Responsive Menu
Add more content here...

Tập 153 – Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú 2014

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH KHOA CHÚ 2014 

(Giảng lần thứ 4)

PHẨM THỨ 4: PHÁP TẠNG NHÂN ĐỊA

(NHÂN ĐỊA CỦA NGÀI PHÁP TẠNG)

Tập 153

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Thời gian: 26/12/2014

Giảng tại: Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông

Dịch giả: Sư cô Thích Tâm Thường

Giảo chánh: Thích Thiện Trang.

Kính chào chư vị Pháp sư, quý vị đồng học, mời an tọa. Thỉnh mọi người cùng tôi quy y Tam Bảo:

A-xà-lê tồn niệm, ngã Đệ tử Diệu Âm, thỉ tùng kim nhật, nãi chí mạng tồn, quy y Phật-Đà, lưỡng túc trung tôn, quy y Đạt-Ma, ly dục trung tôn, quy y Tăng-Già, chư chúng trung tôn. (3 lần)

Mời xem Đại Kinh Khoa Chú, trang 404, đếm ngược đến hàng thứ sáu, hai câu cuối của bài kệ:

『常運慈心拔有情,

度盡無邊苦眾生』

“Thường vận từ tâm bạt Hữu tình,

Độ tận vô biên khổ chúng sanh”

(Thường dùng từ tâm cứu Hữu tình

Độ tận vô biên chúng sanh khổ).

Đây là từ bi. 慈者,與樂。悲者,拔苦 “Từ giả, dữ lạc. Bi giả, bạt khổ” (Từ là ban vui. Bi là bạt khổ). Giúp chúng sanh lìa khổ, đó là bi, giúp chúng sanh được vui, đó là từ, từ bi nhất định phải nói đến rốt ráo. Rốt ráo khổ là Lục đạo luân hồi, chúng ta ở trong luân hồi, vô lượng kiếp mãi cho đến ngày nay, không cách nào thoát khỏi, đây là thật khổ. Không thể rời khỏi Lục đạo luân hồi, chắc chắn là thời gian trong ba đường ác dài, thời gian trong ba đường thiện ngắn. Hai loại lớn thiện ác này là thật, không phải giả, chúng ta nhất định phải tin. Rất nhiều đồng học học Phật, đã học rất nhiều năm nhưng công phu không đắc lực, nguyên nhân là gì? Nguyên nhân chung chính là không thật sự hiểu rõ đối với Lục đạo, tâm sanh tử không tha thiết, nên công phu rất khó đắc lực. Nếu thật làm rõ ràng, làm sáng tỏ rồi, thì hạ quyết tâm đời này tôi phải thoát khỏi luân hồi, gặp được Pháp môn này chẳng ai mà không thành tựu. Chúng ta xem Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, xem Truyện Vãng Sanh, xem hiện tiền, thấy một số đồng tham đạo hữu niệm Phật vãng sanh, thật sự vãng sanh, tướng lành vãng sanh hiếm có, có không ít người biết trước ngày giờ, tự tại vãng sanh.

Người phàm, có sanh lão bệnh tử. Người niệm Phật công phu đắc lực, họ có Sanh khổ, nhưng họ không có lão bệnh tử, đó là công phu đắc lực. Như lão Hòa thượng Hải Hiền, 112 tuổi, đó là già rồi, nhưng tinh thần thể lực của ngài khác với người trẻ tuổi. Người hơn 100 tuổi không cần ai chăm sóc, tự chăm sóc mình, chẳng những chăm sóc bản thân, mà mỗi ngày còn xuống vườn làm việc, ngài biểu pháp ấy cho chúng ta. Hơn một tháng trước khi ra đi, đều đến thăm đồng tham đạo hữu và đạo tràng từng sống trước đây một lần, đó là gì? Chào từ biệt, chào hỏi, vô cùng rõ ràng, vô cùng sáng tỏ. A Mi Đà Phật khuyên ngài trụ ở thế gian này thêm vài năm, làm một tấm gương tốt cho đại chúng, biểu pháp, ngài làm được rồi. Lão Pháp sư ấy không biết chữ, chưa từng đi học, cả đời chưa từng đọc một bộ kinh, cũng chưa từng nghe qua một lần diễn giảng, bởi vì khi xuất gia, Sư phụ xuống tóc cho ngài, dạy cho ngài một câu: Nam Mô A Mi Đà Phật, dặn ngài cứ niệm liên tục. Sở trường đặc biệt của ngài, người khác không bằng được, chính là ba việc: thứ nhất thật thà, thứ hai nghe lời, thứ ba thật làm. Người khác làm không được, ngài thật làm được rồi, kiên trì đến cả đời, 112 tuổi không thay đổi, điều ấy quá tuyệt vời. Một người có đủ điều kiện như vậy, như thế thì chẳng ai mà không thành tựu. Người Đồ đệ thợ vá nồi của lão Hòa thượng Đế Nhàn, mọi người đều biết, ngài ấy có đầy đủ ba điều kiện này. Người đó cũng là chưa từng đi học, đã chịu rất nhiều nỗi khổ, xuất gia với lão Hòa thượng Đế Nhàn, Đế lão chỉ dạy ngài một câu: Nam Mô A Mi Đà Phật, nói với ngài ấy cứ thế niệm đi, niệm mệt rồi thì nghỉ ngơi, nghỉ ngơi khỏe rồi thì niệm tiếp, không chia ngày đêm. Lúc nào niệm mệt rồi, nằm trên giường nghỉ ngơi một lát, nghỉ khỏe rồi nhanh chóng tiếp tục niệm, lão Hòa thượng Hải Hiền cũng là như vậy. Ba năm thì người thợ vá nồi thành tựu rồi, biết trước ngày giờ, tự tại vãng sanh. Khi vãng sanh là đứng mà vãng sanh, vãng sanh còn đứng suốt ba ngày, chờ Pháp sư Đế Nhàn xử lý hậu sự cho ngài.

Chúng ta biết, điều kiện của vãng sanh là gì? Thứ nhất, Công phu Thành phiến. Chỉ cần niệm đến Công phu Thành phiến, thì A Mi Đà Phật sẽ hiện thân cho quý vị, đến đưa tin tức cho quý vị, nói với quý vị: thọ mạng của quý vị vẫn còn bao lâu, đến lúc đó Phật đến tiếp dẫn quý vị, A Mi Đà Phật đến tiếp dẫn quý vị. Lúc ấy tín tâm của quý vị đầy đủ, A Mi Đà Phật đến đưa tin tức cho quý vị. Vào lúc ấy, cũng có một số người thông minh, thấy được A Mi Đà Phật, liền cầu xin với A Mi Đà Phật, con không cần thọ mạng nữa, bây giờ con theo Ngài vãng sanh. A Mi Đà Phật từ bi, không có điều gì không đáp ứng. Nên rất nhiều người niệm Phật ba năm đã vãng sanh, có phải thọ mạng của họ hết rồi không? Tuyệt đối không phải vậy, làm gì có đúng lúc như thế! Mà là như thế nào? Gặp được A Mi Đà Phật, không cần thọ mạng nữa, bây giờ con liền đi theo Ngài. Tình huống như vậy rất nhiều, không ít. Thế giới này khổ, Thế giới Cực Lạc tự tại biết bao. Đến Thế giới Cực Lạc, không còn âu lo nữa, không còn bận lòng nữa, không tạo ác nghiệp nữa, ai mà không muốn đi sớm chứ? Công phu Thành phiến là cảm, A Mi Đà Phật liền ứng, cảm ứng đạo giao.

Nếu chưa đi, đã gặp A Mi Đà Phật, thì tôi tin rằng phần lớn là A Mi Đà Phật dặn trụ thêm vài năm, đến lúc đó Phật sẽ đến đón quý vị. Họ dụng công, họ niệm Phật rất như pháp, niệm thêm 3 năm, 5 năm, họ được Nhất tâm Bất loạn, phẩm vị cao. Công phu Thành phiến sanh Phàm Thánh Đồng Cư độ, Sự nhất tâm Bất loạn sanh Phương Tiện Hữu Dư độ, Lý nhất tâm Bất loạn sanh Thật Báo Trang Nghiêm độ, không như nhau. Nên có một số người thấy được A Mi Đà Phật, biết lúc nào vãng sanh, nhưng họ vẫn sẵn lòng lưu lại ở thế gian này, tại vì sao? Bởi thế gian này tu hành tiến bộ nhanh, Thế giới Cực Lạc không có chướng ngại, tiến bộ tương đối chậm. Ở nơi này nếu niệm đến Sự nhất tâm, Lý nhất tâm, sau khi thật sự Công phu Thành phiến thì cần phải 10 năm cũng có thể đạt được, điều này thật tuyệt vời. Phương Tiện Hữu Dư độ là cảnh giới của A-la-hán, Thật Báo độ là Pháp thân Bồ-tát, cấp bậc cao như Sơ trụ của Viên giáo, Sơ địa của Biệt giáo vậy, một đời thành tựu. Nên có người chỉ mong sao đi nhanh nhanh, không sai, họ đã nắm bắt cơ hội rồi; Có người thì lưu lại ở thế gian này, tiếp tục gia công dụng hạnh nâng cao chính mình, cũng không sai, hai kiểu đều là người thông minh. Lão Hòa thượng Hiền công là người sau, tôi tin ngài niệm Phật ba năm được Công phu Thành phiến, cũng đã gặp A Mi Đà Phật. 20 tuổi xuất gia, Sư phụ dạy ngài một câu Phật hiệu, tôi tin 24 tuổi thì ngài đã hoàn thành, ngài đã làm được rồi.

