Responsive Menu
Add more content here...

Tập 161 – Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú 2014

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH KHOA CHÚ 2014

(Giảng lần thứ 4)

Tập 161

Hòa thượng Thích Tịnh Không chủ giảng.

Giảng tại: Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông.

Thời gian: Ngày 10 tháng 1 năm 2015.

Dịch giả: Cự Lang.

Giảo chánh: Thích Thiện Trang.

          Kính chào chư vị Pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi. Mời mọi người cùng tôi đồng quy y Tam Bảo:

           “A-xà-lê tồn niệm, ngã Đệ tử Diệu Âm, thuỷ tùng kim nhật, nãi chí mạng tồn, quy y Phật-đà, Lưỡng túc trung tôn; Quy y Đạt-ma, Ly dục trung tôn; Quy y Tăng-già, Chư chúng trung tôn. (3 lần)

          Mời xem Đại Kinh Khoa Chú trang 423, xem từ hàng thứ 2.

          二、《唯識論》以順益此世他世之有漏無漏行法為善。 “Nhị, Duy Thức Luận dĩ thuận ích thử thế tha thế chi Hữu lậu Vô lậu hành pháp vi thiện” (2. Luận Duy Thức cho rằng thuận theo lợi ích Hữu lậu hay Vô lậu trong đời này đời khác mà hành pháp là thiện). Đây là Niệm lão dẫn kinh cứ điển, thuyết minh về thiện và ác được nói trong kinh Phật. 於彼天人善惡,國土粗妙 “Ư bỉ thiên nhân thiện ác, quốc độ thô diệu” (Với sự thiện ác của trời người, sự thô hay diệu của quốc độ), tiêu chuẩn của thiện ác là gì, trong kinh luận nói rất rõ ràng. Trước tiên nêu Luận Thành Duy Thức, tiêu chuẩn của bộ đó là lấy thuận ích, ích là lợi ích, thử thế là một đời này trong hiện tiền, tha thế là đời sau kiếp sau, là Hữu lậu Vô lậu hành pháp vi thiện trong đời sau kiếp sau, hành là phương pháp tu hành. Trong Hữu lậu, Thập thiện Nghiệp đạo đối với đời này chúng ta thì có lợi ích, đối với đời sau cũng có lợi ích, đó là tuỳ thuận Tánh đức. Sự Vô lậu là Định Huệ, sự Hữu lậu là Giới Định, giữ Giới tu Định đời nay đời sau đều được lợi ích. Vô lậu là Phật pháp. Cho nên giảng rất rõ ràng tiêu chuẩn thiện ác, đó là thiện. 於此世他世違損 “Ư thử thế tha thế vi tổn” (đối với đời này đời sau mà ngược lại làm tổn hại), vi là trái ngược, trái ngược Tánh đức, tổn là tổn hại, 有漏行法為惡 “Hữu lậu hành pháp vi ác” (hành pháp Hữu lậu là ác).

          論曰 “Luận viết” (Luận nói), trong Luận Duy Thức nói: 能為此世他世順益,故名為善 “Năng vi thử thế tha thế thuận ích, cố danh vi thiện” (Có thể làm thuận theo lợi ích của đời này đời sau, nên gọi là thiện). Chú trọng vào đời khác, thiện hiện tại, đời sau kiếp sau đều thiện, đó là điều phải nên tu học. 人天樂果,雖於此世能為順益,非於他世,故不名善。 “Nhân thiên lạc quả, tuy ư thử thế năng vi thuận ích, phi ư tha thế, cố bất danh thiện” (Quả vui trong trời người, dẫu với đời này có thể làm thuận theo lợi ích, nhưng không phải [lợi ích] với đời khác, nên không gọi là thiện). Người, không chỉ là người, mà còn Trời, Tam giới: trời Dục giới, trời Sắc giới, trời Vô sắc giới, quả báo hiện tiền là thuận theo lợi ích không sai, nhưng phước trời hưởng hết phải làm sao? Đó là thiện Hữu lậu. Hữu lậu, chưa đoạn hết Phiền não, tất cả các thiện pháp được tu còn có phiền não có Tập khí, có thể cảm được phước báo nhân thiên. Phước báo nhân gian hưởng hết, phước báo trên trời hưởng tận, không thể nâng cao đi lên nữa, nên đoạ lạc đi xuống, thế thì không gọi là thiện, nên gọi là bất thiện. 惡趣苦果,雖於此世能為違損 “Ác thú khổ quả, tuy ư thử thế năng vi vi tổn” (Quả khổ của đường ác, tuy với đời này có thể là trái ngược tổn hại), quả báo một đời này không tốt, 非於他世,故非不善 “phi ư tha thế, cố phi bất thiện” (không phải với đời khác, nên không phải là bất thiện), một đời này không tốt, chưa hẳn đời sau không tốt. Tu điều thiện Hữu lậu là Ngũ giới Thập thiện, tu Định của Hữu lậu, là Tứ thiền Bát định, đời này là rất khổ, tu hành rất khổ, nhưng đời sau không khổ, không phải với đời khác, nên không phải bất thiện, không thể nói đó [là] bất thiện. 是以順益與違損而判定善惡者 “Thị dĩ thuận ích dữ vi tổn nhi phán định thiện ác giả” (Là dùng sự thuận theo lợi ích và sự trái nghịch tổn hại mà phán định thiện và ác), đó chính là thuận theo lợi ích, trái nghịch tổn hại, quả báo trong hiện tiền và đời sau, từ chỗ này để phán định thế nào là thiện, thế nào là ác.

          三、淨影判三種善惡 “Tam, Tịnh Ảnh phán tam chủng thiện ác” (3, ngài Tịnh Ảnh chia ra ba loại thiện ác), trong Chú Giải Vô Lượng Thọ Kinh Nghĩa Sớ của Pháp sư Huệ Viễn triều Tuỳ đã nói, ngài nói ba loại. Loại thứ nhất: 順益為善,違損為惡 “Thuận ích vi thiện, vi tổn vi ác” (Thuận theo lợi ích là thiện, trái ngược tổn hại là ác). Điều này tương đồng với điều trong Luận Duy Thức đã nói phần trước, là một ý nghĩa. Thứ hai: 順理為善,違理為惡 “Thuận Lý vi thiện, vi Lý vi ác” (Thuận Lý là thiện, trái Lý là ác). Lý là gì? 無相空性 “Vô tướng Không tánh”. Phần sau nêu ví dụ nói: 行布施,若能於施者、受者及所施物皆體空無物,是順於理,無相之行,是為善 “Hành Bố thí, nhược năng ư thí giả, thọ giả cập sở thí vật giai thể Không vô vật, thị thuận ư Lý, Vô tướng chi hành, thị vi thiện” (Thực hành Bố thí, nếu có thể đối với người thí, kẻ được nhận và vật được thí đều là thể Không không có thứ gì, là thuận với Lý, sự hành Vô tướng, đó là thiện). Đó chính là lìa tất cả tướng, sâu hơn ý nghĩa trong phần trước. Nói từ mặt Lý, kinh luận Đại thừa nói nhiều lắm, phàm tất cả tướng, đều là hư vọng, Lý là gì? Không dính tướng, biết tướng là sự hư vọng. Cho nên sự hành Vô tướng, đó là thiện, tương ưng với Tánh đức.

          若有所施、能施及所施之物,存於意中 “Nhược hữu sở thí, năng thí cập sở thí chi vật, tồn ư ý trung” (Nếu có kẻ được thí, người thí cho và vật được thí còn ở trong ý), tức là ngày nay chúng ta nói là để ở trong tâm, là đã làm không ít việc tốt, những việc đã làm này đều để ở trong tâm. Để ở trong tâm, các nhà Duy Thức học nói là gieo Chủng tử vào A-lại-da thức, điều đó bất thiện, tại sao? Bởi gieo Chủng tử thì tương lai gặp được duyên sẽ khởi tác dụng, sẽ kết quả, thiện có thiện quả, ác có ác báo. Không để ở trong tâm, mặc dù tạo tác có thiện có ác, nhưng vẫn không có quả báo. Nói điều này hay lắm. Chúng ta đoạn tất cả điều ác, đừng để ở trong tâm, tu tất cả điều thiện, cũng đừng để ở trong tâm, trong tâm toàn là A Mi Đà Phật, vậy là đúng rồi, điều này tương ưng với Lý, đó là điều thiện chân chánh. Chỉ e để ở trong tâm, quả báo của để ở trong tâm, thiện thì cảm ba đường thiện, ác thì cảm ba đường ác, ba đường thiện, ba đường ác đều ở trong luân hồi, quý vị ra không khỏi Lục đạo luân hồi. Chỉ cần ra không khỏi Lục đạo luân hồi, chúng ta đều biết, Phật đã nói rất nhiều, chắc chắn rằng thời gian ở trong Tam đồ lâu, thời gian ở cõi nhân thiên ngắn. Thọ mạng trên trời thì dài, trời Sắc giới, trời Vô sắc giới, nhưng thời gian trong địa ngục còn hơn cả trên trời.

          Cho nên nhất định phải biết, tất cả các pháp bất khả đắc, Phật ở trong kinh đã nói cho chúng ta rất rõ ràng. Tất cả hiện tượng, trong Kinh Lăng Già nói rất hay, đều là自心現量,不斷之無 “Tự Tâm hiện lượng, bất đoạn chi vô” (Hiện lượng từ tâm, sự không thật mà không gián đoạn). Bồ-tát Di-lặc nói với chúng ta, chúng ta phải ghi nhớ rất rõ ràng, phải thường xuyên lấy đó làm y cứ để chúng ta quán chiếu, đó chính là 1 giây với 2 triệu 100 ngàn tỷ lần sanh diệt, đó là tất cả hiện tượng, sanh diệt trong 2 triệu 100 ngàn tỷ lần. Toàn là giả, toàn là trọn không thể được. Hiện tượng sóng dao dộng nhanh như vậy, ngay cả cảm xúc chúng ta cũng không có, không có chút cảm xúc nào, đó là nói lời thật. Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng, chính là nói về việc này. Phàm phu Lục đạo thiệt thòi rồi, ra không khỏi Lục đạo luân hồi, tại sao? Bởi xem điều giả thành lẽ thật, thực sự hoàn toàn không thể nhận biết, thực sự là Không vô sở hữu. Trong kinh Đại thừa thường nói: 一切法,畢竟空,不可得 “Nhất thiết pháp, tất cánh Không, bất khả đắc” (Tất cả pháp, rốt ráo Không, không thể đắc), đó là chân tướng.

