Responsive Menu
Add more content here...

Tập 6 – Sa Di Thập Giới Oai Nghi Lục Yếu

 

SA DI THẬP GIỚI OAI NGHI LỤC YẾU
 TẬP: 6

Nguyên bản: Ngẫu Ích Sa môn Trí Húc, y theo Luật Tạng biên tập.

Người giảng: Pháp Sư Định Hoằng.

Giảng tại: Chùa Viên Minh, Hương Cảng.

Thời gian: Ngày 19 tháng 8 năm 2012.

Dịch giả: Thích Thiện Trang

Kênh Youtube: Thiện Trang Văn Trang

 

          Kính chào chư vị Pháp sư, chư vị Đại đức đồng tu, chúc mọi người tốt lành! Chúng ta tiếp tục học tập Sa Di Thập Giới Oai Nghi Lục Yếu. Mời mọi người mở trang 8 trong sách. Hôm nay chúng ta giảng đến điều giới thứ tư:

          “Giới thứ tư: không vọng ngữ. Nếu chưa chứng Tứ quả mà nói dối đã chứng, chưa đắc được Tứ thiền mà nói dối đã đắc, chưa ngộ đạo mà nói dối đã ngộ. Và nói dối trời đến, rồng đến, quỷ thần đến v.v… hư dối không thật, lừa dối người đời là Đại vọng Ngữ, thì phạm trọng tội mất giới Sa di, không thông sám hối.

          Vọng ngữ, đó là lời nói giả dối lừa gạt người, hư dối không thật, biết rõ ràng như vậy mà lại nói thế khác, nói không đúng với sự thật, vả lại tâm còn cố ý nói bịa đặt, đó gọi là vọng ngữ. Vọng ngữ rất nặng như vừa nói ở trên, đây là Đại vọng Ngữ, điều thứ nhất là chính mình chưa chứng quả mà nói mình đã chứng quả. Chứng quả ở đây bao gồm 4 quả vị là: sơ quả Tu đà hoàn, nhị quả Tư đà hàm, tam quả A na hàm và tứ quả A la hán. Chưa chứng được những quả vị đó mà nói đã chứng được. Chưa đắc thiền định, Tứ thiền là chỉ cho loại định của trời Tứ thiền, tu thiền định mới được sanh đến những cõi trời này, tự mình chưa đắc được định mà nói tôi đã đắc được định. Đó là biết rõ chưa đắc mà nói đắc, vì sao vậy? Vì để dối gạt đại chúng, để gạt lấy được tiếng tăm lợi dưỡng, sự cúng dường của đại chúng, đó là thuộc về tạo Đại vọng Ngữ. Còn có “chưa ngộ đạo mà nói dối đã ngộ”, tức là chưa khai ngộ, chưa khai trí huệ, mà nói mình đã khai trí huệ. Và nói dối người trời đến rồi, hoặc là rồng đến rồi, quỷ thần đến rồi, nhưng thật tế chính mình không thấy họ đến, đó là nói để lừa gạt chúng sanh. Đây là “hư dối không thật, cuống hoặc người đời”, cuống là dối trá, hoặc là mê hoặc. Đó đều gọi là Đại vọng Ngữ, là phạm trọng tội. Tội này sẽ khiến người đó đọa vào địa ngục A Tỳ, cùng với nghịch tội gần như bằng nhau, đó đương nhiên là mất giới Sa di, vả lại “không thông sám hối”. Phàm đã làm Đại vọng Ngữ như vậy, thì phải bị diệt tẩn, trục xuất khỏi Tăng đoàn, không được ở trong Tăng đoàn.

          Cho nên đây là điều mà người tu hành phải đặc biệt chú ý, không được có một chút xíu tâm giả dối, không được có một tơ hào tâm tham lam danh lợi. Tuyệt đại đa số người tạo Đại vọng Ngữ đều là vì tham lam danh văn lợi dưỡng. Hiện nay trong xã hội cũng có rất nhiều người liều mạng, thật không sợ đọa địa ngục A Tỳ, nói mình là Bồ-tát gì đó tái lai, thậm chí nói mình là Phật gì đó tái lai. Từ xưa đến nay có một quy tắc như vầy, phàm là Phật Bồ-tát tái lai, nếu thân phận của họ bộc lộ rồi, tất liền phải vãng sanh, phải rời khỏi nhân gian. Trong lịch sử thật sự có không ít Tổ sư Đại đức là Phật Bồ tát tái lai, như Tổ thứ 6 Tịnh độ tông chúng ta là Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ, Ngài là Phật A Di Đà tái lai. Thân phận của Ngài làm sao mà bộc lộ? Thời ấy, nhà vua mời Ngài làm Quốc sư, có một lần vua muốn mở tiệc chiêu đãi Tăng nhân, vua mong có 1000 vị Tăng đến ứng cúng. Kết quả lúc đó mọi người đều đến đủ, vị trí ghế trên cùng còn trống, mọi người đều không ngồi, bởi cảm thấy đức hạnh của mình không đủ, ghế trên đó nên để cho người chân chánh tu hành, mọi người đều nhường lẫn nhau, ông nhường tôi, tôi nhường ông. Đột nhiên có một vị Hòa thượng tai to, không ai biết, lại đến ngồi lên vị trí chủ tọa đó, mọi người thấy có người ngồi rồi, cũng không sao, liền ngồi xuống để ăn cơm.

          Sau bữa ăn, vua liền hỏi Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ, hôm nay có Phật Bồ Tát đến ứng cúng không? Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ nói có. Là ai? Đó là một vị cổ Phật tái lai? Là vị cổ Phật nào tái lai? Ngài nói: Người có tai to, ngồi ở vị trí chủ tọa là cổ Phật tái lai. Vua nghe nói thì rất vui mừng, lập tức phái người đuổi theo vị cổ Phật, sợ cổ Phật đi mất. Đuổi một mạch, theo đến một hang núi, thấy Hòa thượng tai to đang ngồi thiền, đến gần để thỉnh Ngài, nói rằng: Hoàng thượng thỉnh Ngài vào cung làm Quốc sư. Hòa thượng tai to liền cười nói: “Di Đà nhiêu thiệt”, Di Đà là Phật A Di Đà, nhiêu thiệt tức là nhiều chuyện, “đem thân phận của ta nói ra”, nói xong Ngài liền viên tịch, đi rồi. Những người đó thấy vậy thất vọng buồn bã, mong thỉnh vị cổ Phật đó, mà Ngài đi mất rồi. Trở về báo cáo với vua, vua nghe rồi cũng rất tiếc nuối, bèn hỏi, “trước khi ra đi cổ Phật có nói gì không?”, “Dạ thật có nói một câu: Di Đà nhiều chuyện”. Ai là Di Đà? Như vậy là lộ ra thân phận của Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ, không ngờ Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ là A Di Đà Phật! Mau mau đi thỉnh, lập tức sai người đi thỉnh Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ. Người đi thỉnh vừa mới ra cửa, thì đụng trúng một người chạy từ ngoài cửa vào. Liền hỏi, sao ngươi vội vàng vậy? Người đó trả lời, báo cáo Hoàng thượng, Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ đã viễn tịch, đi rồi ạ. Quý vị thấy, hễ thật sự là Phật Bồ Tát tái lai, một khi thân phận bộc lộ thì lập tức liền đi, sẽ không ở lại nhân gian. Ở lại nhân gian thì không phải là tìm sự rắc rối ư? Mọi người sẽ tìm họ, thì không xong rồi, họ không thể ở lại tại đó nữa, tuyệt đối sẽ không làm mê hoặc những thiện nam tín nữ.

          Từ xưa đến nay, có rất nhiều trường hợp như vậy, vào thời đại Nam Bắc triều, có Bố Đại Hòa thượng, Ngài là Bồ Tát Di Lặc tái lai, quý vị thấy trong Điện Thiên Vương chúng ta có thờ Bồ Tát Di Lặc, có bụng to, Hòa thượng bụng to và luôn cười, mang trên vai một cái bao, đó là người có thật trong lịch sử. Trước khi ra đi Ngài nói ra thân phận của mình, nói Ngài là Bồ Tát Di Lặc, nói xong liền đi. Trong lịch sử có Phó Đại Sĩ cũng là Di Lặc Bồ Tát tái lai, đây là một vị cư sĩ. Những trường hợp như vậy rất nhiều. Đương nhiên còn có rất nhiều cũng đều là Phật Bồ Tát tái lai nhưng không bộc lộ thân phận. Quý Ngài đến thế gian này là để giáo hóa chúng sanh, tuyệt đối sẽ không khiến cho mọi người khởi lên tâm hiếu kỳ, thấy Phật mà vui mừng chạy theo, các Ngài sẽ không làm như vậy. Hễ mà đem nói ta là Phật gì đó, Bồ-tát gì gì đó, lại không ra đi, thì chắc chắn là giả. Vì vậy, sau này chúng ta gặp phải những người như vậy, thì quý vị có thể chất vấn họ: Bạn đã là Phật Bồ-Tát tái lai, thì vì sao bạn còn chưa đi?

          Tiếp đoạn thứ hai:

          “Nếu công phu khá đắc lực, mà không biết pháp tướng, cho là chứng quả, gọi là tăng thượng mạn, vốn không có tâm lừa gạt nên không mất giới. Cần phải thỉnh hỏi bậc sư trưởng, tiền bối để phán định đúng sai, tha thiết sám hối, xả bỏ tâm đã có sở đắc, chánh yếu tinh cầu ra khỏi, mới mong khỏi sa đọa vậy.”

