Responsive Menu
Add more content here...

Luận Câu Xá – Phẩm 1 – Buổi 19

Giảng Ký A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận (A Tỳ Đàm – Vi Diệu Pháp – Duy Thức Pháp Tướng) – Tạo Luận: Tôn giả Thế Thân – Dịch và Chú Thích: Tam tạng Pháp sư Huyền Trang – Bài 19: Phẩm 1 – Phân Biệt Giới – Buổi 19.

Giảng giải: Thầy Thích Thiện Trang

Giảng ngày: 27.11.2024

Phát trực tiếp trên Kênh YouTube Thích Thiện Trang

https://www.youtube.com/watch?v=rkk8J0a_v4Q

mạng xã hội Facebook, Fanpage Thích Thiện Trang:

https://www.facebook.com/suthaythichthientrang

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

          Nam Mô A Mi Đà Phật!

          Kính chào toàn thể quý vị đồng tu! Hôm nay thứ Tư, chúng ta tiếp tục gặp nhau trong loạt bài chia sẻ về A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận (Luận Câu Xá). Hôm nay là bài thứ 19. Chúng ta vẫn như mọi lần, ở trong này Thiện Trang chia sẻ gồm ba phần: Một phần là nền tảng về kinh tạng, tức là những nền tảng trích từ trong kinh; Thứ hai là phần về Vi Diệu Pháp (A Tỳ Đàm của Nam truyền); Thứ ba mới là Luận Câu Xá. Vì mục tiêu của Thiện Trang là để những quý vị nào chỉ học một bộ này thôi, thì cũng hành trì tương đối đầy đủ rồi. Tất nhiên là không đầy đủ hoàn toàn, nhưng ít nhất cũng biết được, cũng có một kiến thức căn bản để mình tu. Chứ nếu mình học chỉ chuyên một thứ thôi, thì mình có thể không được đầy đủ. Nên Thiện Trang cố gắng đưa vào.

Chúng ta học để làm gì? Học để mình có một nhận thức chính xác về Phật pháp, mình có một Chánh kiến, và sự tu tập đạt đến công phu nhất định, thì mình sẽ không thoái chuyển trên con đường tu tập để ra khỏi sanh tử.

Thiện Trang nhớ trong Kinh Tương Ưng của Nikaya, đức Phật có đưa ra một ví dụ: Giống như dòng sông Hằng, nước sông đổ ra hướng Đông. Mình biết là Việt Nam mình thì các dòng sông cũng đổ ra biển Đông đó. Đức Phật nói là: Nếu có một nhóm người dân rất đông, họ đến với xuổng, cuốc, rợ, và họ nói rằng: “Chúng ta hãy làm cho sông Hằng này chảy về hướng Tây, để nó xuôi về Tây và nhập vào phía Tây”, tức là làm cho sông Hằng chảy về phía Tây. Như vậy có làm được hay không? Chắc chắn là không làm được! Vì [từ] xa xưa, từ lâu rồi sông Hằng vốn nghiêng về phía Đông quá mạnh rồi, và một dòng sông dài như vậy thì không thể làm được điều đó.

Đức Phật nói cũng như vậy, nếu một vị Tỳ-kheo với sự tu tập, hiểu rõ về Vô thường, vô Ngã, hiểu rõ các pháp, giống như chúng ta hiểu được Thế gian [này] là giả tạm v.v… đủ các chuyện. Giả sử có gia đình của vị Tỳ-kheo đó, cùng với vua quan đem tới rất nhiều tiền của cúng dường, và nói hãy trở lại hoàn tục để nhận tiền đó, không cần tu tập nữa. Việc đó đối với vị Tỳ-kheo cũng không có tác dụng. Có nghĩa là vị Tỳ-kheo đã an trụ ở trong pháp, đã an trụ trong đường giải thoát, giống như con sông Hằng đã an trụ đổ về phía Đông.

Cũng như thế, nếu chúng ta tu tập được đến mức độ cỡ đó, tức là chúng ta hiểu được giáo pháp Vô thường, vô Ngã, đời là bể khổ, không thể nào vui được mãi, mình biết chỉ có con đường giải thoát sanh tử, con đường ra khỏi luân hồi là con đường cứu cánh, là con đường duy nhất. Mà mình đã tu được như vậy, đúng hướng như vậy, giống như dòng sông Hằng đổ về phía Đông, thì chúng ta cũng sẽ không bao giờ lui sụt với bất cứ cám dỗ nào ở trần gian. Để được như vậy thì không có con đường nào khác là chúng ta phải học và tu, thâm nhập kinh tạng, học hiểu giáo lý, để dần dần quán sát được như vậy.

Cho nên đó giống như trong Kinh Bát Đại Nhân Giác nói là “Thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy. Tứ đại khổ không, tâm là nguồn ác, thân là nơi tạo nghiệp”. Nếu thường xuyên quán sát như vậy thì sẽ dần dần rời khỏi sanh tử, tức là yểm ly sanh tử. Chúng ta cũng vậy, chúng ta học tất cả các bộ môn, tất cả các pháp là để chúng ta có cái nhìn như vậy.

Hôm nay, đầu tiên Thiện Trang xin trích dẫn một chút. Đây là điều chắc chắn muốn an ủi mọi người:

Hai Hạng Người Không Tội Mà Mạng Chung Được Sinh Lên Trời Trong Khoảnh Khắc Co Duỗi Cánh Tay

Trong kinh đức Phật nói có hai hạng người khi mạng chung (khi mạng họ hết) được sanh lên cõi Trời khoảnh khắc trong co duỗi cánh tay. Đức Phật nói như sau:

Có hai hạng người không tội mà mạng chung được sinh lên trời trong khoảnh khắc co duỗi cánh tay. Sao gọi là hai?

Một là người không tạo gốc tội mà tu thiện: tức là người ta không tạo tội lỗi mà tu thiện. Đây là điều rõ ràng đúng không? Chúng ta chắc ít có người rơi được vào trường hợp này, nhưng trường hợp thứ hai thì có thể.

Hai là người cải hối tội mà mình đã tạo: cho nên đừng sợ xưa kia con đã tạo bao ác nghiệp, đều bởi vô thủy Tham, Sân, Si, từ thân miệng ý đều sanh ra… Chúng ta không nói xưa kia nữa, đời này con đã lỡ tạo bao ác nghiệp, thì bây giờ quý vị chỉ cần cải hối tội mà mình đã tạo.

Đó gọi là hai hạng người khi mạng chung sẽ sanh lên trời không có gì nghi ngờ.

(Kinh Số 7 – Phẩm Thiên Tử Mã Huyết Hỏi Tám Chính Thứ 43 – Kinh Tăng Nhất A Hàm)

Quý vị thấy đâu phải là mình đã tạo nhiều tội nghiệp quá khứ, mà mình không có đường giải thoát. Có nhiều đồng tu hoang mang, thì ở đây nói cải hối tội lỗi mà mình đã tạo là được.Nên ai lỡ tạo nhiều tội nghiệp thì ráng tu, chỉ cần mình sám hối, mình tu làm thiện, tích đức lại là được.

Ở đây có nhiều đồng tu chưa nghe bộ Tại Gia Luật Yếu Quảng Tập, Thiện Trang khuyên nếu có thời gian mà [quý vị] chưa nghe, thì nên nghe bộ đó. Bởi vì giữ giới vẫn là nền tảng để giải thoát. Quý vị cứ giữ, đặc biệt bốn giới trọng là phải giữ. Nếu không giữ được bốn giới trọng thì dần dần rớt khỏi đường tu.

Trước kia Thiện Trang cũng đã gặp một đồng tu, phải nói là vị đó tu tinh tấn lắm, mới đầu tu Tịnh Độ. Sau này Thiện Trang nghĩ do người đó phạm giới Tà dâm, điều đó rõ ràng nên thấy rồi. Sau đó người ta từ Đại thừa chạy qua Nam truyền, Nam truyền nhưng rơi vào pháp tà, chứ không phải pháp chánh, theo một vị Tà sư. Rồi hôm qua hôm kia, Thiện Trang mở vô tình thấy Facebook của người đó (người ta hủy kết bạn với Thiện Trang lâu rồi). Quý vị biết bây giờ người ta làm gì không? [Thiện Trang] hoàn toàn ngỡ ngàng! Người ta đăng những video đi bắt cá, nướng cá ăn, bắt con này bắt con kia, rồi ăn đủ các loại, các kiểu. Mặt mày thì không giống một [người tu] nữa, bây giờ thay đổi một cách khủng khiếp, tạo rất nhiều nghiệp. Tức là bị kéo từ từ, đang tín tâm tu Tịnh Độ, đang học Đại thừa thì rớt xuống Tiểu thừa, từ Tiểu thừa chạy qua Tà sư chứ không phải Chánh sư (Chánh sư của Tiểu thừa Nam truyền thì ngon rồi), rồi dần dần không tu nữa. Dần dần giờ tạo nghiệp hơn người đời, ăn rồi đi bắt cá, bắt con này, con kia, khoe là hôm nay có món mới. Thiện Trang thấy khủng khiếp quá, nướng rồi làm gì [đó]. Mà hồi xưa tha thiết tu hành lắm đó. Thiện Trang nghĩ do người đó phạm giới Tà dâm.

Thiện Trang gần đây cũng sực nhớ ra: tại sao có người bị thoái chuyển. Thiện Trang nghĩ [đến] có một đồng tu đó, hồi xưa cũng tu rất tha thiết, sao bây giờ rớt khỏi dòng tu của mình rồi. Thiện Trang nghĩ là do phạm giới Sát, phạm giới trọng. Trong bốn giới chúng ta biết, có hai giới dễ phạm: Một là giới Tà dâm đối với người Cư sĩ, [còn] đối với người xuất gia là giới Dâm. Cả tại gia lẫn xuất gia, còn một giới nữa có thể phạm, đó là giới Sát. Sát này là giết người, phá thai, và tợ thai. Bởi vì lúc đó người ta đang có công phu, tu hành rất tốt, rất tuyệt vời. Nhưng có một sự kiện, là một đồng tu khác bị mang thai ngoài tử cung. Bác sĩ nói là chỉ có thể mổ thôi, nói chung là phá thai đó đi thì mới cứu [được] người mẹ. Chứ để lớn nữa thì sau này sẽ khó, có thể là người mẹ cũng chết mà con cũng khó được bảo toàn, tại vì mang thai ngoài tử cung.

Khi [người ta] hỏi Thiện Trang về vấn đề đó, Thiện Trang nói là Thiện Trang học Giới rồi. Hòa thượng Minh Thông có nói là cũng đã từng gặp trường hợp đó, và Hòa thượng nói là Hòa thượng không có trả lời. Tại sao thì sau này Hòa thượng giải thích là: nếu mình nói kiểu nào thì mình cũng phạm giới Sát hết. Mình bảo người ta giết, hoặc biết người mẹ chết, hoặc đứa con chết, thì cũng là giết người. Cho nên Hòa thượng không trả lời, và để người ta tự giải quyết thôi.

Thiện Trang cũng không trả lời. Đồng tu đó hỏi Thiện Trang, vì Thiện Trang không trả lời nên vị đồng tu đó hỏi lại một đồng tu khác. Đồng tu kia chỉ cho cách là đi phá thai. Sau này Thiện Trang biết là cả hai người đó đều có vấn đề, là tu tập bị thoái chuyển. Thiện Trang nghĩ nguyên nhân xuất phát từ đó. Vì người kia không hỏi Thiện Trang, lẽ ra người kia [nên] hỏi Thiện Trang thì Thiện Trang sẽ chỉ cho.

Vì năm đó Thiện Trang chưa giảng bộ Luật Yếu Tại Gia Quảng Tập, sau này giảng Thiện Trang mới nói: thực ra mấy trường hợp đó thì quý vị phải xả giới đi. Trước khi làm [hoặc] chỉ người ta làm, quý vị phải xả Ngũ giới thì quý vị chỉ phạm nghiệp sát sanh thôi, thì đỡ hơn, rồi sau này quý vị thọ lại giới được. Vì quý vị là Cư sĩ tại gia mà, quý vị thọ lại được, thì không sao, vẫn còn giới. Còn nếu không xả thì quý vị đứt giới đó, giới đó thuộc về giới trọng (phá thai, tợ thai, giết người là giới trọng, và Tà dâm cũng là giới trọng), thì từ đó trở đi đường tu bị tuột. Và sau này có rất nhiều thứ người ta không làm chủ được nữa.

Cho nên cẩn thận nha! Rất nhiều người, đặc biệt các vị Cư sĩ tu theo kiểu không có nền tảng, không có gốc gác, bay vào là học giáo pháp, và cứ thế mà tu, cứ nghĩ mình làm mấy việc như tà dâm v.v… không sao. Không có đâu quý vị! Quý vị làm một thời gian, quý vị không dừng lại là thôi rồi, không còn cơ hội đâu, dần dần nghiệp cuốn quý vị đi nơi khác.

Thiện Trang thấy rất nhiều rồi, người tại gia hay người xuất gia cũng vậy. Cho nên quá khứ lỡ phạm thì sám hối, cố gắng giữ không bao giờ phạm nữa, phát nguyện lại. Còn nếu trường hợp bất đắc dĩ như trường hợp vừa rồi, thì cứ [xả giới], vì tại gia có quyền xả giới mà. Còn người xuất gia thì không được, người xuất gia chúng tôi xả giới thì phải làm lại từ đầu. Bên Bắc truyền rất mệt, nếu bây giờ xả giới thì phải bắt đầu vô xuất gia lại, phải làm lại từ đầu, rất là mệt. Bên Nam truyền thì không sao, bên Nam truyền thì làm đúng theo thời Phật thôi, vào lại là được thọ Tỳ-kheo rồi. Không sao! Mình cứ xả.

Giống như Tôn giả Thất Lai (Tôn giả Tăng Già La Ma) trong Kinh Nikaya kể rất rõ. Quý vị biết tại sao ông ra, vô bảy lần không? Tại vợ ổng đẹp quá mà. Vợ ổng đẹp dạng số cao trong kinh thành nên khó bỏ lắm. Đi tu xuất gia mà nhớ vợ nên về, cứ nhớ vợ là về, về rồi lại đi, [cứ ra, vô] suốt [như vậy] đến lần thứ bảy. Lần đó cơ duyên là do ổng đi làm về, ổng cầm cái cuốc đi vô thì thấy bà vợ nằm trên võng, mà nước miếng phì phèo vì đang ngủ. Ổng thấy cảnh nước miếng chảy ghê quá, nên sợ quá, rồi dụt cái cuốc, bỏ đi luôn.

Trong Kinh Nikaya nói rõ, trên đường đi thì ông nghĩ đến việc xuất gia, ông đã tư duy thấy đời vô thường nên chán rồi. Vợ mình đẹp như vậy mà bây giờ nhìn gớm quá, có con rồi bây giờ phì ra, thấy bà vợ chảy nước miếng ghê quá. [Nhìn thấy] cảnh đó ghê quá [nên] ông sợ quá. Nên ngay khi ông bước đến Tịnh xá, ông đã chứng Sơ quả Tu-đà-hoàn rồi. Do thấy cảnh đó mà chứng Sơ quả Tu-đà-hoàn.

Đến khi gặp đức Phật, đức Phật bảo ngài A Nan hãy đi lấy y, lấy bát cho ổng. Ngài A Nan nói: “Bạch đức Thế Tôn! Ông này ổng ra vô như cái chợ. Ổng đã sáu lần [như vậy] rồi, lần này là lần thứ bảy rồi. Giờ bắt con đi tìm y, tìm bát cho ổng nữa”. Đức Phật nói: “Không! Lần này ổng hàng phục được ma rồi. Ổng vào là ổng đắc quả A-la-hán”. Ông vào xuất gia lại thì thời gian sau đắc quả A-la-hán.

Sau khi đắc A-la-hán rồi thì bà mẹ vợ dẫn đứa con gái (tức là vợ của ông) trang điểm cho thật đẹp, rồi ôm thêm đứa con nữa đến tìm ổng. [Người vợ] nói: “Đây là con này, tại sao anh bỏ con?” Còn bà mẹ vợ thì nói: “Tại sao ngươi bỏ con gái của ta? Có biết là trong kinh thành này, bao nhiêu người đàn ông nhìn thấy nhan sắc con gái ta là mê mệt, chỉ muốn được chung giường với nó thôi. Mà ông lại bỏ nó như đám giẻ rách vậy đó”. Nhưng lúc đó ổng chứng A-la-hán rồi nên trơ trơ bất động, để đứa con trước mặt ổng cũng trơ trơ bất động. Thấy vậy [hai mẹ con] chán quá, cuối cùng hai người dẫn đứa con (đứa cháu) đi về.

Cho nên vị đó được đức Phật gọi là đệ nhất về khả năng gì đó, Thiện Trang quên mất rồi. Cho nên phải là những người đặc biệt như vậy, rất là tuyệt vời! Quý vị thấy người ta nặng nề [về việc đó], [nhưng] người ta vẫn tu được. Quan trọng là quý vị [phải] tu, phải học. Ở đây Thiện Trang đã giới thiệu hai hạng người: Một người là không tạo gốc tội mà tu thiện, hạng người thứ hai là cải hối tội. Cho nên ráng học, ai chưa nghe bộ Tại Gia Luật Yếu Quảng Tập thì ráng nghe, không có dài lắm, [nên] ráng học.

Hôm nay Thiện Trang xin giới thiệu phần: Đoạn Phiền Não Nào Chứng Quả Vị Thánh Nào? Phần này thì chúng ta đã học rất nhiều ở những bộ giảng khác. Tuy nhiên thứ nhất là Thiện Trang muốn trích dẫn kinh tạng, thứ hai là muốn cho quý vị được học có bài bản đối với những người không nghe những bộ kia. Chúng ta nghe từ nguyên trong kinh, thì sẽ đầy đủ hơn là cứ nói đoạn ba Kiết sử nào thì chứng quả gì v.v… thì không đầy đủ bằng nghe trong kinh. Trong kinh thì sẽ có nhiều chi tiết hay hơn nữa.

