TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH KHOA CHÚ 2014 (lần thứ 4)
PHẨM 48: NGHE KINH ĐƯỢC LỢI ÍCH
TẬP 508
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng.
Giảng tại: Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông.
Thời gian: Ngày 4 tháng 11 năm 2017.
Dịch giả: Thích Thiện Trang.
Kính chào chư vị Pháp sư, chư vị
đồng học, mời an tọa. Thỉnh mọi người cùng tôi quy y Tam Bảo:
A-xà-lê
tồn niệm, ngã đệ tử Diệu Âm, thỉ tùng kim nhật, nãi chí mạng tồn, quy y Phật
Đà, lưỡng túc trung tôn, quy y Đạt Ma, ly dục trung tôn, quy y Tăng Già, chư
chúng trung tôn (3 lần)
Mời xem Đại Kinh
Khoa Chú, trang 1107, hàng cuối cùng, 現希神變‘hiện hy thần biến(hiện thần biến hiếm có). Chúng ta đem
kinh văn đọc qua một biến:
并現種種希有神變。放大光明。普照十方。復有諸天。於虛空中。作妙音樂。出隨喜聲。乃至色界諸天。悉皆得聞。歎未曾有。
“Tịnh hiện chủng chủng hy hữu thần biến,
phóng đại quang minh, phổ chiếu thập phương. Phục hữu chư thiên, ư hư không
trung, tác diệu âm nhạc, xuất tùy hỷ thanh, nãi chí sắc giới chư thiên, tất
giai đắc văn, thán vị tằng hữu”( Đồng
thời hiện nhiều loại thần biến hy hữu, phóng ánh sáng lớn,
chiếu khắp mười phương. Lại có chư thiên ở trên không trung tấu diệu âm nhạc,
vang ra tiếng tùy hỷ, cho đến chư thiên Sắc giới đều nghe được, khen là chưa từng
có.)
Chúng ta xem đến chỗ này. Chúng ta lật lại trang
1107, trước trang này là trang 1107, đếm ngược đến hàng thứ sáu, chúng ta xem
đoạn chú giải đó. 如序分《大教緣起品》,世尊威光赫奕,如融金聚,放大光明,數千百變。光顏巍巍,寶剎莊嚴。從昔以來,所未曾有。如是之瑞應稱奇瑞,以昔所未有也‘Như
Tự phần Đại Giáo Duyên Khởi phẩm, Thế Tôn uy quang hách dịch, như dung kim tụ.
Phóng đại quang minh, số thiên bá biến. Quang nhan nguy nguy, bảo sát trang
nghiêm. Tùng tích dĩ lai, sở vị tằng hữu. Như thị chi thụy ưng xưng kỳ thụy, dĩ
tích sở vị hữu dã’(Như trong phẩm Ðại Giáo Duyên Khởi của
Phần Tự: Thế Tôn uy quang chói lọi như khối vàng sáng chói, phóng trăm ngàn thứ
ánh sáng lớn biến hóa. Quang minh, dung nhan Phật cao lớn, cõi báu trang nghiêm
từ xưa đến nay chưa từng có. Những điềm lành như vậy nên gọi là điềm lành đặc
biệt, xưa nay chưa từng có vậy). Kinh văn đọc đến đoạn sau cùng này, 天地徵瑞‘Thiên địa trưng thụy’(Điềm
lành của trời đất), khiến chúng ta nghĩ đến phần tự của kinh này, có phóng
ánh sáng hiện điềm lành, ở phần Chánh Tông cũng có, phẩm Lễ Phật Hiện Ánh Sáng cũng
có, tại đây chúng ta lại thấy nữa, phần trước nói tỉ mỉ, còn ở đây nói sơ lược,
không nói chi tiết như vậy. Chúng ta đem phần Tự, phần Chánh Tông, và phẩm này
hợp lại để xem, phẩm này là phần Lưu Thông, hợp lại để xem, xét trên phương diện
lớn thì đều rõ ràng được. Đoạn tiếp theo tựa là 光照十方‘Quang chiếu thập phương’ (Quang
chiếu mười phương). Phóng ánh sáng lớn, chiếu khắp mười phương,
một tức là ba, ba tức là một, trong phần Tự cũng là 普照十方‘Phổ chiếu thập phương’(Chiếu
khắp mười phương), trong phần Chánh Tông cũng là 普照十方‘Phổ chiếu thập phương’(Chiếu
khắp mười phương).
