Đức sáng, yêu thương dân, hoàn thiện vô cùng). “Minh đức” là thể, trong Phật pháp Đại thừa: Đại triệt Đại ngộ, Minh tâm Kiến tánh, gọi là “minh minh đức”. Sau khi “minh minh đức” thì thế nào? Thân dân, “thân dân” chính là nhân từ bác ái. Thực hiện trên sự tướng, trong sinh hoạt, trong công việc, trong thống trị quản lý đất nước này, phương diện nào cũng đạt đến hoàn thiện tột cùng. Đời sống đạt đến hoàn thiện vô cùng, công việc đạt đến hoàn thiện vô cùng, bất luận nghề nghiệp nào cũng hoàn thiện vô cùng, chúng ta dấn thân vào ngành giáo dục của đức Phật: cũng là hoàn thiện vô cùng. Mỗi một ngành nghề đều hoàn thiện vô cùng, tuyệt diệu vô cùng! Không tìm ra khuyết điểm.

          Dùng phương thức nào có thể đạt được mục đích? Dạy học làm đầu. Chúng ta xem mỗi quốc độ của một tôn Phật, vì sao cõi nước Phật tốt đẹp như vậy? Đó là tấm gương của chúng ta, là khuôn mẫu của chúng ta, là giống như điều được nói trên Kinh, chư Phật Như Lai 「今現在說法」kim hiện tại thuyết pháp”(nay thị hiện đang thuyết pháp), quý Ngài đang dạy học! Chư vị tìm hiểu Tứ Khố Toàn Thư, bên trong có ghi chép, những Đế vương khai quốc triều Thanh, Khang Hi, Ung Chánh, Càn Long, đây là thời đại thịnh nhất triều Thanh, đại khái có 150 năm, làm sao phát triển thịnh vượng vậy? Do người làm Vua dẫn đầu, Đế vương thỉnh những chuyên gia học giả: của Nho, Phật, Đạo đến giảng dạy trong cung; Hoàng thuợng hướng dẫn Phi tần, dẫn dắt Đại thần Văn Võ học tập. Sau khi học xong, sau khi thầy giảng xong, Hoàng thượng hướng dẫn mọi người làm báo cáo tâm đắc học tập. Là giống như chúng ta học tập Kinh Vô Lượng Thọ hiện nay, một tuần bảy ngày này, bốn ngày Thứ hai, Thứ tư, Thứ sáu, Chủ nhật, chúng ta học Đại Kinh Khoa Chú, còn Thứ ba, Thứ năm, Thứ bảy đồng học chúng ta cùng nhau: làm báo cáo học tập. Tôi học thế nào? Báo cáo chia sẻ tâm đắc, cảm tưởng với mọi người, trong đó có nghiên cứu thảo luận. Hoàng đế khi đó thật làm, vậy Đại thần dưới Vua thì người nào dám không làm? Tất cả đều làm.

          Chúng ta hiện nay đã bỏ mất 200 năm, muốn phục hưng lại, nói sao dễ dàng. Đã phủ định những điều ấy, coi những điều ấy như cặn bã đã bỏ đi, hiện nay lại tìm trở về từ thùng rác, quý vị lại muốn người ta làm sao thưởng thức, nên rất khó khăn. Tuy nhiên hiện nay cần phải biết, thiết bị Khoa học ngày nay tốt; thời xưa không có, Hoàng thượng giảng dạy ở trong cung, chỉ có những Đại thần được tham dự, là thiểu số, đa số người chỉ là nghe nói, truyền thuyết, không thấy được. Hiện nay có Khoa học, có Kỹ thuật, người lãnh đạo đất nước: lễ thỉnh những chuyên gia học giả: dạy học ở giảng đường lớn, phát qua truyền hình, nhân dân toàn quốc xem được, người toàn thế giới xem được. Nếu thời gian lâu hơn có thể khôi phục được không? Tôi tin nhiều nhất hai năm, nhanh thì một năm, thì có thể đạt được hiệu quả của 50 năm, 100 trước đây. Công cụ truyền bá này quá tốt, khi người lãnh đạo dẫn dầu, thì toàn quốc sẽ phấn chấn lên.

          Tôi cũng có Vọng tưởng, Vọng tưởng đó của tôi là: rất có khả năng trường học trong tương lai, hoàn toàn dùng truyền hình, dùng đĩa quang để dạy học, không có thầy nữa. Vì sao vậy? Do thiếu giáo viên có trình độ, dứt mất giáo viên có trình độ rồi. Đời sau không bằng đời trước, sự thật ở trước mắt, thế hệ của tôi thua kém quá nhiều: so với thế hệ đó của thầy tôi. Ba vị thầy của tôi, tôi xem như là rất nghiêm túc học tập, nhưng tôi so với quý ngài, bất kể là ở đức hạnh, ở học vấn, hay ở trí huệ, quý ngài làm 100 phần, chúng ta nhiều nhất chỉ có thể làm 10 phần, có khoảng cách lớn như vậy. Chúng tôi so với đời tiếp theo, chúng tôi có mười phần, có lẽ họ [chỉ có] một phần. Vậy phải làm sao? Cho nên, dùng đĩa quang để giảng dạy.

