TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH KHOA CHÚ 2014
(Giảng lần thứ 4)
PHẨM THỨ 4: PHÁP TẠNG NHÂN ĐỊA
(NHÂN ĐỊA CỦA NGÀI PHÁP TẠNG)
Tập 151
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: 24/12/2014
Giảng tại: Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông
Dịch giả: Sư cô Thích Tâm Thường
Giảo chánh: Thích Thiện Trang.
Kính chào chư vị Pháp sư, quý vị đồng học, mời an tọa. Thỉnh mọi người cùng tôi quy y Tam Bảo:
A-xà-lê tồn niệm, ngã Đệ tử Diệu Âm, thỉ tùng kim nhật, nãi chí mạng tồn, quy y Phật-Đà, lưỡng túc trung tôn, quy y Đạt-Ma, ly dục trung tôn, quy y Tăng-Già, chư chúng trung tôn. (3 lần)
Mời xem Đại Kinh Khoa Chú, trang 401, hàng thứ ba từ trái qua, bắt đầu xem từ câu thứ hai ở cuối:
不捨菩薩業供養 “Bất xả Bồ-tát nghiệp cúng dường” (Không bỏ sự nghiệp của Bồ-tát để cúng dường), đây là kinh văn trong Phẩm Hạnh Nguyện, nói pháp cúng dường của Bồ-tát. Trong pháp cúng dường đầu tiên chính là như thuyết tu hành cúng dường, những gì Phật dạy bảo chúng ta, chúng ta nhất định phải nghiêm túc thực hiện, vận dụng trong cuộc sống, vận dụng trong công việc, vận dụng trong xử việc đối người tiếp vật, y theo lời dạy bảo của Phật để sửa đổi những hành vi sai lầm, gọi là tu hành. Như thuyết tu hành là khoa mục quan trọng nhất trong pháp cúng dường, đây là cúng dường từ trên căn bản của Bồ-tát, chúng ta nói cắm gốc, thì từ đây cắm gốc. Làm lợi ích chúng sanh để cúng dường, nhiếp thọ chúng sanh để cúng dường, chịu khổ thay chúng sanh để cúng dường, siêng tu thiện căn để cúng dường, chúng ta đã học hôm trước rồi, hôm nay tiếp tục không bỏ sự nghiệp Bồ-tát để cúng dường.
Nghiệp là sự nghiệp, sự nghiệp của Bồ-tát là giáo hóa chúng sanh. Năm xưa khi đức Thích Ca Mâu Ni Phật ở đời làm ra tấm gương cho chúng ta xem, từ năm 30 tuổi, Ngài đã khai ngộ dưới cây Bồ-đề, sau khi khai ngộ thì bắt đầu dạy học ở vườn Lộc Dã. Năm người học trò đầu tiên, thì Tôn giả Kiều Trần Như là người thứ nhất chứng A-la-hán, về sau mấy người đó cũng đều chứng A-la-hán. Đầy đủ Tam Bảo, đức Thích Ca Thế Tôn là Phật Bảo, tất cả pháp do Ngài thuyết là Pháp Bảo, năm vị Tỳ-kheo là Tăng Bảo, đầy đủ Tam Bảo, xuất hiện ở thế gian. Rồi sau đó, người mong muốn học tập với đức Phật càng ngày càng nhiều, hình thành 1250 người, bên trong đó còn phải bao gồm năm vị Tỳ-kheo đầu tiên, trở thành Đệ tử thường theo của đức Phật, chúng ta thường xuyên nhìn thấy ở trong kinh điển: 1255 người. Chúng ta tin rằng, không phải là Đệ tử thường theo, mà Đệ tử lâm thời đến tham học, số người không có nhất định, chúng tôi ước tính sơ lược thoáng qua. Theo thường tình của người để nói, Đệ tử lâm thời đến tham gia tôi tin sẽ không ít hơn 1250 người, ước tính khi đức Phật tại thế những Đệ tử ấy phải là khoảng 3000 người. Số lượng ấy được ghi trên kinh: là bởi vì muốn làm chứng tín cho người sau, những người ấy giỏi nhất, không có bỏ lỡ một lần ở bên cạnh đức Phật, những gì cả đời Phật đã thuyết, các ngài nghe được tất cả, y giáo tu hành. Đây chính là cúng dường của Đệ tử đối với đức Phật, cúng dường thù thắng nhất, kỳ vọng của Phật đối với Đệ tử chính là điều này, ngoài điều này thì không có bất cứ kỳ vọng nào, giúp họ nghiêm túc học Phật, thành Phật là việc lớn, thành Phật là cúng dường thù thắng nhất đối với Phật.
Câu này là nói chung, mấy câu tiếp theo đây là lược thuyết, hiện nay chúng ta học tập không xả nghiệp của Bồ-tát. Sự nghiệp của Bồ-tát: là giáo hóa chúng sanh không có điều kiện. Đức Phật dạy học nghiêm túc có trách nhiệm, Phật không thu tiền học phí đối với học trò đến học. Lúc ở đời, cách sống của các ngài rất đơn giản, giữa ngày ăn một bữa. Thức ăn từ đâu đến? Là đi khất thực. Vật dụng trong đời sống mà Đệ tử Phật mang theo bên mình, nuôi dưỡng thân thể này không thể thiếu, gọi là ba y một bát, chỉ có ba y, khu vực hoạt động của Phật là nhiệt đới, vùng nhiệt đới có ba y là đủ rồi, một bát là đi ra ngoài khất thực. Tiếp nhận tứ sự cúng dường của Cư sĩ tại gia, bốn việc: thứ nhất là 飲食 “ẩm thực”; Thứ hai là 衣服 “y phục”; Thứ ba là 臥具 “ngọa cụ”, nói thật ra chính là một tấm trải giường, buổi tối ngủ trải ra dưới mặt đất, là ngọa cụ; Thứ tư là 醫藥 “y dược” khi có bệnh, ngoài những điều này ra, thì hết thảy không tiếp nhận, thân tâm thanh tịnh, buông xuống vạn duyên. Tu điều gì? Tu Giới Định Huệ. Giới là giáo giới của Phật; Định là đầu mối then chốt của tu học. 84.000 Pháp môn, nhiều Pháp môn, khác nhau, chính là dùng phương pháp khác nhau, phương tiện khác nhau, nhưng mục đích là giống nhau, mục đích là gì? Là được Định, mục đích của trì giới là đắc Định. Định, tiếng Phạn gọi là Tam-muội, trên tựa đề Kinh của chúng ta đây gọi là thanh tịnh bình đẳng, thanh tịnh là Định, bình đẳng là Định, thanh tịnh là Định của A-la-hán, Bích-chi-phật; Bình đẳng là Định của Bồ-tát. Mục đích của Định ở đâu? Mục đích của Định là nhằm khai trí huệ, tâm định rồi sẽ khai trí huệ, nên giác phía sau đó, thanh tịnh bình đẳng giác, giác là mục tiêu cuối cùng của việc tu học Phật giáo, đại giác, Đại triệt Đại ngộ, Minh tâm Kiến tánh, kiến tánh thành Phật, thì sự giáo dục của Phật viên mãn rồi, tốt nghiệp rồi, thành Phật là tốt nghiệp rồi.
