Responsive Menu
Add more content here...

Câu Chuyện Về Sanh Tử Luân Hồi Đáng Sợ

Nam Mô A Mi Đà Phật!

Kính xin chuyển đến chư vị hữu duyên một đoạn trích về câu chuyện sanh tử luân hồi đáng sợ, trong bài giảng Kinh Vô Lượng Thọ – Khoa Chú Tuyển Giảng – Tập 049 – Thầy Thích Thiện Trang giảng giải.

 

Câu chuyện này ghi trong Kinh A Bà Đàn Na:

 

Một hôm nọ, vào thời đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở tại kỳ viên Tinh Xá, có một con chim bồ câu bay từ nơi khác đến, bị con chim ưng rượt nên nó sợ quá, hốt hoảng bay đến núp dưới bóng của Phật. Do ở dưới bóng của Phật nên con chim bồ câu cảm thấy an lạc nhẹ nhàng và con chim ưng kia không đuổi nữa, sau đó con chim bồ câu được hoan hỷ vui vẻ. Lúc đó ngài Xá Lợi Phất đi đến, bóng của ngài phủ lên con chim bồ câu. Con chim bồ câu hốt hoảng sợ hãi giống như khi nãy bị con chim ưng đuổi vậy. Ngài Xá Lợi Phất mới hỏi rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Tại sao bóng của Ngài che xuống thì con chim bồ câu hoan hỷ vui vẻ, không sợ sệt. Mà bóng của con đi đến phủ lên con chim bồ câu này thì nó sợ sệt như thế”. Đức Phật nói rằng: “Bởi vì phiền não của ông là ba độc tham sân si tuy đã hết rồi, nhưng tập khí vẫn còn (vì mới chứng quả A-la-hán thôi) nên khiến cho con chim bồ câu cảm nhận được”. Nói như ngôn ngữ ngày nay gọi là từ trường đó vẫn khiến cho người ta khó chịu.

 

Giống như quý vị tu hành tuy khá, có thể đoạn được phiền não nhưng tập khí phiền não quý vị chưa đoạn. Người khác vẫn cảm thấy dường như quý vị vẫn phiền não, vẫn còn tham sân si. Cho nên con chim bồ câu cảm thấy không bình an. Đức Phật nói: “Ta đã đoạn hết tập khí hữu lậu vô lậu rồi”. Tức là Ngài đã hoàn toàn sạch hết phiền não tập khí, Ngài thành Phật rồi cho nên con chim bồ câu mới cảm thấy như thế. Lúc đó đức Phật nói rằng: “Ông hãy quan sát xem con chim bồ câu này là bồ câu bao đời rồi?”. Đức Phật bảo như vậy thì ngài Xá Lợi Phất mới nhập định quan sát, vì A-la-hán phải nhập định mới quan sát được; còn Bồ-tát thì định trong tất cả thời “Na già thường tại định, vô hữu bất định thời”, tức là lúc nào cũng trong định giống như con rồng, con voi, không có lúc nào chẳng định. Bồ-tát các ngài sống thật, ví dụ như các ngài không cần nhập định, các ngài vẫn thấy biết được chuyện ngày mai, chuyện đời trước, chuyện quá khứ, chuyện tương lai, v.v… còn A-la-hán phải nhập định mới quan sát được.

 

Lúc đó ngài Xá Lợi Phất nhập định xong nói rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Con quan sát được tám vạn đại kiếp qua nó vẫn là bồ câu, và khả năng của con chỉ có bấy nhiêu đó, con không biết rằng bao nhiêu kiếp trước nó làm gì”. Quý vị nghe cho kỹ tám vạn đại kiếp tức là 80.000 đại kiếp rồi. Một Đại kiếp chúng ta nói đơn giản là từ khi Trái đất này sanh ra đến khi Trái đất này tan hoại, rồi lập lại Trái đất một lần nữa. Vậy mà tám vạn tức là 80.000 lần Trái đất này sanh ra lại tan hoại rồi lập lại như vậy, mà vẫn là bồ câu.

 

Lúc đó đức Phật mới nói rằng: “Ông hãy quan sát xem con bồ câu ấy làm bồ câu bao nhiêu đời nữa”. Ngài Xá Lợi Phất tiếp tục nhập định để xem thử coi con bồ câu đó bao nhiêu đời làm bồ câu nữa. Nhập định xong, ngài ra và nói: “Bạch Đức Thế Tôn! Con cũng quan sát về vị lai (tức là về tương lai) tám vạn đại kiếp sau nó vẫn là bồ câu, và quá hơn tám vạn đại kiếp thì khả năng của con không quan sát được”.

