Responsive Menu
Add more content here...

Tập 8 – Sa Di Thập Giới Oai Nghi Lục Yếu

 

SA DI THẬP GIỚI OAI NGHI LỤC YẾU
 TẬP: 8

Nguyên bản: Ngẫu Ích Sa môn Trí Húc, y theo Luật Tạng biên tập.

Người giảng: Pháp Sư Định Hoằng.

Giảng tại: Chùa Viên Minh, Hương Cảng.

Thời gian: Ngày 20 tháng 8 năm 2012.

Dịch giả: Thích Thiện Trang.

 

          Kính thưa chư vị Pháp sư, chư vị đồng tu, cùng chư vị đồng tu đang xem trực tiếp qua mạng Internet. Chúc mọi người buổi chiều tốt lành! Chúng ta tiếp tục học tập Sa Di Thập Giới Oai Nghi Lục Yếu của Đại sư Ngẫu Ích. Thỉnh mọi người mở trang 13, đoạn cuối cùng:

          “Mười giới vừa qua, nếu phạm bốn giới trước thì gọi là phá căn bản giới, cũng gọi là biên tội, không có tác pháp sám hối nào có thể trị được. Nếu muốn tiến lên giới Tỳ kheo, giới Bồ-tát, thì phải kết đàn Thủ tướng Sám hối. Nếu phạm giới thứ chín gọi là phá Trai, phạm năm giới còn lại gọi là phá oai nghi, phải cực kỳ chân thành sám hối, thì mới khỏi chướng ngại đạo nghiệp, phải cực kỳ thận trọng.”

          Sáng nay chúng tôi đã giảng viên mãn 10 giới cho mọi người rồi. Trong 10 giới ấy, bốn giới đầu tiên thuộc về căn bản, là căn bản giới, nếu như phạm rồi gọi là “phá căn bản giới”, cũng gọi là phạm “biên tội”. Biên là một tỷ dụ, tỷ dụ Phật pháp là biển lớn, chúng ta muốn nhập vào trong biển này, thì cần phải trì giới. Nếu như đã phạm căn bản giới, tức như ở bên ngoài biển lớn Phật pháp, tức là không vào được biển của Phật pháp, đây là tội vô cùng nặng. Những giới ấy không thọ thì thôi, đã thọ rồi thì không thể phạm; không phạm thì thôi, phạm rồi tất đọa địa ngục, cho nên phải vô cùng thận trọng. Cổ nhân nói: xem hộ giới còn quan trọng hơn hộ thân mạng của mình, thân mạng có thể bỏ, nhưng giới không thể phá.

          Một thí dụ khác, có một vị Bồ-tát; tức là vị Cư sĩ đã thọ Bồ-tát giới, thuyền bị chìm ở biển, rơi xuống biển. Anh ta nắm được một cái bong bóng hơi, như hiện nay chúng ta gọi là phao cứu hộ, nên có thể nổi trên mặt biển. Lúc đó có một Dạ-xoa hướng đến vị Cư sĩ này cầu cứu, nói ‘tôi cần bạn giúp đỡ, xin cái bong bóng bơi, bạn có thể đưa nó cho tôi không?’, đương nhiên không thể đưa cho nó được rồi, đưa cho Dạ-xoa thì mình sẽ chết. Nên anh ta nói không được. ‘tôi không cần toàn bộ bong bóng bơi, tôi cần một nửa thì được rồi, bạn cắt chia cho tôi một nửa đi’. Tuy nhiên chia một nửa cái bong bóng bơi cũng không được, chia một nửa cái cũng vẫn bị chìm! ‘Một nữa không được, thì cho tôi một mảnh’(bong bóng bơi nếu như làm cánh buồm, tôi cần một mảnh buồm), được không? Không được. Bạn đem nó cắt ra một mảnh, thì toàn bộ khí sẽ xì hết, sẽ bị chìm, thậm chí đâm một lỗ lớn thì bong bóng bơi này cũng không thể cho bạn. Cho nên hộ giới cũng phải như vậy, ngay cả phạm một chút; đó như là phá giới đều gây hại cực lớn đối với Pháp thân Huệ mạng của chúng ta. Phải cần có tâm hộ giới như vậy, thì khẳng định bạn học Phật được thành tựu.

          Nếu như đã phá bốn giới trọng căn bản, đồng nghĩa với sám hối rất khó sám trừ, trong đây nói phải dùng “Tác pháp sám”. Ý nghĩa tác pháp, tức là theo cách thức tác pháp yết ma của Tăng đoàn để cầu sám hối, để cầu sám trừ tội nghiệp, trở lại thanh tịnh. Tác pháp sám cũng có nhiều loại, thí như dùng đối thủ sám pháp, đó là một loại tác pháp. Tác pháp, ngôn ngữ cổ Ấn Độ gọi là làm Pháp yết ma, yết ma tức là tác pháp, Anh văn gọi là Kar ma, tức là yết ma. Đối thủ tác pháp tức là phải tìm Tăng đoàn, đối trước Tăng đoàn phát lồ sám hối. Một số tội có thể phát lồ sám hối, tuy nhiên phạm căn bản tội rồi, thì phát lồ đều không được, đều sám không mất tội. Đoạn cuối nói “Nếu muốn tiến lên giới Tỳ kheo, giới Bồ-tát”, bạn đã thọ giới Sa di, đây là đã sau xuất gia một tầng, lại hướng lên cao tức cần phải thọ giới Tỳ-kheo, tầng thứ ba là giới Bồ-tát, bạn muốn đắc được những giới đó, tất phải đem tội sám trừ đi. Nếu như đã phá căn bản tội, thì cần phải “kết đàn thủ tướng sám”, đó là tác pháp sám càng khó hơn nữa, tác pháp phải hình thành một yết ma, cũng phải có điều kiện, thí như nói: Thứ nhất phương pháp phải thật chính xác, tức là như pháp để làm; Thứ hai, theo đúng quy định, nhất định cần phải có người, như Tăng đoàn đều cần phải có bốn Tỳ-kheo thanh tịnh, từ bốn người trở lên mới gọi là Tăng đoàn, bốn người trở lên đó đều là kiến hòa đồng giải, giới hòa đồng tu; còn cần có một khu giới, phải kết giới. Kết đàn thủ tướng sám, cách sám này yêu cầu lại càng cao hơn, bạn cần phải tha thiết sám hối, sám hối mãi đến khi nào thấy được hảo tướng. Thế nào là thấy hảo tướng? Thí như thấy tượng Phật phóng quang, thấy được các loại điềm lành hiện ra, hảo tướng đó là để chứng minh bạn đã được thanh tịnh rồi. Tuy nhiên rất là khó.

          Chân chánh sám hối kỳ thật là thân khẩu ý được thanh tịnh trở lại, sau sẽ không tạo tội nghiệp, đây tức là đem tội nghiệp sám trừ rồi. Hiểu rõ được nguyên lý này, thì chúng ta sám tội cũng có thể chuyên môn niệm Phật, niệm Phật, lễ Phật cầu thấy A Di Đà Phật, đó là thủ tướng sám. Tôi thấy hảo tướng gì? Tôi thấy A Di Đà Phật. Tôi cầu vãng sanh, tôi thấy A Di Đà Phật đến rồi, thì tất cả tội đều đã sám trừ rồi. Bạn xem sáng nay tôi nói qua với bạn, ông nội tôi hơn 90 tuổi mới niệm Phật, chúng tôi giúp tiễn ông nội vãng sanh, niệm đến khi ông thấy A Di Đà Phật, đó là thấy hảo tướng, kết quả bệnh của ông nội cũng đều khỏi rồi, đó là tiêu tội chướng. Cho nên nếu như chúng ta quá khứ không biết rõ, đã từng phạm bốn trọng tội căn bản, thì cần thiết tha sám hối, nhất tâm niệm Phật, một mạch đến khi được tâm thanh tịnh. Thật ra sám hối thù thắng nhất đó là niệm Phật sám hối, Đại sư Từ Vân Quán Đỉnh đời nhà Thanh nói, tất cả pháp sám đều không hiệu quả, thì niệm A Di Đà Phật là phương pháp còn có thể hiệu quả, bởi đây là pháp môn nhị lực. Chúng ta dựa vào tự lực rất khó sám, chúng ta cần dựa vào Phật lực, nương vào Phật lực là có biện pháp. Cho nên pháp môn Tịnh độ vô cùng thù thắng, vô cùng tiện lợi.

          Giới thứ chín là không ăn phi thời, nếu như phá giới này, tức thuộc về phá Trai, bởi vì Trai là chuyên chỉ quá ngọ không ăn. “5 giới còn lại”, tức là giới thứ năm, uống rượu; giới thứ sáu, không đeo hoa man thơm, không bôi hương thơm lên thân; giới thứ bảy là không ca múa đàn hát và đi xem nghe; không ngồi giường cao rộng lớn; không nắm giữ sanh tượng vàng bạc, vật báu. Phá 5 giới này là thuộc về “phá oai nghi”. Nếu như phá 5 điều giới này, thì tuy tội lỗi không nặng bằng phá giới căn bản, nhưng cũng phải thật tha thiết hối lỗi thì mới không chướng đạo. Bởi vì 5 điều này cũng giúp bạn nhập vào đạo, chúng ta dùng tâm trân trọng cung kính để giữ gìn, thì sẽ giúp chúng ta nhập đạo. Nên nhất định phải “cực kỳ thận trọng”, phải vô cùng cẩn thận, phải giữ gìn tinh nghiêm.