          Đoạn vừa rồi là nói không thuộc về Đại vọng Ngữ, đây là sự ngộ nhận. Tuy không tính là Đại vọng Ngữ nhưng lời nói họ cũng là giả rồi, họ không có tâm cố ý dối gạt, mà chính họ cũng không biết, gọi là “tăng thượng mạn”. Đó là chính mình tu hành “công phu khá đắc lực”, nhưng vì chưa có thâm nhập hiểu rõ Kinh giáo, đối với những pháp tướng, các loại cảnh giới của tu hành, những cảnh giới của chứng đắc các quả vị, tự mình không hiểu rõ, nên nói chính mình đã chứng được quả vị hoặc đã khai ngộ, hoặc đã có cảm thông với Phật Bồ Tát v.v…thậm chí nói: tôi đã đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, rồi trở lại, tôi thấy Phật A Di Đà, hoa sen của tôi đã nở rồi. Một số lời nói là thật, cũng có thể là chính mình ngộ nhận, cho rằng mình có cảnh giới đó, thực tế đó là ảo giác của mình, hoặc là rất không hiểu cảnh giới đó, ngộ nhận là mình đã đạt được, tất cả như vậy gọi là tăng thượng mạn. Vốn không có tâm gạt người, do đó không tính là họ phá giới, cũng không tính là Đại vọng Ngữ, nhưng thật sự là có lỗi rất lớn.

          Hòa thượng Tịnh Không Sư phụ của chúng ta kể khi trẻ, Ngài có gặp một lão cư sĩ, tìm đến Sư phụ chúng ta, nói rằng ông đã chứng quả A la hán. Chứng được A la hán là phá ngã chấp, ra khỏi Tam giới Lục đạo, không còn luân hồi nữa, là thành Thánh nhân. Ông đọc Kinh thì cảm giác chính ông đã đoạn được phiền não rồi, cho nên tâm địa rất mát mẻ, rất tự tại thỏa mái dễ chịu, tự cho mình đã chứng quả A la hán. Đến để hỏi Sư phụ chúng ta, tôi đã chứng chưa? Sư phụ nói, ông chưa có chứng quả, đây là tạt một gáo nước lạnh. Ông nghe rồi liền rất không phục, biện luận cùng với Sư phụ, tôi đã chứng quả rồi, sao Ngài lại nói tôi chưa chứng? Nói rất nhiều lý do, chứng minh ông đã chứng được quả A la hán. Nhưng Sư phụ nói ông chưa chứng đắc, cũng nói ra rất nhiều lý do, nói vì sao ông chưa chứng đắc. Ông đều không phục, sau cùng không cách nào, Sư phụ chúng ta sử dụng chiêu cuối cùng, chúng ta đang ngồi trong phòng này, cách con đường bên ngoài bởi hai bức tường, ngoài đó có xe cộ chạy qua lại, ông có thấy được không? Ông đáp: tôi không thấy. Sư phụ nói: ông không thấy thì ông chưa có thiên nhãn thông, đã chứng A la hán thì chứng được sáu loại thần thông, thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông, thần túc thông và lậu tận thông, đó là cảnh giới của A la hán, ông xem, ông chưa có thiên nhãn thông, cách có hai bức tường mà ông đều không thấy, thì chứng minh sơ quả thôi ông cũng chưa đạt được. A la hán là tứ quả, sơ quả là Tu đà hoàn, Tu đà hoàn là đã mở được thiên nhãn, thiên nhĩ, không chỉ có thể thấy xuyên bức tường, mà hiện giờ Tổng thống nước Mỹ đang làm gì, thì quý vị đều thấy rất rõ ràng, họ mở một cuộc họp bí mật, tai quý vị đều nghe được rất rõ ràng. Đó là sơ quả Tu đà hoàn liền chứng được, ông nói ông đã chứng tứ quả A la hán, mà ông lại có thiên nhãn, bên ngoài có người nói chuyện ông cũng không nghe được, nói rõ ông không có. Ông ấy cuối cùng mới phục. Người đó là thuộc về tăng thượng mạn, ông cũng không phải là Đại vọng ngữ, cũng không cố ý dối gạt, mà thật sự ngộ nhận cảnh giới của chính mình.

          Người trong khi tu hành có thể gặp như vậy, đây là lúc chưa có thông Kinh giáo, cần phải sám hối, nên “thỉnh hỏi bậc sư trưởng, tiền bối”. Chân chánh thiện tri thức có trí huệ, hiểu rõ Kinh giáo, pháp tướng, những đạo lý. Thiện tri thức là người đã trải qua, thông đạt, họ đã thật sự có chứng ngộ, thì quý vị thỉnh họ giám định cho. Do đó quý vị thấy những Tổ sư của Thiền tông sau khi khai ngộ rồi, đều cần phải thỉnh Tổ sư trước giám định cho sự khai ngộ của mình. Giám định để chứng minh xác thật chính mình đã khai ngộ, tâm mới yên tâm; ngoài ra cũng giúp cho mọi người có niềm tin, Tổ sư giám định cho thật sự là đã khai ngộ rồi. Chưa có khai ngộ thì Tổ sư sẽ không giám định cho quý vị, không khai ngộ thì không thể nói quý vị khai ngộ được. Vì vậy chính mình không biết rõ cảnh giới của mình thế nào, thì cần phải thỉnh hỏi vị thiện tri thức. “Phán định đúng sai”; Quý vị không đủ khả năng hiểu rõ cảnh giới của mình, thì đừng nên đánh giá mình quá cao, cần làm gì, chọn lựa tu hành gì của quý vị đều phải hiểu rõ. Phải “tha thiết sám hối”, nếu có tăng thượng mạn, ngộ nhận cảnh giới đều phải sám hối, nếu như không sám hối thì sẽ hình thành chướng ngại lớn cho tu hành. Trong Kinh Lăng Nghiêm nói đến 50 loại ấm ma, trên đường tu hành có thể gặp phải, thường thường đều do tăng thượng mạn, ngộ nhận cảnh giới, liền dễ mắc vào lưới ma, nhất định phải tha thiết sám hối. Cho nên tu hành cần phải theo vị minh sư, minh sư này không phải là nổi tiếng, mà là vị thầy hiểu rõ mình, thật sự có trí huệ, thì chỉ đường đạo cho quý vị mới chính xác.

          Sám hối phải xả bỏ tâm có sở đắc, tu hành là phải đem tất cả phiền não, chấp trước vọng tưởng trong tâm đều buông xả. Nên trên Kinh Kim Cang, Phật nói: chứng A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, là thành Phật mà cũng là không có gì để đắc, viên mãn Bồ-đề đều là trở về vô sở đắc, Tâm Kinh cũng nói “Dĩ vô sở đắc cố Bồ đề Tát đỏa”. Ngàn vạn lần không thể nhận ta đã thành Phật rồi, tôi thật đạt đến quả vị Phật, cảnh giới Phật, quý vị còn có loại tâm như vậy, là phân biệt chấp trước của quý vị đều chưa buông xả, chưa buông xả ý niệm suy nghĩ. Nên người thật sự khai ngộ thành Phật, thì họ một niệm cũng không sanh, không có thứ gì là sở đắc, vô sở đắc, “Bổn lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần ai?”. Quý vị còn có quả Phật để chứng, có Bồ-tát để đắc, thì quý vị là có một vật, quý vị có một vật thì là chưa đắc, chưa chứng. Phải hiểu rõ những điều này.

          Như chúng ta niệm A Di Đà Phật, thì phải lão thật niệm Phật, quý vị thấy những vị làm công quả chúng ta mặc áo phía sau đều in bốn chữ “Lão thật niệm Phật”. Thế nào gọi là lão thật niệm Phật? Đó là gạt trừ đi tất cả vọng niệm, không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn, một câu Phật hiệu niệm đến cùng, một mạch đến khi quý vị thành Phật, đều là câu Phật hiệu này, như vậy gọi là lão thật niệm Phật. Nếu như niệm Phật mà có niệm mong cầu “Bạn xem, tôi niệm được Phật A Di Đà đến rồi, tôi đã thấy hào quang rồi, tôi đã thấy hoa sen rồi”, vui mừng quá độ, đi nói với mọi người, đây là không lão thật, quý vị dính mắc tướng, quý vị có sở đắc. Có đồng tu còn viết ra giấy một số vấn đề để hỏi tôi, “Con năm ngoái có nằm mơ gặp một vị Hòa thượng đưa cho con một tờ giấy không có chữ nào, rốt cuộc đó là ý nghĩa gì?” Tôi liền nói với anh ta, tất cả pháp như mộng huyễn bào ảnh, vốn của nó là không, đã là không thì không nên nghĩ tưởng lại, sao không đem nó bỏ đi? Ngay cả cảnh giới trong mộng mà bạn còn chấp trước, không phải là bạn tự đi tìm rắc rối sao? Do đó dù cảnh giới gì đều không nên chấp trước. Chân chánh tu hành, ngay cả nếu thấy A Di Đà Phật đến, thì cũng không cần phải vui mừng, vẫn là thanh thanh tịnh tịnh niệm Phật. Khi nào Phật đến để đón rước quý vị, thì quý vị liền theo Ngài đi; Ngài chưa đến đón rước quý vị, Ngài đến cho quý vị thấy, giúp quý vị tăng thêm niềm tin, cũng rất tốt. Nếu như quý vị quá vui mừng tuyệt vời rồi! đi khoe với người khác, là quý vị chấp tướng, chấp tướng rồi thì bước thứ hai sẽ gặp ma chướng. Vì vậy những đạo lý này chúng ta phải hiểu rõ.