          Cách dạy học thế nào? Khoá trình căn bản, khoá trình cắm gốc không thể thay đổi, Đồng Mông Dưỡng Chánh có mười mấy loại tài liệu giảng dạy, đều không dài, đó cũng là đời sống hàng ngày, nhất định phải cắm gốc tốt. Đi học có gốc rễ này, có nhận thức đó, dưỡng thành thói quen rồi, quý vị ưa thích môn nào thì chọn một môn, thâm nhập một môn, huân tu lâu dài, đọc sách ngàn lần, tự thấy nghĩa của sách. Quý vị chỉ ngày ngày chăm chú vào bộ sách đó, mỗi ngày đọc sách đó, số lần càng nhiều càng tốt. Giống như Kinh Vô Lượng Thọ chúng ta học hiện nay, vô cùng thích hợp với người thời nay, Kinh này không quá dài, cũng không coi là ngắn. Đọc nhuần nhuyễn, có thể đọc thuộc lòng, đọc một lần từ đầu đến cuối 50 phút, đọc nhanh thì 40 phút. 50 phút, một ngày đọc 10 lần, một ngày đọc 15 lần, đọc 10 giờ đồng hồ, 10 giờ đó là đang tu gì? Là đang tu Thiền định. Vì sao vậy? Bởi thời gian đọc sách, không có Vọng tưởng, không có Tạp niệm, không cầu giải nghĩa, chỉ cầu đọc được rõ ràng, không có đọc sai, không có đọc sót, chỉ cầu điều này. Niệm 3 năm 5 năm, tự thấy nghĩa của sách, bỗng nhiên liền hiểu rõ: ý nghĩa trong quyển sách này. Vì sao vậy? Bởi tâm của quý vị đã thanh tịnh, liền hiển lộ tiểu trí huệ; Tâm của quý vị bình đẳng thì hiển lộ đại trí huệ; Thật sự giác ngộ, đã thông với Tự Tánh, dùng cách này đả thông Tự Tánh, khiến cho vô lượng trí huệ trong Tự Tánh: lưu lộ ra, thông toàn bộ Kinh này. Thông một kinh thì cũng thông tất cả kinh, thông Phật Pháp rồi, thì cũng thông pháp thế gian. Trong Phật pháp Đại thừa có Khoa học, trong bộ sách này của chúng ta có, có Khoa học cận đại, có Triết học, quý vị đã thông hoàn toàn, diệu, thật tuyệt diệu! Giáo dục của đức Phật, giáo dục truyền thống nước ta: chịu sự ảnh hưởng rất lớn của Phật giáo, những lý niệm, phương pháp dạy học của Phật giáo: truyền đến nước ta, nhà Nho tiếp nhận, nhà Đạo cũng tiếp nhận, cho đến điều gọi là Tam giáo Cửu lưu: đều đã tiếp nhận. Nhà Nho, nhà Đạo dẫn đầu cũng tiếp nhận rồi, cho nên người nước ta có trí huệ.

          Vì sao người nước ta không đi con đường Khoa học? Bởi con đường đó không viên mãn, đường lối đó là con đường nguy hiểm. Người ngoại quốc đi đường đó, đường trắc trở, mạo hiểm, dùng không tốt sẽ huỷ diệt trái đất. Cho nên nước ta không đi đường này, nước ta đi con đường nhân văn, nhân văn là lành mạnh nhất, ông Joseph Toynbee tán thành. Nông nghiệp cơ giới hoá hiện nay, dùng những nông dược, phân hoá học, thì ông phản đối, ông nói Nông nghiệp mạnh khoẻ nhất: là kiểu nhân công cày cấy trong quá khứ, tốt cho sức khoẻ nhất. Hiện nay chân tướng sự thật ấy đã được phơi bày, dùng Khoa học Kỹ thuật nuôi cấy ra: những cây nông nghiệp thật sự không mạnh khoẻ, khiến cho ngày nay chúng ta ăn uống nơm nớp lo sợ, không có cảm giác an toàn. Nước ta 5000 năm đến nay, dùng dược liệu chính là thực vật, đại đa số là thực vật, trong đất ngày nay có phân hoá học, có thuốc trừ sâu, cho nên, những cây dược liệu này lớn lên: cũng xuất hiện vấn đề rồi, điều này dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng: đối với vấn đề dân sinh.

          Cho nên chúng ta: đọc những cuốn sách của ông Joseph Toynbee, càng đọc càng hoan hỷ, ông đem những điều lợi điều hại: giảng rất là rõ ràng, vô cùng sáng tỏ. Sau khi chúng ta đọc, tự nhiên sẽ sanh khởi lòng tin, tâm cung kính: đối với lão Tổ tông nước ta, đó là một cuốn sách hay. Chúng ta thường xuyên suy nghĩ, tác phẩm của Tiến sĩ Joseph Toynbee rất phong phú, một số cuộc phỏng vấn của ông: có không ít trên báo, trên tạp chí. Những năm này tôi đều suy nghĩ, làm sao có thể đem: những văn chữ, những bài diễn giảng của ông: đối với Văn hoá phương Đông, những điều mà chúng ta mong muốn biết, sưu tập làm thành một cuốn sách. Đó cũng là việc khó, không ngờ rằng người Nhật Bản thay chúng ta làm tốt rồi, chúng ta rất cảm ơn. Cuốn sách này truyền đến nước ta, người nước ta phiên dịch ra, đã thay đổi tên sách, tên sách lúc đầu là: Quan Điểm Về Trung Hoa Của Joseph Toynbee. Bên đây tôi có một quyển, 《湯恩比的中國觀》 “Thang Ân Tỷ Đích Trung Quốc Quan”(Quan Điểm Về Trung Hoa Của Joseph Toynbee), đây là nguyên văn, do người Nhật Bản viết, viết bằng tiếng Nhật. Ở nước ta phiên dịch, tên của sách phiên dịch: là 《未來屬於中國》“Vị Lai Thuộc Ư Trung Quốc”(Tương Lai Thuộc Về Trung Hoa), câu nói này là do chính Tiến sĩ Joseph Toynbee nói, [khi] ông về già vô cùng nhấn mạnh lý niệm đó, người nước ta thống nhất thế giới tương lai. Dùng điều gì để thống nhất? Dùng văn hoá để thống nhất.