          Bạn thấy Bát quan Trai giới là một ngày một đêm, nếu như thật sự muốn thọ là không khó, chỉ là thực hiện một ngày một đêm. Tôi hi sinh cuộc sống này của tôi, tôi bỏ ra một ngày một đêm để làm tốt, tất nhiên từng điều từng điều giới phải trì được rất tinh nghiêm, thì công đức đó liền viên mãn. Chúng ta cùng tu xuất gia ngắn hạn như vầy cũng được, thọ 10 giới Sa di, dù cho tôi thọ 6 ngày, cũng phải thật là cẩn thận làm tốt; trừ khi bạn không thọ, một khi thọ thì phải làm cho được, không dối mình, không gạt người. Xuất gia lâu dài tức là một đời gìn giữ, giới Sa di này một mạch cho đến già, đến chết đều không thể từ bỏ, không thể nói tôi tương lai sẽ thọ đại giới, thọ giới Tỳ kheo rồi, thì giới Sa di có thể không cần giữ, không có đạo lý đó! Như xây tòa nhà cao ốc, bạn trước phải xây tầng thứ nhất, sau đó mới xây tầng hai, tầng ba, không thể nói tôi chỉ cần xây tầng ba, tầng thứ nhất thì không cần, nên không xây tầng thứ nhất thì không thể có tầng thứ ba. Do đó phải là cả đời phụng hành.

          Có mấy điều giới thực sự cũng không dễ dàng, thí dụ như không ăn phi thời, thật sự gìn giữ, thì bạn cũng cần có thân thể tốt nhất định, nếu thân thể yếu nhiều bệnh thì khá khó khăn. Đại sư Liên Trì trong Sa Di Luật Nghi Yếu Lược nói: nếu như thân thể yếu nhiều bệnh không trì được giới này, thì cũng không được ăn ngon, ăn nhiều, yên tâm ăn, không được tham ăn. Vì ăn được ngon, hoặc ăn nhiều, ăn được rất yên tâm, tối đến vẫn còn ăn rất nhiều; còn chú ý bày cách ăn, đó là hoàn toàn trái với tinh thần giới luật. Cho dù bạn không giữ giới này, bạn cũng cần phải lấy tâm hổ thẹn mà ăn ít, cố gắng ăn xong thật nhanh, cũng không làm ảnh hưởng đại chúng. Nếu như giữ được, tất nhiên là càng tốt. Nhưng cũng nói lại, giới luật cần phải yêu cầu chính mình, cố gắng không làm phiền phức cho người khác. Thí dụ như tôi vì không ăn phi thời, đến làm khách nhà người khác, mà họ không biết hoặc không nhớ giới luật này, họ mời bạn ăn cơm, bạn đến để ứng cúng, vì họ để quá thời gian, nên bạn nói không ăn, thì thật sự làm cho họ rất khó xử. Tình huống như vậy, bạn muốn giữ vững giới này, thì tốt nhất là trước đó nên thông báo về điều đó, không làm cho họ ứng phó không kịp, vả lại thật sự nên cố gắng không làm cho người khác phiền phức. Mười giới chúng tôi giảng đến đây là viên mãn rồi. Chúng ta xem đoạn tiếp theo:

          “Phần hai, Oai nghi môn”

          “Oai nghi môn”, là mỗi hành động cử chỉ đời sống thường ngày của chúng ta phải phù hợp với quy củ, đó tức là oai nghi. Nhà Nho nói 3000 oai nghi, trong Phật môn cũng là 3000 oai nghi, những oai nghi này nếu chúng ta kĩ càng để xem thì cùng với Đệ Tử Quy nói rất là tương ưng. Trong Đệ Tử Quy cũng chỉ cho chúng ta ăn uống sinh hoạt, đối người xử sự tiếp vật như thế nào, thông qua những quy củ rất nhỏ để giúp nuôi dưỡng thành tâm cung kính của chúng ta. Giới luật cũng tốt, oai nghi cũng tốt, làm sao để bạn có thể làm được tốt? Chỉ hai chữ thôi, đó là thành kính. Cho nên Ấn Quang Đại sư dạy chúng ta phải “chủ kính tồn thành”, chủ kính tồn thành tức là từ đầu đến cuối hiện bày ra luôn có tâm thành kính, đối với tất cả người, tất cả việc, tất cả vật, thậm chí với chính mình thì từng li từng tí động tác đều phải thành kính, không thể có chút tơ hào coi thường lơ là bất kính. Coi thường lơ là bất kính tức là nguyên nhân chủ yếu của phá giới, phá oai nghi. Cho nên giữ giới trên thực tế là nuôi dưỡng những phần tâm thành kính của bạn, bạn dùng phần tâm thành kính này để học Phật, thì tự nhiên có thể thuận buồm xuôi gió, học Phật liền sẽ vô cùng thuận lợi.

          Rất nhiều cổ nhân hơn 20 tuổi thì khai ngộ, chứng quả, sau đó có thể làm Tổ sư. Đại sư Huệ Năng đón nhận Y bát lúc Ngài chỉ mới 24 tuổi; Đại sư Ngẫu Ích khai ngộ cũng lúc 24 tuổi; Đồng tu chúng ta nếu như có làm qua Tam Thời Hệ Niệm, đây là do Trung Phong Quốc sư làm, Trung Phong Quốc sư khai ngộ khi Ngài 27 tuổi. Rất nhiều Tổ sư khai ngộ đều khi rất trẻ, hơn 30 tuổi thì tương đối ít, 40 tuổi trở về sau lại càng ít hơn. Vì sao các Ngài giác ngộ sớm? Bởi vì nền móng của các Ngài tốt, từ nhỏ đã được nuôi dưỡng xong nền móng thành kính, nên các Ngài học pháp môn liền rất dễ dàng khai ngộ. Vì sao người thời nay học Phật cả một đời đều không thành tựu gì cả? Là do nền tảng không tốt, không có phần tâm thành kính. Cho nên thông qua trì giới, thông qua tuân thủ oai nghi, thì chúng ta mới bồi dưỡng phần tâm thành kính của chúng ta. Đó là giới luật, quý vị xem thấy oai nghi môn tổng cộng 24 môn, mỗi một môn đều có nhiều điều tốt, đó là hàng trăm điều vi tế của giới luật, quy củ, nếu nói tôi không thể nhớ hết, thì làm sao đem ra mà thực hiện tốt đây? Người lớn tuổi nói tôi không thể nhớ, tức là không muốn học. Thật ra giới điều tuy nhiều, nhưng trên thực tế điểm mấu chốt là một chữ “kính”, trì giới là vì để kính. Bạn làm được kính, có tâm cung kính, thì tất cả giới luật đều có thể giữ được tốt. Chúng ta xem oai nghi môn đầu tiên đó là:

          “Thứ nhất: Kính đại Sa môn. Đại Sa môn tức chúng Tỳ kheo vậy.”  

          Chữ “kính” ở đây có thể nói đó là điểm mấu chốt, một chữ tổng nhiếp 24 môn oai nghi. “Kính đại Sa môn”, đại Sa môn ở đây tức chỉ cho Tỳ kheo, là người xuất gia đã thọ giới Tỳ kheo rồi. Tăng thực sự là chỉ Tỳ kheo, Sa di là còn chưa làm Tăng thực sự, cũng tức họ là Tăng nhân dự bị, còn chưa chính thức. Thọ giới Tỳ-kheo rồi mới là tăng nhân chính thức, hiện nay Chúng ta còn là hàng dự bị, tức vẫn là làm học sinh, hướng đến những vị Lão sư để học tập, do đó phải Kính đại Sa môn. Đây chỉ cử ra một số thí dụ, trên thực tế thật sự Kính đại Sa môn là từng li từng chút, mỗi một chi tiết chúng ta đều phải kính trọng. Không thể nói tôi chỉ làm 10 điều kính đó thôi, thật ra những điều kính biểu hiện ở mọi phương diện, bởi mở rộng ra tức là 84 ngàn oai nghi.