Ngài thật sự là Đệ tử Phật tiêu chuẩn, tại sao vậy? Bởi ngài đã làm được Tam phước trong Quán Kinh, ngài đã làm được Lục hòa kính trong Tăng đoàn, Tứ nhiếp, Tam học Lục độ, Phổ Hiền Thập nguyện; Nói cách khác, Tam tụ Tịnh giới, một câu Phật hiệu làm được vô cùng viên mãn, đó là tấm gương của Đệ tử nhà Phật. Dù quý vị học tông nào phái nào, Thiền cũng tốt, Giáo cũng tốt, Hiển giáo Mật giáo, Đại thừa Tiểu thừa, một câu Phật hiệu này viên mãn đầy đủ. Lại chịu khó, tâm từ bi rất nặng, nên A Mi Đà Phật nhìn đúng ngài, dặn ngài trụ ở thế gian này thêm vài năm, làm một tấm gương tốt cho Đệ tử Phật, đặc biệt là làm tấm gương tốt cho đồng học niệm Phật của Tịnh Độ tông, ngài nghe lời. Có lẽ là A Mi Đà Phật nói với ngài, khi nào con gặp được một quyển sách, gọi là “Nếu Muốn Phật Pháp Hưng, Chỉ Có Tăng Tán Thán Tăng”, thì công đức biểu pháp của con viên mãn, A Mi Đà Phật sẽ đến đón con. Ngài đang niệm Phật, ngài đã niệm 92 năm, một câu Phật hiệu niệm 92 năm, từ Công phu Thành phiến niệm đến Lý nhất tâm Bất loạn, Lý nhất tâm Bất loạn chính là Đại triệt Đại ngộ, Minh tâm Kiến tánh, điều này quá xuất sắc! Sư phụ của ngài là người tái lai, nhất định không đơn giản, vì sao vậy? Bởi Sư phụ của ngài biết thành tựu của ngài trong tương lai. Nên đặc biệt quan tâm ngài, nói rõ ràng rồi (rõ ràng có nghĩa là gì? Niệm đến Lý nhất tâm Bất loạn, Đại triệt Đại ngộ, Minh tâm Kiến tánh), như thế nào? Không được nói. Không được nói lung tung, không được nói, ngài ghi nhớ trong tâm, thời tiết nhân duyên khác nhau, nếu quý vị nói ra cảnh giới của chính quý vị, thì người khác tật đố chướng ngại, còn hủy báng quý vị, nói quý vị nói càn nói bậy. Không nói, có trí huệ, không lộ trí huệ, có thần thông không hiện thần thông, mà giống hệt như người bình thường.

Ngài đã gặp A Mi Đà Phật mấy lần? Tôi nói với các đồng học, tôi lắng tâm xem đĩa phim về ngài, tôi nói với mọi người rất chắc chắn, nhất định không chỉ mười lần (là mười lần), là bạn lâu năm với A Mi Đà Phật, thường gặp nhau. Vì vậy chứng minh cho chúng ta thật có Thế giới Cực Lạc, thật có A Mi Đà Phật. Trong khi ngài nói chuyện đã lộ ra thông tin này, ngài nói ngài đã từng nhiều lần, không phải một lần, mà nhiều lần, thỉnh cầu A Mi Đà Phật dẫn ngài đến Thế giới Cực Lạc, A Mi Đà Phật không dẫn ngài đi, dặn ngài ở lại thế gian biểu pháp, làm tấm gương tốt cho người khác thấy. Điều này nói rõ ngài đã chứng được Lý nhất tâm Bất loạn, nếu không phải thì đâu có dễ như vậy, ngài muốn thấy thì Phật hiện tiền. Phật có đến đi hay không? Không có đến đi. Pháp thân A Mi Đà Phật, Pháp thân khắp Pháp giới Hư không giới, chẳng nơi nào không có, chẳng lúc nào không có, đây là Pháp thân. Nên Phật có đến đi hay không? Không có, quý vị có cảm, thì Phật lập tức hiện tiền, cảm ứng đạo giao, không thể nghĩ bàn. Thế nên đến Lý nhất tâm, không cần nói đến Lý nhất tâm, mà đến Sự nhất tâm cũng có khả năng này, quý vị muốn thấy Phật, thì Phật  hiện tiền; Muốn thấy Thế giới Cực Lạc, Thế giới Cực Lạc hiện ra. Lúc ấy quý vị hiểu được, quý vị vãng sanh tự tại muốn đi là đi thôi.

Vì sao vẫn chưa đi? Hai câu này thì đúng rồi, 常運慈心拔有情,度盡無邊苦眾生 “thường vận từ tâm bạt Hữu tình, độ tận vô biên khổ chúng sanh” (thường dùng từ tâm cứu Hữu tình, độ tận vô biên chúng sanh khổ), vì điều này, chúng sanh quá khổ rồi, tôi ở thế gian này giúp họ. Không thể tiêu trừ nỗi khổ của họ, vì sao vậy? Bởi đó là nghiệp chướng, nghiệp do chính họ tạo, chính họ phải chịu. Nhưng Phật lực gia trì sẽ làm nỗi khổ của họ giảm bớt một chút, điều này nhất định có thể làm được. Đó là đại từ đại bi, người chứng được Nhất tâm Bất loạn đều có tâm từ bi như vậy. Họ vãng sanh là tùy ý, đi lúc nào cũng được, đi khi nào cũng được, thật sự được tự tại. Chúng sanh có duyên, có duyên là thế nào? Chúng sanh có thể tin, đó chính là có duyên. Chúng sanh không tin, bài xích, hủy báng, đó chính là không có duyên. Không có duyên thì kết pháp duyên với họ, đời sau kiếp sau lại độ họ; Duyên thành thục rồi, nghe đến Phật pháp sanh tâm hoan hỷ, sanh tâm tôn trọng, như vậy chính là đời này có khả năng được độ, Bồ-tát từ bi, ngôn hành thân giáo, đến giúp họ giác ngộ, giúp họ quay đầu, thật sự có thể thành tựu. Trong thế giới hiện tại của chúng ta đây, người thành tựu không ít, nhưng những người đại thành tựu như ngài Hải Hiền, ngài Hải Khánh thì tương đối ít, còn người vãng sanh đến Phàm Thánh Đồng Cư độ thì có thể nhiều hơn. Trên kinh nói với chúng ta đều là lời thật, chúng ta cần ghi nhớ. Ba bậc vãng sanh: bậc Thượng, bậc Trung chúng ta làm không nổi, còn Hạ hạ phẩm vãng sanh thì người nào cũng có phần, chúng ta phải tranh thủ.

Thế giới Cực Lạc là Thế giới vô cùng đặc biệt, Thế giới không thể nghĩ bàn, tại sao vậy? Bởi thật sự có: bốn độ ba bậc chín phẩm, đó không phải là giả, mà thật sự có, nhưng đãi ngộ ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc là bình đẳng, đều làm A-duy-Việt-trí Bồ-tát. Đó là đãi ngộ gì? Đãi ngộ của Pháp thân Bồ-tát, cũng chính là nói, đây là oai thần bản nguyện của A Mi Đà Phật gia trì, A Mi Đà Phật giúp quý vị, khiến trí huệ, thần thông, đạo lực của quý vị không khác với Pháp thân Bồ-tát. Nói cách khác, chính mình thật sự chưa Đại triệt Đại ngộ, nhưng trí huệ, thần thông, đạo lực ngang hàng, ngang bằng với người Đại triệt Đại ngộ, Minh tâm Kiến tánh. Đây chính là vì sao chúng ta phải sanh Thế giới Cực Lạc, đạo lý là ở đây. Thế giới khác không bình đẳng, phải dựa vào sự nỗ lực của bản thân mà đi lên. Thế giới Cực Lạc không cần, chỉ cần vãng sanh Thế giới Cực Lạc, oai thần bản nguyện của A Mi Đà Phật gia trì, quý vị đạt được tất cả rồi. Đạt được có tác dụng gì? Đạt được, thì quý vị lập tức có khả năng giống như Pháp thân Bồ-tát, giống như ngài Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, có thể ở trong tất cả cõi nước chư Phật khắp Pháp giới Hư không giới, thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh. Chúng ta thấy một vị Phật thật không dễ, người của Thế giới Cực Lạc trong tâm muốn thấy Phật, thì các ngài làm được tất cả, các ngài có thể hóa thân đến mười phương Thế giới để lạy Phật, để cúng dường, cúng dường Phật là tu đại phước báo, nghe Phật giảng kinh thuyết pháp khai đại trí huệ, phước huệ song tu, các ngài không có chướng ngại. Đồng thời mười phương Thế giới có chúng sanh có duyên với chính mình trong đời trước ở quá khứ, quý vị đều biết, quý vị đều hiểu rõ, quý vị cũng đều có thể đi độ họ, họ sẽ hoan hỷ tiếp nhận, vì sao vậy? Bởi trong đời quá khứ có duyên phận. Nên có một số người phát tâm rất lớn, mong giống như Phật thường dùng từ tâm cứu Hữu tình, độ tận vô biên chúng sanh khổ, phát nguyện như vậy, nếu không có năng lực, thì không làm được, trí huệ, đức năng, thần thông đều không giỏi, làm sao quý vị có thể làm được? Vãng sanh Cực Lạc sẽ làm được, dốc sức niệm Phật, niệm mấy năm vãng sanh Thế giới Cực Lạc, là làm được rồi. Điều này thù thắng trang nghiêm không gì bằng, chúng ta niệm Phật cầu Tịnh Độ là vì điều này.

Chúng ta xem Chú Giải của Niệm lão về hai câu này, 此兩句表法藏大慈大悲之弘誓 “thử lưỡng cú biểu Pháp Tạng đại từ đại bi chi hoằng thệ” (hai câu này biểu thị hoằng thệ đại từ đại bi của ngài Pháp Tạng), hoằng là lớn, thệ nguyện lớn lao. Ngài Pháp Tạng chính là tiền thân của A Mi Đà Phật, lúc A Mi Đà Phật chưa thành Phật. Sư phụ của ngài là Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai, Phật thế độ xuất gia cho ngài, Pháp danh của ngài là Pháp Tạng. Hoằng nguyện từ bi của Tỳ-kheo Pháp Tạng quá lớn rồi. Chúng ta tu Tịnh Độ, nên phải dựa vào nguyện của A Mi Đà Phật đã phát, chúng ta phát nguyện giống như Ngài được không? Được, chỉ cần có tín tâm, một khi quý vị phát nguyện như vậy liền được A Mi Đà Phật gia trì. Ngài Pháp Tạng 願常為一切眾生拔苦與樂 “nguyện thường vị tất cả chúng sanh bạt khổ dữ lạc” (nguyện thường bạt khổ ban vui cho tất cả chúng sanh), bạt khổ, rốt ráo khổ là Lục đạo luân hồi, giúp chúng sanh ngay trong đời này vĩnh viễn thoát khỏi Lục đạo luân hồi; Còn ban vui, rốt ráo vui là Thế giới Cực Lạc của A Mi Đà Phật. Thế nên Phật tiếp dẫn quý vị đến Thế giới Cực Lạc là cho quý vị rốt ráo vui, giúp quý vị thoát khỏi Lục đạo luân hồi, thoát khỏi Thập pháp giới là bạt rốt ráo khổ, làm được rất viên mãn. Vả lại hoằng nguyện của Bồ-tát là 盡未來際拯濟負荷,度盡眾生,方成正覺 “tận vị lai tế chẩn tế phụ hạ, độ tận chúng sanh, phương thành Chánh Giác” (đến cùng tận đời vị lai [vẫn] gánh vác nhiệm vụ, độ tận chúng sanh, rồi mới thành Chánh Giác), thành Chánh Giác chính là thành Phật. A Mi Đà Phật thành Phật rồi, Ngài hoàn toàn làm được mấy câu này rồi, thật sự Ngài là đến cùng tận đời vị lai [vẫn] gánh vác nhiệm vụ độ chúng sanh như vậy, hơn nữa làm được vô cùng viên mãn, vì sao vậy? Bởi hiện nay Ngài đã thành Phật rồi.

