Responsive Menu
Add more content here...

Tập 162 – Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú 2014

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH KHOA CHÚ 2014

(Giảng lần thứ 4)

Tập 162

Hòa thượng Thích Tịnh Không chủ giảng.

Giảng tại: Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông.

Thời gian: Ngày 11 tháng 1 năm 2015.

Dịch giả: Cự Lang.

Giảo chánh: Thích Thiện Trang.

          Kính chào chư vị Pháp sư, chư vị đồng học, kính mời ngồi. Mời mọi người cùng với tôi đồng quy y Tam Bảo:

 “A-xà-lê tồn niệm, ngã Đệ tử Diệu Âm, thuỷ tùng kim nhật, nãi chí mạng tồn, quy y Phật-Đà, lưỡng túc trung tôn; Quy y Đạt-ma, ly dục trung tôn; Quy y Tăng-già, chư chúng trung tôn. (3 lần)

          Mời xem Đại Kinh Khoa Chú, trang 424, đếm ngược đến hàng thứ 6: 『國土粗妙』”Quốc độ thô diệu”. 粗妙已見前註,粗者不精,妙者勝妙 “Thô diệu dĩ kiến tiền chú, thô giả bất tinh, diệu giả thắng diệu” (Thô và diệu hãy xem lời chú ở trước, thô nghĩa là không tinh, diệu nghĩa là thắng diệu), rất thù thắng vi diệu. 義寂師曰:淨土之中有粗妙異 “Nghĩa Tịch sư viết: Tịnh Độ chi trung hữu thô diệu dị” (Sư Nghĩa Tịch nói: Trong Tịnh Độ có sự khác nhau giữa thô và diệu), hai loại này khác nhau, cách phân chia là chia lớn, không phải chia nhỏ. Hiện tượng đó, 粗即變化 “thô tức biến hoá” (thô tức là thay đổi), hoàn cảnh trong quốc độ ấy có thay đổi, như thế giới của chúng ta, hoàn cảnh cư trú có xuân–hạ–thu–đông, thay đổi rất rõ ràng, đó là thuộc về thô. 妙即受用 “Diệu tức thọ dụng”, ý nghĩa là nói: 淨土之中有粗與妙之不同。粗者,有衰有變。妙者,乃自受用或他受用之實報土 “Tịnh Độ chi trung hữu thô dữ diệu chi bất đồng. Thô giả, hữu suy hữu biến. Diệu giả, nãi tự thọ dụng hoặc tha thọ dụng chi Thật Báo độ” (Trong Tịnh Độ có sự khác nhau giữa thô và diệu. Thô: là có suy có biến. Diệu: là Thật Báo độ của tự thọ dụng hoặc tha thọ dụng), Thật Báo Trang Nghiêm độ là diệu. Thật Báo độ là Pháp Tánh độ, Mười pháp giới là Pháp Tướng độ, chính là Tướng phần của A-lại-da. A-lại-da là biến, có sanh có diệt, cho nên phàm là những điều biến hiện từ A-lại-da, đều là có sanh có diệt. Hiện tượng sanh diệt này, người bình thường như chúng ta không nhận biết được, chúng ta cần phải từ điều thô trong thô: mới có thể nhận biết được. Người có sanh–già–bệnh–chết, hoa cỏ cây cối có sanh–trụ–dị–diệt. Chúng ta thấy những thực vật trồng trọt, lúa mạ, quý vị thấy mùa xuân gieo mầm giống xuống, mùa hè thì lớn dần lên, mùa thu thì thu hoạch, thay đổi rất rõ ràng. Thực tế thì trong kinh Phật, đặc biệt là kinh Đại thừa, sự sanh diệt như chúng ta nói rất vi tế, một giây đồng hồ có 2 triệu 240 ngàn tỉ. Hôm qua chúng tôi tính lại, tính cho nghiêm túc, một khảy ngón tay [có] 32 ức trăm ngàn niệm, một giây có thể khảy 7 lần, 320 ngàn tỉ nhân 7, là 2 triệu 240 ngàn tỉ, trong một giây. Tần số cao đến vậy, chúng ta làm sao có thể nhận biết được? Pháp sanh diệt này, đó mới là huyền bí của vũ trụ, chân tướng của vũ trụ, vật sự vạn vật ở trong vũ trụ, bất luận là hiện tượng vật chất, hay hiện tượng tinh thần, hay hiện tượng tự nhiên, đều không tách rời tần số này. Vì vậy Phật ở trong kinh Đại thừa nói với chúng ta: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”.  

          Quyển sách này, nhiều năm nay, tôi cũng chưa xem qua, tôi chỉ xem mấy tấm hình ở phía trước thôi. Tối hôm qua có giở ra một chút, tôi cảm thấy cuộc đời như một giấc chiêm bao. Tôi rất cảm tạ Pháp sư Hoành Lâm, mất thời gian mười mấy năm, thật sự từng chút từng chút trong cuộc đời tôi, thầy ấy đều nhìn thấy, đều có hết trong quyển sách này. Một vài nhân sự được nói đến trong đó, có lẽ hơn 2 phần 3, đều không còn sống. Không giở thử sách này ra, dường như tôi đều quên hết rồi, quý vị muốn tôi nói thì tôi cũng nói không ra được. Thầy ấy ghi chép ngày tháng năm rất rõ ràng, ở chỗ nào cũng rất minh xác, đây là một quyển truyện ký. Lúc đó có bao nhiêu vị đồng tham đạo hữu tốt ở cùng nhau, bây giờ người cũng không ai còn nữa. Ở Hồng Kông, dường như tôi đều quen biết người xuất gia trước kia ở Hồng Kông, bây giờ người còn lại, Pháp sư Giác Quang đi rồi, ngài Vĩnh Tinh còn sống, ngài Sướng Hoài còn sống, ở núi Đại Dư hình như vẫn còn 2, 3 người. Ở Hồng Kông hồi trước có mấy chục người mà tôi quen biết, rất là sôi nổi, bây giờ không còn. Hoàn cảnh cư trú, hoàn cảnh nhân sự, hoàn cảnh vật chất đều đang biến đổi, có suy có biến.  

          Diệu thế nào? Diệu là chỉ tự thọ dụng, hoặc là tha thọ dụng. Thật Báo Trang Nghiêm độ không ở trên địa cầu, Thật Báo Trang Nghiêm độ của Thích Ca Mâu Ni Phật là Thế giới Hoa Tạng, đã được nói trong Kinh Hoa Nghiêm. Đó độc nhất là sự diệu trong diệu, diệu không thể nói được là Thế giới Cực Lạc. Diệu của Thế giới Cực Lạc ở chỗ nào? Diệu ở Đồng Cư độ, Phương Tiện độ cũng là vi diệu, không có biến đổi, là Pháp Tánh độ, sự diệu tương ưng với Tự Tánh. Cho nên Thật này là chân thật. Chúng ta ở đây sát-na sanh diệt nên không chân thật, là giả, hiểu sai, tưởng đâu nó tồn tại, trên thực tế nó hoàn toàn không tồn tại. Đích thực là “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”, “nhất thiết Hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh”, trong Kinh Kim Cang ấy nói về thế giới của chúng ta, không sai một chút nào. Tôi giở quyển sách này ra một lần, mộng huyễn bào ảnh, thật có thể làm chúng ta giác ngộ. Giác ngộ thì buông xuống, không làm điều giả nữa, làm điều thật. Thật là gì? Lão Hoà thượng Hải Hiền nói với chúng ta: niệm Phật cho tốt, thành Phật là sự thật. Niệm Phật thật tốt, cầu sanh Tịnh Độ, sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì làm Phật, đó là sự thật, những điều khác toàn là giả thôi, không có một thứ nào là thật.

          Tất cả chư Phật Như Lai đều có Thật Báo độ, Thật Báo độ là bình đẳng, chúng ta phải nghĩ vãng sanh rất khó, tại sao? Bởi phải đoạn phiền não cho sạch sẽ, Kiến tư, Trần sa, Vô minh hết thảy đoạn sạch sẽ, mới có thể vãng sanh, không dễ dàng. Chúng tôi nêu ví dụ mỗi Thân kiến, quý vị có thể đoạn được không? Xem thân thể (nhục thân) này là chính mình, chúng sanh trong Lục đạo: ai ai cũng vậy, có ai không xem thân là chính mình? Phật nói với chúng ta thân là giả, không phải là thật, không phải là chính quý vị. Chính quý vị là điều gì? Linh tánh bất sanh bất diệt là chính quý vị, người nước ta thông thường gọi là linh hồn. Linh hồn là thứ gì? Là Linh tánh bị mê hoặc điên đảo, nó không linh, mê rồi, không linh, nó đã mê, hồn là mê, không linh nữa; Nếu giác ngộ rồi, thì đó là Linh tánh. Nói cách khác, linh hồn là Linh tánh ở trong trạng thái đang mê, danh từ này thông dụng. Vì họ mê, nên họ mới ở trong Lục đạo luân hồi; Nếu họ giác ngộ rồi, thì họ không ở trong Lục đạo luân hồi. Luân hồi hoàn toàn chính mình không làm chủ được, ai làm chủ? Tập khí đang làm chủ, Tập khí chính là điều tốt điều xấu của quý vị, quý vị thích họ, quý vị ghét họ, những thứ đó làm chủ. Ưa thích, quý vị đầu thai rồi, ví như nói đi đến cõi người, [thì thành] con hiếu cháu thảo; Quý vị oán hận họ, ghét thì họ cũng đến, đến làm gì? Đến để trả thù, lớn lên nhất định họ sẽ làm nhà tan người mất. Đó gọi là báo ân báo oán, đòi nợ trả nợ. Tập khí hiện tiền là duyên, có những ân oán món nợ này, đó là nhân, nhân duyên hễ tụ hội, thì quả báo hiện tiền, quả báo chính là đến đầu thai. Phật Bồ-tát nhìn thấy rất rõ ràng, phàm phu chúng ta hoàn toàn không biết.

