TỊNH ĐỘ ĐẠI
KINH KHOA CHÚ 2014 (Giảng lần thứ 4)
PHẨM THỨ 6: PHÁT ĐẠI THỆ NGUYỆN
Phát Thệ Nguyện Rộng Lớn
Tập 203
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng.
Giảng tại: Hiệp Hội Giáo Dục Phật
Đà Hồng Kông.
Thời gian:
Ngày 24 tháng 6 năm 2015.
Ban biên dịch: Hoa Tạng Huyền Môn.
Dịch giả: Diệu Hiệp.
Giảo chánh: Thích Thiện Trang.
Kính chào chư vị Pháp sư, chư vị đồng học, mời
an tọa. Thỉnh mọi người cùng tôi quy y Tam Bảo: A-xà-lê tồn niệm, ngã Đệ
tử Diệu Âm, thỉ tùng kim nhật, nãi chí mạng tồn, quy y Phật Đà, lưỡng túc trung
tôn; quy y Đạt Ma, ly dục trung tôn, quy y Tăng Già, chư chúng trung tôn. (3 lần)
Mời xem Đại Kinh Khoa Chú, trang 516, đếm ngược
đến hàng thứ ba, xem nguyện thứ 45 trong 48 nguyện: 定中供佛願 “Định trung cúng Phật
nguyện” (Nguyện cúng Phật trong định). Mời xem kinh văn:
【定中常供無量無邊一切諸佛。不失定意。若不爾者。不取正覺。】 “Định trung thường cúng vô lượng vô biên nhất thiết chư Phật, bất thất định
ý. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh-giác” (Trong định thường
cúng vô lượng vô biên tất cả chư Phật, không mất định tâm. Nếu không được như thế
thì con không giữ ngôi Chánh-giác).
Xem Chú Giải, trong Chú Giải nói với chúng ta, đây là nguyện thứ 45:
Nguyện cúng Phật trong định. 定中供佛,不失定意,同於《德遵普賢品》 “Định trung cúng Phật,
bất thất định ý, đồng ư Đức Tuân Phổ Hiền Phẩm” (Cúng Phật trong định,
không mất định tâm, tương đồng với Phẩm Đức Tuân Phổ Hiền), chính là phẩm thứ
hai, trong phẩm thứ hai có một câu kinh văn: 住深禪定,悉睹無量諸佛 “trụ thâm Thiền định,
tất đổ vô lượng chư Phật” (trụ trong Thiền định sâu, thấy hết vô lượng
chư Phật), chính là sự thành tựu của nguyện này. 正是普賢大士甚深境界 “Chánh thị Phổ Hiền Đại
sĩ thậm thâm cảnh giới” (Chính là cảnh giới rất sâu của Phổ Hiền Đại sĩ). Người thông thường
thấy cảnh giới, định liền mất đi, ở trong định thì không thấy được cảnh giới.
Thấy được cảnh giới, định liền mất đi, đó là định thông thường. Ở đây là nói đến
đại định, định rất sâu, cảnh giới rất sâu của Phổ Hiền Đại sĩ.
Tiếp theo trích dẫn Vãng Sanh Luận Chú nói: 八地以上菩薩,常在三昧 “Bát địa dĩ thượng Bồ-tát,
thường tại tam-muội” (Bồ-tát từ Bát địa trở lên thường ở trong tam-muội), tam-muội chính là định,
thường ở trong định, gọi là 那伽常在定,無有不定時 “Na Già thường tại định,
vô hữu bất định thời” (Na Già thường ở trong định, chẳng có lúc nào không định). Trong đời sống của
chúng ta, đi đứng ngồi nằm, quý vị di chuyển, quý vị đứng ở đó là trụ, ngồi ở
đó hoặc nằm ở đó ngủ, bốn tư thế khác nhau này đều ở trong định, đây là Bồ-tát
nào? Thông thường nói là Pháp thân Bồ-tát. Pháp thân Bồ-tát, Viên giáo Sơ trụ đến
Đẳng giác có 41 cấp bậc, đều được gọi là Pháp thân Bồ-tát, đều có bản lĩnh này.
Nhưng nghiêm khắc mà nói, phải từ Bát địa trở lên, chính là 4 cấp bậc cao nhất
trong 41 cấp bậc này: Bát địa, Cửu địa, Thập địa, Đẳng giác. Bốn cấp bậc này thật
sự là thường trụ trong tam-muội, các ngài di chuyển cũng ở trong định, đứng ở
đó cũng ở trong định, ngồi ở kia, nằm ở trên giường cũng ở trong định, đó là
gì? Tự Tánh vốn định. Chính là trong Đàn Kinh, Đại sư Huệ Năng đã nói: 本無動搖 “Bổn vô động dao” (Vốn không dao động), vốn dĩ không động,
không lung lay, đó chính là thường ở trong tam-muội. Ở chỗ này nói là “không mất
định tâm”, trong phẩm thứ hai nói là “trụ trong Thiền định sâu”, các ngài có thể
thấy được vô lượng vô biên chư Phật Như Lai trong định, Niệm lão trích dẫn Vãng
Sanh Luận Chú của Đại sư Đàm Loan, tác phẩm của ngài, lời này là do ngài nói, Bồ-tát
từ Bát địa trở lên, thường ở trong tam-muội. 以三昧力,身不動本處 “Dĩ tam-muội lực,
thân bất động bổn xứ” (Nhờ sức tam-muội, thân ở nơi đó không động), thân không động, 而能遍至十方 “nhi năng biến chí thập phương” (mà có thể đến khắp mười phương), đến khắp, hóa thân,
các ngài có thể hóa thân đến mười phương thế giới, để làm gì? Trên 供養諸佛 “cúng dường chư Phật”, dưới 教化眾生 “giáo hóa chúng sanh”, các ngài có thể làm
được.
Sư Vọng Tây nói rất hay, 住定供佛:約常途者,初地以上 “trụ định cúng Phật:
ước thường đồ giả, Sơ địa dĩ thượng” (trụ trong định cúng Phật: theo con đường
thông thường, là Sơ địa trở lên). Đây chính là thông thường, phổ biến, mọi
người đều có thể làm được, Thập địa Bồ-tát, từ Sơ địa trở lên, Tam Hiền Bồ-tát
vẫn chưa làm được. Nhưng ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc, chỉ cần quý vị vãng
sanh đến Thế giới Cực Lạc, thì quý vị đều có thể làm được. Vậy quý vị có phải
là từ Sơ địa trở lên không? Không phải, thân phận của quý vị ở Thế giới Cực Lạc
là trời người, thân phận trời người. Vì sao quý vị có thể làm được? Bởi vì nguyện
thứ 45 của A Di Đà Phật gia trì, cho nên quý vị có thể làm được. Nương nhờ Phật
lực chứ không phải tự lực, oai thần bổn nguyện của A Di Đà Phật gia trì, tuy
chưa chứng được Bát địa, nhưng sự tự tại, thần thông, thọ dụng của Bát địa Bồ-tát
thì quý vị đều đạt được, đây là sự thù thắng của việc vãng sanh Thế giới Cực Lạc,
không phải điều mà người thông thường, Bồ-tát thông thường có thể làm được.
Gần đây chúng tôi cũng nghe được có người nói: lão Hòa thượng Hải Hiền
là A Di Đà Phật hóa thân đến. Lời nói này, tôi có thể tiếp nhận được không? Tôi
nói với đồng học, tôi có thể tiếp nhận, cho dù không phải đức Di Đà hóa thân,
cũng là chư Bồ-tát cùng bậc như Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, từ bi đến
tột cùng, hóa thân đến cho chúng ta thấy, để biểu diễn, trong xã hội hiện nay,
học Phật mà học như ngài thì ai cũng thành tựu. Học công phu của ngài, học tín
nguyện của ngài, 92 năm một câu Phật hiệu không chuyển hướng, đạo nghiệp thành
tựu rồi, ngài thành tựu viên mãn Tam học giới định huệ. Từ trong Vĩnh Tư Tập,
quý vị tỉ mỉ mà quan sát, ngài không có tâm tham, ngài không có sân hận, cả đời
chưa từng nổi giận, chưa từng oán hận bất kỳ người nào. Người ức hiếp ngài, sỉ
nhục ngài, đánh ngài, ngài thật sự có thể làm được “mắng không mắng lại, đánh
không đánh trả”. Đối với người sỉ nhục ngài, người hủy báng ngài, người hãm hại
ngài, ngài không có chút oán hận nào, giống như biểu diễn trên sân khấu vậy, diễn
cho muôn nghìn chúng sanh như chúng ta xem. Chúng ta phải biết xem, phải có thể
xem hiểu, phải học tập theo ngài, ngài có thể thành tựu, chúng ta cũng có thể
thành tựu. Bốn việc tốt mà chúng ta nói, ngài thành tựu viên mãn rồi. Giữ tâm tốt,
nói lời tốt, làm việc tốt, làm người tốt, ngài làm được viên mãn. Chúng ta gặp
phải nghịch cảnh, tâm ấy cũng sẽ dao động một chút, dừng lại rất nhanh; ngài
thì không động, công phu của ngài cao hơn chúng ta. Chúng ta còn động một chút,
nhưng có thể lập tức giữ cân bằng, ngài làm được như như bất động, cần phải học
tập.