Sau khi thành Phật làm gì? Trên thế giới này 360 ngành nghề, ngành nghề nào cũng có thể làm. Phật ở thế gian, sau khi tự giác, thì hoàn toàn ở giác tha, giúp đỡ người khác, bất kể tham gia ngành nghề nào, đều là lợi ích xã hội, lợi ích chúng sanh, là thật sự toàn tâm toàn ý phục vụ cho tất cả chúng sanh. Phục vụ có phương hướng chung, có mục tiêu chung. Phương hướng chung: là giúp chúng sanh trở về Tự Tánh, đây là tổng phương hướng. Phương pháp dùng là dạy học, dạy học là phương pháp của Ngài. Mục tiêu đầu tiên của giáo học, là giúp hết thảy chúng sanh lìa khổ được vui. Chúng sanh có khổ vui, phải giảng rõ ràng, giảng sáng tỏ, giảng thấu triệt hiện tượng, chân tướng của khổ vui, nói khổ trước rồi nói vui. Bộ Kinh Vô Lượng Thọ này: nói rất rõ ràng về hai sự việc đó. Nên đầu tiên Phật dạy chúng ta biết khổ vui, điều này rất quan trọng. Biết khổ vui cũng không phải là việc đơn giản, đó chính là Thánh nhân, đó chính là Hiền nhân. Sau khi biết rõ khổ vui, thì Phật mong giúp chúng ta làm sao thoát khỏi khổ mà đạt được vui. Phật nói với chúng ta, khổ từ đâu tới? Khổ đến từ tất cả [điều] của chúng ta trái ngược với Tự Tánh, trái ngược với Tánh đức, đó chính là do tư tưởng lời nói việc làm sai lầm mà chiêu cảm lấy, khổ do vậy mà đến; Vui từ đâu ra? Vui từ tư tưởng lời nói việc làm hoàn toàn tương ưng với Tánh đức của chúng ta, là đến như vậy. Tánh đức là gì? Tam phước, Lục hòa, Tam học, Lục độ, Mười nguyện của ngài Phổ Hiền là Tánh đức, đây chính là sự nghiệp của Bồ-tát.
Ở nước ta cũng có, nhưng chưa nói được rốt ráo, viên mãn như Phật pháp. Cổ Thánh tiên Hiền lão Tổ tông nước ta dạy chúng ta điều gì? Dạy chúng ta Ngũ luân, Ngũ thường, Tứ duy, Bát đức. Ngũ luân là đạo, điều gọi là đạo: chính là vốn có trong Tự Tánh, không phải từ bên ngoài, 法爾如是 “pháp nhĩ như thị” (pháp vốn như vậy), tự nhiên là như vậy, không phải do người tạo nên, không phải do ai phát minh sáng tạo, không phải, mà vốn là vậy. Ngũ luân là một thể, là do Tự Tánh sanh ra hiện ra. Người thông thường chúng ta: không giác trong cuộc sống hàng ngày, quên mất gốc rễ quan trọng nhất của việc làm người, những gì chúng ta nghĩ, nói và làm: là trái ngược với Luân thường đạo đức. Phụ tử hữu thân, không ai tin điều này, thân này: là gốc rễ của nhân luân đạo đức, thân là gì? Thương yêu. Người hiện nay không tin, người xưa tin, tại sao vậy? Bởi họ thấy được rồi, ở ngay trước mắt. Tôi cũng thấy được rồi, tôi cũng đã dạy cho không ít đồng học, quý vị nghiêm túc để ý, quý vị nhìn xem, là thật không phải giả. Nhìn ở đâu? Nhìn trong cha con, nhìn trong mẹ con. Quý vị nhìn người mẹ sanh ra con, nhìn vào lúc nào? Người con ấy còn chưa tới 100 ngày, thiên chân được hiển thị trên toàn thân của chúng. Thiên là tự nhiên, không phải do tạo ra, tự nhiên hiển hiện ra. Quý vị quan sát ánh mắt của chúng, động tác của chúng, vô cùng đáng yêu, chúng hiện ra ở trước mặt cha mẹ của chúng, chúng cũng không biết cha mẹ của chúng, 100 ngày vẫn chưa biết; Nói cách khác, chúng chưa bị ô nhiễm, hoàn toàn là biểu hiện của thiên chân, tốt! Yêu thương của cha mẹ đối với chúng, quan tâm lo lắng đối với chúng, quý vị thấy được sự yêu thương ở đây, thấy được từ trên thân của cha mẹ, thấy được từ trên thân của trẻ sơ sinh.
Tôi tin rằng ngàn vạn năm trước, lão Tổ tông của chúng ta đã nhìn ra rồi, tốt, quá tốt rồi! Làm thế nào để cho loại thân ái này được bảo tồn mãi mãi, gìn giữ mà đừng bị mất đi? Lúc nhỏ yêu cha mẹ, nhưng lớn lên rồi không yêu nữa, làm sao trở thành như thế? Cho nên lão Tổ tông đã nghĩ tới, làm thế nào có thể gìn giữ được thân ái này lâu dài, giữ đến trọn đời cũng sẽ không thay đổi. Ý niệm này là gì? Ý niệm này chính là giáo dục là đến từ đâu, giáo dục là đến từ đây, hi vọng rằng có thể giữ gìn được Đại đạo Ngũ luân này, phải dựa vào giáo dục. Lão Tổ tông nước ta đã phát minh giáo dục, là đến từ đây. Bởi vì các ngài biết, các ngài nhìn ra từ trong kinh nghiệm của các ngài, đã nhìn thấy, 性相近,習相遠 “tánh tương cận, tập tương viễn”, các ngài nhìn thấy rồi, Bổn tánh là giống nhau, gọi là tương cận, ai cũng trải qua giai đoạn này, giai đoạn này thiên chân hoàn toàn hiện lộ ra, đáng yêu biết mấy, đáng kính biết bao, đáng được mọi người tôn trọng biết bao, nên tánh là giống nhau, thói quen sẽ kéo khoảng cách giữa mình và Bổn tánh này của chính mình ngày càng xa hơn. Nên câu tiếp theo trong Tam Tự Kinh nói苟不教,性乃遷 “cẩu bất giáo, tánh nãi thiên”, nếu quý vị không dạy chúng thật tốt, thì Thiên tánh dần dần bị che khuất đi, lâu dần hình thành Tập tánh, trở thành thay chủ đổi ngôi, về sau Tập tánh làm chủ thì phiền phức có thể lớn lắm, Tập tánh là bất nhân, bất nghĩa, hiện nay xã hội không có lễ, không có trí, không có tín. Đây là Ngũ đức, Ngũ đức là từ trong Tự Tánh mà lưu lộ ra, từ Chân tâm lưu lộ ra: năm loại đại dụng, tác dụng đó, sau khi bị che khuất, trở thành ngược lại, chính là không có nhân (nhân là nhân ái), tự tư tự lợi, chỉ có quan hệ của thiệt hơn, không có quan hệ của thân ái, sự thay đổi này lớn biết bao; Không nói lễ, đó chính là tạo ác nghiệp; Không có trí huệ, mà ngu si; Không có chữ tín, có tâm lừa dối tất cả chúng sanh, ngay cả cha mẹ cũng lừa dối, con cái lừa dối cha mẹ, cha mẹ lừa gạt con cái, vợ chồng lừa gạt nhau. Thế giới này không giống là thế giới của người, giống gì vậy? Yêu ma quỷ quái, biến đổi vô thường. Do đó giáo dục quan trọng lắm.