          Chúng ta có thể lý giải, điều quan sát này của ông: là căn cứ Văn hoá truyền thống Trung Hoa, đặc biệt là ba thời đại Hạ Thương Chu, với sau khi thống nhất Chính trị về sau, nhà Hán, nhà Đường mỗi triều đại đều xuất hiện: thái bình thịnh thế. Ông nói thế giới tương lai là xu thế đó, đặc biệt nhắc nhở, văn hoá phương Đông là lấy Trung Hoa làm trung tâm, còn có ba vệ tinh văn hoá, là Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam. Ba quốc gia này qua lại với Trung Hoa: đã hơn 2000 năm, chữ viết của ba nước này sử dụng: là dùng chữ Hán, dùng thể Văn cổ, họ có gốc sâu dày của nền văn hoá ấy. Nếu bốn quốc gia này đoàn kết, đoàn kết từ trên văn hoá, thì có thể ảnh hưởng toàn thế giới. Đó là hạnh phúc của người toàn thế giới, vĩnh viễn sẽ không phát sinh chiến tranh, tai nạn, giáo dục về luân lý đạo đức, nhân quả, Thánh hiền: sẽ mở rộng thực hiện đến toàn thế giới, tạo ra thịnh thế cho trái đất. Nếu đời đời kiếp kiếp làm tốt giáo dục, thì sự thịnh thế này là ngàn năm vạn đời, trái đất trở thành Thiên đường, trái đất biến thành Thế giới Cực Lạc, chúng ta có niềm tin đối với điều này. Cuối đời của ông Joseph Toynbee, ngày ngày nghĩ đến vấn đề này, từ bi đến tột cùng. Ông có trí huệ chân thật, mang cho chúng ta lợi ích chân thật, chúng ta phải nên chăm chỉ nghiêm túc học tập. Chúng ta xem bộ Kinh này, Pháp môn Tịnh tông là pháp hiếm có bậc nhất, Văn hoá truyền thống của nước ta ở trên thế giới, là văn hoá hiếm có bậc nhất. Người nước ngoài đã làm rõ ràng, đã làm sáng tỏ, ông đến chỉ dẫn chúng ta, chúng ta cải tử hoàn sinh cần dựa vào ông. Đây là chúng ta đã đọc một câu này: cảm xúc vô cùng sâu.

          Tiếp theo nói: 「故現是前所未見之瑞」Cố hiện thị tiền sở vị kiến chi thuỵ”(Nên tướng lành được hiện mà trước đây chưa từng thấy), Tôn giả A Nan là Thị giả của đức Phật, đối với sự phóng quang hiện tướng lành trước lần giảng Kinh này của Phật, từ trước tới nay chưa từng thấy tướng lành này, hiếm có bậc nhất; Pháp môn này được đức Phật thuyết: chính là đại kinh hiếm có bậc nhất. 「故本經中續曰從昔以來」Cố bổn Kinh trung tục viết: tùng tích dĩ lai”(Nên trong Kinh này nói tiếp: từ xưa đến nay), điều này do Tôn giả A Nan nói, 「所未曾見喜得瞻仰生希有心。此表阿難雖久侍佛側,但如斯瑞像,前所未見」Sở vị tằng kiến. Hỷ đắc chiêm ngưỡng, sanh hy hữu tâm. Thử biểu A Nan tuy cửu thị Phật trắc, đãn như tư thuỵ tượng, tiền sở vị kiến”(Chưa từng được thấy, ngài vui mừng chiêm ngưỡng, sanh tâm hy hữu. Chỗ này biểu thị tuy ngài A Nan hầu bên đức Phật đã lâu, nhưng tướng lành như thế, thì trước đây chưa từng thấy). Ngài A Nan là Thị giả của đức Phật, ngày nào cũng không rời khỏi đức Phật, đức Phật phát hào quang hiện tướng lành ngài thấy rất nhiều, nhưng chưa từng thấy tình hình thù thắng như vậy. Ở trong sự phóng quang của đức Phật, trong quang minh thấy được cõi nước chư Phật mười phương, cho nên sanh tâm hy hữu. 「見此光明心中歡喜乃起希有難遭之想Kiến thử quang minh, tâm trung hoan hỷ, nãi khởi hy hữu nan tao chi tưởng”(Thấy quang minh ấy, trong tâm hoan hỷ, mới khởi ý nghĩ hiếm có khó gặp).

          Chúng ta xem đoạn tiếp theo đây, 「禮讚陳辭」Lễ tán trần từ”(Lễ kính khen ngợi nêu lên bày tỏ). Trước tiên thấy được「禮敬」Lễ kính”(Sự lễ kính) của ngài:

          【即從座起。偏袒右肩。長跪合掌。】Tức tùng tòa khởi, thiên đản hữu kiên, trường quỵ hiệp chưởng”(Liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai phải, quỳ gối chắp tay).