          Bất khả đắc mà cho là phải có được, để ở trong tâm, thì phiền phức khá lớn, tâm này là Vọng tâm. Vọng tâm có nghiệp, Chân Tâm không có nghiệp, Chân Tâm là Không, vô sở hữu, là Chân Tâm. Chân Tâm có thể hiện có thể sanh, mặc dù có thể hiện có thể sanh, nhưng nó không phải là thật, cũng không phải là giả, thật giả đều là Vọng tưởng của chúng ta. Nó không hiện nhưng không thể nói không, nó hiện ra nhưng không thể nói có, vì sao? Bởi là ảo tướng. Đại sư Huệ Năng nói rất hay: 本來無一物,何處惹塵埃 “Bổn lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần ai” (Xưa nay không một vật, nơi nào dính bụi trần). Thứ gì xưa nay không một vật? Những điều mắt ta đã thấy, tai đã nghe, mũi đã ngửi, lưỡi đã nếm, ý đã biết, toàn bộ đều là xưa nay không một vật. Làm sao lại có nhiều thứ phức tạp như vậy? Những điều này đều là sanh ra từ trong Vọng tưởng, Vọng tưởng, Phân biệt, Chấp trước. Không có Vọng tưởng, không có Phân biệt Chấp trước, là thành Phật rồi, quay về Tự Tánh; Còn có Vọng tưởng, không có Phân biệt Chấp trước, là Bồ-tát của Tam thừa; có Vọng tưởng, có Phân biệt, không có Chấp trước, là A-la-hán, Bích-chi-phật; Đều có ba thứ, có đủ Vọng tưởng, Phân biệt, Chấp trước, mắt thấy sắc có, tai nghe thanh có, Khởi tâm Động niệm có, đó là phàm phu Lục đạo.

          Phật dạy chúng ta, đoạn Phiền não có thứ lớp, ra tay trước hết từ phần thô trọng. Phần vi tế kia, tự chúng ta không có cách nào nhận biết, làm sao quý vị có thể đoạn được? Phần thô trọng là gì? Chấp trước, sự chấp trước kiên cố, tự cho mình đúng, buông xuống điều này trước. Từ không Chấp trước, thật sự làm được đối với tất cả các pháp đều không chấp trước, đó chính là A-la-hán, đã đoạn Kiến tư Phiền não. Kiến tư Phiền não [là] Chấp trước, đều là Chấp trước, cách nhìn của quý vị, suy nghĩ của quý vị, toàn là Chấp trước. Buông xuống Chấp trước rồi, lại buông xuống Phân biệt, Phân biệt là Trần sa Phiền não, vi tế hơn Chấp trước. Trần sa là hình dung, cát bụi vô lượng vô biên, là Phiền não vi tế. Sau khi đoạn dứt, thì thành Phật, sự thành Phật này, Đại sư Thiên Thai nói đó là Tương tự Tức Phật, không phải là thật, là tương tự. Vì sao? Bởi các ngài chưa phá Vô minh, chưa phá phiền não căn bản, nhưng sự hành trì của các ngài, cảnh giới của các ngài dường như không quá chênh lệch với Phật. Trong kinh giáo của Phật đã nói về Giới–Định–Huệ, các ngài đều làm được, nhưng chưa kiến Tánh, là Phật trong Mười pháp giới. Bồ-tát Thập tín trong Đại thừa được gọi là Phật, chưa kiến Tánh. Các ngài phải đoạn dứt Vô minh Phiền não, Vô minh là gì? Khởi tâm Động niệm, phá một phẩm Vô minh, thấy một phần Pháp thân, gọi là Đại triệt Đại ngộ, Minh tâm Kiến tánh, kiến Tánh thành Phật. Phật này cao hơn Bồ-tát trong Thập tín vị, cao hơn Thập tín, Sơ trụ của Viên giáo, chúng ta gọi ngài là Pháp thân Như Lai, phá Vô minh rồi.   

          Vô minh chính là Khởi tâm Động niệm, chúng ta tu hành chân chánh, luyện công phu chân chánh thì luyện ở đâu? Toàn ở trong cuộc sống. Ta nhìn thấy rõ ràng, nghe được rõ ràng, nhưng không có Khởi tâm Động niệm, đó chính là Phật, Phật tri Phật kiến. Đó là chân Phật, không phải giả Phật. Có Khởi tâm Động niệm, không có Phân biệt Chấp trước, là Bồ-tát, thua Phật một bậc, là Bồ-tát. Có Khởi tâm Động niệm, có Phân biệt, không có Chấp trước, đó là A-la-hán, Bích-chi-phật. Có cả Khởi tâm Động niệm, Phân biệt Chấp trước, là phàm phu Lục đạo. Trong Lục đạo, đẳng cấp cao thấp hoàn toàn là thiện ác, ý niệm của quý vị thiện, ngôn hành thiện, là ba đường thiện; Ý niệm bất thiện, tâm hành bất thiện, là ba đường ác. Chúng ta dùng tiêu chuẩn này: để soi xét ngược lại, xem xét chính mình, cả ngày từ sáng đến tối, chúng ta là thiện nhiều hay là ác nhiều, vì chính mình thì toàn là ác, vì chúng sanh là thiện. Tiêu chuẩn ở chỗ này, phần sau còn có rất nhiều, đoạn ác tu thiện rơi vào ấn tượng, cũng tức là còn có trong tâm, đó là bất thiện; Trong tâm không có, đấy là thiện, chính là không để ở trong tâm. Khó! 

          Phương pháp của Tịnh tông là vô cùng nhiệm mầu, trong tâm chỉ có A Mi Đà Phật, những thứ khác không đặt vào, chỉ có Phật, đó là thiện. Sự thiện này tương lai sẽ đi về đâu? Đi đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, tương ưng với đức A Mi Đà Phật là Thế giới Cực Lạc. Người tu Tịnh Độ chúng ta: hy vọng tương lai vãng sanh Thế giới Cực Lạc, là được dùng phương pháp này, tích luỹ công đức, hết thảy hồi hướng cầu sanh Tịnh Độ, không để ở trong tâm. Để ở trong tâm thì cảm ba đường thiện, tạo tác ác nghiệp mà để ở trong tâm thì cảm ba đường ác, cho nên thiện ác đều không nên để ở trong tâm. Hơn nữa đoạn ác tu thiện đều là vì lợi ích chúng sanh, không vì chính mình, tốt! Vả lại niệm niệm hồi hướng tất cả chúng sanh, cùng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc, phải có đại nguyện này, đại nguyện này chính là tâm Bồ-đề.

          Phần sau ngài nêu ví dụ nói: 例如行布施,若能於施者、受者及所施物皆體空無物 “Liệt như hành Bố thí, nhược năng ư thí giả, thọ giả cập sở thí vật giai thể Không vô vật” (Ví như thực hành Bố thí, nếu có thể đối với người thí, người nhận và vật được thí đều thể Không không có thứ gì), đó là thuận theo lý, 無相之行 “Vô tướng chi hành”(sự làm của Vô tướng), đó là thiện. 若有所施、能施及所施之物,存於意中 “Nhược hữu sở thí, năng thí cập sở thí chi vật, tồn ư ý trung” (Nếu có người được bố thí, người bố thí và vật được bố thí, có trong ý niệm), chính là để ở trong tâm, quý vị đã là trái ngược với Chân Lý, trái ngược với chân tướng sự thật, quý vị đã dính tướng, đó là ác, vì có quả báo. 如是則上從佛菩薩,下至阿羅漢,所修之善法名善 “Như thị tắc thượng tùng Phật Bồ-tát, hạ chí A-la-hán, sở tu chi thiện pháp danh thiện” (Như vậy thì trên từ Phật Bồ-tát, dưới đến A-la-hán, thiện pháp đã được tu gọi là thiện), là Phật Bồ-tát tu, A-la-hán tu. Nếu chúng ta muốn thành Phật, thành Bồ-tát, thì phải đi con đường này. 人天眾生所修之善法,都是有相行,名之為惡 “Nhân thiên chúng sanh sở tu chi thiện pháp, đô thị hữu tướng hành, danh chi vi ác” (Thiện pháp được tu bởi chúng sanh trời người, đều là hành có tướng, [nên] gọi đó là ác). Tướng này chính là chấp tướng, hữu tướng tức là chấp tướng, tức là đặt điều thiện ác quý vị đã tạo tác ở trong tâm. Chúng ta xem Liễu Phàm Tứ Huấn, điều thiện mà Tiên sinh Liễu Phàm đã tu, ghi lại hết thảy, một ngày làm bao nhiêu việc tốt, đó là gì? Phước báo nhân thiên, ra không khỏi ba cõi, nhất định phải biết điều này. Tại thế gian là người thiện, đời sau [ở] ba đường thiện, sẽ không bị đoạ ba đường ác. Đời sau kiếp sau, có khả năng tạo tác ác nghiệp không? Rất có khả năng, tại sao? Bởi họ cho rằng điều này có lợi cho ta, họ sẽ tạo ra điều tổn người lợi mình, nghiệp ấy sẽ dẫn dắt họ đi vào ba đường ác. Ba đường ác rất dễ vào, nhưng không dễ dàng ra khỏi. Do vậy chỉ cần ở Lục đạo, thì chắc chắn, thời gian họ ở ba đường thiện ngắn ngủi, thời gian trong ba đường ác lâu dài. Phật nhãn đã nhìn thấy, nói họ là những kẻ đáng thương xót. 

