Giảng Ký A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận (A Tỳ Đàm – Vi Diệu Pháp – Duy Thức Pháp Tướng) – Tạo Luận: Tôn giả Thế Thân – Dịch và Chú Thích: Tam tạng Pháp sư Huyền Trang – Bài 17: Phẩm 1 – Phân Biệt Giới – Buổi 17.
Giảng giải: Thầy Thích Thiện Trang
Giảng ngày: 13.11.2024
Phát trực tiếp trên Kênh YouTube Thích Thiện Trang
https://www.youtube.com/watch?v=9YapxPEjdUI
mạng xã hội Facebook, Fanpage Thích Thiện Trang:
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Nam Mô A Mi Đà Phật!
Kính chào toàn thể quý vị đồng tu! Hôm nay là thứ Tư, chúng ta trở lại tiếp tục học về Luận Câu Xá, là bộ luận về Duy Thức ở bên Phật giáo Bắc truyền. Còn nếu [ở] bên Phật giáo Nam truyền thì bộ này được gọi là A Tỳ Đàm, nội dung là học về lộ trình tu chứng quả. Để hiểu được lộ trình đó một cách rốt ráo, một cách viên mãn, thì chúng ta phải học từ những điều căn bản, những pháp tướng, những vấn đề về tâm thức, lộ trình như thế nào. Chỉ có những bộ như thế này thì mới cung cấp cho chúng ta được rõ ràng.
Chúng ta vừa qua có nghỉ một khoảng thời gian, lý do là Thiện Trang cũng bận một số việc, nên quý vị thông cảm. Hôm nay chúng ta trở lại. Phần A Tỳ Đàm chúng ta đã học qua rồi, chắc quý vị cũng nhớ. Thiện Trang xin nhắc lại một số kiến thức bổ sung, bởi vì A Tỳ Đàm thì mình cứ từ từ học. Ví dụ như thế gian là vô thường, đó là một kiến thức căn bản nhất mà mọi người cần phải nắm được. Hôm bữa Thiện Trang có đưa ra cho quý vị bài tóm lược, để dứt được sanh, già, bệnh, chết, thì cần phải đoạn Phiền não theo 9 tầng. [Đó là] theo Kinh Tam Pháp – Kinh Tăng Chi – Phần Mười Pháp.
Bảng Tóm Lược – Để Đoạn Dứt Sanh Già Bệnh Chết Thì Cần Đoạn Phiền Não Theo Các Tầng ((10.76) Kinh Tam Pháp: Tayodhamma – Kinh Tăng Chi – Phần Mười Pháp) | |||
Tầng | Phiền Não Cần Đoạn | ||
9 | Tham | Sân | Si |
8 | Thân kiến | Nghi | Giới cấm thủ |
7 | Phi như lý tác ý | Tu tập tà đạo | Tính thụ động |
6 | Vọng niệm | Không tỉnh giác | Tâm loạn động |
5 | Không muốn yết kiến các bậc Thánh | Không muốn nghe Thánh pháp | Bới lông tìm vết |
4 | Trạo cử | Không chế ngự | Ác giới |
3 | Không có lòng tin | Xan tham | Biếng nhác |
2 | Không cung kính | Khó nói | Ác bằng hữu |
1 | Không xấu hổ | Không sợ hãi | Phóng dật |
Chúng ta muốn thực hành thì quý vị chỉ cần coi vào đây, mình cứ bắt đầu từ tầng thấp nhất. Mình coi thử mình có xấu hổ hay không? Mình có sợ hãi gì không? Mình có phóng dật hay không? Tầng đầu tiên thì có rất nhiều người rớt mất rồi, tại vì [người ta] thường có sợ hãi. Sợ chuyện này, sợ chuyện kia, sợ mang tiếng, sợ đủ thứ, cho nên làm sao có thể lên được các tầng khác. Rồi không có xấu hổ nữa, tức là làm xấu mà cũng không biết xấu hổ. Nói chung tầng đầu tiên là rớt. Và tầng này cũng thuộc về Giới, [không] phóng dật là giữ giới. Mình ngay tầng đầu tiên đã rớt mất rồi, thì lấy gì đến tầng thứ hai.
Chúng ta coi tầng thứ hai, ở đây là tâm không cung kính. Mình phải bỏ, đoạn trừ [tâm] không cung kính. Rồi mình cũng phải đoạn sự giấu diếm, khó nói. Và ác bằng hữu thì mình cũng phải bỏ.
Tới tầng ba là mình phải đoạn trừ được nghi ngờ, đoạn trừ được sự xan tham (xan và tham). Tham là ham lấy vô, còn xan là không chịu buông ra, tức là không chịu cho. Xan là keo kiệt, tham là ham. Rồi mình phải đoạn trừ biếng nhác (là lười biếng).
Lên trên bắt đầu tầng thứ tư là Trạo cử (tâm lăng xăng). Nhiều đồng tu nếu tu được ba tầng này rồi, thì [lên] tầng thứ tư là Trạo cử, Không chế ngự, [và] Ác giới là mình thực hành theo những điều mà không đúng với Chánh pháp.
[Tầng thứ năm] là mình không muốn yết kiến với các bậc Thánh, không muốn nghe Thánh pháp, rồi mình có tâm bới lông tìm vết. Nói chung là rớt hết sạch, đó là tầng thứ năm.
Tầng thứ sáu [là] mình ráng đừng có vọng niệm, đừng có không tỉnh giác, [và] tâm loạn động. Đây là đã cao rồi.
Tầng thứ bảy là phải đoạn được Phi như lý tác ý, tức là mình cố gắng suy nghĩ điều gì cũng theo đúng với Chánh pháp. Mình không có tu tập theo tà đạo, rồi mình phải có tính chủ động, chứ không phải thụ động. Từ đó mới đoạn được Thân kiến, Nghi và Giới cấm thủ. Đây mới là Sơ quả Tu-đà-hoàn, ở tầng thứ tám này.
Cuối cùng tầng thứ chín là mình đoạn được Tham, Sân, Si, thì mình chứng được A-la-hán. Có nhiều người muốn lên tới tầng trên cùng, muốn [chứng] A-la-hán, hoặc muốn làm Tu-đà-hoàn, nhưng coi lại xem ngay tầng đầu tiên mình có làm được không? Có rất nhiều người có nỗi sợ hãi, rất nhiều sợ hãi, thì điều này là không được rồi. Rồi nhiều người không có tâm cung kính, không cung kính ai cả, [và] giấu giếm nữa, thì rớt hết hai tầng đầu. Đấy thì chúng ta cố gắng.
Bản đó cực kỳ quan trọng, Thiện Trang tóm lược lại từ trong kinh. Cách đây hình như hai bài, Thiện Trang đã tóm [tắt] rồi. Điều quan trọng nữa là ở trong kinh đức Phật dạy: Có một vị Tôn giả (Thiện Trang quên vị Tôn giả đó tên gì rồi) hỏi: “Bạch đức Thế Tôn! Làm sao để dứt được sanh, già, bệnh, chết(tức là ra khỏi sinh tử)?” Đức Phật nói cách thực hành như thế nào, đầu tiên có một nguyên tắc, đó là: Thành Tựu Bất Hoại Tịnh Đối Với: Phật, Pháp, Tăng, Thánh Giới Thì Cầu Gì Liền Được Thành Tựu. Đây là trích trong kinh:
Tôi nghe như vầy: Một thời, đức Phật ở trong giảng đường Trùng Các, bên ao Di Hầu tại nước Tì-xá-li.
Bấy giờ có người luyện voi giỏi người Li Xa, tên là Nan Đà, đi đến chỗ đức Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân đức Phật, rồi ngồi một bên. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Li Xa Nan Đà rằng: (Tức là lúc đó có một người dòng họ Li Xa, tên là Nan Đà, đến đảnh lễ Phật).
“Thánh đệ tử thành tựu bất hoại tịnh, mà muốn cầu thọ mạng liền được thọ mạng; Muốn cầu dung sắc, sức lực, khoái lạc, biện tài, liền được một cách tự tại. Những gì là bốn?
Bây giờ quý vị muốn cầu đúng không? Ai cũng muốn cầu thọ mạng, có được không? Được! Trong Kinh Vô Lượng Thọ nói là “sở nguyện triếp đắc”. Ở đây muốn cầu thọ mạng liền được thọ mạng, tức là mình muốn sống lâu thì được sống lâu. Muốn cầu dung sắc (xinh đẹp) [thì] được xinh đẹp. Muốn cầu sức mạnh (sức lực) [thì] được sức lực. Muốn cầu được an vui (khoái lạc) thì [được] khoái lạc. Muốn cầu được biện tài thì được biện tài, liền được một cách tự tại. Vậy làm sao [để] cầu được các điều này? Điều này quan trọng, [nếu] quý vị muốn cầu được như vậy, mấu chốt là dòng này: “Thánh đệ tử thành tựu bất hoại tịnh”. Phải thành tựu được bốn điều này:
Thành tựu Phật bất hoại tịnh; Thành tựu Pháp, Tăng bất hoại tịnh; Thành tựu Thánh giới bất hoại tịnh.
Ở đây điều quan trọng là mình phải ‘bất hoại tịnh’. Có một ngôn ngữ khác, chúng ta hay nói là niềm tin không thoái chuyển, niềm tin không còn bị lui sụt đối với Phật, đối với Pháp, đối với Tăng, và đối với Thánh giới (giới của Phật). Nếu làm được bốn điều này, thì quý vị cầu thọ mạng liền được thọ mạng, cầu dung sắc (nhan sắc xinh đẹp) liền được [dung sắc], cầu khỏe mạnh được khỏe mạnh, cầu an vui được an vui, và cầu biện tài được biện tài, liền thành tựu được một cách tự tại. Đây là lời đức Phật nói.
Đây là căn bản tu hành cực kỳ quan trọng. Bây giờ mọi người làm được điều này không? Bây giờ chúng ta nghi nhiều quá, nghi Phật. Có nhiều người nói con không nghi Phật, nhưng nghi Pháp mình tu, nghi Tăng là nhiều, [rồi] đối với Thánh giới (Giới luật) thì cũng không tin, không thèm học nữa nên biết đâu mà nghi. Tất nhiên không học thì tức là nghi.
Ta thấy Thánh đệ tử này sau khi mạng chung ở đây sẽ sinh lên cõi Trời và ở đó được mười pháp. Nếu làm [được] như vậy thì là thành Thánh đệ tử rồi. Vì bốn điều này là để vào Sơ quả Tu-đà-hoàn, nên tất nhiên là thành Thánh đệ tử rồi. Khi mạng chung ở đây sẽ sanh lên cõi Trời và được mười pháp nữa.
Những gì là mười? Được tuổi thọ cõi Trời, sắc đẹp cõi Trời, danh xưng cõi Trời, khoái lạc cõi Trời, tự tại cõi Trời và sắc, thinh, hương, vị, xúc cõi Trời. Như vậy là được rất nhiều thứ, chỉ cần làm cho bốn niềm tin trên không thoái chuyển. #Hoại tịnh: #tịnh là thanh tịnh; niềm tin thanh tịnh đối với Phật, niềm tin thanh tịnh đối với Pháp, niềm tin thanh tịnh đối với Tăng, niềm tin thanh tịnh đối với Thánh giới (tức là giới của Phật), #giới là Giới luật.
Nếu Thánh Đệ tử ở trên Trời mạng chung sẽ sinh vào cõi Người. Ta thấy người ấy đầy đủ mười điều. Những gì là mười? Được tuổi thọ cõi Người, xinh đẹp, danh xưng, khoái lạc, tự tại và, sắc, thinh, hương, vị, xúc cõi Người. Tại vì đây mới là Sơ quả Tu-đà-hoàn, cho nên có thể lên cõi Trời rồi xuống tiếp.
Ta nói vị đa văn Thánh Đệ tử này tín không phải do người khác, ước muốn không phải do người khác, không nghe từ người khác, không lấy ý người khác, tư duy không nhờ vào người khác. Ta nói vị ấy có tri kiến chánh tuệ như thật”.
Quý vị làm được như vậy thì quý vị yên tâm, niềm tin của quý vị không còn do người khác nữa, quý vị tự tin được. Còn bây giờ đa số đồng tu chúng ta tin là nhờ người khác. Phải nhờ thầy Thiện Trang, phải nhờ Hòa thượng Tịnh Không, phải nhờ thầy này thầy kia, giảng cho quý vị [thì] quý vị mới tin. Còn nếu không, thì tự mình không có niềm tin được, cho nên chưa phải là Sơ quả Tu-đà-hoàn. Sơ quả Tu-đà-hoàn thì ok, không cần phải nhờ người khác nữa, mình có thể thâm nhập kinh được. Khi đó ước muốn không nhờ vào người khác, không nghe từ người khác, không lấy ý người khác, tư duy không nhờ vào người khác nữa. Bởi vì lúc đó mình có một điều gọi là Chánh kiến. Tri kiến Chánh tuệ nói tắt là chữ Chánh kiến; #như thật là đúng.
Bấy giờ, có người đi theo Nan-đà, thưa Nan-đà rằng: “Giờ tắm đã đến, bây giờ xin Ngài đi cho!” Tức là bây giờ có người nhắc ông Nan-đà này là đi tắm.
Nan-đà đáp rằng: “Nay ta không cần tắm gội theo thế gian, mà nay ta ở trong pháp thắng diệu này tự tắm gội; Vì đối với đức Thế Tôn ta đã có được tín lạc thanh tịnh”.
Người huấn luyện voi Li Xa Nan Đà sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, thì hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy, làm lễ mà lui.
(Kinh 801. Li-Xa – Thuộc Phẩm Tương Ưng Bất Hoại Tịnh Thứ 22 – Kinh Tạp A Hàm)
Đầu tiên vẫn là giống như trong Đại Trí Độ Luận nói: “Phật pháp đại hải, tín vi năng nhập” (Biển lớn của Phật pháp, phải tin thì mới vào được). Thời nay thực ra khó cho chúng ta lắm. Giữa thời đại này mình dễ nghi lắm, nghi Phật, nghi Pháp, nghi Tăng, nghi cả Giới.
Cho nên để được điều này thì bí quyết là gì? Thiện Trang nói bí quyết của mỗi người mỗi khác. Bí quyết của Thiện Trang là bao nhiêu năm nay, Thiện Trang thâm nhập kinh tạng, nhờ coi nhiều kinh. Tạng kinh trong Đại tạng kinh (ba tạng: Kinh tạng, Luật tạng, và Luận tạng) thì Luật tạng [Thiện Trang] mới coi được ít. Luật tạng cũng không nhiều lắm, nhưng coi được một phần thôi. Kinh tạng thì Thiện Trang coi gần hết rồi. Sau khi coi gần hết, thì niềm tin đối với Phật là mình có niềm tin. Đối với Pháp thì mình cũng có niềm tin, tại vì mình không sợ [những] điều nghi ngờ [khi] ai đó đưa cho mình một kiến thức nào đó về Phật pháp. Mình biết [kiến thức đó] nằm ở đâu, mình biết [kiến thức] đó đúng hay sai so với kinh điển, cho nên không nghi. Còn một hồi, quý vị cứ nghe người này nói thế này, người kia nói thế kia, bữa nay người ta nói thế này, bữa sau người ta nói ngược lại, thì mình sẽ nghi về Pháp. Ngay cả pháp tu của mình cũng vậy, lúc tu thế này, lúc tu thế kia, làm sao biết được. Đó là vẫn còn nghi.
Thứ ba là đối với Tăng. Tăng thì có nhiều bậc Tăng: Thánh tăng, Phàm tăng. Đời nay khó, [gặp] Thánh tăng thì may ra, [nhưng] Thánh tăng thì mình không thấy đâu, rất khó, [mình] có thấy thì cũng không biết nữa. Còn đối với Phàm tăng thì mình nghi nhiều nữa. Nên thôi, coi như thành tựu bất hoại tịnh đối với Tăng thì khó.
Còn đối với Thánh giới, có ai giảng Giới đâu mà biết, mà có niềm tin. Cho nên nói thì đơn giản, bốn điều này thành tựu thôi là được, nhưng thời nay thì hầu như không thành tựu được. Vì không học Giới luật thì làm sao mà tin Giới được. Mình cứ tưởng thế này mới đúng giới, thế kia mới đúng giới, nên không biết. Giới thì Thiện Trang đã giảng bộ Tại Gia Luật Yếu Quảng Tập, quý vị có duyên thì nghe. Bộ đó thì cũng tương đối cho người tại gia, quý vị đủ xài. Cho nên cố gắng nha! Mình coi tại sao muốn chứng quả Thánh khó, là tại vì điều này mình chưa làm được.
Ở đây nếu làm được rồi, thì vị này không cần đi tắm nữa. Người hầu bảo đi tắm thì [nói] không cần đi tắm [như] ở trong thế gian nữa đâu. Điều này rất tuyệt vời! Để bổ sung điều đó, Thiện Trang [xin] nói thêm:
Kinh 804. Tứ Bất Hoại Tịnh – Kinh Tạp A Hàm
Tôi nghe như vầy: Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Các ngươi nên khởi lòng thương mến, và lòng từ bi. Đối với những gì các ngươi nói, nếu có người nào thích nghe, thích lãnh thọ, các ngươi hãy vì họ mà nói về bốn bất hoại tịnh, khiến cho chứng nhập, khiến cho an trụ.
