Responsive Menu
Add more content here...

Câu Chuyện Về Nhân Duyên Tốt Xấu

Ở đời tu hành quan trọng nhất là phải biết nhân duyên. Trong nhà Phật có câu chuyện nói về nhân duyên để nhận rõ thế nào là nhân duyên tốt, xấu.

Có một vị thầy còn ở trong chúng với Sư phụ của mình, ngày ngày tụng thời khóa đều đều như vậy cảm thấy chán, không có gì hấp dẫn. Đọc Pháp Ngữ của chư Tổ là phải thoát ly sanh tử, phải khán thoại đầu, phải thiền rách bồ đoàn v.v… mới đạt được đạo, tu như thế này làm sao có ngày thành tựu. Cho nên vị thầy này lên trình với Sư phụ: Thưa Sư phụ cho con đi qua núi trước mặt kia. Tức là vị này muốn rời khỏi chùa vào núi để tịnh tu một thời gian, để chiêm nghiệm vì tu như thế này con thấy không ổn. Tu mà có ít thời gian quá, suốt ngày tụng niệm, học pháp như thế này, phải nên thiền định.

Vị Sư phụ rất từ bi, không nói gì mà chỉ nói: “Con cứ đi, nhưng khi nào con thấy không ổn, cảm thấy chán thì hãy về đây”. Vị thầy đó nghĩ bây giờ mình có cơ hội để tu giống thời đức Phật, cho nên chỉ cần ba y một bình bát (tam y nhất bát) rời khỏi chùa lên núi khổ hạnh để tu. Mỗi ngày thầy ấy xuống núi đi khất thực, ai cho gì ăn nấy rồi lên núi tĩnh tọa thiền định. Ngồi tĩnh tọa không cần phải lo dọn dẹp vì không có gì, chỉ ở dưới gốc cây, lá cây có rụng cũng không ảnh hưởng gì.

Một hôm, vị thầy đó phát hiện chiếc y của mình bị rách một lỗ vì bị chuột cắn rách, nhưng bây giờ không có kim chỉ để vá lại, nên phải vén chỗ rách đó để đi khất thực tiếp. Có một người đàn ông cũng tín mộ Tam Bảo thấy vị thầy này hôm nay đi không được tự nhiên nên hỏi: “Sao thầy đi khép nép như vậy?”. Thầy cũng nói thật là chiêc y bị chuột cắn rách như vậy, nhưng không có kim chỉ để vá. Người đàn ông đó kiếm kim chỉ và vải cho thầy, thỉnh thoảng lên núi và đàm đạo với thầy.

Một thời gian sau, vị thầy này thấy chuột càng ngày càng nhiều, chắc chúng sẽ cắn rách hết. Người đàn ông nói có cách, bảo vị thầy này nuôi một con mèo. Nhà ông ta có con mèo con, chỉ cần mang lên đây, nghe tiếng mèo kêu meo meo là chuột sẽ sợ. Vị thầy thấy cũng có lý nên cho con mèo lên. Con mèo này uống sữa nên người đàn ông kia mang sữa thường xuyên lên cho mèo, nhưng được thời gian thì hết sữa.

Người đàn ông này nói: để con dẫn con bò lên cho thầy, thầy chỉ việc cột con bò vào gốc cây, rồi hằng ngày vắt sữa bò cho mèo uống. Vậy là có thêm con bò, con bò đó chỉ ăn cỏ. Nhưng đến mùa khô, cỏ hết không mọc nữa nên vị thầy này phải đi cắt cỏ cho bò ăn, như vậy không còn thời gian để tu tập. Người Phật tử đó lại nói với thầy: để con bảo con trai của con hằng ngày lên cắt cỏ cho thầy.

Sau đó nhân duyên chiến tranh xảy ra, con trai của ông ấy phải đi nghĩa vụ quân sự. Người Phật tử đó gửi đứa con gái lên cắt cỏ, cho bò ăn rồi lại xuống núi. Vị thầy này ngồi thiền, nhưng dần dần tâm bị dính trước trong đó, cho nên bữa nào không thấy cô đó lên là thấy nhớ, dần dần mơ tưởng đủ chuyện. Lúc đó đang mơ thì thấy một cánh tay đập “bộp” vô mặt, vị thầy đó giật mình nhìn ra phía sau thì thấy Sư phụ. Sư phụ nói: “Con mơ như vậy đủ chưa? Con về chùa đi, con chê hằng ngày tu trên chùa chỉ học Kinh giáo, con qua đây ngồi thiền. Thời gian qua con đắm trước nhiều hơn, phát sinh nhiều thứ hơn.” Mới đầu không có gì, chỉ có ba y một bát, sau đó có con mèo, rồi thêm con bò, rồi có người trông bò và bây giờ trong tâm có thêm cô gái nữa.

Từ đó quý vị biết: nhân duyên rất quan trọng, mình tu hành phải quán tâm. Mình không quán nổi thì vẫn phải nương trên sự mà tu. Nương trên sự là nương Kinh giáo, cho nên chúng ta không thể rời Kinh giáo. Chúng ta hôm nay vẫn tiếp tục học Kinh giáo là vì vậy, rời bỏ Kinh giáo là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Kinh giáo giống như tấm gương để soi tâm, soi thấy rất rõ mọi việc trong tâm mình. Làm sao biết đúng sai, tu như thế nào thì hoàn toàn phải nương vào Kinh giáo. Kinh giáo giống như tấm gương để soi từ tâm, từ hành động, nói chung là ba nghiệp: thân, khẩu, ý.

Chúng ta tu là tu trên ba nghiệp, chúng ta phải

có tiêu chuẩn và tiêu chuẩn là Kinh giáo, cho nên chúng ta phải học. Có người nói một câu Phật hiệu niệm tới cùng, thì chỉ có ngài Hải Hiền và một vài người làm được thôi, còn lại làm không được. Chúng ta không phải căn cơ đó nên chúng ta phải học.

(TRÍCH KINH VÔ LƯỢNG THỌ KHOA CHÚ TUYỂN GIẢNG 006 – GIẢNG GIẢI THẦY THÍCH THIỆN TRANG)

Trả lời 0