         Vì vậy chúng ta mới thật sự thể hội rằng: được thân người, nghe Phật pháp, gặp được Pháp môn Tịnh Độ, đó thật sự là phước đức lớn! Quý vị có thể tiếp nhận, đó là trí huệ lớn. Đó bèn khởi tác dụng, tác dụng này, rất có thể quý vị trong một đời này đi đến Thế giới Cực Lạc để làm Phật. Bốn độ trong Thế giới Cực Lạc đều là Thật Báo độ, cũng chính là diệu tất cả, diệu cực độ. Phàm Thánh Đồng Cư độ cũng là bất sanh bất diệt, Phương Tiện Hữu Dư độ bất sanh bất diệt, Thật Báo độ càng không phải nói thêm, Thường Tịch Quang độ, đó là Phật độ rốt ráo, Phật độ viên mãn. Vãng sanh đến Thế giới Cực Lạc, sanh một thì sanh tất cả, bất luận sanh ở một độ nào, [cũng] đạt được bốn độ cùng lúc. Sự việc này, năm xưa đức Thế Tôn khi ở đời, chỉ có Tịnh Độ Tam Kinh giảng đến, trong tất cả các kinh khác không nhắc đến. Lại huống chi bộ Kinh này, Kinh Vô Lượng Thọ, là đức Thế Tôn tuyên thuyết nhiều lần trong đời, không chỉ thuyết một lần. Bất luận kinh Đại–Tiểu thừa nào, cả đời đức Phật chỉ thuyết một lần, không thuyết lặp lại lần thứ hai, chỉ có bộ Kinh này đã thuyết khá nhiều lần. Ý nghĩa đó là gì? Khiến tất cả chúng sanh có cơ hội gặp được. Một lần quý vị bỏ lỡ, hai lần bỏ lỡ rồi, ba lần thì gặp được. Thời gian đức Phật giảng khác nhau, nơi chốn được giảng khác nhau, tất cả đều là để cho mỗi một người đều biết, biết rằng có Thế giới Tây Phương Cực Lạc, biết rằng có A Mi Đà Phật, biết rằng có phương pháp thành Phật nhanh chóng như vậy. Nhưng đích thực là dễ hành khó tin, rất dễ dàng tu, nhưng không dễ dàng tin tưởng. 

          Chúng ta lại xem tiếp đoạn dưới đây: 天人善惡者,因也。國土粗妙者,果也 “Thiên nhân thiện ác giả, nhân dã. Quốc độ thô diệu giả, quả dã.” (Thiện ác của trời người: là nhân. Thô diệu của quốc độ: là quả.) Thiện ác là nhân, thô diệu là quả, ý nghĩa đó là gì? Đó là nói ra rất rõ ràng, rất sáng tỏ, cảnh tuỳ tâm chuyển. Tâm, nhân là có thể hiện có thể sanh, quả là điều được hiện được sanh, nhân thế nào thì cảm quả thế nấy. Phần sau nói càng sáng tỏ hơn: 人善則土妙,人惡則土劣也 “Nhân thiện tắc độ diệu, nhân ác tắc độ liệt dã.” (Người thiện thì cõi nước tốt đẹp, người ác thì cõi nước xấu). Hoàn cảnh bên ngoài là giả, chuyển biến theo tâm người, người dùng Chân Tâm, trong Chân Tâm không có Vọng tưởng, không có Tạp niệm, thì biến hiện ra cõi tốt đẹp, [là] Thật Báo độ; Nếu tâm có Vọng tưởng, có Tạp niệm, có Phân biệt, có Chấp trước, thì cõi được hiện ra sẽ là: Lục đạo luân hồi trong Mười pháp giới. Mười pháp giới, Lục đạo là sáu đường bên dưới, còn có bốn đường ở bên trên. Bên trên là Tịnh độ, bên dưới là Uế độ, Lục đạo luân hồi là Uế độ. Trong Tịnh độ, không có hiện tượng luân hồi, các vị có đi lên, cũng có vị đoạ lạc xuống, có hiện tượng này. Đoạn lạc có hạn mức đáy, hạn mức đáy này, Tiểu thừa chính là Tu-đà-hoàn, Đại thừa chính là Bồ-tát của Sơ tín vị, dù các ngài thoái ra sao, thoái đến cuối cùng, sẽ không đoạ lạc trở thành phàm phu, cho nên các ngài được gọi là Vị bất thoái, các ngài có hạn mức đáy. Không đoạ lạc vào phàm phu, cũng tức là nói: các ngài chắc chắn không đoạ ba đường ác, hạn mức đáy của ngài, đến cõi người trong Mười pháp giới, sẽ không trở thành A-tu-la, Súc sanh, Ngạ quỷ, Địa ngục, không bao giờ, chắc chắn không có, công phu tu hành đó. Từ đây, đời đời kiếp kiếp không ngừng nâng cao đi lên, qua vô lượng kiếp, mới có thể tu đến Thật Báo độ, buông xuống 8 thức 51 tâm sở, buông xuống rồi, thì đến Thật Báo độ. Nếu không buông xuống những thứ này, thì đó là Vọng niệm, không buông xuống Vọng niệm, thì cao nhất là đến Pháp giới Phật trong Mười pháp giới, không thể đi lên được nữa, lên nữa thì phải buông xuống Vô minh Phiền não. Vô minh là mê, làm sao buông xuống mê? Giác rồi thì buông xuống, Giác là trí huệ. Phật pháp đến cuối cùng là trí huệ giải quyết vấn đề, có định công [cũng] không được, định công chỉ có thể giúp chúng ta siêu việt Lục đạo luân hồi, trí huệ mới có thể giúp cho chúng ta thoát ly Mười pháp giới, vãng sanh đến Thật Báo độ, phải dựa vào trí huệ. Những người vãng sanh Thế giới Cực Lạc, Đồng Cư độ, Phương Tiện độ, chưa có trí huệ, làm sao họ có thể thoát ly Mười pháp giới? Họ có thể vãng sanh, A Mi Đà Phật đến tiếp dẫn họ đi, dẫn họ đi, họ tiến đi rồi. Không có A Mi Đà Phật đến tiếp dẫn, mà tự mình đi, đó là người nào? Minh tâm Kiến tánh, Đại triệt Đại ngộ, thì được! Tại sao? Bởi Thế giới Cực Lạc ở bên đó, cá ngài thấy được, các ngài biết được. Không có phá được Vô minh thì quý vị nhìn không thấy, quý vị không biết, nhất định cần Phật dẫn quý vị đi, phải hiểu đạo lý này. Thật sự làm rõ ràng, làm sáng tỏ rồi, thì ở trong tất cả Pháp môn, chúng ta biết chọn lựa thế nào. Làm rõ ràng, làm sáng tỏ hết, chắc chắn quý vị sẽ chọn là một câu A Mi Đà Phật, niệm đến cùng là thành công. Giống như Hoà thượng Hải Hiền, công đức không gì sánh bằng, vô lượng công đức, viên mãn không gì sánh bằng.