Phật dạy người không tu thiện không tu ác, vì sao vậy? Bởi thiện ác tạo thành Lục đạo luân hồi, quý vị tu thiện, tạo nghiệp của ba đường thiện; Quý vị làm ác, quý vị tạo nghiệp của ba đường ác, đây chính là là Lục đạo luân hồi. Sự nghiệp của Bồ-tát là gì? Nghiệp của Bồ-tát là Tịnh nghiệp, thanh tịnh, không rớt vào hai bên thiện và ác, nên Bồ-tát đoạn tất cả ác tu tất cả thiện, nhưng không để tất cả thiện trong tâm, đó là Tịnh nghiệp. Nếu để trong tâm, thì tâm bị ô nhiễm rồi, trong tâm thanh tịnh không có thiện ác, phải biết điều này, trong tâm bình đẳng không có giác mê, nhiễm tịnh thiện ác đều không để trong tâm, thì nghiệp này trở thành nghiệp của Bồ-tát. Nói một cách cụ thể về nghiệp của Bồ-tát, chúng ta nói năm khoa mục, năm khoa mục chính là nghiệp của Bồ-tát. Tam phước, Tịnh Nghiệp Tam Phước, phải làm, làm rất nghiêm túc, tại sao vậy? Bởi cúng dường hết thảy chúng sanh. Theo đức Phật mà nói là giáo hóa, theo Bồ-tát mà nói là cúng dường, tại vì sao? Bởi Phật là sư đạo, Phật là bậc thầy, Bồ-tát là đồng học, đồng học thì phải khách sáo nhiều hơn, nên đồng học dùng cúng dường, đức Phật là dạy bảo. Tịnh Nghiệp Tam Phước dạy chúng ta, thật ra mà nói ngày ngày phải đọc, không đọc thì đều quên hết rồi, khóa trình quan trọng. Khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều phải tương ưng với Tam phước, đây là gì? Đây là Đệ tử Phật tiêu chuẩn. 孝養父母,奉事師長 “Hiếu dưỡng Phụ mẫu, Phụng sự Sư trưởng”, phải luôn luôn để trong tâm, nghiêm túc làm được điều này, làm cho đại chúng xã hội thấy, đây là khuyên hiếu khuyên kính thật sự. Người mà có thể hiếu thuận cha mẹ, có thể tôn kính sư trưởng, người ấy chính là Thánh Hiền Quân tử, người ấy chính là Phật Bồ-tát A-la-hán, dựa vào điều đó làm tiêu chuẩn. Tiếp theo có hai câu, 慈心不殺,修十善業 “Từ tâm Bất sát, Tu Thập Thiện Nghiệp”, hai câu này là giới căn bản, bồi dưỡng đức hạnh, trí huệ của chính mình, đây là cắm gốc giáo dục.
Chúng ta học tập theo Phật Bồ-tát, là tiếp nhận sự giáo dục. Sau khi tiếp nhận, thì áp dụng trong đời sống, thực hiện trong công việc, thực hiện trong xử việc đối người tiếp vật, đây gọi là tu hành, đây gọi là không xả sự nghiệp của Bồ-tát. Người nước ta nói rất đơn giản, bốn chữ: 身行言教 “Thân hành ngôn giáo”. Chúng ta làm được tất cả những gì đức Phật dạy cho chúng ta, là thân hành, thân hành chính là giáo hóa chúng sanh, làm ra tấm gương cho người xem; Người khác xem rồi bị cảm động, muốn học với quý vị, muốn thỉnh giáo với quý vị, quý vị lại dùng lời nói giảng cho họ nghe những đạo lý ấy, họ nghe hiểu rồi, thật có thể tiếp nhận, thì người ấy được độ rồi. Đây là điều giới thứ nhất, điều thứ nhất trong Tam phước. Từ trên nền tảng này lại đi lên, nền tảng này là điều thứ nhất, là pháp của nhân thiên, ở trong Lục đạo rời khổ được vui, không phải là rốt ráo, quý vị chưa ra khỏi Lục đạo luân hồi. Hiện tiền quý vị làm được, hiện tiền có thể rời khổ được vui; Tương lai quý vị làm được, tương lai có thể lìa khổ được vui; Nếu không làm, thì quả báo của khổ vui hiện tiền, hiện tiền nhất định là khổ nhiều vui ít, vì sao vậy? Bởi chúng ta khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác, ác nhiều hơn thiện, ý niệm của ác nhiều hơn ý niệm thiện, lời nói ác nhiều hơn lời nói thiện, hành vi ác nhiều hơn hành vi thiện, đạo lý là ở đây.
Chúng ta phải tin theo Thánh hiền, phải tiếp nhận giáo huấn của lão Tổ tông. Tổ tông thương yêu che chở vô cùng chu đáo đối với thế hệ sau, nền văn hóa để lại đều là dạy chúng ta lìa khổ được vui. Trước đây có người dạy, đất nước dạy, gia đình dạy, xã hội dạy, nên tự nhiên dưỡng thành đức hạnh, thói quen rất tốt. 200 năm gần đây những vị Tổ tông ấy của chúng ta, đây là cận đại, trong vòng 200 năm, đã lơ là rồi, nhìn thấy những điều hiếm lạ của nước ngoài, khoa học kỹ thuật, bị mê mất Bổn tánh, thiệt thòi này lớn rồi, buông bỏ những thứ của Tổ tông, những thứ của Thánh hiền, cứ mê muội học theo phương Tây, gây ra sự khổ nạn của xã hội nước ta ngày nay, khiến chúng ta đánh mất tín tâm đối với văn hoá truyền thống, đây là việc đáng buồn nhất của thế gian. Người ngoại quốc nhắc nhở chúng ta, nhưng chúng ta không dám tin. Ông Russell, ông Toynbee của nước Anh, họ thấy rất rõ ràng, họ thật sự nhìn ra được, văn hoá truyền thống nước ta là nền văn hóa tốt đẹp đáng được mọi người tôn trọng nhất, thù thắng nhất trong tất cả nền văn hóa dân tộc trên toàn thế giới. Phải phục hưng văn hóa nước ta, thì người trên toàn thế giới đều hưởng phước, chính là lìa khổ được vui, nhưng người nước ta không tin. Những lời này do ông Toynbee nói ra, đặc biệt là lúc cuối đời, trong giới học thuật có không ít người nói ông ấy đang bị vọng tưởng, có lẽ là già nên hồ đồ rồi. Nếu quý vị lắng tâm để nghe lời của ông ấy, để nghiên cứu tác phẩm của ông ấy, thì quý vị mới thật sự thể hội được, ông ấy nói đúng, không nói sai, tại vì sao? Bởi văn hoá truyền thống nước ta và Phật pháp Đại thừa đều là từ Tự Tánh lưu xuất ra, Tự Tánh là Chân Tâm không phải Vọng tâm, những gì Chân Tâm lưu xuất ra là chân lý, là Thật tướng. Do đó chúng ta đọc sách của ông ấy, làm tăng đáng kể niềm tin của chúng ta đối với văn hoá truyền thống.
Thái bình thịnh thế xuất hiện trên địa cầu. Sự thịnh thế này, không giống như trước đây là một khu vực, hiện nay thịnh thế của thế kỷ 21 là toàn cầu, dựa vào điều gì? Dựa vào văn hoá truyền thống nước ta và Phật học Đại thừa, Phật học Đại thừa cũng ở nước ta. Người nước ta không tin, thì ai dám tin? Chỉ có đối với văn hoá truyền thống: thật sự có hiểu biết, thật sự quen thuộc, không có nghi ngờ, họ mới có thể tin, đây là một số ít người. Một số ít người vậy có hiệu quả không? Có thể, chỉ cần dùng Chân tâm. Cổ nhân nước ta đã nói một câu 邪不勝正 “tà bất thắng chánh” (tà không thể thắng chánh), năng lượng của chánh quá lớn rồi. Còn ngày nay là năng lượng của tà lớn, năng lượng của chánh yếu kém, nhìn bề ngoài có vẻ là chánh không thắng tà, nhưng nếu quý vị lắng tâm tỉ mỉ để nhìn, thì năng lượng của chánh đang mở rộng, năng lượng của tà đang co lại, đến cuối cùng thật sự tà không thể thắng chánh. Lúc đó, niềm tin của đại đa số người được khôi phục, thái bình thịnh thế xuất hiện rồi.
Trước mắt chúng ta gặp được một bộ sách hay, tín tâm của chúng ta càng đầy đủ hơn, bộ sách này, là Quần Thư Trị Yếu do ngài Đường Thái Tông biên soạn. Đây là cổ Thánh tiên Hiền của nước ta, từ Tam hoàng Ngũ đế, Thánh hiền Quân tử từ thế hệ này sang thế hệ khác: tích lũy trí huệ, lý niệm, phương pháp, hiệu quả, kinh nghiệm chân thật, đều ở trong đó, sách này có thể giúp chúng ta: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Chữ “bình” trong bình thiên hạ đó là công bình, là bình đẳng, cũng chính là đối xử bình đẳng, chung sống hòa thuận, điều này nói các dân tộc khác nhau, nền văn hóa khác nhau, hệ tư tưởng khác nhau, cách sống khác nhau trên toàn thế giới đều có thể thống nhất. Mọi người dùng đã quen danh từ “thống nhất” này, nếu theo nước ta, theo Phật pháp, không dùng từ “thống” này, mà dùng “hợp”, hợp tác, hòa hợp, hợp nhất.