          Đệ Tử Quy của thế gian cũng nói kính, chủ đề thứ 7 là “Ở nhà hiếu cha mẹ, ra ngoài kính bậc trưởng bối, làm việc cẩn thận và trung thực, thương người, gần gũi người nhân đức, làm được vậy rồi, còn đủ sức thì mới học thêm văn chương”, đó là chủ đề thứ 7. Thật ra đó cũng là nói nhất tâm thành kính mà thôi, bắt đầu từ hiếu đạo. Kính đại Sa môn là sư đạo, tôn sư trọng đạo, sư đạo kiến lập bởi nền tảng là hiếu đạo, không có hiếu đạo thì không có sư đạo. Nên nói “Sa Di Oai Nghi”, bạn có thể làm được, tất cần có nền tảng Đệ Tử Quy. Đệ Tử Quy dạy bạn đạo hiếu, bạn ở trong nhà đã kính trọng đối với cha mẹ, với người lớn, đã dưỡng thành rồi, thì bạn đến cửa Phật xuất gia, tự nhiên có thể kính đại Sa môn. Do đó Sa Di Luật Nghi, đặc biệt là oai nghi môn dạy bạn kính thầy làm sao, cùng với kính cha mẹ thật ra hoàn toàn cùng một hướng đến. Hiện nay chúng ta học tập Sa Di Oai Nghi, sau khi học trở về nhà không có đại Sa môn thì tôi phải làm sao? Bạn đối với cha mẹ, với lão sư, với người lớn, cũng giống như thực hiện những oai nghi môn này, bạn phải vận dụng linh hoạt. Không phải nói: tôi phải tìm đại Sa môn thì tôi mới kính các Ngài, còn cha mẹ thì tôi không kính, đó là học sai rồi. Chúng ta xem điều thứ nhất:

          “Không được gọi tên của đại Tỳ kheo, với tất cả vị Tỳ kheo nên gọi là thầy”

          Đây nói không được gọi thẳng tên của đại Tỳ Kheo, tức tên của thầy là người xuất gia đã thọ đại giới. Điều này tương tự một điều nào của Đệ Tử Quy? “Gọi người lớn, không gọi tên”, là tương ưng. Cho nên bạn học tốt Đệ tử Quy, thì Sa Di Luật Nghi liền có thể học tốt. Chúng tôi hiện giờ đang cố gắng kết hợp với Đệ Tử Quy để giảng. Ngày hôm qua, Lão sư Lí Thừa Trăn cũng nói: Sư phụ Thượng nhân khuyên chúng ta giảng tốt Đệ Tử Quy, chúng ta dùng Sa Di Luật Nghi để giảng Đệ Tử Quy, thật ra đều là tương thông.

          Vì sao không được kêu tên của Đại Tỳ kheo? Vì bất kính. Đó là tên, thời cổ có tên, có tự, tên chỉ có cha mẹ, thầy giáo được gọi; bạn học, bạn bè chỉ được gọi tự, ngay cả Hoàng thượng cũng chỉ được gọi tự không được gọi tên. Do đó không được gọi tên. Ở trong Phật môn cũng có tên, có tự, hiện nay vẫn giữ gìn truyền thống này, tên gọi là nội hiệu, tự gọi là ngoại hiệu. Như bản thân tôi đây, nội hiệu của tôi là Truyền Đạo, thế hệ chữ Truyền, đây là trưởng lão ân sư của chúng ta Ngài thượng Sướng hạ Hoài y theo chế độ pháp phái, là phái Kim Đỉnh Tỳ Lô, lúc trước do Bảo Chí Công khai sáng, truyền một mạch cho đến nay, truyền đến tôi gọi là thế hệ chữ “Truyền”. Đây là câu cuối cùng “Thân truyền vô vi giáo”, Sư phụ chúng tôi là thế hệ chữ “Thân”, tôi là thế hệ chữ “Truyền”. Thế hệ sau của chúng tôi, tôi thì không thế độ rồi, giả sử những sư huynh sư đệ của tôi làm lễ thế độ cho người khác, thì phải sẽ cho đệ tử bắt đầu bằng chữ “vô”, trong câu “Thân truyền vô vi giáo”, đem từng chữ từng chữ để chia ra thế hệ từ trên xuống.

          Nội hiệu chỉ Sư phụ mới có thể gọi chúng ta, như Sướng Công có thể gọi tôi là Truyền Đạo, Lão Hòa thượng Tịnh Không gọi tôi là Truyền Đạo cũng được, ngoài ra người khác không được gọi tên đó. Ngoại hiệu của tôi là Định Hoằng, đây là tự của tôi, tự thì người khác có thể gọi. Nhưng bạn không thể gọi thẳng là Định Hoằng qua đây, như vậy là bạn không biết ứng xử, bạn phải gọi là Sư phụ Định Hoằng, thêm hai chữ “Sư phụ” để biểu thị cung kính. Nếu bạn và tôi cùng một thế hệ, nhưng khá xa, không có thân, thì bạn có thể gọi là Pháp sư Định Hoằng, hoặc khá thân một chút, lại cùng thế hệ, thí dụ như chúng ta là sư huynh đệ, thì có thể gọi là thầy Định Hoằng. Đó là quy củ xưng gọi của Phật môn. Nếu như chúng ta gặp chỉ một vị Pháp sư, thì chúng ta cũng có thể gọi trực tiếp Ngài là Sư phụ, có thể bỏ qua chữ Định Hoằng. Mỗi một người xuất gia đều có thể xưng gọi là Sư phụ. Nếu như gặp một lúc vài vị Sư phụ thì bạn xưng hô làm sao cho đúng luật? Bạn có thể thêm một chữ, thí dụ Sư phụ Hoằng, Sư phụ Diệu, đó là xưng các Ngài một chữ, không xưng hai chữ, cũng là rất cung kính. Đây là quy củ của Phật môn. Đến đoạn tiếp theo:

           “Không được lén nghe đại Tỳ kheo thuyết giới, nửa tháng tụng giới Tỳ kheo hoặc ngày thường giảng giới Tỳ kheo, hoặc làm các pháp như Tăng sự. Trước hãy mời người chưa thọ giới Cụ túc ra ngoài. Tất cả không được nghe trộm. Nếu nghe trộm thì thành trọng nạn trộm pháp. Cũng không được tự coi luật và giới Tỳ kheo trước.”

          Đây là quy củ, nửa tháng tụng giới trong Tòng Lâm, tức một tháng tụng giới hai lần, đọc tụng giới luật giúp chúng ta thường thường ôn tập, để không quên giới luật. Cũng có giảng giới, tức giảng giới Tỳ kheo, việc này chỉ có Tỳ kheo mới được tham gia nghe giới, tụng giới, là nửa tháng tụng một lần, danh từ chuyên gọi là Bố tát, cũng phải dùng pháp yết ma, tất cả Tỳ kheo của chùa tập trung lại, để học tập giới luật, trong đó là tụng giới hoặc giảng giới, nếu chưa thọ giới Tỳ kheo thì không được nghe. Vì sao có điều này? Là để bạn tôn trọng giới pháp, bạn chưa thọ giới đó, thì bạn không được học trước. Bởi vì sợ sau khi bạn học rồi, bạn sẽ đem giới Tỳ kheo đó để xem xét người xuất gia, bạn thấy người này phạm giới, người kia không như pháp, bạn bắt đầu hủy báng những Tỳ kheo đó. Trên thực tế, thật sự chân chánh đem 250 điều giới Tỳ kheo đều làm được, thì có thể tìm ra được mấy người, tìm hết trên địa cầu này cũng không được mấy người. Theo lời thuyết pháp của Đại sư Hoằng Nhất và Đại sư Ngẫu Ích thì Trung Quốc kể từ thời Nam Tống trở về sau hiếm có Tỳ kheo chân chánh nữa, tức là không hành được giới Tỳ kheo. Bạn học giới Tỳ kheo rồi, sau đó đi xem xét những người xuất gia, thấy tất cả đều không như pháp, sau đó bạn tạo rất nhiều nghiệp hủy báng, thì tương lai ai sẽ đọa địa ngục? Chính mình đọa địa ngục. Do đó Phật từ bi, yêu cầu những người chưa thọ giới Cụ túc thì không được nghe giới Tỳ kheo. Giới Sa di thì được, bởi vì Sa di vẫn chưa tính là chân chính Tăng, chưa là người chính thức của Tăng đoàn.

          Nếu như dùng tâm trộm để đi nghe lén, “Đạo thính” tức là nghe trộm, đó là đã khinh thường pháp rồi, mà còn là trộm cắp, phạm giới trộm, như vậy không được. Nhưng có một loại khai duyên, nếu như chính bạn duyệt tạng, trong khi đọc Đại tạng kinh có bộ Luật, đọc đến những giới Tỳ kheo, như vậy thì không có vấn đề. Bạn không có tâm để xem xét người khác có phạm giới hay không, bạn không muốn đi tạo khẩu nghiệp phỉ báng đó, như vậy thì không sao, Phật chế điều này để đề phòng chúng ta tạo khẩu nghiệp, đương nhiên đây là tại Phật giáo Bắc truyền. Tôi nghe nói tại Phật giáo Nam truyền, thì họ không có điều quy định này, tức không chỉ Sa di được nghe giới Tỳ kheo, mà cả cư sĩ cũng được nghe giới Tỳ kheo. Cho nên những quy củ của Phật đều rất là linh hoạt, chỉ cần bạn không có tâm phá hoại Tăng đoàn, hủy báng Tỳ kheo, thì bạn học tập là không có vấn đề, mà lại rất tốt, ngay cả cư sĩ đều có thể nghe. Nhưng nếu bạn cố ý để dẫn ra lỗi của Tỳ kheo, đó là không tốt rồi. Tiếp điều thứ ba:

          “Không được tìm tòi lỗi của đại Tỳ kheo.”

