Responsive Menu
Add more content here...

Tập 9 – Sa Di Thập Giới Oai Nghi Lục Yếu

 

SA DI THẬP GIỚI OAI NGHI LỤC YẾU
 TẬP: 9

Nguyên bản: Ngẫu Ích Sa môn Trí Húc, y theo Luật Tạng biên tập.

Người giảng: Pháp Sư Định Hoằng.

Giảng tại: Chùa Viên Minh, Hương Cảng.

Thời gian: Ngày 20 tháng 8 năm 2012.

Dịch giả: Thích Thiện Trang.

 

          Trân trọng kính chào chư vị Pháp sư, chư vị đồng tu, cùng chư vị đồng tu đang xem trực tiếp qua mạng Internet. Chúc mọi người tốt lành! Chúng ta tiếp tục học tập Sa Di Giới Yếu. Thỉnh mọi người xem trang 17 trong quyển kinh, thỉnh mọi người xem điều thứ 15:

          “Nếu thầy thân tâm mệt mỏi, bảo đi thì nên đi, không được tâm tình không vui, biểu hiện ra trên sắc mặt.”

          Đây tiếp tục nói về hầu thầy, phụng sự sư trưởng ra làm sao. Nếu như sư trưởng thân tâm mệt mỏi, Ngài không muốn nói chuyện với quý vị nữa, tức bảo quý vị hãy trở ra trước, ta muốn nghỉ ngơi. Lúc đó quý vị nên nhanh chóng đi ra, dù cho muốn thỉnh hỏi Phật pháp, hoặc muốn hỏi chuyện thường, đều không nên tiếp tục hỏi. Trừ khi là vô cùng khẩn cấp, sự việc thông thường có thể để ngày hôm sau hỏi, nên rời khỏi. Không thể cảm thấy, tôi không dễ gì hẹn gặp sư trưởng, mà sư trưởng lại mệt mỏi rồi, tâm thái liền không vui, thậm chí có oán giận, như vậy là không tốt. Thậm chí “biểu hiện ra trên sắc mặt”, lời nói, trong tâm không hài lòng, sắc mặt cũng khó coi, sắc mặt như vậy là đại bất kính với sư trưởng. Hễ đối với sư trưởng, kể cả đối với cha mẹ người lớn mà có “tâm thái không vui”, có oán giận, đó đều là đại bất hiếu, đại bất kính, không nên có. Nếu như có, thì phải mau mau sám hối, từ bỏ. Trong Đệ Tử Quy cũng có cách nói tương tự, đó là “bảo đi nên đi”, thí dụ như “Người không an, không làm phiền”, “người đang bận, đừng quấy nhiễu”, đều là không nên làm phiền người khác, cố gắng tôn trọng người khác đang nghỉ ngơi, đây là sự tôn trọng tối thiểu nhất. “Cha mẹ bảo, chớ làm biếng”, “sư trưởng bảo” cũng là “chớ làm biếng”, sai quý vị làm gì thì quý vị lập tức đi làm nhanh. Đương nhiên cũng bao gồm bảo quý vị làm việc nặng nhọc, bảo quý vị đi phục vụ, thì quý vị cũng phải lập tức đi chớ làm biếng.

Điều thứ 16:

          “Phàm có việc phạm giới v.v.. thì không được che giấu, mau mau đến gặp thầy, tinh thành xin sám hối. Thầy chấp nhận thì tận tình phát lồ, tinh thần hối cải, được thanh tịnh trở lại, nếu phạm bốn giới căn bản, thì phải y theo quyết nghi của thầy, mới có thể thực hành thủ tướng sám.”

          Đây nói tới chính mình có lỗi lầm đã phạm giới, 10 giới Sa di, 24 môn oai nghi, thậm chí tương lai đã thọ giới Tỳ kheo, “Phàm có việc phạm giới v.v..”, đều không thể “che giấu”. Không chịu nói ra, giấu ở trong tâm, như vậy làm cho tội vĩnh viễn không sám trừ được, vả lại là thói quen sẽ lần thêm lớn, cần phải mau mau đến gặp sư phụ thiết tha cầu sám hối, cầu xin sư phụ tha thứ. Đương nhiên trước khi sám hối phải hỏi qua sư phụ, hiện giờ con có thể hướng sư phụ sám hối được không? Sư phụ đồng ý, thì quý vị mới “tận tình phát lồ”. Tận tình tức là không có một chút tơ hào giấu diếm, đều nói ra hết. Quý vị dám nói ra, thì quý vị mới có dũng khí để cải lỗi, làm mới chính mình. Quý vị không chịu phát lồ, thì làm sao quý vị có thể sửa đổi được? Cho nên phát lồ sám hối, đó là nền móng của sửa lỗi. Phải “tinh thành sám hối”, phát lồ nói ra, để thừa nhận lỗi lầm, mà đồng thời trước mặt sư trưởng phát nguyện sau không tái phạm. Quý vị phải làm thật sự, tinh thành hối cải. Tinh là tinh chuyên, tôi sửa lỗi phải dùng tâm; thành là chân thành, không phải giả dối, không dối mình, không dối người. Có lỗi phải sửa lỗi, làm mới chính mình, “được thanh tịnh trở lại”, tội nghiệp này của quý vị liền có thể tiêu trừ. Chúng ta phải cảm ơn sư trưởng làm tăng thượng duyên cho chúng ta sám hối, nếu như không có sư trưởng, thì chúng ta muốn sám hối đều không biết đối trước ai để phát lồ. Cho nên chúng ta cảm ơn sư trưởng. Đương nhiên cũng có thể hướng đồng tu của mình, thật sự có tri kiến chính xác, có đức hạnh, họ nghe tội nghiệp của quý vị, mà sẽ không chê cười, hủy báng quý vị, đó là người đáng tin cậy, chúng ta cũng có thể hướng họ sám hối.

          Cũng nói lại rằng, chúng ta phát lồ sám hối, thì cũng không phải sợ người ta nói lỗi của chúng ta. Người ta nói lỗi của chúng ta thì cũng như giúp chúng ta tiêu nghiệp chướng, nên không phải sợ. Tôi không dám nói, nói rồi sợ người khác đều biết được, tôi rất xấu hổ, tâm thái quý vị như vậy thì làm sao được thanh tịnh. Thật ra người ta đều nói quý vị, phê bình quý vị, cười chê quý vị, hủy báng quý vị, thì mới giúp quý vị tiêu nghiệp chướng. Vốn nghiệp chướng đó, thì khả năng quý vị phải đọa ác đạo, nhưng do nhờ người khác sỉ nhục, hủy báng, nên nghiệp chướng của quý vị tiêu trừ hết rồi, không phải đọa ác đọa nữa. Tội nghiệp đó ai tiêu cho quý vị? Chính là người hủy báng quý vị, người cười chê quý vị, họ giúp quý vị bỏ đi nghiệp rồi, quý vị phải cảm ơn họ, quý vị thấy họ làm vậy là đại từ đại bi giúp quý vị tiêu nghiệp chướng, quý vị có nên cảm ơn không? Sao có thể lại hận họ được chứ? Do đó đừng nên sợ người ta chê cười, sỉ nhục chúng ta, có tội phải sám, có lỗi phải sửa. Đệ Tử Quy cũng nói “Vật tuy nhỏ, chớ cất riêng, nếu cất riêng, cha mẹ buồn”, chúng ta đem vật đổi thành tội thì “tội tuy nhỏ, chớ cất riêng, nếu cất riêng, thầy buồn thương”, thì liền hoàn toàn tương ứng với trên. Đây là cung kính đối với lão sư, tức là thật sự y giáo phụng hành, còn có “Biết sửa lỗi, không còn lỗi, nếu che giấu, lỗi chồng thêm”, là hoàn toàn tương ưng, có lỗi phải sửa, sửa rồi liền không còn, tức là được thanh tịnh, nghiệp thân khẩu đều thanh tịnh rồi. Nếu như quý vị còn che giấu, thì tội này lại tăng thêm tội.

Tiếp theo điều thứ 17:

          “Thầy nói chưa xong, không được nói.”

          Tức là sư trưởng đang nói chưa xong, thì quý vị không được chen miệng vào, chen lời vào đó là bất lịch sự. Đệ Tử Quy nói “cha mẹ dạy, phải kính nghe”, sư trưởng cũng như vậy, các Ngài giáo huấn chưa xong, chúng ta phải cung cung kính kính lắng nghe, không thể tùy tiện xen lời vào. Dù có muốn phát biểu ý kiến của mình, thì cũng phải đợi sư trưởng nói xong đã.

Điều tiếp:

          “Không được ngồi, giỡn chỗ ngồi, chỗ nằm của thầy, dùng áo mũ của thầy v.v..”

          Đây nói chúng ta không được lấy loạn sử dụng những đồ đạc của sư trưởng. Trong đó nói chỗ ngồi, là chỗ mà sư trưởng bình thường ngồi, không được ngồi hỗn loạn, giường của thầy thì chúng ta không thể nằm lên, đây đều là cung kính. Ngoài ra quần áo, đồ đạc, đồ dùng cá nhân của sư trưởng, quý vị cũng không được tùy tiện lấy để dùng, lấy y phục của sư phụ mặc lên thân, tự lấy không hỏi, là chính mình đã phạm giới trộm rồi, hơn nữa trộm đồ của sư trưởng, Tam Bảo, thì tội này càng nặng hơn. Đương nhiên nếu như sư trưởng cho phép quý vị, hoặc thí dụ là quý vị không có mũ, sư trưởng cho quý vị đội, như vậy thì được. Như Sư phụ Thượng nhân của chúng ta cũng thường thường đem những y phục, đồ dùng của Ngài cho đi, Ngài có rất nhiều dùng không hết, thì cho tôi dùng, đó là sư trưởng có thể cho. Nếu như sư trưởng không cho, mà quý vị tự lấy để dùng, thì phạm giới rồi.

Tiếp theo điều thứ 19:

          “Vì thầy đi đưa thư từ, thì không được tự ý mở xem, cũng không được cho người khác xem. Đến chỗ kia có hỏi, nên trả lời thì thành thật đáp, không nên trả lời thì khéo léo khước từ câu hỏi đó. Họ mời ở lại thì không nên ở, phải nghĩ mau trở về, nếu như đường xa trời tối, gió mưa, có nạn duyên v.v.. thì tùy thời mà định.”