          Phần sau nêu sách Hội Sớ, làm sáng tỏ ra định luật nhân quả. 夫國土者,即眾生之影響耳 “Phù quốc độ giả, tức chúng sanh chi ảnh hưởng nhĩ” (Quốc độ: tức là sự ảnh hưởng của chúng sanh mà thôi). Quốc độ không phải là thật, quốc độ là sanh ra từ trong ý niệm của chúng sanh. 形修 Hình tu, tu là dài, trong ngoặc đơn có chú giải, tu là dài, 則影長,形短則影促 “tắc ảnh trường, hình đoản tắc ảnh xúc” (thì bóng dài, hình ngắn thì bóng ngắn). Xúc cũng có nghĩa là ngắn. 蓋謂土之粗妙如影,身之修短為形,因形定影,影必隨形也。 “Cái vị độ chi thô diệu như ảnh, thân chi tu đoản vi hình, nhân hình định ảnh, ảnh tất tuỳ hình dã” (Đại khái là sự thô diệu của cõi nước giống như bóng, sự dài ngắn của thân là hình, nương theo hình mà xác định bóng, bóng chắc chắn theo hình). Câu này nói hay, ý nghĩa rất sâu. Cõi nước là hoàn cảnh cư trú của chúng ta, hoàn cảnh sinh hoạt, hoàn cảnh học tập, một chữ này đại diện. Hoàn cảnh tốt hay không đó là bóng, bóng đến từ đâu? Bóng đến từ thân. Nói cách khác, thân, thân này đại biểu cho ý niệm, ý niệm thiện, thì hoàn cảnh tốt; Ý niệm bất thiện, thì hoàn cảnh không tốt. Chúng ta nhìn thấy: ngày nay có rất nhiều người ý niệm bất thiện, nhưng làm quan cao, phát tài lớn, còn người ý niệm rất thiện thì nghèo khó chán nản, đó không phải là trái ngược với nhân quả hay sao? Không phải, quý vị hãy chăm chỉ đọc Thái Thượng Cảm Ứng Thiên thì quý vị sẽ rõ ràng. Nhân quả là nói về ba đời, đại thiện hay đại ác đặc biệt thì sẽ có báo ngay tức thì, liền có quả báo; Nếu không phải là thiện–ác đặc biệt, thì sự báo ứng sẽ giống như bình thường. Sự thọ dụng trong một đời của chúng ta, quả báo, nhân là gì? Là thiện–ác đã tạo trong đời trước. Thiện–ác tạo trong đời này thì đời sau có quả báo, cảm đến đời sau, nếu đặc biệt mạnh mẽ thì sẽ trở thành quả báo hiện đời. Quý vị có đại thiện đặc biệt, cứu nước cứu dân là đại thiện, thiện này không đợi đến đời sau, mà hiện tại đã có báo rồi. Người nước ta nói năm phước, đại phú đại quý, thân tâm khoẻ mạnh, sống lâu, con cháu đông vầy, [là] quả báo hiện đời. Bình thường nếu không có đại thiện như thế, chỉ là vì cá nhân, là thiện nhỏ, đó đều là quả báo ở đời sau, bất luận là thiện, là ác, đều báo trong đời sau, chỉ có đại thiện đại ác, thì cảm được báo ứng hiện tiền.

          Liễu Phàm Tứ Huấn đã giảng cho chúng ta rất rõ ràng. Tiên sinh Liễu Phàm sau khi hiểu rõ đạo lý này, biết rằng vận mạng của mình rất bình thường, là một người đọc sách, công danh đỗ đạt không phải ở mức cao, là mức thấp thôi. Mức cao đó là Tiến sĩ, bậc trung là Cử nhân, bậc thấp là Tú tài, cả đời ông chỉ có mạng đỗ Tú tài, làm quan, làm phụ tá, quan chánh thì lên đến Huyện trưởng, vẫn là một huyện nhỏ, không phải là huyện lớn, một huyện nhỏ ở Tứ Xuyên, chức Huyện trưởng; Thời gian không bao lâu, mấy năm sẽ hết tuổi thọ, 53 tuổi, tính không sai, hết tuổi thọ chết tại nhà, vận mạng là như thế, ông biết rõ ràng. Tiên sinh họ Khổng bói cho ông rất linh, mỗi một lần tham gia khảo thí, thi đỗ ở danh mục thứ mấy thì đã bói cho ông hết rồi, khi để bảng quả nhiên không sai, 20 năm đều không sai chút nào, cho nên ông buông xuống vạn duyên. Vì sao? Bởi nghĩ nữa, đó là Vọng tưởng, vô dụng, nghĩ không được, bỏ đi không nghĩ nữa.

          Ông có thể ngồi ở nơi đó, ba ngày ba đêm không có một Vọng niệm, công phu này không dễ dàng. Ngồi ba ngày với Thiền sư Vân Cốc trong Thiền đường, ngài Vân Cốc rất bội phục ông, hỏi ông: Công phu của ngài học được từ đâu vậy? Ông nói thật rằng: Tôi không có công phu, mạng của tôi đã được Tiên sinh họ Khổng bói cho rồi, 20 năm nay không trật mảy may nào, tôi nghĩ cũng vô ích, thôi xong, không nghĩ nữa. Nói ra Thiền sư Vân Cốc mới bật cười ha hả. Ông hỏi: Lão Hoà thượng ngài cười chi đó? Lão Hoà thượng nói: Tôi vốn dĩ tưởng rằng ông là Thánh nhân, ai dè ông vẫn chỉ là một phàm phu. Ông bèn hỏi: Tại sao tôi vẫn là phàm phu? Lão Hoà thượng đem những chuyện về nhân quả báo ứng, nói thấu rõ lý lẽ cho ông, nói sáng tỏ. Tướng do tâm sanh, ông tin vận mạng, không có thiện niệm, cũng không có ác niệm, cho nên bói mạng của ông rất chuẩn xác. Nếu ông có niệm thiện–ác thì sẽ thay đổi, khi có thiện niệm thì sẽ tăng lên, trở nên tốt; Có ác niệm thì sẽ trở nên xấu. 20 năm ông không thay đổi, cho nên gọi là phàm phu tiêu chuẩn. Ngài nói vận mạng có thể thay đổi sao? Đương nhiên thay đổi được. Tại sao có thể thay đổi? Bởi mạng là do tâm tạo. Cho nên suy nghĩ của ông sinh động, hỏi ngài tạo thế nào? Lão Hoà thượng dạy ông đoạn ác tu thiện, vận mạng quý vị sẽ chuyển. Ông rất nghe lời, trở về làm thật, phát nguyện tu 3000 việc thiện, làm việc thiện thì ghi lại, 10 năm, 10 năm làm xong hết 3000 việc thiện. Ý niệm của người hễ chuyển, sang năm sau tham gia kỳ thi, Tiên sinh họ Khổng bói ông đỗ hạng ba, ông thi đỗ hạng nhất, lần đầu tiên không khớp với lời bói của Tiên sinh Khổng nữa. Ông bèn tin tưởng, nỗ lực tu thiện, đoạn ác tu thiện, vợ ông cũng đoạn ác tu thiện theo. Không có mạng Cử nhân, tham gia thi cử, lại đỗ đạt; Không có mạng đỗ Tiến sĩ, vậy mà thi Tiến sĩ cũng đỗ luôn; Trong mạng không có con, ông cầu với Phật, hành thiện tích đức cầu với Phật, đã sanh một người con trai tốt. Một đứa con đó: thì giúp cho ông hình như sanh ra sáu đứa cháu, gia đình trở nên hưng vượng, mãi đến ngày nay vẫn không suy. Người thế hệ sau của Tiên sinh Liễu Phàm, hiện bây giờ vẫn còn và có liên hệ với tôi. Hiếm thấy! Cho nên nhà nào tích thiện chắc chắn sẽ có thừa niềm vui, nhà nào chứa bất thiện ắt có thừa xui xẻo, có tai nạn. Hoá giải tai nạn bắt đầu từ đâu? Không phải từ bên ngoài, bên ngoài không có ích gì, từ tâm, đoạn ác tu thiện, thiện tâm này đã chuyển đổi, thì vận mạng sẽ chuyển đổi, tai nạn bèn tan biến.   

          Trong Tịnh Ảnh Sớ nói: 天人善惡,汎說一切諸土之因 “Thiên nhân thiện ác, phiếm thuyết nhất thiết chư độ chi nhân” (Thiện ác của trời người, là rộng nói nhân của tất cả cõi nước). Tất cả cõi nước của chư Phật trong mười phương ba đời, chúng sanh trong đó, tâm niệm của mỗi chúng sanh khác nhau, chính vì như vậy, cho nên Thánh hiền Quân tử mới rất quan trọng. Có Thánh hiền Quân tử thì mới có thầy giỏi, họ mới dạy dỗ chúng ta, cuối cùng chúng ta làm rõ ràng, làm sáng tỏ sự việc này, không có Thánh hiền Quân tử thì không biết. Cho nên, Thánh hiền Quân tử trú ở thế gian để làm gì? Dạy người. Dạy người một cách chủ động, là Bồ-tát, Bồ-tát ở thế gian, các ngài biết người ấy có duyên phận hay không, nếu có duyên, họ hoan hỷ tiếp nhận, thì dạy cho họ nghiêm túc; Không có duyên, họ không thể tiếp nhận cũng phải dạy họ, vì sao? Để họ một lần nghe qua tai, mãi thành hạt giống đạo, gieo chủng tử thiện vào trong A-lại-da cho họ, đời này không khởi tác dụng, đời sau kiếp sau gặp được thiện duyên thì có tác dụng. Cho nên Phật Bồ-tát đối đãi với tất cả chúng sanh bình đẳng, chung sống hoà thuận, không có Phân biệt, không có Chấp trước. Không phải như phàm phu, phàm phu có thân sơ, có ưa ghét, tôi thích quý vị thì dạy quý vị, tôi ghét quý vị, quý vị muốn tôi dạy nhưng tôi không dạy quý vị, đó là người phàm. Người phàm với Thánh nhân dụng tâm khác nhau, người phàm chắc chắn ra không khỏi Lục đạo luân hồi, Thánh nhân không ngừng nâng cao chính mình, oán thân bình đẳng, đều có lòng từ bi như vậy, hoan hỷ như vậy, nâng cao chính mình, giúp đỡ người khác. Biết nghe lời, thì đời này thành tựu; Không chịu nghe lời, thì đời sau kiếp sau, giúp chúng sanh trồng nhân tốt, hy vọng tương lai nở hoa kết quả.  

