Responsive Menu
Add more content here...

Tác Sự Thảng Thốt, Bại Hối Tại Hậu. Vi Chi Bất Đế, Vong Kỳ Công Phu

Kính chuyển đến chư vị hữu duyên trích đoạn trong Giảng Ký Kinh Vô Lượng Thọ, Phẩm 36 – Buổi 2, Thầy Thích Thiện Trang giảng ngày 08.01.2022 – VLT125

 

#Tác sự: là làm việc;

 

#thảng thốt: (Hòa thượng chú giải) là gấp gáp, qua loa, cẩu thả.

Ở đây có người thắc mắc rằng: hình như bản dịch khác không phải chữ “Thảng thốt” mà là chữ khác. Thiện Trang tra từ điển chữ “thảng” này có mấy âm. Chữ có hai âm là âm thương hay thảng. Âm thương như mễ thương là chỗ để tồn trữ các loại ngũ cốc, kho, vựa v.v…Âm thảng là phó từ như thảng thốt có nghĩa là vội vàng, hấp tấp, thảng hoàng, gấp vội. Cho nên phải chọn âm “thảng” mới là vội vàng, hấp tấp còn dịch âm “thương’ là không đúng.

Tương tự chữ có ba âm gồm âm tốt, âm tuất, và âm thốt. Âm tốt là kẻ đầy tớ, kẻ sai bảo, binh tốt là binh lính, quân lính. Âm tuất là trọn, xong, kết thúc. Âm thốt là phó từ có nghĩa là chợt, vội vàng, đột nhiên, thốt nhiên, thảng thốt.

Quý vị thấy không, Thiện Trang dịch đúng mà, mấy bản kia dịch sai mà còn chấp trước ông thầy Thiện Trang tại sao lại sửa lại bản dịch. Quý vị thấy sai phải sửa đúng chứ đâu có sửa sai đâu. Tác sự thảng thốt là làm việc gì mà vội vàng, hấp tấp, qua loa, cẩu thả thì

 

#Bại hối tại hậu: tại hậu là về sau, bại là thất bại, hối là hối hận. Hán cổ một chữ là hai chữ. Nếu làm việc mà vội vàng hấp tấp, cẩu thả qua loa thì sau này quý vị sẽ thất bại, sẽ hối hận. Quý vị niệm Phật tu hành mà ham giống như trong Bổn nguyện niệm Phật, vội vàng hấp tấp, cẩu thả không có chịu trì giới, giữ gìn, không tu hành thì sau này sẽ thất bại, không vãng sanh được lúc đó mới hối hận.

Ở đây Phật dạy rõ ràng. Đây là nói chung niệm Phật nhưng việc thế gian cũng vậy thôi, quý vị làm việc gì phải cẩn thận chứ không được “thảng thốt” tức là đừng có nóng vội. Chúng ta có câu “Dục tốc bất đạt”: dục là mong cầu, tốc là mau, nhưng mong cho mau thì khó đạt được. Bất đạt là không đạt được.

 

#Vi chi bất đế: vi là làm, làm việc đó, chi là đó, tức là đại từ thay thế cho việc đó. Việc đó là việc cầu thoát sanh tử, niệm Phật, muốn tu thoát khỏi sinh tử. Bất đế là không thật thà, chữ đế là thật thà, cẩn thận. Tứ Diệu Đế là bốn chân lý, bốn sự thật. Vi chi bất đế là làm việc đó mà không thật thà, không có chân thật, không cẩn thận gọi là “vi chi bất đế”. Việc đó là việc niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ thì cuối cùng

 

#vong kỳ công phu: vong là mất, mất đi công phu.

 

Hòa thượng chú giải đoạn này:

#Vi chi bất đế vong kỳ công phu: đế là thận trọng, chân thật, làm gì phải thận trọng. Bất đế là không thận trọng, không chân thật.

Tức là quý vị đem giả tâm mà niệm Phật là không được rồi. Giả tâm, giả ý hoặc làm người không chân thật gọi là không thật thà, không nghe lời, không thật làm.

Hòa thượng chú giải chữ “Vong kỳ công phu”:

+ “Vong”: mất mát.

+ “Công phu” chỉ công lực của tu trì. Công lực: công hiệu; hiệu quả; hiệu lực; tác dụng; công sức.

Có nghĩa là quý vị làm một hồi không có công hiệu gì, chẳng có hiệu quả gì cả, cũng không có tác dụng gì và mất đi công sức. Nếu đem tâm giả dối mà niệm Phật vì danh văn lợi dưỡng và vì cái gì đó. Giả sử có người muốn hộ trì đạo tràng, hộ trì Thiện Trang vì thấy Thiện Trang nổi tiếng. Giả sử có người muốn nổi tiếng cho nên tìm tới thầy Thầy Thiện Trang hộ trì cho nổi tiếng, phải đào tạo thì mai mốt ta mang tiếng ta giống như Hàn Quán Trưởng chẳng hạn. Nếu như đem tâm như vậy hộ trì thì đó là “vi chi bất đế”, cuối cùng cái công của quý vị không có vì không đạt được. Nên nhớ hoằng pháp lợi sanh cũng vậy, người hoằng pháp phải dùng tâm chân thật, tâm chí thành, người niệm Phật cũng vậy phải dùng tâm chân thật. Đó chính là câu Hòa thượng hay nói: “thật thà nghe lời thật làm”. Trong Kinh Vô Lượng Thọ nói hết, các ngài diễn ra từ Kinh Vô Lượng Thọ đó. Ở đây nói “vi chi bất đế” là làm việc cầu sanh Tịnh Độ mà không chân thật, không thận trọng thì “vong kỳ công phu” nghĩa là công phu mất rồi, uổng phí công phu, công phu tu trì bay mất tiêu cho nên cuối cùng không vãng sanh.

Trả lời 0