          Đây nói vì sư trưởng của mình mà đi đưa thư, “đưa thư từ”. Thời xưa bởi vì việc gửi thư rất là khó khăn, thường thường có thể quý vị phải tự mình đi đưa thư, hoặc đưa cho người truyền thư, chuyển lời v.v.. hoặc sư trưởng nhờ quý vị mang thứ gì đó đem cho người khác, quý vị đều phải cung cung kính kính. Nếu như là thư từ, không thể “tự ý mở xem”. Đó cũng là phạm giới trộm rồi, không có thông qua đồng ý của sư trưởng mà quý vị đã xem, loại tâm này thật sự cùng với đạo không tương ưng. Thật sự có tâm đạo thì nhiều việc không bằng ít việc, biết nhiều việc thì phiền não nhiều, quen nhiều người thì thị phi nhiều, vốn sự việc càng ít càng tốt, mà quý vị còn vô cớ tìm việc, còn đi xem thư của người ta, tâm như vậy thì sai rồi. Thư đó cũng không được tùy tiện cho người khác xem, bởi vì quý vị làm sao biết nội dung trong thư của sư trưởng có thích hợp không mà truyền ra bên ngoài? Nếu quý vị cho người xem rồi, có thể tiết lộ ra ngoài, tạo thành rất nhiều phiền phức. Đến nơi đưa thư rồi, liền giao thư ngay cho người, người khác có hỏi, quý vị xem xét đáng trả lời hay không, nếu như thấy họ hỏi không thỏa đáng, thì quý vị có thể không trả lời. “Nên đáp” thì quý vị có thể trả lời, quý vị cứ thật mà trả lời, cũng không được vọng ngữ; nếu như “không nên đáp”, thì quý vị “khéo léo khước từ”, tức nói việc này tôi không biết, tôi không hiểu rõ, quý vị có thể hỏi người nào đó, quý vị có thể đến hỏi sư trưởng, tôi không biết rõ, đây là một cách. Bởi vì nếu quý vị tùy tiện nói, thường thường có thể làm rối loạn tình hình chung, ảnh hưởng đến những kế hoạch của sư trưởng, điều này không nên. “Họ mời ở lại”, tức nếu như họ mời quý vị ở lại một đêm, thì quý vị không nên tùy tiện mà nói ‘tốt, tôi sẽ ở lại đây’. Quý vị phải xem xem có thể gấp rút về được không, không về ngay được thì có thể ở lại, phải cố gắng về với sư phụ, “phải nghĩ mau về”, mau về càng sớm càng tốt. Nếu đường đi rất xa xôi, mà trời sắp tối, mặt trời đã xuống núi tây, đi về có thể không tiện, hoặc đang lúc “mưa gió”, bão, hoặc có thiên tai v.v.. những nhân duyên như vậy, thì quý vị có thể tùy thời mà định, thì quý vị có thể quyết định ở lại một đêm. Trong Đệ Tử Quy cũng nói “việc không tốt, chớ dễ nhận”, sự việc nên làm, có thể làm mới nhận lời, nếu như “dễ nhận lời, thì sai lầm”. Cũng là khuyên nên nói mới nói, không nên nói thì chúng ta phải “khéo léo khước từ”. Nên ở lại hay không, thì cũng phải xem nhân duyên, nói chung phải mau chóng về với sư trưởng.

Chúng ta xem tiếp điều thứ 20:

          “Thầy tiếp khách, hoặc đứng chỗ thường đứng, hoặc đứng cạnh thầy, hoặc đứng sau thầy, cần phải cho tai mắt tiếp nhau, hầu thầy khi cần.”

          Đây nói đối với thầy, lúc thầy đang tiếp đãi khách khứa, thì quý vị nên đứng ở chỗ nào? Quý vị phải nên “đứng chỗ thường đứng”, tức là nơi quý vị bình thường hay đứng, sư trưởng biết được quý vị đứng chỗ đó, thì dễ dàng tìm quý vị. Hoặc đứng bên “cạnh thầy”, một bên của lão sư, hoặc  “sau thầy”, sao cho sư phụ có thể tùy lúc gọi quý vị, tiện cho Ngài dặn bảo. Ngài có điều muốn nói với quý vị, “cần phải cho tai mắt tiếp nhau, hầu thầy khi cần”, Ngài có thể tùy lúc tìm đến quý vị, tai có thể nghe được tiếng gọi của sư trưởng, Ngài không dùng lớn tiếng mà quý vị vẫn nghe được, hoặc mắt Ngài có thể thấy được, gọi là “tai mắt tiếp nhau”, chờ nghe lời sai bảo của thầy, tùy thời mà phụng sự sư trưởng.

Điều tiếp theo:

          “Thầy đau bệnh, thì hết lòng điều trị, phòng thất, chăn nệm, thuốc thang, cơm cháo, v.v.. mỗi mỗi chú tâm lo liệu.”

          Nếu sư phụ bị bệnh, quý vị phải sắp đặt trước giường nằm, “Cha mẹ bệnh, nếm thuốc trước, ngày đêm hầu, không rời giường”, ở nhà đối với cha mẹ như vậy, xuất gia đối với thầy, sư trưởng cũng như vậy. Hết lòng điều trị, tức là lo liệu điều trị, tìm bác sĩ, thuốc cho thầy, hoặc sắc thuốc v.v… “Phòng thất”, tức là có phòng đặc biệt, nếu như có nhu cầu cần phòng chăm sóc đặc biệt, cũng phải tìm sắp xếp. “Chăn nệm”, tức là sư phụ đã lớn tuổi, rời khỏi giường không nổi, có thể không cẩn thận đại tiểu tiện trên giường, làm bẩn rồi, thì quý vị phải tùy theo mà thay giặt. Như hiếu tử Vương Hi Mẫu của Đại Liên, cha ông bị bệnh người thực vật 26 năm, Vương Hi Mẫu săn sóc phục vụ tại giường, mỗi ngày thay đổi nệm giường, mỗi ngày đấm bóp cho cha của ông, đút cơm cháo, nửa giờ cho đứng dậy một lần, mỗi hai giờ thì đấm bóp một lần, mỗi ngày cho cha ăn cơm cháo sáu lần. Còn giúp cha mỗi ngày xuống đất đi, người thực vật làm sao đi được? Vì ông ôm cha, để hai chân cha lên chân của mình, ông và cha của ông như mặt đối mặt vậy, sau đó tự ông đi lùi, như vậy giống như cha ông cũng đi bộ vậy, hai chân thì di chuyển theo hai chân của ông, đi như vậy. Một lần đi là một giờ, đó là giúp cha vận động. Quý vị thấy đây là tâm hiếu thật đạt đến cùng cực. Nếu dùng tâm như vậy để phụng sự sư trưởng, loại tâm thành kính của ông, thì thật sự có thể giúp người ta nhập đạo, cho nên phải có tâm thành kính và hiếu như vậy. “Thuốc thang”, tức là những thứ thuốc điều trị. “Cơm cháo”, là hàng ngày, có bệnh phải cần ăn uống đặc biệt, mỗi mỗi đều phải dụng tâm để lo liệu.

Tiếp theo:

          “Phàm hầu thầy, thầy không bảo ngồi thì không dám ngồi, không hỏi thì không dám thưa, trừ khi mình có việc muốn hỏi.”

          Chúng ta phụng sư sư trưởng, cần phải hết sức yên lặng, không được hay nói chuyện làm phiền sư trưởng. Chúng ta phụng sự ở bên cạnh sư trưởng, nếu như sư trưởng không nói chúng ta ngồi xuống, thì chúng ta “không dám ngồi”, bảo chúng ta ngồi thì chúng ta mới ngồi. Đệ Tử Quy cũng nói “Người lớn đứng, nhỏ chớ ngồi, người lớn ngồi, cho phép ngồi”, các Ngài bảo quý vị ngồi thì quý vị mới có thể ngồi, đây là cung kính. “không hỏi, thì không dám thưa”, tức các Ngài không hỏi, mở lời thì quý vị không nên nói trước, khi hỏi quý vị, quý vị mới trả lời. Trừ khi chính mình có việc cần hỏi sư trưởng, thì quý vị có thể mở lời trước, cho nên phải hết sức yên lặng.

Đoạn tiếp:

          “Phàm đứng hầu, không được dựa vách, tựa vào ghế, mà nên đứng thẳng thân chân ngay ngắn bên cạnh thầy”

          Đó là đứng thì có tướng đứng, không thể dựa vào vách tường, vào ghế, phải “đoan thân”, thân thể phải ngay thẳng. “Chân ngay” là hai bàn chân phải thẳng, đây là dáng đứng rất đoan chánh. Như Đệ Tử Quy cũng nói: “chớ đạp cửa, không đứng nghiêng, chớ ngồi dang, không rung đùi”, đứng nghiêng tức là nghiêng ba ngã bốn, giống như lúc đứng một chân vậy, toàn lực của thân chỉ dồn vào một chân, lưng thì bị cong, như vậy đều là mất oai nghi. Ngồi dang tức là khi ngồi, hai chân lại mở rất rộng, giống như cái hốt rác vậy, ngồi trông rất khó coi. Còn rung đùi, lắc đùi, đều là rất khó coi. Huống là người xuất gia, cần phải có những oai nghi, cho nên đi đứng nằm ngồi gọi là tứ oai nghi. Quy nạp tất cả oai nghi là đi đứng nằm ngồi: “đi như gió, ngồi như chuông, đứng như tùng, nằm như cung”, đây là hình thức của oai nghi, rèn luyện lâu ngày thành thói quen, người khác nhìn thấy quý vị, tự nhiên khởi lên cung kính. Quý vị xuất gia là mẫu mực của trời người, quý vị phải làm ra được gương tốt. Dù là tại gia học Phật, cũng phải “học vi nhân sư, hành vi thế phạm”, phải làm tấm gương tốt cho người thế gian. Trong Đệ Tử Quy cũng nói “Đi thong thả, đứng ngay ngắn”.

Tiếp theo điều thứ 24:

          “Muốn lễ bái, nếu thầy ngăn lại, thì thuận theo lệnh thầy, đừng lạy. Tây Độ chỉ có một lạy, không có pháp ba lạy”

          Đây là nói lạy thầy cũng phải có lễ tiết, tiết là vừa đúng, có chừng mực, không được quá nhiều, quá nhiều thì biến thành nịnh nọt, không thích hợp. Nên chúng ta lễ lạy có lúc, thông thường đối với sư trưởng là một lạy. Thông thường lễ khi nào? Nếu sáng sớm đến vấn an, có thể lễ lạy; hoặc là vừa đi xa về, thì đương nhiên phải lễ lạy. Chúng ta xướng lên: đảnh lễ sư phụ, thì thông thường là một lạy, ít khi lạy ba lạy, trừ khi là nhân duyên đặc biệt. Như ngày 27 tháng 9 năm 2006, đó là ngày rất quan trọng của cuộc đời tôi, mẹ tôi dẫn tôi đến lạy thầy, ở tại Hương Cảng, là chính thức thỉnh Sư phụ Lão Nhân gia tiếp nhận tôi làm học trò. Khi đó chúng tôi theo cổ lễ đối trước Phật Bồ tát lễ 3 lạy, sau đó thỉnh Sư phụ Lão Nhân gia ngồi, mẹ tôi dẫn tôi hướng Sư phụ lạy ba lạy. Lúc đó Sư phụ cũng rất nghiêm trang tiếp nhận, Ngài thay bộ trang phục mới, ngồi ngay ngắn, chúng tôi nói chúng con xin đảnh lễ Sư phụ ba lạy, Ngài không có nói một lạy, cũng không nói đừng lạy, tức là tiếp nhận ba lạy của chúng tôi. Nhân duyên như vậy có thể một đời thì một lần thôi, không thường thường có. Bình thường gặp mặt thì một lạy là đủ rồi. Cho nên chúng ta lễ thầy, đặc biệt là lúc thông thường đảnh lễ, thì Sư phụ đều sẽ nói một lạy hoặc nói đừng lạy, nói đừng lạy tức bảo quý vị dừng lại. “Nếu thầy ngăn lại, thì thuận theo lệnh thầy”. Có người đối với Sư phụ đặc biệt cung kính, mỗi lần gặp liền nhanh nhanh dập đầu xuống ba lần rồi, thầy nói khỏi lạy, khỏi lạy, khỏi lạy, nhưng họ vẫn tiếp tục dập đầu, đó tức là trái lại với ý thầy là không cung kính. Vì sao vậy? Quý vị không nghe lời, bảo quý vị đừng lạy thì quý vị không lạy, vậy mới là nghe lời, nghe lời tức là cung kính.