          Lão Cư sĩ Hạ Liên Cư từng có nói qua, nếu trong lúc niệm Phật có xen tạp một chút phàm tình thánh giải, tức là không lão thật, là dối lừa mình. Phàm tình thánh giải, phàm tình là những tình chấp của phàm phu chúng ta, như ân oán đúng sai với người khác, xét định tốt xấu thiện ác người khác, phân biệt chấp trước, đó đều là thuộc về phàm tình. Không được xen tạp phàm tình trong lúc đang niệm Phật, niệm A Di Đà Phật, nghĩ nhớ đến người nào đó đối với ta không tốt, người đó rất xấu. Đã có một đồng tu trong lúc niệm Phật, nghĩ đến một người đối với anh ta không tốt, càng nghĩ càng tức giận, một mặt niệm Phật, một mặt suy nghĩ xuống nhà bếp tìm con dao để đi báo thù, như thế là thuộc về xen tạp, rất dễ vướng lưới ma. Nhất định phải đem những phàm tình bài trừ sạch hết, tất cả đều là giả, tất cả đều là mộng huyễn, quý vị phải buông xả. Phàm tình phải buông xả, thánh giải cũng phải buông xả. Thế nào là thánh giải? Là niệm Phật đến trình độ nhất định, đột nhiên ngộ nhập một câu văn Kinh nào đó trong Kinh Vô Lượng Thọ, tôi đã hiểu rõ ý nghĩa rồi, đây là thánh giải. Hoặc khi niệm, tôi thấy được hoa sen, trên hoa sen còn có tên của tôi, tương lai tôi nhất định vãng sanh, khi niệm tôi thấy các loại tướng lành ở trên trời, những tướng lành ánh sáng, trời rồng đều đến, những loại cảnh giới như vậy đều thuộc về thánh giải. Trên Kinh Lăng Nghiêm nói “Bất tác thánh tâm, danh thiện cảnh giới; nhược tác thánh giải, tức thọ quần tà”. Quý vị không được có tâm cảm thấy rất thù thắng, rất vui mừng, dính vào tướng, đó là không tốt. Không dính tướng, không có những tâm phân biệt này, tức giả như A Di Đà Phật đến, tôi vẫn là một niệm không sanh, thì đó là cảnh giới thiện, cảnh giới Phật. Nếu coi là thánh giải, quý vị cảm thấy rất tuyệt vời, quý vị nổi lên suy nghĩ như vậy, đó là đọa vào quần tà, liền rơi vào đường tà, thông thường là vướng vào lưới ma.

          Người học Phật tốt nhất không nên cầu những thần thông cảm ứng, thấy Phật, thấy hào quang, thấy quỷ thần, thấy trời rồng, tất cả những điều đó đều không phải là chánh pháp, quý vị không nên dính mắc vào đó. Thế nào là chánh pháp? Kinh Kim Cang nói: “Những gì có hình tướng, đều là hư vọng”, “Bổn lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần ai?”. Đây là chánh pháp thật sự. Đó đều là “chỉ do tâm mà hiện, do thức mà biến ra”. Tướng có hay không? Có. Quý vị nhìn thấy, đương nhiên là có. Nhưng nó lại là không, nó là do ý niệm của quý vị mà hiện ra, quý vị niệm Phật đến thanh tịnh rồi, thì nó tự nhiên liền hiện ra. Như Đại Thế Chí Bồ Tát nói, “Nhớ Phật niệm Phật, hiện tiền đương lai nhất định thấy Phật”. Mọi người đang niệm Phật, niệm được rất thanh tịnh, rất an định, rất chuyên chú, một vọng niệm đều không có, quý vị đang niệm Phật như vậy, trong tâm Phật liền có thể hiện ra, nhất định sẽ hiện. Hiện tiền đương lai, hiện tại hiện, hoặc là tương lai sẽ hiện, hoặc là lúc lâm chung quý vị sẽ thấy A Di Đà Phật đến tiếp dẫn quý vị vãng sanh, khẳng định sẽ thấy Phật. Quý vị không cần lo lắng, không cần nghi ngờ, cũng không cần trông mong rằng A Di Đà Phật bao giờ sẽ đến? Tôi muốn vãng sanh sớm một chút! Những trông mong như vậy cũng đều nên buông xả. Quý vị đã phát nguyện cầu vãng sanh, thì chờ đợi A Di Đà Phật đến, quý vị nương vào tín tâm để chờ đợi, A Di Đà Phật khẳng định sẽ đến. Loại niềm tin này không thay đổi, thì tâm quý vị sẽ thanh tịnh. Bởi vì “Tín tâm thanh tịnh, tất sanh thật tướng”. Quý vị còn lo lắng, còn nghĩ sao A Di Đà Phật chưa đến? Đó là niềm tin chưa đủ thanh tịnh.

          Như ông nội của tôi, tôi giúp ông nội niệm Phật, ông nội tôi năm nay đã lớn tuổi là 94 tuổi rồi, niệm Phật cầu vãng sanh. Đó là chuyện hai năm trước, khi tôi hỗ trợ ông nội niệm Phật, ông nội thì hỏi tôi: ông đã niệm lâu sao A Di Đà Phật vẫn chưa đến? Tôi nói: ông ơi! Ông không nên lo lắng, A Di Đà Phật khẳng định sẽ đến. Ông hỏi: Bao giờ đến? Tôi đáp: Căn cứ Kinh A Di Đà nói “Kỳ nhân lâm mạng chung thời, A Di Đà Phật dữ chư thánh chúng hiện tại kỳ tiền”, là lúc mạng ông nội sắp hết thì Ngài sẽ đến để tiếp dẫn ông nội. Ông nội còn hỏi: Khi nào mạng ông hết? Câu hỏi này khiến tôi không biết làm sao để trả lời cho ổn thỏa, tôi nói: con cũng không biết khi nào mạng của ông nội hết, nhưng con biết mạng của ông nội khẳng định sẽ hết, ông nội hãy chờ, đừng nôn nóng, nhất định sẽ có ngày đó. Không có ai là không có lâm mạng chung, ông nội hãy đợi chờ đến lúc mạng chung thì A Di Đà Phật liền sẽ hiện trước mặt, tiếp dẫn ông nội vãng sanh Thế Giới Cực Lạc. Hiện giờ chưa đến lúc mạng chung thì phải làm sao? Phải lão thật niệm Phật, quý vị chủ yếu nghĩ nhiều đến những điều ấy. Nghĩ như vậy là không lão thật, là tín tâm chưa thanh tịnh, quý vị còn mang tâm A Di Đà Phật không đến thì làm sao? Phật tiếp dẫn rất nhiều người, lỡ Ngài bỏ quên tôi thì sao? Như vậy là niềm tin của quý vị không thanh tịnh, không kiên định. Đây là chướng ngại sự vãng sanh của quý vị. Cho nên thật sự tin là một niệm đều không sanh, không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn, lão thật niệm Phật đến cùng, thì khẳng định quý vị thấy Phật, khẳng định quý vị vãng sanh.

          Cho nên “Xả bỏ tâm có đắc, chánh yếu tinh cầu ra khỏi”, tinh là tinh tấn, cầu là cầu ra khỏi tình trạng đó, ra khỏi lục đạo luân hồi. Tôi làm sao được ra khỏi tam giới? Tôi làm sao được vãng sanh Tịnh độ? Tôi làm sao được nắm chắc vãng sanh? Rất nhiều người nghe tôi giảng tại Singapore đề tài là “Làm Sao Để Nắm Chắc Được Vãng Sanh”, sau khi nghe rồi thì rất nhiều người nói với tôi, họ cũng nắm chắc được vãng sanh. Tôi liền hỏi lại họ, có phải bạn hiện giờ đều đã buông xả thân tâm thế giới rồi chăng? Họ không dám trả lời. Tôi nói, bạn vẫn chưa buông xả, thì bạn vẫn chưa nắm chắc được vãng sanh, đó chỉ là bạn tự mình nghĩ rằng mình đã nắm chắc vãng sanh. Thế nào là đã nắm chắc? Đại sư Ngẫu Ích nói, “Được vãng sanh hay không, toàn do có tín nguyện hay không”. Quý vị vãng sanh Thế Giới Cực Lạc được hay không? Toàn do, mọi người phải chú ý chữ “toàn”, toàn dựa quý vị có thật sự tin, nguyện thiết cầu sanh Tịnh độ hay không. Tiêu chuẩn của tín nguyện là 100%, quý vị có 99% tín, vẫn còn có 1% hoài nghi, thì đó đều là chướng ngại; 99% phát nguyện muốn vãng sanh, còn 1% lưu luyến Ta Bà, có một tơ hào không buông xả, đó cũng là chướng ngại.