Ở đây do Thiện Trang trích một đoạn nằm trong Kinh Trung A Hàm, đức Phật có đưa ra bảy hạng người từ dưới nước chui lên khỏi mặt nước. Có người chui lên rồi chìm vô lại; Có người chui lên đứng đứng một hồi rồi cũng chìm vô lại; Có người lên, bơi một hồi không vô tới bờ, lại chìm xuống; Có người bơi lên, ngoi lên rồi trụ; Có người ngoi lên rồi trụ, trụ rồi đi quanh, v.v… Thật ra đức Phật ví dụ cho những hạng người, như có người biết được niềm tin đối với Phật pháp rồi, mà tu một thời gian thì chìm luôn, hết tu nữa, hết niềm tin. Có người thì chìm miết ở trong nước vì không gặp Phật pháp, giống như bị chìm luôn trong ba đường ác, chìm trong luân hồi. Những trường hợp đó thì Thiện Trang đã trích dẫn ở trong một bài giảng của Khoa Chú Tuyển Giảng lâu rồi. Bây giờ Thiện Trang trích dẫn tiếp, nhưng là đoạn tiếp theo để nói về các Kiết sử và chứng quả, cũng trong bài kinh đó.

Đoạn Phiền Não Nào Chứng Quả Vị Thánh Nào?

          Thế nào là hạng người ngoi lên rồi trụ; trụ rồi nhìn quanh? Đó là người làm trỗi dậy tín tâm nơi thiện pháp, trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, tu tập thiện pháp.

Điều này thì dễ rồi, họ được trỗi lại niềm tin đối với thiện pháp, rồi trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, tu tập thiện pháp. Nhớ nha! Một loạt điều nha, không phải chỉ mỗi [một điều]. Không có trì giới thì không được, không có đa văn thì không được, chắc với bố thí thì chúng ta làm được. Nhưng rõ ràng là trì giới, đa văn, trí huệ, tu tập thiện pháp thì coi chừng thiếu chỗ này: Trí huệ thì mình đang học pháp đây, [nhưng] đa văn thì chưa chắc, trì giới thì chưa chắc.

          Người đó về sau tín tâm kiên cố vẫn không mất, trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ vẫn kiên cố không mất; trụ trong thiện pháp; (Quý vị nhớ là không mất nha, chứ không phải thoái chuyển. Chưa đủ! Đoạn này quan trọng:) biết như thật về Khổ, biết như thật về Khổ tập, Khổ diệt và Khổ diệt đạo. (Tức là Tứ đế. Quý vị thấy không? Xuyên suốt các bài giảng lúc nào đức Phật cũng nói bốn Thánh đế này: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế).

          Người kia biết như vậy, thấy như vậy, ba Kiết liền dứt sạch, đó là Thân kiến, Giới thủ (có chỗ ghi là Giới cấm thủ) và Nghi. Ba Kiết đã dứt sạch liền chứng Tu-đà-hoàn, không đọa ác pháp, quyết định thẳng đến Chánh giác, đời sau thọ sanh tối đa bảy lần, (tối đa là bảy lần, chứ không phải bảy lần) qua lại bảy lần trong nhân gian, thiên thượng; rồi chứng đắc biên tế của sự Khổ (tức là ra khỏi sự Khổ). Đó là hạng người ngoi lên rồi lại trụ, trụ rồi nhìn quanh. Ta nói người kia cũng lại như vậy. Đó là hạng người thứ tư của thí dụ về nước. Thế gian quả thực có hạng người như vậy.

       Thiện Trang chủ yếu nói cho quý vị, thông thường chúng ta chỉ nói ngắn gọn là dứt sạch ba điều: Thân kiến, Giới cấm thủ, và Nghi. Nhưng quý vị thấy nếu đọc trong nguyên tạng kinh thì đoạn này nói rõ ràng. Phải bắt đầu từ niềm tin nơi thiện pháp, trì giới, bố thí, đa văn, trí huệ, tu tập thiện pháp. Và tu vững như vậy rồi vẫn chưa đủ, phải biết như thật về Khổ, về Khổ tập, Khổ diệt, Khổ đạo. Điều này có ai biết không? Không nhiều người biết. Nội nghe về Khổ, Không là không muốn nghe rồi, thích nào là nói toàn điều tốt. Rồi nguyên nhân của Khổ là gì, con đường diệt Khổ là gì v.v… thì nằm ở đâu? Chính là bộ chúng ta đang học đây, chính là nói về bốn điều đó.

          Cả bộ giảng Vi Diệu Pháp hay bộ Luận Câu Xá thì chỉ nói về sự thật về Tứ thánh đế mà thôi. Cho nên không học thì làm sao biết được, mình cứ bay vô là muốn được quả. Quả là hết ba Kiết sử, nhưng khổ nỗi đây là nhân. Nhân này mình phải tu như thế này, rồi mình phải biết sự thật về Khổ, Khổ tập, Khổ diệt, Khổ diệt đạo, mà mình không biết. Người ấy biết như vậy, thấy như vậy thì ba Kiết sử liền dứt sạch. Còn mình vô là mình tu điều này, trong khi đó mình không có nhân. Đó là những điều mà Phật tử ngày nay phạm phải, là không chịu tu nền tảng mà vào đã muốn học cao sang. Muốn thành tựu cao [trong khi] mình không có nền tảng. Như mình chưa học lớp một mà đòi đăng ký thi tốt nghiệp Tiểu học, kiểu vậy đó.

          Cho nên đấy là lý do tại sao Thiện Trang phải trích dẫn kinh điển. Chỉ có trích dẫn kinh điển thì mới đầy đủ như vậy. Còn nếu không thì cứ nói, để chứng Sơ quả Tu-đà-hoàn thì chỉ cần đoạn ba Kiết sử: Thân kiến, Giới cấm thủ, Nghi. Nhưng khổ nỗi đằng trước đó là gì thì không nói. Làm sao [để] đoạn Thân kiến, làm sao đoạn Giới cấm thủ, làm sao đoạn Nghi? Thì đằng trước đã nói. Cho nên cực kỳ quan trọng. Quý vị thấy không? Nền tảng này chỉ có bộ giảng này Thiện Trang nói, Thiện Trang giảng bộ Luận Câu Xá này, học một bộ này là tu cũng kha khá, đủ hết các nền tảng. Và [Thiện Trang] đã sắp xếp một trình tự để cho quý vị học dễ.

          Như vậy muốn chứng Sơ quả Tu-đà-hoàn phải trừ được ba Kiết sử: Thân kiến, Giới cấm thủ và Nghi. Mà muốn được như vậy thì [phải] có nền tảng đằng trước. Bây giờ muốn chứng Nhị quả thì sao? Ở đây nói tiếp :

1.5. Thế nào là người ra rồi trụ; trụ rồi nhìn quanh; nhìn quanh rồi lội qua. Đó là người trỗi được tín tâm nơi thiện pháp, trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, tu tập thiện pháp. Người đó về sau tín tâm vẫn chắc chắn không mất, trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ đều đã kiên cố không mất, trú trong thiện pháp (quý vị thấy đây là nhân, chưa tu những điều này mà vào đã lo tu những điều kia). Biết như thật về Khổ, về Khổ tập, về Khổ diệt, về Khổ diệt đạo (phải có Tứ đế). Biết như vậy, thấy như vậy, ba Kiết liền dứt sạch. Đó là, Thân kiến, Giới thủ, Nghi; ba Kiết đã dứt sạch (tới đây mới là Sơ quả Tu-đà-hoàn). Dâm, nộ, si vơi mỏng (tức là ba yếu tố nữa: Dâm, nộ, si vơi mỏng, vơi mỏng chứ chưa hết). Còn phải một lần vãng lai trong nhân gian, thiên thượng (tức là phải sanh lên cõi Trời, cõi Người một lần nữa. Hoặc là từ nhân tu, có thể nhân tốt thì tên cõi trời Dục giới, hoặc là ở cõi Người một lần nữa). Sau khi qua lại một lần đó rồi liền diệt tận biên tế khổ. Đó là người ngoi lên rồi trụ, trụ rồi nhìn quanh, nhìn rồi lội qua. Như người chìm trong nước, ngoi rồi trụ, trụ rồi nhìn quanh, nhìn rồi đi qua; Ta nói người kia cũng lại như vậy. Đó là hạng người thứ năm của thí dụ về nước. Thế gian quả thực có hạng người như vậy.

Quý vị thấy đây là Tu-đà-hoàn trở thành Tư-đà-hàm. Quả vị Tư-đà-hàm là dứt ba Kiết sử: Thân kiến, Giới cấm thủ và Nghi. Ba Kiết sử này hết rồi, sau đó còn phải làm vơi mỏng tức là làm giảm nhẹ đi đối với dâm, nộ, si. Đối với chữ dâm này thì có chỗ khác nói là tham dục. Ở đây thì nguyên văn là dâm, nộ, si. Nộ là sân si, tức là đối với tham, sân, si giảm bớt. Có khi giảm bớt gọi là hai Hạ phần Kiết sử là Tham và Sân giảm bớt. Có chỗ nói như vậy. Thật ra là dâm dục cũng phải bớt, bớt thôi chứ chưa hết, cho nên vẫn còn ở Dục giới.

Đó là Nhị quả Tư-đà-hàm. Bây giờ chúng ta tìm hiểu Tam quả A-na-hàm thì thế nào:

1.6. Thế nào là người ngoi lên rồi trụ, trụ rồi nhìn quanh, nhìn quanh rồi lội qua, qua rồi đến bờ bên kia? Đó là người đã làm trỗi dậy được tín tâm nơi thiện pháp, trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, tu tập thiện pháp. Người đó về sau tín tâm vẫn chắc chắn, không mất. Trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ đều vẫn kiên cố, không mất, trụ trong thiện pháp. Biết như thế, thấy như thế, năm Hạ phần Kiết dứt sạch (tức là dứt sạch được năm Hạ phần Kiết sử). Đó là Tham dục, Sân nhuế, Thân kiến, Giới thủ, Nghi. (Năm Hạ phần Kiết sử là Tham dục, Sân nhuế (là sân hận) Thân kiến, Giới thủ, Nghi. Ở đây thật ra chỉ thêm hai [Kiết sử] là Sân và Tham dục thôi). Năm Hạ phần Kiết dứt sạch rồi, sanh vào cõi ấy, rồi nhập Niết-bàn, chứng pháp bất thoái, không trở lại thế gian này nữa.

Đó chính là Tam quả A-na-hàm, người ta sẽ sanh vào cõi ấy. Cõi ấy đó chính là Ngũ Bất Hoàn Thiên. Năm tầng trời Bất Hoàn gồm: trời Thiện Kiến, trời Thiện Hiện, trời Vô Phiền, trời Vô Nhiệt, trời Sắc Cứu Cánh. Năm tầng trời đó tùy vào công phu tu tập. Ở đây không nói rõ, nhưng tùy vào công phu tu tập mà mỗi người có thể lên tầng trời nào trong năm tầng trời đó. Ở trong bộ Luận Đại Tỳ Bà Sa có nói rõ hơn nữa. Ngoài năm cõi đó có thể người ta còn lên được cả trời Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Tại vì công phu của những người đó cao cỡ đó, cho nên họ lên đó được. Và họ lên đó xong rồi thì họ sẽ chứng A-la-hán nhập Niết-Bàn.

Thiện Trang nói một cách đầy đủ là như vậy, cho nên lâu lâu chúng ta phải học để Thiện Trang nói. Và những bộ chuyên giảng về giáo pháp này thì mới nói được, chứ mấy bộ khác nói mất thời gian quá, chúng ta chỉ nói ngắn ngắn thôi. Còn bên đây là mình học chuyên về giáo pháp, ai học được thì học, còn ai không học nổi, thấy giảng giáo pháp [cao] quá, chưa đủ căn cơ thì thôi từ từ học sau. Đấy là mình cứ hiểu như vậy.

Đó là người ngoi lên rồi trụ; trụ rồi nhìn quanh; nhìn rồi lội qua; lội qua rồi đến bờ kia. Như người chìm trong nước ngoi lên rồi trụ, trụ rồi nhìn quanh, nhìn quanh rồi đi qua, đi qua rồi đến bờ bên kia; Ta nói người kia cũng lại như vậy. Đó là hạng người thứ sáu của thí dụ về nước. Thế gian quả thực có hạng người như vậy.

Đây là Tam quả A-na-hàm. Ví dụ cuối cùng chính là Tứ quả A-la-hán.

1.7. Thế nào là người ngoi lên rồi trụ, trụ rồi nhìn quanh, nhìn quanh rồi lội qua, qua rồi đến bờ bên kia; đến bờ bên kia rồi được gọi là người Bà-la-môn đứng trên bờ? Đó là người đã làm trỗi dậy được tín tâm nơi thiện pháp, trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, tu tập thiện pháp. Người đó về sau tín tâm vẫn chắc chắn không mất, trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, tu tập thiện pháp, biết như thật về Khổ, về Khổ tập, về Khổ diệt, về Khổ diệt đạo. Biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát khỏi Dục lậu, Hữu lậu, Vô minh lậu.

[Quý vị] nhớ đây là tâm giải thoát thôi nha. A-la-hán này là A-la-hán Tâm giải thoát, chứ đức Phật không nói Tuệ giải thoát hoàn toàn, mà nói như thế thôi, là tiêu chuẩn thấp nhất. Dục lậu là Phiền não ở cõi Dục, Hữu lậu là Phiền não ở cõi Sắc [giới], Vô minh lậu là Phiền não Vô minh.

Giải thoát rồi liền biết mình đã giải thoát và biết một cách như thật rằng: Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.

Vậy là xong, hết việc, A-la-hán được tới đây. Và trong Kinh A Hàm hay Kinh Nikaya thì thông thường chúng ta thấy tinh thần là nói như thế. Và các vị Sư bên Nam truyền thông thường cứ chụp tới đó rồi nói rằng: “Như vậy là xong, hết rồi! Không còn làm gì nữa”, cho nên không có gì hết.

Còn bên Đại thừa, những người tu theo căn tánh Đại thừa, đặc biệt như Kinh Lăng Nghiêm, chúng ta hãy lấy Kinh Lăng Nghiêm làm chuẩn, Kinh Lăng Nghiêm nói rằng: Những người chứng A-la-hán rồi, vẫn có một số người (hay nói là có nhiều người)căn tánh Đại thừa, tiếp tục phát tâm Bồ-đề để tu tiếp, chứ họ không nhập Niết-Bàn.Đó là lời trong kinh, quý vị coi trong Kinh Lăng Nghiêm là có, gọi là Độn căn A-la-hán và Lợi căn A-la-hán. Độn căn là họ nhập Niết-Bàn, còn hàng Lợi căn thì họ tiếp tục update [(nâng cấp)] lên làm Bồ-tát Đại thừa để tu tiếp.

Bên Nam truyền người ta không chấp nhận tư tưởng đó. Nhưng chúng ta nếu học cả hai tư tưởng thì chúng ta thấy như vậy. Thiện Trang theo tư tưởng Kinh Lăng Nghiêm, Thiện Trang tin cả kinh Đại thừa. Cho nên là học Tiểu thừa cũng học, mà học Đại thừa cũng học. Bởi vì thật ra trong kinh Tiểu thừa đâu có phủ nhận [kinh] Đại thừa. Quý vị thấy đâu có phủ nhận, chẳng qua là không thấy nói tới [mà thôi]. Còn mấy vị Sư Nam truyền tự khẳng định như vậy thôi, chứ đâu phải Phật nói vậy đâu, đúng không ạ? Mình phải tin Phật. Với lại mình phải có sự kiểm nghiệm. Kiểm nghiệm thì phải tu chứng mới kiểm nghiệm được, chứ còn bây giờ quý vị nói không [không] [thì] làm sao được. Ai có duyên thì người ta sẽ kiểm nghiệm được.

Đó là người ngoi lên khỏi nước rồi trụ, trụ rồi nhìn quanh, nhìn rồi đi qua, qua rồi đến bờ bên kia, đến bờ bên kia rồi được gọi là vị Bà-la-môn đứng trên bờ. Như người chìm trong nước, ngoi lên rồi trụ, trụ rồi nhìn quanh, nhìn rồi đi qua, qua rồi đến bờ bên kia, đến bờ bên kia rồi gọi là người đứng trên bờ; Ta nói người kia cũng lại như vậy. Đó là hạng người thứ bảy của thí dụ về nước. Thế gian quả thực có hạng người như vậy.

(Trích Từ Kinh Thứ 4 – KINH THỦY DỤ (1) – Thuộc Trung A Hàm).

Quý vị có thể mở bộ Kinh Trung A Hàm ra, ngay đầu kinh, Kinh Thứ 4 – Kinh Thủy Dụ. Quý vị thấy khi giảng, Thiện Trang thích cách giảng là trích dẫn kinh điển. Tại vì Thiện Trang thấy sợ nhất, có những người tóm tắt lại kinh điển rồi nói ý ở trong kinh đó nói như vậy. Nhưng một hồi mình đọc trong kinh thì có những ý khác nữa. Thậm chí có người nổi tiếng đã xuất bản những cuốn sách như Toát yếu kinh nào đó v.v… đủ thứ. Hồi xưa mình cũng coi, lúc đó mình mới [học Phật nên] ngơ ngơ ngác ngác, nhào vô coi, coi xong rồi một thời gian sau mình kêu: “Sao kinh Phật ngắn thế nhỉ! Mình phải coi kinh gốc thử xem”. Coi xong mới tá hỏa ra, hóa ra có rất nhiều chi tiết quan trọng mà không có trích trong đó.

Ví dụ Thiện Trang nói đơn giản thôi, thông thường Thiện Trang giảng cứ nói đoạn mấy Kiết sử này thôi, trong khi dòng chữ đỏ này là tu đó, mà không có là chết rồi, đúng không quý vị? Tại vì mình phải bắt đầu từ tín tâm nơi thiện pháp, trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, tu tập thiện pháp, rồi phải vững chắc như thế. Rồi phải biết như thật về Khổ, Khổ tập, Khổ diệt, Khổ diệt đạo, phải tu những điều đó rồi mới dứt được mấy Kiết sử. Mà mình bỏ mất khúc đó rồi, mình nói tắt, người ta nghe thì người ta thấy cũng được, ngắn gọn, ngon lắm. Nhưng tu thì sao? Tu không được. Cho nên ai giảng kinh mà không trích dẫn kinh thì cẩn thận. Hãy cẩn thận với cách như thế. Mình chưa phải là chư Thánh, thì việc trích dẫn đó có thể thiếu sót, nên cẩn thận như vậy.