Tiếp theo điều 25:

          “Thầy có sai bảo, nên làm cho kịp thời, không được trái lười”

          Sư phụ bảo quý vị làm việc gì, sai khiến quý vị, thì quý vị phải “làm cho kịp thời”, mau chóng để hoàn thành. Cũng như “cha mẹ bảo, chớ làm biếng”, “không được trái lười”, là không thể trái nghịch, không được lười biếng.

Điều 26:

          “Phàm ngủ nghỉ, không được ngủ trước thầy, trừ khi có bệnh, thì bạch thầy rồi mới ngủ trước.”

          Tối đến lúc ngủ nghỉ, chúng ta phải phục vụ săn sóc sư trưởng, để sư trưởng ngủ say. Xem xét nếu như ngày đông, “đông phải ấm, hạ phải mát”, hiện nay điều kiện đã tốt rồi, có thể dùng nệm điện tử, thì khởi động nệm điện tử trước một giờ đồng hồ, đem chăn bông phủ lên, thì giường ngủ cũng rất ấp áp, sau khi thầy ngủ rồi, thì rút phích cắm điện ra, không nên để điện khi ngủ, vì từ trường ảnh hưởng không tốt, phải suy nghĩ tinh tế. Mùa hè rất nóng thì phải làm sao? Mở máy điều hòa, cho máy chạy khoảng 20 phút, thì cả phòng đều mát mẻ rồi, thỉnh thầy đi ngủ, sau đó tắt máy điều hòa. Không nên mở máy điều hòa cả đêm, khi đêm ngủ, lỗ chân lông mở ra, thì khí lạnh đi vào trong người sẽ làm hại thân thể, đây là thường thức phải biết. “Đông phải ấm, hạ phải mát”, thời xưa dùng quạt, hiện nay có máy điều hòa, quý vị có thể thoải mái rồi. Nhưng những đạo lý này chúng ta phải biết, nguyên lý nguyên tắc đều giống nhau, đều cùng tinh thần kính thầy như vậy. Trừ khi quý vị có bệnh, cơ thể quý vị rất buồn ngủ không chịu nổi nữa, phải đi ngủ sớm, thì phải nói với Sư phụ: thân thể con đang có chút bệnh, con muốn về trước để nghỉ ngơi. Sư trưởng nói được, sư phụ đều rất từ bi, sẽ không trách, trở ngại quý vị, quý vị báo cáo rồi sư trưởng liền nói: tốt, con về đi. Quý vị có thể về nghỉ. Những điều này có vẻ rất đơn giản, nhưng trên thực tế quý vị không muốn làm thì tức là quý vị không đủ cung kính.

Tiếp tục điều 27:

          “Có người hỏi tên thầy, nên nói thượng A hạ B. Nếu hỏi hiệu thầy thì nói hiệu của thầy.”

          Đây cũng là “với người lớn, chớ gọi tên”, là quy củ của Phật môn, danh hiệu của Sư phụ mình không kể là thầy thế độ của quý vị hay thầy truyền pháp, y chỉ sư, thầy truyền giới, trong truyền giới có thập sư, tam sư thất chứng đó là thập sư, hễ vì quý vị mà làm thầy, đều không được gọi thẳng, báo cáo thẳng tên. Người ta hỏi quý vị: sư phụ của quý vị tên gì? Thầy thế độ của quý vị tên gì? Quý vị không thể xưng ngay Pháp danh của Ngài, mà phải nên đáp “thượng A hạ B”, như ân sư thế độ của tôi là trưởng lão thượng Sướng hạ Hoài, thêm chữ thượng hạ là biểu thị trân trọng cung kính. Khi cần phải báo cáo tên, thì quý vị không thể nói: sư phụ của tôi tức là sư phụ của tôi, như vậy thì người ta nghe cũng không hiểu, lúc đó quý vị phải nói tên, dùng thượng hạ, họ cũng liền nghe được rõ ràng. “Hỏi hiệu thầy”, Sư phụ quý vị có tên riêng, và có hiệu, hiệu thì người khác có thể xưng, quý vị có thể xưng hiệu của Ngài. Thí dụ như Đại sư Ngẫu Ích, Ngài có hiệu là Đại sư Linh Phong, quý vị có thể nói Linh Phong, tuy nhiên Đại sư Linh Phong ra đi rồi thì người sau mới xưng Ngài. Nhưng có một số người cũng có hiệu, quý vị thấy Lão sư của Sư phụ chúng ta là Lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam có hiệu là Tuyết Lư Lão Nhân. Giả sử nếu người khác hỏi hiệu của Sư phụ quý vị là gì? Thì quý vị có thể trực tiếp nói hiệu là Tuyết Lư, đây không phải là tên của Ngài, quý vị không được gọi tên của Ngài, nhưng gọi hiệu của Ngài thì không sao, bởi vì bản thân của hiệu thì đã là cung kính tôn trọng đối với Ngài rồi.

Tiếp theo điều 28:

          “Không được rời thầy mà ở riêng, nếu thầy qua đời hoặc đi xa mà không đi theo được, thì nên hỏi y chỉ thầy nào, theo thầy dạy, thì theo thầy y chỉ mà ở, và làm tất cả việc như pháp thờ thầy vậy. Nếu thầy không chỉ thị mà đột ngột qua đời, đi xa, thì phải chọn lại bậc minh sư để y chỉ mà ở. Nếu thầy hoàn tục, nếu thầy phá giới, nếu thầy bị Đại tăng đuổi, thì cũng phải chọn lại bậc minh sư để y chỉ mà ở. Không được tự tiện buông lung.”

          Đoạn này nói y chỉ sư của quý vị, y chỉ sư cũng là Hòa thượng của quý vị, quý vị không thể tùy tiện rời Ngài, tự mình tìm đến nơi khác để sống, đi vì để tịnh tu, thật ra đó là không đúng. Vì khi chưa có thành tựu, thì không thể rời khỏi Hòa thượng, không thể lìa xa Lão sư. Trải qua ít nhất 5 năm học giới, là học tập với thầy, nghe thầy dạy bảo. Đây là nghĩa rộng của giới, những dạy bảo của thầy đều phải tuân theo, đó là năm năm học giới. Không chỉ là Ngũ giới, Thập giới, Tỳ kheo giới, đây đương nhiên cũng là giới, càng quan trọng hơn, là dạy bảo của thầy nhất định phải tuân thủ. Nếu tự mình thật sự còn chưa khai ngộ, mà thầy của mình xác xác thật thật là thiện tri thức, thì không thể rời Ngài, cần ở một mạch đợi đến khi khai ngộ mới có thể rời thầy.

          Nếu lão sư qua đời hoặc đã vãng sanh, hoặc Ngài phải đi xa, một khi đi xa thường là nhiều năm, có thể Ngài cũng phải tham học hoặc có người thỉnh Ngài đến dạy học, phải rời đi thời gian rất lâu, mà quý vị lại không thể đi theo. Thì phải làm sao? Cần phải hỏi y chỉ sư của mình, thầy đi rồi, con “y chỉ với thầy nào?”, như tôi thế độ ở dưới tòa Sướng Công, tôi cũng phải tôn trọng Lão nhân gia, trước khi thế độ cũng phải hỏi, con có thể y chỉ Tịnh Lão được không? Ngài đã đồng ý, tôi mới có thể y chỉ. “Theo thầy dạy, thì theo thầy y chỉ mà ở”, Lão sư giới thiệu cho quý vị, hoặc là Lão sư đồng ý, thì quý vị cần nhất tâm nhất ý đi theo vị y chỉ sư mới, không được tùy tiện thay đổi Lão sư. Tùy tiện thay đổi Lão sư, hôm nay theo học người này, ngày mai theo học người kia, theo rất nhiều thiện tri thức, đến sau cùng tâm loạn cả lên. Bổn tâm sẽ không định, vì thường hay thay đổi nơi ở, thì tâm sẽ không định. Thường hay nghe rất nhiều người, người này nói này, người kia nói kia, tuy có thể những người ấy đều là thiện tri thức, nhưng chính quý vị cũng không thể viên dung giáo huấn của các Ngài, thì trong tâm của quý vị sẽ sinh ra mâu thuẫn. Nên nhất định phải theo học một người thầy, phải học thành rồi mới có thể học rộng nghe nhiều, đi tham hỏi thiện tri thức.

          Thiện tri thức y chỉ mới cũng phải tất cả việc “như pháp thờ thầy”, cũng phải hoàn toàn y theo nguyên tắc thờ thầy để làm, cũng giống như đối với y chỉ sư lúc đầu vậy. “Nếu thầy không chỉ thị”, nếu thầy không có nói mà đã mất rồi, hoặc đã vãng sanh, hoặc đã rời khỏi, thì tự mình cần phải “chọn lại bậc minh sư để y chỉ mà ở”. Đây là tự mình phải lựa chọn, sự chọn lựa này rất là quan trọng, phải xem lời nói việc làm của vị thiện tri thức đó có tương ưng không, xem chính thầy ấy có phải là thực sự làm, có tu có học hay không, tri kiến của Ngài có chính xác không? Ngài có sư thừa không? Ngài học từ đâu? Điều này rất quan trọng. Nếu Ngài có sư thừa, một mạch truyền thừa từ trên xuống, thì pháp của Ngài sẽ là chánh; nếu không có sư thừa, tự mình rèn luyện mài dũa làm ra, như vậy thì không nhất định có thể tin cậy. Nếu như sư phụ của mình đã hoàn tục rồi, quý vị theo Ngài thế độ, mà Ngài đã hoàn tục, có trường hợp này không? Cũng có chứ. Hoặc Ngài phá giới, Ngài không đúng như pháp, bị Tăng đoàn diệt tẩn, tức bị đuổi ra khỏi Tăng đoàn, thành ra quý vị không còn Lão sư nữa, không còn Lão sư thì quý vị được “chọn lại bậc minh sư để y chỉ mà ở”, không được “tự tiện buông lung”, hiện giờ không có người quản tôi, thì tôi có thể tự tiện làm loạn rồi, như vậy là trái ngược với chí nguyện xuất gia của quý vị. Tương ưng với đoạn này thì trong Đệ Tử Quy cũng nói “gần người hiền, tốt vô hạn, đức tiến dần, lỗi ngày giảm”. Cho nên nhất định phải lựa chọn minh sư để thân cận, thì đức hạnh của quý vị mới ngày một đi lên, tu hành, học vấn của quý vị mới có thể tăng trưởng.

Tiếp theo điều 29:

          “Tuổi đủ 20, am hiểu việc xuất gia, thì nên cầu thầy cho phép tiến tới giới Tỳ-kheo. Nếu tuổi chưa đủ 20 hoặc tuy đủ 20 tuổi, mà các duyên chưa đủ, không thể tiến tới giới Tỳ-kheo, thì nên phát tâm Bồ đề, trước cầu thọ giới Bồ tát, làm Bồ-tát Sa-di học pháp Đại thừa. Đợi đủ tuổi, đủ duyên, lại tiến tới giới Cụ túc, thành Bồ-tát Tỳ-kheo.”