          Nhất định phải thừa nhận, vô thuỷ kiếp đến nay, trong A-lại-da hàm chứa có bao nhiêu những Chủng tử thiện ác này? Vô lượng vô biên, chúng ta ngày ngày vẫn đang tạo. Trong kinh Phật có một tỉ dụ, giả sử những thiện ác này là có hình dạng, dù là tuy nhỏ, giống như một hạt vi trần, thì nghiệp mà chúng ta đã tạo từ vô thuỷ đến nay có bao nhiêu? Phật nói tận Hư không khắp Pháp giới cũng không dung chứa nổi. Thật sự, niệm niệm đều đang tạo, tự chúng ta không cảm giác được. Niệm niệm là chỉ cho gì? Một giây đồng hồ sanh diệt 2 triệu 100 ngàn tỉ lần, đó chính là niệm niệm. Một giây đồng hồ tạo ra bao nhiêu lần? 2 triệu 100 ngàn tỉ, chưa từng dừng nghỉ, rất đáng sợ! Nghĩ đến chỗ này, thì chúng ta không thể không cảm tạ A Mi Đà Phật, A Mi Đà Phật thật sự cho chúng ta một Pháp môn Vô thượng, bảo chúng ta chuyển đổi ý niệm đều thành A Mi Đà Phật. Nói cách khác, trong tâm chỉ có A Mi Đà Phật, ngoại trừ A Mi Đà Phật thì cũng không có điều gì nữa. Pháp môn này thành tựu trong đời, cần có thời gian bao lâu? Thời gian theo tiêu chuẩn thông thường không quá 3 năm, thì có thể vĩnh viễn thoát ly luân hồi trong Lục đạo, vãng sanh Thế giới Cực Lạc. Ví dụ rất nhiều, trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục đã ghi, trong Vãng Sanh Truyện đã ghi chép, chúng tôi ngay trong đời này đã tận mắt nhìn thấy, tận tai đã nghe thấy, người niệm Phật 3 năm vãng sanh biết bao nhiêu! Từng có người hỏi tôi, phải chăng những người ấy 3 năm đều hết tuổi thọ sao? Câu trả lời của tôi là: điều đó không hợp logic, có người niệm Phật 3 năm hết, số ít, làm sao có thể nhiều đến vậy! Người 3 năm vãng sanh nhiều đến vậy, sao họ lại ra đi? Bởi họ vẫn còn tuổi thọ, nhưng họ không cần nữa.

          Lão Hoà thượng Hải Hiền nói rất hay, niệm Phật chỉ cần Công phu Thành phiến, A Mi Đà Phật bèn đến thăm quý vị, báo tin tức cho quý vị, nói với quý vị, đó là thấy Phật, tuổi thọ của con còn bao lâu, khi đến lúc Ta sẽ đến đón con. Hiền công nói lời ấy, hoàn toàn tương đồng với những gì tôi đã thể hội trong Kinh. Khi nào quý vị thấy Phật, chắc chắn thấy Phật? Bồ-tát Đại Thế Chí nói rất rõ ràng, trong Đại Thế Chí Viên Thông Chương của Kinh Lăng Nghiêm, người niệm Phật憶佛念佛 “ức Phật niệm Phật” (nhớ Phật niệm Phật) trong tâm không gián đoạn, 現前當來,必定見佛 “hiện tiền đương lai, tất định kiến Phật” (hiện tiền tương lai, chắc chắn thấy Phật), đây là điều Bồ-tát Đại Thế Chí nói với chúng ta. Hiện tiền là hiện tại, chúng ta nhất định gặp mặt với A Mi Đà Phật, gặp mặt thì tín tâm của quý vị đã trọn đủ. Song, lúc gặp mặt thì có không ít người họ đã giác ngộ, sẽ yêu cầu với Phật: Con còn tuổi thọ nhưng không cần nữa, bây giờ con đi với Ngài. A Mi Đà Phật hết sức từ bi, bèn dẫn quý vị đi. Nói như vậy mới thông suốt. 

          Vẫn có một số người ở lại, gặp Phật rồi, họ không đi với Phật. Tôi tin rằng có hai hạng người, một hạng người thông đạt Kinh giáo, mặc dù họ không phải thân chứng, những điều trong kinh Phật đã nói chắc chắn không phải là giả, tu hành 1 ngày ở Thế giới Ta Bà: bằng với tu hành 100 năm ở Thế giới Cực Lạc. Nơi này dễ thành tựu, không phải là nơi xấu, tiến bộ sao lại nhanh đến thế? Nơi này tỷ lệ đào thải rất cao, hễ không cẩn thận là đoạ lạc. Thế giới Cực Lạc không có chướng duyên, chỉ có tiến bước không có lùi bước, nhưng họ sẽ tiến bước chậm chạp hơn. Thế giới này tiến đi nhanh lùi bước lớn, để xem quý vị có bản lĩnh đó không, tiến đi nhanh mà lui cũng nhanh. Do đó, đạt được Công phu Thành phiến, 3 năm 5 năm, thời gian không dài, là có thể đạt đến Nhất tâm Bất loạn, Sự nhất tâm Bất loạn. Sự nhất tâm Bất loạn vãng sanh Thế giới Cực Lạc, sanh Phương Tiện Hữu Dư độ, không ở Đồng Cư độ, từ Đồng Cư độ mà vượt lên đến Phương Tiện độ. Có thêm 3, 5 năm nữa, thì họ có thể từ Phương Tiện độ siêu thăng đến Thật Báo độ, Lý nhất tâm Bất loạn. Phải biết rằng: Lý nhất tâm Bất loạn chính là Đại triệt Đại ngộ, Minh tâm Kiến tánh trong Thiền tông.

          Lão Hoà thượng Hải Hiền đã làm gương mẫu cho chúng ta. Hồi trẻ Sư phụ dạy cho ngài, đã dạy ngài một câu Nam Mô A Mi Đà Phật, dạy ngài cứ niệm luôn luôn, 明白了 “minh bạch liễu” (sáng tỏ rồi), sáng tỏ này có nghĩa là gì? Sáng tỏ rồi tức là Lý nhất tâm Bất loạn, Minh tâm Kiến tánh. Sáng tỏ rồi, khai ngộ rồi, triệt ngộ rồi, 不能亂說,不能說 “bất năng loạn thuyết, bất năng thuyết” (không được nói bừa, không thể nói). Nói cách khác, Sư phụ của ngài biết: phương pháp này của ngài sẽ khai ngộ. Sư phụ không phải là phàm phu, Sư phụ là một đại Thiện tri thức Minh tâm Kiến tánh, ngài có thể nói ra câu  nói này. Hiền công quả thật đã khai ngộ, cho nên ngài cũng tiết lộ một chút phong thanh: “Điều gì tôi cũng biết”. Người ta hỏi ngài, “thiên cơ không thể tiết lộ, tiết lộ thiên cơ sẽ bị sét đánh”. Hay, thật hay!

          Cho nên quý vị xem nhiều đĩa CD này, Cư sĩ Lưu Tố Vân đã xem hơn 1600 lượt rồi, một ngày xem nhiều nhất là 10 lần, 10 lần là 10 tiếng, niềm vui này không mệt, càng xem càng có thọ dụng, càng xem càng hoan hỷ, gọi là Pháp hỷ sung mãn. Một ngày 10 lần xem thế nào? Trong báo cáo của bà nói rằng, bà thức dậy lúc 2 giờ sáng, sáng sớm này bà mở xem 5 lần, từ 2 giờ đến khi trời sáng. Bà lạy Phật, nghe khi lạy Phật, nghe 2 lần; Sau đó thì niệm Phật, vừa niệm Phật vừa nghe, chẳng ngăn trở niệm Phật; Sau khi trời sáng, ra đi dạo trong sân, mang theo bên mình để nghe, đi bộ một tiếng, thì lại nghe một tiếng, 5 lần. Hễ rảnh rỗi thì bà nghe, một ngày nghe ít nhất là 5 lần, nhiều nhất là 10 lần, trung bình đều là 6, 7 lần. Cho nên thời gian trong 1 năm, dường như suốt 8 tháng, bà đã nghe hơn 1600 lần, điều này là học theo gương tốt của ngài Hải Hiền. Bà nói với chúng tôi một thông tin, càng nghe càng hoan hỷ, càng nghe càng có thể hội, mỗi lượt đều có sự thể hội mới, cho nên rất hoan hỷ. Chúng ta hãy thử xem, đích thực Pháp hỷ sung mãn, được thọ dụng. Nếu bà luôn luôn làm như vậy, chúng tôi tin rằng, sẽ như Lão Hoà thượng Hải Hiền [tức là] Công phu Thành phiến, Sự nhất tâm Bất loạn, Lý nhất tâm Bất loạn, có thể chứng đắc hết thảy.

          Lão Hoà thượng nói rất hay: 天下無難事,只怕心不專 “Thiên hạ vô nan sự, chỉ phạ tâm bất chuyên” (Trên đời không việc gì khó, chỉ sợ tâm không chuyên), trong Tam Tự Kinh nói với chúng ta: 教之道,貴以專 “Giáo chi đạo, quý dĩ chuyên” (Đạo dạy học, quý bởi chuyên), cách thức dạy học, đạo lý này chính là một chữ “chuyên”. Chuyên thì có thể được Nhất tâm, chuyên thì có thể được Tam-muội, chuyên thì có thể khai ngộ. Mục đích dạy học của Phật pháp, chính là Đại triệt Đại ngộ, Minh tâm Kiến tánh, không dạy người thuộc lòng, không cần thiết, không cần phải nhớ thật nhiều, nghe thật nhiều, không cần. Thâm nhập một môn, mục đích không phải là kêu quý vị đọc thuộc quyển kinh, không phải ý nghĩa này, Nhất môn thâm nhập là khiến ý niệm của quý vị tập trung, nghĩ về một thứ, đừng nghĩ nhiều. Vậy dùng một câu Phật hiệu là cao minh nhất. Phật pháp Đại thừa giảng, một tức là nhiều, nhiều tức là một, một và nhiều chẳng hai, một này không phải là chuyên nhất, mà là nhậm nhất, bất kỳ một pháp nào, quý vị chỉ cần chuyên nhất là được. Chuyên nhất thì họ có thể đắc Định, đắc Định thì họ có thể khai Huệ, khai Huệ, thì điều gì cũng biết. 