          Thường ngày chúng ta phải quán xét tâm niệm của mình, tôi có thật buông xả hay chưa? Trong lúc đối người, xử sự tiếp vật; quý vị còn có khởi tâm dính mắc hay không? Quý vị còn dính mắc, thì quý vị phải cảnh giác, quý vị chưa buông xả. Nếu như nói thấy những thứ tốt, quý vị còn có tâm tham ái; gặp cảnh thuận quý vị rất hoan hỉ; gặp nghịch cảnh, ác duyên, người ta đến chướng ngại quý vị, người ta đến cố ý làm hại quý vị, quý vị nổi giận, tâm quý vị khởi lên oán hận, đó đều là chưa buông xả, nguyện của quý vị chưa đủ. Quý vị thật sự phát nguyện muốn vãng sanh, thì dù họ làm gì, thế giới ra sao cũng không liên can gì? Sao cũng tốt vì ngày mai tôi đã đi rồi, ngày hôm nay ở tại khách sạn này, nhà vệ sinh khách sạn không được tốt, vòi nước rất tệ vẫn không sao, qua một đêm thôi thì tôi sẽ đi rồi. Tâm như vậy thì quý vị sẽ luôn luôn không nóng giận, quý vị sẽ không nói rằng tôi sẽ ở lại đây, tôi cần phải sửa chữa vòi nước này tốt rồi mới đi, chưa sửa nhà vệ sinh này được tốt thì tôi không đi, quý vị cũng không được có tâm đó, thế giới Ta Bà này cũng như vậy, nó là quán trọ của chúng ta, hiện giờ sống tạm khi chưa về nhà, nhưng tôi có thể đi bất cứ lúc nào, mọi lúc mọi nơi có thể buông xả. Đó là tín nguyện đầy đủ, chính mình kiểm điểm cẩn thận, không thể tăng thượng mạn, có được chút đắc lực tướng hảo là thật nắm chắc vãng sanh, như vậy là chưa được. Còn phải thật sự kiểm điểm, phải không ngừng buông xả, không ngừng thâm nhập Kinh giáo, đoạn nghi sanh tín, để cho tín nguyện của quý vị đầy đủ.

          Ngoài ra phải nghiêm túc niệm Phật, nếu như người thật sự nguyện vãng sanh, thì khẳng định họ rất vui vẻ ưa thích niệm Phật, họ tranh thủ để niệm Phật. Nếu như nói tôi muốn vãng sanh, mà lại không muốn niệm Phật, người đó là tự mâu thuẫn, nguyện của họ cũng là giả. Vì sao? Đã đến Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, mỗi vị Bồ tát suốt 24 giờ đều niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng không gián đoạn. Quý vị hiện tại cần phải kiến lập thói quen niệm Phật. Hiện giờ quý vị cảm thấy niệm Phật là sự việc rất gò bó, tôi thấy sự niệm Phật rất phiền phức, thật tế mọi việc làm xong rồi, không có chuyện gì để làm nữa, mới có thời gian rảnh, không biết làm gì, tốt đi niệm Phật. Quý vị suy nghĩ như vậy, đem việc niệm Phật để ra phía sau cùng, quý vị không phải là muốn niệm Phật, tính ra là quý vị cũng không muốn vãng sanh, cũng không mong cầu gặp được A Di Đà Phật. Nếu như quý vị nói, tất cả sự việc tôi có thể buông xả, niệm Phật là quan trọng số một, như tôi niệm Phật đến khi rất mệt mỏi rồi, không niệm được nữa thì mới thôi, điều chỉnh, làm tất cả việc khác là bất đắc dĩ cần phải hoàn thành công việc của mình, phải đôn luân tận phận. Quý vị có tâm như vậy là thật sự muốn niệm Phật. Việc này đều phải kiểm điểm lại mình. Do đó muốn “chánh yếu tinh cầu ra khỏi”, thì phải thâm nhập Kinh giáo, nghe giảng Kinh nhiều, đặc biệt là Kinh Vô Lượng Thọ, thì quý vị mới biết mình có chắc vãng sanh không. “Mới mong miễn trầm đọa”. Trầm là trầm luân, đọa là đọa lạc, đó là dính lưới ma, liền đọa vào hố lửa rồi. Tiếp theo đoạn thứ ba:

          “Nếu vốn muốn vọng ngữ, hoặc nói không rõ khiến người không lãnh hội được hoặc đang nói mà ngừng lại không nói nữa, đều là phạm trung phương tiện tội, có thể sám hối, cần gấp rút sám trừ.”

          Đây là vọng ngữ, nói dối gạt người, đã sanh tâm để dối gạt người, mà đang nói vọng ngữ, nhưng có thể nói không rõ, nói không minh bạch. Có thể chính mình đã nói dối nhiều rồi, nói cũng lớn tiếng, lời nói không thật rõ ràng, sự phát âm không rõ. “Người không lãnh hội được”, là người ta nghe không thật rõ ràng, quý vị muốn lừa dối họ, họ nghe không rõ ràng vọng ngữ của quý vị, cho nên quý vị không thể thành công; hoặc là nói được nửa chừng, “đang nói thì ngừng” lại, nói chưa xong xuôi, chưa nói hết, nói được nửa chừng thì rút lại. Đó là chưa khiến cho đối phương bị lừa, chưa có ảnh hưởng đến đối phương, song chính quý vị đã khởi tâm tạo nghiệp, đây là phạm trung phương tiện tội có thể sám hối. Tội này tuy không có nặng như tội trước, không có thật sự mất giới Sa di, nhưng cũng là có tội, gọi là phương tiện tội, đây là tội ở mức giữa. Nếu như thật sự đã lừa gạt người rồi, dối gạt thành công rồi, đó là phạm giới tội ở bậc trên, không thể sám hối. Trung phương tiện tội có thể sám hối, phải gấp rút sám hối, sau này không tạo lại, mới là thật sám hối; Nếu như sau vẫn còn tạo tội đó thì quý vị không phải là sám hối, mà là biết rõ rồi còn cố phạm, thì tội càng thêm tội.

          Cho nên nhất định phải đem tâm dối trá của mình buông xả, làm người phải thành thật, tuyệt không làm đều giả dối, không có tâm xảo trá. Dùng sự khéo léo, nói lời hoa mĩ xảo trá, thì sách Luận Ngữ nói “người có lời nói xảo quyệt hoa hòe là người không có lòng tốt”, những thứ đó đều là nhân của vọng ngữ. Làm người phải quang minh chính đại, đường đường chánh chánh, không có tâm cong quẹo. Tư Mã Quan triều Tống, ông cả đời không có điều gì phải che giấu, không có điều gì mà ông không thể nói với mọi người. Người khác hỏi ông, đức hạnh một đời của ông rất tốt, có thể cho vãng bối chúng tôi một chữ để phụng hành đến hết đời chăng? Tư Mã Quan liền viết lên lòng bàn tay một chữ “Thành”, thành của thành thật, thành của chân thành, nói rằng đây là chữ có thể phụng hành cả đời. Những người đó hỏi, tôi bắt tay làm từ đâu? Tư Mã Quan nói, phải bắt đầu từ chính mình không vọng ngữ mà làm. Cho nên tu không vọng ngữ là làm tâm chân thành, mà chân thành là thể, gốc của tâm Bồ đề, không có chân thành thì không có tâm Bồ đề. Quý vị muốn ra khỏi tam giới, vãng sanh Tịnh độ thành Phật đạo, tất phải xây dựng trên nền móng tâm chân thành. Nếu như có một niệm tự tư tự lợi, dối mình gạt người, thì sự vãng sanh của quý vị không thể thành hiện thực.

          Có người nói: Tôi chân thành, tôi không dối gạt người, thì trong xã hội hiện nay rất khó đứng vững, bạn thấy hiện nay làm kinh doanh không dối người làm sao mà che đậy những mánh khóe được? Tôi nếu mà không dối gạt người, người ta thì dối gạt tôi, tôi liền thiệt thòi, tổn thất rồi. Đây là lời nói rất thật tế, nhưng quý vị nghĩ lại xem, cho dù quý vị cả đời bị thiệt thòi, thì quý vị chịu thiệt thòi bao nhiêu năm? Cho dù quý vị sống 100 tuổi, cũng chỉ là 36 ngàn ngày thôi, tôi thiệt thòi trong 100 năm, đến cuối cùng tôi sanh qua Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, được tuổi thọ vô lượng, tôi trở thành A duy Việt trí Bồ-tát, có công đức trí huệ không thể nghĩ bàn, phổ độ chúng sanh. Những người dối gạt tôi thì tương lai họ đến đâu? Đến ba đường ác, mãi chìm đắm luân hồi. Do đó chỉ vì chiếm được chút lợi, thật ra là mất mát lớn; chịu mất mát, thật ra là chiếm được lợi ích lớn. Chúng ta hiện giờ chịu thiệt thòi mất mát nhỏ, tương lai vãng sanh là được lợi lớn. Hơn nữa, họ có thể gạt được quý vị, cũng là vì đời quá khứ quý vị đã gạt họ, đều là nhân quả cả. Nếu như đời quá khứ quý vị không có lừa gạt họ, hại họ, chiếm lợi ích của họ, thì họ cũng không thể lừa gạt quý vị được.

