Responsive Menu
Add more content here...

Thế Nào Là Bác Địa Phàm Phu?

THẾ NÀO LÀ BÁT ĐỊA PHÀM PHU? (BÁT ĐỊA PHÀM PHU hay BÁC ĐỊA PHÀM PHU)
Chắc quý đồng tu hay nghe Hòa thượng Tịnh Không giảng từ này, nhưng Thiện Trang tin chắc rằng: nhiều người không hiểu hoặc hiểu không đúng bốn chữ “Bát Địa Phàm Phu” này. Thiện Trang trước kia vì hay nghe giảng pháp bằng mp3 trong thẻ nhớ và đọc các sách của những dịch giả trước ghi là “Bát”, nên cũng tưởng chữ “Bát” là “tám”, thành ra hiểu chưa đúng nghĩa của “Bát Địa Phàm Phu”. Gần đây, khi coi video Hòa thượng Tịnh Không giảng bằng Tiếng Hoa mới phát hiện, hóa ra “bác” đó là 博 (âm Bắc Kinh là: bó) trong từ Bác sĩ, chứ không phải chữ “bát” 八 (âm Bắc Kinh là: bā ) là số tám trong chữ “Bát địa”(địa vị thứ 8 trong 10 địa vị Bồ-tát ở Thập địa). Nên mới biết rõ ràng kiểu “trăm nghe chẳng bằng một thấy”, người ta nghe mà không thấy chữ thì hiểu sai là điều bình thường. Vì thế Thiện Trang sau khi tra từ điển cũng như tra cứu tài liệu, xin cung cấp cho quý vị tham khảo về thuật ngữ Phật học này như sau.
*Thứ nhất, theo nghĩa chữ để giải thích thì có 3 nghĩa như sau:
a.“Bác địa phàm phu” nghĩa là phàm phu ở địa vị hạ liệt thấp kém. Ý nghĩa này phù hợp trong nhiều tác phẩm như Tịnh Tâm Giới Quán Pháp của Luật sư Đạo Tuyên hay trong tác phẩm Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận của Sa-môn Truyền Đăng có nói: “Bồ-tát còn bị mê khi cách ấm, Tu-đà-hoàn còn bị muội khi vào thai, huống chi hàng bác địa phàm phu, đâu khỏi theo dòng luân chuyển”.
b. Lại theo Hán cổ thì chữ Bác 博 vốn có một nghĩa như chữ bác 薄 này, có ý là “bức”(tức là bức bách). Nên “Bác địa phàm phu” nghĩa là “phàm phu ở nơi bị nhiều sự bức bách bởi các điều khổ do các lậu hoặc (phiền não) gây ra”.
c. Ngoài ra chữ bác 博 có nghĩa là rộng nhiều, nên “Bác địa phàm phu” nghĩa là số phàm phu đông nhiều.
**Thứ hai, theo nghĩa lý trong Kinh, giáo lý Tịnh-độ tông đem phàm phu chia ra làm 3 địa vị lớn là: nội phàm; ngoại phàm; và bác địa 薄地 hay 博地(còn đọc là Bạc địa). Trong đó, Tam hiền ( Thập Trụ 十住, Thập Hạnh 十行 và Thập Hồi Hướng 十迴向) là nội phàm; Thập tín là ngoại phàm; thấp hơn là Bác địa.
***Thứ ba, đây là một trong (thập địa)10 địa chung của Tam thừa. Thập địa đó là: 乾慧地 Càn Huệ Địa, 性地 Tánh địa,八人地 Bát Nhân địa,見地 Kiến địa,薄地 Bác địa, 離欲地 Ly Dục địa,已作地 Dĩ Tác địa,辟支佛地 Bích-chi-phật địa、菩薩地 Bồ-tát địa, 佛地 Phật địa. Ở trong đó, người Tam thừa quán tư-hoặc tức không, phát lục vô-ngại-trí, đoạn trừ 6 phẩm trong 9 phẩm hoặc của dục giới, do đó dục hoặc (phiền não ham muốn) tao nhạt, nên xưng là Bác địa (có khi đọc là Bạc địa, nghĩa là phiền não nhẹ mỏng, chữ bác hay âm bạc có nghĩa là mỏng). Địa vị này tương đồng với quả Tư-đà-hàm của Tiểu thừa. (Trích từ Đại Trí Độ Luận – quyển 49 + quyển 65).
Như vậy, với những ý nghĩa trên, chúng ta có thể hiểu câu nói mà Hòa thượng Tịnh Không và chư Tổ sư nói: “chúng ta là Bác địa phàm phu”. Thì ý nghĩa đúng nhất chính là phiền não chúng ta quá nặng, sự khổ bức bách quá nhiều bởi do phiền não chúng ta, và hàng phàm phu như vậy quá đông. Ngoài ra các ý nghĩa thứ hai và thứ ba cũng đúng.
Cho nên tu các Pháp môn khác khó có phần giải thoát, chỉ có tu niệm Phật đới nghiệp vãng sanh là phù hợp nhất cho hàng phàm phu đầy phiền não nghiệp chướng đông đảo chúng ta.
*****Lưu ý quý vị là do nhiều dịch giả trước đây toàn dịch “Bát địa phàm phu” nên Thiện Trang cũng viết theo vậy. Thật ra phải là “Bác địa phàm phu” mới đúng ạ!
Hoan nghênh quý vị chia sẻ ủng hộ. Nam Mô A Mi Đà Phật.

Trả lời 0