SA DI THẬP GIỚI OAI NGHI LỤC
YẾU
TẬP: 10
Nguyên bản: Ngẫu
Ích Sa môn Trí Húc, y theo Luật Tạng biên tập.
Người giảng: Pháp Sư Định Hoằng.
Giảng tại: Chùa Viên Minh, Hương Cảng.
Thời gian:
Ngày 21 tháng 8 năm 2012.
Dịch giả:
Thích Thiện Trang.
Kính chào chư vị Pháp sư, chư vị Đại đức đồng tu, cùng
tất cả chư vị đồng tu đang theo dõi trực tiếp trên mạng Internet. Chúc mọi người buổi
sáng tốt lành! Chúng ta tiếp tục học tập Sa Di Giới Yếu, mời mở trang
22 trong bản Kinh. Chúng ta tiếp tục đọc Oai nghi thứ tư “Nhập chúng”, tức là
làm sao ở cùng tứ chúng đồng tu. Chúng ta xem điều thứ 13:
“Không nói nhiều, cười
nhiều, nếu cười lớn hoặc ngáp thì phải lấy tay áo che miệng”
Đây rất là rõ ràng, tức là không thể nói nhiều, cười giỡn
nhiều. Nếu như thật lúc không thể nhịn được phải cười lớn, hoặc ngáp, đều phải
dùng tay áo che miệng lại, đây là một loại oai nghi. Đối trước người ta nhe
răng nhếch miệng, nhe hàm mà cười, hoặc ngáp, há miệng lớn, đều rất là khó coi.
“Không nói nhiều, cười nhiều”, thì Đệ Tử Quy cũng dạy tương tự “nói nhiều lời, không bằng ít”, nói càng
ít càng tốt. Người chân chánh tu hành, họ đều nói rất ít. Lão Hòa thượng Hư Vân
đều là im lặng ít nói, bình thường là nhắm mắt, thường không nhìn, không để chịu
ảnh hưởng của cảnh giới bên ngoài. Điều thứ 14 là:
“Không được đi gấp
gáp”
Đây nói đi theo cách khoan thai, bước đi phải khoan thai
thanh thoát, không thể đi quá nhanh, vừa đi vừa chạy, vừa đi vừa chạy đều không
nên. Trong bốn oai nghi nói “đi như gió”,
gió ở đây không phải là cuồng phong, gió lốc, không nói đi đến đâu là giống
như một trận cuồng phong đến đó. Mà như gió nhẹ, thổi chầm chậm, biểu thị bạn
bước đi rất nhẹ, rất an tường, vả lại vững chải chậm từng bước. Như quá khứ ông
Tăng Quốc Phiên huấn luyện đệ tử của mình, đi đứng, nói năng, làm việc đều phải
chậm. Chậm tức là an tường, bình thản là oai nghi, những động tác chậm rãi, là
thể hiện rất có oai nghi, động tác nhanh quá là thể hiện nóng nảy gấp gáp, tính
khí bộp chộp nóng nảy, thì oai nghi cũng không có rồi. Điều thứ 15:
“Không được lấy đèn
của Phật để mình dùng”
Đèn của Phật là vật của Tam Bảo, đồng tu tại gia chúng ta đều
không thể tự tiện dùng vật của chung, đây là phạm giới trộm, huống là đem vật của
thường trụ trong đạo tràng để mình dùng riêng. Bạn muốn đèn, thì bạn có thể gặp
thường trụ hỏi xin, thí dụ nói vui lòng cho mượn một cái đèn bàn, như vậy có thể
được. Chứ không được không hỏi mà tự lấy, và còn đem đèn của Phật để tự mình
dùng, là vô cùng không nên. Đó là “vật
tuy nhỏ, chớ cất riêng”, cũng đừng dùng riêng. Điều thứ 16:
“Thắp đèn, phải lấy
lồng che lại, chớ để con trùng bay vào”
Đốt đèn, thời trước đều là dùng đèn dầu hoặc đèn cầy, lửa
cháy sẽ khiến những côn trùng thiêu thân xông vào lửa, chúng ta phải thương yêu
những sanh mạng nhỏ này, nên đem che đèn lại, như vậy để những côn trùng không bay
vào. Đó là “phiếm ái chúng”, chúng là
bao gồm tất cả chúng sanh, không chỉ là người, đối với côn trùng cũng phải yêu
thương vậy. Cổ nhân nói “yêu chuột thường
để cơm, thương bướm không đốt đèn”, đây là thể hiện lòng từ bi. Điều thứ
17:
“Hoa cúng Phật, nên
lấy hoa nở tròn đầy, không được ngửi trước, bỏ đi hoa héo rồi mới cúng hoa mới,
hoa héo không được bỏ xuống đất giẫm đạp, nên đem bỏ chỗ khuất”
Hoa để cúng Phật thì nhất định phải dùng hoa tốt, hoa nở được
viên mãn; hoa chưa có nở hoặc đã héo tàn thì không thể lấy cúng Phật, đây là
cung kính đối với Phật. Thấy hoa đẹp, thì chúng ta không thể trước đưa mũi mình
ngửi rồi sau đó đem cúng Phật, như vậy không được, Phật đều không ngửi trước,
sao bạn có thể ngửi trước? Đây là điều tối thiểu mà chúng ta kính Tam Bảo phải
làm được. Chúng ta cúng Phật, mỗi ngày đều phải có hoa tươi, thì nhất định có
những hoa héo tàn, rụng, nên chúng ta trước phải bỏ hoa héo tàn đi, sau đó mới
thay hoa mới. Không thể tùy tiện ném bỏ hoa đã héo xuống đất, khiến bị người đạp,
như vậy là không tốt, suy cho cùng hoa đó đã cúng Phật. Nên phải đem bỏ “chỗ
khuất”, tức là chỗ vắng vẻ, hoặc đem bao gói lại, làm như thu hồi để xử lý, tìm
hố để bỏ xuống; hoặc không có điều kiện làm được việc đó thì cung cung kính
kính đem bao lại, rồi cũng có thể bỏ vào thùng rác, nhưng quan trọng là phải có
tâm cung kính. Điều thứ 18:
“Nên vì Đại Tăng mà
cung cấp cành dương, nước tắm rửa v.v.., tùy sức có thể làm được gì thì nên
làm, không được làm cẩu thả lấy lệ”
Đây là hầu thầy. “Đại Tăng” tức là Tỳ kheo, người đã thọ Đại
giới, Ngài hiện là vị thầy của chúng ta, là vị trí lão sư trở lên, nên chúng ta
phải hầu thầy. Chúng ta đem cho Ngài “cành dương, nước tắm rửa” vào buổi sáng,
cành dương thì ngày nay tức là kem đánh răng, bàn chải đánh răng, nước rửa mặt,
những thứ này phải tỉ mỉ nghĩ tới. Sau đó “tùy sức có thể làm được gì thì nên
làm”, cố gắng làm, không thể làm cho có lệ. Đệ Tử Quy cũng nói: “Cha mẹ thích, dốc lòng làm”, cũng phải nỗ
lực làm. Tuy thầy cũng không có thích hay không thích, mà thầy cần thì chúng ta
nỗ lực làm, thấy sư phụ cần gì, thì chúng ta phải cố gắng làm cho chu toàn. Điều
thứ 19:
“Nghe gọi thì niệm
Phật để trả lời, không được nói ‘có’ hoặc ‘vâng’”
Người khác gọi tên bạn,
thí dụ gọi Định Hoằng, hoặc thầy Định Hoằng, thì chúng ta phải trả lời ‘A Di Đà
Phật’, không được nói ‘có’, ‘vâng’, giống như của một binh sĩ, một binh sĩ thì
có thể được, nhưng hiện giờ bạn không phải là binh sĩ, mà người xuất gia, thì bạn
niệm A Di Đà Phật để trả lời. Niệm nhiều một câu Phật thì tốt nhiều, niệm thêm
một câu Phật thì đỡ một câu, niệm ít một câu thì thiếu đi một câu, cho nên
chúng ta phải thành lập thói quen niệm Phật, không chỉ người xuất gia, mà cả
người tại gia cũng nên như vậy, người ta gọi tên bạn, bạn cũng có thể đáp ‘A Di
Đà Phật’. Cho dù họ không tin Phật, bạn cũng niệm A Di Đà Phật, câu Phật hiệu
đó làm cho vào tai họ, thì đã trồng cho họ thiện căn rồi. “một khi qua tai, vĩnh viễn thành hạt giống đạo”, tương lai họ
thành Phật, có thể bởi nhờ bạn đã trồng nhân chính là câu A Di Đà Phật đó. Cho
nên như vậy là tốt. Thí dụ có điện thoại, cầm lên trả lời A Di Đà Phật, không
nên nói ‘A lô, ai đấy?’, bạn nói A Di Đà Phật thì đối phương liền biết rồi. Nếu
họ muốn gọi điện cho bạn, khi nghe A Di Đà Phật, thì họ biết chính là bạn đang
nghe rồi, đúng không? Nếu như gọi nhầm số, khi nghe A Di Đà Phật, thì họ ‘xin lỗi,
nhầm số’. Điều thứ 20:
“Phàm nhặt được của
rơi thì liền phải bạch với chủ sự Tăng”
Mỗi khi lượm được của rơi, thí dụ chúng ta thấy cái gì đó của
ai đánh rơi, chúng ta nhặt được, thì cần phải đến vị Tăng chủ sự báo cáo. Vị
Tăng chủ sự, trong Tòng Lâm đều có những người chấp sự, tức là những người quản
lý những việc thường ngày, là Giám viện, và có Tăng chấp, có phân công khác
nhau, muốn trả cho người mất, thì chúng ta gửi cho những người chấp sự. Điều thứ
21:
“Không được kết bạn
với người nhỏ tuổi”
Người nhỏ tuổi, tức là vị thành niên, chưa trưởng thành,
tính tình của họ còn chưa ổn định, chúng ta không thể cùng họ thường đùa giỡn
nói cười. Chúng ta phải nên gần gũi nhiều với người lớn, với những người có tu
hành, Tăng nhân có kinh nghiệm, họ là thiện tri thức của chúng ta, chúng ta có
thể học được rất nhiều điều, đây là nói về bạn bè. Khổng Tử cũng nói “không kết bạn với người không bằng mình”,
tức là đức hạnh, học vấn của học không bằng mình thì chúng ta không nên thường thường
qua lại, vì thường thường qua lại thì khó tránh bị ảnh hưởng của họ, nên kết
giao với người có đức hạnh học vấn cao hơn mình. Tuy nhiên, đối với những người
không bằng mình cũng không được chán ghét, bỏ rơi; họ tìm bạn thỉnh giáo, thì bạn
phải kiên nhẫn để dạy họ, không thể keo kiệt pháp. Họ đến cầu giáo, bạn có
nghĩa vụ để giúp đỡ họ, nhưng không được chê cười. Điều thứ 22:
“Không được tùy tiện
may đắp tam y, lạm giống đại Tỳ kheo Tăng. Phải đắp Ca sa man điều (man điều
nghĩa là không có đường may chấp, Ca sa nghĩa là hoại sắc). Căn Bản Luật nói: man
điều là phục của chúng Cầu tịch. Nếu họ liền đắp ngay y năm điều, thì tội lạm dụng
này rất nặng, ở Thần Châu từ lâu đã khởi lên phòng trào thành sai pháp ấy”
Đây nói chúng ta đắp y, phải hiểu, phải như pháp. “Tam y”
là chỉ y năm điều, y bảy điều và đại y, đại y có chín điều đến 25 điều, đều gọi
là đại y; y năm điều là một mảnh vải trên đó có 5 điều, tức là 5 mảnh vải khâu
chấp lại thành một gọi là y năm điều; 7 mảnh vải khâu chấp lại thành một thì gọi
là y bảy điều. 25 điều cũng là như vậy, bạn thấy y 25 điều là gồm từng điều từng
điều, hiện nay còn may thêm viền bằng kim loại lên thì thấy càng rõ ràng.