Thiện Trang thấy đoạn này nên mới nói với quý vị. Đức Phật dặn: các ngươi hãy khởi lòng thương mến, lòng từ bi đối với những người nào thích nghe, thích lãnh thọ, thì hãy nói về bốn điều này, (Thiện Trang đang làm điều này), để khiến cho họ chứng nhập, an trụ. Đó là Thiện Trang nói theo lời đức Phật.
Những gì là bốn? Bất hoại tịnh đối với Phật; Bất hoại tịnh đối với Pháp; Bất hoại tịnh đối với Tăng; Thành tựu Thánh giới. Vì sao? Nếu bốn đại: đất, nước, lửa, gió có sự thay đổi, tăng giảm, nhưng bốn bất hoại tịnh này chưa từng có sự tăng giảm biến đổi khác. (Có nghĩa là điều này thành tựu rồi thì không bao giờ thay đổi nữa).
Chúng không tăng giảm biến khác chỉ vì đa văn Thánh đệ tử đã thành tựu được đối với Phật, nên nếu bị đọa vào Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, điều này không thể có được.
Có nghĩa là quý vị yên tâm, quý vị làm được bốn niềm tin đó bất hoại rồi, thì chúc mừng quý vị, quý vị không bao giờ đọa vào Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh nữa. Bởi vì quý vị xác chứng, quý vị đã là Sơ quả Tu-đà-hoàn. Thực ra điều này cũng không nói rõ là Sơ quả Tu-đà-hoàn. Cho nên bộ Luận Câu Xá chúng ta đang học đây, điều này kéo vào địa vị trước Sơ quả Tu-đà-hoàn. Trước Sơ quả Tu-đà-hoàn có bốn quả vị nữa, thậm chí nói rõ ra là năm quả vị, nhưng mình nói bốn quả vị đi. Điều này là Nhẫn vị, có nghĩa là quý vị được niềm tin không thoái chuyển, thì quý vị cũng không đọa vào Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh nữa.
Cho nên, các Tỳ-kheo nên học như vầy: Ta sẽ thành tựu bất hoại tịnh đối với Phật; Thành tựu bất hoại tịnh với Pháp, Tăng, thành tựu Thánh giới, và sẽ thiết lập cho người khác cũng được thành tựu”.
Đức Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
Thiện Trang cũng mong là quý vị thành tựu bốn điều này. Kinh này đức Phật dặn như vậy thì Thiện Trang làm theo như vậy.
Một điều quan trọng nữa là Tứ đế. Ai học giáo pháp Nam truyền [hay] cho dù học giáo pháp nào, thì Tứ đế (Tứ Thánh đế): Khổ, Tập, Diệt, Đạo có cần tu theo thứ tự hay không? Có rất nhiều người không biết điều này, cứ vô cắm đầu mà tu, không biết đúng hay không. Ở đây Thiện Trang có đưa ra đề mục này và cũng trích từ kinh:
Tứ Đế: Khổ Tập Diệt Đạo – Có Cần Tu Theo Thứ Tự Không?
Tôi nghe như vầy: Một thời, đức Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ. Bấy giờ, gia chủ Tu Đạt Đa đến chỗ đức Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch đức Phật rằng:
Quý vị biết gia chủ Tu Đạt Đa này là ai không? Nhiều người nghe tên rất lạ. Tu Đạt Đa hay gọi tắt là Tu Đạt, chính là ông Cấp Cô Độc (đây không phải tên thật của ông). Tên thật của ông là Tu Đạt hay Tu Đạt Đa. Nhưng sở dĩ có danh Cấp Cô Độc vì [ổng] hay cung cấp, chúng ta hay nói là bố thí, cho những người cô độc, những người ăn xin. Ông Tu Đạt Đa hay cung cấp, bố thí, vì vậy ông mới đặt tên là Cấp Cô Độc.
Giống như quý vị làm gì đó, hạnh gì nổi tiếng quá, ví dụ Hương heo chẳng hạn, người ta chuyên làm nghề bán thịt heo ở ngoài chợ, cho nên cũng lấy tên mình là Hương heo luôn. Còn mình bán quần áo nên gọi là Hương quần áo, [kiểu] vậy đó. Ở đây ông Cấp Cô Độc cũng vậy, ông chuyên cung cấp, bố thí cho những người bần cùng nghèo khổ, những người cô độc, cho nên được danh là Cấp Cô Độc. Thôi mình lấy tên nào hay hay, Đệ nhất Cư sĩ hay là Thành tâm Cư sĩ, Thành kính Cư sĩ. Có nhiều người lấy tên Thành kính Cư sĩ, Thành tâm Cư sĩ, nhưng chả thấy thành kính, thành tâm gì hết, hữu danh vô thực. Mình phải làm sao để thiên hạ công nhận mình, đặt cho mình. Chứ mình lấy danh mà mình làm trật lất thì cũng không được, cố gắng làm sao đó [để] danh xứng với thực. [Chúng ta] tiếp tục để coi ông Trưởng giả Cấp Cô Độc hỏi đức Phật [điều] gì:
“Bạch đức Thế Tôn, bốn Thánh đế này phải hiện quán theo thứ lớp hay phải hiện quán tức thời?”
Có nghĩa là bốn Thánh đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Khổ là sự thật về khổ, Tập là nguyên nhân của khổ, Diệt là niềm vui sau khi đã diệt hết khổ, và Đạo là con đường để diệt khổ. Ổng hỏi là bốn Thánh đế đó là hiện quán theo thứ lớp hay phải hiện quán tức thời? Tức là mình phải quán theo thứ lớp là Khổ trước [sau đó đến] Tập, Diệt, Đạo, hay là quán một lúc đồng thời luôn bốn điều này.
Nhiều người tu Tứ niệm xứ ghê lắm, nhưng họ không biết kiến thức này. Cho nên tu nhiều khi trật, mà trật rồi thì không đúng. Bây giờ coi đức Phật trả lời thế nào.
Đức Phật bảo gia chủ: “Bốn Thánh đế này phải hiện quán theo thứ lớp, chứ không phải hiện quán tức thời”. Phải hiện quán theo thứ lớp, chứ không phải hiện quán tức thời. Đây là câu quan trọng.
Phật bảo gia chủ: “Nếu có người bảo: ‘Đối với Khổ Thánh đế chưa hiện quán mà có thể hiện quán Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế,’ lời nói này không đúng. Nghĩa là mình chưa quán Khổ đế trước, mà mình chạy vô lo học Thánh đế Khổ tập, Khổ diệt, rồi Khổ [diệt] đạo, thì lời này không đúng.
Vì sao? Vì đối với Khổ Thánh đế nếu chưa hiện quán mà có thể hiện quán Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế (nói chung là Khổ, Tập, Diệt, Đạo, gọi tắt như vậy cho ngắn, ở đây đức Phật nói tên đầy đủ) thì điều này không thể có được.
Giờ nhiều người tu sai cho nên không có hiệu quả. Đức Phật lấy ví dụ đằng sau cho chúng ta nghe.
Cũng giống như có con đường có bốn bực thềm đi lên điện đường. Nếu có người nói: ‘Không cần lên bậc thứ nhất mà lên ngay bậc thứ hai, thứ ba, thứ tư, lên điện đường,’ điều này không thể có được. Vì sao? Phải do bậc thứ nhất rồi sau đó đến bậc thứ hai, bậc thứ ba, bậc thứ tư để lên được đến điện đường. Cũng vậy, Tỳ-kheo đối với Khổ Thánh đế chưa hiện quán mà muốn hiện quán Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế,’ điều này không thể có được.
Để Thiện Trang giải thích cho quý vị nghe, chứ không quý vị ngủ gục hết. Bây giờ trong Khổ, Tập, Diệt, Đạo, quý vị muốn thành tựu ba điều sau, thì đầu tiên phải [quán] Khổ đế trước. [Quán] Khổ đế thì nhận diện được Vô thường. Trong một bộ kinh đức Phật có nói: Bí quyết để tu là phải quán từ Vô thường, Vô thường là khổ. Khổ đế thì trong đó [quán] Vô thường [là] quan trọng. Cho nên xuyên suốt các bài giảng đức Phật đều nói về Vô thường, và Thiện Trang cũng vậy, luôn luôn nói về Vô thường. Nhiều người nghe chán nhàm rồi, nhưng nếu quý vị không quán niệm được Vô thường, tức là Khổ đế, không biết đời là khổ, quý vị vẫn còn mê ở thế gian này, vẫn còn thích thế này thế kia. Thì nói thật, không có cách nào quý vị tu được những điều sau, coi như con đường Tứ Thánh đế không được. Nhớ như vậy nha! Cho nên đầu tiên phải quán điều gì? Ở đoạn trên Thiện Trang để một bài kệ trong Kinh A Hàm.
生者必有死,
不生則不死,
此滅為最樂。
“Nhất thiết hành vô thường
Sanh giả tất hữu tử
Bất sanh tắc bất tử
Thử diệt vi tối lạc”.
Tức là tất cả hành (hạnh) vô thường, điều đó mà sanh thì chắc chắn có chết (tử), có sanh thì có tử, không sanh thì không tử. Diệt được sự Vô thường này, thì đó là tối lạc, #tối lạc là vui nhất. Cho nên Thiện Trang dịch là:
“Hết thảy hành vô thường
Có sanh thì có tử
Không sanh thì không chết
Diệt đó là vui nhất”.
Diệt đó là diệt được dòng sanh tử, là vui nhất. Đây là Kinh Số 2 – Phẩm Tám Nạn 42 – Kinh Tăng Nhất A Hàm. Quý vị thấy [việc quán] Vô thường quan trọng, và quý vị có thường quán Vô thường hay không? Thiện Trang nói bí quyết để chúng ta loại trừ được hay tu được Tứ Thánh đế, hay tu bất cứ Pháp môn nào, [thì] quý vị phải quán Vô thường. [Quán] Vô thường thế nào? Chắc chắn rồi chúng ta ngày nào đó cũng phải ‘lên bàn thờ’, lên bàn thờ là chết đó. Còn [nếu] không nói lên bàn thờ, thì chắc chắn sẽ chui vào hòm hoặc chui vào nhà xác, chui vào nhà hỏa táng, v.v… nói chung là chắc chắn mình sẽ chết. Nếu quán được như vậy, đó là quán Vô thường. Và không phải chỉ mình ta, mà tất cả ai trên đời này đều như vậy. Gia thân quyến thuộc, bà con, họ hàng, cha mẹ, anh em chồng vợ, con cái, tất cả đều như vậy. Quý vị phải có hiện tiền quán như vậy, thì quý vị mới hiểu được Vô thường.
Còn bây giờ suốt ngày nói vô thường, vô thường, mà tới khi có một chuyện gì đó xảy ra, quý vị vẫn đau khổ, vẫn không chấp nhận được điều đó, tức là quý vị không quán Vô thường. Trong Tứ đế, quý vị đã không làm được bước đầu tiên, đó là bài Khổ đế chưa [học] xong, thì quý vị tu gì được nữa. Mình muốn tu tập thì nằm ở Đạo đế. Còn mình hiểu được nguyên nhân của khổ, đó là Tập đế. Và mình biết được niềm vui sau khi hết nỗi khổ đó, thì gọi là Diệt đế. Nhưng bây giờ ngay điều đầu tiên mà mình chưa làm được, thì mình chạy vô mấy điều sau cũng không được.
Đức Phật nói rõ ràng, giống như có đường đi lên một cái điện có bốn bậc thang. Quý vị không bước lên bậc thang thứ nhất, mà đòi bước lên mấy bậc thang kia thì không được. Bậc [thang] này cao lắm, không phải bậc nhỏ để nhảy lên. Không nhảy được, cao lắm! Thì mình phải đi từng đoạn đường. Có nhiều người học với Thiện Trang, học Phật pháp rất lâu, nhưng bài về Vô thường không làm được, không học được. Cho nên khi gặp chuyện gì thì họ rung động, họ bị động tâm ngay. Ví dụ [khi] bệnh đau tới, hay một người thân bị chuyện gì đó v.v… thì quý vị không thể trụ được tâm.
Cho nên vấn đề là học phải hành, phải hiểu đời là vô thường, giả tạm. Ai rồi cũng phải đi thôi, trước sau gì cũng phải từ bỏ thế gian này, quý vị có muốn [tiếp tục] cũng không được đâu. Tại vì tất cả thế gian đều là vô thường. Quý vị không dám chắc là quý vị sẽ sống được bao lâu, ngay cả thân ta còn không làm chủ được, thì huống hồ chi những điều gì khác. Quý vị còn mong tất cả những điều khác, đó là không thể.
Trong Kinh 312 – Kinh Tạp A Hàm, [nói] về quán Vô thường, đức Phật có đưa ra: Giống như có một ông vua, xưa nghe một tiếng đàn rất hay, bèn truyền là hãy đem tiếng đàn tới đây. Đại thần đem cây đàn tới, nói: “Bạch Bệ hạ! Không có tiếng đàn, mà tiếng đàn xuất phát từ cây đàn. Từ cây đàn này, phải gảy đàn thì mới lên được âm thanh. Và để được tiếng đàn hay như thế thì phải có người gảy, mà người gảy đàn cũng phải có trình độ”. Thế vua mới nói là: “Vậy thì khó quá, vậy thôi ta không cần. Bởi vì cây đàn này không có ý nghĩa gì, chỉ là [vật] vô tri. Cho nên hãy phá bỏ cây đàn này, đem giục hết ra mười phương (bỏ khắp nơi đi), [Ta] không không cần nghe nữa”.
Bởi vì sao? Quý vị nghe vậy thì quý vị không hiểu, nhưng Thiện Trang hiểu thế này: là mọi niềm vui hưởng thụ được trên thế gian đều nương nhờ vào bao nhiêu điều khác, mà chúng ta nói là phụ thuộc rất nhiều duyên, 24 Duyên hệ. Bây giờ [có] cây đàn không [thôi] thì không thể phát ra tiếng đàn, mà phải có người, [cây đàn] phụ thuộc vào người đánh. Mà người đánh đàn cũng phải có tâm trạng [để] đánh, người đó phải khỏe mạnh, phải giỏi, tài năng, phải nhập tâm đánh thì mới ra tiếng đàn. Trong thời điểm họ vui thì họ đánh ra tiếng đàn khác, [khi] họ buồn thì [đánh] ra tiếng đàn khác. Vì thế, thế gian có quá nhiều yếu tố. Họ run rẩy một chút thì không đánh được, [hay] tâm họ không ổn thì đánh cũng không thể hay được.
Cho nên ở thế gian, nếu truy cầu những niềm vui thế gian, thì thường mình sẽ truy cầu không được, rất ít khi được một cách mãn nguyện, đúng không? Ngay cả khi quý vị nấu ăn thôi, bây giờ các cô nhiều, [đa số] biết nấu ăn. Mình nấu ăn, mình muốn món ăn ngon, [nhưng] nhiều khi cũng không ngon. Bởi vì ngày hôm đó mình không được tốt lắm, đầu óc không được sáng suốt lắm. Đang nấu ăn, một cuộc điện thoại tới nói chuyện gì đó, [là] đồ ăn không ngon rồi, đúng không quý vị? [Quý vị] thấy một yếu tố phụ thuộc rất nhiều duyên. Đang nấu ăn mà điện cúp hay thiếu gas, lửa gì đó v.v… là không được ngon rồi. [Thức ăn] đổ vung vãi, hay là đang làm gì đó, bận gì đó. Nên một bữa ăn ngon cũng không dễ nữa, đừng nói là những yếu tố khác.
Cho nên ở đời, chúng ta phụ thuộc rất nhiều duyên, nào là người thân quyến thuộc, nào là bạn bè, nào là thầy bạn, nào là gia đình, nào là đất nước, phụ thuộc nhiều quá. Càng phụ thuộc nhiều bao nhiêu thì càng khó làm chủ bấy nhiêu, bởi vì chỉ cần một yếu tố thay đổi, thì tất cả đều ảnh hưởng tới mình, đúng không? Quý vị đừng tưởng là không có gì ảnh hưởng [đến mình]. Như vừa rồi ông Donald Trump bầu cử đắc Tổng thống Mỹ kỳ tiếp theo, Tổng thống lần thứ 47. Mình tưởng dường như là không có ảnh hưởng gì đến mình. Nhưng thật ra là ảnh hưởng rất nhiều, ảnh hưởng thế nào? Ổng lên là chính sách kinh tế khác, ổng có thể làm khuấy động cả thế giới này theo một hướng khác. Có thể kinh tế thế giới sẽ đi lên thì mình cũng được hưởng phước, mình cũng được tốt. Việt Nam xuất khẩu qua Mỹ được nhiều hơn, kinh tế của mình đi lên. Nếu ổng làm khó quá, xuất khẩu trì trệ thì mình cũng khổ, mình thiếu việc làm, doanh nghiệp [bị ảnh hưởng], thế này thế kia.