          Đại sư Huệ Năng nói với chúng ta: “Hà kỳ Tự Tánh, bổn tự cụ túc”, không được quên điều này. Cụ túc là gì? Trong Kinh Hoa Nghiêm Phật từng nói, có thể dùng đó để giải thích, Phật nói rằng: 一切眾生皆有如來智慧、德、相 “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Như Lai trí huệ, đức, tướng” (Tất cả chúng sanh đều có trí huệ, đức, tướng của Như Lai), Tự Tánh này vốn dĩ đã đầy đủ. Đó là bao quát tất cả vạn pháp vào bên trong, vô lượng trí huệ, vô lượng đức năng, vô lượng tướng hảo, là trong Tự Tánh vốn dĩ đầy đủ. Trong kinh Đại thừa thường nói: 心外無法 “Tâm ngoại vô pháp” (Không có pháp nào ở ngoài tâm), tìm cầu bên ngoài đó là tri thức, không phải trí huệ, điều hướng ngoại tìm cầu không có chút liên can nào với Phật pháp. Phật pháp là cầu Tự Tánh, trong Tự Tánh vốn dĩ đầy đủ, quý vị phải sáng tỏ đạo lý này. Tám vạn bốn ngàn Pháp môn, vô lượng Pháp môn, chỉ cần có một là được, tuỳ ý quý vị dùng một Pháp môn nào đó, quý vị không được dùng nhiều. Tu hai Pháp môn, tu ba Pháp môn, thậm chí là có rất nhiều Pháp môn đều muốn đi học, quý vị không chuyên, quý vị lướt qua quá nhiều, tâm lực của quý vị không thể tập trung, toàn biến thành tri thức. Nếu là một, một thì sẽ đắc Định, Định khởi tác dụng chính là Trí huệ. Cho nên chúng ta phải biết về Lý niệm dạy học này, phải làm rõ ràng phương pháp dạy học, phương pháp chính là thâm nhập một môn, không có hai môn, chỉ một môn. Một môn tức là nhiều môn, một môn tức là tất cả, phải hiểu được đạo lý này. Tại sao? Bởi một môn thông Tự Tánh, sau khi kiến Tánh, đều có được tất cả, không có một pháp nào không biết, quá khứ–hiện tại–vị lai, cõi này phương khác không một điều nào mà không thông suốt. 

          Đức Thế Tôn làm chứng minh cho chúng ta, quý vị xem Ngài biểu diễn cho chúng ta, 19 tuổi xuất gia, từ bỏ ngôi vua, từ bỏ sự hưởng thụ vinh hoa phú quý, đi làm một nhà sư khổ hạnh, ngày ăn một bữa, ngủ dưới gốc cây. Vì chúng ta thị hiện thân phận là tầng lớp tri thức, đó là theo cách nói ngày nay, tầng lớp tri thức thích học rộng nghe nhiều. Tất cả các tôn giáo ở Ấn Độ, Ngài đã đi học qua, tất cả các trường phái, các trường phái thuộc phương diện Triết học, Ngài đều học lướt qua, đều đã đi học, học suốt 12 năm, nhưng buông xuống. 19 tuổi đã buông xuống Phiền não chướng, 30 tuổi thì buông xuống Sở tri chướng, buông xuống hai loại chướng ngại, Ngài bèn khai ngộ, không chướng ngại nữa. Phải hiểu đạo lý này, hàm nghĩa này rất sâu. Phật pháp là gì? Nói về Pháp này là gì? Trong Đại thừa giáo có một tỉ dụ, 黃葉止啼 hoàng diệp chỉ đề (lá vàng dỗ trẻ nín khóc), đó chính là Phật pháp. Có nghĩa là gì? Đứa trẻ khóc, người lớn nhặt một chiếc lá cây trên đất, nói với nó đây là vàng, rất quý giá, nó cầm lấy có thể đổi kẹo ăn, đứa trẻ không khóc nữa. Mục đích là muốn nó không khóc, đạt được hiệu quả, là giả, không phải là thật. Tất cả các kinh mà Phật dạy đều là như thế, không thể xem chúng là thật. Sự thật là gì? Thật sự không có một pháp, trong tâm thanh tịnh không lập một pháp nào, đó gọi là Phật pháp. Vậy Phật là gì? Giác ngộ triệt để, hoàn toàn quay về Tự Tánh, quay về Thường Tịch Quang, quay về với Bản thể như trong Triết học nói, đó gọi là thành Phật, đó gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Học Phật nhất định phải làm rõ ràng, làm sáng tỏ sự việc này, thì quý vị rất dễ dàng nhập môn.

          Chúng ta chọn một câu danh hiệu A Mi Đà Phật này, dùng điều đó để nhập môn, vì sao chọn điều đó? Bởi điều đó có sự gia trì bởi 48 nguyện của A Mi Đà Phật. Các Pháp môn khác, phải được tâm thanh tịnh mới có được Phật lực gia trì, không có được tâm thanh tịnh thì không được; Duy chỉ có Pháp môn này, được chút phần tâm thanh tịnh là đã được gia trì. Đó là sự từ bi vô tận của A Mi Đà Phật, muốn cứu vớt chúng sanh khổ nạn của Lục đạo trong Mười pháp giới, nên dùng phương pháp xảo diệu này. Chỉ có phương pháp này được oai thần bổn nguyện của A Mi Đà Phật gia trì, thành tựu nhanh! Bắt đầu từ khi Đại sư Huệ Viễn thời đông Tấn xây dựng Niệm Phật đường Đông Lâm là đạo tràng niệm Phật đầu tiên, trải qua bao đời thế hệ, những người tu Pháp môn này thành tựu không thể kể xiết. Những người như trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, Vãng Sanh Truyện là một số đại biểu, còn có nhiều người vãng sanh nữa mà không biết, không được ghi chép lại, không biết rõ có bao nhiêu. Ghi chép lại thì chỉ 1/10, 1/100 mà thôi, còn không có ghi chép, số không ai biết thì rất nhiều rất nhiều, chúng ta phải biết điều này.

          Trong khoảng thời gian chúng tôi ở Mỹ, cũng không quá lâu, trước sau chỉ có mười mấy năm. Các đồng học vãng sanh ở Học hội Tịnh Tông các nơi tại Mỹ, đều không ghi lại, đều không có người viết truyện ký cho họ. Là vãng sanh thật, không phải vãng sanh giả, biết trước giờ đi, ra đi tự tại, không có bệnh khổ, không có tử khổ, nói đi là đi. Những người ấy đều rất thông minh, khi nào họ đi thì tự biết, không nói cho một người nào khác hay, vì sao? Nói cho người ta hay thì rước lấy rất nhiều phiền phức, mọi người đều tới xem, thế thì trở ngại cho họ rồi, căn bản thì không nói. Như lão Hoà thượng Hải Hiền, không nói cho ai, nói cho người ta, một đống người sẽ đến giúp ngài trợ niệm, đến xem ngài ra đi; Một người thanh tịnh, chướng ngại nào cũng không có, ra đi đến ngày hôm sau quý vị mới biết. Trước khi ra đi, ban ngày vẫn sống làm việc cả ngày trong vườn rau, ban đêm niệm Phật một đêm, sáng sớm ngày hôm sau, gọi ngài không có tiếng trả lời, mở cửa phòng ngài ra xem, ra đi rồi. Tự tại biết bao! Thong dong biết bao!

          Chúng ta lại xem ở đây, đó là mục 3/3, 體順為善,體違為惡。此與(二)相兼,亦同於《瓔珞》 “Thể thuận vi thiện, Thể vi vi ác. Thể dữ (nhị) tương kiêm, diệc đồng ư Anh Lạc” (Sự thuận theo Thể là thiện, sự trái với Thể là ác. Đây với mục (2) là bao gồm nhau, cũng giống với Kinh Anh Lạc). Trong Kinh Anh Lạc cũng là cách nói như vậy, có cách giảng này. 法界真性為己自體,體性緣起而成行德。所行只是自體,心無所緣,隨心所欲而不越軌,是名為善。 “Pháp giới Chân Tánh vi kỷ Tự Thể, Thể Tánh duyên khởi nhi thành hành đức. Sở hành chỉ thị Tự Thể, tâm vô sở duyên, tuỳ tâm sở dục nhi bất việt quỹ, thị danh vi thiện” (Chân Tánh của Pháp giới là Tự Thể của mình, duyên khởi Thể Tánh mà thành hành đức. Sở hành chỉ là Tự Thể, tâm không có sở duyên, theo những mong muốn của tâm mà không vượt phép tắc, đó gọi là thiện). Cảnh giới này cao, rất khó làm được, nhưng không phải không có. Điều chúng ta đã nhìn thấy, đã hiểu rõ, đã tiếp xúc được: đều là phàm phu, chúng ta chưa thấy qua Nhị thừa. Như Hoà thượng Hải Khánh, Hoà thượng Hải Hiền, trong Vĩnh Tư Tập phát hành gần đây nhất, có tăng thêm không ít số trang, người thật việc thật, đó là phàm phu, các ngài đã làm được. Thật sự lý giải, đó chính là Ngộ, Chân Tánh của Pháp giới là chính mình, Kinh giáo Đại thừa nói là Ngã, bốn đức Thường–Lạc–Ngã–Tịnh, ngã có nghĩa là gì? Ngã có nghĩa là chủ tể, thật sự có thể làm chủ tể được. Thân của chúng ta không thể làm chủ tể, nếu có thể làm chủ tể, thì chúng ta năm nào cũng là 18 tuổi rất hay, vĩnh viễn không già, vậy thì hay quá. Không được, năm này già hơn năm trước, không được, không làm chủ tể được. Ngã là gì? Có Chân Ngã, Chân Ngã chính là Chân Tánh, Chân Ngã mới là Tự Thể. Thân này là giả ngã, không phải là Chân Ngã, không thể nhận thức sai, Chân Ngã quan trọng, còn giả ngã không quan trọng. 

