Responsive Menu
Add more content here...

Tập 304 – Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú 2014

 

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH KHOA CHÚ 2014 (Giảng lần thứ 4)

PHẨM 24: TAM BỐI VÃNG SANH:

Ba Bậc Vãng Sanh

Tập 304

Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng.

Giảng tại: Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông.

Thời gian: Ngày 21 tháng 1 năm 2016.

Dịch giả: Thích Thiện Trang.

 

          Kính chào chư vị Pháp sư, chư vị đồng học, mời an tọa. Thỉnh mọi người cùng tôi quy y Tam Bảo:

          A-xà-lê tồn niệm, ngã đệ tử Diệu Âm, thỉ tùng kim nhật, nãi chí mạng tồn, quy y Phật Đà, lưỡng túc trung tôn, quy y Đạt Ma, ly dục trung tôn, quy y Tăng Già, chư chúng trung tôn  (3 lần)

          Mời xem Đại Kinh Khoa Chú, trang 727, đếm ngược từ hàng thứ năm:

           總標三輩 ‘Tổng tiêu tam bối’(Tổng nêu ba bậc vãng sanh). Phẩm 24 và phẩm 25, là hai phẩm giảng về sự tu hành. Phần trước giúp chúng ta đã có nhận thức tương đối về Thế Giới Cực Lạc của A Di Đà Phật, vô cùng mong muốn vãng sanh, bây giờ nói với chúng ta làm sao để đi, thì phẩm kinh này rất là quan trọng, mời xem kinh văn:

      佛告阿難。十方世界諸天人民。其有至心願生彼國。凡有三輩Phật cáo A Nan: Thập phương thế giới chư thiên nhân dân, kỳ hữu chí tâm nguyện sanh bỉ quốc, phàm hữu tam bối”(Phật bảo A Nan: chư thiên nhân dân ở mười phương thế giới, có lòng chí tâm nguyện sanh nước ấy, nói chung có ba bậc).

          Đây là nêu tổng quát, trước nói rõ với chúng ta, tất cả chúng sanh mười phương thế giới, ‘có lòng chí tâm nguyện sanh nước ấy’,  câu nói này quan trọng. Chí tâm là chân tâm, thật sự muốn vãng sanh. Đại sư Ngẫu Ích nói với chúng ta, ở trong Yếu Giải rằng: được vãng sanh hay không, quyết định ở có tín nguyện hay không. Hay nói cách khác, chúng ta thật tin, không có hoài nghi, chúng ta thật nguyện, không lưu luyến thế giới Sa Bà này, vậy mới đi được. Cho nên, chí tâm nguyện sanh, nguyện sanh thì đương nhiên phải có tín, nếu không có tín thì nguyện không phát khởi được, vì trong nguyện là đã có tín rồi. Đầy đủ tín nguyện là đủ điều kiện để vãng sanh Thế Giới Cực Lạc rồi. Nhưng đến Thế Giới Cực Lạc thì có ba bậc.

          Chúng ta xem chú giải của Niệm Lão, phẩm trước đó, tức là phẩm 23,

十方佛讚,乃諸佛稱歎願之成就 “Thập phương Phật tán, nãi chư phật xưng thán nguyện chi thành tựu”(Mười Phương Phật tán thán là sự thành tựu của nguyện Chư Phật khen ngợi), nguyện thứ 17 trong 48 nguyện là nguyện chư Phật xưng tán, được chư Phật khen ngợi là sự thành tựu của nguyện thứ 17. Nguyện này đạt được rồi, Đức Thế Tôn vì chúng ta nói rõ ràng, nói minh bạch rồi. Chư Phật khen ngợi là yêu cầu của A Di Đà Phật, chư Phật không phụ lòng A Di Đà Phật, đã thật sự khen ngợi, không có vị Phật nào mà không khen ngợi. Làm sao để khen ngợi? Chính là tuyên dương, đem hoàn cảnh Thế Giới Cực Lạc giới thiệu cho tất cả chúng sanh có duyên. Chúng sanh có duyên, chính là đầy đủ tín nguyện trì danh, có duyên như vậy, thì quyết định được vãng sanh. Nhưng duyên này vẫn còn một chút sai biệt, chưa được thành thục, dần dần, nghe được nhiều lần, họ sẽ có ấn tượng, họ sẽ suy xét có nên tiếp nhận hay không. Đến khi tín nguyện của họ viên mãn, họ bèn tin tưởng, lại được nghe Phật thuyết, họ liền tín nguyện trì danh, thì vãng sanh rồi. Nên nguyện chư Phật xưng tán vô cùng quan trọng, không có Phật thì không ai biết, không có Phật thì người khác nói không rõ ràng, chỉ có chư Phật giảng được rõ ràng, giảng được sáng tỏ, khiến mọi người nghe rồi liền sanh khởi niềm tin.

          Nên tiếp theo nói, 蓋欲十方眾生,聞名發心,憶念受持,而隨願得生“Cái dục thập phương chúng sanh, văn danh phát tâm, ức niệm thọ trì, nhi tùy nguyện đắc sanh”(Mong mỏi chúng sanh mười phương, nghe danh phát tâm, nhớ nghĩ thọ trì, mà tùy nguyện được sanh). Đây là mục đích của chư Phật khen ngợi, Chư Phật hy vọng tất cả chúng sanh sớm được thành Phật, tại sao vậy? Vì thành Phật mới lìa khổ rốt ráo, được vui hoàn toàn. Chư Phật Như Lai, Bồ-tát, A-la-hán, thị hiện ở chín pháp giới, mục đích là giúp đỡ tất cả chúng sanh thoát khổ được vui. Đây là tông chỉ của nền giáo dục Phật Đà. Nếu như có người hỏi chúng ta, tại sao bạn muốn học Phật, thì chúng ta trả lời như thế nào? Vì tôi muốn lìa khổ được vui. Tôi chỉ vì điều này. Giáo dục của Phật Đà đích thật có thể giúp chúng ta thoát khổ, giúp chúng ta được vui, không chỉ là chút ít khổ vui ở hiện tại, mà Phật còn giúp chúng ta hoàn toàn thoát khổ, được vui cứu cánh. Nỗi khổ tận cùng là lục đạo luân hồi, thoát khỏi lục đạo luân hồi, sanh Thế Giới Cực Lạc là niềm vui tột cùng. Đây là sự thật không phải giả, người học Phật không có mê tín, người mê tín thì sao có thể nói thoát khổ được vui chứ? Người thật sự đầu óc rõ ràng có đại trí huệ mới nói được những lời đó, tôi muốn thoát khổ được vui.

          Đây thật có phương pháp, có đạo lý, đây gọi là chân lý, nắm bắt chân lý, phương pháp dễ dàng, thật sự người xưa nói là đại đạo rất đơn giản. Trong Phật pháp, pháp môn này thật sự đơn giản đến tột cùng, không có pháp môn nào đơn giản hơn nữa. Tín, nguyện, trì danh, một câu Phật hiệu, sáu chữ hay bốn chữ đều được, còn có pháp môn nào dễ dàng hơn nữa sao? Quý vị đã nắm được điểm then chốt rồi, và niệm câu Phật hiệu này không gián đoạn, thì thành công rồi. Chúng ta nên làm việc này, tín nguyện trì danh, không nên quên mất việc trì danh này. Lúc niệm lúc quên, đó là tập khí nghiệp chướng hiện ra. Nếu quý vị hỏi tại sao tập khí nghiệp chướng hiện ra? Là do đem Phật hiệu quên đi, mà để vọng tưởng tìm tới. Ngoại trừ câu Phật hiệu ra, bất kỳ suy nghĩ gì cũng là vọng tưởng. Trong vọng tưởng có thiện có ác, đó là nghiệp, nghiệp thiện chiêu cảm ba đường thiện, nghiệp ác chiêu cảm ba đường ác, khiến không ra được lục đạo luân hồi, không thoát khỏi nỗi khổ tận cùng, phải nhận thức rõ ràng điều này. Người thật sự dụng công, thì phải bức bách chính mình, ngày đêm không ngừng nghỉ, ban đêm không ngủ, niệm Phật suốt cả đêm, câu này tiếp nối câu kia, sợ bị quên mất, bậc người như vậy, ở các triều đại xưa đều có, hiện nay cũng có, quý ngài đều có thành tựu, thật sự vãng sanh rồi, thật sự lìa khổ được vui, và làm tấm gương cho chúng ta.

         Phẩm này, 今品則論“kim phẩm tắc luận”(phẩm này sẽ luận về), chữ ‘luận’ ở đây chính là thảo luận, nghiên cứu thảo luận, hay là ở đây Thế Tôn trình bày lý luận, 往生者因行之類次“vãng sanh giả nhân hạnh chi loại thứ”(nhân hạnh của thứ loại vãng sanh). Chữ ‘Thứ’ ở đây chính là ba bậc, chữ ‘loại’ thì có bốn độ, Thật-báo độ là một loại, Phương-tiện độ là một loại, Đồng-cư độ là một loại, trong mỗi loại lại có chín phẩm, đây đều thuộc về ‘thứ loại’, 蓋以凡夫聞名後,信願有深淺“Cái dĩ phàm phu văn danh hậu, tín nguyện hữu thâm thiển”(Bởi vì phàm phu khi nghe danh hiệu, thì tín nguyện có sâu cạn), có người tin được rất sâu, có người tin rất cạn. 發心有大小“Phát tâm hữu đại tiểu”(Phát tâm có lớn nhỏ), có người phát đại tâm, thế nào là đại tâm? Chỉ phát tâm chính mình lìa khổ được vui, đó là tiểu tâm; nếu phát tâm sau khi tôi lìa khổ được vui, tôi mong giống như A Di Đà Phật, giúp đỡ tất cả chúng sanh khắp hư không pháp giới đều lìa khổ được vui, đó là phát đại tâm, giống như Phật vậy. Vậy thì Phật vô cùng hoan hỷ, bởi lại có một người chí đồng đạo hợp nữa rồi, thật hoan hỷ.

          Hiện nay chúng ta phát đại tâm, phát đại tâm này rồi thì sao? Không thực hiện được. Dù hiện nay không thực hiện được, nhưng hiện nay có tâm như vậy, thì vẫn được oai thần bổn nguyện của A Di Đà Phật gia trì, hiện nay cũng khởi tác dụng, tác dụng nhỏ hơn so với lý tưởng của quý vị. Như Lão Hòa thượng Hải Hiền, 92 năm một câu Phật hiệu chưa từng quên mất, ngài là một câu tiếp nối một câu, ngài đã thành tựu, thành tựu của ngài là dựa điều này. Người đời chúng ta nói ngài có thọ mạng dài, thọ mạng dài là do A Di Đà Phật cho ngài. Ngài nhiều lần thỉnh cầu Phật tiếp dẫn ngài, Phật nói với ngài: con tu hành không tệ, con nên trụ lại vài năm, làm tấm gương cho đệ tử nhà Phật, làm tấm gương cho người niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ. Đức Phật giữ ngài trụ ở thế gian, vì sao vậy? Bởi ngài một câu Phật hiệu chưa từng ngừng lại. Khi ngủ thì tạm gián đoạn, tạm ngừng lại, lúc thức dậy thì tiếp tục. Khi làm việc, nếu công việc không cần suy nghĩ thì vẫn niệm, còn công việc cần phải suy nghĩ thì tạm ngừng niệm, làm xong việc rồi, lại đề khởi Phật hiệu, vậy thì được rồi.  Ngài làm tấm gương cho chúng ta.   

