Responsive Menu
Add more content here...

Tập 502 – Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú 2014

 

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH KHOA CHÚ 2014 (Giảng lần thứ 4)

PHẨM 47: PHƯỚC HUỆ MỚI ĐƯỢC NGHE

TẬP 502

Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng.

Giảng tại: Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông.

Thời gian: Ngày 27 tháng 10 năm 2017.

Dịch Giả: Thích Thiện Trang.

 

          Kính chào chư vị Pháp sư, chư vị đồng học, mời an tọa. Thỉnh mọi người cùng tôi quy y Tam Bảo:

          A-xà-lê tồn niệm, ngã đệ tử Diệu Âm, thỉ tùng kim nhật, nãi chí mạng tồn, quy y Phật Đà, lưỡng túc trung tôn, quy y Đạt Ma, ly dục trung tôn, quy y Tăng Già, chư chúng trung tôn (Bạch Thầy A-xà-lê thương xót! Con đệ tử Diệu Âm, kể từ hôm nay, cho đến suốt đời, con xin quy y Phật, lưỡng túc trung tôn; con xin quy y Pháp, ly dục trung  tôn; con xin quy y Tăng, chư chúng trung tôn) (3 lần)

          Mời xem Đại Kinh Khoa Chú, trang 1090, bắt đầu từ hàng thứ 3:

          Mục B4, 歎德流通‘Thán đức lưu thông’ (khen ngợi đức lưu thông). Đây là đoạn lớn thứ tư trong phần lưu thông, khen ngợi đức, là tán thán đại đức đại hạnh của người. Phần này vô cùng quan trọng, trong đây chia làm ba đoạn nhỏ. Chúng ta xem chú giải của Niệm Lão.

福慧始聞第四十七

           福慧始聞第四十七 “Phước Huệ Thỉ Văn, Đệ Tứ Thập Thất” (Phẩm 47, Phước Huệ Mới Được Nghe).

          世尊於說長行後,復以偈頌,重申前意‘Thế Tôn ư thuyết trường hàng hậu, phục dĩ kệ tụng, trùng thân tiền ý’ (Sau khi Đức Thế Tôn nói trường hàng xong, Phật lại dùng kệ tụng để trùng tuyên ý phía trước). Câu này nói với chúng ta, phần văn trường hàng phía trước là Thích Ca Mâu Ni Phật thuyết pháp, sau khi nói xong, ý nghĩa của phần đã nói thật quá quan trọng, nên lại dùng kệ tụng, dạng kệ tụng là giống như dạng thơ của chúng ta, để nói lại một lần nữa. Văn chữ của kệ tụng ít, nhưng ý nghĩa bao hàm thì vô cùng phong phú. Đây là dạng lặp lại, mọi người chưa hiểu được thì lặp lại, biểu thị ý nghĩa đại từ đại bi giáo hóa chúng sanh của Thế Tôn, đạt đến viên mãn. Trong kinh thường có những dạng như vậy, sau trường hàng là kệ tụng, liền biết phần được nói đó đặc biệt quan trọng.

          於中‘Ư trung’ (trong đây), là trong phần kệ tụng này, 標明是非 ‘Tiêu minh thị phi’ (nêu rõ đúng, sai), nói với chúng ta những gì là đúng, những gì là sai. Sau đó chọn lại, đem những gì không đúng, những gì sai lầm bỏ đi, còn những gì chính xác thì chúng ta phải tiếp nhận, phải y giáo phụng hành. Trong đây hiển lộ khen ngợi ba việc, thứ nhất là 信受求生‘tín thọ cầu sanh’ (tin nhận cầu vãng sanh), thứ hai là 佛智難思‘Phật trí nan tư’ (trí của Phật khó nghĩ lường), thứ ba là 念佛得度‘Niệm Phật đắc độ’(niệm Phật được độ). Ba việc này, đầu tiên là tin nhận cầu vãng sanh. Pháp môn này, mười phương ba đời tất cả chư Phật, đều nói là dễ hành nhưng khó tin, tu hành thì dễ dàng, thật sự không khó, nhưng rất khó tin. Xem xét một chút ở thế gian chúng ta hiện nay, trong đồng học đang niệm Phật, chúng ta có lãnh hội sâu sắc, mấy câu nói này của Thế Tôn hay không? Thật sự, người tin nhận cầu vãng sanh không nhiều, người nói trên miệng thì nhiều, nhưng người thật sự đi làm thì rất ít, rất hiếm. Đây nói lên điều gì? Là khó tin. Đã thật tin rồi, thì lẽ nào họ lại không chấp nhận? Chấp nhận rồi, thì lẽ nào họ lại không cầu sanh Tịnh-độ? Cầu sanh Tịnh-độ rất đơn giản, là tám chữ: thật tin nguyệt thiết, lão thật niệm Phật, thì được rồi, tám chữ này, tám chữ đó không dễ dàng.