          Quả nhiên chúng ta sáng tỏ rồi, thì sẽ nhìn thấu, sáng tỏ chính là nhìn thấu, sau khi nhìn thấu thì buông xuống thật sự, tất cả mọi Vọng tưởng, Vọng niệm: buông xuống hết thảy, buông xuống ta rồi, [là] Vô ngã. Nửa bộ đầu Kinh Kim Cang: 無我相、無人相、無眾生相、無壽者相Vô ngã tướng, Vô nhân tướng, Vô chúng sanh tướng, Vô thọ giả tướng, phá bốn tướng này. Đã phá bốn tướng là cấp bậc gì, là đẳng cấp gì? Là A-la-hán, Bích-chi-phật, Tiểu thừa. Nửa bộ sau của Kinh Kim Cang thì cảnh giới cao rồi, giảng phá bốn kiến, phần trước phá bốn tướng, phần sau phá bốn kiến: 無我見、無人見、無眾生見、無壽者見Vô ngã kiến, Vô nhân kiến, Vô chúng sanh kiến, Vô thọ giả kiến, kiến là gì? Ý niệm. Nhân, ngã, chúng sanh, thọ giả: những ý niệm này đều không có, vậy là cao, cảnh giới gì vậy? Cảnh giới của Phật, cảnh giới của Pháp thân Bồ-tát. Cảnh giới này là toàn bộ vũ trụ là một thể, tức là Chân Tánh, tức là Tự Tánh. Tánh với Tướng là một không phải hai, Tánh–Tướng nhất như, Tánh ở đâu? Ở trong Tướng; Tướng ở đâu? Ở trong Tánh. Thể là Tánh, sắc là Tướng. Nắm [được] chính mình, tìm thấy chính mình thật sự, gọi chung điều đó bằng một câu là Thật tướng, Thật tướng là Chân tướng. Chúng ta sinh hoạt ở trong Vọng tướng, không phải Chân tướng, A-la-hán trở lên, mới sinh hoạt ở trong Chân tướng. A-la-hán còn mê, Bồ-tát giác ngộ rồi, cho nên A-la-hán còn phải nâng cao, còn phải đoạn dứt Trần sa Phiền não. Các ngài đã buông xuống Kiến tư Phiền não, còn phải buông Trần sa, còn phải đoạn Vô minh, mới thật sự khế nhập Chân Tánh của Pháp giới. Đó chính điều do Thiền tông đã nói: 父母未生前本來面目 “Phụ mẫu vị sanh tiền bổn lai diện mục” (Mặt mũi vốn có trước khi cha mẹ sanh ra), đó là chính mình, thật sự tìm thấy rồi, đó chính là Phật Tánh, đó chính là Bổn Tánh.

          Mấy câu này nói rất hay, chúng ta đọc lại một lần nữa. “Chân Tánh của Pháp giới là Tự Thể của mình”, không giả một chút nào, “duyên khởi Thể Tánh mà thành hành đức”, Thể này gặp được duyên thì hiện tướng, không có duyên, thì chẳng thấy tướng. Điều đó trong Phật pháp gọi là ẩn hiện, ẩn là ẩn giấu, ẩn là không hiện, hiện ra hiện tướng thì gọi là hiện. Ngày nay chúng ta đã thấy được Thế giới, thấy được vũ trụ, sáu căn, sáu trần, sáu thức, đó là hiện. Có duyên thì nó hiện, không có duyên không hiện, không có duyên chính là Thường Tịch Quang, một khối ánh sáng. Giống như chúng ta xem tivi, ẩn là gì? Ẩn, trên màn hình chỉ có một khối ánh sáng, không có sắc tướng. Giống như chúng ta bật tivi lên, màn hình [chỉ có] một khối ánh sáng, chưa có bấm kênh, đó chính là ẩn, bấm một kênh, thì sắc tướng hiện ra, đó là hiện; Hiện không thể nói nó có, ẩn không thể nói nó không. Tự Tánh có loại đức dụng này, có tác dụng của ẩn–hiện, đây chính là chúng ta thường hay nói là đức, hành đức, phần sau này giảng thành là hành đức.

          Duyên là gì? Tại sao lại có Nhất chân Pháp giới, Thật Báo Trang Nghiêm độ của chư Phật? Bởi đoạn Vô minh rồi, nhưng chưa đoạn Tập khí của Vô minh. Có thể đoạn Tập khí của Vô minh hay không? Không có cách đoạn được, tại sao? Bởi các ngài đã không khởi tâm không động niệm. Ta cảm thấy còn có Tập khí của Vô minh, nếu ta muốn đoạn bằng phương pháp nào, thế là đoạ lạc, là thoái chuyển rồi. Chỗ này quý vị không khởi tâm không động niệm, sao lại khởi tâm động niệm? Không khởi tâm không động niệm, thì Tập khí phải làm sao? Tuỳ nó đi theo, thời gian lâu, dần dần sẽ không có nữa. Mất thời gian bao lâu? Trong kinh Đại thừa nói là ba đại a-tăng-kỳ kiếp. Thật ra ba đại a-tăng-kỳ kiếp không phải là nói gì khác, là nói về Tập khí. Tức là nói, đoạn Vô minh rồi thì gọi là không khởi tâm không động niệm, đi đến nơi đâu? Đến Thật Báo độ. Đến Thật Báo độ để làm gì? Thật Báo độ có tướng, chính là Thể Tánh duyên khởi ở đây nói, nó có Thật Báo độ. Người trong Thật Báo độ đều là như nhau, đều là không khởi tâm không động niệm, không phân biệt không chấp trước, đều là cảnh giới này. Tướng này tồn tại, còn khởi lên rất nhiều tác dụng, vì sao? Bởi các ngài có thể biến hiện ra vô lượng vô biên thân tướng, chư Phật Như Lai có duyên với các ngài, thì các ngài đến cúng Phật, đến nghe kinh, cúng Phật là tu Phước, nghe kinh là tu Huệ, Phước–Huệ song tu. Đồng thời, lại có thể có duyên với chúng sanh suốt vô lượng kiếp nay, có duyên với họ, các ngài biết rõ những chúng sanh có duyên này hiện tại ở đường nào, nếu họ có khó khăn, khi cần phải giúp họ, thì các ngài sẽ hiện thân đi giúp đỡ họ. Dưới độ hoá chúng sanh, trên tầm cầu Phật đạo, các ngài vẫn đang làm điều đó, nhưng là thế nào? Đều không dính tướng, đoạn ác tu thiện, cúng Phật nghe Pháp, độ chúng sanh hết thảy không dính tướng, làm mà không làm, không làm mà làm, tuỳ duyên chứ không phan duyên. Cứ mãi đến khi các ngài đoạn hết Tập khí của Vô minh, sau khi đoạn tận thì không có Thật Báo Trang Nghiêm độ, bèn ẩn đi, không có Thật Báo độ nữa, các ngài đi đến đâu? Đi đến Thường Tịch Quang, đó mới là sự viên mãn rốt ráo.

          A-la-hán đoạn Kiến tư Phiền não, nhưng chưa đoạn Tập khí của Kiến tư Phiền não. Sau khi chứng đắc quả A-la-hán, thì sự dụng công của ngài là đoạn Tập khí, đoạn dứt đi Tập khí của Kiến tư Phiền não. Đoạn dứt rồi thì không phải A-la-hán, mà lên một bậc, gọi là Bích-chi-phật. Bích-chi-phật là với Kiến tư Phiền não, ngay cả Tập khí cũng đoạn sạch sẽ, ngài phải dùng công phu gì? Ngài phải đoạn Trần sa Phiền não. Đoạn tận Trần sa Phiền não rồi, ngài lên một bậc nữa, được gọi là Bồ-tát, Bồ-tát phải đoạn Tập khí của Trần sa Phiền não. Đoạn tận Tập khí của Trần sa Phiền não rồi, Bồ-tát thành Phật, Phật trong Mười pháp giới. Ở vị thứ đó của Phật, các ngài phải đoạn Vô minh Phiền não, chính là không khởi tâm không động niệm, phải đoạn điều này. Đoạn tận điều đó, đoạn dứt rồi, các ngài thoát ly Mười pháp giới, không thấy Mười pháp giới nữa, giống như nằm chiêm bao tỉnh dậy. Tỉnh dậy rồi là cảnh giới gì? Là cảnh giới của Thật Báo độ, ngài là Pháp thân Bồ-tát. Trong Thật Báo độ, đoạn Tập khí của Vô minh, không có cách nào để đoạn Tập khí của Vô minh, chỉ có chờ thời gian, thời gian qua lâu tự nhiên không còn nữa. Tại sao? Bởi các ngài không thể khởi tâm động niệm, khởi tâm động niệm là các ngài thoái rồi, tức là thoái chuyển. Không thoái chuyển ở chỗ này, là Vị bất thoái, Hạnh bất thoái, Niệm bất thoái, cho nên gọi là A-duy-Việt-trí Bồ-tát, A-duy-Việt-trí Bồ-tát chính là ba loại Bất thoái chuyển. Vì sao Bất thoái? Bởi các ngài không khởi tâm động niệm, khởi tâm động niệm thì thoái chuyển, không khởi tâm không động niệm. Sẽ rất tự nhiên không thấy Tập khí nữa, không thấy thật sự, Thật Báo độ cũng không có nữa, xuất hiện điều gì? Xuất hiện Thường Tịch Quang. Khi đó quay về Thường Tịch Quang, hoà nên một thể với Tự Tánh.