Trong Luận Chú nói, Luận Chú là của Pháp sư Đàm Loan, 八地以上菩薩,常在三昧。以三昧力,身不動本處,而能遍至十方,供養諸佛,教化眾生 “Bát địa dĩ thượng Bồ-tát,
thường tại tam-muội. Dĩ tam–muội lực, thân bất động
bổn xứ, nhi năng biến chí thập phương, cúng dường chư Phật, giáo hóa chúng
sanh” (Bồ-tát từ Bát địa trở lên, thường ở trong tam-muội. Nhờ sức tam-muội,
thân ở nơi đó không động mà có thể đến khắp mười phương, cúng dường chư Phật,
giáo hóa chúng sanh). Cúng dường chư Phật là thân hành, giáo hóa chúng sanh là lợi tha.
Thân hành ngôn giáo mới có thể giúp chúng sanh thay đổi tính tình. Dùng gì để dạy?
Dùng thân giáo, cúng dường chư Phật là thân giáo. Sư Vọng Tây nói: 住定供佛,約常途者 “Trụ định cúng Phật: ước thường đồ giả” (Trụ trong định cúng Phật: theo con đường
thông thường), chiếu
theo thông thường mà nói, 初地以上Sơ địa dĩ thượng (là Sơ địa trở lên). Lại nói: 初地以上,雖有此德,八地以上,是無功用 “Sơ địa dĩ thượng, tuy hữu thử đức, Bát địa dĩ thượng, thị vô công dụng”
(Sơ địa trở lên, tuy có đức này, nhưng Bát địa trở lên là vô công dụng). Bên dưới có giải thích, 蓋謂初地菩薩,雖初有此德,但尚不能全離功用 “cái vị Sơ địa Bồ-tát, tuy sơ hữu thử đức, đãn thượng bất năng toàn
ly công dụng” (nên nói
Sơ địa Bồ-tát, tuy mới có đức này, nhưng vẫn không thể hoàn toàn lìa khỏi công dụng), tức là có công có dụng, công là công đức,
Sơ địa trở lên. Nhưng 八地以上,才是無功用道 “Bát địa dĩ thượng, tài thị vô công dụng đạo” (Bát địa trở lên mới là vô công dụng đạo), điều này cao rồi, vì sao vậy? Vô công dụng
là không Khởi tâm không Động niệm. Sơ địa Bồ-tát vẫn còn có công dụng, có Khởi
tâm Động niệm, không có Phân biệt Chấp trước; Bát địa trở lên là thật sự vô
công dụng đạo, không Khởi tâm không Động niệm, việc làm thì sao? Làm việc rất
viên mãn, không phải là không có công phu, không giáo hóa chúng sanh, mà cúng
Phật, giáo hóa chúng sanh nhưng không Khởi tâm không Động niệm, đây gọi là vô
công dụng đạo. Được không? Được. Vì sao vậy? Bởi vì Tự Tánh vốn tự đầy đủ vạn đức
vạn năng. Thật ra vạn đức vạn năng chính là vô lượng vô biên đức năng, là Tự
Tánh vốn đầy đủ. Tự Tánh khai phát gần được viên mãn, viên mãn là Diệu giác,
Bát địa tiếp cận Diệu giác (cách Diệu giác bốn cấp bậc) rất gần, cho nên vô
công dụng đạo, Bát địa đã rất rõ rệt rồi. Chúng tôi thường nói là không Khởi
tâm không Động niệm, phân vô lượng vô biên thân đến vô lượng vô biên cõi nước
chư Phật, cúng dường đức Phật, giáo hóa chúng sanh, vô công dụng đạo. Ở Thế giới
Cực Lạc thì không cần phải chứng được Bát địa, ngay cả Sơ địa cũng chưa chứng
được, thậm chí là chúng ta vãng sanh vẫn là một phàm phu, sanh đến Phàm Thánh Đồng
Cư độ ở Thế giới Cực Lạc (chỗ chúng ta đây là Phàm Thánh Đồng Cư uế độ, ở Thế
giới Cực Lạc là Phàm Thánh Đồng Cư tịnh độ) được oai thần bổn nguyện của A Di
Đà Phật gia trì. Thần thông, đạo lực, biến hóa của chúng ta đạt đến Sơ địa, đạt
đến Bát địa, đây đều là [do] oai thần bổn nguyện của đức Di Đà gia trì, không
phải Phật lực gia trì thì không thể làm được.
《會疏》謂他方新發心菩薩,因聞彌陀名號,頓登上地菩薩 “Hội Sớ vị tha phương
tân phát tâm Bồ-tát, nhân văn Di Đà danh hiệu, đốn đăng Thượng địa Bồ-tát” (Sách Hội Sớ nói Bồ-tát mới phát tâm ở phương khác, nhờ nghe danh hiệu đức Di Đà, liền thăng lên Thượng địa
Bồ-tát), điều này không thể
nghĩ bàn. Thế giới phương khác, không phải Thế giới Cực Lạc, Bồ-tát mới phát
tâm, sơ phát tâm, chân thật phát tâm Bồ-đề. Làm thế nào phát tâm Bồ-đề? Chúng
ta có thể làm được việc này! Năm xưa tôi ở Mỹ, đi khắp nơi giảng kinh, tôi dùng mười chữ để nói tâm Bồ-đề, chân
thành là thể của tâm Bồ-đề, chính là bản thể của Tự Tánh, Tự Tánh là thật,
ngoài Tự Tánh ra thì toàn là giả. Tự Tánh có hình dạng gì? Trong Đàn Kinh, Đại
sư Huệ Năng đã nói ra cho chúng ta biết, miêu tả tâm Bồ-đề một cách đơn giản dễ
hiểu, chính là Tự Tánh, năm câu nói: 本自清淨,本不生滅,本自具足,本無動搖,能生萬法 “bổn tự thanh tịnh, bổn bất sanh diệt, bổn tự cục túc, bổn vô động
dao, năng sanh vạn pháp” (vốn tự thanh tịnh, vốn không sanh diệt, vốn tự đầy đủ, vốn không dao động, có thể sanh ra vạn
pháp). Đây chính là tâm Bồ-đề,
đây là Chân Tâm của chính chúng ta, Đại sư Huệ Năng nhìn thấy rồi, minh Tâm kiến
Tánh, nhìn thấy rồi. Chúng ta có, nhưng không nhìn thấy, vì sao vậy? Chúng ta
mê rồi, mê mất Tự Tánh. Mê mất Tự Tánh, Tự Tánh trở thành Vọng Tâm, Vọng Tâm
chính là A-lại-da, tiếng Phạn gọi là A-lại-da, Vọng Tâm. Vọng Tâm là gì? Vọng tưởng, Khởi tâm Động niệm, Phân biệt Chấp
trước, đây đều là Vọng Tâm. Tuy có Chân Tâm, nhưng không thể hiện tiền, không
khởi tác dụng, từ sáng đến tối, năm này qua năm khác, đều là Vọng Tâm làm chủ,
đều là Vọng Tâm đang tạo nghiệp. Quý vị phải biết, Chân Tâm không tạo nghiệp. Vọng
Tâm có thiện ác, Chân Tâm không có thiện ác; Vọng Tâm có Khởi tâm Động niệm,
Chân Tâm không Khởi tâm không Động niệm, không Phân biệt không Chấp trước, đây
là Chân Tâm.
