Responsive Menu
Add more content here...

Tập 327 – Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú 2014

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH KHOA CHÚ 2014-2017

(Giảng lần thứ 4)

PHẨM 24: TAM BỐI VÃNG SANH:

Ba Bậc Vãng Sanh

Tập 327

Hòa thượng Thích Tịnh Không chủ giảng.

Giảng tại: Hiệp hội Giáo dục Phật Đà HongKong.

Thời gian: Ngày 7 tháng 5 năm 2016.

Dịch giả: Minh Tâm và Chân Hạnh Ánh.

Giảo chánh: Thích Thiện Trang.

 

Kính chào chư vị Pháp sư, chư vị đồng học, kính mời ngồi. Mời mọi người cùng tôi quy y tam Bảo: “A-xà-lê tồn niệm, ngã Đệ tử Diệu Âm, thỉ tùng kim nhật, nãi chí mạng tồn, quy y Phật Đà, lưỡng túc trung tôn, quy y Đạt-Ma, ly dục trung tôn, quy y Tăng-Già, chư chúng trung tôn” (3 lần).

Mời xem Đại Kinh Khoa Chú, trang 777, chúng ta xem từ hàng thứ hai sau cùng, bắt đầu xem từ đoạn này. Chính là điều đã nói: trong Luận Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương. Phía trước đoạn này: là trích dẫn Vô Lượng Thọ Kinh Tông Yếu, trích dẫn tỉ dụ của Đại sư Cưu Ma La Thập, điều quan trọng nhất là nói rõ Ngũ nghịch Thập ác, tạo tội nghiệp cực nặng, lâm chung không mê hoặc, đầu óc rất minh mẫn, gặp được Thiện tri thức khuyên bảo chư vị: đoạn ác tu thiện, cải tà quy chánh, thì mười niệm, một niệm đều có thể vãng sanh. Đây cũng là pháp khó tin của Tịnh tông. Tại sao khó tin lại có thể tin? Mấy câu phía sau này nói được hay, 乃至一念,念心純固,亦得往生 “nãi chí nhất niệm, niệm tâm thuần cố, diệc đắc vãng sanh” (cho đến một niệm, tâm niệm thuần vững, cũng được vãng sanh). Chính là cho dù một niệm, một niệm niệm tâm thuần, kiên cố đó, thuần là không xen tạp, cố là kiên cố, không chịu sự ảnh hưởng của cảnh giới bên ngoài, họ có thể vãng sanh. Làm rõ ràng, làm sáng tỏ đoạn này, bao nhiêu người học Phật làm việc sai lầm, khi sáng tỏ, đã biết rồi, chỉ cần chịu quay đầu, thì vẫn có phần ở thế giới Cực Lạc y như cũ, điều này tuyệt vời!

Bên trên đã nói ra nguyên nhân rồi, 蓋以暗合道妙,巧入無生。是故五逆十惡,臨終念佛,乃至一念,亦得往生 “Cái dĩ ám hợp đạo diệu, xảo nhập vô sanh. Thị cố Ngũ nghịch Thập ác, lâm chung niệm Phật, nãi chí nhất niệm, diệc đắc vãng sanh” (Đại khái bởi ngầm hợp diệu đạo, khéo nhập vô sanh. Cho nên hạng Ngũ nghịch Thập ác, lâm chung niệm Phật, thậm chí một niệm, cũng được vãng sanh). Mấy câu nói này rất quan trọng, bao nhiêu người không thắng được sự cám dỗ của môi trường bên ngoài, có ý vô ý tạo tội nghiệp cực nặng. Loại người này có hay không? Có, rất nhiều, không ít. Thế họ làm thế nào? Còn cứu được hay không? Còn cứu được. Theo Kinh văn nơi đây thì còn cứu được, về lý sự đều nói được rất viên mãn, chính là một niệm tâm này, một niệm tâm đó là một niệm lúc lâm chung, là khó đạt nhất khó được nhất, lúc bình thường đã không sửa được, thì lúc lâm chung có thể sửa được không? Chư vị nghĩ xem việc này khó biết bao. Đó là người thế nào? Đồng tu lâu năm nên đều đã biết, lời trong Kinh nói, phàm là người một đời này có thể vãng sanh, đều là đời đời kiếp kiếp trong kiếp quá khứ, vô lượng kiếp đến nay, đã trồng thiện căn trong Pháp môn niệm Phật, đã từng cúng dường vô lượng chư Phật Như Lai, đời này gặp lại được, được thân người, gặp Phật pháp, đây là cơ duyên, duyên phận này đã thành tựu, đạt được vô lượng chư Phật Như Lai: đang âm thầm che chở, gia trì cho chư vị, giúp cho chư vị vào lúc lâm chung bỗng chốc tỉnh ngộ trở lại, không mê hoặc nữa, dùng chân thành tâm triệt để buông xuống thế giới này, không còn lưu luyến, không còn bận lòng nữa, nhất tâm niệm câu A Di Đà Phật này, nguyện sanh Tịnh Độ, thì họ có thể sanh. Không phải do không có nguyên nhân, đều phải tính cả việc tu hành: của vô lượng kiếp đời quá khứ vào đây, vậy thì không hiếm lạ gì, nói theo thông thường là thiện căn sâu dày. Làm sao tính thiện căn này? Đời đời kiếp kiếp từ vô thỉ kiếp đến nay, tu hành bao nhiêu đời mà không đi được, đời này gặp được, gặp được rồi vẫn tạo tác nghiệp nặng như cũ, thế nhưng chư vị có lòng tin, hoàn toàn dùng một niệm đó vào lúc lâm mạng chung. 真信切願 “Chân tín thiết nguyện” (Tin thật nguyện thiết), bốn chữ này do Đại sư Ngẫu Ích nói với chúng ta, quan trọng, quan trọng hơn bất kỳ điều gì, thật sự tin tưởng. Chúng ta sanh vào thế giới hiện tiền này, xã hội động loạn, lòng người bất thiện, người tạo tác ác nghiệp nhiều, người thật muốn dụng công có rất nhiều chướng duyên, cám dỗ rất nhiều, chư vị có thể chịu được không? Không chịu được, thế thì lưu chuyển theo nghiệp, hết cách rồi; Nếu có thể nhẫn chịu, có thể nhẫn chịu là năng lực của Bát-nhã, chính là trí huệ. Bát-nhã là thế nào? Nhìn thấy tất cả cảnh giới đều là giả, những gì có tướng đều là hư vọng.

Tối hôm qua có đồng tu: mở một đoạn phim ngắn cho tôi xem, nội dung phim đó nói gì? Nói về ảnh toàn ký của Cơ học lượng tử. Lần đầu tôi xem được, tôi đã xem hiểu, tôi thấy sáng tỏ rồi. Sáng tỏ điều gì? Sáng tỏ Kinh điển Phật giáo vĩ đại, thật có thể giải quyết vấn đề. Lượng tử có thể giải quyết vấn đề hay không? Không thể giải quyết, trong khi giải quyết vấn đề lại phát sinh ra vấn đề, giống như trùm nhiều lớp vậy, một lớp ngoài lại lớp bên trong. Điều đó khiến chúng ta lãnh hội được sự vĩ đại của đức Phật. Đức Phật dạy chúng ta giải quyết vấn đề thế nào? Buông xuống, thì đã giải quyết vấn đề rồi. Họ không buông xuống, họ vẫn muốn một lớp này trùm lớp khác, vòng này chụp vào vòng kia, mãi mãi trùm không xong. Vậy thì là gì? Là chiêu trò trong A-lại-da; Điều này ngày nay là Khoa học cấp cao. Từ đâu đến vậy? Vẫn là từ tâm tưởng sanh, điều này do Phật nói, tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nó không rời khỏi tâm tưởng. Những ảo tướng hư vọng đó, bên trong ảo tướng nói rõ một việc, cả vũ trụ này là một thể với ý niệm của chính mình. Họ vẫn chưa lãnh hội được điểm này. Dần dần từng bước hiểu rõ, tất cả vũ trụ này không phải là cá thể độc lập, là có quan hệ, là có ảnh hưởng lẫn nhau, không có thời gian, không có không gian, vũ trụ là một thể. Trong Phật pháp nói được hay, nói được rõ ràng, văn tự cũng không nhiều, vi diệu đến vô cùng! Dùng phương pháp gì? Buông xuống thì được. Câu nói này rất quan trọng. Không những phải buông xuống tướng cảnh giới bên ngoài, là giả, không phải thật, Phật nói với chúng ta, ngàn vạn lần phải ghi nhớ, thời thời khắc khắc phải ghi nhớ, lúc tâm có bị dao động, nhận thức nó tỉ mỉ một chút thì yên lặng rồi, đó chính là một búng tay có 32 ức trăm ngàn niệm, một giây có 2 triệu 240 ngàn tỷ sanh diệt. Đây là lời trên Kinh Phật nói với chúng ta, chân tướng sự thật trước mắt chúng ta là như thế, một giây có 2 triệu 240 ngàn tỷ, đơn vị là triệu. Những điều này chúng ta không thể không biết. Triệu ở đây, cách tính của Đài Loan và Đại Lục khác nhau, ở Đại Lục một triệu bằng với 100 vạn, một trăm vạn gọi là một triệu; Đài Loan không phải vậy, cách tính của Đài Loan là một vạn ức, sai biệt đó quá lớn, một vạn ức, một triệu bằng một ngàn tỷ. Chư vị nói một trăm vạn, cũng được; Chư vị nói một ngàn tỷ, cũng được. Tại sao được? Bởi vì đều không phải thật, chỉ cần chư vị có khái niệm này thì được, một giây là 2 triệu 240 ngàn tỷ.