Và có rất nhiều người hiểu theo một ý nghĩa khác nữa, đó là diễn một hồi [dẫn] đi đâu. Thiện Trang thấy ai mà giảng kinh kiểu đó thì Thiện Trang không thích coi. Thiện Trang thích cách trích dẫn kinh, rồi thà anh hiểu sai, anh nói sai cũng được. [Tuy] anh nói sai nhưng tôi học theo dòng chữ đó, nên tôi cũng hiểu ra được những điều mà anh nói sai, tôi phát hiện ra, và tôi sẽ không bị thiếu, bởi vì tôi đọc kinh Phật.

Cho nên đừng thụ động quá mức nha. Thụ động quá mức, y nhân quá mức, rồi ngày nào đó mình sẽ ngã ngửa bởi vì sự quá mức đó. Và Thiện Trang đã rút kinh nghiệm, Thiện Trang thường trích dẫn nhiều nhất có thể về một bộ kinh. Ví dụ như bộ kinh này Thiện Trang đã trích dẫn, đã nói ở một lần khác, nhưng lần này thì lại khác. Có thể lần sau Thiện Trang cắt khúc khác đưa vô, để phù hợp với nội dung đang cần. Tức là mình vẫn không lấy trọn vẹn được bởi vì dài quá, [Thiện Trang] không phải giảng kinh [đó], nhưng mình có quyền lấy khúc này của kinh đó, khúc này của kinh kia v.v… những điều cùng một chủ đề gom lại thì hiệu quả rất lớn. Thiện Trang nghĩ như vậy, còn quý vị nghĩ như thế nào thì tùy quý vị nha!

 Đoạn trên đã nói như vậy, ở đây chúng ta cũng nên nói Ngũ Hạ phần Kiết sử và Ngũ Thượng phần Kiết sử theo kinh. Phải có trong kinh, chứ không chúng ta cứ nói hoài [ở đâu đâu]. Ở trong Kinh Chúng Tập – Kinh Trường A Hàm có nói như thế này.

Ngũ Hạ Phần Kiết sử và Ngũ Thượng Phần Kiết sử

5. PHÁP NĂM

Như Lai nói năm Chính pháp, tức là năm xứ: mắt, sắc; tai, tiếng; mũi, hương; lưỡi, vị; thân, xúc.

Lại có năm pháp tức là năm thủ uẩn: sắc thủ uẩn; thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn.

Lại có năm pháp, tức là năm cái: tham dục cái, sân nhuế cái, thụy miên cái, trạo cử cái, nghi cái.

Lại có năm pháp tức là Năm hạ Phần kiết: Thân kiến, Giới cấm thủ, Nghi, Tham dục và Sân nhuế.

Lại có năm pháp tức là năm Thuận thượng Phần kiết (ở đây thêm chữ Thuận cũng không sao): Sắc ái (Sắc ái kiết), Vô sắc ái (Vô sắc ái kiết), Vô minh, Mạn, Trạo hối.

(Kinh Chúng Tập – Kinh Trường A Hàm).

Đây là ở trong kinh Phật hoàn toàn, chứ không phải mình tự bịa ra được. Những danh từ này giới thiệu thôi chứ Thiện Trang đã giảng hồi lâu rồi. Quý vị nói thầy chỉ trích dẫn Kinh A Hàm, [còn] Kinh Nikaya đâu? Kinh Nikaya còn nói nhiều nữa, ở đây Thiện Trang trích dẫn luôn: Ngũ Hạ Phần Kiết sử và Ngũ Thượng Phần Kiết sử theo kinh Tăng Chi:

(10.13) Kiết sử: Saṃyojana

– Này các Tỷ-kheo, có mười Kiết sử này. Thế nào là mười? Năm Hạ phần Kiết sử, năm Thượng phần Kiết sử. Tức là năm Hạ phần và năm Thượng phần là mười.

– Thế nào là năm Hạ phần Kiết sử? Thân kiến, Nghi, Giới cấm thủ, Dục tham, Sân. Ðây là năm Hạ phần Kiết sử. Như vậy những điều Thiện Trang nói là hoàn toàn căn cứ theo kinh.

– Thế nào là Năm Thượng Phần Kiết sử? Sắc ái, Vô sắc ái, Mạn, Trạo cử, Vô minh. Ðây là năm Thượng phần Kiết sử.

– Này các Tỷ-kheo, đây là mười Kiết sử.

(Trích từ Kinh Tăng Chi – Tạng Nikaya).

Đây là trích từ kinh, quý vị có thể tìm rất rõ ràng, cho nên không thể nói sai được. Bây giờ tu điều nào để chứng [Thánh] thì đoạn vừa rồi đã nói, nên Thiện Trang làm bảng tổng kết luôn cho quý vị, tại vì thật ra mình chỉ cần bảng này nhìn vào là đủ.

 Tu Thiền Quán – Phiền Não Cần Đoạn Để Chứng Thánh
 Hạ phần Kiết sửThượng phần Kiết sử
 Thân kiếnGiới cấm thủNghiThamSânSắc ái kiếtVô sắc ái kiếtMạnPhóng dậtVô minh
Sơ quả (Tu-đà-hoàn)xxx       
Nhị quả (Tư-đà-hàm)xxxGiảmGiảm    Giảm
Tam quả (A-na-hàm)xxxxx     
Tứ quả (A-la-hán)xxxxxxxxxx

Thiện Trang chia ra bên này là Hạ phần Kiết sử, và bên này là Thượng phần Kiết sử. [Hạ phần Kiết sử] gồm có Thân kiến, Giới cấm thủ, Nghi, Tham, Sân. [Những điều] này gọi là Ngũ Hạ phần Kiết sử. Còn Sắc ái kiết, Vô sắc Ái kiết, Mạn kiết, Phóng dật kiết và Vô minh kiết. Chỗ [Phóng dật kiết] này có khi gọi là Trạo cử kiết, ở đây ghi chữ Phóng dật kiết cũng không sao. Trạo cử với Phóng dật, từ đó có khi chỗ này dùng, chỗ kia không dùng.

Để chứng Sơ quả Tu-đà-hoàn thì quý vị đoạn giùm ba [Kiết sử]: Thân kiến, Giới cấm thủ và Nghi. Điều này chắc quý vị thuộc rồi, Thiện Trang đã giảng trong bài, rất nhiều đồng tu cắt [đăng] lên mạng, bài nói về Sư Minh Tuệ đó. Thiện Trang có nói rồi, đã phân tích rất rõ, liên hệ thực tế luôn, cho nên quý vị có thể nhớ được điều này. Nếu không thì đợi ngày nào đó Thiện Trang sẽ giảng lại thế nào là Thân kiến, thế nào là Giới cấm thủ, thế nào Nghi. Đoạn hết [ba điều đó] thì quý vị chứng được Sơ quả Tu-đà-hoàn.

Nhị quả Tư-đà-hàm thì chỉ cần làm được ba điều đó, thêm giảm Tham và Sân. Có chỗ như hồi nãy thì giảm bớt Vô minh nữa, nhưng tất nhiên là sẽ có giảm ở đây, mình có thể hiểu như vậy. Còn có chỗ thì chỉ nói giảm hai điều [Tham và Sân] thôi. Tất nhiên là với trí tuệ của một vị Sơ quả Tu-đà-hoàn thì tự nhiên giảm được Vô minh rồi. Yên tâm! Mình tu được phần nào sáng suốt thì bóng tối bị đẩy lùi. Giống như trong phòng, đèn càng sáng thì bóng tối trong căn phòng càng ít đi đúng không ạ? Cũng vậy, một người khi Kiến đế thì Vô minh sẽ giảm, mà [chứng quả] càng cao hơn thì [Vô minh] càng giảm hơn. Đơn giản vậy thôi, cho nên không lo. Điều quan trọng là mình đoạn các Phiền não [năm Hạ phần kiết sử] ở đằng trước.

Thứ ba là Tam quả A-na-hàm thì cũng vậy, là đoạn Thân kiến, Giới cấm thủ, Nghi, và đoạn luôn hết Tham dục và Sân nhuế.

Thứ tư là Tứ quả A-la-hán thì đoạn hết 10 Kiết sử: Thân kiến, Giới cấm thủ, Nghi, Tham, Sân, Sắc ái kiết, Vô sắc Ái kiết… Sắc ái kiết đây chính là sự ham thích ở cõi trời Sắc giới. Mình còn thích thân thể, là mình còn muốn hiện hữu. Nếu không thích hiện hữu mà muốn sống về tinh thần, gọi là Vô sắc Ái kiết, thì phải đoạn điều này. Rồi Mạn (là Ngã mạn) thì phải là A-la-hán mới đoạn được. Cho nên đừng nói tại sao thầy nhiều ngã mạn (Mạn). Xin lỗi quý vị! A-la-hán thì mới hết nha, còn [chúng ta] chưa đâu. Mạn này là như thế nào thì từ từ chúng ta học.

Phóng dật kiết hay gọi là Trạo hối kiết, có khi gọi là Trạo cử kiết. Ba chữ đó thì A-la-hán mới làm được. Điều này khó! Lâu lâu tâm mình phóng đi chỗ này, phóng đi chỗ kia, tức là mình không làm chủ tâm hoàn toàn được 100%. Có lúc sẽ có những điều khác xen vào liên tục nên gọi là Phóng dật kiết (Trạo cử). Còn Vô minh là căn bản Phiền não, điều này thì chỉ A-la-hán mới dứt hết.

Chúng ta đã có bảng này thì chúng ta dễ nhớ. Cho nên giảng chuyên giáo pháp tu chứng, chuyên giáo pháp giải thoát, Thiện Trang thích giảng như thế này. Còn giảng [thế gian] thì cứ quay qua quay lại, nói một hồi thế gian gì đó… ngán lắm! Thật sự Thiện Trang thích giống như dòng sông Hằng đổ về phía Đông. Thôi mình nói ở Việt Nam đi, các con sông Việt Nam đều đổ về biển Đông cả, không thay đổi. Cũng vậy, do lâu năm, lâu ngày học giáo pháp Phật, tu tập trong giáo pháp Phật, bây giờ [có người] cho 10 lượng vàng hay 100 lượng vàng, hay cho hết tài sản của thế giới này, bảo: “Thôi thầy về lấy vợ đi”, thì [Thiện Trang] cũng không chịu đâu. Tại vì sao? Bởi vì mình đã thích đi con đường này rồi, mình đã hướng về đó rồi, thì không chịu nữa đâu. Bao giờ mình học được như vậy thì mới được. Chứ còn quý vị học mà mới bị dụ một chút là thích rồi, là chạy theo rồi, thì không xong đâu nha.

Thiện Trang tranh thủ hôm nay giới thiệu một điều, tức là trong 10 điều này Thiện Trang sẽ giới thiệu hết nhưng hôm nay chỉ giới thiệu [một] điều, và cũng theo kinh. Đó là Thân kiến là gì? Hôm trước Thiện Trang đã giới thiệu ở trong Kinh A Hàm rồi, ở trong bộ giảng khác. Hôm nay [Thiện Trang] giới thiệu lại, nhưng không phải Kinh A Hàm mà là Kinh Nikaya, một bộ kinh khác để quý vị biết Thân kiến là gì. Ở đây nói ngắn hơn.

Thân kiến là gì?

– Như thế nào, bạch Thế Tôn, là có Thân kiến? Chúng ta muốn phá Thân kiến đúng không? Mình phải hiểu Thân kiến là gì.

– Ở đây, này Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ bậc Thánh, (quý vị hiểu “vô văn” là gì không? Có nhiều người không hiểu chữ “vô văn phàm phu”. Phàm phu thì [biết] rồi, nhưng #vô văn: vô là không có, văn là nghe; nghĩa là không nghe pháp, không hiểu pháp, thậm chí là không nghe được) không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh; không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân.

Đoạn này là nói nguyên nhân. Vậy bây giờ mình muốn hiểu thế nào là Thân kiến, thì mình phải cố gắng nghe. Phàm phu mình phải nghe, phải biết bậc Thánh, phải thuần thục pháp các bậc Thánh, rồi tu tập pháp các bậc Thánh, rồi phải thấy rõ các bậc Chân nhân (là bậc A-la-hán trở lên), phải thuần thục các pháp đó, tu tập pháp đó, rồi mới vô tới [phá] Thân kiến được. Chúng ta thấy những đoạn này là cơ sở, nhưng đoạn này Thiện Trang cũng thấy không quan trọng lắm, [mà] chúng ta phải bắt đầu từ đây.

Quán sắc như là tự ngã, hay quán tự ngã như là có sắc, hay quán sắc ở trong tự ngã, hay quán tự ngã ở trong sắc… thọ… tưởng.. hành… quán thức như là tự ngã, hay quán tự ngã như là có thức, hay quán thức ở trong tự ngã, hay quán tự ngã ở trong thức. Như vậy, này Tỷ-kheo, là có Thân kiến.

(Trích từ Phẩm Những Gì Ðược Ăn – Tương Ưng Uẩn (d) – Kinh Tương Ưng – Tạng Nikaya)

Như vậy quý vị có hiểu không? Nếu quý vị chưa nghe những bộ giảng trước thì chỗ này quý vị không hiểu. Chỗ này đơn giản thôi, thật ra là Thân kiến gồm có năm điều: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức.

Sắc là thân thể này. Thân Tứ đại bình thường này gọi là Sắc. Nếu mình có quán, cho rằng thân thể này chính là ta, tự ngã chính là ta. Rồi cho rằng thân này có ta trong đó. Hay là quán tự ngã ở trong Sắc, tức là ta ở trong thân này. Nếu quý vị [cho là như] vậy, là bị dính một điều.

Rồi tương tự, Thọ là cảm nhận của mình. Mình cho cảm nhận nóng, lạnh, mưa, gió, ấm êm hay cảm nhận gì đó… là chính mình. Và mình cho chính mình ở trong cảm nhận đó, cho hai điều đó là một, thì đó cũng thuộc về Thân kiến.

Tưởng cũng tương tự như vậy. Tưởng là những sự biết của mình về quá khứ, sự biết về tương lai, tưởng tượng tùm lum hết. Mình cho Tưởng đó là mình, mình sống với nó lâu quá rồi, mình tưởng như vậy cho là mình hết. Chính như vậy, đó là Thân kiến.

Tương tự Hành và Thức cũng là như vậy. Hành nói đơn giản là khái niệm thiện ác trong những tư duy, suy nghĩ của mình. Mình cho đó là mình, rồi mình quán. Thông thường chúng ta cho đó là mình hết. Khi nào chúng ta nghĩ rằng: những cảm nhận  [Thọ], [Tưởng] là sự biết của mình về vấn đề nào đó, hoặc mình tưởng tượng về tương lai, hoặc Hành là khái niệm thiện ác của mình, cho đến Thức là những sự biết về vật chất, về những gì mình tiếp xúc qua. Đến khi nào quý vị nghĩ rằng đó là sự biết bởi do Vô thường và do duyên tạo nên, đó không phải là ta. Đó là do nhiều yếu tố hợp nên, nên ta mới biết như vậy. Ví dụ đời này do Thiện Trang với quý vị đều ở Việt Nam, ai cũng nói đây là cuốn sách, nhưng người Anh nói ‘this is a book’ (đây là cuốn sách), rồi người khác cũng nói như vậy. Tức là những quan điểm, những gì đó, chúng ta đã mặc định là như vậy. Vì nghĩ như vậy mà cho đó là mình, những điều đó thuộc về Thân kiến.

Cho nên không dễ đâu quý vị, mình phá Thân kiến là cực khó. Hồi xưa Thiện Trang cứ nghĩ Thân kiến chỉ là cái thân thể thôi, thân thể thì dễ quá, mình học đến lúc nào đó thì mình biết thân thể này không phải là ta, bởi vì sao? Đời này là thân này, đời sau lại thân khác, đời trước là thân khác, thì đến lúc nào đó mình cũng chấp nhận rằng thân này không phải là ta. Và thân xác này không phải là ta, thì mới phá được một trong năm điều của Thân kiến mà thôi. Cho nên tại sao chứng Sơ quả Tu-đà-hoàn khó, khó là nằm ở chỗ Thân kiến này. Chứ còn Giới cấm thủ và Nghi thì không khó, Giới cấm thủ và Nghi nếu có tu tập, có học, đến một lúc nào đó thì có thể phá được.

Nhưng Thân kiến mà Thọ, Tưởng, Hành, Thức thì cực kỳ khó phá, bởi vì sao? Vì mình quá quen rồi, mình thấy bây giờ có ai nói nóng không phải là ta đâu. Mình cảm nhận thấy trời hôm nay nóng quá, trời hôm nay lạnh quá: “Ôi tôi bị nóng quá, tôi bị lạnh quá”, quên mất rằng sự cảm nhận đó là do giả hợp mà tạo nên. Khi nào mình phát hiện ra: Điều này không phải, đây là do ở trong môi trường đó, do tôi ở nơi đó v.v… thân thể đó, nên thấy nóng, lạnh như vậy. Chứ còn thực tế, nếu tôi không phải là thân thể này, tôi không ở nơi này v.v… thì sẽ không [có cảm giác đó].

Cho nên Thiện Trang cứ cài trong điện thoại, chọn một loạt các thành phố, nào là Hà Nội, Bảo Lộc, Sài Gòn, Berlin, Paris, Vacsava v.v… Một số thành phố khác nhau trên thế giới, để mỗi lần mở nhiệt độ, Thiện Trang mở tới đó để thấy rằng: hóa ra không giống nhau. Để mình biết sự cảm nhận nhiệt độ, cảm thọ về nóng lạnh của mình là giả. Đó cũng là một cách để Thiện Trang nhắc nhở. Và nhắc nhở nhiều lần như vậy thì dần dần mình sẽ chấp nhận: sự cảm nhận này, tưởng tượng này, Hành, Thức này đều không phải là ta. [Quý vị] giác được như vậy thì dần dần phá được Thân kiến. Phá được Thân kiến thì mới có cơ hội vào được Sơ quả Tu-đà-hoàn. Cho nên Sơ quả Tu-đà-hoàn không dễ, không dễ ở đâu? Không dễ ở ngay Thân kiến.