Chí thành mà nhà Nho nói, chân thành đến tột
bậc, đây là Chân Tâm. Tiên sinh Tăng Quốc Phiên đã ra một định nghĩa cho chữ “thành”
này, nói hay, vô cùng gần với Phật Pháp, ông nói thế nào gọi là thành? 一念不生是謂誠 “Nhất niệm bất sanh thị vị thành” (Không sanh một niệm gọi là thành). Quý vị khởi ý niệm là không thành; không Khởi
tâm không Động niệm, đây là thành, đây là chân thành. Chúng ta phải học cách
dùng tâm chân thành đối người, đối việc, đối vật, hy vọng hình thành một thói
quen, thói quen chân thành, không dùng Vọng Tâm. Tâm chân thành khởi cảm ứng với
Phật Bồ-tát, Vọng Tâm hoàn toàn là khởi cảm ứng với lục đạo. Vọng Tâm có thiện
ác, tâm thiện cảm ba đường thiện, tâm ác cảm ba đường ác. Hiện nay, thế đạo
nhân tâm, mọi người đều biết là bất thiện, vô cùng bất thiện, cho nên người hiện
nay sau khi chết rồi thì đến đâu? Không phải ở thiên đường, cũng không phải ở
cõi người, trời người là tâm thiện, không phải [dùng] tâm thiện thì đến cõi nào?
Hết thảy đều xuống ba cõi dưới rồi. Có rất nhiều người không tin, đợi đến khi
chính mình xuống dưới thì hối hận không còn kịp! Xuống dưới thì rất dễ, xuống
dưới rồi trở ra thật không đơn giản, vậy phải làm sao? Chúng ta chẳng thể không
biết. Cho nên không thể không niệm Phật, thiện tâm thiện hạnh bậc nhất của thế
gian chính là dùng tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm từ bi thường
niệm một câu Nam mô A Di Đà Phật này, hoặc là niệm Nam mô đại từ đại bi Quán Thế
Âm Bồ-tát, tốt! Việc làm tốt nhất ở thế gian và xuất thế gian, không thể quên mất,
hy vọng để Phật Bồ-tát vào trong tâm, đời này quý vị bình an cát tường.
Ở chỗ này nói, trong Hội Sớ nói, Bồ-tát Sơ
phát tâm xả tiểu hướng đại, nhờ nghe danh hiệu đức Di Đà, tức là nghe được Pháp
môn Tịnh Độ, lập tức đăng lên Thượng địa Bồ-tát, ngài thăng cấp rồi. Bổn nguyện
của A Di Đà Phật chính là nguyện này, giúp quý vị thăng cấp, thăng cấp đến Thượng
địa. Thượng địa là địa thứ mấy? Nhị địa, Tam địa đều là Thượng địa, Bát địa, Cửu
địa cũng là Thượng địa, rốt cuộc là thăng bao nhiêu cấp? Chắc chắn thăng cấp,
có thể thăng lên bao nhiêu cấp bậc? Quyết định bởi dụng tâm của chính mình. Vậy
tức là nói, tâm chân thành thanh tịnh bình đẳng của quý vị đạt đến trình độ như
thế nào thì đến bậc địa đó. 得諸三昧,住定供佛 “Đắc chư tam-muội, trụ định cúng Phật” (Được các tam-muội, trụ trong định cúng Phật), quý vị đạt được Thiền định rất sâu, có thể
trụ ở trong định, không động, tức là không có Khởi tâm Động niệm, tất cả chư Phật
trong mười phương đều nhận được cúng dường, quý vị thảy đều cúng được. Bản thân
không có Khởi tâm Động niệm, hóa thân thì đi thôi, hóa thân đi cũng không có Khởi
tâm Động niệm, Bát địa mới có thể làm được. Trong Sớ nói, đây cũng là Hội Sớ, 縱 “túng”, cho dù
là 新發意菩薩 “tân phát ý Bồ-tát” (Bồ-tát mới phát tâm), Bồ-tát Sơ phát tâm, 聞名字人,能得定慧相即,真俗相照,頓得上地菩薩也 “văn danh tự nhân, năng đắc định huệ tương tức, chân tục tương chiếu,
đốn đắc Thượng địa Bồ-tát dã” (người nghe danh tự, có thể được
định huệ tương tức, chân tục tương chiếu, lập tức [chứng] được Thượng địa Bồ-tát). Bồ-tát Sơ phát tâm thì có thể [giống] với
Thập địa Bồ-tát, từ Sơ địa đến Thập địa, những tâm hạnh của Thập địa Bồ-tát, Sơ
phát tâm thì có thể đạt được. Nghe danh tự, nghe danh tự “Nam mô A Di Đà Phật”
này, ngài liền có thể đạt được định huệ tương tức, chân tục tương chiếu, liền
thăng cấp đến cảnh giới của Địa thượng Bồ-tát, điều này không thể nghĩ bàn, lợi
ích quá lớn, hiển bày vô lượng công đức trang nghiêm của đức Di Đà.
又《文殊般若經》曰:念一佛功德無量無邊 “Hựu Văn Thù Bát Nhã
Kinh viết: Niệm nhất Phật công đức vô lượng vô biên” (Trong Kinh Văn Thù Bát Nhã lại nói: Công đức niệm một vị Phật vô lượng vô biên), không có chỉ định là vị Phật nào, một vị Phật
này là bất kỳ một vị Phật nào, 亦與無量諸佛功德無二,不思議佛法等無分別 “diệc dữ vô lượng vô biên chư Phật công đức vô nhị, bất tư nghị Phật
Pháp đẳng vô phân biệt” (cũng
không khác với công đức của vô lượng chư Phật, Phật Pháp không nghĩ bàn bình đẳng
không phân biệt), đẳng là
bình đẳng, bình đẳng không có phân biệt. 皆乘一如,成最正覺 “Giai thừa nhất như, thành tối Chánh-giác” (Đều nương nhất như, thành tối Chánh-giác), tối Chánh-giác là Diệu giác, 悉具無量功德、無量辯才。如是入一行三昧 “tất cụ vô lượng công đức, vô lượng biện tài. Như thị nhập nhất hạnh
tam-muội” (đều đầy
đủ vô lượng công đức, vô lượng biện tài. Như vậy mà nhập nhất hạnh tam-muội), đây là rộng thuyết công đức niệm Phật vô lượng
vô biên không thể nghĩ bàn, chứng minh những điều phía trước đã nói, câu Phật
hiệu này là Pháp môn đại tổng trì, vì sao vậy? Niệm một vị A Di Đà Phật, tương
đương với niệm danh hiệu của tất cả chư Phật Như Lai khắp pháp giới hư không giới.
A Di Đà Phật là danh hiệu chung trong danh hiệu của chư Phật, niệm câu Phật hiệu
này thì hoàn toàn niệm hết, không sót một vị nào. Kinh giáo được thuyết, Pháp
môn được truyền dạy bởi tất cả chư Phật trong mười phương ba đời, cũng ở ngay trong
một câu danh hiệu này. Niệm một câu Phật hiệu này thì niệm hết tất cả kinh luận,
học được hết thảy Pháp môn, công đức của danh hiệu không thể nghĩ bàn. Cho nên
Phật Pháp không thể nghĩ bàn bình đẳng không sai biệt, không phân biệt. Đều
nương nhất như thành tối Chánh-giác, tối Chánh-giác là quả vị Diệu giác, đều đầy
đủ vô lượng công đức, vô lượng biện tài, cúng Phật được vô lượng công đức, giáo
hóa chúng sanh được vô lượng biện tài. 如是入一行三昧者 “Như thị nhập nhất hạnh tam-muội giả” (Như vậy mà nhập nhất hạnh tam-muội), nhất hạnh tam-muội chính là niệm Phật
tam-muội, quả đức, 盡知恆沙諸佛法界無差別相 “tận tri hằng sa chư
Phật Pháp giới vô sai biệt tướng” (biết tất cả Pháp giới của hằng sa chư Phật không có tướng sai biệt), chú trọng ở “biết hết”, Pháp giới của hằng
hà sa số chư Phật, không có điều gì quý vị không biết, quý vị đều thấy được,
quý vị đều có thể tiếp xúc được. Tất cả pháp không lìa Pháp Tánh, Pháp Tánh là
một, không khác với vạn pháp sở hiện. Ở nơi đây nói là không có tướng sai biệt,
遍知諸佛世界無差別相,正與住定供佛同旨 “biến tri chư Phật thế
giới vô sai biệt tướng, chánh dữ trụ định cúng Phật đồng chỉ” (biết khắp Thế giới chư Phật không có tướng
sai biệt, đúng là cùng tông chỉ với “trụ trong định cúng Phật”), cùng một tông chỉ, Pháp môn không hai.
Chúng ta xem tiếp nguyện thứ 46: 獲陀羅尼願 “Hoạch đà-la-ni nguyện” (Nguyện đạt được đà-la-ni). Mời xem kinh văn:
【我作佛時。他方世界諸菩薩眾。聞我名者。證離生法。獲陀羅尼。】 “Ngã tác Phật thời,
tha phương thế giới chư Bồ-tát chúng, văn ngã danh giả, chứng ly sanh pháp, hoạch đà-la-ni” (Khi con thành Phật,
các chúng Bồ-tát ở thế giới phương khác nghe danh của con, chứng pháp ly sanh, đạt được đà-la-ni).