Tiếp theo giải thích cho chúng ta mấy chữ này, 常,指時間。過去、未來、現在為三際 “thường, chỉ thời gian. Quá khứ, vị lai, hiện tại vi Tam tế” (thường, chỉ thời gian. Quá khứ, vị lai, hiện tại là ba đời). Ý nghĩa của thường chính là dọc khắp ba đời, quá khứ, hiện tại, vị lai chính là bao gồm tất cả thời gian. 無邊(不但包括時間,也包括空間)兼指空間,遍及十方虛空,即橫遍十虛,包括一切空間。故無邊者,乃十方三世無量無邊也  “Vô biên (bất đãn bao quát thời gian, dã bao quát không gian) kiêm chỉ không gian, biến cập thập phương hư không, tức hoành biến thập hư, bao quát nhất thiết không gian. Cố vô biên giả, nãi thập phương tam thế vô lượng vô biên dã)” (Vô biên (không những bao gồm thời gian, mà cũng bao gồm không gian) cũng chỉ cả không gian, khắp cả mười phương hư không, chính là ngang khắp thập hư, bao gồm tất cả không gian. Cho nên vô biên: là mười phương ba đời vô lượng vô biên). Đây là phạm vi cứu độ chúng sanh của A Mi Đà Phật, phạm vi là không có giới hạn, trong thời gian không gian vô hạn, A Mi Đà Phật ở đây giúp tất cả chúng sanh khổ nạn rời khổ được vui. Câu tiếp theo, 法藏菩薩於一切時中,於一切處,大慈大悲度脫眾生,務期度盡方休 “Pháp Tạng Bồ-tát ư nhất thiết thời trung, ư nhất thiết xứ, đại từ đại bi độ thoát chúng sanh, vụ kỳ độ tận phương hưu” (Bồ-tát Pháp Tạng ở trong tất cả thời, trong tất cả nơi, đại từ đại bi độ thoát chúng sanh, nhất định mong mỏi độ tận [thì] mới ngừng nghỉ). Chúng sanh nhiều, độ không hết. Chúng ta xem mấy câu tiếp theo, 但時間無有窮盡,空間無有窮盡,眾生亦無有窮盡,故此大慈大悲大願大行亦終無窮盡 “đãn thời gian vô hữu cùng tận, không gian vô hữu cùng tận, chúng sanh diệc vô hữu cùng tận, cố thử đại từ đại bi nguyện đại hạnh diệc chung vô cùng tận” (nhưng thời gian không có cùng tận, không gian không có cùng tận, chúng sanh cũng không có cùng tận, nên đại từ đại bi đại nguyện đại hạnh ấy cũng mãi không có cùng tận), hoàn toàn giống với đại nguyện Bồ-tát Phổ Hiền đã phát ra trong Kinh Hoa Nghiêm. Chúng ta học Phật, nguyện sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc, đầu tiên tâm của chúng ta phải giống với tâm của Phật, từ bi vô tận, nguyện của chúng ta phải giống với nguyện của Phật, liền sẽ có cảm ứng. Phật đã phát nguyện lớn như vậy, bốn câu kệ này chính là phát nguyện, chúng ta nên phát nguyện giống như Phật.

Ngày nay chúng ta có được bộ Kinh này, bộ Kinh này: là sau kháng chiến thắng lợi mới được lưu thông. Hoàn thành là trong thời kỳ kháng chiến, sau khi kháng chiến kết thúc, bộ Kinh này mới được lưu thông, số lượng lưu thông không nhiều. Số lượng lớn được lưu thông: là vào những năm cuối đời của lão Cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, Liên công đã vãng sanh nhiều năm rồi, mới được lưu thông toàn thế giới. Thật sự đây là Kinh số một của Tịnh tông. Nhưng Kinh này cũng chịu đựng khảo nghiệm, rất nhiều người phê bình, thậm chí người hủy báng cũng không ít. Người phê bình, người bài xích nhiều, trong lịch sử Phật giáo nước ta chưa từng có điều này, quá khứ chưa từng có. Rất nhiều người nương theo quyển sách này tu học, không chịu nổi những áp lực đó, thoái chuyển, đổi học các kinh khác, có rất nhiều người như vậy. Nên A Mi Đà Phật: đặc biệt phó chúc lão Pháp sư Hải Hiền, làm chứng minh cho chúng ta, biểu pháp cho chúng ta, ngài cầm lấy quyển sách này chụp hình, ý nghĩa chính là khẳng định: Bản Hội Tập của lão Cư sĩ Hạ Liên Cư là chân kinh, từng chữ từng câu bên trong đều là do Phật thuyết. Ngài là hội tập từ trong bản dịch gốc, đều là nguyên văn của bản dịch gốc, không dám sửa đổi một chữ, đó chính là thuần túy là lời của Phật, không cần nghi ngờ, chúng ta phải thật sự tin. Chứng minh thứ hai, Chú Giải của lão Cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, Chú Giải của ngài cũng là hội tập, không phải do chính ngài viết ra. Nếu chính ngài viết, người hiện nay ngạo mạn, ngài là Cư sĩ tại gia, thì sẽ nói ông có tư cách gì mà chú giải Kinh này. Ngài có trí huệ, không dùng [lời] của chính mình, mà hoàn toàn dùng kinh luận, chú sớ của Tổ sư Đại đức. Ngài đã dùng tổng cộng 83 loại kinh luận, tức do Phật Bồ-tát thuyết, và 110 loại trong trước tác Phật học của các cao Tăng Đại đức, dùng lời của quý ngài để giải thích bộ Kinh này. Nên trong Chú Giải này tổng cộng là 193 loại tài liệu quý giá, đọc bộ Chú Giải này chính là đã đọc 193 loại sách, thật có trí huệ, không có sai lầm, là Chánh tri Chánh kiến. Thứ ba là làm chứng minh cho chúng ta, chúng ta y theo Kinh bản này, y theo Chú Giải này để tu học, không có sai lầm. Lão Hòa thượng biểu pháp này, ba ngày sau thì vãng sanh rồi. Ngày vãng sanh đó, ngài ra đi vào ban đêm, ban ngày vẫn làm việc cả ngày, trong vườn rau trồng rau, làm đất, tưới nước, nhổ cỏ, đã làm cả ngày trong vườn rau, ban đêm ra đi rồi, được đại tự tại. Chúng ta gặp được, điều này thật không dễ!

Trước lão Cư sĩ Hạ Liên Cư, trong Đại Tạng Kinh nước ta, Kinh Vô Lượng Thọ có năm bản dịch gốc, còn có bản hội tập của ngài Vương Long Thư, bản hội tập của ngài Ngụy Mặc Thâm, bản tiết giảo của ngài Bành Tế Thanh, có ba loại ấy. Những bản ấy đều không được xưng là thiện bản, vì sao vậy? Bởi đều có khuyết điểm, đều không được như mọi người mong muốn. Nên Hạ lão làm loại thứ chín của Kinh Vô Lượng Thọ cho chúng ta, bản thứ chín. Năm bản dịch gốc cộng với [bản của] ngài Vương Long Thư, là sáu bản; [Bản của] Ngài Ngụy Mặc Thâm, là bảy bản; [Bản của] Ngài Bành Tế Thanh, là tám bản; Đây là loại thứ chín, loại thứ chín như vậy mới viên mãn. Ngay trong đời này, chúng ta có thể gặp được đại viên mãn, đây là phước báo lớn biết bao, chính mình phải biết trân quý, thật sự hy hữu khó gặp. Lão Pháp sư thế hệ trước của chúng tôi, tôi biết những người cùng thế hệ với Sư phụ của tôi, rất nhiều, mười người thì có chín người chưa từng thấy quyển sách này, phước báo của các ngài cũng không như chúng ta. Chú Giải của lão Cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, ngay cả lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam cũng chưa từng thấy qua, thấy được thì càng ít càng ít hơn nữa.

Những năm 1980, tôi ở nước Mỹ, ở nước Mỹ gặp được lão Cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, ngài đến nước Mỹ hoằng pháp đã ở một tháng. Lúc đó, tôi đã sống ở nước Mỹ nhiều năm, bởi vì tôi cũng là giảng kinh ở nhiều nơi, một tháng hình như ngài chỉ sống hai nơi, chúng tôi nói chuyện qua điện thoại, chứ chưa gặp nhau. Khi ngài trở về Bắc Kinh, đã gửi cho tôi bản thảo đầu tiên của bộ Chú Giải này, là gửi cho tôi qua bưu điện. Tôi mở ra vừa xem, vô cùng hoan hỉ, tôi thỉnh giáo ngài: “Ngài có bản quyền hay không?” Ngài nói: thầy hỏi điều này để làm gì? Tôi nói: “Không có bản quyền, thì tôi sẽ in lại, có bản quyền thì tôi phải tôn trọng ngài”. Không có bản quyền, không có bản quyền, hoan nghênh in lại, còn mong tôi viết lời tựa, muốn tôi viết lưu niệm cho quyển sách đó, tôi đều đã làm cho ngài. Tôi giao bản thảo đó cho Đài Loan, đã in 10.000 bản, bìa cứng, bìa cứng dày như vầy, đã in một vạn bản. Ngài cũng vô cùng hoan hỷ. Vì vậy trong mấy năm đó, mỗi năm tôi đều đến Bắc Kinh hai, ba lần, thỉnh giáo với lão Cư sĩ. Lão Cư sĩ và thầy tôi là lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam, các ngài cùng vai vế, có mối quan hệ. Bạn lâu năm, đồng tham lão hữu thật sự của ngài Hạ Liên Cư là Cư sĩ Mai Quang Hy, ngài [Mai Quang Hy] là thầy của ngài Lý Bỉnh Nam, Phật học của thầy Lý là học được từ ngài. Do đó nhìn thấy bản gốc của Bản Hội Tập, phía trước có một lời tựa rất dài là do ngài Mai Quang Hy viết, thầy Lý xem lời tựa đó giống như nhìn thấy thầy [của mình]. Những lời này nhắc nhở đồng học, phước báo của chúng ta lớn biết bao.