          Có một vị doanh nhân ở Đại Lục, bị người ta lừa 9 triệu, anh ta cũng là người học Phật, anh ta rất tức giận, nên khởi kiện người lừa gạt đó, hỏi tôi như vậy có tốt không? Tôi nói: anh muốn nghe lời thật hay lời giả? Anh ta nói: đương nhiên là nghe lời thật. Tôi nói: anh muốn nghe lời thật, thì tôi khuyên anh đừng kiện người ta, họ gạt 9 triệu thì xem như bố thí cho họ. Anh ta nói: nhưng mà với 9 triệu đó tôi có thể đem đi làm công đức. Tôi nói: họ đã có thể gạt anh 9 triệu, mà cũng đã lấy được thì chứng tỏ đời quá khứ anh thiếu họ 9 triệu. Anh ta nghe rồi không còn tức giận, anh nói: tôi không thể thiếu họ nhiều vậy, chắc chắn họ đã lừa nhiều hơn rồi. Anh nói: giả sử đời trước tôi đã lừa họ 3 triệu, đời này họ đã lừa tôi 9 triệu, tôi có thể kiện để lấy lại 6 triệu. Tôi liền giải thích cho anh ta: giả sử họ thật lừa anh hơn anh đã lừa họ 6 triệu, không sao đâu! Đời sau họ sẽ trả lại cho anh. Đời đời kiếp kiếp đều sẽ luân hồi, gặp lại rồi báo thù qua lại, không có thiệt thòi mất mát thật sự, cũng không có chiếm được lợi ích thật sự, anh đem tâm này mà giải quyết việc đó. Cho nên sau khi anh ta nghe tôi nói, cũng cảm thấy rất có đạo lý, nên cắn răng chịu đựng, rút đơn lại, không kiện cáo nữa, cũng rất là khó được. Quý vị biết thật sự tu Bồ-tát giới, thì có một điều giới là không được kiện cáo người, không được báo thù người, đó là người thật tin Phật. Sau anh ta làm Bất động sản, một năm sau nhà ở Bất động sản của anh bán được rất tốt, anh đã kiếm được lời hơn dự kiến hình như là 50 triệu. Tôi liền chúc mừng anh ta, tôi nói: anh xem vậy là “mất ở đằng đông, thu lại ở đằng tây”, bên này vừa ném đi rồi, sẽ có trở lại. Cuộc đời anh có bao nhiêu tiền, bên này anh đem đi cho họ rồi, thì bên kia sẽ có lại càng nhiều hơn, anh càng bố thí thì sẽ được càng nhiều, không phải lo lắng. Cho nên thật sự hiểu rõ đạo lý này, thì quý vị cũng không cần lo sợ bị lừa mất. Người thật học Phật, tôi sẽ tình nguyện chịu thiệt thòi, sẵn sàng để bị gạt, bị người khác lừa cũng cam tâm. Đó là tu tâm mình thanh tịnh, không phân biệt, không chấp trước, giúp tiêu trừ nghiệp chướng, đoạn tham lam keo kiệt của chính mình. Chúng ta xem đoạn tiếp theo:

          “Lại miệng có bốn lỗi: một vọng ngôn, hai ỷ ngữ, ba lưỡng thiệt, bốn ác khẩu”

          Đây là nói đến lỗi lầm của miệng, ác nghiệp này có bốn loại, trong Thập thiện Nghiệp cũng nói đến bốn nghiệp này. Quý vị thấy Sa Di Luật Nghi cũng bao gồm Thập Thiện Nghiệp Đạo: sát, trộm, dâm, trong đó nói vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, là bốn nghiệp của miệng, ngoài ra còn có tham, sân, si. Tham, sân, si, chúng ta có thể dung nhập những điều giới này lại để nói, như nói trộm, dâm là hai điều giới này đều bởi vì tham mà dẫn ra; sát sanh thường là vì sân dẫn khởi ra. Ngu si cũng vậy, thí như giới uống rượu là giúp chúng ta đoạn si. Đó là bốn lỗi của miệng, mỗi mỗi đều giới thiệu cho chúng ta:

          “Thứ nhất, vọng ngôn là thấy nói không thấy, không thấy nói thấy, cho đến nghe, giác biết v.v…cũng là như vậy, thật không mà nói có, lừa dối người khác, tất cả đều gọi là vọng ngôn, đây là tánh tội, người phạm phải gấp rút sám hối, quyết không tạo nữa, nếu không sửa đổi, thì đời này làm người hèn mọn, chết đọa tam đồ”

          Đây là định nghĩa “vọng ngôn” cho chúng ta, thấy rồi nói không thấy, hoặc không thấy mà nói mình thấy, đó đều là vọng ngữ, cùng với sự thật không tương ưng. “cho đến nghe, giác biết v.v…cũng là như vậy”, tức là nghe mà nói không nghe, không nghe mà lại nói nghe; giác tức là giác ngộ, tựa như: “giác nói không giác, không giác mà nói giác”, hoặc “biết nói không biết, không biết mà nói biết”, đều thuộc vọng ngôn. Do đó nó không chỉ là ở trên miệng, sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần bên ngoài, quý vị đem tâm lừa gạt bóp méo sự thật, đều thuộc về vọng ngôn. Cho nên trong Luận Ngữ, Khổng Tử cũng ngăn cấm vọng ngữ, Ngài nói “Biết thì nhận là biết, không biết thì nhận là không biết, đó là biết vậy”. Người có trí tuệ thì không vọng ngữ, biết thì nhận là biết, không biết thì nhận không biết, không phải cưỡng ép không biết mà nhận là biết. “Lại thật có mà nói không”, đây là sự việc trên thực tế có xảy ra mà quý vị nói không có; hoặc là “thật không mà nói có”, không có xảy ra sự việc đó mà quý vị nói có xảy ra, đều là lừa dối, “lừa dối người khác”, đều là vọng ngôn. Như trong lịch sử có một chuyện Chỉ Hươu Bảo Là Ngựa, đó đều là vọng ngôn, mắt mở trau tráu mà nói không nhìn thấy, những việc đó đều là tánh tội. Tánh tội là tội nghiệp trái với Tánh đức, kể cả quý vị không giữ điều giới này, không thọ giới này, quý vị phạm cũng có tội, đó gọi là Tánh tội. Nếu như quý vị đã thọ giới này rồi mà còn phạm tội đó, thì ngoài Tánh tội, còn thêm tội phạm giới, hai tội cùng một lúc. Vả lại tội phạm giới so với Tánh tội càng nặng hơn, vì sao vậy? Quý vị biết rõ mà cố phạm, nên tội càng nặng thêm. Do đó, “người phạm phải gấp rút sám hối, quyết không tạo nữa”, phát nguyện không tạo lại tội nghiệp này nữa, đó là chân sám hối. Cho nên sám hối không phải là tôi mỗi ngày ở trước Phật Bồ-tát nói lẩm bẩm, con hôm nay đã tạo những tội gì, lúc mấy giờ hôm nay con đã gạt ai, lúc mấy giờ hôm nay con đã chửi mắng ai, con chửi như thế nào; chửi, nói dối những gì; nói được rất chi tiết, đối trước Phật Bồ-tát xin sám hối. Đó có phải là sám hối chăng? Thật tế đó là càng sám hối càng thêm tội. Vì sao? Ban ngày là thân tạo, miệng tạo nghiệp, đến ban đêm thì đến trước Phật, Bồ-Tát, thân không tạo, khẩu lại tạo nghiệp một lần nữa, sau ý lại nghĩ một lần, ba nghiệp thân khẩu ý lặp đi lặp lại tạo tiếp, cho nên là càng tạo thêm nhiều, đó không phải là sám hối. Thế nào là sám hối? Là sau không làm nữa, thân không làm nữa, miệng cũng không nói, ý cũng không nghĩ, bắt đầu từ đây thân khẩu ý đều quay về thanh tịnh, tội đó biết là sai rồi đã là quá khứ rồi, không phạm nữa, cũng không để tâm tới nữa, từ nay trở đi tôi làm một người mới.

          Có đồng tu đến gặp tôi, khóc chảy nước mắt nước mũi, nói: con trước kia chưa học Phật, không biết đạo, nên đã tạo tội nặng là phá thai, phải đọa địa ngục, con đã phá thai mấy lần, làm sao để con không đọa vào địa ngục? Tâm rất rối bời, rất lo buồn. Tôi khuyên cô ta: nó đã là quá khứ rồi, đó là tội rất nặng, nhưng cô bây giờ và sau này không tạo lại nữa, thật sự sám hối. Rồi sau phải làm gì? Niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tịnh độ, đem những công đức của cô hồi hướng cho những oan thân trái chủ này, lấy công chuộc tội. Cô hiện giờ vẫn thường nghĩ đến lúc trước cô phá thai, thì tâm cô đều không thanh tịnh, cô chưa thật sự sám trừ tội nghiệp. Cho nên thật sự sám hối là niệm câu A Di Đà Phật, khi có vọng niệm khởi lên, thì ngay lập tức dùng Phật hiệu để đè nó xuống, loại sám hối này hiệu quả vô cùng thù thắng. Quý vị xem trong Kinh nói: “Tội từ tâm khởi đem tâm sám, tâm nếu diệt thì tội cũng tiêu”, tội là từ tâm của quý vị mà dẫn ra, bởi vì quý vị có vọng niệm, do loại tâm này, quý vị mới có hành động, hành vi, mới tạo tội này. Cho nên sám tội thì phải sám hối tâm đó, tâm không khởi lên những suy nghĩ này nữa là chân chánh sám hối. Tâm nếu diệt vọng niệm rồi, thì tội liền không còn nữa. “Tội mất tâm diệt hai đều không”, tâm cũng không rồi, tội cũng không rồi, “là chân sám hối”.