Đây là không xả nghiệp của Bồ-tát. Nghiệp của Bồ-tát dùng phương pháp gì để thực hiện? Tấm gương mà đức Thích Ca Mâu Ni Phật làm cho chúng ta là dạy học. 30 tuổi đức Thế Tôn khai ngộ, sau khi khai ngộ liền dạy học, 79 tuổi viên tịch, giáo học 49 năm, trên kinh điển đã nói 講經三百餘會,說法四十九年 “giảng kinh tam bá dư hội, thuyết pháp tứ thập cửu niên” (giảng kinh hơn 300 hội, thuyết pháp 49 năm). Hơn 300 hội, hội lúc đó, hiện nay chúng ta gọi là tổ chức hoạt động, tổ chức hoạt động chính là hội mà người xưa nói, đức Thế Tôn tổ chức hoạt động hơn 300 lần, mỗi một lần quy mô lớn nhỏ khác nhau, thời gian dài ngắn cũng khác nhau, tổng cộng hơn 300 lần. Tất nhiên trong đó, rất nhiều hoạt động nhỏ hợp thành một hoạt động lớn, tổng hợp thành một hoạt động lớn. Không ngừng làm, làm ở khắp nơi. Đức Thích Ca Mâu Ni Phật không xây chùa chiền, không có Đạo tràng, trải qua là cuộc sống du mục, buổi tối ngủ một đêm dưới cây, ban ngày đi khất thực, giữa ngày ăn một bữa, Ngài không sống ở một nơi, hoàn toàn trải qua cuộc sống của thiên nhiên. Buông xuống vạn duyên, những gì cần cho cuộc sống ở thế gian này, vài điều kiện cơ bản thấp nhất, ngoài điều này ra thì buông xuống tất cả rồi, thân tâm thanh tịnh, thanh tịnh chính là khỏe mạnh. Vì vậy không bỏ nghiệp của Bồ-tát, sự nghiệp của đức Phật là dạy học.
Khi đức Phật ở đời, Đệ tử Bồ-tát là có thành tựu, Minh tâm Kiến tánh, những Bồ-tát ấy ra bốn phương tám hướng, thay Phật giảng kinh dạy học, các ngài cũng lãnh chúng, đoàn thể nhỏ. Phật pháp truyền thừa ra bốn phương tám hướng: ở Châu Âu, ở Châu Phi, ở Châu Á, những vùng xa xôi đều được phổ cập đến. Đặc biệt là ở nước ta, lý niệm về văn hoá truyền thống nước ta có thể nói là hoàn toàn tương đồng, có thể tìm thấy trong sách cổ của nước ta, nên người nước ta tiếp nhận rồi. Đặc biệt là phương pháp dạy học của Ngài, Tam học: Giới Định Huệ, nhân Giới được Định, nhân Định khai Huệ, phương pháp này, lý niệm này, nhà Nho tiếp nhận rồi, nhà Đạo cũng tiếp nhận rồi. Trong những năm đầu, năm đầu Dân Quốc, trong trường tư thục giáo viên dạy học đều biết, việc dạy học đối với trẻ em, cần giúp chúng bớt phóng túng, vì sao vậy? Bởi trẻ em cũng biết suy nghĩ linh tinh. Dùng phương pháp nào giúp chúng buông xuống suy nghĩ ấy? Dùng phương pháp đọc sách. Đọc sách không cần giảng giải ý nghĩa, không đọc sai chữ, không đọc sót câu, đọc đi đọc lại, tại sao vậy? Bởi chúng sẽ không khởi vọng tưởng, chúng sẽ không có tạp niệm. Đây là gì? Đây là định, trẻ em cũng phải tu định. Đọc nhiều lần rồi, thì chúng nhớ được, chúng quen thuộc rồi, đó là tác dụng phụ, chứ không phải tác dụng chính, tác dụng chính là dạy chúng được Tam-muội, đắc định. Chúng có định thì chúng sẽ có chỗ ngộ, niệm niệm của chúng đều niệm, thầy không giảng cho chúng, mà chính chúng hiểu rõ rồi, rất nhiều tình huống như vậy. Sau khi hiểu rõ, học trò giảng cho thầy nghe, thầy ấn chứng cho trò, con giảng không sai, giảng được rất tốt, ấn chứng cho học trò. Đó chính là tự thấy nghĩa của sách, đọc lâu rồi thì chính mình hiểu rõ thôi. Đây là lý niệm và phương pháp quan trọng của việc dạy học trong nhà Phật và văn hoá truyền thống nước ta, nhân tài được bồi dưỡng, là Thánh hiền quân tử, còn nhân tài mà Phật pháp Đại thừa bồi dưỡng là Phật, Bồ-tát, A-la-hán. Đây là nghiệp của Bồ-tát.
Tiếp theo, 不離菩提心供養 “bất ly Bồ-đề tâm cúng dường” (không rời tâm Bồ-đề để cúng dường), tâm Bồ-đề là Chân tâm. Bồ-đề được dịch là giác, tâm Bồ-đề chính là chữ giác trên tựa đề Kinh. Thanh tịnh bình đẳng giác, thanh tịnh, là tâm của A-la-hán; Bình đẳng, là tâm của Bồ-tát; Giác chính là tâm Bồ-đề, tâm của Phật. Cách nói về tâm Bồ-đề thế nào? Có thể hợp kinh luận lại để tham khảo. Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật giải thích, thể của tâm Bồ-đề là tâm chân thành, tác dụng của tâm Bồ-đề, đối với tự thọ dụng của chính mình gọi là thâm tâm, đối với tha thọ dụng của người khác gọi là tâm từ bi, phải từ bi đối với người. Thâm tâm có nghĩa là gì? Cổ đức giải thích là hiếu thiện hiếu đức, ưa thích luân lý đạo đức, ưa thích đoạn ác tu thiện, đây là tự thọ dụng. Đối xử với người khác bằng một tấm từ bi, bi là bạt khổ, chúng sanh có khổ, giúp họ rời khổ, đó là tâm bi; Giúp họ đạt được niềm vui, đạt được hạnh phúc, đó là từ, đó là thí xả, nói chung đều là một tâm thương yêu, tâm thương yêu chân thành, tâm thương yêu không có điều kiện. Phật pháp Đại thừa, tâm yêu thương cùng thể, trên đồng thể với chư Phật Bồ-tát, dưới đồng thể với tất cả chúng sanh, đều là do Tự Tánh biến hiện ra, Tự Tánh là Chân Tâm. Nên Đại sư Huệ Năng nói “nào ngờ Tự Tánh, có thể sanh vạn pháp”, vạn pháp chính là cả vũ trụ, từ đâu tới vậy? Từ ý niệm của chúng ta sanh ra, ý niệm thiện sanh ra ba đường thiện, ý niệm ác sanh ra ba đường ác, ý niệm thiện ác không còn, thì không thấy Lục đạo luân hồi nữa. Phật pháp Đại thừa nói, luôn luôn giữ tâm Bồ-đề, thì người ấy chính là Bồ-tát.