          Thường Tịch Quang lớn không có bên ngoài, nhỏ không có bên trong, không có trong ngoài, [là] một thể; Không có khoảng cách, không có không gian; Không có quá khứ–hiện tại–vị lai, không có thời gian. Thời gian, không gian đều không có, vô lượng kiếp trước sẽ ở ngay trước mặt, vô lượng kiếp sau cũng ở ngay trước mặt, chúng ta không cách nào tưởng tượng được cảnh giới ấy. Đó gọi là chứng đắc Phật quả viên mãn rốt ráo, nó ở đâu? Không nơi đâu không có, không lúc nào không có. Chúng ta hiểu rằng, bốn độ của Thế giới Cực Lạc đều là Pháp Tánh độ, điều đó rất đặc biệt, nơi chốn đó, Đồng Cư, Phương Tiện, có những tên gọi này, sự thật thì sao? Sự thật thì không có, sự thật là bình đẳng, toàn là Pháp thân Bồ-tát. Vì sao có hiện tượng này? Bởi đó là nguyện lực của A Mi Đà Phật. Tất cả chư Phật trong mười phương ba đời chưa từng phát nguyện này, chỉ có A Mi Đà Phật phát 48 nguyện, do vậy Thế giới của Ngài đặc biệt, chư Phật đều khen A Mi Đà Phật là光中極尊,佛中之王 “quang trung cực tôn, Phật trung chi vương” (cực tôn quý trong các ánh sáng, là vua trong chư Phật).

          Phật Phật đạo đồng, vậy Phật có cần kiến lập một Thế giới Cực Lạc không? Các Ngài có thể kiến lập, không phải không thể kiến lập, có thể kiến lập, nhưng không cần thiết điều này. Không giống nhân gian chúng ta, quý vị làm một chỗ, tôi cũng làm một chỗ. Các Ngài không cần, quý vị làm rồi, tốt, học trò của tôi sẽ đi đến chỗ quý vị. Cho nên tất cả chư Phật Như Lai đem những chúng sanh có duyên này, chúng sanh có duyên với Tịnh tông, hết thảy khuyên nhủ họ: Các người hãy đến Thế giới Cực Lạc đi. Chư Phật ở đó cử đi học, A Mi Đà Phật ở bên đó hoan nghênh, ở bên đó tiếp đón. Tại sao? Bởi chỉ cần là thành Phật, thì trong tâm các Ngài sáng tỏ, thì tất cả chư Phật là một Phật, một Phật là tất cả Phật, không hề khác nhau, tại sao? Bởi tất cả hoà vào Thường Tịch Quang. Như bóng đèn trong phòng chúng ta, mười mấy bóng đèn, sau khi bật lên thì hoà thành một thể, các ánh sáng hoà thành một thể, không tách rời. Hà tất còn phải làm thêm một Thế giới Cực Lạc nữa? Thế giới Cực Lạc chính là khắp Pháp giới Hư không giới, trên thực tế, vãng sanh đến Cực Lạc là về đến Thường Tịch Quang. Không biết được, đoạn tận Tập khí rồi mới hiểu ra, hoảng nhiên đại ngộ, vốn dĩ ở trong Thường Tịch Quang đã trụ ba a-tăng-kỳ kiếp, mà tự mình không biết, đó mới gọi là nhiệm mầu. Đã có rồi, ta hà tất phải tốn nhiều việc, hà tất phải chồng thứ này lên thứ khác, không cần thiết như vậy.

          Thế giới Cực ở đâu? Chính ở nơi đây; A Mi Đà Phật ở đâu? Chính ở nơi đây, chỉ cần có duyên thì quý vị nhìn thấy. Duyên gì? Tâm thanh tịnh đến mức độ nhất định là nhìn thấy, hiện tiền và đương lai chắc hẳn thấy Phật, hiện tiền và đương lai chắc hẳn thấy Thế giới Cực Lạc. Do đó Thế giới Cực Lạc là hiện từ trong Thường Tịch Quang, chỉ cần đoạn sạch sẽ Tập khí của Vô thuỷ Vô minh, thì sẽ giải quyết triệt để vấn đề. Đẳng giác Bồ-tát còn có một phẩm Tập khí của Vô thuỷ Vô minh vẫn chưa đoạn, ngài vẫn là trú ở Thật Báo độ, chưa đạt đến rốt ráo. Những thông tin này, Phật thường nói trong kinh Đại thừa, chúng ta phải ghi nhớ, biết chúng ta làm sao tu.

          Trong đây đã nói Thể Tánh duyên khởi mà thành hành đức, sở hành thì chỉ là Tự Thể. Cho nên Pháp thân, 十方三世佛,共同一法身 “Thập phương tam thế Phật, cộng đồng nhất Pháp thân” (Mười phương ba đời Phật, cùng chung một Pháp thân), Pháp thân của chúng ta với Pháp thân Phật là một. Pháp thân là gì? Ánh sáng, Thường Tịch Quang. Chúng ta quay về Thường Tịch Quang, giống như bóng đèn, chúng ta bật bóng đèn sáng, ánh sáng với ánh sáng hoà nên một thể, một khối ánh sáng. 大光明藏 Đại Quang Minh Tạng trong kinh Đại thừa, Mật tông gọi là 大日如來 Đại Nhật Như Lai, Đại Nhật chính là một khối ánh sáng. Cho nên sở hành chính là Tự Thể, tâm không có chỗ duyên, tuỳ theo những ước muốn của tâm mà không vượt phép tắc. Trên thực tế cũng không thấy phép tắc, đều không còn nữa, ngài làm sao lại vượt phép tắc? Đích thực tuỳ theo ước muốn của tâm, chúng sanh có cảm thì lập tức có ứng, cảm ứng đạo giao mảy may không sai. Đó gọi là thiện.

          Nương theo cách nói này: 則無論凡夫二乘,縱上至三乘(聲聞、緣覺、菩薩),凡是緣修之善行,俱名為惡 “Tắc vô luận phàm phu Nhị thừa, túng thướng chí Tam thừa (Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát), phàm thị duyên tu chi thiện hạnh, câu danh vi ác” (Thì không luận là phàm phu hay Nhị thừa, dẫu lên đến Tam thừa (Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát), hễ là thiện hạnh được tu bởi duyên, đều gọi là ác). Đó là ý nghĩa gì? Chỉ cần quý vị có tu, đều không phải là thiện, tại sao? Bởi quý vị vẫn có. Có đó là gì? Có là một Vọng niệm. Quý vị còn có tu, quý vị còn phải tham Thiền, quý vị còn phải học Giáo, quý vị còn phải trì Giới, còn phải toạ Thiền, đó toàn là ác. Tại sao là ác? Bởi quý vị thấy không rõ Tánh, quý vị quay về không tới Thường Tịch Quang. Đó là lấy điều này làm tiêu chuẩn, đó là tiêu chuẩn cuối cùng, tiêu chuẩn rốt ráo viên mãn là điều này. Do vậy quý vị phải hiểu, giữ Giới đến mục tiêu nào? Nếu quý vị chưa đoạn ý niệm, tức là nói quý vị còn có Khởi tâm Động niệm, còn có Phân biệt Chấp trước, mà giữ Giới, là cõi người, trời Dục giới, không đến được trời Sắc giới, phải tu Định. Từ trì giới đạt đến tu Định, Tam-muội hiện tiền rồi, thì sanh trời Sắc giới, Sắc giới có 18 tầng trời, đó là do tu Định. Tu Định thì ngay cả Định cũng không chấp trước, họ thế nào? Còn có câu: “Tôi đều không chấp trước”, còn có ý nghĩ này, ý nghĩ này vẫn là một cửa ải, họ ra không khỏi Lục đạo luân hồi. Nếu họ nói tu Định mà cũng buông xuống ý niệm về Định, thì họ mới có thể thoát ly Lục đạo luân hồi, đi đến chỗ nào? Đi đến Tứ thánh Pháp giới, Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Phật, đi đến cảnh giới ấy.

          Vì vậy, hễ là thiện hạnh được tu bởi duyên, đều gọi là ác, phải làm rõ ràng. Trên thực tế thì tu ở đâu? Tu ở trong tướng. Tách rời người–sự–vật, quý vị đi đến đâu tu? Không chấp trước, không chấp trước đối với người–sự–vật, không phân biệt đối với người–sự–vật, không khởi tâm không động niệm đối với người–sự–vật, vậy là siêu việt rồi. Quý vị còn có tu, thì quý vị khởi tâm động niệm rồi, khởi tâm động niệm thì không thể siêu việt, đó là siêu việt Mười pháp giới, siêu việt Mười pháp giới không thể khởi tâm động niệm. Chúng ta ngày nay bất luận tu Pháp môn nào, có phải là Khởi tâm động niệm hay không? Có phải là Phân biệt Chấp trước hay không? Cho nên không thể không đọc kinh. Không đọc kinh, thì quý vị đối với những Thật tướng này, chân tướng sự thật, không thể liễu giải thấu triệt; Thật sự liễu giải thấu triệt, mới có tác dụng.

          Phần sau: 四、天臺宗立六種善惡 “Tứ, Thiên Thai tông lập lục chủng thiện ác” (4. Thiên Thai tông lập sáu loại thiện ác), hết thảy nói cho chúng ta về thiện–ác. Thứ nhất trong sáu loại này: 人天之善 “Nhân thiên chi thiện” (Thiện của trời người), đây thì rất cụ thể, 五戒十善之事善 “Ngũ giới Thập thiện chi sự thiện” (Việc thiện của Ngũ giới Thập thiện), [thiện của] trời người. 然人天之報盡,還墮於三惡道 “Nhiên nhân thiên chi báo tận, hoàn đoạ ư tam ác đạo” (Nhưng khi quả báo của trời người hết, lại đoạ vào ba đường ác), đó là ác. Thiện của trời người không thể gián đoạn, gián đoạn thì sẽ đoạ đường ác, phải niệm niệm giữ gìn. Quý vị còn có niệm niệm, niệm niệm này mất đi thì đoạ lạc. Điều đó thật khó!

          Thứ hai là: 二乘之善 “Nhị thừa chi thiện” (Thiện của Nhị thừa). Thanh văn, Duyên giác các ngài tu Giới–Định–Huệ, 能離三界之苦 “năng ly Tam giới chi khổ” (lìa được nỗi khổ của Tam giới), thoát ly được Lục đạo luân hồi, cho nên các ngài là thiện. Điều này cao hơn loại thứ nhất ở trước. 然但能自度,不能度他 “Nhiên đãn năng tự độ, bất năng độ tha” (Nhưng chỉ có thể độ mình, không thể độ người khác), đó gọi là ác. Chính mình được thọ dụng, không có cách nào giúp đỡ người khác.

