Responsive Menu
Add more content here...

Tập 5 – Sa Di Thập Giới Oai Nghi Lục Yếu

 

SA DI THẬP GIỚI OAI NGHI LỤC YẾU
 TẬP: 5

Nguyên bản: Ngẫu Ích Sa môn Trí Húc, y theo Luật Tạng biên tập.

Người giảng: Pháp Sư Định Hoằng.

Giảng tại: Chùa Viên Minh, Hương Cảng.

Thời gian: Ngày 17 tháng 8 năm 2012.

Việt dịch: Thích Thiện Trang.

Giọng đọc: Quảng Duyên Ngộ.

 

          Kính chào chư vị Pháp sư, chư vị Đại đức đồng tu, cùng hơn một ngàn hai trăm đồng tu đang theo dõi trên mạng Internet, chúc mọi người tốt lành! Chúng ta tiếp tục học tập Sa Di Thập Giới Oai Nghi Lục Yếu. Mời mở Kinh ra, trang 6. Điều giới thứ hai là:

          “Giới thứ hai: không trộm cướp. Phàm vật gì có chủ thì không được cố tâm trộm lấy. Nếu tự mình lấy, hoặc bảo người lấy, phương tiện lấy, dùng chú để lấy, người gửi mà lấy, mê hoặc để lấy, lừa gạt lấy, thiếu nợ không trả, trốn thuế, dối đò v.v…khiến người khác mất của thì đều gọi là trộm cắp.

          “Không trộm cướp” cũng là một điều Phật chế trong Ngũ giới. Trong chương Bốn Loại Thanh Tịnh Minh Hối của Kinh Lăng Nghiêm, từng điều trong đó là: Sát sanh, trộm cướp, dâm dục, vọng ngữ. Đây là bốn điều thuộc về giới căn bản. Thế nào gọi là trộm cướp? Trong đây nói “Phàm vật gì có chủ”, tức là phẩm vật có người làm chủ, quý vị cũng biết nó có chủ, mà còn khởi tâm tham, bất kể tham cái gì, tham đồ vật tốt, tham phương tiện dùng tốt, nói chung không có sự đồng ý của chủ nhân mà lấy dùng, đó cũng thuộc về trộm. Trong đây đặc biệt nhấn mạnh “cố tâm trộm lấy”, cố là cố ý, cố ý là biết rõ nó không phải của quý vị, là của người khác mà còn lấy, đó là cố ý. Tâm trộm là như thế nào? Quý vị thật có tâm trộm cắp, tham tiện nghi, tham tiện lợi, tham những phẩm vật v.v… khởi lên tâm như vậy, lại thật sự làm ra hành động để chiếm dụng. Như vậy đều thuộc về trộm cướp. Cũng như giới không sát sanh ở trước, Đại sư Ngẫu Ích cử ra những phương thức khác nhau của trộm gồm có, tự lấy trộm, tức chính mình lấy trộm; hoặc “bảo người khác trộm”, chính mình không ra tay, mà dạy bảo người khác ra tay để lấy trộm; hoặc “phương tiện trộm”, là dùng cách thức hay thủ thuật xảo trá để cưỡng lấy, đó là thuộc về phương tiện trộm.

          Giảng đến đây, tôi nhớ đến một câu chuyện có thật, do một vị đồng tu kể cho tôi. Đó là ở nước Mỹ có một người già bị bệnh tim, thường hay đến bệnh viện để trị bệnh. Người già đó từ trẻ tuổi đã có thói quen mua vé số, như vé số có 6 chữ số ở Trung Quốc, đi mua loại vé số đó. Mỗi lần nhận lương tháng thì ông ấy liền đi mua, mua một vé, hai vé, ông ta cũng không hy vọng trúng, do thói quen mà mua thôi. Trước giờ đều chưa có trúng lần nào, nhưng ông vẫn cứ thường mua như vậy. Đến một ngày bệnh tim của ông tái phát, phải đến bệnh viện để điều trị, Bác sĩ chủ trị cho ông, giúp ông cách ly. Bởi vì khả năng là khá nghiêm trọng, gia đình ông cũng không được tùy tiện tới thăm ông, vì lo ngại sẽ làm ảnh hưởng khiến bệnh tim ông phát mạnh thì người sẽ qua đời. Cho nên Bác sĩ chủ trị ở nước Mỹ rất có trách nhiệm, liền cách ly gia đình ông ta, cách ly trong phòng bệnh. Kết quả sau khi gia đình ông nhận được một bức thư của Hội sổ số gửi cho ông, báo rằng ông là người đã trúng thưởng rồi, mà giá trị trúng rất lớn, thí như 100 triệu đô la, số chính xác thì tôi quên rồi, tôi giả sử là 100 triệu đô la, đây là giải thưởng lớn. Gia đình ông đương nhiên rất vui mừng. Nhưng nghĩ có nên báo cho ông ấy biết? Bởi vì bệnh tim của ông ấy rất xấu, đây là một tin tức tốt đối với ông ta, báo cho ông biết thì có thể làm cho bệnh tim của ông phát mạnh dẫn đến mất mạng. Nên tìm cách để nói với ông ấy, nhưng phải được sự đồng ý của Bác sĩ chủ trị, nếu Bác sĩ chủ trị cho phép có thể nói với ông ấy thì liền sẽ nói cho ông ấy.

          Lúc đó người nhà ông lão cầm vé số trúng thưởng và thông báo trúng giải đến nói chuyện với Bác sĩ chủ trị, nói chúng tôi là người nhà của ông lão, không biết tâm trạng của ông lão có thể nhận được tin vui hay không? Bác sĩ nói: không được không được, nếu như nói với ông ta, sợ rằng ông ta sẽ khó giữ tánh mạng. Trong bệnh viện cũng biết rằng tâm trạng buồn vui quá mức đều ảnh hưởng tới tim. Cho nên có thể vì vui mà chết. Lúc bệnh tim đang tái phát thì không được, sự việc vui quá đều phải giữ lại sau này mới nói. Kết quả Bác sĩ chủ trị không đồng ý cho họ. Người nhà ông lão liền nài nỉ, Bác sĩ có thể thăm dò một chút được không? Nếu như ông lão tiếp nhận được thì nói với ông ấy, không tiếp nhận được thì tính sau, đợi khi ông hồi phục rồi nói. Vị Bác sĩ người Mỹ đó không còn cách nào, nên cầm lá thư đó và vé số trúng thưởng đi đến phòng bệnh, nói với họ các người không được đi, chỉ một mình tôi đến thăm dò ông ta thôi.

          Nhưng trong quá trình đi, đột nhiên vị Bác sĩ đó nảy sinh ý nghĩ xấu, vé số ta cầm trên tay, ai mà cầm vé số này thì tiền về người đó, tuy nhiên trên mặt nó đã có ghi tên người mua rồi, song có thể nghĩ ra cách để chia phần. Liền đến xem ông lão đó, nói chuyện với ông ta, “ông lão à, bệnh tim của ông hiện giờ chúng tôi đều rất lo lắng, không biết ông có thể chịu đựng được những áp lực bất ngờ không?”. Ông lão nói: “Không sao đâu, tôi đều đã quen rồi, đó là chuyện nhỏ, tôi hiện giờ xem tất cả đều bình thường, không có gì làm tôi vui quá hoặc buồn quá được”.  Bác sĩ nói “có thật không? Nếu như bây giờ có người nói với ông là ông đã trúng số đặc biệt, được 100 triệu đô la, thì ông có chịu đựng được không?”. Ông lão cười, “Được rồi, không có đâu, tôi đã mua vé số cả đời rồi, không có trúng một lần nào. Mà dù có trúng đi nữa, tôi cũng không có quá vui hay quá buồn”. Bác sĩ nói “có thật không?” “Thật mà”. “Giả sử giờ nói với ông, ông đã trúng giải thì ông làm sao?”. “Trúng lớn đi nữa thì tôi có thể mau chóng đem nó cho đi”, ông lão rất hào phóng. Bác sĩ nói “Tôi không tin, nếu như ông không phải vậy, chúng ta làm thử xem, ông trước hết viết một bức thư, nói ông đem giải thưởng chia cho người khác”. Ông lão nói “Như vầy, tôi chia cho ông, nếu như tôi đã trúng giải thì tôi chia cho ông một nửa”. Ông lão không chút do dự, Bác sĩ đó rất vui, liền đưa giấy bút cho ông lão, ông lão mau chóng quẫy bút viết ra: Nếu như tôi trúng số rồi, tôi đem chia một nửa cho Bác sĩ tên đó, lấy đây làm chứng. Kết quả ông lão qua đời, đột ngột vị Bác sĩ Mỹ đó ngất xỉu, vì bị cơn đau tim. Đó là một câu chuyện hài, thật ra đây là nói lên một sự thật, là việc gì? Là phương tiện lấy. Ông Bác sĩ nghĩ ra thủ đoạn để lấy tiền của người khác. Thật ra quý vị nên biết rằng, tất cả tiền của quý vị thì sẽ là của quý vị. Nếu quý dùng thủ đoạn lừa đảo để chiếm lấy được, mà trong mạng của quý vị không có được số tiền đó, thì quý vị liền bị bệnh tim, quý vị liền ngất xỉu, thậm chí có thể mất mạng. Cho nên tiền nhiều sẽ đè người chết, cổ nhân nói với chúng ta “không nên lấy của bất nghĩa”, của cải không phù hợp với đạo nghĩa, nếu lấy rồi thì không phải là phước mà là họa, gọi là Hung tài.