Chư
thiên thông minh hơn chúng ta, họ có thiện căn hơn chúng ta, vì sao vậy? Phật
giảng kinh, mà chúng ta thì ở trong mê hoặc điên đảo, không thấy được Phật,
không nghe được thuyết pháp; Phật hiện nhiều loại thần biến, mà chúng ta không
có chút cảm giác. Đó là thế nào? Đó là nghiệp chướng. Thông thường chúng ta nói
đến nghiệp chướng, nhưng không biết sự nghiêm trọng của nghiệp chướng, ở nơi
đây cung cấp cho chúng ta một số kinh nghiệm. Lãnh hội càng sâu càng tốt, lãnh
hội được càng sâu, thì nghiệp chướng của quý vị khá nhẹ, người nghiệp chướng nặng
thì lãnh hội cạn, thậm chí cơ bản là không có lãnh hội. Như đoạn trước, chúng
ta xem được Niệm Lão chú giải kinh này, chú đến A Di Đà Phật, đời đời kiếp kiếp
theo cùng chúng ta, từ bi đến tột độ, thời thời khắc khắc ở bên cạnh chúng ta,
mà chúng ta không có cảm nhận được, đó là vì nghiệp chướng sâu nặng. Nói đến đấy,
thì Lão Cư sĩ rơi lệ, không cầm được nước mắt, đó là cảm xúc của Ngài. Chúng ta
đọc đến kinh này, đã xem chú giải này, nhưng không rơi nước mắt, chúng ta cũng có
một chút cảm động, nhưng không sâu sắc như vậy. Từ chỗ này thì có thể dần dần
lãnh hội được, nghiệp chướng của phàm phu không thể nghĩ bàn. Chư thiên mười
phương thế giới, phiền não của họ nhẹ hơn chúng ta, chư thiên đang ở trên không,
họ có cảm ứng, thấy được Phật phóng ánh sáng hiện tướng lành, thì họ ở trên
không cử nhạc, ‘tác diệu âm nhạc, xuất
tùy hỷ thanh, nãi chí sắc giới chư thiên, tất giai đắc văn, thán vị tằng hữu’(tấu âm nhạc diệu, vang ra tiếng tùy hỷ, cho
đến chư thiên Sắc giới đều nghe được, khen là chưa từng có), trời Sắc-giới
cao hơn trời Dục-giới, Sắc-giới có 18 tầng trời, trời Vô-sắc-giới càng cao thì
cảm xúc của họ càng sâu, cho nên nghe Phật phóng ánh sáng hiện tướng lành thì họ
khen ngợi là chưa từng có. Trên kinh này Niệm Lão chú giải rất đơn giản, 天樂盈空‘thiên nhạc doanh không’(nhạc
trời tràn đầy hư không), hư không có âm nhạc, hư không có hiện tướng, thần
biến hy hữu, ánh sáng chiếu khắp. Bộ kinh này giảng đến đây viên mãn rồi. Chúng
ta lại xem đoạn phía sau:
無量妙花紛紛而降。
“Vô lượng diệu hoa phân phân nhi giáng”( Vô lượng diệu hoa lớp lớp mà
rơi xuống).
Đây
là gì? Đây là người trời rải hoa, 天花紛降‘thiên
hoa phân giáng’(hoa trời rơi lớp lớp), tới tấp mà rơi. 經云希有神變。故今所現亦是奇瑞‘Kinh
vân: hy hữu thần biến. Cố kim sở hiện diệc thị kỳ thụy’(Kinh
viết: Thần biến hy hữu. Nên những điều đang hiện ấy cũng là điều lành kỳ lạ).
Trong Vô Lượng Thọ Kinh Sao cũng có đoạn như vầy, 序分中有光顏奇瑞。今‘Tự Phần trung hữu quang nhan kỳ thụy.
Kim’(Trong Phần Tự có ánh sáng dung nhan là điềm lành kỳ lạ. Ở đây), đến
sau khi giảng kinh này xong, 亦現此瑞相。當知佛意,表鄭重也‘diệc hiện thử thụy tướng.
Đương tri Phật ý, biểu trịnh trọng dã’(cũng hiện tướng lành ấy. Nên biết
ý của Phật là để biểu thị sự trịnh trọng vậy). Chúng ta xem đến chỗ này, đọc
đến đây, trong tâm phải biết ý nghĩa của Phật hiện tướng lành, phóng quang minh
là gì? Để biểu thị trịnh trọng. 《嘉祥疏》謂流通現瑞者,明感瑞證益‘Gia Tường Sớ vị lưu thông
hiện thụy giả, minh cảm thụy chứng ích’(Gia Tường Sớ nói: Phần lưu thông hiện
tướng lành này là minh cảm điềm lành chứng minh sự lợi ích). Nói rõ sự cảm
động đối với những tướng lành khởi lên, chính mình được lợi ích, chứng minh đã
được lợi ích rồi. Trong Tịnh Ảnh Sớ cũng nói, 如來化周‘Như Lai hóa chu’(Như Lai giáo
hóa viên mãn), chu là viên mãn,
Thích Ca Mâu Ni Phật vì chúng ta giới thiệu Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, đến
đây thì viên mãn rồi, đã giới thiệu hoàn tất, vì để giúp đỡ chúng sanh tăng
thêm tâm cung kính, 故以神力‘cố
dĩ thần lực’(nên dùng thần lực), đây là thần lực của
Thích Ca Mâu Ni Phật, 動地放光,作樂雨花。總之皆為眾生證信‘động địa phóng quang, tác
nhạc vũ hoa. Tổng chi giai vị chúng sanh chứng tín’(làm
chấn động mặt đất, phóng quang, trỗi nhạc,
mưa hoa. Tất cả điều ấy đều để chứng tin cho chúng sanh). Chúng ta thấy được
hoa trời rơi lớp lớp, đó là chư thiên vì chúng ta mà làm chứng, tất cả pháp của
Phật nói đều là thật, là lời chân thật, giúp chúng ta sanh khởi niềm tin. 於經所說難信之法,應生實信 ‘Ư kinh sở thuyết nan tín
chi pháp, ưng sanh thật tín’(đối với pháp khó tin được dạy
trong kinh này, nên sanh thật tín). Thật tín là thật tin, một chút hoài
nghi cũng không có, là ý nghĩa này. Đoạn sau cùng:
尊者阿難。彌勒菩薩。及諸菩薩聲聞。天龍八部。一切大眾。聞佛所說。皆大歡喜。信受奉行。
“Tôn giả A Nan, Di Lặc Bồ-tát, cập chư Bồ-tát, Thanh-văn, thiên, long,
bát bộ, nhất thiết đại chúng, văn Phật sở thuyết, giai đại hoan hỷ, tín thọ phụng
hành.” (Tôn giả A Nan, Di Lặc Bồ-tát và chư Bồ-tát, Thanh-văn, thiên long bát bộ,
hết thảy đại chúng nghe lời Phật dạy đều đại hoan hỷ, tin nhận phụng hành.)