          Loại thứ ba: 小乘菩薩之善,慈悲兼濟故是善 “Tiểu thừa Bồ-tát chi thiện, từ bi kiêm tế cố thị thiện” (Thiện của Bồ-tát Tiểu thừa, từ bi cứu khắp nên là thiện). Tuy là Tiểu thừa, các ngài Tiểu thừa là Bồ-tát, hành đạo Bồ-tát, các ngài chịu giúp đỡ chúng sanh khổ nạn. 然未斷一毫之煩惱,故名為惡 “Nhiên vị đoạn nhất hào chi Phiền não, cố danh vi ác” (Nhưng chưa dứt một mảy Phiền não nào, nên gọi là ác). Chưa đoạn Phiền não, cũng không thể tính là Chân thiện, cần phải đoạn Phiền não mới được.

          四、通教三乘之善。三乘同斷見思之煩惱,是為善。 “Tứ, Thông giáo Tam thừa chi thiện. Tam thừa đồng đoạn Kiến tư chi Phiền não, thị vi thiện” (4. Thiện của Tam thừa Thông giáo, Tam thừa cùng đoạn Phiền não của Kiến tư, đó là thiện). Tam thừa được nói ở chỗ này, là Tam thừa của Thông giáo. 但墮於二邊,不見別教中道之理,未斷一分之無明 “Đãn đoạ ư Nhị biên, bất kiến Biệt giáo Trung đạo chi Lý, vị đoạn nhất phần chi Vô minh” (Nhưng đoạ vào Nhị biên, không thấy Lý của Trung đạo của Biệt giáo, chưa dứt một phần Vô minh nào), cho nên vẫn là ác. Nhị biên tức là sự đối lập, các ngài không thể xả bỏ, giữa người và ta, đó là Nhị biên, không biết rằng khắp Pháp giới Hư không giới với mình là một thể, các ngài còn có sự chấp trước về Nhị biên. Thực thế thì sao? Thực tế là một thể. Bồ-tát Tam thừa còn có Nhị biên, cho nên các ngài không thấy Lý của Trung đạo, chưa đoạn một phần Vô minh, là điều ác của các ngài.

          Thứ năm: 別教菩薩之善。見中道之理,是善。然猶為隔歷之中道,不能見圓教圓融之妙中 “Biệt giáo Bồ-tát chi thiện, kiến Trung đạo chi Lý, thị thiện. Nhiên do vị Cách lịch chi Trung đạo, bất năng kiến Viên giáo viên dung chi Diệu trung” (Thiện của Bồ-tát Biệt giáo, thấy Lý của Trung đạo, là thiện. Nhưng còn vì Cách xa đối với Trung đạo, [nên] không thể thấy Diệu trung của viên dung trong Viên giáo). Trung đạo của các ngài vẫn chưa rời tướng, thiện–ác là Nhị biên, không chấp trước Nhị biên, đó gọi là Trung đạo. Biết thiện–ác là một thể, là một không phải hai, là chúng ta đã mê mất Tự Tánh, không biết Chân tướng, xem nó thành hai bên thiện–ác, xem thành đối lập. Có thể liễu giải đạo lý này, nhưng không thể dùng vào ngay trong đời sống hàng ngày, trong đời sống vẫn còn có kiến giải về Nhị biên, hoặc giả có ý niệm về Trung đạo, không được, cũng không thể tồn tại ý niệm về Trung đạo. Cho nên là cách xa đối với Trung đạo, chưa có thấy được Diệu trung của viên dung trong Viên giáo, 所行帶方便,不稱於理 “sở hành đới phương tiện, bất xứng ư Lý” (sự thực hành mang vẻ phương tiện, không thích hợp với Lý), cho nên đó là ác, nhất định phải đến Viên.  

          Viên, thứ sáu: 圓教菩薩之善。圓妙之理,是至極之善 “Viên giáo Bồ-tát chi thiện, Viên diệu chi Lý. Thị chí cực chi thiện” (Thiện của Bồ-tát Viên giáo. Là lý Viên diệu, là điều thiện tột cùng). Điều thiện tột cùng này có hai ý nghĩa, thứ nhất là: 順實相之圓理為善,背之為惡 “Thuận Thật tướng chi viên Lý vi thiện, bội chi vi ác” (Thuận theo Lý viên mãn của Thật tướng là thiện, trái ngược với đó là ác). Thứ hai là: 達此圓理為善,著之為惡 “Đạt thử viên Lý vi thiện, trước chi vi ác” (Đạt được lý viên mãn này là thiện, chấp đó là ác). Trước là dính tướng, quý vị chấp trước, quý vị còn có ý niệm về Viên, quý vị còn có Viên giáo này, Biệt giáo, Thông giáo, còn có tồn tại những ý niệm này. Những ý niệm này là giả thiết, đều không phải là thật, nếu còn có những ý niệm này tồn đọng, thì không được. Phải biết tất cả các pháp mà Phật đã thuyết toàn là giả thiết, sự thật là gì? Chân thật thì một câu cũng không nói. Từ những giả thiết này từ từ gợi mở cho quý vị, gợi mở quý vị về đến chân thật, đích thực không thể nói một câu. Người đã nói không có ngôn thuyết, người đã nghe cũng không có nghe được âm thanh, đó là khế nhập thật sự, khế nhập viên mãn. Đó gọi là Chân diệu, Viên, Diệu viên, Viên mà không chấp trước Viên, không thể để Viên ở trong tâm, trong tâm là vô cùng sạch sẽ, chẳng nhiễm mảy trần. Câu đầu tiên trong lời nói của Lục tổ: 何期自性,本自清淨 “Hà kỳ Tự Tánh, bổn tự thanh tịnh” (Ngờ đâu Tự Tánh, vốn tự thanh tịnh), đó chính là Viên diệu, có thể hiện thân, có thể thuyết pháp.

          Chúng ta quán sát thưởng thức cho kỹ về lão Hoà thượng Hải Hiền, quý vị xem cả đời ngài, từ sáng đến tối, từ mùng 1 đầu năm đến 30 tháng chạp, dù bận hay không cũng vui vẻ, Viên diệu. Quý vị thấy ngài xem tất cả người, xem tất cả người là một thể, thấy gì cũng hoan hỷ, ăn gì cũng vui, không có Phân biệt, không có Chấp trước, không có ưa thích. Quý vị thích thứ này, đó đều là ác, quý vị chán ghét điều kia, đó cũng là ác, làm sao quý vị còn có tâm chán ghét, còn có ý niệm này? Đó là gì? Đó là sai rồi, trái ngược lại với Tự Tánh. Trong Tự Tánh, điều gì cũng không có, có Phật pháp không? Không có. Phật pháp đến từ đâu? Vì có pháp thế gian nên mới lập Phật pháp. Giống như người bị bệnh, vì có bệnh mới có thuốc, không có bệnh sao có thuốc được? Cho nên Phật pháp là pháp do duyên sanh, pháp nhân duyên sanh, pháp nhân duyên sanh chính là giả, chính là Không. Nhưng đó có cách để đưa chúng ta đến chân thật, đưa đến chân thật, quý vị nhất định phải biết xả bỏ, mới có thể được chân thật. Cho nên trong kinh Phật dùng thuyền làm tỉ dụ, thuyền này đưa quý vị qua sông, đã đến bờ, quý vị phải bỏ thuyền lại thì quý vị mới có thể lên bờ, nếu quý vị đứng ở trên thuyền thì quý vị lên không tới bờ. Thuyền này là ví dụ so sánh cho Phật pháp, khi cần đến lúc thì phải xả bỏ Phật pháp, thì thật sự chứng Tự Tánh, Minh tâm Kiến tánh; Quý vị còn chưa xả bỏ, thì chưa kiến Tánh, [là] giả thôi, không thành Phật được.

          Quý vị thấy sáu thứ bậc, thứ bậc sau thâm nhập hơn thứ bậc trước, đến cuối cùng xả bỏ hoàn toàn: 法尚應捨,何況非法 “Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp” (Pháp còn phải xả, huống gì chẳng phải Pháp), Kinh Kim Cang hay, văn không dài, ý nghĩa đều ở bên trong. Quý vị làm sao còn có pháp? Chấp tướng rồi, Chấp tướng là phàm phu. Không chấp tướng, chấp kiến, không phải Thánh nhân, quý vị còn có loại ý niệm này, không chấp tướng, chấp kiến. Nửa bộ đầu Kinh Kim Cang cạn, nửa bộ sau sâu hơn, nửa bộ sau là Pháp thân Bồ-tát, là quả vị rốt ráo. Đến cuối cùng, Pháp còn phải bỏ, huống gì chẳng phải Pháp, Pháp là công cụ để giúp chúng ta trên bước đường lữ hành, đi đến nơi rồi thì không cần nữa, quý vị mang theo chúng thì không thể tiến đi, cần phải xả bỏ hết, tự nhiên sẽ tiến đi được.

          “Thượng“, phần trên đã nói, 以達圓理為善,著圓理為惡 “Dĩ đạt viên Lý vi thiện, trước viên Lý vi ác” (Lấy đạt được Lý viên mãn là thiện, chấp Lý viên mãn là ác). Không thể chấp tướng, thông đạt tất cả, tất cả đều bằng số không, dấu vết cũng không có, có một chút chút chấp trước tức là ác; Cũng tức là có một chút chút chấp trước, thì quý vị không quay về Thường Tịch Quang được. Nói với ai? Là nói với Đẳng giác Bồ-tát. Đẳng giác Bồ-tát xả bỏ những thứ ấy đi, thì các ngài nhập Thường Tịch Quang, đó là một chút chút vi tế nhất trong Tập khí của Vô minh vậy. Phật thật nói rất hay, đem bao nhiêu Tập khí của Vô minh chia thành 41 đẳng cấp, các ngài đều trú tại Thật Báo Trang Nghiêm độ. Ở Thế giới Ta Bà, là Thế giới Hoa Tạng, là Thật Báo độ của Thích Ca Mâu Ni Phật; Ở Thế giới Cực Lạc, là Thật Báo Trang Nghiêm độ của A Mi Đà Phật. Những vị cư trú ở nơi đó, đều là không khởi tâm không động niệm. Cách nói của tôi thì mọi người dễ hiểu, chúng ta mắt thấy sắc, không có khởi tâm động niệm, tai nghe âm thanh, không có khởi tâm động niệm, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, không có khởi tâm động niệm. Không có khởi tâm động niệm là cảnh giới bình đẳng, vạn pháp nhất như, thấy được Tánh từ trên Tướng.