          Chúng ta xuất gia tu hành đều phải nỗ lực hướng lên trên, trước thọ giới Sa di, sau thọ giới Tỳ-kheo, giới Bồ-tát, không ngừng nâng cao lên. Thọ giới Tỳ-kheo là có điều kiện, thứ nhất là tuổi phải đủ 20, thứ hai là đối với việc xuất gia chính mình cũng đã am hiểu rõ ràng rồi, am tức là hiểu rõ. Không thể mới xuất gia, điều gì cũng không biết, liền thọ giới Tỳ kheo, trở thành đại Tỳ kheo, kết quả là làm gì đều không như pháp, vả lại làm tổn hại hình tướng Phật môn, và bị người chế nhạo. Cho nên thọ giới Tỳ kheo không nên gấp, trước nên học giới Tỳ kheo, sau theo Hòa thượng (Thân giáo sư) của quý vị để sinh sống sinh hoạt ở trong Tòng Lâm, sinh sống cùng với Tăng đoàn, quý vị từ từ quen với đời sống xuất gia rồi. Thường ngày từ sáng đến tối, như giới luật của Sa di, quý vị đều phải thực hiện được. Bởi giới Sa di và oai nghi đều là nền tảng của giới Tỳ kheo, rất nhiều điều giống nhau, quý vị đều làm được hết rồi, đó là lúc quý vị có thể tiến lên một bậc để thọ giới Tỳ kheo, nhưng cũng phải được sư phụ đồng ý. Quý vị thấy hiện nay Trung Hoa Đại Lục truyền giới ngày càng hợp lí theo như pháp, quy củ cũng ngày càng nghiêm minh. Quý vị muốn thọ giới, tất phải được sư phụ xuất gia của quý vị đồng ý, không thể tùy tiện tự mình muốn thọ thì thọ.

          Tuổi chưa đủ 20 thì không được thọ, vì quy định giới Tỳ kheo là 20 tuổi trở lên, cho nên từ 20 tuổi trở lên mới có thể thọ. “Hoặc tuy đủ 20 tuổi” nhưng “các duyên chưa đủ”, thí dụ quý vị là mới xuất gia, không hiểu được những sinh hoạt đi ở hành trì của người xuất gia, hoặc quý vị không có duyên phận đi thọ giới, như vậy thì không cần phải gấp, “Không thể tiến tới giới Tỳ kheo”, có thể trước “phát tâm Bồ đề”, cầu giới Bồ-tát. Giới Bồ-tát không có hạn chế về tuổi đời, mọi người đều có thể thọ, chỉ cần phát tâm Bồ-đề. Phát tâm Bồ-đề là giới thể của giới Bồ tát, quý vị đã phát tâm Bồ-đề thì có thể thọ. Nhưng tâm Bồ đề này không phải ai cũng có thể phát ra được, thật sự phát tâm rộng độ tất cả chúng sanh, xả mình vì người, “chỉ cầu chúng sanh đều lìa khổ, không cầu bản thân mình được an vui”. Đầu mắt xương tủy của Bồ tát cũng cung cấp cho chúng sanh, chúng sanh có nhu cầu mắt của tôi, thì tôi móc mắt ra; chúng sanh cần xương tủy của tôi, thì tôi đem xương tủy của tôi cho họ, toàn bộ thân mạng đều có thể dâng tặng, tôi vì chúng sanh có thể đều đem tất cả ra dâng tặng, như vậy là có đại Bồ đề tâm. Tôi chính mình phải nỗ lực tu hành, tương lai vãng sanh thành Phật rộng độ chúng sanh, như vậy là phát đại Bồ-đề tâm, người như vậy có thể thọ giới Bồ-tát. Tuy không thọ giới Tỳ-kheo, mà đã thọ giới Bồ tát, thì gọi là “Bồ-tát Sa-di”.

          Giới Bồ-tát không chỉ người mới có thể thọ, kỳ thật quỷ thần cũng có thể thọ, trời, rồng, súc sanh đều có thể thọ, rồng là súc sanh, cho nên tất cả chúng sanh mười pháp giới đều có thể thọ giới Bồ-tát. Vả lại giới Bồ-tát rất thù thắng, đã thọ một lần là về sau vĩnh viễn đều có giới Bồ tát, tức là đều có hiệu lực, không như giới Tỳ kheo, giới Sa di chỉ là tận hình thọ, quý vị đời này chết rồi, thì đời sau quý vị phải thọ lại. Giới Bồ tát không như vậy, quý vị có thể bắt đầu từ nay đến tận cùng vị lai, một đường thẳng tới thành Phật đều có hiệu lực, nên giới Bồ tát rất là thù thắng. Nhưng phải là thật phát tâm làm Bồ tát mới được, nếu không thì chỉ thọ những điều giới chứ không có tác dụng. Như người tại gia, có tại gia Bồ tát giới, tổng cộng có 6 giới trọng và 28 giới khinh, Ưu-bà-tắc, đó là giới Bồ tát tại gia; xuất gia thông thường là thọ Phạm Võng Bồ tát giới gồm 10 giới trọng và 48 giới khinh, chúng tôi trong Tam đàn Đại giới cũng thọ 10 giới trọng, 48 giới khinh này. Nhưng đó là thế nào? Quý vị phải đã thật phát đại tâm, thì quý vị mới là Bồ tát chân chánh; nếu chỉ đã thọ điều giới, mà không phải là Bồ tát thật, là Bồ tát giả, gọi là Bồ tát đất, Bồ tát đất qua sông chính thân mình đều khó giữ, thì quý vị làm sao có thể rộng độ chúng sanh? Cho nên phải “học pháp Đại thừa”, học thì nhất định phải thật sự tu.

          “Đợi” tức là phải chờ đợi đủ 20 tuổi, các duyên đủ rồi, nhân duyên đầy đủ, thì quý vị có thể lại tiến một bước thọ Cụ túc giới, tức là giới Tỳ kheo, chúng nữ thì thọ giới Tỳ kheo ni. Theo Luật Tứ Phần, thì giới Tỳ kheo có 250 điều; giới Tỳ kheo ni có 348 điều, cho nên quý vị trước phải học cho tốt. Giới trường thời cổ yêu cầu quý vị đều phải học thuộc lòng, những Sư cô ấy học thuộc 348 điều giới, thì mới có thể thọ giới Tỳ kheo ni; 250 điều giới Tỳ kheo mà quý vị học thuộc rồi, mới có thể thọ giới, nếu quý vị không nhớ được, thì quý vị làm sao mà có thể thọ trì được? Yêu cầu rất nghiêm khắc, không phải tùy tùy tiện tiện. Như Đại sư Ngẫu Ích sau khi xuất gia, cũng là thọ Bồ tát giới trước, năm 24 tuổi xuất gia, 26 tuổi thọ giới Bồ tát, đến 32 tuổi mới thọ giới Tỳ kheo, Ngài thọ giới Tỳ kheo khá muộn. Ngài rất chân thật học giới, thật sự hiểu rõ mới đi thọ giới, không phải tham hư danh.

          Tuy nhiên hiện nay mà nói thọ giới Tỳ kheo, thực sự có hình thức, khó có thật chất nữa. Lời này là của Đại sư Ngẫu Ích, nói ra cũng rất đau lòng, Ngài nói: kể từ thời Nam Tống trở về sau thì gần như không có Tỳ kheo chân chánh nữa. Mà quý vị muốn thọ giới Tỳ kheo, phải dùng pháp yết ma, pháp yết ma này thì ở Trung Hoa thường dùng Thập sư, là mười người xuất gia, bởi giới luật yêu cầu tối thiểu năm vị Tỳ kheo trở lên để truyền giới cho quý vị. Đã gần như không có Tỳ kheo nữa, thì quý vị tìm đâu ra được năm vị Tỳ kheo để truyền giới cho quý vị? Không đầy đủ số Tăng để làm pháp yết ma, thì rất khó đắc giới. Cho nên dựa theo pháp yết ma mà nói, thì hiện nay không đắc giới được. Đại sư Hoằng Nhất tự nói mình không đắc giới, Đại sư Ngẫu Ích cũng tự nói Ngài không đắc giới Tỳ kheo, đó là bậc Đại đức, chỉ cả đời làm Sa di Bồ tát giới. Đại sư Hoằng Nhất tự xưng là xuất gia Ưu-bà-tắc, chỉ thọ năm giới và giới Bồ tát, làm Ưu-bà-tắc, nhưng đã xuất gia, cạo tóc rồi, cho nên xưng xuất gia Ưu-bà-tắc. Nhưng dù không đắc giới Tỳ kheo, không thể nói không học giới Tỳ kheo, như Đại sư Hoằng Nhất nói: quý vị vẫn phải đi thọ qua, quý vị thọ rồi mới có thể học, thì người khác sẽ không thể nhạo báng quý vị được. Tôi đã thọ qua rồi, tôi hiện nay phải học, thì giống như đang thực tập học giới, thọ giới rồi giống như là bắt đầu học. Không như người xưa, học tốt hết rồi mới thọ giới. Chúng ta hiện nay thì trước đi thọ hình thức, sau lại học thật tốt.

          Nếu trong các quý vị có người chân chánh phát tâm xuất gia, có chí hướng lên, mong tiếp nối dòng Phật, tiếp nối dòng Tăng, dòng Tăng là dựa vào giới Tỳ kheo, thì quý vị phải nghiêm túc học giới Tỳ kheo, tương lai có thể như lý như pháp để truyền giới. Làm sao truyền? Đại sư Ngẫu Ích nói: mạt thế muốn chân chánh đắc giới Tỳ kheo, giới Sa di, giới Bồ tát, chỉ có dựa vào Chiêm Sát Luân Tướng. Đó là phương pháp, Chiêm Sát Thiện Ác Nghiệp Báo Kinh, trong đó là dùng Chiêm Sát Luân Tướng để cầu, tức là xem chính mình có đạt giới Tỳ kheo hay không, điều này rất khó. Khi Đại sư Ngẫu Ích hỏi chính mình đắc được giới gì? Ngài trong lúc An cư Kiết hạ, ba tháng trì chú, tu tâm thanh tịnh, sau đó Ngài rút thẻ. Ngài đã làm một số thẻ thăm, thứ nhất là thẻ Hòa thượng, bởi vì Ngài đã thọ giới qua 10 hạ, từ 10 hạ trở lên có thể làm Hòa thượng rồi, xem chính mình đắc được những gì, đắc Hòa thượng hay không đạt đến Hòa thượng? Có đắc giới Tỳ kheo không? Có đắc giới Bồ tát Sa di không? Hoặc Sa di không đắc, thì có được Bồ tát giới Ưu-bà-tắc không? Hoặc thậm chí là Ngũ giới, hoặc thậm chí là người Tam quy, tất cả giới đều không có thì làm Tam quy, thì tôi làm thiện nam, tín nữ tin Phật pháp. Làm những thẻ như vậy để hỏi. Cả một hạ, mỗi ngày trì chú, để tu tâm thanh tịnh, sau đó đốt cánh tay cúng Phật để cầu lấy thẻ đã làm đó, Ngài cầu được chính mình là Bồ tát giới Sa di. Nên từ đó về sau, Ngài không dám xưng mình là Tỳ kheo nữa, chỉ dám xưng là Bồ tát giới Sa di. Đây là làm người chân thật, không làm người giả dối.