Chúng ta còn gặp được lão Hòa thượng Hải Hiền làm chứng cho chúng ta, thật hiếm có! Hạ lão hội tập Kinh, Hoàng lão hội tập Chú Giải, còn có lão Hòa thượng Hải Hiền làm chứng, đến đâu để tìm duyên phận tốt như vậy? Vậy viên mãn rồi. Trong cơ duyên như vậy, nếu chúng ta không tin nữa, thì đó chính là Nhất-xiển-đề, người không có thiện căn. Có thiện căn gặp được, thật sự không dễ, nhất định phải nắm bắt cơ duyên này, thì đời này chúng ta thành tựu, không cô phụ ba đại lão ấy: cùng lúc xuất hiện, duyên phận thù thắng không gì bằng. Duyên phận, chúng ta gặp được rồi, chúng ta phải noi theo đại từ đại bi đại nguyện đại hạnh của Bồ-tát Pháp Tạng. Đại hạnh là gì? Những gì Lão Hòa thượng Hải Hiền biểu diễn là đại hạnh, 92 năm một câu Phật hiệu không chuyển hướng, còn có hạnh nào có thể so sánh với ngài? Chỉ một câu Phật hiệu niệm đến Minh tâm Kiến tánh, niệm đến chứng được đại viên mãn, thành Phật. Ngài đã thành Phật ở thế gian này, đến Thế giới Cực Lạc còn điều gì để nói nữa? Thọ mạng của ngài, tôi tin cũng chỉ là bảy tám mươi tuổi, có thể kéo dài đến 112 tuổi. 112 tuổi là biểu pháp, nếu không nhìn thấy quyển sách đó, thì ngài còn phải sống thêm vài năm nữa. Người đưa quyển sách đó đưa quá nhanh rồi, bởi vì ngài chỉ đợi quyển sách đó. [Nếu không] thì vài năm sau, chúng ta vẫn có thể gặp, vẫn có thể gặp được ngài. Ngài vãng sanh năm ngoái, năm ngoái 112 tuổi, năm nay 113 tuổi, thật sự ở ngay trước mắt. Chúng ta phải quý trọng cơ duyên, đây chính là đại trí huệ đại phước đức, chúng ta cũng phải phát đại từ đại bi đại nguyện đại hạnh này, mãi không có cùng tận.

Xem tiếp bài kệ cuối cùng, 請證 “Thỉnh Chứng” (Thỉnh Cầu Chứng Minh), thỉnh cầu Phật làm chứng minh cho ngài.

【我行決定堅固力。

唯佛聖智能證知。

縱使身止諸苦中。

如是願心永不退。】

“Ngã hạnh quyết định kiên cố lực

Duy Phật Thánh trí năng chứng tri

Túng sử thân chỉ chư khổ trung

Như thị nguyện tâm vĩnh bất thoái”

(Hạnh con quyết định sức kiên cố

Chỉ Thánh trí Phật mới chứng tri

Dù cho thân ở trong các khổ

Nguyện tâm như vậy mãi không thoái).

Chúng ta học Phật, có được thệ nguyện kiên định như thế không? Không có. Vậy vì sao không có? Bởi câu Phật hiệu này của chúng ta còn thường xuyên gián đoạn, còn thường xuyên quên mất, thậm chí lúc niệm Phật còn có vọng tưởng, còn có tạp niệm, đây chính là thoái chuyển, đây chính là công phu không đắc lực. Nên tôi khuyên các đồng học, nhất định đừng quên lão Hòa thượng Hải Hiền, mỗi ngày nghe đĩa CD về ngài, đĩa CD về ngài chính là tổng kết của Kinh Vô Lượng Thọ, đại viên mãn của Kinh Vô Lượng Thọ, rất dễ nghe hiểu được. Học tập theo ngài không khó, dễ hơn kinh điển rất nhiều, nếu quý vị tin chỉ một câu Phật hiệu, thì học theo ngài. Có cơ hội nghe kinh rất tốt, kinh có thể giúp quý vị đoạn nghi sanh tín. Nếu quý vị không có nghi hoặc, có tín nguyện kiên định, thì có thể không đọc, có thể không nghe kinh, một câu Phật hiệu là được rồi. Lão Hòa thượng làm chứng minh cho chúng ta, lão Hòa thượng Hải Khánh cũng làm chứng minh cho chúng ta, mẹ của lão Hòa thượng (Cư sĩ tại gia) cũng làm chứng minh cho chúng ta, có thể quyết trọn một lòng, không còn vọng tưởng nữa, không còn tạp niệm nữa, giống như ngài, một câu Phật hiệu niệm đến cùng, thành tựu đó của ngài, quý vị cũng có thể chứng được.

Chúng ta xem Chú Giải của Niệm lão, 本頌分為三大段“bổn tụng phân vi tam đại đoạn” (tụng này chia thành ba đoạn lớn), tụng này là chỉ mười bài kệ tụng trong phẩm thứ tư: nhân địa của ngài Pháp Tạng, chia thành ba đoạn, đoạn đầu tiên là 讚佛 “tán Phật” (khen ngợi Phật), khen ngợi đối với thầy; Đoạn thứ hai là 發願 “phát nguyện” (phát nguyện), chúng ta học xong rồi; 在末後四句偈則為請佛證明。法藏比丘發願已,即請世自在王如來為作證明 “Tại mạt hậu tứ cú kệ tắc vi thỉnh Phật chứng minh. Pháp Tạng Tỳ-kheo phát nguyện dĩ, tức thỉnh Thế Tự Tại Vương Như Lai vị tác chứng minh” (Trong bốn câu kệ cuối cùng chính là thỉnh Phật chứng minh. Tỳ-kheo Pháp Tạng phát nguyện xong, liền thỉnh Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai để làm chứng minh). Nguyện tâm này từ Chân tâm lưu lộ ra, không phải là Vọng tâm. Vì vậy học Phật, tôi khuyên đồng học dùng Chân tâm nhất định không thiệt thòi. Vì sao không dám dùng Chân tâm? Người khác lừa gạt tôi, tôi vẫn dùng Chân tâm đối với họ. Họ lừa gạt tôi là việc của họ, tôi dùng Chân tâm là việc của tôi, tại vì sao? Bởi dùng Chân tâm rất gần với Phật, Phật Bồ-tát đều là dùng Chân tâm, chúng ta dùng Vọng tâm có sự ngăn cách với Phật Bồ-tát. Vì vậy dùng Chân tâm được lợi ích lớn rồi, lợi ích vô biên. Dùng Vọng tâm là tiếp tục Lục đạo luân hồi, muốn ra khỏi Lục đạo luân hồi mà còn dùng Vọng tâm, vậy thì làm sao được? Việc này phải làm cho rõ ràng, món nợ này phải tính cho rõ ràng. Tôi không muốn tiếp tục luân hồi nữa, nên chẳng những buông xuống tất cả pháp của thế gian, mà cũng buông xuống xuất thế gian thôi. Trong Kim Cang Bát Nhã, Phật nói với chúng ta, “pháp còn nên xả, huống hồ phi pháp”, phi pháp là pháp thế gian, pháp là Phật pháp. 84.000 Pháp môn, vô lượng Pháp môn trong Phật pháp, tôi chỉ chọn một môn. Đó là môn nào? Nam Mô A Mi Đà Phật. Tôi đi theo lão Hòa thượng Hải Hiền, ngài chỉ một môn này, chỉ một câu Phật hiệu, do Hòa thượng Truyền Giới truyền cho ngài. Nếu làm nhiều, thì tạp rồi, điều này không cần thiết.

Tôi xem như là may mắn ngay trong bất hạnh, vì sao vậy? Bởi lúc mới học Phật là đi theo con đường Triết học. Giáo sư Phương Đông Mỹ hướng dẫn tôi, ngài đã giảng cho tôi một bộ Triết Học Khái Luận, bài mục cuối cùng là “Triết Học Kinh Phật”, tôi vào cửa từ đây, tôi nhập môn từ Triết học, mà đã nhận thức về Phật giáo. Sau đó ba năm theo Đại sư Chương Gia, duyên phận của chúng tôi rất sâu, Đại sư khuyên tôi xuất gia, cảm thấy tôi thích hợp làm nghề này hơn, mong tôi học đức Thích Ca Mâu Ni Phật. Tôi phát hiện sau khi đức Thích Ca Mâu Ni Phật thành đạo, chính là sau khi Đại triệt Đại ngộ, liền bắt đầu giảng kinh dạy học, đã giảng suốt đời, 79 tuổi viên tịch. Nên cách nói mà trong kinh ghi lại 講經三百餘會,說法四十九年 “giảng kinh tam bá dư hội, thuyết pháp tứ thập cửu niên” (giảng kinh hơn 300 hội, thuyết pháp 49 năm), cả đời chưa từng nghỉ ngơi, không có ngày nghỉ, ngày ngày miệt mài không bỏ. Vì vậy tôi biết, sự nghiệp của Phật là gì? Dạy học. Ở Trung Hoa, Đại thánh của Nho gia là Khổng tử, cả đời dạy học. Đức Thích Ca ở Ấn Độ, cũng là cả đời dạy học. Ngài Khổng tử chu du các nước, hi vọng có các Vương hầu có thể trọng dụng ngài, cả đời ngài ngưỡng mộ nhất là Chu Công, muốn phát huy hoài bão của ngài, nhưng không có duyên phận. Về phương diện này, cảnh giới của đức Thích Ca nâng lên một bậc, Ngài là vương tử, nếu Ngài không xuất gia thì Ngài là quốc vương, Ngài có thể ở trong pháp thế gian, có thể làm được một quốc vương tốt nhất, thật sự là Thánh vương, Ngài từ bỏ rồi, dạy chúng ta: cầu sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc, điều này thật tuyệt vời! Nếu Ngài làm đại quốc vương, thì được lợi ích chính là người của một nước, nhiều nhất là Ấn Độ, không tốt bằng xuất gia làm Phật, thật sự giúp chúng sanh lìa khổ được vui.