          Nhìn thấy người xuất gia, đại tỳ kheo làm không đúng như pháp, những việc đó chúng ta không nên để tâm. Nếu như cố ý đi tìm kiếm lỗi của họ, đó là sai lầm đặc biệt lớn rồi. Bạn thấy trên Đệ Tử Quy nói “thấy người tốt, nên sửa mình, dù còn xa, cũng dần kịp, thấy người xấu, tự kiểm điểm, có thì sửa, không cảnh giác”. Thấy người ta có thiện pháp có thể học tập, thì chúng ta phải cẩn thận học, thấy tốt nên sửa mình; thấy không tốt thì phản tỉnh mình, thấy người không như pháp, không trì giới, thì bạn không nên đi bình luận xem xét, lại càng không nên đi rao truyền tạo khẩu nghiệp rắc rối, không phê bình, chúng ta tự mình phản tỉnh, tôi có những lỗi đó hay không? Có thì sửa đổi, không thì phát huy. Tiếp theo là điều thứ tư:

          “Không được đi truyền nói lỗi của đại Tỳ kheo”

          Tức là không đi rao truyền, đây là tội, nói người nào nào đó có những lỗi gì, cho dù là giả hay thật, chỉ cần nói những điều như vậy đều là sai. Thích nói thị phi, đều là làm hại tâm của chính mính, vì bạn chứa toàn là lỗi lầm của người khác, thấy lỗi của người khác. Đại sư Lục tổ Huệ Năng dạy chúng ta “Nếu người chân tu đạo, không thấy lỗi thế gian”, bạn không chỉ thấy lỗi thế gian, mà còn nói lỗi của người ta, đây tức là tạo nghiệp rồi. Đệ Tử Quy cũng dạy chúng ta “Khuyết điểm người, đừng bơi móc, chuyện riêng tư, không nên nói”, đây là hoàn toàn tương hợp nhau. Do đó bạn có thể đem Đệ Tử Quy làm được rồi thì Sa Di Luật Nghi thực hiện được rất dễ dàng. Bạn muốn trì giới tốt, thì trước phải xây dựng chắc nền móng nhất định, về nhà thực hiện Đệ Tử Quy, thực hiện Cảm Ứng Thiên, thực hiện Thập Thiện Nghiệp, thì Sa Di Luật Nghi liền không khó. Tiếp theo là điều thứ 5:

          “Không được ở chỗ khuất mắng đại Tỳ kheo”

          Đây là lưỡng thiệt, ác khẩu. “Chỗ khuất”, tức là nơi vắng, tức là mắng đại Tỳ kheo ở sau lưng, bao gồm mắng bất kỳ người nào đều không được, đó là thuộc về lưỡng thiệt và ác khẩu. Đoạn tiếp:

          “Không được khinh dễ đại Tỳ kheo, giỡn cười trước mặt, nhái giọng nói, hình tướng, điệu bộ.”

          “khinh dễ ” tức là vô lễ, coi thường, bất kính. Thí dụ như có một số vị xuất gia mà quá lớn tuổi hoặc là văn hóa không cao, thì bạn chế nhạo họ, đây là sai. Đối với các Ngài đều phải tôn trọng như đối với lão sư, đối với tôn trưởng, đối với cha mẹ của chính mình. Tôn trọng Tam Bảo thì có công đức. “Giỡn cười trước mặt”, điều này được thể hiện là trước mặt các Ngài mà cười giỡn, thậm chí chọc ghẹo họ, đó đều là đối với họ không cung kính. Thậm chí còn bắt chước nhái theo giọng của họ, có thể do ngôn ngữ của họ không lưu loát thậm chí nói lắp, hoặc âm thanh rất khó nghe, bạn nhái lại họ, tức cười giỡn họ. Bạn nhớ, ngày hôm qua chúng tôi có kể ví dụ, một vị Tỳ kheo trẻ, ở quá khứ thời Phật Ca Diếp, chê cười một lão Tỳ-kheo tiếng như chó sủa. Kết quả tự mình bị làm chó 500 đời, đó là báo ứng. Đây là vì anh ta đã sám hối, nếu như không sám hối, thì khẳng định đọa địa ngục. Nên bạn thấy khổ cỡ nào! Nếu còn bắt chước theo hình tướng của họ, thí dụ như thấy một vị lão Tỳ-kheo bị gù lưng, thì bạn cười nhạo Ngài; hoặc là Ngài đi đường, do tuổi đã lớn, nên đi không nhanh, bạn bắt chước động tác của Ngài. Đây đều là rất vô đạo đức, trên giới luật nghiêm cấm điều này, đó là khinh thường lão sư. Đoạn tiếp:

          “Không được ngồi thấy đại Tỳ kheo đi qua mà không đứng dậy, trừ lúc đọc Kinh, lúc ăn cơm, làm việc chúng, cạo tóc, lúc bệnh.”

          Đây không chỉ là đại Tỳ kheo, mà cả bậc tôn trưởng trở lên, bạn đang ngồi, các Ngài đi ngang qua, mà bạn vẫn ngồi đó, Ngài đi qua rồi bạn vẫn ngồi như vậy, đây tức là vô cùng khinh thường. Bạn thấy trong Đệ Tử Quy nói “gặp người lớn, phải kính chào, người chưa nói, đứng cung kính”. Đây là biểu hiện sự cung kính. Bạn đi đường gặp người lớn, thì bạn nhanh chóng bước lên trước, hướng họ chào, hướng họ hành lễ, họ không nói, thì bạn lui ra một bên để nhường đường, đây là như phép tắc. Bạn dùng tâm cung kính như vậy, bạn gặp người lớn, gặp đại Tỳ kheo, thì bạn quyết sẽ tự nhiên phản ứng, sẽ đứng lên. Đương nhiên cũng có khai duyên, nếu như là đang đúng lúc bạn đọc Kinh, đang tu hành ngồi thiền niệm Phật, thì có thể không cần di động thân thể của bạn. Lúc đang ăn cơm, lúc làm việc chúng, lúc cạo tóc, hoặc là bạn bị bệnh không đứng dậy được, những trường hợp này đều có thể khai duyên. Cho nên giới luật rất là linh hoạt, không phải chết cứng, chỉ cần bạn có tâm cung kính, xem xét có duyên thì thực hiện, không có duyên thì không cần. Tiếp đoạn thứ 8:

          “Khi đi, gặp đại Tỳ kheo, thì phải đứng nghiêm chỉnh qua một bên mà nhường Ngài.”

          Vừa rồi mới nói, khi đi đường gặp tôn trưởng phải làm như thế nào? Đi đường gặp đại Tỳ kheo, lập tức phải hành lễ cúi chào, trong nhà Phật gọi là vấn tấn; thậm chí phải lễ lạy cũng phải xem nơi đó có thích hợp để lễ lạy hay không? Nếu như thích hợp lễ lạy thì bạn mới nói với sư phụ: con đảnh lễ sư phụ như thế nào đó, hoặc đảnh lễ sư phụ. Giả sử sư phụ nói không lạy, thì bạn không được lạy, vấn tấn là tốt rồi. Vấn tấn, bạn còn phải cảm ơn, cảm ơn sư phụ từ bi không cần bạn đảnh lễ, như vậy thì đơn giản rồi. Những chi tiết này đều biểu hiện tâm cung kính của bạn, không nên xem đây là tầm thường. Thực tế mọi việc đều không phải tầm thường, mọi chỗ đều phải để ý, mọi nơi đều là nuôi dưỡng đức tính thành kính của chính mình. Gặp đại Tỳ kheo, liền phải nhường đường, đứng nghiêm chỉnh một bên mời Ngài đi. Đệ Tử Quy cũng có một điều tương tự. Đó là câu gì?“Liền xuống ngựa, phải xuống xe, tiễn người đi, hơn trăm bước”, có phải rất tương đồng với điều trên không? Chúng ta xem tiếp đoạn thứ 9:

          “Luật Tứ Phần nói: Sa di cần phải lấy năm sinh làm thứ bậc, nếu năm sinh bằng nhau thì cần phải lấy năm xuất gia làm thứ bậc.”

          Luật Tứ Phần, Giới luật của Phật chế, có nhiều bộ, Luật Tứ Phần là một bộ trong số đó. Như có các bộ: Tứ Phần Luật, Ngũ Phần Luật, Thập Tụng Luật, Căn Bổn Hữu Bộ Luật, v.v.., kiểu loại khác nhau, chủng loại giới luật không giống nhau. Thông thường bạn dựa vào một bộ trong số đó, bạn hoàn toàn có thể dựa vào một bộ, cố gắng không cần phải xen tạp. Tuy nhiên cũng có lúc khai duyên, như Đại sư Ngẫu Ích chúng ta trong Luật này cũng trích dẫn Luật Tứ Phần, cũng trích Luật Căn Bổn Hữu Bộ, đây đều có thể làm tham cứu. Tại Tòng Lâm Trung Hoa, Việt Nam dùng Luật Tứ Phần rất rộng rãi. Do đó giới pháp của chúng ta đều nương theo Luật Tứ Phần, bởi vì Luật sư Đạo Tuyên thời nhà Đường là lấy Luật Tứ Phần để chế định, sáng lập Luật Tông, cho nên tất cả người xuất gia đời sau đều nương theo Luật Tứ Phần.