          Chúng ta cũng phải phát nguyện làm tấm gương cho đồng tu niệm Phật, giống như Lão Hòa thượng Hải Hiền, vậy thì quý vị phải nhẫn chịu khổ nạn ở thế gian này, Phật sẽ cho quý vị thọ mạng dài, thọ mạng dài này thì có giá trị, vì sao vậy? Quý vị niệm Phật chính là tự hành hóa tha, niệm Phật được lợi ích chính mình vãng sanh, người khác thấy được quý vị là tấm gương tốt, đó là hóa tha, tự tha lưỡng lợi. Tự tha lưỡng lợi chính là Bồ-tát, không phải là người phàm. Hoàn cảnh hiện nay, thật sự là khổ không nói nên lời, xã hội động loạn, thiên tai nhân họa, nơi đâu cũng có, phát sinh bất cứ lúc nào. Người sống tại thế gian này không có được cảm giác an toàn, bất kể là giàu nghèo sang hèn, mọi người đều cảm nhận được, cảm thấy không an toàn. Cầu sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, lại làm ra tấm gương tốt cho người khác xem, thì Phật và Bồ-tát gia trì quý vị, thiên long hộ pháp cũng gia trì quý vị. Là bởi chính quý vị lựa chọn, trên kinh đã nói rõ ràng. Cho nên, ở đây Niệm Lão nói rằng: 發心有大小,持誦有多少“Phát tâm hữu đại tiểu, trì tụng hữu đa thiểu”(Phát tâm có lớn nhỏ, trì tụng có nhiều ít), quý vị đọc kinh, mỗi ngày niệm bao nhiêu bộ, mỗi ngày niệm Phật hiệu bao nhiêu câu, đó là thuộc về nhiều ít không giống nhau. 修習有勤惰“tu tập hữu cần nọa”(tu tập có siêng lười), tu thì cần chú ý chữ ‘tập’ này, tu ở trong đây có lý luận, có phương pháp, trên kinh điển dạy chúng ta rằng, chữ ‘tập’ này quan trọng, vì sao vậy? Phải thực hành, nếu không thực hành thì là giả, là trống không, không cảm được quả, thật sự cảm được quả toàn do ở chữ ‘tập’ này. ‘Tập’, thì tùy theo trí huệ của quý vị, tùy theo phương tiện thiện xảo của quý vị. Thực hành như thế nào trong đời sống hàng ngày? Là không rời một câu Phật hiệu trong đời sống hàng ngày. Làm việc, lúc làm việc cũng không rời câu Phật hiệu này, cho đến xử sự đối người tiếp vật. Nói với quý vị, câu Phật hiệu này chính là tâm chí thành, chính là chân tâm, và cũng là Tự-tánh.

          Chúng tôi thường khuyến khích đồng học, học Phật phải dùng tâm chân thành để học, phát tâm Bồ-đề, nhất hướng chuyên niệm. Trong phát tâm Bồ-đề thì tâm chí thành, chân thành đến tột cùng là bậc nhất, đó là thể của tâm Bồ-đề. Từ thể khởi tác dụng, có tự thọ dụng, có tha thọ dụng, tự thọ dụng gọi là thâm tâm, tha thọ dụng gọi là từ bi, đại từ đại bi. Đối xử với người khác đại từ đại bi, giống như Phật đối với chúng sanh vậy, thấy chúng sanh đang chịu khổ, chịu nạn, thì nên giúp đỡ họ, giúp họ chính là tự tha lưỡng lợi, niệm Phật hồi hướng cho họ, tụng kinh hồi hướng cho họ. Tụng kinh giúp họ: trước rõ đạo lý, sau là phát tâm. Đã phát tâm rồi, chúng ta niệm Phật hồi hướng cho họ, như vậy là tốt. Nên cần phải hiểu: ý nghĩa của tụng kinh, ý nghĩa của niệm Phật, phải rõ ràng, sáng tỏ. ‘Tập’, tập là thật làm, nếu không thật làm, thì không thể thành tựu. Nên tu tập có siêng có lười, người người không giống nhau.

          眾生之宿根有無量差別,福德因緣亦復各有殊異,人人自別,各各不同“Chúng sanh chi túc căn hữu vô lượng sai biệt, phước đức nhân duyên diệc phục các hữu thù dị, nhân nhân tự biệt, các các bất đồng”(túc căn của chúng sanh có vô lượng sai biệt, phước đức nhân duyên lại càng sai khác hơn nữa, người người khác nhau, mỗi mỗi bất đồng). Lời này nói được rất hay! Đây đều là tổng thuyết, nếu nói chi tiết thì rất nhiều, không nói hết được, nói chung: túc căn của mỗi người khác nhau rất nhiều như vậy. Tiếp theo Niệm Lão nói với chúng ta: 故知十方眾生往生者無量“Cố tri thập phương chúng sanh vãng sanh giả vô lượng”(nên biết số chúng sanh ở mười phương vãng sanh vô lượng), là sự thật, 其品類亦無有量“kỳ phẩm loại diệc vô hữu lượng”(thì phẩm loại của họ cũng vô lượng). Vãng sanh đến bốn độ, ba bậc chín phẩm, thì trong mỗi phẩm cũng có vô lượng, mỗi một loại cũng có vô lượng. Vô lượng vào lúc nào? Mọi lúc đều có vô lượng người vãng sanh đến, từ tận hư không biến pháp giới, phạm vi này quá lớn rồi, có biên giới hay không? Không có biên giới, lớn không có giới hạn, ngược lại mà xem, thì nhỏ không có tận cùng. Trong lớn có nhỏ, trong nhỏ lại có lớn, trùng trùng vô tận, đó là chân tướng sự thật.

          Những năm đầu triều nhà Đường, Quốc sư Hiền Thủ là thầy của ngài Thanh Lương, lúc đó lần đầu Kinh Hoa Nghiêm được dịch ra tại Trung Hoa, bản dịch triều Tống gồm 60 quyển, bản dịch Kinh Hoa Nghiêm của ngài Quốc sư Hiền Thủ gồm 60 quyển, còn bộ 80 quyển là bản dịch của triều Đường, thì ngài không nhìn thấy. Khi ngài giảng đến trùng trùng vô tận, vua nghe không hiểu, đó là như thế nào? Quốc sư rất thông minh, xin nhà vua làm một cái đình 8 góc, xây một cái đình nhỏ, có 8 góc, 8 mặt, gắn kính lên đó, 8 tấm kính ở tám mặt đó soi chiếu lẫn nhau, bên trên và bên dưới cũng gắn tấm kính, rồi mời vua vào trong đó đứng để quan sát, vua vào trong đình 8 góc quan sát, thì rõ ràng rồi, ánh sáng chiếu qua lại, thành trùng trùng vô tận, trên dưới cũng vô tận. Vũ trụ này cũng sanh khởi như vậy, không thể nghĩ bàn, không có cách nào tưởng tượng được. Lớn mà không ngoài, nhỏ mà không trong, đó là chân tướng sự thật.

          Về vãng sanh, thì trong thời gian từng niệm của chúng ta đều có người vãng sanh, người ở mười phương thế giới, vãng sanh không bao giờ ngừng, không có nói là nghỉ ngơi, A Di Đà Phật tiếp dẫn không bỏ sót một ai. Vậy thì sẽ có người nói A Di Đà Phật quá khổ nhọc rồi, không có một chút thời gian nghỉ ngơi. Tiếp dẫn không ngừng, cảm ứng Đức Di Đà, chúng sanh cầu sanh Tịnh-độ là cảm, A Di Đà Phật là ứng. Phật đã phát nguyện này, đây là nguyện chân thật, không phải giả, là nguyện tiếp dẫn, quý vị vãng sanh, thì Phật nhất định đến tiếp dẫn.

          Vũ trụ lớn cỡ nào? Lớn vô cùng, không có lớn nhỏ, không có trước sau, không có sanh diệt, không có xa gần, đó đều là vọng tưởng của chúng ta, nếu đem tất cả vọng tưởng đó bỏ đi, thì quý vị khế nhập được rồi. Chỉ cần có vọng tưởng đó, thì vọng tưởng này tạo thành chướng ngại cho quý vị, chướng ngại quý vị không thể kiến tánh, chướng ngại quý vị không thể lý giải được. Nếu quý muốn thật sự lý giải, thì học vấn của Cổ Thánh Tiên Hiền là Phật học, cảnh giới của quý ngài đạt được là không khác so với chư Phật Như Lai, mà cũng đều là vô sư tự thông. Người xưa không thầy mà tự thông nhiều, thường có, tại nguyên nhân gì? Vì tâm địa thanh tịnh, không có vọng tưởng, không có phân biệt, không có chấp trước, nên dễ dàng, bất kể gặp xúc động gì, thiện căn quý ngài liền phát hiện, liền ngộ rồi. Đó là vô sư tự thông. Chúng ta thấy trên thế giới, những tổ sư sáng giáo của những tôn giáo lớn, đều thuộc hạng người như vậy, tâm địa thanh tịnh, thì tự nhiên thông đạt rõ ràng. Duyên của xúc động không có nhất định, bất kể là duyên gì, có người nhìn thấy lá trên cây rụng vào mùa thu, họ nhìn thấy lá cây rụng xuống, bèn khai ngộ rồi, có người nghe âm thanh của dòng nước chảy, liền khai ngộ, nên không nhất định. Điều gì có thể giúp cho quý vị khai ngộ thì đều gọi là Phật pháp, Phật pháp không có giới hạn, 84 ngàn pháp môn mà Phật nói, thì Phật không nói lối vào tổng quát, mà vô lượng pháp môn, chỉ cần có thể giúp quý vị khai ngộ thì đều là Phật pháp.

          Cho nên cổ nhân dạy chúng ta, phải niệm kinh, niệm sẽ được định, niệm như thế nào? Chỉ cần tập trung niệm, không suy nghĩ. Một khi suy nghĩ, quý vị một mặt niệm kinh, một mặt khởi vọng tưởng, quý vị suy nghĩ ý nghĩa trong kinh, vậy thì nói với quý vị biết, kinh điển không có ý nghĩa, trong tâm thanh tịnh sao lại có ý nghĩa, ý nghĩa toàn là vọng tưởng. Nên Phật thuyết, Phật giảng kinh là nói mà không nói, không nói mà nói. Đại Thừa Khởi Tín Luận dạy chúng ta rõ ràng: không được dùng tướng tâm duyên. Tướng tâm duyên tức là tôi suy nghĩ đó là ý nghĩa gì, không có ý nghĩa mà. Không có ý nghĩa, sau khi quý vị khai ngộ, quý vị sẽ thấy ra vô lượng nghĩa ở trong văn kinh đó, quý vị mới thật sự độ được chúng sanh. Vì sao vậy? Bởi phẩm loại chúng sanh vô lượng vô biên, lời nói quý vị mới thật khế hợp căn cơ của họ, thì họ bèn khai ngộ. Lúc quý vị giảng cho một người nào đó, thì giảng một pháp khác, không chỉ giảng một pháp đó, mà tùy giảng cho ai, ai đang nghe, người đương cơ ấy bèn khai ngộ rồi, thật diệu!