          國土粗妙,汎宣一切諸土之果 “Quốc độ thô diệu, phiếm tuyên nhất thiết chư độ chi quả” (Sự thô diệu của quốc độ, [là] rộng tuyên thuyết quả của tất cả cõi nước). Chỉ cần là Phật Bồ-tát ứng hoá, [nếu] chúng sanh có phước, thì bằng lòng dạy. Buổi sáng hôm nay, các vị đồng học nhìn thấy, sáu người ấy đều là đại diện tôn giáo của Singapore. Năm 1999, tôi ở Singapore, khi đó đoàn kết 9 tôn giáo lại với nhau. Tôi ở Cư Sĩ Lâm, làm hoạt động ở Cư Sĩ Lâm, 8 tôn giáo khác đều đến tham gia, rất sôi nổi. Lão Pháp sư Mính Sơn đi thăm, ngài nhìn thấy, ngài nói thực sự là đạo tràng số một trên thế gian, không những nhìn thấy Phật môn hài hoà, mà còn thấy được tất cả các tôn giáo chung sống hoà thuận như thế, tôn trọng lẫn nhau. Chỉ khi tôn giáo có thể đoàn kết, tôn giáo có thể quay về giáo dục, tôn giáo có thể học tập lẫn nhau, thì với xã hội, với quốc gia mới có lợi ích lớn.

          Tôi sống ở Singapore được 3 năm thì rời khỏi, năm đầu tiên nghĩ đến đoàn kết tôn giáo, năm thứ hai quả thật làm thành công. Cũng chính vì có kinh nghiệm này, mà Bộ trưởng Bộ Di dân Australia mới biết, hy vọng tôi đi sang Australia. Chúng tôi xem xét nhân duyên, duyên của Australia chín muồi rồi. Bộ trưởng mời tôi đi, hy vọng tôi đến Australia đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc, dân tộc chính là thổ dân. Cách làm của Australia quả thật rất có kỹ xảo, ông giao lại việc này cho các trường học làm, Đại học Griffith đảm nhận công việc này; Đại học Queensland có Học viện Hoà Bình, chuyên môn tìm kiếm cách thức để khôi phục sự ổn định hài hoà của thế giới, đây là chủ đề học tập của Học viện Hoà Bình. Tôi đến Australia thì qua lại rất khắng khít với hai trường học này, với hiệu trưởng, các giảng viên cùng nhau giao lưu suốt thời gian dài. Tôi đem những điều chúng tôi được biết, lão tổ tông nước ta có để lại những khái niệm, phương pháp, kinh nghiệm này, giảng cho họ nghe, họ nghe rồi vô cùng hoan hỷ. Cũng có Chân Tâm, yêu cầu tôi đại diện cho trường học, đại diện Australia tham gia Hội nghị Hoà Bình của Liên Hợp Quốc, chúng tôi đi đến Liên Hợp Quốc là như thế, phát sinh liên hệ với Liên Hợp Quốc, có ảnh hưởng luôn đến bây giờ, liên hệ thuỷ chung vẫn giữ gìn, 10 năm rồi. Lần đầu tiên tôi nhận lời thỉnh mời của Tổ chức UNESCO Liên Hợp Quốc là năm 2006, năm nay là 2015. Năm 2006 là là tròn 60 năm Tổ chức UNESCO Liên Hợp Quốc được thành lập, năm nay tròn 70 năm, tôi sẽ đi tham gia hoạt động trong năm nay. Trong 10 năm này thì đang làm, nhưng tiến bộ chầm chậm, mà có tiến bộ. Chúng tôi tin rằng 10 năm kế tiếp, sẽ có hiệu quả rất tốt xuất hiện.    

          Thế giới có thể khôi phục sự hài hoà ổn định hay không? Chúng tôi tin rằng có thể, có nhiều bạn bè ở các quốc gia cũng đều tin tưởng. Niềm tin này không phải là tôi có trí huệ, có đức hạnh, có năng lực, không phải đâu, cho nên nhân thiện cảm quả thiện, tín tâm của chúng tôi sanh ra từ đó.

          Đoạn cuối này là: 思惟究竟 Tư duy cứu cánh. 法藏菩薩於諸佛國,善惡之因,粗妙之果 “Pháp Tạng Bồ-tát ư chư Phật quốc, thiện ác chi nhân, thô diệu chi quả” (Bồ-tát Pháp Tạng đối với các nước Phật, [về] nhân của thiện ác, quả của thô diệu), là thấy hai dạng này, hai câu này là quan trọng nhất, có 8 chữ. 一一思量分別,窮深極微,達於究竟 “Nhất nhất tư lượng phân biệt, cùng thâm cực vi, đạt ư cứu cánh” (Suy lường phân biệt từng chút một, sâu vô cùng cực kỳ nhỏ, đạt đến rốt ráo), đạt là thông đạt. Rốt ráo là gì? Sáng tỏ triệt để, giác ngộ triệt để. Sau khi giác ngộ dùng phương pháp gì? Dạy học làm đầu. Rốt ráo, nói theo ngôn từ nước ta là Minh tâm Kiến tánh, Đại triệt Đại ngộ. Dùng cách thức gì? Dạy học làm đầu. Do vậy tại sao Thế giới Cực Lạc tốt đến thế? Trong Kinh Mi Đà nói cho chúng ta rất rõ ràng, A Mi Đà Phật tại Thế giới Tây Phương Cực Lạc今現在說法 “kim hiện tại thuyết pháp” (nay thị hiện đang thuyết pháp); Nói cách khác, dạy học không có gián đoạn. Người lãnh đạo quốc gia tốt thì nên làm gì? Họ không nên làm gì khác, chỉ cần thật sự ngày ngày chịu dạy người, dạy người cho tốt hết. Lấy thân làm khuôn phép, những điều chính họ đã nói thì bản thân làm được toàn bộ, họ là mẫu mực của toàn dân, người người đều học tập theo họ. Giống như các bậc quân vương Thánh hiền của Trung Hoa thời xưa, chúng ta nhìn thấy Nghiêu–Thuấn–Vũ–Thang ở trong lịch sử, Văn–Vũ–Chu Công, vì sao nền chính trị của các vị ấy tốt đẹp như thế? Không có gì khác, bởi dạy học làm đầu, tự mình làm tốt trước, sau đó giáo hoá nhân dân, nhân dân đều học tốt lành. Người người là người tốt, người tốt làm toàn những việc tốt, thiên hạ thái bình, người dân hạnh phúc. 