          Trong Luật Tứ Phần có nói sắp xếp thứ bậc của Sa di, thì cần phải lấy năm sinh làm thứ bậc, tức là xếp theo thứ tự lớn nhỏ. “Hoặc ăn cơm, hoặc đi ngồi”, như thế nào? “Người lớn trước, người nhỏ sau”, lớn nhỏ phải có thứ tự đó là lễ, không có lễ này thì loạn rồi. Đương nhiên thứ tự Sa di là sau Tỳ kheo, tuy nhiên Sa di 100 tuổi đều phải lễ nhượng vị Tỳ kheo 20 tuổi vừa mới thọ giới, vì Tỳ kheo là đã thọ Đại giới, tất nhiên là tôn quý hơn, đây là tôn sư trọng đạo, suy cho cùng Sa di vẫn còn là thân phận học sinh. Đây là nói thứ tự của Sa di, thí dụ như mọi người ở đây có hơn 30 vị giới tử, xuất gia thọ giới Sa di ngắn hạn vài ngày, thì chúng ta xếp thứ tự thế nào? Cần phải lấy năm sinh để làm thứ bậc, ai tuổi lớn hơn thì xếp ở trước, người lớn trước, người nhỏ sau. Nếu cùng năm sanh, thì cần phải lấy năm xuất gia làm thứ bậc, xuất gia trước thì bạn đứng trước; nếu cả hai yếu tố này đều giống nhau, thì không có vấn đề gì, hai bạn kính nhường nhau một bậc đều được. Đoạn tiếp:

          “Kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm nói: Phật pháp như biển cả, dung nạp trăm sông, bốn dòng đổ về đó đều cùng một vị. Căn cứ thọ giới trước hay sau, không căn cứ sang hay hèn. Tứ đại hợp nên: giả gọi là thân, vốn không của ta, thuộc về rỗng không, nên nghĩ nhớ Thánh pháp, đừng sinh kiêu mạn. Tỳ kheo thể là Tăng Bảo, nên dựa theo giới lạp, Sa di chưa dự vào Tăng số, nên dựa theo năm sinh, giả sử dù Sa di trăm tuổi, cũng phải cung kính tân Tỳ kheo vậy.”

          Đại sư Ngẫu Ích trích dẫn Kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm để nói, Phật pháp như biển lớn, dung nạp trăm sông, tức không gì là không chứa, ai cũng đều có thể học Phật, ai cũng đều có thể xuất gia, để thọ giới. Tuy nhiên đó là có tiêu chuẩn nhất định, nhưng tiêu chuẩn này đều bình đẳng đối với tất cả mọi người, chỉ cần bạn đáp ứng tiêu chuẩn đó, thì bạn có thể xuất gia, để thọ giới, cho nên gọi là dung nạp trăm sông, bốn dòng đổ về. Thật ra Phật pháp nói tất cả chúng sanh đều bình đẳng, tất cả chúng sanh bổn lai là Phật, cho nên bổn lai bình đẳng. Cửa Phật rộng lớn, có thể đều bao dung tất cả, nên học Phật nhất định phải học tâm lượng lớn. Chúng ta đến Tự viện, khi đến cửa liền thấy tượng của Di Lặc Bồ Tát, bụng Ngài to là biểu thị có thể dung “Bụng to năng dung, dung những sự khó dung của thiên hạ; miệng rộng hay cười, cười những việc khó cười của thế gian”. Vì sao người ta cười? Vì danh vì lợi, tranh danh trục lợi, người ta rất vui cười. Phật pháp như biển lớn, tất cả dòng sông chảy ra biển lớn đều thành một vị, đó là vị mặn. Đây là biểu thị điều gì? Tuy trước mắt bạn chưa thành Phật, vẫn là một chúng sanh, có tánh riêng của mình, có sai khác không đồng, có người giác ngộ cao một chút, có người giác ngộ thấp một chút, nhưng vào trong cửa Phật, thì mọi người đều thành tựu, đều thành Phật, liền bình đẳng rồi, tức là thành một vị rồi. “Căn cứ thọ giới trước hay sau, không căn cứ sang hay hèn”, vào trong cửa Phật, đặc biệt là người xuất gia, trong đây chúng ta lấy giới làm tiêu chuẩn để sắp xếp thứ bậc. Quá khứ bạn có thể xuất thân từ gia đình quý tộc nổi tiếng, hoặc xuất thân là người nghèo hèn, nhưng vào trong Phật môn xuất gia thọ giới đều bình đẳng. Thậm chí bạn là người nghèo hèn thọ giới sớm, giới lạp nhiều hơn, tức giới lạp lớn hơn, bạn thọ giới qua một hạ thì gọi là một lạp, lạp lấy hạ làm tuổi, tức là số năm của thọ giới. Nếu như thọ giới sớm tức phải xếp ở trước, chỗ đứng, đi đường đều phải ở trước, đây không phải là phân theo sang hèn.

          Chúng ta không nên chấp trước thân phận đó, nếu như chấp trước thân phận thì dễ có tâm ngạo mạn, đặc biệt là người có phước báo, tôi xuất thân thuộc về quý tộc, tôi sanh ra thuộc gia đình có phước báo, hoặc tôi rất có học thức, những thứ đó đều dễ tạo thành ngạo mạn. Bạn phải nghĩ đến, thân này là tứ đại giả hợp, đều là giả, “thuộc về rỗng không”. Thân thể đó của bạn do tế bào không giống nhau hợp thành, hiện nay chúng ta biết rằng thân thể chúng ta đại khái là 5000 tỉ tế bào, 5000 tỉ tế bào hợp thành một thân thể, nó là nhân duyên hòa hợp, nó không có một chủ thể, bạn nói vài tế bào này thật sự là chính mình ư? Đều không phải! Nhưng chúng đều không thể thiếu, tổ hợp thành chính mình, thân này vốn là giả hợp. Như Định Hoằng tôi đây, vốn thân giả danh, bạn nói đầu của tôi là Định Hoằng, thân là Định Hoằng hay tim là Định Hoằng? Bạn nói tim đây là chủ thể của Định Hoằng, hiện nay y học phát triển có thể thay đổi trái tim, ghép tim, đem tim của Trương Tam Lí Tứ ghép vào thân thể tôi, thì tôi thành Trương Tam hay là Định Hoằng? Không phải, không có chủ thể thật sự. Do đó không thể chấp trước ngã, vốn là không có ngã, “vốn không của ta”, cho nên đem ngã buông xả rồi, thì bạn mới có thể khiêm nhường, không ngạo mạo. “Nên nghĩ nhớ Thánh pháp, đừng sinh kiêu mạn”, chúng ta hiện nay mượn thân giả này để học Phật, để cầu đạo, mượn giả tu chân. Kính đại Sa môn giảng đến đây thôi. Tiếp theo là môn thứ hai:

          “Thứ hai: Hầu thầy”

          Đây là nói phụng sự lão sư ra làm sao. Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói đến tam phước, điều đầu tiên của phước thứ nhất là hiếu dưỡng phụ mẫu, điều thứ hai là phụng sự sư trưởng, đây rất quan trọng.

          Thứ nhất: “Phải dậy sớm. Muốn vào phòng thầy, trước phải búng tay ba lần.”

          Những công việc hầu thầy có vẻ đều là sự việc rất chi tiết, Đệ Tử Quy nói “Việc tuy nhỏ, chớ tự làm, nếu đã làm, thiếu đạo con.” Chúng ta vỗ tay ủng hộ cho những bạn nhỏ. Tức là mỗi một việc đều thể hiện ra tâm bạn tôn sư trọng đạo, kiểm tra bạn có tôn sư trọng đạo không, thì cũng từ ở những việc nhỏ nhặt có thể kiểm tra được, bạn chớ coi thường. Nên đây không phải là chuyện nhỏ, từng chút đều là việc lớn. Trong môn này nói phải dậy sớm, thức dậy sớm vào buổi sáng, phải dậy sớm hơn thầy, hơn sư phụ, thì bạn mới có thể phụng sự lão sư. Bạn thức dậy trễ hơn sư phụ, thì sư phụ phụng sự bạn rồi. Đối với cha mẹ cũng như vậy, Đệ Tử Quy nói “sáng dậy sớm, tối ngủ trễ”, đây là chúng ta đều phải dậy sớm hơn cha mẹ, phải ngủ trễ hơn cha mẹ, thì mới phục vụ chăm sóc cha mẹ tốt.

          “Muốn vào phòng”, tức đi vào phòng của sư phụ. Thông thường Sa di và Tỳ kheo phải ở riêng, vì Sa di còn chưa tính là trong đội ngũ Tăng thật sự. Tương tự như vậy, Sa di đã xuất gia, cũng không ở cùng chỗ với người tại gia, cũng có phân biệt như vậy, tức là xuất gia và tại gia không thể giống nhau. Tuy nhiên ở nơi đây vì điều kiện có hạn, không thể đáp ứng yêu cầu như vậy, chỉ có một khu; chuyên để những người mới xuất gia chúng ta và giới tử xuất gia ngắn hạn. Có việc cần vào phòng thầy, trước phải búng tay ba cái, tại sao búng ba cái? Giống như lời chào hỏi, ‘con có thể vào được không?’ Đương nhiên bạn gõ cửa cũng được, vì âm thanh búng tay ắt hẳn rất nhỏ, bên trong không nghe được. Thời xưa rất yên tĩnh, với lại người xuất gia tâm đều rất thanh tịnh, một tiếng động nhỏ đều nghe được. Hiện nay có thể gõ cửa nhẹ ba cái, cũng giống như vậy. Đệ Tử Quy cũng nói “Sắp vào nhà, cất tiếng lớn, sắp vào cửa, hỏi có ai”, đây đều là dạy bạn trước khi vào cửa, phải ra hiệu, để người khác không giật mình. Vả lại “búng ba lần”, hoặc là gõ cửa ba cái, thì bạn phải lắng nghe sư phụ bên trong có trả lời Ngài nói “mời vào” không? Nếu như Ngài không nói, thì bạn nên chờ một lát. Vì có thể sư phụ không tiện, bạn đập mạnh cửa để xông vào, có thể đúng lúc sư phụ đang thay y phục hoặc làm gì đó, thì không hay, như vậy là không cung kính.

