Responsive Menu
Add more content here...

Thân Hạnh Sở Tác, Tâm Tự Thú Hướng

#thân hạnh sở tác: thân hạnh là việc làm của thân, sở tác là đã làm. Ở đây phải có chữ do nữa: do những việc làm từ thân của họ, rồi thêm ý nữa.

#tâm tự thú hướng: do ý của họ dẫn tới đó. Nói chung là do mình thôi. Câu này trong bài dịch có người dịch sai. Quý vị có nghe bài giảng của Hòa thượng mà Thiện Trang dịch về Vạn Pháp Duy Tâm, quý vị thấy Hòa thượng có trích câu này “Thân hạnh sở tác, tâm tự thú hướng”, Hòa thượng giảng câu này tương đương với câu “Nhất thiết Pháp tùng tâm tưởng sanh” hay là câu sau trong Kinh Hoa Nghiêm:

“Nhược nhân dục liễu tri

Tam thế nhất thiết Phật

Ưng quán Pháp giới tánh

Nhất thiết duy tâm tạo”

Đây là bản hội tập nên ngài Hạ Liên Cư đã rút gọn lại. Còn trong bản dịch gốc, để Thiện Trang chiếu lên cho quý vị thấy. Trong bản dịch gốc tên là Kinh Phật Thuyết A Di Đà Tam Da Tam Phật TáT Lâu Phật Đàn Quá Độ Nhân Đạo, hay còn gọi là bản Ngô dịch của ngài Cư sĩ Chi Nghiên nguyên văn như thế này: “Phật diệc bất sử nhĩ (có thêm chữ nhĩ), thân hạnh sở tác tự nhiên đắc chi(do những việc làm của thân, cho nên tự nhiên được như vậy), giai tâm tự thú hướng đạo, nhập kỳ thành trung”(đều do tâm hướng tới, nhập vào thành đó), hướng đạo là hướng tới đường đó, đi vào đó, thú hướng là hướng vào đó. Chúng ta tra bản này thì chúng ta thấy rõ hơn. Nên Thiện Trang dịch là do tâm dẫn hướng, chứ không phải như bản Chú giải Kinh Vô Lượng Thọ hoặc một số bản khác người ta dịch vì người ta không biết được câu này. Cho nên Phật cũng chẳng khiến, nhưng do thân làm cho nên tự nhiên bị như thế (đắc chi). Tất cả tâm tự hướng đến đó. Chúng ta hiểu được điều này. Cho nên dịch phải có tra cứu, không có tra cứu thì nhiều khi không hiểu sẽ dịch nhầm. Chúng ta học đầy đủ thì cố gắng dịch cho chuẩn lại. Như vậy là Phật không muốn làm ra những hiện tượng đó đâu quý vị, mà do những việc chúng ta tự làm. Từ thân làm, bởi nghi ngờ,tu hành không rốt ráo, không chịu học Pháp để hiểu lý, còn nghi ngờ thiện căn của mình. Đều là do tâm mình tạo nên thôi. Câu này tương đương với câu trong Kinh Hoa Nghiêm:

“Nhược nhân dục liễu tri

Tam thế nhất thiết Phật

Ưng quán Pháp giới tánh

Nhất thiết duy tâm tạo”

Nếu như chúng ta học Kinh Pháp Cú thì câu này cũng tương đương với hai bài đầu tiên:

“Ý dẫn đầu các pháp

Ý làm chủ, ý tạo,

Nếu với ý ô nhiễm,

Nói lên hay hành động

Khổ não bước theo sau

Như xe chân vật kéo”

Tức là quý vị vị làm gì cũng do ý, ý tức là tâm, do tâm ý mình. Tất cả các Pháp đều do tâm dẫn đầu. Cho nên Kinh Vô Lượng Thọ tương đương Kinh Pháp Cú. Nếu tâm ý vô nhiễm, ở đây do tâm nghi ngờ cuối cùng sanh vào Biên Địa ráng chịu. Trong Kinh Pháp Cú nói nếu ý vô nhiễm thì nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe chân vật kéo.