Thân tôi hiện giờ đắp y chín điều, bởi vì Chùa Viên Minh là
đạo tràng của Sướng Công chúng ta, Ngài có quy củ của Ngài, vì chúng tôi đắp y
để giảng Kinh thuyết pháp là đại y, cho nên đắp y chín điều là tốt. Y của Ngài
đắp là 25 điều, Ngài nói tôi hiện nay đắp y chín điều là tốt, vì 25 điều thì có
chút không đủ tư cách. Nên tôi nghe lời, Ngài bảo tôi đắp chín điều thì đắp chín
điều. Ngài đối với tôi cũng rất thương yêu, Ngài liền đem y chín điều của Ngài
cho tôi, tôi còn không dám nhận, y của Ngài đắp đã 20 năm rồi, trên y có những
lỗ, đem y đó cho tôi, tôi liền rất cung kính nhận đắp thời gian đầu. Ngài nói,
ta sẽ nhờ bạn ở Đài Loan may cho con, hiện nay đã may xong rồi, tôi liền đem trả
lại cho Ngài. Ngài làm cho tôi y chín điều hiện nay là y mới, màu sắc vàng, đó
là yêu cầu của Ngài, Ngài nói Phật giáo Nam Truyền phần lớn là dùng màu vàng,
Ngài muốn tôi dùng màu vàng.
Trên thực tế, y hoại sắc thật sự là màu Ca sa, là một loại
màu hỗn hợp, y năm điều, bảy điều hoặc man y của mọi người đắp, màu sắc đó gọi
là màu Ca sa. Sa di chưa thọ Đại giới, thì không thể đắp y năm điều, bảy điều,
chín điều. Y năm điều mặc để lao động, y bảy là phải mặc những lúc thượng đường
công khóa, nghe pháp, tụng giới. Đại y, tức là y chín điều đến y 25 điều, để
chính thức lên tòa giảng pháp, hoặc đi vào thành khất thực, tức làm Phật sự
chân chánh, thì bạn phải đắp. Những y này Sa di đều không thể đắp, Sa di chỉ có
thể đắp man điều y, man y tức không có ô, đây là một tấm vải. Đắp lên thân
chúng ta là một tấm vải, ở giữa tấm vải không có đường may, không như loại y
chín điều chúng tôi đã may. Người tại gia thọ giới Bồ-tát, cũng không thể đắp man
điều y, kể cả Ngũ giới cũng không thể đắp man y, đây là nguyên tắc. Mọi người
biết Đệ Tử Quy cũng nói “hợp thân phận, hợp
gia đình”, quần áo của bạn cũng phải nương theo thân phận của bạn, thân phận
của bạn thế nào thì mặc lễ phục như thế đó, ở trên nói y tức là lễ phục.
Căn Bản Luật tức là Căn Bản Hữu Bộ Luật, trong đó nói rằng
“chúng Cầu tịch”, Cầu tịch tức là Sa di, Sa di phiên dịch thành Trung Văn gọi
là cầu tịch, “man điều là phục”, tức y đắp là man y. Nếu như “liền đắp y năm điều”,
có người nói rằng Sa di thì đắp y năm điều, Đại Tăng có thể đăp y bảy điều, đại
y, còn y năm điều rất ít đắp, vì vậy liền đưa cho Sa di đắp. Đó là không đúng, thì
“tội lạm dùng này rất nặng”, tức như nói “vượt
quá thân phận rồi”, vả lại việc này là có tội. “Thần Châu”, là vùng ở Trung
Hoa, “từ lâu đã khởi lên phong trào”, bạn thấy Đại sư Ngẫu Ích nói thời Ngài,
lúc đó người ta đã không biết những quy định này rồi. “thành sai pháp ấy”, đây
là không như pháp. Tiếp theo điều 23:
“Không được may nhiều
y phục, nếu có dư thì nên xả”
Người xuất gia chỉ gồm ba y, một bát; Ba y tức là y năm, y
bảy, đại y, sau khi đã thọ giới chỉ có ba y, Sa di thì chỉ có một y là man y, vượt
quá số đó đều tính là nhiều. Tuy nhiên yêu cầu này cũng có chút nghiêm khắc rồi,
đối với người thời hiện đại. Như khí hậu bên Trung Hoa lạnh hơn Ấn Độ, khí hậu Ấn
Độ là nhiệt đới, cho nên các Ngài quấn lên thân một tấm vải là được rồi. Y của
chúng ta và y của họ không giống nhau, y hiện nay của chúng ta đều đã qua cải
biến rất nhiều rồi, chỉ giữ lại những phần thiết yếu, đắp lên thân làm kỷ niệm;
y thật sự của Ấn Độ cổ là một tấm vải quấn lên thân, họ không có quần áo. Y của
thời cổ gọi là gì? Gọi là Ca sa. Gọi chung Ca sa, tức là người xuất gia không
thể tự mình làm y phục mới, mà lượm lại từ chỗ đã bỏ của người ta, họ mặc rách
rồi không cần những y phục đó nữa. Sau khi lượm về, đem những đồ nào còn dùng
được thì cắt ra thành từng điều từng điều để chắp ghép lại thành một, có năm miếng
ghép lại, có bảy miếng ghép lại, và chín miếng ghép lại thành một, sau đó đem
nhuộm thành một màu. Bởi vì nhiều màu lắm sắc rất khó coi, nên nhuộm lại thành
một màu sắc, thì gọi làm y hoại sắc, chất nhuộm được sử dụng cũng mức rẻ nhất,
đó gọi là Ca sa. Nên đời sống của người xuất gia, điều kiện vật chất của họ là
mức thấp nhất, không thể chính mình hưởng thụ làm nhiều y phục, thậm chí hiện
nay còn chạy theo Ca sa phải có nhiều màu sắc.
Phần lớn người xuất gia Trung Quốc hiện nay là mặc trang phục
của thời triều Minh, như áo ngắn, áo mặc ngoài của các bạn, trên thực tế đó là
trang phục triều Minh được sửa đổi cho tốt đẹp hơn. Ban đầu y phục tương đối
dài, như quần áo dài của chúng ta, Đại sư Thái Hư đã đem nó sửa ngắn lại, để tiện
cho lao động việc nặng. Và còn áo Hải Thanh, đây là trang phục của thời triều
Hán, áo dài rộng tay lớn, đó đều là trang phục của người Trung Hoa. Y phục là dựa
trên căn bản của nước ta, chúng ta đắp y là kỷ niệm thời của Đức Phật, đây là ý
nghĩa của đắp y. Những y phục này điều đủ dùng thì được rồi, không thể sắm thêm
nhiều, trở thành lãng phí. Cho nên “có dư thì nên xả”, nên đem cho người khác.
Đệ Tử Quy nói “Ăn vừa no, chớ quá nhiều”,
không thể vượt quá giới hạn, y phục cũng vậy, tự mình vừa đủ dùng là được rồi.
Như tôi đây tôi cảm thấy hổ thẹn, không bằng so với thời đại của Đức Phật,
không bằng so với các vị Tổ sư Đại đức. Các vị Tổ sư là y cả trăm đường vá,
dùng cả đời, mùa đông, mùa hè cũng mặc nó. Tôi hiện nay, mùa đông thì có y phục
của mùa đông, mùa hè thì có y phục của mùa hè, nhưng tuyệt đối không thể vượt
quá ba bộ, vì để thay đổi giặt, như những quần áo ngắn này, đã ra mồ hôi thì bạn
phải giặt, tối đa là ba bộ, giặt thay đổi. Y phục của mùa đông thì không cần
thường giặt, một ngày đông giặt một lần thì được, ngoại trừ quần áo ấm rất dày,
có thể từ đầu đến cuối không phải giặt, tuy nhiên có thể đem đi giặt khô, nhưng
phải hạn chế càng ít đồ dùng càng tốt. Không thể nuôi dưỡng thành tập khí như
người thế gian giàu có, trong tủ toàn là quần áo, chính mình có bao nhiêu bộ
cũng không biết, như vậy thì không giống người xuất gia.