          Dạy điều gì? Dạy Ngũ luân. Cha con có tình thân, là cốt lõi của gia đình. Bây giờ nói giá trị quan, giá trị quan của gia đình là gì? Cha con có tình thân, vợ chồng có phân biệt, lớn nhỏ có thứ tự, đó là giá trị quan của gia đình; Giá trị quan của xã hội là gì? Vua tôi có nghĩa, bạn bè có tín. Có gì không giải quyết được, đó là đạo! Năm điều này không phải do một người nào phát minh, do một người nào sáng tạo cả, không phải, đó là quy luật của đại tự nhiên. Lão tổ tông nhìn thấy, bèn dùng điều đó để dạy, bèn dùng những thứ này để học, người người đều thành Thánh thành Hiền, đó [là] nền giáo dục Thánh hiền. Tuân theo quy luật của đại tự nhiên, đó là đức. Có Ngũ luân, thì cũng có Ngũ thường, Ngũ thường là đức, Ngũ luân là đạo. Ngũ thường thứ nhất là nhân, người nhân thì yêu thương người, nghĩ đến mình thì nhất định nghĩ đến người khác. Tình yêu là cốt lõi của vũ trụ. Tôn giáo có thể đoàn kết, nhờ điều gì? Nhờ vào chữ yêu này, không có tôn giáo nào không nói về yêu, “Thượng Đế yêu thương người đời”, “Thần yêu thương người đời”. Hôm nay có vài người tốt đến là các bạn bên Hồi giáo, Kinh Cô Ran giảng điều gì? Đoạn đầu tiên trong mỗi chương tiết là: “Allah quả thật là đấng Nhân từ.” Phật pháp nói Phật Bồ-tát đại từ đại bi, từ bi chính là yêu thương. Tại sao Phật pháp dùng từ bi, không dùng danh từ yêu thương? Vì yêu thương có tình ở trong đó, yêu thương là tốt, nhưng tình thì rắc rối. Cho nên Phật dùng từ bi, từ bi là tình yêu có trí huệ, không phải do cảm tình. Tình yêu có trí huệ là chân ái, là có trăm điều thiện không một điều xấu, sẽ không có khuyết điểm. Nếu trong đó có tình, thì tình có biến đổi, yêu sẽ trở thành hận, trở thành oán hận, trí huệ không có, vĩnh viễn sẽ không thay đổi, đó mới là chân ái. Tình ái thì sẽ có rất nhiều vấn đề, trong đó có tác dụng phụ, phải đoạn tình đi. Yêu thương là đức hàng đầu trong Tự Tánh, Tánh đức vô lượng vô biên, vô lượng vô biên mỹ đức, điều tốt nhất chính là sự yêu thương, phải phát huy nâng cao. Bởi vì yêu thương chúng sanh, cho nên dạy chúng sanh; Bởi vì yêu thương chúng sanh, cho nên tự mình có thể vì chúng sanh phục vụ. Người nước ta nói đạo đức, điều đầu tiên trong đức là ái, gọi là nhân ái, quý vị thấy suy mình ra người, nghĩ đến mình thì nhất định nghĩ đến người khác. Điều thứ hai là nghĩa, về nghĩa, quý vị khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác phù hợp logic, chính là tương ưng với Tánh đức, đó là nghĩa, trái ngược lại với Tánh đức, thì đó không phải là nghĩa. Tiếp theo là lễ, là trí, là tín, đó là Ngũ thường. Trong xã hội hiện nay, không có năm chữ này, hoàn toàn biến mất, vậy trở thành điều gì? Bất nhân, bất nghĩa, vô lễ, vô trí, vô tín, không nói tín dụng. Xã hội thời nay vừa trái ngược lại cả, người nào có thể uốn nắn lại được? Người lãnh đạo quốc gia, họ chỉ cần kêu gọi một tiếng, hễ đề xướng thì có thể chuyển biến được. Người lãnh đạo ấy là minh quân được nói đến trong lịch sử nước ta, là Thánh nhân, không phải là người phàm. Thánh chính là thấy rõ tất cả chân tướng của sự thật, thấy rõ thấu suốt Thật tướng các pháp, được gọi là Thánh nhân, ở trong Phật giáo được gọi là Phật-Đà, ý nghĩa của Phật-Đà rất gần gũi với Thánh nhân.  

          Đạt đến rốt ráo, đạt đến rốt ráo chính là “Chân thật Chi tế” ở trong Kinh, Chân thật Chi tế chính là Bổn Tánh, Bổn Tánh là chân thật, Bổn Tánh là sự viên mãn, Bổn Tánh là điều rốt ráo. Trong Kinh, trong Kinh Vô Lượng Thọ giảng ba điều chân thật, điều thứ nhất là Chân thật Chi tế, Chân thật Chi tế là giảng từ thể, điều thứ hai là giảng Trí huệ chân thật, điều thứ ba là giảng Lợi ích chân thật, Lợi ích chân thật là giảng từ mặt Sự, có Lý có Sự. Trong đó điều này rất quan trọng, trí huệ, Trí huệ chân thật, Trí huệ chân thật là lưu xuất từ trong Chân thật Chi tế, khi chưa chứng đắc Chân thật Chi tế thì chưa có trí huệ; Chứng đắc Chân thật Chi tế, thì mở trí huệ. Khai Trí huệ thì như thế nào? Không điều gì không biết, không có gì không thể. Người bình thường không cách nào tin tưởng điều này, cho rằng câu nói không điều gì không biết, không có gì không thể là lời khen ngợi của nhân loại dành cho Thần, dành cho Thượng đế, chứ không phải là thật. Trong Phật pháp nói đó là thật, không phải khen ngợi. Ba điều chân thật này là trong Tự Tánh của mỗi người đầy đủ hết thảy, đức Thích Ca Mâu Ni Phật nói với chúng ta, trong Kinh Hoa Nghiêm, Ngài nói: 一切眾生皆有如來智慧德相 “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Như Lai trí huệ đức tướng” (Tất cả chúng sanh đều có trí huệ, đức tướng của Như Lai). Đều có trí huệ của Như Lai, Như Lai chính là Chân thật Chi tế; Trí huệ của Như Lai, không có một điều gì không biết, quá khứ, hiện tại, vị lai, cõi này phương khác, rõ ràng mọi thứ, thấy rõ mọi thứ, trí huệ viên mãn. Đến từ đâu? Trong Tự Tánh vốn có, không phải có bên ngoài. Hiện giờ thì sao? Hiện giờ chúng ta có những thứ ấy, không mất đi, nhưng chúng không khởi tác dụng. Tại sao không khởi tác dụng? Bởi có chướng ngại, chướng ngại này chính là Khởi tâm Động niệm, Phân biệt Chấp trước, chúng ta có những thứ này, những thứ này làm chướng ngại Tự Tánh, chướng ngại Tánh đức không thể hiện tiền. Do đó nền giáo dục của nhà Phật không phải là dạy điều gì khác, mà là dạy quý vị buông xuống những chướng ngại này, buông xuống là đúng. Vì sao không chịu buông xuống? Bởi quý vị không biết đó là giả. Cho nên Phật xác thực là ngàn kinh muôn luận, ngàn lời muôn tiếng, thuyết minh một sự việc, nói rõ đó là giả thôi, Khởi tâm Động niệm, Phân biệt Chấp trước là giả, không phải là thật. Giả thì buông xuống, thì chân thật hiện tiền, chân thật là trí huệ vô lượng. Buông xuống thế nào? Tu Định, chỉ cần đắc Định. Định là gì? Định là không có điều gì cả, buông xuống tất cả, thì tâm sẽ định, trí huệ trong Tự Tánh bèn hiện tiền, bèn mở ra, chúng ta thường nói là khai ngộ. Ngộ được khai thế nào? Khai từ Định. Cho nên Phật pháp nói giữ Giới được Định, nhờ Định khai Huệ, khai trí huệ. Đó là con đường tu hành chứng đạo của tất cả chư Phật trong mười phương ba đời, không có con đường thứ hai, quý vị chỉ cần có thể tin tưởng, quý vị chịu tu thật, thì sẽ thành tựu.

          Chúng ta cảm ơn lão Hoà thượng Hải Hiền, vì sao? Bởi ngài làm được rồi, ngài biểu diễn cho chúng ta thấy. Ngài không biết chữ, ngài chưa bao giờ đi học, nhưng điều gì ngài cũng biết, vì sao? Bởi Đại triệt Đại ngộ, Minh tâm Kiến tánh. Ngài không có gì không biết, quý vị niệm Kinh này cho ngài nghe, thì ngài có thể giảng cho quý vị nghe, giảng không sai một chút nào, giống hệt như Phật giảng. Ngài tu thế nào? Một câu Phật hiệu. 20 tuổi xuất gia, Sư phụ chỉ dạy ngài một câu Nam Mô A Mi Đà Phật, dặn dò ngài cứ niệm luôn luôn, ngài nghe lời, ngài làm thật. Bẩm tính của ngài ấy, thật thà, nghe lời, thật làm, người có sẵn ba điều kiện này, trong Phật pháp Đại thừa gọi là chúng sanh căn thục, căn lành của ngài đã chín muồi rồi, đời này có thể thành Phật. Phải gặp được một người thầy cao minh, người thầy gì? Thầy dạy là người khai ngộ, nên mới biết nhìn người, thầy mới dạy ngài một phương pháp, ngài ấy thành công. Một câu Phật hiệu này là dạy cho một người thật thà, nghe lời, thật làm, người ấy học ra sao? Người ấy cũng là dụng được tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm cung kính, có ba điều kiện này, ngài đạt được trọn vẹn. Quả nhiên không sai, ngài quả thật cả đời chân thành, thanh tịnh, cung kính, đối với mọi người, đối với mọi việc. Một câu Phật hiệu này được niệm suốt 92 năm, chưa bao giờ bỏ, một câu tiếp nối một câu, 92 năm.