          Giống như chúng ta ở trên màn hình, nhìn thấy sắc tướng trên màn hình, biết sắc tướng này sanh từ đâu, từ màn hình. Màn hình chẳng sanh chẳng diệt, sắc tướng có sanh có diệt, sanh diệt với chẳng sanh diệt hoà cùng với nhau, là một không phải hai. Sanh diệt chính là chẳng sanh diệt, chẳng sanh diệt chính là sanh diệt, rất là rõ ràng, rất là sáng tỏ, ý niệm gì cũng không có, đích thực làm rõ ràng. Còn có ngã ở trong đó thấy được sanh diệt, đó là còn có, vẫn không phải viên mãn rốt ráo, vẫn là có. Dấu vết cũng không thể dính mắc, vậy mới gọi là Viên lý. Lý viên rồi, Sự cũng viên. Tuyệt đối không thể dính mắc, dính mắc là sai rồi. Pháp thân Bồ-tát có dính mắc không? Dính mắc, đến khi các ngài không dính mắc, thì các ngài là Diệu giác, các ngài quay về với Thường Tịch Quang. Điều các ngài dính mắc là Tập khí của Vô thuỷ Vô minh cực kỳ vi tế, Vô thuỷ Vô minh là không khởi tâm không động niệm, đích thực các ngài không khởi tâm không động niệm, nhưng vẫn còn Tập khí của Khởi tâm Động niệm; Xác thực các ngài không có Vọng tưởng–Phân biệt–Chấp trước, [chỉ] mang theo Tập khí. Khó đoạn Tập khí, đoạn Tập khí là thành Phật rồi, là chứng đắc viên mãn rốt ráo. Đoạn này đã nói rất hay.

          Phần sau là 『國土粗妙』。「粗妙已見前註,粗者不精,妙者勝妙」“quốc độ thô diệu”. “Thô diệu dĩ kiến tiền chú, thô giả bất tinh, diệu giả thắng diệu” (Về “Quốc độ thô diệu“. Thô và diệu hãy xem lời chú ở trước, thô là không tinh, diệu là thắng diệu), thắng là thù thắng, diệu là vi diệu. 義寂師曰:淨土之中有粗妙異。粗即變化,妙即受用 “Nghĩa Tịch sư viết: Tịnh Độ chi trung hữu thô diệu dị. Thô tức biến hoá, diệu tức thọ dụng” (Sư Nghĩa Tịch nói: Trong Tịnh Độ có sự khác nhau giữa thô và diệu. Thô tức là thay đổi, diệu tức là thọ dụng). Ý nghĩa là nói: 淨土之中有粗與妙之不同。粗者,有衰有變。妙者,乃自受用或他受用之實報土 “Tịnh Độ chi trung hữu thô dữ diệu chi bất đồng. Thô giả, hữu suy hữu biến. Diệu giả, nãi tự thọ dụng hoặc tha thọ dụng chi Thật Báo độ” (Trong Tịnh Độ có sự khác nhau giữa thô và diệu. Thô: là có suy có biến. Diệu: là Thật Báo độ của tự thọ dụng hoặc tha thọ dụng). Thế giới Cực Lạc, xác thực trong Kinh nói cho chúng ta rằng có bốn độ, có Đồng Cư độ, có Phương Tiện độ, có Thật Báo độ, có Thường Tịch Quang độ. Trong bốn độ, thô là nói về hai tầng dưới, Đồng Cư độ, Lục đạo, là thô; Tứ Thánh Pháp giới là Phương Tiện Hữu Dư độ, cũng thô. Nói đến diệu là Thật Báo độ, Thường Tịch Quang độ, Thường Tịch Quang là nhiệm mầu đến cực điểm. Pháp sư Nghĩa Tịch nói hay lắm, thô là thay đổi, diệu là thọ dụng, thứ có thể biến là Tự Tánh, thứ được biến là Thật Báo độ. Trong Thật Báo độ có ẩn có hiện, không có sanh diệt, Pháp thân Bồ-tát chứng đắc. Bồ-tát vãng sanh Thế giới Cực Lạc, vì được oai thần bổn nguyện của A Mi Đà Phật gia trì, nên các ngài được thọ dụng này, diệu chính là được thọ dụng.

          Thế giới Cực Lạc có thay đổi không? Không có thay đổi, được gia trì bởi công đức oai thần của A Mi Đà Phật. Cũng tức là vãng sanh đến Thế giới Cực Lạc, tám thức đều chuyển qua cả, chuyển tám thức thành bốn trí, cho nên sự cảm được toàn là Pháp Tánh độ, Pháp Tánh thân, Pháp Tánh độ. Pháp Tánh thân, Pháp Tánh độ, có sắc tướng này, không có sanh diệt, do đó tuổi thọ của người dài, tướng mạo vĩnh viễn là trẻ trung, các ngài không đổi. Không như Thế giới của chúng ta, Thế giới của chúng ta, đại khái các quốc độ Phật thông thường cũng không quá chênh lệch với chúng ta, là pháp sanh diệt, người qua từng năm là trưởng thành, dần dần từ nhỏ đến già nua, cuối cùng đến chết đi. Thời gian rất nhanh, khi còn trẻ không cảm giác được, sức tập trung ở bên ngoài, khi tuổi đã già, nhất là khi không thể làm việc được nữa, các ngài nhìn thấy chính mình, mới biết thời gian qua nhanh, suy biến, người không làm chủ, tự mình không có cách gì làm chủ. Những người học Phật rất may mắn, họ liễu giải chân tướng sự thật.

          Sau khi liễu giải chân tướng sự thật, nếu đích thực liễu giải chân tướng sự thật, thì chắc chắn cầu sanh Tịnh Độ, tìm thấy vĩnh hằng, không sanh không diệt. Vậy thì được trí huệ lớn, phước báo lớn, không có trí huệ lớn, không có phước báo lớn, thì họ không tin. Phương pháp này dễ dàng nhất, khó tin nhất, gọi là pháp khó tin, khó tin mà có thể tin, đó là trí huệ lớn, phước báo lớn. Chúng ta nhìn thấy phước báo viên mãn rốt ráo thật sự, nhìn thấy ở trên thân ngài Hải Hiền, nhìn thấy ở trên thân ngài Hải Khánh, nhìn thấy ở trên thân các Đại đức Hoà thượng, các ngài hễ nghe là tin, là tiếp thu, sẽ không thay đổi, điều này rất hy hữu khó được! Chúng tôi học suốt nhiều năm mới tin tưởng, vì sao các ngài mới tiếp xúc đã tin tưởng? Đó chính là nói thiện căn, phước đức không bằng người ta. Trong Kinh Mi Đà nói hay lắm: 不可以少善根福德因緣,得生彼國 “Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên, đắc sanh bỉ quốc” (Không thể dùng ít thiện căn, phước đức, nhân duyên, mà được sanh nước kia), nói rõ ràng rồi. Phàm là niệm Phật vãng sanh, tiếp nhận Pháp môn này, không có một chút nghi ngờ, là phước đức lớn, thiện căn lớn, cũng tức là trí huệ lớn, họ lựa chọn Pháp môn này, một đời thành tựu viên mãn. Những thứ này họ có hiểu không? Hiểu, không có một kiểu nào mà họ không hiểu. Lão Hoà thượng Hải Hiền có thể giảng Kinh Vô Lượng Thọ hay không? Có thể, ngài giảng hay hơn chúng tôi, tại sao? Bởi ngài chứng đắc rồi, ngài là giảng về cảnh giới của chính ngài. Chúng tôi chưa có chứng đắc, những điều được giảng là do nghe Thích Ca Mâu Ni Phật nói, không phải tự mình thân chứng. Ngài là đã thân chứng, lời giảng đã thân chứng giống như lời Phật giảng, không kém hơn mảy may.

          Cho nên trong thế giới này, đầu tiên là cứu mình, cứu chính mình rồi phải cứu người khác, cứu một số chúng sanh có duyên. Với chúng sanh cũng không cần miễn cưỡng, miễn cưỡng là chúng ta sai rồi, chính mình sai. Có thể tiếp thu thì rất tốt, không thể tiếp thu, thì gieo thiện căn cho họ, đó gọi là: 一歷耳根,永為道種 “Nhất lịch nhĩ căn, vĩnh vi đạo chủng” (Một lần lọt qua tai, mãi làm hạt giống đạo), đời sau kiếp sau họ gặp được duyên thì họ sẽ tin tưởng. Trong hiện tiền duyên của họ không chín muồi, thì đời sau kiếp sau. Do đó trong tâm chúng ta không thể có một dấu vết nào, có dấu vết cũng biến thành chướng ngại, phải xả cho rất sạch sẽ. Xác thực rằng trong tâm chỉ gìn giữ A Mi Đà Phật, ngoại trừ A Mi Đà Phật ra, điều gì cũng không thể để ở trong tâm. Để ở trong tâm chính là chướng ngại cho sự tu học Tịnh tông của mình, chướng ngại không phải do đến từ bên ngoài, đều là từ những thứ mà chính mình buông không xuống được, phải buông xuống thật.

Được rồi, hôm nay đã hết thời gian, chúng ta học tập đến đây thôi.

(Hết tập 161)

Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử cùng chúng sanh
Đều sanh nước Cực Lạc
Sớm viên thành Phật đạo
Rộng độ khắp chúng sanh.

Nam Mô A Mi Đà Phật.