Chương này, là chương cuối cùng, trong đây có
ba nguyện, nguyện thứ 46, 47, 48. Ba nguyện sau cùng cũng phát ra vì Bồ-tát
trong mười phương, Bồ-tát trong mười phương nghe danh hiệu A Di Đà Phật, đạt được
nhiều lợi ích như thế. Mời mọi người xem kinh văn, 我作佛時,他方世界諸菩薩眾 “Ngã tác Phật thời, tha phương thế giới chư Bồ-tát chúng” (Khi con thành Phật, các chúng Bồ-tát ở thế
giới phương khác), “con”
là A Di Đà Phật tự xưng, “phương khác” chính là mười phương, những vị Bồ-tát ấy,
聞我名者 “văn ngã danh giả” (nghe danh của con), nghe được danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật, liền
được 證離生法,獲陀羅尼 “chứng ly sanh pháp, hoạch đà-la-ni” (chứng pháp ly sanh, đạt được đà-la-ni). Bên dưới, Niệm lão có giải thích, chúng ta
xem Chú Giải, 右章 “hữu chương”, chính là chương này, bao gồm ba nguyện. 獲陀羅尼以上 “Hoạch đà-la-ni dĩ thượng” (Từ “hoạch đà-la-ni” trở lên), chính là đoạn kinh văn mà vừa rồi
chúng tôi đọc, 為第四十六獲陀羅尼願。一二三忍以上,為第四十七聞名得忍願。此下為第四十八現證不退願 “vi đệ tứ thập lục hoạch đà-la-ni nguyện. Nhất nhị tam nhẫn dĩ thượng,
vi để tứ thập thất văn danh đắc nhẫn nguyện. Thử hạ vi đệ tứ thập bát hiện chứng
bất thoái nguyện” (là nguyện
thứ 46: Nguyện đạt được đà-la-ni. Từ “nhất nhị tam nhẫn” trở lên, là
nguyện thứ 47: Nguyện nghe
danh được nhẫn. Từ đó trở
xuống là nguyện thứ 48: Nguyện hiện chứng bất thoái), thật hiếm có!
第四十六願,離生者,離生死也 “Đệ tứ thập lục nguyện,
ly
sanh giả, ly sanh tử dã” (Nguyện thứ 46, ly sanh là lìa sanh tử). A-la-hán đã lìa sanh tử, lìa sanh tử của lục đạo luân hồi. Chứng được
quả A-la-hán, cũng giống như nằm mộng mà tỉnh dậy, không thấy lục đạo luân hồi
nữa, là việc trong mộng. Ở nơi này vẫn còn sanh tử, lục đạo là Phần đoạn sanh tử,
Phần đoạn sanh tử diệt rồi, còn có Biến dịch sanh tử, ở đâu? Ở trong mười pháp
giới. A-la-hán còn phải tu hành, phải đoạn hoặc, đoạn Tập khí của Kiến tư phiền
não. Đoạn hết Tập khí của Kiến tư thì ngài thăng cấp rồi, ngài thăng lên
Bích-chi-phật, cũng như nói ngài đã bước qua ngưỡng cửa A-la-hán này, thăng cấp
rồi, đây gọi là Biến dịch, xuất hiện sự biến hóa, đạt được quả dị thục, ngài chứng
quả rồi. Bích-chi-phật phải đoạn Trần sa phiền não, sau khi đoạn Trần sa phiền
não thì Bích-chi-phật thăng cấp, thăng làm Bồ-tát, đây lại là một lần Biến dịch
sanh tử. Bồ-tát vẫn còn một lần Biến dịch nữa, Bồ-tát phải phá căn bản Vô minh,
đoạn căn bản Vô minh rồi, ngài siêu việt mười pháp giới, mười pháp giới cũng là
một giấc mộng, mười pháp giới không còn nữa, đến đâu rồi? Đến Nhất chân Pháp giới,
chính là Thật Báo Trang Nghiêm độ. Sanh đến Thật Báo Trang Nghiêm độ, Biến dịch
sanh tử thật sự không còn nữa, chứng pháp ly sanh. Pháp ly sanh này là vượt khỏi cả hai loại sanh tử
trong mười pháp giới, nói cách khác, ngài sanh đến Thật Báo độ rồi, đạt được
đà-la-ni. Bên dưới có chú giải, chúng ta đọc qua một lần: 第四十六願,離生者,離生死也。三乘行人,入於見道。因見諦理 “Đệ tứ thập lục nguyện, ly sanh giả, ly sanh tử dã. Tam thừa hành
nhân, nhập ư kiến đạo. Nhân kiến đế lý” (Nguyện thứ 46, ly sanh là lìa sanh tử. Người tu hành Tam thừa, nhập vào kiến đạo. Nhờ thấy lý chân thật), các ngài thấy được chân tướng sự thật, ngài
nhìn thấy rồi. Nhờ thấy lý chân thật, 斷見思惑,永離三界之生 “đoạn Kiến tư hoặc, vĩnh ly tam giới chi sanh” (đoạn Kiến tư hoặc, vĩnh viễn lìa
sanh tử của tam giới), tam giới
này chính là Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới, chính là lục đạo luân hồi, sanh tử
trong tam giới lục đạo, 是云正性離生 “thị vân Chánh tánh
ly sanh” (đây gọi
là Chánh tánh ly sanh).
Đây là cấp bậc thứ nhất: Chánh tánh ly sanh.
Trong Vạn Thiện Đồng Quy Tập nói: 齊登解脫之門。咸闡離生之道 “Tề đăng giải thoát chi môn. Hàm xiển ly sanh chi đạo” (Đều bước lên cánh cửa giải thoát, cùng xiển
dương đạo pháp ly sanh). 十方菩薩,以聞名故,皆證此離生之法 “Thập phương Bồ-tát, dĩ văn danh cố, giai chứng thử ly sanh chi pháp”
(Bồ-tát trong mười phương, nhờ nghe danh hiệu, nên đều chứng được pháp ly sanh này), đây là Bồ-tát trong mười phương, được oai
thần của A Di Đà Phật gia trì. Bồ-tát là tu Đại thừa, A-la-hán là tu Tiểu thừa.
Trong Kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy được Thập tín Bồ-tát của Đại thừa. Đại thừa
chia làm năm cấp bậc: Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa,
50 cấp bậc Bồ-tát. Thập tín vị Bồ-tát tương đương với Tiểu thừa, Sơ tín tương
đương với Tu-đà-hoàn, Nhị tín tương đương với Nhị quả hướng, Tam tín vị Bồ-tát
tương đương với Nhị quả của Tiểu thừa, Tứ tín vị Bồ-tát tương đương với Tam quả
hướng, Tứ quả Tứ hướng, chứng được A-la-hán, tương đương với Thất tín vị Bồ-tát.
Tam quả của Tiểu thừa tương đương với Ngũ tín, nhưng đây là nói đến công phu đoạn
hoặc, không phải nói về trí huệ. Nếu là trí huệ, đức năng, thần thông, đạo lực
thì Bồ-tát cao hơn A-la-hán, nhưng đoạn phiền não là như nhau. Đây là chỗ khác
biệt của Đại thừa và Tiểu thừa, cho nên Đại thừa thù thắng hơn Tiểu thừa. Bất
luận là Đại thừa hay Tiểu thừa, nghe được danh hiệu của A Di Đà Phật thì khắc hẳn
rồi, dùng tâm chân thành, tâm thanh tịnh bình đẳng, khởi ý niệm cung kính đối với
A Di Đà Phật, ngưỡng mộ, tán thán, liền được sự gia trì từ nguyện này của A Di
Đà Phật, có thể thoát khỏi mười pháp giới, có lợi, lợi ích và công đức rất lớn.