          Chúng ta biết rằng, 3 năm, người như vậy dụng công như thế, 3 năm thì đạt được Công phu Thành phiến, Công phu Thành phiến thì có điều kiện vãng sanh Thế giới Cực Lạc. Đạt được Công phu Thành phiến, cũng tức là trong tâm chỉ có A Mi Đà Phật, trừ A Mi Đà Phật ra, không có Vọng tưởng, không có Tạp niệm, đó gọi là Thành phiến. A Mi Đà Phật bèn hiện thân, đến báo tin tức cho ngài, nói với ngài: Con còn có bao nhiêu năm tuổi thọ nữa, đợi tuổi thọ con hết rồi, A Mi Đà Phật sẽ đón con đi đến Thế giới Cực Lạc, nói tin tức này với quý vị. Quý vị nghe rồi hoan hỉ, đã đăng ký được Thế giới Cực Lạc, có tên quý vị rồi. Quý vị càng nên buông xuống nữa, buông xuống triệt để, niệm tiếp 3 năm, được Sự nhất tâm Bất loạn; Lại có 3 năm 5 năm, đến Lý nhất tâm Bất loạn. Cho nên phải là thuận buồm xuôi gió, kể từ ngày bắt đầu niệm, niệm bao lâu có thể niệm được Đại triệt Đại ngộ, Minh tâm Kiến tánh? 10 năm. Thật có thể làm được, không phải giả đâu, 10 năm là thành Phật, vãng sanh đến Thế giới Cực Lạc sanh Thật Báo Trang Nghiêm độ, là Thượng bối Thượng phẩm vãng sanh được nói đến trong Kinh này. Điều kiện là thật thà, nghe lời, thật làm, chắc chắn không có chần chừ do dự, một câu Phật hiệu này niệm đến cùng, thế mới được. Hôm nay nghĩ điều này, ngày mai nghĩ điều kia, thế thì xong rồi, phá hoại công phu hoàn toàn.

          Nhất định phải hiểu rằng Pháp môn bình đẳng, không có cao thấp, bất kỳ một phương pháp nào, chỉ cần nhất tâm chuyên chú, mấu chốt ở tại đó. Niệm Chúa Jesus, niệm Thượng đế có thể Minh tâm Kiến tánh được không? Có thể. Chỉ cần quý vị nhất tâm chuyên chú, niệm dứt Vọng tưởng đi, niệm dứt Tạp niệm đi thì sẽ thành Phật. Trong Kinh Kim Cang nói với chúng ta Pháp môn bình đẳng, pháp ấy là tất cả các pháp, bao gồm tất cả các pháp thế và xuất thế gian, chứ không phải chuyên chỉ Phật pháp. “Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp”, chữ pháp này là chuyên chỉ Phật pháp, Pháp môn bình đẳng là chỉ tất cả mọi pháp trong thế và xuất thế gian. Vì chướng ngại là Vọng tưởng, Phân biệt, Chấp trước, quý vị giữ lại một pháp, thì bỏ hết Vọng tưởng Phân biệt Chấp trước đi, bỏ đi thì sẽ thành công. Buông xuống Chấp trước thì chứng A-la-hán, buông xuống Phân biệt thì chứng Bồ-tát, buông xuống Khởi tâm Động niệm thì thành Phật. Phật có pháp gì? Tất cả các pháp đều là Phật pháp, chỉ cần quý vị dụng tâm chuyên. Dụng tâm không chuyên, thì Phật pháp cũng không phải là Phật pháp chân thật, dụng tâm không chuyên, thì tám vạn bốn ngàn môn, môn nào cũng không thông; Nếu tâm mà chuyên, thì bất kỳ pháp nào cũng thông. Phật là giảng lời thật cho chúng ta, không có mảy may lừa dối chúng ta, do đó quý vị phải làm rõ ràng, làm sáng tỏ đạo lý.

          Tại sao chúng ta chọn bộ Kinh này? Bởi phân lượng bộ Kinh này vừa phải, không phải quá dài, cũng không phải quá ngắn, dùng Kinh này để nhiếp tâm rất thích hợp. Thêm một tầng nữa, trong bản Kinh này chuyên giảng về A Mi Đà Phật, chuyên giảng về Thế giới Cực Lạc, chúng ta muốn vãng sanh đến nơi đó, thì trước tiên ở nơi này làm rõ ràng, làm sáng tỏ, khi vãng sanh sẽ rất quen thuộc, không bỡ ngỡ, thế nên chọn bộ Kinh này. Điều thứ ba, bộ Kinh này là giảng về A Mi Đà Phật, niệm A Mi Đà Phật chắc chắn được uy thần của A Mi Đà Phật gia trì. Nhất tâm xưng niệm, dù quý vị ở nơi nào, Phật cũng gia trì quý vị, Phật đều chiếu cố quý vị, mọi tai nạn gặp phải đều hoá giải. Thật sự không thể nghĩ bàn, vô lượng vô biên công đức, một câu Phật hiệu đầy đủ tất cả. Cho nên lão Hoà thượng từ bi, lão Hoà thượng hỗ trợ A Mi Đà Phật, hỗ trợ Thích Ca Mâu Ni Phật tiếp dẫn chúng sanh, nói với quý vị: “Niệm Phật cho tốt, thành Phật là việc lớn, những điều khác đều là giả”. Lời đó là lời thật, chúng ta phải lý giải được, chúng ta phải nên y giáo phụng hành.

          Câu cuối này: 即一法句,清淨句,真實智慧無為法身 “Tức nhất pháp cú, thanh tịnh cú, chân thật trí huệ Vô vi Pháp thân” (Tức một câu pháp, là câu thanh tịnh, trí huệ chân thật Pháp thân Vô vi). Những câu này chúng ta đọc rất nhiều rồi, Phật Tổ luôn luôn từng giờ nhắc nhở chúng ta, bảo chúng ta đừng lãng quên, bảo chúng ta tin sâu chẳng nghi đối với câu danh hiệu này.

          Đoạn thứ hai sau đây: 選擇 Tuyển trạch (Chọn lựa). Phần trước là khai thị của thầy, ở chỗ này là chọn lựa của Tỳ-kheo Pháp Tạng, lựa chọn câu đầu tiên:

【便一其心。選擇所欲。結得大願。】 “Tiện nhất kỳ tâm, tuyển trạch sở dục, kết đắc đại nguyện” (Bèn nhất tâm mình, chọn lựa theo ý muốn, kết thành nguyện lớn).

         Đại nguyện chính là 48 nguyện. Chúng ta xem chú giải: “Tiện nhất kỳ tâm, tuyển trạch sở dục, kết đắc đại nguyện”, 乃專一自心 “nãi chuyên nhất tự tâm” (là chuyên nhất tâm mình). Chuyên nhất tâm mình quan trọng! Câu nói này là một câu then chốt quan trọng nhất trong sự tu hành thành Phật. Chuyên nhất tâm mình, thì không có một ai lại không thành tựu, thành Phật. Trong câu phía sau này, thành Phật vì điều gì? Là vì độ chúng sanh. Vì vậy, ngài ở trong cõi nước của tất cả chư Phật, ngài lựa chọn điều gì? Lựa chọn phương pháp độ chúng sanh, phương pháp được lựa chọn đều là điều được chúng sanh ưa thích. Chữ dục này là ưa thích, tuyển trạch sở dục không phải vì chính mình, không phải điều mình thích, là điều mà tất cả chúng sanh ưa thích, tất cả chúng sanh thích sự đơn giản, thích điều dễ dàng, thích điều rất thuận tiện, không rắc rối, không khó, họ lựa chọn những điều này. Cho nên A Mi Đà Phật trong mười phương Thế giới, lựa chọn các phương pháp cực kỳ thiện xảo phương tiện của tất cả chư Phật độ chúng sanh, ngài lựa chọn điều đó.