Dưới loại sóng dao động tần số cao này, thì chúng ta không có cảm giác. Tôi thường nói với các đồng học, chúng tôi dùng tấm phim âm bản của điện ảnh, phim nhựa là phim đèn chiếu. Điện ảnh kiểu cũ là do nguyên lý ảnh động tạo thành, mở ống kính của máy chiếu, chiếu lên màn bạc một tấm phim đèn chiếu này, đóng nó lại, đổi tấm thứ hai, ống kính lại vừa mở là tấm thứ hai, không phải tấm thứ nhất. Thời gian một tấm ở trên màn bạc là bao lâu? Là một phần 24 giây. Vậy rất dễ hiểu, không khó biết, là một phần 24 giây, cũng chính là một giây, trên màn bạc sáng hiện ra: là 24 tấm phim âm bản, đổi từng tấm từng tấm. Chúng ta nhìn thấy được là loại ảnh động liên tục, nhìn thấy dường như là giống sự việc thật vậy. Sau khi ti vi được phát minh, năm xưa là ti vi trắng đen, các đồng học trẻ tuổi một chút ngày nay chưa thấy qua. Ti vi của 50 năm trước là ti vi trắng đen, 50 tấm một giây thì không dễ nhìn ra, Ti vi màu ngày nay 100 tấm trong một giây. Ngày nay màn hình quang trên ti vi chúng ta xem, thọ mạng của nó bao lâu? Một phần trăm giây. Là thật, hay là giả? Là giả, một phần trăm giây. Nếu cho chư vị xem hình ảnh này trên ti vi, xem một tấm, một tấm của một phần trăm giây, chư vị xem thấy gì? Ngay cả một tia chớp cũng không thấy được. một phần 24 giây, có thể nhìn thấy một luồng chớp, không nhìn thấy trong luồng chớp là vật gì, còn chưa nhìn thấy, thì không còn nữa, một phần 24 giây. Ngày nay một phần trăm giây, mắt của chư vị mở to thêm, thì ngay cả luồng chớp cũng không nhìn thấy. Phật nói với chúng ta chân tướng sự thật, một giây có bao nhiêu tấm ảnh? Bao nhiêu hình ảnh? Là 2 triệu 240 ngàn tỷ. Chúng ta phải có khái niệm này. Cho nên câu nói này được nói trên Kinh Bát Nhã, nếu chư vị thật hiểu được, thật sáng tỏ rồi, một câu này là gì? 一切法無所有,畢竟空,不可得 “Nhất thiết pháp vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc” (tất cả pháp, vô sở hữu, rốt ráo không, bất khả đắc). Bất luận là hình ảnh vật chất, ý niệm của tinh thần, khởi tâm động niệm, ý niệm, ý niệm cũng là như vậy, cũng là một giây, sanh diệt 2 triệu 240 ngàn tỷ lần, không phải thật, đừng cho là thật thì không việc gì.

Chư Phật Bồ-tát đến thế gian này của chúng ta, hiện thân tướng như chúng ta, giảng Kinh dạy học cùng chúng ta, tần số của các Ngài cao bằng với tần số của chúng ta, không sai khác. Vậy điều gì khác nhau? Các Ngài không lưu tâm. Không lưu tâm, không có ý thức, chính là nói gì? Các Ngài không khởi tâm động niệm, không có động niệm, không có phân biệt, không có chấp trước. Tôi dùng câu 沒在意 “một tại ý” (không lưu tâm) để nói. Tại sao chúng ta khác các Ngài? Bởi chúng ta lưu tâm, chúng ta khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước. Điều này phiền phức lớn rồi, chỉ cần trong cảnh giới hư huyễn này, mà khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước, thế là lại xuất hiện một hiện tướng. Điều này thì có liên quan với Cơ học lượng tử, Cơ học lượng tử ngày nay: vẫn chưa có nói rõ điều này, vẫn kém một cấp bậc, nâng lên thêm, đối với huyễn tướng hư vọng giả, thì họ sẽ có khái niệm, ít nhất có thể đến cảnh giới A-la-hán. Rất khó đến cảnh giới Phật, đến cảnh giới A-la-hán. Vậy cũng là không đơn giản rồi, có thể vượt khỏi luân hồi. Không chấp trước nữa, A-la-hán không chấp trước, mà còn có phân biệt, có khởi tâm, có động niệm, do đó các ngài đã thoát ly sáu đường luân hồi, nhưng không ra khỏi mười pháp giới. Mười pháp giới như thế nào? Không còn tâm phân biệt nữa mới có thể ra khỏi mười pháp giới. Nói cách khác, A-la-hán, Bích-chi-phật đều còn có phân biệt, không còn chấp trước. Điều này, chúng ta phải thật làm mới được thọ dụng. Chúng ta học Phật niệm Phật không thể vãng sanh, thì vẫn phải tiếp tục đi vào luân hồi, tại sao vậy? Chính bởi vì chư vị cho là thật, chư vị xem đó là thật, chư vị không biết đó là giả tướng. Giả đến mức độ nào? Phải ghi nhớ, số lần nó sinh diệt trong một giây: là 2 triệu 240 ngàn tỷ. Hỏi xem, ý niệm nào là chư vị? Ý niệm sinh ra hiện tượng vật chất, chính là vũ trụ vật chất này của chúng ta, thời gian tồn tại: cũng là một giây 2 triệu 240 ngàn tỷ. Chư vị có thể khống chế hiện tượng nào? Không thể được! Xem những thứ giả đó là thật, cho nên Phật nói chư vị mê rồi. Đó chính là mê.

Mê thế nào vậy? Chư vị vừa ra đời thì mê rồi, nếu chư vị không mê thì chư vị sẽ không đến đây đầu thai, lúc chư vị đến đầu thai thì đã mê rồi. Nhưng vẫn còn khá, chư vị khởi tâm động niệm, chư vị vẫn chưa phân biệt chấp trước, cho nên gọi là hồn nhiên. Từ từ ở trên thế giới này, sống đến một tháng, hai tháng, thì bị môi trường ô nhiễm rồi, mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, chư vị liền có phân biệt, có điều thích nhìn, điều thích nghe, có điều không thích nhìn, điều không thích nghe. Điều thích nghe, càng nghe càng thích; Điều không thích nghe, càng nghe càng chán ghét, bắt đầu khởi chấp trước rồi, động liền nổi phiền não. Mừng giận buồn vui là phiền não, Thất tình Ngũ dục là phiền não, việc phiền phức này lớn rồi. Đây là gì? Đây chính là luân hồi, tâm luân hồi, tướng luân hồi. Rơi vào luân hồi thì không ra được, muốn ra, không biết phải bao nhiêu đời bao nhiêu kiếp, gặp được Phật pháp, không phải Phật Pháp thì không ra được. Khoa học biết hiện tượng này, mà không thể vượt qua. Nếu thực sự muốn thoát khỏi sáu đường luân hồi, thoát ly mười pháp giới, ngoài Phật pháp ra không còn Pháp môn thứ hai. Tại sao vậy? Bởi chỉ có Phật pháp, Phật pháp có phương pháp khéo léo giúp đỡ chúng ta, phương pháp khéo léo này chính là giới định huệ. Dùng giới luật nghiêm khắc khiến chúng ta tuân thủ, để chúng ta thoát ly tình chấp thế gian. Thoát ly, buông xuống Thất tình Ngũ dục chư vị mới có thể giác ngộ, tiểu trí huệ hiện tiền. Tiểu trí huệ chính là có thể phân biệt luân hồi là khổ, luân hồi là giả, thì chư vị chịu buông nó xuống, buông xuống thì vượt qua, ra khỏi sáu đường rồi. Không thể không biết điều này.

Tịnh tông là phương tiện đứng đầu ngay trong các phương tiện. Chúng ta chính xác thực sự: không có năng lực tự mình liễu sanh tử, ra khỏi Tam giới, tự mình thực sự không có năng lực này. Tại sao vậy? Bởi mê quá sâu rồi, vô lượng kiếp đến ngày nay, tập khí này sâu biết mấy, nặng biết mấy, làm gì có việc giải thoát trong chốc lát đơn giản như thế? Vậy thì chúng ta thật may mắn vô cùng, chính mình phải vui mừng khi gặp được Pháp môn Tịnh tông, gặp được bản hội tập của lão Cư sĩ Hạ Liên Cư, điều này thật tuyệt vời! Quá may mắn rồi. Tại vì sao? Bởi bản hội tập này, đã nói rõ ràng, nói sáng tỏ về thế giới Cực Lạc, sau khi chúng ta nghe rồi mà có thể hiểu, có thể cảm động, có thể sanh tâm hoan hỷ, quyết tâm buông xuống 84 ngàn Pháp môn, chuyên tu tín nguyện trì danh, vãng sanh Tịnh Độ. Đây là sự từ bi không gì sánh bằng của A Di Đà Phật: đã mở ra một trường học như thế, tiếp dẫn nhóm người chúng ta. Chúng ta đầy đủ điều kiện đã nói trên Kinh Di Đà, thiện căn, phước đức, nhân duyên, tiếp dẫn những chúng sanh: thiện căn, phước đức, nhân duyên chín muồi này. Chúng ta chỉ cần chịu tiếp nhận, tin thật nguyện thiết, không có chút nghi ngờ nào, không còn lưu luyến thế gian này, chính là chúng sanh nhân duyên chín muồi. Không đơn giản! Vô lượng kiếp đến ngày nay chín muồi rồi. Chư Phật Như Lai nhìn thấy chúng ta, đều chúc mừng chúng ta, đều đến khen ngợi, không dễ dàng! Cuối cùng chúng ta đã rõ ràng, đã sáng tỏ rồi, nhất định vãng sanh trong đời này.