Quý vị thấy không? Một yếu tố thôi mà đã như vậy rồi, [huống hồ] có rất nhiều yếu tố khác [nữa]. Mà ổng còn nói là ổng sẽ trục xuất một triệu người nhập cư vô Mỹ bất hợp pháp nữa, nghe như thế thì nhiều người bắt đầu run rồi. Tại vì quý vị biết ở Mỹ thì người nhập cư lậu nhiều lắm, họ toàn là trốn đi qua các đường biên giới Mexico rồi họ vô, hay vượt biên qua biển thế nào đó để vào Mỹ.
Bởi vì chính sách ở Mỹ, thật ra người ta cũng có lý do, đặc biệt các cô thì dễ ở lại Mỹ lắm, miễn sao vô nước Mỹ rồi đẻ một đứa con thôi, làm sao đó có bầu đẻ được một đứa con. Sinh xong thì đứa con đó nghiễm nhiên được hưởng chính sách công dân Mỹ, nó được sinh ra tại nước Mỹ mà. Mười tám tuổi thì tự nhiên nó được mặc định là công dân Mỹ, được quốc tịch Mỹ, trừ khi 18 tuổi nó từ chối. Và người mẹ đó được hưởng theo con luôn, cho nên là người mẹ được trở thành thường trú nhân thôi, tức là được ở thường trú tại Mỹ.
Mới đầu Thiện Trang nghĩ kêu sao chính sách đó kỳ vậy, nhưng sau nghĩ kỹ lại [thì thấy] đúng. Tại vì một đứa nhỏ được sanh ra ở Mỹ, khi lớn lên nó sẽ được học theo chế độ nền kinh tế chính trị giáo dục ở đó, thì tự nhiên nó trở thành người Mỹ thôi, [được] quốc tịch Mỹ là đúng rồi, chứ còn gì nữa. Cho nên đất nước bảo vệ trẻ em như vậy là hợp lý. Mà trẻ em là do ai chăm sóc? Do mẹ chăm sóc là tốt nhất, phải có mẹ chứ.
Cho nên một chính sách thôi, một người lên [làm lãnh đạo] đã ảnh hưởng rất nhiều, và đôi khi [cũng] khổ đúng không? [Giống như] chiến tranh ở tại Ukraina hay là ở tại Trung Đông, kết thúc hay không là nhiều khi cũng nhờ một vị Tổng thống Mỹ.
Cho nên chúng ta biết được thế gian này là vô thường. Vô thường có nghĩa là gì? Vô thường là không làm chủ được, điều gì rồi cũng thay đổi. Nếu mình hiểu được điều đó thì mình sống rất nhẹ nhàng. Chúng ta đối với sáu căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, đức Phật nói mắt thì thích sắc đẹp, tai thích nghe âm thanh hay, mũi thích ngửi mùi hương tốt… Đức Phật lấy một ví dụ như thế này: Có sáu con vật gồm chó, chim, rắn độc, dã can, cá sấu và khỉ. Có một người bắt sáu con đó nhốt vào trong một chỗ, cột nó lại, không cho nó di chuyển. Nếu thả ra thì tự nhiên con chó sẽ chạy vào làng thôi, nó thích đi vào làng. Con chim sẽ bay lên trời. Con rắn độc thì tất nhiên là chui vô hang, nó kiếm bụi cây để trốn. Con dã can thì thích đi vô trong rừng. Cá sấu thì thích xuống dưới [đầm] nước sình lầy. [Còn] con khỉ thì thích leo lên cây.
Đức Phật nói cũng vậy, sáu căn của chúng ta nếu được thả tự do thì nó cũng chạy thôi. Mắt thế nào cũng tìm cảnh sắc đẹp để nhìn, cái nào đẹp thì nhìn. Tai thì thế nào cũng thích nghe âm thanh hay. Mũi thì thế nào cũng thích ngửi mùi hương thơm, chứ chẳng bao giờ thích ngửi mùi thối. Rồi lưỡi thích vị ngon ngọt là đương nhiên rồi, vị đó theo sở thích của mỗi người. Và thân thể thì thích êm ái, tiếp xúc được những gì êm ái.
Đức Phật nói tu là như thế nào? Tu là giống như người kia, bắt sáu con vật đó cột lại, khiến nó không thể chạy theo ý của nó được. Có nghĩa là con chó không thể chạy vào làng, con chim không thể bay lên trời, con rắn độc không thể chui vào hang hay chui vào bụi cây được, con dã can không thể trốn vào trong rừng, con cá sấu không thể xuống dưới vũng sình lầy, và con khỉ không thể leo lên cây. Cũng vậy, người tu hành đối với việc quản lý sáu căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng phải kìm hãm, giữ lại, không cho chạy theo [cảnh]. Mình tu hành là tu như vậy. Đó là làm chủ được sáu căn. Chúng ta ráng tu nha!
Đây là một ví dụ rất hay! Thiện Trang thấy đúng là khuynh hướng theo tự nhiên thì như vậy thôi. Con chó thì thích chạy rong, con khỉ thì thích leo cành cây rồi. Nếu chúng ta không tu tập, thì tất nhiên tai chúng ta thích nghe âm thanh hay, mắt chúng ta thích sắc đẹp, thích cảnh đẹp lung linh huyền ảo gì đó, mới dễ chịu chứ. Cho nên phải tu, không tu thì không được.
Thiện Trang trở lại với bài kinh này.
“Này Tỳ-kheo, nếu có người nói: ‘Bằng bốn bậc thềm đưa lên điện đường, nhưng phải do từ bậc thềm thứ nhất, rồi sau đó đến bậc thứ hai, bậc thứ ba, bậc thứ tư mới lên được điện đường,’ nói như vậy mới đúng. Vì sao? Vì phải do bậc thềm thứ nhất, sau đó mới leo lên bậc thềm thứ hai, thứ ba, thứ tư rồi lên được điện đường, việc này có thể có được.
Cũng vậy Tỳ-kheo, nếu đối với Khổ Thánh đế đã hiện quán rồi, tuần tự có thể hiện quán Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế.’ Nên nói như vậy. Vì sao? Vì đối với Khổ Thánh đế đã hiện quán, sau đó theo thứ lớp đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế hiện quán, việc này có thể có được”.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
(Kinh 435 – Kinh Điện Đường – Kinh Tạp A Hàm)
Quý vị thấy không ạ? Rất nhiều người tu theo Nam truyền không biết điều này, cứ chạy vô lo tu mấy điều sau, thì gốc của mình không được viên mãn. Cho nên học gì thì học, [bài học] Vô thường thì phải học cho thật nhuần nhuyễn, học về Khổ đế. Ở đời có Ba khổ, có Bát khổ, học cho thuộc nhuần nhuyễn. Rồi quán Vô thường khổ. Khi quý vị thấy được như vậy, thấy đời là khổ, đời là giả tạm, đời là vô thường rồi, thì tự nhiên không cần nói quý vị, quý vị cũng tinh tấn tu hành thôi. Và không cần nói quý vị buông, quý vị cũng buông thôi. Còn những người chưa buông được trước gia thân quyến thuộc, gia đình đủ thứ chuyện, là chưa học bài Vô thường, tức là học bài Khổ đế chưa xong, chưa tốt nghiệp môn đó, môn quán đó chưa xong. Cho nên tu những điều sau là không có gốc. Mà không có gốc thì giống như leo lên bốn tầng nhà, quý vị không leo lên tầng thứ nhất thì làm sao lên mấy tầng kia. Cho nên đấy là điều quan trọng.
Ở đây nhiều khi mình học mà mình không có nền tảng. Và quý vị nên nhớ, nếu mình không học theo thứ tự đó, nhiều người mới vô học Bát-nhã, học điều này điều kia v.v… nói niệm Phật vãng sanh, nhưng không có nền tảng về Khổ đế, tức là không biết sợ nỗi khổ vô thường. Thì coi như ở thế gian này quý vị tu cỡ nào tu, [nhưng] thường không có tinh tấn được, không tốt được. Đó là lý do chúng ta cần phải học [có] thứ tự.
Đây là những nền tảng mà Thiện Trang cung cấp cho quý vị, hôm nay cung cấp thêm. [Quý vị] cố gắng thành tựu được bốn Bất hoại tịnh này. Cố gắng hiểu, học giùm nền tảng. Cho nên những Kinh này cực kỳ quan trọng. Không phải là không quan trọng, mà là rất quan trọng, nên cố gắng học. Mà khi học rồi thì mình sẽ dễ dàng tu hành rất nhiều.
Đức Phật có đưa ra một ví dụ, Thiện Trang cũng thích ví dụ này, ví dụ này rất trí tuệ. Ở trong Kinh 315 – Kinh Tạp A Hàm, đức Phật có đưa ra: Có một người rất thông minh, rất giỏi giang. Có một người bạn đưa cho một cái tráp, cái tráp giống như cái hộp vậy đó, ở trong đó có bốn con rắn độc. Người đó nói là: “Bạn hãy chui vào cái hộp lớn đó (cái hộp giống như cái chuồng) có bốn con rắn độc trong đó, để chăm cho nó, hãy nuôi nó, thỉnh thoảng cho nó ăn rồi lo cho nó”.
Người đó nghe nói có bốn con rắn độc, sợ quá cho nên bỏ chạy. Người kia nói: “Bạn à, bạn còn bị năm kẻ oán thù cầm dao đuổi bạn đó”. Người đó bỏ chạy, sau đó thì thấy còn có sáu tên giặc, ác tặc đang đuổi theo nữa. Người đó chạy vô một cái xóm vắng. Trong xóm vắng đấy lại có bọn giặc nữa, núp ở trong đó. Người đó càng sợ hơn, chạy tiếp, thì gặp một con sông, dòng nước chảy xiết vô cùng. Người này sợ hãi không biết làm sao bây giờ. Bên bờ này thì sợ hãi, nhưng nhìn thấy chỉ cần qua được dòng sông đó thôi, là đến bên bờ kia mát mẻ an lạc rồi, không còn gì phải lo nữa.
Người đấy mới nghĩ là: “Bây giờ sông nước chảy xiết như vậy làm sao qua được?” Người ấy nghĩ là phải làm chiếc bè, bèn lấy cây rồi lấy cỏ cột lại, đóng thành một chiếc bè để vượt qua sông. Người đó vượt sông bằng cách là dùng tay chân để bơi qua. Tức là làm cái bè rồi dùng tay chân chèo để qua được bờ bên kia.
Câu chuyện đó đức Phật lấy ví dụ thế này: Bốn con rắn độc đó là dụ cho trong người chúng ta được tạo bởi Tứ đại chủng. Đại chủng, ngôn ngữ ở bên kinh này là Tứ đại: Đất, Nước, Lửa, Gió. Đất, Nước, Lửa, Gió là rắn độc của mình đó quý vị, tại vì sao? Thân Tứ đại này là Đất, Nước, Lửa, Gió (hôm bữa mình giải thích Đất, Nước, Lửa, Gió rồi) khiến cho mình khổ, cho nên nó là rắn độc.
Rồi chúng ta có năm Thủ uẩn là: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Đó chính là năm oán thù của mình. Đó là oán thù cầm dao theo giết mình hằng ngày mà mình không biết. Bao nhiêu sự tu hành của mình thành tựu hay không là do nó, nó kéo mình ghê lắm.
Rồi có sáu tên giặc ở bên trong chính là sáu căn của mình. Sáu căn của mình về hỷ ái, tức là yêu thích rồi ham muốn điều gì đó. Ví dụ như mắt thì ham muốn sắc đẹp, tai [thích] nghe âm thanh [hay]. Đó là sáu tên giặc bên trong đi theo mình.
Khi người đó chạy vào xóm vắng, xóm vắng là sáu Nội xứ ở trong đó. Tức là ở trong tâm của chúng ta, ngoài [sáu căn] bên ngoài ra còn [có] bên trong, sáu Nội xứ về sáu căn xử lý thông tin đó.
Khi người đó chạy qua gặp một dòng sông nước chảy xiết. Nước chảy xiết là do bốn Bộc lưu, gồm có: Dục bộc lưu, Hữu bộc lưu, Kiến bộc lưu và Vô minh bộc lưu. [Dục bộc lưu] tức là dòng chảy về tham dục của mình mạnh lắm. Rồi [Hữu bộc lưu] là sự muốn hiện hữu của mình, gọi là Dục giới hữu, Sắc giới hữu, [tức là] có cái mình mong muốn, mình muốn hiện hữu (muốn có đó). Rồi sự thấy sai lầm gọi là Kiến bộc lưu, là một loại Phiền não, giống như dòng chảy, mình có những [sự] thấy sai lầm không đúng với Chánh pháp. Ví dụ người ta thấy con mình là thật, gia đình mình là thật, chồng mình là thật, vợ mình là thật. Tất cả những gì của mình đều thật hết, thấy thân này là thật, thì đều là Kiến bộc lưu. Điều đó khó như vậy, có bốn dòng chảy. Thứ tư là Vô minh Bộc lưu, là thấy không đúng với Chánh pháp. Điều này khó cực kỳ. Đó là [dụ] về dòng nước chảy xiết.
Và con sông dụ cho ba ái: Dục ái, Sắc ái và Vô sắc ái. Tức là niềm yêu thương, yêu thích ở cõi Dục, sự yêu thích ở cõi Sắc giới, và sự yêu thích ham muốn, tức là mình muốn hiện hữu ở cõi Vô sắc giới. Đó là con sông.
Rồi bên bờ sông này có nhiều sợ hãi, dụ cho là nếu chúng ta có thân là chúng ta còn có khổ. Còn bên kia bờ kia mát mẻ an lạc đó chính là Vô dư Niết-Bàn. Để vượt qua dòng sông như vậy thì phải có chiếc bè. Chiếc bè đó chính là Bát chánh đạo hay Bát thánh đạo.
Và dùng tay chân phương tiện để bơi, chèo qua sông, là dụ cho sự dũng mãnh tinh tấn. Cách vượt sanh tử là phải có Bát chánh đạo, phải có dũng mãnh tinh tấn.
Cho nên tu gì thì tu, cũng quay về như thế. Đấy là một ví dụ mà Thiện Trang thấy rất hay, nhưng chắc nhiều người nghe cũng không hiểu lắm. Ai hiểu được thì hiểu nha, tại vì đó là một hình ảnh ẩn dụ chúng ta có thể hiểu được.
Thiện Trang xin phép trở lại với bài Luận Câu Xá, hôm nay chúng ta không học về A Tỳ Đàm. Thiện Trang nhớ Thiện Trang đã chia sẻ hai buổi về A Tỳ Đàm rồi. Cho nên hôm nay mình trở lại Luận Câu Xá một chút, chứ không là Luận Câu Xá bỏ qua lâu quá. Quý vị tiếp tục nha. Tại vì hai bộ này học một hồi cũng giống nhau. Lâu lắm rồi mình không học, nhưng phần này cũng dễ thôi, mời quý vị theo dõi.
又表滅時無表應滅,如樹滅時影必隨滅。有釋:所依大種變礙,故無表業亦得色名。若爾,所依有變礙故,眼識等五應亦名色。此難不齊。無表依止大種轉時,如影依樹,光依珠寶。眼等五識依眼等時則不如是,唯能為作助生緣故。
Hựu Biểu diệt thời Vô biểu ưng diệt, như thọ diệt thời ảnh tất tùy diệt. Hữu thích: Sở y Đại chúng biến ngại, cố Vô biểu nghiệp diệc đắc Sắc danh. Nhược nhĩ, sở y hữu biến ngại cố, Nhãn thức đẳng ngũ ưng diệc danh sắc. Thử nạn bất tề. Vô biểu y chỉ Đại chủng chuyển thời, như ảnh y thọ, quang y châu bảo. Nhãn đẳng ngũ thức y Nhãn đẳng thời tắc bất như thị, duy năng vi tác trợ sanh duyên cố.
Giải:
#Hựu Biểu diệt thời Vô biểu ưng diệt: là thêm nữa, khi Biểu sắc diệt thì Vô biểu sắc phải diệt theo.
#Như thọ diệt thời ảnh tất tùy diệt: giống như cây mất rồi thì bóng của cây cũng diệt theo.
Chúng ta quên khái niệm về Biểu sắc và Vô biểu sắc rồi đúng không ạ? Vô biểu sắc và Biểu sắc là gì? Biểu sắc thì chúng ta thấy rõ ràng, [gồm Hiển sắc]: là xanh, vàng, đỏ, trắng, [và] Hình sắc: là dài, ngắn v.v… Như thân thể chúng ta đây là Biểu sắc. Bên cạnh đó còn có những thứ duy trì đi theo, có những thứ vô hình, ngầm bên trong. Ví dụ nhìn hai người hay hai chị em, tuy là sinh đôi giống nhau, thân thể giống y chang, nhưng nghiệp của hai người khác nhau, đó là có Vô biểu sắc khác nhau. Biểu sắc thì giống nhau đấy, nhưng Vô biểu sắc thì khác nhau. Người kia thì không có bệnh gì hết, nhưng người còn lại thì bị bệnh. Đó là rõ ràng Biểu sắc và Vô biểu sắc khác nhau.
Khi Biểu sắc diệt thì Vô biểu sắc cũng diệt. Bây giờ thân thể tan mất rồi, thì nghiệp không thể dựa trên [thân] này nữa, những nghiệp theo trong đời này hết. Trong A Tỳ Đàm gọi đó là hộ kiếp, những tâm đó là tâm hộ kiếp, nó tạo và mang theo, cho nên điều này diệt thì điều kia diệt. Giống như quý vị chặt một cái cây, cây mất rồi thì bóng [của] cây cũng không còn. Hai thứ đó đi chung với nhau, nên Vô biểu sắc nương nhờ Biểu sắc mà có.