          Đặc biệt là bộ Kinh Tịnh-tông này, bộ kinh điển này là cực diệu, quý vị chỉ cần nghe hiểu rồi, thì quyết một lòng, buông bỏ toàn bộ, buông xuống tất cả, chỉ một câu Phật hiệu này, thì tôi tin tưởng quý vị nhất định khai ngộ, được tiểu ngộ, đại ngộ, đại triệt đại ngộ. Quý vị niệm Phật danh, có thể, được như ngài Hải Hiền làm tấm gương cho chúng ta vậy, chỉ một câu Phật hiệu, không cần gì nhiều. Có người đọc kinh, cũng được, mỗi ngày niệm 10 bộ, hoặc niệm 20 bộ. Lúc đầu niệm chưa thuộc, niệm một bộ phải mất một tiếng rưỡi đến hai tiếng; Khi niệm thuộc rồi, hoàn toàn thuộc lòng, thuộc đến không sót một chữ, thì niệm một lần chỉ mất nửa giờ thôi. Nên có người niệm 10 giờ mỗi ngày, tốt. Khi nhuần nhuyễn rồi thì 10 giờ niệm được 20 biến. Mỗi ngày niệm 10 biến cũng chỉ 10 giờ, họ đọc tốc độ chậm, một giờ đọc được một biến. Cũng có người với 10 giờ chỉ đọc được 5 biến, đều không sao, chỉ cần quý vị buông xuống vạn duyên, nhất tâm để niệm. Phải dùng nhất tâm, tức là lúc niệm, không có nghi ngờ, không xen tạp, không niệm sai chữ, không niệm sót, thì được rồi.

          Niệm trên ngàn lần, niệm ngàn biến được tiểu ngộ, đọc sách ngàn lần, tự thấy nghĩa kia. Tự thấy chính là khai ngộ, hiểu rõ ràng ý nghĩa đại khái ở trong đó rồi. Thời xưa khi rõ ràng như vậy rồi, nhưng chính mình vẫn chưa biết đó là thật hay giả, nên phải đến thỉnh thầy làm chứng minh. Quý vị đem chỗ ngộ của quý vị báo cáo cho thầy, để thầy xem xét đó là ngộ thật hay không, nếu thật khai ngộ, thì tốt nghiệp rồi. Một ngàn lần thì tiểu ngộ, hai ngàn lần thì đại ngộ, sau khi hoàn thành một ngàn biến, lại niệm một ngàn biến, vẫn là phương pháp cũ, không nghi ngờ, không xen tạp, niệm đến khi không có vọng niệm, không có tạp niệm, không có phân biệt, không có chấp trước, phải niệm đến như vậy mới được. Niệm hai ngàn biến, thì quý vị lại đem chỗ ngộ của quý vị nói ra, quý vị ngộ được sâu, có độ sâu rồi, đạt được gặp một hiểu nhiều, linh hoạt sống động, cao minh hơn nhiều so với niệm một ngàn biến. Niệm ngàn biến đầu, thì quý vị lãnh hội không sai, một ngàn biến thứ hai thì được hiệu quả rồi, có thể giảng kinh dạy học rồi, là đại ngộ, là Bồ-Tát. Đến ngàn biến thứ ba thì triệt ngộ, đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, hoàn toàn thông rồi.

            Chúng ta thấy trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Đại sư Huệ Năng, ngài nghe người khác niệm Kinh Kim Cang, dù ngài không biết chữ, ngài chưa từng đi học, nhưng vì sao được như vậy? Bởi thiện căn tu hành từ vô lượng kiếp rồi, nên gặp được duyên ấy, ngài bèn khai ngộ. Ngài không phải là thấy sắc, mà ngài nghe âm thanh, nghe người khác đọc Kinh Kim Cang, thì thiện căn của ngài liền xúc động, đọc đến câu ‘ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm’, ngài cảm xúc với câu ấy vô cùng sâu sắc. Ngài được những thiện hữu giúp đỡ, để ngài có duyên phận đến thân cận Ngũ tổ. Tám tháng ở Hoàng Mai, Ngài làm gì? Ngài chỉ gặp Ngũ tổ hai lần, ngài chưa vào Thiền đường, chưa có vào giảng đường, tám tháng đó là giã gạo, bổ củi, làm việc trong nhà bếp. Đó là làm gì? Hiện nay, chúng ta rõ ràng rồi, ngài ở trong đó là tu thiền. Chỉ có chính ngài biết, Ngũ tổ cũng biết.

            Ngài là thật dụng công, nên duyên của ngài chín muồi rồi, Ngũ tổ ước tính, tám tháng qua, thì chín muồi rồi, nên tuyên bố truyền pháp, bảo mọi người viết một bài kệ. Quý vị thấy trong Đàn Kinh ghi lại, đến cuối cùng bức ép Thần Tú phải viết ra một bài kệ, mọi người hiểu được là chưa khai ngộ.

“Thân thị Bồ-đề thọ,
 tâm như minh kính đài,
 thời thời cần phất thức,
vật sử nhạ trần ai ”

(Thân như cây Bồ-đề,
tâm như đài gương sáng,
thường thường siêng lau chùi,
chớ để bám bụi nhơ
),

là bài kệ của Thần Tú viết. Tin tức đó truyền đến nhà giã gạo, ngài nghe được, biết Thần Tú chưa khai ngộ, nên ngài cũng muốn đi xem. Ngài nhờ người dẫn ngài tới điện chùa, nơi mà dán bài kệ đó, ngài nói tôi muốn lễ một lễ, để trồng một chút thiện căn, ngài rất khiêm tốn. Việc này khiến chúng ta hiểu được, Đại sư Huệ Năng là người thật thà, quý vị thấy ngài ở trong chùa tám tháng, mà vẫn không biết nơi dán bài kệ đó. Sai bảo ngài đến nơi giã gạo, thì tám tháng ngài ở nơi giã gạo, trừ nơi giã gạo ra, chỗ khác đều không đến, ngôi chùa ấy rộng lớn như vậy, mọi ngõ ngách ngài đều không đến. Nếu là người như vậy, thì đều đi đến khắp nơi để được rõ ràng, thăm dò rất kỹ càng, ai nói gì tôi liền biết ở đâu. Nhưng ngài hoàn toàn không biết, ngài thật thà, nghe lời, thật làm, là từ trong ấy mà thấy ra được, bổn sự của ngài là sáu chữ: thật thà, nghe lời, thật làm.

Ngài đem bài kệ này sửa lại thành:

“Bồ-đề bổn vô thọ,
minh kính diệc phi đài,
bổn lai vô nhất vật,
hà sử nhạ trần ai”

( Bồ-đế vốn chẳng cây
 Gương sáng cũng không đài
 Xưa nay không một vật
Chỗ nào dính bụi nhơ
).

Mọi người xem bài kệ này kinh hãi, nhưng không dám nói. Ngũ tổ mau chóng đến chùi xóa bài kệ đó, nói với mọi người: vẫn chưa kiến tánh, khiến mọi người an tâm trở lại. Sau đó, ngài đi tuần liêu, tuần liêu tức là đi tất cả nơi trong chùa đều xem qua một vòng, gọi là đi thị sát, nhà Phật gọi là tuần liêu. Đó là che tai mắt người khác, để ngầm đến nhà giã gạo, quý vị thấy ngài hỏi: ‘Gạo giã đã nhuyễn chưa?’ Đó là thiền cơ, người khác không biết được, trong lời ngài lại có lời. Đáp: dạ! nhuyễn rồi, sớm đã nhuyễn rồi ạ! ‘mà vẫn còn thiếu sàng’, tức là chưa có người làm chứng minh cho ngài. Lúc đó hỏi gạo đã nhuyễn chưa, tức là con đã tham thấu hay chưa? Thật đại triệt đại ngộ chưa? Thật triệt ngộ rồi, nên Lão Hòa thượng làm chứng cho ngài, vì vậy Ngũ tổ gõ lên cối giã gạo ba cái rồi đi. Ba cái gõ đó, người khác không biết, chỉ có ngài Huệ Năng biết, là gọi ngài nửa đêm canh ba đến phòng phương trượng gặp Ngũ tổ, đó là triệu kiến.

          Thật đến canh ba, ngài đẩy cửa, thấy cửa cũng không khóa, liền đẩy cửa đi vào, quý vị thấy hai ngài thỏa thuận ngầm quá tốt. Ngũ tổ liền giảng đại ý Kinh Kim Cang cho ngài, giảng đến câu ‘ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm’, ngài liền nói ra, Tự-tánh là ra sao, đã nói ra năm câu. Năm câu ấy thật sự miêu tả Tự-tánh, rất quan trọng, Tự-tánh chính là Chân-tâm. Câu thứ nhất là ‘vốn tự thanh tịnh’, tức từ trước đến giờ chưa từng ô nhiễm, Tự-tánh mỗi người đều như vậy, chúng ta cùng một Tự-tánh, tức là Chân-tâm, chưa từng ô nhiễm qua, không thể bị ô nhiễm, ô nhiễm đó là A-lại-da, là ý thức. ‘Không sanh không diệt’, đó là sự thật, tất cả pháp đều là pháp sanh diệt, chỉ có Tự-tánh là không có sanh diệt. ‘Vốn tự đầy đủ’, câu này rất quan trọng, đầy đủ điều gì? Đầy đủ vô lượng trí huệ, vô lượng đức năng, vô lượng tài nghệ, vô lượng tướng hảo, tất cả vô lượng đều đầy đủ, ngoài tâm không có pháp, pháp không ở ngoài tâm. Câu thứ tư là ‘vốn không dao động’, vốn không dao động nghĩa là gì? Là Tự-tánh vốn định. Đó là nói thể-tướng-dụng của Tự-tánh, còn câu cuối cùng, hoàn toàn nói về khởi tác dụng, ‘có thể sanh vạn pháp’, toàn bộ vũ trụ này từ đâu mà đến? Là do Tự-tánh biến hiện ra. Biến hiện thế nào? Do nhất niệm biến hiện, chỉ cần quý vị khởi ý niệm đó, thì nó liền hiện tướng.

          Ngũ tổ nghe xong, được rồi! Bảo ngài không cần nói nữa, nói đến đó thì bảo ngài dừng lại, không cần nói nữa, trao y bát cho ngài, bảo ngài đi mau. Tại sao vậy? Sợ ganh ghét chướng ngại. Ngài Thần Tú có tu hành, có đạo tâm, không có ganh ghét chướng ngại. Nhưng đồ đệ của ngài Thần Tú thì không phục. Những đồ đệ của ngài Thần Tú đều cho rằng Tổ sư đời thứ sáu nhất định là ngài Thần Tú, là sư phụ của tôi, sao lại truyền cho người khác? Mà người đó không phải là người xuất gia nữa, đó chỉ là người làm công quả, làm sao để ngài mang y bát đi được? Người không phục, liều mạng đuổi theo, truy tìm ngài.

Quý vị xem việc này, hiểu ra được gì? Là để minh tâm kiến tánh, có rất nhiều phương pháp minh tâm kiến tánh, là vô lượng pháp môn. Đại sư Huệ Năng khai ngộ, không ở trong 84 ngàn pháp môn, trong 84 ngàn pháp môn, hay ngoài 84 ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, không nhất định là pháp môn nào, đều có thể giúp quý vị khai ngộ. Nên, Ngũ tổ thấy bài kệ của ngài, bài kệ đã sửa, biết ngài thật khai ngộ rồi. Tối đến triệu kiến ngài để kiểm tra, đó là thật hay giả, quả không sai, đó là thật. Năm câu 20 chữ đó, nói rõ Tự-tánh là thế nào. Đó là một thông thì tất cả đều thông, trên đường lánh nạn, ngài gặp Tỳ-kheo-ni Vô Tận Tạng, đem Kinh Đại Bát Niết Bàn thỉnh giáo với ngài. Tỳ-kheo-ni ấy niệm, nhưng nhiều chỗ không hiểu, ngài bảo cô ấy đọc lên, rồi giảng cho cô ấy nghe. Không có bộ kinh nào mà ngài không thông, đó gọi là thật sự thông rồi, đó gọi là dạy học viên mãn, không phải là từng mảng từng phần, mà giáo học viên mãn.   