          Thứ hai:

          “Bày sắp đủ cành dương, nước rửa, trao áo, giầy, xếp chăn, mùng, dọn lau giường chiếu, quét phòng, thêm nước rửa.”

          Đây là phụng sự sư trưởng, giúp sư trưởng làm những việc tạp nhạp. “cành dương”, thời xưa dùng để đánh răng, hiện nay dùng kem đánh răng và bàn chải. Lúc xưa là nhai cành dương, đặt cành dương trong miệng nhai, có thể trừ đi mùi vị ở trong miệng, làm sạch buồng miệng, có tác dụng như kem đánh răng vậy. Nói như hiện nay thì chúng ta chuẩn bị kem đánh răng, bàn chải đánh răng, nặn kem đánh răng lên bàn chải, để cho sư phụ có thể sử dụng. “Nước rửa”, là nước để rửa mặt, bạn đều phải chuẩn bị cho tốt, nếu như sư phụ đã lớn tuổi, thì bạn cần phải chuẩn bị nước ấm, để sư phụ có thể dùng tới. “trao áo, giầy”, tức là cầm y phục đưa cho sư phụ, sư phụ có thể dậy rời giường trong thời gian nào đó, thì bạn liền đem y phục đến để sư phụ mặc. “Xếp chăn mùng”, tức là xếp chăn mùng lại, sư phụ rời giường rồi, thì bạn liền giúp sư phụ xếp chăn mùng, đem gấp ngay ngắn lại. Lau chùi giường chiếu, đây đều là những việc rất nhỏ nhưng bạn đều phải làm.

          Tôi cảm thấy Sa Di Luật Nghi so với Đệ Tử Quy còn tinh tế hơn, việc này Đệ Tử Quy còn chưa tinh tế như vậy, nên bạn học được điều này thì thực hiện Đệ Tử Quy, khẳng định càng tốt hơn, rất là tỉ mỉ. Bạn sửa giường ngay ngắn, nếu như trên chiếu có thứ gì dơ bẩn thì đem lau chùi đi, sau đó còn phải quét phòng, lau chùi cửa sổ, những việc này không cần phải nói, như Đệ Tử Quy nói “gian phòng sach, vách tường sạch, bàn ngay ngắn, bút mực gọn”, đều phải sắp đặt gọn gàng ngăn nắp. “Thêm nước rửa”, nếu như sư phụ rửa mặt mà nước không đủ, tùy theo mà thêm nước, hoặc là nước đã lạnh, ngày mùa đông thì bạn phải thêm nước nóng cho Ngài, đem bình nước ấm để một bên, đương nhiên cũng đừng pha nước quá nóng, rồi mới vào phòng sư trưởng. Tất cả điều này đều là hầu thầy.

          Thứ ba:

           “Thầy đi chưa về, không được bỏ phòng mà đi.”

          Đây là nói nếu sư phụ đi ra ngoài rồi, thường thường thời cổ trong liêu phòng không có nhà vệ sinh, nó không làm ghép trong phòng, không như hiện nay, rất thuận lợi, thời đó nhà vệ sinh có thể ở khá xa, Ngài phải đi rửa tay nữa, sau đó mới trở về phòng, hoặc đi ra ngoài có việc gì đó, đi lấy thứ gì. Trong phòng không có người, thì bạn phải ở trong phòng, không thể sư phụ đã đi rồi, bạn thừa cơ hội lẻn chuồn luôn, như vậy là không được, phải chờ sư phụ trở lại, xem còn có nhu cầu phục vụ gì nữa không.

          Tiếp theo thứ tư:

          “Nếu có lỗi, Hòa thượng A xà lê dạy răn thì không được nói trả lại, xem hai vị thầy ấy như xem Phật.”

          Nếu như chúng ta phạm lỗi lầm, sư phụ chúng ta dạy răn. Trong đây nói “Hòa thượng A xà lê”, Hòa thượng A xà lê là hai vị sư phụ. Hòa thượng là Thân giáo sư, Ngài đích thân dạy bạn gọi là Hòa thượng, thông thường là nói người đã thế độ cho bạn, hoặc sư phụ y chỉ của bạn. Như tôi thế độ ở Chùa Viên Minh, ân sư thế độ là Sướng Công, ân sư truyền pháp của tôi là Tịnh Lão, tôi hiện nay y chỉ Tịnh Lão. Trước khi tôi xuất gia đã gặp Sướng Công xin chỉ thị rồi, nói con muốn xuất gia, con còn muốn theo Tịnh Lão học tập, muốn một mạch y chỉ Tịnh Lão, học dưới tòa Ngài, học thành rồi thì mới trở về, như vậy có được không ạ? Sướng Công rất rộng rãi, nói: ừ! Được, đồng ý con cứ đi theo Tịnh Lão học tập. Đồng ý rồi, tôi mới xuất gia, sau khi xuất gia liền đến gặp Sư phụ Thượng nhân chúng ta để tu học. Cho nên đó chính là thầy y chỉ của tôi. Thông thường mà nói, xuất gia ít nhất 5 năm đầu, bạn phải ở cùng y chỉ sư, thường y chỉ sư của bạn là thầy thế độ. Như tôi đây là trường hợp đặc biệt, tôi có hai sư phụ, một là thầy thế độ, một là thầy truyền pháp. Tốt nhất là 10 năm không rời y chỉ sư, đó là Hòa thượng của bạn. A xà lê là Quỹ phạm sư, là thuộc về trợ giáo của Hòa thượng, Ngài làm tấm gương cho bạn, có thể Lão sư của bạn tìm cho bạn một Quỹ phạm sư. Như quá khứ, quý vị thấy Chu Vũ Vương vào thời nhà Chu, Chu Công phụ tá cho Vũ Vương, sau khi Vũ Vương chết, Chu Công nhiếp chính, phụ tá con trai Thành Vương của Vũ Vương, Lúc đó dạy Thành Vương còn nhỏ tuổi có tam công, tức là Thái Phó, Thái Bảo, Thái Sư. Tam công này tức giống như là thầy của Thành Vương, là thuộc về Hòa thượng của Thành Vương. Thái Phó chuyên dạy luân lý đạo đức, Thái Bảo dạy thể dục thể chất, còn Thái Sư dạy học vấn, trị quốc bình thiên hạ, đây đều thuộc về Hòa thượng. A xà lê tức là kèm cặp, hướng dẫn Thành Vương, có Tiểu Phó, Tiểu Bảo, Tiểu Sư, là kèm cặp ông. Tức làm huấn luyện viên cho Thành Vương, đây tức là A xà lê.

          Hòa thượng, A xà lê dạy răn chúng ta, chúng ta đã có lỗi lầm, các Ngài phê bình, thậm chí mắng chúng ta, đó đều là việc tốt, giúp chúng ta sửa lỗi, “thì không được nói trả lại”, không được phản bác, tranh luận, càng không được nói trả để cưỡng tình đoạt lý, thậm chí bực tức, thậm chí bỏ chùa ra đi, “không cần, tôi không xuất gia, tôi về nhà”, đó đều không đúng. Ở trong cửa Phật là để học tập giáo dục Phật giáo, bạn đi theo lão sư để học tập, bạn chưa học xong mà đi rồi, đương nhiên bạn không có thành tựu. Cho nên “xem hai vị thầy ấy như xem Phật”, hai vị lão sư ấy như là Phật, đây là đủ 10 phần tâm thành kính. Tâm bạn càng thành kính, càng tôn trọng đối với lão sư, thì bạn được lão sư dạy những điều lợi ích càng lớn hơn. Nên bạn thành tựu bao nhiêu, thì vấn đề then chốt xem bạn có tâm thành kính đối với lão sư. Bản thân lão sư của bạn dù cho đức hạnh học vấn có thể không cao, nhưng bạn đối với Ngài có đủ 10 phần thành kính, thì tương lai bạn sẽ thành tựu rất lớn, bạn sẽ như màu xanh xuất phát từ màu lam nhưng đẹp hơn màu lam. Trong đó nói phải xem thầy như Phật, bạn đối với Phật tôn trọng thế nào, thì đối với thầy cũng phải tôn trọng như thế ấy. Nên tôi công khai nói với mọi người, tôi xem Lão Pháp sư Tịnh Không là Phật. Có người còn có chỗ không phục, sao thầy lại có thể nói điều này? Tôi nói: Trong tâm mắt tôi Ngài tức là Phật, đây là có căn cứ, phải “xem thầy như Phật”. Trong tâm mắt bạn xem Ngài không là Phật, thì những lợi ích mà hai chúng ta đạt được không giống nhau, tôi nghe Ngài dạy bảo là như Phật dạy bảo cho tôi, bạn nghe Ngài dạy bảo là như phàm phu dạy bảo cho bạn, vì bạn đem Ngài coi là phàm phu. Bạn hy vọng Phật dạy bảo cho bạn, hay là phàm phu dạy bảo cho bạn? Đương nhiên là Phật dạy bảo tốt hơn. Cho nên bạn càng đủ tâm thành kính, thì bạn được lợi ích liền lớn hơn.