Tiếp theo điều thứ 24:
“Không được sắm loại
dây đai, cây phất trần tốt đẹp, cùng đồ chơi v.v.., và trang điểm giang hồ mà
chuốc lấy tiếng cười của người trí thức”
Đây nói “cây phất trần”, tức là những cây phủi bụi làm bằng
tơ, giống như bạn thấy một số lão Đạo sĩ của Đạo giáo, họ ưa thích dùng một loại
phất trần. Vật này thường được một số người dùng để trang điểm cho bản thân, phẩy
phẩy giống như một vị tiên vậy. Những đồ đó rất xinh đẹp, cầm trên tay gọi là
“trang điểm giang hồ”, như vậy đều không thể được. Những đồ công nghệ để cho
người chơi, như quá khứ ở Bắc Kinh có một số người già, họ có tập khí của nhóm
Bát Kỳ Tử Đệ, thường hay cầm lồng chim đi trên phố, bên trong lồng có loại keo
bẫy chim, tất cả những thứ đó đều không được. Hễ cùng nhau tu đạo thì không nên
dính tới những thứ ấy, chúng ta đều không làm. Ngay cả những vật thường dùng của
người xuất gia, bạn cần phải trang điểm bản thân, làm đẹp bên ngoài, giả mà
không thật, thì có đẹp cũng không đúng. Quay về chính tâm không thể làm giả, phải
làm thật. Bạn bắt chước trang điểm như vậy, không phải là người chân chánh tu đạo,
người khác có trí tuệ, có đức hạnh nhìn thấy, họ liền biết bạn là làm giả, họ sẽ
cười chê bạn, nhiều “tiếng cười của người trí thức”, bạn có thể lừa gạt được
người ngoài, không lừa gạt được người bên trong.
Điều thứ 25:
“Không được mặc y phục
và đeo đồ trang sức như người thế tục”
Người xuất gia phải phải đắp Ca sa, mặc quần áo của người
xuất gia, không thể mặc quần áo của người tại gia. Màu của trang phục thì có màu
chính sắc nói chung là đỏ, vàng, lam, trắng, đen, những màu này đều thuộc về
trang phục có màu chính sắc; hoặc trang phục rất rực rỡ, rất xinh đẹp, tất cả
những quần áo như vậy đều không được. Chỉ nên mặc trang phục hợp với người xuất
gia, đây là Tăng và Tục phải có phân biệt. Hiện nay chúng ta đã xuất gia, thì
phải có thân phận của người xuất gia, “hợp
thân phận, hợp tập quán”, cần phải hiểu rõ, nếu không sẽ bị người chê cười.
Dù cho hiện nay chúng ta đang trong kỳ xuất gia ngắn, tuy chỉ là xuất gia ngắn
hạn, nhưng cũng là người xuất gia, người khác cũng có thể gọi bạn là sư phụ,
cũng có thể đảnh lễ bạn, bạn trì giới tốt trong bảy ngày này, thì bạn cũng có
thể làm thầy trời người. Sau bảy ngày, bạn hoàn tục, xả giới rồi, từ đó về sau
là vấn đề khác. Hiện giờ bạn còn là thân phận người xuất gia, thì bạn phải giữ
gìn tốt giới luật của người xuất gia.
Tiếp theo điều 26:
“Không được đùng các
thứ từ tơ tằm, khiến tổn hại lòng từ mà Phạm sư cấm chế”
Chúng ta mặc quần áo không được dùng đồ làm bằng tơ tằm, vì
tơ là luộc kén giết tằm mà lấy, tức là tổn hại sanh mạng, cho nên đó là phạm giới,
cũng liên quan với sát sanh, kể cả dây thắt lưng bằng da, giày da, đều không thể
dùng.
Điều thứ 27:
“Không được tay dơ
mà đắp y”
Chúng ta mặc áo Hải Thanh, đắp Man y, đắp Ca sa, đều phải rửa
tay cho sạch, đây là tôn trọng đối với y. Đặc biệt là Ca sa, đó là đắp y của
Như Lai, chúng ta khoác y lên là vì hoằng pháp lợi sanh, theo sứ mạng này của
Như Lai, thì làm sao có thể khinh thường! Thật sự quá khứ trong Tòng Lâm, khi đắp
y phải yêu cầu niệm kệ chú:
Thiện tai giải thoát phục,
Vô thượng phước điền y,
Ngã kim đảnh đái thọ,
Thế thế thường đắc phi.
Niệm kệ này, niệm chú mới
có thể đắp y, đây đều là biểu thị sự cung kính.
Điều
thứ 28:
“Không
được ngồi nhìn đại chúng làm việc mệt nhọc, còn mình thì lười tránh né tìm sự
an nhàn”
Đây là nói nhất định phải phục vụ nhiều
cho đại chúng, có thể phục vụ nhiều, làm nhiều việc, đó là tu phước, có cơ hội
tu phước thì không nên lười biếng, tránh né. Bạn biết tu phước ở trong nhà Phật,
thì phước báo này vô cùng lớn. Bạn thấy ở thời Phật, có Tôn giả Ca Chiên Diên,
trong đời quá khứ kiếp lâu xa Ngài đã từng làm thầy Hương đăng của một đạo
tràng. Vị thầy Hương đăng đó có một ngày quét tro làm sạch bàn thờ Phật, đem
tro đó giao cho một người ăn mày, bảo ông ta đem đi xử lý sạch sẽ. Người ăn mày
này cũng rất cung kính, cung cung kính kính đem tro hương đó xử lý xong, chỉ một
lần vì nhà Phật làm việc này thôi, mà kết quả đời sau ông ta được làm vua, phước
báo của việc làm này rất lớn! Chỉ làm một công việc cho nhà Phật, thì đời sau
đã làm vua một nước. Nếu bạn cả đời làm thầy Hương đăng, thì bạn có thể tưởng
tượng được, không chỉ làm vua, mà bạn có thể làm Phật.
Phật thì cả phước và trí huệ đều đầy đủ,
nên có cơ hội làm việc cho thường trụ, thì không thể bỏ qua, nếu bỏ qua là ngu
si. Điều này cũng nỗ lực làm hơn nữa, nếu chúng ta chỉ học tri thức của Kinh Phật,
mà không nỗ lực làm theo dạy bảo của Đức Phật, thì Đệ Tử Quy cũng nói “không thực hành, chỉ biết học, không thật
chất, thành người gì?”, có những đồng tu rất thích nghe Kinh, cả ngày nhìn
thấy họ đeo tai nghe để nghe giảng Kinh thuyết pháp, một việc nhỏ cũng không
làm. Lúc làm một chút việc, quét đất rất là nhàn nhã vậy, quét có một chút xíu
vài tấc đất mà hai giờ cũng không xong, đó là hạng người không thật chất, thành
người gì? Người quân tử siêng năng làm mà thận trọng ở lời nói, làm việc phải cần
cù nhanh nhẹn, mà không kéo dài lê thê, lời nói phải thận trọng. Nên chúng ta
phải biết làm việc, biết lao động, thì bạn mới là người có phước báo.
Trong quá khứ đi xuất gia, thì 5 năm đầu
đều làm việc là chính, xuất gia thì 5 năm làm Sa di, thông thường trước làm việc
trong nhà lớn. Làm việc gì trong nhà lớn? Làm công việc nhà bếp: nấu cơm, vì
thường trụ bổ củi, nấu ăn đó là tu phước báo lớn hơn cả. Tuy rất là cực khổ,
nhưng sau 5 năm, thì phước báo đó đủ rồi, sau đó mới tham Thiền nghiên cứu giáo
lý, thì liền dễ dàng khai ngộ, nếu phước báo không đủ thì rất khó. Cho nên người
xưa có câu nói “phước chí tâm linh”, tức
phước báo của bạn đầy đủ, thì trí liền nhanh nhẹn, trí huệ liền khai mở; người
mà thiếu phước thì tâm mơ mơ hồ hồ, không sáng suốt, nghe Kinh cũng nghe không
hiểu, lại càng làm nhiều việc không đúng. Cho nên, có lúc tôi thấy những bạn trẻ
luôn luôn cắm tai nghe Kinh, ở chết một chỗ đọc sách, thì tôi nói: bạn cũng nên
thường hay siêng đi quét nhà, siêng làm việc. Bạn không có phước, thì tâm bạn
không sáng, mà tâm không sáng, thì nghe cũng lãng phí thời gian, phải cần siêng
năng.