          Chuyên tâm chính là niệm lực, niệm lực khởi tác dụng có thể hoá giải tai nạn của chính chúng ta, tai nạn chính mình là gì? Đau bệnh, lão khổ; Còn có thể giúp chúng ta hoá giải Y báo của chúng ta, nơi chúng ta cư trú: không có thiên tai nhân hoạ, niệm lực có thể làm được. Các nhà Cơ học Lượng tử hiện đại đã thừa nhận: dĩ tâm khống vật, tâm tức là ý niệm, dùng ý niệm để khống chế hiện tượng vật chất. Hiện tượng vật chất thứ nhất là thân thể, thân thể chúng ta là hiện tượng vật chất, thân tâm khoẻ mạnh sống lâu, có thể dùng ý niệm để khống chế. Tôi muốn sống lâu ở thế gian, vì sao? Vì độ chúng sanh, không phải vì chính mình, vì chính mình thì không có chút ý nghĩa nào. Vì độ những chúng sanh khổ nạn này, thì quý vị chắc chắn sống lâu, quý vị không sống lâu thì làm không được, ý niệm này khiến quý vị cảm được điều quý vị đã nghĩ, đạt được thành tựu viên mãn. Lão Hoà thượng Hải Hiền ngài cũng đã biểu diễn một pháp này, dường như khi ngài 12 tuổi, ngài trồng một quả bí đao, bị người ta ăn cắp, ngài niệm tiếng nhỏ rằng: “Ai ăn cắp bí đao của ta, cho hắn sưng nhọt to, bệnh nặng”, niệm từ sáng đến tối, luôn niệm một câu này, chuyên tâm. Người em họ của ngài ăn trộm, quả nhiên em họ ngài bị bệnh nặng thật, nổi nhọt, bệnh nặng. Sự việc này bị bà thím của ngài biết được, người thím đến tìm ngài, nói đừng niệm nữa, em của con chỉ đã lấy một quả bí đao, con niệm làm nó nổi nhọt bệnh nặng, khổ không thể tả. Ngài nói ngài không ngờ được, vội sửa lời lại, bảo cậu ta khoẻ nhanh đi, bảo cậu ta khoẻ nhanh đi, không bao lâu cậu ta khoẻ lại thật. Niệm lực của người có sức mạnh lớn nhường ấy! Đó là gì? Đó là biểu pháp làm cho chúng ta thấy, để chúng ta biết rằng niệm lực có sức mạnh lớn như thế. Ngài niệm gì? Nhất tâm chuyên niệm. Nếu trong niệm ấy của ngài có nghi ngờ, có tạp niệm, có vọng tưởng, thì sẽ không linh nghiệm. Chỉ cần quý vị giữ được nguyên tắc, không có tạp niệm, không có vọng tưởng, nhất tâm chuyên niệm, thì thật hữu hiệu, niệm Bồ-tát thì Bồ-tát đến, niệm quỷ thì quỷ đến, niệm thần thì thần đến, niệm gì thì nấy đến. Tại sao? Bởi tất cả các pháp sanh từ tâm tưởng, là tâm của chính quý vị biến hiện ra, đạo lý này được nói thấu triệt trong kinh Phật, nói được rõ ràng.

          Do vậy chuyên nhất tâm mình đó là điều kiện tiên quyết, sau đó chọn lựa những mong muốn để độ sanh, độ tất cả chúng sanh. Tất cả, phải biết những điều được tất cả chúng sanh ưa thích. Quý vị nói chúng sanh hiện nay, những điều khác đều không biết, quên hết sạch sẽ, chỉ biết có tiền, không có ai không ham tài sản, vậy phải độ chúng sanh ra sao? Phát tài, nêu lên sự phát tài, thì mỗi người đều đến [nghe]. Đến rồi không lừa họ, là thật, có đạo lý đúng đắn để phát tài. Khi tôi gặp mặt Đại sư Chương Gia, ngày đầu tiên ngài đã dạy tôi điều này. Vì ngài dạy tôi nhìn thấu buông xuống, tôi hỏi ngài thực hiện từ đâu. Tôi hỏi ngài học Phật, cảnh giới của Phật cao, làm sao mới khế nhập được, ngài dạy tôi nhìn thấu buông xuống. Tôi thỉnh giáo với ngài, thực hiện từ đâu? Bố thí, là dạy tôi. Ngài ấy, rất phong phú kinh nghiệm, nói với tôi. Tôi là một người rất bình thường, mạng không tốt, số mạng không có kho tài sản, kho tài sản của người ta đầy ắp, kho tài sản của Lý Gia Thành đầy ắp, kho tài sản của tôi trống rỗng, không có thứ gì cả; Trong số mạng không có quan ấn, không có mạng làm quan, hơn nữa tuổi thọ ngắn, 45 tuổi. Ngài ấy đều dạy tôi, dạy tôi làm sao để được giàu có? Bố thí tài. Tôi nói con không có tiền, cuộc sống đều rất khó khăn, tiền đâu để bố thí? Thầy nói với tôi, một xu tiền có không? Dạ một xu thì có, có thể. Một đồng tiền có không? Dạ một đồng tiền miễn cưỡng cũng có thể. Được rồi, con bố thí từ một xu, từ một đồng. Phải có tâm bố thí, tâm không thể mất đi, có tâm này, gặp được cơ hội này, đừng bỏ lỡ mất cơ hội. Đó là dạy tôi, nói có cách hay để phát tài, bố thí. Càng thí càng nhiều, càng nhiều càng thí, đừng tích chứa tài, chứa tài mất đạo, là phá hoại đại đạo thành Phật, cũng phá hoại mất đại phú đại quý của thế gian, tài không được chứa, phải thí. Gửi trong ngân hàng không được, sẽ xuống giá trị, đó không phải là của mình, nên làm thế nào? Có bao nhiêu thì bố thí bấy nhiêu. Đó là thực hiện sự nghiệp từ thiện, lợi ích chúng sanh trong thiên hạ, giải quyết sự khốn khổ trong đời sống của mọi người, không vì chính mình, đó chính là đường lối biết phát tài thật sự, đó quả thật gọi là Thần tài, vì người không vì mình. Thời xưa ở nước ta, ở Đại lục cúng Thần tài, là ai? Phạm Lãi. Phạm Lãi giúp Câu Tiễn khôi phục quốc gia, ông biết kiểu người của Câu Tiễn, có thể cùng hoạn nạn, không thể cùng giàu sang, cho nên sự nghiệp thành công thì ông chuồn mất, bèn trốn đi. Đổi họ tên thành Đào Chu Công, dẫn theo nàng Tây Thi, hai người đi làm ăn, đi kinh doanh. 3 năm thì phát tài, ông đem những tài sản có được đi làm sự nghiệp từ thiện hết thảy, tán tài, bắt đầu làm ăn lại từ vốn nhỏ, 3 năm lại phát tài, ba lần tụ ba lần tán. Người Trung Hoa xem ông như Thần tài, thờ ông, học tập theo ông, đúng rồi. Bố thí tài được tài sản, tài sản này đến như vậy, bố thí pháp được trí huệ thông minh, bố thí vô uý được khoẻ mạnh sống lâu. Gieo nhân như thế nào, thì được quả như thế nấy. Ba loại bố thí đều hoan hỉ tu, người ấy có tài sản, có trí huệ thông minh, có khoẻ mạnh sống lâu. Quả thực là ông tu ông đắc, bà tu bà đắc, không tu không đắc. Thật sự tin tưởng lời của Phật, bởi Phật Bồ-tát chắc chắn sẽ không lừa gạt người, chỉ cần quý vị tin tưởng các Ngài, khẳng định không sai. 

          Bởi vậy tôi nghe lời của Đại sư Chương Gia, bèn phát tâm học ba loại bố thí này. Chính mình không có năng lực, trước đó không đến chùa chiền, sau khi học Phật đi dạo chùa chiền, trong chùa có in kinh, có phóng sanh, sự việc tốt. In kinh, phóng sanh, mọi người cầm tờ giấy đến, một người bao nhiêu cũng không câu nệ, một xu, hai xu cũng nhận, một đồng, hai đồng cũng nhận, chúng tôi bèn gom góp, tuyệt đối không bỏ phí dịp này, vào trong chùa thường làm những việc này. Mỗi ngày Chủ nhật đều phóng sanh. Thật sự, đã thực hiện lời của thầy dạy, 3 tháng sau thì có hiệu quả ra hẳn, thật sự, thu nhập nhiều một chút, có chút ngoại tài tiến vào. Điều thầy dạy, có bao nhiêu thí bấy nhiêu, giữ lại làm chi phí sinh hoạt cho mình đủ dùng là được, còn lại có thể bố thí tất cả. 45 tuổi trở đi, lời của Đại sư Chương Gia thực hiện toàn bộ, ba loại bố thí, ba loại quả báo tăng trưởng rất rõ ràng, chúng tôi cũng không có bất cứ nỗi lo lắng gì, yên tâm dũng cảm đi làm. Ngày mai thì sao? Ngày mai còn chưa đến, đừng màng đến. Tuyệt đối không nghĩ đến ngày mai, hôm nay tôi có thể làm bao nhiêu thì tôi làm bấy nhiêu, phải có sự can đảm và hiểu biết này, có dũng khí này, có nhận thức này. Cho nên cả đời, Đại sư Chương Gia nói với tôi rằng, có thể y giáo phụng hành thật, thì Phật Bồ-tát chiếu cố một đời; Tự mình, đem những sự việc chiếu cố cho mình buông xuống hết thảy, đừng màng đến nữa. Đúng, không sai, mình nghĩ cho mình đều là Vọng tưởng, Vọng tưởng không thể biến thành sự thật; Phật Bồ-tát an bài cho chúng ta, thuận cảnh, nghịch cảnh hết thảy đều là cảnh giới tốt, tất cả đều là giúp chúng ta nâng cao chính mình. Xác thực cảm nhận được sự gia trì của Phật Bồ-tát, sanh khởi lòng cảm ơn đối với Phật Bồ-tát.