          Chúng ta đi thọ giới, trên thật tế là để học tập, học thì phải học cho thật tốt. Sáng sớm mỗi ngày, quý vị có thể dùng Chiêm Sát Tướng Pháp để hỏi xem có đắc giới Tỳ kheo (mạt thế muốn đắc giới, chỉ có dựa vào phương pháp này), quý vị phải thật sư tu trì tinh nghiêm, trường hợp quý vị có thể đắc giới Tỳ kheo, thì tốt quá rồi! Quý vị liền là Tăng nhân, là Đại Tăng chân chánh. Giả như có năm người đều dùng cách này đắc giới pháp, thì đây là Tăng đoàn đã xuất hiện, 5 người đó dùng pháp yết ma thì có thể truyền giới. Cho nên phải thật sự đem Phật pháp phục hưng trở lại, có thể chỉ có nương vào phương pháp này, bởi vì từ thời Nam Tống trở về sau, Tăng chủng đoạn đứt, gần như không có chân chánh Tỳ kheo nữa. Nói lời thật, không có Tỳ kheo cũng tức là không có Sa di, vì sao vậy? Vì muốn đắc giới Sa di, thì tối thiểu phải có một Tỳ kheo truyền giới cho quý vị. Hiện nay thông thường là hai vị Tỳ kheo, quý vị thấy khi quý Ngài làm nghi thức đều cần hai người, một là Hòa thượng, một là yết ma, hai vị đó để truyền giới cho quý vị. Nếu chỉ có một vị Tỳ kheo là không được, thì đương nhiên quý vị không đắc giới Sa di. Cho nên học giới Sa di, thì không nên tự xưng là Sa di, tự xưng Sa di gọi là Đại vọng ngữ, quý vị không phải là Sa di mà nói tự mình là Sa di. Khi trước quý vị không biết, trong trường hợp quý vị lỡ xưng vậy rồi, nói tôi là Tỳ kheo, tôi là Sa di, thì thôi không tính nữa, bởi vì quý vị không biết, không biết là không tội, nhưng đó gọi là tăng thượng mạn. Hiện nay đã biết rồi, còn tự xưng mình là Tỳ kheo, là Sa di, thì gọi là Đại vọng ngữ, mà Đại vọng ngữ thì không chừng đọa địa ngục A Tỳ. Không thể được! Nên lão lão thật thật, tôi là người thế nào thì nói là thế đó, Đại sư Hoằng Nhất nói chính mình là xuất gia Ưu-bà-tắc, chúng ta làm xuất gia Ưu-bà-tắc cũng phải xấu hổ. Chúng ta đương nhiên phải hổ thẹn, khi khoác lên chiếc Ca sa này, nhưng chúng ta phải thật thà, làm tốt tất cả những hư danh đã thọ này.

Điều tiếp theo:

          “Căn Bản Tạp Sự nói: Nếu ai nương nhờ thầy, ở trong Phật pháp được cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục, đem tâm tịnh tín, xuất gia tu hành, thì người ấy đối với thầy, dầu cho đến suốt đời cúng dường tứ sự, cũng chưa thể báo đáp ân thầy.”

          Sau cùng dẫn câu nói từ Bộ Luật căn bản, đây là kinh do Ngài Pháp sư Nghĩa Tịnh triều nhà Đường dịch, nói vì sao phải hầu thầy. Bởi vì ân đức của thầy đối với chúng ta rất lớn, giúp chúng ta xuất gia, ân đức này còn nặng hơn so với ân đức của cha mẹ. Trên thực tế, trong kinh nói, vị Hòa thượng mà đời này giúp chúng ta xuất gia, thì ít nhất trong quá khứ đã bảy đời là cha mẹ của chúng ta, nên Ngài mới có duyên phận thế độ cho chúng ta. Cho nên chúng ta đối với thầy thì phải như đối với cha mẹ vậy, phải vô cùng tôn trọng, phải hiếu kính. “Nếu ai nương nhờ thầy”, chúng ta nương tựa một vị sư phụ, ở “trong Phật pháp, được cạo bỏ râu tóc”, tức là xuất gia cạo tóc mặc lên mình Tăng phục. “đem tâm tịnh tín, xuất gia tu hành”, động cơ của xuất gia phải trong sáng, vì tôi muốn tu đạo, vì thành đạo mà đi xuất gia, không phải là tôi cùng đường, nên vào ở trong cửa Phật để có cơm ăn, xuất gia như vậy thì không gọi là tịnh tín; hoặc hiện nay tôi bị thất tình rồi; tôi cảm thấy xuất gia là mạnh mẽ hơn so với tự tử, đây là gặp sự cố tình cảm, không sáng suốt để lựa chọn vào trong cửa Phật, gọi là ‘trốn vào cửa không’, tâm như vậy đều là không chánh, không phải tâm tịnh tín. Nên vì sao chúng ta xuất gia? Vì thiệu long Phật chủng (nối dòng giống Phật), hoằng pháp lợi sanh, như vậy mới là xuất gia chân chánh.

          Quý vị nương tựa vị sư phụ để xuất gia, “cho đến suốt đời”, tận hình thọ, đời này quý vị vì Ngài “cúng dường tứ sự”, tứ sự là gồm: ăn uống, y phục, tọa cụ, thuốc men đem để cúng dường Ngài, đều không thể báo ơn của Ngài được. Nên ơn của thầy và cha mẹ đều vô cùng lớn lao. Nên dù cho sư phụ không còn ở đời nữa, thì chúng ta vẫn nhớ mãi không quên ơn của Ngài. Như Sư phụ Thượng nhân chúng ta, có các vị thầy truyền trao cho Ngài chánh pháp là: Giáo sư Phương Đông Mỹ, Đại sư Chương Gia, Lão sư Lý Bỉnh Nam, sư phụ đều treo hình của các Ngài đối diện trong phòng quay hình, ngày ngày giảng kinh đối trước quý Ngài, không quên ơn thầy. Trong Đệ Tử Quy cũng nói “Tang tận lễ, tế tận thành, phụng người mất, như lúc sống”, đây là nuôi lớn đức trọng của chính mình. Oai nghi hầu thầy chúng tôi giảng đến đây xong rồi.

Mời xem tiếp oai nghi thứ ba:

           “Thứ ba, theo thầy đi ra bên ngoài”

          Đây nói đi ra ngoài cùng sư phụ, cần phải chú ý, thứ nhất:

          “Không được ghé qua nhà người”

          “Ghé qua”, tức như sư phụ thăm nhà này, còn riêng quý vị rời khỏi nhà đó, đến nhà khác hoặc đi gặp khách, hoặc thăm bạn hữu, quý vị tự tiện làm việc của mình, như vậy là không được. Cần phải lúc nào cũng theo bên cạnh sư phụ, không thể rời khỏi sư phụ nửa bước, gặp lúc sư phụ cần quý vị giúp đỡ, thì quý vị có thể nhanh chóng đến hầu thầy.

Đoạn tiếp:

          “Không được dừng ở bên đường, cùng người nói chuyện”

          Đi cùng với sư phụ, gặp được người thân bạn hữu tốt, sư phụ thì đã đi qua rồi, quý vị còn đứng lại nói chuyện với họ, như vậy là rất không nên. Lúc đó không thể cùng họ nói chuyện, phải nhanh nhanh đi theo sư phụ.

Đoạn thứ ba:

          “Không được ngoái nhìn trái phải, mà phải nhìn thẳng, theo sau thầy”

          Chúng ta theo sau thầy, không được nhìn trái, nhìn phải, đặc biệt là lúc có người đến. Chúng tôi cùng với Sư phụ Thượng nhân ra đi, có lúc đến những Đạo tràng Pháp hội, như người Malaysia vừa mới tiến hành Phật thất, có rất nhiều người tại Đạo tràng xếp hàng chào mừng sư phụ, chúng tôi theo sau sư phụ, cũng cùng chắp tay. Nhưng không thể nhìn bên trái, bên phải, gật đầu với họ, chào hỏi họ, vì người ta không phải chào mừng quý vị, mà là chào mừng sư phụ, quý vị nếu như rất tùy tiện tiếp nhận sự chào mừng đó, như vậy không tốt. Phải nên “nhìn thẳng, theo sau thầy”, không nên nhìn hai bên, mà nhìn sau lưng sư phụ, theo sư phụ bước đi, như vậy thấy rất trang nghiêm, đây là oai nghi. Sư phụ có thể làm gì đó, vì người ta chào mừng sư phụ, sư phụ mỉm cười, gật đầu với một nơi nào đó, đây là lễ tiết, quý vị chớ học theo sư phụ mà gật đầu.

Đoạn thứ tư:

          “Đến nhà đàn việt, nên đứng một bên, thầy bảo ngồi, mới ngồi”

          “Đàn việt” là chỉ cho tín chúng, người Cư sĩ muốn cúng dường sư phụ của quý vị, thỉnh sư phụ đến làm khách, để cúng dường, họ sẽ mời sư phụ lên tòa. Chúng ta cũng không nên tự mình lập tức ngồi xuống, phải đứng ở một bên, đứng bên cạnh thầy, sau đó xem xem hoàn cảnh ấy có chỗ cho mình không, không thể tùy tiện ngồi. Người chủ cảm thấy rất khó chịu, rất không ngay ngắn, có thể người ta chuyên môn có khách quý nên đã sắp xếp chỗ ngồi tốt rồi, mời quý vị ngồi xuống, quý vị là người xuất gia, người ta không muốn để quý vị đứng, vì vậy quý vị nói đứng tốt hơn, sau đó thầy bảo quý vị ngồi thì quý vị mới ngồi, nếu không bảo quý vị ngồi, thì không nên ngồi. Dù cho đàn việt, tức là thí chủ họ nói có thể ngồi: “mời thầy ngồi”, lúc đó quý vị phải làm sao? Có nên ngay lập tức ngồi xuống hay không? Không được. Quý vị nên đến hỏi sư phụ: thưa sư phụ, con đến đó ngồi được không? Sư phụ gật đầu thì quý vị liền ngồi. Nếu thầy không nói gì, thì quý vị vẫn đứng, dù cho thí chủ mời quý vị ngồi, quý vị liền gật đầu nói: hãy đợi đã, hãy đợi đã. Bởi vì quý vị cũng không biết sư phụ còn có sắp xếp người nào nữa không, có thể sư phụ muốn để chỗ ngồi đó cho một vị Cư sĩ, hoặc vị Pháp sư, nếu quý vị ngồi chỗ đó rồi, thì không dễ để thay đổi nữa. Đấy là những tiểu tiết cần phải chú ý, luôn luôn cẩn thận, gọi là “Việc tuy nhỏ, chớ tự làm, ẩu tự làm, thiếu đạo con ”.

Tiếp theo điều thứ năm:

          “Đến chùa khác, thầy lạy Phật hay mình lạy, không được tự tiện đánh chuông khánh”

          Theo sư phụ đi ra ngoài, đến thăm Đạo tràng Tự viện của người khác, thông thường sư phụ, đặc biệt là có uy tín của người lớn, đều sẽ tiếp đãi đối phương long trọng. Tiếp đãi ở Đạo tràng, thông thường là phải đến đại điện để lễ Phật, phương pháp tiếp đón rất long trọng, thì thường còn phải dùng xướng tụng để chào mừng, thí dụ như xướng bài Lò Hương Tán, sau đó thỉnh sư phụ đến thượng hương, sau đó sư phụ đến lễ bái. Lễ lạy xong rồi, có thể lời nói của đối phương đều thuộc về bậc vãng bối, có thể họ còn cao xướng: chúng ta đảnh lễ sư phụ gì gì đó ba lạy. Sư phụ thường nói không lạy, hoặc là không lạy, hoặc nói vấn tấn. Đối phương đều dùng lễ tiết như vậy. Chúng ta lúc đó cũng đừng bất cẩn làm theo, ở sau lưng sư phụ lạy, lúc thầy lễ lạy, thì quý vị phải đứng một bên làm thị giả.