Nên Phật giáo là giáo dục, nền giáo dục của Phật dạy điều gì? Dạy người rời khổ được vui. Câu này đã trả lời rồi. Rời khổ được vui, là điều mà Phật dạy, khổ này là rốt ráo khổ, vui này là rốt ráo vui, rốt ráo khổ là Lục đạo luân hồi, rốt ráo vui là Thế giới Tây Phương Cực Lạc, phải làm rõ ràng điều này. Phật thấu suốt, thật sự Đại triệt Đại ngộ. Khổ từ đâu đến? Từ mê hoặc điên đảo mà đến. Vui từ đâu ra? Vui từ sự hiểu biết mà ra. Quý vị đối với chân tướng của vũ trụ, chân tướng của tất cả pháp trong vũ trụ mà thông đạt hiểu rõ, thì quý vị không có khổ nữa, quý vị được đại tự tại; Nếu quý vị không hiểu rõ, quý vị nhìn sai, nghĩ sai, làm sai, thì phiền phức này lớn rồi. Làm sai rồi khổ, làm đúng rồi cũng khổ, làm đúng rồi thì ba đường thiện, làm sai rồi thì ba đường ác, tất cả đều ra không khỏi Lục đạo luân hồi, nên gọi là rốt ráo khổ. Phật dùng phương pháp gì? Giáo học. Lý luận, phá mê khai ngộ, phá mê lìa khổ, khai ngộ được vui. Cả đời làm việc dạy học, thân hành ngôn giáo, Ngài không những dạy, mà Ngài thật làm, người theo Ngài không có ai không tin, người theo Ngài thì Ngài sẽ nói với quý vị, từng tầng bậc một mà đi lên trên, là thật không phải giả. Giống như đi học ở trường, dần dần đi lên từng lớp một. Đức Phật, Bồ-tát, A-la-hán là ba danh xưng học vị trong nền giáo dục của Phật, học vị cao nhất là đức Phật. Nên đức Phật cũng không phải là do một mình đức Thích Ca Mâu Ni Phật chứng được, là tôn xưng của một người, không phải vậy, tất cả chúng sanh vốn là Phật, tất cả chúng sanh tương lai ai ai cũng sẽ thành Phật, giống như Ngài, là học vị cao nhất, như Tiến sĩ trong trường Đại học hiện nay. Người nào cũng có thể lấy được học vị Tiến sĩ, chỉ cần quý vị chăm chỉ học hành, Bồ-tát là Thạc sĩ, A-la-hán là Cử nhân, danh xưng của ba học vị. Tu đến thành tựu như thế nào mới lấy được học vị này? Trên tựa đề Kinh Vô Lượng Thọ của chúng ta có, cuối tựa đề kinh có “thanh tịnh bình đẳng giác”, đó chính là tiêu chuẩn lấy học vị. Quý vị tu đến tâm thanh tịnh hiện tiền, liền chứng quả A-la-hán; Tu đến tâm bình đẳng hiện tiền, chính là Bồ-tát; Giác phía sau đó, giác chính là Đại triệt Đại ngộ, Minh tâm Kiến tánh, thì quý vị thành Phật.

Thành Phật có lợi ích gì? Nửa đầu tựa đề của Kinh này đã nói ra, 大乘 “Đại thừa”, Đại thừa là trí huệ viên mãn, không gì không biết. Lão Hòa thượng Hải Hiền đã lộ ra một câu nói: “Điều gì tôi cũng biết”. Điều gì cũng biết chính là Đại thừa, chính là Đại triệt Đại ngộ, trí huệ viên mãn. 無量壽 “Vô lượng thọ” là phước báo viên mãn. Về phước báo, nước ta nói Ngũ phước, quan trọng nhất trong Ngũ phước là trường thọ, trường thọ mới có thể hưởng phước. Dù phước báo của quý vị lớn đi nữa, nhưng không có thọ mạng, thì tất cả đều tan vỡ rồi, nên thọ mạng là phước báo đầu tiên. Đến Thế giới Cực Lạc thật sự là vô lượng thọ, không phải giả. Có người nói vãng sanh đến Thế giới Cực Lạc, vô lượng thọ là vô lượng của hữu lượng. Lời này họ không nói sai, nhưng quý vị sanh đến Thế giới Cực Lạc, lúc ấy là vô lượng của hữu lượng, quý vị ở Thế giới Cực Lạc thành Phật sẽ trở thành vô lượng thật sự. Thế giới Cực Lạc có thể thành Phật không? Bảo đảm quý vị ai cũng thành Phật, không sót một ai. Thế giới khác cũng bảo đảm quý vị thành Phật, nhưng thời gian rất dài. Thế giới Cực Lạc thành Phật thời gian ngắn nhất, tại vì sao? Bởi Thế giới Cực Lạc không có duyên thoái chuyển, tìm không thấy. Phẩm thứ sáu chúng ta sẽ đọc đến, Thế giới Cực Lạc hình thành như thế nào, khi quý vị làm rõ ràng, làm sáng tỏ rồi, thì tâm của quý vị định lại. Nên chúng ta chẳng thể không biết những điều này.

Chúng ta xem Chú Giải. Trong kinh văn là我 “ngã” (con), chữ đầu tiên là ngã, 法藏自稱。我之願行,所具決定堅固之力 “Pháp Tạng tự xưng. Ngã chi nguyện hạnh, sở cụ quyết định kiên cố chi lực” (Ngài Pháp Tạng tự xưng. Nguyện hạnh của con, đã đầy đủ sức quyết định kiên cố), câu này quan trọng, chúng ta chỉ thiếu việc này, chỉ thiếu câu này. Chúng ta phải quyết định phải kiên cố, quyết định là tín tâm, kiên cố là nguyện lực. Chúng ta tin có Thế giới Cực Lạc, tin có A Mi Đà Phật, phải nhất định tin, không được có mảy may hoài nghi. Chúng ta nguyện sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc, nguyện này phải kiên cố. Nếu không kiên cố, còn lưu luyến Thế giới này, hoặc còn muốn Thế giới phương khác, còn muốn cõi trời nhân gian, vậy thì sai rồi. Bồ-tát Pháp Tạng thị hiện cho chúng ta về 決定堅固 “quyết định kiên cố” (quyết định kiên cố), bốn chữ này: quan trọng hơn bất kỳ điều gì. 唯佛世尊三覺圓滿 “Duy Phật Thế Tôn tam giác viên mãn” (Chỉ có Ba giác viên mãn của Phật Thế Tôn), ba loại giác ngộ này: tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, Phật đã chứng được. Còn tam giác của Bồ-tát chứng được chưa đạt đến viên mãn, viên mãn là thành Phật. 五眼明朗,智慧無礙,始能為我真實證明 “Ngũ nhãn minh lãng, trí huệ vô ngại, thỉ năng vị ngã chân thật chứng minh” (Ngũ nhãn sáng tỏ, trí huệ vô ngại, mới có thể chân thật chứng minh cho con), đây chính là sự sáng suốt của Tỳ-kheo Pháp Tạng, chỉ có Phật mới có thể làm chứng minh, chân thật chứng minh cho con. Thế Gian Tự Tại Vương Phật làm chứng minh cho ngài Pháp Tạng, cũng chính là làm chứng minh cho chúng ta, phải biết ý nghĩa này, địa vị của chúng ta ngày nay là địa vị của ngài Pháp Tạng lúc đó. 故云唯佛聖智能證知 “Cố vân duy Phật Thánh trí năng chứng tri” (Nên nói chỉ có Thánh trí của Phật mới có thể chứng tri), chỉ có trí huệ của Phật mới có thể làm chứng minh cho con.

又法藏發願時已是地上菩薩 “Hựu Pháp Tạng phát nguyện thời dĩ thị Địa thượng Bồ-tát” (Thêm nữa khi ngài Pháp Tạng phát nguyện đã là Địa thượng Bồ-tát), đây là thật, chứ không phải là giả. Tại vì sao? Bởi Thế giới Cực Lạc thành tựu đến ngày nay mới mười kiếp, mười kiếp rất ngắn, chúng ta cảm thấy rất dài, trong toàn bộ vũ trụ thời gian của mười kiếp rất ngắn. Ngài Pháp Tạng chắc chắn là sớm đã thành Phật, giống như Thích Ca Mâu Ni Phật. Đức Thích Ca Mâu Ni Phật lần này (tức 3000 năm trước) đến trên địa cầu này của chúng ta để làm Phật, trên kinh Đại thừa nói rất rõ ràng, lần này đến thị hiện lần thứ 8000, chúng ta tin lời này không phải là giả. Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện lần thứ 8000 ở trên địa cầu, A Mi Đà Phật thị hiện thành Phật lần này không biết là mấy ngàn lần, tuyệt đối sẽ không ít hơn Thích Ca Mâu Ni Phật, nếu quý vị có thể nói lên được những vị đạo này, thì pháp vị vô cùng. Nên trong Tổ sư Đại đức có rất nhiều người phán đoán, Tỳ-kheo Pháp Tạng vào lúc ấy, lúc thân cận Thế Gian Tự Tại Vương, ngài là địa vị gì? Ngài đã là Địa thượng Bồ-tát, Bồ-tát Đăng địa, không phải là người bình thường. Nhưng Bồ-tát Đăng địa, thân phận thị hiện là một vị Tỳ-kheo, là người sơ học. Phải tin quá khứ vô thỉ, vị lai vô chung, trong sông dài vô thỉ vô chung mỗi người đều không thể xem thường, làm sao chúng ta biết được quá khứ họ là địa vị gì? Chúng ta chỉ thấy hiện nay họ mê muội, có phải thật sự mê muội không thì chúng ta không biết. Giống như lão Hòa thượng Hải Hiền, lão Hòa thượng Hải Khánh giả bộ mê muội, các ngài không phải thật mê muội, thật mê muội thì sao có thể làm được chứ? Làm không được. Quý vị xem người ta bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, đó không phải là điều mà người bình thường có thể làm được, đều là đến thị hiện. Không phải là Bồ-tát, thì ai có thể làm được? Đều là Bồ-tát đến để làm thị hiện. Vì vậy 境界甚深,故非餘人所能知 “cảnh giới thậm thâm, cố phi dư nhân sở năng tri” (cảnh giới của ngài rất sâu, cho nên chẳng phải điều người khác có thể biết), ngài phải thỉnh người khác chứng minh cho ngài, người khác chưa đến cảnh giới này, thì làm thế nào họ biết được? Vì vậy chỉ có tìm Phật, 唯佛聖智始能作證 “duy Phật Thánh trí thỉ năng tác chứng” (chỉ có Thánh trí của Phật mới có thể làm chứng), ý nghĩa sâu xa được hàm chứa trong đó, 深表法藏大士妙德難測 “thâm biểu Pháp Tạng Đại sĩ diệu đức nan trắc” (biểu thị sâu sắc diệu đức khó suy lường của Đại sĩ Pháp Tạng), đây là thật.