#Hữu thích: tức là có (một người hay vị nào đó) giải thích.
#Sở y Đại chủng biến ngại, cố Vô biểu nghiệp diệc đắc Sắc danh: tức là nói có vị giải thích rằng: bởi vì nương theo sự biến đổi và hủy hoại; #hoại là hủy hoại; của Đại chủng. Tức là thân Tứ đại của chúng ta biến đổi, cho nên Vô biểu nghiệp cũng được gọi tên theo Sắc (tức là thuộc về Hình sắc) nên gọi là Vô biểu sắc.
Ở đây nói như thế này thì quý vị dễ hiểu hơn, là nó nương theo thân thể này, mà mình có những nghiệp khác nhau. Ví dụ quý vị biết chúng ta ở thời đại này, là thời kỳ Phật pháp yếu, mạt pháp, chúng sanh nghiệp nặng nên thân thể nhỏ bé, không to lớn, và mang nhiều nghiệp. Còn trong kinh nói, ví dụ như thời của đức Phật Di Lặc, thì loài người thọ đến 80.000 tuổi, lúc đó không có những bệnh gì hết, bệnh cảm, bệnh này bệnh kia là không có. Có nghĩa là vào thời đó, tự nhiên thân thể tốt đẹp. Tứ đại tốt đẹp thì tự nhiên nghiệp đi theo (tức là Vô biểu sắc) cũng được tốt thôi. Còn bây giờ tệ quá!
Nên trong A Tỳ Đàm, mới đưa ra câu hỏi như thế này: Tại sao các đức Phật thì như nhau, đức Phật nào cũng tu bao nhiêu kiếp mới thành Phật, phước báo vô lượng, mà tại sao các vị Phật có thọ mạng khác nhau? Đức Phật Thích Ca tuổi thọ 100 năm, Ngài chỉ trụ thế có 80 năm. Còn các đức Phật như đức Phật Ca Diếp thì trụ thế tới 20.000 năm. Tại sao lại như vậy?
Giải thích liên quan đến vấn đề này, thì trong A Tỳ Đàm nói: Bởi vì đức Phật tuy đã thành Phật, thì phước báo của Ngài với các vị Phật khác ngang nhau, Phật Phật đạo đồng mà. Nhưng Ngài sanh ở cõi Diêm Phù Đề này, vào thời kỳ đó, thì cơ thể của Ngài cũng phải được cấu tạo từ Đất, Nước, Lửa, Gió. Mình nói cho đơn giản là cấu tạo từ những vật chất ở Thế giới này. Và Thế giới này đang là vật chất đó, với những hình hài được cấu tạo từ những vật chất nào là thức ăn này, thức ăn kia v.v… toàn là đồ ô nhiễm, đồ dở. Cho nên thân thể của Ngài cũng chỉ có thể duy trì được như thế thôi, Ngài không thể chống lại được. Mặc dù trong kinh nói là Ngài có thể trụ thế một kiếp, nhưng đó là dùng định lực, dùng cách nào đó để chống lại, còn không thì không được.
Cho nên đó gọi là Vật thực duyên, có nhiều duyên [như] Tiền sanh duyên… Tiền sanh duyên là những vật chất ở thời đại đó ăn vô. Cho nên mình sanh ra trong đời này bị nhiều bệnh là tại vì sao? [Vì] mình cũng toàn ăn những đồ gì đâu không, những thức ăn toàn là hóa chất, thời nay xài toàn hóa chất chứ thời xưa đâu có đâu. Ông bà xưa thọ lâu bởi vì ít xài hóa chất, còn bây giờ hóa chất nhiều quá. Cho nên có người chết xong rồi, thân thể để hoài cũng không rã. Bởi vì sao không rã? Bởi vì toàn hóa chất bảo quản trong cơ thể mang theo đầy. Hóa chất từ đâu ra? Từ đồ ăn.
Quý vị thấy bún người ta trộn cho một mớ [chất] tẩy trắng, tẩy trắng tách, rồi thứ gì cũng tẩy trắng. Còn không thì bún đâu có trắng được như vậy đâu. Làm [mấy] thứ nào cũng bỏ chất tẩy trắng, [như] đường đó quý vị. Ai vô làm đường thì biết, đường làm ra thì phải đen đen, hơi nâu nâu, chứ đâu có trắng. Mà [người ta] cho thứ gì đó vô một phát thì đường trắng tách. Xài đường cát trắng toàn là hóa chất hết. Và hằng ngày mình nạp hóa chất đó vào người, nên người cứ đơ đơ, mệt, và tu không nổi.
Đấy là thời đại ảnh hưởng, và thời đại này là do nghiệp của mình chiêu cảm ra, chiêu cảm nên mình mới sanh vào thời đại này. Cho nên thân thể này không tốt đẹp, đừng nói tài, nói giỏi. Phật ra đời có giỏi lắm thì Phật cũng chỉ trụ thế 80 năm, mà Ngài có thể trụ thế 100 năm. Nếu muốn trụ thế một kiếp thì Ngài phải dùng thần lực. Còn chúng ta đâu có thần lực.
Thiện Trang nghĩ đơn giản, nhiều khi tu, hồi xưa thì không hiểu lắm, nhưng Thiện Trang cũng chỉ ước mong thế này thôi, Thiện Trang kêu: nếu mình không nổi tiếng là sướng lắm, mình ráng tu, hồi xưa nghe Hòa thượng Tịnh Không giảng nói là tới Tam quả A-na-hàm thôi là có Thần túc thông, [có thể] bay đi, rồi biến hóa cho đã. Nên Thiện Trang kêu: Ồ! Vậy [mình] ráng tu để đến chứng quả Tam quả A-na-hàm, xong rồi không cần phải ở nhân gian, ở trên thành phố này mệt lắm, cứ đi tìm mấy đảo hoang vắng trên đại dương không có bóng người, hay vào trong sơn động ở thì sướng hơn. Mình sống giữa thành thị làm chi cho mệt, rồi cứ ngày ngày đi khất thực thôi. Bắt đầu dùng Thần thông lên các thành phố nào đó, quốc gia hay nơi nào có thể đi khất thực được là đi thôi. Mình hiện ra hình tướng vị tăng nào đó đi khất thực. Còn nếu không, nơi nào không có Phật pháp thì mình cứ giả dạng biến thành người ăn xin đi khất thực, cũng tự tại, rồi đi về. Như vậy ngày ngày rong chơi ở trên đảo hoang vắng, như đảo Đào Hoa [chẳng hạn]. Thiện Trang thích như vậy lắm, hồi xưa [nghĩ] như vậy, nên cứ nguyện mong ít nhất chứng đến Tam quả A-na-hàm.
Sau này học rồi, hiểu rồi, không phải [như vậy]. Thần thông không phải thuộc về chứng quả Tam quả A-na-hàm, mà Thần thông thuộc về tu Thiền chỉ. Cho nên sau này Thiện Trang kêu: Vậy không cần, mình chỉ cần chứng Sơ quả Tu-đà-hoàn thôi, và mình ráng tu Thiền chỉ để đạt tới Tam thiền, Tứ thiền, thì mình vô tư thoải mái. Mình có thể vô các đảo hoang vắng trên đại dương, đi vô các hang động trong núi sâu. Rồi hàng ngày [dùng] Thần thông biến hóa đi ra khất thực một chút thôi, đi vô [đi ra] như vậy sướng. Mình chỉ cần chứng Sơ quả Tu-đà-hoàn đời này là được rồi, đâu có sợ nữa, luân hồi sanh tử có hạn kỳ mà, sướng không!
Như vậy Sơ quả Tu-đà-hoàn dễ tu không? Dễ! [Còn] Thần thông Thiền chỉ thì sao? Thiền chỉ cũng không khó, nếu như mình biết tu. Phải tu như thế nào? Quý vị phải xả thân mà tu, chứ không phải tu chơi chơi. Phải tu như Sư Minh Tuệ, Thiện Trang tin là Sư Minh Tuệ có Thần thông tại vì ngài có mấy năm ở trên núi tu. Cách tu mấy năm ngồi kiết già cả ngày, ngày này qua ngày nọ, tu cỡ đó, tu như vậy mới vô Thiên chỉ chứ. [Đắc] Thiền chỉ thì sẽ có Thần thông thôi, quý vị đắc Nhị thiền là có Thần thông rồi. Cho nên không khó!
Thiện Trang ước mơ như vậy, nhưng bây giờ nổi tiếng rồi cũng khó, bây giờ trốn đi đâu? Người ta biết rồi, bây giờ đâu có đi đâu được. Trốn lên núi thì người ta cũng biết, đâu có được, đi đâu cũng khó, đi đâu người ta cũng để ý. Lỡ có Thần thông cũng không dám sử dụng, giả bộ đi đâu cũng khó, thành ra đôi khi cũng không sướng.
Quý vị sướng hơn Thiện Trang, quý vị tu đi, quý vị đắc được Sơ quả Tu-đà-hoàn, rồi quý vị tu Thiền chỉ đạt được Tam thiền cho chắc, Tứ thiền thì chắc chắn hơn, [có] Thần thông lên cõi Trời, đi cõi này cõi kia, đã! Lên cõi Trời cũng được, vô núi sâu rừng thẳm, hay ra đảo, đại dương, hay vô hang động không bóng người [cũng được], sướng không! Ngồi kiết già, [vừa] niệm Phật [vừa] ngắm cảnh, đẹp lắm! [Ngắm] đại dương, nhìn nước biển, khi nào đói thì mình biến thành người [ăn xin] vô phố ăn xin cũng được. Đi vô đó thì mình dùng Thần thông ẩn mình, đi ăn xin cũng được. Nếu quý vị là Tỳ-kheo thì quý vị đi khất thực, người ta sẽ cho. Cuộc đời như vậy sướng không! Tu hành như vậy đã không! [Chứ quý vị] suốt ngày quay đi quẩn lại [nào là] chồng con, đóng tiền học cho con, tiền này cho con, suốt ngày bị chửi lên, chửi xuống v.v… khổ không?
Cho nên giữa con đường giải thoát với con đường ở trong thế gian, mà người ta ham con đường thế gian. Phải lên chức vụ cho cao sang, quyền quý, rồi nổi danh, làm chi cho mệt vậy! Quý vị thấy tự tại sướng hơn chứ! Thiện Trang không biết quý vị nghĩ sao, chứ Thiện Trang thấy như vậy sướng lắm. Cho nên sau này [Thiện Trang nghĩ] không có gì sướng hơn, mà chỉ có đắc đạo, đắc Thần thông là sướng rồi. Cuộc đời tự nhiên đã, mình đắc Sơ quả Tu-đà-hoàn là đời sau này đâu còn lo nữa. Nếu đắc Thiền chỉ trước mà chưa đắc Sơ quả, chưa đắc Thiền quán thì hơi khó, [nên] cũng phải ráng. Chứ còn đắc Thiền quán, đắc Sơ quả trở lên rồi thì không còn sợ gì nữa, đi thoải mái, cuộc đời vui không! Tuyệt vời!
Thiện Trang nghĩ Sơ quả không khó, Thiền chỉ cũng không khó, bỏ thời gian ra luyện là được. Chứ còn tu chơi chơi, ngày [tu] chút chút thì làm sao được. Phải tu mấy tháng mới vô, chứ không phải tu chơi chơi đâu. Ai có phước báo thì ráng tu. Còn bây giờ mình tu giống như kiểu chống cháy, tu chơi chơi thôi, ngày vô ngồi thiền chút rồi ra. Mà thật ra phương pháp tu ngồi thiền cũng không đúng nữa, rồi tu Thiền quán cũng không biết tu, nhiều người mơ mơ, màng màng, nên tu làm sao mà đắc được. Nhưng nếu mà đắc được thì tuyệt vời lắm quý vị, Thiện Trang nghĩ như vậy, sướng không!
Quý vị nghĩ coi, hàng ngày đâu có phụ thuộc vào thế gian, thế gian người ta chửi lên, chửi xuống, nợ tiền nước, tiền điện… đủ thứ tiền. Lúc đó mình nói thôi ta mượn cớ lên núi cao tu, chứ mình trốn luôn, đâu có ai tìm mình đâu. Mình ra hải đảo ở, mình lên rừng sâu núi thẳm ẩn mình vô đó, hằng ngày đi khất thực, đi chỗ này, chỗ kia, sướng! Cuộc đời từ đó [thỏa mái].
Không biết quý vị có thích không, nhưng Thiện Trang thích như vậy đó. Nhưng bây giờ lỡ vô con đường này, nổi tiếng rồi nên trốn không được, bây giờ phải giảng pháp, phải thế này thế kia, khổ quá, đôi khi cũng không sung sướng gì. Nhưng Thiện Trang hy vọng tương lai, [có] lúc nào đó làm được [như vậy], không biết tại sao Thiện Trang thích như vậy.
Đấy là giới thiệu cho quý vị thấy là tu không khó. Khó là mình không [chịu] buông, không buông được thế gian này, mình nhìn thế gian này thật quá đi. Nên mình coi người thân quyến thuộc là thật, vì vậy mình khổ đau nhiều. Mình vẫn chưa học xong được bài Vô thường, đó là thế gian là giả, con cái, cha mẹ, anh em đều là màn kịch mà thôi, đầu thai cùng với nhau thì gặp nhau như vậy. Chứ còn hết gặp rồi thì phần ai nấy đi. Giống như nghiệp, mỗi người đi một đường thôi, không gặp nhau nữa đâu. Và chúng ta đã như thế vô lượng kiếp rồi, cứ thấy trước mắt mà không thấy lâu dài.
Quý vị nghĩ coi, đời trước quý vị có những người bà con không? Có! Bà con có giống đời này không? Thiện Trang tin là ít giống lắm. Tại sao mình không yêu thương bà con đời trước mà mình lo yêu thương bà con đời này? Rồi đời sau có [bà con nữa] không? Nếu quý vị còn luân hồi thì quý vị lại có những bà con khác. Tại sao quý vị không nghĩ: đã vô lượng kiếp như vậy rồi, cứ diễn như vai tuồng như vậy. Đến mấy mươi năm có bao nhiêu bà con quyến thuộc, anh em, vợ chồng v.v… rồi lại chia tay. Tại sao mình cứ ôm ấp mấy điều giả đó làm gì, nhà cửa, tiền tài, tất cả đều là giả. Giả như vậy thì mình hãy buông trong tâm, mình vẫn làm, tại vì mình ở thế gian, không thể không làm được. Trừ khi quý vị được Thần thông diệu dụng, thì quý vị mới làm được cỡ đó, như đoạn vừa rồi Thiện Trang nói thì quý vị mới bỏ được. Còn không thì quý vị phụ thuộc trong đó thôi.
Tu thì không tu, thì làm sao có được kết quả? Buông thì không buông, làm sao có kết quả? Đầu tiên phải thấy được đời là giả, thế gian là vô thường, là Khổ đế. Và những điều khổ đó từ đâu ra? Là do Tập đế. Tập đế là do những Phiền não của mình, do mình còn Tham, Sân, Si, Thân kiến, Biên kiến, Giới cấm thủ, Tà kiến v.v… những Kiến hoặc, Tư hoặc đó còn. Thì bây giờ mình buông, còn mình không buông thì khó. [Nên] phải tập, cố gắng làm theo bảng 9 tầng vừa nãy, quý vị làm hết 9 tầng đó. Quý vị cứ lấy bảng [9 tầng đó] canh xem hằng ngày mình làm được mấy tầng rồi. Làm từ dưới lên, đừng có ham làm từ trên, làm từ trên không được đâu. Ở dưới làm chưa được [thì] làm ở trên [không được đâu].
Bây giờ hãy sống thật với mình, không xấu hổ, đừng có sợ hãi điều gì. Nhiều người sợ hãi, sợ ma cũng không được, sợ điều này điều kia, sợ hết tiền, sợ nợ nần, sợ bị người ta chửi, sợ ông chồng, sợ bà vợ, sợ con, sợ con học không giỏi, sợ con bị gì đó… [Tất cả] đều [là] sợ hãi, thì quý vị rớt ngay tầng từ đầu tiên rồi, khỏi nói những tầng sau. Thiện Trang thấy sự không sợ hãi này đứng tầng thứ nhất là [đã] rớt sạch rồi, khỏi cần phải nói những tầng sau, [nên] quý vị cố gắng làm giùm.
Như vậy Thiện Trang đang giảng Luận Câu Xá, vừa rồi là đang giải thích: ‘Bởi nương theo sự biến đổi hủy hoại của Tứ đại, nên Vô biểu nghiệp cũng được [gọi] tên theo Tứ đại, được theo tên thuộc về Sắc’. Tiếp theo:
#Nhược nhĩ: nếu mà như vậy.
#Sở y hữu biến ngại cố, Nhãn thức đẳng ngũ ưng diệt danh sắc: nếu mà như thế, thì bởi chỗ nương tựa có sự biến đổi hủy hoại, cho nên năm thức giống như Nhãn thức, Nhĩ [thức], Tị [thức], Thiệt [thức], Thân [thức], cũng phải có tên thuộc về Sắc, tức là cũng gọi là Sắc.