 

Quý vị thấy đáng sợ như thế nào! Như vậy là sơ sơ 16 vạn đại kiếp bồ câu vẫn là bồ câu. Vì chúng sanh vào trong đường Súc sanh chấp thân, thân nó là Bồ câu cho nên không thoát ra được.

Đức Phật nói rằng: “Về vị lai, sau khi trải qua Hằng hà sa số kiếp, tức là số kiếp nhiều như số cát sông Hằng, con bồ câu đó mới thoát được thân bồ câu”. Quý vị mà đi Ấn Độ tới sông Hằng đếm thử coi sông Hằng có bao nhiêu cát, thì con chim bồ câu đó trải qua bấy nhiêu lần số cát đó bằng đại kiếp, tức là số lần mà Trái đất sanh ra rồi diệt đi, cứ thế biết bao giờ mới thoát khỏi thân bồ câu. Sau đó Đức Phật nói rằng: Sau khi thoát được thân bồ câu, (tức là trải qua Hằng hà sa số kiếp làm thân bồ câu), thì con bồ câu đó mới được trở lại trong năm đường (năm đường tức là Trời, Người, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh). Sau đó trải qua 500 đời nữa mới được làm thân người. Khi đó có một đức Phật ra đời, Ngài giáo hóa độ vô lượng chúng sanh được nhập Niết-Bàn. Sau khi đức Phật ấy nhập Niết-Bàn thì có một vị Ưu-bà-tắc gặp được giáo pháp của Phật (giống như chúng ta ngày nay), vị Ưu-bà-tắc đó chính là con bồ câu. Tức là sau khi trải qua vô số vô số kiếp như thế mới được làm thân người, mới được gặp Phật pháp.

 

Quý vị thấy câu chuyện đó nghe quá xa xôi, chúng ta mà rơi vào đường sanh tử thì thật đáng sợ. Câu chuyện đó kết thúc vẫn còn có hậu. Sau đó đức Phật nói tiếp: “Con chim bồ câu khi được làm Ưu-bà-tắc”, tức là thọ Tam quy Ngũ giới và phát tâm tu tập với các hàng Tỳ-kheo Đệ tử thời không có đức Phật nữa. “Sau đó trải qua ba vô số (a-tăng-kỳ) kiếp nữa mới chứng đến ngôi vị Thập địa Bồ-tát”. Có nghĩa là sau đó mới thành Phật độ vô số chúng sanh, rồi nhập Niết-Bàn. Đức Phật có thể thấy được vô lượng vô số vô biên vô tận kiếp về vị lai, Ngài mới nói vậy được.

 

Chúng ta thấy trong đường sanh tử như thế quá đáng sợ, một khi mất thân người làm bồ câu trải qua Hằng hà sa số kiếp. Sau đó trôi lăn trong năm đường rồi mới được gặp Phật pháp, gặp Phật pháp rồi mà không tu thì chắc cũng tiêu. May mắn là gặp được Phật pháp, còn biết thọ Tam quy Ngũ giới và tu hành tốt, cuối cùng cũng trải qua ba vô số kiếp, tức là ba a-tăng-kỳ kiếp mới đắc đạo thành quả Vô thượng Bồ-đề. Quý vị thấy con đường tu hành gian nan như vậy. Một khi sa chân lỡ bước thì mình trôi lăn trong đường sanh tử dài lâu như vậy. Cho nên đời này mình gặp Phật pháp rồi mà không cố gắng tu, cứ giải đãi, thì thật sự đời tương lai quý vị có thể làm bồ câu như thế không?

 

 

Quý vị hỏi nhân như thế nào làm bồ câu? Trong Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện nói: “Nếu gặp kẻ tà dâm thì ngài dạy rõ quả báo làm chim se sẻ, bồ câu, uyên ương”. Cho nên những người tà dâm cẩn thận, phải làm con chim bồ câu giống như câu chuyện trong Kinh A Bà Đàn Na vừa rồi, thì trải qua Hằng hà sa số kiếp thật là đáng thương. Trong khi đó, đời này nếu như mình chịu khó chịu khổ: “Tuy nhất thế tinh tấn cần khổ tu-du gian nhĩ, hậu sanh Vô Lượng Thọ Quốc”, đó là trong Kinh Vô Lượng Thọ nói. Chỉ cần một đời này chịu khó chịu khổ tu hành, thời gian ngắn ngủi thôi. Nhưng mà đời sau được sanh về cõi nước Vô Lượng Thọ an vui vô cùng, vĩnh viễn dứt sạch hết các đường sanh tử, không còn khổ não nữa. Thọ mạng thì ngàn vạn kiếp tự tại tùy ý. Trong Kinh Vô Lượng Thọ đưa ra cho chúng ta ví dụ như thế, cho nên quý vị là người tu hành phải cố gắng.

Trả lời 0