A Nan là người đương cơ của
nửa đầu bộ kinh này, giống như Ngài làm đại diện trong chúng nghe pháp, Di Lặc
Bồ-tát là nửa sau bộ kinh, tức là ở nửa sau bộ kinh Di Lặc Bồ-tát làm đương cơ,
nên bộ kinh này, A Nan là đa văn đệ nhất, còn Di Lặc là Phật tương lai, hiện
nay Ngài là Bồ-tát Bổ-xứ. Đợi khi thời tiết nhân duyên chín muồi, Pháp vận
Thích Ca Mâu Ni Phật kết thúc rồi, Di Lặc Bồ-tát đến thế giới này, làm Phật giống
như Thích Ca Mâu Ni Phật, thị hiện tám tướng thành đạo, mở ba hội Long Hoa. Không
như Thích Ca Mâu Ni Phật đã giảng kinh thuyết pháp 49 năm, với hơn 300 hội, Bồ-tát
Di Lặc tương lai chỉ giảng ba hội, nhưng thời gian hội của Ngài dài, nhiều người
được lợi ích. Những người nào được lợi ích vậy? Là những người đệ tử dưới hội của
Thích Ca Mâu Ni Phật hiện nay, không cầu vãng sanh, còn tu hành ở thế gian này,
A-la-hán trở lên, và có một bộ phận trời người, tại ba hội Long Hoa sẽ được đắc
độ. Những Bồ-tát, A-la-hán đó, Thanh-văn là A-la-hán, còn có Thiên long bát bộ, tất cả đại chúng, nghe Phật
dạy đều đại hoan hỷ. Đặc biệt lưu ý câu ‘đều đại hoan hỷ’, là đại hoan hỷ, vì sao biết đại hoan hỷ? Vì được
lợi ích thật sự.
Chúng ta đã đọc bộ kinh này,
thật sự tin rồi thì nhất định phát nguyện, thật sự phát nguyện rồi thì quyết định
buông xuống, mới vãng sanh Tịnh-độ được. Những đồng tu niệm Phật nhưng sau cùng
không vãng sanh Tịnh-độ được, thì vấn đề ở tại đâu? Ở chỗ không có nhìn thấu,
không chịu buông xuống. Không có nhìn thấu là thế nào? Là đối với Thế Giới Cực
Lạc không thật tin. Chúng ta ở thế giới này, thế giới này khổ nạn nhiều, khó mà
gặp được một hoàn cảnh sống rất là tốt đẹp, thì chính mình tâm tâm khao khát,
hy vọng di dân qua. Thế giới này dù có tốt thế nào, cũng không hơn được Thế Giới
Cực Lạc. Nếu quý vị thật sự nhận biết Thế Giới Cực Lạc rồi, thì tôi tin rằng
quý vị sẽ phát khởi lên tâm xuất ly, tôi hy vọng rời khỏi thế giới Sa Bà này,
tôi hy vọng sanh qua Thế Giới Cực Lạc, sanh tâm đại vui mừng. Tin, thật tin rồi.
Đã tin rồi thì thế nào? Phát nguyện: Tôi đời này không thể không đi. Có đi được
hay không? Quý vị có tâm như vậy thì đi được rồi, vì sao vậy? Tâm đó tương ưng
với tâm tiếp dẫn của A Di Đà Phật, A Di Đà Phật sẽ đón tiếp người có loại tâm
như vậy. Thật muốn đi, một chút hoài nghi cũng không có.