          Tiếp theo “dùng chú để lấy”, là dùng chú thuật làm mê huyễn người để lấy tài sản. Thí dụ như tôi dùng chú thuật làm cho quý vị mê, sau đó khiến quý vị viết ra để chứng minh quý vị sẽ chia tài sản cho tôi, đó là thuộc về dùng chú để đoạt lấy, người ta không cam tâm tình nguyện cho. “Người gửi mà lấy”, người khác gửi đồ gì đó cho quý vị giữ, không có nói là cho quý vị, nhưng quý vị thấy rồi lại sanh tâm muốn trộm lấy, đem nó quy về của mình, đó là thuộc về trộm cắp. Tiếp theo “mê hoặc để lấy”, đó là dụ dỗ lừa gạt, xã hội ngày nay có rất nhiều vấn đề như vậy. Thí dụ như quý vị bán sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, không chỉ là kém chất lượng mà có có thể hại người mua, như trước có sữa bột nhiễm độc chất melamine. Quý vị thấy, đó không phải là hại người sao? Quý vị làm giả, giả tốt một chút thì chưa đến nỗi hại người, quý vị làm kém chất lượng hơn nữa thì còn thêm hại người. Đó không chỉ là trộm, mà còn phạm giới sát rồi. Đây là vì tiền mà hại mạng. Hiên nay thực phẩm rất không an toàn, ngay cả gạo, bánh, dầu ăn đều không đúng chất lượng khiến quý vị khi ăn thì không an toàn chút nào. Cho nên, quý vị thấy ngay cả thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng đề xướng “Dân dĩ thực vi thiên, thực dĩ an vi tiên”,  tức dân lấy ăn làm trời, ăn lấy an toàn là đầu tiên. Thật sự trong quá khứ ít có nghe nói thực phẩm lấy an toàn là đầu tiên, bởi đây là chắc chắn, đâu cần phải nói tới? Nhưng vì sao hiện giờ đã đề xướng như vậy? Vì không an toàn nữa. Đó đều thuộc về trộm cắp lại còn thêm sát sanh, giết người. “Mê hoặc”, còn là gạt người, dùng thủ đoạn lừa gạt, dối gạt để lấy cũng thuộc loại lừa dối.

          “Thiếu nợ không trả”, tức là thiếu nợ nhưng không chịu trả. Tiếp theo là “trốn thuế”, điều này hiện nay rất nghiêm trọng. Người học Phật tuyệt đối không thể trốn thuế, lậu thuế, có bao nhiêu thuế của đất nước thì phải lão lão thật thật mà nộp. Thật sự trong đời quý vị có bao nhiêu tiền ở trong mạng thì sẽ có bấy nhiêu, quý vị làm người rất thật thà thì tiền đó sẽ đến đủ. Nếu như trong mạng quý vị vốn có thì dụ là 10 triệu, nhưng do quý vị dùng những thủ đoạn để tranh đoạt, trộm tiền, thì phước báo vốn có trong mạng của quý vị đều bị tổn giảm, có thể biến thành một triệu. Quý vị còn cảm thấy mình rất tuyệt vời, bạn xem tôi đã tranh được một triệu, nhưng thật tế trong mạng của quý vị có 10 triệu. Quý vị phải làm người lão lão thật thật, không che đậy giả dối, không có những hành vi trộm cắp, trốn thuế thì quý vị sẽ được 10 triệu. Nếu như quý vị lại còn có thể bố thí, bố thí càng nhiều thì tiền tài của quý vị sẽ càng nhiều hơn, có thể lên 30 triệu. Cho nên phải hiểu rõ chân tướng sự thật này, bố thí là nhân, được giàu sang là quả, lấy trộm tài sản của người thì mình biến thành nghèo túng.

          “Dối đò”, đây là thuộc về lừa dối người khác, là đi qua đò, qua phà không trả tiền. Đương nhiên có thể mở rộng là sử dụng dịch vụ người khác đáng lẽ trả phí mà quý vị không trả phí, thì đó là thuộc về dối đò. Hoặc là giả danh nghĩa người khác để trả phí ít hơn, đây đều thuộc về trộm. “Khiến người khác mất của”,  người ta bị quý vị trộm lấy tài sản, thật sự đã hao phí mất tài sản, như vậy đều gọi là trộm. Giới luật nói được rất tỉ mỉ, quý vị có tâm trộm để lấy thứ gì của người khác, thì về sau vẫn phải hoàn trả, hễ quý vị chiếm dụng mà không thông qua sự đồng ý của người khác, người ta không cho phép quý vị, quý vị còn đi chiếm dụng, thì đó cũng là trộm. Thí dụ dễ hiểu là, giả sử như chiếc đồng hồ ở đây là của thường trụ, hiện đang để trên bàn, tôi muốn xem giờ, mà tôi không có đồng hồ, đồng hồ này là của thường trụ, giả như thường trụ này có quy định rõ ràng không được tùy tiện sử dụng đồ của thường trụ. Quý vị không có thông qua đồng ý của thường trụ, mà cầm đi nơi khác để xem giờ, sau đó để lại chỗ cũ, đó cũng là trộm. Vì sao vậy? Quý vị tham phương tiện đó, có tâm trộm, thật đã có hành động rồi, gọi là “thay đổi vị trí”, đem nó đi chỗ khác, sau lại đem về chỗ cũ, cũng không được, cũng là trộm rồi. Bởi vậy giới luật rất chi tiết cụ thể. Đương nhiên đó là tội khá nhỏ, bởi vì thật sự không lấy đi; Quý vị lấy đi rồi thì mới gọi là trộm vật của thường trụ, trộm vật của thường trụ thì tội rất nặng. Vật của Tam Bảo, của thường trụ thì chủ nhân là thuộc về của thập phương, quý vị trộm lấy dùng thì giống như mắc nợ tiền của thập phương. Nếu như quý vị lấy trộm tài vật của một người thôi, thì tương lai quý vị cũng phải trả lại cho người đó; Nếu như quý vị thiếu nợ vật phẩm của 10 phương thường trụ Tam Bảo Phật Pháp Tăng, thì món nợ đó thật khó trả xong, vì tất cả Phật, Bồ-tát, Thánh hiền Tăng ở khắp hư không pháp giới đều là chủ nợ của quý vị. Đương nhiên các Ngài không có ý niệm hướng đến quý vị đòi nợ, nhưng quý vị thật sự thiếu nợ đó. Trong Kinh nói, tội đó là đọa địa ngục A Tỳ, dù chỉ lấy cắp một vật nhỏ như cây kim, sợi dây, bởi vì phạm vi liên quan rất rộng. Cho nên Bồ Tát Hoa Tụ, đây là một Bồ-tát Đẳng-giác, từng nói, nếu như có người phạm tội ngũ nghịch, giết cha, hại mẹ, làm thân Phật ra máu, phá hòa hợp Tăng, giết A la hán, 5 nghịch tội đó đều đọa vào địa ngục Vô Gián, người tạo tội ngũ nghịch tôi còn có thể cứu. Bồ-tát còn có thể cứu, nhưng nếu là trộm vật của thường trụ thì tôi cứu không được. Quý vị nghĩ xem tội này nặng hơn 5 tội ngũ nghịch, cho nên đây là điều rất quan trọng, liền thật sự đem tâm trộm trừ đi, tuyệt không dám tham chiếm dụng, đã thật sự đem tâm tham chiếm dụng buông xuống, thì quý vị liền có thể giữ giới không trộm cướp được viên mãn. Mọi nơi đều không chiếm tiện nghi của người khác, không chiếm của quốc gia, của Tam Bảo, không thủ đoạn đầu cơ chuộc lợi. Càng không được có ý niệm giả dối lừa gạt, tâm địa ngay thẳng, quang minh lỗi lạc, thì mới trì tốt giới trộm cướp này. Đoạn tiếp:

          “Lấy giá trị 5 tiền, tức 8 phân bạc trở lên thì phạm trọng giới, bị mất giới Sa di, không thông sám hối. Lấy từ 4 tiền trở xuống thì phạm trung tội, lấy 2 tiền, 1 tiền thì phạm hạ tội, cho phép sám hối để diệt đi tội phạm giới nhưng tánh tội không diệt, phải thêm lời mà trả, nếu không trả nợ đó, thì đời sau chuyển thành nặng, theo lý không thể trốn được.”

          Đầu tiên “giá trị 5 tiền”(**), đây là giá trị của vật, nếu như là 5 tiền, 5 tiền này là loại tiền tệ dùng trong thời cổ Ấn Độ, rốt cuộc là bao nhiêu? Đại sư Ngẫu Ích trong đó nói “tức 8 phân bạc”, đây cũng là thời cổ. Số tiền đó có thể mua được bao nhiêu thứ, tương đương bao nhiêu nhân dân tệ hiện giờ, thì chúng ta không thể khảo cứu, nhưng có lẽ là rất nhỏ, bởi vì 8 phân còn chưa được một tiền. 8 phân bạc cuối cùng là bao nhiêu thì tôi cũng không thể nói chính xác được, giá trị có thể rất thấp. Nếu như tôi coi 5 tiền đó thành 5 tiền bạc để tính, là dùng giá trị tiền ngày nay để tính, hiện nay một gam là 99,49 bạc, bạc trắng thì đại khái 1 gam là 3 đô la, tạm đại khái như vậy. Nếu như 1 tiền thì bằng 3.125 gam, nhân với 3 đô la, 5 tiền cũng là chưa tới 10 đô la, 1 nhân dân tệ chưa tới 10 đô la, 5 tiền cũng chưa tới 50 đô la. Hay nói cách khác, nếu quý vị lấy trộm vật gì có giá trị đến 50 đô la, thì là phạm giới trọng rồi, phạm tội vậy là tội trọng, mất giới Sa di, không thể sám hối. 50 đô la là bao nhiêu? Đại khái một chiếc đồng hồ cũng có thể là 50 đô la. Tại Hương Cảng thì 50 đô la không mua được nhiều thứ, đại khái có thể mua một hộp cơm, quý vị trộm một bữa ăn, thì liền phạm giới Sa di không thông sám hối, người phạm giới này phải diệt tẩn, trục xuất ra khỏi Tăng đoàn, không lại làm người xuất gia. Cho nên Đại sư Hoằng Nhất nói, trong mười giới, khó trì nhất là giới trộm cắp. Vì sao? Vì rất dễ phạm, bởi trộm cắp, quý vị chỉ cần không để ý một chút là sẽ phạm trộm cắp. Nên đối với mọi vật đều phải rất cẩn thận, phải đem tâm tham lam bóp chết  đi.