#Thử nạn bất tề: chữ #nạn là vấn nạn, vấn nạn tức là câu hỏi mà hỏi cho khó; #bất tề tức là không đủ. Tức là cách hỏi như vậy chưa đủ. Vì sao thì ở đây có giải thích.
#Vô biểu y chỉ Đại chủng chuyển thời, như ảnh y thọ, quang y châu bảo: bởi vì khi Vô biểu sắc hay Vô biểu nghiệp nương tựa vào Đại chủng (tức là Tứ đại), và Tứ đại đó thay đổi (tức là sự thay đổi của Tứ đại); #chuyển là thay đổi, như ảnh nương theo cây, (bóng của cây nương theo cây), giống như ánh sáng nương theo hạt châu. Điều này thì rõ ràng, hạt châu phát ra ánh sáng, cây thì có bóng, giống như vậy.
#Nhãn đẳng ngũ thức y Nhãn đẳng thời tắc bất như thị, duy năng vi tác trợ sanh duyên cố: ở đây bác thuyết ở trên đi, năm thức như Nhãn thức… khi nương vào mắt… thì không phải như vậy, mà nó chỉ có thể hỗ trợ sanh duyên thôi, cho nên không phải như vậy.
Có nghĩa là ở đây nói nếu lấy ví dụ [theo] cách giải thích ở trên này thì không chính xác lắm. Bởi vì nếu như nói cây với bóng cây, thì bóng cây phụ thuộc hoàn toàn vào cây. Rồi ánh sáng với hạt châu, thì ánh sáng hoàn toàn phụ thuộc vào [hạt] châu. Nhưng ở đây không phải như vậy, bởi vì năm thức: Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức, khi nương vào các cơ quan như mắt, tai, mũi, lưỡi… thì không phải như vậy, mà nó chỉ có thể hỗ trợ cho việc sanh duyên, tức là duyên để sanh ra các thức đó thôi.
Mình nói ngôn ngữ này hơi khó hiểu, ví dụ mắt chúng ta là Biểu sắc, trong đó Vô biểu sắc thì không nói. Nhưng thức là sự biết của mắt thì không được gọi tên theo sắc được, mà phải gọi là thức, chứ không gọi là sắc. Bởi vì sao? Bởi vì [thức] không phụ thuộc hoàn toàn vào mắt này, mà chỉ là nương vào mắt này cung cấp dữ liệu cho nó, để sanh ra dữ liệu của nó thôi, chứ không phụ thuộc hoàn toàn.
Trong A Tỳ Đàm có nói rõ hơn thế này: khi người lâm chung, một trong những giai đoạn chết, thì có người các căn tan hoại rồi, nhưng cảnh vẫn còn. Cảnh vẫn còn, cảnh ở đâu vậy? Có khi mắt của mình không thấy đường, nhưng Nhãn thức của mình vẫn dùng được dữ liệu cũ, cho nên người ta vẫn thấy cảnh này, thấy cảnh kia, gọi là ôm ấp trong tim kỷ niệm ngày xưa, kiểu vậy đó. Nó hiện ra những cảnh cũ thì vẫn xử lý được.
Cho nên Nhãn thức khác với mắt. Mắt thì gọi là sắc, nhưng Nhãn thức thì không gọi là sắc, mà gọi là thức (là sự biết). Ý của đoạn này nói như vậy, ngôn ngữ này hơi khó hiểu.
Tạm dịch: Thêm nữa khi Biểu sắc diệt thì Vô biểu phải diệt, như khi cây mất thì bóng [của cây] chắc chắn mất theo. Có [vị] giải thích: Bởi vì nương theo sự biến đổi hủy hoại của Đại chủng (Tứ đại), nên Vô biểu nghiệp cũng được gọi tên thuộc về sắc. (Tức là Vô biểu nghiệp cũng được gọi là sắc) Nếu như thế, thì bởi chỗ nương tựa có sự biến đổi hủy hoại, năm thức như Nhãn thức cũng phải gọi là sắc. Nạn vấn này không đầy đủ. (Tức là không có chính xác hoàn toàn) khi Vô biểu nương tựa vào sự chuyển của Đại chủng, như bóng dựa vào cây, ánh sáng dựa vào hạt châu quý. Khi năm thức như Nhãn thức v.v… nương theo mắt v.v… thì không phải như vậy, (tức là không phải như vậy, nó chỉ nương một phần thôi, không phải nương hết) chỉ có thể làm thành việc hỗ trợ sanh duyên (mắt chỉ hỗ trợ cho Nhãn thức thôi).
Tại vì sao? [Về] sự biết của mắt, thực ra sự biết cũng phức tạp lắm, không phải biết một phần. Mắt thấy nhiều thứ lắm, nhưng Nhãn thức chọn lại, đâu có thấy hết đâu. Ví dụ như [khi] quý vị nhìn, thực ra là mắt đang quay cả khung cảnh to lớn trên màn hình đó, nhưng Nhãn thức của quý vị đã chọn lại vùng, thấy một ngón tay thôi, thấy một hình Phật trước mặt thôi, thấy một micro này thôi v.v… Có nghĩa là nó chỉ nương vào duyên thôi, chứ không phụ thuộc hoàn toàn đâu. Chúng ta hiểu sơ sơ [là như] vậy. Đoạn này không hiểu cũng không sao nha. [Quý vị] cứ nghe từ từ đi, tại vì có những điều mình nghe, mình biết được bao nhiêu thì biết.
此影依樹光依寶言,且非符順毘婆沙義。彼宗影等顯色極微,各自依止四大種故。設許影光依止樹寶,而無表色不同彼依,彼許所依大種雖滅,而無表色不隨滅故。是故所言未為釋難。
Thử ảnh y thọ quang y bảo ngôn, thả phi phù thuận Tỳ Bà Sa nghĩa. Bỉ tôn ảnh đẳng hiển sắc Cực vi, các tự y chỉ tứ Đại chủng cố. Thiết hử ảnh quang y chỉ thọ bảo, nhi Vô biểu sắc bất đồng bỉ y, bỉ hứa sở y đại chủng tuy diệt, nhi Vô biểu sắc bất tùy diệt cố. Thị cố sở ngôn vị vi thích nạn.
Giải:
#Thử ảnh y thọ quang y bảo ngôn: cách nói bóng ảnh dựa vào cây, rồi ánh sáng dựa vào hạt châu này.
#Thả phi phù thuận Tỳ Bà Sa nghĩa: hơn nữa còn không phù hợp với nghĩa trong Luận Tỳ Bà Sa. Tức là cách giải thích ở trên là không phù hợp.
#Bỉ tôn ảnh đẳng hiển sắc Cực vi: nghĩa là Luận ấy chủ trương rằng những Hiển sắc Cực Vi như ảnh v.v… #Tôn là chủ trương; #bỉ là Luận ấy (Luận Tỳ Bà Sa).
#Các tự y chỉ tứ Đại chủng cố: mỗi loại tự nương tựa vào bốn Đại; Bốn Đại là Đất, Nước, Gió, Lửa.
Những Hiển sắc như vật chất thì nương vào bốn điều đó [Tứ đại]. Điều này thì rõ ràng dễ hiểu đúng không quý vị? Thật ra tất cả vật chất đều có bốn tính chất là Đất, [Nước, Gió, Lửa]. Đất là tính chất cứng rắn; Nước là tính chất ẩm ướt, khô ráo; Gió là sự chuyển động; Và Lửa là [tính] nóng, lạnh. Vật chất nào [cũng] có bốn tính chất đó, [và] đều nương vào đó mà thành. Cho nên điều đó là đương nhiên.
#Thiết hử ảnh quang y chỉ thọ bảo: #thiết là giả sử; #hử là có thể; giả sử có thể bóng cây nương tựa vào cây, và ánh sáng nương tựa vào châu báu.
#Nhi Vô biểu sắc bất đồng bỉ y: nhưng Vô biểu sắc không cùng chung làm chỗ nương tựa cho nó.
#Bỉ hứa sở y đại chủng tuy diệt, nhi Vô biểu sắc bất tùy diệt cố: bởi vì nó có thể nương theo Tứ đại (hay là Đại chủng) mà diệt, nhưng Vô biểu sắc thì không diệt theo. Vô biểu sắc là nghiệp của mình thì không bị diệt theo.
#Thị cố sở ngôn vị vi thích nạn: vì thế sự giải thích ở trên chưa đầy đủ, chưa đúng. Đoạn này nói thêm thôi, chúng ta không hiểu đoạn này cũng được.
Tạm dịch: Cách nói bóng ảnh dựa vào cây, ánh sáng dựa vào châu báu này, hơn nữa còn không phù hợp với ý nghĩa trong Luận Tỳ Bà Sa. Luận ấy chủ trương rằng những Hiển sắc Cực vi như ảnh v.v…, vì mỗi loại tự nương tựa vào bốn Đại. Giả sử có thể bóng cây và ánh sáng dựa vào cây và châu báu, nhưng Vô biểu sắc không cùng chung làm chỗ nương tựa cho nó, bởi vì nó có thể nương theo Đại chủng (tức là Tứ đại) mà chỉ diệt, nhưng Vô biểu sắc thì không diệt theo. Vì thế đã nói là sự giải thích [trên] chưa đầy đủ.
Tóm lại sự giải thích trên chưa đầy đủ, nhưng quý vị thấy đoạn giải thích này là như vậy. Còn quý vị hiểu được thì hiểu nha. Chúng ta cố gắng đi cho hết đoạn này.
復有別釋彼所難言:眼識等五所依不定,或有變礙謂眼等根,或無變礙謂無間意,無表所依則不如是,故前所難定為不齊,變礙名色理得成就。
Phục hữu biệt thích bỉ sở nạn ngôn: Nhãn thức đẳng ngũ sở y bất định, hoặc hữu biến ngại vị Nhãn đẳng căn, hoặc vô biến ngại vị vô gián ý, Vô biểu sở y tắc bất như thị, cố tiền sở nạn định vi bất tề, biến ngại danh sắc lý đắc thành tựu.
Giải:
#Phục hữu biệt thích bỉ sở nạn ngôn: lại có sự giải thích khác về vấn nạn đó như sau. Lại có một cách giải thích nữa.
#Nhãn thức đẳng ngũ sở y bất định: tức là chỗ nương tựa của năm thức như: Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức, thì không có cố định.
#Hoặc hữu biến ngại vị Nhãn đẳng căn: hoặc do có sự biến đổi hủy hoại các căn như Mắt v.v…
#Hoặc vô biến ngại vị vô gián ý: hoặc không có sự biến đổi hủy hoại thì là do ý nghĩ không có sự gián đoạn. Tại vì ý nghĩ của mình thì liên tục, liên tục.
#Vô biểu sở y tắc bất như thị: chỗ mà nương tựa của Vô biểu sắc thì không phải như vậy.
#Cố tiền sở nạn định vi bất tề: cho nên nạn vấn trước đó nhất định là không đầy đủ.
#Biến ngại danh sắc lý đắc thành tựu: có nghĩa là sự biến đổi hủy hoại gọi là trong Sắc mà được thành tựu.
Đoạn này ngôn ngữ nói khó hiểu quá, chúng ta giải thích đơn giản theo ngôn ngữ của chúng ta cho dễ hiểu. Có nghĩa ở đây nói rằng: nạn vấn (là cách nói ở trên) tại sao lại xếp Vô biểu sắc (có khi gọi là Vô biểu nghiệp) cũng gọi tên là Sắc. Bởi vì sao? Vì chỗ nương tựa của các [thức như] Nhãn thức, Tỷ thức, Thiệt thức… (các thức thì không xếp vào Sắc) là không cố định. Hoặc là có sự biến đổi hủy hoại về các căn như: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, bị huỷ hoại. Hoặc là do ý của mình không có sự biến đổi gián đoạn, [mà nó] liên tục. Mà chỗ nương tựa của những Vô biểu sắc này thì không phải như vậy. Có nghĩa là các căn của mình có thể hủy hoại, nhưng nghiệp của mình có thể huỷ hoại hay không? Không! Rồi ý của mình (suy nghĩ của mình) thì có sự biến đổi và không có sự gián đoạn, nhưng nghiệp của mình thì vẫn tiếp tục. Quý vị có nghĩ hay không nghĩ, quý vị có làm gì thì Vô biểu sắc (hay còn gọi là Vô biểu nghiệp) và các thức (là sự biết của mình) [như] Nhãn thức… không bao giờ bị ảnh hưởng, bị chi phối bởi mấy điều đó đâu. Cho nên nó không xếp vào trong dạng Sắc được.
Trong Kinh Lăng Nghiêm có đưa ra một ví dụ, đó là khi vua Ba Tư Nặc gặp đức Phật (vua Ba Tư Nặc cùng tuổi với đức Phật), vua Ba Tư Nặc nói là: “Bạch đức Thế Tôn! Nhãn thức của con già rồi nên kém, không có được như xưa nữa”. Đức Phật mới lấy một ví dụ cho vua hiểu, Ngài nói là: “Ông thấy sông Hằng từ bao giờ? Lần đầu tiên ông thấy là vào lúc nào?” Vua Ba Tư Nặc nói: “Lúc còn nhỏ, mẹ con dẫn con đi, con thấy sông Hằng”. [Đức Phật hỏi]: “Khi 20 tuổi ông thấy sông Hằng như thế nào? Lúc 40 tuổi ông thấy sông Hằng như thế nào? Và bây giờ ông có thấy sông Hằng không?” [Vua Ba Tư Nặc trả lời]: “Con không thấy. Chỉ thấy được sông Hằng lúc đó”. Đức Phật nói: “Bây giờ ông già, mắt bị mờ [nên] ông thấy sông Hằng không rõ. Nhưng sự biết (thấy) về sông Hằng của ông từ nhỏ đến lớn không thay đổi”. Đó gọi là Nhãn thức. Nhãn thức không bao giờ thay đổi, không bị ảnh hưởng bởi căn, quý vị hiểu không?
Mình thì nói [Nhãn thức] bị ảnh hưởng bởi các căn, nhưng thật ra không phải. Do mắt đó bị bệnh, bị già thôi, nếu mình đổi con mắt đi, hay mắt mình được giải phẫu gì đó v.v… thì sự thấy, sự biết của mình vẫn tốt, bình thường. Có nghĩa là sự thấy biết không bao giờ thay đổi. Mắt này chỉ là cảnh duyên, thu thập dữ liệu khác đi thôi, chứ còn bản chất biết đó không thay đổi.
Điều này nói trong Kinh Lăng Nghiêm. Thêm một ví dụ nữa nữa, đức Phật nói: “Bây giờ đánh tiếng trống, hỏi ông có nghe không?” Vị Tôn giả Tu Bồ Đề đó nói: “Con có nghe tiếng trống”. [Đức Phật] hỏi: “Rồi bây giờ không đánh tiếng trống nữa thì ông có nghe hay không?”[Tôn giả Tu Bồ Đề] kêu: “Dạ không! Con không có nghe”. Lúc đó đức Phật mới nói là: “Ông bị điên đảo rồi, rõ ràng ông nghe mà ông nói là không có nghe”.
Tức là rõ ràng tai nghe đó chứ, nghe âm thanh của sự im lặng, thì mới biết là không có tiếng trống chứ. [Tức] là có nghe. Có tiếng trống hay không có tiếng trống, thì Nhĩ thức của mình vẫn nghe đó thôi. Nó nghe, nhưng nghe sự im lặng, không thấy âm thanh cho nên nói không nghe, thật tế là vẫn nghe. Có nghĩa là tai duyên với bên ngoài, nhưng ý nói là sự biết ở bên trong biết là không có âm thanh, không có tiếng trống, và lúc đánh trống thì biết là có tiếng trống.
Cho nên đức Phật nói sự biết đó là không sanh không diệt, và đi theo chúng ta. Còn việc bị ù tai, nghe không được âm thanh, thì đó là chỉ là căn ở ngoài thôi. Còn thức thì không sanh không diệt. Chúng ta có những sự biết từ vô lượng kiếp đến giờ, không bao giờ mất. Đó là tánh nghe, tánh biết, tánh thấy. Cho nên Kinh Lăng Nghiêm mới đề xuất là ‘xả Thức dụng Căn’, tức là biết mà không cần qua thức nữa, sự biết vốn ban đầu đó, thì thành tựu. Tu hành là như vậy.
Ở đây cách nói này nếu nâng cao thì là nói như vậy. Mình học những điều này là để bổ trợ, để nâng cao thêm một chút thôi. Thật ra Thức của mình biết là [do] nó có phụ thuộc một phần vào duyên bên ngoài như Căn và Cảnh. Ví dụ quý vị thấy cảnh đó khác, như trời sáng thì sẽ thấy cảnh khác, mà trời tối thì thấy cảnh khác, hay trời mù sương thì sẽ thấy cảnh khác. Đó là những duyên giúp cho thức biết.