          Đức Thích Ca Mâu Ni Phật, cùng Tổ sư nhà Phật chúng ta, đầu tiên là Tổ sư Đại đức, Phật pháp là do quý ngài truyền lại, là bốn chữ này, trước đã làm một tổng kết, đúc kết lại là Kinh Vô Lượng Thọ, là tổng kết 49 năm giảng kinh dạy học, của Thích Ca Mâu Ni Phật. Lại tổng kết thành một câu đó là gì? Là bốn chữ ấy, hy vọng quý vị tin tưởng, và tiếp nhận, quý vị phát nguyện cầu sanh Tịnh-độ. Thì nhiệm vụ hóa độ chúng sanh của Phật đã viên mãn, thành công rồi. Vì sao người ta không tin? Không thể tiếp nhận? Bởi vì không đủ phước. Phước từ đâu đến? Là tích lũy trong nhiều đời nhiều kiếp từ quá khứ đến nay, không đơn giản, không phải phước tu trong một đời, mà của nhiều đời nhiều kiếp. Đời này thì chúng ta biết, còn đời quá khứ thì chúng ta không biết, nhưng Phật biết, Bồ-tát biết.

          Sự việc thứ hai, trí của Phật khó nghĩ lường. Trí huệ của Phật thì chúng ta không có cách nào tưởng tượng được, vì sao vậy? Thật tế Phật trí của mọi người đều là bình đẳng, không chỉ Phật trí là bình đẳng, mà trên Kinh Đại thừa Phật còn nói, như Kinh Viên Giác nói: Tất cả chúng sanh vốn là Phật. Chúng ta quay đầu lại cầu sanh Tịnh-độ, đến Thế Giới Tây Phương Cực Lạc thì thành Phật, việc này là đương nhiên, một chút cũng không kỳ lạ, tại sao vậy? Vì quý vị vốn là Phật. Chỉ vì quý vị đã mê mất Tự-tánh, mà đọa lạc trong tam đồ lục đạo, thật đáng thương, đời đời kiếp kiếp ở trong sáu đường luân hồi chịu khổ chịu nạn. Ngay trong đời này, cũng là dựa vào thiện căn của đời trước, tại vì sao? Nếu không có thiện căn tu hành của đời trước, thì quý vị không gặp được cơ duyên này. Chúng ta học tập bộ kinh này, hôm nay giảng đến 福慧始聞‘Phước huệ thỉ văn’ (phước huệ mới được nghe), nếu quý vị không có phước, quý vị không có trí huệ, thì làm sao quý vị nghe được? Nếu như quý vị nghe rồi mà tin được, lại có thể phát nguyện cầu sanh Tịnh-độ, thì sự liên quan không chỉ riêng đời này của quý vị thôi, mà đời sau kiếp sau, quý vị đi làm Phật rồi. Như vậy còn gì bằng? Thật là không thể nghĩ bàn.

          Điều thứ ba nói với chúng ta là phương pháp, phương pháp của thành Phật, là niệm Phật được độ. Thật tin tưởng phương Tây có Thế Giới Cực Lạc, thật tin Thế Giới Cực Lạc có A Di Đà Phật, thật tin giáo huấn của Thích Ca Mâu Ni Phật, chỉ cần thật tin, có nguyện vọng, tôi thật muốn đi, thì niệm một câu A Di Đà Phật là được độ rồi. Sau một thời gian, công phu đã thành tựu, A Di Đà Phật liền đến tiếp dẫn chúng ta. Ở thế gian chúng ta đây, chúng ta thấy tận mắt được, tai trực tiếp nghe được, việc niệm Phật vãng sanh, không cần kể nhiều, đã có ba, bốn mươi người. Những người đó là biểu diễn cho chúng ta xem, nhưng biểu diễn được viên mãn nhất, thành công nhất, thì không ai qua được Lão Hòa thượng Hải Hiền. Chúng ta đem tấm ảnh của Lão Hòa thượng, tín nguyện trì danh vãng sanh Tịnh-độ, treo nơi sáng của Phật đường, ngày ngày nhìn thấy ngài, ngày ngày nghĩ đến ngài, Lão nhân gia đã vãng sanh ba năm rồi, chúng ta phải mau chóng đuổi theo, phải bắt kịp ngài, như vậy thì đúng rồi.

          Tiếp theo là tiêu đề, 標佛說頌‘Tiêu Phật thuyết tụng’(nói Phật tụng kệ). Kinh văn chỉ có tám chữ:

          爾時世尊而說頌曰“Nhĩ thời Thế Tôn nhi thuyết tụng viết” (Lúc bấy giờ, Thế Tôn bèn nói kệ rằng).

          Kệ tụng. 昔修福慧聞經‘Tích tu phước huệ văn kinh’(Tu tích phước huệ mới được nghe kinh), tích là đời quá khứ. Phải tu phước, phải tu huệ, trồng phước tu huệ, thì quý vị mới có cơ hội nghe được bộ kinh này, đây là điều không dễ dàng. Người không có phước huệ, thì mấy mươi năm cuộc đời ở thế gian, không có tiếp xúc qua Phật pháp, không có đọc qua kinh điển, không có nghe qua kinh điển, hạng người như vậy có nhiều không? Nhiều không đếm được. Ở đây chia làm hai đoạn nhỏ, đoạn thứ nhất 福慧始聞‘Phước huệ thỉ văn’(Phước huệ mới được nghe).