          Làm sao để mới được không? Quý vị hiện giờ không làm được, thì quý vị dùng câu A Di Đà Phật, gắn chặt trong tâm, đừng để những tội nghiệp ở trong tâm quý vị. Quý vị luôn luôn nghĩ đến trước kia đã tạo những tội nghiệp gì, đó là đem tội nghiệp để trong tâm, quý vị sẽ không buông xả được, thì làm sao quý vị sám trừ được? Quý vị hiện giờ không nên giữ những điều này nữa, chỉ giữ A Di Đà Phật, còn những thứ khác đều không giữ, đó là chân sám hối. Tâm địa thanh tịnh, tâm quý vị là niệm Phật, thì khẳng định thân khẩu của quý vị đều sẽ không tạo tội nghiệp, nếu tâm quý vị thường thường quên A Di Đà Phật, thì sẽ tạo tội nghiệp. Hơn nữa, công đức của Phật hiệu không thể nghĩ bàn, Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: chí thành niệm một câu Thánh hiệu Di Đà tiêu được 80 ức kiếp tội nặng sanh tử. Tâm chí thành, là trong tâm không có bất cứ vọng niệm nào, nhất tâm niệm, chuyên chú niệm. Như vậy có thể tiêu vô lượng tội nghiệp. Do đó chúng ta tu hành chân chánh, là phải thường không quên câu Phật hiệu. Quý vị có thể luôn nhớ không quên câu Phật hiệu, thì quý vị là chân tu hành, thì công phu quý vị liền đắc lực; Quý vị thường quên Phật hiệu, là chưa có công phu, từ đó mà xem công phu của mình đến đâu.

          Người thường vọng ngữ thì mọi người sẽ khinh thường, vì sao? Đó là người không đáng tin, Khổng Tử nói “Người mà không có chữ tín, thì chẳng làm nên việc”, một người mà không đáng tin, thì anh ta không có chỗ đứng trên đời. Người không đáng tin, ai cũng đều nghi ngờ họ, khi ai mất thứ gì, đều nghi họ lấy trộm đầu tiên, họ nói ra điều gì, mọi người đều hoài nghi không biết có thật hay không? Quý vị nói họ mỗi ngày khó chịu đựng được vì người ta khinh thường. Vì vậy người thật sự có địa vị, có phước báo, đều do đời trước không vọng ngữ. Nếu như người thường vọng ngữ, thì họ không thể được mọi người tôn trọng, cũng không thể có địa vị trong xã hội. Không chỉ người đời khinh thường họ mà sau khi chết sẽ đọa tam đồ, Ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục.

          Đoạn tiếp: “Hai là ỷ ngữ. Là lời nói vô nghĩa không có lợi ích, từ ngữ trôi theo trần tục, làm tăng trưởng phóng dật, mất đi chánh niệm, phải gấp sám hối, thề không tái phạm, nếu không sửa đổi thì đời này bị người khinh chê, chết đọa ác đạo”

          Loại khẩu nghiệp thứ hai là “ỷ ngữ”, ỷ là bóng bẩy, lụa là rất tráng lệ, ỷ ngữ là lời nói rất hoa hòe, nghe rất hay, nhưng trên thực tế thì “vô nghĩa, không có lợi ích”, không có ý nghĩa thật sự, gọi là vô nghĩa, chúng ta nói thuận theo người đời là nói chuyện hài, chuyện phiếm. Không có lợi là đối với chúng sanh không có lợi ích gì, trái lại còn có hại, còn làm lạc đường chúng sanh. Trong đó cử ra như “từ ngữ trôi theo trần tục”, người đời nói những lời phù ngôn này, nghe rất hay, thực tế thì không có chút lợi ích, toàn là vô nghĩa. Còn một loại nữa là lời nói khiến người ta suy nghĩ điều tà, như hiện nay có rất nhiều chương trình giải trí, có những chương trình rất buồn chán, diễn viên nói đều làm cho người xem sản sinh những ý niệm xấu. Còn có những phim khiêu gợi, làm cho người xem khởi dục vọng, tất cả những thứ đó đều thuộc về ỷ ngữ. Hiện nay ỷ ngữ đặc biệt tràn ngập khắp nơi, quý vị đi trên đường phố thấy những hình ảnh quảng cáo, khơi gợi quý vị nghĩ lung tung bậy bạ, những tranh quảng cáo đó cũng là ỷ ngữ. Ở Hương Cảng đặc biệt nhiều, nhiều nhất là ở Cửu Long, Tiêm Sa Chủy, những nơi khá giàu có này. Còn có những trang web có nội dung đồi trụy, những tiểu thuyết gọi là tiểu thuyết lãng mạn, tiểu thuyết khiêu dâm, tất cả những thứ đó đều thuộc về loại ỷ ngữ, xem chúng rồi thì tâm tánh của mình bị ô nhiễm.

          Nói ra những loại ấy, nghe những loại đó, xem những sách như vậy v.v…đều sẽ “tăng trưởng phóng dật, mất đi chánh niệm”. Kể cả đùa giỡn, thường đùa giỡn đều tăng trưởng phóng dật. Sơ suất này lúc trước tôi cũng thường hay phạm. Lúc trước tôi luôn thích đùa giỡn với người khác, vả lại có lúc còn mỉa mai, châm chọc người khác, đó đều là thói quen của những phần tử tri thức, học giả. Đều là tăng thêm phóng dật, quý vị nói những lời vô nghĩa đó, thì tâm của quý vị liền bị chạy đi rồi, người chân chánh tu đạo phải thu hồi tâm lại. Không chỉ nhà Phật chú trọng, mà nhà Nho cũng chú trọng, quý vị thấy Mạnh Tử nói “Đạo học không có gì khác, chỉ cần cầu giữ tâm mà thôi”, quý vị đem tâm đã chạy ra ngoài thu hồi trở lại, đó gọi là cầu kỳ phóng tâm. Nếu tâm không thể thu lại, thì quý vị thật không có học vấn. Đại Thế Chí Bồ Tát dạy chúng ta “Đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương tục”, Đô nhiếp lục căn là thu nhiếp sáu căn của quý vị, đem tâm của quý vị thu trở lại, mắt tai mũi lưỡi thân ý từ sắc thanh hương vị xúc pháp, những cảnh trần này thu trở lại. Làm sao thu trở lại? Niệm A Di Đà Phật, tịnh niệm liên tục, A Di Đà Phật là tịnh niệm, ngoài A Di Đà Phật ra, những ý niệm khác đều là vọng niệm. Hiện nay chúng ta có vấn đề là quên niệm liên tục, quý vị xem xét từ sáng đến tối chính mình có phải là quên liên tục không? Thời gian niệm A Di Đà Phật với thời gian quên nhớ bên nào nhiều hơn?

          Cho nên chúng ta trong bảy ngày này, như ngày trước tôi có đưa ra một đề xuất, mọi người hết sức chánh ngữ, quý vị có thể chánh ngữ thì liền đem tâm thu trở lại. Người tu hành của Tùng Lâm cổ đại, họ không chỉ ở trong Thiền đường, Niệm Phật đường thì họ chuyên chú niệm, không phóng dật mà cả khi ra ngoài đều không phóng dật, khi đi đường để mắt quán mũi, mũi quán tâm, mắt đều mở nhỏ, đều không nhìn ra bên ngoài. Có Thí chủ đến, hay ai đó đến, làm những điều gì có ồn ào, thì họ thấy như không thấy, cho nên họ tu hành dễ thành tựu. Thật sự thành tựu là ở chổ không phóng dật, phóng dật thì sẽ quên mất chánh niệm. Trong Tịnh độ thì nói chánh niệm chính là A Di Đà Phật, quý vị đem A Di Đà Phật quên, nhớ niệm nhớ niệm rồi không niệm nữa, miệng thì vẫn đang động, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, còn tâm thì đều nghĩ đến chuyện khác, tai nghe âm thanh khác, đều là quên mất chánh niệm. Cho nên chúng ta niệm Phật phải chú trọng thật chất, không chú trọng hình thức. Một số lão cư sĩ, họ cầm tràng hạt trong tay, miệng thì A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, sau đó người khác đang bàn luận, nói chuyện thị phi, chuyện phiếm, thì họ liền tụ lại để nghe, tay vẫn lần chuỗi liên tục, khi nghe đến lúc hào hứng, còn có thể nói xen vào. Tuy tay vẫn đếm số, miệng tuy cũng vẫn niệm Phật, nhưng trong tâm không có niệm Phật, quên mất chánh niệm rồi. Do đó, nhất định phải ít nói chuyện, chánh ngữ là tốt nhất. Nếu có ỷ ngữ thì phải mau mau sám hối “quyết không tái phạm”. Nếu như không sửa đổi thì “hiện đời bị người khinh chê”, nếu người thường hay nói những lời phù ngôn ỷ ngữ, tự nhiên dần dần bị người khinh thường, vì sao? Nói càng nhiều thì người khác sẽ coi thường họ. Người xưa nói: ngôn đa tắc thiểu tín, nói nhiều tất lòng tin ít đi. Vì vậy Quân tử cẩn thận lời nói, “cẩn thận lời nói mà nhanh nhẹn về việc làm”, làm việc, vì người phục vụ phải mau lẹ, lời nói phải ít. Quý vị thấy đệ tử của Khổng Tử là Mẫn Tử Khiên, bình thường đều không thấy ông ta nói chuyện, một khi nói ra có thế định quốc an bang, lời nói ra đều là đạo đời giúp người, có thể truyền thiên cổ.

          Đoạn tiếp: “Thứ ba là Lưỡng thiệt, đến đây nói kia, đến kia nói đây, cấu khởi thị phi, chia rẽ thân hữu, cũng là tánh tội, phải gấp sám hối, quyết không tạo lại. Nếu có phạm thì đời này bị người oán, chết đọa địa ngục”.