Tôi nhớ lúc trước, tôi cũng hơn 20 tuổi,
đi du học ở nước Mỹ, tôi thường thường đến đạo tràng Tịnh Tông Học Hội Dallas. Mỗi
lần tôi đi đến thì bằng xe bus lúc 10 giờ đêm, 4 giờ sáng ngày hôm sau mới đến,
khi đến nơi, trước vào chà rửa nhà vệ sinh. Chà rửa nhà vệ sinh xong, sau đó
giúp đỡ những người làm Pháp Bảo, bởi vì lúc đó Dallas là nơi cất giữ Pháp Bảo ở
nước Mỹ, Hoa Tạng Đài Loan đem những Pháp Bảo gửi cho Sư phụ chúng ta, thì trước
gửi đến Dallas, rồi từ Dallas gửi chia cho các nơi ở nước Mỹ, cho nên thùng giấy
đựng Pháp Bảo rất nhiều, tôi chuyên môn phụ trách thu hồi thùng giấy Carton. Rất
nhiều, từng xe tải nhỏ, chỉ một mình tôi làm. Tôi lấy thùng giấy xếp hoàn chỉnh
toàn bộ, làm được rất ngay ngắn, mỗi một thùng đều phải xẻ ra, sau đó xếp hoàn
chỉnh lên xe tải nhỏ, tự mình lái xe tải nhỏ đi đến trạm thu hồi rác. Cho nên đồng
tu ở nước Mỹ thấy tôi, đều cảm thấy anh chàng này rất tốt, đặt cho tôi một cái
tên rất thân thiết, gọi là ông Recycle, Recycle tức là thu hồi, ông Recycle đến
rồi! Cần phải làm việc, bạn không thật làm việc thì không có phước báo. Nên hiện
nay tôi cảm được có phước báo rõ ràng hơn, có thể ngày ngày thân cận thiện tri
thức, có thể chuyên tâm trong Kinh giáo, không có lo lắng gì về sau này. Vì vậy
chính mình có thể làm tốt điều này thì mới tu hành được. Tiếp điều 29:
“Không
lấy riêng của thường trụ như tre gỗ, hoa quả, rau cải, tất cả thứ ẩm thực, dụng
cụ v.v.. hoặc để tự dùng, hoặc lấy để cho người”
Những đồ của thường trụ thì không thể
loạn lấy, dùng lung tung, lấy riêng vật của thường trụ là bằng với trộm cắp, nếu
trộm cắp vật của thường trụ thì quả báo rất nghiêm trọng, chiếu theo Giới Kinh
nói thì tội này đều đoạn địa ngục A Tỳ. Nên “tre gỗ, hoa quả, rau cải tất cả thứ
ẩm thực, dụng cụ”, đều không được tự lấy mà dùng. Đệ Tử Quy nói “dùng đồ người, cần mượn rõ, nếu không hỏi, tức
là trộm”. Trộm cắp vật của thường trụ là không được. Thật có chuyện cần
dùng thì phải hướng thường trụ trình bày, thường trụ có người quản lý phòng
kho, tức là những người làm việc giữ kho, đồ vật, bạn phải hướng họ để trình
bày, chỉ cần họ phê chuẩn, họ nương theo trình tự để phê duyệt, thì mới có thể
sử dụng. Càng không thể đem những thứ đồ đó để cho người, đây là vật của Tam Bảo,
đây là vòng chuỗi, bạn tự tiện lấy đem làm món quà tặng cho người khác; Đèn để
trước Phật trông rất đẹp, đèn hoa sen làm bằng thủy tinh, vội vàng lấy đem cho
người khác, mỹ từ gọi là bố thí. Nhưng bạn không đem đồ vật của bạn để bố thí,
mà bạn đem vật của Tam Bảo để bố thí, đó là phạm giới trộm, thì không được. Đặc
biệt làm công quả, làm chấp sự ở trong đạo tràng phải đặc biệt chú ý điều này,
nếu như không có giữ gìn tốt điều này, thì không không chỉ phạm giới trộm cắp,
mà còn tạo nghiệp chướng rất nặng. Nên bạn thấy có những người làm công quả của
đạo tràng, dù cho làm công việc gì mà nghiệp chướng vẫn còn rất nhiều, thậm chí
thân thể càng không tốt, thì phải nhanh chóng kiểm điểm từng chỗ nhỏ nhặt, xem
có vô tình hay cố ý lấy riêng đồ của thường trụ dùng không? Có khi bạn chính
mình có thể chưa biết, nhưng đã phạm giới trộm rồi.
Điều 30:
“Không
được bàn nói việc chính trị được mất của triều đình, quan phủ và việc hay dở, tốt
xấu của người bạch y”
Chúng ta cùng sống trong đạo tràng này
với chúng, cố gắng nói ít, phải chánh ngữ. Cần phải nói, thì cũng phải nói
tương ứng với đạo, không thể bàn bạc, nói những chuyện thế tục. “bàn nói việc
chính trị được mất của triều đình, quan phủ”, đó là bình luận việc của quốc
gia, bình luận chính trị. Người xuất gia đã rời đời thường rồi, những sự việc
chính trị đó có thể không cần tham dự, chúng ta nên tu hành cho tốt. Các nhà
lãnh đạo chính phủ làm thế nào, chính sách của quốc gia thế nào, phận người xuất
gia không thích hợp để bình luận việc đó, nếu bình luận thì đã làm ngăn trở tổn
hại đạo nghiệp của chính mình. Cũng không thể đi nói những người Cư sĩ, “Bạch
y” tức là cư sĩ, nhà này tốt, người này tốt, người kia không tốt, dài ngắn,
đúng sai không thể nói. Nên Đệ Tử Quy cũng nói “kẻ nói dài, người nói ngắn, không liên quan, chớ xen vào”, chúng
ta không nên xen vào những chuyện thị phi, chỉ nhất tâm cầu đạo.
Điều
31:
“Khi
tự xưng, thì nên nêu hai chữ Pháp danh, không được nói, ‘tiểu tăng’, ‘tôi’,
‘ta’, ‘tao’ v.v.. không được vì chuyện nhỏ mà tranh chấp. Nếu là việc lớn khó
nhẫn thì cũng phải tâm bình khí hòa, lấy lý lẽ để bàn luận; nếu không được thì
từ giã mà đi. Nếu có phát ra hành động lời nói thô tháo thì không phải là bậc
pháp khí vậy”
Lúc chúng ta phải xưng tên của mình,
thì tốt nhất là nói pháp danh, thí dụ tôi là Định Hoằng, thì phải nói như thế
nào? ‘Hôm nay Định Hoằng đã gặp việc gì’, xưng nói với người khác là Định Hoằng,
xưng “hai chữ pháp danh”, đây là tự mình khiêm nhường, và cung kính đối với người
khác. Không thể nói “tôi”, nói “tiểu tăng”, vì sao? Bởi vì Sa di là vị trí học
sinh, bạn chính mình nói ‘tôi như thế nào’, đó là có chút ngạo mạn rồi. Dù cho
là đại Tăng, thì các Ngài lúc dịp so sánh chính thức, cũng đều là tấm gương biểu
thị sự khiêm nhường, cung kính. Sư phụ Thượng nhân của chúng ta viết thư cho những
người trong chính phủ, như cho Thủ tướng Malaysia, Ngài thường nhờ tôi viết bản
thảo. Tôi nhớ có một lần khi viết bản thảo, tôi đã viết chữ “tôi”, nói ‘gần đây
tôi cùng Ngài gặp mặt, nói chuyện rất vui’, Sư phụ liền sửa chữ “tôi” đó thành
hai chữ pháp danh của Sư phụ, đây là Ngài biểu thị khiêm tốn, vả lại khi viết
thư còn đem hai chữ tên của mình viết nhỏ lại một chút, tức là biểu thị càng
cung kính hơn, những chi tiết này đều thể hiện đức khiêm tốn của mình, cho nên
chúng ta đều nên học tập những điều ấy. Không dùng “tôi” hoặc “tiểu tăng”, mà trực
tiếp nói hai chữ pháp danh của mình.
“Không được vì chuyện nhỏ mà tranh chấp”,
không thể đi tranh chấp với người ta, phát sanh cãi nhau, phải nhẫn nại. Gọi là
“Lời nhịn nhường, oán tự tiêu”, chúng
ta ở trong Tăng đoàn nhất định phải hòa hợp, không thể theo ý mình, bất bình phát
sanh tranh chấp với người khác. “nếu là việc lớn khó nhẫn”, cũng phải “tâm bình
khí hòa, lấy lý lẽ để bàn luận”, bạn có thể cùng người giải thích rõ ràng,
không nên mới một chút liền nổi cáu, nổi nóng rồi, như vậy thì không có giải
quyết được chút nào vấn đề đó. “nếu không được thì từ giã mà đi”, tức là họ
không tiếp nhận sự giải thích của chúng ta, thì chúng ta không nên nói nữa,
chúng ta cáo từ mà đi.
“Nếu có phát ra hành động lời nói thô
tháo”, lộ ra thô tháo, bạn bực tức, ném chén ném đĩa, đều không phải là “bậc
pháp khí”. Như thế nào là bậc pháp khí? Có thể nhẫn là bậc pháp khí. Cho nên những
vị Hòa thượng thời xưa, xem tương lai cần truyền y bát cho ai, thì quan trọng
là xem chỗ nào? Xem anh ta có thể nhẫn. Sư phụ Thượng nhân cũng từng kể chuyện
này, lúc trước có một lão Hòa thượng, Ngài thường hay mắng chửi một người trẻ,
đó là một tiểu Hòa thượng trẻ tuổi, Ngài bị mắng, kết quả Ngài luôn nhẹ nhàng hạ
mình nhẫn chịu. Lão Hòa thượng giảng kinh thuyết pháp, Ngài liền đến nghe, Lão
Hòa thượng mắng đuổi Ngài đi ra, gọi người đuổi Ngài đi ra, bị đuổi ra Ngài vẫn
đến nghe, ngồi ở dưới bên cửa sổ tiếp tục nghe pháp. Trong tâm Lão Hòa thượng đều
biết được, nhưng cố ý để thử thăm dò Ngài. Đến sau cùng, Lão Hòa thượng sắp
viên tịch, muốn truyền y bát, mọi người đều đang nghĩ y bát này truyền cho ai?
Lão Hòa thượng nói, các người đi tìm người ngồi ở dưới cửa sổ đến đây, truyền
cho ông ta. Đó tức là bậc pháp khí.
Tiếp
theo:
“Nếu
vi phạm Tăng chế, nghe bạch trùy, không được kháng cự bất phục”
Nếu chúng ta đã vi phạm kỉ luật của
người xuất gia, tức là giới luật, thì cần phải mạnh dạn thừa nhận lỗi lầm, hướng
đại chúng mà sám hối. “Nghe bạch trùy”, tức là phải hướng đại chúng tự mình
trình bày xác thật đã phạm lỗi lầm gì, hướng đại chúng mà sám hối, nếu vị chủ sự
đã nắm bắt lỗi lầm của chúng ta, thì trong khi đại chúng phê bình chúng ta,
chúng ta cũng không được “kháng cự bất phục”. Đệ Tử Quy cũng nói “vô ý phạm, gọi là sai, cố ý phạm, gọi là tội.