          Điều thứ năm: “Nếu sai đổ đồ bất tịnh, thì không được nhổ nước miếng, không được tức giận.”

          “Đồ bất tịnh”, tức chỉ cho những đồ đựng đại tiểu tiện. Bởi vì có thể sư phụ đã lớn tuổi, đi vệ sinh vào ban đêm, mà ra bên ngoài không tiện, nên trong phòng Ngài có thể đặt một cái bô, một cái ống nhổ đờm. Chúng ta phải vì sư trưởng đem rửa sạch, cầm những dụng cụ bất tịnh đó không thể nhờn gớm, “nhổ nước miếng”, tức là phun nước miếng, ‘nó rất bẩn’, có tâm nhờn gớm, càng không thể “tức giận”, tức là không thể càu nhàu, đây đều là tâm cung kính. Đệ Tử Quy cũng nói: “Cha mẹ bảo, chớ làm biếng”, chúng ta vì cha mẹ phục vụ không được làm biếng, càng không thể chán ghét mà không muốn tiếp nhận. Điều lúc nãy “Hòa thượng A xà lê dạy răn, không được nói trả lại”, tương ứng với Đệ Tử Quy là “Cha mẹ dạy, cung kính nghe”, nhất định đối với những trách mắng của cha mẹ, của lão sư phải tiếp nhận. Cho dù có thể sư phụ thấy sai rồi, đã quở trách sai bạn, thì bạn cũng phải tiếp nhận, đó là giúp bạn tiêu nghiệp chướng. Bạn còn nói trả lại, tức là đem cơ hội tiêu nghiệp chướng bỏ qua rồi, cho nên đều phải khiêm nhường tiếp nhận. Đệ Tử Quy còn nói “Nghe khen sợ, nghe lỗi vui”, chúng ta nghe được lỗi lầm của chính mình cần phải rất hoan hỉ, như vậy bạn mới có thể tiến bộ, nghe lỗi mà vui, thì thường thường sẽ có người chỉ lỗi cho bạn, bạn liền tiến bộ mau chóng.

          Tiếp theo điều thứ sáu:

          “Tối nên xoa bóp cho thầy.”

Tức là xoa bóp cho sư phụ của bạn, tối trước khi đi ngủ, xoa bóp cho Ngài, đấm lưng, rửa chân, cùng lúc rửa chân, thì xoa bóp bàn chân cho Ngài, đây đều là biểu hiện của kính thầy, giúp sư phụ ngủ được ngon giấc, máu huyết dễ lưu thông hơn. Đặc biệt là vào mùa đông, bạn xoa bóp cho Ngài, thì Ngài ngủ mau yên định. Cho nên Đệ Tử Quy cũng nói: “Đông phải ấm, hạ phải mát”, đều có ý nghĩa giống nhau.

          Điều thứ bảy: “Thầy đang ăn, không nên làm lễ. Thầy ngồi thiền, không nên làm lễ. Thầy kinh hành, không nên làm lễ, thầy rửa tay, súc miệng chưa xong, và chưa giặt rửa hay khi mặc áo lót, đều không nên làm lễ. Thầy ngủ nghỉ, không nên làm lễ. Thầy đóng cửa, không nên ở ngoài cửa làm lễ.”

          Đây là làm lễ đối với sư phụ. Hành lễ phải chú ý đúng lúc đúng nơi, thì mới làm lễ. Không thể thuận theo ý riêng của chính mình, thấy sư phụ liền làm lễ, nếu như không thích hợp, thì không nên hành lễ. Trong đây đề cập chúng ta cung kính sư phụ có lễ lạy cũng phải có tiết, tiết tức là có mức độ, quá mức độ cũng là vô lễ. Sư phụ đang ăn cơm, không nên làm lễ. Bạn thấy Sướng Công cùng chúng ta ăn cơm, chúng ta phải hướng Sướng Công đảnh lễ, thấy Ngài đang ăn cơm, thì bạn không nên đảnh lễ, ăn cơm xong rồi có thể đảnh lễ. Ăn cơm còn chưa xong, bạn đột nhiên tác lễ, Ngài phải khẩn trương: tốt rồi! Bị mắc nghẹn, thì phiền phức rồi. Cần phải chú ý, để lúc thoải mái ăn xong, dù biết rằng bạn đối với Ngài cung kính hành lễ, nhưng khiến Ngài cũng khẩn trương, bạn phải nghĩ cho Ngài. “Thầy ngồi thiền”, Ngài đang lúc ngồi xếp bằng, đang nhập định, mà bạn làm lễ Ngài, thì làm động tâm của Ngài, thành ra là không thật tôn kính Ngài. “Thầy kinh hành”, kinh hành là chỉ đi vòng quanh Phật, hoặc là Ngài đọc kinh vừa đi vừa đọc, thì bạn không nên quấy nhiễu Ngài, “không nên làm lễ”. Và còn “thầy rửa tay, súc miệng”, v.v.. còn chưa xong, hoặc là giặt rửa, đang tắm, rửa mặt, mà bạn liền hành lễ Ngài, cũng rất khó chịu. Khi Ngài đang mặc y phục là nội y, người ta còn chưa mặc y phục, mà bạn liền hành đại lễ người ta, thì đó đều là rất khó chịu, đều không cung kính. Cho nên những lúc ấy không nên hành lễ. Và còn “Thầy ngủ nghỉ”, Ngài đã ngủ rồi, thì bạn không nên tác lễ, bạn mà lễ lạy, thì sư phụ phải thức dậy để nhận lễ của bạn, như vậy không phải là bạn làm cho người thêm phiền phức hay sao? Còn “thầy đóng cửa”, Ngài đi ngủ, đã tắt đèn, đóng cửa, đã thật yên tĩnh, bạn cũng không cần ở ngoài cửa mà làm lễ nữa, những điều đó không cần. Tiếp theo điều thứ tám:

          “Muốn vào phòng làm lễ, nên búng tay ba cái, thầy không trả lời thì nên lui.”

          Nếu như chúng ta muốn hành lễ, thí dụ sáng sớm thức dậy, sư phụ đã súc miệng, rửa mặt xong rồi, đây là lúc bạn nên đi vào trong hướng sư phụ để chính thức đảnh lễ, vấn an, đó là việc tốt. Nhưng khi bạn đến cửa thì trước cũng “búng tay ba cái”, là gõ cửa ba cái, kết quả sư phụ ở bên trong không đáp lại, không nói mời vào, thì bạn không nên tiến vào, mà nên lui, tức là rời khỏi. Bởi vì bạn không biết sư phụ ở trong đang làm gì, có thể Ngài đang tọa thiền, nên Ngài không muốn tiếp, bạn không nên miễn cưỡng, đây đều là cung kính. Tiếp theo điều thứ chín:

          “Cầm đồ ăn uống của thầy, phải bưng cao hai tay. Thầy ăn xong, dọn đồ phải từ từ.”

          Đây là phụng sự thầy ăn uống, chúng ta bưng bình nước trà cho thầy, hoặc đồ đựng cơm, đĩa thức ăn v.v.. cần phải cung cung kính kính, “bưng cao hai tay”, dâng lên ngang mày, như vậy để kính phụng. Tổng quát như thế nào? Thí dụ như sư phụ sai bạn đi lấy một quyển kinh, thì bạn cũng phải bưng cao hai tay đưa cho sư phụ. Tôi hiện nay đi theo Sư phụ Thượng nhân, mỗi ngày tôi giúp Ngài đắp y, tôi đem dâng Ca sa của Ngài để Ngài đắp, thì tôi cũng bưng cao hai tay, quỳ xuống, sư phụ chỉ cần đưa tay là cầm được, liền có thể nhận được Ca sa. Nếu như bạn đưa quá thấp, hoặc quá cao, như vậy thì bạn nâng tay cũng đều phí sức. Để ở mức độ thế nào, sao cho sư phụ có thể thoải mái lấy, điều này phải nghĩ đến từng li từng tí.

          Thầy ăn xong rồi, bạn thu dọn những thứ như chén, đồ ăn phải từ từ, tức là chậm rãi, không nên quá nhanh lẹ, gây ra khua âm thanh rất lớn, như vậy là đối với lão nhân gia không tôn trọng. Như Đệ Tử Quy cũng nói: “đến phải nhanh, lùi phải chậm”, đi tới không chỉ là để bạn gặp sư phụ, hướng phía trước để bước đi mau chóng, khi lui thì cần phải lui chầm chậm, kể cả bạn phụng thầy ăn uống, cần phải phục vụ kịp thời. Đặc biệt là thật sự trong Tòng Lâm, những người tu hành đều quá ngọ không ăn, nếu bạn đem thức ăn đó lên chậm, quá thời gian rồi thì người ta sẽ không ăn nữa, sáng ngày sau mới lại ăn. Như vậy bạn không phải đã làm sư phụ đói cả đêm sao? Đây là rất xấu. Do đó phải kịp thời gian. Lui nên chậm, lúc thu dọn chén bát, đồ ăn phải chầm chậm, ăn xong rồi mới thu dọn từ từ. Đây là một phép cung kính. Bạn thu dọn rất nhanh, thì như có thái độ ghét bỏ. Ngoài ra bát chén, đồ dùng thức ăn cũng phải xử lý nhẹ nhàng, tránh làm bể. Đệ Tử Quy nói “cầm vật rỗng, như vật đầy”, bạn cầm chén, cầm đĩa, nếu là đĩa bằng sứ, mà bạn để va chạm mạnh một chút thì có thể làm mẻ một miếng. Cho nên cầm vật rỗng, tuy nó là chén không đựng gì, nhưng cũng phải cầm cẩn thận như một chén đựng nước đầy vậy, đó là cung cung kính kính, cầm một cách an toàn nhất. Ngay cả một động tác nhỏ, bạn đều phải đầy đủ cung kính, sự cung kính của bạn liền thành phiến rồi, bạn liền có thể đắc tam muội. Tiếp đến điều mười:

          “Trao cho thầy quả mới, phải tác tịnh trước, tác tịnh bằng lửa, hoặc bằng dao, hoặc dùng móng tay lột. Nếu như loại trái không thể làm hạt giống, thì không cần tác tịnh.”