Người thiện thì Thế Giới Cực
Lạc tiếp nhận, người ác cũng tiếp nhận, đối đãi bình đẳng với tất cả chúng sanh
có duyên. Có duyên là thật tin, thật nguyện muốn đến, đó là có duyên. Cho dù
chính mình trong đời này, quá khứ không kể đã tạo tác rất nhiều ác nghiệp, thậm
chí là ngũ nghịch thập ác, việc xấu gì cũng làm rồi, nhưng gặp được bộ kinh
giáo này, nghe xong sanh tâm đại hoan hỷ, vậy có thể vãng sanh được không? Có
thể, cũng có thể vãng sanh. Vì sao vậy? Dù quý vị tạo tất cả nghiệp thiện ác ở
trên thế giới này, nhưng trong Tự-tánh không có, vãng sanh đến Thế Giới Tây
Phương Cực Lạc, tương đương với minh tâm kiến tánh, là dạng cảnh giới đó, cho
nên thời gian trước tâm không thanh tịnh, làm ngũ nghịch thập ác không thanh tịnh,
đến Thế Giới Tây Phương Cực Lạc thì nghiệp tiêu sạch hết rồi. Vì sao hết sạch? Không
có hoàn cảnh nữa, bởi Thế Giới Cực Lạc tìm không ra một người ác, tìm không được
một người có ác niệm. Không có ác niệm, mà niệm niệm đều là A Di Đà Phật. Một
câu Phật hiệu này, thì có thể đem tội nghiệp của chúng ta từ vô thủy đến nay chuyển
biến, biến thành công đức của cầu sanh. Nên làm sao không vui mừng cho được? Thật
sự hoan hỷ biểu hiện điều gì? Biểu hiện tin
nhận phụng hành.
Sau đoạn này, Niệm Lão có
chú giải, chúng ta xem chú giải của Ngài, nói rõ hoan hỷ có ba ý nghĩa. Ý nghĩa
thứ nhất, 說者清淨。於諸法得自在故‘Thuyết giả thanh tịnh. Ư chư pháp đắc
tự tại cố’(Người thuyết thanh tịnh vì được tự tại đối với các pháp). Người thuyết
là Thích Ca Mâu Ni Phật, thân tâm thanh tịnh, cứu cánh thành Phật. Thành Phật
là như thế nào? Chúng ta xét nghĩ lúc Đại sư Huệ Năng đã khai ngộ, khai ngộ thì
liền thành Phật. Hòa thượng Ngũ tổ Hoằng Nhẫn triệu kiến Ngài, hỏi Ngài, con minh
tâm kiến tánh rồi, tánh là dạng như thế nào? Con thấy tánh là như thế nào nói
nghe xem. Ngài đã nói năm câu: ‘Nào ngờ Tự-tánh, vốn tự thanh tịnh’, trước nay
là thanh tịnh. Có ô nhiễm hay không? Không ô nhiễm. Hôm nay, chúng ta tu thiện
tạo ác là ô nhiễm, ô nhiễm gì? Là ý đã ô nhiễm, ý căn trong sáu căn: mắt tai
mũi lưỡi thân ý, thì ý chịu những ô nhiễm. Ý còn có gốc rễ, gốc rễ của ý là
gì? Gốc rễ là A-lại-da, A-lại-da là vọng
tâm, cho nên ô nhiễm là của vọng tâm. Người đến Thế Giới Cực Lạc không dùng vọng
tâm, mà dùng chân tâm, điểm này rất quan trọng, vọng tâm không còn nữa, chuyển
vọng tâm thành chân tâm, Pháp-tướng-tông nói là chuyển tám thức thành bốn trí,
là ý nghĩa này. Nên trong Tự-tánh không có nhiễm tịnh, trong Tự-tánh không có đối
lập, trong Tự-tánh không có khiếm khuyết, mà viên mãn, cho nên đối với chư pháp
được tự tại, được đại tự tại, thanh tịnh. Câu thứ hai: ‘Tự-tánh không sanh không diệt’. Câu thứ ba nói: ‘Tự-tánh vốn tự đầy đủ’. Đầy đủ thứ gì?
Là vô lượng trí huệ, vô lượng đức năng. Quý vị minh tâm kiến tánh rồi, thì tất
cả trí huệ đức năng trong Tự-tánh hiện ra, nên quý vị biến thành ‘không gì
không biết, không gì không thể’. Tôn giáo của nước ngoài khen ngợi Thượng Đế là
toàn tri toàn năng, trong Phật pháp nói càng được rõ ràng, càng minh bạch hơn, quý
vị chứng đắc Pháp-thân Bồ-tát, thì quý vị liền tự tại, liền đầy đủ, đều hiện ra
rồi. Pháp-thân Bồ-tát phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp-thân, đoạn hết
41 phẩm vô minh, liền thành Phật. Là vốn tự đầy đủ, đầy đủ vô lượng công đức. Công
đức vô lượng của chúng ta hôm nay, đã bị những tội ác, vọng tưởng phân biệt chấp
trước này ô nhiễm ngăn che rồi, khiến không thể khởi hiện hành. Nếu làm sạch,
buông xả những thứ ngăn che đó rồi, thì vốn tự đầy đủ đều hiện ra.
Chúng ta cũng muốn buông xuống,
nhưng công phu còn chưa đến nơi, còn không buông xuống được, đó là vì sao? Là
do tập khí phiền não, từ vô lượng kiếp dưỡng thành, nên không dễ dàng bỏ hết được.