          Chúng ta phải xem trọng công án này, trong lịch sử Trung Hoa không ít người dùng công án này thì thành tựu, trong tông môn, giáo hạ có đại thành tựu, tổng lại là một câu nói, mà tổ tông đã truyền tới nay, đó là ‘một môn thâm nhập, huân tu lâu dài’. Học tập, một môn thâm nhập, không chỉ học tập, làm việc cũng nhất môn thâm nhập, nhất môn thâm nhập của Đại sư Huệ Năng là giã gạo, chẻ củi, không có vọng tưởng, mỗi ngày chủ yếu làm việc đó. Còn nhất môn thâm nhập của Lão Hòa thượng Hải Hiền là canh tác, hoàn toàn biểu hiện là nông phu, xuất gia rồi vẫn trồng trọt, khai hoang, nhất môn thâm nhập, làm cả cuộc đời. Đến ngày vãng sanh vẫn chưa nghỉ hưu, ban đêm ngài vãng sanh, thì ban ngày vẫn sửa sang vừa rau lớn, quốc đất, tưới nước, làm cỏ, tối đến thì đi rồi. Hòa thượng Triệu Châu là một ngày không làm, thì một ngày không ăn, ngài làm ra tấm gương cho chúng ta thấy, ngày ra đi mà vẫn không nghỉ ngơi, thật đúng là làm hòa thượng một ngày thì đánh chuông một ngày, làm cho chúng ta thấy, đó gọi là chân tinh tấn.

            Nên căn tánh không giống nhau, chúng ta cũng có thể nói, không tìm được hai người có căn tánh hoàn toàn giống nhau. Độ chúng sanh không dễ dàng, nếu không biết căn tánh của họ, thì làm sao quý vị dẫn khởi họ, khiến họ đại triệt đại ngộ được? Cho nên giảng kinh dạy học gọi là khuyến thiện, khuyên người hiểu rõ thiện ác, hiểu rõ nhân quả báo ứng trong sáu đường, khuyến đạo mọi người đoạn ác tu thiện, tích công lũy đức. Dạy học như vậy không phải là dạy rốt ráo, không phải là dạy viên mãn, chỉ giúp quý vị ở trong lục đạo không đọa ba đường ác, quý vị ở ba đường thiện, quý vị vẫn không ra khỏi luân hồi. Cho nên, nhất định cần đến Tiểu-thừa, thật sự đoạn phiền não, thì mới ra khỏi lục đạo luân hồi. Lục đạo luân hồi từ đâu mà đến? Do kiến-tư phiền não biến hiện ra, chỉ cần quý vị có kiến-tư phiền não, thì quý vị có lục đạo luân hồi. Quý vị đoạn kiến-tư phiền não rồi, thì quý vị không tìm được luân hồi nữa, tại sao vậy? Vì tướng của luân hồi là giả, không phải thật, nó là pháp sanh diệt. Nó được nuôi dưỡng bởi sự chấp trước, cũng chính là kiến-tư phiền não nuôi dưỡng nó. Kiến-tư phiền não đoạn rồi, thì không thấy luân hồi nữa, vậy thứ gì hiện ra? Là thập pháp giới hiện ra.

            Thập pháp giới từ đâu đến? Do vô-minh phiền não biến hiện ra. Vì vậy, phá một phần vô-minh phiền não, thì không thấy thập pháp giới nữa, sự thật liền hiện ra, tức là nhất chân pháp giới xuất hiện rồi. Nhất chân pháp giới chính là cõi thật-báo-trang-nghiêm của chư Phật Như Lai, là Thế giới Hoa Tạng của Thích Ca Mâu Ni Phật, là Thế Giới Cực Lạc của A Di Đà Phật, là Thế giới Mật Nghiêm của Đại Nhật Như Lai. Trên kinh cũng tiết lộ tin tức cho chúng ta, ba cõi thật báo này, tên không giống nhau, nhưng thật tế chỉ là một. Nên sau khi vãng sanh đến đó, thì người học Mật-tông sẽ hỏi: ‘Làm sao bạn đến đây được?’ Thậm chí thấy có người học tôn giáo khác, người tôn giáo khác là họ đến thiên đường rồi, họ gọi là thiên đường, còn chúng ta gọi là Thế Giới Cực Lạc, họ nói: bạn xem đó là tín đồ cơ đốc giáo, họ cũng đến rồi, kia là những người Islam giáo, họ cũng đến rồi. Là một nơi, nhất chân pháp giới mà. Đó là sự thật có thể tin tưởng. Ngài Muhammad và Đại sư Huệ Năng giống nhau, đều chưa từng đi học, không biết chữ, quý vị thấy ngài có thể thuật bằng miệng một bộ Kinh Koran, để người khác ghi chép lại. Đó là thế nào? Đạt đến cảnh giới gì? Là cảnh giới đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, thì mới có thể làm được. Gặp nhóm người, khu vực đó, chúng sanh thời đại đó là thuộc loại căn cơ ấy, thì cần hiện loại thân ấy, để thuyết pháp ấy, thì họ mới tiếp nhận được, họ mới nương theo đó mà phụng hành.

            Toàn bộ hư không pháp giới với chính mình là một thể. Đạo gia tại Trung Hoa, Đạo gia cũng nói: ‘Trời đất cùng nguồn với ta, vạn vật cùng một thể với ta’, là không có xung đột với năm câu nói của Đại sư Huệ Năng. Cảnh giới của Trang Tử là gì? Là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, tại Trung Hoa xưng là Thánh-nhân, xưng là Thánh-hiền, còn tại Ấn Độ xưng là Phật Bồ-tát, danh xưng không giống nhau, nhưng cảnh giới tương đồng. Họ tương lai rời khỏi thế giới này, vãng sanh, niệm Phật vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc, thì như Lão Trang tu thành rồi, ngài không phải là thần tiên, ngài cũng đến Thế Giới Cực Lạc rồi. Trời mà họ nói đó là Thế Giới Cực Lạc, không phải nơi khác, không phải là 28 tầng trời, mà vượt xa 28 tầng trời, chúng ta cần phải hiểu rõ điều này, thường hay đọc kinh thì sẽ lãnh hội được, khẳng định tin tưởng đối với việc này, thì mới hiểu được tất cả tôn giáo đều là một nhà. Thật sự, Bồ Tát Quán Thế Âm có 32 ứng thân, không phải đã nói rõ rồi sao, cần dùng thân gì để độ được thì hiện ra thân ấy, toàn là của Quán Thế Âm Bồ Tát hiện ra, toàn là của A Di Đà Phật hiện ra, hay là nói toàn là của Thích Ca Mâu Ni Phật hiện ra, đều giảng thông tất cả, không có chướng ngại, quá diệu rồi! Tâm chúng ta từ bi thì mới phát khởi được, giống như Phật, không có phân biệt, không có chấp trước, không có xung đột, không có tôi là số một còn bạn là số hai, không có, đều bình đẳng, không còn lời nào nói nữa, không có cao thấp, là một thể.

          Nên tiếp theo, Niệm Lão nói: 世尊乃於無量不同之中,粗標大類 “Thế Tôn nãi ư vô lượng bất đồng chi trung, thô tiêu đại loại”(trong vô lượng phẩm loại khác nhau, Đức Thế Tôn nêu sơ lược loại lớn), chỉ có thể nói loại lớn, cho đơn giản một chút, nếu nói cặn kẽ thì quá nhiều quá nhiều. 於本經中分為上中下三輩,是為至略者也。三輩各有三“ư bổn kinh trung phân vi thượng trung hạ tam bối, thị vi chí giảng giả dã. Tam bối các hữu tam”(trong Kinh này chia làm ba bậc: thượng-trung-hạ, là đơn giản nhất rồi. Ba bậc đó, trong mỗi bậc lại có ba bậc), tức là chín phẩm, 則為九,是則《觀經》中之九品“tắc vi cửu, thị tắc Quán Kinh trung chi cửu phẩm”(thành ra chín bậc, chính là chín phẩm trong Quán Kinh). Trong chín phẩm đó, mỗi một phẩm lại có chín phẩm, vậy thì 9 lần 9 bằng 81 phẩm. 如是輾轉推演,實是無量。今於無量輩中,總括為三輩。其往生後品位雖懸殊,若論其能往生之主因,莫不由於發菩提心,一向專念阿彌陀佛。蓋此正本經之綱宗,往生極樂之關鍵“Như thị triển chuyển suy diễn, thật thị vô lượng. Kim ư vô lượng bối trung, tổng quát vi tam bối. Kỳ vãng sanh hậu phẩm vị tuy huyền thù, nhược luận kỳ năng vãng sanh chi chủ nhân, mạc bất do ư phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật. Cái thử chánh bổn Kinh chi cương tông, vãng sanh Cực Lạc chi quan kiện”(cứ triển khai suy rộng như vậy, thì thật sự là vô lượng bậc. Nay trong vô lượng bậc ấy, nói tổng quát là ba bậc. Phẩm vị sau vãng sanh tuy sai biệt rất nhiều, nhưng nếu luận nguyên nhân chủ yếu của vãng sanh, thì không gì khác đều là do phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật. Vì đó là tổng cương lĩnh của kinh này, là chìa khóa của vãng sanh Cực Lạc). Hai câu nói vừa rồi rất quan trọng, cần ghi nhớ. Tổng cương lĩnh của kinh này chính là tổng cương lĩnh của Tịnh-độ, đây là cương lĩnh, là tông chỉ của Tịnh-độ, ý nghĩa của tổng cương lĩnh, đó là chìa khóa của Tịnh-tông, chính là hai câu nói: ‘Phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm’, chuyên niệm tức là niệm A Di Đà Phật, trong đây viết cho chúng ta được rõ rõ ràng ràng, minh minh bạch bạch. Tu hành phải nắm được cương lĩnh, nắm chắc được tông chỉ, vậy thì có lý nào mà lại không thành tựu chứ?      

           Bản thân tôi học Phật, năm nay là năm 2016, tôi đã học Phật 65 năm, giảng kinh 58 năm, tôi đã trải nghiệm trong bao nhiêu năm qua, thật sự biết rõ ràng tông chỉ của Tịnh-tông, cương lĩnh của Tịnh-tông, tôi đã nắm chắc được. Tôi có thể khuyên người khác, khuyến đạo mọi người giúp họ có niềm tin, không lừa dối quý vị, không khiến cho quý vị đi sai đường, quý vị cùng với tôi đi con đường tắt này, thì nhất định đời này thành tựu. Không được nghi ngờ, không được lại đi kén ba chọn bốn, lại đi tìm pháp môn cao minh hơn, vậy là sai lầm rồi. Chúng ta tin tưởng Cổ thánh tiên hiền dạy cho chúng ta pháp môn này, tuyển chọn pháp môn, nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu. Cho nên trong tất cả pháp môn, tôi chỉ chọn một bộ Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Vô Lượng Thọ có chín bản, tôi chỉ chọn bản hội tập của Lão Cư sĩ Hạ Liên Cư, tại sao vậy? Vì bản hội tập này là chân kinh, mỗi một chữ mỗi một câu đều là văn kinh của năm loại nguyên bản dịch, ngài Hạ Liên Cư không có tạo thêm câu nào, không thay đổi một chữ nào, đây là chỗ tuyệt vời của ngài, đây là chỗ từ bi đến tột cùng của ngài, người hiện nay nói là vĩ đại đến tột cùng, vì vậy đó là chân kinh. Chúng ta đọc bản hội tập này, tức là đem cả năm nguyên bản dịch đọc hết rồi, nắm chắc tổng cương lĩnh rồi.