Bài kệ thứ hai:

Ý dẫn đầu các pháp

Ý làm chủ, ý tạo

Nếu với ý thanh tịnh,

Nói lên hay hành động

An lạc bước theo sau,

Như bóng, không rời hình”

Mình ráng làm theo đoạn sau này, biết là ý đẫn đầu các pháp, ý làm chủ ý tạo rồi, nếu với ý thanh tịnh, thì nói lên hay hành động, an lạc tự nhiên bước theo sau, như bóng không rời hình. Bóng và hình không rời nhau, nhân quả đi liền vậy đó. Chúng ta muốn về Tây Phương Cực Lạc, khỏi về Biên Địa cũng vậy, đừng có nghi ngờ. Không nghi ngờ có hai nguyên nhân nghi ngờ, một là không hiểu Kinh Phật, không hiểu được Phật trí, không hiểu bốn trí là Thành Sở Tác Trí, Bình Đẳng Tánh Trí, Diệu Quán Sát Trí và Đại Viên Kính Trí.Vì không hiểu, cho nên rớt vào Biên Địa ráng chịu. Thứ hai là không nghe giáp Pháp nên nghi ngờ không biết mình có vãng sanh hay không. Cho nên cũng là do mình. Đây thực ra cũng tương đương với Kinh Hoa Nghiêm, ở phẩm 20 – Dạ Ma Trung Cung Kệ Tán, tức là Kệ Tán Thán Trong Cung Trời Dạ Ma, có bài kệ như sau:

Tâm như công họa sư

Năng họa chư thế gian

Ngũ ấm tất tùng sanh

Vô pháp nhi bất tạo

Nghĩa là :

Tâm như họa sĩ khéo. Có thể vẽ các thế gian, tức là thế gian này cũng như tâm mình vẽ ra thôi. Ngũ ấm tất tùng sanh tức là ngũ ấm từ thân thể chúng ta cũng từ đó mà sanh ra. Vô Pháp nhi bất tạo tức là không có Pháp gì mà không tạo. Tức là không có pháp gì mà không do tâm mình tạo hết. Cho nên cúng thí thực buối chiều là trích bài kệ trong Kinh Hoa Nghiêm.

 

Cũng như trong Phẩm Thăng Dạ Ma Thiên Cung Phẩm (tức là Phẩm Lên Cung Trời Dạ Ma), cũng như phẩm kia thôi mà Kinh khác, vì Kinh Hoa Nghiêm có 40, 60 và 80. Có bài kệ:

“Nhược nhân dục liễu tri

Tam thế nhất thiết Phật

Ưng quán Pháp giới tánh

Nhất thiết duy tâm tạo”

Dịch nghĩa:

Nếu người muốn biết rõ

Chư Phật cả ba đời

Nên quán tánh pháp giới

Tất cả do tâm tạo.

 

Tâm của mình rất là tuyệt vời. Quý vị thấy tâm mình tạo ra tất cả các Pháp, cho nên mọi khổ đau an vui do mình. Quý vị trách người ta là sai rồi. Mình học tới đây mà còn trách người ta đem đau khổ cho mình. Quý vị biết đau khổ hay không là do cảm nhận của mình thôi. Người ta chửi mình, nếu quý vị đổi tâm lại, ôi người ta đang giúp mình, thử mình nhẫn nhục Ba-la-mật, thì mình thấy bình thường mà, có sao đâu. Cho nên mình phải vui vì có người ra đề thi. Người ta chửi mình, mình nói ông đó là Bồ-tát, chồng mình là Bồ-tát, vợ mình là Bồ-tát, đang giúp mình tiêu nghiệp chướng. Mình vui quá, môi một câu chửi là tiêu nghiệp chướng, thấy vui chứ có tức gì đâu, đúng không quý vị. Nhất thiết Pháp từ tâm tưởng sanh. Nếu mình không hiểu, mình nói ông này chửi mình quá, bà này chửi mình quá. Nếu mình tức lên thì mình bị cảnh chuyển. Mình cảm thấy an lạc hay khổ đau là do mình. Và Thiên đường hay Địa ngục, Cực Lạc hay luân hồi đều do mình. Nhất thiết Pháp từ tâm tưởng sanh. Hôm nay chúng ta học hiểu tâm rồi, chúng ta biết tâm, hãy cố gắng làm lành, hãy cố gắng tâm tương ưng với tâm Phật. Tâm dẫn đầu các Pháp. Trong Kinh Vô Lượng Thọ nói tâm tự thú hướng, là do tâm dẫn hướng, thì chúng ta đừng để tâm dẫn chúng ta đi vào Địa ngục, đừng dẫn vào luân hồi, mà hãy dẫn về Tây Phương Cực Lạc. Cho nên học Kinh Vô Lượng Thọ rất là hay. Đây là Kinh Hoa Nghiêm, đâu có thiếu gì đâu.