Còn Nghi thì mình học hoài, tu hoài sẽ hết Nghi. Giới cấm thủ hồi xưa mình giữ là do mình bị tục lệ của dân làng, rồi Sư phụ dạy, huynh đệ dạy, cha mẹ dạy, xóm làng dạy v.v… Mình giữ mấy điều đó là mình bị Giới cấm thủ. Nhưng bây giờ mình học Phật pháp rồi, mình đổi lại, mình theo Phật hết, mình thấy mấy thứ đó là giả hết. Ví dụ như ở Việt Nam cứ lớn lên là phải lập gia đình, đó là Giới cấm thủ. Còn sống ở phương Tây thì chưa chắc họ lập gia đình. Cứ thời đại nào có mỗi kiểu nhìn khác nhau, đó là Giới cấm thủ.

Tu tập cũng vậy, rất nhiều người tu tập nghĩ là phải tu như vậy mới chứng quả. Thật ra không phải, ngày nào đó mình đọc kinh Phật mình hiểu ra, tu tập như vậy không phải, không chứng quả được, mà phải tu tập theo như vậy mới đúng được, theo trong kinh Phật dạy mới tu được. Đó cũng là quý vị đã bị dính vào Giới cấm thủ. Và phá Giới cấm thủ đó qua sự học tập lâu ngày, mình tu tập, mình trải nghiệm, thì mình phá được. Nhưng Thân kiến cực kỳ khó, khó nằm ở bốn yếu tố sau: Thọ, Tưởng, Hành, Thức.

Hôm nay Thiện Trang đã giảng như vậy, chắc quý vị hiểu rồi, quý vị rất rõ ràng về Thân kiến, mỗi lần chỉ giảng một chút thôi. Thực ra giảng sơ qua về Giới cấm thủ, nhưng lúc nào đó sẽ nói rõ các yếu tố này, thì mình sẽ chứng quả được. Thiện Trang nói sơ về Nghi, Nghi này là nghi ba yếu tố, hồi trước có giảng rồi, nhưng để bữa khác từ từ giảng, rồi dần dần giảng hết mười Kiết sử này.

Cho nên để giảng một bộ giảng về tu tập, vừa Thiền chỉ, vừa Thiền quán, điều này thuộc về Thiền quán. Bữa vừa rồi Thiện Trang đã giới thiệu qua 40 đề mục tu Thiền chỉ, và đem những gì trọng tâm để ở đằng trước, những gì chưa cần thiết để đằng sau. Để tu Thiền quán là phải học Duyên hệ, học Tâm sở v.v… Và để biết tu như thế nào thì phải học từng đề mục, từng thứ. Phải học như vậy thì mới tu được. Chứ mình nói vô tu, vô ngồi xếp bằng chút rồi gọi là tu, ngồi một chút niệm mấy tiếng Phật hiệu thì gọi là tu. Chưa đâu! Không phải đâu! Quý vị học chưa đủ, hành chưa đủ, Thiện Trang thấy có nhiều đồng tu tu hai mươi mấy năm rồi, không vô được chút nào hết, đó là vì sao? Vì mình không học, không hiểu, mình biết gì mà tu.

Mình cứ tự cho mình giỏi, nhất môn thâm nhập trường thời huân tu gì đó, nhưng khổ nỗi môn đó chưa vô được, môn đó không đúng. Quý vị đi trật cửa rồi, mà đòi nhất môn làm sao được, mình phải đúng hướng, đúng cửa. Trong kinh, luận, đức Phật có nói: Những người mà kiến (tức là thấy được, gọi là dấu tích), giống như thấy được dấu tích con thỏ, đã thấy dấu của con thỏ rồi, thì người ta mới đuổi theo con thỏ được. Còn mình chưa thấy con thỏ thì sao mà đuổi theo con thỏ được.

Cũng vậy, nếu mình chưa thấy được giáo pháp của Phật, thì làm sao mình có thể đi đúng đường được? Mà muốn thấy thì phải học. Vậy thì bao giờ thấy? Người nào mà thấy được, ngôn ngữ trong Kinh A Hàm gọi là “dĩ kiến đạo tích”. #Dĩ kiến là đã thấy; #đạo tích là dấu vết, dấu tích của đạo. Người đó trong kinh, đôi khi giải thích gọi là đắc Pháp nhãn tịnh, tức là Sơ quả Tu-đà-hoàn hướng (Sơ quả hướng), có khi là Sơ quả. Tại vì khi đã thấy được dấu tích rồi, thì bước tới mấy bước nữa thôi là thành công.

Bây giờ mình thấy dấu chân rồi, giống như mình đi tìm một con vật bị lạc, tìm con ngựa hay con gì đó bị lạc trong bãi sa mạc. Nhưng mình đã thấy dấu chân rồi, ở trong bụi cây, hoặc mình nói trong khu rừng, mình thấy dấu chân rồi, thì mình tìm tới sẽ rất gần. Cho nên nếu như đã tìm được dấu tích của đạo pháp, có nghĩa là mình đã đúng đường, thì mình sẽ đến thôi, nên đó có thể gọi là Sơ quả hướng.

Còn bây giờ mình học bao nhiêu năm rồi, mình tu bao nhiêu năm, mình vẫn chưa thấy đạo, mình vẫn không biết đường tu, thì quý vị có tu hoài cả đời cũng vậy thôi. Giống như người đi lạc giữa bãi sa mạc Sahara mênh mông, hay lạc giữa rừng Amazon vậy, không biết lối ra. Cho nên quan trọng là phải tìm được lối, tìm được lối rồi, thì đi chắc chắn sẽ đến. Có đủ thời gian tu chứng thì người đó sẽ chứng Sơ quả Tu-đà-hoàn. Đó gọi là Tùy tín hành, Tùy pháp hành. Trong kinh [Phật] nói hết, mình không học mà cứ tự cho mình ngon, thì xong rồi.

Thiện Trang nói với quý vị, Thiện Trang cũng mất rất nhiều thời gian xưa nay. Thiện Trang bây giờ nghiên cứu Đại tạng kinh, Thiện Trang mới thấy là có quá nhiều thứ mà mình không biết, và có thể nói là mình cũng bị Giới cấm thủ rất nhiều. Bây giờ thì biết rồi, không sao, giờ mình có thể thay đổi. Cho nên cố gắng học, không học nhiều đâu, bữa nay mới bài 19 thôi, đâu có nhiều đâu, mà Thiện Trang cung cấp cho quý vị rất nhiều điều, nên giảng chừng mấy chục bài là ok rồi, là đủ khá khá nền tảng [để] tu rồi.

Như thế nào là có Thân kiến, ở đây trích từ Phẩm Những Gì Được Ăn trong Tương Ưng Uẩn – Kinh Tương Ưng – Tạng Nikaya. Thật ra đức Phật nói về Thân kiến này nhiều lần lắm, nên chúng ta thấy cách nói này giống như cách nói trong Kinh A Hàm, ngôn ngữ có khác một chút thôi, nhưng [nội dung] giống nhau.

Đó là phần thứ nhất Thiện Trang cung cấp theo Tạng kinh. Phần thứ hai chúng ta sẽ tới phần Tạng A Tỳ Đàm, chúng ta đang học Tâm sở. Hôm nay sẽ tiếp tục giới thiệu cho quý vị về các món Tâm sở. Tâm sở trong A Tỳ Đàm có 52 món, quý vị nhớ 52 món Tâm sở gồm có: 13 món Tâm sở Tợ tha, 14 món Tâm sở Bất thiện và 25 Tâm sở Tịnh hảo. Và 52 món Tâm sở này kết hợp một hồi thì ra 121 [loại tâm]. Kết hợp như thế nào để ra 121 [loại tâm] thì quý vị từ từ rồi học, quý vị đừng thắc mắc, rồi ngồi cộng một hồi không ra con số 121. Không phải! Có cách ở trong đó, sau này mình tìm hiểu sau, đừng có vội thắc mắc.

Hôm bữa chúng ta đã tìm hiểu về 13 Tâm sở Tợ tha, tức là nó nương theo điều khác, gồm 7 Tâm sở Biến hành và 6 Tâm sở Biệt cảnh, Thiện Trang xin nhắc lại.

I. Tâm sở Tợ tha gồm 13 chia làm hai nhóm
I.A. Tâm sở Biến hành gồm 7: 1.Xúc; 2.Thọ; 3.Tưởng; 4.Tư; 5.Nhất hành (định); 6.Mạng quyền; 7.Tác ý
I.B. Tâm sở Biệt cảnh gồm 6: 1.Tầm; 2.Tứ; 3.Thắng giải; 4.Cần; 5.Hỷ; 6.Dục
 
II. Tâm sở Bất thiện gồm 14 chia làm hai nhóm:
II.A. Tâm sở Bất thiện Biến hành gồm 4: 1.Si; 2.Vô tàm; 3.Vô úy; 4.Trạo cử.
II.B. Tâm sở Bất thiện Biệt cảnh gồm 10:
1.Tham; 2.Tà kiến; 3.Ngã mạn; 4.Sân; 5.Tật (Tật đố); 6. Lận (che giấu);
7.Hối (Hối hận); 8.Hôn trầm; 9.Thùy miên; 10.Hoài nghi

I. Tâm sở Tợ tha gồm 13 chia thành 2 nhóm

I.A. Tâm sở Biến hành gồm 7: 1.Xúc, 2.Thọ, 3.Tưởng, 4.Tư, 5.Nhất hành (định), 6.Mạng quyền, 7.Tác ý. Bảy Tâm sở này luôn đi cùng khắp tất cả các tâm trong 121 loại tâm. Vì lúc nào nó cũng có mặt nên gọi là Biến hành, lúc nào cũng có, và nó nương tựa theo thằng khác nên gọi là Tợ tha. Tức là nó đi với nhóm thiện thì thành thiện, mà đi với nhóm Tịnh hảo thì thành tốt đẹp.

I.B. Tâm sở Biệt cảnh: [Tâm sở] Biệt cảnh cũng vậy, Biệt cảnh thì không phải lúc nào cũng có trong các tâm khác, có thể [lúc] có, lúc không có. Chúng ta tìm hiểu về Tâm sở Biệt cảnh gồm có 6: 1.Tầm, 2.Tứ, 3.Thắng giải, 4.Cần, 5.Hỉ, 6.Dục. Các [Tâm sở] này đang nằm trong Biệt cảnh.

Hôm nay chúng ta sẽ vào 14 Tâm sở Bất thiện. 14 Tâm sở Bất thiện này có nhiều cách chia, ở đây tạm chia [theo] Biến hành và Biệt cảnh. Có 4 Tâm sở Bất thiện Biến hành và 10 Tâm sở Bất thiện Biệt cảnh. Có nghĩa là ở đây có 4 Tâm sở này lúc nào [cũng] có mặt hết, miễn Bất thiện là có mặt. 4 [Tâm sở Biến hành] này dẫn đầu trong Bất thiện, là chủ trong những điều Bất thiện. Chúng ta học được 4 Tâm sở này, thì chúng ta biết ngay là Bất thiện lúc nào cũng có mặt 4 [Tâm sở Biến hành] này. Còn 10 [Tâm sở Biệt cảnh] sau này trong Bất thiện thì có lúc có, có lúc không. Sau này chúng ta sẽ học. Hôm nay Thiện Trang sẽ giới thiệu đủ 14 [Tâm sở Bất thiện] này, nhưng chỉ giới thiệu tên thôi, còn giảng thì giảng 4 [Tâm sở Biến hành] ở trên.

II. Tâm sở Bất thiện gồm 14 chia làm hai nhóm:

II.A. Tâm sở Bất thiện Biến hành gồm 4: 1.Si, 2.Vô tàm, 3.Vô úy, 4.Trạo cử.

II.B. Tâm sở Bất thiện Biệt cảnh gồm 10: 1.Tham, 2.Tà kiến, 3.Ngã mạn, 4.Sân, 5.Tật (tật đố), 6.Lận(che giấu), 7.Hối(Hối hận), 8.Hôn trầm, 9.Thùy miên, 10.Hoài nghi.

Chúng ta đọc qua cũng thấy quen hết đúng không quý vị? Đâu có gì lạ đâu, toàn là những [Tâm sở] quen. Bữa nay chúng ta sẽ cố gắng học về 4 [Tâm sở] này.

1. Tâm sở Si: Si là si mê, là sự hiểu biết mê mờ về nghiệp, quả của nghiệp, và về Tứ đế. Quý vị nhớ nha! Si ở đây định nghĩa trong Phật pháp không phải là si tình, không phải si là mờ mịt như thế nào đó, mà thế gian gọi là si tình. Si tình là yêu một cách mê mờ, không rõ ràng, ngơ ngơ ngác ngác, thì gọi là si tình. Còn ở trong Phật pháp thì không phải là si kiểu đó, mà là mê mờ về nghiệp, về quả của nghiệp, và về giáo pháp Tứ đế.

Vậy thì chúng ta có Si không? Nhiều người bây giờ cũng mê mờ về nghiệp lắm, không biết quả của nghiệp, giáo pháp Tứ đế cũng mê mờ luôn, cho nên đó mới gọi là Si. Si đó mới là Si của nhà Phật, không phải si kiểu mê mờ bình thường. [Si] được định nghĩa như vậy. Và Si này là nguyên nhân dẫn đến nhận định sai hay Tà kiến, từ đó mình tạo ra nhiều việc mang đến khổ và thống khổ cho đời sau. Vì Si cho nên mới khổ.

Thiện Trang lấy ví dụ là quý vị hiểu ngay, đơn giản vì chúng ta không hiểu về nghiệp, quả của nghiệp và [giáo pháp] Tứ đế, nên ta sinh ra đời ta [cảm] thấy tuyệt vời. Phải đi lập gia đình, phải kiếm một ngôi nhà xây, hai trái tim vàng, thêm mấy đứa con nữa, người ta gọi là một vợ, hai con, nhà ba lầu, xe bốn bánh, nói tóm lại là như vậy. Do điều đó mà ta đã khổ. Cho nên đó là Si. Si thì khổ thôi, vì không biết giáo pháp Tứ đế.

Giáo pháp Tứ đế nói rằng: Mọi sự hiện hữu trên đời này là khổ, còn ở trong này chắc chắn khổ thôi em ơi! Không thể nào [hết khổ]. Đời là bể dâu, đời là biển khổ, chắc chắn rồi! Không thể ở trong này mà không khổ. Có người nói: “Thưa thầy, nói vậy có sai không? Con thấy ở trên đời có những người sướng quá trời, sướng cực kỳ mà”. Đức Phật nói: Người sướng nhất trên đời là Chuyển Luân Thánh Vương. Chuyển Luân Thánh Vương là được như ý, có đầy đủ bảy báu vật, muốn gì được nấy. Nhưng Chuyển Luân Thánh Vương có nỗi khổ của già, bệnh và chết, vẫn luân hồi tiếp. Cho nên đó vẫn là khổ.

Quý vị ở thế gian này, dù quý vị là người giàu nhất hành tinh, quý vị mua hết đảo Hawaii đi, khu đó đẹp lắm, cho quý vị mua hết luôn. Quý vị có ô tô rồi máy bay riêng, quý vị đi con đường riêng, quý vị thích đi đâu thì đi, cho quý vị đi chơi khắp thế giới luôn. Quý vị muốn ăn hải sản hay muốn ăn món gì, món ẩm thực gì trên thế giới đều cho quý vị hết. Cho quý vị sống như vậy 100 năm, rồi quý vị cũng đến ngày bệnh, già, chết, đúng không quý vị? Thế thì vẫn là khổ đấy thôi. Đó là quý vị chưa nhận thức được về Khổ.

Sự thật về Khổ là có hiện hữu trên đời thì phải khổ. Cho nên đức Phật nói có ba nỗi khổ là nói chung, hay là có tám nỗi khổ là chia riêng cõi Người: nào là Sanh khổ; Già khổ; Bệnh khổ; Chết khổ; ghét nhau mà gặp hoài nên khổ, gọi là Oán tắng hội khổ; yêu thương mà không được nên khổ, gọi là Ái biệt ly khổ (yêu thương mà phải chia lìa cho nên khổ); cầu mà không được nên khổ, gọi là Cầu bất đắc khổ; điều khổ cuối cùng là Ngũ ấm xí thạnh khổ, tức là thân thể của chúng ta (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức) biến đổi liên tục, lúc thì mạnh, lúc thì yếu, lúc thì điều này mạnh hơn điều kia.

Ví dụ như thân thể bệnh đau thì dễ nói rồi, nhưng bây giờ mình nói đến tinh thần. Tinh thần nhiều lúc cảm nhận hừng hực nên cũng khổ, mà cảm nhận lạnh, nóng, v.v… đủ các khổ. Những nỗi khổ đó mình phải nhận thức được. Mình phải biết được nguyên nhân từ đâu mà khổ, con đường giải quyết khổ đó như thế nào, và sau khi giải quyết [khổ] thì được niềm vui như thế nào. Mình phải nắm rõ được như vậy, đó mới gọi là không si.

Đó là nói về si. Còn Tâm sở Si là gì? Tâm sở Si là khi chúng ta làm tất cả những việc gì, như suy nghĩ, hành động (tức là ba nghiệp thân, khẩu, ý), khi mình nghĩ trong đầu mà không có yếu tố của trí tuệ về nghiệp, không có yếu tố hiểu về quả báo của nghiệp, không hiểu về Tứ thánh đế, thì coi như mình đang si. Cho nên Si này khi nào [chuyển] thành trí tuệ thì mới không si. Vì vậy người ta nói đắc đạo A-la-hán dễ lắm, đắc Bát chánh đạo là được mà. Nhưng khổ nỗi hằng ngày tâm mình làm sao lúc nào cũng thường trực được trí tuệ về nghiệp, về quả của nghiệp, và về Tứ thánh đế. Khi nào trí tuệ về Khổ, Không, Vô thường cũng hiện tiền trong mọi suy nghĩ của mình, thì quý vị mới có được tuệ đó, gọi là Chánh tri kiến, Chánh tư duy mới có được.