          Tôi cung cấp cho quý vị một công án, ở trong Sa Di Luật Nghi Yếu Lược Tăng Chú, chuyện này cũng dẫn ra từ Kinh Phật, nói rằng có một Sa di, vào thời Phật Ca Diếp xuất gia làm Sa di, trông coi vườn trái cây, đại khái là được giao nhiệm vụ giữ vườn cây ăn quả cho thường trụ. Vị Sa di ấy có một ngày nọ thấy trái trên cây, liền muốn hái trái cây đó đem cúng dường cho Sư phụ của mình, mà không có bẩm báo với thường trụ, không có thông qua sự đồng ý thường trụ, tự mình lên cây hái lấy 7 trái, sau đó mang đi cúng dường cho Sư phụ. Kết quả vì tội trộm cắp đó mà bị đọa vào địa ngục, chịu vô lượng khổ, mỗi ngày đều phải nuốt viên sắt nóng. Những viên sắt được đốt nóng đỏ rồi cho vào miệng bởi những ngục tốt, sau khi ăn những viên sắt đó thì toàn thân đều bị thiêu cháy nát, từ bên trong ra bên ngoài, chịu đau đớn vô cùng. Từ thời Đức Phật Ca Diếp, là vị Phật trước Thích Ca Mâu Ni Phật, cách thời chúng ta thời gian rất lâu rồi. Sau Phật Thích Ca Mâu Ni là Đức Phật Di Lặc, thời gian ở giữa cách nhau là 5,6 tỷ 70 triệu năm, đại khái Đức Phật trước cách Đức Phật sau thời gian rất xa, trong thời gian lâu đó bị chịu khổ trong địa ngục. Quý vị thấy, lấy trộm có 7 trái cây mà mình còn không ăn, để đem cho Sư phụ ăn cũng không được, tất phải thông qua sự đồng ý của thường trụ. Cho nên, phải thật đem tâm trộm cắp trừ đi, nếu không loại trừ đi thì tội nghiệp này có thể chịu.

          Còn có Kinh nói, một vị Sa di cho một người xuất gia đến cúng dường đồ ăn, đưa bánh mật, đại khái như ngày nay chúng ta nói là một loại mứt, dạng như mứt làm từ trái hồng, rất ngon ngọt, nó có thể làm ra từ đường mật, để cúng dường mọi người. Đó là vật của thường trụ. Kết quả vị đó cũng không thông qua sự đồng ý, tự mình lấy hai cái để ăn, cũng vì tội này nên vị đó đọa địa ngục. Ở trong địa ngục, vị đó có hai bánh xe lửa lớn hai bên sường để thiêu đốt, bởi vì khi lấy bánh mật, vị ấy kẹp ở hai bên nách. Vị ấy bị xe lửa thiêu đốt khổ đau không thể chịu nổi. Tôi tin một cái bánh mật còn chưa tới 5 tiền, đó là nói “4 tiền trở xuống thì phạm trung tội”, “2 tiền, 1 tiền” đều “phạm hạ tội ”. Một tiền đại khái chưa đến 10 đô la nhân dân tệ, nếu như dùng bạc để tính, không biết có thứ gì còn giá trị cao hơn bạc không? Vì Ấn Độ lúc đó lấy vỏ ngao vỏ hến làm tiền tệ, bạc có giá trị cao hơn. Tính là bạc thì một tiền bạc cũng không đến 10 đô la, quý vị lấy 10 đô la thì cũng giống như phạm hạ tội, còn có thể sám hối, cho phép quý vị sám hối, nhưng tuy đã sám hối rồi, chỉ có thể diệt tội phạm giới, còn tánh tội thì không diệt, tương lai quý vị vẫn phải trả nợ. Tánh tội là bất kể quý vị có thọ giới hay không thọ giới, hễ phạm đều có tội, đều phải trả nợ. Vả lại còn phải đền bù cộng thêm lời, thêm lãi. Quý vị nghĩ xem, nếu lãi suất cho việc quý vị lấy trộm bình quân mỗi năm là 1% , nếu đời này quý vị trộm, mà nhiều đời nhiều kiếp sau mới trả, đó là bao nhiêu năm? Quý vị tính ra được con số rất lớn, lãi suất này là càng cao rất nhiều. Cho nên “nếu không trả nợ đó, thì đời sau chuyển thành nặng, theo lý không thể trốn được”. Không thể phủ nhận được, có nợ tất phải trả. Đoạn cuối cùng:

          “Nếu trộm mà chưa được, thì phạm phương tiện tội, phải tha thiết sám hối, mới miễn khỏi đọa lạc”.

          Đã có tâm trộm cắp, lại còn đã ra tay hành động, đó là cấu thành trộm, thì phạm giới trộm rồi, nhưng không thành công. Trộm cắp cũng cần có phước báo, quý vị lấy được là vì quý vị có phước, nếu quý vị không có phước thì lấy trộm cũng không được. Quý vị thấy những tiểu trộm có thể lấy được, đó là trong mạng họ có tiền đó nên họ mới lấy được. Trên xe có người móc túi người khác, móc túi lấy được là trong mạng họ có tiền, thì họ mới có thể móc túi được; Móc túi mà không được, quý vị còn thể tự mình thí nghiệm thử, quý vị đi móc túi người ta, móc không được, mà sợ rằng quý vị đến công an để thẩm tra, vào ngồi nhà giam rồi. Cho nên đều là có phước báo. Đã như vậy sao còn muốn trộm cắp? Trong mạng quý vị quyết đã có, thì làm người lão lão thật thật cũng có được. Hiểu rõ nhân quả, thì quân tử hạnh phúc làm quân tử; không hiểu rõ nhân quả mà cưỡng cầu, thì tiểu nhân oan uổng làm tiểu nhân, đi trộm đi cướp, toàn là những thứ có trong mạng. Tại sao quý vị còn đi để tạo thêm bao nhiêu tội nghiệp. “Trộm mà chưa được, thì phạm phương tiện tội”, nhưng cũng phải sám hối. Tuy không có gốc tội nặng nhưng cũng phải tha thiết sám hối, đem tâm trộm cắp trừ bỏ đi, “miễn khỏi đọa lạc” , là tương lai khỏi rơi vào ba đường ác. Đây là sám hối tâm tham của chúng ta, muốn giữ giới thật tinh nghiêm thì trong ý nghĩ phải thanh tịnh. Quý vị sở dĩ trộm cắp chủ yếu là do tâm tham, nếu đem toàn bộ ý nghĩ tham trừ bỏ đi, thì quý vị giữ giới trộm cắp mới được viên mãn. Cũng như sát sanh, có thể do có tham, có thể do có sân. Quý vị có thể do tham ăn mà sát sanh; có thể do sân hận, ghét người mà quý vị giết người đó. Quý vị muốn giữ giới sát được thật tinh nghiêm, thì phải đem ý niệm tham sân đoạn trừ đi. Như vậy mới gọi là trì giới tinh nghiêm, đây là yêu cầu trong Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo. Điều giới trộm cướp giảng đến đây thôi. Tiếp theo đến giới thứ 3:

          “Thứ ba, không dâm dục. Tất cả thế gian, hoặc nam, hoặc nữ, hoặc người, hoặc quỷ, hoặc súc sanh v.v… đều không được nhiễm tâm giao cấu, cũng không được cùng người khác hành dâm. Hễ mà có phạm, thì đều là phạm trọng tội, mất giới Sa di, không thông sám hối”.

          Dâm dục là nguyên nhân căn bản có Lục đạo luân hồi của tất cả chúng sanh. Trên Kinh Phật nói “Chúng sanh đều do dâm dục mà phải có tánh mạng”, bởi vì có tâm dâm dục, nên mới phải đến trong Lục đạo để đầu thai, mới không ra khỏi được Lục đạo, chịu vô số khổ nạn. Xuất gia tu hành, mục đích là vì ra khỏi tam giới, thoát ly khỏi sanh tử, thì phải đem tâm dâm dục đoạn trừ đi, không đoạn trừ thì nó là chướng ngại lớn. Vãng sanh Tây Phương cũng phải đem dâm dục buông xuống, quý vị còn có dâm dục, buông xả không được, thì không thể vãng sanh Tây Phương được. Bởi vì quý vị xem Phẩm 25 Chánh Nhân Vãng Sanh của Kinh Vô Lượng Thọ, đề cập đến 10 Nghiệp Thiện là không tương đồng so với trong Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, nói là không dâm dục, còn Kinh Thập Thiệp Nghiệp Đạo nói là không tà dâm. Vì Kinh Thập Thiệp Nghiệp Đạo còn là Pháp thừa nhân thiên, đương nhiên nếu như quý vị hồi hướng Phật Bồ đề thì đó cũng thuộc về Đại thừa. Song nếu quý vị chỉ tu Thập Thiện Nghiệp Đạo, chỉ tu phước báo trời người, thì quý vị không ra khỏi Lục đạo, tương lai quý vị có thể được thân người, thậm chí là thân trời, nhưng dâm dục đều không buông xả, thì không thể ra khỏi tam giới. Trong 10 giới Sa di thì yêu cầu là không dâm dục. Vì sao vậy? Bởi vì Sa di là mong giải thoát, mong ra khỏi tam giới, nên tiêu chuẩn của Phật yêu cầu không giống nhau. Quý vị xem Kinh Lăng Nghiêm nói 4 Loại Thanh Tịnh Minh Hối, dạy rất rõ ràng, thứ nhất là không dâm dục, sau đó mới đến không sát sanh, tiếp đến là không trộm cướp, không vọng ngữ. Thông thường chúng ta nói bốn căn bản trọng tội là sát, đạo, dâm, vọng, đem dâm xếp ở thứ ba. Kinh Lăng Nghiêm đem dâm dục để làm điều giới thứ nhất, vì sao vậy? Bởi vì dâm dục là nguyên nhân căn bản của sanh tử luân hồi, nên ắt phải đoạn trừ.