          Chúng ta xem Chú Giải của Niệm lão, 「於是阿難從座而起,袈裟被體,袒露右肩,此名偏袒右肩,乃比丘致敬之極」Ư thị A Nan tùng toà nhi khởi, Ca-sa phi thể, đản lộ hữu kiên, thử danh thiên đản hữu kiên, nãi Tỳ-kheo chí kính chi cực”(Do đó ngài A Nan từ chỗ ngồi bèn đứng dậy, thân khoác Ca-sa, để lộ vai phải, đó gọi là thiên đản hữu kiên, là [lễ tiết] cung kính đến vô cùng của Tỳ-kheo). 『偏袒右肩』“Thiên đản hữu kiên” là đợi mệnh lệnh, Phật có chỉ thị gì, muốn ngài làm gì, thì động tác của ngài nhanh nhẹn. Khi quỳ thì một chân quỳ dưới đất, đứng lên thuận tiện, đã chuẩn bị tốt. Ca-sa của ngài vốn dĩ quấn trên thân, vậy thì làm việc không tiện, để lộ ra một cánh tay, thì làm việc thuận tiện, đây là lễ tiết cung kính nhất. 「合掌者,合左右兩掌之十指,故又名合十」Hiệp chưởng giả, hiệp tả hữu lưỡng chưởng chi thập chỉ, cố hựu danh hiệp thập”(Hiệp chưởng: là hợp mười ngón của hai bàn tay trái phải lại, nên còn gọi là hiệp thập). Ý nghĩa của “hiệp thập” là gì? 「印度以合掌表敬禮,表一心專注」Ấn Độ dĩ hiệp chưởng biểu kính lễ, biểu nhất tâm chuyên chú”(Ấn Độ dùng hiệp chưởng biểu thị kính lễ, thể hiện nhất tâm chuyên chú), chính là ý nghĩa này. Mười ngón tay biểu thị tâm tán loạn, hợp nhất, buông xuống tất cả Vọng niệm Tạp niệm, chuyên tâm, lấy ý nghĩa đó, dùng điều này để đại biểu: 「一心專注,恭敬之儀」Nhất tâm chuyên chú, cung kính chi nghi”(Nhất tâm chuyên chú, lễ tiết cung kính).

          Tiếp theo ngài A Nan nói: thỉnh giáo, 「陳辭」trần từ”(nêu lên bày tỏ). Trong đây chia làm hai đoạn nhỏ, đoạn thứ nhất là: 「最勝奇特」Tối thắng kỳ đặc”(Kỳ lạ đặc biệt thù thắng nhất), đây là khen ngợi.

          【而白佛言。世尊今日入大寂定。住奇特法。住諸佛所住導師之行。最勝之道。】 Nhi bạch Phật ngôn: Thế Tôn kim nhật nhập Đại Tịch Định, trụ kỳ đặc pháp, trụ chư Phật sở trụ Đạo sư chi hạnh, tối thắng chi đạo”(Mà bạch Phật rằng: hôm nay Thế Tôn nhập Đại Tịch Định, trụ pháp hiếm lạ đặc biệt, trụ hạnh Đạo sư mà chư Phật trụ, đạo thù thắng nhất).

          Chúng ta xem Chú Giải của Niệm lão. 「白」“Bạch”, biểu thị trình bày, của người dưới với bề trên, 『白佛言』bạch Phật ngôn”(bạch Phật rằng). Người trên với người dưới dùng ‘cáo’, là nói với. Người hiện nay, chúng ta thấy các bạn nhỏ, nói với mẹ của chúng là: con nói với mẹ; Nói với thầy của chúng là: con bảo với thầy. Điều này không được, nói với là người trên với người dưới; còn người dưới với bề trên phải bạch Phật rằng. Vào thời xưa, đó là rất quan trọng, không được thất lễ. 「阿難長跪合掌,向佛陳說,敬發所問」A Nan trường quỵ hiệp chưởng, hướng Phật trần thuyết, kính phát sở vấn”(Ngài A Nan quỳ gối chắp tay, hướng đến Phật trình bày, cung kính nêu câu hỏi). Trước tiên khen ngợi đức Phật, 「入大寂定,離一切散動」nhập Đại Tịch Định, ly nhất thiết tán động”(nhập Đại Tịch Định, lìa tất cả tán động), chữ ‘tán’ là chỉ tâm, tâm tán loạn, chữ ‘động’ là chỉ thân, chúng ta nói tâm tình xao động, đó là rất không cung kính. Giáo học của thời xưa, khi trong tâm học trò nông nổi, thì thầy không dạy, thầy nhất định nhập định ở bên cạnh, chờ đến tâm học trò đều định xuống, thân thể không vọng động nữa, lúc đó mới bắt đầu dạy học. Cho nên 「究竟寂靜,謂之大寂」cứu cánh tịch tĩnh, vị chi Đại Tịch”(tịch tĩnh rốt ráo, gọi là Đại Tịch).