Hai câu cuối cùng, 『縱使身止諸苦中,如是願心永不退』“túng sử thân chỉ chư khổ trung, như thị nguyện tâm vĩnh bất thoái” (dù cho thân ở trong các khổ, nguyện tâm như vậy mãi không thoái). 「身止諸苦中」“Thân chỉ chư khổ trung” (Thân ở trong các khổ), là dẫn dắt chúng sanh nghiệp chướng sâu nặng trong Lục đạo, làm cho họ thấy. Họ xuất hiện nhất định là đầy đủ các duyên, trong kinh Đại thừa Phật thường nói 佛不度無緣眾生 “Phật bất độ vô duyên chúng sanh” (Phật không độ chúng sanh không có duyên). Nếu duyên không đầy đủ, thì Phật không đến, không xuất hiện, bởi xuất hiện không có tác dụng, Phật xuất hiện ở thế gian, nhất định là duyên chín muồi rồi. Tam thánh ở chùa Lai Phật xuất hiện tại Nam Dương, bởi thiện căn phước đức của người Nam Dương đầy đủ rồi, nếu không có thiện căn phước đức thì không thể xuất hiện: Thánh hiền Phật Bồ-tát ứng hóa ở nơi đó, người nơi đó có phước báo. [Đối với] đĩa CD và sách nói có chữ về lão Hòa thượng, hãy nên xem nhiều, nhất định quý vị được lợi ích, tuyệt không kém gì kinh sách; Ngay cả kinh sách quý vị sẽ không khai ngộ, nhưng quý vị xem đĩa đó sẽ khai ngộ. Phải dùng tâm cung kính để xem, phải dùng tâm chân thành để xem, khi xem hoặc nghe đều không thể có vọng tưởng, đừng có phân biệt, đừng có chấp trước, xem đi xem lại, xem ra vị đạo rồi, muốn ngừng mà không được.

Hai câu cuối cùng, 結誓立心 “kết thệ lập tâm” (tổng kết thệ nguyện để lập tâm), dù cho thân ở trong các khổ, nguyện tâm như vậy mãi không thoái. Vì trời đất lập tâm, vì sanh dân lập mạng, cách lập tâm thế nào? Điều này dạy cho chúng ta, nguyện tâm vĩnh viễn không thoái, tổng kết phát nguyện của ngài, ngài đến lập tâm. 《唐譯》曰:縱沈無間諸地獄,如是願心終不退。無間地獄,苦毒無限 “Đường Dịch viết: túng trầm Vô Gián chư địa ngục, như thị nguyện tâm chung bất thoái. Vô Gián địa ngục, khổ độc vô hạn” (Trong bản Đường Dịch ghi: dù chìm trong các Vô Gián ngục, nguyện tâm như vậy mãi không thoái. Địa ngục Vô Gián, khổ sở hiểm độc vô hạn). Đường Dịch là [một trong] năm bản dịch gốc, thời nhà Đường phiên dịch là Kinh Đại Bảo Tích, là một phần trong Kinh Đại Bảo Tích, gọi là 無量壽會 “Vô Lượng Thọ Hội”. Phần này chính là Phật giảng đề mục lớn ấy của Đại Bảo Tích, quy mô của hội đó rất lớn, bên trong đã giảng không ít kinh, thời gian rất dài, trong hội đó cũng giới thiệu Thế giới Cực Lạc. Nên Thế giới Cực Lạc thật sự là khi đức Thế Tôn còn ở đời đã tuyên giảng nhiều lần. Phật giảng kinh thông thường chỉ giảng một lần, không giảng lần thứ hai, chỉ có riêng bộ Kinh này. Hiện nay có chứng cứ, điều đó thật sự chứng thực là ba lần trở lên. Nhưng nước ta có 12 loại bản phiên dịch, thất truyền bảy loại, nếu có thể tìm thấy bảy loại đó, thì có thể lại sẽ phát hiện còn có chỗ khác nhau, chứng minh phiên dịch nhiều lần.《唐譯》舉地獄極重之苦以攝諸餘 “Đường Dịch cử địa ngục cực trọng chi khổ dĩ nhiếp chư dư” (Bản Đường Dịch nêu ra nỗi khổ vô cùng nặng nề trong địa ngục để nhiếp lấy các nỗi khổ khác), đều bao gồm những nỗi khổ khác ở trong đó. 今經 “Kim Kinh” (Kinh này), tức Bản Hội Tập của chúng ta hiện nay, 法藏誓言,縱使身止諸苦中 “Pháp Tạng thệ ngôn, túng sử thân chỉ chư khổ trung” (Ngài Pháp Tạng thệ rằng: dù cho thân ở trong các khổ), các khổ này tất nhiên bao gồm địa ngục ở trong. 我之如上願行 “Ngã chi như thượng nguyện hạnh” (Nguyện hạnh ở trên của con), đại nguyện đại hạnh, 縱墮地獄亦不退轉,正顯前文我行決定堅固力 “túng đọa địa ngục diệc bất thoái chuyển, chánh hiển tiền văn ngã hạnh quyết định kiên cố lực” (dù đọa địa ngục cũng không thoái chuyển, chính là hiển thị hạnh con sức quyết định kiên cố ở văn phía trước). Quyết định kiên cố, nguyện hạnh của ngài Pháp Tạng, nguyện lực của ngài Pháp Tạng, kiên cố không thoái chuyển.

又《會疏》曰:但有其願 “Hựu Hội Sớ viết: đãn hữu kỳ nguyện” (Lại nữa Hội Sớ nói: chỉ có nguyện ấy), nguyện là hư dối, là giả, bởi không có hạnh; 但有其行 “Đãn hữu kỳ hạnh” (Chỉ có hạnh ấy), thì hạnh ấy là hư dối, bởi không có nguyện, nguyện hạnh không thể tách rời. Nguyện sanh Tây Phương Tịnh Độ trung, nguyện này phải kiên cố! Tại vì sao? Nhà Cơ học Lượng tử hiện đại nói với chúng ta (nguyện lực, tức là niệm lực, họ không gọi là nguyện lực), mà là niệm lực, năng lượng của niệm lực quá lớn rồi. Thật sự lớn, nhà Cơ học Lượng tử vẫn chưa làm rõ ràng. Còn Phật làm rõ ràng rồi, Phật nói với chúng ta, khắp Pháp giới Hư không giới đến từ đâu? Đến từ ý niệm. Quý vị xem, “tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, tất cả pháp là cả vũ trụ. Cả vũ trụ, khái niệm của chúng ta mơ hồ không rõ ràng, bởi vì thế giới giác quan của chúng ta quá nhỏ. Chúng ta sống trên địa cầu này, có lẽ hiện nay đã nắm rõ ràng tình hình của trái đất rồi, còn hệ mặt trời vẫn chưa rõ ràng lắm, hệ Ngân Hà càng xa hơn rồi. Trong Phật pháp giảng về Thế giới, là dùng hệ Ngân Hà làm đơn vị, đơn vị Thế giới là một hệ Ngân Hà. 1000 đơn vị Thế giới tập hợp lại gọi là Tiểu thiên Thế giới, rồi lấy Tiểu thiên làm đơn vị, 1000 Tiểu thiên là Trung thiên, 1000 Trung thiên là Đại thiên, khu vực giáo hóa của một vị Phật là một Đại thiên Thế giới. Bởi vì có ba bộ phận của 1000, nên gọi là Tam thiên Đại thiên Thế giới, Tam thiên Đại thiên Thế giới trên thực tế là một Đại thiên Thế giới. Đại thiên Thế giới trong vũ trụ này là bao nhiêu? Vô lượng vô biên. Một Đại thiên Thế giới là một tỷ hệ Ngân Hà, 1000 nhân cho 1000 lại nhân 1000, là một tỷ, khu vực giáo hóa của Thích Ca Mâu Ni Phật quá lớn rồi, là con số thiên văn. Một Đại thiên Thế giới này trong toàn bộ vũ trụ là một điểm nhỏ, phạm vi rất nhỏ.

Cả vũ trụ này do đâu mà có? Do tâm tưởng sanh, tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, tâm tưởng chính là ý niệm, chúng ta còn rất mơ hồ đối với ý niệm này, nhà khoa học nói kỹ càng hơn chúng ta, nói rất chi tiết, chúng ta không dễ thể hội. Ý niệm sanh ra thế nào? Động liền sanh ra rồi, tâm không thể động. Quý vị phải biết, không động chính là Chân Tâm; Còn động thì sao? Động tức là Vọng tâm. Khởi tâm động niệm là động, khởi tâm động niệm chính là Vô minh. Chúng ta biết khởi tâm động niệm không? Không biết. Ai biết? Trong kinh giáo Đại thừa nói, bậc Bát địa trở lên biết. Tại sao? Bởi quý ngài nhìn thấy rồi, bậc Thất địa Bồ-tát trở xuống cũng không biết. Ngày nay nhà khoa học tìm ra rồi, trên thế giới có một số nhà khoa học, tinh thần của họ cũng rất khiến người bội phục, nhiều thế hệ kiên trì không bỏ, đi sâu vào nghiên cứu. Thế giới giác quan của chúng ta, họ chia thành ba loại, thứ nhất là thế giới vật chất, vật chất đến từ đâu; Thứ hai là thế giới tinh thần, chính là ý niệm, khởi tâm động niệm, khởi tâm động niệm là việc thế nào, từ đâu ra; Thứ ba là hiện tượng tự nhiên, hiện tượng tinh thần, hiện tượng vật chất, ba loại này. Hiện nay ba loại này, thì đã làm rõ ràng hiện tượng vật chất, cũng chỉ là 20 năm gần đây, nhà khoa học đã phát hiện ra thôi. Báo cáo mà tôi xem: là báo cáo nghiên cứu của ông Planck ở nước Đức, nhà khoa học này là thầy của ông Einstein, ông Einstein là học trò của ông ấy, nhưng nổi tiếng hơn ông ấy. Cả đời nghiên cứu vật chất, vật chất rốt cuộc là gì, ông thật tìm ra rồi.