          Đây là trong giới Tỳ kheo có một điều quy định, Sa di cũng cần nên học tập giới Tỳ kheo. Có những giới Tỳ kheo, sau khi hiểu rõ, thì bạn mới biết làm sao để hầu sư phụ. Trong giới Tỳ kheo có một điều là “hạt giống” cần phải tác tịnh, tức nếu như hạt giống được sanh ra, còn có thể đem làm giống, còn có thể đem nó chăm sóc phát triển, thì Tỳ kheo không được ăn hạt giống đó, mà phải đem tác tịnh, tức là làm cho nó không làm hạt giống được nữa. Đó là tác tịnh, tác tịnh bằng cách dùng lửa đốt, hoặc là dùng dao chặt, hoặc dùng móng tay lột, đây đều thuộc về tác tịnh. Nếu như loại trái cây đó không thể làm giống được thì không cần tác tịnh. Đây là một điều giới của Tỳ kheo. Học giới Tỳ kheo, tôi mới đề cập đến, tức là lúc Bố tát, thì Sa di không được tham dự, bởi vì Bố tát là có làm pháp yết ma, bạn không thể tùy tiện đi vào. Nhưng tự mình học tập giới Tỳ kheo cũng có thể, đương nhiên không được lấy tâm tìm lỗi của Tỳ kheo để mà học tập. Chính mình tương lai muốn thọ đại giới, muốn làm Tỳ kheo, nên tôi hiện giờ mau mau học tốt, như vậy thì được. Như Đại sư Ngẫu Ích, năm 24 tuổi Ngài xuất gia thọ giới Sa di, năm 32 tuổi Ngài mới thọ giới Tỳ kheo, trong khoảng thời gian 8 năm đó, Ngài chuyên nghiên cứu giới luật, Ngài đã đem Luật Tạng đọc qua ba lần, sau đó còn sao chép ra quyển “Tỳ Ni Sự Nghĩa Yếu Lược”, tức là đem những chủ yếu của giới Tỳ kheo từ trong Luật Tạng đều trích chép ra, học tập cẩn thận, cách làm như vậy là đúng. Tiếp đến điều thứ 11:

          “Trao nước phi thời tương cho thầy, phải lấy nước điểm tịnh”

          Đây là phục vụ sư phụ, giúp sư phụ khi đã qua thời gian ăn uống. Nếu như sư phụ trì ngọ, phi thời không ăn, thì bạn phải đem cho Ngài “Nước phi thời tương”, chúng ta đã nói khi sáng rồi, có nước đường mật, nước trái cây, không có bã thì có thể dùng để cúng dường sư phụ. Tuy nhiên hiện nay có rất nhiều người xuất gia cũng không trì giới phi thời thực, thì điều này cũng khỏi cần. Lấy “nước điểm tịnh”, tức là lọc tốt qua, đem bã đều lọc bỏ, để sư phụ không phải chịu phạm Trai. Trong Đệ Tử Quy cũng có một điều “cha mẹ bệnh, nếm thuốc trước, ngày đem hầu, không rời giường”, cha mẹ bị bệnh, thì chúng ta phải đem thuốc. Sư phụ cần uống nước phi thời tương, cũng bởi vì nhu cầu thân thể, đây là nhu cầu cơ thể khi bị bệnh, cần phải dùng thuốc để trị bệnh, các thức ăn đều là thuốc. Nên bữa ăn tối gọi là Dược Thạch (Đá thuốc), tức là bệnh đói của bạn phát tác rồi, hiện giờ cần cho bạn uống ít thuốc, sau đó bệnh này của bạn được thuyên giảm. Tư tưởng này cũng có thể mở rộng ra Đệ Tử Quy nói “Cha mẹ bệnh, nếm thuốc trước”, không được nói tôi nếm thử trước, nước trái cây này uống rất ngon, tôi uống trước, không phải ý nghĩa đó. Bạn phải làm tốt việc nếm thử thuốc, tại sao phải nếm thử thuốc? Là xem xem thuốc sắc được chưa, dùng tâm cung kính để làm việc này. Bạn không thể nói nước trái cây này cũng “nếm thuốc trước”, không cần bạn phải thử. Ý nghĩa đó bạn phải làm đúng như pháp, đây là nước trái cây, tôi phải lọc sạch bã đi, thì đúng như pháp. Tiếp theo điều thứ 12:

          “Hầu thầy không được đứng đối diện, không được đứng chỗ cao, không được đứng quá xa, phải đứng sao cho thầy nói nhỏ vẫn nghe được, khỏi phí sức thầy.”

          Đây là lúc hầu lão sư, chúng ta phải đứng bên cạnh sư phụ, không được đứng trước mặt Ngài, giống như cùng với Ngài rất bình đẳng, như vậy không được. Không được đứng chỗ cao hơn Ngài, chỗ đứng cao hơn Ngài, vậy cũng không được, không được đứng quá xa, nếu quá xa, Ngài gọi bạn làm việc gì đều bất tiện, cần phải đứng một bên sư phụ. Thí dụ sư phụ ngồi tại đây, thì bạn có thể đứng bên cạnh sư phụ, hoặc đứng tại đây, bạn đứng một bên và phía sau của Ngài một chút, sao cho sư phụ xoay đầu một chút thì có thể thấy được bạn. Để “thầy nói nhỏ nghe được”, tức là Ngài nói chuyện nhỏ với bạn, thì bạn đều nghe được, Ngài cần dặn bảo bạn làm điều gì, thì bạn liền có thể nhanh chóng đi làm. Vì có những sư phụ đã lớn tuổi, khí lực của Ngài không đủ, quá xa, gọi bạn thì rất phí khí lực, do đó chúng ta đều phải hiểu rõ. Tiếp theo điều thứ 13:

          “Thỉnh hỏi Phật pháp, phải y áo chỉnh tề, lễ bái, chắp tay lắng nghe kĩ càng, tư duy thâm nhập.”

          Đây là chúng ta học Phật, theo sư phụ học Phật pháp, gặp sư phụ để thỉnh giáo vấn đề. Nếu như vấn đề thỉnh giáo là phương diện Phật pháp, đối với Pháp phải kính trọng, cho nên phải “y áo chỉnh tề, lễ bái”, lạy thầy một lạy. Thông thường để hỏi, thì lạy trước sư phụ một lạy, trừ khi lúc vô cùng long trọng, thì mới lạy ba lạy, còn thông thường là một lạy. Sau đó hướng về sư phụ chấp tay thỉnh giáo, sư phụ trả lời bạn, bạn phải lắng nghe kĩ càng, tức là nghe cẩn thận, dùng tâm nghe. Nghe rồi ghi nhớ trong tâm, “tư duy thâm nhập”, tiêu hóa hấp thu, y giáo phụng hành. Đoạn tiếp:

          “Hỏi việc thường, thì không cần lễ bái, chỉ đứng ngay thẳng cạnh thầy, cứ thật trình bày.”

          Nếu như hỏi vấn đề không phải Phật pháp, mà việc thường ngày, việc thông thường, thì bạn không cần đại lễ, như vậy là phiền phức không cần thiết, lãng phí thời gian. “đứng ngay thẳng cạnh thầy”, bạn cung cung kính kính đứng bên cạnh, hướng lão sư, hướng sư phụ thỉnh hỏi, “cứ thật”, tức là cứ theo sự thật mà báo cáo, đây đều là lễ tiết. Trong lúc lễ bái, đặc biệt nhất định phải cung cung kính kính, không nhanh, như Đệ Tử Quy nói “chào cúi sâu, lại cung kính”, đó đều là nói lễ bái. Động tác chậm rãi thì biểu hiện tâm cung kính của bạn, nếu quá nhanh thì có chút vội vàng hấp tấp, qua loa. Đệ Tử Quy cũng nói “Đi thong thả, đứng ngay ngắn”. Đứng thì phải đứng ngay ngắn, đây đều là oai nghi, oai nghi là thể hiện tâm cung kính của bạn. Hôm nay đã hết giờ rồi, chúng ta học tập đến đây thôi. Cảm ơn mọi người.

( Hết tập 8 )

Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều sanh về Tịnh độ.

Nam Mô A Di Đà Phật.

 

 

Trả lời 0