          「大寂定者,如來所入之禪定」Đại Tịch Định giả, Như Lai sở nhập chi Thiền định”(Đại Tịch Định: là Thiền định mà Như Lai đã nhập). Trong Quyển thứ 30 của Kinh Niết Bàn nói: 「我於此間娑羅雙樹,入大寂定。大寂定者,名大涅槃。」Ngã ư thử gian Sa La Song Thọ, nhập Đại Tịch Định. Đại Tịch Định giả, danh Đại Niết-Bàn”(Ta ở trong rừng Sa La Song Thọ này, nhập Đại Tịch Định. Đại Tịch Định, tên là Đại Niết-Bàn). Trong rừng Sa La Song Thọ: là [nơi] đức Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện Diệt độ. Cả đời của Ngài không xây đạo tràng, đời sống bình thường, giữa ngày ăn một bữa, mỗi đêm ở dưới cây. Ban đêm ở dưới cây tĩnh toạ nghỉ ngơi, ban ngày gần trưa cầm bình bát ra ngoài, khất thực lại cùng trở về, hiện nay nói là dùng trai, tức là ăn cơm, đời sống vô cùng đơn giản. Dạy học cũng là ở dưới cây. Ngài rời xa chúng ta cũng ở dưới cây, chính là [rừng] Sa La Song Thọ, ở nơi đó nhập Đại Tịch Định, tức là Đại Bát-Niết-Bàn, đã rời xa chúng ta.

          Ý nghĩa của Đại Tịch Định này rất nhiều, trong sách Chân Giải nói, đó là Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ: của Tổ sư Đại đức Tịnh tông Nhật Bản, 「《甄解》云普等三昧及大寂定並是念佛三昧異名也」Chân Giải vân: Phổ Đẳng Tam-muội cập Đại Tịch Định, tịnh thị Niệm Phật Tam-muội dị danh dã”(Trong sách Chân Giải nói: Phổ Đẳng Tam-muội và Đại Tịch Định, đều là tên khác của Niệm Phật Tam-muội), chính là Niệm Phật Tam-muội, dùng phương pháp niệm Phật này đạt được Tam-muội. Tam-muội là tiếng Phạn, dịch ra tiếng nước ta là Thiền định. 「故知大寂定即為佛之禪定名大涅槃。若按今經則指念佛三昧念佛三昧稱寶王三昧為三昧中王。今日世尊開演淨土法門故入念佛寶王三昧」Cố tri Đại Tịch Định, thông thuyết tức vi Phật chi Thiền định, danh Đại Niết-Bàn. Nhược án kim Kinh, tắc chỉ Niệm Phật Tam-muội, Niệm Phật Tam-muội xưng Bảo Vương Tam-muội, vi Tam-muội trung vương. Kim nhật Thế Tôn khai diễn Tịnh Độ Pháp môn, cố nhập Niệm Phật Bảo Vương tam-muội”(Nên biết Đại Tịch Định, thông thường nói tức là Thiền định của Phật, gọi là Đại Niết-Bàn. Nếu dựa theo Kinh này, là chỉ Niệm Phật Tam-muội, Niệm Phật Tam-muội xưng là Bảo Vương Tam-muội, là vua trong [các] Tam-muội. Ngày nay Thế Tôn khai mở diễn thuyết Pháp môn Tịnh Độ, nên nhập vào Niệm Phật Bảo Vương Tam-muội). Đức Phật thuyết pháp thì nhập định trước, sau đó mới giảng, nói rõ tất cả pháp mà đức Phật thuyết, từng câu từng chữ là được lưu xuất ra từ trong định. Trong định lưu xuất ra là kiểu dáng gì? Ngài không thông qua Khởi tâm Động niệm, Ngài không thông qua Phân biệt Chấp trước. Lời chúng ta nói phải suy nghĩ chút: tôi nên giảng pháp như thế nào, đó là Ý thức thứ sáu, lời nói như vậy là lưu xuất ra từ trong Ý thức, Phật không phải vậy, không thông qua tâm ý thức.

          Phàm phu Lục đạo, Thánh nhân của thập Pháp giới: đều chưa rời khỏi tâm ý thức, Pháp thân Bồ-tát đã xa rời, chuyển tám thức thành bốn trí, đó là Pháp thân Bồ-tát. Cho nên, ngôn ngữ được lưu lộ ra từ Pháp thân: là Chân ngôn. Ý nghĩa của Chân ngôn là gì? Không có ý nghĩa, vì thế quý vị không thể nói là có ý nghĩa, quý vị nói có ý nghĩa, đó là phàm phu, Chân ngôn không có nghĩa. Khi khởi tác dụng là vô lượng nghĩa, bản thân Kinh điển không có ý nghĩa, lúc học tập có vô lượng nghĩa, giảng thế nào cũng nói thông suốt, đó là cứu cánh viên mãn, linh hoạt, hoạt bát. Bất luận gặp phải vấn đề gì thì quý ngài đều giải được, đây là trí huệ chân thật. Trí huệ này siêu việt thời gian, hữu ích với xã hội của 3000 năm trước, cũng hiệu quả với xã hội của 3000 năm ngày nay, vẫn hữu dụng với xã hội của 3000 năm sau này, hiệu quả vĩnh viễn, do lưu lộ từ Tánh đức, đó không phải tri thức. Tri thức thì có tính giới hạn, còn có di chứng; Trí huệ không có tính hạn chế, không có di chứng về sau.