Đây chính là nói điều gì? 暗合道妙,巧入無生 “Ám hợp đạo diệu, xảo nhập Vô sanh” (ngầm hợp diệu đạo, khéo nhập Vô sanh). Vô sanh chính là thế giới Cực Lạc, vãng sanh đến thế giới Cực Lạc thì bất sanh bất diệt, Vô Lượng Thọ, thật rất khéo léo thì chư vị đã nhập vào Vô sanh, khó có được biết bao! Ngầm hợp đạo mầu, con đường tám muôn bốn ngàn Pháp môn đi là đường nào? Giới định huệ. Pháp này của chúng ta thì diệu rồi, chúng ta đây chính là một câu Phật hiệu, buông xuống vạn duyên, đây là ngầm hợp đạo diệu. Ghi nhớ, chư vị đến thế giới Cực Lạc, chư vị có thể buông xuống được, tại sao vậy? Bởi thế giới Cực Lạc muốn gì có đó, nơi đó thật sự không phải là giả, là tùy theo lòng mong muốn, bất luận là ăn, mặc, ở, đi lại, muốn gì thì hiện thứ đó, thật sự là tâm tưởng sự thành 100%. Do đó chư vị cũng không cần đem theo thứ gì, đi đến đâu đều hiện thành tất cả, hoàn cảnh cư trú cũng tùy tâm thỏa ý, tôi muốn ở căn nhà thế nào, thì hiện căn nhà thế đó, muốn dùng vật dụng thế nào, thì hiện vật dụng thế đó, không cần tự mình tốn chút tâm sức gì; Không thích nữa lại muốn thứ khác, thì lập tức đổi ngay, không cần tự mình bắt tay vào làm. Chư vị có muốn đi hay không? Phải đi, thì đoạn Kinh văn này khá quan trọng. Cho nên, để chúng ta không lưu luyến gì đối với thế gian này. Chúng ta ở thế gian này, việc không như ý thường là tám chín phần, gặp phải những sự việc này, mà nghĩ đến đến thế giới Cực Lạc thì tốt biết mấy, tất cả như ý, không có việc nào không như ý. Không tìm ra một việc nào: mà không như ý ở thế giới Cực Lạc, mọi lúc mọi nơi không gì không vừa lòng thỏa ý.

Do đó, cho dù chúng ta đã tạo Ngũ nghịch Thập ác, đây là tội nghiệp của địa ngục Vô Gián, 臨終念佛,乃至一念,亦得往生 “Lâm chung niệm Phật, nãi chí nhất niệm, diệc đắc vãng sanh” (Lâm chung niệm Phật, thậm chí một niệm, cũng được vãng sanh). Chúng ta cảm ơn Phật Bồ-tát, cảm ơn A Di Đà Phật, chúng ta đừng đợi đến một niệm sau cùng, mà bây giờ chúng ta liền niệm, bây giờ liền nắm chắc câu Phật hiệu này, thời thời khắc khắc tịnh niệm liên tục, buông xuống tất cả vọng tưởng, tạp niệm khác, đừng niệm thêm nữa, nhất tâm nhất ý cầu Phật đến tiếp dẫn, thời điểm đến thì Phật chắc chắn đến tiếp dẫn. Đừng bận tâm chút nào bởi thế gian này, bao gồm cả chính mình bị bệnh, có cần phải khám Bác sĩ hay không? Không cần, chỉ niệm A Di Đà Phật cầu vãng sanh. A Di Đà Phật vẫn muốn ta biểu pháp, thế thì bệnh sẽ khỏi, bởi Phật lực gia trì; Không muốn ta biểu pháp, thì Phật sẽ dắt ta đi. Chư vị xem tự tại biết mấy! Đáng tin không? Đáng tin, ví dụ nhiều lắm, ở ngay trước mắt. Vĩnh Tư Tập về lão Hòa thượng Hải Hiền đã xuất bản rồi, lưu thông rất nhiều, chư vị xem thấy những trương hợp đó, chư vị xem chính ngài, chư vị xem Sư đệ Hải Khánh của ngài, chư vị xem mẹ của ngài: 86 tuổi tự tại vãng sanh. Thế gian này có gì hay không? Không có, không có thứ nào, thì không chút bận tâm.

Tôi đã giảng với chư vị nhiều lần, hy vọng chúng ta đều có thể làm được, trong tâm chúng ta ngoài A Di Đà Phật ra, thì không còn tạp niệm, không còn ý niệm nào cả. Tôi nói thế nào? Quần áo mà mặc trên người là của chính mình, không mặc trên người thì không phải của chính mình, đừng có nghĩ đến nó; Nhà cửa, ta sống trong căn nhà này, thì căn nhà này chính là của chính ta, ta ra ngoài cửa rồi, thì căn nhà này không phải của ta, không có bận tâm, điều bận tâm chính là một câu A Di Đà Phật, niệm niệm đợi Phật đến đón ta. Nếu chư vị vướng víu tiền bạc tài sản, mà trong túi áo trên người có, thế thì là của chư vị, không có trong túi, ở ngân hàng, ở trong ngăn kéo nhà chư vị, thì không phải của chư vị, đừng lao tâm, đừng lo nghĩ, thật sự buông xuống tất cả những bận tâm lo nghĩ. Không có ta, không có cái của ta sở hữu; Có ta, có ta sở hữu, thì không đến được thế giới Cực Lạc. Thế giới Cực lạc đều thâu nhận người lang thang; Người có gia đình, có nhà, có tài sản, A Di Đà Phật không chạm đến họ, không dẫn họ đi, thì họ không đi được. A Di Đà Phật đến tiếp dẫn toàn bộ là người lang thang, đã bỏ sạch sẽ rồi, không còn bận tâm chút nào về thế giới này, Phật dắt những người này đi. Chúng ta phải hiểu đạo lý này.

Câu sau cùng này nói được hay, 正顯彌陀本願不可思議 “Chánh hiển Di Đà bổn nguyện bất khả tư nghị” (Chính là hiện rõ bổn nguyện của đức Di Đà là không thể nghĩ bàn). Tiếp dẫn vãng sanh là bổn nguyện của A Di Đà Phật. 法藏菩薩五劫思維之果,即在於此 “Pháp Tạng Bồ-tát ngũ kiếp tư duy chi quả, tức tại ư thử” (Quả của Bồ-tát Pháp Tạng tư duy trong năm kiếp, chính tại nơi đây). Năm kiếp tư duy: là công phu của Ngài thành tựu, viên mãn rồi. Mấy câu tiếp theo đây, 五逆十惡臨終之際,地獄相現,眾火俱至。而能以稱名故,頓離妄惑,入理一心。以契理故,眾罪消滅,即生極樂,登三不退 “Ngũ nghịch Thập ác lâm chung chi tế, địa ngục tướng hiện, chúng hỏa câu chí. Nhi năng dĩ xưng danh cố, đốn ly vọng hoặc, nhập Lý Nhất Tâm. Dĩ khế lý cố, chúng tội tiêu diệt, tức sanh Cực Lạc, đăng Tam bất thoái” (Lúc hạng Ngũ nghịch Thập ác lâm chung, tướng địa ngục hiện, chúng hỏa đều đến. Mà có thể bởi dùng xưng danh, bỗng chốc lìa vọng hoặc, nhập vào Lý Nhất Tâm. Bởi đã khế hợp Lý, nên chúng tội tiêu diệt, liền sanh Cực Lạc, lên bậc Tam bất thoái). Ở trong đây có một câu không dễ hiểu, chính là nhập Lý Nhất Tâm. Lý Nhất Tâm là thế nào? Đoạn Kiến tư phiền não là Sự Nhất Tâm, phá một phẩm Vô minh, chứng một phần Pháp thân: là Lý Nhất Tâm. Nhanh chóng lìa vọng hoặc dễ hiểu, vào lúc mạng sắp hết, nhập Lý Nhất Tâm tương đối khó hiểu. Thật sự rời khỏi vọng hoặc rồi, buông xuống Vô thỉ Vô minh, thì nhập Lý Nhất Tâm. Vọng hoặc đó là gì? Vọng là điều giả, không phải điều thật; Hoặc là mê hoặc, chính là bị những vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của thế gian này mê hoặc rồi. Vào lúc Phật đến tiếp dẫn, thoáng chốc đã buông bỏ những thứ này. Khi Phật đến tiếp dẫn, tâm vào lúc đó là Lý Nhất Tâm, quả thật không thể nghĩ bàn. Lúc Phật đến tiếp dẫn, nếu là Sự Nhất Tâm, thì sanh Phương Tiện độ; Nếu là Lý Nhất Tâm, thì sanh Thật Báo độ. Chưa đoạn Kiến tư phiền não, cũng chính là nói chưa đoạn phân biệt chấp trước, đây gọi là đới nghiệp vãng sanh, sanh Đồng Cư độ. Thế giới Cực Lạc là Đồng Cư Tịnh Độ, thế giới này của chúng ta là Đồng Cư Uế độ, là khác nhau. Dù sao cũng phải làm rõ ràng điều này.