          開化顯示 “Khai hoá hiển thị”, khai là khai thị, hoá là giáo hoá, hiển là minh hiển, thị tức là biểu pháp, phải làm tấm gương cho chúng sanh thấy. 流出依正種種莊嚴,不可思議淨土法門。得成大願,惠予眾生真實之利 “Lưu xuất Y Chánh chủng chủng trang nghiêm, bất khả tư nghị Tịnh Độ Pháp môn. Đắc thành đại nguyện, huệ dữ chúng sanh Chân thật Chi lợi” (Tuôn ra nhiều loại trang nghiêm của Y báo và Chánh báo, Pháp môn Tịnh Độ không thể nghĩ bàn. Được thành nguyện lớn, ban cho chúng sanh Lợi ích Chân thật), mấy câu nói này là do Niệm lão nói. Tỳ-kheo Pháp Tạng từ trong Y–Chánh trang nghiêm của cõi nước chư Phật đã được khải thị, ngài thấy rõ ràng, ngài nghe sáng tỏ rồi, cho nên từ Tự Tánh lưu xuất nhiều loại trang nghiêm của Y báo Chánh báo. Đó là nói về Thế giới Cực Lạc, Y báo, Chánh báo trong bốn độ của Thế giới Cực Lạc vô lượng trang nghiêm, Pháp môn Tịnh Độ không thể nghĩ bàn. Đó chính là ngài lựa chọn những gì mong muốn để độ sanh, viên mãn 48 nguyện, ban cho chúng sanh Lợi ích Chân thật, 48 nguyện mỗi một nguyện đều là phát ra vì chúng sanh, đều là lợi ích chân thật cho chúng sanh. 

          又一其心者 “Hựu nhất kỳ tâm giả” (Thêm nữa nhất tâm của mình), trong kinh văn này “tiện nhất kỳ tâm”, câu nói này rất quan trọng, nhất kỳ tâm tức là nhất tâm. Ngày nay chúng ta giảng về nhất tâm, nhất tâm này phải chuyên chú Phật hiệu, trong tâm chỉ có một câu A Mi Đà Phật, trừ một câu A Mi Đà Phật ra, điều gì cũng không có, đó chính là chí tâm tinh tấn. Đề mục của phẩm này gọi là至心精進 Chí Tâm Tinh Tấn, chí tâm tinh tấn chính là nhất tâm chuyên niệm, nhất tâm chính là Chân Như. 如《止觀》曰 “Như Chỉ Quán viết”, đây là dẫn lời văn trong Ma Ha Chỉ Quán đã nói: 一心具十法界 “Nhất tâm cụ Thập pháp giới” (Nhất tâm đủ Mười pháp giới), nhất tâm triển khai là Mười pháp giới, Mười pháp giới thì ở trong nhất tâm. Nhất tâm là thể, Mười pháp giới là dụng; Nhất tâm là Tánh, Mười pháp giới là Tướng. Mười pháp giới đến từ đâu? Đến từ nhất tâm, nếu quý vị chứng đắc nhất tâm, thì Sự, Lý, Tánh, Tướng, Nhân, Quả trong Mười pháp giới: quý vị không điều gì mà không thông, sáng tỏ hết cả. Nhất tâm chính là Thiền định viên mãn, trong nhất tâm không có Tạp niệm, không có Vọng tưởng, Tự Tánh vốn định. Đại sư Huệ Năng khi khai ngộ đã nói, câu thứ tư: 何期自性,本無動搖 “Hà kỳ Tự Tánh, bổn vô động dao” (Ngờ đâu Tự Tánh, vốn không dao động), nhất tâm không có động, nhất tâm không có lay động, Chân Tâm, Tự Tánh vốn định. Điều đó khởi tác dụng, chính là câu cuối của Lục tổ: 何期自性,能生萬法 “Hà kỳ Tự Tánh, năng sanh vạn pháp” (Ngờ đâu Tự Tánh, sanh được muôn pháp). Vạn pháp chính là Mười pháp giới, Mười pháp giới sanh ra từ đâu? Sanh ra từ nhất tâm. Nhất tâm có thể sanh, Mười pháp giới được sanh, năng và sở là một không phải hai. Nhất tâm chẳng sanh chẳng diệt, Mười pháp giới có sanh có diệt. Nhất tâm thì điều gì cũng không có, gọi là Chân Không, Lục tổ đã nói: “Bổn lai vô nhất vật”, đó là nhất tâm, điều đó có thể sanh Mười pháp giới.   

          又《探玄記》曰 “Hựu Thám Huyền Ký viết” (Thêm nữa trong Thám Huyền Ký nói), Thám Huyền Ký là của Hoa Nghiêm tông, Chú Giải của Lục Thập Hoa Nghiêm, trong đó nói: 一心者,心無異念故 “Nhất tâm giả, tâm vô dị niệm cố” (Nhất tâm, là việc tâm không có niệm khác). Trong tâm không có niệm, không có nghi ngờ, không có xen tạp, đó gọi là nhất tâm. Thêm nữa Giáo Hành Tín Chứng Văn Loại, quyển sách này do người Nhật Bản viết, là Đại đức trong Tịnh tông: 言一念者,信心無二心,故曰一念,是名一心。一心則清淨報土真因也 “Ngôn nhất niệm giả, tín tâm vô nhị tâm, cố viết nhất niệm, thị danh nhất tâm. Nhất tâm tắc thanh tịnh Báo độ chân nhân dã” (Nói nhất niệm: là tín tâm không có hai tâm, nên gọi là nhất niệm, đó là nhất tâm. Nhất tâm là nhân chân thật của Báo độ thanh tịnh). Nhất tâm hiện ra gì? Thật Báo Trang Nghiêm độ. Trong nhất tâm xen tạp Vọng tưởng, xen tạp Tạp niệm, sanh ra gì? Sanh Mười pháp giới, hiện ra là Mười pháp giới. Trong Mười pháp giới có nhiễm có tịnh, Tứ thánh Pháp giới là tịnh, Lục đạo phần dưới là nhiễm, trong nhiễm lại có thiện ác, ba đường thiện là thiện, ba đường ác là ác. Trong nhất tâm thì tịnh, uế, thiện, ác không có hết thảy, đó là nhất tâm. Cho nên nhất tâm biến hiện, nhất tâm là Pháp tánh, biến hiện ra đó là Pháp Tánh độ, không có hiện tượng sanh diệt. Sanh Mười pháp giới, Mười pháp giới là có tịnh có uế, có thiện có ác, đó là tâm sanh diệt, Mười pháp giới là pháp sanh diệt. Lý và Sự này đều phải làm rõ ràng, làm sáng tỏ. 

          正如本經一心結得大願 “Chính như bổn Kinh nhất tâm kết đắc đại nguyện” (Vừa vặn giống như nhất tâm kết được nguyện lớn trong Kinh này), nhất tâm này, là tâm của A Mi Đà Phật, nhất tâm được A Mi Đà Phật dùng, kết được nguyện lớn chính là 48 nguyện lớn, 顯一心乃報土真因 “hiển nhất tâm nãi Báo độ chân nhân” (tỏ rõ nhất tâm là nhân chân thật của Báo độ). Tịnh Độ là nơi được kiến lập bởi nhất tâm, cho nên chúng ta dùng nhất tâm thì thấy được Báo độ trong Thế giới Cực Lạc. Trong tâm chúng ta có Tạp niệm, có Vọng tưởng, điều đã kết được, đó là niệm Phật, niệm Phật như thế nào? Có Vọng niệm, có Tạp niệm, có thể vãng sanh không? Không thể. Song Phật yêu cầu chúng ta, một niệm cuối cùng không có Vọng tưởng Tạp niệm, một niệm ấy thì có thể vãng sanh, khi sắp mạng chung, một niệm cuối cùng đều có thể vãng sanh. Chúng ta có thể tin tưởng hay không? Có thể tin tưởng. Chúng ta chính là hy vọng, một niệm cuối cùng trong một đời này là A Mi Đà Phật. Gặp phải tai nạn rồi, tai nạn ập đến, thì “A Mi Đà Phật”, một niệm ấy có thể vãng sanh. Vì sao? Trong một niệm ấy không có Tạp niệm, không có Vọng tưởng, không có nghi ngờ, một niệm cũng có thể vãng sanh. Ngày thường phải dụng công phu, khi lâm chung thì không sợ chết, cầu A Mi Đà Phật đến tiếp dẫn, tâm vào lúc ấy là Chân Tâm. Tại sao? Bởi thời tiết nhân duyên khác nhau, cửa ải sanh tử, nhất tâm niệm Phật, không có hai niệm, chắc chắn được sanh. Bởi vậy có Lý có Sự, có Nhân có Quả, nói ra rất rõ ràng, rất sáng tỏ, chúng ta buông xuống hết thảy điều lo ngại, không có nghi hoặc nữa, không có nỗi lo lắng nữa. Được rồi, hôm nay chúng ta học tập đến đây thôi. 

(Hết tập 162)

Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử cùng chúng sanh
Đều sanh nước Cực Lạc
Sớm viên thành Phật quả
Rộng độ khắp chúng sanh.

Nam Mô A Mi Đà Phật.