          Quý vị thấy người tạo khẩu nghiệp, kết quả sau cùng đều vào ác đạo, địa ngục, tam đồ. Tạo “Lưỡng thiệt” ý nghĩa là sao? Là đến người này nói người kia không tốt, hoặc là đến người kia nói người này không tốt, “Cấu khởi thị phi”, cấu là thường thường hư cấu, bịa đặt ra những lời lung tung. Mục đích là gì? Là gây ra ly gián “chia rẽ thân hữu”, gây ra chia rẽ, khiến người ta vốn thân mật lại biến thành không gần gũi, khiến người ta vốn là bằng hữu lại biến thành kẻ thù, đó là lưỡng thiệt hai lưỡi. Đây cũng là tánh tội, hoàn toàn nghịch với tánh đức, phải gấp rút sám hối. “quyết không tạo lại”, nếu như đã phạm rồi, không được tạo lại. Đây là điều đặc biệt quan trọng của người tu hành, vì ai cũng đều có những tập khí ác, như là thích nói đúng sai của người, thích phê bình người, thích thấy khuyết điểm của người, hở chút xíu liền nói người khác không đúng. Chúng ta phải tự xem xét chính mình có hay không. Tôi từ đầu đã nhắc nhở mọi người: học giới, nhất định là để quán chiếu chính mình, chứ không phải để xem người khác. Quý vị quay mũi giáo đó để hướng vào lỗi lầm của chính mình, thì mới gọi quý vị là thật tu hành, nếu như có lưỡng thiệt thì “phải gấp sám hối”, sau không được tạo lại. Lục Tổ Đại sư Huệ Năng nói “Nếu người chân tu đạo, không thấy lỗi thế gian”, lỗi của người khác thậm chí đều không để tâm đến, đừng để mắt tới, sao mà còn mang trên miệng làm gì? Mang trên miệng thì ra lưỡng thiệt. Nói trước mặt người ta không được, nói sau lưng người ta càng không được, vì vậy người chân chánh tu hành chúng ta không nên phê bình người.

          “Nếu có phạm thì đời này bị người oán”, quý vị nói xấu người ta, người ta nghe rồi đương nhiên khởi tâm oán hận, đều do đây mà kết oán. Thậm chí lúc quý vị nói tâm rất vô tư, không để ý sự cảm nhận của đối phương, người nói vô tâm, người nghe có ý. Quý vị lỡ nói một câu bêu xấu người ta, tâm người ta liền ghi nhớ, hận đến xương tủy, tương lai báo thù. Thậm chí quý vị còn không nhớ mình đã làm gì đắc tội với người ta, người ta thì luôn luôn khắc ghi trong tâm, vả lại tạo tội lưỡng thiệt thì “chết đoạ địa ngục”. Sao lại nghiêm trọng vậy? Vì gây ra chia rẽ Tăng đoàn. Tăng đoàn là đoàn thể từ 4 người trở lên ở tại một nơi cùng tu Lục hòa kính, Tăng đoàn này chân chánh học Phật, y giáo phụng hành, các thành viên đều rất hài hòa với nhau. Kết quả quý vị cố tình phá hoại sự hòa hợp của Tăng đoàn, gây ra sự chia rẽ, đến người này nói người kia không tốt, đến người kia nói rằng người này tật đố ghen ghét bạn như thế nào, hoặc là người đó có oán gì với bạn, khiến xảy ra những bất hòa, đưa đến Tăng đoàn bị phá hoại, tội đó là phá hòa hợp Tăng, một trong Ngũ nghịch tội, tạo tội này là đoạ địa ngục A Tỳ.

          Còn có một loại lưỡng thiệt nữa là chuyên môn hủy báng những người tu hành chân chánh, khiến tín chúng mất lòng tin đối với họ. Họ vốn là có thể giáo hóa chúng sanh, nhưng do quý vị lưỡng thiệt, đi nói họ là sai, khiến phá hoại mất lòng tin của người khác đối với họ, đó là tội đoạn Pháp thân Huệ mạng của chúng sanh, cũng là đọa địa ngục A Tỳ. Trong Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh có nói đến một công án. Lúc Đức Phật ở đời, từng có 60 vị Bồ tát đến bái kiến Phật, 60 vị Bồ tát đó cũng không phải là Bồ tát thật sự, chỉ là tiểu Bồ tát sơ phát tâm, nghiệp chướng rất sâu nặng, muốn học Phật cũng học không tốt, vả lại đều bị thoái chuyển, đến gặp Phật để cầu sám hối. Phật nói với họ, là do quá khứ các người đã tạo ác nghiệp làm chướng ngại thiện căn của các người, chướng ngại các người học Phật. Là nghiệp gì? Phật nói, lúc quá khứ trong pháp của Đức Phật Câu Lưu Tôn, là vị Phật trước Thích Ca Mâu Ni Phật, các vị Phật trước và sau cách nhau thời gian tương đối dài, thường thời gian phải là 10 ức năm trở lên. Phật nói: Các người khi ấy cũng xuất gia làm Tăng, vả lại trì giới tinh nghiêm còn nghe nhiều Kinh giáo, hiểu rõ Phật pháp. Song chính vì điều này nên các người thường mang tâm tự hào kiêu mạn, sanh khởi cống cao ngã mạn. Tôi học Phật được rất tốt, đều hơn những người khác; Phật học thường thức tôi biết mà nhiều người đều không biết; quy củ trong nhà Phật tôi đều biết, đều có thể liễu giải, người khác đều không rõ quy củ. Sanh tâm ngạo mạn, thì liền phóng dật. Lúc đó có hai vị Tỳ kheo thuyết pháp, hai vị Pháp sư đó giảng Kinh thuyết pháp giáo hóa chúng sanh, có rất nhiều tín chúng đến để nghe họ giảng pháp, đương nhiên tín chúng nghe rất pháp hỷ, tự nhiên tôn trọng, sẵn sàng cúng dường họ. 60 vị Tỳ kheo kia thấy hai vị Pháp sư đó được danh văn lợi dưỡng, trong tâm buông xả không nổi, khởi lên tâm tật đố, tìm cách chướng ngại họ, liền vọng ngữ bịa đặt, nói hai vị Tỳ kheo đó làm chuyện dâm dục, phạm dâm dục. Tín chúng nghe những lời bịa đặt này rồi, thì đối với hai vị Pháp sư liền mất đi niềm tin, không nghe họ giảng pháp nữa. Kết quả những chúng sanh đó bị đoạn mất thiện căn, vốn là có thể thành tựu, lại vì những lời bịa đặt đó phá hoại rồi. Đây là lưỡng thiệt, phá đi thiện căn của tín chúng. 60 người đó vì tạo tội nặng ngăn cản pháp này, nên sau khi chết đọa địa ngục, đầu tiên là đọa A tỳ địa ngục cũng gọi là Vô Gián địa ngục 6 triệu năm, ở trong địa ngục A Tỳ chịu khổ không ngừng nghỉ 6 triệu năm. Sau khi ra rồi lại đến địa ngục Đẳng Hoạt, so với địa ngục A Tỳ đỡ khổ hơn một chút, trải qua 4 triệu năm; Lại đến địa ngục Hắc Thằng 2 triệu năm; Cuối cùng đến địa ngục Thiêu Nhiệt, là họ bị bỏ vào chảo dầu, nấu, trải qua 6 triệu năm. Tổng cộng thời gian trong địa ngục là 18 triệu năm, sau đó được trở lại làm người. Làm người còn bị 500 đời bị mù không có mắt, bẩm sinh bị mù, tàn tật, vả lại vì quá khứ chướng ngại Pháp thân Huệ mạng người khác, nên khiến chính mình thành rất ngu si, ngăn cản pháp thì quả báo là ngu si. Quý vị có thể lưu thông pháp, có thể giúp đỡ người khác học Phật, bố thí pháp, thì quý vị được thông minh trí tuệ. Dư báo của những người đó đều nặng nề, 500 đời làm người mù, lại còn ngu si, rất nghèo cùng, còn thường bị người khinh rẻ, chế diễu, bắt nạt, làm người nhu nhược, hèn hạ, sầu khổ, không có phước đức, mà lại sanh vùng biên địa, không có văn hóa, vùng đất lạc hậu chưa khai hóa, nghèo tài nguyên, đời sống khốn khó, rất khổ sở. Về sau lại gặp Phật mới lại bắt đầu học Phật, đây là sau cùng tội đời trước đã tiêu hết, mới được thấy ánh sáng, thiện căn của đời quá khứ mới được phát hiện trở lại. Lại gặp được Phật pháp, còn chưa thể thành tựu ngay trong thời đại của Phật Thích Ca Mâu Ni, trong Kinh nói là phải sau 500 năm thời Mạt Pháp. Sau khi Phật diệt độ có 5 thời kỳ, mỗi thời kỳ là 500 năm, đây là 2500 năm về sau, đại khái là thời đại chúng ta hiện nay. Căn cứ tính toán của người phương Tây thì năm nay là Phật lịch năm 2556, tức cách Phật diệt độ 2556 năm, đại khái chính là thời nay, thì họ mới lại được sanh đến nhân gian, được làm người, học được pháp môn Tịnh độ, sau đó vãng sanh Thế Giới Cực Lạc của A Di Đà Phật. Tôi coi đến đoạn Kinh văn này, lập tức nghĩ đến, có thể tôi là một trong những người đó chăng? Quá khứ đã tạo những tội như vậy, thì chịu bao nhiêu nỗi khổ luân hồi dài lâu như thế. Quý vị thấy lúc tạo tội thì rất đắc ý, rất sảng khoái, nói ra có vài câu, kết quả báo ứng sau đó là cả hàng nghìn năm, hàng triệu năm để tính, thật là quá thống khổ! Nên trăm ngàn lần không thể tạo ác nghiệp, không thể chướng ngại người khác hoằng pháp, đó chính là lưỡng thiệt. Tuy nhiên, may mắn là sau cùng tội tiêu trừ rồi, còn có thể vãng sanh Tây Phương. Nếu như không vãng sanh, thì không biết còn phải luân hồi bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp nữa.