Người nhập Lý Nhất Tâm, chắc chắn là hạ thủ công phu sâu trên giáo lý. Giáo lý giảng điều gì? Giảng chân tướng sự thật, chân tướng sự thật trên địa cầu này của chúng ta. Chư vị sống trên địa cầu này, sống được bao năm rồi, khổ hay không? Chịu đủ khổ rồi, mà vẫn chưa làm rõ chân tướng. Tại sao vậy? Bởi thật làm rõ ràng rồi, thì chư vị đã chịu buông xuống. Chân tướng, Phật nói được hay, 凡所有相皆是虛妄 “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” (Những gì có tướng đều là hư vọng). Tất cả pháp Hữu vi, Hữu vi chính là có sanh có diệt, người sống trên địa cầu này đều là có sanh có tử, là pháp sanh diệt, động vật có sanh có tử; thực vật cũng có sanh có diệt, sanh trụ dị diệt; khoáng vật có thành trụ hoại không. Tinh cầu, ngày nay chúng hiểu được, sớm muộn cũng có một ngày sẽ nổ lớn, tinh cầu tan rã, nó vận hành ngay trong thái không: cũng là có thời hạn, tinh cầu có thành trụ hoại không. Không có một vật gì mà không phải giả, không thể cho là thật, sau khi chết rồi không mang đi được thứ gì, trước khi chưa chết cũng không mang đi được thứ gì, chư vị có thể mang đi sao? Chư vị không mang được, dù sao cũng phải khiến chư vị nhìn thấu. Nhìn rõ ràng thế giới này, đừng mê hoặc nữa, triệt để buông xuống, trong tâm chỉ có một A Di Đà Phật, đây chính là Lý Nhất Tâm.

Ta không có cách nào làm được không khởi tâm không động niệm, thế nhưng ngày nay ta khởi tâm động niệm: chỉ là A Di Đà Phật, chỉ là Thế giới Cực Lạc, ngoài hai câu A Di Đà Phật, và thế giới Cực Lạc ra, thì không có gì khác, thì hiện nay chư vị được đại tự tại! Những tội nghiệp mà chư vị tạo tác từ vô thỉ kiếp đó đều tiêu rồi, tội nghiệp tiêu rồi, thiện nghiệp cũng tiêu rồi, tại sao vậy? Bởi thiện ác đều là giả, đều là không thật. Nếu chư vị cho là thật, cho là thật, vậy là ác nghiệp đọa ba đường ác, thiện nghiệp lên ba đường thiện, đó chính là sáu đường luân hồi, sáu đường luân hồi chính là do vậy mà đến, toàn bộ là dựa vào ý niệm. Ý niệm trên thực tế là liễu bất khả đắc, trong một giây, sanh diệt 2 triệu 240 ngàn tỷ lần, sinh diệt nào là ý niệm của chư vị? Sanh diệt nào không phải là ý niệm của chư vị? Nếu nói phải, toàn bộ phải; Nếu nói không phải, toàn bộ không phải. Làm rõ ràng, làm sáng tỏ thì không khởi vọng tưởng nữa, không khởi ý niệm nữa, chỉ cho phép khởi tâm niệm Phật, động ý niệm vãng sanh, đây gọi tu Tịnh nghiệp, đây gọi là nhập biển nguyện Di Đà, tương ưng với 48 nguyện của đức Di Đà, tương lai chắc chắn vãng sanh, có phần vãng sanh.

Vì thế, 眾罪消滅 “chúng tội tiêu diệt” (chúng tội tiêu diệt), thực tế nói tội phước đều tiêu diệt hết, 登三不退 “đăng Tam bất thoái” (lên bậc Tam bất thoái), vãng sanh đến thế giới Cực Lạc, vãng sanh đến thế giới Cực Lạc, bất luận chư vị sanh đến một cõi nào, đều là lên Tam bất thoái, Cực Lạc không thể nghĩ bàn. Về Tam bất thoái, Vị bất thoái, A-la-hán là Vị bất thoái. Ai chứng được ba loại bất thoái chuyển này? Pháp thân Bồ-tát chứng được, Vị bất thoái, Hạnh bất thoái, Niệm bất thoái, Pháp thân Bồ-tát chứng đắc tất cả. Do đó trên thực tế mà nói, thế giới Cực Lạc là thế giới bình đẳng. Bên trong có ba bậc chín phẩm hay không? Có, nói rất rõ ràng. Tuy rằng là ba bậc chín phẩm, nhưng sanh đến thế giới Cực Lạc thì đãi ngộ bình đẳng, chính là Tam bất thoái, đãi ngộ bình đẳng. Vãng sanh đến thế giới Cực Lạc, Hạ Hạ phẩm vãng sanh ở Phàm Thánh Đồng Cư độ, sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, hưởng thụ sự đãi ngộ giống như Pháp thân Bồ-tát vậy. Thế giới phương khác không có, biến pháp giới hư không giới là một nhà. Đời này chúng ta đã gặp được rồi, chúng ta phải cảm thấy may mắn, phải cảm thấy vui vẻ vô lượng, phải nhanh chóng nắm giữ không buông, ta quyết định cầu sanh. Câu tiếp theo nói rằng, ta xả bỏ Ta Bà, không thể có mảy may lưu luyến đối với Ta Bà, có chút lưu luyến thì đi không được rồi. Lúc nào buông xuống? Bây giờ liền buông xuống, chư vị mới có thể được đại tự tại. Chư vị không buông xuống được, thì trên đường Tịnh Độ của chư vị có chướng ngại, tuy rằng gặp được rồi, nhưng chưa chắc có thể vãng sanh. Người gặp được nhiều, người vãng sanh rốt cuộc là số ít, nguyên nhân là gì? Bởi chưa đọc qua đoạn Kinh văn này, nên không biết.

若非方便中之究竟方便 “Nhược phi phương tiện trung chi cứu cánh phương tiện” (Nếu chẳng phải phương tiện rốt ráo trong các phương tiện), cứu cánh là phương tiện đến tột cùng, không còn thứ nào phương tiện hơn nữa, 圓頓中 “viên đốn trung” (trong viên đốn), viên là viên mãn, không còn khiếm khuyết, đốn là nhanh chóng, không còn gì nhanh hơn pháp này, 最極圓頓,何能臻此 “tối cực viên đốn, hà năng trăn thử?” (viên đốn vô cùng, làm sao có thể đến vậy?), làm sao có thể đến loại cảnh giới này! 今淨土法門,能令惡逆凡夫暗契一心,是故彌陀號為願王誠不虛也。“Kim Tịnh Độ Pháp môn, năng linh ác nghịch phàm phu ám khế nhất tâm, thị cố Di Đà hiệu vi nguyện vương thành bất hư dã.” (Pháp môn Tịnh Độ này, có thể khiến phàm phu ác nghịch ngầm khế hợp nhất tâm, cho nên danh hiệu của đức Di Đà là nguyện vương quả thật không hư dối). Mấy câu nói này quan trọng biết bao.

Tiếp theo lại nêu An Lạc Tập của Đại sư Đạo Xước. Ngài Đạo Xước, thực tế nói: là Tổ sư Đời thứ ba của Tịnh Độ chúng ta, ngài Đàm Loan là Nhị tổ, ngài Đạo Xước là Tam tổ, chúng ta phải bổ sung vào vị trí của các ngài. Trong An Lạc Tập của ngài cũng nói mười niệm vãng sanh, 汝謂一形惡業為重,以下品人十念之善以為輕者 “Nhữ vị nhất hình ác nghiệp vi trọng, dĩ Hạ phẩm nhân thập niệm chi thiện dĩ vi khinh giả” (Ông cho rằng ác nghiệp một đời là nặng, mà coi thiện trong mười niệm của người Hạ phẩm là nhẹ), nhất hình là chỉ cho cả đời, ác nghiệp tạo trong cả đời nặng; mười niệm của người Hạ phẩm, điều thiện này nhẹ, chỗ này có nặng nhẹ khác nhau, làm sao có thể thành tựu? 今當以義校量 “Kim đương dĩ nghĩa giáo lượng” (nay sẽ lấy nghĩa để so sánh), Đại sư làm so sánh cho chúng ta, 輕重之義者,正明在心、在緣、在決定 “Khinh trọng chi nghĩa giả, chánh minh tại tâm, tại duyên, tại quyết định” (Nghĩa của nặng nhẹ, đều sáng rõ nơi tâm, nơi duyên, tại quyết định), đoạn này nói rất hay, 不在時節久近多少也 “bất tại thời tiết cửu cận đa thiểu dã” (không ở thời tiết gần lâu ít nhiều), lời này nói được hay, khiến tâm chúng ta định lại rồi. 云何在心?謂彼人造罪時,自依止虛妄顛倒心生 “Vân hà tại tâm? Vị bỉ nhân tạo tội thời, tự y chỉ hư vọng điên đảo tâm sanh” (Thế nào là tại tâm, nói rằng khi người ấy tạo tội, tự nương vào tâm hư vọng điên đảo mà sanh), trong ngoặc nói được rất rõ ràng, 依妄心而生 “y vọng tâm nhi sanh” (y theo vọng tâm mà sanh). Thật sự, không phải là giả, tâm chúng ta ngày nay tạo tác tội nghiệp, không phải Chân tâm, mà là A-lại-da, A-lại-da là Vọng tâm. Chân tâm là tâm thanh tịnh, Chân tâm không có ý niệm. Khởi tâm động niệm biến Chân tâm thành Vọng tâm. Ai tạo nghiệp? Tâm khởi tâm động niệm đó tạo nghiệp. Tâm tạo nghiệp là Vọng tâm, là giả, không tạo nghiệp là Chân tâm. Đây chính là nói tại tâm. Chư vị xem nghiệp là nương theo Vọng tâm mà sanh.