Năm xưa, tôi giảng tâm Bồ-đề ở nước Mỹ, thì tôi dùng tựa đề kinh của Kinh Vô Lượng Thọ. Thể của tâm Bồ-đề: 真誠 “chân thành”, tôi dùng hai chữ này; Tự thọ dụng chính là 清淨、平等、正覺 “thanh tịnh bình đẳng chánh giác”, đây là tự thọ dụng; Cuối cùng 慈悲 “từ bi”, là tha thọ dụng, tôi dùng mười chữ để giải thích, dễ hiểu, dễ thể hội, chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Chân thành là bản thể của tâm Bồ-đề, chính là tâm chí thành được nói trên Quán Kinh, chí thành là gì? Chân thành đến tột bậc gọi là chí thành. Chính mình đối với mình phải thanh tịnh, phải bình đẳng, phải giác ngộ, những điều khác tôi đều không cần, tôi chỉ cần điều này. Thanh tịnh, không có ô nhiễm; Bình đẳng, không có phân biệt. Có phân biệt thì không bình đẳng, có ô nhiễm thì không thanh tịnh. Ô nhiễm là gì? Phiền não là ô nhiễm, kinh giáo thường giảng: năm loại Kiến hoặc, năm loại Tư hoặc là ô nhiễm. Năm loại Kiến hoặc là Thân kiến, Biên kiến, Kiến thủ, Giới thủ, Tà kiến, năm loại Tư hoặc là Tham, Sân, Si, Ngạo mạn, Hoài nghi, đó là ô nhiễm. Buông xuống những điều này, thì tâm thanh tịnh hiện tiền, là cảnh giới của A-la-hán. Đi lên tiếp, không phân biệt. Không phân biệt, thì tâm bình đẳng hiện tiền, phân biệt thì không bình đẳng nữa. Cuối cùng đi lên nữa, giác chính là Đại triệt Đại ngộ, Minh tâm Kiến tánh hiện tiền rồi. Phật giáo cũng được gọi là viên giác, giác ngộ viên mãn, đó là thành Phật rồi. Tâm Bồ-đề là gốc rễ, dùng tâm này. Bồ-tát đạo là gì? Bồ-tát đạo chính là nghiệp của Bồ-tát, chính là hạnh của Bồ-tát, tôi cũng dùng mười chữ, 看破、放下、自在、隨緣、念佛 “nhìn thấu, buông xuống, tự tại, tùy duyên, niệm Phật”. Cuối cùng quay về Tịnh Độ, tín nguyện trì danh, cầu sanh Tịnh Độ, làm thành tổng kết. Vì vậy tôi dùng 20 chữ này, gọi là không bỏ nghiệp của Bồ-tát, không rời tâm Bồ-đề.
Kinh văn tiếp theo ghi, 善男子:如前供養無量功德,比法供養一念功德,百分不及一,千分不及一,百千俱胝那由他分、迦羅分、算分、數分、喻分、優婆尼沙陀分,亦不及一 “Thiện nam tử: như tiền cúng dường vô lượng công đức, tỉ pháp cúng dường nhất niệm công đức, bá phần bất cập nhất, thiên phần bất cập nhất, bá thiên câu-chi na-do-tha phần, ca-la phần, toán phần, số phần, dụ phần, ưu-bà-ni-sa-đà phần, diệc bất cập nhất” (Thiện nam tử: như vô lượng công đức của sự cúng dường ở trước, nếu sánh với công đức của một niệm cúng dường pháp, thì không bằng một phần trăm, không bằng một phần nghìn, một phần trăm nghìn câu-chi na-do-tha, một phần ca-la, một phần toán, một phần số, một phần dụ, cũng không bằng một phần ưu-bà-ni-sa-đà). Đoạn này nói điều gì? Tài cúng dường, dù cúng dường nhiều đi nữa, không bằng pháp cúng dường. Công đức của pháp cúng dường thật sự là vô lượng vô biên, tại vì sao? Bởi tương ưng với Tánh đức, Tự Tánh không có số lượng, nên pháp cúng dường tương ưng với Tự Tánh, công đức của pháp cúng dường cũng là vô lượng vô biên. Những điều nói ở đây, tất cả đều là thuộc về pháp cúng dường: tu hành như lời dạy, làm lợi ích chúng sanh, nhiếp thọ chúng sanh, chịu khổ thay chúng sanh, siêng tu thiện căn, không bỏ nghiệp của Bồ-tát, không rời tâm Bồ-đề, dùng tâm nguyện như vậy, mà cúng dường một câu cũng không thể nghĩ bàn. Cúng dường được nói phía trước là nói tài cúng dường, trong bố thí có tài thí, có pháp thí, có vô úy thí, tài thí cúng dường, vô úy thí cúng dường: không bằng pháp cúng dường. Trong pháp cúng dường, ở trên Kinh Hoa Nghiêm, Phật đã nói cụ thể cho chúng ta mấy câu này, tu hành như lời dạy là thứ nhất, làm lợi ích chúng sanh là thứ hai, nhiếp thọ chúng sanh là thứ ba, chịu khổ thay cho chúng sanh là thứ tư, siêng năng tu tập thiện căn là thứ năm, không bỏ nghiệp của Bồ-tát là thứ sáu, không rời tâm Bồ-đề là thứ bảy, đã nói bảy loại. Công đức của bảy loại này là vô lượng vô biên, nhất định phải không chấp tướng, nếu chấp tướng thì có giới hạn rồi. Không chấp tướng, thế nào là không chấp tướng? Tôi tu những sự cúng dường này nhưng không để trong tâm, trong tâm chỉ có một câu A Mi Đà Phật, ngoài A Mi Đà Phật ra, làm các việc tốt này cũng không để trong tâm; Không uổng phí, thì công đức đó là vô lượng vô biên, đều ở trong một câu Phật hiệu. Phật giảng kinh dạy học trong 49 năm, dụng ý ở đâu? Dạy người hiểu rõ đạo lý, sáng tỏ chân tướng sự thật, điều này quan trọng, tất cả những gì quý vị nghĩ nói và làm: đều trở về Tự Tánh rồi, một câu A Mi Đà Phật chính là hồi quy Tự Tánh, công đức khen ngợi nói không hết.
Câu hỏi tiếp theo, trên Kinh Hoa Nghiêm, 何以故 “hà dĩ cố” (vì sao thế), là duyên cớ gì, vì sao pháp cúng dường có công đức lớn như vậy? Tiếp theo là câu trả lời, 以諸如來尊重法故 “dĩ chư Như Lai tôn trọng pháp cố” (bởi vì các Như Lai tôn trọng pháp). Nhất định phải biết ý nghĩa này, tại vì sao? Bởi dù cúng dường tiền của bao nhiêu đi nữa, cũng ra không khỏi Lục đạo luân hồi; Còn cúng dường pháp một chút, thì họ thoáng chốc giác ngộ rồi. Khuyên người: tín nguyện trì danh, cầu sanh Tịnh Độ, câu này thật tuyệt vời. Lão Hòa thượng Hải Hiền niệm niệm không rời câu này, công đức của ngài lớn biết bao. Ngài nói càng rõ ràng, càng tường tận, thường hay dạy người: chăm chỉ niệm Phật, thành Phật là việc lớn, những thứ khác đều là giả. Câu này là pháp cúng dường. Đối phương thật nghe hiểu rồi, thật nghe sáng tỏ rồi, thật không hoài nghi, tiếp nhận lời khuyên bảo của lão Hòa thượng, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, sanh đến Tịnh Độ thì họ thành Phật rồi, còn có công đức nào có thể so sánh với công đức này? Cả đời của lão Hòa thượng, pháp được biểu diễn ra trong 92 năm, pháp nào quan trọng nhất? Câu nói này quan trọng nhất. Người tin theo, đó chính là điều đức Thế Tôn thường nói trên kinh Đại thừa, người đó trong đời quá khứ đã từng cúng dường vô lượng chư Phật Như Lai, ngày nay được thân người, có duyên nghe được Phật pháp, nghe thấy một câu nói này, vui mừng, hiểu rõ, thật làm, thì người đó được sự gia trì của tất cả chư Phật Như Lai. Giống như lão Hòa thượng Hải Hiền, cả đời không chuyển hướng, chắc chắn niệm đến Công phu Thành phiến, Sự nhất tâm Bất loạn, Lý nhất tâm Bất loạn, ngài vãng sanh đến Thế giới Cực Lạc: chính là Pháp thân Bồ-tát, chân thật không thể nghĩ bàn, chúng ta phải biết điều này.