Phương pháp tốt nhất là tín nguyện trì danh, có thể giúp quý vị nhìn thấu buông
xuống, có thể giúp quý vị một đời thành tựu. Quý vị đem việc này nghĩ thông rồi,
nghĩ rõ ràng rồi, thật làm, thật nhìn thấu, thật buông xuống rồi, thì quý vị sẽ
đại hoan hỷ, đây là thật không phải giả. Phía trước tôi nói đến, Lão Cư sĩ Hạ
Liên Cư xem Kinh Vô Lượng Thọ sanh đại hoan hỷ, vì sao vậy? Vì nhìn thấu buông
xuống rồi, nên chướng ngại của Ngài không còn nữa. Đây là chúng ta phải học tập,
phải học tập đại hoan hỷ với đại Bồ-tát, với cảnh giới chứng nhập của Tổ sư Đại
đức, đi theo quý Ngài, một bước cũng không được buông lơi, thì đời này thành tựu
cứu cánh viên mãn, vậy thì đúng rồi. Đối với chư pháp sẽ được đại tự tại.
二所說法得清淨。以如實清淨法體故‘Nhị
sở thuyết pháp đắc thanh tịnh. Dĩ như thật thanh tịnh pháp thể cố’ (Hai
là pháp được nói thanh tịnh vì Pháp-thể là thanh tịnh như thật). Pháp là
thanh tịnh, vì sao pháp thanh tịnh? Thuyết mà không thuyết, không thuyết mà thuyết.
Chúng ta thuyết pháp không được, chúng ta thuyết pháp có sở thuyết, trước nghĩ
trong tâm, sau dùng miệng nói ra. Chúng ta biết, tất cả chư Phật Như Lai giảng
kinh thuyết pháp, quý Ngài không có nghĩ tưởng, mà tự nhiên lưu xuất ra, cho dù
một bộ kinh lớn như Hoa Nghiêm, cũng không có thông qua tư duy tưởng tượng, nên
thuyết mà không thuyết, không thuyết mà thuyết. Pháp thể thanh tịnh chính là Tự-tánh,
là chân như bản tánh, vốn tự đầy đủ, đầy đủ tất cả pháp, nên quý Ngài không cần
tư duy suy xét, tùy theo căn tánh của chúng sanh, hoàn toàn khế cơ khế lý, một
chữ cũng không nói sai. Đó là Phật pháp, thế gian pháp không như vậy. Trước chúng
ta không biết, sau khi học Phật, đã nghe Phật giảng kinh rất nhiều, dần dần
lãnh hội được, dần dần cũng đã tin tưởng, nhưng niềm tin vẫn chưa đủ, nếu đã đủ
thì liền chứng quả rồi. Hôm nay, chúng ta biết chính mình nghiệp chướng rất nặng,
cũng biết có một pháp, là tín nguyện trì danh, pháp này giúp được hạng người
căn tánh như chúng ta, ngay trong một đời cũng có thể chứng đắc thành tựu viên
mãn, thật không thể nghĩ bàn.
三依所說法得果清淨。以能證得清淨妙境界故‘Tam
y sở thuyết pháp đắc quả thanh tịnh. Dĩ năng chứng đắc thanh tịnh diệu cảnh giới
cố’ (Ba là nương theo pháp được thuyết sẽ đắc quả thanh tịnh vì chứng được cảnh
giới thanh tịnh diệu vậy). Cảnh giới thanh tịnh diệu là Thế Giới Cực Lạc,
chứ không phải nơi khác. 今謂大眾,聞彌陀願,荷釋尊恩‘Kim vị đại chúng, văn Di Đà
Nguyện hà Thích Tôn ân’(Nay nói
với đại chúng, được nghe Di Ðà Nguyện là nhờ ơn của Đức Thích Ca). 48 nguyện
của A Di Đà Phật, là Thích Ca Mâu Ni Phật vì chúng ta mà giới thiệu Thế Giới Cực
Lạc, nói được rõ rõ ràng ràng, minh minh bạch bạch, chúng phải cần cảm ơn, ân đức
của Thích Ca Mâu Ni Phật. 自得大益‘Tự
đắc đại ích’(Tự mình được lợi ích lớn), lợi ích lớn
đây là thật, không phải là giả. Làm sao không hoan hỷ được chứ? Nên đương nhiên
sanh tâm đại hoan hỷ.
Tiếp theo ý nghĩa của Niệm
Lão, 準《鈔》意‘Chuẩn
sao ý:’(chép lại ý trước), là phần chú giải nói phía trước, giờ nói ra ý
nghĩa trong chú giải đó, thứ nhất, 說此經者,是我本師。我為法王,於法自在,是為說者清淨‘Thuyết thử kinh giả, thị ngã Bổn sư,
ngã vị Pháp vương, ư pháp tự tại, thị vi thuyết giả thanh tịnh’ (Người
thuyết kinh này là đấng Bổn sư của chúng ta: Ta là Pháp vương, tự tại nơi pháp.
Ðấy là người thuyết pháp thanh tịnh). Chúng ta đây không thể không biết.