十方菩薩,以聞名故,皆證此離生之法,並得陀羅尼 “Thập phương Bồ-tát,
dĩ văn danh cố, giai chứng thử ly sanh chi pháp, tịnh đắc đà-la-ni” (Bồ-tát trong mười phương, nhờ nghe danh hiệu, nên đều chứng pháp ly sanh này, đồng thời đạt được
đà-la-ni). Đà-la-ni là tiếng
Phạn, dịch sang ý nghĩa Trung Hoa là 總持 “tổng trì”, tổng tất
cả pháp, trì tất cả nghĩa. Tiếp theo nói với chúng ta, phần trước có giải thích
tổng trì. 陀羅尼有四:一、法陀羅尼,於佛之教法聞持不忘 “Đà-la-ni hữu tứ: Nhất
– Pháp đà-la-ni, ư Phật chi giáo pháp văn trì bất vong” (Đà-la-ni có bốn loại: Thứ nhất là
Pháp đà-la-ni, đối với giáo pháp của Phật, nghe rồi thọ trì không quên). Sau khi người ấy nghe được Phật Pháp, họ có
thể ghi nhớ, họ sẽ không quên, chúng ta nói là trí nhớ rất tốt, đây là loại
đà-la-ni thứ nhất trong sự tu học Phật Pháp. Loại thứ hai là 咒陀羅尼 “Chú đà-la-ni”,
trong ngoặc đơn có chú giải, Chú đà-la-ni có năm tên gọi. Căn cứ vào ý nghĩa của
Mật Tạng Ký, trong năm tên gọi, tên gọi thứ nhất là “đà-la-ni”, chú cũng gọi là
đà-la-ni, đà-la-ni chính là chú; thứ hai là “minh”, minh chính là đà-la-ni,
chính là tổng trì; thứ ba gọi là “chú”, chú cũng là tổng trì; thứ tư gọi là “mật
ngữ”, mật ngữ chính là chú ngữ, không có giải thích, chỉ bảo quý vị niệm; tên gọi
sau cùng là “chân ngôn”, Mật tông cũng gọi là Chân Ngôn tông, chân ngôn chính
là mật ngữ, chính là chú, chính là đà-la-ni, có năm tên gọi, là cùng một việc.
Tiếp theo nói, 陀羅尼者,佛放光時,光中所說也 “đà-la-ni giả, Phật
phóng quang thời, quang trung sở thuyết dã” (đà-la-ni là những gì được nói trong quang
minh khi Phật phóng quang),
không phải là đích thân Phật nói, mà là Phật phóng quang, trong quang minh có
âm thanh, được nói trong quang minh. 是故陀羅尼與明,其義不異 “Thị cố đà-la-ni dữ minh, kỳ nghĩa bất dị” (Cho nên nghĩa của đà-la-ni và minh không
khác nhau), minh là phóng quang,
đà-la-ni là từ trong quang minh mà nói ra, cho nên ý nghĩa của quang minh tương
đồng với đà-la-ni. 持陀羅尼人 “Trì
đà-la-ni nhân” (Người
trì đà-la-ni), đây là
chúng ta thường nói trì chú, 能發神通,除災患,與此方咒禁法相似,故曰咒 “năng phát thần thông, trừ tai hoạn, dữ thử phương chú cấm pháp tương
tự, cố viết chú” (có thể
phát ra thần thông, trừ được tai hoạ, tương tự với pháp chú cấm ở phương này, nên gọi là chú). Thời xưa Trung Hoa cũng có chú, chú cũng có
tiểu thần thông, nhưng họ không phải minh Tâm kiến Tánh, thần thông đó là thuộc
về tu được. Thần thông trong Phật giáo không phải là tu được, mà là chứng được,
sau khi quý vị khai ngộ thì có thần thông, thần thông là đi kèm theo. 凡夫二乘不能知 “Phàm phu Nhị thừa bất năng tri” (Phàm phu, Nhị thừa không thể biết được), Thanh-văn, Duyên-giác cũng không biết, đây
gọi là mật ngữ. 真言者,如來之言,真實無虛,故曰真言 “Chân ngôn giả, Như
Lai chi ngôn, chân thật vô hư, cố viết chân ngôn” (Chân ngôn là lời nói của Như Lai, chân thật
không hư dối, nên gọi là chân ngôn). Những gì đoạn này nói, đã nói ra ý nghĩa của năm tên gọi rồi.
Tiếp theo còn có 四、忍陀羅尼。於法之實相安住,謂之忍。持忍名為忍陀羅尼 “Tứ: Nhẫn đà-la-ni. Ư pháp chi thật tướng an trụ, vị chi nhẫn. Trì nhẫn
danh vi nhẫn đà-la-ni” (Thứ
tư: Nhẫn đà-la-ni. An trụ trong thật tướng của pháp, gọi là nhẫn. Trì nhẫn gọi là
Nhẫn đà-la-ni). Tâm an trụ trong thật tướng, thật tướng
không có tướng, thật tướng đều là tướng, thật tướng trong kinh điển nói đến,
tuy chưa hoàn toàn hiểu rõ thật tướng, nhưng quý vị tin, quý vị không nghi ngờ,
đây gọi là nhẫn. Trì nhẫn gọi là Nhẫn đà-la-ni. 十方聞名大士,皆得如上陀羅尼,安住於諸法實相,故云獲陀羅尼願 “Thập phương văn danh Đại sĩ, giai đắc như thượng đà-la-ni, an trụ ư
chư pháp thật tướng, cố vân hoạch đà-la-ni nguyện” (Đại sĩ trong mười phương nghe danh đều đạt
được đà-la-ni như trên, an trụ trong thật tướng các pháp, nên gọi là nguyện đạt được đà-la-ni). Nguyện này, Bồ-tát Sơ phát tâm cũng có thể chứng được. Bồ-tát, Bồ-tát
Sơ phát tâm trong mười phương thế giới có duyên nghe được danh hiệu, có thể thấy,
nghe được danh hiệu, công đức thù thắng không thể nghĩ bàn. Nhưng có duyên phận
nghe được hay không, cũng là thuộc về như trong Kinh Di Đà đã nói: 不可以少善根福德因緣,得生彼國 “bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên, đắc sanh bỉ quốc” (không thể dùng chút ít thiện căn phước đức
nhân duyên mà được sanh về cõi ấy). Những vị Bồ-tát ấy đều chưa phát tâm sanh đến Thế giới Cực Lạc, chỉ
là nghe được Phật nói, Phật không nói thì không ai nói, Phật nói Thế giới Tây
Phương Cực Lạc, Phật giới thiệu A Di Đà Phật cho mọi người, là mối liên hệ như
vậy, các ngài được lợi ích thù thắng; nếu các ngài phát tâm cầu vãng sanh thì
không khó chút nào. Đây là nói những người không phát tâm cầu vãng sanh, không
có tâm này cũng được Phật gia trì. Đức Di Đà từ bi tỉ mỉ chu đáo, rất rõ rệt,
chúng ta phải biết ơn Phật.
Xem tiếp nguyện thứ 47 bên dưới: 聞名得忍願 “Văn danh
đắc nhẫn nguyện” (Nguyện
nghe danh được nhẫn).
【清淨歡喜。】 “Thanh tịnh hoan hỷ”.
Câu này cũng giống như trên, nghe danh hiệu
con, nghe danh hiệu con, thanh tịnh hoan hỷ.
【得平等住。修菩薩行。具足德本。應時不獲一二三忍。】 “Đắc bình đẳng trụ, tu Bồ-tát hạnh, cụ túc
đức bổn, ưng thời bất hoạch nhất nhị tam nhẫn” (Được trụ trong
bình đẳng, tu Bồ-tát hạnh, đầy đủ gốc đức, không lập tức đạt được nhất nhị tam
nhẫn).
Hội tập kinh văn đến chỗ này, đây là nguyện
thứ 47. Chúng ta xem Chú Giải của Niệm lão, nguyện thứ 47: Nguyện nghe danh được
nhẫn. 清淨 “Thanh tịnh” là 無染無著之本然 “vô nhiễm vô trước chi bổn nhiên” (bổn nhiên không ô nhiễm không chấp trước). Hai chữ này rất quan trọng, trong bộ kinh
này đã nói rất nhiều, Niệm lão hội tập các kinh để giải thích, cũng trích dẫn rất
nhiều. Thế nào gọi là thanh tịnh? Không nhiễm không trước, nhiễm là ảnh hưởng,
trước là Chấp trước, còn nghiêm trọng hơn nhiễm; tuy nhiễm, nhưng không có Chấp
trước, như vậy thì nhẹ, đây đều là lỗi lầm, đây đều là nghiệp bất thiện, được xem
như nghiệp ác. Nhiễm: nhẹ; Chấp trước thì tội nặng. Còn thanh tịnh thì sao?