          Đoạn tiếp: “Thứ tư là ác khẩu, là mắng chửi, nguyền rủa khiến người không chịu được, cũng là tánh tội, phải gấp sám hối, đoạn trừ. Nếu có phạm tội này thì hiện đời bị người giận ghét, chết đọa tam đồ”.

          Đây là nói về “Ác khẩu”, là chửi mắng người, nguyền rủa người, làm cho người khác vì đó mà không thể chịu đựng nổi. Thí dụ như đang lúc đông người mà chửi mắng người ta, làm người ta xấu hổ, khiến họ tức giận, đó đều là tánh tội, tội của ác khẩu, phải sám hối. Nếu như có phạm tội này, thì hiện báo đời này là bị người giận ghét, người ta ôm hận, vì quý vị đã mắng chửi họ, họ ôm lòng hận thù trong tâm, thậm chí không đội trời chung, sau khi chết còn bị đọa tam đồ. Cho nên không thể coi thường ác khẩu mắng người, ngay cả trêu chọc, nói đùa người cũng đều không được.

          Trong Kinh Hiền Ngu hoặc Kinh Báo Ân, Phật đều có kể ra một câu chuyện, thời Phật Ca Diếp có một vị Tỳ kheo nhỏ tuổi, là đi xuất gia khi còn rất trẻ học cùng với một vị Tỳ-kheo già. Vị lão Tỳ kheo đó đã chứng quả A La Hán mà vị Tỳ kheo trẻ này không biết. Vị Tỳ kheo già đọc Kinh thì âm thanh nặng mà nhỏ rất khó nghe, lúc đó vị Tỳ kheo trẻ khởi tâm ngạo mạn bởi cảm thấy âm thanh của mình nghe tốt hơn. Một ngày nọ Tỳ kheo trẻ cười chê vị Tỳ kheo già, nói thầy đọc kinh giọng sao giống như chó sủa. Vị Tỳ kheo già nghe rồi mặt trầm ngâm một lúc, rồi nói với vị Tỳ kheo trẻ, thầy có biết tôi là ai không? Tôi đã chứng quả A La Hán, thầy chê cười A La Hán thì tương lai phải đọa địa ngục. Vị Tỳ kheo trẻ nghe rồi vẫn còn không tệ, lập tức sanh tâm sợ hãi dập đầu xuống sám hối, hướng lão tỳ-kheo sám hối. Vị Tỳ kheo già tiếp nhận sự sám hối của vị thầy đó, quả báo thầy ấy khỏi vào địa ngục. Tuy nhiên mặc dù quả báo miễn địa ngục nhưng dư báo của tội nghiệp đó vẫn không hết, dư báo này khiến vị ấy đã làm chó 500 đời rồi.

          Đến thân cuối cùng là đời thứ 500 làm chó, vị ấy là một con chó trắng trong một đội thương nhân. Đội thương nhân này phải đi đến một nước khác để kinh doanh, khi đang trên đường đi chú chó này vừa đói vừa khát nên đã ăn vụng thịt của một người thương nhân, mà bị người thương nhân đó phát hiện, rất tức giận đem chặt đứt cả 4 chân của con chó, rồi ném nó xuống một mương nước, để cho nó tự chết. Con chó đó đang trong lúc vô cùng đau đớn, rên rỉ. Đúng lúc ấy Tôn giả Xá Lợi Phất, là vị đại đệ tử trí tuệ số một của Thích Ca Mâu Ni Phật, Ngài dùng thiên nhãn, thấy con chó ấy đang rất đau khổ, biết con chó này quá khứ có tu hành, đời quá khứ là người xuất gia, thiện căn sắp thành thục rồi. Ngài liền đến để giúp nó, dùng thần thông bay đến trước mặt nó, sau đó biến ra thức ăn để cúng dường cho nó. Chó sau khi ăn rất hoan hỷ, sau đó Ngài Xá Lợi Phất thuyết pháp cho nó nghe. Bảy ngày sau con chó đó chết, đi đầu thai đến một nhà Bà La Môn ở nước Xá Vệ, đây là một gia đình quý tộc.

          Năm lên bảy tuổi, ngài Xá Lợi Phật biết đến lúc cậu ta được độ rồi, Ngài bèn đến nhà cậu ta để hóa duyên. Đứa bé 7 tuổi đó thấy ngài Xá-lợi-phất liền rất là hoan hỉ, bởi vì đời trước thọ ân đức của Ngài, tuy chuyện đời trước đã quên rồi, xong nhìn thấy mặt rất vui mừng, liền cúng dường ngài Xá Lợi Phất. Ngài Xá Lợi Phất khuyên cậu ta xuất gia, cậu bé ấy liền rất vui vẻ theo ngài Xá Lợi Phất xuất gia, mới 7 tuổi đã xuất gia rồi, bạn nhỏ ấy liền được cạo tóc làm tiểu Sa di. Dưới sự dạy dỗ của ngài Xá Lợi Phất, không lâu sau cậu chứng được quả A-la-hán. Chứng được A la hán liền có 6 loại thần thông,  bèn quan sát đời trước của mình, vốn đã làm chó 500 đời rồi, kinh hãi đến toát mồ hôi lạnh, may nhờ ân đức hóa độ của ngài Xá Lợi Phất, mới được thân người, nay chứng được đạo quả. Nên cậu phát nguyện cả đời giữ thân phận làm Sa di để chăm sóc, phụng hầu Ngài Xá Lợi Phất, cậu không thọ Đại giới, không chịu làm Tỳ kheo, không làm Đại Tăng, vĩnh viễn làm Tiểu Tăng. Sa di là thân phận như học sinh. Quý vị thấy đó, lúc trước một câu ác khẩu, dùng tâm khinh mạn, cười chê một vị trưởng lão có tu hành mà quả báo rất thê thảm như vậy. Cho nên có thể coi thường mà phạm ác khẩu sao?

          Tiếp đến đoạn sau cùng:

          “Luật Nhiếp dạy: Là đệ tử Phật thường nói lời chân thật, không vì sự trong sạch mà thề thốt, biểu hiện ra mất lòng tin người khác, dù bị vu oan, cũng không được thề”.

          Đây là trong giới luật có quy định như vậy, đệ tử Phật thì ngôn ngữ lời nói chân thật, không nên thề thốt, đối trước mặt thần linh để nói lời hứa, gọi là thề, “không vì sự trong sạch mà thề thốt”. Trong Cảm Ứng Thiên có câu “Thề cầu ngay thẳng”, ý nghĩa đó là, tôi phát lời thề tôi không có lỗi lầm. Dù cho quý vị thật không có lỗi lầm đi nữa, cũng không được phát lời thề, việc như vậy không được thề. Cũng không vì để làm trong sạch sự vu oan, ô nhục của mình mà phát ra lời thề; cũng không nên để bày tỏ họ là sai, họ không chân thật mà thề. Nói cách khác, dù cho bị người vu oan, bịa đặt gán tội, phỉ báng, cũng không cần phải thề, không nên đi bày tỏ sự trong sạch của mình.

          Lúc trước có một vị cao Tăng, bị một cô gái đã mang bầu vu khống vị xuất gia ấy dâm ô với cô ta. Nên tất cả người trong chùa, cả người gần gũi đều mắng chửi vị xuất gia đó, vị ấy một câu đều không đáp lại. Cô gái đó sau sanh được một đứa con trai, liền đưa đến cho nhà chùa nuôi. Nuôi đến 16 tuổi, có một ngày lương tâm cô gái đó cắn rứt, đến chùa để cầu sám hối, nói 16 năm trước đã sai, đã vu khống vị xuất gia ấy. Vì sao? Nói là cô cùng với một người khác là thông gian, làm chuyện dâm dục, lúc đó vì muốn thoát khỏi tội này, bèn nói là vị thầy đó cưỡng hiếp cô, thực tế không phải như vậy. Khi ấy sự thật mới rõ ràng. Quý vị nghĩ xem, 16 năm vị thầy ấy cũng không một lời biện hộ, các người nói đúng thì là đúng, các người nói không đúng thì là không đúng, còn chính mình thì niệm niệm thu nhiếp, để nuôi dưỡng đạo tâm của mình, đây đúng là bậc Cao tăng Đại đức, tu nhẫn nhục Ba la mật đến nơi rồi! Cho nên chúng ta bị người khác vu khống, hãm hại, phỉ báng, thật không cần phải đi biện bạch, để lịch sử sẽ làm sáng tỏ sự thật, đó là hành đạo chân chánh. Điều giới Không vọng ngữ, chúng tôi giảng đến đây viên mãn rồi, thời gian hôm nay cũng hết rồi, chúng tôi giảng đến đây thôi. Cảm ơn mọi người.

( Hết tập 6 )

Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều sanh về Tịnh độ.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Địa chỉ email dịch giả: [email protected]

Kênh Youtube: Thiện Trang Văn Trang

 

Trả lời 0