          若不往昔修福慧

於此正法不能聞。

“Nhược bất vãng tích tu phước huệ,
Ư thử chánh pháp bất năng văn.”
(Nếu xưa kia không tu phước huệ,
Thì chánh pháp này không thể nghe.
)

          Đây là tu phước, tu huệ.

          已曾供養諸如來

則能歡喜信此事。

          “Dĩ tằng cúng dường chư Như Lai
          Tắc năng hoan hỷ tín thử sự.”

            (Đã từng cúng dường chư Như Lai,
          Mới thể vui mừng tin việc này
.)

Quá khứ, hiện nay đã từng cúng dường chư Phật Như Lai, thì quý vị mới thấy được việc này, mới nghe được việc này, tiếp xúc được việc này, đó là việc gì? Là pháp môn Tịnh-độ, niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, quý vị mới tin tưởng, vui mừng. Như phần trước tôi đã báo cáo với mọi người, cũng là trong chú giải của Lão Cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, ngài đề cập đến thầy của ngài, là Lão Cư sĩ Hạ Liên Cư. Những năm đầu, thời kỳ kháng chiến, ngài gặp được Kinh Vô Lượng Thọ, đọc qua một biến từ đầu đến cuối, đã vui mừng không gì bằng, múa tay giậm chân, như nhảy múa vậy, vui mừng, ba, bốn ngày cũng không dừng lại được. Hoan hỷ đến như vậy, thì chúng ta rất ít nghe nói qua, quá vui mừng rồi, vì sao vậy? Vì ngài thật sự hiểu rõ, thật minh bạch rồi. Đời đời kiếp kiếp mong cầu thoát khỏi lục đạo luân hồi, luân hồi là biển khổ, kinh điển Đại-thừa đã học không ít, Hiển giáo, Mật giáo, Tông môn, Giáo hạ, đều học tất cả, mà có nắm chắc thoát khỏi luân hồi hay không? Không nắm chắc. Đã gặp bộ kinh này rồi, chúng ta chiếu theo lời dạy của kinh mà thực hiện, thì người người đều nắm chắc. Nên sau khi Lão Cư sĩ Hạ Liên Cư đọc kinh này, thấy dễ dàng như vậy, những lời nói này, từng chữ từng câu, đều là chính do Phật thuyết, không phải là giả, đời này nhất định vãng sanh, nên hạnh phúc, vui đến ba, bốn ngày.

          Hôm nay chúng ta xem được những điều mà đoạn văn này ghi lại, thì trong tâm nghĩ đến, Hạ Lão là Bồ-tát tái lai, vì chúng ta mà biểu diễn. Khiến chúng ta thấy được mà xúc động, khiến chúng ta giống như ngài cũng có thể vui mừng, tin tưởng việc đó, thì quyết định đời này tôi được độ rồi. Điều kiện hàng đầu của được độ, ắt cần phải biết, đó là phải đem ngũ dục lục trần triệt để buông xả. Ngũ dục gồm: tài, sắc, danh, ăn, ngủ; Lục trần gồm: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Từ vô lượng kiếp đến nay, chúng ta bị những thứ đó trói buộc, bị lệ thuộc chúng, mà chúng đều là giả, nên chúng ta bị lừa rồi, lấy đó làm thật, không biết nó là giả, nên buông không được. Không buông được thì không đi được, nên nhất định phải buông xả triệt để. Ai buông xả được, thì người đó thật hoan hỷ, thật được tự tại.

          Chúng ta xem chú giải của Niệm Lão, 首四句‘Thủ tứ câu’ (bốn câu đầu), tổng cộng có tám bài kệ, đây là bài thứ nhất, bốn câu là một bài kệ, đây là bài đầu tiên, tổng cộng có tám bài. 正明本品之品名Chánh minh bổn phẩm chi phẩm danh’ (Làm rõ tên của phẩm này), phẩm này là 福慧始聞‘Phước Huệ Thỉ Văn’(Phước Huệ Mới Được Nghe), tựa đề của phẩm là Phước Huệ Mới Được Nghe, 亦即經中當有眾生植諸善本,已曾供養無量諸佛由彼如來加威力故能得如是廣大法門攝取受持diệc tức kinh trung, đương hữu chúng sanh, thực chư thiện bổn, dĩ tằng cúng dường vô lượng chư Phật, do bỉ Như Lai gia oai lực cố, năng đắc như thị, quảng đại pháp môn, nhiếp thủ thọ trì’ (Cũng tức trong kinh, đang có chúng sanh trồng các cội lành, đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, do oai lực của đức Như Lai ấy gia bị, nên mới được pháp môn rộng lớn như thế này nhiếp thủ, thọ trì), đây là đem lời của trong kinh, nhắc lại tại đây cho chúng ta một lần nữa. 其中植諸善本Kỳ trung thực chư thiện bổn’(ở trong đó trồng các cội lành), thực là gieo trồng, còn cội lành là gì? Là trong kệ tụng nói: 往昔修福慧‘vãng tích tu phước huệ’(xưa đã tu tích phước huệ), chính là cội lành nói ở đây.