Không có nhiễm, mắt thấy sắc, tai nghe tiếng không bị ô nhiễm, không có Chấp
trước chính là không để trong tâm, đây chính là Chân Tâm, tâm thanh tịnh là
Chân Tâm, vốn dĩ là thanh tịnh, không nhiễm không trước là tướng ban đầu, chân
tướng, thật tướng của Chân Tâm. 歡喜 “Hoan hỷ” là 適悅在心,寂滅為樂也 “thích duyệt tại tâm, tịch diệt vi lạc dã” (trong tâm hoan hỷ thuận theo, tịch diệt là an
vui). Những cảnh giới này đối với chúng ta mà nói
thì có độ khó nhất định, vì sao vậy? Chúng ta không có cách nào lý giải được,
trước nay chưa từng đạt được. Tối thiểu thì đây là cảnh giới của A-la-hán, cảnh
giới của Bích-chi-phật, Bồ-tát hiểu được, Bồ-tát biết được. 平等 “Bình đẳng”: 淺言之,則為離諸高下 “thiển
ngôn chi, tắc vi ly chư cao hạ” (nói đơn giản là lìa tất cả cao thấp), những sự đối lập ấy không còn nữa, không có
cao thấp, không có sâu cạn, không có lớn nhỏ, không có quen lạ, không có trí
ngu, không có mê ngộ, 種種差別 “chủng chủng sai biệt”
(đủ mọi sự khác biệt), sự khác biệt này quá nhiều rồi, nêu sơ một
vài ví dụ. Đây chính là gì? Không Phân biệt nữa. Không Phân biệt thì bình đẳng,
có Phân biệt thì không bình đẳng, như trong đây đã trích dẫn, cao thấp không
bình đẳng, cạn sâu không bình đẳng, lớn nhỏ không bình đẳng, đến đâu để tìm
bình đẳng? Thanh tịnh hoan hỷ mới được bình đẳng. Chúng ta hoan hỷ không phải
là thanh tịnh, mà là ô nhiễm, cho nên không đạt được tâm bình đẳng, bình đẳng
cao hơn thanh tịnh.
Thanh tịnh bình đẳng giác được viết trên đề kinh,
đề kinh này có tu nhân, có chứng quả, có nhân quả. Thanh tịnh bình đẳng giác là
nhân, chúng ta tu Tịnh Độ thật sự có thể được thọ dụng là tâm thanh tịnh hiện
tiền, được tiểu thọ dụng, tâm bình đẳng hiện tiền được đại thọ dụng. Tâm thanh
tịnh hiện tiền thì sanh Phàm Thánh Đồng Cư độ; tâm bình đẳng hiện tiền thì sanh
Phương Tiện Hữu Dư độ; giác, giác thì không mê, sanh Thật Báo Trang Nghiêm độ,
không như nhau. Đây là nói bản thân chúng ta tu hành, nhờ vào công phu của
chính mình vãng sanh đến Thế giới Cực Lạc. Thanh tịnh thì khó, không dễ gì đạt
được, làm sao mới được thanh tịnh? Mắt thấy sắc, bất luận là quý vị ưa thích
hay chán ghét, đều bị ô nhiễm rồi, không thanh tịnh. Từ ô nhiễm biến thành Chấp
trước, vậy thì càng nghiêm trọng, quý vị xem thứ ấy là thật, không biết những
thứ ấy đều là giả tướng. Người niệm Phật thông thường như chúng ta, vì sao
không thể vãng sanh? Vì thanh tịnh bình đẳng giác không hiện tiền. Nhưng Pháp
môn này, điều này vẫn không phải là quan trọng nhất, quan trọng nhất là gì? Là
tín, tín nguyện hạnh. Bình đẳng giác là công phu tu hành của chúng ta, tín nguyện
hạnh là điều kiện vãng sanh. Có cần phải thanh tịnh bình đẳng giác không? Nếu
quý vị niệm đến thanh tịnh bình đẳng giác, vậy thì tốt quá rồi, quý vị không chỉ
vãng sanh, mà phẩm vị vãng sanh của quý vị còn rất cao, điều đó rất khó, không
phải là người thông thường có thể đạt được ngay trong một đời này. Nhưng tín
nguyện hạnh thì không khó, tín nguyện hạnh hoàn toàn nói trên sự tướng. Tôi thật
sự tin có Thế giới Cực Lạc, tôi thật sự tin có A Di Đà Phật, căn cứ vào đâu? Nhất
định có bằng chứng, căn cứ vào Phật không vọng ngữ, Phật không gạt người. Quý vị
phải thật sự tin, không có chút nghi ngờ nào. Phật, Thánh nhân Quân tử có lý do
gì mà gạt người, tín tâm sanh ra từ đây, kiên định không nghi, tuyệt đối không
có nghi ngờ. Từ tín tâm sanh khởi nguyện tâm, nguyện tâm là gì? Con nguyện sanh
Tịnh Độ, con nghe được trong kinh văn này giới thiệu Thế giới Tây Phương Cực Lạc
tốt đẹp như vậy, thù thắng như thế, con rất muốn vãng sanh, con thật sự muốn
vãng sanh, đây là nguyện. Có được vãng sanh hay không, là do có tín nguyện hay
không. Tâm của quý vị không thanh tịnh, không bình đẳng cũng không sao, quý vị
thật tin thật nguyện, tiếp theo chính là niệm Phật, nhất hướng chuyên niệm A Di
Đà Phật, đây là điều mà Thế Tôn dạy cho chúng ta trong Kinh. Đại sư Ngẫu Ích
còn nói đơn giản hơn, bốn chữ. Quý vị xem, 真信切願,一向專念 “chân tín thiết nguyện, nhất hướng chuyên niệm”, tám chữ. Đại sư Ngẫu Ích nói thành bốn chữ,
càng đơn giản càng tốt, bốn chữ đó là gì? 信、願、持名 “Tín, nguyện, trì danh”. Trì danh chính là niệm Phật, đừng để câu Phật hiệu này gián đoạn,
duy trì Phật hiệu, niệm niệm tương tục, một niệm nối tiếp một niệm, niệm niệm đều
là A Di Đà Phật thì chắc chắn được vãng sanh.
Hai hôm nay, Tổng giám đốc Tạ ở chỗ chúng tôi,
chúng tôi gặp gỡ rất hoan hỷ, cha của anh ấy vãng sanh vào tháng trước, thật sự
vãng sanh, làm chứng chuyển cho mọi người, tướng tốt hi hữu. Bình thường không
niệm Phật, cũng không có nguyện, cũng không có hạnh, anh ấy sốt ruột, cha không
vãng sanh thì lại phải tiếp tục lục đạo luân hồi rồi. Tuy cả đời hành thiện,
nhiều nhất là sanh lên cõi trời, đây không phải là cách, vãng sanh Thế giới Cực
Lạc mới là công đức viên mãn. Vào lúc đó phải làm sao? Hai tiếng trước khi qua
đời, anh ấy khuyên cha mình lần cuối, cha có tin Thế giới Tây Phương Cực Lạc
hay không? Cha anh ấy gật đầu, không phản đối, bình thường nói với ông thì ông
đều lắc đầu, ông không chịu đi. Ba có muốn vãng sanh không? Gật đầu; thật sự có
A Di Đà Phật, gật đầu, vậy thì dễ làm rồi. Cho nên anh liền nói: con niệm A Di
Đà Phật, cha niệm theo con có được không? Anh liền dẫn dắt cha mình niệm Phật,
niệm được hai tiếng, ra đi rồi. Toàn thân mềm mại, còn mềm mại hơn lúc còn sống.
Lúc đó ở hiện trường nhìn thấy được, tôi nghe nói có hơn một ngàn người, đến trợ
niệm cho ông, đưa ông vãng sanh, tướng tốt hi hữu, có người thấy ánh sáng, thấy
hoa sen, ngửi được hương thơm đặc biệt, thật sự không thể nghĩ bàn.
Cho nên niệm Phật quan trọng, chẳng thể không
niệm Phật. Công phu niệm Phật có ba cấp bậc, thứ nhất là niệm đến tâm thanh tịnh,
không bị hoàn cảnh bên ngoài quấy nhiễu, tâm liền thanh tịnh. Bất luận nhìn thấy
gì, thích hay không thích cũng chẳng chú ý, đều không để trong tâm, nắm bắt một
điều tổng [quát], phía trước đã nói, Pháp môn tổng trì, những gì có tướng đều
là hư vọng, tôi không bị chúng quấy nhiễu. Tôi nhìn thấy sắc tướng này, không
có yêu thích, không có oán hận, quán bình đẳng. Vì sao vậy? Đều là giả tướng,
thích là giả tướng, ghét cũng là giả tướng, đừng tiếp tục phân biệt, không nên
để trong tâm nữa, trong tâm chỉ có một vị A Di Đà Phật, đây gọi là người niệm
Phật. Quý vị thật sự có thể giữ chắc, giữ được hai ba năm thì tự nhiên sẽ được
công phu thành phiến, công phu thành phiến chính là được tâm thanh tịnh, tâm
thanh tịnh hiện tiền.