Câu này là lời của Phật, ta là Pháp vương, tự tại nơi pháp. Thứ hai, 所說之種種功德,只是一清淨句,真實智慧無為法身。是乃所說法得清淨‘Sở thuyết chi chủng chủng
công đức, chỉ thị nhất thanh tịnh cú, chân thật trí huệ vô vi Pháp thân. Thị
nãi sở thuyết pháp đắc thanh tịnh’ (Nhiều loại công đức được nói, chỉ
là một câu thanh tịnh: Chân thật trí huệ vô vi Pháp-thân. Đây là pháp được thuyết
được thanh tịnh). Lúc Thích Ca Mâu Ni Phật ở đời, đã nói tất cả pháp trong
49 năm, chữ chữ câu câu hoàn toàn là chân thật trí huệ vô vi Pháp-thân. Chúng
ta phải biết. Đây là pháp được nói thanh tịnh. Thứ ba, 得果清淨‘đắc quả thanh tịnh’(được
quả thanh tịnh), quả là vãng sanh Thế Giới Cực Lạc, khi sanh đến Thế
Giới Cực Lạc thì đều chứng được tất cả thanh tịnh rồi. 如靈峰大師云‘Như Linh Phong Đại sư vân’ (Như
Đại sư Linh Phong nói), tức Đại sư Ngẫu Ích, Ngài nói với chúng ta, 一一莊嚴,全體理性。依教修持,橫出三界,逕登不退,圓生四土,究竟成佛。是乃得果境界清淨也。具三清淨,聞者得無上益,是故皆大歡喜。信樂受持,故云信受奉行‘Nhất nhất trang nghiêm, toàn thể
lý tánh. Y giáo tu trì, hoành xuất tam giới, kính đăng bất thoái, viên sanh tứ
độ, cứu cánh thành Phật. Thị nãi đắc quả cảnh giới thanh tịnh dã. Cụ tam thanh
tịnh, văn giả đắc vô thượng ích, thị cố giai đại hoan hỷ. Tín nhạo thọ trì. Cố
vân tín thọ phụng hành’ (mỗi mỗi trang
nghiêm đều là lý tánh. Theo lời dạy mà tu trì, vượt ngang tam giới, trực tiếp
lên bất thoái, sanh trọn bốn Ðộ, cứu cánh thành Phật. Đó là đắc quả cảnh giới
thanh tịnh vậy. Ðủ ba loại thanh tịnh, người nghe được lợi ích vô thượng, nên đều
đại hoan hỷ, tin thích thọ trì. Vì vậy nói là tin nhận phụng hành). Đây là
kinh của Thế Tôn nói, cuối cùng mỗi bộ kinh đều nói với chúng ta những lời này,
nếu chúng ta thật hiểu rõ rồi, thì được lợi ích vô lượng. Nếu không rõ ràng được
lời nói đó, thì không được thọ dụng. Nên những lời này, cần lập lại số lần càng
nhiều càng tốt. Giúp chúng ta nghĩ đến Phật Thích Ca ở đời, vì sao Ngài nói
pháp 49 năm? Lúc đó Đệ tử thường theo Phật để nghe kinh, mỗi lần đều nghe Phật
giảng giải từ đầu đến cuối. Từng lần, từng lần, hơn 300 hội, tối thiểu cũng
nghe 300 lần, Phật lực gia trì họ, nên thành tựu tất cả.
Ngày nay chúng ta tiếp xúc
được di giáo, kinh điển này, kinh điển xác xác thật thật đều đã lưu truyền đến
Trung Hoa, Tổ sư Đại đức của Trung Hoa đem kinh biên tập lại thành một bộ, gọi
là Đại Tạng Kinh. Trong Đại Tạng Kinh, có tất cả pháp đã nói trong 49 năm, ngoài
ra, lịch đại Tổ sư Đại đức giảng kinh dạy học cũng lưu lại không ít tác phẩm,
giúp chúng ta lý giải, tiện lợi cho chúng ta học tập. Tuy nhiên, học tập kinh
điển mà được lợi ích hay không, toàn ở sự cung kính, cổ Đại đức nói: Một phần
thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích.
Người ở thời đại chúng ta hiện nay, không có tâm cung kính nữa, không biết cung
kính, nên nghe kinh rất khó được lợi ích. Đạo lý này không thể không biết.
Tu tâm cung kính từ đâu? Phải
từ hiếu thuận cha mẹ. Gốc của văn hóa truyền thống chúng ta là hai chữ: một là
hiếu, một là kính. Tuy rằng người toàn thế giới đều có, nhưng họ không thật
làm, họ có cha mẹ, có sư trưởng, nhưng đối với cha mẹ không hiếu kính, đối với
sư trưởng không cung kính, họ không tôn sư trọng đạo. Nguyên nhân vì sao? Vì
không ai dạy. Thánh nhân của phương Tây, đều ở trong tôn giáo, trong kinh điển,
chúng tôi đã đọc những kinh điển ấy, xem thấy có dạy, nhưng giảng không được rõ
ràng, giảng không được từ bi như kinh Phật, đó là lặp lại dặn dò, khuyên giải
nhiều lần.
Ngày nay muốn khôi phục nền
giáo dục Phật Đà, khôi phục văn hóa truyền thống, nếu không hạ thủ từ hiếu thân
tôn sư, thì không thể có thành tựu được. Nên hiếu là rễ của văn hóa truyền thống,
kính là gốc của văn hóa truyền thống, giống như cây phải có rễ có gốc. Gốc, rễ
không còn nữa, thì cành lá hoa quả ở đâu ra? Đạo lý này không thể không biết,
đây là sự thật không thể hoài nghi, hoài nghi là đại bất hiếu, đại bất kính,
thì đương nhiên quý vị không đạt được lợi ích. Cho nên, nói đến gốc rễ tức là
điều ấy quan trọng hơn bất cứ điều gì.