          Vậy nên chúng ta liền biết, người học Phật chúng ta nếu muốn vãng sanh Thế Giới Cực Lạc, thì không thể không tu phước, không thể không học trí huệ. Không có phước thì không có trí huệ, có trí huệ thì có phước báo, tại vì sao? Có trí huệ thì liền biết: phải đề khởi những gì cần đề khởi, phải buông xả những gì cần buông xả, đó là trí huệ. Người không có trí huệ thì rất phiền toái, không biết đúng sai thiện ác, đem tà ác, đem sai lầm cho là đúng, không đem chân lý của Phật nói để trong tâm. Kinh đã có đọc qua chưa? Đọc rồi, có nghe giảng hay chưa? Nghe rồi, nhưng vẫn không buông xuống, họ làm không được. Nguyên nhân vì sao? Họ đọc kinh không hiểu, nghe kinh cũng nghe không hiểu, không khai ngộ. Đó là vì xa xưa không có tu phước tu huệ, nên đời này gặp được Phật pháp, họ vẫn là si si ngu ngu, nghe rồi cũng giống như chưa nghe, rất là đáng thương!

          Thế nào là phước? Phật thuyết pháp 49 năm, dạy cho tất cả đại chúng, phước huệ là căn bản. Quý vị không có trí huệ, không có phước báo, thì Phật cũng không có cách nào độ quý vị. Nên ngài dạy cho chúng ta Tịnh Nghiệp Tam Phước, quý vị thấy đó là phương pháp cầu phước, thứ nhất là: ‘Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu Thập Thiện Nghiệp’. Đây là phước thứ nhất. Chúng ta đã làm hay chưa? Chúng ta đã hiểu rõ hay chưa? Đối với cha mẹ có tận hiếu chưa? Đối với Lão sư có cung kính chưa? Đại căn đại bổn của 5000 năm, văn hóa truyền thống của chúng ta, là hai chữ này, cũng tức là tám chữ ấy, thứ nhất là chữ hiếu, thứ hai là chữ kính, cung kính. Kính là đối với thầy, đối với sư trưởng. Một người mà có thể hiếu với cha mẹ, kính với sư trưởng, thì có phước có huệ. Dù là những người nghèo cùng, chỉ cần họ có hai chữ này, thì tương lai của họ mỗi ngày một tốt hơn, Phật Bồ-tát che chở giúp đỡ họ. Nếu họ không hiếu với cha mẹ, không kính sư trưởng, thì khổ nạn liền nhiều hơn rồi. Cần chú ý điều này. Quý vị xem xét, hiếu lấy cha mẹ làm đại biểu, dù tuổi tác ta và cha mẹ sai cách không nhiều, đều phải tận hiếu, thì hiếu của quý vị đã viên mãn. Tuổi tác ta và thầy sai cách không nhiều, ta đều dùng thái độ cung kính đối với các ngài. Đều áp dụng trong đời sống, vậy gọi là tu.

          Về từ tâm bất sát, tu Thập Thiện Nghiệp. Đại từ đại bi, thì tuyệt đối không có ý niệm tổn hại tất cả chúng sanh, không khởi lên ý niệm như vậy. Tu Thập Thiện Nghiệp, nói cụ thể với chúng ta, mười thiện, thân có ba, thân: không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm; Miệng có bốn: không vọng ngữ, không lừa gạt người khác, không lưỡng thiệt, lưỡng thiệt là dẫn phát thị phi, không ác khẩu, ác khẩu là lời nói rất khó nghe, không ỷ ngữ, ỷ ngữ là hoa ngôn xảo ngữ lừa gạt người khác. Nhất định phải tuân giữ; Ý nghiệp có ba: không tham, không sân, không si. Đó là gì? Là tiêu chuẩn của đệ tử Phật, là tiêu chuẩn của người học Tịnh-nghiệp. Chúng ta phải nghiêm túc học tập, không thể không nghiêm túc đi làm.

          Nếu như hiểu rõ rồi, cũng minh bạch rồi, mà làm không được, vì sao làm không được? Do phiền não, tập khí. Để đối trị phiền não, tập khí, thì phương pháp tốt nhất không gì bằng là giáo dục nhân quả. Giáo dục nhân quả là quan trọng. Quý vị biết nhân thiện có thiện quả, nhân bất thiện thì có ác báo, quý vị nghĩ đến ác báo, thì quý vị sẽ không dám làm. Trong giáo dục nhân quả, như Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, giảng được rất rõ ràng, không thể không đọc, không đọc thì bạn không biết, thường thường đọc tụng, đều biết được rồi. Có thể đủ giúp cho quý vị dứt tập khí ác, có thể đủ giúp quý vị nghiêm túc niệm Phật cầu vãng sanh.