          Vậy chúng ta là cần phải biết, học Phật là học trí huệ, không phải tri thức. Dùng bộ phương pháp của Khoa học, đó là cầu tri thức, được, nhưng với học môn học vấn Tâm Tánh thì không đi thông, phương pháp Khoa học không đi thông. Cho nên, điều kiện cần phải có của học vấn Tâm Tánh, là chân thành, tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm cung kính. Người nước ta thông thường thích đơn giản, nói hai chữ: thành, kính. Trong thành kính có thanh tịnh, có bình đẳng. Chính là 「清淨平等覺」‘thanh tịnh bình đẳng giác’ trên tựa đề Kinh của chúng ta, có thanh tịnh bình đẳng giác, đó là người đương cơ, quý ngài vừa nghe liền hiểu, vừa nhìn liền sáng tỏ, quý ngài không cần học, quý ngài chỉ cần đầy đủ điều kiện đó, thanh tịnh bình đẳng giác. Đức Thích Ca Mâu Ni Phật đầy đủ điều kiện này, nhập định ở dưới cây Tất-bát-la, Đại triệt Đại ngộ, Minh tâm Kiến tánh, năm đó Ngài 30 tuổi. Sau khi kiến Tánh nói ra nhiều kinh điển như vậy, 49 năm ngày nào cũng giảng kinh dạy học, nhiều kinh điển như thế, do ai dạy Ngài? Không ai dạy Ngài cả. Vậy học từ nơi nào? Ngài không hề đi học, do chính Ngài khai ngộ. Cho nên Phật pháp không có gì khác, [ngoài] khai ngộ Tự Tánh của quý vị, Tự Tánh của quý vị có vô lượng trí huệ, có vô lượng đức năng, có vô lượng tướng hảo, đều không phải do bên ngoài đến, là vốn có của chính quý vị. Trong Kinh Lăng Nghiêm đức Phật nói: 「圓滿菩提歸無所得。」Viên mãn Bồ-đề, quy vô sở đắc”. Thành Phật rồi, có đạt được gì không? Không có, những điều này toàn là do Tự Tánh vốn có, không phải do mới đạt được, mà là vốn có.

          Trí huệ bao hàm tri thức, trong tri thức không có trí huệ, là khác nhau. Những điều của phương Tây là tri thức, Khoa học, Triết học đều thuộc về tri thức; Những điều của phương Đông thuộc về trí huệ, không chỉ Khoa học, Triết học là trí huệ, mà trong đời sống hàng ngày: từng chút từng chút đều là trí huệ, uống một ly trà, ăn một bữa cơm đều là trí huệ. Văn hoá phương Đông này, ở trên thế giới chỉ có một nhà như vậy, nhất định phải biết trân trọng. Chúng ta nhất định không được nghi, tin tưởng Lịch sử làm kiến chứng cho chúng ta, truyền thừa của 5000 năm không phải thời gian ngắn, nhất định không được cho rằng có cặn bã. Có một số phương thức, phương pháp xưa nay khác nhau, xã hội biến đổi rất lớn, tinh thần những điều tốt của nước ta để lại vĩnh viễn không đổi, sự tướng là có thể thường thay đổi. Ví dụ hành lễ, kính lễ nhất của thời xưa, nhà Phật là ba lạy; thời Minh Thanh của Trung Hoa là ba quỳ chín khấu đầu; kính lễ nhất hiện nay là ba lần cúi đầu. Hình thức phải hiện đại hoá, bổn thổ hoá; còn tinh thần, tinh thần là Pháp tánh, là Tự Tánh, là Chân Tâm, đó hoàn toàn là bình đẳng, không được thay đổi điều đó, vừa thay đổi đó chính là Vọng tâm, không được thay đổi. Cho nên có Lý có Sự, trên Sự có thể tuỳ duyên, trên Lý không thể thay đổi. Lý, đơn giản chỉ là một chữ hiếu, chỉ là một chữ kính. Làm sao đem hiếu đạo, sư đạo, sư đạo đại biểu kính, ở trong sinh hoạt thường ngày, xử việc đối người tiếp vật làm ra viên mãn tròn đầy, đó chính là thịnh thế, đó chính là cõi nước của chư Phật.

          Đã mê mất những Chân tướng sự thật này, đã bỏ đi văn hoá, đời sống, công tác, đối nhân tiếp vật: của chúng ta hiện nay không biết làm thế nào, đến cuối cùng học điều nào tốt? Người ngoại quốc hâm mộ nước ta, chính người nước ta không cần nữa, làm sao đây? Có phải chờ đến một ngày, khi người ngoại quốc hoàn toàn học nước ta, thì chúng ta lại học tập với người nước ngoài hay không, có thể đi con đường này chăng? Tôi nghĩ có khả năng này. Bộ sách Quần Thư Trị Yếu ấy, nếu có ngày được dịch thành: các loại ngôn ngữ khác nhau trên thế giới, thì tôi tin: sẽ có người làm được rất viên mãn. Khi đó nước nhỏ đó của họ, thành phố đó của họ, chính là Thiên đường, chính là Thế giới Cực Lạc, mỗi người thấy được đều sẽ sanh tâm hoan hỷ, đều sanh tâm cung kính, đều học tập theo họ, thế giới mới có thể bước vào đại đồng. Thế giới đại đồng trong lý tưởng của người nước ta, chính là tất cả mọi người, tất cả chủng tộc, tất cả tôn giáo, tất cả quốc gia đều có thể chung sống hoà mục, tôn trọng lẫn nhau, kính yêu lẫn nhau, hợp tác lẫn nhau, chung sống hoà bình. Người với người trên toàn thế giới: đều giống như anh chị em, tương thân tương ái, trên kinh Phật nói là pháp hỷ sung mãn, thường sanh tâm hoan hỷ.