Còn bây giờ mình đâu có. Cho nên không học giáo pháp nhuần nhuyễn thì làm sao có được, vừa khởi tâm động niệm là đã sai rồi. Đang nghe pháp đây, một chút đứa con tới đụng đụng, [kêu]: ‘Mẹ! Mẹ! Con cần cái gì đó…’ là nổi sân lên rồi. ‘Mày làm cái gì đó?’ Thì ngay lập tức mất [Chánh niệm]. Hoặc ông chồng chửi: ‘Làm gì mà nghe pháp suốt vậy?’ Là bắt đầu nổi xung lên rồi, thế thì không có [Chánh niệm] hiện tiền. Cho nên Tâm sở Si này thường xuyên đi với chúng ta, Tâm sở Si này là Vô trí đó. Cho nên mình làm những nghiệp đi với Vô trí như vậy, thì kết quả là đầu thai bằng tâm Vô nhân. Cho nên khó nha!

Học tới Tâm sở này rồi mới biết khó tu lắm! Làm sao được, đúng không? Nên quý vị phải [biết] Tâm sở Si này là pháp dẫn đầu cho tất cả các Tâm sở Bất thiện. Và [Tâm sở] này cùng với ba pháp còn lại tức là Vô tàm, Vô úy và Trạo cử, phối hợp với tất cả Tâm sở Bất thiện, cho nên gọi là Biến hành. Và [Tâm sở] Si này dễ nhận thấy lắm, vì trái với Trí, và không biết rõ về các pháp Chân như, nói chung là vậy.

Chính vì vậy nên càng si bao nhiêu, thì đẩy cho mình đi càng xa với Chánh đạo bấy nhiêu, quý vị hiểu không? Tâm sở Si này nguy hiểm lắm, nó dẫn mình đi sai lúc nào [không biết]. Ví dụ đơn giản có những đồng tu không theo được Chánh pháp [là] vì sao? Vì Tâm sở Si này quá mạnh, nên họ nhận định sai về Thiện tri thức. Đáng lẽ họ theo thầy đó, nhưng họ không theo, họ thấy thầy đó không ok, họ phải theo thầy kia. Theo thầy tà tà một chút, mê mê một chút, đẹp trai, đẹp mã gì đó…. còn nghe thầy Thiện Trang thì [họ] không nghe được, [như thế] chẳng hạn, hoặc vì [điều] gì đó. Điều đó thuộc về Si. [Nên] là rất khó, có nhiều thứ lắm.

          Và điều này luôn luôn xoay chiều. Nhân là mình thường huân tập với những điều trái với Chánh pháp. Mình càng gom nhiều, thì càng si nhiều. Cho nên hãy cố gắng làm sao để bớt si. Đó là thường xuyên học giáo pháp [về] nghiệp, giáo pháp về Tứ đế. Chỉ có học [hiểu] rõ đời là Vô thường, vô Ngã v.v… Quý vị coi, mai mốt mình học, đức Phật lúc nào cũng giảng Khổ, Không, Vô thường, vô Ngã. Cứ nhớ giùm bốn điều đó, làm sao hiện tiền trong đầu mình, và mình biết là ta đi với nghiệp của ta. Mỗi hành động trên tâm, trên thân của chúng ta đều kết nghiệp, và nghiệp đó mình phải nhận lấy.

Cho nên nếu như quý vị luôn luôn hiện tiền được suy nghĩ đó trong đầu (tức là mình luôn luôn nhớ được điều đó trong đầu) thì chúc mừng quý vị, quý vị đã vượt qua Si. Và như vậy quý vị sẽ liên tục tạo ra [nghiệp] đầu thai với tâm Tam nhân, ít nhất có thể tin tưởng điều đó, vì quý vị lúc nào cũng có trí tuệ. Và có thể quý vị sẽ đưa đến giác ngộ giải thoát, chứng quả. Quý vị kiểm tra thử quý vị làm được không nha! Chứ không mình nghe thấy tu thì dễ lắm, nhưng tới Tâm sở bắt đầu soi ra là rớt hết. Cho nên Thiện Trang hay nói: đa phần đồng tu chúng ta không học môn này, thì tu là tu trên hình tướng, tức là chỉ đoạn phần thô chứ không đoạn được phần tế. Tức là mình cứ nghĩ là mình có trí tuệ rồi đó, nhưng cựa một cái, ví dụ như Thiện Trang nói, nhiều người thần tượng một vị thầy nào đó. Ngày nào đó mình nghe người khác nói thầy của mình sai rồi, [thì] nổi sân lên, không chấp nhận, rất là tức tối.

Đó là Tâm sở gì quý vị? Chính là [Tâm sở] Si chứ gì nữa. Nếu mình biết Chánh pháp, thì đúng sai đâu có quan trọng gì đâu, miễn đúng thì thôi. Còn thầy mình cũng là phàm phu, sai thì thôi. Nếu như mình hiểu được, [thì] mình không có si. Nói vậy thôi, [nhưng] [chúng sanh] si ghê lắm quý vị, phải huân tập lâu ngày thì dần dần mới bớt [được]. Thiện Trang nói quý vị phải nhận diện được Tâm sở Si nha! Và tiêu chuẩn ở đây là hiểu rõ về nghiệp, về quả của nghiệp, về [giáo pháp] Tứ đế. Bao giờ mình hiểu rõ được điều đó thì hết si, còn không thì vẫn còn si.

2. Tâm sở Vô tàm: [Vô tàm] là không có sự hổ thẹn, không mắc cỡ đối với chính mình, đối với lương tâm. Tức là [Tâm sở Vô tàm] này khiến cho chúng sanh làm việc sai trái về hành vi, về lời nói, về ý nghĩ, làm không đúng. Nhưng họ không cảm thấy xấu hổ, và họ cũng không tôn trọng đức của mình.

Cho nên trong Chú Giải nói là chẳng thẹn, chẳng mắc cỡ với cách làm xấu ác, thì gọi là Vô tàm. Có nghĩa ở đây mình phải giải [nghĩa] hai điều: Một điều là Vô tàm, và một điều là Vô úy. Vô tàm là quý vị làm sai mà quý vị cảm thấy trơ trơ, không có gì hết. Nghĩ sai, làm sai, làm bậy, rồi tỉnh bơ, không có gì hết, kêu: “Ôi! Có gì xấu hổ đâu”. Cho nên nói chuyện vui vui là: con không phải tuổi hổ, con tuổi con trâu, cho nên không có xấu hổ. Con hổ xấu thì kệ nó chứ, con [là] con trâu mà, kiểu vậy đó. Đó là không phải! Tức là mình không cảm thấy áy náy, ray rứt với những việc làm sai, những hành động sai, suy nghĩ sai. Người như vậy gọi là không có hổ thẹn, tức là Vô tàm. Tức là lương tâm bị trơ rồi, hồi xưa ngôn ngữ ngoài đời gọi là “bị chó gặm rồi, chó ăn mất rồi”, kiểu vậy đó, nên làm sai [mà coi như] không có gì hết.

 Ví dụ như xã hội hiện nay người ta phá giới, mình thấy ở Việt Nam bây giờ hay tà dâm. Tà dâm tức là họ có vợ, có chồng rồi, mà họ còn đi ra ngoài, họ cứ quan hệ tùm lum hết, nhưng họ cứ tỉnh bơ, cho đó là bình thường, đó là không có ray rứt. Còn người có ray rứt, có một chút lương tâm, có Tàm là họ về thì họ cảm thấy sao sao, cảm thấy bất an, trái với [lương tâm] mình. Mình có lỗi với chồng, có lỗi với vợ, có lỗi với con, v.v…. Nếu quý vị là người chưa có gia đình thì quý vị cảm thấy có lỗi với cha mẹ v.v… Còn chúng ta học Phật pháp rồi, chúng ta cảm thấy có lỗi với Phật, Bồ-tát, Thiện tri thức của mình. Nếu mình còn có tâm đó, thì mình còn có tâm Tàm. Còn bây giờ không có điều đó là thôi, không có [tâm Tàm] luôn.

Tâm Tàm này ở trong A Tỳ Đàm đưa ra một ví dụ như thế này: “Như một con lợn ở trong làng, không cảm thấy ghê tởm trong việc ăn phân người. Cũng thế, Vô tàm không cảm thấy ghê tởm trong việc phạm vào những ác nghiệp”. Tức là làm việc ác [như]: sát sanh, trộm cướp, rồi làm đủ những việc ác, mà họ không cảm thấy ghê tởm, ghê sợ. Tức là tự mình thôi, tự mình cảm thấy không sợ gì hết, không áy náy lương tâm, thì như vậy là Vô tàm. Đó là bất thiện, và bất thiện này rất rõ ràng, là trạng thái không hổ thẹn với việc làm ác, khiến đưa đến làm nhiều việc bất thiện, việc ác. Và điều này sẽ thành tựu tăng trưởng các việc ác, tăng trưởng việc ác thì việc lành cũng dễ bị giảm. Bản chất (nhân) của [việc đó] là thiếu tôn trọng đức của mình, cho nên người tôn trọng đức của mình thì người ta sẽ không có điều đó, tức người ta sẽ có tâm Tàm. Mình tự đánh giá mình, lúc nào mình cũng thấy mình ok, mình cũng tốt đẹp mà v.v… lúc nào cũng cảm thấy vậy. Mà không cảm thấy áy náy là: À! Hôm nay ta đã lỡ làm một việc sai v.v… Mà [vẫn] cảm thấy bình thường, không có hổ thẹn. Người tu hành nhiều thì người ta sẽ có tâm Tàm, chứ không phải Vô tàm.

3. [Tâm sở] Vô úy: chữ #úy là ghê sợ; Vô úy có nghĩa là không có ghê sợ, không có sợ hãi. Tức là khiến cho một chúng sanh không có sợ hãi trong việc phạm vào những hành vi, lời nói bất thiện, và không tôn trọng ân đức của tha nhân (tức là người khác).

Úy là mình sợ tiếng của dư luận, có nghĩa là mình làm việc gì mình cũng phải sợ dư luận, thì gọi là Úy. Úy là mình sợ bên ngoài. Còn Tàm là tự [áy náy với] mình thôi, nhiều việc mình làm xấu có ai biết đâu, nhưng mình vẫn cảm thấy áy náy lương tâm thì đó là Tàm. Còn việc này mình làm ra, mình sợ thiên hạ biết: Tôi là Đông Tây Cư sĩ, nhưng tôi sợ mất cái danh đó quá, vì tôi làm việc đó mang tiếng. Rồi mình sợ thiên hạ biết, nói chung là sợ những tiếng gì đó, thì đó là Úy. Nếu như không có sợ: Thôi kệ! Thiên hạ nói mặc kệ, đạp lên dư luận mà sống, kiểu vậy đó. Những người như vậy thông thường là họ không có Úy, mà thông thường cũng đẩy chúng sanh đi vào đường ác rất nhanh.

Cho nên có ví dụ: giống như những con thiêu thân, con bướm cứ bay vào ánh đèn mà chết. Tức là nó thấy thích cái nào thì bay vào thôi, không sợ bay vào đó [sẽ] nóng, chết. Bao nhiêu con chết rồi [mà] nó không sợ, cứ bay vô thôi. Tâm sở Vô úy này cũng vậy, chỉ cần thích điều gì đó [là] bay vô, và bất chấp những hoàn cảnh xung quanh. Cho nên Úy là không sợ những điều bên ngoài. Và những người mà không sợ những điều bên ngoài thì thông thường ác pháp lên rất nhanh, thời nay cũng có như vậy.

Cho nên người tu tập phải có tâm Tàm, tâm Úy. Tức là mình phải có xấu hổ, hổ thẹn với bản thân mình, mình xấu hổ với gia đình, xã hội, v.v… Tại vì mình thấy mình là một người con trong nhà, đâu thể như thế được. Mình là một người học trò, đâu thể như vậy được, gọi là không xứng đáng với thầy của mình. Nếu mà thầy mình biết thì mình sẽ xấu hổ lắm v.v… Những người có những điều đó thì gọi là có Úy. Còn nếu không có, thì: Ôi! Mình sợ gì, thầy đâu có liên quan tới mình đâu, cha mẹ đâu có liên quan tới mình đâu. Cha mẹ có chửi mình, có mang tiếng thì kệ cha mẹ mình v.v… Cứ như thế, [thì] đó là Vô úy. Quý vị kiểm tra thử quý vị có không nha! Cho nên nếu mình tu thì mình hiểu, mình biết từ gốc là như vậy.

Cho nên ở trong Kinh Tăng Chi đức Phật có nói là: “Có hai pháp xấu ác, đó là Vô tàm và Vô úy”, đây là hai pháp xấu ác nha. Và sự liều lĩnh này là do Vô tàm và Vô úy. Thật ra là do quả Si che phủ tâm, khiến cho người ta lòa mắt đi. Cho nên lúc đó người ta cứ làm như vậy, họ bị cuốn hút vô đó, thấy điều đó là làm.

Ví dụ như bây giờ Thiện Trang nói đơn giản: một đứa thanh niên 18 tuổi lớn lên, nó được cha mẹ nuôi dưỡng từ nhỏ. Nó ra thành phố ăn học, bắt đầu bị dụ dỗ nghiện xì ke ma túy. Mới đầu nó không nghĩ tới hậu quả là sau này gia đình mang tiếng, cho nên nó cứ chui vào đó để nghiện. Sau này lỡ rồi, thì cũng biết sợ. Nhưng điều đó là do nó không lường trước được hậu quả đó, thì cũng thuộc về Vô úy. Tức là nó không có sợ, nếu không thì nó cũng biết chứ. Nó được giáo dục là nếu mình trở thành một con bị nghiện xì ke ma túy, hoặc là phạm pháp, rồi mai mốt mang tiếng cho gia đình. Nó nghĩ như vậy, đó là nó sợ dư luận xã hội.

Còn bây giờ nhiều khi không sợ luôn, đúng không quý vị? Thật ra ít nhất bây giờ còn có nhiều người còn biết sợ, còn nhiều người không có sợ gì hết. Rồi ăn mặc cũng vậy đó, quý vị thấy có nhiều người ăn mặc đâu có sợ thiên hạ nói đâu, cứ ăn mặc thiếu vải, chẳng hạn. Đó cũng một hiện tượng, đó là không sợ tiếng dư luận, những điều đấy đều là ác pháp cả. Cho nên nếu mình tu hành là mình phải có Tàm, Úy thì mới được, phải ngược lại, đó là nằm trong Tâm sở thiện. Còn đây là [Tâm sở] Bất thiện.

Ở đây Tâm sở Vô úy là trạng thái không ghê sợ đối với tự mình làm ác, việc của nó là làm các việc ác thành tựu và khiến cho các cảnh ác càng ngày càng tăng. Điều này là do mình thiếu tôn trọng ân đức của người khác, có nghĩa là do mình không có tâm nghĩ đến ân cha, ân mẹ, ân thầy, v.v… Cho nên mình làm gì mình cũng không sợ. Còn nếu quý vị nghĩ mình phải là một người con tốt, mình phải là một người học trò tốt v.v… thì tự nhiên mình sẽ có tâm đó. Nên quý vị hiểu [rằng]: không sợ là do mình không sợ, [và] mình không tôn trọng tha nhân, không tôn trọng ân đức của người khác đối với mình. Còn [Vô tàm] là do mình không tôn trọng đức hạnh của mình. Một điều là Vô tàm, còn đây là Vô úy.

Cho nên sẵn đây [Thiện Trang] kể cho quý vị nghe một câu chuyện để đỡ buồn ngủ, chứ không một hồi là quý vị ngủ gục hết, toàn nói lý thuyết không. Thiện Trang nhớ có câu chuyện thế này: Có một vị Bà-la-môn tên là Magandhiya, ông đó có một người con gái đẹp tuyệt trần, tên là Magandhi. Có bao nhiêu người đến hỏi cưới con gái của ông, nhưng ông lại thấy con gái của mình đẹp như vậy, thì phải gả cho người nào xứng đáng. Ngày đó do đức Phật quán thấy ổng có căn duyên sẽ được độ, nên đức Phật đến vùng đó để gặp ổng. Khi đi ở ngoài đường thì ổng thấy người này có tướng mạo rất tuyệt vời, tại vì đức Phật có 32 tướng tốt mà, cho nên ổng thích lắm, kêu: “Đây rồi! Đây là chàng rể tương lai của ta”. Cho nên ổng tới xin phép Sa-môn Cù Đàm (tức là đức Phật), kêu: Tôi có đứa con gái [đẹp] như vậy, như vậy… Tôi muốn gả cho ông, ông hãy đợi một chút. Đức Phật quán sát là sẽ độ ổng, cho nên Ngài đợi.

[Lúc đó] thì ông này đi về nhà nói với bà vợ là: “Hôm nay ta tìm được chàng rể rồi, tướng của [anh ta] đẹp lắm, mình hãy mau mau trang điểm cho con gái, cho ăn mặc xinh đẹp rồi dẫn ra, thế nào cũng có được chàng rể”. Sau đó hai vợ chồng dẫn đứa con gái tới gặp đức Phật. Khi đi ra thì đức Phật không chờ ở đó, mà Ngài đã đi chỗ khác, [nhưng] Ngài để lại dấu chân để cho ổng thấy dấu chân đó thì ổng biết đức Phật ở chỗ nào. [Vì] bà vợ có khả năng coi tướng, nên khi nhìn thấy dấu chân thì biết người này không phải người thường, nên nói: “Ông tìm làm sao, chứ tôi thấy dấu chân là biết người này vô dục rồi, họ không còn ham muốn đâu. Mình không thể gả con gái cho người đó được đâu”. Nhưng ông này không tin, nên hai người dẫn đứa con tới.

[Lúc đó] đức Phật thuyết cho một bài pháp, nói là hồi trước Ngài ngồi dưới cội cây Bồ-đề 49 ngày, thì [gặp] được ba cô con gái của Ma vương Ba Tuần cực kỳ xinh đẹp, đẹp còn hơn đứa con gái của ông nữa, mà Ta còn không động tâm. Ông có biết không? Đứa con gái của ông thực tế chỉ là lớp da bọc xương trong đó, rồi bên trong chứa toàn phân, nước tiểu, toàn là đồ ô uế v.v… Đức Phật giảng cho một bài pháp như vậy. Sau khi nghe xong thì hai người đó đắc Thánh quả, rồi xin xuất gia. [Hai người] gởi đứa con gái lại cho người cậu, để hai vợ chồng đi xuất gia. Sau khi xuất gia thì sau này hai người đều đắc Thánh quả A-la-hán.