          Cũng là trong kinh thường nói, chúng ta đã đọc ở trước: đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, do oai lực Đức Như Lai ấy gia bị, nên mới được pháp môn rộng lớn như thế này, nhiếp thủ thọ trì, ở trong đó trồng nhiều cội lành, tức là xa xưa đã tu phước huệ. Muốn tiền đồ của chúng ta sáng rỡ, muốn tiền đồ phước báo của chúng ta càng ngày càng lớn, mà quý vị không tu thì sao được? Tu bằng cách nào? Hễ việc gì làm lợi ích cho chúng sanh, nếu lợi ích lớn, thời gian lợi ích dài, thì đó là đại phước đại quý. Gặp được rồi thì nên thật làm, không gặp được thì niệm A Di Đà Phật, niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, tốt, Bồ-tát sẽ gia trì quý vị. Nếu không phải là Phật lực gia trì, mà tự mình muốn tận mọi cách đi tìm cơ hội, thì đó không phải là việc tốt. Muốn tận mọi cách để đi tìm, thì quý vị hưởng được hay không? Có tương ưng cùng với thiện căn phước đức của quý vị không? Nếu như tương ưng, thì là việc tốt, không tương ưng, thì không phải việc tốt, có thể sẽ có thêm đại phiền toái, như vậy không tốt rồi.

          Nên trên kinh này nói: 若不往昔修福慧Nhược bất vãng tu phước huệ” (Nếu xưa kia không tu phước huệ),  已曾供養諸如來“Dĩ tằng cúng dường chư Như Lai” ( Đã từng cúng dường chư Như Lai), 如是之人,廣種善根復因如來威力加被故則能歡喜信此事‘Như thị chi nhân, quảng chủng thiện căn, phục nhân Như Lai oai lực gia bị, cố tắc năng hoan hỷ tín thử sự’ (Người như vậy, đã rộng tu căn lành, lại được oai lực của đức Như Lai gia bị, nên mới có thể hoan hỷ tin việc này). Chúng ta vẫn chưa nhìn thấy người vui mừng tin tưởng việc này, chỉ mới nghe Lão Cư sĩ Hoàng Niệm Tổ nói thầy của ngài, sau khi xem kinh điển này, đã vui mừng đến ba, bốn ngày. Chúng ta nghe đến những lời này, cảm động sâu sắc, nói cách khác, căn tánh của chúng ta, sai khác rất xa với Lão Cư sĩ Hạ Liên Cư. Niềm vui mừng của chúng ta không thể lộ trên nét mặt, không thể múa tay giậm chân, không thể kéo dài đến ba, bốn ngày mới mất đi. Ngài là đại hoan hỷ, thật vui mừng, còn hoan hỷ của chúng ta là giả, không phải là thật. Những chỗ này, phải lắng tâm để suy xét, đem những chỗ bất thiện của chúng ta cải sửa lại, thì hy vọng thiện tâm, thiện hạnh có thể tăng trưởng. Hy vọng có thể thật sự đoạn trừ: Ý nghĩ, lời nói, việc làm không thiện.

          Thật có những người, không phải giả, trong phước mà không biết phước, họ có hoàn cảnh tu hành rất tốt, nhưng tự mình không biết tu pháp nào. Thì pháp môn này là đơn giản nhất, dễ dàng nhất, chỉ cần thứ nhất: tin tưởng, tuyệt không nghi ngờ, tin phương Tây thật có Thế Giới Cực Lạc. Thứ hai: Nguyện sanh, tôi thật muốn đi, tôi ở thế gian này, chịu khổ chịu nạn quá lâu rồi, không muốn như vậy nữa, không chờ đợi nữa, tôi mong vãng sanh sớm một chút. Chính mình có tâm như vậy, tôi niệm Phật không vì mong cầu tất cả thiện quả, tôi không cầu, tôi chỉ cầu vãng sanh Thế Giới Cực Lạc. Đối với thế giới này thì buông xuống tất cả, nếu có duyên gặp những việc gì, mà có chỗ tốt đối với cư dân toàn thế giới, thật là việc tốt, thì tôi nên đi làm, đó là tu phước tu thiện. Nếu không phải là có phước báo đối với nhiều người, là thiện nhỏ tiểu phước, thì tôi buông xả tất cả. Đại phước đại thiện như vậy có cơ duyên hay không? Có, quý vị thật sự phát tâm, thì Phật Bồ-tát giúp quý vị gặp được. Cảm ứng thật bất khả tư nghì, đời này của tôi gặp cảm ứng như vậy rất nhiều rồi, nên tôi tin sâu không nghi. Tuổi tôi đã lớn rồi, với công việc thì tâm có thừa mà sức không đủ, nên phải buông xuống thôi. Đây là Phật Bồ-tát nói với tôi, đến lúc này tôi nên buông xả, để nhất tâm chuyên niệm A Di Đà Phật, cầu sanh Tịnh-độ.