          Trong truyền thống của Tòng Lâm, còn có trải ngọa cụ, điều này Sa di phải học. Khi trải ngoạ cụ, quý vị phải giúp thầy trải ngọa cụ, trải lên đệm lạy, thì sư phụ mới lạy Phật. Thầy lễ Phật, quý vị không được tự mình đi đánh chuông khánh, vì nếu Đạo tràng đánh chuông khánh đều là biểu thị chào mừng, như chuông lớn trong chỗ chúng ta đây, để lúc khách quý lễ Phật, gõ chuông một cái, đó là thuộc về chào mừng long trọng. Người khác, chủ nhân đều không đánh chuông, quý vị tự mình đi đánh chuông khánh, cũng mất phép lịch sự. Nếu tự mình lạy Phật, quý vị đã đến Tự viện, đương nhiên quý vị là tiểu Sa di, thì người ta sẽ không tiếp đãi long trọng quý vị, quý vị nghĩ không có người tiếp đãi tôi, thì tôi tự mình trước đánh chuông để lễ Phật, đây cũng không đúng, là tự chào mừng mình ư? Những điều này đều thuộc về quy củ, quý vị làm sai thì làm trò cười cho người ta.

Đoạn tiếp:

          “Nếu đi núi, phải mang tọa cụ theo. Nếu đi xa, không được rời thầy quá xa. Nếu lội qua nước, thì phải cầm gậy dò từ từ cạn sâu”

          Theo sư phụ muốn thăm các Đạo tràng, thời cổ đều phải đi bộ, phải trèo đèo vượt núi, quý vị phụ tá cho sư phụ, quý vị không thể sợ khổ, sợ mệt, mà phải chăm non sư phụ thật chu đáo. “mang tọa cụ theo”, vì đồ đạc của người xuất gia rất đơn giản, chỉ là ba y, một bát, thêm tọa cụ. Thời cổ lúc đi bộ thăm các nơi, đi đến đâu thì ngủ ở đó, giữa núi, dưới gốc cây, tùy chỗ có thể ngồi để nghỉ ngơi. Chúng ta mang tọa cụ của sư phụ, tọa cụ là để ngồi, giúp Ngài mang theo những đồ đạc. Tuy nhiên hiện nay không còn khổ như vậy, thí dụ chúng ta đi Malaysia thì không thể đi bộ, mà phải ngồi máy bay, quý vị cũng phải giúp sư phụ mang hành lí, điều này có thể mở rộng thêm.

          “Nếu đi xa, không được rời thầy quá xa”, nếu quý vị phải tự mình rời xa thầy, thí dụ như quý vị đi lấy thứ gì đó giúp sư phụ, thì phải mau chóng trở lại, không được rời thầy quá xa, khiến sư phụ chờ đợi lo lắng. Lúc đi qua sông, lội nước, chỗ nước cạn mới đi qua, trước cầm gậy để dò nước cạn sâu, có thể qua được thì mới qua. Nếu nước quá sâu, thì có thể tìm một bè tre, thậm chí xem có đò phà hay không thì gọi, đó là ý nghĩa. Mở rộng cho chúng ta hiện nay, ví dụ quý vị theo thầy đi ra ngoài, phải nhanh chóng giúp sư phụ thẻ lên máy bay, mua vé lên xe có phải không? Đó là những công việc cụ thể, chúng ta đều phải đi làm. Cho nên học giới luật phải biết vận dụng trong thời hiện nay, không thể học cứng nhắc, nghĩ rằng tôi hiện nay không phải lội qua sông, nên điều này không cần tuân thủ nữa, không thể nghĩ như vậy.

Tiếp theo điều thứ bảy:

          “Nếu chợt tách nhau mà đi, hẹn gặp lại ở chỗ nào, thì không được đến sau thầy”

          Nếu ngẫu nhiên phải chia ra mà đi làm việc, rời khỏi sư phụ, thì quý vị cần phải hẹn với sư phụ thời gian, địa điểm để gặp lại. Quý vị không được đến trễ, phải đến sớm, quý vị có thể chờ sư phụ, không thể để sư phụ chờ quý vị, điều này phải biết để tôn trọng thầy.

Điều thứ tám:

          “Thầy thọ trai, phải đứng hầu xuất sanh, thọ trai xong, phải đứng đợi thu nhận đồ cúng dường”

          Sư phụ đi tiếp thọ cúng dường của tín chúng, tức là đến ứng cúng. Thông thường trước khi để tiếp thọ ứng cúng đều phải có làm nghi thức cúng dường, trong Tự viện chúng ta cũng như vậy, truyền thống Tòng Lâm đều yêu cầu như vậy, lúc bắt đầu Trai tăng, tức là trước khi ăn cơm phải niệm chú cúng dường, phải xuất thực, “xuất sanh” tức là xuất thực, các quý vị lưu ý, sáng trưa đều có, tay cầm dao nĩa để xuất thực, thông thường là lấy 7 hạt cơm, hoặc là ít cháo để xuất thực, cúng dường cho chúng quỷ thần. Việc này cần phải có thị giả để làm, tuy nhiên nếu sư phụ đích thân làm, thì quý vị giúp sư phụ làm, sư phụ không làm thì quý vị tự mình được làm. Kiết Trai, ăn cơm xong rồi, đã xướng chú Kiết-trai xong, thì quý vị phải “đứng đợi thu nhận đồ cúng dường”, quý vị đứng bên cạnh sư phụ. Lúc đó thường thường tín chúng sẽ đến cúng dường, cúng dường vật dụng, tiền, những thứ đó gọi là sấn, tức là phẩm vật cúng dường của thí chủ. Quý vị thu cất giúp sư phụ. Oai nghi Theo Thầy đi ra bên ngoài giảng đến đây thôi.

Tiếp theo oai nghi thứ tư:

          “Thứ tư, nhập chúng”

          Dạy chúng ta đến trong bốn chúng sống cùng đại chúng ra sao, trong đây đặc biệt nói ở cùng với chúng xuất gia, trong đời sống sinh hoạt phải chú ý thế nào? Bởi vì xuất gia trải qua đời sống Tăng đoàn, tức là sống trong một gia đình lớn, sinh hoạt tập thể mà quý vị không tuân theo quy củ, thì sẽ phát sinh mâu thuẫn với người khác, tức là sanh ra không hòa hợp, Tăng đoàn nhất định phải hòa hợp. Chúng ta lúc niệm Tam Quy “Quy y Tăng, chúng trung tôn”, chúng tức là đoàn thể, Tăng đoàn là tôn quý nhất trong tất cả đoàn thể, vì sao vậy? Vì Tăng đoàn hòa hợp, đều tu Lục hòa kính, mỗi một người đều tuân theo quy củ thì sẽ không phát sinh mâu thuẫn. Tất cả chúng ta đều phải chú ý, đặc biệt trong những ngày này, chúng ta đang trong kỳ xuất gia ngắn này, thì phải học tập làm sao để đời sống này, nhanh chóng có được hiệu quả.

Điều thứ nhất:

          “Không được tranh chỗ ngồi”

          Không thể tranh giành chỗ ngồi. Điều này rất đơn giản, thì tôi không cần nói nhiều nữa, bởi thời gian có hạn, phần quan trọng tôi nói nhiều hơn. Đây là phải khiêm nhường, không thể tranh chỗ ngồi.

          Điều thứ hai:

          “Không được trên chỗ ngồi mà gọi nhau, nói cười”

          Quý vị đang trong nhà Pháp, thì quý vị không thể tùy tiện nói chuyện, cười giỡn, điều này làm ảnh hưởng người khác, ảnh hưởng tới sự thanh tịnh của đạo tràng.

Điều thứ ba:

          “Trong chúng có mất oai nghi, nên ẩn ác dương thiện. Không được kể sự lao nhọc để tỏ công của mình”

          Khi ở chúng, thấy có người khác có chỗ không như pháp, có lúc không đúng oai nghi, thì quý vị cần làm thế nào? Quý vị cần “ẩn ác dương thiện”, không nên đi nói với người khác, không nên phê bình, thấy người ta không đúng, thì chúng ta nên khoan dung. Nếu như họ có thể tiếp nhận thì chúng ta dùng thiện ý nhắc nhở họ, không thể chỉ trích, cười chê họ, điều đó không nên. Không thể “kể sự lao nhọc để tỏ công của mình”, tức là tự mình khoe khoang, ‘giới luật tôi tốt, oai nghi tôi đầy đủ”, chính mình tự cao tự đại, tăng thêm phiền não ngạo mạn, giữ giới như vậy là không đúng rồi. Thường thường người giữ giới tinh nghiêm, phải có thử nghiệm như vậy, xem xem quý vị trì giới tinh nghiêm, quý vị có tâm ngạo mạn không. Nếu quý vị cảm thấy mình không có lỗi lầm, mà thấy người khác không như pháp, tức là quý vị ngạo mạn, như vậy khẳng định là quý vị trì giới không tốt. Tại sao? Nhân giới được định, nhân định khai trí huệ, quý vị như vậy thì không có định, quý vị còn khởi lên phiền não, tức là quý vị chưa có định, thì làm sao có thể nói quý vị trì giới tốt được?

          Phải ẩn ác dương thiện, phải quán sát chính mình có phạm giới, có mất oai nghi không, không nên nhìn người khác. Chính mình làm được tốt, cũng không nên đi tỏ công, khoe khoang, điều này là không thể được, phải tu bổ đức khiêm tốn của mình. Trong Đệ Tử Quy cũng nói “thấy người tốt, nên sửa mình”, “thấy người xấu, tự kiểm điểm”, còn có “khen người thiện, tức là tốt, người biết được, càng tốt hơn. Khen người ác, tức là ác, ác cùng cực, tai họa đến”. Không thể khen người ác, thấy người khác rất như pháp, rất có oai nghi, có thể tán thán, khích lệ họ. Tuy nhiên nếu họ nghe rồi mà huênh hoang tự mãn, thì quý vị không nên khen ngợi nữa, vì biết họ chịu không được tán thán; Nếu họ rất khiêm tốn nói ‘không có gì, tôi làm còn chưa được tốt’, thì quý vị khen ngợi nhiều mấy câu cũng tốt. Do đó không thể khen người ác, không thể khoe việc tốt của mình.