Nhưng quý vị nên nhớ, mình có một [tánh] biết không thay đổi. Ví dụ sáng ra quý vị thấy hôm nay trời đẹp là vì nắng đẹp. Thật ra là quý vị đã phân biệt được rồi đó. Tức là mắt của quý vị thì thấy dữ liệu khác, nhưng trong tâm của quý vị đã xử lý là: hôm nay do nắng đẹp, cho nên trời mới đẹp. Rồi quý vị ra thấy hôm nay trời có sương mù. Vậy tại sao quý vị biết có sương mù? Vì thức bên trong đã biết rồi. Cho nên thức đó quan trọng. Còn nếu không có thức đó, mà chỉ có căn thôi, thì ngày nào nó đưa lên chi tiết nào thì mình cũng chỉ thấy như vậy thôi. Hôm trước thì thấy nắng đẹp, rồi hôm sau ra thấy sương mù thì kêu: hôm nay mình đi lạc chỗ nào rồi, đâu có giống cảnh hôm qua đâu. Nhưng cái biết của mình xác định rằng: do sương mù nên cảnh hôm nay khác cảnh hôm qua. Và do ban ngày với ban đêm khác nhau, nên mình biết cảnh tối với cảnh sáng, [dù] vẫn là cảnh đó thôi. Cho nên [tánh] biết quan trọng.
Học Duy Thức sâu như vậy đó. Điều này không hiểu thì cũng không sao. Lâu lâu có những đoạn hơi khó chịu một chút.
Tạm dịch: Lại có sự giải thích khác về vấn nạn đó như sau: Chỗ nương của năm thức như Nhãn thức là không cố định, hoặc có sự biến đổi hủy hoại là các căn như Mắt, hoặc không có sự biến đổi hủy hoại thì là ý nghĩ không có gián đoạn, chỗ mà Vô biểu [sắc] nương tựa không như vậy, nên nạn vấn ở trước nhất định là không đầy đủ, biến đổi hủy hoại gọi là trong sắc được thành tựu.
Tóm lại mình chỉ cần hiểu là đoạn vấn nạn lúc nãy không chính xác là được rồi. Còn bây giờ mình vào bài kệ tiếp theo.
Tụng viết: là bài tụng rằng
Bài kệ 15 – Phần 1
Những bài kệ đầu này giải thích hơi nhiều, nhưng giải thích càng nhiều thì càng rối đúng không? Những bài kệ sau thì Thiện Trang thấy giải thích ít hơn. Chúng ta cố gắng nghe.
#Thử trung Căn dữ Cảnh: #Căn là 6 căn của mình: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; #dữ là và; #Cảnh là cảnh; Căn và Cảnh trong đây.
#Hử tức thập Xứ giới: #hử là bao gồm; Bao gồm mười Xứ giới.
Căn gồm có mắt… mắt thì có cảnh của mắt, là sắc. Tức là chúng ta thấy những hình ảnh. Cảnh của tai là âm thanh; cảnh của mũi là mùi hương; cảnh của lưỡi (thiệt) là vị ngọt, béo v.v… Ở đây là mười Xứ giới, tại vì có 5 Căn thôi, 5 Căn với 5 Cảnh gọi là 10 Xứ và Giới. Cho nên gọi 10 Xứ giới, thật tế chỉ là 10 Căn và Cảnh này thôi. Tức là gồm có mắt là một căn, tai là một căn, mũi là một căn, lưỡi là một căn, và thân của mình là một căn, là 5 căn. Và đối với mỗi căn thì có cảnh. Mắt thì thấy tất cả hình tướng, hình sắc, là một cảnh. Tai nghe âm thanh thì là một cảnh. Mũi ngửi mùi hương, mùi hương thơm hay thúi gì cũng vô đó, thì cũng là cảnh. Vậy là 8 rồi. Còn thiệt (lưỡi) thì nhận được các vị như ngọt, chua, chát gì đó… vị đó là một cảnh. Rồi thân của mình chạm vào, mình biết chỗ đó là trơn láng, êm ái, mềm mịn… Tổng cộng là 5 Căn với 5 Cảnh thành ra 10, 10 điều đó gọi là Xứ giới (Thập Xứ giới).
Đoạn giải thích này rất ngắn, về sau này thì đa số mấy đoạn luận giải thích ngắn.
Tạm dịch:
Căn và Cảnh trong đây
Bao gồm mười Xứ giới.
論曰:此前所說色蘊性中,許即根境為十處界,謂於處門立為十處。眼處色處廣說乃至身處觸處。若於界門立為十界,眼界色界廣說乃至身界觸界。
Luận viết: Thử tiền sở thuyết Sắc uẩn tánh trung, hử tức Căn Cảnh vi thập Xứ giới, vị ư Xứ môn lập vi thập xứ. Nhãn xứ Sắc xứ quảng thuyết nãi chí Thân xứ Xúc xứ. Nhược ư Giới môn lập vi thập giới, Nhãn giới Sắc giới quảng thuyết nãi chí Thân giới Xúc giới.
Giải:
#Luận viết: làLuận nói.
#Thử tiền sở thuyết Sắc uẩn tánh trung: trong tính chất của Sắc uẩn đã được nói trước đây. Quý vị còn nhớ Sắc uẩn không? Trong Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức thì Sắc uẩn là thân thể của mình.
#Hử tức Căn Cảnh vi thập Xứ giới: #hử là bao gồm;Bao gồm Căn và Cảnh là 10 Xứ giới. Giống như ở trên đã giải thích.
#Vị ư Xứ môn lập vi thập xứ: là theo Xứ môn, tức là nói theo môn thì gọi là 10 Xứ. Nói chung nếu mình không nói gộp 2 thứ lại, mà tách ra nói theo một cái thì gọi là 10 Xứ.
#Nhãn xứ Sắc xứ quảng thuyết nãi chí Thân xứ Xúc xứ: bình thường mình nói Nhãn xứ là 1 thứ, rồi Sắc xứ… Tức là lúc nãy mình nói riêng 2 thứ, là Nhãn, Nhĩ, Tỵ, Thiệt, Thân, Ý, rồi đem Cảnh chia ra. Bây giờ gom chung lại luôn, nói Nhãn xứ là được. Còn đối tượng của Nhãn (mắt) là cảnh sắc, thì bây giờ đem cảnh sắc này gán chữ xứ vô thành [Sắc] xứ luôn. Rồi nói rộng ra cho đến cuối cùng là Thân xứ. Đối tượng của thân là những gì thân tiếp xúc, gọi là Xúc xứ. Cách nói này là nói 10 môn theo Xứ.
#Nhược ư Giới môn lập vi thập giới: nếu theo Giới môn mà lập thành 10 Giới.
#Nhãn giới Sắc giới quảng thuyết nãi chí Thân giới Xúc giới: là Nhãn giới, Sắc giới nói rộng ra cho đến Thân giới, Xúc giới. Tương tự như vậy, người ta đổi chữ Xứ thành chữ Giới thôi.
Những kiến thức này là kiến thức căn bản để chúng ta hiểu thôi, sau này lúc thì nói Giới, lúc thì nói Cảnh, lúc nói Căn, lúc nói Xứ gì đó. Thật ra những điều đó đều giống nhau thôi. Quý vị hiểu như vậy là được.
Tạm dịch: Luận nói: Trong tính chất của Sắc uẩn đã được nói ở trước đây, bao gồm Căn và Cảnh là 10 Xứ giới, đó là theo Xứ môn mà lập thành 10 xứ. [Gồm]: Nhãn xứ, Sắc xứ nói rộng cho đến Thân xứ, Xúc xứ. Nếu theo Giới môn mà lập thành 10 Giới, [gồm]: Nhãn giới, Sắc giới nói rộng cho đến Thân giới, Xúc giới.
Đây là những kiến thức căn bản mà mình sẽ gặp lại ở phần sau, nên mình chỉ cần biết là đôi khi nói Căn, khi thì nói Cảnh, khi nói 10 Giới cũng được, mà nói 10 Xứ cũng được, thì quý vị cũng hiểu 10 Xứ là gì. 5 Căn với 5 Cảnh thì gọi là 10 Xứ, hay cũng gọi là 10 Giới.
已說色蘊并立處界,當說受等三蘊處界。頌曰:
Dĩ thuyết Sắc uẩn tịnh lập Xứ giới, đương thuyết Thọ đẳng tam uẩn Xứ giới. Tụng viết :
Tạm dịch: Đã nói về Sắc uẩn và xây dựng về Xứ giới, [giờ] sẽ nói về Thọ uẩn và ba Uẩn Xứ giới [còn lại]. Bài tụng rằng.
Tức là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức thì bây giờ nói về Sắc. Sắc uẩn này là có mười [Xứ] giới. Sắc là vật chất, còn nói về tinh thần thì sẽ bắt đầu nói về: Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Có năm điều, ở đây mới nói một điều, bây giờ sẽ nói tiếp Thọ uẩn. Rồi ba Uẩn còn lại, thì bài kệ thứ 15 ở phần 2 và bài kệ thứ 16 sẽ nói tiếp.
Bài Kệ 15 – Phần 2 + Bài Kệ 16
Thọ lãnh nạp tùy xúc | 受領納隨觸, | Thọ lãnh nạp theo xúc |
Tưởng thủ tượng vi thể | 想取像為體, | Tưởng lấy hình làm thể |
Tứ dư danh Hành uẩn | 四餘名行蘊, | Ngoài bốn loại Hành uẩn |
Như thị Thọ đẳng tam | 如是受等三, | Và ba thọ như thế |
Cập Vô biểu Vô vi | 及無表無為, | Cùng Vô biểu Vô vi |
Danh Pháp xứ Pháp giới. | 名法處法界。 | Là Pháp xứ Pháp giới. |
Giải:
Ở đây chúng ta giải thích sơ lược cũng không khó, bài này chỉ cần giải thích mấy thuật ngữ căn bản.
#Thọ lãnh nạp tùy xúc: #Thọ là sự cảm thọ của mình, bây giờ đang học về Thọ uẩn, thì Thọ lãnh nạp theo sự tiếp xúc. Xúc ở đây không phải là xúc của tay chân, mà là xúc của mắt. Ví dụ chúng ta thấy một hình sắc rất đẹp, thì mình có cảm nhận vui vẻ. Đó là sự lãnh thọ theo sự tiếp xúc của mình, tiếp xúc về âm thanh, về hình sắc, về mùi hương.
Ví dụ quý vị đi vô mấy nhà vệ sinh mà là lạ, thấy hôi rình, ghê quá, thì mình cảm thấy khó chịu. Đó là cảm nhận lãnh nạp được theo duyên, đó là duyên xúc, xúc đó là về mùi. Còn có khi mình ăn uống mình thấy ngon, thấy dở v.v… đó cũng là [do] Thọ mà ra. Cho nên tu hành là phải tu trong mấy hoàn cảnh đó, hay là tu theo mấy xúc đó, tu làm sao để mình làm chủ được.
Phàm phu khác Thánh nhân như thế nào? Như ví dụ [ở] trên đức Phật nói là làm sao cột mấy con khỉ, con chó, con dã can, con rắn độc, con chim, [con cá sấu]. Cột lại là hết, đừng để nó chạy theo ý của nó. Mình tu hành là gì? Là mình tiếp xúc với tất cả mọi cảnh, nhưng mình phải giữ mình, đừng để cảm thọ xấu. Tại vì trong vòng 12 nhân duyên, quý vị cẩn thận, nó chạy một phát là mất luôn. Cho dù công phu niệm Phật hay [công phu] thế nào… mà quý vị chạy theo cảnh miết là quý vị khổ. Cho nên nhiều người vừa mới [gặp] cảnh bất như ý là họ bị dao động tâm, thì quý vị phải luyện. Bí quyết tu hành là giữ công phu, là quý vị phải giữ được tâm mình.
Thật ra là mình mong đợi nhiều điều quá. Ví dụ quý vị mong đợi ông chồng sẽ đối xử tốt với mình, bình thường ổng đối xử tốt lắm, bữa đó đi làm về, bỗng nhiên ổng nổi giận lên. Ổng đang tức chuyện gì đó, ổng nói một câu không hài lòng. Thế là [câu nói] không hài lòng đó làm mình tức lên, thì ngay lập tức mình đã bị chuyển cảnh. Đó là mình cảm nhận theo gì quý vị biết không? [Theo] xúc đó, xúc đó là theo lời nói, lời nói tức là âm thanh. Đôi khi [mình cảm nhận] xúc theo hình tướng, là thấy mặt ông chồng hằm hằm thì mình không vui rồi. Tức là mình thấy hình tướng, mắt của mình có thể cảm nhận được bữa nay ông không vui. Bữa nay mình nấu cơm ngon lành, lẽ ra ổng về ổng phải vui vẻ nói: hôm nay vợ nấu cơm ngon lắm, cảm ơn vợ v.v… [Vậy mà] bữa nay ổng ăn mà ổng còn gầm lên với mình, ổng chê cơm và còn nói: sao bữa nay nấu dở thế. Thế là mình tức lên. Mình bỏ cả buổi sáng để nấu cho ổng món ngon, mà ổng không ghi nhận công đó, không khen tiếng nào, mà còn nói như vậy nữa. Đó là khi mình có những mong đợi, cho nên càng mong đợi bao nhiêu thì thường càng khổ bấy nhiêu. Nhớ nha!
Cho nên tu hành là gì? Sống ở đời tuy là có mong, nhưng mình phải chuẩn bị tâm lý [trước những] cảnh xấu. Mình không thể nào không mong được, tu hành mà vô dục thì quý vị thành Thánh nhân rồi. Nhưng nếu mình có mong, thì cũng luôn luôn nghĩ lỡ xấu nhất thì như thế nào? Sáng hôm nay giả sử ta đã nấu bữa ăn ngon, tốn cả nửa buổi để nấu bữa cơm trưa hay cơm tối ngon cho chồng. Ổng về, giả sử ổng không ăn mà còn nói mình nấu dở v.v…. thì mình cũng vui vẻ hoan hỉ, không có gì. Đó là nếu mình đã lường trước được cảnh như vậy, khi gặp chuyện thì quý vị sẽ đón nhận nhẹ nhàng.
Còn thông thường chúng ta tu là không bao giờ lường được cảnh xấu. Cho nên khi gặp cảnh xấu là tâm bị rung động, chuyển động ngay, và mất công phu. Quý vị tu Thiền định gọi là đắc Tam-muội. Hằng ngày quý vị cứ niệm A Di Đà Phật hay là tu Thiền định cỡ nào không biết, nhưng bị chuyển [cảnh] thì lúc đó tâm quý vị bị dao động là mất công phu Tam-muội, thì không đắc định, và lúc đó công phu Thiền quán cũng mất luôn.
Cho nên người tu hành hãy lường trước tình huống tốt nhất và tình huống xấu nhất. Mình chỉ cần biết là nếu như chuyện này xảy ra, thì xấu nhất là như vậy và tốt nhất là như vậy. Đó là Thiện Trang chỉ cho cách của Thiện Trang. Nên nhiều khi có chuyện xấu ghê gớm, nhưng Thiện Trang kêu: ‘Nó chưa xấu mình nghĩ, mới tới đó thôi’, vì mới tới đó nên bình thường.
Giống như lúc trước, quý vị thấy Thiện Trang vẫn hoan hỷ vui vẻ giảng, Thiện Trang thấy không có gì, [vì Thiện Trang] đã lường trước [được sự việc] rồi. Cùng lắm thì trả nhà cho người ta, mình đi thuê nhà khác. Mình cứ nghĩ chuyện đơn giản, rồi cùng lắm là mình giả dạng đi ăn xin. Tức là mình luôn luôn [chuẩn bị] tâm thế, mình đã rất sẵn sàng rồi.
Còn một tâm thế này mà quý vị cần chuẩn bị, [là] tâm thế chuẩn bị sẵn sàng lúc chết. Có thể bây giờ hay bất cứ lúc nào, lỡ lát nữa tăng xông lên hay bị gì đó mình chết. Cho nên khi lỡ bị đau gì đó, quằn quại kêu, có thể mình [sẽ] chết bây giờ đó, nên rất nhẹ nhàng: chết thì thôi, ta cũng sẵn sàng chết, chết thì chết, ok, không sao!
Bởi vì sao? Chết không phải là hết, chết rồi thì mình vẫn sẽ tiếp tục vòng sanh tử, nếu như mình chưa ra khỏi sanh tử. Còn người tu Tịnh Độ thì có nơi chốn về, đó là Thế giới Tây Phương Cực Lạc, thì sợ gì chết nữa. Những người tu Nam truyền, không có nguyện sanh Tịnh Độ thì mới sợ. Sợ là chết rồi mà bây giờ chưa chứng quả gì hết thì đi về đâu, [cho nên] họ sợ. Còn nếu quý vị là người tu Tịnh Độ, thì quý vị có điểm tựa. Quý vị nói chết thì [niệm] A Di Đà Phật, con đi về Tây Phương Cực Lạc đây. Còn nếu người tu Nam truyền không tin điều đó thì không sao, chết với những gì mình đã tu, mình đã sẵn sàng chết. Chết cũng chỉ là thân thể này chết thôi mà, mình vẫn chánh niệm rõ ràng, nguyện hồi hướng đời sau gặp Phật pháp để tu hành tiếp.
Tâm nguyện như vậy, hồi hướng như vậy, con nguyện đem hết phước báu này hồi hướng để đời sau con gặp Phật pháp, Chánh pháp để tu tiếp. Chỉ cần như vậy, thì rõ ràng mình đi cũng đâu có sợ gì. Đó là người tu Nam truyền, còn người Bắc truyền thì không sợ.