          Cho nên, cúng dường Như Lai, quá khứ cúng dường chư Như Lai, hiện tại cũng cúng dường chư Như Lai, khởi tâm động niệm đều là cúng dường. Nên 能歡喜信此事‘Năng hoan hỷ tín thử sự’(mới hoan hỷ tin việc này). Việc này là việc đang đề cập đến, Niệm Lão có chú giải một đoạn, chúng ta hãy đọc qua, 如《金剛經》曰如來滅後後五百歲有持戒修福者於此章句能生信心以此為實當知是人不於一佛二佛三四五佛而種善根已於無量千萬佛所種諸善根‘Như Kim Cang Kinh viết: Như Lai diệt hậu, hậu ngũ bá tuế, hữu trì giới tu phước giả, ư thử chương cú năng sanh tín tâm, dĩ thử vi thật, đương tri thị nhân, bất ư nhất Phật nhị Phật tam tứ ngũ Phật nhi chủng thiện căn, dĩ ư vô lượng thiên vạn Phật sở chủng chư thiện căn’ (Như Kinh Kim Cang nói: Sau khi Như Lai diệt độ, năm trăm năm sau, có người trì giới tu phước, đối với chương cú này mà sanh lòng tin, cho đó là thật, thì nên biết người ấy, chẳng phải đã gieo trồng thiện căn ở nơi một Đức Phật, hai đức Phật, ba, bốn, năm đức Phật, mà đã từng gieo căn lành nơi vô lượng ngàn vạn Đức Phật rồi). Đây là lời nói thật, không phải là lời giả. Chúng ta đọc lại lần nữa: ‘Kim Cang Kinh viết: Như Lai diệt hậu, hậu ngũ bá tuế, hữu trì giới tu phước giả, ư thử chương cú năng sanh tín tâm, dĩ thử vi thật, đương tri thị nhân, bất ư nhất Phật nhị Phật tam tứ ngũ Phật nhi chủng thiện căn, dĩ ư vô lượng thiên vạn Phật sở chủng chư thiện căn’ (Kinh Kim Cang nói: Sau khi Như Lai diệt độ, năm trăm năm sau, có người trì giới tu phước, đối với chương cú này mà sanh lòng tin, cho đó là thật, thì nên biết người ấy, chẳng phải đã gieo trồng thiện căn ở nơi một Đức Phật, hai đức Phật, ba, bốn, năm đức Phật, mà đã từng gieo căn lành nơi vô lượng ngàn vạn Đức Phật rồi). 故知能聞此最極圓頓究竟方便之淨土法門聞而能歡喜信受者已於無量佛所修福修慧種諸善根矣‘Cố tri năng văn thử tối cực viên mãn, cứu cánh phương tiện chi Tịnh-độ pháp môn, văn nhi năng hoan hỷ tín thọ giả, dĩ ư vô lượng Phật sở tu phước tu huệ, chủng chư thiện căn hỹ’(nên biết người có thể nghe được pháp môn Tịnh Ðộ tối cực viên đốn, phương tiện rốt ráo này, mà có thể hoan hỷ tin nhận thì đã từng tu phước tu huệ, trồng các căn lành nơi vô lượng Phật rồi).

          Lão Cư sĩ Hạ Liên Cư nghe được kinh văn của Kinh Vô Lượng Thọ, ngài được đại hoan hỷ, ba, bốn ngày thật là ngay cả ngủ nghỉ, ăn cơm đều quên luôn. Xem thí dụ này, lại đọc đoạn văn kinh vừa rồi trên Kinh Kim Cang, thì trong tâm chúng ta đủ hiểu rõ ràng rồi. Đời này tôi không khởi lên như vậy, là do trong đời quá khứ của tôi, không có trồng đại thiện đại phước như vậy. Nhưng có trồng thiện căn, vì sao? Nếu không có trồng thiện căn, thì đời này không nghe được kinh này. Tôi vẫn có cơ hội được nghe, cũng có cơ hội được học, nhưng thiện căn không sâu như Lão Cư sĩ Hạ Liên Cư, nên ngài ngay lập tức được thọ dụng, còn tôi thì không được như vậy.

          Khoa đoạn tiếp theo là: 惡障自他Ác chướng tự tha’(ác chướng tự tha). Không thể làm ác, ngàn ngàn vạn vạn lần phải ghi nhớ. Cũng có hai bài kệ. 惡驕‘Ác kiêu’(ác kiêu), kiêu là kiêu ngạo, ngạo mạn. 懈怠‘Giải đãi’(giải đãi), giải đãi là lười biếng. ‘Cập tà kiến’(và tà kiến), tà kiến là cách nghĩ, cách nhìn của quý vị sai lầm. Đây đều là bệnh của chúng ta hiện nay, là bệnh nặng, không phải bệnh nhẹ. Chúng ta đem kinh văn niệm một biến:

          惡驕懈怠及邪見

難信如來微妙法

譬如盲人恆處闇

不能開導於他路。

          “Ác kiêu giải đãi cập tà kiến,
          Nan tín Như Lai vi diệu pháp
          Thí như manh nhân hằng xứ ám
          Bất năng khai đạo ư tha lộ.”