此十念者,依善知識方便安慰,聞實相法生 “Thử thập niệm giả, y Thiện tri thức phương tiện an ủy, văn thật tướng pháp sanh” (Mười niệm ấy, y theo phương tiện an ủi của Thiện tri thức, nghe Pháp thật tướng mà sanh). Chân tâm, niệm mười câu A Di Đà Phật này, phát nguyện cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, tâm này là Chân tâm, không phải Vọng tâm. Sự tạo nghiệp đó, nghiệp tạo có nặng hơn, cũng là do Vọng tâm tạo. Niệm Phật, tuy rằng chỉ niệm mười câu A Di Đà Phật này, nhưng do Chân tâm niệm. Tà không thắng chánh, vọng không hơn chân, phải ghi nhớ điều này, phải biết, phải tin tưởng. Nghe pháp thật tướng, 依實相而生 “Y thật tướng nhi sanh” (y theo thật tướng mà sanh), thật tướng chính là Chân tâm. 一實一虛,豈得相比 “Nhất thật nhất hư, khởi đắc tương tỉ?” (Một thật một hư, sao so sánh với nhau được?), điều này không thể so sánh với nhau, công đức khác nhau. Tiếp theo nêu một vấn đề, 何者 “Hà giả?” (Cớ vì sao?), tại sao vậy? Nêu một ví dụ để nói, 譬如千歲闇室 “Thí như thiên tuế ám thất” (Ví như phòng tối ngàn năm), gian phòng này không có cửa sổ, không có ánh sáng đèn, tối tăm một ngàn năm rồi. Phòng tối ngàn năm, thắp lên một ngọn đèn, 光若暫至,即便明朗。豈可得言,闇在室千歲而不去也 “quang nhược tạm chí, tức tiện minh lãng, khởi khả đắc ngôn, ám tại thất thiên tuế nhi bất khử dã?” (ánh sáng dường như mới đến, thì lập tức sáng tỏ. Há có thể nói được: bóng tối trong phòng ngàn năm mà không trừ được sao?). Ví dụ này rất dễ hiểu, phòng tối ngàn năm, một ngọn đèn vừa chiếu sáng, bóng tối liền mất đi rồi, dùng sự tối tăm này ví cho tạo tội nghiệp, dùng ánh sáng này ví cho trí huệ Bát-nhã, trí huệ Bát-nhã hiện tiền, thì tội nghiệp tiêu rồi, tối tăm liền trừ mất.

是故《遺日摩尼寶經》 “Thị cố Di Nhật Ma Ni Bảo Kinh” (Cho nên trong Kinh Di Nhật Ma Ni Bảo), có mấy câu nói, 佛告迦葉菩薩,眾生雖復數千巨億萬劫,在愛欲中,為罪所覆。若聞佛經,一反念善,罪即消盡也。 “Phật cáo Ca Diếp Bồ-tát, chúng sanh tuy phục số thiên cự ức vạn kiếp, tại ái dục trung, vi tội sở phú. Nhược văn Phật Kinh, nhất phản niệm thiện, tội tức tiêu tận dã.” (Phật nói với Bồ-tát Ca Diếp, chúng sanh tuy lặp lại số ngàn nhiều ức vạn kiếp, ở trong ái dục, bị tội che trùm. Nếu nghe Kinh Phật, vừa chuyển lại niệm thiện, tội liền tiêu hết). Chúng ta phải ghi nhớ lời này, thường xuyên để trong tâm, đây đều là dùng tâm khác nhau. Ta tạo tác tội nghiệp là tâm mê hoặc điên đảo, ý niệm cực kỳ bất thiện; Ngày nay ta niệm Phật là dùng tâm thanh tịnh bình đẳng, Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác trên đề Kinh này, ta dùng tâm này để niệm Phật, thì thiện vô cùng. Tuy rằng ta niệm được rất ít, một ngày ta chỉ niệm mấy câu, có người sáng tối làm thời khóa công phu, sáng sớm mười niệm, buổi tối mười niệm, mười niệm đó là Chân tâm. Còn 24 giờ chư vị làm là Vọng tâm, vọng không thể thắng được chân, sức mạnh của Chân tâm vượt hơn Vọng tâm. Phải hiểu đạo lý này, thì lòng tin của chính chư vị sanh ra rồi. Nếu không thì tự mình cứ nơm nớp lo sợ mãi, lúc nào cũng nghĩ đến tội nghiệp đã tạo quá nặng, e rằng không thể vãng sanh, đây là chướng ngại. Cho nên nghe Kinh Phật, trở lại niệm thiện. Ngày nay Phật giáo suy rồi, tại sao suy? Bởi quá ít người giảng Kinh rồi. Chư vị không sáng tỏ đạo lý này đã nói trên Kinh, chư vị không biết quay đầu, lúc nào chư vị cũng hoài nghi, chính mình suy nghĩ không có nắm chắc, thường xuyên mang tâm lo sợ nghi ngờ, như vậy không thể vãng sanh. Nếu chư vị nghe giảng Kinh được nhiều, đọc được nhiều, đều có thể rất sáng tỏ, hiểu rõ rồi, thì không còn nghi ngờ, dùng Chân tâm đọc Kinh, dùng Chân tâm niệm Phật, dùng Chân tâm sám hối, thì sự việc đã dễ làm rồi, liền không khó. Hễ chuyển niệm thiện, tội liền tiêu hết, tiêu tận, tiêu hết rồi. 是名在心 “Thị danh tại tâm” (Ấy gọi là tại tâm).

Tại sao ngày nay chúng ta tiêu không hết? Bởi lúc niệm Phật là tâm chân thật, Chân tâm, sau khi tụng Kinh niệm Phật xong, thì Vọng tâm lại khởi tác dụng, phiền phức ở chỗ này, công phu cũng tại đây. Sau khi ta niệm Kinh xong, thì Chân tâm này của ta có thể duy trì bao lâu? Có thể duy trì một giờ hay không? Có thể duy trì một buổi sáng hay không? Có thể duy trì một ngày hay không? Nếu có năng lực duy trì một buổi sáng, duy trì một ngày, thì họ có thể vãng sanh. Chỉ sợ rằng vừa mới niệm Kinh Phật xong, niệm Phật hiệu xong, mà gặp phải một việc không như ý, lập tức nổi giận, đó gọi là lửa thiêu rừng công đức, niệm Phật tụng Kinh uổng phí rồi. Làm thế nào sau khi tụng Kinh niệm Phật, duy trì một tâm thanh tịnh, thì tốt! Sau khi tụng Kinh xong, dùng tâm thanh tịnh niệm Phật, nhiễu Phật, đừng nghĩ đến việc gì cả, buông xuống hết vọng tưởng, tạp niệm, việc này tốt. Tâm này sáng tỏ rồi, năng lực của thiện ác tại tâm.

Thứ hai, 云何在緣 “vân hà tại duyên?” (thế nào là tại duyên?), đây là giảng về duyên cho chúng ta, 謂彼人造罪時,自依止妄想,依煩惱果報眾生生 “vị bỉ nhân tạo tội thời, tự y chỉ vọng tưởng, y phiền não quả báo chúng sanh sanh” (là nói rằng khi người ấy tạo tội, tự y chỉ vọng tưởng, y theo phiền não quả báo chúng sanh mà sanh). Đây là một người tạo tác tội nghiệp, khởi ý niệm bất thiện, tham sân si mạn nghi, bất thiện. Đây là tâm gì? Tâm chúng sanh phiền não, vọng tưởng, theo chúng sanh quả báo phiền não sanh ra. Phiền não này, là chư vị thấy anh ta không vừa ý, sanh phiền não, không thích anh ta; Quay đầu trở lại, nhìn thêm người thứ hai, chư vị thích anh này, chư vị mến anh này, tất cả đều là phiền não. Thất tình Ngũ dục, môi trường bên ngoài dẫn khởi Thất tình Ngũ dục cho chư vị, đây đều là phiền não. Tại sao vậy? Bởi không thấy Chân tâm nữa. Trong Chân tâm có điều gì? Trong Chân tâm có trí huệ, từ bi, có sức mạnh không gì so sánh được, Chân tâm. Người học Phật, hy vọng trong 12 thời, từ sáng đến tối duy trì Chánh niệm, duy trì Chân tâm. Chân tâm chính là “Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác” như lời trong Kinh này của chúng ta, Giác thì không mê, Giác là trí huệ; Thanh tịnh bình đẳng, Thanh tịnh là Giới luật, Bình đẳng là Định. Giới Định Huệ, Giác là Huệ, là Giới Định Huệ đang khởi tác dụng, đây là tâm của Phật Bồ-tát. Không sanh phiền não, chính là Sáu căn tiếp xúc hoàn cảnh Sáu trần: hoàn toàn lìa khỏi Thất tình Ngũ dục, phải luyện công phu trên đây, dùng Chân tâm, không dùng Vọng tâm.

Chân tâm là vô lượng trí huệ, vô lượng từ bi, điểm khác nhau giữa Chân tâm và Vọng tâm là gì? Phía sau Vọng tâm có di chứng về sau, Vọng tâm niệm niệm không quên, trong A-lại-da có hồ sơ. Chân tâm thì sao? Chân tâm là tâm yêu thương vô điều kiện, tâm yêu thương chân thành, không có điều kiện, không có dục vọng, sau khi làm xong, trong tâm hết sức trong sạch, không nhiễm một trần; Cũng chính là dùng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác, để xử việc đãi người tiếp vật, sau khi làm xong việc, vẫn là Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác, không thêm một điều gì: vào trong Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác. Ngày nay tôi đã làm bao nhiêu việc tốt, ngày nay tôi đã niệm bao nhiêu bộ Kinh, niệm bao nhiêu tiếng Phật hiệu rồi, thế thì không được, trong Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác không thể thêm điều gì. Do đó nói làm mà không làm, đã làm hay chưa? Làm rồi; Không làm là gì? Là không lưu lại ấn tượng trong A-lại-da, thì gọi không làm. Phàm phu do A-lại-da làm chủ, Vọng tâm làm chủ; Bồ-tát thì Chân tâm, Giác Chánh Tịnh làm chủ, không có tạp niệm, không có ô nhiễm. Chỉ cần trong tâm chúng ta vẫn có sự việc này, đã ghi nhớ, đó chính là tạp niệm, đó chính là ô nhiễm. Chân tâm là tâm Thanh tịnh, trong tâm Thanh tịnh có ô nhiễm thì là Vọng tâm. Cho nên Bồ-tát dạy chúng ta, 作而無作,無作而作 “tác nhi vô tác, vô tác nhi tác” (làm mà không làm, không làm mà làm), gặp được duyên, chúng ta nên làm thì nỗ lực mà làm, sau khi làm xong hết sức trong sạch, không để tâm trong, thì gọi là không làm, làm và không làm đồng thời. Thì ấy là người nào? Đó là Bồ-tát, đó không phải phàm phu. Người cõi trời cũng làm không được, người cõi trời hành thiện, trong A-lại-da lưu lại chủng tử thiện. Chỉ có Bồ-tát không lưu lại chủng tử thiện, chuyển thức thành trí, chuyển Ý thức thứ sáu, thành Thanh tịnh, chuyển thức thứ bảy Mạt-na, thành Bình đẳng, chuyển thức thứ tám thành Trí huệ, Đại Viên Cảnh Trí. Chúng ta thì dùng câu A Di Đà Phật, sau khi làm xong trong tâm có ý niệm gì? A Di Đà Phật, ngoài A Di Đà Phật ra đừng có niệm thứ hai, đây chính là sự thù thắng của Tịnh Độ tông, chính là thành tựu của Tịnh Độ tông.