            Đầy đủ niềm tin, đầy đủ nguyện tâm, buông xuống vạn duyên, tu thế nào đây? Đọc sách ngàn lần, tự hiểu nghĩa ấy, đó là phương pháp; một môn thâm nhập, huân tu lâu dài, đó là thái độ, là tư tưởng. Quý vị nắm chắc được hai câu nói này: ‘một môn thâm nhập, huân tu lâu dài’, ‘đọc sách ngàn lần, tự hiểu nghĩa ấy’, thì bất kể là Phật pháp hay thế gian pháp, quý vị đều có thể đạt đến tuyệt đỉnh. Đây là công phu có ba tầng bậc: đọc một ngàn lần, tôi thường nói được tiểu ngộ, thật ngộ rồi, không có người dạy quý vị, quý vị tự thông, không thầy tự thông; đọc hai ngàn lần, được đại ngộ, ngộ này có độ sâu, độ rộng; Đọc ba ngàn biến, được đại triệt đại ngộ. Có phải đạt đến cảnh giới ấy thì không cần đọc nữa? Không phải vậy, sau ba ngàn lần, vẫn còn bốn ngàn, năm ngàn, sáu ngàn lần, niệm mãi cho đến lúc vãng sanh. Khi niệm không có vọng tưởng, không có tạp niệm, không có phân biệt, không có chấp trước, dụng tâm như thế nào? Như trên đề kinh nói: Tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm giác, giác mà không mê. Chúng ta dùng tâm thanh tịnh bình đẳng giác để niệm bộ kinh này, niệm câu Phật hiệu này.

          Thế nào gọi là thanh tịnh bình đẳng giác, là buông xuông vạn duyên, ngay cả Phật pháp cũng buông xuống, thì mới được. Nên nếu quý vị học cùng lúc hai bộ kinh thì phiền phức rồi, giữa hai bộ kinh mâu thuẫn, nói không giống nhau, trái lại khiến quý vị sanh nghi ngờ, mà nghi là phiền não, là chướng ngại, là gốc rễ của vô minh. Không thể không biết, không thể không rõ ràng, bởi điều này quan hệ với đời này chúng ta có vãng sanh, ra khỏi luân hồi được hay không, quan hệ quá lớn rồi. Chỉ cần nắm chắc điều này, thì du hí nhân gian, vui vẻ khoái lạc, pháp hỷ sung mãn, thường sanh tâm hoan hỷ, như Tiên sinh Phương Đông Mỹ đã nói ‘hưởng thụ tối cao của đời người’, hưởng thụ ở đây, không cần địa vị, không cần giàu có, thậm chí ngay cả Phật pháp cũng buông xuống rồi.

            Tiếp theo, chúng ta xem đoạn thứ hai. 三輩往生“Tam bối vãng sanh”(ba bậc vãng sanh), đây là phẩm loại khác nhau của phàm phu chúng ta được vãng sanh Tịnh-độ. Đây là chữ ‘sài’, đọc là sài, tức là chúng ta, dùng cách nói hiện nay nghĩa là ‘chúng ta’, phẩm loại khác nhau của phàm phu chúng ta được vãng sanh Tịnh-độ, chúng ta vãng sanh Tịnh-độ là thuộc loại nào, 其願行功德,是我輩企求往生者之軌範“kỳ nguyện hạnh công đức, thị ngã bối xí cầu vãng sanh giả chi quỹ phạm”( Nguyện hạnh công đức của từng bậc chính là quỹ phạm để người mong cầu vãng sanh chúng ta noi theo), quỹ là quỹ đạo, phạm là mô phạm. Suy xét người đã vãng sanh trước, thì tiêu chuẩn của người vãng sanh là gì? Lịch đại Tổ sư, bao đời Tổ sư Tịnh-độ làm quỹ phạm cho chúng ta. Thời hiện nay là Lão Hòa thượng Hải Hiền, chúng ta tôn trọng ngài là vị Tổ sư đời thứ 14, ngài là quỹ phạm cho chúng ta. 若真志求往生,則當依之,猶如明鑒“nhược chân chí cầu vãng sanh, tắc đương y chi, do như minh giám”(nếu thật lòng chí cầu vãng sanh, thì cần phải nương theo quỹ phạm của những tấm gương sáng), minh giám tức là gương sáng, như một tấm gương, thường hay soi xét, 時時對照“thời thời đối chiếu”(lúc nào cũng đối chiếu). Những vị Tổ sư đều là tấm gương cho chúng ta, chúng ta phải thường đối chiếu với quý ngài, giống với quý ngài hay không. Phải thường xuyên đối chiếu. 思欲類及tư dục loại cập”( mong sao bằng được), thường thường mong mỏi, tôi phải bằng với quý ngài. Khoảng cách gần nhất chúng ta, là ngài Hải Hiền, đi trước ngài Hải Hiền là Đại sư Ấn Quang, chúng ta không có gặp qua Đại sư Ấn Quang, nhưng Văn Sao của ngài còn ở thế gian. Đọc Văn Sao là đem tấm gương của Đại sư Ấn Quang mà đối chiếu với chính mình, chúng ta giống Ngài những điều gì, trái với Ngài những điều gì. Dùng Ngài làm tấm gương.   

          當知淨宗稱為易行道者“Đương tri Tịnh-tông xưng vi dị hành đạo giả”(Nên biết Tịnh-tông xưng là đạo dễ hành), đây là cách nói của người xưa, là đạo dễ hành. Thế nào là đạo dễ hành? 是與餘“thị dữ dư”(là so với pháp môn khác), pháp môn khác là gì? Là trong 84 ngàn pháp môn, lấy ra pháp môn này, còn lại là 八萬三千九百九十九法門“bát vạn tam thiên cửu bá cửu thập cửu pháp môn”(83.999 pháp môn), để mà so sánh, thì đây là đường dễ đi, dễ dàng so với 83.999 pháp môn còn lại, những pháp môn đó đều là khó khăn hơn pháp môn này, đây là việc so sánh ngược lại. 唯此獨易,故稱易行“duy thử độc dị, cố xưng dị hành”(Chỉ có pháp môn này dễ dàng nhất, nên xưng là dễ đi), phải biết rõ dễ đi này, không phải là dễ dàng như quý vị tưởng tượng, không phải vậy. 若論其實,如本品所明,則知往生,亦非易事“Nhược luận kỳ thật, như bổn phẩm sở minh, tắc tri vãng sanh, diệc phi dị sự”(Nếu mà thật sự suy xét theo phẩm này nói, thì biết rằng vãng sanh cũng không phải là việc dễ). Trong phẩm kinh này đã nói rõ ràng rồi. Cho nên, phẩm kinh này vô cùng quan trọng, nếu quý vị không cầu vãng sanh, thì quý vị không cần biết, không có liên quan, Nhưng nếu quý vị cầu vãng sanh, thì phải nghiêm túc học tập. Hai phẩm 24 và 25 của kinh này, phẩm 24 là ba bậc vãng sanh, phẩm 25 là chánh nhân vãng sanh, là phương pháp vãng sanh. Nếu quý vị không làm rõ ràng sáng tỏ điều này, thì chính quý vị sẽ để lỡ cơ hội đời này thôi, mà sợ rằng còn tạo tội nghiệp. Vì sao vậy? Tôi đã học đạo dễ hành, mà giờ không thành công, lời Phật nói không linh. Đó là báng Phật, báng pháp, báng tăng, tội này đọa vào địa ngục Vô Gián. Học Phật mà học không tốt, học đến vào địa ngục. Chúng ta hãy lắng tâm quan sát trong xã hội ngày nay, thật có hạng người này, không phải không có. Chính chúng ta phải chú ý, phải cẩn thận, luôn luôn cảnh giác, phải làm tấm gương tốt nhất cho mọi người.

          Tiếp theo, Niệm Lão vì chúng ta mà chỉ ra 倘不真為生死,發菩提心,以深信願,一向專念,而欲往生,無有是處“Thảng bất chân vi sanh tử, phát Bồ-đề tâm, dĩ thâm tín nguyện, nhất hướng chuyên niệm, nhi dục vãng vãng sanh, vô hữu thị xứ”(Nếu không thật vì sanh tử, phát tâm Bồ-đề, dùng tín nguyện sâu, nhất hướng chuyên niệm, mà muốn vãng sanh, thì không thể nào được). Những lời này của Niệm Lão, đều nên học thuộc, thường xuyên có thể nghĩ nhớ đến. Ta có phải thật vì sanh tử hay không? Đó là việc lớn. Luân hồi vô lượng kiếp rồi, không có cách nào liễu sanh tử thoát tam giới, lần này chúng ta đã gặp được, quý vị nói xem đời này có giá trị đến chừng nào? Quá khứ đời đời kiếp kiếp mê hoặc điên đảo, đã lơ là đối với việc liễu sanh tử này, đời nay hiếm có lại gặp được cơ hội đây, nếu còn lơ là nữa thì sai lầm rồi. Quá khứ đã để lỡ qua, hy vọng lần này không bỏ lỡ nữa. Làm sao để có thể thật vì sanh tử? Là buông xuống vạn duyên. Như tôi vừa mới nói, “Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp”(Pháp còn phải xả, huống hồ phi pháp), đó là lời của Kinh Kim Cang. Trong 84 ngàn pháp môn, chúng ta chỉ giữ một pháp môn này, còn 83.999 pháp môn khác, chúng ta đều buông xuống. Giống như Đại sư Ngẫu Ích và Liên Trì, hai ngài ấy thường nói: ‘Ba tạng, mười hai bộ nhường cho người khác ngộ’, tức là quý vị ưa thích ngộ pháp nào thì quý vị đi học, tôi không phản đối. Còn tôi, thì không làm điều đó, tôi đã làm rõ ràng rồi, tôi sẽ đi theo pháp môn mà tôi nắm chắc nhất này, bởi pháp môn khác tôi không có nắm chắc. Bởi phiền não không dễ đoạn, rất khó đoạn được, nên tôi chỉ chọn lấy pháp dễ hành khó tin này. Khó tin đối với tôi, nhưng hiện nay tôi đã thật tin rồi. Đã hơn nữa cuộc đời, ở trong kinh giáo để làm sáng tỏ, hốt nhiên đại ngộ rồi, nên chỉ chuyên tu một môn này. Dựa vào A Di Đà Phật, đây là pháp môn tha lực, dựa vào A Di Đà Phật thì chắc chắn rồi, không còn nghi ngờ, không còn thay đổi nữa.