          Duyên khởi của Kinh Lăng Nghiêm là Tôn giả A Nan làm thị hiện cho chúng ta, Ngài A Nan chưa thành đạo, còn là phàm phu. Ngài một mình bưng bình bát đi khất thực, kết quả gặp một dâm nữ là Ma Đăng Già Nữ. Đây là cô gái rất xinh đẹp, cô thấy Tôn giả A Nan liền sanh khởi tâm dâm dục, muốn A Nan làm chồng. Nhưng A Nan là người xuất gia, thì làm sao có thể kết hôn được? Cô ta nghĩ ra một kế, mẹ cô ta từ trước giờ học một loại chú Tiên Phạm Thiên của ngoại đạo, chú đó có thể mê hoặc người, làm cho thần hồn người điên đảo, giống như ngày nay chúng ta dùng thuốc lắc, uống rồi thì không thể kiểm soát được bản thân. Lúc đó Ngài A Nan đi khất thực, mẹ cô ta ở trong liều mạng niệm chú, Tôn giả A Nan liền tâm thần điên đảo, gần như sắp phạm giới rồi. May mắn là Thích Ca Mâu Ni Phật thần thông quảng đại, Ngài biết được. Lúc đó Phật đang ứng cúng trong Hoàng cung, biết được Tôn giả A Nan sẽ gặp nạn, đó gọi là nạn phạm hạnh, đó là phá giới. Đặc biệt là giới dâm, sau khi phá giới này thì Giới thể không còn nữa, người đó mất giới Sa di, mất giới Tỳ kheo, tức là diệt tẩn, bị trục xuất khỏi tăng đoàn, người đó đời này rất khó thành tựu. Do vì Đức Phật đang ở Hoàng cung, sau khi ứng cúng xong phải thuyết pháp cho vua nghe, nên không có thời gian, mà đang lúc khẩn cấp, Phật bèn phái Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi dùng thần chú Lăng Nghiêm để phá đi chú Tiên Phạm Thiên, đem Ngài A Nan trở về.

          Tôn giả A Nan đến trước Phật sám hối. Phật nói với Ngài rằng, ông muốn tu Tam-ma-địa,“Bổn xuất trần lao”, tức ông vốn muốn thoát khỏi Lục đạo luân hồi, nhưng vì “Dâm tâm bất trừ, trần bất khả xuất”. Tâm dâm dục không buông xả, không diệt trừ, thì ông không thể ra khỏi Lục đạo luân hồi. Thế Tôn khuyên bảo Ngài A Nan, “Phải điều tâm dâm vi tế, thân tâm đều đoạn. Đoạn tánh cũng không, thì trong Phật Bồ đề, mới thể hi vọng”. Tức là ông hi vọng muốn đến được Bồ đề của Phật, chứng quả Bồ đề tất phải đoạn tâm dâm, không chỉ riêng thân phải đoạn, mà tâm cũng phải đoạn, thân không làm, trong tâm cũng không có ý nghĩ, nếu còn ý niệm thì không thể được. Dâm cơ, cơ là ý niệm vô cùng vi tế, ý niệm dâm vi tế thân tâm đều đoạn, nhưng mà tánh cũng phải đoạn, đó là cảnh giới càng sáng, là đoạn dâm rất cao, là đoạn hết dâm, trong ý niệm. Quý vị còn có chút tập khí, thì không hoàn toàn thanh tịnh, vì sao? Quý vị còn phải đoạn ý niệm dâm dục, không để nó khởi trở lại, tôi mau đem nó buông bỏ, đó là đoạn tâm dâm, nhưng quý vị đến được không khởi tâm động niệm, mới đoạn được tánh cũng không, thì trong ý niệm quý vị đều không còn. Có ý niệm đó là thuộc về chấp trước, chấp trước chính là kiến tư phiền não.

          Sáng hôm nay, chúng tôi đã giảng đến kiến tư ác, dâm dục là một phần thuộc về tham. Người tu hành chúng ta không chỉ đem tâm dâm dục của mình đè xuống, không khởi lên, không khởi tác dụng, mà còn phải không khởi ý niệm dâm dục. Thí dụ như thấy một người nữ đẹp, trong tâm có thể rất cẩn thận, không để tâm dâm dục khởi lên, đó là công phu không tệ, có thể hàng phục phục phiền não, phục đoạn, nhưng chưa đến được đoạn tánh cũng không. Bởi vì quý vị có ý niệm phải đoạn, còn ý niệm đó thì còn chưa đến tự động tự nhiên, quý vị còn có sức ép. Quý vị thật đến được sự đoạn tánh cũng không, thì đoạn hết, đem gốc rễ phiền não đoạn trừ, liền chứng quả A la hán. Đó là hạng người thật sự trong ý niệm đều không khởi trở lại, tức là nếu nữ sắc ngay trước mắt, thì họ sẽ không khởi tâm. Trong Thiền tông có một công án, hai vị Hòa thượng đi qua sông, thấy một cô gái xinh đẹp không qua được sông, cô rất lo lắng. Vị sư huynh liền ôm cô gái đem qua sông rồi đặt cô gái xuống, vị sư đệ nhìn thấy đều ngẩn cả người, làm sao người xuất gia mà còn ôm cô gái, không biết làm sao, nên cũng qua sông, đi theo sư huynh, trong lòng thì lẩm bẩm, đi được một đoạn đường, cuối cùng nhẫn không nỗi nữa, liền nói với sư huynh, tại sao huynh lại ôm cô gái? Sư huynh đáp, đệ nói ôm cô gái đó à, ta sớm đã bỏ xuống rồi, sao đệ vẫn còn ôm? Công án này rất ý nghĩa, vị sư đệ đó vẫn đang tu mà trì giới chưa được thanh tịnh, chỉ là trì giới trên tướng, trong tâm vẫn còn ý niệm về nam nữ, chưa thanh tịnh, nên khi thấy người khác còn ôm cô gái, thì trong tâm liền không yên. Người chân chánh trì giới thì thật không thấy người người khác, chỉ thấy chính mình, tôi còn có tâm dục hay không, tôi không có thì tốt, người khác có hay không không quản.

          Cho nên, thật sự trì giới tinh nghiêm, chỉ xem xét chính mình, không xét người khác, xem người khác đều là Bồ tát, chỉ có mình ta là phàm phu. Cảnh giới của vị sư huynh đó rất cao, Ngài đoạn tánh cũng không, thật sự là không có khởi lên trong tâm, gọi là “đi qua một rừng hoa, không dính một lá nào”. Nhưng đó là cảnh giới của A la hán trở lên mới có thể được, quý vị còn chưa chứng đến A la hán, mà quý vị đi làm thử, thử nghiệm như vậy thì quý vị sẽ đọa lạc, vì sao vậy? Quý vị chưa buông xả được phiền não tập khí, trong tâm vẫn còn những chủng tử phiền não nghiệp tập, khi gặp duyên thì các chủng tử đó sẽ hiện hành, gặp nữ sắc thật tế thì quý vị không kiềm chế được, nên tốt nhất là cách xa. Do vậy với Sa di, đây là điều giới đặc biệt chú trọng, nam nữ nhất định phải riêng biệt. Quý vị xem ngay cả quân tử nhà Nho đều nói: Nam nữ thọ thọ bất thân, không được phi nghĩa qua lại, đó là phòng ngừa từ xa. Phần sau còn rất nhiều, trong Oai nghi môn có rất nhiều biện pháp phòng ngừa, đặc biệt nói đến sự giao tiếp giữa nam nữ, làm sao để giữ khoảng cách, đó là giúp quý vị hàng phục phiền não.

          Đương nhiên mỗi giới đều có khai duyên, có khai giá trì phạm, như chuyện vừa rồi, người con gái kia không qua sông được, giúp cô ta qua sông, trong tâm thật không có niệm dâm, đó là khai duyên, nếu trong tâm có niệm dâm, thì không thể khai, khai rồi liền phạm giới. Thí như nhà Nho nói lễ, “nam nữ thọ thọ bất thân”, quý vị thấy chị dâu của mình rơi xuống sông, sắp chết đuối rồi, quý vị còn không ra tay để cứu lên? Phải nỗ lực cứu. Trong giới sát cũng nói, quý vị không cứu, trên thực tế quý vị cũng không đúng, quý vị nói tôi phải “nam nữ thọ thọ bất thân”, để mặc cô ta chết đuối, tâm như vậy là phạm giới sát rồi. Bởi vì các giới đều có khai duyên, không thể chết cứng. Khai duyên có một nguyên tắc, là vì chúng sanh chứ không phải vì chính mình, vì chúng sanh thì có thể khai, Vì chính mình thì không thể khai. Dù trong giới Tỳ kheo cũng có đặc biệt nói đến giữa nam nữ cũng không thể tiếp xúc thân thể với nhau. Nhưng nếu như tình huống người nữ té xuống sông, quý vị còn không đến tiếp xúc thân thể để cứu cô ta lên, đó cũng là sai. Cho nên khi đó Phật có khai duyên, cứu cô ta lên, cứu lên rồi quý vị không được nghĩ đến nữa, quý vị mà nghĩ, tôi vừa mới cứu cô gái này, tay cô ấy rất mềm mại, vậy thì phạm giới, quý vị không được có những ý nghĩ như vậy. Nên cần phải nỗ lực ứng cứu, nhưng mau chóng buông xả đi, kiểm thúc tâm mình, thận trọng kiểm điểm với những niệm khởi lên trong tâm ta. Như vậy thì mới có thể bảo chứng trì giới. Vì vậy người chân chánh tu hành, thì đặc biệt chú trọng điều này.