Điều thứ tư:

          “Không ngủ trước người, không dậy sau người”

          Đây là không thể lười biếng. Chúng ta ngủ không thể ngủ trước người, tức là không ngủ quá sớm, đương nhiên có chênh lệch chút thời gian cũng được. Thí dụ chúng ta chỉ tịnh ban đêm là 9 giờ rưỡi, thì phải tắt đèn đi, đó là thời gian đi ngủ. Quý vị không thể nói tôi hôm nay làm việc rất mệt mỏi, nên 7 giờ rưỡi tôi đi ngủ, như vậy là ngủ quá sớm rồi. Thức dậy cũng không thể sau người, chúng ta nên thức dậy sớm, đánh bảng thì dậy, không thể ngủ nướng. “Sáng dậy sớm, tối ngủ trễ”, nhất định phải làm được, đây là Đệ Tử Quy nói, “lúc chưa già, quý thời gian”, chớ để đến già mới học đạo, quý vị đến lớn tuổi mới học đạo thì trễ rồi. Tôi biết có một người, ông ta nói với tôi về một đồng nghiệp của ông, đó là một vị giảng viên Đại học. Lúc có người khuyên ông ta học Phật, thì ông ta đối với Phật pháp rất hứng thú, cũng không phản đối, nhưng ông nói: tôi giờ học Phật thì quá sớm, đợi sau khi tôi nghỉ hưu sẽ học tốt. Khuyên ông ta mấy lần, nhưng ông đều chần chừ như vậy. Qua mấy năm sau, ông đã qua đời, chưa đến lúc nghỉ hưu đã chết rồi, nên rất là đáng tiếc.

          Phật pháp khó nghe, đời này quý vị gặp được Phật pháp mà không tu tốt, để lỡ qua cơ hội của đời này, thì đời sau có thể không có cơ hội gặp Phật pháp nữa. Nhất định phải nắm thật chắc cơ duyên này để học Pháp, “lúc chưa già, quý thời gian”, chúng ta mỗi ngày tuổi một lớn, muốn học đạo thì ngày càng khó khăn. Tuổi trẻ học điều gì cũng nhạy bén, khai ngộ cũng nhanh chóng, chứng quả cũng mau. Khi tuổi đã lớn rồi, 50, 60 tuổi mới học, cũng không thật dễ dàng nữa, đối với kinh điển quý vị cũng không nhớ, tâm thì rất nhiều tạp niệm, cho nên không dễ dàng; thân thể cũng không khỏe mạnh, tuổi trẻ quý vị muốn dụng công, 7 ngày 7 đêm không ngủ cũng không sao, đến già rồi thì không được nữa. Nên không để lãng phí thời gian, nhất định phải dụng công, ngủ ít tu hành nhiều, tụng kinh niệm Phật nhiều, nghe giảng kinh pháp nhiều.

Tiếp theo điều thứ năm:

          “Không được ngồi chung tòa với đại Tỳ kheo, trừ Pháp hội lớn”

          Đây là lớn nhỏ có thứ tự, “hoặc ăn uống, hoặc đi đứng, người lớn trước, người nhỏ sau”. Đại Tỳ kheo là đã thọ Đại giới rồi, trong nhà Phật có thể nói là thân phận của các Ngài cao hơn chúng ta, thân phận các Ngài là bậc sư trưởng, còn thân phận chúng ta là bậc học sinh, nên chúng ta không thể ngồi ngang hàng với các Ngài, chỗ các Ngài ngồi thì chúng ta phải dành riêng. Tuy nhiên có khai duyên, thí dụ trong Pháp hội lớn, người rất đông, nhưng số lượng vị Tỳ kheo khá ít, hàng ghế Tỳ kheo ngồi không đầy, thì làm sao? Chỗ ngồi đằng trước không đầy, thì quý vị có thể lên bù vào, để cho không bị trống, như vậy thì có thể được.

          Ngoài ra, nếu như sư trưởng đồng ý với quý vị, ra lệnh quý vị, thì có thể ngồi, cùng hàng với các Ngài, như vậy cũng có thể được. Như tôi nhớ lúc tôi mới gặp Sư phụ Thượng nhân, Ngài cùng mẹ tôi ngồi đối diện, tôi cùng Ngài nói chuyện, năm đó tôi 24 tuổi, tôi năm nay là 40 tuổi, đó là chuyện 16 năm trước. Ở Tịnh Tông Học Hội Dallas nước Mỹ, lúc đó tôi học lên Tiến sĩ, đang là nghiên cứu sinh, tham gia khóa Phật thất của Tịnh Tông Học Hội Dallas. Sư phụ Thượng nhân lúc đó vừa qua 70 tuổi, Ngài giảng khai thị trong Phật thất. Giảng xong thì Ngài ở tại phòng khách nhỏ, gặp mặt với mấy người chúng tôi. Lúc đó người muốn gặp Sư phụ không quá nhiều, không như hiện nay muốn gặp Sư phụ một lần đều không dễ nữa. Thật là vì tuổi Ngài đã cao, 86 rồi, hai là hiện nay rất nhiều người tìm Ngài, cho nên Sư phụ thường tránh chỗ khác.

          Lúc đó Sư phụ mới 70 tuổi, sức khỏe cũng rất tốt, người gặp Ngài cũng không quá nhiều, đặc biệt ở nước Mỹ, nên chúng tôi liền rất dễ dàng gặp được. Tôi vừa gặp Sư phụ, thật sợ hãi và lo lắng, hướng về Sư phụ Lão nhân Gia đảnh lễ. Sau đó tôi hướng Sư phụ báo cáo, nói con nghe Sư phụ Lão nhân Gia giảng Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh, rất cảm động, con tự mình đã phát 9 điều hiếu nguyện, thỉnh Sư phụ xem xét có đúng như pháp không? Làm sao có thể hộ tốt 9 điều nguyện đó? Sư phụ liền nghe tôi đọc, sau khi đọc xong, Ngài nhìn tôi rất vui lòng, rồi hỏi tôi ‘con từ đâu đến?’ ‘Dạ con từ Quảng Châu đến.’ ‘Con là người Quảng Đông.’ ‘Năm nay con bao nhiêu tuổi?’, tôi nói: dạ con 24 tuổi. ‘Đại sư Lục tổ Huệ Năng cũng là người Quảng Đông, Ngài khai ngộ lúc mới 24 tuổi’. Lúc đó, tôi nghe rồi cũng rất hổ thẹn. Sau đó tôi nói với Sư phụ: Sư phụ xem 9 điều hiếu nguyện con đã phát đó, nên làm sao để hộ trì cho tốt? Vì sau khi Ngài nghe xong, Sư phụ nói: Rất khó được; Sau đó Sư phụ nói: con phải giữ gìn thật tốt nguyện của con, phải nghiêm túc học Phật, nếu không học Phật, thì con muốn tận hiếu rất khó. Sau đó tôi liền hướng Sư phụ thỉnh cầu: Sư phụ có thể chụp cùng con một tấm hình không? Sư phụ rất từ bi, Ngài nói: được được, con đến ngồi đây. Ghế của Ngài ngồi là ghế sofa hai chỗ ngồi, Ngài ngồi một mình trên ghế đó, những người khác đều ngồi ở hai bên. Sau đó Sư phụ nói, con đến ngồi bên cạnh ta, để chụp hình cùng ta. Tôi thì đang đứng không dám ngồi. Sư phụ nói: không sao đâu, bảo con ngồi thì cứ ngồi, sanh Phật bình đẳng. Tôi nghe Sư phụ nói như vậy, liền đến ngồi xuống. Nên tôi chụp ảnh chung với Sư phụ lần đầu tiên, là 16 năm trước, ngồi chụp ảnh chung với Sư phụ. Như vậy thì không có phạm giới, bởi Sư phụ cho phép tôi ngồi, thì tôi có thể ngồi, đó là biết nghe lời Sư phụ.

Tiếp đoạn thứ sáu:

          “Không được ngồi chung tòa với bạch y, trừ pháp hội lớn”

          “Bạch y” tức là cư sĩ tại gia, chúng ta đã xuất gia rồi, dù còn chưa thọ Đại giới, thì cũng là thân phận người xuất gia, Sa di thì có khác với Tục chúng tại gia. Nên thường không ngồi chung một chỗ với người thế tục, đương nhiên giường ngủ nghỉ cũng không thể cùng trong một gian phòng. Đây là để tránh cho quý vị tiêm nhiễm tập khí của người đời, bởi vì người đời thì ắt hẳn có những người có sở thích riêng của họ, chuyện của họ nói đa số là chuyện đời, quý vị nghe rồi khiến quý vị cũng bị ô nhiễm, cho nên phải tránh, đạo lý là chỗ này. Đây không nói là có ác cảm với người thế tục, mà đối với người vẫn tôn trọng, đối với Cư sĩ tại gia cũng tôn trọng, không dám coi thường. Phổ Hiền Bồ Tát nói “lễ kính chư Phật”, đối với tất cả chúng sanh chúng ta đều phải lễ kính, huống hồ là đối với Cư sĩ tại gia, họ cũng học Phật, cũng hộ pháp, đương nhiên chúng ta phải tôn trọng. Nhưng căn cứ theo Luật này để nói, không ngồi chung với họ một ghế, thí dụ ghế ngồi hai người, thì chúng ta không ngồi chung với họ. Tuy nhiên trừ khi lúc Pháp hội lớn, chỗ ngồi còn trống, hoặc là điều kiện hiện trường không cho phép quý vị chia chỗ ngồi, thì quý vị không thể gượng ép, làm thêm phiền phức cho người ta. Người tổ chức thì sắp xếp rất nhiều người ngồi trên một ghế, mà quý vị lại nói tôi không ngồi chung, tôi phải ngồi riêng, những người khác đều nhường chỗ cho quý vị. Đây không phải là thêm phiền phức sao? Người xuất gia không thể làm người khác thêm phiền phức, nên lúc đó đều có khai duyên.

Tiếp điều thứ bảy:

          “Phàm rửa mặt, không được sử dụng nhiều nước”

          Chúng ta rửa mặt, bao gồm tắm rửa cũng không thể sử dụng nhiều nước, đây là tích phước. Một người không thể không có phước báo, có phước báo, thì quý vị tu hành mới thuận lợi, không có phước báo, thì quý vị tu hành gặp chướng ngại trùng trùng. Cho nên chúng ta đều cần có phước báo để giúp đỡ cho đường tu của chúng ta, chính mình càng tích phước, càng tiết kiệm thì càng tốt. Quý vị biết, hiện nay tài nguyên nước rất thiếu thốn, khí hậu toàn cầu đang nóng lên, nguồn nước ngọt càng ngày càng khan hiếm, tương lai sẽ càng ngày càng ít đi. Nên có lần các nhà khoa học đã nói một câu, thực sự làm chấn động mọi người, nói là: ‘tương lai những giọt nước cuối cùng của trái đất là giọt nước mắt của con người’. Tại sao vậy? Tất cả khô cạn rồi, chỉ có nước mắt của quý vị là nước thôi. Nên quý vị thấy được như vậy thì cần phải quý tiếc nước, chúng ta tắm rửa không thể sử dụng nhiều nước.

          Như trong đạo tràng chúng ta đây, vì đông người nên điều kiện nhất định không bằng ở nhà của quý vị, tôi nghe nói có một đồng tu trong số những bạn nhỏ, là con trai của Bộ trưởng, có thể đời sống ở nhà đều rất là sung túc, đầy đủ, đến tại đây rất khó thích nghi. Nhưng đã đến đây rồi, thì quý vị phải nỗ lực để theo tiêu chuẩn của người tu, nếu không thì quý vị cần chi đến đây? Quý vị muốn thoải mái hơn, thì quý vị về nhà, cần chi đến nơi này? Chúng ta đây còn có hạn chế số lượng, quý vị nhường vị trí cho người khác thì tốt. Quý vị đã đến thì phải tu hành, tức là lấy khổ làm thầy, bỏ đi những tập khí không tốt của mình, tập khí ham muốn hưởng thụ; không tích phước; tập khí lãng phí, đem chúng tiêu trừ đi, như vậy liền đạt hiệu quả. Thật sự cổ Đại đức, các Ngài tắm rửa, mỗi ngày dùng hạn định là 8 ly nước, chỉ 8 ly nước, rửa mặt, đánh răng, tắm rửa, tổng tất cả không quá lượng nước đó. Giặt y phục cũng dùng nước đó, nước tắm xong thì dùng giặt quần áo, đó là tiết kiệm nước.