          Về phát tâm Bồ-đề, thế nào là phát tâm Bồ-đề? Thì Đại sư Ngẫu Ích nói được hay nhất: tin sâu phát nguyện là phát tâm Vô-thượng Bồ-đề. Tâm Bồ-đề là tâm làm Phật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc để làm gì? Chính là đi làm Phật, mà lại là làm Phật ở trong Phật. Phía trước nói quỹ phạm, chúng ta làm Phật gương mẫu chứ không phải Phật bình thường, tức là A Di Đà Phật. Mô phạm tu hành của chúng ta hiện nay, là Pháp sư Ấn Quang, là Hòa thượng Hải Hiền, cũng không cần tìm quá nhiều, hai vị ấy là đủ rồi. Mỗi một bài văn của Đại sư Ấn Quang, đều là khuyên chúng ta niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, hành nghi cả đời của Lão Hòa thượng Hải Hiền, là biểu diễn ra cho chúng ta thấy, chúng ta thấy rõ ràng, thấy sáng tỏ rồi, thì học theo lời của quý ngài, tôi không đi lòng vòng, để lỡ qua nữa.

          Nhất định phải thấy rõ, thế gian này, kể cả những kinh điển mà Thích Ca Mâu Ni Phật khi ở đời đã giảng để tu hành chứng quả, tất cả đều là pháp sanh diệt, phải biết điều này. Tất cả những gì Phật thuyết đều là pháp phương tiện, đều là pháp sanh diệt. Đối với người học Phật có căn tánh thế nào, thì Ngài nói ra kinh thế ấy, nếu không có người đương cơ, không có căn tánh đó, thì Ngài không nói. Chỉ nói ít, không nói nhiều, trong vô lượng vô biên, Ngài chỉ nói phần nhỏ. Tại sao vậy? Bởi căn tánh của người trên địa cầu này, nhất là thời gian trên thế gian này có giới hạn, Pháp-vận của Phật có 12 ngàn năm, gồm: chánh pháp một ngàn năm, tượng pháp một ngàn năm, và mạt pháp 10 ngàn năm, cộng lại là 12 ngàn năm. Dù căn tánh của chúng sanh trong giai đoạn này thế nào, Ngài đều chiếu cố đến. Còn thời gian sau khi pháp diệt rồi là rất dài rất lâu, thì Di Lặc Bồ Tát mới đến, trong Kinh Di Lặc Bồ Tát Hạ Sanh, nói rất rõ điều này. Hiện nay Di Lặc Bồ Tát đang ở trời Đâu Suất, ở trong nội viện Ngài cũng giảng kinh dạy học, thời kỳ này rất dài rất lâu, căn tánh của chúng sanh trong đó phức tạp. Cho nên, chúng ta có thể lãnh hội được, cả đời giảng kinh của Di Lặc Bồ Tát, dù chỉ có ba hội Long Hoa, nhưng nội dung giảng thì lại phong phú hơn so với Thích Ca Mâu Ni Phật. Tại sao vậy? Vì Ngài có thời gian dài, người lúc ấy có phước. Nhân duyên gặp gỡ của mỗi người không giống nhau, nên chư Phật Bồ-tát du hý thần thông, phổ độ chúng sanh có duyên. Nếu chúng ta liễu giải chân tướng sự thật này, thì sẽ nắm chắc cơ hội không dám buông lơi.

          Tiếp theo Niệm Lão vô cùng khẩn thiết khuyên chúng ta, 敬祈當世行人“Kính kỳ đương thế hành nhân”(kính mong những hành nhân trong hiện đời), hiện nay chúng ta là người đang tu hành ở thế gian này, 慎莫初聞淨宗易行,便生輕慢“thận mạc sơ văn Tịnh-tông dị hành, tiện sanh khinh mạn”(chớ đừng mới nghe Tịnh-tông dễ hành, mà sanh khinh mạn), có hạng người như vậy không? Rất nhiều, không chỉ có, mà có rất nhiều, hiện nay rất thịnh hành. Giáo-hạ thật sự càng ngày càng ít, thành tựu tu hành của Giáo-hạ không bằng những thời đại trước. Trước thời của chúng tôi, như: Lão Hòa thượng Đế Nhàn, Lão Hòa thượng Đàm Hư, Lão Hòa thượng Viên Anh, thậm chí những người như Lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam, Lão Cư sĩ Hạ Liên Cư, Lão Cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, hàng tại gia xuất gia, cách thời đại chúng ta không xa. Lần đầu tôi gặp ngài Hoàng Niệm Tổ, ngài nói với tôi, thời đại này, tu Thiền-tông, Mật-tông rất khó thành tựu. Thiền-tông có người đạt định, như Lão Hòa thượng Hư Vân là đạt định, chưa khai ngộ, tính là không tệ rồi, ngài vãng sanh trời Đâu Suất, để thân cận Di Lặc Bồ Tát. Về Mật-tông, Niệm Lão nói với tôi, từ khi thành lập chế độ Cộng Hòa Nhân Dân đến nay tròn 60 năm rồi, trong thời gian đó chúng tôi thấy được: tu hành thành tựu Mật-tông chỉ có sáu người, ngài nói ra được: về sau thành tựu toàn dựa vào Tịnh-tông.

          Chúng tôi từ Giáo-hạ mà quay về Tịnh-độ. Nên ngài rất tán thán, rất khó khăn, thật không dễ dàng. Nếu Thầy Lý Bỉnh Nam không đem bản kinh mà ngài sử dụng này tặng cho tôi, ngài đã giảng qua một lần, ngài viết chú giải lên bộ kinh này, chúng ta gọi là mi chú, trên bản kinh ngài tặng tôi, sau khi ngài vãng sanh, tôi đã dựa vào mi chú đó để giảng qua mười lần. Về sau tôi gặp được tập chú này của Niệm Lão, chú giải rất hay. Có thể tìm ra người làm lại được như vậy không? Đừng nói là vượt hơn được Niệm Lão, có thể ngang bằng với Niệm Lão thôi, cũng tìm không được. Hiện nay,  những người như vậy đều đi hết rồi, chỉ còn để lại những sách này cho chúng ta. Chúng ta đuổi theo không kịp, nhưng chúng ta căn cứ theo kinh sách này mà tu hành, vậy thì sẽ làm được. Dựa theo bản kinh sách nào để thành tựu? Chính là bản hội tập và bản chú giải này, sẽ bảo đảm chúng ta vãng sanh Thế Giới Cực Lạc, điều này chúng ta có thể làm được. Đây cũng là hy vọng của quý ngài, độ được một người thì hay một người, vì duyên phận của mỗi người không giống nhau, Phật độ người có duyên, không độ được người vô duyên, không phải là tâm Phật không bình đẳng, mà do phiền não của chúng sanh không giống nhau, tâm Phật là bình đẳng, tâm của Niệm Lão và Hạ Lão cũng bình đẳng. Chúng ta phải biết một chút điều này, sau khi biết rồi thì mới biết cảm ơn, biết tu hành là quan trọng.

          Mấy câu sau cùng này, chúng ta đọc lên từ đầu: 慎莫初聞淨宗易行,便生輕慢。信心虛浮,志願弛緩。口談淨業,心戀塵緣。如是求生,當待驢年“thận mạc sơ văn Tịnh-tông dị hành, tiện sanh khinh mạn. Tín tâm hư phù, chí nguyện thỉ hoãn. Khẩu đàm tịnh nghiệp, tâm luyến trần duyên. Như thị cầu sanh, đương đãi lư niên”(chớ đừng mới nghe Tịnh-tông dễ hành, mà sanh khinh mạn, tín tâm hời hợt, chí nguyện lơ là, miệng bàn Tịnh-nghiệp, tâm luyến trần duyên; Như vậy mà cầu sanh, thì hãy đợi đến năm con lừa). Năm con lừa là năm nào? Trong 12 con giáp có con lừa hay không? Không có. Không có thì xong rồi, bao nhiêu công sức đều mất hết, vậy là quý vị không có phần rồi. Nên nhất định phải nhận thức được, phải ‘thật vì sanh tử, phát Bồ-đề tâm, dùng tín nguyện sâu, nhất hướng chuyên niệm’, vậy thì đúng rồi.

          又本經三輩與《觀經》九品,是否相配,古說不一“Hựu bổn kinh tam bối dữ Quán Kinh cửu phẩm, thị phủ tương phối, cổ thuyết bất nhất”(Ba bậc trong kinh này cùng với chín phẩm trong Quán Kinh có giống nhau hay không, thì người xưa không cùng cách nói). Thời Phật giảng kinh, thính chúng đều là A-la-hán, Bồ-tát, người chứng được Sơ-quả và Sơ-tín vị Đại-thừa không ít, duyên đó rất thù thắng, nên Phật giảng kinh thì quý ngài đều hiểu, không có vấn đề. Sau khi Phật diệt độ, truyền xuống từng thời đại, truyền đến nay là gần ba ngàn năm rồi, hiện nay người nghi nhiều, người hiện nay không có niềm tin đối với cổ nhân, càng ngày càng khó khăn. Nên ba bậc trong kinh này có phải là chín phẩm nói trong Quán Kinh hay không? Thì cách nói của cổ Đại đức cũng không tương đồng. 論為同者“Luận vi đồng giả”(những vị nói là giống nhau), những người cho là giống nhau, 有曇鸞諸師“hữu Đàm Loan chư sư”(có các vị sư: Đàm Loan), sư Đàm Loan có Lược Luận, trong luận đó nói: 生安樂土者,《無量壽經》中唯有三輩上、中、下。《無量壽觀經》中,一品又分為上中下,三三而九,合為九品“Sanh An Lạc độ giả, Vô Lượng Thọ Kinh trung duy hữu tam bối: thượng, trung, hạ. Vô Lượng Thọ Quán Kinh trung, nhất phẩm hựu phân vi: thượng, trung, hạ, tam tam nhi cửu, hợp vi cửu phẩm”(Người sanh về cõi An Lạc, thì trong Kinh Vô Lượng Thọ chỉ có ba bậc: thượng, trung, hạ. Theo Kinh Quán Vô Lượng Thọ thì mỗi một phẩm lại chia ba thành: thượng, trung, hạ. Ba lần ba là chín, hợp thành chín phẩm). Đây là lời nói của Pháp sư Đàm Loan ở trong Lược Luận.