Và cũng phải chuẩn bị rằng tất cả người thân trong gia đình mình lúc nào cũng có thể bỏ mình ra đi. Nếu tâm thế quý vị luôn luôn chuẩn bị tình huống tệ nhất rồi, thì quý vị đón nhận mọi thứ trên đời lúc nào cũng bình thường hết. Và điều đó mới là có công phu. Còn quý vị bị cảnh chuyển hoài thì không có công phu đâu. Khi làm gì đó [mình hay bị chuyển], là tại vì mình không có dự trù trước.
Còn người tu chứng quả rồi, tại sao họ không động tâm? Vì họ trước biết rồi. Người tu chứng quả, giống như quý vị chứng A-la-hán nhập định, quan sát trước bảy ngày rồi, thì quý vị thấy [được] mọi việc sắp xảy ra. Có chuyện gì đó là quý vị biết hết rồi, thì lúc đó động tâm gì nữa. Cho nên tu chứng cũng quan trọng, hỗ trợ mình ghê lắm. Không cần chứng A-la-hán đâu, quý vị tu kha khá, mà có duyên thì quý vị cũng biết được những chuyện sắp xảy ra, những chuyện quan trọng là biết hết sạch.
Vì biết nên khi có chuyện xảy ra thì mình thấy bình thường, lúc đó mới ‘bình thường tâm thị đạo’, tức là bình thường tâm là đạo. Đạo gì? Đạo trong Chánh định, lúc đó mới giữ được công phu. Còn bây giờ mình bị những sự cố bất ngờ thì hoảng hốt, bị chuyển, bị lo lắng, bị này bị kia. Thông thường lúc đó mới nghĩ, mà nghĩ toàn là những điều xấu, điều tệ, và nghĩ theo chiều hướng tiêu cực, nên càng tệ hơn. [Vì vậy] mất công phu, niệm Phật Tam-muội [cũng] bay mất, Thiền định Tam-muội gì đó cũng không còn. Và lúc đó trở thành phàm phu, đau khổ như người thường. Nên công phu phải có nha!
Bí quyết tu hành là chỗ chữ Thọ (là cảm nhận) này mình giữ được. Hãy giữ làm sao tâm thật sự bình tĩnh, điềm tĩnh. Mà muốn giữ được thì Thiện Trang nghĩ bí quyết đơn giản, mình là phàm phu thì hãy nghĩ trường hợp xấu nhất sẽ có thể xảy ra. Và cũng hãy nghĩ trường hợp tốt nhất có thể xảy ra. Vì sao? Có những người [khi gặp] trường hợp tốt quá xảy ra, thì cũng bị cảnh chuyển. Có nghĩa là họ mê. Giống như quý vị không ngờ rằng hôm nay mình được một diễm phúc gì đó quan trọng lắm, nên bắt đầu vui quá, vui quá thì mất chánh niệm. Có người vui quá thì khóc sướt mướt.
Giống như gặp Sư Minh Tuệ để đảnh lễ, có người quay video clip lên, có đoạn clip thấy người ta khóc. Xin lỗi quý vị! Quý vị khóc [thì] theo tiêu chuẩn trong Kinh Lăng Nghiêm là không được, là mất chánh định. Chưa được! Phải làm sao tâm bình thường, nên khó à! Khi nào tâm bình thường? Phải là A-la-hán thì tâm [mới] bình thường. Còn quý vị là phàm phu thì tất nhiên khóc, cười là bình thường thôi. Nhưng [những điều] đó đều khiến [cho] mất công phu. Quý vị nên nhớ, niệm Phật muốn đắc lực, [hay] quý vị tu Thiền định, Thiền chỉ, Thiền quán, tu bất cứ [Pháp môn] gì, thì [phải] giữ được tâm.
Muốn giữ [được] tâm thì Thiện Trang nghĩ điều đầu tiên phải 80 đến 90% là cảm nhận, cảm thọ của mình, theo cảnh mà mình tiếp xúc là quan trọng. Giữ được công phu đó, rồi mới nói tới vấn đề thứ hai. Cố gắng làm sao đón nhận, mà đón nhận bằng gì quý vị biết không? Trong ba thọ: Thọ lạc, Thọ khổ và Xả thọ, thì điều đó thuộc về Xả thọ. [Quý vị] hãy cố gắng tương ưng với Xả thọ giùm. Hãy dùng Xả thọ, đừng cảm thọ vui, cũng đừng cảm thọ khổ. Vì vui hay khổ thì đều không tốt hết. Cảm thọ khổ thì quý vị đọa vào ba đường ác, còn cảm thọ vui thì sanh cõi Người, cõi Trời, cũng không tốt. Nếu muốn ra khỏi sanh tử luân hồi thì hãy cố gắng xả thọ.
Tức là đối với mọi việc cứ bình bình, không có chuyện gì hết. Chúng ta cũng vui, nhưng vui nhẹ nhàng. Vui trong an lạc, chứ không phải vui kiểu vui không kiểm soát được. Và chúng ta cũng không buồn theo kiểu buồn không kiểm soát được. Tu hành bí quyết chỉ như vậy thôi. Đầu tiên [quý vị] hãy làm giùm đi. Trong ba thọ hoặc là năm thọ, thì quý vị cố gắng xả thọ giùm. Hay ngôn ngữ trong kinh gọi là thọ bất lạc bất khổ. Đừng để dính vô đó. Chúng ta đang học phần này nên cố gắng nắm cho kĩ.
#Tưởng thủ tượng vi thể: #Tưởng là lấy hình tượng làm thể, làm thể là bản chất quan trọng nhất. Bây giờ Sắc, Thọ, Tưởng, Hành Thức, thì Sắc và Thọ đã học rồi, còn Tưởng là lấy những hình tượng của mình. Tức là bây giờ mình tưởng tượng, [nhưng] tại sao mình tưởng? Ở đây nói rất rõ là do mình nạp vào những hình.
Ví dụ như mình nạp vào [hình ảnh] về người đó là cao ráo, đẹp trai, hay xinh gái gì đó. Rồi nạp vào những âm thanh ngọt ngào của người đó. Đó cũng là tượng đó quý vị. Tượng là hình. Rồi nạp vào mùi hương của người đó. Hay [nạp vào] những mùi vị của thức ăn đó, hay những êm ái nhẹ nhàng của cái ghế ngồi đó v.v…. Nói chung là qua xúc, gọi là cảnh về năm căn tiếp xúc với điều đó. Hoặc là thêm các pháp nữa, tức là các chi tiết đó tạo thành cho đối tượng đó, gom lại thành một hình (hay gọi là tượng), và làm chủ thể để Tưởng của mình nương theo đó.
Ví dụ như nói về thầy Thiện Trang, [thì] mọi người tưởng ra trong đầu: người thì tưởng ra thầy Thiện Trang hay mặc cái áo đó lên giảng, thầy thường hay cười, giọng nói, âm thanh của thầy như vậy, thầy hay truyền đạt như vậy, v.v… Mọi người đều có một cảm nhận khác nhau. Tất nhiên là không hoàn toàn giống nhau, đó là do mình nạp vào như vậy.
[Và] từ Tưởng mà mình nghĩ nhiều thứ nữa, giống như mình lên [facebook] thấy bữa nay thầy đi đâu đó v.v… mặc dù thầy post hình cũ, hoặc đồng tu tải hình cũ xa xưa rồi, bắt đầu mình lấy những chi tiết đó mình tưởng là chắc thầy đi đâu đó nên thầy nghỉ v.v… Cho nên Tưởng cũng nguy hiểm. Tưởng lấy dữ liệu đó để chuyển biến tiếp, suy luận đủ thứ nên gọi là Tưởng. Tưởng là từ kinh nghiệm, những điều biết trong quá khứ, biết trong hiện tại, bắt đầu đúc kết suy ra những điều tương lai. Và Tưởng này cũng đem đến nhiều nỗi buồn phiền.
Nên người nào sống [mà] Tưởng [nhiều] quá [thì] khổ lắm. [Quý vị] nên nhớ lời Phật dạy trong Kinh Nhất Dạ Hiền Giả là: “Quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng”. Quá khứ đã đoạn tận, tương lai thì chưa đến, chỉ có hiện tại này mới là điều quan trọng với mình. Tức là mình đừng nghĩ về quá khứ, cũng đừng mong ngóng về tương lai, quan trọng là giữ được tâm mình ngay hiện tại, ngay giây phút này.
Trong Kinh Nikaya, Kinh Trung Bộ, kinh bao nhiêu Thiện Trang quên rồi, hình như là 100 mấy đó, đức Phật nói: Có hạng người nào tu đắc đạo, người có mong muốn hay không mong muốn không quan trọng, mà tu đúng cách thì đắc đạo. Quý vị có mong muốn đắc đạo hay không mong muốn đắc đạo, mà quý vị cứ tu đúng cách thì đắc đạo thôi. Có mong muốn hay không mong muốn cũng kệ, có người không mong muốn đắc đạo gì hết, mà cứ tu đúng với cách đó thì sẽ đắc đạo. Có người mong muốn mà tu đúng cách thì đắc đạo, và người không mong muốn mà tu đúng cách cũng sẽ đắc đạo.
Còn ngược lại, quý vị có mong muốn nhưng tu sai cách thì cũng không đắc đạo. Quý vị không mong muốn mà tu sai cách thì cũng không đắc đạo. Không có mong muốn, cũng chẳng có không mong muốn, tu đúng cách thì vẫn đắc đạo. Không mong muốn, cũng chẳng có không mong muốn, mà tu sai cách thì cũng đều không đắc đạo. Có nghĩa là miễn làm sao tu đúng cách là đắc đạo. Cho nên ai muốn đắc đạo thì ráng tu đúng cách. Có nhiều người mong đắc đạo lắm: ‘Thưa thầy, con mong là con đắc đạo’. Đúng! Mong đó là động lực tu hành, nhưng nếu như tu trật thì không được. Đức Phật nói quan trọng là tu đúng cách.
Tu đúng cách là gì? Đức Phật dạy trong Kinh Nhất Dạ Hiền Giả rồi, quá khứ đừng truy tìm nữa, đã qua rồi, diệt rồi, hết rồi, đừng nghĩ những chuyện xa xưa nữa. Đặc biệt những ông già bà cả toàn là sống về quá khứ, nào chuyện ngày xưa đó có hai đứa mình, khi anh với em gì đó v.v… đủ thứ chuyện. Rồi sau đó [nghĩ] chuyện tương lai. Tuổi trẻ thì ngóng tương lai, người già thì ngóng quá khứ. Thế còn tuổi thanh niên, tuổi trung niên giữa giữa thì Thiện Trang nghĩ là vừa nghĩ về quá khứ vừa ngóng về tương lai, cho nên hai điều đó cân bằng nhau. Còn lại có mấy ai sống trong hiện tại? Những người sống [theo] hiện tại là những người sống chánh niệm, những người tu hành. Chỉ có ai sống trong tu hành hiện tại, là những người đó mới sống [trong] hiện tại mà thôi.
Còn mình mơ tưởng tương lai, mai mốt hay điều gì đó v.v… Thật ra mình có quyền mơ, nhưng mình mơ thì điều đó có đến hay không? Muốn đến thì phải thực hành. Có quyền mơ, nhưng mơ ít thôi, đừng mơ hão huyền: mai mốt con đắc đạo, con thế này thế kia, con làm Pháp sư v.v… Thiện Trang nói [với] quý vị, Thiện Trang cũng không mơ làm Pháp sư, Thiện Trang cũng không mơ là Thiện Trang đang ở vị trí này, Thiện Trang cũng không biết luôn. Đi xuất gia Thiện Trang chỉ nguyện rằng: “Mong con đi tu để đời này con sớm thành tựu. Và nếu có thể con sẽ giúp ích gì đó cho Phật pháp, con góp một phần để lưu truyền Chánh pháp”. Thiện Trang cũng không tưởng tượng là bao nhiêu năm sau, bây giờ 10 năm rồi trở thành một vị Giảng sư, giảng pháp cho quý vị nghe. Thiện Trang có nằm mơ cũng không tưởng tượng rằng, Thiện Trang đang ở một nơi mà Thiện Trang hoàn toàn không tưởng tượng trước. Cho nên đấy là điều không tưởng, và không biết tương lai [như vậy]. [Quý vị] hãy cố gắng như vậy. Mọi người hỏi tương lai thế nào? Thiện Trang cũng không biết luôn, vì Thiện Trang biết là có tưởng cũng không đúng như vậy, tưởng rồi cũng vậy, vô nghĩa!
Quý vị tưởng đi, rất nhiều đồng tu đã tưởng tượng rồi đó, mai mốt tới chỗ thầy tu thế này thế kia. Đúng! Nên tưởng như vậy, vì tất cả pháp từ tâm tưởng sanh. Nhưng rõ ràng có những người tưởng ở chỗ này thành ra chỗ khác, cho nên không biết được. Chỉ là duyên thôi, còn duyên như thế nào, đi đến đâu thì không biết. Có nhiều yếu tố lắm, chúng ta đã học 24 Duyên hệ rồi. Cho nên bớt vọng tưởng, [thì] công phu sẽ đắc lực.
[Quý vị] cứ ráng tu hành đi, giống như con gà ấp trứng, đức Phật nói trong Kinh A Hàm, Kinh Nikaya: Con gà ấp trứng, nó không quan tâm cái trứng đó, mà chỉ cần biết là ấp đúng thì trứng sẽ nở thành gà. Tức là đừng mong kết quả nhiều quá, mà hãy hành cho đúng, làm cho đúng thì sẽ có kết quả. Một ngày nào đó biết đâu quý vị đắc đạo, đâu biết được đâu, ai biết được. Có nhiều người nói: ‘Thầy tu giỏi, thầy [sẽ] đắc đạo’. Không! Chưa chắc! Đắc đạo hay không đắc đạo là do Đà-la-ni, do Ba-la-mật của mình. Thiện Trang nói rồi, giống như chúng ta học theo giáo pháp của Nam truyền là phải có đủ 30 Đà-la-ni thì mới thành Phật, 20 Đà-la-ni thì thành Bồ-tát, 10 Đà-la-ni hay gọi là 10 Ba-la-mật đủ thì thành A-la-hán.
Bây giờ mình đủ chưa? Có nhiều người đủ, dư luôn, nhưng lại không đủ, tức là 10 môn: A, B, C, D, E, F, G, H, mấy môn đó là môn bắt buộc. Có những người do học mấy môn sau đậu rồi, giống như có người giỏi thuyết pháp, tại họ đậu môn đó rồi, chứng chỉ đó đậu rồi, nhưng môn bắt buộc chưa đậu [nên] chưa tốt nghiệp.
Cho nên A-la-hán có nhiều bậc A-la-hán, bữa [trước] mình học có năm bậc A-la-hán. Có vị A-la-hán vừa đủ điểm đậu, tức là học đủ 10 môn của Thiền quán, vừa đủ [đậu] được 10 Ba-la-mật đó thôi. Nên vừa tốt nghiệp A-la-hán, chẳng có năng lực gì hết, không có Thần thông diệu dụng gì hết. Còn có người học dư, học mấy môn tự chọn [như] Thần thông, Thiền chỉ rồi, nên sau khi đắc A-la-hán thì có Thần thông thêm một chút. Có người có Thần thông ghê hơn chút nữa. Có người thì có khả năng biện tài thuyết pháp, bởi vì họ học thêm môn đó, môn tự chọn. Giống như trường Đại học có mấy môn đó thuộc khóa trình sau Đại học, nhưng tôi học rồi, tôi học giỏi quá nên tôi học luôn, kiểu như vậy.
Cho nên tự nhiên thành muôn sai vạn biệt, có người có Thần thông diệu dụng, có người có này có kia. Thật ra cũng không uổng phí đâu. [Như] người kia đắc A-la-hán rồi, nếu theo giáo pháp Bắc truyền, bây giờ muốn tu lên thành Phật thì phải mất thời gian lâu hơn, vì phải hoàn thành bao nhiêu môn kia nữa. Còn mấy người hoàn thành môn này trước rồi, thì trước mắt chưa đắc A-la-hán, nhưng khi họ đắc A-la-hán là có bao nhiêu Thần thông. Ví dụ như ngài Mục Kiền Liên đời nào hầu như ngài cũng tu Thiền chỉ hết, nên sau khi ngài đắc A-la-hán thì ngài thành Thần thông Đệ nhất. Còn ngài Xá Lợi Phất đời nào gần như cũng tu Trí huệ, tu Thiền quán, nên khi ngài đắc thì ngài thành Đệ nhất Trí tuệ. Ngài A Nan đời nào cũng siêng học hết, học nhiều học giỏi, trí nhớ siêu phàm. Cho nên sau khi đắc đạo A-la-hán thì ngài thành Đa văn Đệ nhất. Không có ngẫu nhiên đâu.