Nên kinh văn tiếp theo đây, đều là được nói trong Kinh Hoa Nghiêm, 以如說行,出生諸佛故 “dĩ như thuyết hành, xuất sanh chư Phật cố” (vì tu hành như lời dạy, nên sanh ra chư Phật). Như Lai tôn trọng pháp, quý vị nương theo những gì Phật giảng để tu hành, thì nhất định đến Thế giới Cực Lạc đi làm Phật rồi. Mười đại Nguyện vương của Bồ-tát Phổ Hiền dẫn về Cực Lạc, cho nên như thuyết tu hành, thì ở Thế giới Cực Lạc sanh ra chư Phật. 若諸菩薩行法供養,則得成就供養如來。如是修行,是真供養故 “Nhược chư Bồ-tát hành pháp cúng dường, tắc đắc thành tựu cúng dường Như Lai. Như thị tu hành, thị chân cúng dường cố” (Nếu các Bồ-tát thực hành pháp cúng dường, thì được thành tựu cúng dường Như Lai. Vì tu hành như thế, là chân thật cúng dường). Trong tất cả tu hành, điều này là chân thật nhất, chân thật đến tột cùng. Tới chỗ này, đây là lời trên Kinh Hoa Nghiêm. Tiếp theo là lời của Niệm lão, 以堅勇求正覺是法供養 “dĩ kiên dũng cầu Chánh Giác thị pháp cúng dường” (bởi vì kiên dũng cầu Chánh Giác là pháp cúng dường). Tín tâm kiên quyết, kiên là chỉ tín tâm, dũng là chỉ nguyện tâm, tôi nguyện sanh Cực Lạc, dũng mãnh tinh tấn, nguyện sanh Thế giới Cực Lạc, đến Thế giới Cực Lạc chính là cầu làm Phật, thành Phật, đây là pháp cúng dường, đây là 真供養,供養中最 “chân cúng dường, cúng dường trung tối” (chân thật cúng dường, là bậc nhất trong các sự cúng dường), không có gì vượt hơn điều này nữa, không có gì cao hơn điều này nữa, 故勝於以餘物供養恆沙諸聖 “cố thắng ư dĩ dư vật cúng dường Hằng sa chư Thánh” (nên thù thắng hơn dùng tài vật khác để cúng dường Hằng sa chư Thánh). Cúng dường Hằng sa chư Thánh, đó là cúng dường về vật chất, cúng dường trên tinh thần, nhưng không dạy quý vị thành Phật, chỉ có một môn Tịnh tông này là đại pháp một đời thành Phật, quá đáng quý rồi, nên thù thắng hơn cả dùng tài vật khác để cúng dường Hằng sa Thánh.
俱胝 “Câu-chi” được nói trong đoạn văn trên, đây là tên gọi của chữ số Ấn Độ, tương đương với 10 triệu, mười triệu mà nước ta nói. 那由他 “Na-do-tha”, là trăm triệu, chúng ta nói là ức. 以下則為更多之數 “Dĩ hạ tắc vi cánh đa chi số” (Các con số tiếp theo thì càng lớn hơn). Cho đến 優婆尼沙陀分 “ưu-bà-ni-sa-đà phần” (một phần của ưu-bà-ni-sa-đà), ý nghĩa về một phần của ưu-bà-ni-sa-đà là 將大地碎為極微之微塵 “tương đại địa toái vi cực vi chi Vi trần” (đem quả địa cầu nghiền nát thành Vi trần cực nhỏ). Lấy một quả địa cầu, nghiền thành bột mịn, bột mịn rồi nghiền thành bột mịn tiếp, nghiền thành không thể nhỏ hơn được nữa, nghiền lại như thế nào? Không còn nữa, không rồi, hiện tượng vật chất vi tế như vậy gọi là ưu-bà-ni-sa-đà. Vì vậy đây là miêu tả số lượng cực kỳ nhiều, nhiều đến mức không cách nào tính được.
法供養之功德,如地球所有微塵之總數,至於財物供養之功德尚不及一微塵,更何能比於地球微塵之總和 “Pháp cúng dường chi công đức, như địa cầu sở hữu Vi trần chi tổng số, chí ư tài vật cúng dường chi công đức thượng bất cập nhất Vi trần, cánh hà năng tỉ ư địa cầu Vi trần chi tổng hòa” (Công đức của cúng dường pháp, giống như tổng số tất cả vi trần của địa cầu, còn như công đức của cúng dường tài vật còn không bằng một Vi trần, thì làm sao lại có thể so sánh với tổng số Vi trần nơi địa cầu). Đây là vô cùng khen ngợi, khen ngợi đến tột bậc rồi, công đức của cúng dường không thể nghĩ bàn. Không thể nghĩ bàn là không cách nào tưởng tượng, là quý vị không thể tưởng tượng nổi. Làm sao lại có thể so sánh với tổng số vi trần nơi địa cầu, 此乃盛讚法供養功德不可思議。此較量彌顯法藏菩薩堅勇求正覺,其功德遠超供養恆沙諸聖 “thử nãi thịnh tán pháp cúng dường công đức bất khả tư nghì. Thử giảo lượng di hiển Pháp Tạng Bồ-tát kiên dũng cầu Chánh Giác, kỳ công đức viễn siêu cúng dường Hằng sa chư Thánh” (Đây là cực kỳ khen ngợi công đức của pháp cúng dường không thể nghĩ bàn. Sự so sánh này càng hiển rõ sự kiên dũng cầu Chánh Giác của Bồ-tát Pháp Tạng, công đức ấy vượt xa cúng dường Hằng sa chư Thánh). Thánh ở đây là đức Phật và Địa thượng Bồ-tát, kinh luận thường giảng là Sơ địa trở lên, là những vị Pháp thân Bồ-tát. Sự so sánh này càng hiển rõ sự kiên dũng cầu Chánh Giác của Bồ-tát Pháp Tạng. Bồ-tát Pháp Tạng là tiền thân của A Mi Đà Phật, lúc A Mi Đà Phật đang tu Bồ-tát đạo thì đức hiệu của ngài gọi là Pháp Tạng, hiện nay thành Phật chính là A Mi Đà Phật. Công đức ấy vượt xa cúng dường Hằng sa chư Thánh, hàm nghĩa trong câu này rất sâu, trên thực tế là dạy chúng ta, phải nhận thức Thế giới Cực Lạc, phải nhận thức A Mi Đà Phật, phải nhận thức công đức của câu Phật hiệu này không thể nghĩ bàn. Nói cách khác, chỉ cần quý vị nắm chắc danh hiệu này, danh hiệu của tất cả Hằng sa chư Phật Bồ-tát đều ở trong câu danh hiệu A Mi Đà Phật này, quý vị thọ trì câu danh hiệu này, thì tương đương với việc quý vị thọ trì Thánh hiệu của Hằng hà sa số vô lượng vô biên chư Phật Bồ-tát, quý vị không bỏ sót một vị nào. Tại vì sao? Bởi A Mi Đà Phật là đại viên mãn, là đại tổng trì, vô lượng vô biên Pháp môn đều ở ngay trong một câu danh hiệu này. Nên thọ trì câu Phật hiệu này, kinh luận mà cả đời đức Thế Tôn đã thuyết ở trong đó. Pháp của chư Bồ-tát, rộng độ chúng sanh trong mười phương Thế giới, vô lượng công đức như vậy cũng ở trong câu Phật hiệu này. Phật hiệu thật sự bất khả tư nghì.