Nếu mình nghe câu chuyện như vậy thì mình thấy bình thường, nhưng vấn đề nằm ở chỗ cô con gái. Tức là tuy là [cùng] một bài pháp, nhưng ba người lại nhận được khác nhau. Hai người cha mẹ thì ở trong kinh nói [nghe xong] là chứng được Nhị quả Tư-đà-hàm, còn cô con gái thì khi nghe đức Phật giảng, chê thân mình giống như cái bọc da chứa phân, nước tiểu ghê quá, cho nên cô ta uất hận, tức. Cô ta tức là vì sao mình đẹp nhất như vậy, mà bị Sa-môn Cù Đàm chê, cho nên cô ta nuôi lòng căm giận trong đầu, nói là tương lai mà ta có cơ hội lấy chồng tốt, thì ta sẽ trả thù.

Thật ra là đức Phật đã quán sát được điều đó, đức Phật biết, nhưng Ngài nhận thấy là sự lợi ích của bài pháp đó lớn, mang đến cho hai người được giải thoát, hai người đắc đạo. Cho nên việc kết oán với một người thì đức Phật cũng chấp nhận, vì lợi ích nhiều hơn, chứ không phải đức Phật không biết. Ngài biết cô gái này nghe xong thì cổ sẽ như vậy.

Về sau này thì cô gái đó làm Hoàng hậu thứ ba của vua Ưu Điền. Câu chuyện này dài lắm, Thiện Trang xin cắt, Thiện Trang kể về quả thôi, còn những chuyện lung tung ở giữa thì bỏ bớt. Có nhiều chi tiết hay lắm, nhưng [Thiện Trang] kể về cô này thôi. Sau khi cô này vào [cung], vị vua này đã có hai hoàng hậu rồi, nhưng vì cổ đẹp quá nên phong cho làm vị Hoàng hậu thứ ba. Chuyện này hay lắm, để bữa nào kể đoạn đó. Sau khi cô này biết đức Phật đến kinh thành đó khất thực, nhận [cúng dường] Trai tăng tại các nhà, thì cổ mới trả thù. Cổ thuê một nhóm người vô chửi đức Phật và Tăng đoàn thậm tệ, chửi đủ các kiểu, chửi rất tệ. Đến nỗi ngài A Nan nói là: “Bạch đức Thế Tôn! Họ chửi quá, họ chửi như vậy chúng ta nên bỏ đi chỗ khác, chúng ta không nên ở trong thành này nữa”. Đức Phật nói là: “Ông cứ nghĩ coi, việc gì xảy ra mà mình cứ trốn tránh, thì không bao giờ được giải quyết. Ông đi qua thành khác mà lỡ người ta chửi như vậy, thì cũng vậy thôi. Cho nên cứ ở đây, hãy đối diện với nó. Sau 7 ngày thì người ta sẽ không chửi nữa”. Quả thật là qua 7 ngày thì người ta không chửi nữa.

Trong câu chuyện này thì nhân quả của cô này là do cổ ghét một người hầu, nên đốt lửa giết người hầu. Sau đó vua mới trừng phạt, đáng lẽ là tội tử hình, nhưng sau đó là cắt chức [Hoàng hậu] và biệt giam vào trong đó. Đó là quả báo mà cổ [phải] nhận. Còn đoạn giữa thì có câu chuyện của một vị khác nữa, để khi khác Thiện Trang sẽ kể, câu chuyện cũng hay lắm.

Quý vị thấy có nghĩa là khi giảng pháp thì đức Phật luôn quán sát, việc lời giảng đó có lợi ích nhiều hay không. Nếu có nhiều lợi ích cho chúng sanh thì đức Phật vẫn giảng. Hai người đi xuất gia, thậm chí là đắc quả A-la-hán, thì đức Phật vẫn chấp nhận kết nghiệp với một người. Tức là đức Phật cũng không thể làm được việc lợi ích hoàn toàn 100%. Cho nên Thiện Trang cũng an ủi cho Thiện Trang thôi, có những điều mình giảng thì có người nghe thấy lợi ích, nhưng cũng có những người nghe cảm thấy không lợi ích. Nên quý vị cũng thông cảm, đức Phật còn như vậy, huống hồ chi Thiện Trang. Như vậy quý vị cố gắng hiểu cho.

Ở đây quý vị lưu ý là Tâm sở Vô tàm và Tâm sở Vô úy, dù làm việc gì mà quý vị có tâm đó thôi là đã bất thiện rồi, chứ không phải là làm việc thì mới bất thiện.

4. Tâm sở Trạo cử: Trạo cử có chỗ dịch là Điệu cử, [tra] chữ Hán thì chữ đó là chữ điệu hay chữ trạo cũng được. Có người thì đọc là điệu, có người thì đọc là trạo. #Điệu giống như trong chữ vũ điệu, vũ điệu là nhảy nhót; #trạo là xăng lăng. Cũng vậy, trạo với điệu, một cái là nhảy nhót, một cái là lăng xăng thì cũng giống nhau thôi.

Trạo cử là trạng thái tán loạn, lao chao, không kìm một cảnh. Tức là ý nghĩ của mình chạy lung tung không ngừng. Cho nên điều này thuộc về Tâm sở Bất thiện. Trong A Tỳ Đàm [đưa ra] ví dụ là giống như trạng thái mà quý vị cầm hòn đá ném vào một đống tro tàn, thì [tro] tung tóe ra hết. Đó là Trạo cử, là [trạng thái] tán loạn, lao chao. Giống như mình nhìn vào nước sôi, vì nước sôi quá nên mình không nhìn thấy rõ gương mặt của mình. Cũng vậy, người có Tâm sở Trạo cử thì sẽ không nhìn thấy hậu quả của những ác nghiệp. Cho nên họ làm lung tung lang tang.

 Những người có tâm như vậy thì thông thường họ tu tập không tốt. Họ làm một hồi thì mới biết là họ sai rồi. Chúng ta không nói họ, mà nói mình, lâu lâu mình cũng bị. Lâu lâu quý vị có bị nổi sùng, nổi tức, hay là nghĩ lung tung lang tang không? Đó là Trạo cử đó. Thiện Trang tiếp xúc nhiều rồi, đa số người nào cũng có trạng thái đó, nhưng hình như người nữ nhiều hơn. Người nữ lâu lâu hay nổi sùng, nổi sùng một cách không biết kiểu gì, có một việc gì đó là không kiềm chế được. Sau này thì họ mới nghĩ ra là mình sai rồi. Đó là thuộc về Trạo cử. Cho nên công phu Thiền định sẽ giúp cho trạng thái đó ít [hơn]. Người nào nhiều Trạo cử thì sẽ khổ thôi.

Trạo cử này cũng sanh ra theo tâm Si, và làm xáo trộn tâm, cho nên tâm mình cứ [chạy] liên tục. Cho nên trạng thái Trạo cử (chữ Trạo là ‘tr’ chứ không phải ‘ch’) sẽ làm cho tâm mình thường không yên tịnh, khiến cho mình làm việc không cẩn thận, và làm việc không vững vàng. Cho nên thường những người Trạo cử là những người thiếu cẩn thận. Tất nhiên là chúng ta thông thường chưa hết Trạo cử đâu, nhưng lúc có mà càng ít thì càng tốt. Và đây là nguyên nhân cho tâm không yên tịnh. Cho nên người tu vô định thì tâm của người ta yên tịnh. Còn mình không có định thì [Tâm sở] này nhiều.

Nguyên nhân dẫn đến Trạo cử là không khéo tác ý, tức là mình thường không sống được với Chánh pháp. Chánh pháp là một chuyện, mình học thì học vậy thôi, chứ mình sống theo Chánh pháp không được, tức là mình suy nghĩ gì đó lâu lâu bị trật khỏi Chánh pháp. Lấy ví dụ thực tế, [khi] quý vị nói chuyện với cha mẹ của quý vị, nếu quý vị luôn luôn có suy nghĩ rằng: đây là cha mẹ của mình, thì mình luôn luôn có lòng tôn trọng nhất định. Cho nên cỡ gì thì cỡ, mình cũng không bao giờ chửi cha mẹ. Đó là mình có trạng thái tâm yên định. Nhưng một hồi quý vị nổi giận lên, quý vị chửi cha mẹ, thì đó là Trạo cử. Vì quý vị không nhận định được đây là cha mẹ của mình, mình sống với Chánh pháp thì mình không được [như vậy]. Cho nên Trạo cử này cũng thỉnh thoảng xuất hiện, và là bất thiện, làm tâm của mình không yên định.

Cho nên 4 Tâm sở: Si, Vô tàm, Vô úy, Trạo cử là 4 Tâm sở Si phần, tức là thuộc về nhóm Si. Si phần là ngu si, Si ở đây là không rõ nhân quả. [4 Tâm sở này] biến hành trong tất cả các việc bất thiện (tâm bất thiện), và làm nền tảng cho tất cả các pháp bất thiện. Cho nên pháp bất thiện là luôn luôn đi với 4 Tâm sở này. Vì nếu có Si thì quý vị mới làm [những việc] bất thiện thôi, còn nếu có ánh sáng của trí tuệ thì làm sao quý vị làm bất thiện. Tất nhiên mấy [Tâm sở] Vô tàm, Vô úy này đi kèm với [Tâm sở] Si này. Và [Tâm sở] Trạo cử cũng vậy, cứ kéo lên liên tục làm cho mất Chánh niệm, mất ánh sáng của trí tuệ, nên mình mới làm việc ác thôi. Cho nên 4 [Tâm sở này] đi chung với nhau, mà chúng đi nhanh quá nên mình kìm không kịp và mình làm những việc ác là vì vậy. Quý vị coi có việc bất thiện nào mà không có 4 [Tâm sở] đó, lúc nào cũng có hết, quý vị cứ để ý xem có đúng không?

 Thiện Trang nói đơn giản, [chẳng hạn] như mình lấy việc phá giới cho rõ. Ví dụ như một vị Tỳ-kheo, một vị xuất gia phá giới (năm vừa qua ở Việt Nam mình có), họ phá phạm hạnh của họ, tức là phá giới dâm. Vậy rõ ràng họ có Tâm sở Si không? Lúc phá chắc chắn họ có si mê chứ, [vì] họ đang thích thú chuyện đó, họ quên mất là mình đang ở địa vị đó, nên không được như vậy. Đó là Si. Rồi họ không có hổ thẹn, bởi vì một vị Tỳ-kheo không được làm chuyện đó, mình phải hổ thẹn với lương tâm, mình không được làm. Rồi họ cũng không sợ: là tôi làm như vậy tôi cũng không sợ gì cả, không sợ thiên hạ nói tôi là Tỳ-kheo thế này thế kia. [Họ] đâu có sợ đâu.

Giống như chuyện ở một [ngôi] chùa ở Đồng Nai đó, thì lúc đó [vị đó] có tâm Trạo cử không? Trạo cử lúc đó có rồi, tâm rạo rực quá trời, không yên định cho nên mất Chánh niệm. Nếu có Chánh niệm thì làm gì người ta làm chuyện đó, người ta sẽ dừng lại được. Cho nên do 4 [Tâm sở] đó phối hợp đồng thời, tất nhiên còn một mớ đằng sau nữa, mấy [Tâm sở] Bất thiện đi kèm nữa. Nhưng ít nhất có bốn [Tâm sở] đó, gọi là bốn Tâm sở Bất thiện Biến hành, nên mới khiến cho người ta làm việc đó.

 Quý vị nghĩ coi, quý vị là Cư sĩ tại gia thôi, khi quý vị làm việc xấu thì quý vị cảm thấy an hay bất an? Nếu quý vị làm việc xấu mà quý vị không cảm thấy bất an, thì chứng tỏ quý vị không có Tàm, không có Úy rồi. Còn nếu mình làm việc xấu nào đó mà mình lỡ làm rồi, tức là làm việc xấu là có bốn yếu tố đó rồi, nhưng mình cảm thấy bất an. Vì sao bất an? [Vì mình nghĩ]: “Ôi không được! Mình tu hành mà thế này thì hổ thẹn với đức hạnh của mình, bữa nay mình thiếu đức rồi. Mình cảm thấy hổ thẹn với Phật, Bồ-tát”. Quý vị thì không biết sao, [còn] Thiện Trang thấy nếu mình làm sai mà lên đối trước tượng Phật, Bồ-tát thôi, thì mình cũng thấy ngại rồi: “Con xấu hổ quá! Hôm nay con làm việc này sai”. Cảm thấy [làm] một việc sai thôi là áy náy, cắn rứt lương tâm vô cùng, huống hồ chi làm mà không có [Tàm, Úy], thì nói chung là đi quá xa [rồi].

Cho nên đây là nhân tố để tu tập, mình hãy làm ngược lại những yếu tố này, mình phải cố gắng sáng suốt, tức là có trí tuệ. Hãy cố gắng có Tàm, có Úy. Và thay vì Trạo cử thì mình định lại, mình không lăng xăng. Mai mốt mình học hết thì mới đưa vào tu, và tu như thế nào thì mình phải phối hợp 52 món Tâm sở này thế nào để mình tu. Mình nhìn thấy cứ [Tâm sở] Bất thiện thì mình bỏ ra.

 Đó là Thiện Trang đã giới thiệu xong, còn mấy Tâm sở [Bất thiện Biệt cảnh] thì để bữa khác, bữa nay mình cố gắng trở lại với Luận Câu Xá một chút, học được bao nhiêu thì học, chứ giảng toàn A Tỳ Đàm không thì không biết bao giờ mới hết. Bây giờ Thiện Trang xin trở lại với Luận Câu Xá. Hôm bữa học bài kệ 15 phần 1, chúng ta đọc lại một chút cho nhớ, chứ không chúng ta quên mất rồi. Lâu quá rồi [Thiện Trang] toàn giảng A Tỳ Đàm với giảng kinh thôi, mặc dù mang tiếng là giảng bộ Luận Câu Xá, nhưng [Thiện Trang] phải giảng mấy phần đó để chúng ta tu trước đã, chứ còn đợi giảng tới đó lâu lắm.

Bài kệ 15, phần 1:

Thử trung Căn dữ Cảnh此中根與境,Căn và Cảnh trong đây
Hử tức thập xứ giới.許即十處界。Bao gồm mười Xứ giới.

 Bữa nay chúng ta học phần 2 của [Bài kệ 15]:

 Bài Kệ 15 – Phần 2 + Bài Kệ 16

Thọ lãnh nạp tùy xúc受領納隨觸,Thọ lãnh nạp theo xúc
Tưởng thủ tượng vi thể想取像為體,Tưởng lấy hình làm thể
Tứ dư danh Hành uẩn四餘名行蘊,Ngoài bốn loại Hành uẩn
Như thị Thọ đẳng tam如是受等三,Và ba thọ như thế
Cập Vô biểu Vô vi及無表無為,Cùng Vô biểu Vô vi
Danh Pháp xứ Pháp giới.名法處法界。Là Pháp xứ Pháp giới.

 Giải:

Bài kệ này thuộc vào dạng một trong những bài kệ dễ, thật ra Luận Câu Xá này phần đầu hơi lung tung lang tang, hơi khó một chút, vì có nhiều nghĩa giải thích nâng cao. Nhưng nếu mình học trong bài kệ ra thì cũng không khó lắm. Ví dụ câu đầu tiên trong bài kệ:

#Thọ lãnh nạp tùy xúc: tức là Thọ trong Xúc, Tác ý, Thọ, Tưởng, Tư, thì chúng ta cũng đã học [rồi]. Trong Thọ, Tưởng, Hành, Thức, thì Thọ này chính là lãnh nạp theo xúc. Thọ này có được, lãnh thọ được và nạp vô được là nhờ từ tiếp xúc.

Ví dụ chúng ta có cảm nhận là hôm nay trời nóng quá, đó thật ra là do thân thể chúng ta tiếp xúc với không khí, thì mới lãnh nạp được cảm giác; #lãnh là nhận; #nạp là thu nhận vô; cho nên hiểu được rằng: hôm nay thời tiết nóng là do tiếp xúc qua Thân thức của mình. Hoặc mình nhìn thấy hôm nay thầy Thiện Trang mặt mày sáng láng lên, hoặc là xấu đi chẳng hạn. Quý vị thấy như vậy là tại vì quý vị lãnh nạp điều đó qua Sắc, tức là quý vị nhìn thấy hình ảnh. Thọ là cảm nhận của mình, mình cảm nhận là tốt hay xấu.

Thọ có ba thọ là: Thọ khổ, Thọ lạc và Thọ xả. Có người nhìn thấy hôm nay thầy hoan hỉ quá, cười tươi. [Cho nên] mình cảm thấy vui vẻ, hoan hỉ [theo]. Đó là Thọ hỷ, do mình nhìn ở trên sắc (hình tướng). Do mình nghe âm thanh của thầy Thiện Trang đang giảng, hôm nay nghe giọng thầy tốt [thì] mình thấy vui vẻ. Đó là do lãnh nạp của xúc; #xúc là tiếp xúc. Mắt quý vị tiếp xúc thấy hình sắc, còn tai của quý vị tiếp xúc với âm thanh, từ điện thoại, tivi, máy tính của quý vị phát ra. Thọ đó thật ra là nương trên những thứ nhận được từ xúc, nói theo ngôn ngữ bây giờ là như vậy.

#Tưởng thủ tượng vi thể: Tưởng thì lấy hình tượng làm bản thể (bản chất). Sau khi mình hiểu được tất cả các vấn đề rồi, bắt đầu mình tưởng ra. Tưởng là lấy đối tượng, ví dụ quý vị mở YouTube lên, thấy hôm nay thầy Thiện Trang giảng, đây là hình thầy Thiện Trang nè. Vì sao? Vì quý vị có Tưởng. [Tưởng] lấy hình của Thiện Trang, lấy hình kênh Thích Thiện Trang v.v… nạp vô qua thức, gọi là Nhãn thức. Nhãn thức của quý vị xử lý, đem hình đó so sánh với dữ liệu đã có trong quá khứ gọi là kinh nghiệm. Và qua kinh nghiệm đó đưa ra kết quả: Đây là thầy Thiện Trang, chứ không phải thầy khác. Và xác định là ta đã mở đúng bài, đúng kênh.