          Quý vị thấy thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trong hàng đại đệ tử của Ngài có Tôn giả Ca Diếp, là trì giới khổ hạnh đệ nhất, cũng có điểm tương đồng với Lão Hòa thượng Hư Vân thời hiện đại chúng ta. Tôn giả Ca Diếp thì càng khổ hạnh hơn so với Lão Hòa thượng Hư Vân, Ngài mỗi ngày ăn một bữa, lại quá ngọ không ăn, ngay cả nước đều không uống, tu khổ hạnh, đến khi lớn tuổi vẫn giữ được như vậy. Thích Ca Mâu Ni Phật thấy Tôn giả Ca Diếp tuổi đã lớn, cũng khuyên Ngài, ông không nên quá khổ hạnh như vậy, có thể khai duyên, cần phải duy trì tốt thân thể. Nhưng Tôn giả Ca Diếp vẫn giữ ngày ăn một bữa, ăn trước giữa ngày, và lại vẫn quá giờ ngọ thì không uống nước. Nên Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đặc biệt kính trọng đối với Ngài Ca Diếp, trong lúc giảng pháp, để cho Ngài Ca Diếp ngồi bên cạnh là chung một pháp tòa, tán thán Ngài Ca Diếp vì đó là kiểu trì giới khổ hạnh của Ca Diếp khiến cho Phật pháp của ta kéo dài thêm 500 năm. Cho nên có thể trì giới, có thể chịu khổ đó là trụ trì Phật pháp, là làm cho Phật pháp trụ thêm lâu. Trong Luật có nói về Tỳ ni thọ mạng, Tỳ ni trụ thế là thọ mạng của Phật pháp. Tỳ ni là chỉ giới luật, tức là nói ở thế gian còn có người trì giới thì Phật pháp còn; nếu như không còn người giữ giới, tuy Kinh điển còn, nhưng không có Phật pháp chân chánh, thì Phật pháp liền diệt.

          Bởi vậy chư vị đồng tu, quý vị nên phát tâm giữ giới, trì Bát quan Trai giới, trì 10 giới Sa di, không kể là quý vị làm được đến đâu, quý vị có tâm đó liền được công đức vô lượng. Đương nhiên quý vị nếu làm được tốt, thì công đức càng lớn. Đã phát tâm rồi, không thể phát giả tâm, phải phát chân tâm, tôi thậm chí làm được một ngày một đêm, thậm chí hai ngày hai đêm, tôi cũng vì Phật pháp trụ lâu dài. Tuy không thể học được khổ hạnh như Tôn giả Ca Diếp, như Lão Hòa thượng Hư Vân, tôi làm một ngày một đêm như vậy, cũng là rất tuyệt vời rồi.

          Tôn giả Ca Diếp xuất thân từ gia đình phú quý, Ngài không phải là người nghèo khó, nói người nghèo khó có thể chịu khổ thì dễ lý giải được, nhưng là người mà đại phú đại quý, con của trưởng giả, mà có thể chịu khổ. Ngài Ca Diếp khi chưa xuất gia, cũng rất tài trí, tráng niên. Người nhà Ngài tìm và cưới vợ cho Ngài. Nhưng Tôn giả Ca Diếp không muốn lấy vợ, cũng giống như Hòa thượng Hư Vân, Ngài cũng không muốn kết hôn. Gia đình Ngài ép buộc Ngài, ép buộc thế nào? Chúng ta tương lai phải có người nối dõi, con phải giúp nối dõi tông đường, ép Ngài như vậy. Không còn cách nào, Tôn giả Ca Diếp tùy tiện nói một câu, mọi người hãy đem Tử kim (là loại vàng tốt nhất) đắp thành một người mỹ nữ, đem tượng người mỹ nữ đó dựng ra, nếu mà người nữ nào làm mất đi ánh sáng vàng của tượng này, thì tôi có thể lấy nàng. Đó là không còn cách nào, chỉ là lời nói đùa thôi. Nhưng gia đình Ngài rất nghiêm túc, đem vàng tía điêu khắc thành một người nữ rất xinh đẹp, đem tượng mỹ nữ đó dựng ra để mọi người trong thành thấy, đều khen ngợi vẻ đẹp tượng nữ bằng vàng này.

          Kết quả trong thành có một người con gái tên là Diệu Hiền, là thiên kim tiểu thơ, con gái của một gia đình giàu có, cũng rất xinh đẹp, giống như tiên vậy. Cô cũng không muốn lấy chồng, cô cũng là người tu hành. Trên thân cô có ánh sáng tử kim, là do trong đời quá khứ cô ta và Tôn giả Ca Diếp cùng đắp một tượng Phật, dùng vàng ròng để tô đắp tượng Phật, cho nên nhiều đời nhiều kiếp sau đó, cô sanh ra trên thân đều có ánh sáng vàng. Đời này cô cũng rất xinh đẹp, trên thân có ánh sáng vàng. Trong thành đều lưu truyền rằng, ai mà đến xem tượng mỹ nữ bằng vàng đó thì tương lai sẽ tìm được một gia đình tốt. Chuyện này là cha của Tôn giả Ca Diếp bịa ra. Vì sao vậy? Vì để những cô gái đều đến đó xem, sau đó tuyển chọn một người. Kết quả cha mẹ của Diệu Hiền nói, chúng ta cũng muốn Diệu Hiền đi lấy chồng, càng mong tìm cho con mình một gia đình tốt, liền bắt Diệu Hiền đi xem. Khi xem quả nhiên tượng đó liền mất đi ánh sáng, khiến mọi người xôn xao, xem kìa Diệu Hiền có thể là một nàng tiên. Cha mẹ của Tôn giả Ca Diếp biết được, lập tức đến để cầu hôn. Lần này thì không còn cách nào tránh được, bởi vì Ngài Ca Diếp đã nói, nếu khiến cho tượng vàng này mất đi ánh sáng vàng, thì Ngài sẽ lấy làm vợ.

          Đúng lúc gia đình của Diệu Hiền cũng muốn gã con, hai bên là môn đăng hộ đối, vì vậy liền quyết định đi đến hôn nhân. Không còn cách nào, sau khi Ngài Ca Diếp cưới Diệu Hiền về, nhưng không cùng với cô ta làm chuyện vợ chồng, mà cả ngày buồn rầu. Diệu Hiền hỏi Ngài, làm sao lại như vậy? Ngài Ca Diếp nói, tôi vốn không muốn lấy vợ, tôi bị cha mẹ tôi ép buộc. Diệu Hiền nghe xong liền nói, ý nghĩ của anh cũng giống như em, em cũng vốn không muốn lấy chồng, mà bị cha mẹ ép buộc. Tôn giả Ca Diếp nói, vậy à! Bởi vì dâm dục là nguồn gốc của sanh tử luân hồi, nếu như không hàng phục nó, thì không có cách nào ra khỏi luân hồi. Lúc đó hai người liền cam kết, tuy trên danh nghĩa là vợ chồng, nhưng quyết định là hỗ trợ nhau giữ khoảng cách để giữ giới thanh tịnh. Hai người trở thành bạn đồng tu. Nên họ tuy ở cùng phòng, thậm chí ngủ cùng một giường, khi Ngài Ca Diếp ngủ thì Diệu Hiền rời khỏi giường, hai người tách rời, giúp nhau không chạm thân thể, cả hai đều có cam kết đó.

          Có một đêm, Tôn giả Ca Diếp đang ngồi thiền, thì thấy một con rắn độc bò vào, hướng đến cắn cánh tay của Diệu Hiền, lúc đó Ngài Ca Diếp rất nhanh trí, lập tức cầm cái quạt ở bên cạnh, để đỡ cánh tay của Diệu Hiền lên cho con rắn bò đi qua. Diệu Hiền lúc đó liền tỉnh dậy, Anh sao đụng chạm vào thân thể của tôi? Không phải đã cam kết không được đụng vào thân thể rồi mà? Anh phạm giới rồi. Ngài Ca Diếp nói, không có, tôi không có đụng chạm vào thân thể của cô, là bất đắc dĩ do vừa rồi có con rắn muốn cắn cô. Diệu Hiền nói, tôi thà chấp nhận bị rắn cắn chết, nhưng chúng ta không vi phạm cam kết, thà nguyện chết chứ không thể phạm giới. Tôn giả Ca Diếp vô cùng khâm phục, nói với cô ấy rằng: Tôi thật ra không có đụng chạm vào thân thể của cô, tôi cầm cái quạt để nâng cánh tay cô lên, vẫn chưa có đụng đến thân thể của cô. Đời sống của hai người ấy quả thật trong như băng, sạch như ngọc. Trải qua 12 năm, sau đó cha mẹ của Ngài Ca Diếp đều qua đời, Ngài quyết chí xuất gia, nghe nói Thích Ca Mâu Ni Phật thành Phật rồi, Ngài nhanh chóng đến chỗ Phật. Kết quả sau khi xuất gia 9 ngày thì liền chứng được quả A la hán. Quý vị thấy thật sự tinh tấn dụng công, giữ giới tinh nghiêm, thì quý vị có thể thành tựu. Sau đó, Diệu Hiền cũng theo Phật xuất gia, và cũng chứng được quả A la hán. Cho nên từ trong đó mà xem, thật không có dâm dục là gốc rễ để quý vị thành đạo. Chúng ta muốn cầu sanh Tây Phương, tuy không thể đoạn dục được như Tôn giả Ca Diếp, thì chí ít cũng phải chế phục được, không để cho nó khởi hiện hành. Nếu như chính mình không chế phục được, thì nhất định phải tránh xa, vì tránh xa cũng giúp quý vị chế phục.