          (Ác, kiêu, biếng nhác và tà kiến
          Khó tin pháp vi diệu Như Lai
          Như người mù thường ở trong tối
          Không thể chỉ đường cho người khác
)

          Niệm Lão có chú giải, 反之‘Phản chi’ (trái lại), phần trước từ chánh diện mà xem, hiện giờ chúng ta xem từ phản diện. Thế nào là phản diện? 一切惡濁驕慢懈怠‘Nhất thiết ác trược kiêu mạn giải đãi’ (tất cả ác trược kiêu mạn giải đãi), và người có tà kiến, 具邪見之人不能信此法門‘cụ tà kiến chi nhân, bất năng tín thử pháp môn’ (người có đủ tà kiến, không thể tin pháp môn này). Loại người này nhiều không? Quá nhiều rồi! Thường thường gặp được, ngày ngày gặp được. Sự thấy của họ gặp phải những ác nghiệp, mê hoặc điên đảo, ngày càng tăng thêm. Thấy rõ ràng, thấy minh bạch rồi, thì chính mình sẽ cảm thấy sợ hãi, quá hãi hùng rồi. Quay đầu để phản tỉnh, chính ta có phải dạng như vậy không? Có phải là dạng người trên kinh nói đó không? ‘Ác kiêu giải đãi’ cộng thêm ‘tà kiến’, có hay không? Phải mạnh dạn nói ra, chớ sợ người ta chê cười, sửa lỗi đổi mới, thì chúng ta liền được cứu. Nếu không thể sửa lỗi, không thể làm mới, thì chúng ta không tự cứu chính mình.

          Người sống ở đời, thời gian không dài, nếu chết đến rồi thì làm sao? Còn làm chuyện lục đạo luân hồi hay không? Nếu lại làm việc lục đạo luân hồi, thì đời sau không bằng đời này, nói cách khác, đời sau càng khổ hơn đời này. Đời này chúng ta đã nếm rất nhiều khổ đau rồi, chúng ta suy xét Phật nói với chúng ta nguyên nhân, bởi nguyên nhân tạo ở quá khứ, giờ lại cộng thêm ác nghiệp tạo của đời này, thì những ngày của đời sau sẽ trải qua như thế nào? Càng nghĩ càng đáng sợ. Chỉ cần chịu quay đầu đều được cứu, đấy là thế nào? Là phước đã trồng trong đời quá khứ của chúng ta vẫn còn không ít, nếu không thì quý vị làm sao nghe được kinh này? Làm sao quý vị có duyên phận này được? Tính ra quý vị vẫn còn không tệ. Nếu thật sự thay đổi từ ngày hôm nay, thì quý vị liền đổi vận mệnh tốt rồi, chư Phật Bồ-tát sẽ gia trì cho quý vị, tổ tông che chở giúp đỡ quý vị, quý vị sẽ tin tưởng, sẽ phát nguyện, quý vị sẽ niệm Phật không gián đoạn. Đó là thật, không phải là giả.

          Cho nên, ở trên nói hạng người như vậy, thì không thể tin pháp môn này. 喻如盲人常居冥暗之處,自不識途Dụ như manh nhân, thường cư minh ám chi xứ, tự bất thức đồ’(thí dụ như người mù, thường sống trong bóng tối, chính mình chẳng biết đường đi), họ không biết đường, thì làm sao có thể dẫn đúng đường cho người khác được? Muốn dẫn đúng đường cho người khác, thì con đường chính mình đi phải đúng mới được. Chính mình còn đi trên đường tà, con đường sai lầm, mà dắt người thì đều dẫn sai, như vậy thì tội nặng rồi. Chính quý vị tự chịu khổ chịu nạn là đương nhiên, mà giờ quý vị lại còn dẫn người khác đi vào con đường sai lầm đó nữa, tội này thì nặng rồi. Vì vậy 不能開導於他路‘bất năng khai đạo ư tha lộ’(không thể chỉ đường cho người khác).