Biết sửa lỗi, lỗi không còn, nếu che giấu, càng thêm tội”. Nếu như chúng ta
có lỗi thì phải sửa “Người không phải là Thánh
Hiền, ai chẳng lầm lỗi? Lỗi mà có thể sửa, còn gì tốt hơn”. Bạn kháng cự bất phục, tức là không muốn sửa,
còn biện bạch để bảo vệ mình, cưỡng tình đoạt lý, đó là tăng thêm tội, tội lại
chồng lên tội.
Chúng
ta xem tiếp oai nghi thứ 5 là:
“Thứ
năm: Theo chúng ăn”
Tức là ăn cơm cùng với đại chúng. Đây
là nói về ăn cơm Quá đường, chúng ta ăn sáng, ăn bữa ngọ, mọi người đã trải qua
thể nghiệm tốt mấy ngày rồi, giờ nói lại những điều giới này, thì mọi người đều
cảm thấy gần gũi hơn. Thứ nhất:
“Nghe
tiếng kiền chùy, liền phải chỉnh trang y phục”
“Kiền chùy” tức là đảnh bảng trong
chùa, hoặc là tiếng đánh chuông, đều thuộc về âm thanh của kiền chùy. Thông thường
ăn cơm đều đánh bảng, đến giờ đã đánh bảng rồi, thì nhanh nhanh chỉnh lý sửa soạn
y phục, nếu đã thọ Đại giới rồi thì đắp y bảy điều, Sa di thì đắp Man y, Cư sĩ
tại gia phải mặc áo Hải Thanh, phải đi vào Trai đường để tiến hành nghi thức
Quá đường. Thứ hai:
“Lúc
chú nguyện, lúc ăn đều phải cung kính”
Thông thường lúc ăn cơm đều phải niệm chú cúng dường, sau đó còn phải
xuất sanh. Chúng ta thường niệm bài cúng dường: “cúng dường thanh tịnh Pháp thân Tỳ Lô Giá Na Phật, Viên mãn báo thân Lô
Xá Na Phật”, không thể miệng đọc mà vô tâm, phải chuyên chú, phải cung
kính. Lúc niệm phải quán tưởng, quá tưởng những thức ăn của chúng ta biến thành
vô lượng để cúng dường Phật Bồ-tát, có tâm cúng dường như vậy, thì đó là tu phước
điền. Vì vậy mỗi ngày làm những công khóa này, thực tế đều là giúp chúng ta
nâng cao phước đức. Ăn trong Tòng Lâm cũng là một việc công khóa, không phải là
vì làm cho no dạ dày là xong, việc này thật là làm công khóa.
“Khi xuất sanh, để trong
lòng tay trái, niệm thầm bài kệ:
Nhữ đẳng quỷ thần chúng
Ngã kim thí nhữ cúng
Thử thực biến thập phương
Nhất thiết quỷ thần cộng.”
“Xuất sanh” cũng gọi là xuất thực, xuất
thực có thể học một lần, cũng không quá khó. Đầu tiên chúng ta lấy chén nhỏ để
trong lòng tay trái, thông thường gập hai ngón giữa để dựa chén lên, rồi “niệm
thầm bài kệ”, niệm bài:
“Chúng quỷ thần các người
Nay ta cúng thí cho
Thức ăn biến mười phương
Quỷ thần cùng hưởng thụ” .
Lúc
niệm thầm thì quán tưởng, những thứ ăn này của tôi biến thành vô lượng, vô
biên, biến pháp giới hư không giới, cúng dường tất cả chúng quỷ thần, tất cả
chúng sanh của mười pháp giới, chúng ta đều phổ đồng cúng dường. Tâm lượng của
bạn càng lớn, thì niệm lực đó càng mạnh mẽ, phước báo của sự cúng dường này
càng lớn. Vừa rồi mới nói đến niệm chú cúng dường, Kinh văn cúng dường đó, đều
cần phải niệm đầy đủ rõ ràng, đây là cung kính. Đệ Tử Quy nói: “Lúc nói năng, chỗ chủ yếu, đừng nói nhanh,
phải rõ ràng”. Có những Tự Viện họ niệm cúng dường quá nhanh, “cúng dường thanh tịnh Pháp thân Tỳ Lô Giá Na
Phật”; bạn không nghe được họ niệm
gì, nên đây là tâm rất hấp tấp trôi nổi, muốn làm cho xong chuyện để ăn. Tâm
như vậy thì không có công đức, đo đó phải chỗ chỗ đều cung kính.
Điều
bốn:
“Phàm
muốn ăn, trước làm Ngũ quán”
Tức là năm loại quán niệm, trước khi ăn cơm phải có. Bạn thấy mỗi
ngày Sướng Công xướng đọc cho chúng ta: “Phật
chế đệ tử, thực tồn ngũ quán”, tức là năm quán tưởng.
“Nhất:
kế công đa thiểu, lượng bỉ lai xứ. Nhị: Thốn kỷ đức hạnh, toàn khuyết ứng cúng.
Tam: Phòng tâm li quá, tham đẳng vi tông. Tứ: Chánh sự lương dược, vị liệu hình
khô. Ngũ: Vị thành đạo cố, phương thọ thử thực.”
Đây là năm loại chánh niệm. Điều đầu
tiên “kế công”, kế là xét lượng, tư duy, thức ăn chúng ta ăn có công nhiêu hay
ít? Người nông dân phải trồng, chăm sóc tốt rồi thu hoạch, đem lúa xay thành gạo,
có người Cư sĩ mua lại, đem cúng dường, có người đem gạo nấu cơm, đưa đến trước
mặt bạn, như vậy rất nhiều công sức. Nghĩ thức ăn này đến đây không dễ, phải tiếc
phước. “Thốn kỷ đức hạnh”, là xem xét đức hạnh của mình như thế nào? “Toàn khuyết
ứng cúng”, không có đức hạnh thì không nên tiếp nhận sự cúng dường này, làm cho
chúng sanh không có ruộng phước. Người ta đến trồng phước, chính ta không có tu
hành làm cho người ta không được phước báo. Phải trì giới thật tốt, thật nâng
cao mình lên mới được.
“Phòng tâm li quá, tham đẳng vi tông”,
tức là đây có thận đang tu hành không? Tu từ trong tâm. Căn gốc của tu hành là
hạ thủ từ tâm địa, đề phòng chặn lỗi lầm ác từ trong tâm, xa lìa lỗi ác. Lỗi lầm
ác chủ yếu nhất là tham, “tham đẳng vi tông”, tông tức là chủ yếu. Tất cả 180
phiền não có thể quy nạp thành sáu phiền não lớn. Đây là quy nạp khác nhau, đầu
tiên 660 phiền não, rồi quy nạp thành 180 phiền não, rồi quy nạp sau cùng thành
6 loại căn bản phiền não, cộng thêm 20 tùy phiền não. Sáu căn bản phiền não là
tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, đây nói tham đẳng, đẳng tức là bao gồm những
phiền não đằng sau, quy nạp đến cuối cùng là một chữ tham. Lúc ăn cơm thì đề
phòng tham, không thể tham ăn, sau khi không tham thứ gì, tất cả đều buông xả rồi,
thì bạn mới là chân tu hành. Hiện nay muốn ăn cơm này, tuy không có đạo đức thì
không có tư cách để ứng cúng nhưng bạn vẫn phải ăn. Vì sao vậy? Cũng phải duy
trì thân thể này, dùng nó để tu đạo, mượn giả tu chân, cho nên cần phải ăn. Cơm
này để làm thuốc, dùng để trị bệnh thân hình khô yếu, nếu không ăn thì sẽ gầy.
Tôi hiện vẫn không ăn không được, vị A-la-hán thì có thể một tuần ăn một bữa,
tôi làm không được, vì chưa có công phu đó, mỗi ngày phải ăn ít nhất hai bữa,
thì cũng phải dùng tâm hổ thẹn để ăn.
“Ngũ: Vị thành đạo cố, phương thọ thử
thực”, tôi là vì tu đạo nên tiếp nhận những đồ ăn này, hi vọng có thể sớm ngày
thành đạo, để hồi báo sự cúng dường của bốn phương, trên báo bốn ơn nặng. Nếu
như không chân chánh tu đạo, mà bạn thọ cúng dường thì tương lai tất đọa địa ngục,
sau khi ra khỏi địa ngục, còn phải mang lông đội sừng mà trả nợ, cho nên chén
cơm của người xuất gia không dễ ăn. Tôi chỉ mới xuất gia xong, đến đêm đó, tôi
cùng Sư phụ Lão Nhân Gia tản bộ bên ngoài Tinh xá, Sư phụ Thượng nhân nói với
tôi: “Cơm của người xuất gia không dễ ăn,
so với cơm của người ăn xin còn khó ăn. Đi ăn xin, người ta bố thí cơm cho con,
thì không có yêu cầu con hồi báo, họ cho con là cho con luôn; Con xuất gia, cơm
của người ta cho con là cơm có mong cầu, người ta cúng dường con, là hi vọng
tương lai con thành đạo, hi vọng con làm ruộng phước của họ. Người ta gieo giống
phước trên thân con để con có thu hoạch, con làm cho họ không có thu hoạch, thì
con làm sao trả nợ cho người ta? Cho nên xuất gia là đồng nghĩa với không lên
thiên đường thì xuống địa ngục, không vãng sanh Thế Giới Cực Lạc thì đọa địa ngục”.
Sau khi tôi nghe những lời này của Sư phụ, thì tôi cũng nói với Sư phụ: Sư phụ!
Sao giờ Ngài mới nói với con điều này? Đương nhiên tôi cũng là đùa một chút với
Sư phụ thôi, chứ tôi sớm đã nghĩ đến rồi.