Chúng ta xem tiếp, 進言之 “tiến ngôn chi”, tiến
thêm một bước để nói, 則真如周遍,萬法一如 “tắc chân như chu biến, vạn pháp nhất như” (thì chân như biến khắp, vạn pháp nhất như), ý nghĩa này sâu. Chân như chính là Chân Tâm,
“chân” là Chân Tâm, “như” là nói tất cả pháp. Chân Tâm có thể hiện ra vạn pháp,
vạn pháp chính là “như”, vạn pháp như Chân Tâm ấy, ở đâu? Ở khắp pháp giới. Thật
sự là vạn pháp nhất như, “nhất” chính là nhất tâm, “như” [là] như tánh ấy, tướng
như tánh ấy, tánh như tướng ấy, tánh và tướng là một, không phải hai. Tánh,
ngay thể là không; vạn pháp trọn chẳng thể được, sanh diệt trong sát-na, trọn
chẳng đạt được. Vì vậy, không để trong tâm thì thanh tịnh bình đẳng giác hiện
tiền, để trong tâm thì sai rồi, không thể để vào trong tâm. Tiếp theo, 心、佛、眾生,三無差別 “tâm, Phật, chúng sanh, tam vô sai biệt” (tâm, Phật, chúng sanh, ba điều chẳng khác biệt). Một mà ba, ba mà một, Phật và chúng sanh đều
là thuộc về vạn pháp, vạn pháp là do tâm hiện, tâm là năng sanh năng hiện; Phật,
chúng sanh là sở sanh sở hiện, Phật là chúng sanh đã giác ngộ, chúng sanh là Phật
đang mê hoặc, tâm và Phật là một, Phật và chúng sanh là một không phải hai, ba
điều chẳng khác biệt.
《往生論註》曰:平等,是諸法體相 “Vãng Sanh Luận Chú
viết: Bình đẳng, thị chư pháp thể tướng” (Vãng Sanh Luận Chú nói: Bình đẳng là thể tướng của các pháp). Câu này nói rất hay, tất cả pháp, thể bình
đẳng, tướng bình đẳng. Thể là Chân Tâm, có thể sanh có thể hiện; tướng là giả
tướng, được sanh được hiện. 又曰:眾生見阿彌陀如來相好光明身者,如上種種身業繫縛皆得解脫,入如來家畢竟得平等身業 “Hựu viết: Chúng sanh kiến A Di Đà Như Lai tướng hảo quang minh thân
giả, như thượng chủng chủng thân nghiệp hệ phược giai đắc giải thoát, nhập Như
Lai gia tất cánh đắc bình đẳng thân nghiệp” (Lại nói: Chúng sanh thấy thân tướng hảo
quang minh của A Di Đà Như Lai, thì tất cả trói buộc thân nghiệp như trên đều được cởi bỏ,
vào nhà Như Lai rốt ráo được
thân nghiệp bình đẳng). Lời
nói này rất hay, chúng sanh thấy tướng hảo quang minh của A Di Đà Như Lai, khi
nào thấy được? Ở thế gian này, thấy được trong định, thấy được trong mộng, còn
thấy được trong cảm ứng, tựa như mộng mà chẳng phải mộng, cảm ứng thấy được. Chỉ
cần có thể thấy được tướng hảo quang minh của A Di Đà Phật, thân nghiệp đã nói ở
phía trước, nghiệp đã tạo, thân nghiệp: sát sanh, trộm cướp, dâm dục, ba nghiệp
của thân, sự trói buộc của ba nghiệp này đều được giải thoát. 入如來家畢竟得平等口業 “Nhập Như Lai gia tất cánh đắc bình đẳng khẩu nghiệp” (Vào nhà Như Lai rốt ráo được khẩu nghiệp
bình đẳng). 若遇阿彌陀如來平等光照,若聞阿彌陀如來平等意業 “Nhược ngộ A Di Đà Như Lai bình đẳng quang chiếu, nhược văn A Di Đà
Như Lai bình đẳng ý nghiệp” (Hoặc gặp được quang minh chiếu rọi bình đẳng của A Di Đà Như Lai, hoặc nghe ý nghiệp bình đẳng của A Di Đà Như
Lai), ý nghiệp là tham sân si, 是等眾生如上種種意業繫縛皆得解脫,入如來家畢竟得平等意業 “thị đẳng chúng sanh như thượng chủng chủng ý nghiệp hệ phược giai đắc
giải thoát, nhập Như Lai gia tất cánh đắc bình đẳng ý nghiệp” (tất cả sự trói buộc bởi ý nghiệp như trên của
những chúng sanh ấy đều được cởi bỏ, vào nhà Như Lai rốt ráo được ý nghiệp
bình đẳng), rốt ráo được ý nghiệp
bình đẳng, chỉ cần vào nhà Như Lai. Vào nhà Như Lai ở đây chính là vãng sanh Tịnh
Độ, lý luận và căn cứ của việc vãng sanh Tịnh Độ phá phiền não, tiêu nghiệp chướng
là những câu này. Trong Chú Giải Vãng Sanh Luận của Đại sư Đàm Loan có nói những
câu này, rốt ráo thân nghiệp bình đẳng, đạt được, rốt ráo khẩu nghiệp bình đẳng,
rốt ráo ý nghiệp bình đẳng, hết thảy đều được giải thoát.
Đoạn văn này nói Đại sĩ trong mười phương,
các vị Bồ-tát này trong mười phương thế giới có duyên nghe được danh hiệu của A
Di Đà Phật, tiếp theo nói, 蓋謂十方大士,若於阿彌陀如來,睹相 “cái vị thập phương Đại sĩ, nhược ư A Di Đà Như Lai, đổ tướng” (nên nói Đại sĩ trong mười phương, nếu
đối với A Di Đà Như Lai, mà thấy tướng), quý vị
nhìn thấy tướng của A Di Đà Phật, 聞名 “văn danh” (nghe
danh), phía trước là mắt
thấy, ở đây là tai nghe, hoặc là 見光 “kiến quang” (thấy quang minh), hoặc là 知意 “tri ý” (biết ý), hiểu được ý của Phật, 皆入如來之室。以聞名故,得畢竟平等之業。與此願之聞我名者,證離生法,獲陀羅尼,清淨歡喜,得平等住,全然一味 “giai nhập Như Lai
chi thất. Dĩ văn
danh cố, đắc tất cánh bình đẳng chi nghiệp. Dữ thử nguyện chi văn ngã danh giả,
chứng ly sanh pháp, hoạch đà-la-ni, thanh tịnh hoan hỷ, đắc bình đẳng trụ, toàn
nhiên nhất vị” (đều vào thất của Như Lai. Nhờ
nghe danh hiệu nên được nghiệp bình đẳng rốt ráo. Cùng với nguyện “nghe danh của con, chứng
pháp ly sanh, đạt được đà-la-ni, thanh tịnh hoan hỷ, được trụ trong bình đẳng”,
hoàn toàn là một pháp vị), hoàn
toàn là một ý nghĩa. 以聞名故,得住平等法中 “Dĩ văn danh cố, đắc trụ bình đẳng pháp trung” (Nhờ nghe danh hiệu nên được trụ trong pháp
bình đẳng), không có một pháp
nào không phải là A Di Đà Phật, 即住於諸法實相也 “tức trụ ư chư pháp
thật tướng dã” (tức là
trụ trong thật tướng các pháp). Hôm nay chúng ta, trụ trong pháp bình đẳng [bằng cách] dùng danh hiệu Di Đà này, chúng
ta trụ trong danh hiệu Di Đà, trong tâm này có trụ, trong tâm thật có, chắc chắn
vãng sanh, điều này quan trọng. Trong tâm chắc chắn không trụ vào điều gì khác,
cũng không trụ vào tất cả pháp, chỉ trụ A Di Đà Phật, học lão Hòa thượng Hải Hiền.
Hòa thượng Hải Hiền, Hải Khánh, Lão Đức đều dùng phương pháp này, một đời đạt
được thành tựu không thể nghĩ bàn, chúng ta phải hiểu được điều này.