          Khoa đoạn tiếp theo, 持演行超得度‘trì diễn hành siêu đắc độ’(thọ trì diễn hành mau được độ), trì là thọ trì, diễn là diễn nói, hoặc là biểu diễn, thế nào là biểu diễn? Là làm được rồi. Đại hoan hỷ của Lão Cư sĩ Hạ Liên Cư đó là diễn, thọ trì, biểu diễn, khiến những người như chúng ta giác ngộ. Chúng ta đây có thiện căn, phước báo, cách quá xa so với ngài Hạ Liên Cư, nên chúng ta nghe rồi mà không có cảm động. Tại sao ngài nghe rồi lại vui mừng đến như vậy? Chúng ta có thể nghĩ được, vô lượng kiếp đến nay mong thoát ly Lục đạo luân hồi, mà chưa thoát được, đời này ngài gặp được con đường tắt này, nên hoan hỷ. Chúng ta cũng gặp được rồi, mà không có nhận thức như ngài, ngài biết biết pháp môn này là của báu, thông qua pháp môn này liền được đại tự tại, liền được đại phước báo. Biểu diễn của ngài, thọ trì của ngài, là thuần thiện thuần tịnh, tin tưởng duyên được độ của chính mình sắp chín muồi rồi. 持演往生‘Trì diễn vãng sanh’(trì diễn vãng sanh), chúng ta đem đoạn kinh văn này niệm một biến.

          唯曾於佛植眾善

救世之行方能修

聞已受持及書寫

讀誦讚演并供養。

          “Duy tằng ư Phật thực chúng thiện
          Cứu thế chi hạnh phương năng tu
          Văn dĩ thọ trì cập thư tả
          Độc tụng tán diễn tịnh cúng dường.

          (Chỉ từng nơi Phật trồng nhiều thiện
          Mới có thể tu hạnh cứu đời
          Nghe xong thọ trì và biên chép
          Ðọc, tụng, khen, diễn và cúng dường.
)

Chúng ta xem chú giải của Niệm Lão. 唯曾於無量佛所‘Duy tằng ư vô lượng Phật sở’ (Chỉ đã từng ở nơi vô lượng Đức Phật), đó là đời đời kiếp kiếp trong quá khứ, 廣植眾善之人‘quảng thực chúng thiện chi nhân’( người rộng trồng nhiều căn lành), thật sự đoạn tất cả ác, hành tất cả thiện, 方能修此普救一切世間之行‘phương năng tu thử phổ cứu nhất thiết thế gian chi hạnh’ (mới có thể tu tập hạnh cứu độ khắp tất cả thế gian này), quý vị mới có thể tu hành Tịnh-độ. Tịnh-độ là gì? Là tín, nguyện, trì danh. Có tám chữ, đầu tiên đòi hỏi quý vị phải真信切願 ‘chân tín thiết nguyện’(thật tin nguyện thiết), thứ hai đòi hỏi quý vị phải 老實念佛‘lão thật niệm Phật’(lão thật niệm Phật), thì được rồi. Gọi là 救世之行“cứu thế chi hạnh” (hạnh cứu thế), câu nói này đặc biệt, không chỉ cứu chính mình, mà còn cứu thế, thế là thế giới, quý vị cứu toàn thế giới, thì công đức này quá lớn rồi. Có hạng người như vậy không? Có, chỉ cần quý vị dùng tâm tỉ mỉ quan sát, người nào mà khởi tâm động niệm đều nghĩ đến vì toàn thế giới, thì họ là tu hạnh cứu thế. Chúng ta hôm nay xây dựng Viện Hán học này, để bổi dưỡng nhân tài hoằng pháp của tôn giáo, cũng là hạnh cứu thế. Làm hạnh cứu thế, hãy đem tâm tỉ mỉ mà quán sát.

          Chúng ta xem chú giải của Niệm Lão. 此行即下文中,聞已受持及書寫如是一心求淨方Thử hành tức hạ văn trung, văn dĩ thọ trì cập thư tả…như thị nhất tâm cầu tịnh phương’(Từ câu văn: Nghe rồi thọ trì và biên chép… cho đến: nhất tâm như thế cầu cõi tịnh), ba câu này. “Đọc tụng”; “tán” là tán thán; diễn nói; “cúng dường”; “thọ” là tin nhận; “trì” là chấp trì, y giáo phụng hành, phát tâm Bồ-đề, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật, đồng thời “biên chép”. Hiện nay không cần phải biên chép, hiện nay có thể in lại, khoa học kỹ thuật phát triển rồi, trước kia kinh sách lưu thông phải dựa vào viết tay, chép lại, hiện nay có thể in lại số lượng lớn. Đặc biệt in bộ kinh sách này: Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh và Chú giải của Lão Cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, thì công đức vô lượng vô biên, là làm việc tốt, việc lớn; Cùng với sách thiện của thế gian, giảng về luân lý đạo đức, giảng nhân quả báo ứng, những sách vở văn chữ ấy, nên lưu thông với số lượng rất nhiều rất nhiều. Chúng ta thật làm được như vậy, dùng những cách đó để cúng dường Kinh Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác. Câu này tại đây càng được hay, pháp vị rất đậm, rất sung mãn.

          Bài kệ tiếp theo là 決定往生quyết định vãng sanh(quyết định vãng sanh), câu phía trước là tu, sau là được quả, là quyết định được vãng sanh.

          Thời gian hôm nay hết rồi, chúng ta học tập đến đây thôi.

( Hết tập 502)

Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử cùng chúng sanh
Đều sanh nước Cực Lạc
Chóng viên thành Phật quả
Rộng độ khắp chúng sanh.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Trả lời 0