Tôi học Phật năm 20 tuổi, lúc 24 tuổi
thì tôi có duyên để theo Sư phụ xuất gia, lúc đó rất nhiều người khích lệ tôi,
đây là lần sau cùng Sư phụ Thượng nhân thế độ cho hàng Pháp sư chữ Ngộ tại Dallas.
Có người liền nói với tôi: Bạn có muốn xuất gia không? Đây là lần cuối cùng Sư
phụ thế độ cho người, bạn không xuống tóc thì không có cơ hội nữa, tương lai
niêm phong dao rồi. Tôi lúc đó nghĩ trước tính sau còn không dám. Người ta hỏi
tôi, bạn vì sao không xuống tóc? Tôi nói, tôi sợ đọa địa ngục. Đây là sự thật.
Vì sao hiện nay tôi lại không sợ nữa? Hiện giờ tôi đã nghĩ lại rồi, tôi học Phật
đã qua 20 năm, tôi nếu không đem sở học của mình để cống hiến cho mọi người,
không để hoằng pháp lợi sanh, thì tôi có lỗi với Sư phụ, thì có thể tương lai
tôi đọa địa ngục là đọa càng sâu hơn. Cho nên cũng là liều đi rồi, biết rõ đó
là hầm lửa mà vẫn nhảy vào, hi vọng hầm lửa biến thành ao Liên Trì.
Vì vậy chúng tôi thấy có người phát
tâm chân chánh muốn xuất gia, thì trong tâm chúng tôi đều bội phục, đây thật là
dũng mãnh. Đó là sự thật, không phải đùa đâu, bạn không vãng sanh Thế Giới Cực
Lạc thì xuống địa ngục, chỉ có hai đường này, không có ở khoảng giữa. Đại sư Ấn
Quang dùng hai câu đối, mỗi ngày tự xem để nhắc nhở chính mình, nói ngươi tương
lai chết, ngươi sắp phải chết rồi, nếu không vãng sanh “quyết đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh còn khó mong cầu”. Đây là Đại
sư Ấn Quang tự nói chính Ngài, bạn nếu không vãng sanh Thế Giới Cực Lạc, thì
tương lai quyết định đọa địa ngục A Tỳ, lúc đó muốn làm ngạ quỷ, làm súc sanh
cũng khó mà cầu được. Tổ sư Ấn Quang mà còn như vậy, huống hồ là hàng phàm phu
chúng ta đây? Chúng ta xem tiếp điều thứ
năm:
“Không
chê thức ăn ngon dở”
Bổ sung thêm chút xíu, không thì mọi
người trong đây nghe tôi nói nản lòng. Muốn phát tâm xuất gia, đã đi con đường
này, thì phải thật dũng mãnh thẳng tới, không nên quay lại. Bạn biết đằng sau
là địa ngục lửa dữ, phía trước là ao sen thất bảo, thì bạn chỉ có một con đường
đi tới, không có đường lui. Như vậy cũng tốt, bức ép bạn trong đời này phải
thành tựu. Chân chánh xuất gia đó là việc làm của Đại trượng phu, Đại anh hùng,
từ xưa đến nay có mấy ai làm được? Dũng khí của người đó thật đáng khâm phục.
Đương nhiên người đó cần phải thật sự tu hành, không thật tu hành thì quả báo rất
thê thảm rồi.
“Chê thức ăn ngon dở”, chê tức là phê bình, chỉ trích thức ăn này
là ngon hay dở, trong đó có nhận xét, kén chọn, đây là không đúng rồi. Quân tử
thế gian đều là mưu đạo bất mưu thực, đối với tất cả đồ ăn không cầu no, ở
không cầu an, huống là những người Thích Tử xuất gia, thì càng phải nên buông xả
những phân biệt chấp trước đó. Quá khứ, Đại sư Hoằng Nhất, tuổi trẻ Ngài rất chấp
trước, người ta tìm Ngài, thí dụ này tôi đã nói qua rồi. Lúc trẻ người ta hẹn gặp
Ngài, Ngài nói đúng 8 giờ, mà 8 giờ 5 phút người ta mới tới, thì Ngài không mở
cửa, ‘ông đến trễ rồi!’, ngày hôm sau, 7 giờ 55 phút đến, chưa tới 8 giờ, cũng
không mở cửa, ‘chưa tới giờ’, đây là tâm chấp trước. Đến khi lớn tuổi thì những
chấp trước ấy, thói quen khó tính đều không còn nữa, người ta nấu cho Ngài món
ăn bị mặn, thì ‘mặn có vị ngon của mặn’; nấu cho Ngài bị lạt, thì ‘lạt có ngon
của lạt’, đều tốt, không có không tốt, thực sự đem tâm phân biệt chấp trước
buông xả rồi, đó là người tu đạo. Điều thứ sáu:
“Không
được riêng lấy thức ăn cho người khác hoặc ném cho chó”
Tức là không thể lấy thức ăn để riêng
cho mình, cảm thấy ăn ngon nên mau chóng lấy một ít, sau đó chia cho người khác
để lấy lòng, như vậy không được. Thứ ăn này là thuộc thường trụ, mọi người cùng
ăn, sao bạn có thể chiếm lấy làm của riêng, để tự mình sử dụng? Ngay lúc đang
ăn, chó đến xin ăn, thì bạn cũng không nên cho chó.
Đạo tràng chúng ta đây, có thể là nhặt
những con chó bị người ta bỏ rơi, có một thứ tự nhặt đem về, như cùng một đợt
là một tên, cũng là định thế hệ tên, Sướng Công cũng là quy y cho chúng. Những
chú chó này cũng rất ngoan, chúng tham gia thời khóa sớm tối, lúc Pháp sư ở thường
trụ lên khóa sáng tối, chúng cũng theo để lên khóa tu sáng tối, để nhiễu Phật.
Nếu như chúng lên đến Trai đường, chúng đói bụng rồi, xin ăn với bạn, bạn đang
lúc ăn cơm, thì bạn không nên cho chúng ăn. Điều này giới luật cũng quy định. Bởi
vì quá khứ Phật Thích Ca Mâu Ni cùng đệ tử của Ngài đến ứng cúng tại nhà một Cư
sĩ, lúc đang ăn cơm, thì có một con chó rất đói tiến đến, có một Tỳ kheo liền cầm
thức ăn, lấy miệng mình cắn chia thức ăn để cho chó ăn. Vị thí chủ cúng dường
đó nhìn thấy, rất không hài lòng, ông ta cảm thấy đó là thức ăn tôi cúng dường
Tam Bảo, sao thầy đem cho chó ăn? Coi thường tôi. Nên trong tâm đã sanh phiền
não. Do đó Phật liền chế định một điều giới, lúc ăn cơm, chó đến xin ăn, thì
không được cho chó. Thật muốn thí cho chúng sanh, thì có thể bạn ăn xong rồi, lấy
thức ăn dư đem ra ngoài, mới có thể cho chó ăn riêng, không nên ở trước mặt người
ta, đây là để tránh tâm người ta rất không hài lòng. Điều thứ bảy:
“Người
đến thêm đồ ăn, không được nói không dùng, nếu đã đủ, thì nên lấy tay ra hiệu từ
chối”
Đây là nói người khác đến thêm đồ ăn
cho bạn, người hành đường đi đến trước bạn, trong Trai đường đều không cho phép
nói, bạn muốn ăn thì được dùng tay ra hiệu. Quy tắc hành đường của chúng ta mọi
người cũng đều học tập rồi, nếu đồ ăn khô, phải dựng đũa đứng lên lên; nếu thức
ăn loãng, thì bạn cầm xoay lắc ngang. Đều có những nguyên tắc, toàn bộ dùng ra
hiệu, không dùng lời nói. Lúc người khác đem cơm cho bạn, bạn nếu ăn thì đem để
chén ra bên ngoài, không ăn thì thu chén lại. Có người không biết rõ, họ đưa
chén ra, người ta thấy liền thêm cơm vào, thật sự thì họ đã ăn không nổi nữa,
thêm cơm cho họ thì lãng phí rồi, sau đó người chủ sự, cầm hương bản đi đến trước
bạn để đánh bạn, vì bạn đã lãng phí thức ăn của thường trụ. Chính mình muốn ăn
bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu, bạn không ăn thì thu chén lại, “không được nói không
dùng”, ‘không dùng’, bạn nói thì mắc lỗi, cũng không cần lắc tay, bạn thu chén
lại thì được rồi. No rồi không cần, thì có thể “lấy tay ra hiệu từ chối” cũng
được, lắc nhẹ tay, biểu thị tôi không cần thêm nữa.
Lúc nãy “không chê thức ăn ngon dỡ”, tức
là hành đường đem cho bạn đồ, thức ăn, thì bạn không thể chê bai. Đệ Tử Quy
cũng nói “khi ăn uống, đừng kén chọn”,
cho gì thì ăn nấy, ăn không cầu ngon. Tiếp theo điều thứ tám:
“Không
được gãi đầu khiến gió thổi bay gàu vào trong bát của người ngồi gần”
Đang cùng ăn cơm, mọi người ngồi bên cạnh
nhau đều rất gần. Chúng ta đã cạo tóc rồi, có thể trên đầu có gàu, bạn gãi đầu,
gió thổi gàu bay tứ tung, như sái nước Cam lộ vậy, bay đến người khác làm thức
ăn cho họ, như vậy không được cũng mất oai nghi. Điều thứ chín:
“Không
được đang ngậm thứ ăn mà nói chuyện. Không được cười nói chuyện tạp nhạp”
Tức là đang ăn cơm không được nói chuyện,
đặc biệt là miệng ngậm thức ăn mà nói, rất khó coi, cũng không được “cười nói
chuyện tạp nhạp”. Ăn không được nói, bạn ăn cơm còn nói chuyện, cười giỡn, thì
rất nguy hiểm, những thức ăn rớt xuống đến khí quản, có thể là mất mạng rồi,
cho nên nhất định phải cẩn thận với việc này, “nói nhiều lời, không bằng ít”, phải nói thật ít, kết thúc bữa ăn rồi,
ra bên ngoài mới nói chuyện, ăn chưa xong thì không được nói chuyện. Cũng nói “đây chưa xong, chưa tiếp kia”, bạn còn
chưa làm xong việc bên này, bạn lại nghĩ đến việc khác, ăn cơm thì chuyên tâm
ăn cơm, không thể nghĩ đến việc khác. Cổ Đại đức nói, thế nào là Thiền, người
khai ngộ là làm sao? Lúc ăn cơm thì ăn cơm, lúc ngủ thì ngủ, đó tức là Thiền.