Chúng ta xem đoạn kinh văn tiếp theo, khoa đề 願求淨土 “Nguyện Cầu Tịnh Độ” (Nguyện Cầu Tịnh Độ), ở đây chia hai đoạn, đoạn thứ nhất 感得淨剎 “Cảm Đắc Tịnh Sát” (Cảm Được Cõi Nước Thanh Tịnh). Chúng sanh có cảm, thì đức Mi Đà có ứng, cảm ứng đạo giao, Thế giới Cực Lạc được quý vị nhìn thấy rồi. Đoạn tiếp theo 盡度眾生 “Tận Độ Chúng Sanh” (Độ Hết Chúng Sanh), nhất định phải có cảm ứng trước, sau đó mới có thể độ tất cả. Tận độ chúng sanh thật không dễ! Tận là không sót một ai, ai có thể làm được? Chỉ có A Mi Đà Phật có thể làm được. Chẳng những A Mi Đà Phật có thể làm được, mà A Mi Đà Phật còn có thể phân vô lượng vô biên thân, thuyết vô lượng vô biên pháp cho tất cả chúng sanh, tất cả Pháp môn đều là tiếp dẫn về Thế giới Cực Lạc, ở Thế giới Cực Lạc một đời viên mãn thành tựu. Chúng ta xem kinh văn, đoạn thứ nhất 感得淨剎 “Cảm Đắc Tịnh Sát” (Cảm Được Cõi Nước Thanh Tịnh), kinh văn:
【願當安住三摩地。
恆放光明照一切。
感得廣大清淨居。
殊勝莊嚴無等倫。】
“Nguyện đương an trụ Tam-ma-địa
Hằng phóng quang minh chiếu nhất thiết
Cảm đắc quảng đại thanh tịnh cư
Thù thắng trang nghiêm vô đẳng luân”
(Nguyện sẽ an trụ Tam-ma-địa
Luôn chiếu quang minh khắp tất cả
Cảm được cõi rộng thanh tịnh lớn
Thù thắng trang nghiêm không ai bằng).
Hai khoa nhỏ bên phải, tức là một khoa ở đây cùng với 盡度眾生 “Tận Độ Chúng Sanh” (Độ Hết Chúng Sanh), hai đoạn này. 是求成佛攝淨佛土願 “Thị cầu thành Phật nhiếp tịnh Phật độ nguyện (Đó là lời nguyện cầu thành Phật nhiếp lấy cõi Phật thanh tịnh). Bài kệ thứ nhất này, trong Chú Giải của Niệm lão, thật sự là 以上諸願之總歸 “dĩ thượng chư nguyện chi tổng quy” (tổng quy của các nguyện trên), cũng là cốt lõi của 48 nguyện được nói ở phía sau, nói rõ sự quan trọng của hai khoa nhỏ kinh văn này, hai khoa nhỏ này. 《普賢行願品》曰:若諸菩薩以大悲水饒益眾生,則能成就阿耨多羅三藐三菩提。是故菩提,屬於眾生。為成就度生事業之究竟方便,故發大願攝淨國土 “Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm viết: nhược chư Bồ-tát dĩ đại bi thủy nhiêu ích chúng sanh, tắc năng thành tựu A-nậu-Đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Thị cố Bồ-đề, thuộc ư chúng sanh. Vị thành tựu độ sanh sự nghiệp chi cứu cánh phương tiện, cố phát đại nguyện nhiếp tịnh Quốc độ” (Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện ghi: nếu các Bồ-tát dùng nước đại bi làm lợi ích chúng sanh, thì có thể thành tựu A-nậu-Đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Cho nên Bồ-đề, thuộc về chúng sanh. Vì thành tựu rốt ráo phương tiện của sự nghiệp độ sanh, nên phát đại nguyện nhiếp lấy cõi nước thanh tịnh). Nhiếp ở đây chính là xây dựng nơi dạy học, chúng ta nói điểm thực nghiệm. Trước đây chúng tôi đã từng mở một điểm thực nghiệm tại Thang Trì ở An Huy, xem xem văn hoá truyền thống ở xã hội hiện tại có được hiệu quả hay không, chúng tôi thực nghiệm thành công rồi. Tín nguyện trì danh, vãng sanh Tịnh Độ, thân cận đức Mi Đà, chứng quả báo rốt ráo, cũng làm thành công rồi, đó là một điểm thực nghiệm mà A Mi Đà Phật làm ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc, chỉ thực nghiệm câu danh hiệu này, tín nguyện trì danh, dùng phương pháp này chứng được Công phu Thành phiến, Sự nhất tâm Bất loạn, Lý nhất tâm Bất loạn. Lý nhất tâm Bất loạn chính là chứng đắc viên mãn rồi, A Mi Đà Phật làm thành công rồi, cho chúng ta xem. Ở Thế giới này của chúng ta, trong khái niệm của cõi người, là rất khó nghĩ đến tướng chân thật của Thế giới ấy. Ở trong Lục đạo, thật ra như lời Phật nói, cảnh giới của Thế giới Cực Lạc không thể nghĩ bàn, chỉ có thể dùng câu này để hình dung. Tiếp theo nhất định là người đến mới biết, quý vị vãng sanh đến Thế giới Cực Lạc, thì quý vị hiểu rõ rồi, quý vị tận mắt nhìn thấy, tận tai nghe được, người đến mới biết, không đến thì giảng không rõ ràng. Quý vị có thể nghe mấy phần, tất cả đều là thiện căn tích lũy nhiều đời nhiều kiếp của quý vị, người không có thiện căn thì nghe không hiểu.
Người không có thiện căn, Tiến sĩ Toynbee đã nói, cách nói của ngài ấy là không phải tùy tiện mà nói, tất cả nền văn minh của nhân loại trên địa cầu, ngài ấy chia ra hơn 20 loại, so sánh hơn 20 loại văn minh, chỉ nền văn minh nước ta là ưu tú nhất. Niệm niệm của ngài ấy đều đang hi vọng, niệm lực đó rất mạnh, ngài ấy thật niệm, ngài ấy không phải là giả. Người đó là Bồ-tát tái lai, vô cùng từ bi, ngài không vì chính mình, tuổi tác của mình lớn rồi, hiểu được ở thế gian không lâu, niệm niệm đều là vì tất cả chúng sanh trên địa cầu. Điều này còn gì tuyệt vời hơn sao? Ở trên địa cầu này tìm không được người thứ hai. Đại đức trong Phật môn có phát tâm Bồ-đề chân chánh, còn người trên thế gian này, một khi chúng ta đối chiếu với Kinh này, thì ngài Russell và Toynbee đều là phát tâm Bồ-đề chân chánh, trong tâm không có chính mình, không có dục vọng, không có danh văn lợi dưỡng, toàn tâm toàn ý vì cư dân khổ nạn trên địa cầu. Nói với người đời, địa cầu muốn tránh khỏi tai nạn, loài người muốn tránh tuyệt chủng, thì chỉ có thế giới đi về hướng thống hợp mới được, cũng như thời đại Hạ Thương Chu ở nước ta, có khu vực kiểu mẫu trung tâm. Các ngài nói khu vực kiểu mẫu trung tâm này chính là nước ta, kiểu mẫu này để cho các nước khác trên toàn thế giới đều học tập theo nước ta, nền văn hóa nước ta thống hợp toàn thế giới, nền văn hóa này là hài hòa, bên trong không có đấu tranh, không có chiến tranh. Lo lắng nhất của ngài là chiến tranh, nếu chiến tranh tiếp theo bùng nổ, là chiến tranh vũ khí hạt nhân, là chiến tranh sinh học hóa học, đó là hành vi tự sát tập thể ngu xuẩn nhất của loài người, rất có thể tất cả sinh vật trên địa cầu đều bị diệt hết, vũ khí hạt nhân có khả năng này. Vì vậy ngài nói chiến tranh nhất định không thể xảy ra, mới nghĩ ra sự thống hợp giống như Hạ Thương Chu vậy, dựa vào đạo đức, dựa vào Luân thường, mong rằng chúng sanh trên địa cầu: có thể chung sống hòa hợp, tôn trọng lẫn nhau, kính yêu lẫn nhau, quan tâm lẫn nhau, hỗ trợ hợp tác.
Chúng ta xem tiếp đoạn thứ sáu 願求淨土 “Nguyện Cầu Tịnh Độ” (Nguyện Cầu Tịnh Độ), bên dưới có hai đoạn nhỏ, đoạn nhỏ thứ nhất 感得淨剎 “Cảm Đắc Tịnh Sát” (Cảm Được Cõi Nước Thanh Tịnh), đoạn nhỏ thứ hai 盡度眾生“Tận Độ Chúng Sanh” (Độ Tận Chúng Sanh). Những việc này chỉ có trong kinh Đại thừa có thể nhìn thấy, các nơi khác không có. Mời xem kinh văn:
『願當安住三摩地,
恆放光明照一切,
感得廣大清淨居,
殊勝莊嚴無等倫』
“Nguyện đương an trụ Tam-ma-địa
Hằng phóng quang minh chiếu nhất thiết
Cảm đắc quảng đại thanh tịnh cư
Thù thắng trang nghiêm vô đẳng luân”
(Nguyện sẽ an trụ Tam-ma-địa
Luôn chiếu quang minh khắp tất cả
Cảm được cõi rộng lớn thanh tịnh
Thù thắng trang nghiêm không ai bằng).