Đời này, tôi có chút thành tựu,
bởi nhờ thời thơ ấu, hạ thủ chút công phu ở tại gốc rễ. Tôi sống tại nông thôn,
tại làng quê, thời thơ ấu, những hiếu kính ấy từ đâu mà đến? Là của cha mẹ,
chúng tôi thấy được cha mẹ đối với ông bà như thế nào, vì ông bà tôi vẫn còn.
Nên chúng tôi không phải là được dạy dỗ từ ngôn giáo, mà từ hành động, chúng tôi
thấy cha mẹ tận đạo hiếu. Nên chúng tôi không dám không hiếu, không dám không
kính. Về sau gặp người lớn, tuổi tác không sai lệch nhiều với cha mẹ của tôi, thì
tôi cũng xem họ như cha mẹ, trước mặt họ cũng quy quy củ củ, cung cung kính
kính. Xã hội lúc đó rất phổ biến, người lớn đối với trẻ em, nhìn thấy trẻ em, đều
làm ra tấm gương rất tốt cho các em xem thấy được, để các em học qua. Chúng tôi
sanh tại thời đại những năm đầu Dân Quốc, đã cải chế, trường tư thục không còn
nữa, sửa thành trường học, trong trường học không coi trọng những điều này. Tuy
nói không coi trọng, nhưng vẫn tốt hơn nhiều so với hiện nay, hiện nay ngay cả
hình ảnh cũng không còn nữa, hoàn toàn không thấy nữa. Trẻ em thật là được đại
tự tại, hoàn toàn tự do cởi mở rồi, nên không có trẻ em ngoan ngoãn, nghe lời,
thật thà như thời trước nữa, không thấy được như vậy nữa rồi. Việc này ảnh hưởng
rất lớn đối với sự học Phật, học văn hóa truyền thống của chúng ta. Giáo dục của
Thánh hiền, giáo dục của Phật Bồ-tát, phải cắm gốc từ hiếu thân tôn sư. Nếu không
có hai chữ này, thì chúng ta liền biết họ có chướng ngại nghiêm trọng. Làm sao
dạy đây? Vẫn là chính mình làm gương, muốn dạy người khác thì trước dạy chính
mình, chính mình làm gương tốt cho người khác xem, khiến họ cảm động, khiến họ
quay đầu, như vậy là dạy được rồi.
Vô Lượng Thọ Kinh Khởi Tín
Luận, trong đó có vài câu nói, 此經具無量壽全身‘Thử
kinh cụ Vô Lượng Thọ toàn thân’(Kinh này đủ cả toàn thân Vô Lượng
Thọ), Vô Lượng Thọ tức là A Di Đà Phật, A Di Đà Phật là như thế nào, đọc bộ
kinh này thì rõ ràng rồi; 亦具一切諸佛全身。於此信入,即具一切佛智‘Diệc cụ nhất thiết chư Phật
toàn thân. Ư thử tín nhập, tức cụ nhất thiết Phật trí’ (cũng
đủ toàn thân hết thảy chư Phật. Tin vào kinh này thì chính là đầy đủ tất cả Phật
trí). Quý vị tin tưởng được đối với bộ kinh này, quý vị từ đây vào cửa, thì
quý vị liền được trí huệ của tất cả chư Phật. 故曰聞此經者,於無上道,永不退轉。至經藏滅盡,此經獨留。所以佛慈加被,殊異餘經。奉勸後賢,普同信受‘Cố
viết văn thử kinh giả, ư vô thượng đạo, vĩnh bất thoái chuyển. Chí kinh tạng diệt
tận, thử kinh độc lưu. Sở dĩ Phật từ gia bị, thù dị dư kinh. Phụng khuyến hậu
hiền, phổ đồng tín thọ’(Nên nói: Người nghe kinh này thì đối với đạo
vô thượng, vĩnh viễn không thoái chuyển. Ðến khi kinh tạng diệt hết, riêng kinh
này còn lưu lại. Bởi vì Phật từ gia bị kinh này hơn các kinh khác. Kính khuyên
hậu hiền đều cùng tin nhận). Mấy câu sau cùng này, là của Cư sĩ Bành Tế
Thanh. Vô Lượng Thọ Kinh Khởi Tín Luận là của ngài trước tác, bộ sách này trong
Đại Tạng Kinh có, Đại Tạng Kinh đã thu nhập sách này. Nên chúng ta cần tôn trọng,
cũng phải như cổ đức vậy, cần tin nhận đối với sách này. Trong quá khứ, niềm
tin không chuyên không thuần, nên công phu không đắc lực. Ngày nay, chúng ta lại
đọc một biến Kinh Vô Lượng Thọ, nghe học tập một lần này nữa, mọi người chúng
ta cùng nhau học tập, đã hiểu rõ được bao nhiêu thì thực hiện bấy nhiêu, không
nên do dự, không nên thay đổi, học sự thật thà của Lão Hòa thượng Hải Hiền. Người
thật thà có thành tựu, người nghe lời có thành tựu, người thật làm có thành tựu,
chúng ta chỉ cần học tập sáu chữ này: Thật thà, nghe lời, thật làm.