Chúng ta xem, thế nào là tại duyên? Lúc người ấy tạo tội, tự nương vào vọng tưởng, y theo chúng sanh quả báo phiền não mà sanh. 今此十念者 “Kim thử thập niệm giả” (mười niệm này), mười niệm niệm Phật này, 依止無上信心,依阿彌陀如來,真實清淨無量功德名號生 “y chỉ vô thượng tín tâm, y A Di Đà Như Lai, chân thật thanh tịnh vô lượng công đức danh hiệu sanh” (y chỉ tín tâm vô thượng, nương vào danh hiệu có công đức vô lượng chân thật thanh tịnh của A Di Đà Như Lai mà sanh). Câu danh hiệu này: là công đức thanh tịnh chân thật của A Di Đà Phật Như Lai, công đức của Ngài có thể tiếp dẫn: vô lượng chúng sanh tội khổ ở cõi nước chư Phật, vãng sanh thế giới Cực Lạc, cho nên khác nhau. Tiếp theo nêu một ví dụ rằng, 譬如有人,被毒箭所中,徹筋破骨 “Thí như hữu nhân, bị độc tiễn sở trúng, triệt cân phá cốt” (Ví như có người, bị tên độc bắn trúng, đứt gân vỡ xương). Rất đau! Bị tên độc bắn trúng rồi. 若聞滅除藥鼓聲 “Nhược văn diệt trừ dược cổ thanh” (Nếu nghe tiếng trống thuốc diệt trừ), âm thanh của trống ấy, có thể tiêu trừ khổ của mũi tên độc cho người đó, nó có năng lực này, nghe được tiếng trống đó, 即箭出毒除 “tức tiễn xuất độc trừ” (tên liền được nhổ, độc liền tiêu), mũi tên nhổ ra rồi, độc tiêu rồi. 豈可得言彼箭深毒厲,聞鼓音聲,不能拔箭去毒也 “Khởi khả đắc ngôn bỉ tiễn thâm độc lệ, văn cổ âm thanh, bất năng bạt tiễn khử độc dã?” (Há có thể nói được mũi tên ấy thâm độc mãnh liệt, nghe âm thanh tiếng trống, mà không thể nhổ tên khử độc sao?). Đây là ví dụ tại duyên, duyên bất đồng. Âm thanh A Di Đà Phật này, âm thanh niệm Phật là trống dược trừ, tiếng trống thuốc diệt trừ độc, nghe được âm thanh này, thì nhổ mũi tên lên, cũng tiêu độc rồi. Đây gọi là tại duyên.

Hy vọng mọi người đều nên ghi nhớ những lời này, duyên này rất thù thắng, dùng Chân tâm, A Di Đà Phật là Tăng thượng duyên, có thể tiêu trừ tất cả chủng tử ác nghiệp chứa đựng trong: A-lại-da thức của chúng ta từ vô lượng kiếp đến này. Do đó cổ đức có nói, 念一聲阿彌陀佛,滅八十億劫生死重罪 “Niệm nhất thanh A Di Đà Phật, diệt bát thập ức kiếp sanh tử trọng tội” (Niệm một tiếng A Di Đà Phật, diệt 80 ức kiếp trọng tội trong sanh tử). Lời này là lời thật, không phải ví von, không phải thổi phồng, là lời hết sức thật thà, vô cùng thực tế. Chư vị thật sự hết lòng thật thà niệm một tiếng, trong một tiếng này không có xen tạp, không có nghi ngờ, không có vọng tưởng, không tạp niệm, niệm một tiếng A Di Đà Phật này: thì có sức mạnh lớn như vậy. Nhất thiết đừng cho rằng: đây là từ ngữ phóng đại của Cổ đức, không phải lời thật, vậy chính chúng ta đã sai rồi, chính chúng ta niệm thế nào cũng không tiêu được nghiệp chướng. Duyên của một niệm, mười niệm đều như vậy, huống hồ thêm một chút công phu tu hành nữa chứ? Thì tín tâm càng sâu rồi.

Thứ ba, 云何在決定者?彼人造罪時,自依止有後心、有間心生。今此十念者,依止無後心、無間心起。是為決定。“Vân hà tại quyết định giả? Bỉ nhân tạo tội thời, tự y chỉ Hữu hậu tâm, Hữu gián tâm sanh. Kim thử thập niệm giả, y chỉ Vô hậu tâm, Vô gián tâm khởi. Thị vi quyết định.” (Thế nào là ở quyết định? Khi người ấy tạo tội, tự mình nương vào Hữu hậu tâm, Hữu gián tâm mà sanh. Nay mười niệm này, nương vào Vô hậu tâm, Vô gián tâm mà khởi, ấy là quyết định). Quyết định ta có thể vãng sanh hay không, quyết định công phu của ta thấy hiệu quả hay không. Cho nên mọi người phải có tâm chắc chắn, hạ quyết tâm, nhất định phải vãng sanh Tịnh Độ, quyết định thoát ly sáu đường luân hồi, phải có tâm chắc chắn, quyết định lìa khổ được vui. Bởi vì người tạo tội: là nương vào Hữu hậu tâm, Hữu gián tâm mà sanh. Hữu hậu tâm này: chính là tâm sanh diệt ngày nay chúng ta nói. Hiện nay ta đã tạo nhân ác, sau này nhất định có ác báo; Ta đã tích thiện, đã tích công đức, tương lai nhất định có thiện báo. Hữu gián tâm mà sanh là giữa nhân và quả có khoảng cách, có hiện tiền được quả báo, có đời tương lai được quả báo, có đời sau được quả báo, không nhất định. Chúng ta niệm Phật, niệm mười niệm này, chúng ta nương vào Vô hậu tâm, Vô gián tâm mà khởi. Tại sao vậy? Bởi danh hiệu này, chính là lâm chung mười niệm, mười câu, từng câu từng câu nối tiếp, không có thiếu sót, không có gián đoạn, đây là quyết định.

Niệm lão ở chỗ này, lại dùng một đoạn văn trong Đại Trí Độ Luận, để giải thích cho chúng ta, 《智度論》云:一切眾生臨終之時,刀風解形 “Trí Độ Luận vân: Nhất thiết chúng sanh lâm chung chi thời, đao phong giải hình” (Trí Độ Luận nói rằng: Tất cả chúng sanh lúc lâm chung, gió thổi như dao xẻ thân), hình là thân thể, 死苦來逼,生大怖畏。“tử khổ lai bức, sanh đại bố úy.” (Tử khổ bức bách, sanh lo sợ lớn). Đây là hiện tượng phổ biến, người bình thường đều không tránh khỏi, chỉ có một số người cả đời còn thiện tâm, làm việc tốt, nói lời tốt, lúc sắp mạng chung mới ra đi được rất an tường, đi được tốt, những người này nhất định không đọa đường ác. Lúc lâm chung đi không tốt, rất khổ, đều là đi vào ba đường ác, chúng ta phải biết. Cho nên mấy năm nay chúng tôi thường xuyên khuyên mọi người: giữ tâm tốt, làm việc tốt, nói lời tốt, làm người tốt. Bốn điều tốt. Thật sự có thể nỗ lực thực hiện bốn điều tốt, người làm bốn điều tốt lại niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, thì nắm chắc phần vãng sanh, không có bốn điều tốt này thì không chắc chắn. Một ngày 24 giờ, nếu nghiêm túc phản tỉnh, ngay trong 24 giờ của ngày hôm nay, ta có được bao lâu: tâm tốt, nói lời tốt, làm việc tốt? Có bao nhiêu thời gian, mấy giờ, mấy phút, ta làm tương phản lại điều này, khởi tâm động niệm bất thiện, ngôn ngữ bất thiện, dễ đắc tội với người ta, hành vi bất thiện, tạo nghiệp bất thiện? Thường xuyên dùng bốn điều tốt này để kiểm điểm, có phải là người tốt hay không? Người tốt cộng thêm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, thì càng tốt hơn, lúc ra đi vô cùng hoan hỷ, tự tại vãng sanh.