Tưởng chính là lấy hình làm thể, rồi tưởng về tương lai [như] [ngày] mai thầy giảng như thế nào… [hay] mình nghĩ ngày mai thế nào v.v…. Đều là lấy hình [của] năm nay, bắt đầu biến đổi dự đoán sang năm, [ngày] mai thế này thế kia… Ví dụ như Thiện Trang nói năm nay Thiện Trang đang 42 tuổi, đó là nói theo người Việt, còn nói theo người Tây thì 41 tuổi thôi. Thiện Trang nói mai mốt Thiện Trang sẽ 60 tuổi, Thiện Trang sẽ già. Bắt đầu quý vị tưởng tượng ra ngay: À mai mốt thầy Thiện Trang sẽ già như thế này thế kia v.v…

Do đâu mà quý vị tưởng tượng như vậy? Vì quý vị sẽ kết hợp những hình tướng, những hình của Thiện Trang bây giờ, rồi hình của ông già nào đó, ông nội ông ngoại của ai đó v.v…. Quý vị tự đem những kinh nghiệm mà quý vị tưởng tượng về người già, quý vị ráp một hồi ở trong đó, [cuối cùng] tạo ra: À mai mốt thầy già sẽ như thế này v.v… nghĩ đủ các kiểu.

Tức là do Tưởng và mỗi người tưởng ra một hình khác nhau. Nếu cho vẽ ra thì không giống nhau. Cho nên Tưởng đó lấy hình làm thể. Hình không phải mỗi hình ảnh, mà có cả âm thanh. Giả dụ như quý vị sẽ đoán là [khi] thầy Thiện Trang 60 tuổi thì sẽ nói giọng chậm lại, giọng sẽ không còn mạnh mẽ như bây giờ v.v… quý vị tưởng một trời [thứ]. Những điều đó thuộc về lấy hình làm tưởng, làm thể, làm bản chất. Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, thì mình học Thọ và Tưởng rồi đó.

#Tứ dư danh Hành uẩn: tức là ngoài bốn loại Hành uẩn. Điều này chúng ta đã học rồi. [Ngoài] bốn loại Hành uẩn là Sắc, Thọ, Tưởng, Thức, thì còn có một điều là Hành uẩn. Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là năm điều.

#Như thị Thọ đẳng tam: Và ba thọ như thế. Ba thọ là: Thọ lạc, Thọ khổ và [Thọ] không lạc không khổ. Ba thọ như vậy, rồi ở trên có bốn Hành uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành. Ở đây không nói Thọ nữa, vì mình đã nói bốn loại có Hành uẩn rồi. Thật ra Tứ dư là bốn loại, #dư là ngoài, [ngoài bốn loại thì] gọi là Hành uẩn. Ngoài bốn loại rồi thêm Hành uẩn nữa là năm. Và ba thọ như thế là Thọ xả, Thọ khổ và Thọ lạc.

#Cặp Vô biểu Vô vi: Vô biểu sắc chúng ta đã học rồi. Các pháp Vô vi mình cũng học rồi. Ở trong bộ Luận Câu Xá này có ba pháp Vô vi thôi.

#Danh Pháp xứ Pháp giới: gọi là Pháp xứ và Pháp giới. Định nghĩa Pháp xứ, Pháp giới thật ra là kể hết các Sắc, Tưởng, Hành, Thức, [và] mấy Thọ này, rồi Vô vi pháp, Vô biểu nghiệp. Cộng hết lại những thứ đó gọi là Pháp xứ hay Pháp giới. Bữa sau mình đụng tới khái niệm Pháp xứ, Pháp giới thì mình hiểu là gồm tất cả các Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, rồi Vô biểu nghiệp, Vô vi. Mình hiểu như vậy là được.

論 曰:受 蘊 謂 三,領 納 隨 觸,即 樂 及 苦、不 苦 不樂。此 復 分 別 成 六 受 身,謂 眼 觸 所 生 受 乃 至 意 觸 所 生受。

Luận viết: Thọ uẩn vị tam, lĩnh nạp tùy xúc, tức lạc cập khổ, bất khổ bất lạc. Thử phục phân vi thành lục thọ thân, vị Nhãn xúc sở sanh thọ nãi chí Ý xúc sở sanh thọ.

Giải:

#Luận viết: tức là Luận nói rằng.

#Thọ uẩn vị tam: Thọ uẩn gồm ba loại.

#Lãnh nạp tùy xúc: là sự lãnh nạp cảm nhận theo sự tiếp xúc; #xúc là tiếp xúc.

#Tức lạc cập khổ, bất khổ bất lạc: #cập là và; tức là gồm Thọ lạc và Thọ khổ, rồi Thọ không khổ không lạc.

#Thử phục phân vi thành lục thọ thân: Thọ này lại chia ra làm sáu thọ thân. Tại sao? Ở đây có nói luôn:

#Vị Nhãn xúc sở sanh thọ nãi chí Ý xúc sở sanh thọ: tức là chia [thọ] này làm sáu, bởi vì gồm có mắt tiếp xúc mà sanh ra. Mắt tiếp xúc với cảnh mà sinh ra cảm thọ.

          Lúc nãy Thiện Trang có nói rồi, như mắt của mình thấy hình sắc, ví dụ quý vị vô một ngôi nhà mà người ta trang trí toàn những đồ chông gai, [rồi góc] cạnh, cạnh, cạnh thì mình thấy khó chịu. Đó là cảm thọ khó chịu do mắt mang tới. [Còn] mình vô nhà đó mà mình cảm thấy nhà đó sao vuông vức, đẹp quá. Mình thấy người dễ chịu ra. Đó là cảm giác [thọ] lạc do mắt đem tới, do Nhãn thức của mình đem tới. [Tức là] sự tiếp xúc của mắt với cảnh sắc mà sanh ra. Rồi có khi mình vô căn nhà đó mình thấy bình thường, vì căn nhà đó ngày nào mình cũng ở trong đó mà, giống y chang căn nhà của mình thôi, cho nên trơ trơ ra, thì gọi là xả thọ, tức là không lạc không khổ. Thông thường mình ở nhà của mình thì ít có cảm giác lạ. Còn quý vị lâu lâu đi tới nhà người ta, hoặc là ai đi công tác tới ở khách sạn, thì tới đó mới có cảm giác mới mới. Nhưng quý vị ở một thời gian rồi cũng quen, cũng [thấy] bình thường.

          Tương tự như vậy, loại thứ hai là về Thọ, là do từ Nhĩ (là tai) nghe. Có những âm thanh mang lại cho mình cảm giác dễ chịu, hoặc là cảm giác khó chịu, hoặc là trơ trơ, vì [âm thanh] nghe hoài cũng quen rồi. Điều này nếu nói ra thì có nhiều pháp lắm. Ví dụ có nhiều người do nghe quen âm thanh như thế, và họ thích nghe âm thanh đó. Có một số người có xu hướng như vậy. Cho nên họ nghe như vậy quen rồi, họ thích như vậy thôi, nghe âm thanh khác thì họ không chịu được. Cũng vậy, có những người thích hoàn cảnh như vậy, màu sắc như vậy, và suốt ngày họ chỉ thích như vậy thôi, khi đổi thì họ không chịu được. Còn một số người thì ngược lại, điều nào nhàm quá là chán, [mà chỉ] thích điều mới.

          Điều này là tu đó, và [tu là] nằm ở đây. Quý vị mà rớt vào hai trạng thái đó, Thiện Trang nói quý vị: chúng ta đều là phàm phu cả, nghiệp nặng lắm, nếu bị nặng về điều đó thì là phàm phu. [Và muốn] nhẹ lại thì mình phải xả thọ. Tức là làm sao cảnh đổi cũng được, không đổi cũng được, thế nào cũng được, cứ trơ trơ ra, gọi là xả thọ. [Đối với] âm thanh [mình] cũng phải như vậy.

Tiếp theo loại thứ ba là mùi hương. Loại thứ tư là vị, vị tức là những đồ ăn mình ăn vô. Cho nên có những người thích ăn món đó miết thôi, tức là họ chỉ có khuynh hướng ăn một món đó miết. Còn có những người thay đổi miết, vì người ta thích cảm giác mới. Đó là khuynh hướng tâm lý. Nếu mình biết tu là mình làm sao để không rớt vào Chấp trước, tức là mình ăn [món nào] cũng được, ta ăn món mới cũng cảm thấy bình thường, ta ăn món cũ cũng cảm thấy bình thường, sao cũng được. Đấy là luyện công phu.

Thứ năm là tiếp xúc của thân thể đối với vật chất. Điều này cũng vậy, có người thích kiểu êm êm, gối, chăn mềm, dễ chịu. Còn có người thì thích cứng, mỗi người mỗi kiểu. Đó là khuynh hướng tâm lý, [do] nghiệp nhiều đời tạo nên. Nếu mình làm chủ được những điều đó, thì cố gắng đưa xúc này về xả thọ hết, làm sao [để] mình chịu được.

Nhưng tất nhiên nói [là nói vậy thôi], chứ phàm phu khó lắm, vì theo thói quen mà. Thiện Trang nói thế này: nếu chúng ta tu mà không thế chống đối được với cảnh, tức là cảnh thay đổi [nhưng] mình không thay đổi được, thì hãy cố gắng sống y như cũ. Tức là mình sống y như cũ thì tâm mình dễ xả thọ. Tại vì bây giờ mình bị đổi liên tục, mình chạy theo nó mà, [thì khó].

Trong mấy điều đó, thì [có] pháp cảnh nữa, còn một điều nữa là Ý, Ý tiếp xúc với pháp. Pháp là nghe những điều gì mới mẻ thì mới cảm thấy hấp dẫn, [còn] nghe hoài, nhàm chán [thì sẽ] trơ trơ ra. Thật ra trơ trơ thì đỡ, nhưng nhàm chán là cũng thọ ưu, thọ khổ. Cho nên điều này khó. Khó thì Thiện Trang khuyên quý vị là sống làm sao để cân bằng, làm sao mình sống với xả thọ càng nhiều thì càng tốt. Trong sáu loại thọ này, mình cứ đưa vào thọ cân bằng, tức là xả thọ, tức là bất lạc bất khổ. Tùy thế mạnh của quý vị là thế mạnh nào thì quý vị hãy dùng điều đó.

Ví dụ hoàn cảnh của mình, mình thích là phải để trơ trơ như vậy thì không sao, cảnh không thay đổi. Nhưng có người phải có sự thay đổi thì mới tạo sự phấn chấn lên, thì mình cũng thay đổi. Trong tu tập Thiền định, quý vị phải cẩn thận. Coi vậy chứ ảnh hưởng ghê lắm! Quý vị cứ đắp lên phòng mình những màu mà mình không thích, thì suốt ngày mình cảm thấy khó chịu. Nếu mình không chuyển đổi nổi, mình không quán nổi, thì quý vị hãy lựa màu mình dễ chịu. Và màu mình dễ chịu lâu ngày thì [trở thành] bình thường, sẽ thành xả thọ. Vì không có mới mẻ nữa thì thành bình thường thôi.

Còn nếu người nào đó, ví dụ như tâm của quý vị đang hôn trầm, buồn ngủ quá, mệt mỏi quá, rũ rượi quá. Đó là do chán cảnh hoặc trơ trơ đối với cảnh, thì lúc đó mình có thể trang trí lại phòng, hoặc mình ăn uống gì đó làm cho mới mẻ lại. Thay đổi món ăn, thay đổi điều gì đó, những sự thay đổi đó kích thích tạo nên tâm Thọ hỷ, Thọ lạc. Tuy là vẫn còn đọa lạc, nhưng nó kích thích đỡ hơn, [giúp] mình vượt qua những trạng thái tâm lý không tốt.

Nên những người bị những bệnh trầm cảm thì quý vị hãy chữa cho người ta bằng sáu cảnh này. Hãy làm cho người ta thấy, mình phải biết sở thích của người đó là gì, để mình tạo cho họ sống theo tâm Lạc thọ nhiều, thì họ sẽ bớt bệnh trầm cảm. Còn người trầm cảm mà quý vị đẩy họ toàn vào [những cảnh nhàm] chán, với Thọ khổ không thôi, thì một hồi bệnh nặng hơn. Cho nên điều đấy học thì nói đơn giản vậy, mà thật ra là cả quá trình tu hành và sống trong đời hạnh phúc.

Quý vị không biết đâu, hoàn cảnh tạo ra con người, hoàn cảnh tạo ra niềm vui hạnh phúc. Có người sống ở đâu cũng được hết, đó là định lực cao. Nhưng có những người phải ở môi trường yên yên một chút, tĩnh lặng một chút, nhìn cây cối, mây, trời, hoa, nước một chút, thì họ mới có thể tu tập tốt được. Có người ở nơi yên tĩnh thì được, còn có người ở nơi yên tĩnh thì buồn, ngược lại như vậy. Cho nên mỗi người mỗi khác nhau, quý vị hãy tự [lựa chọn cho phù hợp], và ai đó đi đường nào cũng được.

Thiện Trang cũng xin chia sẻ là sức chịu đựng của Thiện Trang rất tốt, cho nên bao nhiêu năm qua Thiện Trang ở nhiều nơi lắm. Ví dụ như hồi xưa ở chùa Sư phụ, phòng vừa nóng, vừa chật, ồn ào, bên cạnh đó là đường xe chạy rầm trời rầm đất. Rồi người ta hát nhạc, người ta có tiệm làm sắt cứ kêu re re, re re suốt ngày. Nhưng ở hoài nên Thiện Trang thấy bình thường, không biết gì hết, giống như không vậy. Người khác tới kêu sao thầy ở phòng đó được? Thiện Trang nói ở hoài nên quen, không có tác dụng gì hết, cũng như không, tai vẫn nghe re re re.

Giống như hồi xưa, Thiện Trang nhớ hồi sinh viên, đầu năm thứ hai Thiện Trang với bạn chuyển từ khu Đồi Trà ra khu Thông Thiên Học ở Đà Lạt. Quý vị biết ở trước trường Đại học Đà Lạt có khu Đồi Trà, khu đó cũng gọi là khu lý tưởng. Sau rồi mình thấy khu đó ăn chơi dữ quá, mình thấy không học được nên mình xin chuyển nhà trọ đi nơi khác, thì lại ở ngay khu Thông Thiên Học, không biết là đối diện ngay cổng doanh trại quân đội. Mà quý vị biết doanh trại quân đội thì ban trưa thổi ò í e gì đó, làm cho một tăng, chắc đánh thức hay gì đó, [còn] buổi sáng thì chạy bộ rầm trời, rầm đất. Thế là mình tới là mình mất ngủ, vì cứ sáng sớm là họ chạy, hồi đó mình dậy trễ. Bộ đội thì năm giờ bắt chạy rồi, chạy mà la hét rầm trời ngoài đường, chạy sát phòng trọ. Trưa thì thổi còi, tối thổi còi gì đó, inh ỏi hết, mất ngủ. Bây giờ lỡ chuyển rồi, đóng tiền rồi, không ở không được.

Nhưng quý vị biết không? Ở một thời gian cũng quen, sau đó chẳng nghe thấy tiếng gì cả, tiếng gì cũng vậy thôi. Có nghĩa là ở một hồi thành xả thọ, mới đầu thì thọ khổ, sau đó là xả thọ. Cho nên ở môi trường nào quen, một hồi là mình xả thọ được thôi. Còn có nhiều người, người ta khó chịu thế nào đó. Ở bên đường tàu, chỗ nào tàu chạy thì quý vị có thể không cảm nhận rõ, nhưng Thiện Trang đã từng ở nên Thiện Trang biết, mỗi lần tàu hỏa chạy qua là nhà mình rung khủng khiếp lắm. Nhưng người ta ở lâu người ta quen, họ không cảm thấy rung, ngủ ngon lành, không biết gì luôn. Tức là lâu ngày cơ thể mình tự điều tiết thế nào đó, điều tiết được. Nhưng Thiện Trang để ý thấy nó rung, bữa nào đang ngồi tĩnh tọa là thấy rung dễ sợ, giống như bay.

Cho nên mình học điều này là để mình luyện nhận thức. Người tu là phải biết được cảm nhận của mình, chứ còn một hồi mà cứ xả thọ kiểu đó, mà không biết, cứ xả thọ cách tự nhiên thì đó vẫn là si. Còn mình phải biết là đang thọ này, đang thọ kia, cho nên biết thì mới cảm nhận được. Nếu không biết thì ráng luyện, còn luyện không nổi thì ráng tìm môi trường thuận lợi. Nên bên Nam truyền người ta tu, họ biết lựa môi trường. Biết người đó thường hay mơ mộng, suốt ngày nhìn cảnh nào cũng mơ mộng, thì cho vô phòng không có cảnh gì hết, bốn bức tường cùng một màu, không trang trí gì [để] hết khỏi tưởng tượng. Chứ không vô đó tưởng tượng đủ thứ hết, [thế] là khỏi mơ mộng.

Cho nên mình phải có những điều đó, quý vị ở nhà cũng vậy, quý vị coi trang trí phòng tu như thế nào. Thiện Trang thấy cách đơn giản là trang trí càng đơn giản bao nhiêu, thì càng đỡ khởi tâm động niệm bấy nhiêu. Và như vậy đó là cách tu. Vì chúng ta là phàm phu, chúng ta bắt cảnh nhanh lắm, bắt cảnh rồi chạy theo cảnh nhanh lắm, chứ mấy ai có định lực đến nỗi không có gì.

Giống như hồi xưa thầy Thiện Trí đến thăm Thiện Trang ở thất tại Long Khánh, Đồng Nai, thầy Thiện Trí nói: “Sao huynh không trồng gì hết, không có cây cảnh, không có gì hết?”. Thiện Trang nói “Có cây cảnh nữa à? Đâu biết đâu”. [Thầy Thiện Trí nói]: “Vậy là tâm huynh là tâm ‘Không’, không có gì hết”. Không có gì là tại vì mình không nghĩ tới, người ta nhắc mình mới [nghĩ]: À! Hóa ra mình không trồng gì hết, là vì mình không nghĩ tới. Có người nhắc thì mình mới nhớ là mình không làm. Đó là do mỗi người đặt tâm vào một điều khác nhau, mình cứ hiểu khuynh hướng tâm lý của mình như thế nào. Mình càng để ý bên ngoài nhiều thì trong tâm mình thường không rõ.