Cho nên có người hỏi: “Tại sao có người không phải bậc này, không phải [bậc Thánh] kia, mà sao họ giảng pháp được?” Tại vì nhiều đời họ tu môn đó, nghiêng về môn đó, thích môn đó. Còn 10 môn Ba-la-mật đủ để đắc đạo A-la-hán, thì do [họ] thiếu môn nào đó nên chưa đủ, đến ngày nào đó đủ là [họ] dư. Cho nên có những người dư môn này, dư môn kia, và mình biết là A-la-hán không giống nhau. Ngay cả [những] vị Phật, mặc dù thành Phật nhưng rõ ràng phước báu hiện tiền, gọi là thị hiện thân đâu giống nhau. Đức Phật Kassapa (tức là đức Phật Ca Diếp) tuổi thọ đến 20.000 tuổi, đức Phật Di Lặc sau này tới 80.000 tuổi, đức Phật Thích Ca thị hiện được có 80 tuổi, đức Câu Lưu Tôn Phật là 80.000 tuổi, còn đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni là 40.000 tuổi, và Ca Diếp Phật là 20.000 tuổi.
Cho nên mỗi vị Phật khác nhau [là] do tu khác nhau. Cho nên mình hiểu rồi thì mình tu không bao giờ uổng. Tất cả những gì quý vị tu không bao giờ uổng. Nhưng quý vị muốn thành tựu ra khỏi sinh tử thì quý vị chăm chăm tu giùm Vô thường, vô Ngã cho nhanh. Tu Vô thường, vô Ngã, các Ba-la-mật đó trước, thì quý vị sẽ mau ra khỏi sinh tử hơn. Còn quý vị muốn thành Phật thì quý vị tu đến lúc nào đó cũng đủ. Quý vị phải có Tam minh Lục thông, rồi quý vị phải có Tứ vô ngại Biện tài, Bố thí Ba-la-mật gì đó, v.v… đều thành tựu hết thì quý vị mới thành Phật được.
Nghe nói như vậy thì nhiều người nói: “Thôi con làm A-la-hán cho nhanh”. Muốn làm A-la-hán thì môn đầu tiên là Tứ diệu đế (tức là Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế) làm cho nhanh. Quý vị làm được môn đó nhanh nhất thì quý vị ra khỏi sinh tử nhanh nhất. Còn quý vị nói: “Thưa thầy, con tu Kinh Vô Lượng Thọ, niệm Phật vãng sanh Tây Phương mà, đâu có Tứ diệu đế đâu”.
Không có Tứ diệu đế thì quý vị tu không được. Trong Kinh Vô Lượng Thọ quý vị nhớ có đoạn: Có hạng chúng sanh tuy tu rất nhiều thiện căn, làm nhiều phước đức, nhưng họ không cầu xuất luân hồi, vì họ còn ham đắm phước báu thế gian.Người ham thế gian tức là chưa thấu hết Tứ đế, cho nên môn Tứ đế là môn họ chưa thông. Và nếu quý vị chưa thông Tứ đế thì thực ra tâm sanh tử của quý vị không tha thiết. Quý vị đâu có thấy đời khổ, quý vị thấy niệm Phật cũng vãng sanh được mà, niệm cũng vui vui, nên niệm. Nhưng ham thế gian, vì ham thế gian cho nên niệm thì niệm nhưng tâm không mạnh, mà tâm không mạnh thì mai mốt khó vãng sanh.
Còn người thông được giáo pháp Tứ đế, biết khổ rồi, đời là khổ, nguyên nhân của khổ, con đường diệt khổ và được an vui thế nào rồi, thì người ta rất tha thiết, người ta tu bằng tín nguyện trì danh, họ tu bất tự niệm Phật mạnh lắm. Bây giờ tại sao nhiều đồng tu tu mà không vãng sanh? Vì thiếu tín nguyện. Thiếu tín nguyện do đâu? Do chưa học Tứ đế. Mình thấy thế gian vẫn sướng quá, đời đang an vui, vô gặp thầy Thiện Trang suốt ngày nói đời vô thường. Chưa gì hết, đang trẻ mà, hai mươi mấy, ba mươi tuổi, mà thầy nói mai mốt lên bàn thờ bất cứ lúc nào. Gia đình đang hạnh phúc mà nói là người ta có thể lên bàn thờ bất cứ lúc nào, nói gì đâu không, không muốn nghe. Nhưng quý vị nghe hoài [thì sẽ] có tác dụng đó, tác dụng là ngày nào đó [việc đó] cũng đến.
Quý vị dám chắc là không có không? Không bao giờ có chuyện không có. Chắc chắn sẽ có, ngày nào việc đó ập đến một phát, thì quý vị sẽ thấy lúc đó người học khác với người không học. Người học thì vui vẻ đón nhận, tại vì đời là vô thường, đời là giả tạm, thầy Thiện Trang nói hoài, Phật nói hoài. Có gì vui đâu trong kiếp sống này, kiếp sống toàn là giả tạm, toàn tạo nghiệp, đời khổ suốt ngày. Sáng ra dậy sớm, chưa kịp ngủ đủ đã phải dậy rồi, dậy nấu cơm cho con, lo gì đó rồi đi làm. Làm tới trưa mệt mỏi, nghỉ trưa rồi làm tiếp. Chiều tối về quần quần chăm lo cho con, chăm lo này kia, ngày mai lại tiếp tục. Cuộc đời quần quần mấy mươi năm trong đó, khổ ơi là khổ. Chưa thấy khổ sao? Chưa muốn thoát ra nữa? Cho nên còn ham. Vui thì cũng có, đời chắc chắn lâu lâu cũng có một chút vui, nhưng niềm vui ngắn lắm.
Cho nên vì chưa thấy được khổ và chưa thấy niềm vui của Niết-Bàn, niềm vui ở Tây Phương Cực Lạc, đó là chưa thấy Diệt đế. Cho nên tín nguyện trì danh, tu hành Pháp môn Niệm Phật không được. Người khác cũng vậy, Pháp môn nào cũng vậy, khi nào quý vị nhận thức được tu là vì quyền lợi mà tu, thì quý vị tự nhiên hăng hái.
Giống như ở thế gian tại sao quý vị hăng hái đi làm? Vì quý vị thấy có quyền lợi, có tiền. Đăng bài bán hàng, người ta vô mua là lật đật trả lời ngay. Bởi vì sao? Vì có tiền, đi làm có tiền. Bây giờ mình nghĩ mình đầu tư cho việc xuất thế gian này là vì lợi ích. Nhiều người nói: “Lợi ích ở đây con thấy trước mắt liền, có liền. Còn lợi ích trong xuất thế gian con đâu có thấy. Con thấy con tu hoài mà có thấy quả gì đâu?” Quý vị tu có kết quả, tại quý vị không thấy đấy chứ. Đầu tiên là thân thể khỏe mạnh hơn, sức khỏe an vui hơn, rồi quý vị có nhiều điều nhiệm mầu hơn. Do quý vị tu chưa rốt ráo, tu nhiều rốt ráo rồi [thì] trong đời sống quý vị được an vui, mấy chuyện nhỏ nhỏ hình như chư thần, chư hộ pháp lo hết.
Quý vị không biết đâu, Thiện Trang càng về sau càng tin, bởi vì sao? Mình không biết vì sao có nhiều chuyện tự nhiên có thể làm được hết. Có những nhiệm mầu mà mình không nghĩ tại sao có thể làm được. Thiện Trang xin phép không kể câu chuyện của Thiện Trang, mà kể câu chuyện của Phật. Trong Kinh Tiểu bộ (Kinh Nikaya) nói về tiền thân của đức Phật trong đời quá khứ, Ngài cũng tu giỏi lắm. Lúc đó có người muốn hại Ngài, cho nên xúi vua bảo ông ấy làm cho một khu vườn, nếu ổng làm không được thì sẽ giết ổng. Vua nghe theo và bảo chắc chắn là làm không được. Vị này nói làm sao mà làm khu vườn giống như vườn thượng uyển, đâu được. Đang suy nghĩ như vậy thì vua trời Đế Thích thấy vị này tu hành cho nên hộ trì, hiện thân xuống ngay đầu giường hỏi: “Bây giờ ngài muốn làm gì?” [Vị này nói]: “Bây giờ ta không thể làm vườn thượng uyển cho vua được, làm sao có khả năng làm được, chắc ta chết thôi, không có cách nào”. [Vua trời Đế Thích] kêu: “Không! Ngài yên tâm, tôi sẽ giúp ngài. Bây giờ ngài cứ đi vào trong khu rừng đó đi, thì tự nhiên cánh rừng đó sẽ trở thành một khu vườn thượng uyển giống như vườn của vua. Ngài vô đó, đi vòng vòng rồi về nói với vua là: tôi đã làm xong rồi”. Vua trời Đế Thích biến mà, ngài biến hoá ra, làm một chút là xong. Cho nên vị ấy đi vô đó rồi về báo cho vua là: “Tôi thấy khu vườn đấy đúng là vườn thượng uyển của vua”. Vua không tin, nên cùng với ông quan (người xúi để hại ngài) vô [coi], thì thấy đúng [giống vườn thượng uyển], đạt luôn, không thể nào bắt được, nên [bèn] nghĩ cách khác. Ngài cũng có cách, vua trời Đế Thích bốn lần giúp như vậy, đều vượt qua được, cuối cùng vua thay đổi tâm ý, biết người này là một người đặc biệt.
Cho nên những [người] tu hành, thật ra vua trời Đế Thích, Tứ Thiên Vương, chư thần gia trì [cho] mình ghê lắm. Quý vị làm đúng, giữ giới, tu hành, tâm ngay ý thẳng. Trong Kinh Vô Lượng Thọ là “đoan thân chánh niệm, ngôn hành tương phó”. Quý vị làm đúng như vậy thì tự nhiên sự nhiệm mầu đến, đừng sợ chuyện gì hết. Có gì khó khăn, mình có phước báu, mình tu hành chân chánh thì các ngài giải quyết cho mình. Những chuyện nhỏ nhỏ là êm xuôi hết, còn những chuyện lớn sanh tử sự đại thì các ngài không làm được, điều đó phải mình tự làm thôi. Còn mấy chuyện nhỏ Thiện Trang thấy hầu như qua bài được hết, qua một cách tuyệt vời luôn.
Cho nên ai không tin, chứ Thiện Trang càng về sau càng [tin], hồi xưa mình cứ nghĩ là Phật, Bồ-tát làm, nhưng sau này học trong kinh mới biết là không phải, đa số là chư thần hộ pháp, trời Tứ Thiên Vương, trời Đao Lợi, vua trời Đế Thích các ngài hộ trì, thậm chí là [trời] Phạm Thiên [nữa].
Quý vị coi trong kinh nói về sự kiện đức Phật đi dạo bốn cửa thành, lúc Ngài còn là Thái tử Tất Đạt Đa (Sĩ Đạt Ta). Mặc dù vua Tịnh Phạn đã cho người dẹp sạch, không để cho Ngài thấy lão, bệnh, tử, tức là không thấy hiện tượng người già, không thấy người bệnh, không thấy người chết. [Nhưng] Ngài ra đi một hồi rồi cũng thấy. Thấy ông già yếu chống gậy đi, [Thái tử] hỏi Sa Nặc: “Đó là gì vậy?” [Sa Nặc nói]: “Đó là người già. Rồi ai cũng già v.v…”. [Ngài] đi lần dạo thứ hai thì thấy người bệnh, đi lần thứ ba thì thấy người chết, và đi dạo lần thứ tư thì thấy vị Sa-môn. Thái tử mới hiểu ra con đường giúp thoát khổ, không thể nào tránh được sinh, già, bệnh, chết, nên [nghĩ] phải thoát khổ, [thì chỉ có] con đường xuất gia làm Sa-môn.
Trong kinh nói, mấy vị đó bị vua Tịnh Phạn dẹp hết rồi, nếu có người già thì quân lính đã tới hốt hết rồi, không có để đâu, [vậy vì] sao có? Trong kinh nói đó là do một vị ở trời Ngũ Tịnh Cư, vị đó cũng có nhân duyên với đức Phật Thích Ca, là bạn của đức Phật Thích Ca trong thời quá khứ, làm Thần thông hoá hiện ra và chỉ có hai người đó thấy. Ngài hoá hiện cho Thái tử Sĩ Đạt Ta và Sa Nặc thấy, còn lại những người khác không thấy.
Cho nên mình hãy tin vào những vị Thánh nhân ở Ngũ Tịnh Cư Thiên, hãy tin vào vua Sakka tức là vua trời Đế Thích, tin vào trời Tứ Thiên Vương, tin vào chư thần hộ pháp ở thế gian này. Quý vị cứ tu đúng, đoan thân, chánh ý, đừng nghĩ cong quẹo, đừng nghĩ lung tung bậy bạ, thì các ngài gia trì mình hết. Phật pháp nhiệm mầu, tuyệt vời lắm! Mình cứ tu đúng, suy nghĩ đúng, giữ giới, làm đúng, không sao hết. Yên tâm! Mấy chuyện nhỏ nhỏ trong đời, những khổ đau nhỏ nhỏ, những khó khăn gì, quý vị cầu sơ là các ngài thấy. Thậm chí không cần cầu, các ngài thấy điều nào cần thì các ngài giúp đỡ, là các ngài giúp xoay chuyển ngay. Thiện Trang thấy càng về sau hình như mình cảm thấy rõ ràng như vậy.
Cho nên yên tâm tu đi, ráng tu đi, cứ thật thà, trước mắt thế gian mình tưởng là thiệt thòi nhưng không thiệt thòi đâu. Còn những người không thật thà, dối trá v.v… làm thế này thế kia, rồi từ từ bị nhân quả hết, không lừa được đâu, ma dụ cho thấy liền. Các ngài không gia trì là chịu thua, quý vị nên nhớ như vậy. Cho nên yên tâm! [Quý vị] cứ làm đi, từ từ về sau Phật pháp nhiệm mầu, khởi tâm động niệm muốn [điều] gì thì quý vị cũng [được] thành tựu, cho nên trong Kinh Vô Lượng Thọ nói là: “tự nhiên cảm giáng, sở nguyện triếp đắc”. Tự nhiên cảm giáng tức là cảm ứng được ở trên giáng xuống, tức là các ngài âm thầm giúp đỡ cho mình, và tự nhiên sở nguyện (là mong muốn) của mình liền đạt được, mấy chuyện nhỏ nhỏ có gì khó đâu. Các ngài cũng muốn tu phước, các ngài cũng muốn giúp đỡ cho mình [để] tu phước. Mình muốn tu phước, thì các ngài cũng vậy. Nếu quý vị là ruộng phước tối thắng thì các ngài mới giúp, còn quý vị không phải ruộng phước tối thắng thì các ngài không giúp đâu. Khó lắm! Cho nên ráng nha! Học thì hiểu được rồi.
Tiếp theo câu thứ ba là:
#Tứ dư danh Hành uẩn: ngoài bốn loại Hành uẩn ra. Tức là ngoài Sắc ra, thì bốn loại Hành uẩn là Thọ, Tưởng, Hành, Thức.
#Như thị Thọ đẳng tam: và ba thọ như thế.
#Cập Vô biểu Vô vi: và Vô biểu sắc và các pháp Vô vi
#Danh Pháp xứ Pháp giới: là Pháp xứ Pháp giới.
Tức là có khi gọi là Pháp xứ hay là Pháp giới, mình hiểu thực ra là ngoài Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, thì có thêm Vô biểu sắc và Vô vi nữa. Những loại như vậy được gọi là Pháp giới hay Pháp xứ.
Tạm dịch:
Tưởng lấy hình làm thể
Ngoài bốn loại Hành uẩn
Và ba thọ như thế
Cùng Vô biểu Vô vi
Là Pháp xứ Pháp giới.
Hôm nay có lẽ mình sẽ học tới đây. Những điều này thật ra càng về sau Thiện Trang thấy càng dễ, mấy đoạn đầu thì khó chịu lắm, và chúng ta chỉ cần ráng lướt qua được đoạn này. Thiện Trang định giảng lướt, nhưng lướt thì sợ đụng tới phần sau, mình lại không hiểu, cho nên cứ giảng từ từ. Về sau các bài kệ giải thích rất ngắn, không cần giải thích dài nữa, có rất nhiều kiến thức quan trọng cho chúng ta.
Hôm nay thời gian hết rồi, hẹn quý vị hôm khác, Thiện Trang đang chia sẻ song song hai bộ, buổi sau sẽ chia sẻ phần Tâm sở cho quý vị. Thật ra chia sẻ một hồi, hai phần nhập lại một thì sẽ dễ dàng hơn. Quý vị nghe, có đoạn nào nghe được thì nghe, đoạn nào không hiểu thì cứ nghe lướt qua cũng được, không sao, quan trọng là mình nắm được căn bản. Sau này vào học phần hành trì, chỉ cần niềm tin vững rồi thì mình hành trì sẽ đắc lực. Đó là bí quyết để tu hành, dù quý vị tu bất cứ môn nào thì cũng bất hoại tịnh, tức là không mất niềm tin đối với Phật, đối với Pháp, đối với Tăng, đối với Thánh giới, niềm tin càng mạnh bao nhiêu càng dễ tu bấy nhiêu, cho nên hãy cố gắng. Hôm nay chúng ta tạm dừng ở đây. Mời quý vị chúng ta cùng hồi hướng:
“Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”.
“Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử cùng chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo”.
A Mi Đà Phật!”
#luancauxa #thaythichthientrang