Chú Giải của Niệm lão, 右之兩小科是求成佛攝淨佛土願,此二偈實以上諸願之總歸 “hữu chi lưỡng tiểu khoa thị cầu thành Phật nhiếp tịnh Phật độ nguyện, thử nhị kệ thật dĩ thượng chư nguyện chi tổng quy” (hai khoa nhỏ bên phải là lời nguyện cầu thành Phật nhiếp lấy cõi Phật thanh tịnh, hai bài kệ này thật sự để tổng quy kết của các nguyện trên), nguyện phát ra phía trên, đến đây làm một tổng kết, 亦是下四十八願之核心 “diệc thị hạ tứ thập bát nguyện chi hạch tâm” (cũng là cốt lõi của 48 nguyện phía sau), vô cùng quan trọng. 《普賢行願品》曰:若諸菩薩以大悲水饒益眾生,則能成就阿耨多羅三藐三菩提。是故菩提,屬於眾生 “Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm viết: nhược chư Bồ-tát dĩ đại bi thủy nhiêu ích chúng sanh, tắc năng thành tựu A-nậu-Đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Thị cố Bồ-đề, thuộc ư chúng sanh” (Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện ghi: nếu chư Bồ-tát dùng nước đại bi làm lợi ích chúng sanh, thì có thể thành tựu A-nậu-Đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Cho nên Bồ-đề, thuộc về chúng sanh). Đây là kinh văn, câu tiếp theo đây Niệm lão đã nói, 為成就度生事業之究竟方便,故發大願攝淨國土 “vị thành tựu độ sanh sự nghiệp chi cứu cánh phương tiện, cố phát đại nguyện nhiếp tịnh quốc độ” (vì thành tựu rốt ráo phương tiện của sự nghiệp độ sanh, nên phát đại nguyện nhiếp lấy cõi nước thanh tịnh). Cũng chính là điều chúng ta nói ngày nay, xây dựng một điểm thực nghiệm dạy học. Thế giới Cực Lạc: là chư Phật Như Lai, do A Mi Đà Phật dẫn đầu, ở phương Tây kiến lập một điểm thực nghiệm dạy học này.
Tiếp theo trước tiên nói về hai câu đầu, 願當安住三摩地,恆放光明照一切 “nguyện đương an trụ Tam-ma-địa, hằng phóng quang minh chiếu nhất thiết” (Nguyện sẽ an trụ Tam-ma-địa, luôn chiếu quang minh khắp tất cả). 三摩地即三昧 “Tam-ma-địa tức Tam-muội” (Tam-ma-địa chính là Tam-muội) trong câu trên. Niệm Phật Tam-muội, cũng gọi là Bảo Vương Tam-muội, dịch sang ý nghĩa của nước ta là 正定 “Chánh định”. 願安住於正定之中 “Nguyện an trụ ư Chánh định chi trung” (Nguyện an trụ ở trong Chánh định), định ở đâu? Tất nhiên là định ở trong Niệm Phật Tam-muội, điều này quan trọng! Chúng ta lắng tâm quan sát lão Hòa thượng Hải Hiền, ngài đã làm được câu này 100% rồi. Có thể nói 20 tuổi ngài xuất gia, Sư phụ thế độ cho ngài, sau khi thế độ, chỉ dạy ngài một câu: “Nam Mô A Mi Đà Phật”, dặn ngài cứ niệm liên tục, tâm của ngài chỉ an trụ trong câu Phật hiệu này, đã niệm 92 năm, không chuyển hướng, niệm liên tục vậy. Chuyển hướng thì xen tạp rồi, ngài không xen tạp, nên tâm của ngài định. Quý vị xem ngài cùng vài đồng tham đạo hữu: dựng nhà cộng tu ở trên núi, kể cả ngài nữa hình như là bốn người, những gì bốn người tu học khác nhau: có người tu Thiền, người tu Tịnh Độ, có người học giáo, quý vị xem các ngài có thể chung sống hòa thuận, tôn trọng lẫn nhau, không có hủy báng, không có phê bình, Tăng đoàn hòa hợp, làm ra tấm gương cho chúng ta. Tám tông phái Đại thừa ở Trung Hoa, không có thiên kiến bè phái, biết điều gì? Đều là do Thích Ca Mâu Ni Phật truyền lại, sở học của mỗi người đều là bậc nhất, không có bậc hai, Pháp môn bình đẳng, không có cao thấp. Căn tánh của mỗi người khác nhau, những gì Sư phụ truyền là khác nhau, không có tranh luận, đó mới gọi là Tăng đoàn lục hòa. Tăng đoàn lục hòa danh xứng với thực, không phải là một tông phái, không phải là một Pháp môn, chúng ta phải đặc biệt chú ý điểm này, các ngài biểu pháp này cho chúng ta, không có thiên kiến bè phái, vậy mới là Lục hòa chân chánh. Một khi mở rộng tâm lượng, thì vô lượng vô biên Pháp môn mà tất cả chư Phật Như Lai đã kiến lập trong khắp Pháp giới Hư không giới, tất cả có thể sống chung hòa hợp, đối xử bình đẳng, hợp tác với nhau, ai ai cũng thành tựu đạo nghiệp. Thành tựu là bình đẳng, Minh tâm Kiến tánh, Minh tâm Kiến tánh của tham thiền; Người học Giáo, Đại khai Viên giải chính là Minh tâm Kiến tánh; Người niệm Phật, Lý nhất tâm Bất loạn cũng là Minh tâm Kiến tánh, người tu Mật thì Tam mật Viên dung, tất cả đều thành tựu rồi. Cách biểu pháp này rất thù thắng, có thể giải quyết tất cả các vấn đề về Phật pháp hiện nay trên địa cầu trong và ngoài nước. Mấy người sống cùng nhau, không có so sánh cao thấp, mọi người cùng nhau chia sẻ chỗ ngộ, giúp chính mình cũng giúp người khác nâng cao cảnh giới, khó được biết bao! Trong định khai trí huệ rồi, khai trí huệ chính là phóng quang, 恆放光明照一切 “hằng phóng quang minh chiếu nhất thiết” (luôn phát quang minh chiếu hết thảy), đây thật sự dụng công, thật sự như pháp.
Thời gian hôm nay hết rồi, chúng ta học tập đến đây thôi. Đoạn tiếp theo rất quan trọng, chúng ta niệm câu Phật hiệu này như thế nào. Chúng ta ở thế gian này, nhất là trong thế giới ngày nay, muốn thống hợp thế giới, nhất định phải thống hợp tôn giáo trước, chẳng những chính mình không được có thiên kiến bè phái, mà còn phải đối xử bình đẳng, chung sống hòa thuận với tất cả các tôn giáo. Giữa tôn giáo với tôn giáo: không còn mâu thuẫn nữa, không còn hiểu lầm, không còn đấu tranh nữa, thì thế giới mới có thể mãi mãi an định hài hòa, thái bình thịnh thế mới có thể xuất hiện. Vì vậy giáo dục tôn giáo, tôn giáo học tập lẫn nhau là quan trọng hơn tất cả. Trên thế giới nhất định phải có trường Đại học về tôn giáo, chúng ta sẽ làm công việc này, đối với chính mình, đối với tôn giáo khác, đối với cả xã hội đều sẽ làm ra sự ảnh hưởng tích cực. Tốt rồi, hôm nay học đến đây thôi.
(Hết tập 151)
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử cùng chúng sanh
Đều sanh nước Cực Lạc
Sớm viên thành Phật đạo
Rộng độ khắp chúng sanh
Nam Mô A Mi Đà Phật
#HoathuongTinhKhong #tinhdodaikinhkhoachu2014