          Cho nên dùng phương pháp này [để] niệm Phật: được thanh tịnh bình đẳng giác, Niệm Phật Tam-muội chính là thanh tịnh bình đẳng giác. Chân Tâm hiện tiền, thanh tịnh bình đẳng giác chính là Tự Tánh, là Bản tánh mà người nước ta nói, thể của Bản tánh chính là thanh tịnh, chính là không động. Trong năm chữ đó thì: thanh tịnh, bình đẳng: là Bản tánh mà lão Tổ tông nước ta nói; Vốn thiện là gì? Vốn thiện là giác ngộ, không mê, chúng ta ở ngay trong đời sống hàng ngày, trong công việc, xử sự đối nhân tiếp vật, niệm niệm giác thì không mê. Thế nào là mê? Chấp tướng là mê rồi, chấp tướng là ô nhiễm rồi, tâm chấp tướng là động rồi. Học không chấp tướng, là chân tu hành, không nên để tất cả những thứ giả vào trong tâm, 「凡所有相皆是虛妄」phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”(những gì có tướng, đều là không thật); Nói cách khác, những gì có tướng: đều không nên để vào trong tâm, kể cả Phật pháp. Phật pháp đối với Tiểu học, sơ cấp: muốn họ để trong tâm, đó là pháp thiện; Đến khi khế nhập cảnh giới, thì không được để trong tâm nữa, đặt trong tâm thì không thể thành tựu Tam-muội. Tam-muội là gì? Là Tự Tánh vốn định, Đại sư Huệ Năng đã nói: 何期自性本無動搖」Hà kỳ Tự Tánh, bổn vô động dao”(Nào ngờ Tự Tánh, vốn không dao động): đó là Tự Tánh vốn định.

          Vậy nên Tự Tánh trước nay là định, giống như nước. Chúng ta cúng nước, dâng nước là tượng trưng Tự Tánh. Nước sạch, không ô nhiễm là tâm thanh tịnh; nước bình đẳng, không có sóng, không có sóng dao động, đại biểu cho tâm bình đẳng, thanh tịnh bình đẳng khởi tác dụng: chính là giác thì không mê. Cúng ly nước đó trước tượng Phật: biểu thị ý nghĩa này, không phải dâng cho Phật dùng, mà để cho chúng ta nhìn thấy ly nước, liền nghĩ đến dụng tâm của Phật chính như ly nước ấy, chúng ta muốn học Phật, thì nên học sự thanh tịnh của nước, học sự bình đẳng của nước. Chiếu kiến vạn vật đó chính là giác, quý Ngài chiếu kiến được, quý Ngài không có Khởi tâm, không có Động niệm, không có Phân biệt, không có Chấp trước. Cho nên quý Ngài dùng là thanh tịnh bình đẳng giác, thanh tịnh bình đẳng giác: chính là Tự Tánh, chính là Chân Tâm, chính là Chân Như, chính là Bản Tánh. Dùng tâm ấy để sinh hoạt, dùng tâm đó để làm việc, dùng tâm ấy để đối người tiếp vật, 92 năm biểu pháp của lão Hoà thượng Hải Hiền, là biểu diễn điều này. Thanh tịnh bình đẳng giác của ngài: giống với ngài niệm Phật hiệu đó, trước giờ chưa từng bỏ mất. Mười phương tất cả chư Phật Như Lai như vậy, những gì mà tất cả Như Lai đã tu, những gì mà tất cả Như Lai đã chứng, những gì mà tất cả Như Lai giáo hoá chúng sanh: đều không rời điều này. Vì vậy đây là pháp hiếm có đệ nhất. Thông thường chúng ta nói Giới Định Huệ, ngay ở trong câu này, thanh tịnh là Giới, bình đẳng là Định, giác là Huệ, viên mãn đầy đủ Tam học: Giới Định Huệ.

          Mục đích của Trì giới là được định, mục đích của tu định là khai ngộ, Pháp môn Tịnh tông chỉ dùng một câu Phật hiệu, sáu chữ hồng danh, còn gì tuyệt vời hơn! Thật sự đã làm rõ ràng, làm sáng tỏ, thì nắm chắc câu Phật hiệu này, đều buông xuống thế pháp và Phật pháp khác. Đó chính là gì? Là theo chân lão Hoà thượng Hải Hiền đã đi, phương pháp tu hành của ngài chính là điều này, ngài đã thành công. Sau khi thành công thì cả đời không xả bỏ, vẫn là một mạch mà niệm, cả đời không chuyển hướng, không chuyển hướng là nhất định không xen tạp, đi vào những gì khác. Hiếm có bậc nhất. Xen tạp thì không phải hy hữu đệ nhất, xen tạp thì đã biến chất, vậy thì thật đáng thương. Vốn là một đời thành Phật, vừa xen tạp thì không còn hy vọng đó nữa, lập tức đến trong Lục đạo, luân hồi rồi.

          Cho nên, Niệm Phật Tam-muội gọi là Bảo Vương Tam-muội, là vua trong các Tam-muội. Niệm câu A Mi Đà Phật này, không biết là đang tu Thiền định, là Pháp môn Vô thượng trong Thiền định. Câu Phật hiệu này, bao gồm toàn bộ: pháp Đại thừa Tiểu thừa, Hiển giáo Mật giáo ở trong đó, cũng không sót điều gì, thành tựu trong tương lai là đại viên mãn, sau khi đạt được Tam-muội, chẳng có pháp nào không thông. Ngày nay đức Thế Tôn khai diễn Pháp môn Tịnh Độ, nên nhập Niệm Phật Bảo Vương Tam-muội, điều này tương ưng, dùng là tâm gì, thì nói ra pháp thế đó, tâm miệng tương ưng.