          Phàm là nam nữ, người, ngay cả quỷ, thần, kể cả súc sanh, quý vị dùng nhiễm tâm, lấy tâm dục để cùng họ giao cấu, đó đều là phạm giới, là phạm giới dâm. Cũng không được cùng người khác dâm dục, chỉ cần phạm vào, đều là trọng tội “mất giới Sa di, không thông sám hối”. Lúc thời Phật có Tỳ kheo Ni Bảo Liên Hương, làm việc dâm dục, phạm giới rồi mà cô ta còn nói, tôi phạm dâm dục là cùng với người ta tình nguyện, vả lại đâu có phải là giết, đâu có phải là trộm, không có tổn hại đến ai, nên đâu có tội. Kết quả cô nói lời ấy thì trong thân cô ta tự nhiên bốc ra lửa, từ trong nữ căn bốc ra, thiêu chết cô ta, thân rơi vào địa ngục. Đó là đã phạm giới mà cô còn phá chánh kiến của người khác, tri kiến sai lầm, phạm như vậy là tội nặng, ngay lập tức đọa địa ngục. Trong địa ngục thì người nam ôm cột đồng nóng đỏ đến bị thiêu cháy, người nữ nằm giường sắt nóng đỏ đến bị thiêu rụi. Chịu đau đớn như vậy.

          Những cột đồng, giường sắt trong địa ngục này, thật tế đều là tự mình chiêu cảm ra. Sư phụ Thượng Nhân chúng ta khi giảng Kinh thường kể câu chuyện, Ngài cùng học Phật với Lão Cư sĩ Chu Kính Trụ. Lão Cư sĩ Chu Kính Trụ là con rể của Quốc học Đại sư cận đại Chương Thái Viêm, Chương Thái Viêm rất nổi tiếng, chúng tôi cũng mới vừa gặp được một trong bốn đệ tử của ông, là Quốc học Đại sư, chuyên môn của Quốc học. Chương Thái Viêm tiên sinh là một đệ tử kiền thành của nhà Phật, ông đọc Kinh Phật thấy trong Kinh nói đến địa ngục Pháo Lạc, tội nhân phải ôm cột đồng, chịu tội rất khổ, hình phạt này quá tàn nhẫn, cho nên ông ghi nhớ trong tâm. Có một đêm nọ, Đông Nhạc Đại đế mời ông đến, đây là một quỷ vương trong thế giới U minh, Chương Thái Viêm học văn rất tốt, trong quỷ đạo đều biết. Có một tháng, Phán quan của Đông Nhạc Đại đế xin nghỉ phép, có thể là đi du lịch rồi, nên tháng đó mời Chương Thái Viêm tiên sinh đến thay thế chức ấy, làm Phán quan. Chương Thái Viêm đêm đến thì đi vào cõi âm, để làm việc này, cho nên mỗi chập tối ông đã đi ngủ, ngủ như người chết vậy, đến sáng ngày hôm sau mới tỉnh lại. Mỗi đêm lính quỷ liền đem kiệu tới, khiên hồn của Chương Thái Viêm đến địa ngục, để làm Phán quan.

          Lúc Chương Thái Viêm nhớ đến đoạn Kinh văn trong Kinh Phật, liền kiến nghị đến Đông Nhạc Đại đế, nói địa ngục Pháo Lạc quá là khổ, rất tàn nhẫn, không có nhân đạo, có thể đem phế bỏ hình phạt này không? Đông Nhạc Đại đế cũng không nói gì, liền sai hai tiểu quỷ khiên ông đi xem chỗ hành hình. Tiểu quỷ khiêng ông đi một đoạn đường thì đến, nói là ở trước mặt rồi. Chương Thái Viêm trừng mắt để nhìn, cũng không thấy gì hết. Hốt nhiên đại ngộ, vì ông không có tạo tội này, nên ông không nhìn thấy hành hình đó, quý vị thấy được hình phạt đó đều là vì có tạo tội này. Vì vậy loại hình phạt, cụ hình Pháo Lạc này đều là do ý niệm của quý vị biến hiện ra cảnh tượng đó. Giống như người nằm mộng vậy, quý vị nằm mộng như vậy là ác báo của ý niệm; nếu không có ý niệm này, thì quý vị sẽ không gặp mộng như thế. Người ở trong địa ngục không biết mình đang nằm mộng, cho nên họ chịu tội trong đó không thể tỉnh ngộ, thì không thể giải thoát. Người đàn ông thấy cột đồng là người con gái đẹp, bởi vì nghiệp lực của họ biến hiện ra, tâm dâm dục khởi lên, thấy thành người con gái đẹp, liền muốn đến ôm, thành ra ôm trụ đồng nóng rực khiến thân thể bị đốt cháy. Sau đó gió âm thổi qua, liền sống lại, rồi lại thấy người con gái đẹp, lại chạy đến ôm, lại chết cháy. Vì vậy, Kinh Địa Tạng nói “Một ngày một đêm vạn lần chết vạn lần sống”.  Đó là trong một ngày, là 24 giờ, chết một vạn lần, sống lại một vạn lần, trong địa ngục không có chết thật, nếu chết thật được thì đã tốt, chỉ khi tội nghiệp tiêu hết rồi, thì mới có thể được ra. Chết rồi sống lại, sống rồi liên tục chịu tội, chết rồi lại sống. Cho nên từ khi vào địa ngục một mạch chịu khổ đến khi ra, khổ báo đó đều là cảnh ảo, do tâm ác của người tạo tội biến hiện ra. Do đó, nếu quý vị đem tâm dâm dục đoạn trừ rồi, thì cảnh giới đó bày ra trước mặt quý vị, quý vị cũng không thấy, nên Chương Thái Viêm không thấy được. Đây là chuyện thật do Chương Thái Viêm kể cho con rể của ông, con rể của của ông kể với Sư phụ Thượng Nhân chúng ta, tuyệt đối không phải là giả.  Đoạn văn Kinh dưới nói:

          “Nếu dâm dục nhưng chưa hòa hợp mà dừng lại, thì phạm trung phương tiện tội, phải tha thiết sám hối”.

          Đó là đã có khởi niệm tâm dâm, mà lại có những hành động. Tôi đưa ra một thí dụ, giả như có người tâm dâm dục rất nặng, trong thời đại triều nhà Minh, có một người trẻ tuổi tìm gặp Long Khê tiên sinh nói, tâm dâm dục của tôi rất nặng, tôi làm sao để đoạn trừ được? Tiên sinh nói với anh ta, giả như tại một địa phương nọ, bên trong một biệt thự sang trọng, có một người con gái đẹp như tiên, đang chờ anh đến để hẹn hò, thì anh có khởi tâm dâm chăng? Anh ta nói: Đương nhiên có, tôi sẽ liền đi đến đó. Tốt! Anh đi đến đó, sau khi mở cửa ra, phát hiện người đó chính là em gái hoặc là con gái của anh, thì anh còn có tâm dâm nữa không? Lúc đó liền không còn nữa, lập tức toàn bộ tan hết, lửa dục đột nhiên không còn nữa. Quý vị có dâm niệm đó, thuần túy là do vọng niệm, bởi vì quý vị chấp trước nó, thì nó liền có, nó liền khởi tác dụng, khiến quý vị tạo tội nghiệp. Quý vị đột ngột đem dâm niệm buông xả, thì dục niệm của quý vị liền không còn, tác dụng liền không còn nữa. Cho nên tâm dâm là vọng niệm, lúc quý vị tỉnh ngộ rồi, “chưa hòa hợp mà dừng lại”, quý vị đột nhiên nghĩ tới, không được, nếu như phạm giới tà dâm, tương lai ta phải đọa vào địa ngục Pháo Lạc, nhân quả thật không dễ chịu chút nào, tương lai phải ôm trụ đồng, người nữ phải nằm giường sắt. Như chúng ta hiện nay có thấy món thịt nướng, người ở Hương Cảng hiện giờ đều rất thích ăn món này, vỉ nướng được nung rất đỏ, đem thịt bỏ lên đó. Tương lai đọa vào địa ngục giường sắt, cũng giống như món thịt nướng. Quý vị nghĩ đến nhân quả rất đáng sợ, liền ngừng ngay lập tức, không hành dâm. Nhưng cũng phạm tội rồi là “phạm trung phương tiện tội”, có thể sám hối, quý vị phải khẩn thiết sám hối, sau không tái phạm nữa.