     Sách Tịnh Ảnh Sớ nói: 十方世界,諸天人民,願生彼國,凡有三輩。總以標舉,如《觀經》中,粗分為三,細分為九。“Thập phương thế giới, chư thiên nhân dân, nguyện sanh bỉ quốc, phàm hữu tam bối. Tổng dĩ tiêu cử, như Quán Kinh trung, thô phân vi tam, tế phân vi cửu”(Chư thiên nhân dân ở mười phương thế giới, nguyện sanh cõi ấy thì có ba bậc. Dùng cách nêu tổng thể, thì như trong Quán Kinh, chia sơ lược thì thành ba bậc, chia tỉ mỉ thì thành chín). Những lời nói này, là của Đại sư Huệ Viễn, thời nhà Tùy. Đạo tràng ngài ở gọi là Chùa Tịnh Ảnh, nên người sau tôn kính đối với ngài, không xưng tên, mà xưng nơi ở, gọi là Đại sư Tịnh Ảnh. Danh hiệu của ngài hoàn toàn giống với ngài Sơ tổ Tịnh-tông chúng ta, cũng gọi là Huệ Viễn, ngài Huệ Viễn ở thời đại Đông Tấn, còn ngài Tịnh Ảnh là vào thời nhà Tùy, thời đại khác nhau. Còn Gia Tường Sớ, tức là Quán Kinh Sớ của Đại sư Gia Tường, ngài cũng có Sớ, chú giải cho Kinh Vô Lượng Thọ, trong Sớ đó nói: 無量壽經》但明三輩。此“Vô Lượng Thọ Kinh đãn minh tam bối. Thử”(Kinh Vô Lượng Thọ chỉ nói ba bậc. Kinh này), kinh này tức là chỉ cho Quán Kinh, 中開三輩為九輩。三輩者,謂上中下也。九輩者,於上品有三,中下亦三,故成九輩“trung khai tam bối vi cửu bối. Tam bối giả, vị thượng trung hạ dã. Cửu bối giả, ư thượng phẩm hữu tam, trung hạ diệc tam, cố thành cửu bối”(chia ba bậc thành chín bậc. Ba bậc là: thượng, trung, hạ. Chín bậc là trong thượng phẩm có ba; trung phẩm, hạ phẩm cũng có ba, nên thành chín bậc). Chúng ta thường nói: ba bậc chín phẩm, tức từ đây mà ra. 又憬興曰:今即合彼“hựu Cảnh Hưng viết: kim tức hợp bỉ”(ngài Cảnh Hưng nói: kinh này hợp với kinh kia), đem Kinh Vô Lượng Thọ và Quán Kinh để cùng xem, 觀經》九品,為此三輩 “Quán Kinh cửu phẩm, vi thử tam bối”(chín phẩm của Quán Kinh, và ba bậc trong kinh này), ba bậc kinh này, 其義無異“kỳ nghĩa vô dị”(nghĩa không khác nhau). Ý nghĩa tương đồng, không có khác nhau.

          Tiếp theo trích từ Sớ Sao của Đại sư Liên Trì,  tức là Sớ Sao của tiểu bản Kinh A Di Đà, trong đó nói: 三輩九品,正相配合,又何疑焉“Tam bối cửu phẩm, chánh tương phối hợp, hựu hà nghi yên”( Ba bậc, chín phẩm thật là giống nhau, thì còn nghi ngờ gì nữa!)  Đây chính là không nên hoài nghi, là lời của Đại sư Liên Trì. 又天台《觀經疏》“hựu Thiên-thai Quán Kinh Sớ”(còn Quán Kinh Sớ của ngài Thiên Thai), Thiên Thai tức là Đại sư Trí Giả, trong chú giải Kinh Quán Vô Lượng Thọ của ngài nói: 九品,為令識位高下“Cửu phẩm, vi linh thức vị cao hạ”(Chín phẩm là để biết địa vị cao hay thấp), nhằm dạy cho chúng ta biết địa vị cao thấp, trong Quán Kinh nói chín phẩm, 即大本三輩也“tức đại bổn tam bối dã( tức là ba bậc trong đại bản vậy), đại bản chính là Kinh Vô Lượng Thọ, tức là trong Kinh Vô Lượng Thọ nói ba bậc, còn Quán Kinh thì chia làm chín phẩm.

          至於主張兩經相異“Chí ư chủ trương lưỡng kinh tương dị”(đến chủ trương cho là hai kinh nói khác nhau), cũng có người. Về chủ trương hai kinh này nói khác nhau, có Pháp sư Linh Chi, Đại đức Cô Sơn và một số người, 則靈芝、孤山等諸師。靈芝師謂三輩止對《觀經》之上品;不攝餘六品,因《觀經》之中品及下品,皆未發菩提心也。孤山稍廣,謂此之三輩只攝彼之上品與中品,不攝下三品,因本經中三輩往生者,皆是善人,而彼《觀經》中之下三品,皆是惡人,臨終懺悔,念佛得生也。是故諸師皆謂兩經不能相配“Tắc Linh Chi, Cô Sơn đẳng chư sư. Linh Chi sư vị tam bối chỉ đối Quán Kinh chi thượng phẩm; bất nhiếp dư lục phẩm, nhân Quán Kinh chi trung phẩm cập hạ phẩm, giai vị phát Bồ-đề tâm dã. Cô Sơn sảo quảng, vị thử chi tam bối chỉ nhiếp bỉ chi thượng phẩm dữ trung phẩm, bất nhiếp hạ tam phẩm, nhân bổn kinh trung tam bối vãng sanh giả, giai thị thiện nhân, nhi bỉ Quán Kinh trung chi hạ tam phẩm, giai thị ác nhân, lâm chung sám hối, niệm Phật đắc sanh dã. Thị cố chư sư giai vị lưỡng kinh bất năng tương phối”(Thì ngài Linh Chi, Cô Sơn và vài vị sư. Sư Linh Chi cho rằng: ba bậc chỉ tương ứng với thượng phẩm trong Quán Kinh; không bao gồm sáu phẩm còn lại, bởi vì trung phẩm và hạ phẩm trong Quán Kinh, đều chưa phát Bồ-đề tâm vậy. Ngài Cô Sơn nói rộng hơn, cho rằng ba bậc trong kinh này chỉ tương ứng với thượng phẩm và trung phẩm trong kinh kia, không có bao gồm ba phẩm hạ, bởi vì người vãng sanh thuộc ba bậc trong kinh này, đều là người thiện, còn ba phẩm hạ trong Quán Kinh, đều là người ác, lúc lâm chung sám hối, niệm Phật mà được vãng sanh. Cho nên các vị sư ấy cho rằng hai kinh này nói không giống nhau). Quý ngài nói rất có đạo lý, không phải không có đạo lý. Đem ba bậc chín phẩm nói được thông, quý ngài so sánh thật cẩn thận, trong Quán Kinh, chỉ có bậc thượng phát Bồ-đề tâm, còn bậc trung và hạ không có nói phát Bồ-đề tâm, phát Bồ-đề tâm rất quan trọng, tại sao vậy? Phát Bồ-đề tâm chính là người thiện, trên kinh nói là chư thượng thiện nhân, đó là đều đã phát Bồ-đề tâm. Không phát Bồ-đề tâm thì không thể nói là thượng thiện, vả lại còn có những người làm ác, đã làm ác mà tu pháp môn này, sám hối, sám trừ nghiệp chướng, chuyển ác hướng thiện, hạng như vậy niệm Phật cũng được vãng sanh.

          Hai cách nói này, đều của Tổ sư Đại đức, đều có đạo lý, giờ chúng ta làm sao, chúng ta học theo ai đây? Tôi cảm thấy điều này không quan trọng, chúng ta theo kinh, lấy kinh làm chuẩn. Trong kinh nói, trong kinh này nói ba bậc vãng sanh, như vậy nói đến ba bậc vãng sanh, vả lại đều nói: đều có ‘phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm’, cả ba bậc đều có tám chữ này, bậc thượng cũng có, bậc trung cũng có, bậc hạ cũng có, tất cả đều có. Chúng ta nương vào kinh này. Hay nói cách khác, chủ trương cách nói của các ngài như Đàm Loan là đúng rồi, là chính xác rồi.

          Hai vị Đại đức Đàm Loan, Đạo Xước không có xếp vào địa vị Tổ sư của Tịnh-tông, Hoàng Niệm Tổ nói với chúng ta, bởi vì tác phẩm của quý ngài không có truyền đến nay, vậy đã đi đâu? Là người Nhật Bản mang về rồi. Những học sinh người Nhật Bản thời triều Đường, phần lớn đều là học trò của ngài Thiện Đạo, cho nên những tác phẩm của ngài Đàm Loan, Đạo Xước, bị mang về nước họ, còn ở Trung Hoa thì thất truyền rồi. Hiện nay thu hồi lại từ Nhật Bản. Xem tác phẩm của quý ngài, thì biết đó là bậc Tổ sư, thật không phải giả. Nên ngài Hạ Liên Cư và Niệm Tổ chủ trương, chúng ta đưa hai ngài vào vị trí Tổ sư, nhất định thêm hai ngài ấy vào, ngài Đàm Loan là nhị Tổ, ngài Đạo Sước là tam Tổ; ngài Thiện Đạo là tứ Tổ, xếp đặt như vậy mới chính xác, đây là hai ngài hy vọng người sau chúng ta, nếu in lại thứ bậc của những tổ sư, thì chèn hai vị ấy vào, vậy mới chính xác.

          Chúng ta xem tiếp, đoạn sau cùng này là lời nói của Đại sư Liên Trì, 蓮池大師於《疏鈔》中“Liên Trì Đại sư ư Sớ Sao trung”(trong Sớ Sao của Đại sư Liên Trì), tức là A Di Đà Kinh Sớ Sao, phân lượng rất lớn, quá khứ tôi từng giảng qua một lần. Sớ Sao của Đại sư Liên Trì, Yếu Giải của Đại sư Ngẫu Ích, Viên Trung Sao của Đại sư U Khê, tôi nhớ đã từng giảng ba bộ đó. Sớ Sao thì hoàn toàn dùng Thập Môn Khai Khải, Thập Huyền của Hoa Nghiêm, đem tiểu Kinh A Di Đà nâng lên ngang bằng với Kinh Hoa Nghiêm, đó là dụng ý của Đại sư Liên Trì. Bởi vì thời đó, mọi người xem thường Tịnh-độ, còn Hoa Nghiêm thì ai ai cũng sùng bái, đó là kinh bậc nhất trong nhà Phật, là kinh thù thắng nhất, ở vị trí cao nhất, không có kinh nào cao hơn Kinh Hoa Nghiêm được. Vì vậy, ngài dùng cách nói này, để nâng vị trí của Tịnh-độ lên cao, nói Kinh A Di Đà là tiểu bản của Kinh Hoa Nghiêm, Sớ Sao nói được rất hay! Tôi nhớ khi tôi giảng bộ Sớ Sao đó, hình như lúc đó, tôi dùng băng cassette, ghi âm bằng băng cassette, thời lượng một băng cassette là 90 phút, tôi nhớ tôi đã giảng hơn 300 buổi, hầu như thời gian của năm đó, một năm có 360 ngày, thì tôi đã giảng đại khái 330 buổi, mang bộ băng cassette đó đến nước Mỹ, khiến đồng tu ở Mỹ sinh khởi tôn trọng đối với Tịnh-độ. Bởi vì mọi người không coi trọng Tịnh-độ, nên tôi đem hơn 300 băng cassette đó để trước giảng đài, người ta hỏi tôi: đây là gì? Đây là một bộ Kinh A Di Đà. Một bộ kinh A Di Đà mà nhiều vậy à? Mọi người đều kinh hãi! Không dám coi thường nữa. Tôi nói đây là bộ Sớ Sao của Đại sư Liên Trì.