          『住奇特法』Trụ kỳ đặc pháp”(Trụ pháp hiếm lạ đặc biệt). Trong Tịnh Ảnh Sớ nói: 「佛所得法,超出餘人,在世所無」Phật sở đắc pháp, siêu xuất dư nhân, tại thế sở vô”(Pháp mà Phật đạt được, siêu vượt người khác, không có ở thế gian), thế gian này không có, gọi là 「奇特」kỳ đặc”(hiếm lạ đặc biệt). Pháp mà Phật chứng đắc, Đại sư Ngẫu Ích đã giảng rõ ràng cho chúng ta, pháp mà đức Thích Ca Mâu Ni Phật chứng đắc, Ngài đắc pháp gì? Pháp niệm Phật thành Phật, điều này là thật, hiện nay người giảng không nhiều, do chúng sanh phước mỏng, cổ Đại đức vẫn còn nói. Đó đều là biểu pháp cho chúng ta, chư Phật Bồ-tát, Tổ sư Đại đức, mỗi vị đều nói pháp biểu pháp cho chúng ta, chúng ta phải biết nhìn, biết nghe, thì quý vị mới học được. Không biết nhìn, không biết nghe, lỡ qua trước mắt, đó là gì? Là do Phiền não Tập khí của chính mình quá nặng, cẩu thả lơ là, không có tâm cung kính, có nghi ngờ, nửa tin nửa ngờ. Người bán tín bán nghi quá nhiều quá nhiều rồi, họ theo người tu lâu, người tu lâu như như bất động, người khác không quấy nhiễu được họ, nhưng người mới học: rất dễ bị người khác quấy nhiễu. Họ có phải gánh trách nhiệm nhân quả không? Phải gánh, trách nhiệm của họ phải gánh là đoạn Pháp thân Huệ mạng của người khác, có thể tạo nghiệp lớn đó, quá đáng sợ. Giết mạng người là tội nhỏ, đoạn huệ mạng của người là tội lớn.

          Người ấy có phước do tu, tu Ngũ giới Thập thiện không tệ, quý vị giết họ chết, thì họ 49 ngày lại đến nhân gian, lại được thân người, cho nên tội đó không tính là nặng. Đời này họ gặp được Phật pháp, đời sau họ được thân người: nhưng có gặp được Phật pháp không? Vấn đề có thể là lớn rồi. Nếu cả đời không gặp được Phật pháp, họ đã mê, đời tiếp theo càng không thể có, thì không biết phải mê đến đời nào: mới có cơ hội gặp được như vậy nữa. Đó là nói rõ, tội nghiệp đoạn huệ mạng của người: phải lớn hơn đoạn thân mạng quá nhiều quá nhiều! Nói rõ Phật pháp khó được nghe, nói rõ Tịnh Độ là khó ở trong khó, nói rõ như bản Hội Tập này của: lão Cư sĩ Hạ Liên Cư, bản Tập Chú này của Hoàng Niệm lão quá khó được! Quý vị đã đoạn mất cơ hội đó của người ta, như thế có đáng không? Nếu họ là người sáng tỏ, nếu biết chân tướng sự thật, thì chắc chắn không dám làm. Người hiểu rõ chân tướng sự thật, nhất định tin sâu nguyện thiết cầu sanh Tịnh Độ, sức mạnh nào cũng không cách nào thay đổi họ, giống như lão Hoà thượng Hải Hiền, thật sự làm rõ ràng, thật sự làm sáng tỏ rồi.

          Tiếp theo, Niệm lão còn trích dẫn sách Hợp Tán nói: 「濟凡祕術,今日將說,故曰住奇特」Tế phàm bí thuật, kim nhật tương thuyết, cố viết trụ kỳ đặc”(Bí thuật cứu giúp phàm phu, hôm nay sắp giảng, nên nói trụ kỳ đặc). ‘Phàm’ là phàm phu Lục đạo. ‘Tế’ là cứu tế. Phàm phu sáu đường quá khổ, phương pháp cứu giúp thì có, rất nhiều, nhưng rất không dễ dàng. Chỉ có một môn, rất dễ lại còn rất nhanh chóng, dù đã làm Ngũ nghịch Thập ác, hơi thở đó của quý vị chưa dứt thì có thể cứu, dứt rồi thì không thể cứu. Khi chưa ngừng thở, khuyên họ niệm Phật, nếu họ thật chịu tiếp nhận, thì lúc mạng sắp hết, một niệm mười niệm đều có thể vãng sanh, còn gì tuyệt vời hơn Pháp môn này? Còn Pháp môn nào: có thể càng thù thắng hơn Pháp môn này nữa? Tìm không được, không còn nữa. Ngày nay sắp nói phương pháp này, nên khen ngợi đức Thế Tôn trụ kỳ đặc pháp. Thời gian hôm nay đã hết, chúng ta chỉ học đến đây thôi.

(Hết tập 124)

Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử cùng chúng sanh
Đều sanh nước Cực Lạc
Sớm viên thành Phật quả
Rộng độ khắp chúng sanh.

Nam Mô A Mi Đà Phật.

Trả lời 0