Người thông thường chúng ta lúc ăn cơm thì nghĩ việc khác, không lão thật ăn
cơm, lúc ngủ thì cũng nghĩ đến việc khác, cũng không lão thật ngủ, cho nên
trong tâm của họ đều không định.
Tiếp
điều thứ mười:
“Không
được nhai thức ăn ra tiếng, không được húp canh cháo v.v.. ra tiếng”
Ăn cơm phải nhẹ tiếng, khép miệng lại
để nhai, không nên nhai thành âm thanh rất lớn, đây đều là thô lỗ, không được tập
dưỡng phong thái này. Còn húp cháo, uống nước không nên làm thành tiếng lớn,
khiến người nghe rất khó chịu, đều phải yên lặng, càng nhẹ nhàng yên lặng thì
càng có oai nghi. Tiếp theo điều thứ 11:
“Muốn
xỉa răng thì trước lấy tay áo che miệng”
Ăn cơm xong, nếu có tăm xỉa răng, bạn
cần xỉa răng, đều phải lấy tay áo che miệng. Rất nhiều người bên ngoài thế gian
làm điều này, nhà Nho cũng có lễ giống vậy, tức là không để lộ răng cho người
khác thấy. Cho nên cố gắng không được lộ răng, nói chuyện, cười không để lộ
răng đó tức là oai nghi, điều này đòi hỏi chính mình phải rèn luyện. Đặc biệt khi
nói chuyện, cố gắng không nên cười lớn, khi cười lớn thì lộ ra răng ra rất khó
coi. Quá khứ tôi giảng là đứng trước máy quay trong phòng quay phim, lúc đầu rất
căng thẳng, rất không tự nhiên, vì vậy, không bao giờ cười; Dần dần giảng được
tự nhiên mới bắt đầu cười. Có khi cười lớn, thì lộ răng ra. Có tín chúng, có đồng
tu, tôi cũng không quen biết viết email gửi đến, nói: xin Ngài vui lòng giảng
bài không nên lộ răng ra. Tôi cũng biết, răng của tôi cũng không phải rất đẹp,
từ nhỏ là ố răng, lúc nhỏ bị ố răng là do uống Tetracylin quá nhiều, có thể do
lúc trước cũng không có thuốc, nên bị bệnh này, lúc đó còn chưa có thuốc
Penicillin, chỉ có Tetracylin thì có tác dụng phụ, nên răng đều có chút vàng,
nhìn không đẹp. Lúc đó càng không thể để lộ răng. Điều thứ 12:
“Trong
thức ăn có sâu bọ kiến, thì nên kín đáo bỏ đi, đừng để người ngồi bên cạnh thấy
sanh tâm nghi ngại”
Đang lúc ăn cơm, đột ngột phát hiện
trong chén có sâu bọ, có ruồi xanh thì phải làm sao? Lúc đó bạn không nên quá sợ
hãi, ngàn vạn không thể sợ nhảy hét lên: ở đây sao có ruồi xanh! Thì thôi xong!
Toàn bộ người đều thấy bạn, sau đó mọi người đều không dám ăn cơm nữa. Lúc đó
phải nên “kín đáo bỏ đi”, đương nhiên ruồi xanh trong đó cũng đã chết rồi, bạn
lấy nó ra, tốt nhất lấy khăn giấy để bao lại, không nên để cho người khác thấy.
Để “người ngồi bên cạnh” nhìn thấy, ‘trong chén bạn có ruồi xanh, thì có thể
trong chén tôi cũng khả năng có con gián’, họ liền không dám ăn nữa. Cho nên bạn
phải có tâm từ bi, không nên để người nhìn thấy, cũng không nên đi lan truyền,
cũng không nên phê bình nhà bếp. Người ta làm việc rất vất vả, ruồi xanh rớt
trong đó là do chúng tự bay vào, chứ không do nhà bếp bỏ vào. Vì vậy bạn cũng
không thể quở trách nhà bếp. Nên đều phải ẩn ác dương thiện, không nên lan truyền.
Điều thứ 13:
“Phải
ngồi một chỗ mà ăn, không được ăn xong, rời chỗ ngồi rồi, lại ngồi ăn thêm, trừ
khi có việc chính đáng”
“Ngồi một chỗ mà ăn”, tức là ngồi đến khi ăn xong, đã đứng lên đi
thì không thể ngồi lại ăn nữa, gọi là nhất
tọa thực, chỉ có thể ngồi một lần, không thể ngồi hai lần. Không thể nói,
tôi ngồi xuống ăn xong rồi, đứng lên đi ra bên ngoài, thì cảm thấy còn chưa no,
trở lại ngồi xuống ăn tiếp. Đây không phải là bữa tiệc buffet, đây là Quá đường
chỉ được nhất tọa thực. Nên bạn biết
rõ lượng ăn của mình, lượng ăn của mình đều không biết, bạn quán chiếu sức ăn
này mà còn nhiều chênh lệch, thì làm sao bạn có thể quán chiếu phiền não? Đầu
tiên phải quán chiếu được bạn ăn có đủ no chưa, có phải là ăn no rồi cũng không
biết? Ăn no chưa cũng không biết, thì tức là ngu si, nên phải biết được chính
mình ăn bao nhiêu.
Lúc chúng ta ăn cơm cũng không gấp
gáp, tức ăn no là chính. Ngài Sướng Công đặc biệt tốt, Ngài để mọi người từ từ
ăn. Hiện nay có rất nhiều chùa, thời gian ăn Quá đường của họ đặc biệt nhanh,
ào ào năm phút là ăn xong, như vậy sau này không tốt cho hai bộ phận ruột, dạ
dày. Ăn thì ăn từ từ, ăn 20 phút, nửa tiếng đều không sao, ăn chậm rãi. Đặc biệt
là quá ngọ không ăn, bạn phải ăn từ từ thì ăn mới được nhiều thêm một chút đúng
không? Lúc tôi đi thọ giới, có những giới tử thọ cùng, gọi là giới huynh đệ, bởi
vì tôi ăn cơm chậm hơn, tôi phát tâm quá ngọ không ăn, thì giới huynh đệ nói với
tôi:‘tôi chỉ cho huynh làm sao có thể ăn nhanh. Huynh ăn cơm, trước nhờ hành đường
đổ nước ấm, dùng nước ấm pha cơm, liền có thể nuốt nhanh được rồi’. Cách này là
nhanh, nhưng đối với dạ dày không tốt, bạn ăn như vậy lâu rồi thì sẽ bị bệnh dạ
dày. Cho nên ăn chậm rãi, nhai nhẹ, nuốt chậm, cơm thức ăn nát kỹ mới nuốt xuống
thì giảm bớt gánh nặng cho dạ dày. Không được “ăn lại”, tức là ăn xong rồi, đã
rời chỗ ngồi, còn muốn trở lại ngồi ăn, còn muốn đổi chỗ ăn tiếp, đây là không
đúng. Trừ khai duyên tức là có “việc chính đáng”, thí như nhà thầy đang có việc
gấp, thầy phải xử lý sự việc, có thể ngồi ăn nữa bữa, có điện thoại khẩn cấp đến
phải đi tiếp điện thoại, sau đó trở lại ăn tiếp, như vậy thì được, đây là chính
mình có trách nhiệm. Thông thường Thanh chúng không có việc chính đáng, bạn phải
thật thà ngồi ăn xong. Tuy nhiên còn có những người bị bệnh, có thể có nhu cầu
riêng phải xử lý, thì cũng có thể khai duyên.
Tiếp
điều thứ 14:
“Không
nên ăn xong, lấy ngón tay vét chén bát mà ăn”
Đây cũng là oai nghi. Ăn xong rồi, lấy
ngón tay để vét bát, lấy tay kẹp lại đưa miệng vào, đây đều rất khó coi. Bạn thấy
oai nghi của ăn cơm, bát chúng ta ngăn ngắn, không thể cúi đầu trong bát mà ăn.
Phải bưng bát ngay ngắn, lưng thẳng mà ăn. Điều này thì người với động vật khác
nhau, người thì đi thẳng đứng, các loại động vật thì quay lưng lên trời. Chúng
ta không thể ăn cơm mà quay lưng lên trời, cầm bát, cầm đũa phải thẳng lên. Vậy
thì gọi là gì? Là rồng ngậm châu, phụng điểm đầu. Tay cầm bát như như rồng ngậm
châu; tay cầm đũa như phụng điểm đầu, ăn thẳng, thì người cõi trời thấy bạn
cũng kính phục, đây là oai nghi. Ăn thì có tướng của ăn, đứng có tướng đứng, ngồi
có tướng ngồi, tất cả đều rất cung kính.
Tiếp
theo điều thứ 15:
“Khi
ăn không được quá nhanh, không được quá chậm”
Ăn cơm thì không thể quá nhanh, tuy
nhiên cũng không nên quá chậm. Có người ăn thật sự không chuyên tâm, đang ăn mà
suy nghĩ chuyện khác, đặt đũa xuống sau đó là bắt đầu trận mê man, người khác
nhắc nhở họ, thì họ lại mới ăn một chút, ăn như vậy thì hai giờ cũng ăn chưa
xong bữa cơm, đây đều không giống người tu hành. Cho nên ăn cũng phải chuyên
tâm, bạn chuyên tâm thì có thể ăn nhanh, không chậm mà thong thả.