Tiếp theo, Niệm lão trích dẫn một đoạn văn
trong bản Hán Dịch, 稱阿彌陀佛為無量清淨平等覺 “xưng A Di Đà Phật vi
vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác” (tôn xưng A Di Đà Phật là Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác), đây là đề kinh của bản Hán Dịch, đề kinh của
bản dịch thời Hán. 故知十方大士,聞佛名號,至心信樂 “Cố tri thập phương Đại
sĩ, văn Phật danh hiệu, chí tâm tín nhạo” (Nên biết Đại sĩ trong mười phương nghe danh hiệu Phật, chí tâm tín
nhạo), bốn chữ này quan trọng,
chí tâm là Chân Tâm, chân thành đến tột bậc, tin tưởng, không có chút nghi ngờ,
ưa chuộng, yêu thích, tín là tin có Thế giới Cực Lạc, tin có A Di Đà Phật, nhạo
là cầu sanh Thế giới Cực Lạc. Bốn chữ này chính là tâm Bồ-đề, chí tâm tín nhạo
chính là phát tâm đại Bồ-đề. Tiếp theo nói, 以平等心,念平等覺,如是安住,亦是得平等住之義也 “dĩ bình đẳng tâm, niệm bình đẳng giác, như thị an trụ, diệc thị đắc
bình đẳng trụ chi nghĩa dã” (dùng tâm bình đẳng niệm Bình Đẳng Giác, an trụ như thế cũng là ý nghĩa được trụ trong bình đẳng). Nói rất hay, được trụ trong bình đẳng, [là]
Pháp thân Bồ-tát, không phải là Bồ-tát thông thường. Tông môn của chúng ta nói,
trong Thiền tông nói: đại triệt đại ngộ, minh Tâm kiến Tánh; trong Tịnh Độ tông
gọi là Lý Nhất tâm Bất loạn, đắc bình đẳng trụ, [là] Lý Nhất tâm Bất loạn.
此一句佛號即是實相,即是法界全體,即是諸法平等體性 “Thử nhất cú Phật hiệu
tức thị thật tướng, tức thị pháp giới toàn thể, tức thị chư pháp bình đẳng thể
tánh” (Một câu Phật hiệu này
chính là thật tướng, chính là toàn thể của pháp giới, chính là thể tánh bình đẳng
của các pháp). Những câu nói này nói được quá hay, mỗi chữ
đều chân thật, không có một chữ nào là vọng ngữ, người thông thường chúng ta có
mấy ai biết được? Tông môn nói thật tướng các pháp, chính là một câu Phật hiệu
này. Học tập, niệm một câu Phật hiệu này thì dễ, quán thật tướng các pháp rất
khó, đạo khó thực hành hay đạo dễ thực hành, có thể thấy rõ từ chỗ này. Vì vậy, câu Phật hiệu này chính là toàn thể của
pháp giới. Hoa Nghiêm phải tu pháp giới quán, quý vị xem, so sánh Pháp môn này
với Hoa Nghiêm, đơn giản dễ dàng [hơn]. Chúng ta niệm câu Phật hiệu này, Hoa
Nghiêm ở trong đó, Thiền tông ở trong đó, Mật tông cũng ở trong đó, Giáo hạ, Giới
luật đều ở trong đó, đầy đủ rồi, cho nên nói là toàn thể của pháp giới. 即是諸法平等體性 “Tức thị chư pháp bình đẳng thể tánh” (Chính là thể tánh bình đẳng của chư pháp), câu Phật hiệu này là thể tánh bình đẳng của
tất cả pháp, còn gì tuyệt vời hơn? Thật sự không thể nghĩ bàn. 但能念念相繼,念而無念,無念而念,故曰得平等住 “Đãn năng niệm niệm tương kế, niệm nhi vô niệm, vô niệm nhi niệm, cố
viết đắc bình đẳng trụ” (Chỉ
cần có thể niệm niệm nối tiếp, niệm mà không niệm, không niệm mà niệm, nên nói là đắc bình đẳng trụ). Ai làm được điều này? Tôi vừa nhắc đến thì
mọi người đều biết, lão Hòa thượng Hải Hiền làm được rồi.
如是心行,是菩薩行,輾轉教授,同歸極樂。普惠眾生真實之利,故曰修菩薩行 “Như thị tâm hạnh,
thị Bồ-tát hạnh, triển chuyển giáo thọ, đồng quy Cực Lạc. Phổ huệ chúng sanh
chân thật chi lợi, cố viết tu Bồ-tát hạnh” (Tâm hạnh như vậy là Bồ-tát
hạnh, luân phiên truyền dạy, cùng về Cực Lạc. Ban cho khắp chúng sanh lợi ích
chân thật, nên gọi là tu Bồ-tát hạnh). Đoạn
văn sau cùng này khuyên chúng ta niệm Phật, thật sự là quá tốt, đã nói hết Pháp
môn niệm Phật rồi, nói đến rốt ráo, nói đến viên mãn. Bản thân chúng ta phải
nghiêm túc tu hành, phải tu thanh tịnh bình đẳng giác, khuyến khích chúng ta
vãng sanh [được] Thượng phẩm Thượng sanh. Phải xây dựng nền tảng vững chắc, phải
cắm cho chắc, nền tảng nào vững chắc? Tín, nguyện, trì danh. Thăng cấp lên trên, chính là tu Bồ-tát hạnh,
được trụ trong bình đẳng. Thân hành ngôn giáo, luân phiên truyền dạy, cùng về Cực
Lạc, ban cho khắp chúng sanh lợi ích chân thật, nên gọi là tu Bồ-tát hạnh. 如是修行,自然具足一切佛果之功德根本,故云具足德本 “Như thị tu hành, tự nhiên cụ túc nhất thiết Phật quả chi công đức căn
bản, cố vân cụ túc đức bổn” (Tu hành như vậy, tự nhiên đầy đủ căn bản công đức của tất cả quả Phật, nên gọi
là đầy đủ đức bổn), giống như A Di Đà Phật thật sự đầy đủ vô lượng
vô biên công đức không thể nghĩ bàn. Ở chỗ này nói với chúng ta, tu hành như vậy,
tự nhiên đầy đủ căn bản công đức của tất cả quả Phật, đầy đủ đức bổn.
如《會疏》曰:一、菩薩六度,一切功德之本。故名德本。二、選擇攝取果號,能流出六度萬行,為眾德本原 “Như Hội Sớ viết:
Nhất: Bồ-tát Lục độ, nhất thiết công đức chi bổn, cố danh đức bổn. Nhị: Tuyển trạch nhiếp thủ quả hiệu, năng lưu
xuất Lục độ vạn hạnh, vi chúng đức bổn nguyên” (Như sách Hội Sớ nói: Thứ nhất: Lục độ của Bồ-tát là gốc của tất cả công đức, nên gọi là đức
bổn; thứ hai: Chọn lựa nhiếp thủ quả hiệu, có thể lưu xuất Lục độ vạn hạnh, là
nguồn gốc của các đức),
trong ngoặc đơn đặc biệt chú giải rõ cho chúng ta, (此乃以持佛號為德本),故名德本 “(thử nãi dĩ trì Phật hiệu vi đức bổn), cố danh đức bổn” ((đây là lấy việc trì Phật hiệu làm đức bổn), nên gọi là đức
bổn). Phật hiệu còn phương tiện nhiều hơn Lục độ
vạn hạnh, Phật hiệu này thật sự có thể đầy đủ sao? Thật sự có thể. Quý vị xem,
Lục ba-la-mật, Bố thí, bản thân chúng ta tu tín nguyện trì danh, công đức danh
hiệu vô lượng vô biên, thành tựu vô lượng công đức của chính mình, thân hành
ngôn giáo, đó là vô lượng công đức của bố thí. Trì giới, đây là Đạo cộng giới,
còn cao hơn, viên mãn hơn Định cộng giới, lại huống chi đồng học Tịnh tông
chúng ta, năm môn công khóa trong hành môn là giới luật của chúng ta, Tịnh nghiệp
Tam phước, Lục hòa, Tam học, Lục độ, Thập nguyện Phổ Hiền, trì giới viên mãn.
Thâm nhập một môn, huân tu lâu dài, [là] Nhẫn nhục ba-la-mật. Đọc sách ngàn lần,
tự hiểu nghĩa kia, [là] Tinh tấn ba-la-mật. Một câu Phật hiệu, trọn không chuyển
hướng, [là] Thiền định ba-la-mật, định và huệ đều ở trong đó. Vì vậy, thật sự
là gốc của tất cả công đức, Lục độ viên mãn của Bồ-tát. Phật hiệu mà hiện nay
chúng ta lựa chọn, từ trong Phật hiệu lưu xuất Lục độ vạn hạnh, là nguồn gốc của
các đức, so với Bồ-tát đầy đủ Lục độ vạn hạnh thông thường, không có khác biệt.
Thời gian hôm nay hết rồi, chúng ta học tập đến đây thôi.
(Hết tập 203)
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử cùng chúng sanh
Đều sanh nước Cực Lạc
Sớm viên thành Phật quả
Rộng độ khắp chúng sanh.
Nam Mô A Di Đà Phật.