          Ngoài tiết kiệm nước ra, những thứ khác cũng đều tiết kiệm, vì vật phẩm của thường trụ không dễ dàng có được, dựa vào tín chúng cúng dường, nếu quý vị lãng phí quá mức, thì sao quý vị đủ sức tiêu hóa được? Cổ Đại đức nói: “tam tâm chưa thành, giọt nước khó tiêu”, tam tâm đó là tâm quá khứ, tâm hiện tại, tâm tương lai; chưa thành tức là quý vị không có khai ngộ, thì uống nước đều khó tiêu hóa, vì sao vậy? Bởi vì tương lai quý vị phải trả nợ ,“đời này không liễu đạo, mang lông đội sừng trả”. Người tu đạo có tâm cảnh giác cao như vậy, thì không thể thành công ư? Cho nên nơi nơi đều tích phước, thì đó là tu hành, như điện, vật dụng, thức ăn của thường trụ, chúng ta đều không được lãng phí. Như chúng ta ăn, mỗi ngày thọ trai xong, đem tất cả thức ăn trong bát ăn sạch hết, không được để lại dù chỉ một hạt cơm, cơm đổ trên bàn, thậm chí đổ xuống đất, đều phải lượm lên để ăn hết. Những đồng tu hành đường của chúng ta rất khó được, lúc đem cơm, đem thức ăn cho mọi người, không cẩn thận làm rơi ít xuống đất, thì họ liền lượm lên để ăn, điều này rất đáng được tán thán! Đó đều là để tích phước, tiết kiệm, tiết chế để dưỡng đức.

Tiếp theo điều thứ tám:

          “Nhai cành dương nhổ nước, cần phải cúi đầu, đưa nước xuống, không được phun nước ướt người”

          Nhai cành dương, là giống như đánh răng, lúc đánh răng súc miệng không được phun nước. Quý vị thấy, oai nghi tỉ mỉ đến như vậy, cụ thể từng động tác, nhổ nước phải nhổ làm sao? Một số người có thói quen không tốt, húp một chút nước rồi phun ra lại, có thể làm cho người bên cạnh ướt hết, đó là mất oai nghi. Cần phải làm sao? “cúi đầu, đưa nước xuống”, từ từ nhổ nước xuống, nước chảy xuống một lượng nhỏ, không phải “phun” để nhổ nước ra, làm cho thân thể mình cũng bị ướt, càng không thể “phun nước ướt người”, tức phun lên thân người khác, thì càng không tốt. Những oai nghi nay là bình thường của chúng ta, mà cần phải chú trọng. Người thế gian cũng nói gọi là được giáo dục, xem quý vị có giáo dục hay không, từ những động tác nhỏ này, thì biết được, động tác quý vị rất thô lỗ, thì biết quý vị không có giáo dục. Không được dạy thì không chỉ chính mình bị sỉ nhục, mà cha mẹ quý vị cũng bị mất mặt, người ta nói: con cái của nhà đó không được giáo dục! Như đem cha mẹ ra chửi vậy, như vậy là thật bất hiếu đối với cha mẹ.

Tiếp theo điều thứ chín:

          “Không được hỉ mũi, khạc nhổ, ợ ói lớn tiếng”

          Đang lúc ở trong chúng, nhất định phải yên lặng. Vì người khác đều đang dụng công, người ta mắt quán mũi, mũi quán tâm, đang lúc niệm A Di Đà Phật, đang niệm đến sắp được tam muội rồi, thì quý vị đột nhiên ho khạc một cái, hoặc nhổ đờm, âm thanh rất lớn, thôi rồi, người ta không đắc tam muội nữa, quý vị làm cho cơ duyên vãng sanh của người ta đoạn rồi, tội lỗi này của quý vị rất lớn. Cho nên nhất định phải nhẹ nhàng, quý vị làm việc gì cũng cố gắng hạ thấp âm thanh xuống, không gây ảnh hưởng đến người khác. Trong Đệ Tử Quy cũng có rất nhiều giáo huấn như vậy, thí dụ “vén rèm cửa, chớ ra tiếng”, đây đều là phải nhẹ nhàng, làm việc thanh thoát, từ từ không nên vội vàng, nếu hấp tấp nóng nảy, thì liền không có đạo tâm rồi.

Lại tiếp đến điều thứ mười:

          “Không được hỉ mũi, khạc nhổ trong điện tháp, nhà sạch, đất sạch và nước sạch, mà phải hỉ nhổ ở chỗ khuất”

          Đây nói không thể ở trong điện, trước, trong tháp miếu, hoặc trong nhà sạch, trong điện phòng thanh tịnh, tại đất sạch, nước sạch, mà hỉ mũi, nhổ nước bọt. Những điều này đều rất dễ dàng lý giải. Phải nên “ở chỗ khuất”, tức là nơi vắng vẻ, trong góc, xó. Có đờm thì phải làm sao? Phải tìm nhà vệ sinh hoặc con mương, nếu như không có, thì tay lấy khăn giấy, để bao đờm lại, không thể tùy tiện nhổ đờm ra đất; không có khăn giấy thì dùng khăn tay cũng được, rồi tự mình đi giặt.

          Tiếp tục điều thứ 11:

          “Khi đang uống trà, không được dùng một tay xá chào người”

          Lúc đang ăn cơm, uống trà, uống nước, thí dụ đang bưng chén, bưng ly, thì người ta đến gặp quý vị, quý vị hướng người ta vái chào một tay để thăm hỏi, đó là không nên, không cung kính. Quý vị muốn vấn tấn thì vấn tấn hai tay, sao lại một tay? Quý vị xem những bộ phim võ thuật Thiếu Lâm Tự, họ đều là dùng một tay xá chào, đó là không đúng pháp, phải chấp hai tay hướng người làm lễ, đây là cung kính người khác. Quý vị không rảnh tay; thì không cần làm lễ, dù cho gặp Hòa thượng, gặp Lão sư, mà đang lúc ăn cơm đều không cần làm lễ, không cần phải đứng lên, đó là khai duyên, đối phương có thể hiểu được.

Điều thứ 12:

          “Không được hướng mặt về tháp mà chà xỉa răng, hoặc hướng mặt về hai vị thầy, vị đại Tỳ kheo, v.v..”

          Tức là không thể hướng về tháp, hướng về tượng Phật v.v.. mà súc miệng, xỉa, đánh răng, như vậy rất khó coi, nhe răng nhếch miệng, không có oai nghi. Cũng không thể “hướng mặt về hai vị thầy”, tức là Hòa thượng và A xà lê của mình. Hễ là những vị sư trưởng, kể cả đại Tỳ kheo, đều không thể đối trước các Ngài mà súc miệng, đánh răng, đều nên tránh đi. Quý vị thấy người đời, họ cũng nói đến lễ nghĩa này, đều phải lấy một tay che lại. Chúng ta cũng vậy, tay áo rất lớn, dùng tay áo che lại, để xỉa răng, đây đều là biểu thị quý vị có giáo dục. Thời gian hôm nay hết rồi, chúng tôi giảng đến đây thôi. Cảm ơn mọi người.

          Chú thích thêm của dịch giả: Trong bài giảng này, Pháp sư Định Hoằng có nhắc đến lời của Đại sư Ngẫu Ích: “kể từ thời Nam Tống trở về sau thì Trung Quốc không có Tỳ kheo nữa”, quý vị đồng tu nghe pháp cần nên hiểu ý câu nói này, là để cảnh tỉnh cho người xuất gia đời sau cần khiêm nhường, không nên ngạo mạn mà dễ phạm vào tăng thượng mạn, còn đối với chúng ta thì tu hành quan trọng là ở chính mình có làm được hay không, người khác làm được hay không không quan trọng, không nên dùng chính câu này để phỉ báng chê bai người khác đặc biệt là hàng xuất gia, thì tội lỗi rất lớn! Hơn nữa xét về góc độ giới luật để mà luận điều kiện đắc được giới Tỳ-kheo thì có 3 trường hợp: thứ nhất là “Thiện Lai Tỳ Kheo”, đây là vị Tỳ-kheo chỉ có ở trong thời Đức Phật tại thế, một vị thiện nam khi đến gặp Phật, Phật nói “thiện lai Tỳ kheo”, thì râu tóc người đó liền rụng, y phục Tỳ kheo tự nhiên đầy đủ – người đó liền đắc giới Tỳ-kheo; trường hợp thứ hai là phá kiết sử Tỳ-kheo, tức là người tu chứng được quả A-la-hán thì tự nhiên đắc giới Tỳ-kheo; Trường hợp thứ ba là thông qua truyền giới bằng pháp yết-ma như các Giới-đàn hiện nay; ngoài ra còn theo cách dùng Chiêm Sát Luân Tướng theo Kinh Địa Tạng Chiêm Sát Thiện Ác Nghiệp Báo nói, như vậy thời nào cũng có người có thể đắc được giới Tỳ-kheo qua 4 cách vừa kể. Hơn nữa câu nói trên của Đại sư Ngẫu Ích có giới hạn là ở Trung Quốc, còn ở Việt Nam chúng thì không đề cập tới, chúng ta không nên đem câu nói đó áp dụng luôn ở đất nước chúng ta, bởi đất nước ta có cả Phật giáo Bắc Truyền và Nam Truyền, và sự truyền thừa cũng khác ở Trung Hoa. Ngay trong bài giảng mới của Ngài Định Hoằng có nhắc đến Phật giáo ở các nước Nam Truyền thì vẫn có Tỳ Kheo, và Ngài cũng kể Hòa thượng Quả Thanh, vị thầy mà Ngài Định Hoằng theo học giới luật, Hòa thượng Quả Thanh đã cùng đệ tử của ngài sang nước Phật giáo Nam Truyền để thọ giới Tỳ Kheo, nhằm đảm bảo lòng tin đắc giới Tỳ kheo, nối tiếp dòng Tỳ Kheo rồi. Hơn nữa, nếu nhìn theo góc độ Đại-thừa, thì thời nào cũng có Phật Bồ-tát Thánh nhân xuất hiện ở đời, quý Ngài cũng đóng vai Tỳ kheo để nối dòng huệ mạng của Phật, chẳng lẽ quý Ngài không đắc giới ư? Chẳng lẽ quý Ngài không thể truyền giới được cho người thật sự có tâm cầu để đắc giới ư? Chúng ta là phàm phu mắt thịt không thể biết được thấy được nhiều việc xung quanh, nên tốt nhất là luôn có tâm cung kính đối với người xuất gia, như lời của Đại sư Ấn Quang nói “một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần cung kính được mười phần lợi ích”. Đây là chia sẻ theo kiến giải của dịch giả, có gì sai sót mong quý đồng tu lượng thứ! Nam Mô A Di Đà Phật.

(Hết tập 9)

Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều sanh về Tịnh độ.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Trả lời 0