是故遇善知識,發大勇猛,心心相續,十念即是增上善根,便得往生 “Thị cố ngộ Thiện tri thức, phát đại dũng mãnh, tâm tâm tương tục, thập niệm tức thị tăng thượng thiện căn, tiện đắc vãng sanh” (Cho nên gặp Thiện tri thức, phát dũng mãnh lớn, tâm tâm liên tục, mười niệm tức là tăng thượng thiện căn, liền được vãng sanh). Niệm Phật không nhiều, đây là nói lúc mạng sắp hết, sau cùng gặp được Thiện tri thức, thực sự, niệm được 10 câu A Di Đà Phật, họ vãng sanh rồi. Có hay không? Có. Dạo gần đây, tôi nghe nói: phụ thân của Giám đốc Tạ ở Triều Châu vãng sanh, chính là thuộc dạng này. Lúc lâm chung con trai mới khuyên ông ấy, trên Kinh Phật nói, do Phật tổ nói, tây phương có thế giới Cực Lạc, cha có tin hay không? Ông ấy gật đầu; Có A Di Đà Phật, tin hay không? Gật đầu. Ông ấy nói: Tốt! Con niệm A Di Đà Phật, cha niệm theo con. Niệm chưa đến một giờ, thì vãng sanh rồi, chắc chắn vãng sanh. Cả đời không tin Phật, ông ấy cũng không phản đối Phật, ông ấy cũng không phản đối người nhà học Phật, chính ông ấy không tin Phật, cũng không niệm Phật, lúc lâm chung, một giờ sau cùng trước khi tắt thở, con trai khuyên ông ấy, ông ấy gật đầu tiếp nhận rồi, quả thật mười niệm vãng sanh. Lời trên Kinh luận không dối người. Nơi đây có giảng rằng, 又如有人對敵破陣 “Hựu như hữu nhân đối địch phá trận” (lại như có người đối địch phá trận), đây là nêu chiến tranh của người xưa, lúc phá trận chống địch, 一形之力一時盡用 “nhất hình chi lực nhất thời tận dụng” (Sức của thân này dùng hết trong nhất thời), đây là bạt mạng, ngươi chết ta sống, cho nên đều dùng hết sức mạnh công phu, trong chốc lát dùng hết. 其十念之善亦如是也 “Kỳ thập niệm chi thiện diệc như thị dã” (Thiện của mười niệm ấy cũng là như vậy), mười niệm sau cùng lúc mạng sắp hết, thì giống như chiến tranh, giống như trên chiến trường vậy, toàn tâm toàn lực, không mảy may nghi ngờ nào. Việc này tốt nhất là có thể: tập thành thói quen lúc bình thường, thật có nắm chắc, lúc sắp ra đi cũng không mơ hồ chút nào, đây là việc mà chúng ta cần phải học tập.

Chúng ta xem thêm đoạn tiếp theo, 又有人視臨終十念為輕易,乃擬臨終方事修念 “Hựu hữu nhân thị lâm chung thập niệm vi khinh dị, nãi nghĩ lâm chung phương sự tu niệm” (Lại có người coi mười niệm lúc lâm chung là dễ dàng, bèn suy tính lâm chung mới làm tu niệm). Chính xác có không ít người như vậy, nghe được lời trên Kinh nói, lâm chung mười niệm dễ dàng như vậy, thì họ nghĩ rằng bình thường cần chi dụng công? Đến lúc lâm chung, vẫn còn kịp, vẫn không muộn, do đó thì muốn như người: đến lâm chung mười niệm vậy. Cách nghĩ này là cách nghĩ rất nguy hiểm, không phải cách nghĩ lành mạnh. Tại sao vậy? Bởi người lâm chung mười niệm vãng sanh đó, duyên của họ thù thắng, lúc họ lâm chung, trước khi tắt thở một, hai giờ gặp được Thiện hữu. Chư vị có thể gặp được không? Lúc ấy Thiện hữu khuyên bảo chư vị, có thể hoàn toàn tiếp nhận không? Đây đều là vấn đề. Nếu không có bạn lành, thì chư vị tan mộng rồi, chư vị luống uổng cả đời rồi. Nếu gặp được Thiện hữu, mà lúc đó người chư vị mê hoặc, mê hoặc nặng, thần chí không minh mẫn, khuyên chư vị chư vị lại không có phản ứng, cũng thua rồi. Thần chí phải minh mẫn, vô cùng rõ ràng, vô cùng sáng tỏ, không mơ hồ chút nào, niệm cùng với bạn lành, thì được. Đây đều là việc không đơn giản. Người chỉ sợ cầu may, hễ cầu may vãng sanh thì sai rồi, sai lầm rồi. Không dễ gì gặp được cơ hội, những duyên phận này như trên Kinh đã nói, đều là thiện căn của vô lượng kiếp, được sự gia trì của chư Phật Bồ-tát, đời đời kiếp kiếp không biết đã trải qua bao nhiêu đời, đời này mới viên mãn. Sự gia trì của chư Phật Bồ-tát, họ thật sự đạt được, cộng thêm vào, mới có tướng lành như vậy. Có một khâu quyết định phát sinh vấn đề, thì vẫn phải đợi đến lần sau! Lần sau lại là vô lượng kiếp, chư vị nói sự việc này đáng sợ biết bao.

Trong An Lạc Tập đã phá đi kiểu suy nghĩ này, cách nghĩ này là sai lầm, 十念相續似若不難 “thập niệm tương tục tự nhược bất nan” (mười niệm tương tục dường như không khó), nhìn thấy dường như không khó, 然諸凡夫,心如野馬,識劇猿猴,馳騁六塵,何曾停息 “nhiên chư phàm phu, tâm như dã mã, thức kịch viên hầu, trì sính lục trần, hà tằng đình tức” (nhưng các phàm phu, tâm như ngựa hoang, thức quá khỉ vượn, theo đuổi sáu trần, chưa từng dừng nghỉ). Đây là lời cảnh cáo chúng ta, có ai không như thế chứ? Phàm phu khởi tâm động niệm, tâm vọng tưởng, tạp niệm đó nhiều không cách gì hình dung được. Chính chúng ta biết điều này, chư vị không tin, thì chư vị ở nơi này ngồi trong đây muốn tĩnh một phút, thời gian một phút không dài, chư vị quan sát tỉ mỉ, trong một phút đó khởi bao nhiêu vọng niệm, đây chính là tâm như ngựa hoang. Thức là Ý thức thứ sáu, ý thức, kịch là quá hơn, chính là vượt hơn: khỉ vượn. Con khỉ ở trên cây một giây cũng không ngừng, nhảy nhót khắp nơi, giống như ngựa hoang, như khỉ vượn vậy, không có lúc nào ngừng nghỉ. Ý thức thứ sáu này của chúng ta, ý niệm của chúng ta, tạp niệm, vọng tưởng, rong ruổi theo sáu trần, mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân tiếp xúc với bên ngoài, ý niệm bên trong, sáu căn khởi tâm động niệm trên sáu trần, không có lúc ngừng nghỉ, đây là phàm phu.

Vì thế nói, 各須宜發信心 “Các tu nghi phát tín tâm” (mỗi người đều nên phát lòng tin), ở đây khuyên bảo mỗi người nên cần phải phát lòng tin, phải phát lòng tin Phật, tin Kinh điển, tin vào giáo huấn của Tổ sư Đại đức; 預自剋念 “Dự tự khắc niệm” (Tự khắc chế ý niệm trước), tự mình phải khắc phục ý niệm của chính mình trước, đây gọi là thật dụng công. Trên thực tế thật dụng công, chẳng phải là công khóa sáng tối niệm mấy bộ Kinh, niệm mấy chục ngàn tiếng Phật hiệu, đây đều do là lúc bình thường luyện công, thật sự tu hành, thật sự luyện công phu, là trong cảnh giới sáu trần. Chúng ta mắt thấy sắc thấy được rõ ràng, đó là thế nào? Là trí huệ hiện tiền. Trí huệ Bát-nhã trong Tự Tánh hiện tiền, nhìn được rõ ràng, nghe được rõ ràng, mà không có khởi tâm động niệm, đây gọi là tu hành. Trong tâm mình thì A Di Đà Phật: từng tiếng một không gián đoạn, không bị môi trường bên ngoài quấy nhiễu, đây gọi là công phu, đây chính là niệm Phật có công phu. Ngày nay thứ quấy nhiễu nhiều nhất, thứ mà chư vị không cách gì thoát khỏi, là gì? Là điện thoại di động. Chư vị mang trên người, bất kể lúc nào, chư vị đang niệm Phật ở đây, nó reo lên một tiếng, chư vị vừa lúng túng, thì không còn Phật hiệu rồi, phiền não hiện tiền ngay. Cho nên đó không phải là món đồ lợi ích.

Do đó người tu hành: tại sao phải sống nơi A-lan-nhã? A-lan-nhã là danh từ của Phật giáo, ý nghĩa là nơi tịch tĩnh, nơi an tĩnh. Sống trên núi, sống nơi ít có người đến, dựng một lều tranh, ở nơi đó thanh tu, tốt, an tịnh. Đường nhỏ, đi bộ đều không thuận tiện. Sống nơi đó làm gì? Xa rời đông người. Để tu điều gì? Tu tâm thanh tịnh. Ngày xưa đại đa số người, đều chắc chắn phải thông qua cửa này, sống trên núi, sống lều tranh nhỏ. Có một số người sống cả đời, ở khu vực gần chùa chiền, đại khái đi bộ nửa giờ, tìm miếng đất dựng lều tranh nhỏ. Tại sao vậy? Bởi vật dụng sinh hoạt cần phải có, do chùa cung cấp, mỗi ngày họ đều ăn một bữa, một bữa cũng phải nhóm lửa, cũng phải nấu cơm, tự mình làm tất cả. Có lúc có thể tự mình trồng một ít rau, những thứ như dầu muối tương giấm đều là thường trụ cung cấp, cung cấp cho lều tranh, mỗi một lều tranh một phần, khi hết tự đi lấy, có rất nhiều thì một tuần đi một lần, ba ngày đi một lần. Tu điều gì? Chính là rời xa sáu trần. Không thể rời xa sáu trần, thì rất khó thành tựu tâm thanh tịnh. Tâm không thanh tịnh, sau này thì không cần nói nữa, không có phần! Do đó phải tự mình: khắc phục vọng niệm của chính mình trước. 使積習成性 “Sử tích tập thành tánh” (Khiến tích tập thành tánh), nuôi dưỡng thành thói quen, 善根堅固也 “thiện căn kiên cố dã” (thiện căn kiên cố). Sáu căn ở trong cảnh giới sáu trần, mà không bị quấy nhiễu nào của cảnh giới sáu trần, không bị nó ảnh hưởng, đây gọi là công phu, đây là định. Mắt ở trên sắc tướng, không bị sự quấy nhiễu của sắc tướng, mắt nhập định ở trên sắc. Thấy sắc nghe tiếng, người niệm Phật toàn là một khối Phật hiệu, không có vọng niệm nào khác.