Trong Duy Thức Học có nói năm tâm sở biến hành: xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư. Xúc là tiếp xúc. Tác ý là khởi ý niệm. Thọ là cảm nhận, ví dụ như quý vị có cảm nhận nóng lạnh, vui buồn. Tưởng là tưởng tượng, tư là tư duy. Năm tâm sở này gọi là năm tâm sở biến hành, có năng lực rất đặc biệt, là đi khắp tất cả. Thứ nhất khắp tất cả thời gian: quá khứ, hiện tại, tương lai. Năng lực của năm món tâm sở này, xúc là tiếp xúc, tác ý là khởi ý niệm, thọ là cảm nhận, tưởng là tưởng tượng, tư là tư duy, nó có thể đi khắp tất cả thời gian: quá khứ, hiện tại, vị lai. Tức là quý vị nghĩ về quá khứ, quý vị cảm thọ. Ví dụ có người bao nhiêu năm rồi, nhưng cứ nhớ lại mối tình xưa nên cảm thấy vui vẻ, hoặc là đau khổ. Đó là quý vị tưởng về quá khứ, lại có cảm thọ. Rồi có thể tưởng về tương lai. Mình tưởng vãng sanh như thế nào, vui vẻ, mai mốt đứng tự tại vãng sanh. Cho nên đi khắp tất cả thời. Rồi đi khắp tất cả không gian, là ba cõi chín địa. Ba cõi là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Dục giới là từ tầng trời thứ sáu cho đến Địa ngục. Sắc giới là tầng trời Sơ thiền đến tầng trời 24. Vô sắc giới là từ tầng trời 25 đến tầng trời cuối cùng. Nói chín địa cũng giống vậy, Dục giới là một địa, Sơ thiền là một địa, Nhị thiền là một địa, Tam thiền là một địa, Tứ thiền là một địa. Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ là bốn địa nữa.

Những tâm sở này hoạt động ở trong tất cả không gian. Không gian quy ra chỉ có bao nhiêu đó thôi quý vị. Thứ ba là đi khắp tất cả các tánh là thiện, ác và vô ký (không thiện, không ác). Đối với việc thiện, quý vị tiếp xúc được, cảm nhận được, quý vị cũng tưởng tượng được, tư duy được, hay tác ý được. Đối với việc ác cũng vậy, đối với vô ký (không thiện, không ác) cũng vậy. Ví dụ quý vị cầm ly trà lên uống, quý vị cũng có tiếp xúc, có tác ý: uống;có cảm thọ: ly trà này ngọt hay đắng, hương vị như thế nào; có tưởng tượng: cách trồng trà này như thế nào; có tư duy: đánh giá, kết luận trà ngon hay dở. Tức là thiện, ác, vô ký, ba tánh này đều có. Và cuối cùng là đặc biệt là đi hết tất cả thức,tám tâm vương đều đi theo, tức là liên quan, có liên hệ đế tám thức tâm vương. Sáu thức trước là nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, rồi thức Mạt-na và thức A-lại-da cũng liên quan. Đây là nguyên nhân chính để tạo nghiệp. Chúng ta tạo nghiệp là do xúc tác ý thọ tưởng tư. Từ lúc tiếp xúc, rồi tiếp theo là khởi tâm, rồi thọ là cảm nhận là ác hay thiện, vui hay buồn v.v… Ai xả thọ thì tốt, không vui không buồn. Phải tránh trường hợp đó. Chuyện không có gì tưởng cho nhiều, người ta không ác mà mình tưởng người ta ác. Người ta không xấu mà mình tưởng cho người ta xấu. Cho nên tạo nghiệp chính yếu là ở năm tâm sở biến hành này. Học Duy Thức, Bách Pháp Minh Môn Luận quý vị phải học như vậy, thì quý vị mới hành được.

 

(Trích trong bài giảng Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác – Biên Địa Nghi Thành – Đệ Tứ Thập– Buổi 2

Giảng giải: Thầy Thích Thiện Trang

Giảng ngày: 17.02.2022 – VLT 113

Phát trực tiếp trên Kênh YouTube Thích Thiện Trang (Link YouTube tại đây:

https://www.youtube.com/watch?v=0bY2esQaxz8) và mạng xã hội Facebook: Fanpage Thích Thiện Trang)

 

Trả lời 0