          Trong An Sĩ Toàn Thư có kể một chuyện, bộ sách An Sĩ Toàn Thư này gồm bốn quyển, có một quyển tên là Dục Hải Hồi Cuồng, chuyên dạy cách đoạn dâm dục, đặc biệt hay. Nếu như vị đồng tu nào có phiền não tập khí dâm dục nặng, thì tôi khuyên quý vị nên đọc nhiều bộ sách này, thật tốt, đọc nhiều lần thật giúp tâm được mát mẻ. Trong sách này kể ra một câu chuyện,  có một người học sách, anh ta  mỗi ngày đọc sách để chuẩn bị cho kì thi. Nhà bên cạnh có một người thiếu phụ trẻ, trông cũng rất xinh đẹp, chồng của cô mới vừa đi xa, người nữ đó sống ở nhà một mình. thường ngày xem thấy thư sinh đọc sách này cũng rất đẹp trai, cô khởi lên tâm ái mộ. Hai bên cách nhau chỉ một bức tường, sau đó cô tặng anh ta đại khái là một vật làm tin, và viết thư đưa qua cho anh ta, mời anh ta cùng cô hẹn hò. Kết quả anh chàng thư sinh đó động tâm, là đã khởi lên tâm dâm dục, mà còn hành động, đến bên góc tường, chỉ cách cô thiếu phụ một bức tường, anh ta hỏi cô ấy làm sao để anh qua đây? Cô ta ở bên kia nói, anh sao khờ khạo vậy, anh không thể bắc cái thang trèo qua tường được sao? Lúc đó, chàng thư sinh liền lấy cái thang bắc lên để trèo qua. Đang treo trên tường đột nhiên nghĩ lại, không được, tuy hai chúng ta làm việc không trong sáng nay không có ai biết, nhưng có thể thiên địa quỷ thần biết, “Mong muốn người không biết, trừ khi mình đừng làm”, đây là việc không được làm, lập tức liền từ trên đầu trường quay trở xuống, xuống đất rồi, thì cô kia lại còn tiếp tục  dụ dỗ anh, “ anh còn chưa qua, không có ai biết đâu”. Tâm dâm dục anh ta lại nổi lên, lại trèo lên tường, đang trèo lại nghĩ, không được, tuy trong phòng tối nhà kín, đều có quỷ thần giám sát, không thể được, lại trèo xuống. Sau đó cô ta lại gọi anh ta, lại trèo lên lần thứ ba, sau đó lại nghĩ không được. Huống hồ chúng ta đọc sách Thánh hiền, sách Trung Dung nói phải thận trọng “Quân tử phải thận trọng, lúc một mình”, xem xét chính mình làm việc này có phạm tội lỗi không? Trong phòng tối có 10 con mắt đang nhìn, 10 cái tay đang chỉ, đều theo dõi chúng ta, mắt của thần sáng như điện, quỷ thần đều thấy được, quý vị làm sao có thể dối người, giấu giếm trời được? Anh ta lại trèo trở xuống. Như vậy ba lần trèo lên, trèo xuống, cuối cùng anh ta vào trong, đóng cửa lại, không đi ra ngoài, sợ chính mình nhẫn không nổi, rồi quyết bảo toàn danh tiết của anh.

          Sau này, anh lên Kinh thành dự thi, kết quả khi quan chủ khảo chấm bài thi của anh, khen rằng rất hay, giao lên nhà vua, để chọn làm Trạng Nguyên. Bài thi đứng đầu được gọi là Trạng Nguyên, đứng thứ nhì gọi là Bảng Nhãn, đứng thứ ba là Thám Hoa, có ai đã chỉ điểm? Xem ai may mắn. Vị quan chủ khảo đó lúc chưa giao trình bài thi cho Hoàng thượng, trong tâm đang nghĩ, giải Trạng Nguyên năm nay sẽ rơi vào ai đây? Vừa khởi tâm như vậy, đột nhiên nghe tiếng nói: Trạng Nguyên năm nay là người trèo tường đó. Vị quan đó nghe cũng không hiểu, chỉ có âm thanh mà không thấy người, Trạng Nguyên năm nay là người trèo tường, ông ta cũng không hiểu. Sau khi công bố bảng khoa thi, đã tuyển chọn ra Trạng Nguyên rồi, thì ông quan đó liền tìm đến Trạng Nguyên để hỏi, bởi vì Trạng Nguyên chính là chàng thư sinh kia. Ông ta nói, trước khi tôi đem bài thi trình lên vua, thì có nghe âm thanh nói, Trạng Nguyên năm nay là người trèo tường, rốt cuộc là việc thế nào? Người thư sinh nghe xong thì toàn thân toát mồ hôi lạnh, liền đem đầu đuôi gốc ngọn quá khứ của mình trải qua kể cho quan giám khảo, cũng không giấu giếm. Nếu như năm đó anh ta nhảy qua tường rồi, thì khẳng định không đạt Trạng Nguyên. Chuyện này là thuộc thế nào? Là “Chưa hòa hợp mà dừng lại được”, may mà dừng lại sớm, chưa có phạm trọng tội, đó là trung phương tiện tội, có thể sám hối, phải khẩn thiết sám hối mới khỏi tội báo. Đây là nói một người học sách còn được như vậy, xuất gia làm Tăng lại cần phải tha thiết sám hối. Niệm dâm dưỡng thành tập khí từ vô thỉ đến nay, nếu như không khẩn thiết sám hối, không thật cẩn thận với nó, thì chắc sẽ khó tránh phạm tội nghiệp này. Do vậy, tự mình nhất định phải thận trọng, không được coi thường.

          “Nếu khởi tâm dâm, liền phải hổ thẹn, tự quở trách mình”.

Bởi vì tâm dâm là nguyên nhân chính yếu của phạm giới dâm. Vì có tâm dâm thì mới phạm giới dâm. Nhưng tâm dâm lại là tập khí được dưỡng thành từ vô thỉ đến nay, chúng sanh trong Lục đạo đều có, chỉ là nặng nhẹ khác nhau. Trong Lục đạo thì ngay cả trời dục giới đều có dâm, chỉ là hình thức dâm nặng nhẹ không giống nhau. Trên Kinh nói, trên chúng ta còn có trời Tứ Thiên Vương, Trời Đao Lợi, đó là hai tầng thấp nhất của dục giới. Vị vua của trời Đao Lợi gọi là Ngọc Hoàng Đại Đế, dân gian gọi là Ngọc Hoàng Thượng Đế. Người ở trời đó hành dục cũng giống như người chúng ta, chỉ khác là họ không xuất tinh. Muốn sanh đến trời Dạ Ma trở lên thì phải có thiền định, người Trời Dạ Ma hành dục là ôm hôn nhau, là đã thỏa mãn rồi. Lại để sanh đến Trời Đâu Suất, thì công phu thiền định họ càng cao hơn, nhưng thiền định của họ là thuộc về vị đáo định, là còn chưa đến được sắc giới, phiền não tập khí còn chưa có thật sự hàng phục, nhưng đã là rất nhẹ. Người Trời Đâu Suất hành dục là nắm tay cười, hai bên nắm tay nhau và mỉm cười là thỏa mãn rồi. Đến người Trời Hóa Lạc thì họ đều không cần cười nữa, học chỉ cần nhìn nhau đó là hành dục. Đến người ở Trời Tha Hóa Tự Tại là tầng thứ sáu, tầng cao nhất trong dục giới thì đều căn bản không cần nhìn, mà hai bên cùng nghe mùi hương của nhau, nghe âm thanh lời nói của nhau, đó là hành dục, vì vậy tâm dục rất là nhẹ. Sức thiền định của quý vị càng cao thì tâm dục càng nhẹ, phước báo của quý vị càng lớn, tâm dâm dục càng nhiều càng nặng, thì cuộc sống của quý vị ở tầng càng thấp. Dục của chúng sanh ở địa ngục là mạnh nhất, cho nên họ thấy trụ đồng đều liền đến ôm, bởi do dục vọng quá mạnh. Chúng ta phải biết rõ, tu hành nhất định phải hàng phục dục vọng của mình. Một khi khởi lên tâm dâm, liền phải hổ thẹn, quở trách, vì nó chướng ngại cho tu hành của chúng ta, chướng ngại chúng ta đoạn phiền não, khai trí huệ, cũng chướng ngại chúng ta vãng sanh. Do đó phải hổ thẹn, tự quở trách mình, không thể khoan thứ cho chính mình, phải tha thiết sám hối.

          Quá khứ, trong Kinh có kể một câu chuyện, đó cũng là một công án trong nhà Thiền, có một vị Thiền sư, Ngài cũng tu hành rất tốt, tâm rất thanh tịnh, nhưng chưa thật sự đoạn hết phiền não. Ngài đến Sư phụ của Ngài, thỉnh cầu có thể đem Y Bát truyền lại cho Ngài không, thông qua đó, quý vị liền thấy được Ngài vẫn còn dục niệm. Tuy công phu của Ngài rất tốt, mọi người đều rất kính ngưỡng Ngài, nhưng Hòa thượng của Ngài, Hòa thượng là Thân giáo sư của Ngài, không đáp ứng yêu cầu. Hòa thượng là không thể tùy tiện mà xưng hô, là người trực tiếp dạy dỗ của quý vị, vị thầy ấy của quý vị gọi là Thân giáo Sư, mới có thể xưng là Hòa thượng, không phải ai cũng đủ tư cách xưng Hòa thượng. Hòa thượng của Ngài không truyền cho Ngài Y Bát, thì Ngài liền có chút tức giận, không phục, nhưng ý niệm rất nhỏ, rất vi tế. Sau khi Sư phụ của Ngài vãng sanh, đây cũng là một cao nhân, đã chứng quả rồi. 20 năm sau đó, có lần Thiền sư ấy đi bộ bên bờ sông, thấy bên bờ kia có một người con gái đang rửa chân, vén quần lên tới đùi. Thiền sư nhìn thấy làn da của người con gái đó rất trắng, nên khởi động tâm. Đột nhiên nghe tiếng Sư phụ của Ngài la mắng rằng “Ông còn có ý niệm đó, mà muốn được Y Bát ư?” Ngài vừa nghe xong, liền lập tức lạy xuống đất, lạy sám hối. Nên quý vị nên biết chúng ta khởi một niệm trong đầu, thì thiên địa, quỷ thần, Phật, Bồ tát, tất cả đều biết được, căn bản là không thể giấu người được. Sư phụ của Thiền sư đó liền biết được, nên lập tức la mắng Ngài. Đây cũng là thuộc về tâm dâm rất nhẹ. Nhưng dù chỉ có động một niệm nhỏ trong đầu, thì chiếu theo giới luật nghiêm khắc là cũng đã phạm giới rồi, là phạm hạ phương tiện, có thể sám hối. Quý vị phải sám hối. Nếu quý vị mà không sám hối, thì niệm đó lớn lên, phiền não liền nặng thêm. Do đó chân chánh hộ trì giới luật, thì mỗi niệm phải nghĩ đến muốn ra khỏi sanh tử, Phật pháp rất khó được gặp, nếu như chúng ta không nắm chắc được cơ hội một đời này chính mình vãng sanh thế giới Cực Lạc, quý vị còn cẩu thả dung túng những phiền não tập khí này của chính mình, thì đời này không thể thành tựu, rất là đáng tiếc.