Nên một bộ kinh này, một câu
danh hiệu này, là Thích Ca Mâu Ni Phật, không chỉ Thích Ca Mâu Ni Phật mà tất cả
chư Phật mười phương ba đời, dùng để độ chúng sanh, thành Phật đạo, con đường tắt
nhất, pháp môn thành tựu nhanh chóng nhất, là nói trên bộ kinh này. Chúng ta
đây biết được, bộ kinh này là kinh Đại-thừa, không chỉ là Đại-thừa, mà là kinh
đệ nhất của Viên giáo Đại-thừa. Quý vị không gặp được, bởi do trong đời quá khứ,
tích tập thiện căn không đủ sâu dày, nên trong đời này không có duyên gặp được.
Hiện nay duyên đầy đủ rồi, đủ duyên đã gặp được. Gặp được rồi mà còn do dự
không quyết định, có rất nhiều người, thì phải làm sao? Chúng tôi thay lời khẳng
định của Lão Cư sĩ Hạ Liên Cư, tôi không dám nói, mà thầy tôi nói với tôi, là
Lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam, bản hội tập này là của ngài tặng cho tôi, tôi được bản
này của ngài, lúc tôi sống tại nước Mỹ, tôi nhớ trước sau, tôi đã giảng từ đầu
đến cuối mười lần, là nương theo bút chú của Lão sư Lý viết để làm tài liệu
tham khảo mà giảng. Phật pháp của Lão sư Lý là học tập với Đại sư Ấn Quang, nên
Đại sư Ấn Quang là Tổ sư của tôi, chúng tôi là một mạch truyền thừa. Chú giải của
Lão Cư sĩ Hoàng Niệm Tổ này, chú giải được rất chi tiết, Ngài rất dụng tâm,
trích dẫn kinh điển, lời nói đều không phải của Ngài, mà của kinh nói, của cổ Đại
đức nói, rất hay!
Hiện nay, tôi nghĩ đến tín đồ
của Ấn Tổ rất nhiều, Ấn Tổ đối với đường lối kinh này xem thế nào? Ngài không
xem được, vì lúc Ấn Tổ vãng sanh, bản hội tập này còn chưa làm thành, nên Ngài
không xem thấy, nhưng trong Ấn Quang Đại Sư Văn Sao có, nội dung của Văn Sao vô
cùng phong phú. Chúng ta có thể đem bộ kinh này, đối chiếu với Văn Sao của Ấn Tổ,
những chỗ nói của Ấn Tổ cùng với nghĩa Kinh này nói có tương thông hay không?
Tôi nghĩ đối với người tu Tịnh-độ chúng ta, sẽ được tăng thêm niềm tin, không
còn nghi ngờ nữa, chân chánh thật tin, thật sự nguyện sanh Cực Lạc, thật sự niệm
Phật cầu sanh, thì lợi ích này không gì thù thắng hơn. May mắn thay cách này của
tôi, hiện nay có đồng học, thật đang làm công tác chỉnh lý này, đem Ấn Quang Đại
Sư Toàn Tập cùng với bản hội tập này, đối chiếu từng đoạn từng đoạn, từng câu từng
câu, xem Ấn Tổ nói ra sao. Tôi cảm thấy công đức việc này vô lượng, giúp chúng
ta tin tưởng đối với kinh điển này, đối với ngài Hạ Liên Cư, sẽ có giúp đỡ rất lớn
với những người chưa đủ niềm tin. Tôi cũng cùng tùy hỷ để học tập.
Lần học tập thứ tư này, đến
đây là viên mãn. Chúng tôi đem mấy câu này đọc lại, trong Vô Lượng Thọ Kinh Khởi
Tín Luận, chúng ta đọc lại lần nữa, ‘Thử
kinh cụ Vô Lượng Thọ toàn thân; Diệc cụ nhất thiết chư Phật toàn thân. Ư thử
tín nhập, tức cụ nhất thiết Phật trí. Cố
viết văn thử kinh giả, ư vô thượng đạo, vĩnh bất thoái chuyển. Chí kinh tạng diệt
tận, thử kinh độc lưu. Sở dĩ Phật từ gia bị, thù dị dư kinh. Phụng khuyến hậu
hiền, phổ đồng tín thọ’
(Kinh này đủ cả toàn thân Vô Lượng Thọ; Cũng
đủ toàn thân hết thảy chư Phật. Tin vào kinh này thì chính là đầy đủ tất cả Phật
trí. Nên nói: Người nghe kinh này thì đối với đạo vô thượng, vĩnh viễn không
thoái chuyển. Ðến khi kinh tạng diệt hết, riêng kinh này còn lưu lại. Bởi vì Phật
từ gia bị kinh này hơn các kinh khác. Kính khuyên hậu hiền đều cùng tin nhận).
Cảm ơn mọi người, bộ kinh này giảng đến đây là viên mãn rồi!
( Hết tập 508
Hết lần giảng thứ tư: Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú 2014)
Nguyện đem công
đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử cùng chúng sanh
Đều sanh nước Cực Lạc
Chóng viên thành Phật quả
Rộng độ khắp chúng sanh.
Nam Mô A Di Đà Phật.