Đơn vị nhỏ nhất của vật chất trong kinh Phật được gọi là Cực vi sắc, cực chính là vô cùng của vô cùng, vi là rất nhỏ, sắc chính là màu sắc. Cực vi sắc là vật chất nhỏ nhất, cũng gọi là Cực vi Chi vi, không có gì nhỏ hơn nữa, không thể phân tách được, một khi phân tách thì không còn nữa. Khoa học trên địa cầu của chúng ta, 80 năm trước, sau chiến tranh thế giới thứ nhất, khi chiến tranh thế giới thứ hai, nhà khoa học đã phát hiện ra nguyên tử, lúc đó cho rằng nguyên tử là đơn vị nhỏ nhất của vật chất, không thể chia ra nữa. Cùng với sự tiến bộ của các thiết bị khoa học, lại có thể phá vỡ nguyên tử, sau khi phá vỡ nhìn thấy có hạt nhân nguyên tử, có electron, có neutron, do những hạt này cấu tạo nên. Phát hiện điều này, mới biết nguyên tử không phải là nhỏ nhất, còn có thể phân tách. Sau sự phân tách đó, trở thành ba thứ, mỗi một thứ lại có thể phân tách, cũng không phải là nhỏ nhất. Khi phân tách ra gọi là hạt, hạt căn bản, có mấy chục loại. Những hạt căn bản này còn có thể chia, khi được chia ra gọi là hạt quark. Hạt quark vẫn có thể chia, chia thành những hạt nhỏ nhất gọi là neutrino, chính là Cực vi Chi vi được nói trong kinh Phật. Tại vì sao? Bởi hạt này không thể chia ra, nếu phân tách thì không còn nữa, hiện tượng vật chất không tồn tại nữa. Vì vậy phát hiện, sau khi phá vỡ nhìn thấy gì? Thì ra là hiện tượng dao động sóng ý niệm. Do đó nhà khoa học biết, vật chất là do từ ý niệm sanh ra. Chứng thực với kinh Đại thừa rồi, trên kinh Đại thừa Phật thường nói “tướng do tâm sanh, sắc do tâm sanh, cảnh tùy tâm chuyển”, điều này được nhà Cơ học Lượng tử hiện nay chứng minh rồi. Làm sao 3000 năm trước Phật biết được? Hiện nay nhà khoa học đã làm 400 năm, người này tiếp nối người kia, mới vạch trần sự thật, đức Thích Ca Phật đã nói rõ ràng, nói sáng tỏ vào 3000 năm trước. Hiện nay họ thừa nhận rồi, đưa ra một tổng kết, chính là 以心控物 “dĩ tâm khống vật”, ý niệm của chúng ta có thể khống chế hiện tượng vật chất. Tại sao vậy? Bởi hiện tượng vật chất là do ý niệm sanh ra, ý niệm có thể điều khiển hiện tượng vật chất.

Thế là chúng ta đã hiểu, tại sao Thế giới Cực Lạc tốt như vậy? Bởi ý niệm của mỗi người đều tốt, không có một ý niệm xấu, là đạo lý như vậy. Tại sao không có ý niệm xấu? Bởi mỗi ngày A Mi Đà Phật đang giảng kinh dạy học, đạo lý ở đây. Chỉ cần dùng phương pháp giáo học này mới có thể đạt đến cảnh giới cao nhất, viên mãn nhất, nên tất cả chư Phật Như Lai không có một ngày nào không giảng kinh dạy học. Việc gì là vui nhất? Vui nhất không gì hơn giảng kinh dạy học. 學而時習之,不亦說乎 “Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ” (Học mà thường thực hành điều đó, chẳng phải cũng vui lắm sao), việc vui vẻ nhất, nhưng không ai biết được. Nên cổ Thánh tiên Hiền nước ta thật tuyệt vời, các ngài có thể phát hiện niềm vui chân thật này, niềm vui ấy vô tận, từ trong nội tâm mà chia sẻ ra, chứ không phải kích thích từ bên ngoài. Đây là gì? Chân lạc trong Tự Tánh, vị đạo chân thật trong Tự Tánh. Học mà thường rèn tập điều đó, chẳng phải là vui lắm sao, bao nhiêu người biết niềm vui đó? Không khế nhập cảnh giới làm sao họ biết được! Phu tử biết, các bậc đại Thánh ấy của nhà Nho biết, đại Hiền chưa hẳn biết, độ sâu của sự biết chưa đủ, phải đến đại Thánh mới thật sự biết rõ. Nhà Phật nói Bát địa trở lên mới biết, Thất địa trở xuống không thể nói là quý ngài biết. Phật giáo truyền đến nước ta, đã thăng cấp cổ Thánh tiên Hiền nước ta lên rất nhiều. Trên thực tế không phải thăng cấp, nếu giảng rõ ràng, giảng tường tận rồi, tôi cảm thấy cảnh giới đó của đại Thánh nhà Nho chính là cảnh giới Phật của Phật giáo, không khác nhau. Các đồng học học Phật của chúng ta đây đều cần phải biết, phải hiểu được.

Nên mấy câu nói này trong Hội Sớ, chỉ có nguyện ấy thì nguyện là hư dối, bởi không có hạnh; Có hạnh, không có nguyện, cũng là hư dối, hạnh nguyện là một không phải hai, tách hai thứ ra đều không có nữa, hợp lại thì viên mãn. 要須願行相扶,所為皆剋 “Yếu tu nguyện hạnh tương phù, sở vi giai khắc” (Cần phải nguyện hạnh trợ giúp lẫn nhau, thì những gì làm đều thành tựu), khắc chính là thành tựu, chính là thành công. Đại sư Ngẫu Ích của Tịnh tông chúng ta đã đưa ra bốn chữ với chúng ta, 信、願、持名 “tín, nguyện, trì danh”, trì danh là gì? Trì danh là hạnh, có tín, có nguyện, có trì danh, ba điều này đều thành tựu, tín, nguyện, hạnh đều thành tựu. Phải có nguyện vọng mãnh liệt, tín tâm kiên cố, một câu Phật hiệu nối tiếp một câu Phật hiệu, bất kể ở đâu, trong tâm niệm Phật. Trong miệng không phát ra tiếng không ai biết, nhưng trong tâm Phật hiệu không thể gián đoạn. Niệm Phật như vậy, một năm với thiện căn sâu dày thì được rồi, người thiện căn yếu kém ba năm cũng thành tựu thôi, rất nhiều người chứng minh cho chúng ta, là thật, không phải giả. 法藏因地第四 “Pháp Tạng Nhân Địa đệ tứ” (Phẩm thứ tư: Nhân Địa của Pháp Tạng), chúng ta học tập đến đây.

Chúng ta xem phẩm tiếp theo:

【至心精進第五】 “Chí Tâm Tinh Tấn đệ ngũ” (Phẩm thứ năm: Chí Tâm Tinh Tấn).

Tựa đề phẩm có một phần giới thiệu. Trong Tập Chú mỗi phẩm đều có giới thiệu về tựa đề phẩm, đây là muốn giới thiệu cho chúng ta điểm mấu chốt của phẩm đó, đây là điều Niệm lão đã làm, giúp chúng ta trước khi chưa học tập, vẫn biết được đại ý của phẩm đó. 本品續前 “Bổn phẩm tục tiền” (Phẩm này nối tiếp ở trước), chính là nối tiếp phẩm trước dẫn dắt phẩm sau. 法藏菩薩發大願曰:我已發無上正覺之心。我成佛時,國土佛號,悉聞十方,一切有情乃至下等蟲類,生我國者,悉作菩薩,無有餘乘 “Pháp Tạng Bồ-tát phát đại nguyện viết: ngã dĩ phát Vô Thượng Chánh Giác chi tâm. Ngã thành Phật thời, quốc độ Phật hiệu, tất văn thập phương, nhất thiết Hữu tình nãi chí hạ đẳng trùng loại, sanh ngã quốc giả, tất tác Bồ-tát, vô hữu dư thừa” (Bồ-tát Pháp Tạng phát đại nguyện rằng: Con đã phát tâm Vô Thượng Chánh Giác. Khi con thành Phật, cõi nước Phật hiệu, vang khắp mười phương, tất cả Hữu tình cho đến các loại trùng hạ đẳng, sanh về cõi nước con, đều làm Bồ-tát, không có thừa nào khác), chúng ta đọc đến chỗ này. Chúng ta đã học qua nguyện của Bồ-tát phát ra ở trước, thật sự là phát tâm Vô Thượng Chánh Giác, ở chỗ lập tâm. Lập tâm, lập mạng, lập nguyện đều là một ý nghĩa, cũng chính là phát tâm. Tâm của chúng ta muốn làm gì? Đây là vấn đề lớn, chứ không phải việc nhỏ, là đại sự. Người thật sự học Phật, một nguyện vọng duy nhất trong tâm, muốn đi làm Phật, thì quý vị thật thành Phật.

Quý vị xem Lục tổ Đại sư Huệ Năng, trong Đàn Kinh có ghi, khi ngài đến Hoàng Mai bái Ngũ tổ, Ngũ tổ đã hỏi ngài, con đến đây muốn làm gì? Câu trả lời của ngài nói rằng: con muốn đến làm Phật. Có lẽ cả đời Ngũ tổ chưa gặp được một người như vậy, ngài đến để làm Phật. Người bình thường đến trong chùa chiền, đều là vì thăng quan phát tài, vì cầu con cháu, cầu phước cầu huệ, đều nói cầu điều này, chưa bao giờ gặp một người mà người ấy muốn đến làm Phật, đây chính là lập tâm khác nhau. Ngũ tổ thấy một người như vậy quỳ trước mặt mình, thấy ngài là rất quê mùa, là người thật thà, nếu hỏi ngài thì tất nhiên không phải là nói dối, ngài thật muốn làm Phật, đã giữ ngài ở lại, thật sự giúp ngài, thành tựu ngài làm Phật. Cách làm thế nào? Ngài chưa từng đi học, không biết chữ, điều gì cũng không biết, là một tiều phu. Thời xưa có nghề ấy, bây giờ không có nữa, hiện nay trong gia đình dùng điện, dùng gas, không dùng củi nữa. Trong thời kỳ kháng chiến, trong thành phố không có nước máy, không có đèn điện, nên chuyên môn có người làm nghề ấy, lên núi đốn củi, gánh vào trong thành phố để bán; Ra sông lấy nước, gánh vào thành phố để bán nước. Nhà nào cũng đều cần dùng củi và nước, nên rất nhiều người làm nghề ấy, hoàn toàn đổi lấy bằng sức lao động để sinh sống. Ngũ tổ bảo ngài: đến phòng giã gạo để giã gạo chẻ củi, vẫn là nghề mà chính ngài đã làm, cũng tức là không đổi đề mục, quý vị đã làm nghề này, quý vị tiếp tục làm nghề này.