          Trong Sớ Sao đem hai cách nói trên dung thông với nhau. 疏鈔》曰:草庵《輔正解》曰:天台以九品同三輩者,乃約位次相同Sớ Sao viết: Thảo Am Phụ Chánh Giải viết: Thiên Thai dĩ cửu phẩm đồng tam bối giả, nãi ước vị thứ tương đồng ”(Sách Sớ Sao nói: Sách Thảo Am Phụ Chánh Giải viết rằng: ngài Thiên Thai cho rằng 9 phẩm đồng với 3 bậc, là dựa trên thứ bậc tương đồng), chứ không nói đến nhân hạnh, tức nói địa vị giống nhau. Nên 孤山、靈芝皆不違天台“Cô Sơn, Linh Chi, giai bất vi Thiên Thai”(cách nói của ngài Cô Sơn và Linh Chi, đều không trái với ngài Thiên Thai ), các ngài không dựa vào nhân hạnh, 所以然者,以天台但約位次,則輩品正同。二師唯約行因,則止齊中上“Sở dĩ nhiên giả, dĩ Thiên Thai đản ước vị thứ, tắc bối phẩm chánh đồng. Nhị sư duy ước hạnh nhân, tắc chỉ tề trung thượng”( Bởi ngài Thiên Thai dựa trên thứ bậc thì ba bậc và chín phẩm tương đồng. Hai vị Đại sư lại chỉ xét trên nhân hạnh nên ba bậc chỉ ngang với trung phẩm và thượng phẩm). Đây là thế nào? Là từ trên nhân hạnh, nếu đối chiếu để xem, thì họ chỉ có bậc thượng và bậc trung, 各有所據“các hữu sở cứ”(căn cứ của mỗi bên), đều có dựa vào kinh điển, 取義不同“thủ nghĩa bất đồng”(do lấy nghĩa khác nhau), vì vậy hai bên không trái nghịch nhau, 故不違也“cố bất vi dã”(nên không trái nghịch vậy).

          Tiếp theo Đại sư nói với chúng ta, 剋實而論,則煩惱不異菩提,始惡何妨終善“khắc thật nhi luận, tắc phiền não bất dị Bồ-đề, thủy ác hà phương chung thiện”(thật sự mà luận, thì phiền não nào khác Bồ-đề, sự ác ban đầu nào trở ngại sự thiện lúc sau), câu nói này quan trọng. 惡人既已成善,豈不賢聖同科“Ác nhân ký dĩ thành thiện, khởi bất hiền thánh đồng khoa”(người ác đã thành người thiện, thì nào khác bậc hiền thánh), câu này nói được hay. Người ác chỉ cần họ quay đầu được, tại sao vậy? Bởi họ vốn là Phật, chỉ là nhất thời mê hoặc điên đảo, đã làm việc ác, tạo nhân của địa ngục, đọa vào trong địa ngục để chịu quả báo, họ có thiện căn không? Họ có Phật-tánh không? Có, nhưng chỉ là đang đọa trong phiền não, mê đến quá sâu, mê đến quá lâu rồi. Xã hội hiện nay đang hiện ra là mặt trái, không phải thiện, không phải mặt phải. Đó là tâm ác, tham sân si mạn nghi, đó là ác niệm, vì tương ứng với lối sống bên ngoài xã hội, nên tâm ác rất dễ lớn mạnh lên. Hiện nay tâm thiện khó hiện ra hơn, không phải không có, chỉ cần họ học Phật, học giáo huấn của Thánh hiền, thật sự quay đầu, quay đầu thì chính là Thánh hiền, quay đầu thì chính là Phật Bồ-tát, nên nói nào khác bậc hiền thánh. 三輩九品,正相配合,又何疑焉。上之會通“Tam bối cửu phẩm, chánh tương phối hợp, hựu hà nghi yên. Thượng chi hội thông”( Ba bậc chín phẩm, thật phù hợp với nhau, há còn ngờ chi! Sự dung thông này), tức cách nói của Đại sư Liên Trì, 甚契法要“thậm khế pháp yếu”(rất khế hợp pháp yếu), lý giải khế hợp là quan trọng nhất của Phật pháp. 

          蓋天台等主張兩經相配者,乃著眼於往生後之階位“Cái Thiên Thai đẳng chủ trương lưỡng kinh tương phối giả, nãi trước nhãn ư vãng sang hậu chi giai vị”( bởi chủ trương hai kinh giống nhau của những ngài như Thiên Thai v.v… là chú trọng vào ngôi vị sau khi vãng sanh), mà không luận đến hành trì trong nhân địa của họ, 靈芝諸師指為異者,乃專就因地行持,乃就曾否早發菩提心與平日之善惡而言。則《觀經》之下三品,不能齊於本經之下輩矣. 蓮師末後曰,始惡不妨終善,深契聖心“Linh Chi chư sư chỉ vi dị giả, nãi chuyên tựu nhân địa hành trì, nãi tựu tằng phủ tảo phát Bồ-đề tâm dữ bình nhật chi thiện ác nhi ngôn. Tắc Quán Kinh chi hạ tam phẩm, bất năng tề ư bổn kinh chi hạ bối hỹ. Liên sư mạt hậu viết, thủy ác bất phương chung thiện, thâm khế thánh tâm ”(Các sư Linh Chi chỉ ra chỗ khác, là bởi chuyên chú vào hành trì nhân địa, cũng như việc đã từng phát Bồ-đề tâm hay chưa và thiện ác trong hằng ngày mà nói.  Căn cứ vậy thì ba phẩm hạ trong Quán Kinh không thể đồng với bậc hạ trong kinh này. Sau cùng Đại sư Liên Trì nói: sự ác ban đầu nào trở ngại sự thiện lúc sau, là rất khế hợp với Thánh tâm). Lời này quan trọng, để cơ hội cho người sửa lỗi lầm. Lúc trước mê không sao, quý vị từ nhỏ đến lớn, chưa có nghe qua Phật pháp, chưa từng đọc qua sách Phật, người ta nói sao thì nghe vậy, người ta nói Phật pháp mê tín, tôi cũng bảo Phật pháp mê tín, người ta khinh thường Phật pháp, tôi cũng khinh thường Phật pháp, tuổi trẻ chúng ta là như vậy. Nên tôi biết ơn thầy Phương, nếu không phải là thầy Phương, vì khi đó trong tâm chúng tôi, thầy Phương là người tôn kính nhất, nên ngài nói thì chúng tôi mới nghe, mới chịu tiếp nhận. Nếu ngài không giới thiệu Phật pháp cho tôi, mà người khác đến khuyên tôi, thì tôi sẽ phản bác, tôi viện cớ rất nhiều lý do, không chịu tiếp nhận. Chỉ có ngài là tôi tranh luận không lại, bái phục thôi. Đây là trước ác sau thiện, năm 26 tuổi đã quay đầu, đã làm rõ ràng sáng suốt rồi. Về sau gặp được thiện tri thức, là Đại sư Chương Gia và Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, giúp niềm tin chúng tôi được kiên cố.

          Nhưng khó tin đối với pháp môn này, chư Phật đều nói là pháp khó tin, tôi lãnh hội vô cùng sâu sắc đối với điều này, thật là khó. Tôi học Phật 30 năm mới tin tưởng pháp môn này, đến năm nay thì tôi đã học Phật 65 năm, học Phật 30 năm mới tin, mới tôn trọng đối với Tịnh-độ, mới bắt đầu nghiêm túc nghiên cứu học tập, Thật là không dễ. Không giống như những kinh luận Đại-thừa, người trẻ, thành phần tri thức, thường ưa thích nghiên cứu những kinh luận ấy, vì những đại kinh đại luận đó rất hợp khẩu vị, còn việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc này rất khó tin tưởng. Khó tin mà tin được, thì thật là không dễ.

          Câu tiếp theo, Niệm Lão khuyên chúng ta, 惡人臨終如能懺悔發心,至心念佛,則惡人已成善人。故亦蒙佛攝受,隨願往生。故蓮池大師曰,豈不賢聖同科,同登極樂。由上可見,此經三輩“Ác nhân lâm chung như năng sám hối phát tâm, chí tâm niệm Phật, tắc ác nhân dĩ thành thiện nhân. Cố diệc mông Phật nhiếp thọ, tùy nguyện vãng sanh. Cố Liên Trì Đại sư viết, khởi bất hiền thánh đồng khoa, đồng đăng Cực Lạc. Do thượng khả kiến, thử kinh tam bối”(Người ác lúc lâm chung mà có thể sám hối phát tâm, chí tâm niệm Phật, thì người ác đã thành người thiện. Nên cũng được Phật nhiếp thọ, tùy nguyện vãng sanh. Nên Đại sư Liên Trì nói: nào khác bậc hiền thánh, cùng lên Cực Lạc. Do những điều trên có thể thấy rằng: ba bậc trong kinh này), tức là Kinh Vô Lượng Thọ, 彼經九品“bỉ kinh cửu phẩm”(với chín phẩm của kinh kia), tức là Kinh Quán Vô Lượng Thọ, 實相配合,不容或疑“Thật tương phối hợp, bất dung hoặc nghi”(thật tương ưng với nhau, chẳng còn nghi ngờ gì nữa!) Đây là sự thấy của Niệm Lão, chúng tôi tán thành với cách nói này của ngài: Do những điều trên có thể thấy rằng: ba bậc trong kinh này, với chín phẩm của kinh kia, thật tương ưng với nhau, chẳng còn nghi ngờ gì nữa.  

          又《報恩論》曰:此經上輩當出家“Hựu Báo Ân Luận viết: thử kinh thượng bối đương xuất gia”( Báo Ân Luận cũng nói: bậc thượng trong kinh này phù hợp với người xuất gia), ở đây chữ ‘đương’ nghĩa là phù hợp, 中下二輩當在家,乃從其多數,粗舉大凡,故云凡有三輩。《觀經》就此大凡,略開為九,而又極其優降,以括“trung hạ nhị bối đương tại gia, nãi tùng kỳ đa số, thô cử đại phàm, cố vân phàm hữu tam bối. Quán Kinh tựu thử đại phàm, lược khai vi cửu, nhi hựu cực kỳ ưu hàng, dĩ quát”(hai bậc trung, hạ phù hợp với người tại gia. Do quá nhiều phẩm loại nên chỉ lược nêu tổng quát: Nói chung có ba bậc. Quán Kinh sơ lược chia ba bậc ấy thành chín phẩm. Vả lại quá nhiều phẩm loại, bởi vì bao quát), quát nghĩa là bao quát, 無量行因之不齊。此論極好“vô lượng hạnh nhân chi bất tề. Thử luận cực hảo”(vô lượng nhân hạnh không giống nhau. Lời bàn này cực hay). Cách nói này rất hay, đó là lời trong Báo Ân Luận.

          Cách nói này từ những cổ Đại đức, chúng ta mà nắm được mấu chốt quan trọng nhất, thì chúng ta nghe hiểu được rất hay, nghe không hiểu cũng không quan trọng, điều quan trọng nhất của việc học bộ kinh này là phải hiểu được những điều mà kinh này nói. Nếu quý vị sau khi học bản kinh này, lại học tiếp Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, thì đoạn chú giải này của Niệm Lão vô cùng có giá trị để tham khảo, tại sao vậy? Vì phải đem hai kinh dung thông xuyên suốt, mục đích là giúp đại chúng đoạn nghi sanh tín. Với trong Quán Kinh, nếu mà không nghi thì không cần thiết, quý vị hỏi những người không nghi, thì họ sẽ gật đầu với cách nói này, họ cũng gật đầu với cách nói kia, họ sẽ không phản đối, sẽ không bài xích, vì sao vậy? Vì nhất tâm bất loạn, điều đó mới quan trọng. Niệm câu Phật hiệu này, niệm bộ kinh này, không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn, mà lúc chúng ta khởi hoài nghi là xen tạp rồi. Không xen tạp, vượt qua được cảnh giới đó rồi, thì giúp chúng ta không sinh ra chướng ngại, không có vấn đề, tâm thái như vậy là chính xác rồi. Hôm nay chúng ta học đến đây thôi.

( Hết tập 304)

Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử cùng chúng sanh
Đều sanh nước Cực Lạc
Chóng viên thành Phật quả
Rộng độ khắp chúng sanh.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Trả lời 0