          Cho nên trong Kinh nói, thà vì trinh khiết mà chết, chứ không vì sống mà dâm dục. Vì trinh khiết, vì trì giới, tôi có thể chết, tôi không vì sống mà phạm giới. Trong Kinh Hiền Ngu Nhân Duyên, có kể một công án giữ giới của một Sa di, đây là câu chuyện thật, là câu chuyện vào thời đại của Đức Phật, có một Sa di theo học pháp với một Tỳ kheo, một ngày nọ, vị Tỳ kheo sai vị Sa di đến nhà một trưởng giả để khất thực, vị Sa di ấy chỉ đi một mình. Đúng lúc người nhà trưởng giả đó đã đi vắng hết, chỉ còn một người con gái 16 tuổi. Cô gái này ở tuổi vị thành niên, nhìn thấy vị Sa di đó liền sanh lòng ái mộ, nói với vị Sa di, em muốn kết hôn cùng với anh, anh hãy làm chồng em. Vị Sa-di không đồng ý, Sa di là người trì giới, nhưng đã lỡ vào nhà cô ta rồi, cửa đều bị đóng lại hết, người con gái đó ép buộc vị Sa-di phải làm chồng mình. Làm sao đây? Vị Sa-di nghĩ, không thể cứng rắn chạy ra ngoài, chạy ra ngoài thì rất khó coi, mọi người không biết, cửa thì đóng, một nam một nữ bên trong làm chuyện gì, rất mất thể thống, cũng khiến làm cho Phật môn mất thể diện. Nhưng không thể chấp thuận cô ta được, thuận theo cô ta là phạm giới, tội này càng đáng sợ. Làm sao đây? Vị Sa-di này nghĩ ra kế sách, liền nói với cô gái, cô hãy đợi một chút, hôm nay tôi có thể làm phu quân của cô, nhưng tôi phải xả giới, hoàn tục mới được, cô hãy cho tôi ở một mình một thời gian, để tôi xả giới rồi mới làm chồng của cô. Cô gái nghe rất hứng thú, bèn đưa vị Sa di vào phòng ngủ của cô, rồi đóng cửa lại, cô đợi ở bên ngoài. Kết quả, vị Sa di tìm được một con dao, là dao dùng để cạo tóc, vị ấy lúc đó hướng về nơi Phật ở và quỳ xuống, mắt rơi lệ mà phát nguyện rằng, con đời này tuy chưa thể đắc đạo, nhưng cũng tuyệt đối không vi phạm giới luật của Phật đã chế định, con thà xả thân mạng, cũng sẽ không phạm giới, nguyện con đời đời kiếp kiếp đều được xuất gia tu hành, sau cùng sẽ cứu cánh thành Phật. Phát nguyện xong, liền cầm dao đâm vào cổ tự vẫn mà chết, máu tươi chảy xuống đất.

          Cô gái đợi ở bên ngoài khá lâu, nghe bên trong không có động tĩnh, liền mở cửa đi vào, thấy vị Sa di đã chết bên vũng máu, tâm dục của cô lập tức tan như mây khói, mà còn rất hối hận, sao ta lại phạm tội nặng thế này! Sau đó cha mẹ của cô cũng về đến, cô đối trước cha mẹ cầu sám hối. Sự việc này được truyền đến nhà vua, vì vua cũng là người học Phật, nghe như vậy liền vô cùng khen ngợi, sau đó đến trước thi thể của vị Sa di mà lễ bái và làm lễ an táng long trọng. Cả nước nghe vị Sa di vì trì giới mà xả bỏ thân mạng đều vô cùng cảm động, nên đều sanh tâm Bồ đề. Chuyện này cho chúng ta một tấm gương rất quý khó được, trong tình huống quá bất đắc dĩ, có thể xả thân để hộ giới, đó là bậc Hiền Thánh đã làm cho chúng ta một tấm gương. Chúng ta tuy chưa có gặp hoàn cảnh như vậy, nhưng cũng phải có tâm dũng mãnh tinh tấn như vậy để hộ giới. Quý vị tại đây đã thọ giới Sa di hoặc là Bát quan Trai giới rồi, đều là phải giữ không được dâm dục, quý vị trì giới một ngày một đêm thì một ngày một đêm đó phải giữ được tốt, nếu khi thấy người khác giới thì sanh tâm dâm, quý vị còn khởi lên ý niệm không tốt, phải lập tức tự quở trách mình. Bởi vì mọi người ở trong Tự viện này, khiến quý vị thật sự không thể có cơ hội để phạm giới dâm, là nơi khá an toàn. Cho nên vì sao thọ Bát quan Trai giới thì tốt nhất nên đến Tự viện để thọ. Đất Già-lam thanh tịnh, quý vị muốn phạm giới cũng không dễ dàng. Nhưng tâm dâm thì không có biện pháp, quý vị phải tự mình hộ trì cho tốt.

          Nói đến đoạn dâm, làm sao đoạn dâm? Hiện giờ người trẻ tuổi đều cảm thấy rất khó, nhất là xã hội hiện nay ô nhiễm, mở Ti vi, lên Internet, thì tất cả đều là quyến rũ quý vị, quý vị có thể không khởi tâm dâm sao? Thật sự không dễ dàng. Tôi đơn giản giới thiệu ba phương pháp có thể giúp đoạn dâm. Điều thứ nhất, phải không rời Kinh giáo. Quý vị phải thâm nhập Kinh giáo, mỗi ngày đọc Kinh, nghe giảng pháp, suy nghĩ của quý vị đều là chánh niệm, thì tà niệm tự nhiên không ô nhiễm thêm. Cổ nhân nói: Ba ngày không đọc sách Thánh Hiền, thì mặt mày dễ ghét. Hiện nay không đợi đến ba ngày, một ngày không đọc Kinh, không nghe pháp thì mặt mày quý vị liền khó ưa, thậm chí nửa ngày không công phu thì mặt mày đều dễ ghét rồi. Nên có vị đồng tu đeo máy để nghe Kinh suốt 24 giờ qua, đó là rất đáng quý, vì sao vậy? Vì bắt buộc chính mình không rời khỏi Kinh giáo.

          Điều thứ hai là phải tu Bất Tịnh Quán. Quán thân bất tịnh, thân thể là nhơ bẩn, không có gì để ưa thích. Quý vị thấy đó là cái bao, bên trong đựng phân, nước tiểu, máu mủ hôi thối không chịu nổi. Quý vị đến Bệnh viện, thấy những xác chết bị mổ ngực, xẻ bụng thì quý vị thấy có gì đáng yêu nữa không? Cho nên chúng ta thấy người nữ đẹp vì lớp da bên ngoài mà thôi, còn toàn bộ bên trong cũng như cái xác kia, đều là hôi thối không chịu nổi, như mùi đại tiện bốc ra, không có gì đáng yêu cả. Đem bóc lớp da đi, thì bên trong đều như xác chết, chứa đựng những máu thịt, không có gì để yêu thích. Quý vị hiểu rõ bản chất như vậy, thì quý vị sẽ không khởi lên tâm dâm, liền sợ bị lớp da bên ngoài lừa gạt. Nếu thường tu Bất Tịnh Quán, thì sách An Sỹ Toàn Thư phần Dục Hải Hồi Cuồng, có dạy chúng ta rất nhiều pháp tu rõ ràng, rất quan trọng.

          Điều thứ ba là niệm Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát. Đây là trên Kinh Pháp Hoa nói với chúng ta, “Nếu có chúng sanh nặng nhiều dâm dục, thường nên cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, liền mau được ly dục”. Quý vị muốn đoạn dục, thì đây là một cách rất tốt, dựa vào tha lực, nương vào oai thần uy lực của Bồ Tát Quán Thế Âm giúp quý vị đoạn dục. Do đó dục niệm mạnh, thì mỗi ngày có thể niệm trên 1000 Thánh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, thậm chí là 3000, sau một thời gian nên quán tưởng được sự gia trì của oai thần nguyện lực Quán Thế Âm Bồ Tát, bạch quang của Ngài chiếu vào ta, giúp ta đoạn phiền não, tiêu nghiệp chướng, hiệu quả rất tốt. Thật sự có tâm muốn đoạn, không có tâm thì không đoạn được. Cho nên có câu “Trên đời không có việc gì khó, chỉ sợ người không quyết tâm”. Quý vị thật sự muốn đoạn, thì Phật lực gia trì quý vị, nhất định được thành công. Hôm nay đã hết giờ rồi, chúng ta học tập tới đây.

*Chú thích thêm của dịch giả về lấy trộm 5 tiền trong giới trộm cướp:

Theo Hòa thượng Minh Thông, ở Viện Luật Học Huệ Nghiêm, TP.HCM, Ngài là Tuyên Luật Sư của rất nhiều Giới đàn ở Việt Nam thì: 5 tiền là theo Bộ luật nước Ma Kiệt Đà, nếu ai trộm từ 5 tiền trở lên (tiền tệ của nước này thời đó) thì sẽ bị xử tử hình, nên người xuất gia trộm 5 tiền trở lên thì mất giới Sa di, mất giới Tỳ kheo. Với Sa di ngày nay, vì mỗi nước bộ luật hình sự khác nhau nên tùy ở đất nước nào, hễ Sa di trộm số tiền mà Luật pháp nước đó kết tội tử hình thì “mất giới Sa di, không thông sám hối”. Đây là cách giải thích khác đáng tham khảo! Xin giới thiệu đến thính giả.

( Hết tập 5 )

Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều sanh về Tịnh độ.

Nam Mô A Di Đà Phật.

 

 

Trả lời 0