Nên 84.000 Pháp môn, chẻ củi có thể thành Phật không? Giã gạo có thể thành Phật không? Được, Đại sư Huệ Năng chỉ làm việc này. Cũng chính là lão Hòa thượng Hải Hiền nói, “thiên hạ không việc khó, chỉ sợ tâm không chuyên”. Việc khó là gì? Thành Phật. Bất luận làm gì, chỉ cần chuyên thì có thể thành Phật. Tại sao vậy? Bởi chuyên thì không có tạp niệm, chuyên thì không có phân biệt, chuyên đến tột cùng, không khởi tâm, không động niệm, chẳng phải thành Phật rồi sao? Không khởi tâm, không động niệm, đã phá Vô thỉ Vô minh, phá một phẩm Vô minh, chứng một phần Pháp thân, là chân Phật, không phải giả Phật. Nên 84.000 Pháp môn, cũng không chỉ hướng về nhà Phật, mà pháp thế gian cũng bao gồm trong đó. Vì vậy Đại thừa nói, pháp nào chẳng phải là Phật pháp? Biết rồi, thì pháp nào cũng như vậy, còn không biết, thì Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Vô Lượng Thọ cũng không phải là Phật pháp, mấu chốt là quý vị có biết không. Biết là thế nào? Dùng tâm. Biết dùng tâm thì pháp nào cũng như vậy, không biết dùng tâm thì pháp nào cũng không như vậy. Quý vị có nghe ra vị đạo này hay không? Pháp nào cũng như vậy, không phải chuyên chỉ những gì Phật nói, những gì Phật không nói cũng bao gồm trong đó. Vì sao vậy? Đại sư Huệ Năng nói rất hay, “nào ngờ Tự Tánh, có thể sanh vạn pháp”, tất cả pháp trong toàn vũ trụ là do Tự Tánh biến ra, nên pháp nào rời khỏi được Tự Tánh?

Tôi đưa ra một ví dụ dễ hiểu. Hiện nay chúng ta cùng nhau học tập: là dùng máy tính, dùng màn hình TV, chúng ta lấy màn hình TV để làm ví dụ. Khi bật màn hình lên, không có sắc tướng, một vùng ánh sáng, đó chính là chân thật, đó chính là Tự Tánh. Quý vị ấn kênh, sắc tướng xuất hiện rồi, đó chính là có thể sanh vạn pháp. Có thể sanh vạn pháp, vạn pháp có rời khỏi màn hình không? Không có rời khỏi, nếu rời khỏi thì không hiện ra nữa. Nên màn hình là năng hiện, vạn pháp là sở hiện, năng sở là một không phải hai. Được gọi là Phật Bồ-tát, người giác ngộ là người nào? Quý ngài ở trên sắc tướng [mà] thấy được màn hình. Còn phàm phu nhìn thấy sắc tướng, mà quên mất màn hình, chỉ biết có sắc tướng, chứ không biết có màn hình, khác nhau là ở đây. Ở trong tướng thấy được Tánh, chính là thành Phật. Phải làm sao mới có thể thấy được? Điều này có ba loại chướng ngại, bỏ đi sẽ thấy được. Ba loại chướng ngại, thứ nhất Chấp trước, thứ hai Phân biệt, thứ ba Vọng tưởng, Vọng tưởng chính là Khởi tâm Động niệm, ba loại này đã chướng ngại quý vị. Vì vậy không chấp trước thì chứng quả A-la-hán, không phân biệt thì chứng Bồ-tát, không khởi tâm, không động niệm là thành Phật. Sáu căn của chúng ta tiếp xúc với cảnh giới sáu trần bên ngoài, không khởi tâm, không động niệm là Phật tri Phật kiến, thì quý vị thành Phật, quý vị không gì không biết; Có Khởi tâm Động niệm, không có Phân biệt Chấp trước, là Bồ-tát, Bồ-tát có Khởi tâm Động niệm, không có Phân biệt Chấp trước; A-la-hán không có Chấp trước, có Khởi tâm Động niệm, có Phân biệt. Nếu có cả ba, Khởi tâm Động niệm, Phân biệt, Chấp trước thảy đều có, là Lục đạo phàm phu. Điều này đã nói ra toàn bộ Phật pháp rồi, nếu ngộ tánh cao thì họ vừa nghe liền nhập cảnh giới.

Khởi tâm động niệm, khó! Vì sao thế? Bởi chúng ta không thể phát hiện. Như vậy có hiện tượng vật chất. Hiện tượng vật chất, ngày nay nhà Cơ học Lượng tử nói với chúng ta, đó là ảo tướng được sanh ra bởi dao động sóng ý niệm. Tần số này cao bao nhiêu? Tần số dao động nhanh cỡ nào, cao bao nhiêu? Bồ-tát Di Lặc nói với chúng ta, một búng tay, thời gian của một búng tay rất ngắn, 一彈指有三十二億百千念 “nhất đàn chỉ hữu tam thập nhị ức bá thiên niệm” (một búng tay có 32 ức trăm ngàn niệm), nói ý niệm. Một búng tay có bao nhiêu ý niệm? 32 ức 100 ngàn, 100 ngàn là 10 vạn, 10 vạn nhân 32 ức, thành 320 ngàn tỷ. Đây là một búng tay, số lần dao động là 320 ngàn tỷ, làm sao chúng ta biết được chứ? Những chân tướng sự thật này ở ngay trước mắt, bao gồm thân thể của chúng ta, những gì mắt chúng ta thấy được, tai nghe được, thân tiếp xúc được, sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần: tất cả đều là ảo tưởng sanh ra bởi tần số cao như vậy, không phải là thật. Nên “tất cả những gì có tướng đều là hư vọng”, 一切有為法,如夢幻泡影 “nhất thiết Hữu vi  pháp, như mộng huyễn bào ảnh” (tất cả pháp Hữu vi, như mộng ảo bọt bóng), không giả chút nào.

Hiện nay tần số mà nhà khoa học chúng ta dùng, nhà khoa học nói với chúng ta: là dùng giây làm đơn vị, một giây có thể búng bao nhiêu lần? Trước đây tôi cho rằng búng bốn lần, năm lần, có người nói với tôi có thể búng bảy lần. Tôi tin phải là bảy lần, vậy búng rất nhanh, sức khỏe rất tốt, có năng lực này, họ có thể búng bảy lần. 320 ngàn tỷ nhân cho bảy, ba bảy 21, là 2 triệu 100 ngàn tỷ, trong một giây. Tần số 2 triệu 100 ngàn tỷ lần trong một giây, làm sao chúng ta biết được? Màn hình TV mà chúng ta xem, trong một giây dao động sóng bao nhiêu lần? 100 lần, chúng ta đã bị nó mê hoặc rồi, 100 lần. Hoàn cảnh thực tế bao nhiêu lần? Một giây là 2 triệu 100 ngàn tỷ lần, làm sao chúng ta biết được đó là giả? Nhà khoa học chứng minh rồi, nên nhà khoa học nói với chúng ta, trên thế giới hoàn toàn không có thứ vật chất nào tồn tại. Thứ gì tồn tại? Hiện tượng dao động sóng tồn tại. Hiện tượng vật chất là do dao động sóng sanh ra, ý niệm cũng là do dao động sóng sanh ra.

Phật nói rõ ràng, Tam tế tướng của A-lại-da. A-lại-da là Vọng tâm, A-lại-da chính là dao động sóng. Về dao động sóng, thứ nhất Nghiệp tướng chính là hiện tượng dao động sóng, từ trong hiện tượng dao động sóng biến hiện ra ý niệm, từ trong ý niệm biến hiện ra vật chất, đây là Tam tế tướng của A-lại-da. Chúng ta có lý do tin rằng, khoa học không ngừng tiến bộ, qua 30 năm, 50 năm nữa, Tam tế tướng sẽ được nhà khoa học phát hiện. Vì vậy đến lúc đó, Phật giáo không phải là tôn giáo, mà Phật giáo là khoa học cấp cao. Điều này chẳng thể không bội phục đức Thích Ca Mâu Ni Phật, 3000 năm trước chưa có thiết bị, làm thế nào Ngài nhìn thấy? Phật nói, Thiền định, trong định thấy được, định càng sâu, thấy được càng tường tận càng rõ ràng, nên định công của Bát địa Bồ-tát thấy được Tam tế tướng. Chúng ta tin lời của Phật, chúng ta cũng tin nhà khoa học, họ sử dụng thiết bị khoa học sẽ thăm dò tới. Nhưng dùng thiết bị để quan sát được, là gián tiếp, còn dùng Thiền định là trực tiếp, nên Thiền định quan sát được, thần thông xuất hiện, nên quý ngài có thọ dụng; Nhà khoa học tuy nhìn thấy, nhưng họ không được thọ dụng. Lẽ ra họ phải được Thiên nhãn, Thiên nhĩ, Tha tâm, Túc mạng, Thần túc, Lậu tận, đều chứng được tất cả, A-la-hán chứng được rồi, mà nhà khoa học không cách nào chứng được, vẫn phải dùng phương pháp của Phật mới có thể được thọ dụng của Phật. Thời gian hôm nay hết rồi, chúng ta học tập đến đây thôi.

(Hết tập 153 )

Nguyện đem công đức này

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử cùng chúng sanh

Đều sanh nước Cực Lạc

Sớm viên thành Phật đạo

Rộng độ khắp chúng sanh

Nam Mô A Mi Đà Phật