Chúng ta xem văn tiếp theo, đây đều là lời trong An Lạc Tập, 如佛告大王,人積善行,死無惡念。如樹先傾,倒必隨曲也 “Như Phật cáo đại vương, nhân tích thiện hạnh, tử vô ác niệm. Như thụ tiên khuynh, đảo tất tùy khúc dã” (Như Phật nói với Đại Vương, người tích thiện hạnh, chết chẳng niệm ác, như cây nghiêng trước, khi đổ ắt theo chỗ cong). Chỗ này đã nêu một ví dụ, người cả đời tu bốn điều tốt, giữ tâm tốt, nói lời tốt, làm việc tốt, làm người tốt, tâm họ thanh tịnh, lúc ra đi họ nhất định rất tự tại. Học Phật, niệm Phật, nhất định vãng sanh; Người không cầu vãng sanh, cũng sanh lên trời, họ sẽ ra đi được rất an tường, họ không có ác niệm. Thí như cây nghiêng trước, là ngã ở một bên, khi nó ngã xuống, nhất định là ngã theo bên nghiêng đó. Thiện duyên của người hành thiện thành tựu, tiểu thiện là phước báo trời người, đại thiện ở trời Tứ Thiền.

Tiếp theo thì nói đến lúc lâm chung, 若刀風一至,百苦湊身。若習先不在懷,念何可辦? “nhược đao phong nhất chí, bá khổ thấu thân. Nhược tập tiên bất tại hoài, niệm hà khả biện?” (như gió đao vừa đến, trăm khổ đến bên thân. Nếu tâm ý không sẵn thói quen, thì cách nào niệm được?) Vậy là vấn đề thực sự đến rồi, gió đao vừa đến chính là đến lúc chết rồi, gió đao là ví cho Tử khổ, con người lúc đó: thần thức thoát khỏi thân thể chính mình, vô cùng đau khổ, trăm điều khổ tụ nơi thân. Nếu không phải dự bị trước, chuẩn bị tốt, làm tốt sự việc này, thì đến lúc ấy muốn niệm Phật cũng niệm không nổi, họ quá khổ, họ quá đau khổ rồi, họ không cách gì niệm; Dù giúp họ trợ niệm, họ cũng không cách nào niệm theo quý vị, họ quá thống khổ rồi, họ niệm không nổi nữa, vậy thì đáng tiếc rồi. Làm thế nào? 各宜同志三五,預結言要。臨命終時,迭相開曉。為稱彌陀名號,願生安樂國。聲聲相次,使成十念也 “Các nghi đồng chí tam ngũ, dự kết ngôn yếu. Lâm mạng chung thời, điệt tương khai hiểu. Vi xưng Di Đà danh hiệu, nguyện sanh An Lạc quốc. Thanh thanh tương thứ, sử thành thập niệm dã” (Mỗi mỗi nên có ba người, năm người: cùng hợp chí hướng, đúc kết sẵn lời quan trọng. Đến lúc mạng chung, khai thị chỉ bảo lẫn nhau. Là xưng danh hiệu đức Di Đà, nguyện sanh cõi An Lạc, tiếng tiếng lần lượt nối nhau, khiến thành mười niệm). Đây chính là gì? Trợ niệm, người đó cần phải trợ niệm. Không có trợ niệm, lúc họ đi rất đau khổ, không đề khởi được Phật hiệu, ra đi theo đau khổ. Ra đi theo đau khổ, đều là ba đường ác, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, thế thì thật đáng thương. Vì thế nên tìm bạn bè tu Phật chí đồng đạo hợp, tìm ba người, năm người, thì hẹn sẵn trước, đến lúc một ai đó lâm chung, những người bạn đạo này đến trợ niệm, trợ niệm lúc lâm chung. Khai thị chỉ bảo lẫn nhau, lúc lâm chung, những người bạn đạo này nhắc nhở họ. Nhắc nhở quan trọng nhất chính là một câu nói, 阿彌陀佛來接引你,你跟他去,不是阿彌陀佛不能跟他走 “A Di Đà Phật lai tiếp dẫn nhĩ, nhĩ cân tha khứ, bất thị A Di Đà Phật bất năng cân tha tẩu”(A Di Đà Phật đến tiếp dẫn quý vị, quý vị đi theo Phật, không phải A Di Đà Phật thì không thể đi theo họ), câu nói này quan trọng nhất. Oán thân trái chủ: có thể hiện thân tướng của Phật đến lừa gạt chư vị, thế nhưng chắc chắn không dám hiện Bổn tôn. Chúng ta niệm Phật cầu vãng sanh, A Di Đà Phật là Bổn tôn, ngài Quán Âm, Thế Chí là Bổn tôn, chính là Tây Phương Tam Thánh, lâm chung nhìn thấy Tây Phương Tam Thánh, đều có thể đi theo các Ngài. Không phải Tây Phương Tam Thánh, mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni đến tiếp dẫn, cũng không được đi theo Ngài; Bồ-tát Văn Thù đến tiếp dẫn, không được đi theo ngài, tại sao vậy? Vì là giả, yêu ma quỷ quái sẽ hiện loại tướng này. Hiện những tướng này, thần Hộ pháp không can thiệp được; Hiện Bổn tôn thì không được, thần Hộ pháp can thiệp. Do đó lúc này phải nhắc nhở họ, là xưng danh hiệu đức Di Đà, khuyên họ nguyện sanh nước An Lạc, tiếng tiếng lần lượt nối nhau, khiến thành mười niệm, dẫn dắt họ niệm, dẫn dắt họ niệm Phật, dẫn dắt họ phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ.

譬如蠟印印泥,印壞文成 “Thí như lạp ấn ấn nê, ấn hoại văn thành” (Ví như con dấu sáp in đất sét, khi dấu hư thì thành chữ), con dấu bằng sáp in trên đất sét, do làm bằng sành, dấu đất sét đã in hư rồi, con dấu sáp hư rồi, đã tạo ra chữ, gọi là ấn hoại văn thành. 此命斷時,即是生安樂國時,一入正定聚,更何所憂。各宜量此大利。何不預剋念也。“Thử mạng đoạn thời, tức thị sanh An Lạc quốc thời, nhất nhập Chánh định tụ, cánh hà sở ưu. Các nghi lương thử đại lợi. Hà bất dự khắc niệm dã?” (Lúc mạng đó dứt, tức là lúc sanh cõi An Lạc, hễ nhập Chánh định tụ, thì còn lo lắng gì. Mỗi người nên cân nhắc sự lợi lớn ấy. Sao chẳng trước chế phục ý niệm?) Như vậy lâm chung có lợi ích lớn, giống như nói rằng bảo vệ hộ tống đưa họ vãng sanh. Trên Kinh điển đều có những điều này, Tổ sư Đại đức cung cấp rất nhiều tư liệu, phải đọc nhiều, phải đọc thuộc, đến lúc lâm chung đưa người vãng sanh, không được mơ hồ chút nào. Như lý như pháp, thì người vãng sanh được lợi ích lớn. Ngày nay có rất nhiều việc đưa người vãng sanh không như pháp. Chúng ta nghe thấy, nhìn thấy rồi, cũng không tiện phát biểu, phát biểu thì đắc tội với người. Ngày nay người ta tự chủ trương làm rất nhiều, không nhiều người nghe ý kiến của người khác, cho nên rất khó. Tự mình lúc bình thường làm chuẩn bị, đây là việc chắc chắn nhất. Chúng ta tự mình không cần cầu người khác, nương nhờ người khác; Chính mình thì có thể làm chủ, điều này tốt. Phải đọc Kinh, Kinh giúp chúng ta phá mê khai ngộ; Kinh khuyên bảo chúng ta, Thế giới Cực Lạc tốt hơn môi trường chúng ta đây, tốt hơn nhiều lắm, so sánh hai nơi, thì chư vị sẽ bỏ đây sanh kia, ta di dân qua bên đó. Hơn nữa thật có thể đi được, không phải là giả. Người niệm Phật vãng sanh cũng không ít, có thể xem nhiều những lời văn được ghi chép lại này, để tăng tưởng tín tâm của chúng ta, tăng trưởng nguyện tâm chúng ta. Tín nguyện kiên cố, chắc chắn được sanh. Công phu niệm Phật sâu hay cạn, việc đó không phải quan trọng lắm, vãng sanh quan trọng nhất, chính là sanh Phàm Thánh Đồng Cư độ: Hạ hạ phẩm cũng tuyệt vời rồi, cũng là một đời thành Phật. Hy vọng mọi người chúng ta ghi nhớ, phải nắm vững thời gian, giành lấy từng phút giây. Thọ mạng người ở trong hơi thở, đây là thật sự, không phải giả. Bây giờ thời gian hết rồi, chúng ta học tập đến đây thôi.

( Hết tập 327)

Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử cùng chúng sanh
Đều sanh nước Cực Lạc
Sớm viên thành Phật quả
Rộng độ khắp chúng sanh.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Trả lời 0