Điều
thứ 16:
“Hành
thực chưa đến, không được sanh phiền não, nếu có cần gì thì yên lặng dùng ngón
tay ra hiệu, không được lớn tiếng gọi”
“Hành thực” tức là người hành đường, đến
để thêm đồ ăn cho bạn. Họ đều phải cho thêm cơm, thức ăn theo thứ tự, bạn không
thể sốt ruột, đợi đến lúc họ tới bạn thì họ tự nhiên sẽ có, không thể nói hành
thực (tức hành đường) chưa đến chỗ bạn thì bạn sanh phiền não. Tuy nhiên cũng
có lúc hành đường lơ là, họ bỏ qua bạn luôn, họ đã quên rồi hoặc không chú ý đến
yêu cầu của bạn, bỏ qua luôn rồi, bạn cũng đừng sanh phiền não, đợi lại vòng
hai cũng được. Chúng ta trong đây cũng yêu cầu công quả hành đường, tốt nhất mỗi
bữa ăn ít nhất đi ba vòng, bạn lỡ qua vòng thứ nhất thì còn vòng thứ hai, vòng
thứ hai lỡ qua, vẫn còn vòng thứ ba, rốt cuộc bạn cũng có lúc ăn, vì vậy không nên
sốt ruột, cũng không nên sanh phiền não.
“Nếu có cần gì”, có nhu cầu gì, thì
“yên lặng dùng ngón tay ra hiệu”, thí dụ tôi ăn bao nhiêu, tôi chỉ bát này, bạn
có thể cầm bát lên chỉ vào một đường mức độ cao, cần nước ấm rửa bát thì chỉ
vào mức rửa bát, đối phương liền hiểu được, không dùng lời nói, càng không được
“lớn tiếng gọi”. Hành đường không chú ý tới bạn, bạn hét ‘bạn đến đây, làm sao
không thấy tôi, tôi còn yêu cầu’. Bạn lớn tiếng gọi như vậy là, toàn bộ người đạo
tràng bị bạn làm động loạn rồi. Bởi vì ăn Quá đường cũng là công khóa tu, bạn
thấy lúc ăn cơm, Lão Hòa thượng đọc ‘đại
chúng nghe tiếng khánh giữ chánh niệm’, bạn phải đề khởi chánh niệm. Thế
nào là chánh niệm? Chúng ta tu Tịnh độ là niệm A Di Đà Phật. Đang A Di Đà Phật,
A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, đột nhiên bị bạn gọi lớn thì A Di Đà Phật ngừng rồi,
thì bạn chịu nhân quả, cho nên không thể tùy tiện làm động niệm người khác.
Tiếp
theo:
“Không
được làm cho chén bát phát ra tiếng”
Ăn cơm phải càng nhẹ nhàng tiếng nhỏ càng tốt, đũa muỗng không được
chạm vào chén bát gây ra tiếng. Tiếng nhỏ, tốt nhất là không có âm thanh, đây
là biểu thị tâm bạn rất tỉ mỉ, từ đó liền thấy công phu tu hành. Quá khứ thời Bắc
Tống có Trình Tử, chúng ta biết Nhị Trình, Chu Hi đều là nhà nho lớn. Trình Tử
có một lần đến chùa, phát hiện ở trong chùa, một âm thanh đều không có, nghĩ
đây là chùa trống. Khi ông đi bộ đến Trai đường, thì thấy có hàng trăm người
đang ăn cơm, thật sự một âm thanh đều không có. Trình Tử liền rất tán thán, nói
gốc ba đại lễ mà nhà Nho nói, thế gian đã không con nữa, nhưng trong nhà Phật vẫn
còn. Trong lễ đầu cũng có nói điều này, lúc ăn cơm đều phải nhỏ tiếng.
Tiếp
điều thứ 18:
“Không
được ăn xong đứng dậy trước, phải chờ kiết Trai xong mới cùng đứng dậy, trừ có
việc chính đáng”
Không được ăn xong trước liền đứng dậy,
phải nên đợi “Kiết Trai” xong, xướng xong chú Chuẩn Đề, những nghi thức Kiết
Trai xong, mọi người cùng đứng dậy. Không thể ai cũng tự tiện ăn xong liền đứng
dậy, thì loạn thất bát tao rồi. Trừ khi “có việc chính đáng”, tức là bạn đang
làm chấp sự, bạn phải nhanh để làm công việc, như vậy thì có thể được.
Điều
thứ 19:
“Trong
cơm ăn có thóc, hoặc bóc vỏ mà ăn, hoặc gom lại một chỗ, khi ra ngoài đem cho
chim ăn”
Có khi trong cơm sẽ có lẫn những hạt thóc không có bóc vỏ, bạn có
thể bóc vỏ đi, để phần hạt ăn, một hạt gạo cũng không lãng phí. Nên gọi là “một chút cháo, một hạt cơm, nên nghĩ rằng kiếm
được không dễ, nửa sợi chỉ, nửa miếng vải phải nhớ rằng làm ra rất khó”,
Thơ cổ nói:
Ai biết trong bữa cơm
Từng hạt đều khổ nhọc.
Người
thế gian đều biết đạo lý này, huống là người xuất gia thọ nhận của người tín
thí, thì càng phải tiết kiệm phước. Hoặc bạn có thể gom hạt thóc lại một chỗ, đến
khi nhiều hơn, được vài hạt để một chỗ, lúc thuận tiện đi ngoài mang theo, bố
thí cho những chú chim nhỏ, như vậy cũng được, kể cả những đồ ăn, mảnh vụn
v.v.. bạn không ăn hết, đều có thể bố thí cho những chúng sanh ấy.
Điều
tiếp theo:
“Thấy
thức ăn ngon, không được sinh tâm tham, tha hồ ăn cho sướng miệng”
Đây là “khi ăn uống, đừng chọn lựa”, không nên chọn ăn đồ ngon, đó là buông
lung theo tâm tham của mình.
Điều
tiếp:
“Không
được ăn lệch chúng”
“Ăn lệch chúng” tức là rời khỏi đại chúng để ăn một mình, tách
riêng ăn, như vậy không được. Bởi vì Tăng đoàn phải hòa hợp, mọi người phải sống
cùng nhau, ăn cùng nhau, đồng cam cộng khổ, tu Lục hòa kính, sao bạn lại làm kiểu
riêng? Trừ khi là có việc đặc biệt, có những nhân duyên đặc thù, hoặc có việc
chính đáng, bạn không kịp ăn v.v.. như vậy còn có thể thông cảm.
Điều
thứ 22:
“Nếu
cơ thể suy nhược, không thể giữ giới: không
ăn phi thời, thì thà lùi lại làm cận trụ nam, chớ mang hư danh mà ngày ngày
chuốc lấy tội phá Trai”
Thân thể suy nhược nhiều bệnh, không chịu được đói, không thể trì
giới quá ngọ không ăn, đây là giới thứ chín trong 10 giới. Bạn không làm được
thì bạn không nên tự nhận mình là Sa di, càng không thể tự nhận mình là Tỳ kheo,
mà bạn nên hoàn toàn rút lui khởi giới này, “làm cận trụ nam”. Như Đại sư Ngẫu
Ích là lùi giới Tỳ kheo, tự xưng là Sa di, Ngài là nhất nhật nhất thực, mỗi
ngày chỉ ăn một bữa, nếu như ngay cả Trai đều không thể giữ, thì chỉ có thể là
xuất gia Ưu-bà-tắc, như Đại sư Hoằng Nhất tự xưng. Cuộc đời Đại sư Ấn Quang
cũng như vậy, Ngài cũng phải ăn chút gì vào buổi chiều, bởi vì cơ thể suy nhược.
Những điều này đều dễ hiểu, vì chúng ta là phàm phu trong thời mạt pháp, nghiệp
chướng khá sâu nặng, thân thể suy nhược, bạn nên sanh tâm hỗ thẹn, nhưng không
thể tự xưng mình là Sa-di, là Tỳ-kheo.
Cận trụ nam là người nam tại gia giữ
tám giới đầu, tuy nhiên trong tám giới đầu không bao gồm Trai; còn có Cận-sự-nam,
tức là Ưu-bà-tắc giữ Ngũ giới gọi là Cận-sự-nam, cận sự Tam Bảo, không thể
“mang hư danh”, nếu không thì chuốc lấy tội lỗi “phá Trai”. Như bản thân tôi,
tôi cũng có lúc không thể giữ quá ngọ không ăn, thì phải làm sao? Tôi không dám
xưng mình là Sa di, càng không dám xưng là Tỳ kheo. Tôi cũng là hi vọng mình
làm được xuất gia Ưu-bà-tắc, Ngũ giới Ưu-bà-tắc, năm giới nghĩ rằng cũng không
làm được tốt, sát đạo dâm vọng tửu, trong ý niệm đều vẫn có lúc không thanh tịnh.
Cho nên Đại sư Hoằng Nhất tự xưng mình là xuất gia đa phần Ưu-bà-tắc, Ngài còn
không thể mãn phần, chỉ đa phần, năm giới còn chỉ có thể là 80, 90 phần trăm.
Tôi nghĩ rằng, tôi có thể cũng chỉ 50, 60 phần trăm, là bán phần, không dám
xưng mãn phần. Cho nên như thế nào thì nhận như thế ấy, không dám mang hư danh,
hy vọng từ từ nâng lên. Tuy nhiên cũng thể tự cam chịu đọa lạc, chính mình phải
biết sanh tâm hổ thẹn, phải nỗ lực nâng mình lên, như vậy mới đúng. Giờ đã đến
thời gian Quá-đường rồi, chúng ta học đến đây thôi. Cảm ơn mọi người.
( Hết tập 10 )
Nguyện
đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều sanh về Tịnh độ.
Nam Mô A Di Đà Phật.