Tạm dịch: Luận ghi rằng: Thọ uẩn gồm ba loại, lãnh nạp [cảm nhận] theo sự tiếp xúc, tức là gồm lạc và khổ, không khổ không lạc. Thọ này lại chia ra thành sáu loại thọ thân, là do sự tiếp xúc của mắt mà sanh ra thọ cho đến sự tiếp xúc của Ý thức mà sanh ra thọ.

Do những giác quan của mình tiếp xúc với điều gì mà sinh ra thọ, có sáu loại đó. Như vậy nếu nhân ra: 6 x 3 là 18 loại. Bữa nay mình học Thọ rồi, mình học thêm Tưởng nữa.

想蘊謂能取像為體,即能執取青黃長短、男女怨親、苦樂等相。此復分別成六想身,應如受說。除前及後色、受、想、識,餘一切行名為行蘊。

Tưởng uẩn vị năng thủ tượng vi thể, tức năng chấp thủ thanh huỳnh trường đoản, nam nữ oán thân, khổ lạc đẳng tướng. Thử phục phân biệt thành lục tưởng thân, ưng như thọ thuyết. Dư tiền cập hậu Sắc, Thọ, Tưởng, Thức, dư nhất thiết hành danh vi Hành uẩn.

Giải:

#Tưởng uẩn vị năng thủ tượng vi thể: tức là Tưởng uẩn có công dụng lấy hình tượng làm vật chất, lúc nãy Thiện Trang đã giải thích rồi.

Ví dụ như quý vị gom những thông tin lại, nên quý vị tưởng ra Thiện Trang như thế này, như thế kia. Mỗi người xây dựng một hình tướng như thế ở trong tâm. Và nếu vẽ ra thì mỗi người vẽ ra một thầy Thiện Trang không giống lắm. Bây giờ [vẽ thì] còn giống nhau, nhưng cho vẽ thầy Thiện Trang vào 30 năm sau, là bắt đầu mỗi người vẽ mỗi kiểu, không giống nhau, có thể khác. Có người bị bệnh cận [thị], cho nên họ vẽ thầy Thiện Trang lúc đó đeo kính cận vô, vì họ tưởng tượng theo kinh nghiệm của họ.

#Tức năng chấp thủ thanh huỳnh trường đoản, nam nữ oán thân, khổ lạc đẳng tướng: #năng là công dụng; tức là [Tưởng] có công dụng chấp giữ những tướng như xanh, vàng, dài, ngắn, nam, nữ, kẻ oán, người thân, khổ, vui v.v… những tướng như vậy. Tức là tự nhiên Tưởng này có công năng là giữ gìn, giữ lại những bản chất. Ví dụ như thầy Thiện Trang da vàng, (xanh, vàng, đỏ, trắng), biết thầy Thiện Trang cao khoảng bao nhiêu, biết thầy Thiện Trang là nam chứ không phải Ni cô, rồi biết đó là người thân chứ không phải người oán. Quý vị ghi nhận những điều đó trong đầu, đó gọi là kinh nghiệm, rồi khổ hay vui là do người đó mang lại v.v… Những tướng như vậy tự nhiên đưa vào trong tâm chúng ta. Nên khi gặp người đó mình nhận ra ngay, xác định đây là người đó. Bởi vì mình sẽ biết đó là người thân, da vàng hay da trắng, cao hay thấp, mập hay ốm, nam hay nữ đưa ra ngay, đó là tưởng của mình. Rồi người đó thân hay quen hay là kẻ thù của mình, người đó mang lại cho mình những kỉ niệm đau buồn hay khổ thì một trời dữ liệu đó gọi là Tưởng.

Chúng ta học vào đây, chúng ta mới thấy khái niệm Tưởng rõ, chứ còn học ở trên kia cứ nói Tưởng, Tưởng gì đâu v.v… không rõ. Cho nên Luận Câu Xá dạy cho quý vị kỹ những chi tiết căn bản này, nên ta phải học là vậy. Mình học ở trên kia là học đại khái, còn khi mình học vào mấy bộ luận kiểu này thì mới chia chẻ kỹ ra. Cho nên mình nói Tưởng là kinh nghiệm, sự biết này kia, rồi Tưởng về tương lai… [Đó] là chưa đủ sâu, mà phải nói là Tưởng giữ lấy những hình tướng. Những hình tướng đó là về màu sắc, về độ cao lớn, nhỏ bé, mập ốm, rồi nam nữ, quen thuộc hay [xa lạ], kẻ thù hay thân thương, rồi vui hay buồn v.v… Cho nên Tưởng dẫn đến cuộc đời khác nhau.

Một ngày nào đó quý vị đi trên đường, gặp một người giống như người yêu xưa cũ, bắt đầu quý vị sẽ khởi lên: “À, đây là người yêu cũ”. Hoặc là [nghĩ] hồi xưa anh đó như thế nào: [cao, thấp], mập, ốm gì đó. Sao hồi xưa ảnh ốm mà giờ mập dữ vậy? Rồi sao hồi xưa anh ta ‘men’ lắm, mà giờ giống nữ thế, sao ‘nữ quyền’nhiều thế. Sao hồi xưa mình thấy thân thiết lắm mà giờ gặp nhau như xa lạ thế này v.v… Bắt đầu bao nhiêu ký ức đau buồn, đắng cay, vui khổ, v.v… hiện ra. Đó là do Tưởng, [giữ] tất cả những hình tướng đó làm bản chất, và mỗi người đã lưu cho mình [dữ liệu] khác nhau.

Cùng một người đó, ví dụ Thiện Trang đi với quý vị, hai người chúng ta cùng gặp một người, nhưng Tưởng khác nhau, và nhắc đến người đó là hai người có dữ liệu khác nhau hoàn toàn. Đó mới là Tưởng. Mình học mình hiểu tới đó, chứ mình chỉ nói tưởng tượng không [thôi] thì không phải. Nên chúng sanh là muôn sai vạn biệt, do những điều kiện nào đó mình đã nhận định, và nhận định đó (Thiện Trang nói lại Thân kiến, đem điều này mới giải được Thân kiến bên trên) mình đã mặc định rằng người đó là như vậy, như vậy, thì đó thuộc về Thân kiến.

Quý vị hiểu không? Tại vì mình cứ nghĩ người ta như vậy, nhưng khổ nỗi đó là nhận định của mình thôi, còn nhận định của người khác thì không phải như vậy. Ngày nào đó quý vị phát hiện ra rằng: À, hoá ra người đó qua lăng kính của mình, qua camera của mình, qua nhận định của mình, Tưởng của mình không giống với người khác, và ta không nên chấp Tưởng đó là như vậy. Đó mới phá Thân kiến được quý vị ạ. Bữa nay tại sao Thiện Trang đưa Thân kiến lên trong bài này? Là vì mình đang học Thân kiến gồm có Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Sắc thì dễ rồi, nhưng Tưởng là phải như vậy.

Cho nên ngày nào đó đừng nói rằng cái đó đẹp hay xấu, đẹp hay xấu là do mình thôi. Dễ thương hay không dễ thương là do mình. Nếu thế gian ai cũng có một tiêu chuẩn, Tưởng giống nhau, thì sẽ có rất nhiều người thế gian ế, bao nhiêu người chạy tới tìm hoa hậu hết. Mấy cô không đủ tiêu chuẩn hoa hậu thì chắc ế hết. Nhưng quý vị thấy không phải như vậy.

Đức Phật cũng nói rất rõ cho chúng ta là do ba yếu tố: Do khuynh hướng tâm lý, do tiền nghiệp và do môi trường sống. Mỗi người có [mỗi] chi phối khiến cho Tưởng của mình khác nhau, nên đưa ra những tiêu chuẩn khác nhau. Có người thích người mập mạp, to cao. Có người không cần mập mạp, to cao, mà chỉ cần một người bình bình thôi. Có người thích hình thức là vợ hay người yêu phải sang trọng. Có người thì không, có người thích kiểu khác. Cũng vậy, mấy bà cũng có mấy tiêu chuẩn khác nhau. Mỗi tiêu chuẩn đó đối với chuyện người yêu, chuyện gia đình, vật dụng trong nhà, mọi thứ như vậy. Nếu ngày nào chúng ta vẫn sống theo như vậy và vẫn như thế, thì chúng ta vô tình đi theo một khuynh hướng, và khuynh hướng này càng ngày theo nghiệp càng nặng và cứ đi như vậy.

Khi nào quý vị nhận thức ra: À, đó là Tưởng của mình, Tưởng đó không phải là ta. Tưởng đó do khuynh hướng tâm lý, do tiền nghiệp, và do môi trường sống. Vì ta sống ở Việt Nam nên thấy người da vàng mới đẹp. Mình thấy người da đen, thấy người da đỏ, người da trắng mình cho là xấu, v.v… những quan điểm đó là do môi trường sống. Ngày nào nếu quý vị phát hiện ra tất cả những Tưởng của mình là do như vậy, thì quý vị mới có cơ hội phá Thân kiến.

Ở đây Thiện Trang không cần đòi hỏi quý vị phải bỏ sở thích của quý vị, vì sở thích đó là một tầng lớp sâu nữa, tu không được, chưa tu được điều đó. Nên nhớ một vị A-la-hán vẫn còn tập khí theo sở thích của mình. Có nghĩa là tập khí thôi, thật sự các ngài không thích nữa nhưng các ngày vẫn theo. Ví dụ như ngài Ma Ha Ca Diếp lúc đó vẫn thích đi hạnh Đầu đà, vẫn không thích [nhận cúng dường] Trai tăng, mà [thích] tự đi khất thực thôi. Mỗi ngài có một cái khác, toàn A-la-hán không đó.

Cho nên ở đây muốn phá Thân kiến, quý vị hiểu ra ngày nào đó mình biết rằng: À, hoá ra trong đời mình có mấy điều này là do ba yếu tố: Tiền nghiệp, môi trường sống, khuynh hướng tâm lý. Ba điều đó tạo ra muôn sai vạn biệt, và mỗi người có một cái Tưởng khác nhau, cho nên Tưởng đó không phải là ta. Tưởng này của ta đời này với Tưởng đời quá khứ không giống nhau.

 Cho nên những quan niệm trong đời sống có rất nhiều điều không giống nhau. Và do quý vị thường suy nghĩ như vậy, cho nên quý vị không chấp trước, dần dần quý vị phá được Thân kiến và quý vị phá luôn Giới cấm thủ. Quý vị phải học như vậy thì mới tu được. Còn không thì cứ bắt phá [Thân kiến] đi, phá đi … nhưng phá không được. Vì không hiểu bản chất thì làm sao mà phá [được]. Đức Phật nói là khi nào mình hiểu được bản chất của vấn đề là xong.

Thiện Trang xin cử một ví dụ rất nổi tiếng mà Thiện Trang đã kể rồi, nhưng Thiện Trang nghĩ nên kể lại cho quý vị nghe: Có hai người phụ nữ ở hai gia đình, nuôi đứa con của mình lớn lên. Đến ngày nào đó, họ phát hiện ra rằng đứa con đó không phải là con của mình, thì họ không còn yêu thương đứa con đó nữa, vì họ biết ngày xưa trao nhầm con ở bệnh viện. Tất cả những gì họ nhận định rằng là: Con tôi, con tôi, lo cho con tôi, v.v… thì họ không còn yêu thương như ngày xưa nữa. Đó là thế gian, vì không phải cùng dòng máu. Người đó không còn yêu thương đứa con đó nữa, mặc dù họ nuôi bao nhiêu năm nhưng họ không còn yêu thương như trước nữa, vì họ xác định đó là con của người ta, không phải con của mình.

Từ ví dụ đó mình đem vào Phật pháp, ngày nào đó quý vị cũng hiểu ra rằng: À, hoá ra đứa con này không phải con ta, nó chỉ là từ đâu đầu thai tới, v.v… rồi quý vị sẽ không thương đứa con mình như ngày xưa nữa. Gia đình mình cũng vậy, mình cũng thấy hết, nên bỏ được gia đình. Rồi còn bỏ thân mình là sao? [Vì] mình biết: À, thân này không phải là thân ta. Vì sao? Vì ta cũng đến thế gian này với một duyên nào đó, ta có duyên với cha, với mẹ, cho nên ta đầu thai vào gia đình này, ta được nền giáo dục của đất nước Việt Nam cho nên ta mới có nhận thức này, và do ta học pháp Đại lão Hòa thượng Tịnh Không nên ta có tri kiến này, v.v… Nhưng tất cả những điều đó đều không đúng hoàn toàn với tiêu chuẩn của Phật, và ta không theo nữa. Từ nay ta biết theo tiêu chuẩn của Phật, và ta cũng biết uyển chuyển làm sao để sống giữa dòng đời mà không bị ngang trái.

Ngày nào đó quý vị nhận ra như vậy thì xin chúc mừng quý vị: con đường để phá ba Kiết sử đó, quý vị đi được hơn phân nửa rồi. Có nghĩa là con đường giải thoát sinh tử quý vị cũng đã đi được rất xa. Còn nếu mình vẫn mê, lúc nào tôi cũng đúng, suy nghĩ này của tôi đúng, đó là quý vị đang dính vào Tưởng. Nên nhớ [những gì] ở trên thế gian chỉ là tương đối, chỉ có chân lý đó là Phật pháp, còn lại mọi thứ chỉ là tương đối. Do thời đại, tức là môi trường, do hoàn cảnh đó đẩy mình vào, do nền giáo dục đó, do môi trường sống đó, do tiền nghiệp (tức là nghiệp đời trước) dẫn mình, và do khuynh hướng tâm lý của mình mà tạo ra những sở thích, những nhận định, những điều này điều kia, rất nhiều điều. Và ta đã sống với lớp ảo đó quá lâu. Ngày nào quý vị bỏ lớp ảo đó là xong, [việc phá] Thân kiến hoàn thành, có khả năng đắc đạo. Vì Thân kiến [phá] xong rồi, thì Giới cấm thủ và Nghi cũng rất dễ thôi, không khó nữa. Nghi đối với giáo pháp thì mình học nhiều sẽ hết được. Khi đó mình thấy rất rõ ràng Thật tướng Các pháp.

Thật tướng Các pháp là thế gian này toàn nương theo [những điều] giả, do chúng sanh, do những yếu tố trên lập nên, chứ không phải là như vậy. Khi đó quý vị thấy gọi là “thấy đúng như sự thật” mà lời trong kinh lúc nãy đã nói. Khi nào quý vị sống được như vậy, là ok, xong! Coi như con đường ra khỏi sinh tử gần như bắt đầu chuẩn bị cầm được vé. Tới đặt vé, dù chưa nhận vé nhưng được chấp nhận rồi, accept (chấp nhận), chuẩn bị được rồi đó. Cho nên cứ từ từ, từ từ.

Cho nên điều này là trí tu, chứ không phải trí bình thường. Học thế nào? Học chỉ là nền tảng thôi, còn đến lúc nào huân tập nhiều quá, đủ rồi, thì tự nhiên bung ra. Và khi bung ra là thành công. Chỉ đơn giản vậy thôi, nên Tưởng uẩn là như vậy.

#Thử phục phân biệt thành lục tưởng thân, ưng như thọ thuyết: tức là Tưởng này cũng chia ra thành 6 loại về tưởng thân: Tưởng do mắt cung cấp, Tưởng do tai cung cấp…

#Dư tiền cập hậu Sắc, Thọ, Tưởng, Thức, dư nhất thiết hành danh vi Hành uẩn: những điều đằng trước và những điều ở sau như Sắc, Thọ, Tưởng, Thức (ở đây không có Hành, chỉ có Thức thôi), tất cả các Hành khác được gọi là Hành uẩn. Các Hành không nói chung ở đây, nhưng nói tóm lại mấy điều sau cũng vậy, Thọ, Tưởng, Thức cũng vậy, đều gọi là Hành uẩn.

Tạm dịch: Tưởng uẩn là công dụng lấy hình tượng làm bản chất, tức là công dụng chấp giữ những tướng như xanh, vàng dài, ngắn, nam, nữ, kẻ oán, người thân, khổ vui v.v… Tưởng uẩn này còn được chia ra thành sáu loại tưởng thân, cần nên biết giống như nói về Thọ uẩn. Những điều đằng trước và những điều ở sau như Sắc, Thọ, Tưởng, Thức, tất cả các hành khác (tức là ở đây không đưa Hành, Hành nói riêng) được gọi là Hành uẩn.

 Chúng ta tạm dừng ở đây để buổi khác, nói chung bữa nay chỉ cần học bấy nhiêu đó. Học một chút thôi, nhưng học về Tưởng uẩn rất rõ ràng, chứ xưa nay mình học chưa rõ ràng. Nên phải có những bộ luận như thế này, những thời gian như thế này, thì chúng ta mới học được. Và khi mình học thì dần dần sẽ xóa tan được hết những mê mờ, thì mới hết Si được. Còn mình không học thì cứ mơ mơ… rồi khi mơ mơ thì mình tu gọi là gượng ép, bắt buộc mình phải như vậy. Giống như cứ bắt buông đi, buông đi, nhưng buông không được. Vì sao? Vì không hiểu bản chất, giống như cặp vợ chồng kia họ đang chấp đó là con của họ, ngày nào đó họ phải hiểu rằng đứa con đó là con bị trao lộn, thì họ không chấp vào đứa con của mình nữa.

Cũng vậy, nếu ngày nào đó quý vị nhận ra rằng: thế giới này giả thật sự, Vô thường, Vô ngã, tức là đau khổ, v.v… rồi ta không phải là ta, mà ta chỉ là do các duyên hợp thành, thân thể này do các yếu tố khuynh hướng tâm lý, tiền nghiệp, và đời sống môi trường tạo ra những quan niệm của chúng ta v.v… Khi nào mình nhận thức được như vậy, thì mình mới có hy vọng phá được Thân kiến.

Như vậy Thiện Trang đã chia sẻ hết rồi, hôm nay thời gian đã hết, hẹn gặp quý vị vào buổi khác. Thiện Trang chia sẻ như thế này, vì nghĩ bộ này rất hay đối với những người tu muốn đắc Thánh quả, muốn nâng cao công phu. Ai hiểu được thì tốt, không hiểu được cũng không sao. A Mi Đà Phật! Chúng ta cùng hồi hướng.

“Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”.

“Nguyện đem công đức này

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử cùng chúng sanh

Đều trọn thành Phật đạo”

A Mi Đà Phật!